Tcvn tiêu chuẩn quốc gia tcvn 9902 : 2013 Xuất bản lần 1 CÔng trình thủy lợi yêu cầu thiết kế ĐÊ SÔNG



tải về 0.74 Mb.
trang7/7
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích0.74 Mb.
#27936
1   2   3   4   5   6   7

D.1.2 Sau khi mùa lũ kết thúc, tại các khu vực đã xảy ra sự cố đều phải khảo sát và tính toán thiết kế gia cố lại để bảo đảm an toàn cho công trình đê điều phù hợp với cấp công trình.

D.2 Xử lý sạt lở mái đê phía sông

D.2.1 Trường hợp mái đê bị xói lở do sóng vỗ, biện pháp xử lý chủ yếu là hạn chế tác động trực tiếp của sóng vào mái đê, đắp lấp lại các chỗ sạt lở. Tuỳ theo mức độ sạt lở, có thể nghiên cứu sử dụng các biện pháp sau đây:

- Thả và neo buộc giằng các bó cành cây nửa nổi nửa chìm để ngăn tác động của sóng vỗ trực tiếp vào mái;

- Xếp các bao tải đất lấp chỗ sạt lở;

- Thả rồng đá, rồng đất hoặc rồng làm bằng các loại vật liệu nặng và bền vững khác để đắp vào chỗ bị sạt lở.



D.2.2 Trường hợp mái đê bị xói lở do dòng chảy xiết thúc vào mái và chân đê cần tuân thủ các nguyên tắc xử lý và giải pháp xử lý như sau:

a) Nguyên tắc xử lý :

- Giảm tốc độ dòng nước chảy và lái dòng chủ lưu ra xa bờ;

- Củng cố chân đê và chống xói lở hàm ếch;

- Chống sạt lở thêm chỗ đang bị lở;

- Gia cố chân đê to hơn và chắc hơn;

b) Giải pháp xử lý:

Tuỳ từng trường hợp cụ thể của khu vực xảy ra sự cố như điều kiện mặt bằng thi công, vị trí xói lở, khả năng cung cấp vật liệu tại chỗ, có thể lựa chọn áp dụng từng biện pháp hoặc áp dụng đồng thời các biện pháp xử lý sau đây:

1) Thả rồng đá, rồng đất hoặc rồng làm bằng các loại vật liệu nặng và bền vững khác để củng cố chân đê và mái đê phía sông. Rồng thả xuống sông có đường kính từ 0,6 m đến 0,8 m, dài từ 5,0 m trở lên;

2) Thả các cụm cây hoặc cây to vào khu vực nước xoáy để giảm tốc độ dòng chảy và hạn chế tác động của dòng nước vào thân đê. Cây dùng để thả là loại cây có tán rộng, nhiều cành và cành không dòn như tre, nhãn, bưởi, vải, chuối v.v.... Có thể dùng cây tre tươi còn nguyên cả gốc, rễ, cành lá buộc ghép lại thành cụm từ 4 cây đến 5 cây. Mỗi cụm cây tre có thể buộc chặt với một rọ đá hộc có thể tích từ 0,2 m3 đến 0,5 m3 để dìm và giữ các cụm cây ở trong nước. Các cụm cây được thả theo hình hoa thị, khoảng cách giữa các cụm cây từ 3 m đến 5 m;

3) Thả các bao tải đất, đắp mở rộng, giật cấp chân đê phía sông để gia cố chân đê;

4) Ngay sau khi mùa lũ kết thúc tại khu vực này nên nghiên cứu thiết kế xây dựng mỏ hàn cứng hoặc mỏ hàn mềm để chủ động đẩy dòng chủ lưu ra xa. Thiết kế kè mỏ hàn theo TCVN 8419 : 2010.



D.2.3 Trường hợp mái đê bị sạt trượt do lũ rút nhanh, có thể áp dụng giải pháp xử lý sau đây:

- Khẩn trương giữ hộ chân đê phía sông bằng rồng đá, rồng đất, rọ đá, bao tải đất hoặc rồng làm bằng các loại vật liệu nặng và bền vững khác;

- Đắp lấp chỗ bị sạt lở;

- Dùng đất sét hoặc á sét ít thấm nước đắp áp trúc mái thượng lưu để tạo cơ đê có bề rộng từ 2,0 m đến 4,0 m.

CHÚ THÍCH: Những đoạn đê có hệ số mái dốc phía sông nhỏ hoặc đất đắp đê có tính trương nở tan rã khi ngâm nước rất dễ xảy ra sự cố sạt trượt mái khi cường suất hạ thấp mực nước lũ trên 0,5 m/d. Những đoạn đê này về mùa lũ tuyệt đối không được chất tải nặng, làm đọng nước trên mặt hoặc gây rung động trên đỉnh đê phía sông.

D.3 Xử lý sạt lở mái đê phía đồng

D.3.1 Trường hợp mái đê bị sạt trượt do mái đắp quá dốc, xử lý theo trình tự sau:

a) Làm rãnh hoặc máng đón nước và thoát nước thấm ra khỏi chân đê để mái đê luôn khô ráo và không bị lầy hoá;

b) Đắp khối đất phản áp ở chân đê:

- Nếu nền đê và khu vực chân đê là đất tốt, có thể đắp thêm khối đất phản áp tạo cơ đê rộng từ 3,0 m đến 5,0 m kết hợp đắp áp trúc mái đê với hệ số mái dốc lớn hơn hệ số mái dốc hiện tại của đê. Đất đắp là đất sạn sỏi hoặc đất á cát có hệ số thấm nước lớn;

- Nếu nền đê là đất yếu hoặc có ao hồ, thùng đấu sau chân đê, trước hết cần phải lấp ngay ao hồ, thùng đấu, sau đó đắp thêm khối phản áp ở phía đồng kết hợp đắp áp trúc mái đê với hệ số mái dốc lớn hơn hệ số mái dốc hiện tại của đê;

- Kích thước của khối phản áp (chiều dài, chiều rộng và chiều cao) xác định theo kết quả tính toán ổn định mái đê và tiêu chuẩn an toàn của đê sau khi đã xử lý phù hợp với cấp đê.



D.3.2 Trường hợp mái đê bị sạt trượt do bố trí các khối đất đắp trên mặt cắt không hợp lý như phía sông đắp bằng loại đất dễ thoát nước còn phía đồng đắp bằng loại đất ít thấm nước thì xử lý theo trình tự sau:

- Làm rãnh hoặc máng đón nước và thoát nước thấm ra khỏi chân đê để mái đê luôn khô ráo và không bị lầy hoá;

- Đào bỏ khối đất đã bị trượt và đắp lại bằng đất dễ thoát nước thấm (có hệ số thấm k lớn) như đất sạn sỏi, đất cát pha. Căn cứ vào kết quả tính toán ổn định mái đê và tiêu chuẩn an toàn của đê sau khi đắp lại tương ứng với cấp đê để quyết định giữ nguyên hình dạng mặt cắt ban đầu (trước khi xảy ra sạt trượt) hay phải đắp thêm khối phản áp ở chân đê và xác định kích thước khối đất đắp lại.

D.3.3 Giải pháp xử lý trong trường hợp đê bị thấm, thẩm lậu và rò rỉ với lưu lượng lớn hơn nhiều so với tính toán thiết kế như sau:

- Đắp áp trúc mái đê phía thượng lưu bằng vật liệu ít thấm nước (ví dụ đất sét);

- Làm thiết bị tập trung nước và tiêu thoát nước ra ngoài khu vực chân đê như hệ thống máng đón nước và dẫn nước ra ngoài hoặc hệ thống rãnh lọc thoát nước. Rãnh lọc thoát nước có thể bố trí theo kiểu rãnh dọc phối hợp với rãnh ngang, các rãnh đơn hình chữ T, chữ Y hoặc dạng hình cây;

- Dùng đất dăm sạn hoặc đất á cát dễ thoát nước để đắp áp trúc mái hạ lưu tạo cơ đê có bề rộng đỉnh cơ từ 3,0 m đến 5,0 m và đắp áp trúc mái với hệ số mái dốc phù hợp. Chiều cao của cơ đê phụ thuộc vào kết quả tính toán ổn định mái đê.



D.4 Xử lý rò rỉ qua tổ mối trong thân đê

D.4.1 Trong mùa lũ nếu phát hiện thấy nước rò rỉ thoát ra ngoài thân đê do sự phá hoại của tổ mối và các hang hốc sinh vật khác thì xử lý như sau:

- Làm khối lọc thoát nước hoặc rãnh lọc thoát nước, kết hợp làm máng dẫn nước ra khỏi chân đê;

- Dùng thuốn sắt có đường kính từ 14 mm đến 20 mm thuốn sâu vào khu vực nghi ngờ có tổ mối với độ sâu từ 1,0 m đến 2,0 m trên thân đê để tạo các lỗ cho không khí trong tổ mối thoát ra;

- Nếu phát hiện được chính xác vị trí các tổ mối và hang hốc lớn trong thân đê cần nhanh chóng khoan phụt vữa xi măng để bịt tổ mối;

- Chuẩn bị sẵn một khối lượng thích hợp các loại vật liệu chính như đất, đá hộc, rọ thép, lưới thép, cọc tre, tre cây, bao tải v.v... để có thể ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố mất ổn định công trình đê điều do tổ mối gây ra.

D.4.2 Sau mùa lũ cần khảo sát, điều tra mối và các ẩn hoạ khác đầy đủ, tiến hành diệt mối và các loại sinh vật gây mất an toàn cho đê đê, xử lý bịt lấp tổ mối và gia cố đoạn đê có tổ mối. Yêu cầu kỹ thuật khảo sát và xử lý mối gây hại theo TCVN 8479 : 2010. Trường hợp đê đã được xử lý diệt mối tận gốc có thể áp dụng giải pháp khoan phụt vữa gia cố đê theo TCVN 8644 : 2011.

D.5 Xử lý lỗ sủi, mạch sủi, mạch đùn, bục đất, giếng phụt

D.5.1 Lỗ sủi, mạch sủi, mạch đùn, bục đất, giếng phụt (gọi chung là mạch sủi) là hệ quả tác động thủy lực của dòng thấm có áp trong tầng bùn cát của nền đê, làm cho tầng đất phủ ít thấm nước ở phía trên bị chọc thủng cuốn theo bùn cát lên mặt nền.

D.5.2 Nguyên tắc chung để xử lý mạch sủi:

a) Giảm cột nước chênh lệch thượng hạ lưu bằng giếng quây, bờ quây kết hợp có mámg đón và dẫn nước tràn ra ngoài;

b) Giảm áp lực thủy động của dòng thấm có áp bằng hình thức giếng giảm áp. Có thể tham khảo phương pháp thiết kế giếng giảm áp nêu tại phụ lục C;

c) Lọc và thoát nước thấm, ngăn không cho đất bên trong nền theo dòng thấm thoát ra ngoài;

d) Làm khối phản áp hoặc tầng gia trọng ở chân đê phía đồng để chống lại tác dụng đẩy bục tầng phủ của dòng thấm có áp dưới nền.

D.5.3 Xử lý mạch sủi bằng giếng quây lọc ngược, giảm cột nước chênh lệch:

a) Khi có lỗ sủi nhỏ, quy mô đùn sủi chưa phát triển và mở rộng có thể dùng thùng phuy bỏ đáy cắm úp lên lỗ sủi tạo thành giếng quây, bên trong đổ cát, sỏi, đá dăm, đá hộc làm tầng lọc ngược. Mực nước trong thùng dâng lên được tháo ra ngoài bằng một máng nước nhỏ;

b) Khi biến hình thấm có quy mô lớn hơn tạo thành mạch sủi, vòi nước có thể áp dụng giải pháp đắp giếng quây xung quanh vị trí mạch sủi. Tùy từng trường hợp cụ thể của mạch sủi trên hiện trường, thành giếng có thể được đắp bằng các bao tải đất hoặc bằng cọc tre quây tròn kết hợp đắp đất ở xung quanh. Để giảm tốc độ nước chảy đùn lên, đáy giếng đặt phên rơm hoặc vải lọc địa kỹ thuật và chặn bằng đá hộc, sau đó đổ cát, sỏi và trên cùng là lớp đá dăm lọc. Trên thành giếng bố trí hệ thống máng hứng nước tràn ra từ thành giếng và dẫn nước ra cách xa khu vực giếng, đảm bảo đất nền khu vực bên ngoài giếng không bị úng nước, lầy lội.

D.5.4 Xử lý giếng đùn, giếng phụt:

a) Các giếng nước sinh hoạt của nhân dân ven đê phía đồng có thể làm mỏng hoặc đục thông tầng phủ không thấm nước với tầng thấm nước có áp khiến cho nước và bùn cát đùn lên tràn ra ngoài thành giếng gọi là giếng đùn. Những chỗ mạch sủi phát triển mạnh không được phát hiện và xử lý kịp thời đã kéo theo nhiều bùn cát thoát ra ngoài tạo thành giếng sâu cũng được gọi là giếng đùn. Các hố khoan khảo sát địa chất không được lấp kỹ, do áp lực lớn của dòng thấm có áp trong nền đã đẩy bùn cát và nước lên trên mặt đất tạo thành giếng phụt;

b) Kỹ thuật xử lý giếng đùn, giếng phụt cũng tuân theo nguyên tắc chung là làm giảm chênh lệch cột nước, tăng thêm gia trọng và làm lọc ngược trong lòng giếng, dẫn tháo nước chủ động ra ngoài đảm bảo khu vực xung quanh giếng không bị úng ngập và lầy lội;

c) Các loại vật liệu làm lớp lọc ngược như cát, sỏi, đá dăm trước khi thả vào trong giếng đùn đều phải đóng trong các bao tải làm bằng vật liệu dễ thấm nước như vải gai, vải địa kỹ thuật... và thả thành từng lớp. Số tầng lọc ngược trong giếng sau khi thả các lớp lọc phụ thuộc vào độ chênh lệch cột nước áp lực và hiệu quả lọc của các lớp lọc;

d) Đối với các hố khoan địa chất bị đẩy phụt cần phải bịt lại lỗ khoan bằng cọc gỗ hoặc cọc bê tông cốt thép có tiết diện từ 20 cm x 20 cm đến 30 cm x 30 cm.

D.5.5 Xử lý bãi sủi:

a) Mạch sủi xảy ra trên phạm vi rộng trở thành bãi sủi. Xử lý bãi sủi cũng theo nguyên tắc làm giảm chênh lệch cột nước, tăng thêm gia trọng, làm lọc ngược, dẫn tháo nước chủ động ra ngoài đảm bảo khu vực xung quanh bãi sủi không bị xói lở, úng ngập và lầy lội;

b) Biện pháp xử lý là đắp bờ bao xung quanh bãi sủi, đáy bãi sủi có thể rải vải lọc địa kỹ thuật hoặc phên rơm, chặn bằng đá hộc hoặc bằng các vật nặng khác sau đó lần lượt đổ cát sỏi, đá dăm, đá hộc theo từng lớp lọc ngược.

D.6 Xử lý trường hợp nước lũ tràn qua đỉnh đê

Nếu xảy ra trường hợp nước lũ tràn qua đỉnh đê hoặc có nguy cơ tràn qua đỉnh đê thì giải pháp xử lý khẩn cấp và tốt nhất là đắp thêm con chạch dọc theo đỉnh đoạn đê đó. Tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của khu vực xảy ra sự cố tràn đê, có thể lựa chọn các hình thức đắp con chạch sau đây:

a) Con chạch đắp bằng đất, bao tải đất hoặc bao tải cát;

b) Con chạch có các bó cành cây và cọc ghim vào thân đê để chống sóng, phía sau đắp bằng đất, bao tải đất hoặc bao tải cát;

c) Con chạch có hệ thống cọc gỗ và ván gỗ chống sóng ở mặt ngoài, phía sau đắp bằng đất, bao tải đất hoặc bao tải cát. Có thể thay thế cọc gỗ và ván gỗ bằng các loại vật liệu khác có sẵn, có tính bền vững và khả năng chống sóng;

- Con chạch đắp đất giữa hai hàng ván cọc.



D.7 Xử lý hư hỏng cống qua đê

D.7.1 Nếu xảy ra sự cố rò rỉ nước theo mặt tiếp xúc của các công trình xuyên đê, tuỳ từng trường hợp cụ thể của sự cố để lựa chọn áp dụng các giải pháp sau:

a) Đắp áp trúc mái đê phía sông bằng đất sét, lấp bịt lỗ rò rỉ;

b) Làm các khối lọc thoát nước hoặc rãnh lọc thoát nước, máng hứng nước và dẫn nước rò rỉ ra khỏi chân đê;

c) Đắp áp trúc chân đê bằng vật liệu có khả năng giữ đất, tăng ổn định cho đê và thoát nước tốt;

d) Các giải pháp kỹ thuật khác;

e) Sau khi mùa kết thức lũ phải kịp thời sửa chữa và gia cố bằng các giải pháp công trình phù hợp đảm bảo mùa lũ sau sự cố này không còn xảy ra nữa.



D.7.2 Các cống ngầm xây bằng gạch, đá có thời gian làm việc lâu năm rất dễ xảy ra sự cố bục, thủng cống. Nếu xảy ra sự cố này có thể xử lý bằng giải pháp sau: thả khung thép, lưới thép có kích thước lớn gấp từ 2 lần đến 3 lần kích thước lỗ bục sau đó thả các bó cành tre, phên tre rơm rạ để lưới thép giữ lại cản dòng chảy và giảm lưu tốc. Sau cùng là thả các bao tải đất để chặn và bị cống.

D.7.3 Các hư hỏng khác của cống có thể xảy ra trong mùa lũ như kẹt cửa van không thể đóng khít được, gãy phai hoặc bục cửa van, nứt và rò rỉ thân cống hoặc tường cánh, hỏng khớp nối, sủi đùn nước sau cống v.v…. Tuỳ thuộc vào loại hư hỏng, nguyên nhân và mức độ hư hỏng mà đề xuất các biện pháp xử lý sự cố phù hợp, hiệu quả và kịp thời.

D.8 Xử lý hàn khẩu đê

Hàn khẩu đê là biện pháp chặn dòng chảy qua chỗ đê bị vỡ và đắp lại đoạn đê vỡ. Căn cứ vào quy mô đoạn đê bị vỡ để lựa chọn giải pháp hàn khẩu phù hợp. Dưới đây là một số biện pháp kỹ thuật chủ yếu có thể áp dụng tương ứng với quy mô đê vỡ :

a) Khi chiều sâu nước chỗ đê vỡ còn nhỏ hơn 0,8 m và bề rộng cửa vỡ còn nhỏ hơn 10 m: Có thể dùng cọc tre, phên tre, bó rào, bao tải đất, rọ đá v.v... để chặn dòng chảy;

b) Khi chiều sâu nước qua chỗ vỡ đã lớn hơn 0,8 m nhưng nhỏ hơn 1,5 m: Thả rồng tre, rồng đất, rồng đá, rọ đá, lưới thép hoặc các khối vật liệu nặng để ngăn dòng, đồng thời phải kè chắc hai đầu miệng đê vỡ bằng cừ thép hoặc cừ gỗ, cọc gỗ, cọc tre không cho dòng nước lũ phá rộng thêm. Để ngăn được dòng chảy, rồng tre phải có đường kính không nhỏ hơn 0,6 m và dài từ 8 m trở lên còn rồng đá, rọ đá hoặc các khối bê tông phải có thể tích từ 2,0 m3 trở lên;

c) Khi chiều sâu nước chỗ đê vỡ đã lớn hơn 1,5 m và tốc độ dòng chảy đã trên 6,0 m/s phải dùng đến biện pháp đánh đắm thuyền chở đầy đá và rọ đá kết hợp với biện pháp thả rồng tre, rồng đất, rồng đá, rọ đá, lưới thép v.v... và kè chắc hai đầu miệng đê bị vỡ.






1 Xác định theo TCVN 8421 : 2010;

2 Xác định theo TCVN 2737 : 1995;

3 Xác định theo QCVN 02:2009/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia - Số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng.

4 Trường hợp chưa có các quy hoạch nêu trên, tuyến đê lựa chọn phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

5 Áp dụng cho công trình đê sông từ cấp đặc biệt đến cấp II

6 Nhiều đoạn sông gần cửa sông ven biển miền Trung là thềm cát, thường xuyên biến dạng theo mùa và theo con nước, rất khó trồng rừng cây ngập mặn. Khi gặp trường hợp này nên áp dụng giải pháp công trình mỏ hàn và tường giảm sóng, gây bồi theo 12.2 của TCVN 9901 : 2013.





tải về 0.74 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương