TỰ ÐIỂn phụng vụ



tải về 0.56 Mb.
trang11/13
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích0.56 Mb.
#8221
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   13

G


Gậy Giám Mục

(= Crosse)

Ðây là cây gậy chỉ quyền chăn dắt của giám mục và viện phụ. Cây gậy này uốn cong lại phía đầu. Thời đầu, gậy của những người chăn chiên uốn cong lại phía đầu gậy, xẻ rãnh nhỏ để có thể hất tung đất đá tới những con cừu xa đàn. Gậy trở thành biểu tượng sự tỉnh thức của mục tử lo lắng canh giữ đàn chiên và dẫn chúng tới đồng cỏ màu mỡ. Từ đó người ta dễ dàng chuyển ý nghĩa chiếc gậy sang lãnh vực con người và lãnh vực thiêng liêng, nhất là như đã được sử dụng trong Thánh Kinh (xc. Tv 22,4; Ga 10; Lc 15,3-7) và được triển khai trong lối vẽ ảnh thánh.
Ghê-Gô-Ri-Ô (Nhạc)

(= Grégorien)

Bình ca Ghê-gô-ri-ô, là lối ca hát riêng của Hội Thánh Rôma (PV 116) đã được gán cho thánh Giáo Hoàng Ghê-gô-ri-ô Cả (năm 590-604). Trong thực tế, thánh Ghê-gô-ri-ô là người đã ấn định bản kinh cầu nguyện theo nghi lễ Rôma trong cuốn "Sách các bí tích Ghê-gô-ri-ô" của người, cũng như quyển quy cách những bài ca được hát trong thánh lễ. Mặt khác, chắc chắn phụng vụ Ghê-gô-ri-ô đã thừa kế từ phụng vụ Rôma những lối ngâm vịnh của vị chủ tế (lời nguyện, kinh Tiền Tụng) và cấu trúc giai điệu cơ bản. Tuy mới xuất hiện từ thế kỷ VIII, hình thức cổ điển của bình ca Ghê-gô-ri-ô giúp cho nền tảng của phụng vụ Rôma thêm phong phú nhờ những nét hoa mỹ của phụng vụ Pháp cổ xưa. Như vậy, lối hát Ghê-gô-ri-ô là kết quả của các truyền thống Rôma và Pháp. Nhờ công cuộc thống nhất của đại đế Charlemagne, lối hát này lan truyền và ít lâu sau được ghi thành nốt nhạc theo hình thức cổ xưa. Các dấu nhạc này rất giá trị vì chúng giúp ta hiểu tiết tấu và giải thích nhạc Ghê-gô-ri-ô (thế kỷ IX-X).

Những bài hát trong thánh lễ và ngay cả trong kinh Thần Vụ đều được truyền lại rất trung thực cho các thế kỷ sau, trong bất cứ loại ký âm nào. Ðối với bộ lễ thì có phần tự do hơn.

Những thể loại bình ca được phát triển đồng thời là: Ca tiếp liên, câu chuyển nghĩa, câu tung hô, các loại Thánh Thi, có liên hệ ít nhiều với âm nhạc dân gian.

Vào cuối thời Trung Cổ, người ta đã đánh mất ý nghĩa của từ La tinh trong câu nhạc, ý nghĩa của tiết tấu và thể nhạc. Do bị pha tạp bởi nhạc đa âm và đối âm, giai điệu của nhạc Ghê-gô-ri-ô cổ điển, vốn nổi bật nhờ tính uyển chuyển và thanh thoát bình ca, loại ca nhạc trang nghiêm và gò bó được soạn một bè để hát tập thể: cuốn Les Messes của Henry Dumont (1610-1684) là một thí dụ điển hình. Ðiều đang tiếc là người ta đã cắt xén những bài hát cổ điển để thích nghi chúng vào những qui điển mới.

Ðan viện Solesmes đã là nơi phát xuất việc phục hồi nhạc Ghê-gô-ri-ô vào hậu bán thế kỷ XIX, nhờ ảnh hưởng của cha Dom Guéranger. Sự tái khám phá này bắt nguồn từ việc nghiên cứu tỉ mỉ các thủ bản của nhạc Ghê-gô-ri-ô. Việc nghiên cứu đó được thành hình cụ thể trong việc xuất bản tập Paléographie musicale. Tiếng La tinh và dấu nhấn, nốt nhạc, giai điệu và tiết tấu, thể thức: tất cả là chìa khóa chính yếu cho việc giải thích trung thực bình ca Ghê-gô-ri-ô.

Những sách hát chính của bình ca Ghê-gô-ri-ô là sách Ðiệp Ca và Ca tiến cấp.


Ghế

(= Stalle)

Chỉ toàn bộ những ghế bằng gỗ trong cung nguyện nhà thờ, dành chỗ cố định thuận tiện cho các giáo sĩ và tu sĩ cử hành phụng vụ. Thường chỗ ghế ngồi có thể nâng cao lên được. Trong vị trí cao đó, chỗ ngồi trở thành như là một điểm tựa, gọi là lòng xót thương (misericordia), vì, khi ngồi, người ta vẫn ở tư thế như là đứng thẳng. Các hàng ghế xếp đối diện nhau hai bên cung nguyện (xc. Cung nguyện).
Ghế Giám Mục

(= Faldistoire)

Trong ngôn ngữ phụng vụ, ghế của giám mục không phải là ngai tòa, nhưng là ghế di động để có thể di chuyển tùy theo nhu cầu lễ nghi. Thường ghế này được đặt trước bàn thờ.
Gia-Vê

(= Yahvé)

Ðây là Thánh Danh của Thiên Chúa được mạc khải cho ông Môisê ở bụi gai bốc cháy (Xh 3,14-16; 6,2-3). Danh hiệu này thường gặp thấy trong các bản văn phụng vụ Cựu Ước. Ðó là danh hiệu gồm bốn mẫu tự thánh người Do Thái kiêng không đọc lên, nhưng thay thế bằng từ Adonai, có nghĩa là Ðức Chúa của tôi.

Gia vê là một danh hiệu cổ xưa để chỉ thần tính trong thế giới của người Sê-mít. Danh hiệu này hàm chứa tất cả lịch sử về mối tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Người, nên có một lối phát âm không chắc chắn. Nói chung, danh hiệu ấy có nghĩa là Ðấng hiện hữu, Ðấng tác thành, hay đúng hơn, Ðấng thường tồn. Thực vậy, không nên hiểu ý nghĩa danh hiệu này theo phương diện triết học mà nên hiểu theo phương diện hiện sinh phù hợp với não trạng người Hipri.

Tầm mức ý nghĩa của danh hiệu ấy được xác định trong Xh 3,14, khi Thiên Chúa tự mạc khải Người là Ðấng hiện hữu. Công thức ấy phải được diễn dịch là: Ta là Ðấng Thường Tồn. Dường như Thiên Chúa muốn nói rằng Người tự mạc khải trong hành vi cứu độ Người sẽ thực hiện cho Dân Người qua trung gian ông Môsê: "Ðiều Ta sẽ làm cho các ngươi sẽ nói cho các ngươi biết Ta là ai, sẽ cho biết Ta muốn là Ðấng nào đối với các ngươi, đồng thời cũng mạc khải cho các ngươi biết các ngươi là ai đối với Ta". Như vậy danh hiệu Gia vê gắn liền với sáng kiến Giao Ước của Thiên Chúa và quá trình thể hiện ơn Cứu Ðộ: chính khi Thiên Chúa bày tỏ vẻ đẹp và vinh quang của Người là khi Người thực sự công bố Danh Thánh của Người.

Mạc khải do Ðức Kitô mang lại đạt tới tuyệt đỉnh của Tình Yêu là Hy Tế Núi Sọ, cho thấy Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8) ngay trong thẳm sâu của những mối tương quan ngôi vị giữa Ba Ngôi, nguồn mạch vinh quang, và trong ơn cứu độ được ban cho chúng ta. Nếu hòa nhập vào trong Phụng Vụ thì Phụng Vụ sẽ đem lại cho chúng ta những bảo đảm cho việc cử hành hoàn hảo Giao Ước trong Giêrusalem thiên quốc, là thành đô được vị ngôn sứ Êdêkien xưng tụng là nơi "Ðức Gia vê hiện diện" (48,35; xc. Kh 21 và 22).


Giá Ðọc Sách

(= Légile)

Ðó là một dụng cụ có chiều cao, trên đó đặt các sách dùng trong lễ nghi phụng vụ. Giá sách được đặt cố định (xc. giá sách hát), khác với giảng đài có tính lưu động.
Giá Sách

(= Pupitre)

Tiếng La tinh Pulpitum có nghĩa là "cái bục". Trong các đồ dùng phụng vụ, giá sách là một bàn nhỏ có mặt nghiêng, có chân đế hoặc không, dùng để đặt sách Phụng Vụ trong các buổi cử hành. Các giá sách có chân đế thường được gọi là bục sách hoặc giảng đài. Còn từ giá sách được dành để chỉ giá kê sách lễ bằng gỗ hay bằng kim khí, đặt trên bàn thờ. Người ta cũng dùng chiếc gối để kê sách.
Giá Sách Hát

(= Lutrin)

Ðó là một dụng cụ, trên đó người ta đặt một cuốn sách. Trong khi giá sách dùng để đọc sách phụng vụ, giá sách hát thường được dùng cho các sách hát (xc. Giá đọc sách).
Giải Tán

(= Renvoi)

Nghi thức giải tán là phần kết của một buổi cử hành phụng vụ thánh lễ. Nghi thức giải tán gồm lời chào của linh mục và phép lành như là công thức chào từ biệt gửi đến cộng đoàn (xc. Thánh Lễ). Trong trường hợp đó công thức diễn tả một hành động tạ ơn. Trong một số trường hợp, trước khi ban phép lành, còn có lời cầu nguyện trên dân chúng hay ba công thức long trọng (xc. Phép lành). Khi có một cử hành phụng vụ nào khác tiếp liền sau thánh lễ, như trưng bày Thánh Thể, hay rước kiệu, người ta bỏ công thức giải tán. Trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, việc giải tán được thực hiện trong lời cầu nguyện kết thúc, vào giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều, kèm theo phép lành của linh mục.
Giám Mục

(= Evêque)

Từ Hy Lạp episcopos có nghĩa là vị giám sư, trông coi những người mình có trách nhiệm. Trong thời Hội Thánh sơ khai, giám sự là những trưởng lão (presbuteroi), được các Tông Ðồ ủy thác việc trông coi các cộng đoàn Kitô hữu. Lúc ban đầu hình như trách nhiệm này được thực hiện cách tập thể do các trưởng lão: Thánh Phaolô đã nhắc nhở các vị trưởng lão ở Êphêsô: "Anh em hãy cẩn thận giữ mình và giữ toàn thể đoàn chiên do Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính Con Mình" (Cv 20,20). Ít lần sau, một vị giám sự duy nhất được trao trách nhiệm trông coi toàn thể giáo đoàn (1Tm 3,1-7; Tt 1,7-9), được các trưởng lão phụ giúp (Tt 1,5; 1Tm 5,17) và được các phó tế phụ tá (1Tm 3,8-13). Như vậy, giám mục trở thành dấu chỉ và bảo chứng sự hiệp nhất của một giáo đoàn, đồng thời là người kế nghiệp vị Tông Ðồ đã đặt tay tấn phong (Tm 1,6).

Thế kỷ II, thánh I-nha-xi-ô thành Antiôkia đã nhiều lần nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của giám mục, như là phản ảnh trong sáng của Chúa Cha, của Ðức Kitô và của các tông đồ. Với sự trợ giúp của hàng linh mục và phó tế, tác vụ giám mục được diễn tả trọn vẹn nhất trong việc cử hành Thánh Thể: "Bởi vậy, anh em hãy lo sao để chỉ tham dự vào một Hy Tế Tạ Ơn duy nhất, vì chỉ có một Thân Mình của Chúa chúng ta là Ðức Giêsu Kitô và chỉ một chén thánh duy nhất liên kết chúng ta trong Bửu Huyết của Người, chỉ có một bàn thờ duy nhất, cũng như một giám mục duy nhất cùng với hàng linh mục và phó tế, là những người bạn đồng sự với tôi" (Thư gửi giáo đoàn Philadelphia 4).

Như vậy, truyền thống đã sớm nhận ra sự hiện diện đặc biệt của Ðức Giêsu Kitô nơi Hội Thánh trong con người của vị giám mục. Liên đới với tất cả những người kế vị các Tông Ðồ và đặc biệt với người kế vị thánh Phêrô ở Rôma, giám mục có trọn vẹn quyền thánh chức. Cũng như Ngôi Lời nhập thể đã được Chúa Cha sai đến "không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ" (Mt 20,28), giám mục cũng lãnh nhận sứ vụ tiếp nối ơn cứu độ nhằm phục vụ một giáo đoàn mà mình có trách nhiệm. Với tư cách là thầy dạy, là mục tử và thượng tế, vị giám mục là dấu chỉ hữu hiệu, là bí tích sống động, là chuẩn mực sự hiệp nhất của giáo đoàn với Ðức Giêsu Kitô. Việc phục vụ của giám mục được nổi bật trong việc cử hành long trọng bí tích Thánh Thể, vì quyền giáo huấn và quản trị của người kế vị các Tông Ðồ nhằm qui tụ Dân Chúa trong bí tích Hiệp Nhất. Thánh lễ do giám mục chủ tọa, có các linh mục đồng tế và các phó tế phụ giúp, với sự hiện diện đông đảo của giáo dân là đỉnh cao của phụng vụ Hội Thánh, vì thánh lễ qui tụ mọi thành phần khác nhau trong sự hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi nhờ hy tế của Ðức Kitô và nhờ hồng ân của Chúa Thánh Thần. Không phải chỉ một mình giám mục có trách nhiệm qui tụ toàn thể cộng đoàn giáo phận, nên cần phải có sự cộng tác của các linh mục đã được tham dự vào chức tư tế của giám mục, và sự phụ giúp của các phó tế là những người làm nổi bật khía cạnh phục vụ của sứ vụ giám mục (xc. Phó tế, phục vụ). Sẽ không xác thực, nếu có một cái nhìn đi lên đối với bí tích Truyền Chức, và thêm một cái gì đó vào chức linh mục để thành giám mục. Cần phải có cái nhìn đi xuống hơn: chỉ giám mục mới có trọn quyền thánh chức; linh mục được tham dự vào đó xét theo hàng tư tế và phó tế cũng thế, xét theo hàng phục vụ.

Ðể tấn phong giám mục, đòi buộc phải có ít nhất ba giám mục hiện diện. Sự việc ấy có nghĩa là kết nạp vị được tuyển chọn vào giám mục đoàn, kế tục tông đồ đoàn. Nghi thức cốt yếu là việc đặt tay do vị giám mục chủ phong và do tất cả những giám mục hiện diện rồi đến lời cầu nguyện thánh hiến với công thức chính do tất cả các giám mục đọc như sau: "Và giờ đây, lạy Chúa, xin ban quyền lực Chúa là Thánh Thần Tối Cao xuống linh mục này, người được tuyển chọn của Ngài. Chúa đã ban Thánh Thần cho Ðức Giêsu Kitô, Con rất yêu dấu của Chúa và chính Con Chúa đã ban Thánh Thần cho các tông đồ là những người đã xây dựng Hội Thánh khắp nơi, như Thánh Ðiện để tôn vinh Ngài và không ngừng suy tôn Danh Ngài". Cũng cần lưu ý đến cách thức mà phụng vụ của tác vụ giám mục nhắm tới: qui tụ Hội Thánh để trở thành Ðền Thờ vinh quang, luôn vang dội lời chúc tụng Thiên Chúa (Kh 21). Các nghi thức bổ túc là xức dầu thánh trên đầu, trao sách Tin Mừng, trao nhẫn và trao gậy mục tử (xc. Gậy giám mục), nói lên rõ ràng vai trò của vị giám mục là vị thủ lãnh, vị hương dẫn, là hôn phu và là thầy dạy của Hội Thánh, là hình ảnh của D(ức Kitô (xc. Giáo sĩ).


Giáng Sinh

(= Noel)


Một biến thể của từ ngữ La tinh natalis có nghĩa là ngày sinh. Sinh nhật đúng nghĩa nhất là sinh nhật của Chúa Giêsu, cử hành vào ngày 25 tháng 12. Trước hết, đó không phải là việc sinh ra đời như Ngôi Lời nơi cung lòng Chúa Cha, nhưng là ngày sinh của Người về phương diện nhân loại từ cung lòng Ðức Maria, trong chuồng bò ở Bêlem. Ðại lễ Giáng Sinh là trung tâm của chu kỳ Giáng Sinh, được chuẩn bị với Mùa Vọng, rồi đến mùa Giáng Sinh, đại lễ Hiển Linh, lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa, kết thúc chu kỳ mùa Giáng Sinh. Cũng như các Tin Mừng thời thơ ấu đã được soạn thảo sau lời công bố cốt lõi về Phục Sinh - trừ Tin Mừng Máccô và Gioan không nói đến thời thơ ấu của Ðức Giêsu - thì việc cử hành chu kỳ Giáng Sinh cũng đến sau việc cử hành mầu nhiệm Vượt Qua. Ðược ấn định vào khoảng thế kỷ IV và hình như có sau cả lễ Hiển Linh, một lễ phát xuất từ Phương Ðông, Lễ Giáng Sinh được định chế tại Rôma trước năm 336 và được ấn định vào ngày 25 tháng 12, với mục đích Kitô hóa những lễ bái ngoại giáo về ngày sinh nhật của thần Chiến Thắng (Natalis Invicti), tức là thần Mặt Trời, vào tiết đông chí là tiết mặt trời lớn mạnh và sáng chói nhất. Theo lối diễn tả của sách ngôn sứ Malaki, Ðức Kitô là "Mặt Trời Công Chính" (3,20). Từ lễ Giáng Sinh, Chúa Giêsu lớn lên, đang khi thánh Gioan Tẩy Giả nhỏ đi từ ngày 24 tháng 6 là ngày hạ chí. Như thế lời của vị Tiền Hô đã được khoa thiên văn và phụng vụ minh họa:"Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi" (Ga 3,30).
Giảng Ðài

(= Ambon)

Tiếng Hy Lạp anabainein có nghĩa là bước lên. Giảng đài là chỗ cao để những người lên đọc sách hay điều khiển hát trong phụng vụ, đặc biệt là trong thánh lễ. Ðó cũng là nơi để giảng Lời Chúa hoặc ngỏ lời với cộng đoàn.

Thời Thượng Cổ, giảng đài là nơi công bố Lời Chúa dành cho những thầy đọc sách và ca xướng viên. Giám Mục và linh mục cũng tự do ngỏ lời với dân chúng nơi giảng đài cao đó, hoặc từ những bậc bàn thờ, hoặc từ ngai cao của mình. Tất cả các di tích này vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Ngoài ra, hình thức giảng đài còn được đề cập đến sau cuộc lưu đày ở Babylon trở về, vào ngày phát sinh Do thái giáo và nền phụng vụ Ðền Thờ: "Ông Ê-dơ-ra, viên ký lục, đứng trên cái bục bằng gỗ người ta đã dựng nhân dịp này. Ông Ê-dơ-ra chúc tụng Giavê Thiên Chúa tối cao, và toàn dân giang tay lên đáp lại: Amen, Amen, Amen. Ðoạn khấu đầu thờ lạy, mặt sát đất" (Nkm 8,4-6).

Ðể loan báo Tin Mừng, Ðức Giêsu cũng quan tâm sao cho tất cả mọi người nhìn thấy và nghe Người dễ dàng hơn, khi Người giảng tám mối phúc trên núi, hay khi giảng bên bờ hồ. Ðức Giêsu cũng giảng Phúc Âm ngay trên một mô đất hay trên một chiếc thuyền. Cũng thế, vào thời sơ khai Kitô giáo, vị giám mục cũng ngồi trên tòa của người để giảng (xc. Tòa). Trong Do thái giáo, các tiến sĩ luật hay những bậc thầy trong dân Israel cũng ngồi mà giảng dạy. Phải chăng đó là lý do mà trong một thời gian dài người ta gọi chiếc ghế là vị trí được nâng cao, giữa nhà thờ, nơi các vị chủ chăn thường đứng mà giảng dạy? Ðây là một sự lẫn lộn giữa giảng đài và chỗ ngồi của vị chủ tế.
Giao Ước

(= Alliance)

Giao ước là chính trọng tâm của ý định tình yêu Thiên Chúa ấp ủ từ ngàn đời (xc. Di chúc). Mặc dù không cần có chúng ta, Thiên Chúa vẫn tự mình ràng buộc cách tự do với một dân tộc trong mối tình thân mật chỉ thấy có nơi dây liên kết vợ chồng. Ðược coi là một công trình của Thiên Chúa và Dân Người, phụng vụ trở nên một hành vi trọn vẹn, - nghĩa là hoàn tất - nơi đóng ấn của giao ước, một giao ước Thiên Chúa không ngừng đề xướng cho con người. Vì thế, ta có thể định nghĩa phụng vụ như là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân Người để cử hành Giao Ước.

Theo dòng lịch sử cứu độ, các nền phụng vụ được phân biệt qua cách cử hành giao ước. Kinh Tạ Ơn IV đã nói: "Nhiều lần Cha đã giao ước với loài người". Một cách chắc chắn, có thể nói các nền phụng vụ ngoại giáo đã dựa trên nền tảng của giao ước đã được Thiên Chúa đóng ấn với ông Nô-ê (St 9,8-17). Còn giao ước Thiên Chúa lập với ông Ápraham, trở nên thành toàn trong hiến tế Isaac (St 22) chính là giao ước phát sinh phúc lành cho toàn dân. Israel được sinh ra như một Dân của Ðức Giavê, lúc diễn ra cử hành phụng vụ trọng thể Giáo Ước Xinai; đó chính là ngày của cộng đoàn (Ðnl 9,10; 10,4; 18,16). Tại đây ông Môsê đã lấy máu hy tế, đổ một nửa lên bàn thờ tượng trưng sự hiện diện của Thiên Chúa, còn phần kia rẩy trên Dân và nói: "Này là máu của giáo ước đã ký kết với các ngươi, thể theo mọi lời ấy" (Xh 24,8).

Cho dầu sự bất trung rành rành của Dân, một Dân trong quá khứ từng được coi là đồng minh của Ðức Giavê - qua sự kiện con bê vàng (Xh 32) - cũng không ngăn cản giao ước Xinai, được đổi mới, trở nên hiện thực trong các buổi cử hành phụng vụ hằng ngày, hằng tuần và hằng năm của dân Israel. Nhưng việc tưởng niệm phụng vụ của giao ước càng ngày càng hướng về tương lai hơn, trong sự chờ đón một giao ước mới các tiên tri đã đan hứa (Gr 31,31-34) và chờ đón "Thần sứ giao ước phải đến nơi Ðền Thờ của Người, làm người khởi xướng cho một lễ vật tinh sạch được dâng tiến trước nhan Giavê từ bình minh tới lúc chiều tà" (Ml 3,1.3.4; x 1,11). Chính Ðức Giêsu trong tư cách vừa là Thiên Chúa vừa là con người, là Giáo Ước đó. Người sẽ khai mào nền phụng tự của Dân Thiên Chúa mới, tức Hội Thánh, bằng Một lễ dâng duy nhất (Dt 10,14). trong bữa tối cuối cùng này, trên đồi Canvê, Người Tôi Tớ đích thực của Ðức Giavê (xc. Is 52,13-53,1-12), Ðấng là Chiên Thiên Chúa sẽ xóa tội nhân loại (xc. Ga 1,29), trối lại cho các Tông Ðồ bí tích hiến tế của Người, sự tưởng niệm Giao Ước mới. Một cách hiển nhiên, những lời truyền phép đã biến rượu thành Máu Người, được đối chiếu với Giao Ước Xinai: "Này là Máu Ta, máu giao ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra để nhiều người được tha tội" (Mt 26,28; xc. 24,8).

Phát xuất từ đồi Canvê, một nền phụng tự, với trung tâm là lễ Tạ Ơn, đã thấm nhập vào từng chi thể của Giao Ước mới và vĩnh cửu, cho tới khi nên thành toàn ở Giêrusalem trên trời. Lúc đó, công thức giao ước sẽ được thực hiện cách trọn vẹn: "Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi và các ngươi sẽ là Dân của Ta" (Kh 21,3; xc. Xh 6,7; Lv 26,12; Ðnl 26,17-18; Gr 7,23; 11,4; 30,22; 31,1-33; 32,38; Ed 11,20; 14,11; 37,27; 2Cr 6,16).


Giáo Dân

(= Laic)


Tiếng Hy Lạp laikos có nghĩa là thuộc về dân, thành phần của dân, do từ Laos nghĩa là dân. Giáo dân là thành phần của Dân Chúa (từ này chỉ có trong tự điển Kitô giáo). Nhờ bí tích Thánh Tẩy và phép Thêm Sức, giáo dân có thể và phải tham dự vào phụng vụ là công trình Thiên Chúa (xc. Phụng Vụ).
Giáo Ðầu

(= Invitatoire)

Phát xuất từ tĩnh từ invitatorius của tiếng La tinh, có nghĩa là người mời. Thánh Vịnh giáo đầu là thánh vịnh khởi đầu của Giờ Kinh Phụng Vụ đầu tiên trong ngày, nhằm mời gọi ca tụng Chúa. Giáo đầu có tính truyền thống là Tv 94, nhưng cũng có thể chọn Tv 66, 99 và 23. Nếu Giờ Kinh Phụng Vụ đầu tiên trong ngày là giờ Kinh Sáng, thì phải đọc giáo đầu.
Giáo Sĩ

(= Clerc)

Tiếng La tinh clerus, bắt nguồn từ tiếng Hy lạp klèos có nghĩa là phần nhận được do rút số. Trong Giao Ước cũ, chi tộc Lê vi thuộc 12 chi tộc Israel, cũng là một phần của Ðức Giavê. thiên Chúa phán cùng ông Môsê: "Này, chính Ta, Ta lấy các Lêvít giữa hàng con cái Israel, thay cho các con đầu lòng, để các Lêvít thuộc về Ta, vì là của Ta hết thảy các con trai đầu lòng" (Ds 3,6-9). Ho chịu trách nhiệm về việc phụng vụ. Là một phần của Ðức Giavê, các Lêvít không có phần khi chia Ðất Hứa, phần của họ cao hơn, vì phần của họ chính là Ðức Giavê: "Chỉ trừ có chi tộc Lêvít là không được ban phần cơ nghiệp: Ðức Giavê Thiên Chúa Israel là cơ nghiệp của họ" (Gs 13,14). Trong Giao Ước mới, thành phần giáo sĩ là những người đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức (giám mục, linh mục và phó tế) với một tước hiệu đặc biệt, làm thành một phần của Thiên Chúa: họ được dành riêng để lo công việc Thiên Chúa đã kêu gọi họ (Cv 13,3). Công việc cao cả nhất của họ là việc phụng vụ. Ðối lại, chính Thiên Chúa đã là phần thưởng của họ, qua cảm nghiệm về những tài sản của Vương quốc họ có sứ mạng phải loan truyền, và qua tình thân hữu với Ðức Giêsu (xc. Mt 19,27-29; Ga 15,13-16). Như các Tông Ðồ, họ là những người từ bỏ tất cả để theo Ðức Kitô, họ cũng hát khúc ca của các Lêvít: "Lạy Chúa, Chúa là phần con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con, số mạng con chính Ngài nắm giữ; phần tuyệt hảo may mắn đã về con, vâng gia nghiệp ấy làm con thỏa mãn" (Tv 15,5-6) (xc. Truyền chức, Phẩm trật).
Giấc Ngủ

(= Dormition)

Tiếng La tinh dormitio do động từ dormire (ngủ). Giấc ngủ thiu thiu của Ðức Maria Trinh Nữ là khúc dạo đầu việc Ðức Mẹ Lên Trời. Ðối với lễ nghi Ðông Phương, Giấc Ngủ là tên gọi của lễ Ðức Mẹ Lên Trời.
Giếng Thánh Tẩy

(= Fonts)

Trong tiếng La tinh, fons có nghĩa là nguồn, mạch nước, nước. Giếng Thánh Tẩy là cái hồ nơi đó nước Thánh Tẩy được làm phép và trên đó cử hành Thánh Tẩy bằng cách đổ nước ba lần (trong mùa Phục Sinh đây là nơi cất giữ nước đã làm phép trong lễ Vọng Phục Sinh). Nếu giếng Thánh Tẩy không đặt trong gian Thánh Tẩy biệt lập với nhà thờ, thì đặt cạnh lối vào nhà thờ để người tân tòng được hướng dẫn vào Nhà Chúa (xc. Bể Nước).
Giờ Ba

(= Tierce)

Kinh Giờ Ba là một kinh giờ nhỏ được cử hành vào giữa buổi sáng. Ðối với người Rôma, dù trong bất cứ mùa nào, giờ thứ nhất cũng là khởi đầu của một ngày, và giờ thứ sáu là giờ trưa. Theo truyền thống, Giờ Ba là giờ Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần. Thật vậy, vào ngày đó, thánh Phêrô đã nói với những người đang sững sờ về sự hứng khởi lạ lùng của các môn đệ: "Không, những người này không say rượu như anh em nghĩ, vì bây giờ mới là giờ thứ ba" (Cv 2,15).

Bài thánh thi Giờ Ba bắt đầu bằng câu: Giờ đây, Lạy Thánh Thần... (Nunc Sancte, nobis, Spiritus).


Giờ Chín

(= None)


Tiếng La tinh Nona nghĩa là giờ thứ chín. Kinh phụng vụ Giờ Chín là một giờ nhỏ, cử hành vào giờ thứ chín trong ngày. Người Rôma chia ngày cũng như đêm thành 12 giờ bằng nhau, theo đó có thể xác định giờ thứ chín là khoảng 15 giờ, tức 3 giờ chiều. Theo truyền thống, giờ thứ chín là giờ tưởng niệm Chúa Giêsu chết trên Thập Giá (xc. Lc 2,44; Giờ Kinh PhụngVụ).
Giờ Kinh Phụng Vụ

(= Heures)

Các Giờ Kinh Phụn Vụ hay thần vụ nhằm thánh hóa ngày và đêm. Chu kỳ phụng vụ hằng ngày là nhịp điệu căn bản của đời sống con người: nó tạo nên một cái khung tự nhiên của những cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với Chúa. Trong vườn địa đàng, Ðức Giavê đã chẳng có thói quen đến tìm gặp các bạn loài người của Người trong cơn gió hiu hiu thổi chiều hôm đó sao (Kn 3,8)? Các thánh vịnh là những lời kinh buổi sáng (Tv 5,16.56), buổi trưa (Tv 54,18), buổi chiều (Tv 4,133.140) và giữa đêm (Tv 62,7; 118,6). "Mỗi ngày ba lần, ông Ða-ni-en vẫn quì gối cầu nguyện và ngợi khen trước Thiên Chúa của ông, y như ông đã từng làm từ trước đến nay" (Ðn 6,11; Tv 54,18). Sau khi Ðức Giêsu lên trời, các Tông Ðồ hằng ở trong Ðền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa (Lc 24,53; Cv 2,46) và người ta thấy ông Phêrô và Gioan lên Ðền Thờ vào giờ cầu nguyện thứ chín (Cv 3,1).

Hiến lễ Tạ Ơn (bí tích Thánh Thể) chắc chắn là trung tâm quan trọng của chu kỳ phụng vụ hằng ngày, chẳng những không làm cạn nguồn ngợi ca của Hội Thánh mà còn khơi dậy nguồn ngợi ca ấy. Dâng nhiều lễ trong cùng một ngày là chuyện không bình thường, trừ khi vì nhu cầu mục vụ (xc. Hai lễ). Trái lại, thánh hóa các thời khắc chính trong ngày lại là điều tự nhiên vì nó chuẩn bị hoặc nối dài việc cử hành Hiến Lễ Tạ Ơn. Hy tế ngợi khen (Tv 49,14.23) trình bày cùng một cấu trúc như toàn bộ Phụng Vụ được nhận thấy rõ ràng trong Hiến Lễ Tạ Ơn: đó là vị trí trổi vượt dành cho Công Trình Thiên Chúa, liên kết với công trình của cộng đoàn do Thiên Chúa qui tụ. Các thánh vịnh tạo nên bản chất của Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Liệu chúng ta có nhấn mạnh cho đủ rằng các thánh vịnh ấy chính là Lời Chúa và lời của nhân loại bất khả phân ly, một lời cầu nguyện chúng ta nhận được từ Thiên Chúa trước khi chúng cầu nguyện với Người? Lời cầu nguyện hôm nay, lời cầu nguyện của các giờ kinh, chính là tiếng nói của chính Hôn Thê ngỏ với Hôn Phu của mình, và hơn nữa, đó là lời cầu nguyện của Ðức Kitô cùng với Thân Mình Người ngỏ với Chúa Cha (PV 84). Chính Thánh Thần là Ðấng khiến chúng ta kêu lên: "Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến" (Kh 22,20) dạy chúng ta cùng Ðức Giêsu thân thưa với Chúa Cha (Rm 8,15). Việc cử hành các Giờ Kinh Phụng Vụ xoay quanh Hiến Lễ Tạ Ơn và các bí tích chính là lối dẫn nhập vào đời sống Ba Ngôi. Chẳng phải tất cả các thánh vịnh và thánh ca đều không kết thúc bằng kinh "Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần" đó sao? (xc. Vinh danh). Trong mỗi giờ kinh phụng vụ, chúng ta sống lời đối thoại của Chúa Con với Chúa Cha, theo như Tin Mừng thuật lại (Lc 3,21; 5,16; 6,12...) Các giờ chính là giờ Kinh Sáng và giờ Kinh Chiều. Một giờ thần vụ cũng được tiên liệu cho buổi trưa, trừ khi ai muốn cử hành ba giờ kinh truyền thống là kinh Giờ Ba, Giờ Sáu và Giờ Chín. Giờ Ðộc Vụ hay Kinh Sách có thể đọc vào lúc thuận tiện nhất. Còn giờ Kinh Tối dùng để kết thúc một ngày phụng tự.

Trong thần vụ đan viện, giờ kinh đầu tiên được đặt vào cuối đêm (xc. Kinh Ðêm) tương ứng với giờ Ðộc Vụ của sách nguyện Rôma. Một số đan sĩ cử hành giờ Kinh Ðêm vào giữa đêm. Vì thế, thứ tự các Giờ Kinh Phụng Vụ như sau: Kinh Ðêm, Kinh Sáng, Kinh Giờ Ba, Giờ Sáu, Giờ Chín, Kinh Chiều và Kinh Tối.

Nguyên tắc để đặt đúng chỗ cho các giờ kinh thật quan trọng: ai cũng nhìn nhận rằng chẳng có nghĩa lý gì nếu đọc Kinh Tối vào buổi sáng. Khi cử hành thánh lễ trùng với một giờ kinh phụng vụ, thì nên lồng giờ kinh này vào thánh lễ. Khi ấy, hát thánh vịnh sau lời chào của chủ tế rồi mới cử hành thánh lễ (hay ngược lại) làm như thế để tránh sự lặp đi lặp lại thường xảy ra do việc cử hành liên tục một giờ thần vụ, và nhất là bảo đảm sự thống nhất của hai hành vi phụng vụ này.

Cấu trúc thông thường của giờ kinh thần vụ như sau: sau câu xướng dẫn nhập, đến thánh thi (thánh thi làm thành sắc thái của giờ kinh phụng vụ), rồi thánh vịnh được đóng khung bằng điệp ca (trước, sau), (thánh vịnh làm thành bản chất của thần vụ), đọc Lời Chúa (Lời Chúa dài trong giờ Kinh Sách, Lời Chúa ngắn trong các giờ kinh khác), sau cùng là lời nguyện kết thúc (lời nguyện thay đổi mỗi ngày theo sau lời cầu và kinh Lạy Cha vào giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều). Lưu ý là trong thần vụ đan viện theo luật thánh Biển Ðức, thánh thi giờ Kinh Sáng, Kinh Chiều và Kinh Tối đặt sau thánh vịnh.
Giờ Sáu

(= Sexte)

Tiếng La tinh sexta (hora) nghĩa là giờ thứ sáu. Phụng Vụ Giờ Sáu là một giờ kinh nhỏ, cử hành vào khoảng giữa ngày. Ðối với người Rôma, ngày cũng như đêm được chia làm 12 giờ bằng nhau, bất kể là mùa nào. Theo truyền thống, giờ kinh này, ngoài việc ca ngợi ánh sáng rực rỡ của buổi trưa, còn là để tưởng niệm việc Ðức Giêsu chịu đóng đinh (xc. Ga 19,28) (xc. Giờ kinh Phụng Vụ).
Giờ Trung

(= Milieu du jour)

Giờ kinh phụng vụ giữa ngày, lúc Hội Thánh tìm gặp Chúa trong khoảng cách giờ Kinh Sáng và giờ Kinh Chiều. Sau phần giáo đầu và thánh thi, giờ kinh này gồm ba thánh vịnh hoặc ba đoạn thánh vịnh, một bài đọc ngắn và lời nguyện theo ngày. Có thể cử hành những Giờ Ba, Giờ Sáu và Giờ Chín, nhưng một trong những giờ này phải dùng thánh vịnh giờ Kinh Trưa. Còn đối với những giờ khác, sử dụng những thánh vịnh tiến cấp, những thánh vịnh được thánh Biển Ðức qui định trong luật của người.
Giúp Lễ (Tác Viên)

(= Acolyte)

Từ Hy Lạp akolouthein nghĩa là theo sau. Nhiệm vụ của thầy Giúp Lễ là tháp tùng vị linh mục và phó tế để giúp các vị ấy. Vai trò giúp lễ được thiết lập để phục vụ bàn thánh. Thầy giúp lễ là tác viên ngoại lệ trong việc cho rước lễ khi thiếu linh mục và phó tế, hoặc khi các vị đó bận việc. Chỉ đức giám mục - hoặc bề trên cao cấp của tu sĩ - mới có quyền trao tác vụ này. Những người đang chuẩn bị lãnh bí tích Truyền Chức phải lãnh tác vụ giúp lễ và đọc sách, nhưng có thể lãnh các tác vụ này mà không tiến tới chức phó tế hay linh mục. Cách gọi chức nhỏ nay được bãi bỏ. Ðể hiểu được trọn vẹn tính chất cao quí của chức giúp lễ, cần nhớ rằng: lý tưởng Phúc Âm có thể được tóm lược bằng việc chấp thuận theo Chúa Kitô. Bằng việc bước theo và trợ giúp các vị đại diện Chúa Kitô, các thầy giúp lễ nhắc lại thái độ của các tông đồ trong Phúc Âm.

H


Hai Lễ (Dâng)

(= Biner)

Ðây là việc cử hành thánh lễ hai lần hay nhiều lần trong một ngày vì những nhu cầu của các cộng đoàn khác nhau. Việc làm này hợp pháp nếu vì thiếu linh mục, mặc dù tự nó là việc không bình thường.

Dù đã cử hành thánh lễ vì lý do mục vụ, linh mục vẫn có thể đồng tế với giám mục của mình trong cùng một ngày: việc bày biểu lộ một cách bí tích sự duy nhất của Hy Lễ Tạ Ơn và sự duy nhất của chức tư tế. Các linh mục dòng cũng thế, vẫn có thể đồng tế trong thánh lễ tu viện, cho dù đã cử hành thánh lễ cho giáo dân.


Hầm

(= Crypt)

Trong tiếng Hy Lạp kruptès nghĩa là che giấu. Ðối với người Rôma, crypta là một hành lang được che kín, nhưng cũng có khi là một hầm nhỏ hay một căn phòng đào dưới đất. Trong ngôn ngữ nhà đạo, crypta dùng để chỉ nhà thờ hầm, tức là một nhà nguyện nằm dưới nền nhà thờ chính. Tầng hầm của các nhà thờ cổ thường là nơi an táng những người quá cố.
Hân Hoan Lên

(= Laetare)

Ðây là chữ đầu của bài ca nhập lễ bằng tiếng La tinh của Chúa Nhật thứ IV mùa Chay, có nghĩa là Hãy Hân Hoan. Cũng như Chúa Nhật Gaudete (Chúa Nhật thứ III mùa Vọng), Hội Thánh tạm dừng lại trong thời gian 40 ngày chay tịnh và hướng đến niềm vui phục sinh. Ðể làm rõ thêm ý nghĩa, trong lễ này có thể mặc phẩm phục màu hồng, chưng hoa trên bàn thờ, đánh đàn.
Hiển Thánh

(= Confesseur)

Theo ngôn ngữ Kitô giáo, confessor trong tiếng La tinh dùng để chỉ một vị thánh đã tuyên xưng, tức là đã công bố niềm tin của mình. Những vị tuyên xưng tuyệt vời nhất là các vị thánh tử đạo, những chứng nhân hào hùng của đức tin (martyr trong tiếng Hy lạp có nghĩa là chứng nhân). Theo nghĩa này, nơi tuyên xưng (confessio) là nơi đáng tôn kính, nơi vị tử đạo đã tuyên xưng niềm tin của mình (xc. Màn che bàn thờ; Thú nhận).

Trong ngôn ngữ chuyên môn của phụng vụ, thánh hiển tu (confessor) là tên gọi để chỉ một vị thánh nam, không tử đạo. Giám mục thì được gọi là hiển tu giám mục (confessor pontifex). Ngày nay, trong phần chung các thánh, người ta thích gọi là các thánh mục tử, giáo hoàng, giám mục, linh mục, các thánh tu sĩ, các thánh lo việc giáo dục, các thánh lo việc bác ái.

Thông dụng hơn, từ confessor dùng để chỉ vị linh mục giải tội cho tín hữu trong bí tích Sám Hối (xc. Sám hối).
Hiệp Lễ / Hiệp Thông

(= Communion)

Từ La tinh communio và từ Hy Lạp tương đương koinônia trước hết có nghĩa là một sự hiệp nhất bền bỉ giữa nhiều người thành một cộng đoàn thông hiệp (communicat) với nhau, nghĩa là được thừa hưởng việc chung góp (communis), chia sẻ và trao đổi tài sản, phúc lợi với nhau.

Việc hiệp thông Kitô giáo chính là việc nối kết các Kitô hữu với nhau, đặt căn bản trên sự hiệp nhất giữa họ với Thiên Chúa. Cội nguồn và đích điểm của một cuộc hiệp thông như vậy chính là sự hiệp nhất của Ba Ngôi vị Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông Ðồ mở đầu bức thư thứ nhất của người bằng câu: "Ðiều chúng tôi đã được thấy, được nghe, chúng tôi xin loan báo cho anh em để anh em được hiệp thông với chúng tôi. Việc hiệp thông của chúng ta chính là nhờ nơi Thiên Chúa Cha và cùng với Thánh Tử của Người, Ðức Giêsu Kitô" (1,3).

Nhờ hy tế của Người, Ðức Giêsu đến nối kết con cái Thiên Chúa đã bị tản lạc (Ga 11,52), bằng cách đưa họ vào trong chính đời sống hiệp nhất của Chúa Cha với Chúa Con (Ga 17,11.21.22.23).

Thánh Thể do Người truyền lại cho các tín hữu làm chứng cho một tình yêu siêu vời, lập nên thần lương có khả năng tác tạo và tái tạo sự hiệp nhất của các môn đồ Chúa Kitô. Là sự hiện tại hóa mang tính bí tích của hiến lễ lưu huyết duy nhất, Thánh Thể cũng là phương tiện độc đáo đem lại cho các tín hữu khả năng được tháp nhập vào chính sức sống của Thiên Chúa. Hiệp thông Thánh Thể theo nghĩa vừa nói là nhận lãnh Thân và Huyết Ðức Kitô như lương thực trường sinh.

Hiệp thông Mình và Máu Ðức Kitô chính là đi vào huyền nhiệm Phục Sinh của Người và chia sẻ thân phận của Người. Việc hiệp thông Thánh Thể xây dựng Hội Thánh và thực hiện cuộc hiệp thông các thánh (xc. Tin Kính). Lãnh nhận Thân Thể Chúa kitô là chiếm lấy một vị trí trong Nhiệm Thể của Người và sống việc hiệp nhất hôn lễ giữa Hôn Phu và hôn Thê. Hấp thụ Ðức Kitô hệ tại việc trở nên giống như Người, tức là Ðấng Thiên Tử, để triển khai đầy đủ cuộc sống làm con: "Cũng như Chúa Cha, Ðấng hằng sống đã sai Tôi và Tôi sống nhờ Chúa Cha thì người nào ăn Tôi cũng sẽ sống nhờ Tôi" (Ga 6,57). Vậy tận điểm của hiệp thông Thánh Thể là đời sống Ba Ngôi, có thể nói, cô đọng trong Ơn ban của Thánh Thần, mối liên kết sống động giữa Chúa Cha và Chúa Con. Trong khi chờ đợi giây phút chúng ta được biểu lộ tỏ tường chân chính của mình trong vinh quang (1Ga 3,2), hiệp thông Thánh Thể ngày ngày giúp chúng ta tiến vào sâu xa hơn trong Huyền Nhiệm của Ðức Kitô (xc. Ep 3,2), tùy theo mức độ hưởng ứng và nỗi khao khát của chúng ta (xc. Ga 6,11).

Tự thân việc hiệp thông dưới hai hình là đầy đủ ý nghĩa nhất. Nhưng vì lý do thực tiễn, lại không phải lúc nào cũng dễ thực hiện. Do đó, Hội Thánh xác định những trường hợp nào mới được phép chịu lễ hai hình. Giáo luật 1983 cho phép hiệp lễ lần thứ hai trong cùng một ngày khi tham dự một cuộc cử hành Thánh Thể khác (Gl 917). Thiết tưởng nên lưu ý Thánh Thể là lương thực của người sống. Ðể được hiệp lễ, cần phải ý thức mình không mắc một lỗi lầm nào có thể gây đổ vỡ thảm hại mối thân tình với Thiên Chúa. Trước khi lãnh nhận Thánh Thể, cần có một cử chỉ tôn kính thích hợp (xc. Chay Tịnh).


Hòa Chung

(= Commixtion)

Trong tiếng La tinh, commixtio có nghĩa là việc pha trộn (động từ La tinh commisceo: pha với, trộn với). Ðây là một nghi thức trong thánh lễ, sau nghi thức bẻ bánh, linh mục bỏ một miếng nhỏ Mình Thánh vào trong Chén Thánh. Khi đang làm nghi thức ấy, linh mục đọc: "Xin Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô hòa lẫn với nhau mà chúng con sắp lãnh nhận, cho chúng con được sống muôn đời". Mình và máu, hai hình thái tách rời, tượng trưng và hiện tại hóa, một cách không đổ máu, hiến tế độc nhất trên núi Canvê: Ðức Giêsu vinh hiển đang hiện diện trên bàn thờ, và một cách bí tích, Người cũng đang ở trong trạng thái một của lễ. Cử chỉ pha trộn nhắc đến việc Người Phục Sinh, linh hồn và thân xác Ðức Kitô được liên kết với nhau mãi mãi.

Nghi thức này rất cổ kính: ở đâu người ta cũng giữ. Có lẽ nghi thức này có liên hệ với thói quen ban đầu, là đưa Mình và Máu đã được truyền phép đến các nhà thờ khác để tỏ dấu chỉ hiệp thông. Trong các thánh lễ có Mình Thánh đã truyền phép sẵn (Nghi thức phụng vụ thứ Sáu Tuần Thánh) (xc. Thánh Thể), người ta cũng có thói quen chấm Bánh Thánh vào Chén Thánh để cho Bánh Thánh đã được truyền phép trước mềm ra (xc. Chấm).


Hoan Hô

(= Hosanna)

Hosanna là tiếng tung hô của người Do thái, được ghép bởi mệnh cách của động từ hoshi'ah nghĩa là cứu vớt và từ tố chỉ nghĩa van xin na'. Hoshi'ah na' nên hiểu sát nghĩa là xin cứu vớt. Từ này xuất hiện thành văn trong câu 25 của thánh vịnh 117, thánh vịnh vượt qua tiêu biểu nhất, mô tả quang cảnh đón rước Ðấng Messia dịp lễ đăng quang của Người (câu 19-27).

Chẳng có việc gì phải kinh ngạc khi thấy dân Israel hát bài ca này để chào mừng Ðức Giêsu lúc Người tiến vào thành Giêrusalem (Mt 21,9). Sau này, hosanna mất đi ý nghĩa nguyên thủy để chỉ còn là tiếng hô vui mừng và chiến thắng. Hosanna được phụng vụ Hội Thánh nhắc lại hai lần trong kinh Thánh Thánh Thánh, như lời tung hô của các tín hữu vào cuối kinh Tiền Tụng để dâng lên Thánh Ðức Thiên Chúa. Vào giây phút hy lễ Thánh Thể sắp được tái diễn, ý nghĩa căn gốc của từ hosanna lột tả trọn vẹn nội dung của mầu nhiệm: Xin cứu vớt. Ðây là công trình của Ðức Giêsu, Thánh Danh có nghĩa là Ðức Giavê cứu vớt hoặc Thiên Chúa đã cứu vớt: Yehoshu'a.


Hội Thánh / Nhà Thờ

(= Eglise)

Trong tiếng Hy Lạp, eklesia có nghĩa là cộng đoàn các công dân tự do được triệu tập. Giáo Hội là cộng đoàn Dân Thiên Chúa, được Thiên Chúa triệu tập cho Người để cử hành Giáo Ước.

Trong Cựu Ước, Israel đã được sinh ra làm Dân Thiên Chúa vào Ngày Ðại Hội (Ðnl 9,10; 10,4; 18,16) khi chấp thuận Giao Ước với Ðức Chúa (xh 24). Quehal-Yahvé là tiền thân xác thực của Giáo Hội. Trong bản LXX (bản 70), từ Hípri qâhal thường được dịch là eklesia. Ta có thể ghi nhận sự thông vận giữa động từ Hípri qâhal (triệu tập) và động từ Hy lạp káléô (kêu gọi) cùng có những phụ âm căn bản q hay k và l. Trước hết, cần phải lưu ý rằng: Dân của Ðức Chúa sinh ra làm Dân trong phụng vụ Giao Ước. Bởi thế, căn tính của Dân có tính cách phụng vụ.

Giáo hội trong Tân Ước là cộng đoàn con cái Thiên Chúa đang tản mác (Ga 11,52) được đưa về trong sự duy nhất của Ba Ngôi (17,11.21.22) nhờ Máu Ðức Kitô (Cv 20,28). Giáo Hội được thai ngén nơi Thập Giá, nhờ Thánh Thần, Nước và Máu (Ga 19,30-34; 1Ga 5,6-8), tức là ở trung tâm Hy Lễ duy nhất của Tân Ước. Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, khi Thánh Thần tuôn đổ xuống, Giáo Hội sinh ra như một cộng đoàn cử hành những kỳ công của Thiên Chúa (Cv 2,11). Thánh Phêrô đã chẳng nhắc lại những tước hiệu mang tính phụng vụ của đại hội Xinai, khi nói với các tín hữu: "Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hoàng tộc chuyên lo tế tự, là Dân Thánh, Dân riêng của Thiên Chúa để loan truyền những công trình vĩ đại của Người" (1Pr 2,9-10; xc. Xh 19,5-6) đó sao?

Như vậy, bản chất của Giáo Hội có tính cách phụng vụ, và chính trong khi cử hành phụng vụ Giáo Hội bày tỏ cách hoàn hảo nhất cho thấy hiện mình đang là gì và càng ngày càng phải trở nên như thế nào: đó là Dân - Hiền Thê, nhờ hiệp nhất với Hôn Phu của mình, và được sinh ra nhờ Thánh Thần, tiến vào trong sự trao đổi của Ba Ngôi, thực tại cuối cùng của phụng vụ. Những cuộc gặp gỡ phụng vụ ở dưới thế, tập trung vào bí tích Thánh Thể, không ngừng qui tụ Giáo Hội, do từ sáng kiến của Thiên Chúa, sẽ được diễn tả một cách hiệu quả nhờ tác vụ thánh, để Giáo Hội chấp thuận Giao Ước, và để Giáo Hội ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa.

Các nhà thờ, nơi qui tụ Giáo Hội, được trở nên cao quí là nhờ có cuộc gặp gỡ Giáo Ước giữa Thiên Chúa và Dân Người, là địa điểm cho cuộc gặp gỡ diễn ra. Những nghi lễ cung hiến long trọng làm cho nhà thở trở thành những Lều Hội Ngộ của Giao Ước mới.
Hôn

(= Baiser)

Hôn là cử chỉ tôn trọng, hiệp thông và kính mến (xc. Thờ lạy). Khi linh mục và phó tế hôn bàn thờ trong lúc cử hành thánh lễ, các vị bày tỏ sự hiệp thông với Thiên Chúa, với Ðức Kitô và với toàn thể Hội Thánh trên trời, được biểu tượng nơi hài cốt của các thánh. Sự kiện vị linh mục - chứ không phải phó tế - thường đặt hai tay lên bàn thờ khi hôn kính, chứng tỏ rằng nhờ chức tư tế, linh mục có thẩm quyền hành xử theo tính bí tích đối với bàn thờ (xc. Bàn thờ).

Sau khi đã đọc Tin Mừng trong thánh lễ, phó tế và linh mục hôn sách Phúc Âm, bày tỏ dấu hiệu liên kết một cách kính cẩn với Lời Ðức Kitô.

Các tín hữu thực thi việc hôn kính khi tôn thờ Thánh Giá trong nghi thức thứ Sáu Tuần Thánh. Tín hữu cũng hôn Thánh Tích Thánh Giá được trưng bày trong ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá (14/9). Hài cốt các thánh cũng được tôn kính như vậy, hoặc theo tính cách tư riêng, hoặc công khai và trọng thể trong các dịp hành hương, các dịp lễ... (xc. Bình an).
Hộp Ðựng Thánh Thể

(= Custode)

Là hộp bằng kim loại, dùng đựng mặt nguyệt. Khi mặt nguyệt có chứa Thánh Thể, sẽ được đặt vào hộp này và cất giữ trong nhà chầu.

Cũng có thể đó là một chiếc hộp nhỏ đựng Thánh Thể như của ăn đàng hoặc để cho bệnh nhân chịu lễ.


Hương (Bình)

(= Encensoir)

Là bình hương hoặc lư hương cầm tay, treo bằng ba sợi dây nhỏ. Nắp bình hương có đục lỗ và có thể kéo lên được nhờ một sợi dây khác. Cũng có loại bình hương một dây. Khi đốt hương, vị chủ tế đổ hương vào cục than cháy đỏ trong bình. Người ta xông hương bằng cách lắc bình hương.
Hương (Người Cầm Bình)

(= Thuriférage)

Tiếng La tinh thus, thuris: hương; ferre: mang, cầm. Người cầm bình hương là thừa tác viên có nhiệm vụ cầm tàu hương và bình hương trong các nghi thức phụng vụ; tiếng La tinh thus hay tus xuất xứ từ tiếng hy lạp thuos vừa có nghĩa là hương thơm, vừa có nghĩa là lễ vật: việc đốt hương dâng lên Chúa cũng là một hiến lễ (xc. Tv 140,2).
Hương (Tàu)

(= Navette)

Tàu hương là một bình nhỏ hình chiếc thuyền dùng để đựng hương. Tàu hương thường đi chung với bình hương, và người cầm bình hương cầm cả hai thứ đó.
Hương (Xông)

(= Encensement)

Xông hương là dâng khói hương thơm lên Thiên Chúa, Ðấng được biểu tượng qua Thánh Giá, bàn thờ, các tế phẩm, cũng như chính bản thân vị chủ tế. Các tín hữu cũng được xông hương vì lẽ họ mang địa vị làm nghĩa tử Thiên Chúa, thi hành ấn tích Thánh Tẩy qua việc tham dự phụng vụ.

K


Khai Tâm

(= Initiation)

Các bí tích khai tâm là ba bí tích mà những người dự tòng trưởng thành đón nhận trong một nghi lễ duy nhất, nhằm mục đích dẫn đưa họ vào đời sống Kitô giáo, bao gồm Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể. Các ấn tích được lãnh nhận trong bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức sẽ được thể hiện trọn vẹn nhất trong việc tham dự bí tích Thánh Thể. Người Kitô hữu được sinh ra trong phụng vụ phép rửa để cử hành phụng vụ cao cả nhất của tình yêu (đó là Thánh Thể). Ðêm Vọng Phục Sinh là thời điểm đặc biệt để cử hành các bí tích khai tâm (xc. Khai tâm các mầu nhiệm).
Khai Tâm Các Mầu Nhiệm

(= Mystagogie)

Khai tâm các mầu nhiệm phát xuất từ gốc tiếng Hy Lạp agéin có nghĩa là hành động hướng dẫn một người đang tập sự. Như vậy, khai tâm các mầu nhiệm tức là dẫn đưa vào mầu nhiệm. Ðây thường là công việc của các linh mục. Việc khai tâm Kitô giáo hoàn tất bằng việc lãnh nhận các bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể. Các bài giảng của các giáo phụ dành cho những người mới được Thánh Tẩy gọi là "huấn giáo khai tâm vào các mầu nhiệm". Các giáo phụ biết rằng các tân tòng được chính các mầu nhiệm hướng dẫn hơn là được hướng dẫn vào các mầu nhiệm. Vì thế, các ngài chỉ nhằm rút tỉa những kinh nghiệm sống bí tích cho các tân tòng. Những bài huấn giáo vào mầu nhiệm thời danh nhất là những bài của thánh Cyrillo thành Giêrusalem, Théodore de Mopusuette và thánh Maxime hiển tu.
Khăn Bàn Thờ

(= Nappe)

Tiếng La tinh nappa có nghĩa là khăn bàn. Theo qui luật phụng vụ, bàn thờ phải được phủ khăn. Ðiều đó nói lên tính cách biểu tượng của bàn thờ là một bàn tiệc Thánh Thể, còn khăn thánh gợi lại tấm khăn liệm của Ðấng chịu đóng đinh.
Khăn Lau Chén

(= Purificatoire)

Tấm khăn thánh dùng để lau chén và lau tay linh mục vào những lúc tráng chén.
Khăn Lau Tay

(= Manuterge)

Tiếng La tinh munus có nghĩa là tay, và tergere có nghĩa là lau chùi. Khăn lau tay được linh mục dùng vào lúc rửa tay trong thánh lễ và trong những nghi thức khác cần phải rửa tay, chẳng hạn sau khi xức tro vào dịp mùa Chay.
Khăn Phủ

(= Voile)

Tiếng La tinh velum có nghĩa là vải, trướng, màn che. Trong thánh lễ, khăn phủ là một tấm vải, có gắn những đồ trang trí thông dụng, dùng để các thứ bình thánh (chén thánh, đĩa thánh, bình đựng Mình Thánh), cho tới khi dâng lễ vật.

Khăn phủ vai là một tấm khăn dài màu trắng khoác trên vai người cầm Mình Thánh Chúa. Linh mục mang khăn phủ vai (có khi là phó tế) khi nâng Mặt Nhật để ban phép lành Thánh Thể, hay khi kiệu Mình Thánh hoặc rước Bình Thánh, hộp đựng Mình Thánh. Việc dùng khăn vai là dấu hiệu bày tỏ lòng tôn kính đối với Mình Thánh.

Trong lễ khấn, các nữ tu nhận lúp (khăn phủ) là dấu chỉ sự tận hiến cho Thiên Chúa (xc. Trinh nữ).
Khăn Phủ Ðầu Gối Giám Mục

(= Grémial)

Tiếng La tinh gremium nghĩa là ngực, lòng. Khăn phủ đầu gối là tấm vải đặt trên đầu gối giám mục khi người ngồi trong những cử hành nghi lễ đại triều. Ngày nay chỉ còn là tấm khăn mà giám mục mang khi thi hành một số việc như: xức dầu, xức tro, rửa chân trong ngày thứ Năm Tuần Thánh.
Khăn Phủ Nhà Tạm

(= Conopée)

Tiếng Hy Lạp kônôpéion là cái mùng. Thực vậy, kônôs là con muỗi. Trong các thánh đường, khăn phủ nhà tạm là tấm vải phủ trên Nhà Tạm, làm cho Nhà Tạm có hình dáng cái lều (Tabernaculum: cái lều). Khăn này có thể có nhiều màu sắc khác nhau theo phẩm phục phụng vụ. Khăn phủ Nhà Tạm và đèn chầu là dấu chỉ sự hiện diện bí tích của Chúa Kitô trong Nhà Tạm (xc. Áo Nhà Tạm).
Khăn Quàng

(= Mosette)

Tiếng Ý almozetta nghĩa là khăn vai nhỏ. Khăn quàng (tiếng La tinh trung cổ là almutia) là khăn mà các kinh sĩ mang trên vai và trên cánh tay khi cử hành phụng vụ trong kinh hội. Hiện nay, khăn quàng cũng là áo choàng vai (xc. Áo choàng vai).
Khăn Thánh

(= Corporal)

Tiếng La tinh corporal, bởi tiếng corpus, nghĩa là thân mình. Khăn thánh là một tấm vải trắng đặt trên khăn phủ bàn thờ, trên đó đặt chén thánh, dĩa thánh, đôi khi đặt cả bình thánh, hộp đựng Mình Thánh. Khăn này thường có hình vuông. Và sở dĩ được gọi là khăn thánh bởi vì ngày xưa người ta đặt Mình Thánh (Thân mình Ðức Kitô: Corpus Christi) ngay trên khăn này. Khăn thánh có thể phủ luôn cả bàn thờ, vì trong thánh lễ đồng tế có nhiều bình thánh và dĩa thánh.
Khăn Vai

(= Amict)

Tiếng La tinh am có nghĩ là từ bên này sang bên kia, và jactus là quàng. Khăn vai là một tấm vải trắng hình chữ nhật, linh mục quàng qua cổ trước khi mặc áo trắng dài. Ngày xưa, khăn này phủ cả đầu, cổ và vai. Ngày nay, người ta thích dùng khăn phủ thường dính liền với áo trắng dài, nên khăn vai có khuynh hướng không còn nữa.
Khấn Hứa

(= Voeu)


Tiếng La tinh votum nghĩa là hứa với Thiên Chúa, do động từ vovere: hiến dâng, tuyên khấn. Theo đúng nghĩa, khấn hứa là dâng mình cho Thiên Chúa bằng cách này hay cách khác, để xin ơn hoặc để tạ ơn. Trong ngôn ngữ hiến tế, người ta dâng cho Thiên Chúa một tế vật: vì tế vật này chỉ thay thế cho lễ phẩm, cho nên, tuyên khấn là tận hiến chính mình cho Thiên Chúa, cho nên, tuyên khấn là tận hiến chính mình cho Thiên Chúa, là dâng hiến (devouer) chính mình, do đó mới có ý nghĩa nguyên thủy của từ devotion. Mặc dù lời khấn có nhiều hình thức khác nhau, nhưng xét cho cùng, chúng ta xin Thiên Chúa ban chính Người cho chúng ta, và chúng ta tận hiến toàn thân cho Người. Ðiều này được thể hiện dần dần trong phụng vụ.

Một cách hiển nhiên và tuyệt đối, lời khấn dòng, tức là lời cam kết của các tu sĩ trong ngày tuyên khấn, là dâng hiến một con người cho Thiên Chúa, mà họ tận hiến toàn thân cho Thiên Chúa trong Hội Thánh của Người dưới sự thúc đẩy của ơn thánh (xc. Mt 19,11-12). Qua các lời khấn, các tu sĩ cam kết tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm: khó nghèo, khiết tịnh và tuân phục, được tuyên khấn rõ ràng nhiều hay ít tùy mỗi hội dòng. Ðôi khi có hội dòng thêm một lời khấn khác nữa, nói lên đặc điểm trong mô hình đời sống của họ.


Khổ Nạn

(= Passion)

Tiếng La tinh passio nghĩa là hành vi chịu đựng, chịu đau khổ. Cuộc khổ nạn của Ðức Kitô, đem lại ơn cứu độ cho chúng ta, diễn ra từ chiều ngày thứ Năm Tuần Thánh cho đến khi Người chết trên Thánh Giá. Toàn bộ phụng vụ đều cử hành mầu nhiệm Phục Sinh, vừa là khổ nạn, vừa là sự chết và sống lại của Ðức Chúa: mỗi thánh lễ đều nhắc lại mầu nhiệm này trong bí tích. Tuy nhiên, Hội Thánh đặc biệt cử hành các đau khổ của Ðức Kitô trong thánh lễ gọi là "Khổ Nạn", vào Chúa Nhật Lễ Lá, thứ Sáu và thứ Bảy Tuần Thánh. Trình thuật Khổ Nạn được công bố vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá (qua một trong các bài Nhất Lãm), và vào lúc cử hành phụng vụ chiều thứ Sáu Tuần Thánh (theo Tin Mừng thánh Gioan) (xc. Phủ phục, Lễ Lá, thứ Sáu Tuần Thánh, Thánh Giá).
Ki-Tô (Chúa)

(= Christ)

Trong tiếng Hy Lạp, christos có nghĩa chính xác là người được xức dầu (xc. Dầu: Chrisma). Danh từ này gần như từ Mâshiah (Mê-si-a) trong tiếng Hipri.

Vì là Vua, là Tư Tế và là Ngôn Sứ tuyệt hảo, nên Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa và Con loài người, chính là Ðấng được xức dầu: nhờ biến cố Nhập Thể, Người đã nhận được nơi nhân tính của Người trọn vẹn năng lực, sự dịu dàng và niềm vui, được biểu thị bằng dầu thánh hiến trong các nghi thức cổ. "Ngài ưa điều chính trực, ghét điều gian ác. Chính vì vậy, Thiên Chúa là Thiên Chúa của Ngài, đã tôn phong Ngài trổi vượt các đồng liêu" (Tv 44,8). Khi áp dụng cho mình bản văn Isaia, Ðức Giêsu diễn tả rõ ràng biểu tượng: "Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi" (Lc 4,18; Is 61,1); Thánh Thần ban bảy ơn (xc. Is 11,2) là nguyên ủy việc Ðức Maria thụ thai Chúa Giêsu (Lc 1,35).

Toàn bộ phụng vụ thông chuyển dấu tích Ðức Giêsu cho các tín hữu: phụng vụ thực hiện dần dần sự thấm nhập toàn thể nhân sinh nhờ Thần Linh Thiên Chúa.
Ki-Tô Vua (Lễ)

(= Christ-Roi)

Ðại lễ kính Chúa kết thúc các Chúa Nhật mùa thường niên: như vậy, lễ này trùng vào Chúa Nhật 34 và là Chúa Nhật cuối cùng mùa Thường Niên. Lễ này được đặt vào cuối năm phụng vụ, chính là lời mời gọi của Con Chiên bị sát tế từ vương quốc vĩnh cửu: "Lúc muôn loài đã qui phục Ðức Kitô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ qui phục Ðấng bắt muôn loài phải qui phục Người, và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài" (1Cr 15,28). Lễ này mãi về sau mới được Ðức Giáo Hoàng Piô XI thiết lập năm 1925: tất cả năm phụng vụ tôn vinh vương quyền Ðức Kitô, nhưng đặc biệt là vào dịp lễ Hiển Linh, thứ Sáu Tuần Thánh, và lễ Thăng Thiên.
Kinh Cầu

(= Litanie)

Tiếng Hy Lạp litanéa do danh từ litè có nghĩa là lời cầu, và động từ litaneuéin nghĩa là cầu nguyện liên tục. Kinh cầu là những lời nguyện phụng vụ diễn tả sự khẩn nài bằng nhiều lời kêu xin, cộng đoàn đáp lại bằng những câu lặp đi lặp lại. Lời nguyện cộng đồng trong thánh lễ, hoặc trong giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều là những hình thức Kinh Cầu cổ xưa nhất.

Ngày nay, Kinh Cầu là những lời nguyện long trọng và là thành phần của những buổi cử hành phụng vụ trọng thể: những lời khẩn cầu lặp đi lặp lại dâng lên Chúa Ba Ngôi, Ðức Mẹ và các Thánh, để xin ơn Chúa vào dịp cử hành bí tích Thánh Tẩy trong lễ Vọng Phục Sinh, lễ Truyền Chức, lễ Cung Hiến Thánh Ðường, lễ Thánh Hiến Trinh Nữ, lễ Chúc Phong Viện Phụ hoặc Chúc Lành Ðan Sĩ, v.v... Trong nghi lễ thánh hiến hoặc chúc phong trọng thể, đương sự nằm phủ phục suốt thời gian đọc Kinh Cầu. người ta hát Kinh Cầu khi rước kiệu Cầu Mùa. Kinh Cầu Thánh Danh Chúa Giêsu, Kinh Cầu Trái Tim, Kinh Cầu Ðức Bà, Kinh Cầu thánh Giuse... không thuộc về phụng vụ đúng nghĩa, mà chỉ là việc đạo đức cá nhân hoặc cộng đoàn.


Kinh Cầu Xin Chúa Thánh Thần

(= Epiclèse)

Épiclèsis trong tiếng Hy Lạp gồm klèsis (lời kêu gọi) và épi (trên). Ðây là một lời cầu xin Chúa Thánh Thần để Ngài đến và, bằng hoạt động của Thiên Chúa, thánh hóa lễ vật Hội Thánh dâng lên trong thánh lễ. Trong cách sắp xếp của Kinh Tạ Ơn hay Lễ Quy, kinh này là lời nguyện liền ngay trước Truyền Phép. Trong Kinh Tạ Ơn thứ hai, kinh này có công thức như sau: "Chúng con nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa, thánh hóa lễ vật này".

Trong các Hội Thánh Ðông Phương, lời xin Chúa Thánh Thần không phải chỉ là lời nguyện cầu xin Chúa Thánh Thần thánh hóa lễ vật do thừa tác viên dâng lên khi sắp truyền phép; mà còn được coi là lời truyền phép. Trong Hội Thánh La tinh, lời thánh hóa đúng nghĩa là chính lời truyền phép. Hai quan điểm này không trái ngược nhau. theo thói quen, tinh thần Ðông Phương nhấn mạnh tính cách tổng hợp của Kinh Tạ Ơn, vì toàn bộ Kinh Tạ Ơn là lời thánh hóa, nhưng đặc biệt khi kêu xin rõ ràng hoạt động của Chúa Thánh Thần. Tính cách chặt chẽ và chính xác của Hội Thánh La tinh có khi nhấn mạnh trên lời đọc và cử điệu diễn tả lời và cử điệu của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly.


Kinh Chiều

(= Vêpres)

Tiếng La tinh vesper, tiếng Hy lạp espéros nghĩa là buổi chiều. Phụng vụ giờ Kinh Chiều làm thành giờ kinh trọng thể buổi chiều, đối xứng với giờ Kinh Sáng. từ giờ Kinh Sáng, Hội Thánh vẫn không ngừng giao tiếp với Thiên Chúa nhờ các giờ Kinh Trưa. Vào lúc cuối ngày, Hội Thánh tìm lại sự thân thiết đó một cách lâu dài hơn. Hội Thánh cảm tạ Chúa vì những kỳ công sáng tạo, vì những việc mình đã làm, và hân hoan vì sự hiện diện của Ðức Chúa, như các tông đồ trong buổi chiều ngày Phục Sinh (xc. Ga 20,19), trong khi mong chờ Người trở lại. Giờ Kinh Chiều gồm có phần dẫn nhập, thánh thi, hai thánh vịnh, một thánh ca Tân Ước (xc. Thánh Ca), một bài đọc ngắn, một đáp ca ngắn, thánh ca Magnificat, các lời cầu khẩn và phần kết thúc. Ðỉnh cao của Kinh Chiều là bài thánh ca Tin Mừng của Ðức Maria. Ít là trong một số ngày, khi hát bài Thánh Ca này, nên xông hương bàn thờ như hy lễ ban chiều (xc. Tv 140,2; Ðèn).

Các đại lễ và các ngày Chúa Nhật bắt đầu từ chiều hôm trước bằng việc cử hành Kinh Chiều I. Thói quen này đã có nơi người Do Thái, họ tính ngày từ chiều hôm trước đến chiều hôm sau. Một vài đại lễ đặc biệt có thánh lễ Vọng, cử hành vào buổi chiều, có hoặc không có Kinh Chiều I.


Kinh Ðêm

(= Matines)

Các giờ canh thức đêm, (vigiliae matutinae) trở thành giờ đêm. Về nguồn gốc, tiếng La tinh Matutini hay matutinae hoặc matutina chỉ giờ Kinh Ngợi Khen (Laudes) cử hành vào lúc mặt trời mọc. Những giờ canh thức đêm được hát sớm hơn, lúc trời còn tối. Những giờ kinh này trở thành Kinh Ðêm khi danh từ Laudes (Kinh Ngợi Khen) được ấn định cho giờ Kinh Sáng. Việc canh thức cầu nguyện ban đêm chẳng phải là thái độ tha thiết mong đợi ngày đến sau khi đêm tàn? (xc. Kinh Sách, Vọng Lễ và Canh Thức).
Kinh Khấn Xin

(= Embolisme)

Tiếng Hy Lạp embolismos có gốc bởi em-ballein: đặt vào trong, xen vào giữa. từ này chỉ tháng nhuận, thêm vào năm âm lịch theo những khoảng thời gian tương đối đều đặn, để bù vào sự chênh lệch giữa năm âm lịch với năm dương lịch.

Trong phụng vụ, lời nguyện phụ là lời nguyện xen giữa hai lời nguyện khác. Trong thực tế, từ ngữ này chỉ lời nguyện sau Kinh Lạy Cha trong thánh lễ, nhằm triển khai ý nguyện cuối: "Xin cứu chúng con khỏi sự dữ..." Cuối lời nguyện phụ này, cộng đoàn cùng tung hô: "Vì Chúa là vua uy quyền...", lời tung hô này ban đầu tiếp liền với Kinh Lạy Cha.

Các lời nguyện sau đây cũng được gọi là "lời nguyện phụ": các lời nguyện đặc biệt cầu cho người qua đời, được xen vào trong Kinh Tạ Ơn II và III. Cũng vậy, các lời nguyện khai triển kinh Communicantes và Hanc igitur mà trong một vài dịp nào đó, được thêm vào trong Lễ Qui Rôma (Kinh Tạ Ơn I).
Kinh Nguyện

(= Prière)

Tiếng La tinh prex hay precatio có nghĩa là van xin, khẩn cầu. Về nghĩa, "công thức cầu nguyện", xin coi mục Lời Nguyện. Phụng vụ chỉ qui định những lời nguyện được đọc khi lời đọc và tinh thần hòa hợp với nhau; tất cả phụng vụ chỉ là một lời cầu nguyện, nghĩa là Hội Thánh hướng về vị Hôn Phu của mình.

Người ta thường có khuynh hướng đối nghịch phụng vụ với việc chiêm niệm, kinh nghuyện cộng đồng và với kinh nguyện cá nhân của người Kitô hữu. Trong tình trạng hiện nay của cuộc sống chúng ta, vì việc cử hành Giao Ước mang tính cách cộng đoàn nên dù có những thời gian thinh lặng, những giới hạn của chúng ta và của người khác không thể là nơi chốn hoặc thời gian gặp gỡ thân mật với Chúa. Trong phụng vụ thiên quốc, hai chiều kích cá nhân và cộng đoàn của việc cầu nguyện đạt đến một sự hòa hợp hoàn hảo. Trong khi chờ đợi, vì chúng ta không đủ sức để đón nhận tất cả sự phong phú của phụng vụ nên việc cử hành phải được chuẩn bị và diễn tiến theo thời gian cầu nguyện cá nhân, nhờ đó những diễn tả và nội dung phong phú của phụng vụ có thể được tiếp nhận hợp với nhịp sống và nhu cầu của mỗi người. Vì tất cả được ban tặng trong phụng vụ nên tất cả đời sống thiêng liêng đều được sắp sẵn ở đó. Tuy nhiên, vì chúng ta chưa đủ khả năng sống hành vi trọn vẹn của phụng vụ, nên điều quan trọng là phải có những cuộc gặp gỡ cá nhân và thân mật của chúng ta với Thiên Chúa để chuẩn bị và hướng về những cuộc gặp gỡ có tính cách sộng đoàn của Giao Ước (xc. Chiêm niệm, sống).


Kinh Sách

(= Nocturne)

Tiếng La tinh nocturnus ám chỉ những gì xảy ra ban đêm. Trong ngôn ngữ phụng vụ, giờ Kinh Ðêm là một phần kinh phụng vụ ban đêm (xc. Kinh Sáng, Vọng lễ) được soạn ra cốt yếu dựa vào một số thánh vịnh, bài đọc và xướng đáp. Kinh Thần Vụ của đan sĩ về ban đêm thường gồm hai giờ kinh đêm vào những ngày thường và ba giờ kinh đêm vào những ngày lễ kính và lễ trọng.
Kinh Sáng

(= Laudes)

Tiếng La tinh Laudes có nghĩa là ngợi khen. Giờ Kinh Laudes là giờ kinh ban mai, giờ kinh buổi sáng. Gọi là Laudes, vì giờ kinh này mang tính chất ca ngợi, mỗi một ngày mới là một ngày ca ngợi những kỳ công sáng tạo. Thánh vịnh đầu tiên là thánh vịnh ban mai, còn thánh vịnh cuối cùng là thánh vịnh ngợi khen. Về kinh Thần Vụ, luật thánh Biển Ðức đã qui định: yếu tố sau cùng trong việc hát thánh vịnh mỗi ngày là ở ba thánh vịnh cuối của sách thánh vịnh, tức là ba thánh vịnh hoàn toàn có tính cách ca ngợi: đó là Tv 148, 149, 150.Những thánh vịnh này đã góp phần làm cho giờ kinh ban mai được gọi là Kinh Ngợi Khen. Trước một hay nhiều thánh vịnh ca ngợi, người ta hát một bài thánh ca trích từ Cựu Ước. Ðỉnh cao của giờ Kinh Laudes là bài thánh ca Tin Mừng của ông Da-ca-ri-a, tức thánh ca Beneditus (Chúc Tụng). Khi hát thánh ca này, cộng đoàn đứng. Kế tiếp là lời nguyện chuyển cầu mang ý nghĩa hiến dâng và ca ngợi vì một ngày mới bắt đầu. Nếu giờ kinh sáng là giờ kinh đầu tiên trong ngày, thì phải đọc thánh vịnh giáo đầu trước.
Kinh Sĩ

(= Chanoine)

Từ ngữ La tinh canonicus xuất phát từ tiếng kânon của Hy Lạp, có nghĩa là lề luật (xc. Lễ Qui). Kinh sĩ là chức sắc trong Hộ Thánh, theo bậc sống được qui luật pháp chế bảo đảm. Ngoài vai trò cố vấn cho giám mục và nhóm các kinh sĩ hội, còn có nhiệm vụ chính yếu là cử hành trọng thể thánh lễ và kinh thần vụ: đây là công việc thiết yếu của Hội Thánh và cần được chu toàn một cách trọn vẹn hơn ở giữa lòng giáo phận.


Kinh Tạ Ơn

(= Prière eucharistique)

Ðây là toàn bộ những công thức giữa phần tiến lễ và Kinh Lạy Cha, đây cũng là phần chính của thánh lễ: phần "tạ ơn" hoặc hy tế đúng nghĩa.

Cấu trúc Kinh Tạ Ơn của Kitô giáo có liên hệ với những Kinh Tạ Ơn quan trọng của người Do Thái, chẳng hạn Kinh "Mười Tám Lời Chúc Tụng" (Shemônes-Esré berakoth) và Kinh "Chúc Tụng Ðấng Tạo Hóa" (Birkat Yotser) đều gồm có một lời ngợi khen mở đầu, một lời Sanctus, nhưng lời khẩn cầu gần giống như kinh cầu xin Chúa Thánh Thần (Epiclèse), một lời cầu xin Thiên Chúa nhớ đến (anammèse), những lời chuyển cầu, một hay nhiều vinh tụng ca. Những Kinh Tạ Ơn đầu tiên chúng ta biết được (xc. Didakhê, cuối thế kỷ 1, chứng từ của thánh Giút-ti-nô, quãng năm 150, Tông Truyền của thánh Hy-pô-li-tô quê ở Rôma quãng năm 215, Anaphore của Addai và Nari thế kỷ IV, Sách kinh (Eucologe) của Serapion Thmuis quãng năm 350, và Ðịnh chế các Tông Ðồ quãng năm 380) cho thấy rõ các Kinh Tạ Ơn đó có liên hệ với các kinh nguyện của Do Thái.

Các Kinh Tạ Ơn 2, 3 và 4 trong sách lễ Rôma cho thấy rõ cấu trúc cổ của các Kinh Tạ Ơn xuất phát từ các kinh nguyện Do Thái: lời tiền tụng cũng có các câu đối đáp: kinh Thánh Thánh chí Thánh là một lời ngợi khen ít nhiều nói về sự thánh thiện của Thiên Chúa biểu lộ nơi các công trình Người thực hiện, Epiclèse hoặc lời cầu xin Chúa Thánh Thần thánh hóa các lễ phẩm, Anamèses hoặc cầu xin Thiên Chúa nhớ đến, tiếp theo sau lời "Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy", Epiclèse sau truyền phép hoặc cầu xin Chúa Thánh Thần thánh hóa Nhiệm Thể, các lời chuyển cầu, vinh tụng ca kết thúc Per Ipsum, cuối cùng là lời thưa Amen của các tín hữu.

Lễ Qui Rôma hay Kinh Tạ Ơn 1 có cấu trúc riêng và đã được định hình rõ nét từ cuối thế kỷ thứ IV. Trình thuật thành lập Thánh Thể và Anammèse thuộc về trọng tâm của Kinh Tạ Ơn, nhưng một cách chính yếu cũng được điểm bằng những lời chuyển cầu. Cần chú ý đến ba điểm đặc biệt trong Lễ Qui này:

1. Song đối: nhớ đến người còn sống, trước truyền phép, và nhớ đến người đã qua đời sau khi truyền phép, mỗi phần đều có kèm theo một lời cầu nguyện có kể tên các thánh (Kinh Hiệp Thông và Cả Chúng Con Nữa: xem các từ này và bìa xếp),

2. Trái với Ðông Phương có những công thức cố định, Lễ Qui Rôma có nhiều công thức khác nhau: lời tiền tụng, Kinh Hiệp Thông, và Kinh Hanc Igitur tùy theo các mùa phụng vụ,

3. Cuối cùng nói một cách tiêu cực, Kinh Tạ Ơn 1 của sách lễ Rôma không có công thức Epiclèse rõ rệt, cả trước lẫn sau truyền phép: kinh Quam oblationem trước trình thuật thành lập Thánh Thể không đề cập đến Chúa Thánh Thần, nhưng cũng có thể được coi là một lời xin biến đổi các lễ vật, người ta cũng đề nghị nên coi kinh Supplices te rogamus là một epiclèse, một lời cầu xin Chúa Thánh Thần, sau truyền phép, dù không tìm rõ cơ sở để quả quyết như thế. Nhất là cần nhìn nhận rằng khung cảnh của Lễ Qui Rôma khác hẳn khung cảnh của những Kinh Tạ Ơn khác.

Ngoài bốn Kinh Tạ Ơn chính thức trong sách lễ Rôma, ngày nay người ta còn đề nghị một số Kinh Tạ Ơn khác và đã được thẩm quyền trong Hội Thánh cho phép: hai Kinh Tạ Ơn dùng trong dịp hòa giải, ba Kinh Tạ Ơn dùng trong các thánh lễ dùng cho trẻ em, gồm có nhiều lời tung hô, một Kinh Tạ Ơn dùng trong dịp hội họp. Những Kinh Tạ Ơn này có cấu trúc giống như các Kinh Anaphore của Ðông Phương, tức là cấu trúc củ các Kinh Tạ Ơn II, III và IV.
Kinh Thương Xót

(= Kyrie)

Lời tung hô bằng tiếng Hy Lạp kyrie eleison (Lạy Chúa, xin dủ thương) có trong bản dịch LXX (bản dịch 70, thế kỷ III trước Công Nguyên); người ta thấy lời tung hô này trong hầu hết các thánh vịnh (4,2; 6,3; 9,14; 25,11. v.v...). Trong Tân Ước, đó là lời thưa với Ðức Giêsu (Mt 15,22; 20,30). Kinh Kyrie eleison xuất hiện trong phụng vụ vào thế kỷ IV, ở Xyria và Palestin: đó là câu đáp của các tín hữu sau các ý nguyện trong kinh nguyện cộng đồng do phó tế xướng lên. Ở Tây Phương, thánh Biển Ðức (đầu thế kỷ VI), trong sách Qui Luật, nói rằng Kyrie là lời khẩn cầu đầu tiên trong kinh cầu đọc ở cuối giờ kinh phụng vụ. Thánh Ghê-gô-ri-ô Cả (590-604) làm chứng rằng ở Rôma, bắt đầu thánh lễ, các giáo sĩ hay ca đoàn hát kinh Kyrie, sau đó các tín hữu lặp lại, người ta còn thêm lời khẩn cầu song song "Christe eleison" - Ðiều này không có ở Ðông Phương.

Trong thực hành, phụng vụ Rôma hiện nay, sau phần chuẩn bị bằng việc sám hối mở đầu thánh lễ, người ta hát hoặc đọc luân phiên hai lần Kyrie, hai lần Christe, và hai lần Kyrie. Cũng có thể đọc mỗi lời khẩn cầu ba lần, như được qui định trong một số bài Kyrie nhạc Gregorio. Trong cả hai trường hợp, lời khẩn cầu rõ ràng hàm ý kêu cầu Ba Ngôi. Trong các kinh cầu hát nhân dịp lễ cầu mùa, hay trong các nghi thức long trọng (Thánh Tẩy, Truyền Chức, Cung Hiến, Thánh Hiến trinh nữ...) Ba lời khẩn cầu làm thành phần mở đầu kinh nguyện. Cuối giờ Kinh Phụng Vụ, ba lời khẩn cầu được hát một lần, dẫn vào Kinh Lạy Cha và lời nguyện. Kinh Kyrie eleison cũng được dùng làm câu đáp của tín hữu trong kinh nguyện cộng đồng.


Kinh Tối

(= Complies)

Giờ Kinh Phụng Vụ cuối cùng, "hoàn tất" một ngày làm việc. Giờ kinh này mang nặng tính cách an bình thư thái và kết thúc bằng một bài ca kính Ðức Trinh Nữ Maria - thường là Kinh Lạy Nữ Vương (Salve Regina) - có kèm theo việc rảy nước thánh.



tải về 0.56 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương