TỰ do nội tâm nguyên tác: La Liberté intérieure



tải về 0.61 Mb.
trang6/6
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích0.61 Mb.
#1480
1   2   3   4   5   6

Khi những người Kitô hữu hiến mình cho cuộc chiến thiêng liêng, cho việc chuyên chăm cầu nguyện và tuân giữ cẩn thận những thực hành đạo đức khác, họ có thể đi đến chỗ cảm nhận rằng, hành vi này hay tình trạng siêng năng kia là điều kiện của tương quan giữa họ với Thiên Chúa. Rồi dường như đối với họ, chính vì sự kiên trì và trung thành với việc cầu nguyện đó, họ đáng được Thiên Chúa yêu thương và trở nên con cái của Người. Nhưng Thiên Chúa không muốn các linh hồn đi lạc vào con đường sai lầm đó, vốn trong thực tế, tách xa họ ra khỏi tình yêu và cuộc sống với Thiên Chúa được trao tặng cách nhưng không của Người. Vì thế, Người lấy đi năng lượng và sự siêng năng là những gì có thể đe doạ nỗi mất mát này.

Một khi Thiên Chúa đã lấy đi những khả năng mà Người trao ban cách nhưng không cũng là chứng từ yêu thương của Người - những linh hồn này bị bỏ mặc không chút sức mạnh, không thể thực hiện bất cứ hành vi thiêng liêng nào và phải đối đầu với chân lý đáng kinh ngạc mà họ kháng cự vì không tin và cứ khăng khăng coi đó là điều hầu như không thể được, chân lý đó là: Thiên Chúa trong cương vị người Cha, không cần lời cầu nguyện hay những việc lành của chúng ta. Lúc đầu, họ bám vào ý tưởng rằng Thiên Chúa đã rút lại sự quan tâm đầy tình cha của Người đối với họ sau khi họ ngừng cầu nguyện; và Thiên Chúa đã bỏ họ, lãng quên họ bởi những công việc và sự kiên trì của họ không theo kịp mức độ đòi hỏi của tình yêu. Họ phí công hoài sức đứng lên từ sự kiệt quệ và đau buồn của mình. Họ tiếp tục những công việc trước đây, nhưng mọi quyết tâm của họ đều tan thành mây khói. Và rồi, dần dần, họ bắt đầu hiểu rằng, sự cao cả của Thiên Chúa không được cân đo bằng những tiêu chuẩn vô bổ của con người; tình phụ tử vô cùng trổi vượt của Người chọn nhận những người con từ cát bụi làm nghĩa tử là do sự trìu mến vô cùng và ân sủng vô biên của Người, không phải để đền đáp những công việc của con người hay những nỗ lực của chúng ta; rằng việc Thiên Chúa nhận chúng ta làm nghĩa tử là một sự thật bắt nguồn nơi Thiên Chúa chứ không phải bắt nguồn nơi chúng ta, một sự thật luôn luôn hiện hữu, muôn đời tồn tại - bất chấp sự bất lực và tội lỗi của chúng ta - là bằng chứng sự nhân từ và quảng đại của Người. Bằng cách này, sự thờ ơ thiêng liêng của họ dẫn các linh hồn này đến chỗ xem lại quan niệm của họ về Thiên Chúa một cách căn bản, đồng thời, xem lại việc đánh giá về các mối tương quan thiêng liêng giữa linh hồn và Người. Điều này thay đổi cách sâu xa quan niệm của họ về nỗ lực và sự siêng năng trong những việc thiêng liêng. Họ không còn coi những thứ này như giá phải trả trước tình yêu của Thiên Chúa nữa nhưng là sự đáp trả trước tình yêu và sự chăm sóc đầy tình cha của Người.132

Những gì Thiên Chúa làm trong những tâm hồn của một số người nào đó bằng cách nhấn chìm họ vào cái được gọi là “lãnh đạm thiêng liêng” là một điều gì đó Người muốn làm cho mọi người dù có lẽ theo cách thức ít lạ thường hơn và thường xuyên hơn qua những đau khổ của họ: thất bại, vô dụng, sa ngã đủ loại, đau ốm, thất vọng, những yếu đuối tâm lý và tình cảm, thậm chí đó là lầm lỗi của chính họ. Giữa thử thách thiêng liêng và các thử thách khác không có sự khác biệt lớn lao nào. Thiên Chúa tận dụng mọi sự, ngay cả hậu quả tội lỗi của chúng ta! Thật là an ủi khi biết rằng, chúng ta có thể rút ra những lợi ích thiêng liêng lớn lao từ một thử thách không liên can gì đến việc thiêng liêng.

4. CHỈ CẬY DỰA VÀO LÒNG XÓT THƯƠNG

Những Kitô hữu “trưởng thành” đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa là những người đã cảm nghiệm được sự hư vô căn cơ của mình, sự nghèo khó tuyệt đối của mình, đến mức hư không. Ở tận đáy của sự hư vô đó, cuối cùng, họ khám phá ra sự trìu mến không thể diễn tả được cũng như tình yêu tuyệt đối vô điều kiện của Thiên Chúa. Từ đó, nguồn trợ lực và cậy trông duy nhất của họ là lòng nhân từ vô bờ bến của Chúa Cha. Đối với họ, lời Thiên Chúa nói với dân Israel qua miệng ngôn sứ Xôphônia đã thành hiện thực, “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa”.133Họ làm mọi điều tốt lành mà họ có thể. Họ đón nhận những gì tha nhân có thể làm cho họ với niềm vui và lòng biết ơn, nhưng trong sự tự do cao cả, bởi nguồn trợ lực của họ là chỉ một mình Thiên Chúa. Họ không rối rắm bởi những yếu đuối của mình, cũng không tố cáo người khác vì không đáp ứng mong mỏi của họ. Sự cậy trông vào chỉ một mình Thiên Chúa bảo vệ họ khỏi mọi thất vọng. Nó mang lại cho họ tự do nội tâm, một tự do mà họ sử dụng hoàn toàn để phụng sự Thiên Chúa và tha nhân, họ đáp trả tình yêu bằng tình yêu.

5. NGƯỜI TỰ DO THỰC SỰ LÀ NGƯỜI KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ MẤT

Thế gian tìm kiếm tự do qua việc tích trữ của cải và quyền lực. Người ta quên rằng, những người tự do đích thực là những người không còn gì để mất. Bị tước đoạt mọi thứ, bị dựt khỏi mọi điều, họ “thoát khỏi mọi người” và mọi sự. Thật ra, người ta có thể nói, cái chết đã thực sự ở đằng sau họ rồi, bởi vì mọi “kho tàng” của họ giờ đây đều ở trong Thiên Chúa và chỉ ở trong một mình Người. Những người tự do trọn hảo không ước ao cũng không sợ hãi một điều gì. Mọi điều tốt lành quan trọng đối với họ đã được Thiên Chúa bảo đảm rồi. Họ không còn gì để mất, không còn gì để bảo vệ. Họ là những người “nghèo khó nơi tâm hồn” của các Mối Phúc: tách biệt, khiêm tốn, nhân từ, nhu mì, kiến tạo hòa bình.

Chân lý này được diễn tả qua câu chuyện đặc trưng cho kỷ nguyên độc tài của Stalin trong quyển sách The First Circle134của Solzhenitsyn. Một sĩ quan cao cấp cần sự cọng tác của một “zek”, nhà khoa học, cho dự án mà ông đảm trách và nguy cơ mất việc sẽ xảy đến nếu ông không thực hiện được dự án đó. Ông đưa ra mọi lý lẽ có thể được để thuyết phục nhà khoa học hợp tác. Solzhenitsyn cho thấy cách sâu sắc con người tự do thực sự trong cuộc trao đổi này không phải là viên sĩ quan quyền lực mà là người tù kia, bởi anh ta không còn gì để mất. Anh sẵn sàng trở lại Siberia nếu cần: ngay trong những điều kiện tồi tệ đó, một người vẫn còn có thể là người.

Gulags và các trại tập trung khác là một trong những vết thương nghiêm trọng nhất của thế kỷ hai mươi, vậy mà chúng cho vẫn cho thấy vô số trường hợp những con người tìm được tự do đích thực đằng sau những chắn song. Bị giam trong một trại tù ở Westerbork, Etty Hillesum đã suy tư trong cuốn sách của mình:

Kẽm gai thì hơn cả một vấn đề về thái độ.

Chúng tôi đằng sau kẽm gai ư?’, một quý ông cao niên rất kiên định có lần đã nói với cái vẫy tay đầy uất ức. ‘Họ là những người sống sau kẽm gai’- và ông ta chỉ những toà nhà cao tầng sừng sững như những lính gác phía trên kia của hàng rào.135

Cô cũng viết, “Tôi sẽ nói rằng, nếu bạn có một đời sống nội tâm phong phú, thì có lẽ ở trong tù hay ở ngoài tù có khác gì nhau đâu”.136

6. PHÚC THAY NHỮNG NGƯỜI NGHÈO KHÓ

Theo tháng năm, tôi gặp nhiều người mà với họ, tôi chia sẻ nhiều điều sâu sắc và cảm nghiệm những hành động lặng lẽ, nhiệm mầu, nhưng rất thiết thực của Thiên Chúa trong đời tôi cũng như trong đời họ. Càng ngày, tôi càng bị đánh động bởi sự khôn ngoan của Tin Mừng và cách thức Ngôi Lời toả chiếu ánh sáng chính xác đến ngạc nhiên trên hoàn cảnh con người. Tin Mừng nghịch lý, không mệt mỏi… có một năng lực ngoại thường để làm cho con người “trở nên người” hơn.

Ở trung tâm của Tin Mừng, có Bát phúc. Mối phúc đầu tiên tóm lược tất cả các mối phúc khác, “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ”. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ giúp độc giả hiểu được lời phát biểu đáng ngạc nhiên này của Đức Giêsu và bắt đầu thực hành nó. Nghèo khó tinh thần, hoàn toàn phụ thuộc vào Thiên Chúa và lòng nhân từ của Người là điều kiện để có tự do nội tâm. Chúng ta cần trở nên con cái và “bằng lòng chờ mong mọi sự từ Thiên Chúa là Cha chúng ta: mọi sự cách tuyệt đối, lần này đến lần khác”.137

Chúng ta không biết những sự kiện nào sẽ đánh dấu thiên niên kỷ thứ ba, nhưng biết chắc một điều: những ai học cách khám phá và mở rộng không gian không thể chuyển nhượng của tự do mà Thiên Chúa đặt vào tâm hồn họ qua việc cho họ trở nên con cái Người, sẽ không bao giờ bị bắt chộp vì mất cảnh giác.

Để kết luận, tôi dành cho độc giả mẩu đối thoại dễ thương giữa Đức Giêsu và một tác giả tu đức người Tây Ban Nha đương thời, người đã tương quan mật thiết với Đức Maria từ lúc còn bé và xin được ẩn danh.

“Qua những trải nghiệm mang lại cho Ta niềm vui, con không bao giờ phân vân về điều gì làm cho Ta vui nhất sao?”.

“Dạ không”, tôi thưa Đức Giêsu.

Ngài nói, “Khi, trong tự do sáng suốt, con thưa xin vâng trước những lời mời gọi của Thiên Chúa”. Rồi Ngài nói tiếp, “Hãy nhớ Tin Mừng nói gì, ‘Sự thật sẽ giải thoát chúng ta’. Con chỉ có thể tự do đáp trả lời mời gọi của ân sủng khi sự thật của con trở nên trong sáng, khi con chấp nhận nó một cách khiêm tốn, và khi, dựa trên nền tảng đó, con giữ mãi cuộc đối thoại với Thiên Chúa, nhận ra rằng mọi sự đã xảy ra và xảy đến với con là một phần của dự án tình yêu và quan phòng của Chúa Cha của con.

“Vâng, nhiều điều sẽ làm cho con rối trí. Thậm chí chúng dìm con vào đêm tối dày đặc, hơn thế nữa, dìm con vào khổ đau gây thương tích và làm con tê liệt. Nhưng nếu con cậy dựa vào niềm tin của mình, niềm tin đó sẽ là khiên thuẫn của con. Thiên Chúa không tỏ mình với tư cách là Abba của con sao? Ta, người Con, đã không đón nhận con khi con đang ở trong điều kiện tồi tệ nhất sao? Đấng Bào Chữa không bảo vệ con sao? Hãy xác tín điều này hết tấm lòng, hết linh hồn, và nó sẽ đổ đầy tâm hồn con niềm tín thác và niềm tin.

“Đừng sợ chính mình! Đừng sợ, dù con đang là thế này, thế khác; chính trong thực tại con người của con mà Thiên Chúa đến cắm lều để ở với con. Thiên Chúa nhập thể. Tên mới của Người là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta: Thiên Chúa với con người thực của con. Không chút sợ hãi, hãy mở lòng đón nhận điều đó. Mức độ con khám phá chính mình cũng là mức độ con khám phá vực thẳm tình yêu của Người. Trong vực thẳm của những gì là con người của con, con sẽ cảm nghiệm rằng, con không lẻ loi. Một ai đó, đầy yêu thương và nhân từ, đã đi vào mầu nhiệm nhân tính của con, không như một khán giả, không như một quan tòa, nhưng là một ai đó đang yêu thương con, hiến dâng chính mình cho con, cưới con để con được tự do, cứu độ con, chữa lành con… Để ở cùng con mãi mãi, yêu thương con, yêu mến con!”.

Phục Sinh, 2002.




1 2Cr 3, 17.

2 Trích trong Paul Labutte, Une amitié voulue par Dieu (Paris, Francois-Xavier de Guibert, 1999).

3 Mt 5, 3.

4 Searching for and Maintaining Peace, A Small Treatise On Peace of Heart (New York, Alba House, 2002); Time for God (New York, Scepter, 2008); In the School of the Holy Spirit (New York, Scepter, 2007).

5 Ga 8, 32.

6 2Cr 3, 17.

7 Gl 5, 1.

8 “Linh hồn không thể sống mà không yêu, nó luôn cần một điều gì đó để yêu, vì nó được làm nên từ tình yêu; và chính vì tình yêu mà Ta tạo tác nó”. Dialogues của thánh Catherine Siena, chương 51.

9 Rm 1, 5.

10 Mt 16, 25.

11 Có một bằng chứng rất đơn giản về điều này vốn phải cần thời gian để hiểu. Chừng nào chúng ta còn cảm thấy tự do phụ thuộc nhiều hơn hay ít hơn vào những hoàn cảnh bên ngoài, điều đó có nghĩa là chúng ta chưa tự do thực sự.

12 Thánh Augustinô, Confessions, quyển 10, chương 27.

13 Thánh Faustina, Petit Journal (Marquain, Belgium, Jules Hovine), tr. 319; Bảng tiếng Anh, Diary, Divine Mercy in My Soul (Stockbridge, Mass, Marians of the Immaculate Conception, 1999).

14 2Cr 6, 12.

15 Etty Hilleseum, An Interrupted Life, The Diaries and Letters of Etty Hellesum 1941-1943, A. J. Pomerans dịch (London, Persephone Books, 1999).

16 Hillesum, Interrupted Life, tr. 176-177.

17 Rm 8, 26.

18 Rm 8, 38-39.

19 Ga 21, 18.

20 “Ảo ảnh lớn nhất của con người là muốn làm chủ cuộc sống của mình… Nhưng cuộc sống là một quà tặng mà tự bản chất nó chạy trốn mọi nỗ lực làm chủ nó”. Jean Claude Sagne, Viens vers le Père, L’Enfance spirituelle, chemin de guérison (Neuilly, Editions de l’Emmanuel, 1998), tr. 172.

21 Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Bản Tự Truyện A, 53 trang bên phải.

22 Ga 15, 5.

23 Mt 5, 48.

24 Is 43, 4.

25 Điều này dễ thấy trong sự phát triển của nền văn minh hiện đại. Khi tách mình khỏi Thiên Chúa, kết cục con người mất cảm thức về nhân phẩm và thù ghét chính mình. Chẳng hạn, thật ấn tượng khi thấy sự khôi hài trong các phương tiện thông tin đại chúng thì ít, khôi hài về sự trìu mến và đam mê cũng ít; thay vào đó là sự khôi hài về chế nhạo. Cũng thế, thường thì nghệ thuật không thể biểu trưng vẻ đẹp của gương mặt con người.

26 Georges Bernanos, Dialogues des Carmélites (1949).

27 Henri J. M. Nouwen, The Return of the Prodigal Son, A Story of Homecoming (London, Darton Longman and Todd, 1992), tr. 107.

28 Tv 103 (102), 14.

29 Mt 11, 28-30.

30 Nữ tu Faustina, Petit journal, tr. 140.

31 Hillesum, Interrupted Life, tr. 79.

32 x. Mt 8, 13.

33 Rm 8, 28.

34 Tv 80 (79), 5.

35 Hillesum, Interrupted Life, tr. 241.

36 Lc 17, 33.

37 Rm 11, 29.

38 Is 35, 10; Kh 22, 5.

39 2Cr 4, 17.

40 Is 55, 8-9.

41 Ca ngợi sự khôn ngoan của Thiên Chúa ở Rm 11, 33-36

42 Đức Giáo Hoàng John Paul II gợi lại cho chúng ta điều này trong Thông Điệp Faith and Reason (ngày 14 tháng 09 năm 1998).

43 Ga 13, 7.

44 Ac 3, 26.

45 Ga 10, 18.

46 Jacques Fesch, Dans cinq heures je verrai Jésus. Journal de prison (Trong vòng năm giờ nữa, tôi sẽ gặp Đức Giêsu. Báo tù) (Paris, Le Sarment-Fayard, 1989), tr. 296.

47 Rm 5, 5

48 John Paul II, Thông điệp Mùa chay 2001, tr. 4-5.

49 Rm 12, 21.

50 1Pr. 2, 23

51 Có một bản văn rất hay của Thánh Gioan Thánh Giá về những “phẩm tính” của tình yêu Thiên Chúa mà linh hồn có thể cảm nghiệm khi nó được biến đổi trong tình yêu và nên một với Thiên Chúa, “Vì khi một người yêu thương người khác và mưu ích cho họ, anh ta làm điều lành cho người đó và yêu người đó theo những phẩm cách và đặc tính riêng của anh ta. Vì thế Đức Lang Quân của bạn, Đấng ở trong bạn, ban cho bạn ân sủng vì Ngài là Đấng Toàn Năng. Ngài mưu ích cho bạn và yêu bạn bằng sự toàn năng của Ngài; vì Ngài khôn ngoan nên bạn nhận ra Ngài mưu ích cho bạn và yêu bạn bằng sự khôn ngoan của Ngài; vì Ngài nhân lành nên bạn nhận ra Ngài yêu bạn bằng sự nhân lành của Ngài; vì Ngài thánh thiện nên bạn nhận ra Ngài yêu bạn và ban ơn cho bạn với sự thánh thiện; vì Ngài công chính nên bạn nhận ra Ngài yêu bạn và ban ơn cho bạn một cách công chính; vì Ngài nhân từ, giàu nhân ái và khoan dung nên bạn nhận ra lòng nhân từ, giàu nhân ái và khoan dung của Ngài; vì Hữu Thể Ngài thì mạnh mẽ, siêu việt và tinh tế, nên bạn nhận ra Ngài yêu bạn bằng sức mạnh, siêu việt và tinh tế; vì Ngài trong sạch và tinh tuyền nên bạn nhận ra Ngài yêu bạn bằng sự trong sạch và tinh tuyền; vì Ngài chân thật nên bạn nhận ra Ngài yêu bạn cách chân thật; vì Ngài tự do nên bạn biết Ngài yêu bạn và ban ơn cho bạn cách tự do, vô vị lợi, cốt để mưu ích cho bạn mà thôi; và vì Ngài khiêm nhượng thẳm sâu, nên Ngài yêu bạn với lòng khiêm tốn vô cùng, tôn trọng bạn vô cùng, làm cho bạn ngang hàng với Ngài, Ngài vui mừng tỏ mình ra cho bạn. Bằng những cách này, vốn là sự hiểu biết của Ngài, qua nét mặt tràn đầy ân sủng, Ngài nói với bạn đang thông hiệp với Ngài cách hân hoan rằng, Ta là của con và cho con, Ta hoan hỷ đến thế để Ta có thể là của con và trao ban chính mình cho con”. Thánh Gioan Thánh Giá, Living Flame of Love, hồi thứ ba, dòng đầu tiên, số 6 (dịch bởi E. Allison Peers, London, Burn & Oates, 1935 [1997], tr. 165).

52 Mt 5, 26.

53 Is 58, 8.11

54 Mt 5, 48.

55 1Cr 13, 5.

56 Tv 23 (22), 1.4

57 Thánh Gioan Thánh Giá, Bức thư 26, gửi Madre Maria de la Encarnación, tu sĩ Carmel đi chân đất ở Segovia, ngày 6 tháng 7, 1591.

58 Mc 7, 14.

59 Christane Singer, Du bon usage des crises (On making good use of crises) (Paris, Albin Michel, 2001), tr. 102.

60 1Cr 13, 5-7.

61 1Pr 2, 21.23.

62 1Cr 3, 21.23.

63 Thánh Gioan Thánh Giá, “Prayer of the Soul in Love”, Sayings of Light and Love.

64 Mt 28, 20.

65 Tv 145 (144), 15-16.

66 Xp 3, 17.

67 Pl 3, 13-16.

68 Thánh Athanasius Alexandria, Life of St. Anthony, chương 2.

69 Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Poésie PN­­5.

70 Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, “Yellow Notebook,” 19 tháng 8.

71 Hillesum. Interrupted Life, tr. 269.

72 Mt 6, 25-34.

73 Lc 21, 14-15.

74 Hillesum, Interrupted Life, tr. 212-213.

75 Ibid., tr. 266-267.

76 Mt 6, 25.

77 Rm 4, 20.

78 1Tx 1, 2-3.

79 1Tx 5, 8.

80 Rm 8, 26.

81 Có một câu hỏi khó ở đây. Làm thế nào hành động của con người (hành động tin, cậy, mến) là một hành động hoàn toàn nhân loại, hành động tự do và tự nguyện mà đồng thời cũng là quà tặng của Thiên Chúa, hoa quả tác động của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn con người? Điều này chạm đến mầu nhiệm thâm sâu của “sự tương tác” giữa hành động của Thiên Chúa và tự do của con người. Thiên Chúa, Đấng tác thành tự do của chúng ta và càng ảnh hưởng đến tâm hồn chúng ta, Người càng làm cho chúng ta tự do. Hành động chúng ta thực hiện dưới tác động của Chúa Thánh Thần phát sinh từ Thiên Chúa, nhưng chúng lại hoàn toàn tự do, tự nguyện và hoàn toàn thuộc về chúng ta.

82 Ga 3, 8.

83 Ga 7, 46.

84 Mt 5, 3.

85 Lc 24, 40; Cv 1, 8.

86 Cv 5, 41.

87 Hãy so sánh với lời cổ võ các vị bô lão của Giáo Hội trong Thư của Ngài, 1Pr 5, 2-3.

88 Thánh Gioan Thánh Giá, The Dark Night of the Soul, quyển 2, chương 19.

89 Bức thư 197, 17 tháng 9 năm 1896.

90 1Cr 13,2.

91 1Cr 13, 13.

92 Thánh Faustina, Petit Journal, tr. 480.

93 Mc 4, 26.

94 Mt 13, 22.

95 Pl 4, 13.

96 Rm 4, 18.

97 x. 2Tm 1, 12.

98 Dt 6, 18-20.

99 Gl 2, 20.

100 Catherine de Hueck Doherty, Poustinia: Christian Spirituality of the East for Western Man (Notre Dame, Ind.: Ave Maria Press, 1975); tái bản với tựa đề mới, Poustinia: Encouraging God in Silence, Solitude, and Prayer (Combermere, Ont.: Madonna House, 2000).

101 Thánh Gioan Thánh Giá, The Dark Night of the Soul, quyển 2, chương 10.

102 Mt 5, 3.

103 Mt 17, 20.

104 Dt 11, 1.

105 Mt 5, 8.

106 1Ga 3, 1-3.

107 Charles Péguy, The Portal of the Mystery of Hope, trans. D.L. Schindler (Grand Rapids, Mich. Eerdmans; Edinburgh, T & T Clark, 1996), tr. 107-109.

108 Rm 8, 21.

109 Gl 5, 1.

110 Gl 1, 6.

111 Gl 3, 1.

112 “Xác thịt” không có nghĩa là thân xác nhưng là bản tính con người đã mang lấy thương tích và phạm tội: chính từ trong con người, Thiên Chúa bị chống đối.

113 Gl 5, 4.

114 Tt 3, 3-5; x. 2Tm 1, 9.

115 Ep 2, 4-6.

116 Gl 4, 9.

117 Cl 2, 22.

118 Cl 2, 21.

119 Mt 10, 8.

120 Thánh Phaolô nói đến “những việc lành Thiên Chúa đã chuẩn bị trước để trong đó, chúng ta bước đi”, Ep 2, 10.

121 Lc 6, 35-36.

122 Ví dụ, Ngài nhắc cho chúng ta nhớ rằng, mình chỉ là những đầy tớ vô dụng (Lc 17, 10); nhưng cũng nói, người thợ giờ thứ mười một cũng nhận tiền lương như người thợ giờ thứ nhất (Mt 20, 1-6).

123 Quả thực, bất chấp những tiến bộ kỹ thuật, bản chất tâm lý của chúng ta vẫn bị coi như bản chất của người tiền sử, tức là phần lớn nó được kết cấu xoay quanh sự sinh tồn, bảo vệ và những cơ chế khác; vì thế, thật khó khăn để thích ứng với tương quan tín thác và yêu thương cách vô vị lợi và nhưng không. Hoạt động của Chúa Thánh Thần có thể được mô tả như một công việc nhằm tái thiết tâm lý của chúng ta để làm cho nó có thể hoạt động trong mô thức mới này. Sự đối nghịch thánh Phaolô rút ra giữa con người “tự nhiên” và con người thiêng liêng, con người “cũ” và con người mới, có thể được giải thích theo các thuật ngữ này.

124 Mt 5, 48.

125 Ở mức độ tâm lý cũng như thiêng liêng, nhu cầu sâu xa nhất của con người là nhu cầu yêu thương: để yêu và được yêu. Hai nhu cầu nền tảng không thể thiếu khác liên kết với nhu cầu yêu thương và thông hiệp này là: nhu cầu chân lý (để yêu chúng ta cần biết); và nhu cầu căn tính (để yêu, chúng ta cần hiện hữu). Ba nhu cầu then chốt này tương ứng với ba khả năng thiêng liêng vốn được thần học, theo truyền thống, nhận ra nơi con người là: ý chí, tri giác và ký ức. Các nhân đức đối thần giúp chúng ta tìm thấy sự thoả mãn tối đa của những nhu cầu này trong chính Thiên Chúa: đức tin giúp chúng ta đạt đến chân lý; đức cậy làm chúng ta có thể tìm thấy sự bảo đảm cũng như căn tính nơi Thiên Chúa và đức mến giúp chúng ta sống hiệp thông tình yêu với Thiên Chúa và tha nhân.

126 Những suy tư này được lấy ra từ một bài báo do Thầy Ephraïm viết trong Resources d’eau vive, một tờ báo tâm lý Kitô giáo được phát hành dưới sự đỡ đầu của Tu viện Béatitudes, Nouan-le-Fuzelier, Pháp.

127 1Cr 4, 7.

128 Đây là lời giải đáp cho cái gọi là “khủng hoảng của tuổi trung niên” rất phổ biến. Những người ở tuổi năm mươi thấy mình có một khoảng trống rỗng lớn lao bên trong, bởi họ muốn sống bằng cách làm việc, trong khi họ quên căn tính đích thực, không thể chuyển nhượng của họ là con cái Thiên Chúa, được yêu thương… không phải vì những gì họ làm mà vì những gì họ là.

129 Lc 15, 31.

130 Mt 6, 19.

131 Christiane Singer, Du bon usage des crises, tr. 79.

132 Matta el Maskine, L’Experience de Dieu dans la vie de prière (trong bản của Le Cerf, tr. 295).

133 Xp 3, 12.

134 Tầng Đầu Địa Ngục, bản dịch tiếng Việt (Người Dịch).

135 Hillesum, Interrupted Life, tr. 299.

136 Hillesum, Interrupted Life, tr. 107.

137 Jean-Claude Sagne, Viens vers le Père, tr. 172.



tải về 0.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương