TỰ do nội tâm nguyên tác: La Liberté intérieure


IV TỪ LỀ LUẬT ĐẾN ÂN SỦNG



tải về 0.61 Mb.
trang5/6
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích0.61 Mb.
#1480
1   2   3   4   5   6

IV

TỪ LỀ LUẬT ĐẾN ÂN SỦNG:

ĐỨC MẾN LÀ QUÀ TẶNG NHƯNG KHÔNG

I. LỀ LUẬT VÀ ÂN SỦNG

Thánh Phaolô thường nói đến tự do của người Kitô hữu. Ngài là người hăng hái bảo vệ “tự do vinh quang của con cái Thiên Chúa”.108

Vì thế, trong Thư gửi tín hữu Galát, chúng ta đọc thấy, “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững và đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa”.109Thánh Phaolô rất bận tâm vì sợ rằng các tín hữu đánh mất tự do quý giá mà Đức Kitô đã giành lấy cho họ. “Tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy anh em trở mặt mau lẹ như thế với Đấng đã kêu gọi anh em nhờ ân sủng của Đức Kitô để theo một Tin Mừng khác”.110“Hỡi những người Galát ngu xuẩn, ai đã mê hoặc anh em là những người đã nhìn thấy hình ảnh Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá phơi bày ra trước mắt?”.111

Nhưng các Kitô hữu bị đe doạ đánh mất tự do của mình như thế nào? Trong chương 5, vị Tông Đồ lên án hai “cạm bẫy” có thể gây ra sự mất mát này: lề luật xác thịt.

2. “Ở ĐÂU CÓ THÁNH THẦN DẪN DẮT,

Ở ĐÓ CÓ TỰ DO”.

KHÁC BIỆT GIỮA TỰ DO VÀ PHÓNG TÚNG

Cạm bẫy xác thịt112được thảo luận trong các câu 13-25. Dễ hiểu thôi. Thay vì hướng theo những thôi thúc của Thần Khí, thì với cái cớ tự do, người ta nộp mình cho những đam mê, ích kỷ và tội lỗi dưới mọi hình thức: “vô luân, ô uế, phóng túng, ngẫu tượng, ma thuật, thù hận, xung đột, ghen tỵ, tức giận, ích kỷ, bất hoà, bè phái, ghen tuông, say sưa, chè chén .v.v..”. Thánh Phaolô nhắc lại cho chúng ta những giáo huấn kinh điển đáng được lặp đi lặp lại trong thời buổi nhiểu nhương này: phóng túng không phải là tự do; đó là tình trạng nô lệ, trong đó, con người bị đánh bắt bởi những gì hời hợt nhất nơi nhân tính: những ước muốn ích kỷ, sợ hãi, yếu đuối và vân vân. Chúng ta phải luôn chiến đấu chống lại những khuynh hướng xấu mà thánh Phaolô mô tả đồng thời phải mở lòng vĩnh viễn để đón nhận ân sủng chữa lành tuôn chảy từ Thập Giá Đức Kitô; từ đó, chúng ta mới có thể có khả năng thật sự để thực hiện điều lành.

Chủ đề chính nhấn mạnh giáo huấn của thánh Phaolô là từ bỏ ngẫu tượng. Những ai muốn trung thành với Chúa được mời gọi bảo vệ tự do của mình và không phó mình cho việc thờ ngẫu tượng; nói cách khác, không hướng đến những điều trần tục - thú vui của giác quan, quyền lực, danh vọng, công việc hay một tương quan đặc biệt nào đó - để đạt được sự sung mãn, bình an, hạnh phúc và an toàn mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tặng ban. Bằng không, chúng ta sẽ là nạn nhân của thất vọng đắng cay và sẽ tác hại nghiêm trọng chính mình cũng như người khác.

Đối với độc giả ngày nay, cần nói thêm rằng, có hai điều phải ý thức để cuộc chiến chống lại khuynh hướng xấu có cơ may thành công. Trước tiên, những nỗ lực của chúng ta, tự sức chúng, sẽ không bao giờ đủ. Chỉ ân sủng của Đức Kitô mới có thể mang lại chiến thắng cho chúng ta. Vì thế, vũ khí chủ lực của chúng ta vẫn là cầu nguyện, kiên nhẫn và cậy trông. Thứ đến, cảm xúc này chỉ có thể được chữa lành bởi một cảm xúc khác - một tình yêu không đúng chỗ được thay thế bởi một tình yêu cao cả hơn, lối cư xử sai lầm được thay thế bởi một lối cư xử đúng đắn nhằm đối phó với những ước muốn bên dưới điều sai trái, nhận ra những nhu cầu tìm kiếm sự hoàn thiện một cách ý thức hay vô ý thức mang cho chúng sự hài lòng hợp pháp hoặc biến chúng thành một điều gì đó phù hợp với ơn gọi của con người.

3. CẠM BẪY CỦA LỀ LUẬT

Thánh Phaolô muốn chúng ta hiểu rằng, có một cạm bẫy khác đang rình rập tự do của người Kitô hữu, một cạm bẫy tinh tế, khó nhận ra và vì thế, có lẽ nguy hiểm hơn rất nhiều: cạm bẫy lề luật. Đây là một biểu hiện khác của “xác thịt” dù không biểu lộ qua lối sống vô luân (nó có thể là đạo lý khắt khe nhất). Nó thay thế luật ân sủng bằng luật của lề luật. Đây là một sự bóp méo Tin Mừng.

Những bối cảnh lịch sử buộc thánh Phaolô phải viết về chủ đề nổi cộm này. Sau khi ngài rao giảng Tin Mừng, một số người “sửa sai” giáo huấn của ngài bằng cách nói với những người mới trở lại Kitô giáo rằng, họ không thể được cứu độ nếu không chấp nhận việc cắt bì và tuân theo nhiều điều khoản khác trong bộ luật Môisen. Thánh Phaolô phản ứng quyết liệt và bảo họ rằng, nếu nghe theo lời khuyên nhủ này, họ sẽ bị “đoạn tuyệt với Đức Kitô… và mất hết ân sủng”113. Tự bản thân, lề luật thì tốt, nhưng cạm bẫy là ở chỗ: nếu xem việc tuân giữ lề luật như là điều kiện để được cứu độ, chúng ta sẽ cho rằng, không phải từ tình yêu nhưng không của Thiên Chúa mà ơn cứu độ được ban cho chúng ta nhưng từ những việc làm của mỗi người. Hai lối suy nghĩ đó trực tiếp đối chọi nhau. Chiếu theo ân sủng, chúng ta đón nhận ơn cứu độ và tình yêu Thiên Chúa một cách nhưng không qua Đức Kitô, hoàn toàn không kể đến công nghiệp của mình; đồng thời, tự do đáp trả tình yêu đó bằng các việc lành mà Chúa Thánh Thần tác động để có thể hoàn tất. Chiếu theo lề luật, chúng ta đáng được ơn cứu độ và tình yêu Thiên Chúa nhờ các việc lành của mình. Một lối tiếp cận dựa trên tình yêu biếu không, vô điều kiện của Thiên Chúa, và lối kia dựa trên khả năng của chúng ta cũng như chính bản thân mình.

Thánh Phaolô đoan chắc rằng, chúng ta đón nhận ơn cứu độ một cách nhưng không và bất xứng. Ngài thường nhấn mạnh điều này như trong Thư gửi Titô, “Thật vậy, cả chúng ta nữa, xưa kia chúng ta cũng ngu xuẩn, không vâng lời, lầm lạc, làm nô lệ cho đủ thứ đam mê và khoái lạc, sống trong gian ác và ganh tỵ, đáng ghét và ghen ghét lẫn nhau. Nhưng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người. Người cứu độ chúng ta không phải vì tự sức chúng ta làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới”.114Ngài viết cho các tín hữu Êphêxô, “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời”.115

Những gì luật dạy chúng ta làm thì tốt lành nhưng coi luật như là nền tảng cho tương quan giữa chúng ta và Thiên Chúa thì mâu thuẫn với chân lý rằng, ơn cứu độ được ban nhưng không và rốt cuộc giết chết tình yêu.

Nó có thể dẫn đến kiêu căng. Chúng ta có thể nghĩ mình có thể đáp ứng mọi điều luật định, xem mình là công chính và coi khinh người khác vì họ không làm như thế. Đó là tội của những người Pharisêu mà Đức Giêsu mạnh mẽ lên án. Không gì giết chết tình yêu và lòng trắc ẩn đối với tha nhân hiệu quả hơn thế. Nhưng lề luật cũng có thể đưa đến thất vọng khi cảm nhận rằng, nếu không thể chu toàn mọi quy định của nó, chúng ta bị kết án không thể cứu vãn được. Chắc chắn những người khởi sự bằng việc tự hào về những “thành công” thiêng liêng của mình sớm muộn gì cũng sẽ rơi vào thất vọng.

Tiến trình đó diễn ra dưới những hình thức khác nhau. Một mặt, nó là lòng sùng đạo khắt khe của những người hành động vì trách nhiệm trong mọi sự, như thể họ có một món nợ phải trả cho Thiên Chúa. Trong thực tế, Đức Kitô đã trả tất cả nợ nần của nhân loại cho Thiên Chúa trên thập giá; đối lại, Ngài mời gọi chúng ta trao phó mọi sự cho Ngài từ tình mến và lòng biết ơn, không phải như việc trả nợ. Có những người bị thôi thúc bởi sợ hãi, tội lỗi và nghĩ rằng, họ không thể làm gì đủ để thoả lòng Thiên Chúa. Với cái nhìn buôn bán, có người luôn tính toán công nghiệp, cân đo sự tiến bộ bản thân, chờ Thiên Chúa thưởng công cho nỗ lực của mình và phàn nàn khi sự việc không diễn ra như họ nghĩ chúng phải thế này thế khác. Lại có người có thái độ hời hợt cho rằng, mình đã làm mọi sự ngay khi làm được một chút việc lành và trở nên nhát đảm hoặc nổi loạn khi đối mặt với những giới hạn bản thân. Hoặc đó là đầu óc hẹp hòi của những người cân lường mọi sự theo những luật lệ khắt khe, “tinh thần yếu nhược và nghèo hèn”,116“những giới luật và giáo huấn của con người”,117 “đừng ăn cái này, đừng nếm cái kia, đừng đụng vào cái nọ”118 và làm cho người khác không thể sống nổi vì sự tuân thủ lề luật một cách tuyệt đối hay cầu toàn của họ.

Quan điểm chỉ cần lề luật dẫn đến sự chết, bởi lẽ kiêu căng, thất vọng, nệ luật, tính toán và những gì còn lại đều giết chết yêu thương. Quan điểm ân sủng dẫn đến sự sống, bởi ân sủng có thể làm cho tình yêu lớn lên, mở rộng và nở hoa. Ân sủng được trao ban cách nhưng không và sự trao ban nhưng không này là luật duy nhất, trong đó, tình yêu có thể tồn tại. Đức Giêsu nói, “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”.119Tình yêu Thiên Chúa thì tuyệt đối nhưng không, chúng ta không cần phải xứng đáng với nó hay phải chiến đấu để dành được nó; chúng ta chỉ cần đón nhận nó bằng đức tin. Theo thánh Phaolô, đây là con đường duy nhất dẫn tới ơn cứu độ.

Sống theo ân sủng là phương dược chữa lành kiêu căng. Chúng ta nhận ra rằng, công việc của mình không thuộc về mình nhưng là những gì Thiên Chúa ban cùng với ân sủng để mình làm.120Đây cũng là phương thuốc chữa lành thất vọng, bởi dẫu thất bại kinh khủng đến đâu, chúng ta vẫn không bao giờ lãnh lấy bản án không thể tránh khỏi - chúng ta luôn có thể trở lại với tình yêu tuyệt đối nhưng không và vô điều kiện của Thiên Chúa.

Trái lại, quan điểm lề luật cản trở chúng ta cảm nếm tự do vinh quang của con cái Thiên Chúa, Đấng biết rằng, con cái Người được yêu thương cách vô điều kiện, không phụ thuộc vào công nghiệp hay những điểm tốt, điểm xấu của chúng.

4. HỌC ĐỂ YÊU THƯƠNG:

CHO & NHẬN CÁCH NHƯNG KHÔNG

Chúng ta được đặt trên cõi đời để học yêu thương trong trường dạy của Đức Giêsu. Học yêu thương thì vô cùng đơn giản, nó có nghĩa là học cho một cách nhưng không nhận một cách nhưng không. Nhưng bài học đơn giản này cũng rất khó để chúng ta học, chỉ vì tội lỗi.

Không phải tự nhiên mà chúng ta có thể cho một cách nhưng không. Khuynh hướng mạnh mẽ nơi chúng ta là cho để nhận lại. Ở một mức độ nào đó, quà tặng của chúng ta luôn được thôi thúc bởi một nhu cầu tự thoả mãn nào đó. Đức Giêsu mời gọi chúng ta thoát khỏi giới hạn này và thực thi một tình yêu tinh tuyền vô vị lợi như tình yêu của Thiên Chúa. “Anh em hãy yêu thương kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ơn và quân độc ác. Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ…”.121

Chúng ta cũng thấy không dễ dàng để đón nhận một cách nhưng không. Chúng ta vui vẻ đón nhận một điều gì đó theo một cách thức như thể đó là phần thưởng do công nghiệp của mình, một điều gì đó xứng với chúng ta. Nhận lãnh một cách nhưng không có nghĩa là tin tưởng vào người cho với tâm hồn rộng mở. Nó còn có nghĩa từ bỏ chính mình và đòi hỏi nhiều khiêm tốn. Chúng ta có thể đòi hỏi nhiều điều như một cái quyền, nhưng hiếm khi chúng ta có thể đón nhận và chấp nhận một cách nhưng không.

Trong tương quan với Thiên Chúa và với người khác, chúng ta lỗi phạm việc cho đi và đón nhận cách nhưng không này mỗi khi chúng ta biến việc lành của mình thành cớ để đòi một quyền lợi, một sự biết ơn hay đền bù. Nhưng chúng ta cũng làm điều đó cách tinh tế hơn mỗi khi sợ phải nhận lấy sự yêu thương của ai đó do giới hạn này, giới hạn kia hoặc khuyết điểm của cá nhân họ. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu làm mọi điều có thể để phá đổ lối suy nghĩ đó.122Chúng ta thấy khó chấp nhận sự đảo ngược các giá trị của mình, nhưng sẽ không bao giờ chúng ta tìm thấy hạnh phúc nếu không có nó.

Việc chúng ta học cho đi và đón nhận cách nhưng không đòi hỏi một quá trình tái giáo dục tâm trí trường kỳ và cật lực, một tâm trí vốn đã bị điều kiện hoá bởi hàng ngàn năm đấu tranh sinh tồn.123Mặc khải của Thiên Chúa và Tin Mừng đi vào thế gian này cách mãnh liệt như một loại men tiến hoá với ý định làm cho tâm lý chúng ta “tiến hoá” đến một thái độ cho đi và đón nhận cách nhưng không - thái độ của Nước Trời, bởi lẽ, đó là thái độ của tình yêu. Đó là một tiến trình thần hoá mà mục tiêu cuối cùng của nó là yêu như Thiên Chúa yêu, “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.124Việc thần hoá này, trở nên giống Thiên Chúa, có nghĩa là trở nên con người theo nghĩa đúng đắn nhất! Đó là một quá trình tiến hoá kỳ diệu, giải thoát, nhưng chúng ta chỉ có thể đi vào lối hiện hữu mới này ngang qua việc huỷ hoại bao lối cư xử tự nhiên của mình, cách nào đó như trải qua một cơn hấp hối. Tuy nhiên, một khi đã đi qua “cửa hẹp” của sự cải hoá tầm nhìn này, chúng ta tìm thấy chính mình trong một nơi tráng lệ: Nước Trời, thế giới mà ở đó, tình yêu là luật duy nhất, một thiên đường của sự cho đi và đón nhận cách nhưng không. Ở đây không còn “quyền” hay “trách nhiệm” gì nữa, không có gì để bảo vệ hay phải ra công nữa, không có sự đối nghịch giữa “của anh” và “của tôi” nữa. Ở đây, tâm hồn có thể rộng mở đến vô biên.



V

KHÓ NGHÈO THIÊNG LIÊNG

VÀ TỰ DO

I. NHU CẦU HIỆN HỮU

Một trong những nhu cầu sâu xa nhất của con người là nhu cầu liên quan đến căn tính.125Chúng ta cần biết mình là ai; chúng ta cần tồn tại trong mắt mình và trong mắt người khác. Nhu cầu liên quan đến căn tính đó mạnh đến nỗi có thể dẫn đến lầm lạc. Ngày nay, chúng ta đặc biệt thấy điều ấy khi đàn ông cũng như đàn bà, đặc biệt là giới trẻ, có thể chạy theo “cái mã” kỳ quặc nhất theo tiếng gọi của mốt nhất thời, đơn giản như một phương thế khẳng định họ là ai. Các phương tiện truyền thông chào mời biết bao người mẫu: một người trẻ, một ủy viên quản trị đầy năng lực, ngôi sao thể thao, siêu người mẫu, đứa trẻ vượt qua số phận…

Ở mức độ hời hợt nhất, nhu cầu khẳng định căn tính này thường tìm thoả mãn trong sở hữu vật chất và một phong cách sống bên ngoài nào đó: chúng ta đồng hoá mình với những người giàu, với dáng dấp thể lý bên ngoài, với chiếc môtô hay chiếc thuyền buồm của mình. Điều này vô cùng rắc rối: chúng ta đang tìm cách thoả mãn nhu cầu hiện hữu bằng sở hữu. Nó có thể cho chúng ta hạnh phúc một thời gian, nhưng không được bao lâu và sẽ sớm thất vọng. Nhận ra rằng, điều duy nhất mà những người khác quan tâm nơi họ là tiền bạc của họ, chứ không phải chính họ, người ta cảm nghiệm một sự cô đơn kinh khủng.

Ở mức độ cao hơn một chút, nhu cầu hiện hữu tìm sự thoả mãn qua việc đạt được hay sử dụng một số tài năng nào đó hoặc là thể thao, hoặc là nghệ thuật hay tri thức. Như vậy lại mắc phải nguy cơ nhầm lẫn hiện hữu với hữu hiệu (công việc). Nhưng nếu người ta mất hết tài năng và khả năng thì sao? Giả sử một cầu thủ bóng đá đẳng cấp quốc tế rốt cuộc, ngồi xe lăn thì sao? Giả sử một người am tường văn chương kim cổ nước Pháp bị mất trí nhớ trong một tai nạn thì sao? Khi ấy họ là ai?

Một điều thông thường và tốt lành khi một người khám phá mình có thể làm điều này hay điều kia, hiện thực hoá tiềm năng của mình và như thế, họ biết mình là ai. Vì thế, chúng ta có được tự tin và cảm nghiệm được niềm vui bộc lộ tài năng được phú bẩm. Sự nuôi dưỡng và giáo dục của chúng ta cần được đặt nền tảng phần lớn dựa trên khuynh hướng này và chúng cần được như thế.

Nhưng căn tính không bị chôn chân trong tổng số năng lực của một con người. Mỗi người có một có giá trị và một phẩm giá duy nhất, độc lập với những gì họ có thể làm. Ai không nhận ra điều này có nguy cơ trải qua một cuộc “khủng hoảng căn tính” thực sự vào ngày họ gặp thất bại; hoặc họ sẽ khinh miệt kẻ khác khi phải đối mặt với những giới hạn của tha nhân. Trong một thế giới mà con người được đánh giá bởi hiệu năng và lợi nhuận họ có thể làm ra thì đâu là chỗ đứng cho những người nghèo khó và tàn tật?

2. KIÊU CĂNG VÀ SỰ KHÓ NGHÈO THIÊNG LIÊNG

Ở đây, vấn đề kiêu căng đáng cho chúng ta suy nghĩ.126Tất cả chúng ta chào đời với một vết thương khó lường, được cảm nghiệm như một sự thiếu hiện hữu. Để bù lại, chúng ta tìm cách tạo nên một cái tôi khác cái tôi thực sự của mình. Cái tôi nhân tạo này đòi hỏi một khối lớn năng lượng để nuôi dưỡng nó; thật dễ vỡ, nó cần được bảo vệ. Khốn cho ai phủ nhận nó, đe doạ nó, đặt vấn đề về nó hay ngăn cản sự phát triển của nó. Khi Tin Mừng nói chúng ta phải “chết cho chính mình” là muốn nói đến cái tôi nhân tạo này, cái tôi tự tạo này phải chết để “cái tôi” thực sự Thiên Chúa ban cho chúng ta có thể nổi lên.

Khuynh hướng tương tự này cũng tồn tại trong đời sống thiêng liêng của chúng ta. Điều đó thật bình thường và tích cực, đây là một suối nguồn cho sự trưởng thành nhân bản và thiêng liêng, bởi nó thôi thúc chúng ta tiến bộ, đạt được những thiên khiếu và tài năng, bắt chước mẫu người này hay mẫu người kia. Việc muốn trở thành một người như thánh Phanxicô Assisi hay Mẹ Têrêxa có thể giúp chúng ta bước đi trên con đường nên thánh.

Nhưng điều này sẽ trở nên nguy hiểm nếu chúng ta dừng lại ở đó. Rõ ràng, thật là tuyệt vời khi làm những việc lành như cầu nguyện, ăn chay, dấn thân phục vụ tha nhân, rao giảng Tin Mừng và vân vân. Nhưng sẽ vô cùng hiểm nghèo khi chúng ta đồng hóa chính mình với những việc lành thiêng liêng mà chúng ta có thể làm. Bởi lẽ, căn tính này vẫn chỉ là một căn tính nhân tạo mỏng manh và sẽ sụp đỗ vào ngày mà một trong những đức hạnh của chúng ta thất bại hay một tài năng thiêng liêng đặc biệt nào đó bị lấy khỏi chúng ta, một tài năng mà chúng ta dốc toàn lực con người mình vào. Làm sao có thể chịu đựng được những thất bại nếu chúng ta đồng hóa bản thân với những thành công thiêng liêng của mình? Tôi đã từng gặp nhiều tu sĩ nam nữ, những người cống hiến đời mình cho việc tông đồ, hiến dâng cả thể xác lẫn linh hồn cho một mục đích cao cả, cũng là người đã trải nghiệm một khủng hoảng sâu sắc đến mức không còn biết mình là ai khi mà bệnh tật hay quyết định của bề trên buộc họ phải dừng lại.

Đồng hóa chính mình với một nhân cách tốt lành có thể thực hiện được dẫn đến kiêu căng thiêng liêng: dù ý thức hay không, chúng ta vẫn xem mình là nguyên nhân của sự lành đó thay vì nhận ra mọi sự lành chúng ta có thể làm là quà tặng nhưng không phát xuất từ Thiên Chúa. “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, thì tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?”.127Tính kiêu căng này dẫn chúng ta đến chỗ xét đoán những ai không làm được nhiều việc như chúng ta, chúng ta thiếu kiên nhẫn với những ai ngăn cản chúng ta thực hiện một dự án đã được đề ra và vân vân.

Kiêu căng, cứng lòng, khinh miệt tha nhân cùng với nhát đảm sợ hãi là những hậu quả không thể tránh khỏi của việc nhẫm lần cái tôi với tài năng của tôi. Những thất bại là điều không thể chịu đựng được bởi lẽ thay vì được coi là bình thường, thậm chí có lợi cho mình, thì chúng ta coi nó như một cái gì đang tấn công vào hữu thể của mình.

Con người quý giá hơn tất cả tổng số những điều tốt lành họ có thể làm được. Họ là con cái Thiên Chúa dù họ làm điều lành hoặc không thể tự làm bất kỳ điều gì. Cha chúng ta trên trời không yêu mến chúng ta vì những điều tốt lành chúng ta làm. Người yêu mến chúng ta vì chúng ta, bởi Người đã nhận chúng ta làm nghĩa tử mãi mãi.128

Đó là lý do tại sao khiêm tốn, khó nghèo thiêng liêng thật quý báu: nó an toàn đặt căn tính chúng ta vào nơi an toàn, một nơi không có một tổn hại nào. Nếu kho tàng của chúng ta ở trong Thiên Chúa, không ai có thể cướp nó khỏi chúng ta. Khiêm tốn là sự thật. Tôi là những gì tôi là trong mắt Thiên Chúa: một đứa trẻ nghèo khó, tuyệt đối không có gì, nhận mọi điều, được yêu thương vô cùng và hoàn toàn tự do. Tôi đã nhận trước mọi điều từ tình yêu trao ban nhưng không của Cha tôi, Đấng nói với tôi cách dứt khoát, “Tất cả những gì của Cha đều là của con”.129

Kho tàng của chúng ta không phải là cái gì mối mọt có thể gặm nhắm,130đó chính là thiên đường trong tay Thiên Chúa. Nó tùy thuộc vào chỉ một mình Người, vào ý muốn tốt lành và lòng hào hiệp bền vững của Người đối với chúng ta. Căn tính của chúng ta có nguồn cội từ tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa, Đấng tác tạo chúng ta theo hình ảnh Người và dự định cho chúng ta sống mãi với Người.

Tình yêu là những gì còn lại khi mọi sự đã qua đi. Tất cả chúng ta hãy ghi nhớ điều này mỗi khi đứng trước những thất bại, chia cắt, những lời nói mà chúng ta lấy làm hối tiếc. Tình yêu dấy lên từ vực thẳm của đêm tối như một khúc ca chỉ vừa đủ nghe, thế mà vẫn nảy sinh một bảo đảm rằng, trước mọi tai ương trong đời, ngay cả trước những niềm vui, đau khổ, sinh, tử… vẫn tồn tại một khoảng không nơi không gì có thể đe doạ, không gì từng đe doạ, không có nguy cơ bị phá hủy, một khoảng không nguyên vẹn, khoảng không của tình yêu vốn là nền tảng hiện hữu của chúng ta.131

Điều này không có nghĩa là không thành vấn đề khi chúng ta cư xử tốt hay không tốt. Hãy làm lành lánh dữ ngần nào có thể, bởi tội lỗi làm tổn thương Thiên Chúa và tác hại đến chúng ta cũng như người khác và thiệt hại nó gây ra thường rất khó cứu chữa. Nhưng chúng ta không có quyền đồng hoá người khác với những sai phạm của họ. Điều đó sẽ giam hãm họ và làm cho họ mất hết hy vọng. Chúng ta cũng không thể đồng hoá bất cứ ai - cách riêng với chính mình - với việc lành họ làm.

3. THỬ THÁCH THIÊNG LIÊNG

Những suy xét này làm sáng tỏ đường lối Thiên Chúa đang dạy dỗ và đào luyện mỗi người chúng ta, đồng thời cũng cho thấy ý nghĩa của những thử thách trong đời sống thiêng liêng.

Theo các nhà thần nghiệm, những thử thách hay “thanh luyện” sẽ phá huỷ những gì là nhân tạo trong tính cách của chúng ta, để hữu thể đích thực của chúng ta có thể thể hiện - tức là, chúng ta là gì đối với Thiên Chúa. Đêm tối tâm hồn có thể được gọi là một chuỗi những gì làm cho con người ra nghèo đi, đôi khi khá mạnh mẽ, để rồi lột khỏi những người tin mọi khả năng cậy dựa vào chính mình. Những thử thách này thật hữu ích vì chúng dẫn chúng ta đến chỗ đặt căn tính của mình vào nơi chốn thực sự là của chúng. Trải nghiệm này có thể rất đau đớn khi ai đó yêu mến Thiên Chúa mà phải trải qua một giai đoạn không có mảy may một chút tha thiết và thậm chí với một sự ghê tởm sâu xa trước những điều thiêng liêng. Người ta không đánh mất tình yêu đối với Thiên Chúa vì cả hữu thể của họ vẫn hướng hoàn toàn về Người; nhưng người ta đã đánh mất cảm giác yêu thương. Lợi ích của thử thách này là nó tước khỏi chúng ta khả năng cậy dựa vào điều lành chúng ta làm. Lòng nhân từ của Thiên Chúa là tất cả. Có lần linh mục kia bảo tôi trong tòa giải tội, “Khi bạn không còn tin vào những gì mình có thể làm cho Thiên Chúa, hãy tiếp tục tin vào những gì Người có thể làm cho bạn”.

Dần dần và theo một cách thức vốn xảy ra song song với sự bần cùng kinh khủng của mình, những ai trải qua những thử thách như thế trong khi vẫn cậy trông vào Chúa, sẽ bắt đầu nhận ra chân lý của một điều gì đó mà cho tới lúc ấy, mới chỉ là một biểu hiện đạo đức: Thiên Chúa yêu thương chúng ta một cách tuyệt đối vô điều kiện bởi nhân đức, lòng nhân từ, sự trìu mến vô biên và tình phụ tử của Người dành cho chúng ta.

Cảm nghiệm này tạo ra một sự đổi thay căn bản trong đời sống Kitô hữu chúng ta. Đó là một hồng ân vô biên. Nền tảng mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa không còn đặt nơi chúng ta nhưng hoàn toàn và độc nhất nơi Thiên Chúa. Giờ đây, chúng ta trở nên tự do hoàn toàn. Khi tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa có tình phụ tử của Người như là nền tảng duy nhất, nó sẽ tránh khỏi mọi tổn hại.

Những ai vượt qua được loại thử thách này thì còn hơn cả việc từng yêu mến Thiên Chúa và mong làm hài lòng Người bằng những việc lành, nhưng những việc lành họ làm giờ đây sẽ được làm một cách tinh tuyền, tự do và vô vị lợi. Nó không sản sinh từ một nhu cầu tạo ra một căn tính nào đó hay một khát khao thành công. Nó cũng không có một động cơ ẩn tàng là để được phần thưởng. Động lực cội nguồn của nó là chính Thiên Chúa.

Sự cải hoá thiêng liêng này được tu sĩ Ai Cập Matta El - Maskeen hay el Maskine (Matthew Nghèo Khó) mô tả rất hay trong tác phẩm về cầu nguyện của ông.



tải về 0.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương