TỰ ÐIỂn phụng vụ



tải về 0.56 Mb.
trang5/13
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích0.56 Mb.
#8221
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13

Bánh Không Men


(= Azyme)

Hội thánh Tây phương có thói quen dùng bánh không men trong phụng vụ Thánh Thể, căn cứ vào tính chất lễ Vượt qua của bữa Tiệc ly đầu tiên. Trong bữa tiệc này, Ðức Giêsu chắc hẳn đã dùng bánh không men theo nghi thức mừng lễ Vượt qua của người Do Thái. Ngược lại, Hội thánh Ðông phương quen cử hành Thánh Thể với bánh thông thường. Những cách thực hành khác biệt này giữa Hội thánh Hy Lạp và Hội thánh La-tinh đã là nguyên nhân phát sinh những cuộc tranh luận. Nhưng rất may là những tranh luận ấy ngày nay đã bớt phần gay gắt.

Từ khởi thủy, việc dâng bánh không men là một nghi lễ hiến tế của các nông dân định cư, gắn liền với việc cử hành lễ Vượt qua: việc cử hành này mô phỏng theo một hiến lễ của các người chăn chiên du mục qua việc sát tế chiên vượt qua (xc. Xh 12 và 13). Ðức Ki-tô, lễ Vượt qua của chúng ta, vừa là Con Chiên vô tì tích, vừa là bánh chân thực, không vương một chút men cũ là lòng gian tà và độc ác (1 Cr 5,5-8).

Ðúng ra, Tin mừng nói về men theo một nghĩa tích cực và một nghĩa tiêu cực. Ðức Giêsu nói tới lời giảng dạy của các người Pha-ri-sêu như một thứ men xấu, có thể làm hư cả khối bột (Mt 16,5-12; Xc. 1 Cr 5,6; Gl 9). Nhưng chỗ khác, Người lại nói: "Nước Trời giống như men được một người đàn bà lấy trộn vào ba đấu bột cho đến khi tất cả dậy men" (Mt 13,33). Câu trích dẫn này cùng với những câu khác nữa có thể biện minh cho tập tục của Hội thánh Ðông phương.



Bao Ðựng Khăn Thánh


(= Bourse)

Là một tấm bìa hình vuông, có thể mở và gấp được, dùng để đựng khăn thánh. Bao này thường cùng màu với áo lễ và được đặt trên tấm khăn phủ chén thánh. Ngày nay, người ta có khuynh hướng đặt khăn thánh bên dưới tấm khăn phủ chén thánh, và vì thế, không cần bao này nữa. Tuy nhiên, người ta vẫn còn dùng bao này khi chầu phép lành Thánh Thể.



Bẻ Bánh


(= Fraction du pain)

Bẻ bánh là một trong những danh xưng cổ nhất để chỉ Thánh Thể (Lc 24,35; Cv 2,42). Theo nghi thức bữa ăn của người Do Thái, sau khi đọc lời chúc tụng, vị chủ tọa bẻ bánh chia cho các thực khách. Ðức Giê-su đã thi hành những cử chỉ này trong hai lần Người làm cho bánh hóa nhiều (Mt 14,19; 15,36; Ga 6,11) và lúc Người thiết lập bí tích Thánh Thể (Lc 22,19). Từ lúc đó, nghi lễ bẻ bánh trở thành biểu tượng để chỉ Ðức Ki-tô - Người Tôi Trung dâng hiến mạng sống mình để chúng ta được sống dồi dào: Người tự trao nộp để được bẻ ra (qua đau khổ) và phân phát cho mọi người. Như vậy bẻ bánh trở thành động tác cốt lõi của phụng vụ Ki-tô giáo (Cv 2,46; 20,7.11; 27,35; 1 Cr 10,16).

Trong lúc cử hành thánh lễ, sau lời chúc bình an, đang khi đọc kinh Lạy Chiên Thiên Chúa, chủ tế bẻ bánh Thánh Thể. Khi đưa lời cầu khẩn đó vào trong thánh lễ, đức Giáo hoàng Xéc-gi-ô (687-701) qui định phải hát kinh này trong lúc cùng nhau chia sẻ Mình Chúa. Bẻ bánh là một cử chỉ chuẩn bị hiệp lễ, cần thực thi với lòng sùng kính đặc biệt, vì đó là lặp lại cử chỉ của Chúa. Tính cách biểu tượng của cử chỉ này được nhấn mạnh qua ba lần kêu cầu Chiên Thiên Chúa, Ðấng đã nộp mình vì chúng ta, Ðấng chúng ta hưởng dùng như là Chiên Vượt qua mới. Bẻ bánh trong thánh lễ đồng tế càng cần thiết và ý nghĩa hơn: một tấm bánh Thánh Thể duy nhất, phân phát cho các vị đồng tế và ít là vài tín hữu, sẽ diễn tả biểu tượng hiệp nhất rõ ràng hơn (xc. 1 Cr 10,16-17).

Bể Nước


(= Piscine)

Bể nước thanh tẩy là một cái hồ lớn, nơi người ta làm Thanh tẩy bằng cách dìm. Cũng có thể là một cái chậu để rửa tội bằng cách đổ nước (xc. Giếng, Thánh tẩy). Trong ngôn ngữ phụng vụ, bể nước còn chỉ một cái bồn ở gần bàn thờ, hoặc trong giếng rửa tội, hoặc trong phòng thánh, dùng để xả nước đã dùng trong bí tích Thánh tẩy và trong việc tẩy rửa các đồ thánh khác.


Bí Tích (Bảy)

(= Sacrement)

Bí tích là một hành vi hay một thực tại liên hệ tới sự linh thánh. Ý nghĩa đầu tiên của từ sacramentum trong tiếng La-tinh là lời thề: người ta thề dựa trên điều linh thánh. Bí tích bao gồm sự linh thánh giống như thuốc men (medicamentum), sự chữa trị, hoặc giống như đài tưởng niệm (monumentum), gồm chứa điều người ta phải ghi nhớ (monere).

Nhân tính của Ðức Ki-tô, kết hợp với ngôi vị Con Thiên Chúa, có thể gọi được là bí tích của Thiên Chúa: "Nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể" (Cl 2,9). Chính từ nhân tính của Ðức Ki-tô đã phát sinh ra đời sống thần linh làm sống động tất cả mọi chi thể của Nhiệm thể Người. Như vậy, bí tích trọn vẹn của Thiên Chúa - hoặc bí-tích-nguồn-mạch - là toàn Thân mình Ðức Ki-tô, gồm Ðầu và các chi thể, chứa đựng sự sống của Thiên Chúa. Trong viễn tượng đó, Công đồng Va-ti-ca-nô II đã muốn định nghĩa Hội thánh. "Trong Chúa Ki-tô, như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại" (GH 1). Thực vậy, trong khi chờ đợi Hội thánh được sáp nhập trọn vẹn vào đời sống của Thiên Chúa, Ðức Ki-tô, Ðấng đang ngự trị trong vinh quang Thiên Chúa, đã thánh hóa Thân mình của Người, không phải trực tiếp qua nhân tính thánh thiện, nhưng nhờ Hội thánh là Hiền thê và là Người Cộng tác trong công trình cứu độ của Người. Chính trong bí tích nguồn mạch, tức là Hội thánh, Thánh truyền đã giữ lại bảy bí tích, là những hành vi chính yếu của Chúa Ki-tô và của Hội thánh để thánh hóa con người.

Là những dấu hiệu bên ngoài mang ân sủng bên trong, hoặc là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng, nên các bí tích phù hợp với bản tính con người, vừa tinh thần vừa thể chất. Khi người ta nói bí tích tác động do sự (ex opere operato), thì không nên hiểu rằng các bí tích có hiệu quả một cách máy móc, nhưng đúng hơn, đó là những tác động của Thiên Chúa được Ðức Ki-tô trực tiếp thiết lập, mang lại hiệu quả theo sự chuẩn bị của người lãnh nhận. Chính qua các bí tích, phụng vụ biểu lộ rõ ràng nhất cách thức gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân Người, sự gặp gỡ do sáng kiến của Thiên Chúa và sự đồng ý của con người (xc. Phụng vụ).

Vì đời sống ân sủng gắn liền với đời sống tự nhiên của con người, nên các bí tích thánh hóa những giai đoạn chính yếu của đời sống cũng như những tình huống quan trọng của nhân loại. Bí tích Thánh tẩy là sự sinh ra trong đời sống thần linh; bí tích Thêm sức là đánh dấu việc đạt đến tầm mức trưởng thành trong đức tin; bí tích Thánh Thể là nền tảng của toàn bộ các bí tích vì đó là sự hiện tại hóa một cách mỹ mãn Giao ước và sự hiệp thông hoàn toàn với Ðức Ki-tô. Ba bí tích đầu tiên này là các bí tích khai tâm. Bí tích Hôn nhân thánh hóa sự kết hợp vợ chồng nhằm sinh sản và giáo dục con cái; bí tích Truyền chức đem lại cho Hội thánh những thừa tác viên: giám mục, linh mục, phó tế; bí tích Sám hối giúp tìm lại đời sống ân sủng hay thực thi đời sống đó một cách sâu xa hơn. Bí tích Xức dầu bệnh nhân vừa là sự nâng đỡ vừa là sự tẩy luyện trong viễn tượng một cuộc hành trình tiến đến đời sống đích thực cùng với Ðức Ki-tô.

Về hiệu quả của bí-tích, thánh Âu Tinh phân biệt sacramentum tantum là dấu hiệu thuần túy ngoại tại, như việc đổ nước, sử dụng bánh, rượu; res tantum là hiệu quả tối hậu của các bí tích tức là ân sủng của Thánh Thần ban trong mỗi lãnh vực bí tích; và cuối cùng là res et sacramentum là thực tại trung gian, vừa là hiệu quả trước tiên, vừa là dấu chỉ hiệu quả tối hậu: đây là ấn tích trong các bí tích Thánh tẩy. Thêm sức, Truyền chức và là sự hiện diện thực sự của Chúa trong bí tích Thánh Thể. (Xin tham khảo thêm những khảo luận thần học. Xc. Chất liệu, Mô thức, Thánh Thần).
Bí Tích (Sách)

(= Sacramentaire)

Trong phụng vụ Ki-tô giáo thời sơ khai, sách bí tích là sách linh mục dùng khi cử hành thánh lễ, gồm các lời cầu, các kinh tiền tụng, kinh Tạ ơn. Các sách bí tích của đức Lê-ô Cả (thế kỷ IV-V), đức Ghê-la-xi-ô (VI-VII) và đức Ghê-gô-ri-ô (VII) là những nguồn tài liệu chính của sách lễ Rô-ma.



tải về 0.56 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương