Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử


Tiền bán thế kỷ XVII: việc truyền giáo do giáo sĩ dòng Tên phụ trách



tải về 0.8 Mb.
trang3/11
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích0.8 Mb.
#9275
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

2. Tiền bán thế kỷ XVII: việc truyền giáo do giáo sĩ dòng Tên phụ trách.

Năm 1614, Nhật Bản cấm đạo và trục xuất các giáo sĩ dòng Tên ra khỏi nước. Một số đông giáo sĩ phải trở về Ao Môn. Nhân có Ferdinand da Costa, một thương gia người Bồ đã hoạt động ở Hải phố (Hội An) trình bày triển vọng truyền giáo ở Đàng Trong, cha giám tỉnh dòng Tên ở Ao Môn quyết định gởi phái bộ truyền giáo ở Đàng Trong năm 1615 mãi đến năm 1626, một phái bộ truyền giáo khác mới được gởi đến Đàng Ngoài.



a. 50 năm truyền giáo ở Đàng Trong (1615-1664)

Ngày 18-1-1615 hai cha dòng Tên Francesco Buzomi và Diego Carvallo trở về đến Cửa Hàn. Qua năm sau, cha Diego Carvalho trở về Nhật Bản và tử đạo năm 1624. Còn cha Francesco Buzomi, với tư cách Bề Trên ở lại Đàng Trong cho đến năm 1639 mới trở về Ao Môn và từ trần ở đấy. Cha là linh mục dòng Tên đầu tiên đến nước Việt và đã thành công rực rỡ. Lúc cha mới đến, chỉ có một số ít giáo hữu do các tuyên uý tàu buôn rửa tội; lúc cha từ trần, số giáo hữu ước lượng 50.000 người.[30]

Cộng tác với cha Buzomi còn có nhiều giáo sĩ khác như Andréa Fernandez (1616), Francesco de Pina, Francois Barrete (1617), Pedro Marquez, Christoforo Borri (1618) Antonio de Fontès, Alexandre de Rhodes, Gabriel de Mattos, Gaspar Lui, Mattias Machido, Dirolamo Majorica, Michel Marchini (1624).

Cha Francesco Buzomi rất thông hiểu phong tục văn hóa người Việt. Các cha Francesco de Pina, Girolamo Majorica và nhất là cha Alexandre de Rhodes có công nghiệp lớn lao với ngôn ngữ văn tự Việt Nam. Cuốn ký thuật của cha Christoforo Borri xuất bản năm 1622 ở Roma là một tài liệu đầu tay về tình hình nước ta thời bấy giờ.[31]

Sau 18 tháng hoạt động ở Đàng Trong, cha Alexandre de Rhodes được bề trên phái ra Đàng Ngoài, mãi đến năm 1640 mới trở lại Đàng Trong. Cha nhiều lần bị trục xuất khỏi Đàng Trong, nhưng lần nào cha cũng tìm cách trở lại để coi sóc giáo hữu, đến ngày 3-7-1645 mới lên đường đi Au Châu để vận động thành lập hàng giáo phẩm ở Việt Nam.

Tính cho đến năm 1664 là năm cha Loui Chevreuil thuộc Hội truyền giáo Ngoại quốc Ba Lê đến Đàng Trong, còn có nhiều cha dòng Tên đến truyền giáo như các cha Metello Saccano, Baldassare Cadeira, Fransesco Rivas, Dominiques Fuciti, Pierre Marquez, Ignace Baudet.

Giáo hội Đàng Trong phát triển mạnh mẽ, những giáo hữu đạo đức, sốt sắng được giáo sĩ ghi nhận là bà Gioanna, một bà quý phái tại Kẻ Chàm được cha Buzomi rửa tội năm 1616, bà Minh Đức Vương thái phi được cha Pina rửa tội năm (1626)[32], bà Maria Manuêlê… Các thầy giảng đã cộng sự chặt chẽ với các cha và thay thế các cha những lúc các cha phải ẩn tránh hay bị trục xuất. Trong số những vị tông đồ giáo dân này, ta phải kể thầy giảng Anrê Phú Yên, tử đạo tiên khởi giáo hội Đàng Trong năm 1644[33], các thầy giảng Ynhaxu Quảng Trị và Vinh Sơn Quảng Ngãi năm 1645.

b. 37 năm truyền giáo ở Đàng Ngoài (1626-1663)

Nói đến việc truyền giáo ở Đàng Ngoài là phải nói đến Alexandre de Rhodes trước tiên, mặc dầu cha không phải là linh mục dòng Tên đầu tiên đến Đàng Ngoài.

Năm 1626, Giuliano Baldinotti đến Đàng Ngoài với một thầy trợ sĩ người Nhật Giulio Piani để khảo sát triển vọng truyền giáo. Tiếp theo phúc trình của cha Giuiano Baldinotti, các cha Alexandre de Rhodes và Pierre Marquez được điều động từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài để lo việc truyền giáo.

Hai cha đến Cửa Bạng (Thanh Hóa) ngày 19-3-1627, nhằm lễ thánh Giuse nên chọn Thánh Giuse làm bổn mạng Đàng Ngoài. Sự lựa chọn ấy sẽ được các Đức giám mục bản quyền chấp nhận. Hai tháng sau cha rửa tội được 200 người.[34]

Chúa Trịnh Tráng có nhã ý tặng các cha một ngôi nhà bằng gỗ, một phần nhỏ để ở, một phần lớn làm nhà thờ. Đến năm 1629, cha rửa tội được 3.000 người, trong số có bà Catarina, em chúa Trịnh, một nữ sĩ đã diễn ca giáo sử và cuộc đời Chúa Giêsu.

Năm 1630, chúa Trịnh cấm đạo, cha phải trở về Ao Môn làm giáo sư thần học và đến năm 1640 mới trở lại Đàng Ngoài. Các thầy giảng do cha Alexandre de Rhodes huấn luyện đã thay mặt các cha coi sóc giáo hữu.

Đức tin của giáo hữu rất sốt sắng. Giáo hữu Phanxicô đáng xem là vị tử đạo đầu tiên của Giáo hội Đàng Ngoài “Phanxicô là người hầu cận hộ giá một ông Hoàng… ngày ngày trong lúc rảnh, Phanxicô thường đi giúp việc tống táng các giáo hữu nghèo khó. Thấy Phanxicô quên phẩm giá, nhiều người đã bắt đầu dị kị. Câu chuyện dần dần đến tai ông Hoàng. Ông mới truyền gọi và dạy phải bỏ việc ấy đi vì cho là một tội phạm đến uy danh của ông: “Bàn tay đã nâng đỡ kẻ chết, đâu còn xứng đáng động vào song loan của ông hoàng bà chúa?” Phanxicô phân trần hết lời nhưng uổng công. Ông hoàng vẫn một niềm cương quyết, lại còn buộc Phanxicô bỏ đạo. Phanxicô không kém lòng cương nghị; vì thế mà phải chịu một trận đòn đến ngất người đi. Tình cờ lại còn bị tra tấn một lần nữa, Phanxicô vẫn dạ sắt gan đồng. Ông hoàng cho là cứng đầu cứng cổ mới dạy quân đao phủ lấy búa bổ đôi óc Phanxicô. Đó là những giọt máu khai nguồn cho dòng máu rất phong phú cho 10 vạn con dân đất Việt trong ngót 300 năm biết hy sinh tính mạng vì đức tin và vì lý tưởng công giáo. Có lẽ Phanxicô tử vì đạo vào năm 1630 hoặc 1631; đến năm 1644, nghĩa là 14 năm sau Anrê mới chết vì đạo ở Nam”.[35]

Năm 1631, cha Gaspar d’Amaral đến coi sóc giáo hội Đàng Ngoài, tháp tùng có hai cha Antonio de Fontès và Francois Cardim. Các cha sung sướng nhận thấy các thầy giảng đã rửa tội thêm 3340 người và dựng thêm 20 nhà thờ.

Lần lượt các cha sau đây lại đến Đàng Ngoài để củng cố Giáo hội Đàng Ngoài: Girolamo Majorica, Bernadio Regro (1631) Antonio Barbosa, Felix Morelli, Baldassare Caldeira, Guiseppe Mauro (1639) Pietro Aberto, Manoel Cardozo (1641).

Năm 1639, cha Gaspar d’Amaral trở về Ao Môn dưỡng bệnh và cha Felix Morelli thay thế làm Bề trên. Cha Antonio Barbosa mắc bệnh lao sau 9 năm giảng đạo, trở về Ao Môn và từ trần ở Goa.

Năm 1646, cha Gaspar d’Amaral trở lại Đàng Ngoài với cha Pietro Alberto, Ignace Leviski, Francesco Ascanio Ruida, tàu gặp bão bị chìm, sống sót chỉ có giáo sĩ Lubelli thuộc địa phận Hải Nam (Trung Hoa) và một thầy giảng Đàng Ngoài tên Egidio. Chúa Trịnh có đến phân ưu với các cha ở Kẻ Chợ.

Cuối năm 1646, Đàng Ngoài có 200.000 giáo hữu[36]. Thấy việc truyền giáo có cơ phát triển, Bề trên giáo đoàn tăng phái các cha: Giovanni Cabral, Francesco Rangel, Francecsco Figuera, Francesco Monte Foscoli, Stanislas Tortente và Filippo de Marini.

Năm 1649 cha Girolamo Majorica làm Bề trên và khi cha qua đời năm 1656 thì cha Onuphre Borgès thay thế.

Năm 1657 chúa Trịnh Tráng từ trần và Trịnh Tạc nối ngôi. Trịnh Tạc trục xuất các cha và chỉ cho phép ba cha Onuphre Borgès, Joseph Tissanier và Pierre Albier ở lại, nhưng các cha không được phép ra khỏi Kẻ Chợ.

Năm 1663, sau khi Ao Môn bị nhà Thanh phong tỏa, Trịnh Tạc trục xuất ba cha ngày 12-11-1663. Mãi đến năm 1669, các cha mới trở lại Đàng Ngoài và bấy giờ Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong thuộc quyền các Đức giám mục Đại diện Tông tòa.

c. Tiến tới sự thành lập hàng giáo phẩm

Công tác quan trọng nhất của các cha dòng Tên là chuẩn bị tiến tới sự thành lập hàng giáo phẩm. Tổ chức thầy giảng là chủng viện đào tạo các cán bộ truyền giáo và linh mục tương lai. Cha Alexandre de Rhodes lên đường đi Au Châu ngày 16-6-1649 để vận động việc bổ nhiệm các Đức giám mục. Cha tường trình với Bộ truyền giáo và Đức giáo hoàng về giáo hội Việt Nam: ước chừng có 300.000 giáo hữu, hàng năm có thể tăng thêm 15.000 linh hồn, cần phải có 300 linh mục để coi sóc[37]. Cha đề nghị xin Đức thánh cha trạch cử các giám mục sang Việt Nam để đào tạo các giáo sĩ bản quốc, lựa chọn trong số các thầy giảng “hiện đang tu đức như trong bậc linh mục”

Lúc bấy giờ, theo các sắc dụ của các Đức giáo hoàng Léon X (1514-1516), Paul III (1539), Paul IV (1553), Grégoire XIII (1573), Paul V (1616), chính phủ Bồ Đào Nha “bảo trợ” việc truyền giáo ở Viễn Đông. Để tránh sự xung đột, cha Alexandre de Rhodes đề nghị các vị giám mục sang Việt Nam sẽ do Tòa Thánh ban tước hiệu Đại diện tông tòa (vicaire apostolique) tại các dân ngoại (in partibus infidelium), chứ không mang tước hiệu giám mục chính tòa (êvêque résidentiel).

Hội truyền giáo ngoại quốc Ba Lê được thành lập để cung cấp linh mục thừa sai. Ngày 29-7-1658, Đức giáo hoàng Alexandre VII, cử cha Francois Pallu làm giám mục hiệu tòa Héliopolis coi sóc Giáo hội Đàng Ngoài, cha Lambert de la Motte làm giám mục hiệu tòa Béryte coi sóc Giáo hội Đàng Trong.

Nhiệm vụ cấp bách của các Đức giám mục là “truyền các chức thánh kể cả chức linh mục” và tuỳ nghi cho đọc kinh bằng ngôn ngữ bản quốc.[38]

Theo truyền thống khôn ngoan của Giáo hội, Tòa thánh La Mã căn dặn các Giám mục “tránh xa việc chính trị” bởi vì “xen lẫn vào chính trị thì thiệt thòi cho tôn giáo và làm cho các thừa sai xao nhãng mục vụ, mặc dầu xen lẫn thì thấy có thêm hy vọng chắc sẽ phát triển tôn giáo và truyền bá đức tin”.[39]

Vấn đề thích nghi văn hóa, Tòa thánh chỉ thị tôn trọng văn hóa phong tục địa phương “miễn là không công khai trái nghịch đạo Công giáo và thuần phong mỹ tục”, bởi vì “đức tin không xua đuổi hay làm thiệt thòi những lễ nghi và phong tục, miễn là không phải là xấu xa và trái lại đức tin chủ trương là đáng được tôn trọng”.[40]

Khi các tân giám mục và thừa sai thuộc Hội Ngoại quốc Truyền giáo Ba Lê đến đất Việt, lịch sử truyền giáo và văn học công giáo bước sang một giai đoạn khác.

Chúng ta đã trình bày tình hình chính trị, văn học và truyền giáo trong khoảng thời gian phát sinh van học Công giáo Việt Nam. Đạo công giáo du nhập Việt Nam trong một thời kỳ khủng hoảng phát triển. Xã hội Việt Nam trong thể kỷ XVI và tiền bán thế kỷ XVII là một xã hội đang biến chuyển theo những đường hướng mới. Trong bối cảnh lịch sử ấy, đức tin công giáo đã nảy mầm và sinh động, tạo nên Giáo hội công giáo Việt Nam. Nền tảng tinh thần thay đổi thì thể cách diễn đạt tình tự, cảm nghĩ cũng thay đổi theo. Đó là nguyên nhân xâu xa của nền văn học Công giáo Việt Nam.

Chú thích

[1] Xem thêm đoạn nói về Nguyên Hãng, chương I, đoạn II

[2] Xem Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, tr.276

[3] Xem Trần Trọng Kim, sđd, tr.295

[4] Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, tr.192. Đối chiếu: Phan Văn Diêu, Văn học Việt Nam, tập I, tr.87

[5] Xem Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, tr.268, Phan Văn Diêu, sđd, tr.430-431.

[6] Canh hai, đêm 25 tháng 4 (năm canh ngọ, hiệu Hồng Thuận (niên hiệu của vua Lê Tương Dực) (xảy sự) quan nội thị Nguyễn Khắc Hải dấy loạn bức vua viếng cung Trùng Hòa rồi sang các điện Văn Thọ, Cẩn Đức, Kính Thiên. Vua làm thơ quốc ngữ, các quan văn võ đại thần vào chầu đều phụng họa… Song chỉ có quan Đông Các hiệu thơ là Trần Dực, (thơ) họa hiệp cách, (vua ban) thưởng cho 5 quan tiền” – Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 15, tờ 2-3. Trích dẫn Phạm Văn Diêu, sđd tr.430.

[7] Xem Hoàng Xuân Hãn và Nghiêm Toản, Thi văn Việt Nam tập 1, tr.101-103.

[8] Xem Nam Phong tạp chí số 93, Vũ Khắc Tiệp, Phú nôm, tập trên, tr.128-131.

[9] Xem Đông Thanh số 6; Hoàng Xuân Hãn và Nghiêm Toản, Thi văn Việt Nam tập 1, tr.122-123. Theo lịch triều Đăng khoa hư lục.

[10] Hoàng Xuân Hãn và Nghiêm Toản, Thi văn Việt Nam tập 1, tr.139-150.

[11] Xem Lê Quý Đôn, Nghệ văn chí; Phan Huy Chú, Kinh tịch chí, Lịch đại thế biên.

[12] Xem Văn đàn bảo giám, quyển II, tr.55; Trần Trọng Kim, Việt thi tr.46 và 132.

[13] Xem Văn đàn bảo giám, quyển I, tr.239-240.

[14] Học viện Viễn Đồng Bác Cổ còn giữ bản môn như Trình tiên sinh quốc ngữ, Trình Trạng nguyên sấm ký diễn ca, Trình quốc công sấm.

[15] Trình dịch của Đỗ Đình, mục l’Annam, tr.265-270, in trong tuyển tập Les plus beaux écrits de l’Union Francaise et du Maghreb présentés par.Mohamed el Rholti, Léopold Cedar Senghor, Pierre Đỗ Đình, A.Rakoto Katsimmanger, E.Ralajmihiatra, la colombe xuất bản, Paris 1947.

[16] Xem Việt Nam nhất thống chí, quyển 13

[17] Văn đàn bảo giám, quyển I, Nam ký in lần thứ ba, tr.6-7; Trần Trọng Kim, Việt Thi, tr.83.

[18] Văn đàn bảo giám, quyển I tr.18, Trần Trọng Kim, Việt Thi, tr.60.

[19] Xem Văn học tạp chí số 4, Văn đàn bảo giám, quyển II tr.217-223; Bùi Văn Lang và Tô Văn Cầu, Lịch sử Đào Duy Từ, 1937.

[20] Hoàng Xuân Hãn và Nghiêm Toản, Thi văn Việt Nam tập 1, tr.154-159.

[21] Hoàng Xuân Hãn và Nghiêm Toản, sđd, tr.161-178;

[22] Dịch nghĩa: như thế cũng gọi là công toại danh thành rồi đây, thôi thế cũng nên thôi. Việc đời phó mặc cho con thuyền vơi voi nó lênh đênh muốn đến đâu thì đến mà ta tìm lại cái thú vui của ta. Bản dịch của Đỗ Nam, Danh nhân Hải Dương, VII, Nam Phong tạp chí, tập XXXIII số 160.

[23] Xem Trương Vĩnh Ký, Cours d’histoire d’Annam, cuốn I, tr.27.

[24] Géographie d’Earisi, bản dịch tiếng Pháp, tr.84.

[25] Nguyễn Phương, cha Đắc Lộ với sự thành lập Giáo hội Công giáo Việt Nam, in trong Đại học, số 19 tháng 2 năm 1961 tr.71-87.

[26] C.A.Poncet, L’un des premiers annamites, sinon le premier converti au catholicisme, in trong BAVH năm XXVIII, tháng 1-3 năm 1941 tr.81-89.

[27] Marcos Gispert, Historias de las missiones Dominicas en Tunkin.

[28] Ordonez Cevallos, El Tralado de las relationes verdateras de les Reynos de la Chine, Cochinchina, y Champa y shas cosas nolabables y varios successos sacados sus originales laen, 1628; Historia y viage del Mundo.

[29] Xem C.A.Poncet, la princesse Marie d’Ordonnez de Carvallos, BAVH, 10-12 năm 1941 tr.351-358.

[30] Xem Marini, Histoire nouvelle et curieuse du Royaume de Tunquin et de Lao, Paris 1966.

[31] Christoforo Borri, Relatione della nuova missione delli P.P.Della Compagnia di Giesu al Regno della Cocincina Scrita dal Padre Christoforo Borri.

[32] Xem Phạm Đình Khiêm, Minh Đức Vương thái phi, 1957.

[33] Xem Phạm Đình Khiêm, Ngừơi chứng thứ nhất, 1959

[34] Xem C.A.Poncet, Le voyage du Père A.De Rhodes de Cửa Bạng à Hanoi en 1627 in trong BAVH, 1942 tr.216-282.

[35] Phan Phát Hườn, Việt Nam giáo sử, tập I, tr.78.

[36] Xem Bonifacy, Les débuts du christianisme, tr.37

[37] Xem Champoulie, Rome et les missions d’Idochine.

[38] Archives MEP, vol 247, trích dịch theo Nguyễn Hữu Trọng, les Origines du clergé vietnamien, tr.47-48.

[39] Chỉ thị của Bộ Truyền giáo ngày 10-11-1959 gởi cho Đức cha Pallu.

[40] tài liệu đã dẫn
CHƯƠNG II - SỰ THÀNH HÌNH NGÔN NGỮ CÔNG GIÁO

Công cụ diễn đạt của văn học là ngôn từ nên chúng ta phải xét sự hình thành của ngôn ngữ Công giáo Việt Nam trước khi đi sâu vào các văn phẩm Công giáo chữ nôm và chữ quốc ngữ.

Suốt thế kỷ XVI, không có sử liệu nào chứng tỏ các thừa sai Công giáo thông thạo Việt ngữ. Lẽ dĩ nhiên, muốn truyền giáo trong thời kỳ này cần phải có thông ngôn. Chúng ta có thể phỏng đoán họ là những thương gia ngoại quốc vì như cầu thực tế phải tập nói tiếng Việt hoặc là những người Việt có năng khiếu ngoại ngữ trong giới thân cận các thương gia ngoại quốc.

Trong tiền bàn thế kỷ XVII, có nhiều Cha Dòng Tên học hỏi Việt ngữ, có nhiều giáo hữu tinh tường chữ Hán và chữ Nôm. Trong số những giáo hữu tân tòng, có người là nho sĩ hay tu sĩ Phật giáo. Lẽ dĩ nhiên, trình độ Việt ngữ cũng như trình độ giáo lý của họ tiến bộ hơn những lớp người thông ngôn trong thế kỷ trước. Do đó sự chuyển dịch danh từ Công giáo từ ngôn ngữ Tây phương sang Việt ngữ có phần mỹ mãn hơn. Từ sự chuyển dịch là giải pháp cấp thời, giáo sĩ và giáo dân lại nổ lực sáng chế các danh từ Công giáo đúng với tín lý và thích ứng với tinh thần Việt ngữ.

Một số văn liệu đã sưu tầm được chứng minh ý thức và nổ lực xây dựng ngôn ngữ Công giáo Việt Nam. Trình bày những văn liệu ấy, tức là nêu ra những chặng đường của một lịch trình tiến triển phát khởi từ thế kỷ XVI và sôi động trong tiền bán thế kỷ XVII. Trong số những văn liệu này, tác phẩm chữ nôm của Girolamo Majorica (1619-1656) Gioan Thanh Minh (1588-1663) và tác phẩm chữ quốc ngữ của Alexandre de Rhodes (1593-1660) có một tầm quan trọng đặc biệt nên sẽ được nghiên cứu riêng trong những chương dành cho văn học Công giáo chữ nôm và chữ quốc ngữ.
I. DANH XƯNG CỔ NHẤT CỦA ĐẠO CÔNG GIÁO (Thế kỷ XVI)

Danh xưng cổ nhất của đạo Công giáo là Hoa lang đạo. Từ ngữ này xuất hiện trong Đỗ tộc gia phả, theo đó thì Đỗ Hưng Viễn nếu không là người Việt đầu tiên theo đạo Công giáo thì cũng là một trong số những người Việt đầu tiên chịu phép thanh tẩy[1].

Theo sự nghiên cứu của sử gia C.A. Poncet., Đỗ tộc cư ngụ ở làng Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Bản gia phả họ Đỗ được viết trong thế kỷ XVII, có chép sự tích Đỗ Hưng Viễn theo đạo Công giáo vào khoảng 1562-1573, trong một dịp đi sứ đến vùng buôn bán của người Bồ Đào Nha “hoặc ở Áo Môn, hoặc có lẽ chắc hơn ở đảo Célèbes, trên một thương thuyền của người Bồ Đào Nha”.[2]

Đoạn gia phả nói Đỗ Hưng Viễn theo đạo Hoa lang như sau:

“Thứ chi hựu thất đại tổ. Chính trị thất niên, Kỷ Dậu, khoa hương thí cống sanh. Chính trị thập ngũ niên, khâm sắc thô Kiết Tiết Tuyên lực công thần, đặc tấn Kim tử Vinh Lộc đại phu, Lại bộ thuyên khảo thanh lại tư viên ngoại lang. Lương khê Nam Đỗ tướng công (?) Thụy Mỹ Trinh Hiền, hiệu Trúc Lâm tiên sinh (?) Đức (?) đệ tam tử, tỷ Dương thị, hiệu Từ Ái, sinh đắc tam tử. Mộ tại Cồn Cổ Ngựa xứ. Thiếp mộ tại Cồn Xương xứ. Thập nguyệt thị thập lục nhật kỵ. Nhất nam Viên Đức, nhị nam Hưng Viễn, tùng Hoa lang đạo”.

Dịch nghĩa như sau:

“Ngành thứ hai ông tổ đời thứ bảy, niên hiệu Chính trị thứ 7 (1558-1571) năm Kỷ Dậu (1564) đậu cống sinh khoa thi hương, đến năm Chính trị 15, được sắc phong Kiệt Tiết Tuyên lực công thần, đặc tấn Kim tử Vinh Lộc đại phu, chức Lại Bộ Thuyên khảo thanh lại tư viên ngoại lang, nam tước Lương khê Đỗ tướng công (tức là Đỗ Công Biều). Cụ tên thụy là Mỹ Trinh Hiền, hiệu là Trúc Lâm tiên sinh. Cụ là con thứ ba. Mẹ họ Dương hiệu Từ Ái, sinh hạ được ba con. Mộ chôn tại xứ Cồn Cổ Ngựa, kỵ ngày mồng bảy tháng mười. Người thiếp mộ chôn tại xứ Cồn Xương, kỵ ngày 16 tháng 4. Con trai đầu là Viên Đức, con trai thứ là Hưng Viễn, theo đạo Hoa lang”.

Tại sao đạo công giáo lại mệnh danh là Hoa lang đạo?

Sử gia L.A. Poncet giải thích:

“Những dân tộc Viễn Đông nói chung dân tộc Việt Nam nói riêng, ngày trước chỉ danh đạo công giáo theo quốc hiệu của những người Tây phương giao thiệp với họ: nếu là người Phu-tu-ghe (Bồ Đào Nha) thì gọi là đạo Phu-tu-ghe; nếu là người Y-pha-Nho, thì danh xưng đổi là đạo Y-pha-Nho; nếu là người Pháp thì gọi là đạo Pha-lang-sa, đạo của người Falenkis mà cha Henri-Bernard, Dòng Tên, đã nói đến trong sách Để thông hiểu Đông dương và Tây phương (trang 58).

Trong thời kỳ Đỗ Hưng Viễn được ghi chép vào gia phả họ Đỗ, nghĩa là vào thế kỷ XVII, người Hòa Lan đã thay thế địa vị của người Bồ Đào Nha ở Viễn Đông, vậy đối với người Việt, đạo công giáo là đạo Hoa lang[3]

Lời giải thích của L.A. Poncet phù hợp với chứng tích của cha Royer thuộc Dòng Tên, trong một bức thơ gửi cho em là Le Royer D’Arfix đề ngày 10-6-1700:

“Bốn năm về trước, vào khoảng tháng 8 năm 1696, một cuộc bắt đạo lại diễn ra, sau khi công bố sắc dụ cấm đạo Phu-tu-ghe (đạo công giáo được chỉ danh ở nước này như thế)”[4].

Có người lại giải thích hơi khác về nguồn gốc danh từ Hoa lang:

“Hoa lang là tên gọi những người lái buôn Bồ, Tây Ban Nha đến buôn bán ở xứ ta. Nhiều người cho nguồn gốc tên đó do một thứ vải có hình hoa khoai lang, lái buôn Bồ đem vào bán ở xứ ta. Hiểu nhầm đạo Công giáo là đạo của người Bồ, Tây Ban Nha, dân chúng gọi là đạo người Hoa Lang hay Hoa lang đạo”[5].

Nhưng lời giải thích có thể tin cậy hơn cả là của nhà bác học L. Cadìere:

“Đạo Hoa Lang hay đạo người Hoa Lang, ( ) Hoa Lang Đạo. Chữ ( ) đọc là hoa nhưng ở miền Bắc Trung phần, và trong trường hợp từ ngữ này, hoa thường đọc là ba và ta có từ ngữ đạo người Ba lang. Trong nhiều thổ ngữ miền Hoa Nam, hoa đọc là fa và ta có từ ngữ đạo người fa lang.

Từ ngữ này, chắc là do sự phiên âm danh xưng Franc: Fa-lang, Ba-lang, Hoa-lang. Người Trung Hoa đã biết giống Franc trong thời tiếp những sứ bộ và những du khách đời Trung Cổ, hoặc xưa hơn nữa, thời Thánh chiến hay đời Đại đế Charlemagne, do sự trung gian của người Thổ Nhĩ Kỳ và người Ả Rập. Nói chung thì từ ngữ đạo Hoa lang là danh từ chỉ đạo giáo của người Âu Châu”[6].

Theo những tài liệu và những lời giải thích trên đây, danh xưng Hoa lang đạo được thông dụng trong thời kỳ truyền giáo phôi thai. Trong khi chưa sưu tầm được sử liệu nào xuất hiện trước Đỗ tộc gia phả, chúng ta có thể xem danh xưng cổ nhất của đạo công giáo ở nước ta là Hoa lang đạo.

Xét về phương diện cấu tạo ngôn ngữ, danh xưng này biểu thị khuynh hướng diễn tả bằng hình ảnh khả cảm. Đây không phải chỉ là một mỹ từ pháp mà chính là một yếu tính của ngôn ngữ và tư tưởng Việt Nam. Đa số các từ ngữ, nghĩa là những đơn vị nhỏ nhất của ngôn ngữ đều chứa đựng hình ảnh. Trong trường hợp từ ngữ Hoa lang đạo, hình ảnh không đủ sức gợi nên yếu tính của đạo Công giáo. Nếu chỉ căn cứ vào từ ngữ mà phán đoán thì có thể nói rằng có một ngộ nhận là đồng hóa tôn giáo với chính trị, cho rằng theo đạo công giáo tức là chấp nhận quốc tịch của những thừa sai công giáo.

Nếu quả thật có những sự ngộ nhận này thì trình độ giáo lý của các giáo hữu tiên khởi quá đơn giản. Đạo Công giáo nhập thể trong các dân tộc nhưng không đồng hóa với một dân tộc nào, điều này đã được lịch sử truyền giáo chứng minh. Gương xưng đạo và tử đạo của các giáo hữu tiên khởi không cho phép chúng ta nghi ngờ đức tin mới chớm nở nhưng khá nhiệt thành của họ.

Thiết tưởng chúng ta có thể nhận định rằng danh xưng Hoa lang đạo, tuy không chứa đựng tất cả thực tại phong phú sâu sa của đạo Công giáo, nhưng cũng đã được thông dụng để biểu thị một tôn giáo đã đi sâu vào lòng những người giáo hữu Việt Nam tiên khởi nhưng chưa kịp thể hiện trong ngôn ngữ.


II. DANH TỪ TÔN GIÁO CỦA THÔNG NGÔN GIẢNG ĐẠO (trước năm 1615)

Chứng tích về danh từ tôn giáo của các thông ngôn giảng đạo rất ít ỏi. Tác phẩm của Christoforo Borri và Bartoli gián tiếp cho chúng ta biết một đôi điều về cách giảng đạo ngớ ngẩn trước khi các cha Dòng Tên đến truyền giáo năm 1615.

Giáo sĩ Christoforo Borri giảng đạo ở nước ta từ 1618 đến 1621. Trong một tác phẩm xuất bản năm 1631, giáo sĩ Christoforo Borri có viết:

“Người Việt không hiểu danh từ Kitô hữu có ý nghĩa gì và lý do chính là câu nói của những người thông ngôn thường dùng để hỏi người ta có muốn trở nên Kitô hữu hay không, bởi vì câu nói của những người thông ngôn vô nghĩa, nếu không có nghĩa rằng có muốn trở nên người Bồ Đào Nha hay không. Cha Buzoni nhận thấy như thế trong trường hợp sau đây: phường tuồng trình diễn một hài kịch ở một nơi công cộng và cha nhận thấy trong một màn phụ diễn, một diễn viên ra sân khấu, ăn mặc theo lối Bồ Đào Nha, mang một cái túi che khuất một trẻ em. Diễn viên ra sân khấu, nhìn khán giả, lôi đứa trẻ từ bụng ra rồi hỏi đứa trẻ xem nó có muốn trở lại trong túi không bằng câu nói sau đây: “Con gno muon bau tlom laom Hoalaom chiam”(phiên diễn theo chính tả ngày nay là: con nhỏ ơi, con muốn vào trong bụng người Bồ Đào Nha không? Đứa trẻ đáp: Vâng, và diễn viên lại bỏ nó vào trong bụng, rồi một lần nữa lại lôi nó ra, hỏi nó như trước, lặp lại nhiều lần trò hề này để giải trí khán giả. Cha Buzoni nhận thấy câu hỏi do diễn viên nhắc đi nhắc lại nhiều lần chính là câu hỏi mà những người thông ngôn đã dùng để biết họ có muốn trở nên Kitô hữu hay không, cha mới hiểu rằng người Đàng Trong thường ngộ nhận rằng trở nên Kitô hữu không gì khác hơn là từ bỏ danh vị người Đàng Trong để trở nên người Bồ Đào Nha”[7].

Giáo sĩ Bartoli, trong một tác phẩm xuất bản năm 1663, có viết về giai thoại này với vài chi tiết dị biệt:

“Buzomi đến Turo (?) thì gặp một bọn phường chèo đang ở công trường, chế giễu những người theo đạo mới. Họ không diễn lại nghi lễ rửa tội mà chỉ diễn lại một trò hề ngộ nghĩnh họ đã tự nghĩ ra, vừa để chế giễu người theo đạo mới, vừa để mua vui, bắt khán giả phải cười bò. Được người ta báo, Buzomi đến tận nơi điều tra thì thấy như sau: Một anh phường chèo mặc áo giả làm người Bồ Đào Nha. Y gọi đứa bé lại bên, hỏi xem nó có muốn đi theo đạo mới hay không. Khi đứa bé tỏ ý bằng lòng, y vạch áo bụng ra, dấu đứa bé vào trong. Từ đó, cái người Bồ Đào Nha trá hình mang cái bụng bà chửa to ghê gớm, miệng nói ba hoa, không còn thiếu trò hề gì. Giữa lúc khán giả hò thét cười reo, thì y vạch áo rặn đẻ ra một đứa bé, rồi y bảo nó: “Từ nay mày là đứa có đạo”. Giáo sĩ Buzomi hiểu ngay đấy chỉ là một trò hề có ý chế giễu cách dạy đạo ngớ ngẩn của các nhà truyền giáo đi trước ông. Cách hỏi người theo đạo chỉ là hỏi xem họ có muốn trở nên người Bồ Đào Nha hay không. Theo đạo mới chỉ là thay đổi quốc tịch chứ không phải thay đổi tôn giáo”[8].

Hai đoạn văn trên đây, ngoài công dụng cho biết những người theo đạo Công giáo đã bị chế giễu đến độ trở nên đề tài cho một hài kịch, còn chứng tỏ rằng những người thông ngôn chưa hiểu yếu tính của đạo Công giáo. Câu hỏi ngớ ngẩn của họ có thể khiến cho những người ngoài đạo Công giáo hiểu lầm rằng theo đạo Công giáo là thay đổi quốc tịch.

Cũng như danh xưng Hoa lang đạo, ngôn ngữ của những người thông ngôn chứng tỏ rằng đạo Công giáo chưa được chuyển dịch với những danh từ đạt ý.


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 0.8 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương