THỦ TƯỚng chính phủ Số: 192


Điều 39. Nội dung tham gia quản lý VINALINES của người lao động



tải về 371.24 Kb.
trang4/5
Chuyển đổi dữ liệu20.05.2018
Kích371.24 Kb.
#38745
1   2   3   4   5

Điều 39. Nội dung tham gia quản lý VINALINES của người lao động

1. Người lao động có quyền tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến trước khi cấp có thẩm quyền quyết định các vấn đề sau:

a) Phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch, biện pháp phát triển sản xuất, kinh doanh, tổ chức lại sản xuất của VINALINES;

b) Phương án cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu VINALINES;

c) Các nội quy, quy định, quy chế của VINALINES liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động;

d) Các biện pháp bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện làm việc, đời sống vật chất và tinh thần, vệ sinh môi trường, đào tạo và đào tạo lại người lao động của VINALINES;

đ) Bỏ phiếu thăm dò tín nhiệm đối với các chức danh là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng VINALINES khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

2. Thông qua Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu công nhân viên chức và tổ chức Công đoàn, người lao động có quyền thảo luận và biểu quyết quyết định các vấn đề sau:

a) Nội dung hoặc sửa đổi, bổ sung nội dung thỏa ước lao động tập thể để đại diện tập thể người lao động ký kết với Tổng giám đốc;

b) Quy chế sử dụng các quỹ phúc lợi, khen thưởng và các chỉ tiêu kế hoạch của VINALINES có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động phù hợp với quy định của Nhà nước;

c) Bầu Ban Thanh tra nhân dân; thông qua chương trình hoạt động và đánh giá kết quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

3. Tổ chức Công đoàn tại VINALINES giới thiệu 01 (một) đại diện có đủ tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại khoản 4 Điều 27 Điều lệ này tham gia vào Ban kiểm soát VINALINES để Hội đồng quản trị xem xét, quyết định.



Chương V
QUAN HỆ CỦA VINALINES VỚI ĐƠN VỊ PHỤ THUỘC,
ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP, CÔNG TY CON, CÔNG TY LIÊN KẾT


VÀ CÔNG TY TỰ NGUYỆN THAM GIA LIÊN KẾT VỚI VINALINES

Điều 40. Đơn vị phụ thuộc

1. VINALINES có các đơn vị phụ thuộc do Hội đồng quản trị VINALINES quyết định thành lập, tổ chức, giải thể, bao gồm: văn phòng đại diện, chi nhánh và các công ty hạch toán phụ thuộc; được tổ chức, quản lý theo quy định của VINALINES và quy định của pháp luật; hoạt động theo Điều lệ hoặc Quy chế của đơn vị do Tổng giám đốc trình Hội đồng quản trị phê duyệt.

2. Văn phòng đại diện của VINALINES được thành lập ở trong nước hoặc ở nước ngoài để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong phạm vi quy định của pháp luật; có nhiệm vụ đại diện theo uỷ quyền cho lợi ích của VINALINES và bảo vệ các lợi ích đó; có trụ sở, được mở tài khoản, có con dấu mang tên văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật có liên quan; có Quy chế tổ chức và hoạt động theo quy định của VINALINES.

3. Chi nhánh của VINALINES được thành lập ở trong nước hoặc ở nước ngoài để thực hiện các hoạt động thương mại, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của VINALINES, kể cả chức năng đại diện theo uỷ quyền; có ngành, nghề kinh doanh phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của VINALINES; có Điều lệ tổ chức và hoạt động theo quy định của VINALINES; tổ chức hạch toán kinh doanh theo phân cấp của VINALINES và theo quy định của pháp luật.

4. Công ty hạch toán phụ thuộc của VINALINES được thành lập để thực hiện các hoạt động kinh doanh theo phân cấp của VINALINES; có tên gọi, trụ sở, con dấu và tài khoản riêng; có Điều lệ tổ chức và hoạt động theo quy định của VINALINES; tổ chức hạch toán kinh doanh theo phân cấp của VINALINES và theo quy định của pháp luật. Đơn vị hạch toán phụ thuộc VINALINES có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm như sau:

a) Được giao quản lý, sử dụng vốn, tài sản và các nguồn lực khác để kinh doanh; có quyền tự chủ kinh doanh theo phân cấp của VINALINES; chịu sự ràng buộc về nghĩa vụ và quyền lợi đối với VINALINES; VINALINES chịu trách nhiệm cuối cùng về các nghĩa vụ tài chính phát sinh đối với các cam kết của đơn vị;

b) Được ký kết các hợp đồng kinh tế, được chủ động thực hiện các hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính, hoạt động đầu tư không trái với sự phân cấp, uỷ quyền của VINALINES và quy định của pháp luật; được tổ chức hạch toán phụ thuộc và lập các quỹ theo quy định của VINALINES và theo quy định của pháp luật; tổ chức và nhân sự theo phân cấp của VINALINES quy định trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của đơn vị;

c) Có trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ do VINALINES giao và thực hiện nghĩa vụ với VINALINES theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của đơn vị; chấp hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của đơn vị, Điều lệ của VINALINES và pháp luật của Nhà nước;

d) Các quyền và nghĩa vụ khác theo sự phân cấp, uỷ quyền của VINALINES và quy định của pháp luật.



Điều 41. Đơn vị sự nghiệp

1. Đơn vị sự nghiệp hoạt động theo chế độ Nhà nước quy định và Quy chế do Tổng giám đốc trình Hội đồng quản trị phê duyệt.

2. Đơn vị sự nghiệp được VINALINES đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, cấp kinh phí sự nghiệp nằm trong chi phí chung của VINALINES và được tổ chức thực hiện chế độ lấy thu bù chi; thực hiện chế độ phân cấp hạch toán do VINALINES quy định; được tạo nguồn thu từ việc thực hiện các nhiệm vụ do VINALINES giao, thực hiện các hợp đồng cung cấp dịch vụ, nghiên cứu khoa học và đào tạo, chuyển giao công nghệ với các đơn vị trong và ngoài VINALINES; được hưởng quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi theo chế độ; được VINALINES quyết định những vấn đề khác liên quan trực tiếp đến sự ổn định và phát triển của đơn vị sự nghiệp.

Điều 42. Công ty thành viên hạch toán độc lập

1. Công ty thành viên hạch toán độc lập (trong khi chưa thực hiện cổ phần hoá, chuyển đổi sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên) được tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan. Chịu sự kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của VINALINES.

2. Hội đồng quản trị VINALINES là chủ sở hữu nhà nước đối với công ty. Hội đồng quản trị thực hiện các quyền và nghĩa vụ sau đây đối với công ty thành viên hạch toán độc lập:

a) Quyết định chiến lược phát triển, cơ cấu tổ chức quản lý của công ty; phê duyệt Điều lệ và sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty theo đề nghị của Giám đốc công ty;

b) Thông qua để Tổng giám đốc VINALINES bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, quyết định mức tiền lương, tiền thưởng và các lợi ích khác đối với Giám đốc và Kế toán trưởng công ty;

c) Quyết định các dự án đầu tư, hợp đồng mua, bán, vay, cho vay vượt quá mức phân cấp cho Giám đốc công ty theo Quy chế quản lý tài chính của VINALINES và quy định của pháp luật;

d) Tổ chức giám sát, theo dõi và đánh giá hoạt động kinh doanh, hoạt động quản lý theo điều lệ của công ty;

đ) Thông qua báo cáo tài chính hàng năm và quyết định phương án sử dụng lợi nhuận hoặc xử lý lỗ của công ty;

e) Quyết định các hình thức và biện pháp tổ chức lại công ty;

g) Thực hiện các quyền khác quy định tại Điều lệ công ty và quy định của pháp luật.



Điều 43. Công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

1. Công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, quy định của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Hội đồng quản trị VINALINES là đại diện chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do VINALINES sở hữu 100% vốn điều lệ, thực hiện các quyền và nghĩa vụ sau đây đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên:

a) Phê duyệt điều lệ công ty khi thành lập; quyết định sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;

b) Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hàng năm của công ty;

c) Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, quyết định mức lương, tiền thưởng và các lợi ích khác của Chủ tịch, thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty và các Kiểm soát viên của công ty theo đề nghị của Tổng giám đốc VINALINES;

d) Quyết định các dự án đầu tư có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty;

đ) Quyết định tăng vốn điều lệ của công ty; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ công ty cho tổ chức, cá nhân khác. Việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty;

e) Quyết định các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ;

g) Quyết định bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty, trừ những tài sản theo quy định của Chính phủ;

h) Quyết định thành lập công ty con của công ty, việc công ty góp vốn vào công ty khác;

i) Thông qua hợp đồng vay, cho vay và các hợp đồng khác do điều lệ công ty quy định có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc tỷ lệ khác nhỏ hơn được quy định tại điều lệ công ty;

k) Phân cấp cho Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, quyết định lương, thưởng và lợi ích khác đối với Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng công ty sau khi được VINALINES chấp thuận phù hợp với quy định của Điều lệ này và quy định của pháp luật;

l) Tổ chức giám sát, theo dõi và đánh giá hoạt động kinh doanh của công ty, hoạt động quản lý của Hội đồng thành viên hoặc của Chủ tịch công ty theo Điều lệ của công ty;

m) Quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty;

n) Thu hồi toàn bộ giá trị tài sản của công ty sau khi công ty hoàn thành giải thể hoặc phá sản;

o) Đầu tư vốn đúng cam kết; chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty; trường hợp không đầu tư đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty;

p) Tuân thủ điều lệ công ty; các quy định của pháp luật về hợp đồng và pháp luật có liên quan trong việc mua, bán, vay, cho vay, thuê, cho thuê và các giao dịch khác giữa công ty và VINALINES;

q) Thông qua báo cáo tài chính hàng năm và quyết định phương án sử dụng lợi nhuận hoặc xử lý lỗ của công ty theo văn bản trình của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;

r) Xác định và tách biệt tài sản của VINALINES và tài sản của công ty;

s) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Khi có yêu cầu của Tổng giám đốc VINALINES, người đại diện theo pháp luật của công ty phải cung cấp các thông tin cần thiết để lập báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tổng hợp của tổ hợp.



Điều 44. Công ty con là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty liên doanh và công ty ở nước ngoài

1. Công ty con là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty ở nước ngoài có cổ phần, vốn góp chi phối của VINALINES, được thành lập, tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, pháp luật nước ngoài và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. VINALINES thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cổ đông, thành viên, bên liên doanh, bên góp vốn chi phối theo quy định của pháp luật và Điều lệ của công ty con đó.

3. VINALINES trực tiếp quản lý cổ phần, vốn góp chi phối ở công ty con thông qua người đại diện phần vốn góp của VINALINES tại công ty đó.

4. VINALINES có quyền và nghĩa vụ chủ yếu sau:

a) Cử, bãi miễn, khen thưởng, kỷ luật, quyết định phụ cấp và lợi ích của người đại diện phần vốn góp;

b) Yêu cầu người đại diện phần vốn góp báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và các nội dung khác của công ty con;

c) Giao nhiệm vụ và yêu cầu người đại diện phần vốn góp xin ý kiến về những vấn đề quan trọng theo quy định tại quy chế quản lý vốn góp của VINALINES ở doanh nghiệp khác do Hội đồng quản trị VINALINES ban hành trước khi biểu quyết tại công ty con; báo cáo việc sử dụng cổ phần, vốn góp chi phối để phục vụ định hướng phát triển và mục tiêu của VINALINES;

d) Thu lợi tức và chịu rủi ro từ phần vốn góp của mình tại các công ty con;

đ) Giám sát, kiểm tra việc sử dụng phần vốn đã góp vào các công ty con;

e) Chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển phần vốn đã góp vào các công ty con;

g) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.



Điều 45. Công ty liên kết

1. Công ty liên kết được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định pháp luật tương ứng với hình thức pháp lý của công ty đó.

2. VINALINES cử người đại diện quản lý phần vốn góp của mình tại các công ty này để thực hiện các quyền hạn và nghĩa vụ của cổ đông, thành viên góp vốn, bên liên doanh theo quy định của pháp luật và điều lệ của công ty đó hoặc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo hợp đồng liên kết.

Điều 46. Công ty tự nguyện tham gia liên kết với VINALINES

Công ty tự nguyện tham gia liên kết với VINALINES được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định pháp luật, không có cổ phần, vốn góp của VINALINES, chịu sự ràng buộc về quyền và nghĩa vụ với VINALINES theo hợp đồng liên kết hoặc theo thoả thuận giữa công ty đó với VINALINES.



Điều 47. Tiêu chuẩn, điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người đại diện phần vốn góp của VINALINES

1. Người đại diện phần vốn góp của VINALINES phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:



a) Là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, là người của VINALINES;

b) Có sức khoẻ, phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, liêm khiết;

c) Hiểu biết pháp luật, có ý thức chấp hành pháp luật;

d) Có trình độ đại học về kinh tế, tài chính, kế toán hoặc trong lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư của VINALINES; có năng lực kinh doanh và tổ chức quản lý doanh nghiệp. Người đại diện phần vốn góp của VINALINES tại các công ty liên doanh với nước ngoài phải có thêm trình độ ngoại ngữ đủ để làm việc với người nước ngoài trong liên doanh không cần phiên dịch;

đ) Không là bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của những người là đại diện chủ sở hữu, người trong Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc, Kế toán trưởng của doanh nghiệp có vốn đầu tư của VINALINES mà người đó được giao làm đại diện phần vốn góp của VINALINES; không có quan hệ (với tư cách cá nhân) góp vốn thành lập doanh nghiệp, cho vay vốn, ký kết hợp đồng mua, bán với doanh nghiệp có vốn đầu tư của VINALINES mà người đó được giao đại diện phần vốn góp, trừ trường hợp có cổ phần tại doanh nghiệp được cổ phần hoá.

2. Người đại diện phần vốn góp của VINALINES tại công ty con, công ty liên kết được đề cử hoặc tham gia ứng cử vào Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Giám đốc của doanh nghiệp đó phải có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của pháp luật và điều lệ của doanh nghiệp đó.

3. Người đại diện phần vốn góp của VINALINES tại các doanh nghiệp có vốn của VINALINES có các quyền và nghĩa vụ sau:

a) Đại diện cho VINALINES thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cổ đông, thành viên góp vốn, bên liên doanh tại các công ty con, công ty liên kết. Sử dụng quyền của người có cổ phần, vốn góp chi phối để định hướng công ty con thực hiện chiến lược, mục tiêu của VINALINES;

b) Tham gia ứng cử vào bộ máy quản lý, điều hành của công ty có vốn góp của VINALINES theo quy định của điều lệ công ty đó;

c) Theo dõi, giám sát tình hình tài chính và kết quả sản xuất, kinh doanh của công ty có vốn góp của VINALINES;

d) Thực hiện báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc VINALINES về tình hình tài chính, kết quả sản xuất, kinh doanh của công ty có vốn góp của VINALINES; về hiệu quả sử dụng phần vốn góp của VINALINES và việc thực hiện các nhiệm vụ khác do Hội đồng quản trị VINALINES giao;

đ) Xin ý kiến Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc VINALINES trước khi tham gia biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông, tại cuộc họp Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên của công ty con, công ty liên kết về: phương hướng, chiến lược, kế hoạch kinh doanh; kế hoạch đầu tư, dự án đầu tư; sửa đổi, bổ sung điều lệ; tăng, giảm vốn điều lệ; chia lợi tức; bán tài sản có giá trị lớn và các vấn đề quan trọng khác. Trường hợp nhiều người được giao trực tiếp quản lý phần vốn góp cùng tham gia Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban Giám đốc của công ty con, công ty liên kết thì phải cùng nhau bàn bạc và thống nhất ý kiến khi phát biểu và biểu quyết, nếu không thống nhất ý kiến phải báo cáo VINALINES để chỉ đạo;

e) Chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị VINALINES về quản lý phần vốn góp, hiệu quả sử dụng phần vốn góp của VINALINES tại các công ty con, công ty liên kết mà mình được giao trực tiếp quản lý. Trường hợp không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định, thiếu trách nhiệm, lợi dụng quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và VINALINES thì phải chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định của pháp luật và Quy chế quản lý tài chính của VINALINES;

g) Có các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định tại các Quy chế và Điều lệ VINALINES và quy định của pháp luật;

h) Người đại diện phần vốn góp của VINALINES hưởng chế độ lương, thưởng hoặc thù lao, phụ cấp trách nhiệm và các lợi ích khác theo quyết định của Hội đồng quản trị VINALINES phù hợp với các quy định của pháp luật.

Chương VI
CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG TÀI CHÍNH


Điều 48. Điều chỉnh vốn điều lệ của VINALINES

1. Trong quá trình hoạt động, vốn điều lệ của VINALINES có thể tăng lên từ các nguồn sau:

a) Lợi nhuận sau thuế bổ sung vào vốn điều lệ, kể cả lợi nhuận sau thuế của các công ty con do VINALINES sở hữu 100% vốn điều lệ và cổ tức được chia từ các doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của VINALINES;

b) Vốn do chủ sở hữu nhà nước bổ sung cho VINALINES từ ngân sách nhà nước hoặc nguồn khác;

c) Chủ sở hữu nhà nước giao hoặc ủy quyền cho VINALINES thực hiện chức năng chủ sở hữu một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của một doanh nghiệp khác tham gia làm đơn vị thành viên của VINALINES.

2. Việc điều chỉnh tăng hay giảm vốn điều lệ của VINALINES do Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc uỷ quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định theo đề nghị của Hội đồng quản trị.

3. Mọi trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ, VINALINES phải tiến hành điều chỉnh kịp thời trong bảng cân đối kế toán, công bố vốn điều lệ và làm thủ tục điều chỉnh vốn điều lệ trong Điều lệ này.

4. Chủ sở hữu nhà nước chỉ được rút vốn đã đầu tư tại VINALINES khi tổ chức lại VINALINES hoặc điều chỉnh giảm vốn điều lệ của VINALINES. Việc rút vốn chỉ được thực hiện nếu vẫn đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ phải trả của VINALINES.

5. Đối với vốn chủ sở hữu nhà nước đã cam kết bổ sung cho VINALINES thì chủ sở hữu nhà nước có trách nhiệm đầu tư đủ vốn theo đúng thời hạn đã cam kết. Trường hợp sau 02 (hai) năm chủ sở hữu nhà nước không đầu tư đầy đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì chủ sở hữu nhà nước phải điều chỉnh vốn điều lệ của VINALINES.

Điều 49. Quản lý vốn, tài sản, doanh thu, chi phí, giá thành và phân phối lợi nhuận của VINALINES

1. Việc quản lý vốn, tài sản, doanh thu, chi phí, giá thành và phân phối lợi nhuận của VINALINES thực hiện theo Quy chế quản lý tài chính của VINALINES.

2. Nội dung Quy chế quản lý tài chính của VINALINES được xây dựng dựa trên các nguyên tắc quản lý tài chính công ty nhà nước theo quy định của Nhà nước. Quy chế quản lý tài chính tối thiểu phải gồm những nội dung chủ yếu sau:

a) Cơ chế quản lý vốn và tài sản của VINALINES;

b) Cơ chế quản lý doanh thu, chi phí, giá thành của VINALINES, trong đó quy định cụ thể thẩm quyền Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc trong việc quyết định giá mua, giá bán sản phẩm, dịch vụ của VINALINES; quyết định việc mua trái phiếu, tín phiếu; quyết định mức chi phí giao dịch, môi giới, quảng cáo, tiếp khách, mức thu phí bản quyền, mức chi phí tiếp thị khuyến mại, hội họp, mức trích khấu hao tài sản cố định không thấp hơn mức tối thiểu do Bộ Tài chính quy định;

c) Cơ chế quản lý kết quả hoạt động kinh doanh, phân phối lợi nhuận, các quỹ và mục đích sử dụng các quỹ của VINALINES;

d) Mối quan hệ về tài chính giữa VINALINES với các công ty con và công ty liên kết.

Điều 50. Kế hoạch tài chính, kế toán, kiểm toán

1. Năm tài chính của VINALINES bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 dương lịch và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 dương lịch cùng năm.

2. Trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, Tổng giám đốc trình Hội đồng quản trị phê duyệt kế hoạch kinh doanh, kế hoạch đầu tư, kế hoạch tài chính cho năm sau của VINALINES, của tổ hợp công ty mẹ - công ty con, công ty liên kết. Hội đồng quản trị có trách nhiệm báo cáo chủ sở hữu nhà nước kế hoạch kinh doanh, kế hoạch đầu tư, kế hoạch tài chính hàng năm của VINALINES làm căn cứ để giám sát và đánh giá kết quả quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc.

3. Trong vòng 90 (chín mươi) ngày sau khi kết thúc năm và 45 (bốn mươi lăm) ngày sau khi kết thúc quý, Tổng giám đốc phải trình Hội đồng quản trị báo cáo tài chính trong kỳ báo cáo của VINALINES và báo cáo hợp nhất của tổ hợp công ty mẹ - công ty con. Hội đồng quản trị có nhiệm vụ thông qua các báo cáo tài chính, chịu trách nhiệm về tính trung thực của số liệu báo cáo tài chính và gửi đến các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.

4. VINALINES thực hiện công tác kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật. Mục tiêu kiểm toán nội bộ nhằm phục vụ cho công tác điều hành của Tổng giám đốc và công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát của Hội đồng quản trị.

5. VINALINES thực hiện công khai tình hình tài chính theo quy chế dân chủ ở cơ sở và quy định của Nhà nước.

6. VINALINES chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan tài chính có thẩm quyền đối với công tác tài chính của VINALINES theo quy định của pháp luật.

Chương VII
TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ, PHÁ SẢN VINALINES


Điều 51. Tổ chức lại VINALINES

1. Việc tổ chức lại, hình thức tổ chức lại VINALINES do Thủ tướng Chính phủ quyết định. VINALINES thực hiện tổ chức lại theo trình tự, thủ tục của pháp luật.

2. Khi được tổ chức lại, VINALINES có nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật.



Điều 52. Chuyển đổi sở hữu VINALINES

Khi có quyết định chuyển đổi sở hữu, VINALINES tiến hành chuyển đổi theo trình tự, thủ tục của pháp luật về chuyển đổi sở hữu.



Điều 53. Giải thể VINALINES

1. VINALINES bị giải thể trong các trường hợp sau:

a) VINALINES kinh doanh thua lỗ kéo dài nhưng chưa lâm vào tình trạng phá sản;

b) VINALINES không thực hiện được các nhiệm vụ do Nhà nước quy định sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết;

c) Việc tiếp tục duy trì VINALINES là không cần thiết.

2. VINALINES thực hiện việc giải thể theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.



Điều 54. Phá sản VINALINES

Khi chủ nợ có yêu cầu thanh toán nợ đến hạn mà VINALINES lâm vào tình trạng không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn, thì Tổng giám đốc VINALINES phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với VINALINES. VINALINES tiến hành các thủ tục phá sản theo quy định của Luật Phá sản.



Chương VIII
SỔ SÁCH VÀ HỒ SƠ VINALINES


Điều 55. Sổ sách, hồ sơ của VINALINES và quyền tiếp cận

1. Định kỳ hàng năm, Hội đồng quản trị có trách nhiệm gửi cho đại diện chủ sở hữu nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan những tài liệu theo quy định hiện hành.

2. Trong trường hợp đột xuất, chủ sở hữu có quyền yêu cầu bằng văn bản Hội đồng quản trị cung cấp bất kỳ hồ sơ, tài liệu nào liên quan đến việc tổ chức thực hiện quyền của chủ sở hữu quy định tại Điều lệ này.

3. Tổng giám đốc có trách nhiệm tổ chức chuẩn bị và báo cáo để Hội đồng quản trị cung cấp hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của chủ sở hữu.

Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị được Tổng giám đốc cung cấp hồ sơ, tài liệu chuẩn bị cho các cuộc họp thường kỳ của Hội đồng quản trị. Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị có quyền yêu cầu Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, các cán bộ quản lý của VINALINES cung cấp mọi hồ sơ, tài liệu liên quan đến tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng quản trị.

4. Việc quản lý hồ sơ, tài liệu thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Tổng giám đốc là người chịu trách nhiệm tổ chức việc lưu giữ và bảo mật hồ sơ, tài liệu của VINALINES.

5. Người lao động trong VINALINES có quyền tìm hiểu thông tin về VINALINES thông qua Đại hội công nhân viên chức, Ban Thanh tra nhân dân.



tải về 371.24 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương