Tủ sách sinh hoạt hưỚng đẠo chủ biên : Đinh hữu Quyến CÂu chuyện dưỚi cờ



tải về 7.45 Mb.
trang12/12
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích7.45 Mb.
#35675
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   12

Nghề chơi khi nhàn rỗi (Hobby)

Nhàn cư vi bất thiện”, ông bà mình cảnh báo nhàn rỗi sẽ đưa ta đến việc bất thiện, việc không tốt cho bản thân.

Các em nên nhớ : nghỉ ngơi không có nghĩa là không làm gì cả, mà là thay đổi công việc.

Học xong, em nghỉ ngơi. Để nghỉ ngơi có em xem truyền hình, có em chơi games, . . . Được thôi, nhưng đấy là cách nghỉ ngơi thụ động, không có mấy lợi ích.

Thay đổi công việc là cách nghỉ ngơi tốt nhất bởi đó là cách nghỉ ngơi tích cực.

Nếu em có “nghề-chơi-khi-nhàn-rỗi”(hobby) như sưu tập tem, sưu tập lá cây hay hoa, nghề mộc, nghề điện, trồng cây kiểng, chơi đàn, thổi kèn, vẽ tranh, . . . thì đấy là cách nghỉ ngơi tốt đẹp nhất và còn giúp em lấy chuyên hiệu. Một em lấy cứu thương làm “nghề-chơi-khi-nhàn-rỗi” thì em đó luôn có việc để làm, để ôn luyện.

Luôn có việc để làm như “nghề-chơi-khi-nhàn-rỗi” các em sẽ luôn thấy mình hăng hái, vui tươi và minh mẫn.

Về hoạt động này, BiPi nói :

­“Nghề-chơi-khi-nhàn-rỗi” là vũ khí đối trị các trò chơi hại thân.

­ Người có “nghề-chơi-khi-nhàn-rỗi” thì chẳng bao giờ có thời gian để lãng phí.

Nữ công gia chánh

Trong bốn chữ Công Dung Ngôn Hạnh mà ông bà mình dùng để giáo dục con gái, các em thấy đứng đầu là chữ Công. Nói dễ hiểu, Công ở đây là nghề.

Nghề gì ? Đó là những nghề gọi chung là nữ công gia chánh.

Một phụ nữ mà không biết nấu nướng, không biết chợ búa, không biết điều hành chi tiêu của gia đình, không biết may vá thêu thùa, không biết cách nuôi con, thì đó chỉ là con búp-bê. Nữ HĐ mà chỉ là búp-bê thì xấu danh HĐ quá.

Có khách bất chợt đến nhà em phải dọn được bữa cơm ra hồn; có cái áo hay quần bị rách nhỏ, em phải biết cách vá cho đẹp để mang đến cho người nghèo; em cần biết thêu đôi chút để thêu trang trí bao gối, khăn tay (mù-xoa) hay khăn quàng.

Đấy là những nghề mà Nữ HĐ cần học ngay bây giờ để mai sau trở thành nội tướng trong gia đình.



III – Sống các quan hệ

Người con hiếu

HĐS nào mà không thường nghĩ đến cha mẹ mình thì không đáng được gọi là HĐS. Vì sao ? Vì không thực hiện đầy đủ điều luật thứ hai, điều luật quan trọng hàng đầu của HĐ : làm tròn bổn phận đối với Tổ Quốc, làm tròn bổn phận đối với cha mẹ, làm tròn bổn phận đối với người cọng sự.

HĐ đã cẩn thận nhắc nhở điều này đối với cả Sói Con trong Cách Ngôn Rừng : Sói Con nghĩ đến người khác trước; và trước tiên nghĩ đến cha mẹ mình, anh em mình, ông bà mình.

Các em có thể nói là các em có nghĩ đến cha mẹ đó chứ, bằng chứng là các em biếu quà sinh nhật, biếu quà cho mẹ trong ngày lễ phụ nữ. Tốt lắm, nhưng các em có biết cha mẹ các em thích món quà nào nhất không? Tôi sẽ nói ngay cho các em biết.

Điều mà cha mẹ mong muốn nhất, điều mà cha mẹ có quyền trông đợi nhất đó là các em làm hết sức mình để cha mẹ được hãnh diện. Làm hết sức mình để cha mẹ được hãnh diện, đó là món quà quý giá nhất dâng cha mẹ.

Em có thể làm cho cha mẹ hãnh diện trong học tập, trong cung cách ứng xử kính trên nhường dưới trong gia đình, trong sự siêng năng công việc nhà,…như thế, em sẽ là người con hiếu.

Có hiếu là làm hết sức mình để cha mẹ được hãnh diện.

Chuyển giận thành thương

Em chạy xe đúng luật mà bị một người khác đâm vào rồi lại mắng chửi em. Đo đất, rách quần, trầy trụa, em sôi giận: đó là phản ứng tự nhiên, và chính đáng. Nhưng nếu em cứ nuôi cái căm giận đó trong lòng thì em . . . dại; em dại bởi em tự mình làm mình sôi lên, tự mình đốt lửa thiêu đốt mình (nguyền rủa, uớc gì mình cho nó một trận,…) trong khi tên vô lại kia có hề hấn gì đâu! Làm sao đây ? Nuốt giận e nuốt không trôi, mà có nuốt trôi thì nó vẫn còn đó, trong em. Duy nhất chỉ có một cách : em hãy bình tâm nghĩ lại để thông cảm : người kia không may mắn được giáo dục tử tế như mình, hoặc vì gia đình nghèo, hoặc vì trời sinh ngu độn,… mới làm thế, mình thấy người đó đáng thương hơn là đáng giận. Và như thế sự căm giận của em đã hóa thành tình thương. Và như thế, em đã biến đống lửa thiêu đốt em thành làn gió mát cho em và cả cho người.

Đó là cách giải quyết sự căm hận hữu hiệu nhất và tốt đẹp nhất, dù khi em bị ai nói xấu, chơi khăm, . . .Nuôi căm hận trong lòng thì chỉ có hại cho em thôi; HĐS không phải là thằng ngu, thế thì ngu gì nuôi căm hận trong lòng để tự mình làm mình khổ sở.

Khi căm giận, em hãy thông cảm với đối tượng và cố gắng biến sự căm giận thành tình thương; em sẽ luôn được thanh thản, hạnh phúc.



Tinh thần Đội

Sau không ít trận đấu bóng đá, thường có phát biểu : “Cầu thủ này, cầu thủ kia đã đem lại chiến thắng cho đội bóng”. Các em cũng biết đây là phát biểu hời hợt.





Có hai điều chúng ta phải thấy :

một là, chiến thắng của đội bóng là do công lao của mọi cầu thủ trong đội; người ghi bàn không thể tung cú sút cuối cùng nếu không được đồng đội mang banh lên và chuyền cho mình;

hai là, chiến thắng đó là do mỗi cầu thủ làm tròn công việc của mình trong vị trí, trong vai trò ấn định cho mình.

Chính sự chung sức như thế làm nên chiến thắng, chứ không phải chỉ một người.

Tương tự, chính sự chung sức như thế làm nên sức mạnh của Đội em, chính sự chung sức như thế mới đem lại chiến thắng cho Đội em trong các cuộc chơi hay thi đua.

Tinh thần Đội là gì ? Đó là tinh thần “vì Đội”, mong muốn chiến thắng do chung sức, do mỗi Đội sinh làm tròn công việc của mình.

Khi trong một Đội mà các Đội sinh không chung sức , không phối hợp, cộng tác với nhau, mỗi Đội sinh không làm tròn công việc của mình thì đừng nói đến tinh thần Đội.

Thế nên muốn xây dựng tinh thần Đội, thì mỗi em phải luôn tự hỏi : “Mình đã làm hết sức để làm tròn phần việc mình chưa, để hợp đồng làm việc với các bạn khác chưa ?”



Tươi vui

Dựa trên một châm ngôn rất phổ biến : “Hãy tốt bụng và bạn sẽ hạnh phúc” BiPi khuyên “Hãy tươi vui và bạn sẽ hạnh phúc. (F.78)



Sự tươi vui thể hiện trước tiên bằng nụ cười.



Cười mang lại hạnh phúc cho em và cả cho người khác. BiPi viết trong Scouting For Boys : “ Hãy cười càng nhiều càng tốt : em sẽ cảm thấy hạnh phúc; thế nên mỗi khi có dịp cười, em hãy cười. Và hãy làm cho người khác cười nữa, khi có thể , vì khi cười họ sẽ hạnh phúc. Gặp lúc đau đớn hay khó khăn, em hãy cố gắng mìm cười và em sẽ cảm thấy dễ chịu hơn” (F.66)

Khi chỉ cách tập dượt nhân ái, Mẹ Têrêxa nói : “All you have to do is smile a little. ­ Tất cả những gì bạn cần làm là mìm cười đôi chút”.

Nụ cười còn có nhiều tác động kỳ diệu khác nữa, thế nên HĐ luôn nhắc chúng ta hãy luôn mìm cười, hãy cười càng nhiều càng tốt. Bằng cách nào các em ? (…chờ có em trả lời, và nếu có câu trả lời đúng thì nói tiếp) Phải rồi, cái giải băng mang hai chữ “Sắp Sẵn” bên dưới Hoa Huệ trên túi áo trái các em nhắc các em luôn tươi cươì, bởi tươi cười mang lại hạnh phúc, yêu thương, vừa cho em vừa cho người khác.



Sự tươi vui còn được thể hiện qua dáng vẻ. BiPi nói : “Ra đường mà em có dáng vẻ tươi vui thì em sẽ làm những người khác tươi vui”. Gặp một đám người mặt mày ủ dột thì em có tươi vui được không ? Em nên nhớ : Tươi vui và ủ dột đều hay lây như nhau.

Nụ cười

­ “HĐS mìm cười và huýt sáo khi gặp khó khăn”. Đó là nguyên văn điều thứ 8 Luật Hướng Đạo. Đó là cười để giải tỏa mình. Còn đối với người khác, nụ cười biểu hiện gì ? Tìm thấy trên Internet :



S

Sweet

Ngọt ngào, dịu dàng

M

Marvellous

Kỳ diệu

I

Immensely likeable

Dễ thương vô cùng

L

Loving

Đằm thắm yêu thương

E

Extra special

Còn hơn cả đặc biệt

Nụ cười thật kỳ diệu, còn hơn cả đặc biệt bởi nó dịu dàng, đằm thắm yêu thương, dễ thương vô cùng. Chào người với một nụ cười thì chắc chắn người đó có ngay hảo cảm với em.

Lên xe, lên tàu, em hãy chào những người ngồi hai bên em với nụ cười thành thật tươi tắn .



Tình bạn

Khi học Morse hay Xê-ma-pho các em đều biết 26 chữ cái. Có người đã định nghĩa tình bạn bằng tiếng Anh với 26 chữ cái đó; chẳng hạn : ­với chữ A: Accepts you as you are (bạn sao thì chấp nhận vậy); ­ với chữ B : Believes in you (có lòng tin nơi bạn)

Anh cũng sẽ từ đó lấy ra các chữ cái tạo thành từ FRIEND ; người bạn em là người đối xử với em như thế nào ?

F : Forgives your mistakes (tha thứ lỗi lầm của em)

R : Raises your spirits (làm cho em phấn chấn hơn)

I : Invites you over (mời em về nhà mình)

E : Envisions the whole of you (biết rõ em)

N : Never judges (không bao giờ phán xét em)

D : Doesn’t give up on you (tin rằng em sẽ thành công, tin rằng em sẽ tốt hơn)

Trên những tiêu chí này, em có thể nhận ra ai là bạn tốt. Dĩ nhiên em muốn bạn em ứng xử với em theo những tiêu chí đó. Và bạn em cũng mong được em đối xử như thế.



Và để kết bạn các em hãy theo khuôn vàng thước ngọc : Hãy làm cho người khác những gì em mong đợi người khác làm cho em.

Nhận ra bạn xấu

Trong Đoàn, trong Đội em có những bạn tốt. Nhưng đấy không phải là những người bạn duy nhất. ở trường em có bạn, trong khu phố em có bạn, và em còn có thể có thêm bạn trong nhiều trường hợp khác, như trên mạng Internet chẳng hạn.

Việc quan trọng nhất là tránh bạn xấu. Em có thể nhận ra ngay bạn xấu một cách dễ dàng : kẻ khích em hút thuốc, uống rượu; rủ rê em quậy phá, tụ băng tụ nhóm để “chơi” các băng nhóm khác, rủ rê em trốn học, luôn rủ rê em đi chơi games (on-line); kẻ hay chửi thề, chửi tục; kẻ bất chấp giờ giấc bửa cơm ở nhà, tụ tập nói chuyện vô bổ hay bẩn thìu, . . .

Cách hay hơn hết, cách em phải làm, dứt khoát phải làm, là : tránh xa những kẻ đó.

Em nên nhớ câu ngạn ngữ này “Anh cho tôi biết anh đánh bạn với ai, tôi sẽ cho anh biết anh là ai”. Em đánh bạn với những kẻ xấu như anh vừa nói, thì, không chóng thì chầy em cũng giống như những kẻ ấy thôi.

Và đã giống như những kẻ ấy thì em phải hiểu là em đang làm chuyện bất hiếu, và xin em đừng xưng mình là Hướng Đạo.



Bị thầy, cô mắng hay phạt oan.

Là học sinh, em có thể bị thầy, cô mắng hay phạt oan. Em phải biết ứng xử như thế nào khi em là HĐS.

Em bị thầy, cô gán cho tội quậy (nói chuyện nhiều trong lớp; chọc phá bạn ngồi gần như thúc cùi chỏ, giấu học cụ; chọc cho cả lớp cười, . . .)

­ Khi bị mắng oan, em vẫn nghiêm chỉnh lắng nghe thầy, cô mắng.

­ Khi bị phạt (bị đuổi ra khỏi lớp chẳng hạn), em vẫn thi hành lệnh phạt của thầy cô.

­ Tuyệt đối không được cãi tay đôi với thầy,cô ngay trong lớp; và luôn luôn giữ vẻ lễ phép dù em bất bình đến mấy, bực tức đến mấy.

­ Sau giờ học, em có thể đến gặp thầy, cô để minh oan , có thể như thế này (nói trực tiếp, hay viết thư):

“ Thưa Thầy/Cô, em xin lấy danh dự của một HĐS mà thưa với Thầy/Cô là em không hề làm việc đó (…) trong lớp. Và cũng bởi em là HĐS em đã chấp hành hình phạt trước và trình bày sự thật sau. Em không buồn phiền gì cả, em chỉ mong Thầy/Cô biết rằng em không làm việc đó thôi”.

Nếu Thầy/Cô im lặng, em sẽ chào : “Thưa Thầy/Cô, em đã nói hết điều em cần nói. Em xin chào Thầy/Cô, em xin phép về”.

Nếu Thầy/Cô nói lời xin lỗi, em sẽ nói với vẻ vui sướng : “Em cảm ơn Thầy/ Cô đã tin lời nói của em. Em xin phép về”.

Các em hãy nhớ ba điều chính :



  1. Luôn giữ vẻ lễ phép

  2. Tuyệt đối không được cãi tay đôi với thầy, cô ngay trong lớp.

  3. Chịu đựng trước, lễ phép minh oan sau.

Thầy/ Cô cũng chỉ là những con người, mà đã là con người thì không thể tránh khỏi nhầm lẫn. Em có tha thứ cho người khác thì người khác mới tha thứ cho em.

Khi rời nhà đi xa

Ngày mai, cả gia đình em đi Vũng Tàu. Là HĐS, em làm gì đây trong chuẩn bị ?

Chí ít, em phải chuẩn bị túi cứu thương; nói đúng hơn anh sẽ gọi là “Túi Sắp Sẵn”.

Túi Sắp Sẵn” dĩ nhiên có đủ vật dụng sơ cứu : bông gòn, tăng-pông (que nhựa có bông gòn ở hai đầu), thuốc sát trùng (như oxy già, an-côn, …); băng cuộn, gạc (tấm vải mùng chứa bông gòn để đắp lên vết thương lớn trước khi băng), băng dán; thuốc chửa bệnh : nhức đầu, cảm cúm, đau bụng, trừ ngứa, phòng say xe,…

Em cũng nên mang theo chừng 5 túi ni-lông (để chứa rác, để cho người bị ói,…), vài tờ báo cũ, thuốc trừ muỗi, đèn pin, dây…

Tùy nơi đi đến mà em mang theo các thứ cần dùng. Chẳng hạn đến một nơi xa chỗ đông người nhưng có cây cối thì em có thể mang theo cái võng cho mẹ nằm nghỉ. Khi đi xa, em phải luôn luôn nghĩ đến tiện nghi cho mẹ.

Các thứ đó em có thể cho vào một cái túi xách nhỏ gọn cùng với các vật dụng cá nhân của em. Nếu em có cái áo nhiều túi (mà người ta thường gọi là áo phóng viên, hay gi-lê) thì em đúng là một xe cứu thương rất linh hoạt và rất kịp thời; dĩ nhiên là với điều kiện em sành nghề cứu thương.

Đi xa thường xảy việc bất ngờ, là HĐS, em phải sắp sẵn để ứng phó.

Văn hóa xe buýt

Càng ngày màng lưới xe buýt của thành phố chúng ta càng hoàn thiện. Đi xe buýt vừa rẻ tiền, vừa an toàn, vừa khỏi lình kình nón bảo hiểm, vừa khỏi tốn tiền gởi xe như khi đi xe máy, vừa được ngồi máy lạnh ngắm nhìn phố xá; chừng đó cũng đủ bù đắp cho việc “lâu lắc” khi đi xe buýt.

Có điều là khi đi xe buýt các em phải luôn luôn nhớ mình là HĐS, dù mặc đồng phục hay thường phục.

Là HĐS, em phải nhường chỗ cho những người già yếu, tật nguyền, phụ nữ các em bé nhỏ tuổi hơn em. “(Cháu) mời cụ / bà / cô … ngồi”. Và các em có thể nghĩ “Thế thì đứng suốt còn gì !”. Phải, là HĐS, nếu phải “đứng suốt” thì em phải “đứng suốt”; vả lại, đâu có phải đứng lâu đâu.

Và khi chính em được một người khác nhường chỗ thì em phải nhìn người đó, mìm cười và nói “ (cháu/em) xin cảm ơn”.

Có một người nước ngoài rành tiếng Việt đi xe buýt ở thành phố ta nhường chỗ cho một phụ nữ : “Mời cô ngồi”. Người phụ nữ chỉ ngồi xuống nhưng anh nước ngoài kia tưởng cô ta nói gì đó với anh nên anh hỏi lại : “Xin lỗi, cô nói gì ạ?”, người phụ nữ lắc đầu. ­ “Thế mà tôi tưởng cô nói «Cảm ơn»” !

Là HĐS, em càng phải có “văn hóa xe buýt”.

Nói “Cảm ơn”, đáp lời “Cảm ơn”

Các em có thể thường được biếu quà. Em sẽ nói gì khi đưa tay ra nhận quà ? (Các em có thể trả lời : “Cảm ơn”) Phải rồi ! BiPi nói: “Một món quà trao cho em sẽ chỉ thuộc về em khi em đã nói lời cảm ơn” (F.207). Nếu em nhận quà qua bưu điện chẳng hạn thì em phải viết thư cảm ơn. Các em phải nói cảm ơn không những khi nhận quà mà bất cứ khi nào nhận được sự giúp đỡ của người khác, dù nhỏ nhặt đến đâu.

Còn khi em giúp một người khác một việc gì đó và người đó nói lời cảm ơn thì em sẽ nói gì ? ­ “(Thưa ông/bà/cô /chú/anh/chị…) không có gì”. Và nếu một người nước ngoài cảm ơn em thì em đáp sao ? Em sẽ đáp “(You’re) welcome”. Nước ta càng ngày càng có nhiều khách du lịch nước ngoài nên các em cần phải biết đôi lời đối đáp thông dụng.

Và đồng thời với lời nói “Cảm ơn” hay “không có gì” em nên kèm theo một nụ cười tươi tắn, vui vẻ.



Cảm ơn kèm với nụ cười

Là câu thần chú để người mến ta.

Bài ca từ trái tim

Trong các CCDC các em đã nghe các Trưởng giải thích Luật, Lời Hứa, Châm ngôn, Khẩu hiệu HĐ. Hôm nay anh chỉ kể các em nghe một câu chuyện anh đọc được trong bộ sách Chicken Soup for the Soul (Món ăn bồi bổ tâm hồn), một bộ sách song ngữ Anh-Việt rất hay, có bán ở các nhà sách. Câu chuyện như thế này :

Hai vợ chồng gia đình nọ sanh được một bé gái. Qua năm tháng, trong khi bé gái dần lớn lên, cha cô bé thường ôm cô bé vào lòng và âu yếm nói : “Cha yêu con lắm, con gái bé bỏng của cha.” Khi đã khá lớn, trong một lần như thế, cô bé phụng phịu : “Không dám bé bỏng nữa đâu cha !”

Và một ngày nọ, tự cho không còn bé bỏng nữa, cô bé rời nhà ra đi, dấn thân vào đời. Cho dù cô đi đâu, cha cô vẫn dõi theo, vẫn thường gọi điện thoại cho cô : “Cha yêu con lắm, con gái bé bỏng của cha.”

Rồi một hôm, hung tin đến : cha cô bị đột quỵ vì tai biến tim. Ông không còn có thể đi lại, nói năng, mìm cười, ông không còn có thể ôm cô vào lòng và nói lời yêu thương. Cô vội trở về nhà. Cha cô nhìn cô và cố nói nhưng không được. Cô ngồi xuống bên cha, choàng tay ôm lấy vai cha, tựa đầu lên ngực cha và miên man nhớ lại cô đã được cha che chở, thương yêu, vỗ về suốt bao nhiêu năm. Cô rất đau buồn về sự mất mát to lớn đó.

Tựa đầu lên ngực cha, cô nghe tiếng tim cha đập, có thể đây là những nhịp đập cuối cùng. Thốt nhiên cô nghe từ trong lồng ngực cha phát ra lời nói vỗ về, an ủi mà miệng cha không còn thốt lên được : “Cha yêu con lắm, con gái bé bỏng của cha.”

Cảm ơn các em đã nghe anh kể chuyện.

(Theo Heart Song của Patty Hansen / Chicken Soup for the Soul)



Chia sẻ

Trong các CCDC các em đã nghe các Trưởng giải thích Luật, Lời Hứa, Châm ngôn, Khẩu hiệu HĐ. Chia sẻ cũng là việc người HĐ nên làm. Nhưng chia sẻ là gì, có khó làm không, làm như thế nào.

Hôm nay anh chỉ kể các em nghe một câu chuyện anh đọc được trong bộ sách Chicken Soup for the Soul, một bộ sách song ngữ Anh-Việt rất hay, có bán ở các nhà sách.

Nhà văn và diễn thuyết gia Leo Buscaglia kể lại một cuộc thi mà ông được mời làm giám khảo. Mục đích của cuộc thi là chọn ra đứa trẻ nào quan tâm nhiều nhất đến người khác. Người đoạt giải là một chú nhóc chỉ mới bốn tuổi. Câu chuyện như thế này :

Cạnh nhà chú bé có một ông già vừa mới mất đi người vợ thân thương của mình. Thấy ông ngồi khóc ngoài vườn, chú bé bước đến, trèo lên người ông, và ngồi vào lòng ông.

Khi chú bé về nhà, mẹ chú hỏi chú đã nói gì với ông già, chú bé trả lời : “Con chẳng nói gì cả, con chỉ giúp ông ấy khóc thôi.”

(Theo The most caring child của Ellen Kreidman)

Hai anh em

Trong các CCDC các em đã nghe các Trưởng giải thích Luật, Lời Hứa, Châm ngôn, Khẩu hiệu HĐ. Không chỉ có thế, điều 1 Cách ngôn Rừng của Sói Con nói lên một việc mà người HĐ phải làm, phải làm suốt đời.

Hôm nay anh chỉ kể các em nghe một câu chuyện anh đọc được trong bộ sách Chicken Soup for the Soul, một bộ sách song ngữ Anh-Việt rất hay. Câu chuyện như thế này :

Có hai anh em nhà nọ cùng chung sức làm việc trong nông trại của gia đình. Người anh đã lập gia đình, người em vẫn còn độc thân. Cứ cuối tuần, hai anh em lại chia đều cả phần lúa gạo cũng như lợi nhuận.

Người em một hôm tự nhủ : “Thật không công bằng khi chia đôi hoa lợi với anh. ảnh có vợ có con phải nuôi, còn mình một thân một mình, đâu có phải nuôi ai, mình đâu có cần gì nhiều lúa gạo, tiền bạc.” Nghĩ thế, sau mỗi lần được chia phần, người em chờ đến khuya, vác một bao lúa của mình, mò mẫm trong bóng tối mang đến trút vào kho lúa của anh.

Trong khi đó người anh cũng nghĩ ngợi : “Thật không công bằng khi chia đôi hoa lợi với em. Mình có vợ có con săn sóc mình, còn chú em trơ trọi một mình, không có ai chăm sóc, tương lai rồi sao đây.” Và người anh, sau mỗi khi được chia phần, chờ đến khuya, vác một bao lúa của mình, mò mẫm trong bóng tối mang đến trút vào kho lúa của em.

Năm này qua năm nọ, hai anh em mỗi tuần đều ngạc nhiên vì rõ ràng mỗi đêm cuối tuần mình đều lấy đi một bao mà sao sáng hôm sau vẫn thấy số bao vẫn không thay đổi. “Chắc mình đếm nhầm”. “Chắc mình đếm nhầm”.

Họ chỉ hiểu ra khi một tối cuối tuần, trong đêm tối mịt, hai anh em, mỗi người vác một bao lúa, đâm sầm vào nhau.

(Theo Two Brothers / Chicken Soup for the Soul)

Ánh mắt từ ái

Anh kể các em nghe một câu chuyện.

Đấy là một chiều đông giá lạnh. Một ông lão ngồi bên dòng suối nước chảy xiết. Ông không thể lội qua vì ông già yếu và người ông đã tê cóng vì gió lạnh. Ông chờ có ai đó sẽ đến và sẽ giúp ông. Một đoàn người ngựa đến. Ông lão nhìn người thứ nhất đi qua mà không làm gì để xin đi nhờ. Rồi người thứ hai, người thứ ba cũng vậy. Cuối cùng, ông bắt gặp ánh mắt của người đi sau chót, ông nói : “Xin ngài cho tôi đi nhờ ngựa sang suối với”. Kỵ sĩ vui vẻ : “Sẵn lòng. Mời cụ lên”. Thấy ông lão không lên ngựa nổi vì đã bị cóng lạnh, kỵ sĩ xuống ngựa, đỡ ông lão lên ngựa. Không những đưa qua suối, kỵ sĩ còn đưa ông lão về tận nhà cách đó vài cây số. Thắc mắc về hành vi của ông lão, kỵ sĩ hỏi : “Tại sao cụ không ngỏ lời nhờ những người đi trước tôi đưa cụ qua mà đến người cuối cùng cụ mới nhờ. Nhở tôi từ chối thì chắc cụ chết rét mất.” Ông lão từ tốn trả lời : “Tôi sống ở đây đã lâu và tôi biết lòng dạ con người. Những người khác đi qua, họ hờ hững nhìn tôi; có xin họ giúp thì cũng vô ích; còn ông thì nhìn tôi với ánh mắt từ ái rất rõ nên tôi biết ông chắc chắn sẽ giúp tôi.” Chàng kỵ sĩ cung kính thưa lại : “Tôi rất biết ơn cụ về những gì cụ vừa dạy. Mong sao từ nay tôi sẽ không nại lý do bận bịu công việc của mình mà không quan tâm đến người khác. Xin chào cụ.”

Và kỵ sĩ quay ngựa về nhà, về Nhà Trắng. Các em có biết Nhà Trắng là gì không ? Nhà Trắng (White House) là nơi ở và làm việc của tổng thống Mỹ. Vâng, kỵ sĩ tốt bụng kia chính là Tổng thống thứ ba của Mỹ, Thomas Jefferson (1743-1826).

(Theo Compassion is in the eyes / Chicken soup for the soul)

Điều gì quan trọng nhất

Trong một Đại hội Thể thao dành cho người khuyết tật ở Seattle (Mỹ), 9 vận động viên xuất phát chạy cự ly 95m. Chợt một cậu bé bị ngã, cậu đứng lên và chạy tiếp, và lại bị ngã. Cậu khóc. Nghe tiếng khóc, 8 người kia ngừng chạy, cùng quay lại chỗ cậu bé. Một cô bé bị bệnh Down hôn cậu và nói : “Thế là ổn rồi nhé”. Các em đoán thử việc gì xảy ra sau đó. Cả chín người nắm tay nhau cùng về đích trong tiếng hò reo vang dậy suốt mười phút của toàn bộ khán giả đã đồng loạt đứng lên để hoan hô và tỏ lòng kính phục.

(Theo What’s really important /Chicken soup )



Gandhi rơi giày (Theo Gandhi’s dropping shoe / Chicken soup)

Các em có biết người mà nhân dân ấn Độ tôn thành vị thánh không ? Đó là ông Mahamat Gandhi (1869-1948). Bằng bất bạo động ông đã lãnh đạo nhân dân ấn Độ đấu tranh với thực dân Anh để giành độc lập cho ấn Độ. Giòng họ Gandhi với nhiều lãnh đạo cấp cao của ấn Độ luôn là những người bạn chí thiết của Việt Nam. Đấy là những việc to lớn, anh kể các em nghe một câu chuyện nhỏ về bậc vĩ nhân này của nhân loại.

Có lần trong lúc vội vàng bước lên xe lửa, Mahamat Gandhi đã đánh rơi một chiếc giày xuống đường ray và không thể nào lấy lên được vì xe lửa đã lăn bánh. Ông bèn cởi ngay chiếc giày còn lại và ném ra xa xuống đường ray, gần chỗ chiếc giày đã rớt, trước sự ngạc nhiên của những người trên xe. Một hành khách không nén được thắc mắc đã lên tiếng hỏi ông tại sao lại làm như vậy. Gandhi mìm cười và đáp : “ Khi một người nghèo nào đó tìm thấy chiếc giày thứ nhất trên đường ray thì cũng sẽ tìm thấy chiếc thứ hai, và như vậy sẽ có đủ cả đôi để mang.”

Ngài Gandhi đã nêu gương thực hiện một trong năm điều Cách Ngôn Rừng của Sói Con. Các em có biết đó là điều thứ mấy không? Đó là điều thứ nhất : “Sói Con nghĩ đến người khác trước.

Nghĩ đến người khác trước”, đó là châm ngôn không những cho Sói Con mà tất cả chúng ta, từ 8 đến cả trên 88 tuổi. “Nghĩ đến người khác trước”, từ tư tưởng, lời nói đến việc làm.

Nghĩ đến người khác trước”, đó là một châm ngôn HĐ cho mọi lứa tuổi, đó là suối nguồn hạnh phúc cho mình và cho người.



Đằng sau sự thành công của một người đàn ông

Người ta thường nói : Đằng sau sự thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng một phụ nữ. Một thí dụ : nếu không nhờ có bà vợ Sophia thì Nathaniel Hawthorne (1804-1864) đã không thể trở thành một tên tuổi vĩ đại trong nền văn học Mỹ. Câu chuyện như thế này :

Một hôm Nathaniel trở về nhà và buồn rầu báo cho vợ biết rằng ông đã mất việc làm. Ông thật ngạc nhiên khi thấy vợ lại tỏ vẻ vui sướng hớn hở :

­ “Hay quá, bây giờ anh đã có thời gian để viết sách rồi !”

­ “Phải rồi,” anh đáp lại với không mấy tin tưởng, “Nhưng chúng ta sẽ sống bằng gì trong thời gian anh ngồi viết ?”

Trước sự ngạc nhiên của chồng, bà Sophia mở một ngăn kéo và lấy ra một số tiền đáng kể.

­ “Em lấy đâu ra nhiều tiền vậy ?”, ông kêu lên.

­ “Em vẫn luôn biết rằng anh là một thiên tài”, bà nói, “Em biết rằng rồi sẽ có ngày anh viết nên một kiệt tác. Vì vậy, mỗi tuần em đã giữ lại một ít trong số tiền chợ. Chỗ này đủ cho chúng ta sống được một năm.”

Chính nhờ sự tằn tiện, niềm tin và lời động viên của vợ mà Nathaniel đã cho ra đời một trong những tác phẩm vĩ đại nhất văn học Mỹ : “Chữ A màu đỏ” (The Scarlet Letter).

(Theo Encouragement của Nido Qubein ­ Chicken soup)



Hai cái ba-lô

Anh đố các em ai quanh năm suốt tháng mang hai ba-lô trên người, một cái trước ngực, một cái sau lưng. Em nào trả lời cho anh nào ? Khó quá phải không. Câu trả lời rất đơn giản : tất cả chúng ta. Hai ba-lô đó đựng toàn tật xấu. Một cái đựng tật xấu của mình; một cái đựng tật xấu của người khác.

Có người mang ba-lô tật xấu của người khác ở trước ngực, mở nắp ra, để luôn thấy tật xấu của người khác; còn ba-lô tật xấu của mình thì mang sau lưng và đậy lại. Người như thế chắc hẳn chẳng mấy thành công ở đời, bởi không ai thành công trong đời hoặc được hạnh phúc bằng cách chỉ chăm hẳm xoi mói cái xấu của người khác.

HĐ không phải là thằng ngu. Thế nên người HĐ mang ba-lô tật xấu của mình trước ngực, mở nắp ra, để thấy những cái xấu của mình mà sửa chữa; còn ba-lô tật xấu của người khác thì chúng ta cho ra sau lưng. Hoàn thiện mình hằng ngày, đó là cội nguồn của vui sướng. Hoàn thiện mình hằng ngày, đó là cội nguồn của thành công và hạnh phúc. (Theo The two knapsacks­Woods Wisdom)



Hóa giải hận thù

Báo chí thường đưa tin những vụ việc đẩm máu giết hại người vô tội (trong đó có nhiều trẻ em như các em) do va chạm văn hóa, chủng tộc, tôn giáo. Hận Thù ngày càng gia tăng, càng ác liệt. HĐ có cách gì để góp phần xóa bỏ tai họa đó.

Trong diễn văn khai mạc trại Nữ Trưởng HĐ toàn thế giới ở Foxlease năm 1924, BiPi kêu gọi bằng một lời Phật dạy :

“Đức Phật dạy : «Chỉ có một cách loại bỏ Hận Thù trên thế giới; và đó là mang lại Tình Thương». Cơ hội đến với chúng ta khi thay cho tính ích kỷ và thái độ thù địch chúng ta có thể trao truyền thiện chí và hòa bình như là tinh thần của thế hệ tương lai.” (F.325)

Với gần 30 triệu HĐS ở khắp 216 nước (số liệu của WOSM năm 2008), HĐ có thể khắp nơi trên hành tinh này trao truyền cho mọi người Tình Thương, cảm thông và khoan dung, để mang lại hòa bình cho thế giới.

Tất cả chúng ta phải nêu gương tốt để thu hút thêm người vào Phong Trào để trao truyền cho họ sự cảm thông và khoan dung, nguồn cội của Tình Thương. Phong Trào càng có thêm bao nhiêu người thì hận thù sẽ bớt đi bấy nhiêu. Đó là nhiệm vụ của mỗi một chúng ta.

Hãy nhớ : Cảm thông và khoan dung là nguồn cội của Tình Thương. Và Tình Thương là cách duy nhất để hóa giải Hận Thù.

Tâm từ ái

Các em biết khẩu hiệu của Sói Con là “Mỗi ngày làm vui lòng một người” và khẩu hiệu của Thiếu sinh là “Mỗi ngày làm một Việc thiện”.

Các em chắc hẳn có nghe bốn chữ Từ Bi Hỷ Xả; đó là một cách tu dưỡng do Đức Phật Thích Ca đề ra :

Từ là gieo rắc niềm vui

Bi là giúp đỡ, cứu người khốn nguy

Hỷ là ganh ghét bỏ đi

Xả là không chấp, viễn ly oán hờn.

Các em có biết Mẹ Tê-rê-xa không ? Mẹ Tê-rê-xa là một nữ tu Thiên Chúa Giáo đã hiến trọn đời cứu giúp những người khốn cùng nhất ở ấn Độ và Mẹ đã được tặng giải Nobel Hòa Bình. Hôm nay anh mượn lời của Mẹ để nói với các em về chữ Từ, về lòng từ ái.

Hãy gieo rắc tình thương khắp nơi mà bạn đến. Trước tiên là ngay trong gia đình. Hãy yêu thương con cái, người bạn đời, và cả người láng giềng,… Đừng bao giờ để người đến với bạn ra đi mà không cảm thấy sung sướng hơn, hạnh phúc hơn. Hãy thể hiện lòng từ ái trên gương mặt, trong ánh mắt, trong nụ cười, trong lời chào hỏi nồng ấm.”

Và một người khác cũng được giải Nobel Hòa Bình, Ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, lãnh tụ Phật giáo Tây tạng và là người có ảnh hưởng lớn trên thế giới, đặc biệt là với giới trẻ, cũng đã nói : “Tôn giáo của tôi rất đơn giản. Tôn giáo của tôi là tâm từ ái.”

Khổng Tử cũng đặt tâm từ ái lên hàng đầu: Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín.

Các em thấy không, các bậc tôn quý : Phật Thích Ca, Khổng Tử, Mẹ Tê-rê-xa, Ngài Đạt Lai Lạt Ma, tuy tôn giáo khác nhau nhưng đều chung lời kêu gọi : Hãy thể hiện lòng từ ái.

Thể hiện lòng từ ái có lợi gì ? Đức Phật nói : “Người nào sáng cho người thêm vui, chiều cho người bớt khổ, người đó sẽ luôn rất hạnh phúc.”

Và BiPi nói : “Con đường chân chính đến hạnh phúc là mang hạnh phúc đến cho người khác.”

Các em thấy đấy, hai khẩu hiệu của Hướng Đạo chúng ta : “Mỗi ngày làm vui lòng một người” và “Mỗi ngày làm một Việc thiện” là phương thức mầu nhiệm hàng đầu, mang lại hạnh phúc vừa cho mình, vừa cho người.

Cái máy bơm

Một chàng trai bị lạc giữa một sa mạc rộng lớn. Anh mệt lả và khát khô, sẵn sàng đánh đổi bất kỳ cái gì chỉ để lấy một ngụm nước mát. Đi mãi đi mãi, đến khi đôi môi anh đã sưng lên nhức nhối, thì thấy một căn lều : cũ, rách nát, không cửa sổ.





Anh nhìn quanh căn lều và thấy ở một góc tối có một cái máy bơm nước cũ và gỉ sét. Tất cả mọi thứ trở nên lu mờ đi bên cạnh cái máy bơm, anh vội vã bước tới, vịn chặt tay cầm, ra sức bơm. Nhưng không có một giọt nước nào chảy ra cả.

Thất vọng, anh nhìn quanh căn lều. Lúc này, anh chàng mới để ý thấy một cái bình nhỏ. Phủi sạch bụi cát trên bình, anh đọc được dòng chữ nguệch ngoạch viết bằng cách lấy viên đá cào lên:

"Hãy đổ hết nước trong bình này vào cái máy bơm. Và trước khi đi, hãy nhớ đổ nước đầy vào chiếc bình này".

Anh bật nắp bình ra, và đúng thật : trong bình đầy nước mát. Bỗng nhiên, anh bị rơi vào một tình thế bấp bênh. Nếu anh uống ngay chỗ nước trong bình, chắc chắn anh có thể sống sót. Nhưng nếu anh đổ hết nước vào cái máy bơm cũ gỉ, có thể nó sẽ bơm được nước trong lành từ sâu trong lòng đất – rất nhiều nước.

Anh cân nhắc khả năng của cả hai sự lựa chọn nên mạo hiểm rót nước vào máy bơm để có nguồn nước trong lành, hay uống nước trong cái bình cũ và coi như không đọc được lời chỉ dẫn ? Dù sao, lời chỉ dẫn không biết đã ở đó bao lâu rồi và không biết có còn chính xác nữa không ?

Nhưng rồi cuối cùng, anh cũng quyết định rót hết nước vào cái máy bơm, rồi tiếp tục nhấn mạnh cái cần máy bơm, một lần, hai lần... chẳng có gì xảy ra cả! Tuy hoảng hốt, nhưng nếu dừng lại, anh sẽ không còn một nguồn hy vọng nào nữa, nên anh tiếp tục kiên trì bơm lần nữa, lần nữa... Và rồi nước mát trong lành bắt đầu chảy ra từ cái máy bơm cũ kỹ. Anh vội vã hứng nước vào bình và uống.

Cuối cùng anh hứng nước đầy bình, để dành cho người nào đó không may mắn bị lạc đường như anh sẽ đến đây.

Anh đậy nắp bình, rồi viết thêm một câu dưới dòng chữ có sẵn trên bình : "Hãy làm theo chỉ dẫn trên.

Bạn cần phải cho trước khi bạn có thể nhận".



(Bài Tr.Nguyễn quang Minh sưu tầm)

Thay lời cuối

Là HĐ, các em và Trưởng tự rèn luyện mình hướng đến cùng một mục tiêu với cùng cách thức. Trưởng còn phải làm gì thêm?



Mài rìu

Có một người đốn củi được thuê đến một làng nọ để chặt cây. Ông được giao cho một cái rìu và được trả lương hậu hĩnh. Ông tự hứa sẽ cố gắng hết sức để xứng với sự tín nhiệm của dân làng. Ngày đầu tiên ông đốn được 18 cây. Ngày hôm sau cho dù đã cố gắng ông chỉ đốn được 15 cây. Ngày hôm sau nữa ông chỉ đốn được 10 cây, và mỗi ngày trôi qua số cây chặt được càng ít dần.

Buồn và thất vọng về khả năng của mình, ông tìm đến người chủ thuê mình để xin lỗi vì cho rằng sức khỏe mình đã giảm sút, khả năng làm việc không tốt. Người chủ nhìn ông và hỏi :

“Đã bao lâu rồi anh chưa mài lại cây rìu của mình ?”



(Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật 21-08-05)



Đã bao lâu rồi Trưởng chưa mài lại cây rìu của mình ?

Trưởng HĐ nào cũng có một cây rìu, cán là tinh thần HĐ, lưỡi là khả năng trong nhiều lãnh vực. Lưỡi phải luôn được mài sắc.

Nếu không thể đi trại huấn luyện được để “mài rìu”, Trưởng HĐ phải tự mình nâng cao tay nghề qua giao lưu và học hỏi qua sách vở.

Tinh thần Hướng Đạo là gì ?

Tinh thần Hướng Đạo gồm hai phần :

1) Trên quy mô toàn thế giới, đó là tinh thần huynh đệ, cọng tác giữa mọi thành viên của Phong Trào*, đặc biệt là giữa các Trưởng và các Hội HĐ.

2) Ở mỗi thành viên, bất luận là thành viên hoạt động hay thành viên tham dự, đó là nhiệt tâm sở đắc nhiều khả năng và kỹ năng nhằm mục đích tự lập cho bản thân và giúp ích cho người khác trong tinh thần liên đới, quan tâm đến người khác.

Luôn luôn nhớ Lời Hứa HĐ (như BiPi nhắc nhở), sống Luật HĐ, châm ngôn HĐ và khẩu hiệu HĐ là thể hiện tinh thần HĐ.

Dòng lưu bút của cô (CCDC cho Trưởng)

Trưởng nói gì với một em cứ loay hoay mãi đến tháo mồ hôi mà vẫn chưa làm được cái nút buộc cổ chai hoặc một em quá chậm lụt trong mọi việc ? Trong khi Trưởng chưa có câu trả lời, mời Trưởng đọc câu chuyện có thật với lời văn rất hay sau đây.

Da tôi đen nhẻm. Bạn bè thường gọi tôi là “Đen ơi!” thay vì “Mai ơi !”. Có bạn còn bảo “Chắc Mai đến từ châu Phi nhỉ ?”.

Tôi mang nặng mặc cảm : mình xấu xí lắm.

Ngày ra trường, lưu bút của tôi trang nào cũng mở đầu bằng “Mai đen thân yêu!” , “Nguời khách từ châu Phi của tôi”... Chợt tôi bất ngờ vì nét chữ của cô giáo chủ nhiệm : “Tạm biệt học trò của cô ­ cô bé ngồi bàn đầu có nước da ngăm đen và nụ cười duyên đáo để. Chúc em luôn mìm cười thật tươi. Em cười rất xinh !

Tôi cười duyên và xinh ? Chưa ai nói với tôi điều đó cả. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ và vẫn giữ những dòng lưu bút của cô. Có lẽ cô không biết những dòng ngắn ngủi ấy đã giúp tôi tự tin hơn rất nhiều : mình không đến nổi xấu tệ như mình tưởng, và mỗi người đều có một nét đẹp chỉ của riêng mình.

(Phạm Mai ­ Báo Tuổi Trẻ 03-05-06.)

“Bươi mặt mạnh” để gieo niềm tin là việc làm của Trưởng. Bởi thế mà “ông Thiếu trưởng” Baden-Powell chỉ dám đưa dắt đoàn 16 em thôi, nhiều quá thì “Bươi mặt mạnh” không xuể.



GIAI THOẠI

Bác Hồ và Trưởng Thúy.

Đấy là một buổi chiều đi học ở chiến khu, sợ về muộn, đường tối nên ông Thúy mang theo chiếc đèn bão. Vừa khi đi vòng qua đồng lúa ông chợt nghe có tiếng người hỏi :

 Ông cụ (1) đi tìm ai thế ?

Ông Thúy nghe thì biết ngay tiếng Bác Hồ.

Biết câu hỏi nhắc lại điển tích Hy Lạp : Diogène giữa ban ngày thắp đèn đi ngoài đường, bảo là đi tìm người, ông Thúy bèn thưa :

 May mắn hơn Diogène, tôi tìm thấy một người rồi ạ !

Và cả hai cùng cười, sóng đôi tới hội trường.

(“Hoàng Đạo Thúy, Người đồng hành thế kỷ”Nguyễn thụy Kha)

(1) Bác Hồ thương Tr.Trần Duy Hưng như con trưởng và Tr.Tạ Quang Bửu như con út; Tr.Bửu lại là rể Tr.Thúy nên Bác Hồ xem Tr.Thúy như đồng hàng “Sui gia”. Bởi Tr.Thúy luôn gọi Bác Hồ là “Ông Cụ” nên chắc hẳn để đáp lễ “Sui gia”, Bác cũng gọi lại Tr.Thúy là “Ông Cụ”. Thời giai thoại này, Tr.Thúy còn trẻ, đâu đến hàng “ông cụ”. Hai “Ông Cụ” của Hướng Đạo chúng ta thật quá dễ thương. (Theo lời kể của Tr. Nguyễn Dực)

Có nặng không ?

Những năm tháng kháng chiến trên Việt Bắc, Ông Cụ thường hay cho đốt lửa trại kiểu Hướng Đạo.

Một lần, Chúa lửa rơi vào ông bác sĩ Trần Duy Hưng, Thị trưởng Hà Nội. Thấy đốc-tờ Hưng nói nhỏ với các chú bảo vệ điều gì đó. Rồi, ông ta tuyên bố : “Kháng chiến đã thành công, đồng bào miền Nam hôm nay đón Cụ Chủ tịch vào thăm. Mời Cụ lên máy bay.” Đã thấy hai chú lính ra vòng tay làm kiệu, nâng Cụ lên, chẳng nói chẳng rằng chạy luôn quanh đống lửa … Trần Duy Hưng bảo các trại viên ù ù lúc trầm lúc bổng, cao thấp ra vẻ máy bay đang bay. Độ hai vòng lửa, máy bay dừng lại. Hưng lại chủ động “tấn công” : “Cụ Chủ tịch đã đến, xin mời Cụ nói chuyện với đồng bào.” Cụ sửa lại áo. Vỗ vai hai “phi công” hỏi :

­ Có nặng không . . . ?

Rồi Cụ nghiêm trang nói :

­ Thưa đồng bào, tôi được vào đây, mừng lắm. Nhưng đi tàu bay xấu, xóc nhiều, mệt. Xin nhờ đồng chí Trần Duy Hưng thưa chuyện với đồng bào . . .

Đốc-tờ bị “phản kích” lúng túng vì chưa chuẩn bị diễn văn. Cụ Phan Kế Toại, ngồi gần tôi cười toáng lên : “Hưng ơi ! Chết chưa !”.

(N.V.H ghi lời kể của Hoàng Đạo Thúy trong Bác Hồ với chiến sĩ, tập 2, NXB Quân đội Nhân dân, H., 2001)

Nữ Hướng Đạo liến thoắng !

Tôi (Hoàng Đạo Hùng) còn nhớ một mùa đông khủng khiếp, Hướng Đạo Sinh chúng tôi đi quyên góp mọi thứ quần áo, chăn màn để cứu trợ dân nghèo. Tôi nhớ chị Riovalen khá xinh đẹp, duyên dáng, chị kéo xe bò, tôi đẩy đằng sau cùng với một bạn Hướng Đạo Sinh Pháp khác.

Ông Thống Sứ mới nhậm chức lững thững dạo chơi trên vìa hè ngày chủ nhật. Chị Riovalen la rối rít : “Ngài Delsalle, ngài Delsalle, ngài có chiếc áo măng-tô đẹp quá, chiếc áo hết xảy, hãy nghĩ đến người nghèo, hãy nghĩ đến người rét, xin hãy thương họ, ngài Pierre, ngài Pierre!”

Ông Thống Sứ mìm cười, ra hiệu ngừng xe, cởi luôn chiếc áo măng-tô mới tinh đặt lên chiếc xe bò. Ông bắt tay ba người chúng tôi rồi vui vẻ tiếp tục dạo chơi trên hè. Ba chị em tôi cười rũ.

(Nguồn : Hồi Ký của Hoàng Đạo Hùng)

Thế thì tôi không được rồi !

Năm ấy, có một đợt xét thưởng huân chương Độc Lập cho những người có công lớn. Trưởng Hoàng Đạo Thuý là một trong số đó. Cán bộ đến tận nhà Cụ để lập hồ sơ, trình cho Cụ biết là Cụ có đủ điều kiện để được huân chương.

­ Phạm vào điều gì thì không được?

­ Không chịu nhận công tác chẳng hạn.

­ Thế thì tôi không được rồi. Một lần Ông Cụ yêu cầu tôi nhận nhiệm vụ Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục nhưng tôi từ chối, chỉ xin Ông Cụ cho tôi đi làm hiệu trưởng một trường đào tạo cán bộ miền núi ở vùng cao. (Tr.Thúy luôn gọi Bác Hồ là ”Ông Cụ”)

Trưởng vẫn được huân chương, mỗi tháng được mua hàng đặc biệt để mời anh chị em HĐ Hà Nội đến cùng hưởng “ơn vua lộc nước”. (Theo lời kể của anh Nguyễn Dực)



Khóa Bằng Rừng 01.05.2005 / BVĐ (Suối Mơ ­ TP.HCM)

Khoảng 80 người tham dự; Khóa trưởng: Đại bàng vui Trần văn Hợp.

Khóa Bằng Rừng này do Ban Vận động Tái lập HĐ (1) (hội nghị 49 huynh trưởng từ các tỉnh bầu ra tháng 3­2005 với tôi là Trưởng ban) tổ chức. Đất trại chưa ấm chỗ, khuya, sáng, chiều, tối, người ta ra sức thuyết phục tôi nhổ trại. Nêu mọi lý lẽ tôi từ chối.

Tiên lễ không xong bèn hậu binh.

Người ta sai người nhổ lều, chúng tôi không cản trở và hăm sẽ đi kiện nếu có mất mát đồ đạc hay tiền bạc. Cuối cùng, sau khi nhổ được năm ba lều, người ta ngưng và mời tôi “làm việc” ; suốt từ 17 giờ đến 20 giờ, xa luân chiến với Công an, Mặt trận, ban Văn hóa, ủy ban,... Họ lộ rõ vẻ bất đắc dĩ, thậm chí khổ sở khi phải làm cái việc xua đuổi này. Hai anh suốt 24 giờ qua đeo đẳng thuyết phục tôi nhổ trại hai ba lần tha thiết : « Chú thông cảm cho cháu ! Lệnh trên thì cháu phải làm.»

Trình bày tính hợp pháp của HĐ, trước sau tôi chỉ nói : « Chúng tôi sẽ nhổ trại bất cứ khi nào dù là 12 giờ khuya hay 1, 2 giờ sáng nếu quý vị đưa tôi một biên bản, có tiêu đề cơ quan, có ký tên, có đóng dấu, và nhất là phải nêu rõ « đuổi đoàn HĐ ra khỏi khu du lịch Suối mơ vì HĐ bất hợp pháp

Cuối cùng, « mệt nghỉ », trại lấy giấy phép tiếp tục lúc 21 giờ.



Gỗ Suối Mơ Lấy gỗ không như đi nhặt củi.

Ăn bờ ngủ bụi ngót chín ngày,

Tất bật quay cuồng như vụ xoay.

Một hồi còi ré, co giò chạy.

Hai tiếng Đội reo, khản cổ gào.

Mưa trút xuống Đoàn ướt chuột lột.

Nắng dội lên người mướt mồ hôi.

Kiến đốt, muỗi châm, cào tươm máu.

Sổ khóa đêm đêm chúi mũi vào.

Thế mà già trẻ vẫn vui tươi.

Lửa Trại hân hoan vỡ reo cười.

Dặm Đường chia sẻ ngời lý tưởng.

Chí hướng vì trẻ nguyện không rời.

Tui thì Cải lão hoàn đồng tuổi sáu lăm,

Làm Sói Con săn, hội trăng rằm.

Dáp dáp dà u u dáp dáp,

Cháu hét : « Bà ơi, ông cà lăm ! »



Đinh Hữu Quyến

(1) Ban Vận Động HĐVN 2005 có nhiệm vụ : vận động tái lập HĐ theo Nghị Định 88 / 2003 / NĐ-CP hoặc tái xác nhận tính hợp pháp của HĐ. Ngày 13-05-05, tôi cùng anh Đặng Văn Việt (Hùm xám Đường Số 4; phó ban BVĐ) đến Bộ Nội Vụ (Hà Nội) nộp đơn xin công nhận BVĐ (bước 1/ NĐ 88) nhưng bị từ chối vì không ban, ngành hay Bộ nào chịu nhận làm cơ quan chủ quản của HĐ cả, mà đó lại là điều kiện tiên quyết cho việc lập Hội.



1 Phút của Thiếu trưởng”, thời gian ngắn dành cho Thiếu trưởng, tiết mục của Thiếu trưởng như CCDC của ta.

2 Đây là nguyên văn lời Trưởng Hoàng đạo Thuý trong bài thuyết trình lịch sử HĐ tại cuộc họp mặc HĐS thế hệ 1930 tại Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) năm 1991. Anh Nguyễn Dực (con trai học giả Nguyễn văn Vĩnh), Trưởng ban Liên lạc HĐS Toàn quốc và cũng là Trưởng ban Tổ chức cuộc họp mặc, gởi thư mời Trưởng Trần Hữu Khuê và Quyến tôi tham dự sự kiện này. Ở hội trường, thấy tôi lăng xăng xếp đặt thiết bị ghi âm, anh Dực nói : “Thấy anh Quyến làm việc, mình lại nhớ đến ngày mình cùng anh Văn Cao lo tổ chức lễ đọc Tuyên ngôn Độc lập của Bác Hồ : mình lo về điện và âm thanh; anh Văn Cao lo về âm nhạc.” Cũng trong sự kiện này, ở Văn Miếu, tôi thấy anh Dương Trung Quốc (nhà sử học) tự mang huy hiệu HĐ; đây là trường hợp “tự tuyên hứa”; dễ thương lắm.

Câu Chuyện Dưới Cờ







tải về 7.45 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   12




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương