Thực trạng tình hình tổ chức và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của



tải về 35.31 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích35.31 Kb.
#22943
Thực trạng tình hình tổ chức và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND; các giải pháp và kiến nghị đề xuất

để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan giúp việc HĐND



Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Vĩnh Long
Thực hiện Nghị quyết số 545/2007/NQ-UBTVQH12 ngày 11/12/2007 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (Nghị quyết 545) tháng 9 năm 2008, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Vĩnh Long được thành lập, trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND tỉnh. Sau 5 năm sát nhập và hoạt động, về cơ bản, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh thực hiện được chức năng nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, qua thực thực tế hoạt động đã phát sinh một số vướng mắc làm hạn chế đến hiệu quả hoạt động của Văn phòng. Tại Hội nghị này, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Vĩnh Long xin trao đổi với quý vị đại biểu về "Thực trạng tình hình tổ chức và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND; một số giải pháp và kiến nghị đề xuất để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan tham mưu, giúp việc HĐND".

Thực trạng về tình hình tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Vĩnh Long

Biên chế của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Vĩnh Long nằm trong tổng biên chế hành chính của tỉnh do Uỷ ban nhân dân tỉnh phân bổ sau khi thống nhất với Trưởng Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh. Theo đó, biên chế hiện nay có 28 người, trong đó có 05 biên chế hợp đồng theo Nghị định 68 và 03 biên chế sự nghiệp.

Lãnh đạo Văn phòng gồm có Chánh Văn phòng và 03 Phó Chánh Văn phòng, do Thường trực HĐND tỉnh thống nhất với Trưởng Đoàn ĐBQH bổ nhiệm. Chánh Văn phòng là người đứng đầu Văn phòng, điều hành công việc chung và chịu trách nhiệm trước Thường trực HĐND, Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Văn phòng; các Phó Chánh Văn phòng giúp Chánh Văn phòng thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công; Chánh Văn phòng đồng thời là chủ tài khoản của cơ quan về hoạt động của HĐND.

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Vĩnh Long có 04 phòng, với 24 biên chế, gồm: Phòng Công tác đại biểu Quốc hội (07 người); Phòng Công tác Hội đồng nhân dân (06 người); Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị (07 người); Phòng Thông tin - Dân nguyện (04 người). Mỗi Phòng có Trưởng phòng và 01 Phó phòng.

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Vĩnh Long có Quy chế hoạt động, trong đó chức năng, nhiệm vụ của từng cá nhân, tập thể được quy định rõ ràng. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Vĩnh Long thường xuyên giữ mối quan hệ công tác với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Uỷ ban nhân dân, Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các sở, ngành cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương để phối hợp phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND.

Thực hiện chức năng nhiệm vụ

Theo Nghị quyết số 545 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh là cơ quan giúp việc của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, có nhiệm vụ tham mưu và tổ chức phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH, Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND, Ban của HĐND và đại biểu HĐND cấp tỉnh. Trong tham mưu và tổ chức phục vụ, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Vĩnh Long thực hiện theo quy định của Nghị quyết 545. Ngoài một số nhiệm vụ do lãnh đạo Văn phòng trực tiếp phụ trách, các Phòng chức năng của Văn phòng được phân công nhiệm vụ như sau:

- Phòng Công tác đại biểu Quốc hội: Có nhiệm vụ giúp Chánh Văn phòng tham mưu, tổ chức phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH và đại biểu Quốc hội, theo quy định tại Khoản 1 và điểm a, e Khoản 3, Điều 2, Nghị quyết 545.

- Phòng Công tác Hội đồng nhân dân: Có nhiệm vụ giúp Chánh Văn phòng tham mưu, tổ chức phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh, theo quy định tại Khoản 2 và điểm a, e, Khoản 3, Điều 2, Nghị quyết 545.

- Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị: Có nhiệm vụ giúp Chánh Văn phòng tham mưu, tổ chức phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh, theo quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, khoản 3, Điều 2, Nghị quyết 545.

- Phòng Thông tin - Dân nguyện: Có nhiệm vụ giúp Chánh Văn phòng tham mưu, tổ chức phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh, theo quy định tại điểm d, đ Khoản 1 và điểm e, g, Khoản 2, Điều 2, Nghị quyết 545. Ngoài ra, Phòng còn có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền các hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, các nghị quyết của HĐND tỉnh; khai thác, xử lý, tổng hợp và cung cấp thông tin phục vụ hoạt động của đại biểu QH và đại biểu HĐND tỉnh; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thu thập, lưu trữ thông tin trên máy tính; quản trị mạng máy tính của cơ quan và Trang thông tin điện tử của HĐND; tham gia phục vụ hoạt động tại các kỳ họp Quốc hội, các kỳ họp HĐND tỉnh, các cuộc hội họp của Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh v.v...

Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ (2011-2016) đến nay, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã tổ thực hiện được một số nhiệm vụ cơ bản sau:

Tổ chức phục vụ hoạt động lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 31 dự án luật theo chương trình kế hoạch xây dựng pháp luật của Quốc hội và các dự thảo nghị quyết của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội; tổ chức phục vụ Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội tham dự 6 kỳ họp Quốc hội; tổ chức phục vụ 9 kỳ họp HĐND tỉnh, trong đó, phục vụ hoạt động thẩm tra các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án, để HĐND tỉnh ban hành 84 Nghị quyết.

Tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH về 7 chuyên đề với 14 cuộc; phối hợp với các cơ quan của Quốc hội thực hiện hoạt động giám sát trên địa bàn tỉnh. Tổ chức phục vụ hoạt động giám sát của HĐND, thường trực và các Ban của HĐND được 35 nội dung, với 172 cuộc khảo sát, giám sát.

Phục vụ hoạt động tiếp xúc cử tri với nhiều hình thức, nội dung phong phú. Đại biểu Quốc hội tiếp 38 cuộc với 4.842 lượt cử tri tham dự; đại biểu HĐND tỉnh tiếp 669 cuộc với 57.979 lượt cử tri tham dự. Phục vụ hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư được tiến hành thường xuyên, đều đặn theo kế hoạch đề ra. Đại biểu Quốc hội và Thường trực HĐND tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở được 67 cuộc có 369 lượt công dân dự.



Một số vướng mắc, hạn chế

Là cơ quan giúp việc của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, trong những năm qua, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Vĩnh Long đã cơ bản tổ chức thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình và đạt được những kết quả nhất định. Chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên đáng kể. Điều này cho thấy, mô hình tổ chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh theo Nghị quyết 545 là đúng đắn.

Tuy vậy, sau thời gian sát nhập và đi vào hoạt động, mô hình này bộc lộ một số mặt hạn chế ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng. Nguyên nhân là do cơ chế song trùng trực thuộc dẫn đến một số bất cập trong việc lãnh đạo, điều hành, quản lý và sử dụng nhân lực; điều hành, quản lý và sử dụng cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện hoạt động. Một cơ quan văn phòng có hai đầu mối lãnh đạo, hai đầu mối phục vụ, nhưng lại thiếu sự hướng dẫn cụ thể, kịp thời về phương thức lãnh đạo, phục vụ. Mặt khác, chế độ, chính sách thiếu đồng bộ; đội ngũ cán bộ, công chức hạn chế về số lượng và chất lượng, trong khi đó hoạt động của mỗi chuyên viên, mỗi Phòng mang tính riêng lẻ nên khó phát huy hết sức mạnh của tập thể v.v...

Từ việc tổ chức và hoạt động ở Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Vĩnh Long, xin được trao đổi với Hội nghị về một số bất cập như sau:

Qua 5 năm sát nhập thành Văn phòng chung, nhưng thực chất chỉ các hoạt động như: Sinh hoạt Đảng, sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể là chung còn lại các hoạt động khác đều riêng biệt. Cụ thể: Bộ phận giúp việc cho Đoàn ĐBQH và bộ phận giúp việc cho HĐND làm việc ở hai trụ sở riêng; kinh phí hoạt động từ hai nguồn ngân sách khác nhau; việc lãnh đạo, quản lý, điều hành nhân lực, cũng như quản lý điều hành cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện..., độc lập, tách bạch.

Về nhân sự: Lãnh đạo Đoàn ĐBQH và một Phó Chánh Văn phòng lãnh đạo, quản lý, điều hành trực tiếp bộ phận giúp việc của Đoàn ĐBQH, quyền hạn của Chánh Văn phòng đối với bộ phận này rất hạn chế. Tương tự, Thường trực HĐND, Chánh Văn phòng và hai Phó Chánh văn phòng lãnh đạo, quản lý, điều hành trực tiếp bộ phận giúp việc của HĐND. Phòng Hành chính - Tổ chức.

- Quản trị chủ yếu là phục vụ hoạt động của HĐND, vì đã có một bộ phận công chức, viên chức cơ cấu tương tự Phòng Hành chính - Quản trị trực tiếp phục vụ Đoàn ĐBQH; Phòng Thông tin - Dân nguyện cũng chủ yếu phục vụ hoạt động của HĐND.

Về công tác chuyên môn: Theo quy định của Nghị quyết 545, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh có Phòng Công tác ĐBQH giúp việc cho Đoàn ĐBQH và Phòng Công tác HĐND giúp việc cho HĐND. Qua thực tiễn, hiệu quả tham mưu và tổ chức phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND chưa cao.

Phòng Công tác đại biểu Quốc hội bố trí 2 - 3 chuyên viên, đều là cử nhân luật, trong khi đó, hoạt động của Đoàn ĐBQH liên quan đến nhiều lĩnh vực, gặp lĩnh vực "trái nghề" các chuyên viên này không thể làm tốt được. Tương tự, Thường trực HĐND tỉnh cũng thực hiện chức năng, nhiệm vụ ở nhiều lĩnh vực, trong khi đó Phòng Công tác HĐND chỉ bố trí 01 chuyên viên giúp việc nên không thể nào đáp ứng được. Trong phòng, mỗi chuyên viên phụ trách mỗi lĩnh vực khác nhau, hoạt động mang tính độc lập, riêng lẻ, không hợp tác được cùng ai. Ngay cả lãnh đạo Văn phòng, lãnh đạo phòng chỉ có chuyên môn ở một lĩnh vực nhất định nên không thể đi sâu sát công việc. Do hai phòng tham mưu độc lập nên các chuyên viên có cùng chuyên môn không có điều kiện hỗ trợ nhau. Với cơ cấu nhiệm vụ như hiện nay, không thể phát huy hết hiệu quả của đội ngũ tham mưu, giúp việc của Văn phòng.

Các giải pháp và đề xuất, kiến nghị nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan giúp việc HĐND

Xuất phát từ những hạn chế, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của Văn phòng như đã trình bày ở trên, qua trao đổi với lãnh đạo Văn phòng các tỉnh bạn, ý kiến cho rằng, mô hình Văn phòng ở nhiều tỉnh - thành như hiện nay hoạt động chưa hiệu quả, cần sớm có giải pháp điều chỉnh. Với thực trạng như hiện nay, theo tôi, điều quan trọng nhất là cần nhận thức đúng Nghị quyết 545; cần kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân lực của Văn phòng.



Trước tiên, cần có sự thống nhất giữa lãnh đạo Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh khi thực hiện Nghị quyết 545. Sự tồn tại Văn phòng chung phải thực chất. Cơ sở vật chất, con người, ý chí hành động là một thể thống nhất. Trên cơ sở đó, một cơ quan tham mưu, giúp việc chung đủ sức giúp Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh hoạt động hiệu quả.

Thứ hai, như ý kiến trao đổi với các tỉnh bạn, kể cả một số ý kiến đã đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua: "Để Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND hoạt động hiệu quả, tránh việc sáp nhập một cách cơ học như hiện nay, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về mặt tổ chức và hoạt động". Phòng Công tác HĐND và Phòng Công tác đại biểu Quốc hội không phục vụ "đa lĩnh vực" như hiện nay mà phải gắn với từng lĩnh vực chuyên môn, cụ thể như: Pháp chế, kinh tế - ngân sách, văn hóa - xã hội. Như vậy, tham mưu giúp việc cho Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh có 3 Phòng, mỗi Phòng phụ trách một lĩnh vực "chuyên sâu".

Thứ ba, bố trí đủ số lượng chuyên viên cho các Phòng để đủ sức hoạt động. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện công tác tuyển dụng công khai, minh bạch; có cơ chế khuyến khích tuyển dụng những người có trình độ năng lực, tâm huyết gắn bó với Văn phòng.

Thứ tư, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh với các cơ quan, tổ chức hữu quan, nhất là với Văn phòng Quốc hội và Ban Công tác đại biểu; tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng hoạt động cho cán bộ, công chức Văn phòng.

Thứ năm, xem xét lại mô hình Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện và cấp xã, thực tế hiện nay một số nơi phục vụ hoạt động của HĐND không hiệu quả. Văn phòng chung nhưng chủ yếu tập trung phục vụ hoạt động của UBND; số lượng, chất lượng chuyên viên phụ trách mảng HĐND quá mỏng nên công tác tham mưu, giúp việc rất hạn chế. Trước mắt, nên cơ cấu lại Văn phòng, tách bộ phận giúp việc cho HĐND riêng thành bộ phận chuyên trách, tinh gọn, hiệu quả, trong đó một Phó Văn phòng chuyên trách mảng này.

Thứ sáu, đối với Quốc hội, sớm xem xét sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức HĐND và UBND, trong đó, bổ sung phần nói về Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã.

tải về 35.31 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương