Thực hiện Nghị quyết số 23/2013/nq-hđnd ngày 12/12/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố về Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt các sông: Rế, Giá, Đa Độ, Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc



tải về 120.31 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích120.31 Kb.
#28380


ỦY BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG


Số: 254 /BC-UBND



CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc




Hải Phòng, ngày 24 tháng 11 năm 2015



BÁO CÁO

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 23/2013/NQ-HĐND

ngày 12/12/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt các sông: Rế, Giá, Đa Độ, Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc; hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng trên địa bàn

thành phố Hải Phòng giai đoạn 2013-2020

Thực hiện Nghị quyết số 23/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố về "Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt các sông: Rế, Giá, Đa Độ, Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc; hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2013-2020", Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng báo cáo kết quả thực hiện, nội dung cụ thể như sau:



I. CÁC HOẠT ĐỘNG ĐÃ TRIỂN KHAI

Để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố đã triển khai thực hiện các hoạt động như sau:

1. Ban hành Quyết định số 1095/QĐ-UBND ngày 29/5/2014 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 23/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được giao trong Kế hoạch bảo vệ nguồn nước ngọt các sông: Rế, Giá, Đa Độ, Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc; hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2013-2020, trong đó xác định rõ 07 nhiệm vụ chủ yếu và 20 nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực, chủ trì đôn đốc các Sở, ngành, địa phương đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch chi tiết của từng đơn vị để triển khai thực hiện Quyết định số 1095/QĐ-UBND ngày 29/5/2014 của UBND thành phố; định kỳ tổ chức các cuộc họp giao ban, kiểm điểm, đánh giá kết quả và tiến độ thực hiện từng chương trình, nhiệm vụ được UBND thành phố giao; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện của các đơn vị.

2. Ban hành Kế hoạch số 2617/KH-UBND ngày 21/4/2015 về kế hoạch cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố giai đoạn từ 2015 đến năm 2020. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị đối thoại với các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn thành phố nhằm giải đáp khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn việc thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, bảo vệ nguồn nước trên địa bàn thành phố nói chung, nguồn cung cấp nước ngọt nói riêng.

3. Trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua Nghị quyết số 33/2014/NQ-HĐND ngày 12/12/2014 về Quy hoạch tài nguyên nước thành phố Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Ban hành Quyết định số 1318/QĐ-UBND ngày 17/6/2015 về việc phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thành phố Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đã tổ chức công bố công khai quy hoạch này theo quy định của pháp luật về Tài nguyên nước.

II. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ, CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN, ĐỀ ÁN CỦA CÁC SỞ NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức về quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên nước cho cán bộ, công chức các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư

1.1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì cùng các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, tập huấn về quản lý và bảo vệ nguồn nước ngọt; Tổ chức kỷ niệm ngày nước thế giới (22/3), tổ chức Lễ Mít tinh kỷ niệm ngày lễ trên tại huyện An Lão năm 2014, tại huyện Vĩnh Bảo năm 2015; hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường hàng năm tại quận Đồ Sơn, thị trấn Cát Bà huyện Cát Hải và một số địa phương.

- Tổ chức 06 Hội nghị tuyên truyền pháp luật về tài nguyên nước và xin ý kiến (1.250 người) về nội dung dự thảo "Quy hoạch Tài nguyên nước thành phố Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" tại cộng đồng dân cư các quận/huyện: An Lão, An Dương, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, Tiên Lãng, Đồ Sơn; Tổ chức 04 Hội nghị tuyên truyền Nghị quyết số 23/NQ-HĐN ngày 12/12/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố tại các quận/huyện: Kiến An, Cát Hải, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo lồng ghép các nội dung về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước ngọt vào chương trình giảng dạy trong bài dạy các môn: Giáo dục Công dân, Địa lí, Sinh học, Hóa học; tổ chức cho học sinh, sinh viên diễu hành, đồng loạt ra quân vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ, hệ thống thoát nước khu vực xung quanh nhà trường.

1.2. Sở Ngoại vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn thế giới tổ chức thành công Hội thảo “Thúc đẩy lồng ghép nội dung ứng phó với Biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong trường học”.

1.3. Sở Thông tin và Truyền thông mở chuyên mục tuyên truyền về tài nguyên nước, đăng tải toàn văn Luật Tài nguyên nước năm 2012; Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước trên Báo Hải Phòng; Nghị quyết số 23/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố trên Cổng thông tin điện tử thành phố.

1.4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: tổ chức tuyên truyền sâu rộng Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; các Thông tư hướng dẫn thi hành và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố tới các tầng lớp nhân dân, các cá nhân, tập thể tham gia quản lý, hưởng lợi từ công trình thủy lợi, các đơn vị trên hệ thống phát thanh, đài truyền hình và báo chí. Phát động phong trào cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư thực hiện mỗi người là một chiến sĩ trong công tác quản lý bảo vệ công trình, bảo vệ nguồn nước.

Tập trung cho công tác tuyên truyền trong cộng đồng, các ban ngành đoàn thể trong công tác bảo vệ nguồn nước nhân dịp Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường hàng năm. Dựng biển pano quảng cáo bảo vệ nguồn nước để nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ công trình, bảo vệ nguồn nước tới các tầng lớp nhân dân. Hội cựu chiến binh huyện An Dương phát động phong trào bảo vệ nguồn nước, ký giao ước thi đua với Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi An Hải đăng ký tham gia bảo vệ nguồn nước sông Rế.

2. Tăng cường kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác và sử dụng nước đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Tập trung xử lý dứt điểm những vi phạm pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; không để các nguồn phát sinh gây ô nhiễm mới

2.1. Quan trắc, phân tích và lập báo cáo quan trắc môi trường chất lượng nguồn nước ngọt sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc và hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng giai đoạn 2014-215.

Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch quan trắc, phân tích và lập báo cáo quan trắc môi trường chất lượng nguồn nước ngọt sông Rế, Giá, Đa Độ, Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc, hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng, cụ thể: Vị trí quan trắc tại sông Giá (3 điểm), sông Rế (5 điểm), sông Đa Độ (5 điểm), sông Chanh Dương (4 điểm), kênh Hòn Ngọc (4 điểm), hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng (3 điểm). Tần suất quan trắc 04 lần/năm (sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ), 02 lần/năm (sông Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc, hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng).

Năm 2014 tiến hành 02 đợt quan trắc chất lượng nguồn nước trên 3 sông: Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc, hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng với tổng số điểm quan trắc là 11 điểm. Kết quả quan trắc khi so sánh với QCVN về chất lượng nước mặt cho thấy chất lượng nước trên các sông trên đều có dấu hiệu ô nhiễm về hữu cơ, dinh dưỡng, ngoài ra tại một số điểm còn có dấu hiệu ô nhiễm bởi kim loại nặng, phenol và vi sinh vật. Dấu hiệu ô hiễm tăng dần theo thứ tự: Kênh Hòn Ngọc, sông Chanh Dương, Hệ thống Trung thủy nông Tiên Lãng.

Năm 2015 thực hiện quan trắc chất lượng nguồn nước trên cả 6 sông: Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc, hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng, sông Rế, Giá, Đa độ với tổng số điểm quan trắc là 24 điểm. Kết quả quan trắc như sau: Đối với sông Giá, Rế, Đa Độ, khi so sánh với QCVN về chất lượng nước mặt cho thấy hầu hết các sông trên đều có dấu hiệu ô nhiễm bởi các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các đoạn sông qua các khu dân cư, ngoài ra, về cuối nguồn các sông trên còn có dấu hiệu của ô nhiễm bởi các chất hữu cơ và vi sinh vật. Dấu hiệu ô nhiễm tăng dần theo thứ tự: sông Giá, sông Đa Độ, sông Rế; Đối với sông Chanh Dương, Hòn Ngọc và hệ thống Trung thủy nông Tiên Lãng, khi so sánh với QCVN về chất lượng nước mặt cho thấy chất lượng nước trên các sông trên đều có dấu hiệu ô nhiễm cả về hữu cơ, dinh dưỡng, ngoài ra tại một số điểm còn có dấu hiệu ô nhiễm bởi kim loại nặng, phenol và vi sinh vật. Dấu hiệu ô nhiễm tăng dần theo thứ tự: Hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng, kênh Hòn Ngọc, sông Chanh Dương.

Việc thực hiện chương trình quan trắc chất lượng nước tại các sông chính cung cấp nước ngọt trên địa bàn thành phố đã giúp thu nhận được các thông tin, dữ liệu cơ bản về nguồn nước. Kết quả quan trắc trong năm đã sơ bộ phản ánh được chất lượng nước của các nguồn nước, kết quả thu được sẽ là cơ sở để theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng nguồn nước trong thời gian tới. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn chế nên chương trình quan trắc còn có nhiều bất cập: Tần suất quan trắc còn thưa, số điểm quan trắc và số mẫu phân tích trên mỗi điểm còn ít dẫn đến các đánh giá về chất lượng nước trên các sông này còn mang tính tức thời.

2.2. Kết quả giám sát chất lượng nước sạch.

Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng trong việc đảm bảo công tác giám sát chất lượng nước ăn uống và sinh hoạt. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Trung tâm Y tế dự phòng đã triển khai giám sát định kỳ, đột xuất chất lượng nước của 5 nhà máy nước đô thị và 100% trạm cấp nước nông thôn theo Thông tư 15/2006/BYT. Kết quả kiểm tra đều được thông báo cho các đơn vị và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, các Ban ngành liên quan; đối với các chỉ tiêu không đạt Đoàn kiểm tra có kiến nghị nhà máy nước, trạm cấp nước để có biện pháp xử lý, khắc phục.

Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng kết hợp với Trung tâm Y tế dự phòng hàng tháng kiểm tra vệ sinh đối với các nhà máy nước, giám sát chất lượng nước theo tần suất quy định, 100% số mẫu kiểm tra có các chỉ tiêu phân tích đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống-QCVN 01:2009/BYT; Nâng cao chất lượng nước sau xử lý (độ đục giảm từ 0,4 NTU xuống còn 0,3 NTU).

2.3. Kế hoạch cấp phép xả nước thải cho các tổ chức, doanh nghiệp xả thải vào nguồn nước sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc và hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng.

Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 2617/KH-UBND ngày 21/4/2015 về cấp phép xả nước thải vào nguồn nước cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố giai đoạn 2015-2020. Trong đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận, thẩm định và quản lý hồ sơ, giấy phép xả nước thải trực tiếp vào hệ thống các công trình thủy lợi: Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Thủy Nguyên, Đa Độ, An Hải, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận, thẩm định cấp giấy phép xả nước thải vào các nguồn nước còn lại (không phải là nguồn cung cấp nước ngọt cho thành phố). Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng lộ trình kiểm tra và cấp giấy phép cho các cơ sở hàng năm, phấn đấu đến năm 2020 trên 80% cơ sở thuộc đối tượng phải xin giấy phép được cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thẩm định trình Ủy ban nhân dân thành phố cấp phép cho 07 tổ chức, cá nhân xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi. Sở Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định trình Ủy ban nhân dân thành phố cấp phép cho 75 tổ chức, cá nhân xả nước thải vào các nguồn nước không phải là nguồn cung cấp nước ngọt cho thành phố.

2.4. Điều tra, thống kê, kiểm kê, lập danh mục tất cả các cơ sở phát sinh nước thải, các vị trí xả thải gây ô nhiễm.

Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường lập Đề án “Điều tra, thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước thành phố Hải Phòng” với mục tiêu: nhằm kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác và sử dụng nước bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Uỷ ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 2415/QĐ-UBND ngày 23/10/2015 thành lập Hội đồng thẩm định đề cương Đề án nêu trên. Hiện tại Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai các thủ tục tiếp theo theo đúng trình tự quy định.



2.5. Tập trung xử lý dứt điểm những vi phạm pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước, chặn đứng các nguồn phát sinh gây ô nhiễm mới.

a) Giải toả những điểm lấn chiếm hành lang bảo vệ nguồn nước tại chợ An Đồng, xã An Đồng, huyện An Dương: Huyện An Dương chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan tiến hành tháo dỡ, giải tỏa 29 trường hợp hộ gia đình lấn chiếm tại khu vực chợ An Đồng, hoàn thành ngày 12/01/2015, bàn giao mặt bằng để thi công gói thầu 27 và hoàn thành dự án An Kim Hải trong tháng 4 năm 2015, khắc phục đáng kể tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại cửa xả kênh An Kim Hải, sông Tam Bạc tại cầu An Dương.

b) Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường đặc biệt làng nghề Phù Lưu, phường Tràng Minh, quận Kiến An: Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 1354/QĐ-UBND ngày 27/6/2014 phê duyệt Dự án đầu tư khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề Tràng Minh giai đoạn 2012-2015, với tổng mức đầu tư là 120.172.000.000 đồng (Nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 1012-2015), góp phần cải thiện môi trường làng nghề Tràng Minh cũng như bảo vệ nguồn nước sinh hoạt của thành phố nói chung và sông Đa Độ nói riêng. Dự kiến Quý IV năm 2016 sẽ nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng.

Cụ thể: Gói thầu xây dựng trạm xử lý nước thải công suất 1.500 m3/ngày đêm, hệ thống thu gom nước thải và xây dựng hoàn trả 1.085,6 m đường giao thông; lắp đặt hệ thống điện, trạm biến áp và các thiết bị xử lý nước thải (Quyết định số 1215/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND quận Kiến An phê duyệt kết quả lựa chon nhà thầu với giá trị gói thầu là 69.808.204.000 đồng, thời gian thực hiện gói thầu là 402 ngày). Đến nay, Dự án đã hoàn thiện 10 gói thầu; 01 gói thầu không phải triển khai thực hiện; 02 gói thầu sẽ được triển khai thực hiện khi dự án hoàn thành; 02 gói thầu đang tiến hành thực hiện (Xây dựng trạm xử lý nước thải công suất 1500m3/ngày.đêm, hệ thống thu gom nước thải và xây dựng hoàn trả 1085,6m đường giao thông, lắp đặt hệ thống điện, trạm biến áp và các thiết bị xử lý nước thải); dự kiến Quý IV năm 2016 nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng.

c) Dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường Làng nghề đúc đồng tại xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên (giai đoạn I đã kết thúc), nay tiếp tục được đầu tư, Ủy ban nhân dân thành phố giao các ngành và Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên hoàn thiện thủ tục để trình phê duyệt dự án.

d) Các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi tổ chức giải tỏa những vi phạm lấn chiếm hành lang bảo vệ nguồn nước; phát quang rau bèo và vật cản trên kênh đảm bảo dòng chảy thông thoáng.



2.6. Xây dựng chương trình kiểm soát nguồn gây ô nhiễm nông nghiệp:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, các địa phương liên quan tổ chức lực lượng, thường xuyên kiểm tra phát hiện và ngăn chặn kịp thời những trường hợp lấn chiếm, vi phạm công trình và hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi. Phối hợp với chính quyền địa phương thiết lập các thủ tục cần thiết không để những vi phạm mới phát sinh.

Định kỳ kiểm tra chất lượng nguồn nước trong hệ thống có kế hoạch thay nước kịp thời chống ô nhiễm nguồn nước. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa các địa phương với các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi trong việc điều hành để chống ô nhiễm nguồn nước.

2.7. Cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước:

a) Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi An Hải:

- Công ty đã tranh thủ sự ủng hộ của UBND thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với nguồn tiền nước thô của công ty đầu tư, nâng cấp công trình để chuyển nguồn nước thải, nguồn nước sản xuất ra khỏi hệ thống, tiến hành cải tạo, nâng cấp, tu bổ một số công trình như nạo vét, đắp bờ, xây kè đá và cống điều tiết trên hệ thống kênh An Kim Hải. Cụ thể:

+ Năm 2014: Xây dựng 3 cống, đập điều tiết trên kênh trục, cống số 2 trên kênh Lê Xá, cống đập điều tiết trên kênh Tân Hưng Hồng và 24 cống điều tiết trên bờ kênh An Kim Hải với tổng kinh phí là 12,6 tỷ đồng; Nạo vét, đắp bờ kênh Đặng Quốc Hồng (có chiều dài 1.284m), kè mái bờ sông Rế (chiều dài 309m), xây kè kênh Đại Hưng (chiều dài 145m) với tổng kinh phí là 7,6 tỷ đồng.

+ Năm 2015: Đắp bờ, kè mái kênh An Kim Hải (sông Rế) với chiều dài là 500 m. Nạo vét, đắp bờ kênh Đặng Quốc Hồng, khối lượng đắp bờ là 10.457m3; Xây dựng 8 cống điều tiết trên bờ kênh An Kim Hải; Xây dựng 2 cống buy D1000 trên bờ kênh Đặng Quốc Hồng.

- Kết hợp với chính quyền các địa phương tiến hành cắm mốc chỉ giới bảo vệ kênh tại các tuyến kênh trục như An Kim Hải, Đại Hưng, Tân Hưng Hồng, Hòa Phong và các tuyến kênh cấp I sau trạm bơm điện. Tổng số mốc chỉ giới đã cắm là trên 3.500 mốc với kinh phí trên 2,6 tỷ đồng. Năm 2015 Công ty đã thực hiện cắm 318 mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước sông Rế trên địa bàn 9 xã, thị trấn thuộc huyện An Dương và 01 phường thuộc quận Hồng Bàng. Dự kiến tổng kinh phí đầu tư cắm mốc chỉ giới năm 2015 là trên 3,2 tỷ đồng.

b) Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Đa Độ:

- Nâng cấp, cải tạo đắp bờ 31/53 km bờ sông Đa Độ; khơi thông dòng chảy 170km, khoảng 100.887m3 mương máng trên địa bàn.

- Đã hoàn thành xong hồ sơ cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước trong quý III/2014. Ngày 17/9/2015, triển khai kế hoạch thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang công trình thủy lợi bảo vệ nguồn nước sông Đa Độ trên địa bàn huyện An Lão, dự kiến cắm tổng số 466 cọc mốc với tổng mức đầu tư là 2,7 tỷ đồng, dự kiến hết tháng 11/2015 hoàn thành.

- Các dự án đã và đang lập để trình UBND thành phố phê duyệt gồm: Dự án khắc phục tình trạng ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước sông Đa Độ khu vực quận Kiến An; Dự án khắc phục tình trạng ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước sông Đa Độ khu vực huyện An Lão; Dự án khắc phục tình trạng ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước sông Đa Độ khu vực quận Dương Kinh; Dự án cải tạo, nâng cấp, nạo vét lòng sông và toàn bộ hai bờ, đập điều tiết đầu kênh trên bờ Đa Độ.

c) Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Thuỷ Nguyên:

- Định kỳ tổ chức thay nước trong hệ thống để chống ô nhiễm nguồn nước bằng biện pháp điều hành các cống cuối hệ thống tháo nước, đồng thời các cống đầu nguồn lấy nước bổ sung nguồn nước sạch cho hệ thống theo định kỳ. Đầu tư nạo vét, tu bổ 13.183 m kênh mương các cấp. Nạo vét, cải tạo hệ thống kênh trục chính: kênh Thiên Lâm, Lâm Hoa, đắp áp trúc một số đoạn vỡ lở và xây bổ sung một số cống trên bờ kênh Hòn Ngọc.

- Năm 2009 Sông Hòn Ngọc đã được thành phố đầu tư cải tạo nâng cấp và cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ công trình. Công ty đã xây dựng Kế hoạch cắm mốc chỉ giới bảo vệ công trình Hồ Sông Giá và kênh Hòn Ngọc với tổng kinh phí dự kiến là 4,45 tỷ đồng.

d) Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Vĩnh Bảo đã xây dựng kế hoạch cắm mốc hành lang chỉ giới công trình thủy lợi, do nguồn kinh phí ngân sách còn hạn chế nên tiến độ triển khai còn chậm. Năm 2014, Công ty cải tạo, nạo vét, đắp bờ sông, kênh An Ninh I, An Ninh II, kênh Hòa Bình, kênh Chống Mỹ bảo vệ nguồn nước một số kênh Thiên Bồng, kênh An Hiệp, kênh Đông Am với kinh phí là 2,277 tỷ đồng; sửa chữa công trình đầu mối, thay thế cánh van kinh phí 2,45 tỷ đồng.

đ) Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Tiên Lãng đã thực hiện cắm mốc bảo vệ công trình thủy lợi đối với 27/31 khu vực cần cắm mốc bảo vệ, 04 khu vực còn lại sẽ được cắm mốc vào năm 2016.

Ủy ban nhân dân thành phố đang chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì lập danh sách, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước phải thực hiện việc cắm mốc; tên, địa giới hành chính của hồ, đoạn sông, kênh phải lập hành lang bảo vệ cũng như chức năng của hàng lang theo Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.



2.8. Rà soát, lập danh sách các nghĩa trang ở gần nguồn nước cấp:

Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 1980/QĐ-UBND ngày 05/12/2014 phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch nghĩa trang thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu nhằm xác định vị trí, quy mô nghĩa trang cấp 1,2,3 trên địa bàn thành phố, xác định nghĩa trang cần đóng cửa, di chuyển hoặc cải tạo mở rộng để tiếp tục sử dụng, làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, di chuyển, nâng cấp hệ thống nghĩa trang trên địa bàn thành phố. Sở Xây dựng đang tập trung nghiên cứu các đồ án quy hoạch này và dự kiến trình Ủy ban nhân dân thành phố vào tháng 12/2015. Sau khi quy hoạch này được phê duyệt, các ngành, địa phương liên quan sẽ có căn cứ để lập kế hoạch từng bước di dời các nghĩa trang ở gần nguồn nước cấp.



2.9. Các bệnh viện phải đầu tư, đưa vào sử dụng thiết bị xử lý nước thải bảo đảm nước thải của bệnh việc đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra ngoài môi trường:

Hiện tại thành phố đã có 15/37 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải y tế tập trung. Các bệnh viện và các cơ sở y tế còn lại vẫn chưa được đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.



2.10. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.

Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thanh, kiểm tra thường xuyên công tác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố; tổ chức thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở có hành vi gây ô nhiễm môi trường theo kiến nghị của các tổ chức, cá nhân. Năm 2014 đã tổ chức kiểm tra 252 cơ sở, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 35 doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên nước với tổng số tiền phạt là 1.481.250.000 đồng; Năm 2015, tiến hành thanh tra 10 cơ sở, kiểm tra 106 cơ sở về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước; ban hành 03 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 tổ chức vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường và tài nguyên nước với tổng số tiền xử phạt là 24 triệu đồng; đề nghị xử phạt 05 tổ chức vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường với tổ số tiền đề nghị xử phạt là 1.764.000.000 đồng.

Qua việc thanh kiểm tra cho thấy: (1) các doanh nghiệp kiến nghị gặp khó khăn trong việc lập hồ sơ xin cấp phép xả nước thải vào nguồn nước do hiện tại có 2 Sở nhận hồ sơ tùy thuộc vào nguồn tiếp nhận nước thải; (2) những doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép thì không thực hiện đúng các nội dung quy định trong Giấy phép; (3) tình trạng khai thác nước mặt, nước ngầm không phép diễn ra khá phổ biến.

2.11. Công tác thu thuế tài nguyên nước và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo Nghị định số 25/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ:

a) Công tác thu thuế tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước thiên nhiên: giao Cục Thuế thành phố thu năm 2014 được 31.475.710.000 đồng; 9 tháng đầu năm 2015 thu được 22.445.157.000 đồng.

b) Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải:

- Giao Sở Tài nguyên và Môi trường thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp: năm 2014 đã thu nộp ngân sách thành phố hơn 1,3 tỷ đồng; 9 tháng đầu năm 2015 thu được 915 triệu đồng.

- Giao Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt: năm 2014 thu được 69.565.700.000 đồng; 9 tháng đầu năm 2015 thu được 53.501.000.000 đồng.

c) Thu tiền khai thác nước mặt tại các công trình thủy lợi: Giao các Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi thu. Kết quả từ năm 2010 đến nay như sau:

- Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải: thu được trên 213 tỷ đồng.

- Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ: thu được trên 15 tỷ đồng.

- Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Thủy Nguyên: thu được gần 30 tỷ đồng.

- Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Vĩnh Bảo: thu được gần 3,3 tỷ đồng.

2.12. Xây dựng các trạm quan trắc cố định, quan trắc định kỳ, thường xuyên thông báo các thông tin, dữ liệu chính về chất lượng các sông cung cấp nguồn nước ngọt: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Công ty TNHHMTV khai thác công trình thủy lợi thực hiện trong thời gian tới.

3. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên nước; chủ động tham gia và thực hiện các cơ chế, chính sách kiểm soát ô nhiễm nguồn nước liên tỉnh, liên vùng

3.1. Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 1117/2015/QĐ-UBND ngày 22/5/2015 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường. Trong đó có nội dung thành lập mới Phòng Tài nguyên nước trên cơ sở chuyển giao nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước từ Chi cục Biển và Hải đảo về Phòng Tài nguyên nước. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Quyết định số 115/QĐ-STNMT ngày 01/6/2015 về việc thành lập Phòng Tài nguyên nước với 16 chức năng, nhiệm vụ về quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên nước trên địa bàn thành phố.

3.2. Thực hiện ý kiến Kết luận của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố tại Thông báo số 42/TB-HĐND ngày 29/4/2014 về việc triển khai lập, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phí, lệ phí, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án thu phí thẩm định hồ sơ, lệ phí cấp Giấy phép trong lĩnh vực tài nguyên nước trên địa bàn thành phố. Ủy ban nhân dân thành phố đã trình Hội đồng nhân dân thành phố dự thảo Nghị quyết về quy định mức thu, cơ chế quản lý và sử dụng phí thẩm định hồ sơ và lệ phí cấp giấy phép trong lĩnh vực tài nguyên nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng tại Tờ trình số 68/TTr-UBND ngày 21/10/2015.

3.3. Giao Sở Nội vụ lập Kế hoạch xây dựng quy chế đào tạo quản lý sử dụng nguồn nhân lực cho công tác quản lý tài nguyên nước từ cấp xã, phường, quận, huyện và thành phố.

3.4. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các thủ tục hành chính về lĩnh vực tài nguyên nước để đề xuất cắt giảm về thời gian, thành phần hồ sơ và chi phí tuân thủ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước ngọt theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.

4. Rà soát quy hoạch hệ thống các công trình thủy lợi, quy hoạch hệ thống thu gom, xử lý nước thải, tiến tới hạn chế và chấm dứt tình trạng nước thải, nước chảy tràn trên bề mặt đổ trực tiếp vào các nguồn nước trên địa bàn thành phố

4.1. Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết số 33/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 thông qua Quy hoạch tài nguyên nước thành phố Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 1318/QĐ-UBND ngày 17/6/2015 về việc phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thành phố Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị công bố và bàn giao Hồ sơ quy hoạch tới các Sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan để tổ chức thực hiện; chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông đăng tải trên cổng thông tin điện tử của thành phố toàn văn nội dung quy hoạch tài nguyên nước.

4.2. Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 2715/QĐ-UBND ngày 05/12/2014 phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 2718/QĐ-UBND ngày 05/12/2014 phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch thoát nước đô thị thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Sở Xây dựng đang nghiên cứu các đồ án quy hoạch này để trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, làm căn cứ cho các ngành, địa phương lập dự án thu gom, xử lý nước thải nhằm hạn chế tiến tới chấm dứt tình trạng xả thải chưa qua xử lý vào nguồn nước.

4.3. Xây dựng quy trình vận hành các hệ thống công trình thủy lợi: Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện, điều chỉnh bổ sung quy trình vận hành các hệ thống thủy lợi cho hệ thống công trình thủy lợi Đa Độ, An Kim Hải, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo và Thủy Nguyên; đơn vị thực hiện là các Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi.

 4.4. Nghiên cứu xâm nhập mặn vùng cửa sông Thái Bình: Đề tài Nghiên cứu ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến xâm nhập mặn vùng cửa sông Thái Bình đoạn từ ngã ba sông Mới đến biển, đề xuất các giải pháp thích ứng phục vụ tưới ổn định sản xuất cho hai huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo đang được Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện theo đúng tiến độ được phê duyệt. Đề tài tính đến thời điểm hiện nay đã hoàn thành được các nội dung công việc, các chuyên đề theo đúng tiến độ như trong đề cương và hợp đồng đã ký với Sở Khoa học và Công nghệ. Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt tại Quyết định số 792/QĐ-UBND ngày 17/4/2015 đề xuất giải pháp ngọt hoá tạo nguồn nước ngọt cho thành phố trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

4.5. Đề tài Điều tra, phân vừng thu gom, xử lý nước thải lưu vực sông Rế thành phố Hải Phòng: Nhằm mục tiêu hạn chế tiến tới chấm dứt tình trạng xả nước thải vào nguồn nước phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện Đề cương Đề tài để trình UBND thành phố phê duyệt kế hoạch năm 2015.



5. Xây dựng chương trình kiểm soát nguồn gây ô nhiễm phân tán trên địa bàn thành phố Hải Phòng

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều tra, khảo sát, khoanh vùng các khu vực có nguồn thải phân tán, đối tượng phát thải; lập phương án kiểm soát nguồn thải phân tán đối với từng đối tượng xả thải như: trồng cây trên các bãi lọc nhằm giảm vận tốc dòng chảy, tăng khả năng lắng cặn trên bãi; giảm xói mòn và sục cặn từ đáy; ngăn gió và tạo bóng, giảm sự phát triển của thực vật nổi; phân hủy các chất hữu cơ, loại bỏ Nitơ, Phốt pho và diệt vi trùng gây bệnh; duy trì hồ sinh học đã có, tạo mới các hồ trên cơ sở ao, hồ, đầm hiện có tạo điều kiện cho quá trình chuyển hóa các chất bẩn.



6. Về hợp tác quốc tế

Thành phố tiếp tục mở rộng, tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước. Thành phố đang hợp tác với thành phố Kitakyushu (Nhật Bản) xây dựng Quy hoạch tăng trưởng xanh thành phố Hải Phòng, tập trung vào các lĩnh vực: Xử lý rác thải, Năng lượng, Cấp thoát nước, Bảo vệ môi trường, Sản xuất sạch và Du lịch sinh thái đảo Cát Bà; hợp thác với thành phố Shiga (Nhật Bản) thực hiện dự án hỗ trợ xây dựng thể chế hợp tác hướng tới cải thiện môi trường nước đảo du lịch Cát Bà, huyện Cát Hải do JICA tài trợ. Tổ chức Peace Wind của Hoa Kỳ tài trợ Dự án “Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai giữa các thành phố kết nghĩa Việt Nam và Hoa Kỳ”, Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam triển khai dự án “Thành phố Hải Phòng tăng cường năng lực phòng chống biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai”; hợp tác với thành phố Ajaccio và Tổ chức AVEC thực hiện Dự án triển khai thí điểm phân loại rác đầu nguồn tại 03 phường thuộc quận Lê Chân.

Chủ động hợp tác quốc tế, áp dụng các công nghệ, giải pháp mới vào công tác quản lý, bảo vệ các nguồn nước, sản xuất và cung cấp nước nhằm đảm bảo khai thác bền vững, hợp lý và tiết kệm các nguồn nước. Áp dụng các công nghệ mới để phù hợp với các biến động về chất lượng của các nguồn nước: Công nghệ lọc tiếp xúc sinh học BCF (hợp tác với Cục Cấp thoát nước thành phố Kitakyusyu của Nhật Bản) tại Nhà máy nước Vĩnh Bảo (công suất 5000 m3/ngày đêm) và đang xúc tiến triển khai tại Nhà máy nước An Dương (công suất 100.000 m3/ngày đêm).

7. Về nguồn vốn thực hiện

Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết được bố trí bởi các nguồn: Sự nghiệp môi trường hàng năm, nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn từ chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RRC), nguồn chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiệm và cải thiện môi trường và các nguồn vốn hỗ trợ khác, cụ thể:

7.1. Nguồn vốn sự nghiệp môi trường: Năm 2014, ngân sách thành phố chi 150 triệu đồng phục vụ công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên nước trên địa bàn thành phố; 350 triệu đồng phục vụ quan trắc, phân tích và lập báo cáo quan trắc môi trường chất lượng nước ngọt các sông; 600 triệu đồng phục vụ xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2020 tầm nhìn 2030; Năm 2015, chi 250 triệu đồng tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên nước trên địa bàn thành phố; 350 triệu đồng để quan trắc, phân tích và lập báo cáo quan trắc môi trường chất lượng nước ngọt các sông; 500 triệu đồng cho Quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2020 tầm nhìn 2030.

7.2. Nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường:

- Dự án đầu tư khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề Tràng Minh, phường Tràng Minh, quận Kiến An: 120,172 tỷ đồng, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường: 93,4 tỷ đồng (78% tổng mức đầu tư); Nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của thành phố và ngân sách quận Kiến An: 26.772 triệu đồng (22% tổng mức đầu tư). Chủ đầu tư đang tiến hành giải phóng mặt bằng phục vụ thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2016; Dự án đã được bố trí năm 2014 là: 15 tỷ đồng và dự kiến năm 2015 bố trí 18,2 tỷ đồng.

- Dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường Làng nghề đúc đồng tại xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên (giai đoạn I đã kết thúc), nay tiếp tục được đầu tư, Ủy ban nhân dân thành phố giao các ngành và Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên hoàn thiện thủ tục để trình phê duyệt dự án.

7.3. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân phố đề xuất và được Trung ương bố trí kinh phí thực hiện 06 Chương trình dự án, trong đó có các dự án:

- Dự án Đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt, hệ thống thủy lợi phục vụ cấp nước cho đảo Bạch Long Vỹ (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư là 188 tỷ đồng, dự án đang được triển khai thực hiện.

- Dự án Đầu tư phục hồi và phát triển rừng phòng hộ ven biển thành phố Hải Phòng đã được bố trí kinh phí năm 2015 là 38 tỷ đồng.

- Dự án Trồng rừng phòng hộ phủ xanh đất trống, đồi trọc, thích ứng biến đổi khí hậu tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, đã được bố trí kinh phí là 5 tỷ đồng.

- Dự án Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề Tràng Minh, phường Tràng Minh, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng, đã được phê duyệt kinh phí là 120 tỷ đồng;

- Dự án Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề Mỹ Đồng, xã Mỹ Đồng, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng, đã được phê duyệt kinh phí là 120 tỷ đồng.



III. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ:

1. Ưu điểm:

Được sự quan tâm của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, sự giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự tích cực của các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước đặc biệt là triển khai các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 23/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Ý thức của cán bộ, công chức và người dân thành phố về bảo vệ nguồn nước ngọt được nâng lên rõ rệt. Công tác thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước đã được tăng cường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm. Nguồn thu từ tài nguyên nước đã được chú trọng (gồm thu tiền thuế khai thác nước thiên nhiên, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt; tiền thu từ việc bán nước thô cho các tổ chức, cá nhân khai thác nước mặt tại các các nguồn nước ngọt- công trình thủy lợi), tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố.

Trên địa bàn thành phố, nước sạch được cung cấp ổn định, chất lượng nước đảm bảo theo quy định, năng lực quản lý vận hành được nâng cao. Chất lượng nước cấp sau xử lý và nước trên mạng lưới cấp nước trên địa bàn thành phố đạt 100% số mẫu kiểm tra có các chỉ tiêu phân tích đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Đặc biệt đã huy động được sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm.

2. Tồn tại, khó khăn:

- Các đơn vị được giao nhiệm vụ nhưng chưa được bố trí nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 23/2013/NQ-HĐND nên việc triển khai rất khó khăn, chưa có cơ chế chính sách trong kết hợp giữa chính quyền và cộng đồng về khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên nước.

- Một bộ phận nhỏ người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn nước ngọt, cố tình cản trở, chống đối, không hợp tác với đơn vị chức năng thực hiện công tác giải tỏa làm chậm tiến độ thực hiện; tình trạng xả rác thải, nước thải vào nguồn nước vẫn có diễn ra tại nhiều nơi.

- Chế tài xử phạt đối với các hình thức vi phạm, lấn chiếm công trình thủy lợi, gây ô nhiễm nguồn nước chưa thực sự hiệu quả và đủ mạnh. Nhiều tổ chức, cá nhân vì lợi ích trước mắt vẫn cố tình vi phạm mà chưa bị xử lý thích đáng.

- Việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp nằm ngay tại đầu nguồn nước, (Cụm công nghiệp thuộc các phường Quán Toan, Hùng Vương quận Hồng Bàng; Cụm công nghiệp Cầu Vàng huyện An Lão; cụm Công nghiệp tại các xã Bắc Sơn, Nam Sơn huyện An Dương, Khu công nghiệp Thâm Việt An Dương..) chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên rất khó kiểm soát việc xả nước thải.

- Nguồn ô nhiễm do nước mưa tràn mặt (theo quy định không phải cấp phép xả thải nước mưa tràn mặt) chảy qua các khu công nghiệp, khu vực sản xuất kinh doanh mang theo nhiều chất thải nhưng chưa được xử lý chảy trực tiếp xuống các tuyến kênh cấp nước.

- Công tác thu tiền cấp quyền khai thác nước, thuế tài nguyên nước, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải chưa được thực sự có hiệu quả, việc đầu tư kinh phí cho bảo vệ nguồn nước chưa thực sự phù hợp.

IV. KẾ HOẠCH, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Kế hoạch thực hiện

1.1. Tiếp tục tuyên truyền, tập huấn, nâng cao ý thức trách nhiệm của các đơn vị doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước ngọt của thành phố.

1.2. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước ngọt. Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, kịp thời ngăn chặn các hoạt động xả thải trái phép và lấn chiếm công trình thủy lợi, hành lang bảo vệ nguồn nước, kịp thời xử lý những vi phạm.

1.3. Phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án xây dựng bộ cơ sở dữ liệu tài nguyên nước thành phố Hải Phòng.

1.4. Phê duyệt danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, cấp kinh phí thực hiện kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ theo kết quả rà soát, thống kê danh sách, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước phải thực hiện việc cắm mốc; tên, địa giới hành chính của hồ, đoạn sông, kênh phải lập hành lang bảo vệ cũng như chức năng của hàng lang theo Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ.

1.5. Tiếp tục lập triển khai quan trắc trên 6 sông; nâng tần suất quan trắc từ 2 đợt/năm lên 4 đợt/năm đối với sông Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc và hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng, đảm bảo có được 4 đợt quan trắc trên năm đối với tất cả các sông cấp nước ngọt chính trên địa bàn thành phố.

1.6. Ban hành kế hoạch cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước từng năm, từ năm 2016 đến năm 2020.

1.7. Phê duyệt quy hoạch thoát nước thải đô thị thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đảm bảo phát triển hệ thống thoát nước ổn định, bền vững trên cơ sở xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước thải từ thu gom, chuyển tải đến xử lý nước thải nhằm hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng xả thải chưa qua xử lý vào nguồn nước.

1.8. Triển khai xây dựng các trạm quan trắc tự động trên hệ thống các sông theo nội dung Nghị quyết.

1.9. Điều chỉnh quy hoạch tưới tiêu kết hợp với thoát nước thải công nghiệp, sinh hoạt theo hướng không xả nước thải vào nguồn nước.

1.10. Di dời các nghĩa trang ở gần nguồn nước cấp.

1.11. Phê duyệt Quy hoạch nghĩa trang thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 để triển khai các dự án di chuyển các nghĩa trang ảnh hưởng đến nguồn nước cấp của thành phố.

1.12. Tập trung, nâng cao năng lực thực hiện việc thu tiền cấp quyền khai thác nước, thuế tài nguyên nước, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo đúng quy định.

1.13. Tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, học tập kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật và tranh thủ các nguồn việc trợ của nước ngoài.

1.14. Các cơ quan được giao triển khai xây dựng công trình theo Quyết định số 1095/QĐ-UBND ngày 29/5/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố chủ động đề xuất chủ trương đầu tư gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giao lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, làm cơ sở để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình trong danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 1095/QĐ-UBND ngày 29/5/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Giải pháp:

2.1. Về cơ chế chính sách:

- Tổ chức triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước, các văn bản hướng dẫn thi hành, các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, Quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.

- Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ nguồn nước ngọt.

- Đẩy mạnh công tác kiển soát thủ tục hành chính, thường xuyên rà soát, đề xuất cắt giảm về thời gian, giấy tờ và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính; tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện việc xin cấp giấy phép về tài nguyên nước.

2.2. Về tổ chức bộ máy: Đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp xã đến cấp thành phố kiến thức chuyên sâu về công tác bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước.

2.3. Nâng cao hiệu quả áp dụng các công cụ trong quản lý tài nguyên nước:

- Nâng cao chất lượng thẩm định các hồ sơ xin cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, đặc biệt xả nước thải vào hệ thống các công trình thủy lợi và hệ thống các sông Rế, Giá, Đa Độ, Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc, hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng.

- Lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc khai thác, sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước của các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

2.4. Giải pháp về nguồn vốn: Bố trí vốn để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án và các kế hoạch nêu trên để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết.

Ủy ban nhân dân thành phố kính báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố./.



Nơi nhận:

- Bộ TNMT;

- TTTU, TTHĐND TP;

- CT, PCT HĐND TP;

- CT, các PCT UBND TP;

- Các Sở: TNMT, NNPTNT, KHĐT, TC;

- UBND các quận, huyện;

- Văn phòng ĐĐBQH&HĐND TP;

- CVP, các PCVP;

- CV: MT, NN;



- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

Đỗ Trung Thoại





tải về 120.31 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương