TỰ do nội tâm jacques Philippe Người dịch, Lm. Minh Anh (Gp. Huế) TỰ do nội tâM


Niềm tin giới hạn” và Tự cấm đoán



tải về 0.62 Mb.
trang3/6
Chuyển đổi dữ liệu14.07.2016
Kích0.62 Mb.
#1726
1   2   3   4   5   6
Niềm tin giới hạn” và Tự cấm đoán

Những gì vừa nói sẽ giúp chúng ta tránh được quan niệm sai lầm rằng, chấp nhận chính mình với những khiếm khuyết có nghĩa là đóng khung chính mình trong những giới hạn của mình. Từ những tổn thương và kinh nghiệm trong quá khứ (ai đó có lần đã bảo chúng ta, “bạn không xoay xở được đâu”, “bạn sẽ không bao giờ khá lên tí nào”, .v.v..), từ một vài thất bại nào đó, và cũng từ việc thiếu niềm tin vào Thiên Chúa, chúng ta có khuynh hướng mang theo mình một loạt “niềm tin giới hạn” hay những cam kết phi thực tế vốn làm chúng ta nghĩ mình sẽ không bao giờ có thể làm điều này hay điều kia, không bao giờ có thể giải quyết tình huống này tình huống nọ. Có vô số ví dụ. Chúng ta tự nhủ, “Mình sẽ không bao giờ giải quyết được điều đó, mình sẽ không bao giờ giải đáp được điều này, sự việc sẽ mãi vậy thôi”. Những tâm trạng như thế không liên quan gì đến việc bằng lòng với những giới hạn mà chúng ta đang nhìn vào. Chúng chỉ là kết quả của những thương tổn hay sợ hãi trong quá khứ hoặc thiếu niềm tin vào chính mình và niềm tin vào Thiên Chúa. Như những chiếc mặt nạ, chúng phải được lột xuống, chứ không phải mang vào. Bằng lòng với con người thật của mình, chúng ta chấp nhận bản thân trong sự nghèo khó cũng như trong sự giàu có của mình và điều đó cho phép mọi năng lực chân thật, mọi khả năng thực thụ của chúng ta lớn lên và phát triển. Trước khi nói mình không thể làm điều này điều kia, chúng ta nên biện phân xem coi liệu sự lượng giá này là kết quả của một hiện trạng đời sống thiêng liêng lành mạnh hay chỉ là một nhận thức tâm lý thuần tuý cần được chữa lành.

Đôi lúc chúng ta có khuynh hướng cấm đoán chính mình đối với một vài khát khao lành mạnh, một vài thành tựu hay hạnh phúc hợp pháp nào đó. Cơ chế tâm lý tiềm thức làm chúng ta tự phủ nhận hạnh phúc bởi một mặc cảm tội lỗi hoặc nó có thể phát xuất từ một quan niệm sai lầm về ý muốn của Thiên Chúa, như thể chúng ta phải tự tước bỏ chính mình khỏi những gì tốt lành trong cuộc sống một cách có hệ thống! Trong cả hai trường hợp, chẳng có ích gì với chủ nghĩa duy thực thiêng liêng đích thực hay việc chấp nhận những giới hạn của mình. Thiên Chúa đôi lúc mời gọi chúng ta hy sinh hãm mình nhưng Người cũng giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi và cảm thức sai lầm về tội lỗi giam hãm. Người phục hồi cho chúng ta sự tự do để đón nhận bất cứ điều gì tốt lành và vui thích mà Người muốn trao ban cho chúng ta nhằm khuyến khích và tỏ cho thấy sự trìu mến của Người.

Nếu có một lãnh vực nơi chúng ta không bị cấm đoán thì đó chính là sự thánh thiện, miễn là chúng ta không nhầm lẫn nó với sự hoàn hảo bên ngoài, những công nghiệp phi thường hay vĩnh viễn không có khả năng phạm tội. Nếu chúng ta hiểu đúng sự thánh thiện như là khả năng lớn lên vô hạn trong tình yêu dành cho Thiên Chúa và anh chị em, chúng ta có thể đoan chắn rằng không gì vượt xa tầm với của mình. Tất cả những gì chúng ta cần làm là không bao giờ thất vọng và không bao giờ kháng cự nhưng hoàn toàn tin tưởng vào những tác động của ân sủng Thiên Chúa.

Tất cả chúng ta không có trong mình tính cách của các hiền nhân hay các bậc anh hùng. Nhưng nhờ ơn Chúa, chúng ta có tính cách của các thánh. Đó là chiếc áo rửa tội mà chúng ta mặc vào khi lãnh nhận bí tích, một bí tích biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa.



Chấp nhận chính mình để chấp nhận người khác

Một điểm khác cần xem xét: mối tương quan hai chiều sâu xa giữa việc chấp nhận chính mình và chấp nhận người khác. Cái này củng cố cái kia.

Thông thường, chúng ta không chấp nhận người khác, bởi tự thâm tâm, chúng ta không chấp nhận chính mình. Nếu không hoà hợp với chính mình, nhất thiết chúng ta sẽ thấy mình lâm chiến với người khác. Việc không chấp nhận bản ngã tạo nên căng thẳng bên trong, cảm giác không thoả mãn và tức tối sẽ trút lên người giơ đầu hứng chịu sự xung đột nội tâm của chúng ta. Vì thế, chẳng hạn khi chúng ta khó chịu với những người xung quanh, thì rất thường là vì chúng ta không hài lòng với chính mình! Etty Hillesum viết, “Tôi đã dần đi đến chỗ nhận ra rằng, vào những ngày bạn xung đột với người khác thì bạn thật sự xung đột với chính mình. ‘Bạn nên yêu tha nhân như chính mình’”.31

Ngược lại, nếu khép mình trước người khác, không nỗ lực yêu mến họ như họ là chính họ, không học cách làm hoà với họ, chúng ta sẽ không bao giờ có được ơn phúc thực hành sự hoà giải sâu xa với chính mình mà tất cả chúng ta đều cần. Thay vào đó, chúng ta sẽ là những nạn nhân vĩnh viễn từ lòng dạ hẹp hòi của mình, đồng thời là nạn nhân của những xét đoán gay gắt về tha nhân. Đây là một điểm quan trọng, cần được triển khai sau này.

3. CHẤP NHẬN ĐAU KHỔ

Bằng lòng với những khó khăn

Sau khi nhìn vào việc chấp nhận bản thân, giờ đây, chúng ta xem xét việc chấp nhận các sự kiện. Nguyên tắc căn bản thì như nhau, chúng ta không thể thay đổi cuộc sống mình một cách hiệu quả trừ phi chúng ta bắt đầu bằng cách chấp nhận chúng, đón nhận chúng hoàn toàn và vì thế, bằng lòng với mọi sự kiện bên ngoài mà chúng ta phải đối mặt.

Điều đó không khó đối với những gì chúng ta coi là tốt, hài lòng và tích cực, nhưng khó khi có bất cứ loại thất bại hay đau khổ nào dính dáng vào. Trong những điều tiếp theo, những điều mà chúng ta cho là tiêu cực nói chung được gọi là “những khó khăn”.

Chủ đề này cần được nắm vững cách cẩn thận. Đó không phải là việc trở nên bị động và học cách chịu đựng mọi chuyện mà không phản ứng gì. Nhưng bất kỳ dự định nào mà chúng ta có và dù chúng được chuẩn bị tốt cỡ nào, thì lắm khi những hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta vẫn xảy ra, kéo theo cả một loạt các sự kiện đi ngược lại những mong chờ, hy vọng và ước ao của mình và chúng ta lại phải chấp nhận.

Chúng ta không nên ép mình chấp nhận sự việc cách miễn cưỡng, nhưng nên thật sự bằng lòng với chúng - không chịu đựng nhưng theo nghĩa “chọn” nó (cả khi, thực tế, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác và đó là điều làm chúng ta khó chịu nhất). Chọn lựa ở đây có nghĩa là thực hiện một hành vi tự do, qua đó, chúng ta không những đành lòng cam chịu nhưng còn vui nhận hoàn cảnh. Điều đó không dễ chút nào, đặc biệt trong những thử thách gây đau đớn thực sự, nhưng đó là một hướng đi đúng đắn và chúng ta càng phải dõi theo nhiều ngần nào có thể trong tin yêu và hy vọng. Nếu chúng ta có đủ niềm tin vào Thiên Chúa để xác tín rằng, Người có thể rút ra điều lành từ bất cứ điều gì xảy đến với chúng ta, thì Người sẽ làm như thế. “Vì đã tin nên anh sẽ được như vậy”, Đức Giêsu đã nói đi nói lại nhiều lần trong Tin Mừng.32

Đây là một chân lý tuyệt đối căn bản, Thiên Chúa có thể rút sự lành ra từ mọi sự, cả lành lẫn dữ, tích cực lẫn tiêu cực. Vì Người là Thiên Chúa, “Cha Toàn Năng” mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. Rút sự lành ra từ sự lành thì không quá khó. Nhưng chỉ Thiên Chúa, trong sự toàn năng, tình yêu và khôn ngoan của Người mới có thể rút sự lành từ sự dữ. Bằng cách nào? Về điểm này, không lý chứng triết học hay thần học nào có thể đưa ra lời giải thích thoả đáng. Công việc của chúng ta là tin điều đó dựa trên lời Thánh Kinh đang mời gọi chúng ta tin tưởng ở mức độ này: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người”.33Nếu tin điều này, chúng ta sẽ cảm nghiệm nó. Khi đọc lại tự truyện của mình vài ngày trước khi mất, thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã nói, “Mọi sự đều là hồng ân”.

Để đi vào thái độ này, chúng ta có một số gợi ý:

Nỗi đau lớn nhất là nỗi đau chúng ta khước từ

Nỗi đau lớn nhất cốt tại việc từ khước nó. Với chính nỗi đau này, chúng ta lại bồi thêm cho nó sự nổi loạn, phẫn uất và tức tối. Sự căng thẳng bên trong gia tăng nỗi đau của mình. Nhưng khi chúng ta được ơn chấp nhận nỗi đau và bằng lòng với nó, thì lập tức nó trở nên ít đau hơn. “Đau đớn trong bình an thì không còn đau đớn nữa”, Cha sở họ Ars, thánh Jean-Marie Vianney nói.

Lẽ thường, khi đối mặt với đau khổ, chúng ta chữa lành nó ngần nào có thể. Nếu đau đầu, chúng ta nên uống aspirin. Nhưng sẽ luôn có những nỗi đau vô phương cứu chữa và chúng ta phải nỗ lực chấp nhận chúng trong bình an. Đây không phải là chuyện tìm khoái cảm trong đau khổ hay yêu mến sự đau khổ nhưng hoàn toàn ngược lại, bởi lẽ bằng lòng với nỗi đau khiến nó dễ gánh hơn là ép mình chống lại nó. Điều này cũng đúng với đau đớn thể lý, một cú đấm phải đón nhận với một thái độ gồng mình, căng thẳng sẽ tổn thương hơn khi nó được đón nhận với thái độ thoải mái, buông lỏng. Muốn xoá bỏ đau khổ bằng mọi giá đôi lúc có thể tạo ra nhiều đau khổ hơn, thậm chí còn khó nuốt hơn. Quan niệm chủ nghĩa khoái lạc cho rằng, mọi đau khổ đều là sự dữ phải tránh bằng mọi giá dẫn người ta đến chỗ làm cho chính mình bất hạnh. Những ai quen tìm tránh mọi nỗi đau và chỉ trải nghiệm những gì làm hài lòng mình hay thoải mái, sớm muộn gì sẽ thấy mình vác những thập giá nặng hơn những ai cố gắng bằng lòng với những đau khổ mà cố gắng loại trừ chúng là điều phi thực tế.

Khi chấp nhận đau khổ, chúng ta tìm thấy sức mạnh mới. Thánh Kinh nói về “bánh châu luỵ”.34Thiên Chúa là Đấng trung thành luôn ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để mang lấy những gì là nặng nề và khó khăn ngày này qua ngày khác trong cuộc sống mình. Etty Hillesum viết, “Lạy Chúa, bây giờ con nhận ra rằng, Ngài đã cho con nhiều biết bao. Biết bao điều tốt đẹp cũng như biết bao gánh nặng phải mang. Vậy mà, bất cứ khi nào con tỏ ra sẵn sàng mang lấy nó, lập tức, cực nhọc biến thành đẹp tươi”.35

Ngược lại, ân sủng sẽ lảng tránh chúng ta khi chúng ta cố mang thêm những nỗi đau phụ trội, những nỗi đau chúng ta tự chất cho mình qua việc từ chối chấp nhận những thử thách thường ngày của cuộc sống.

Một điểm nữa, điều thực sự gây thương tích không phải là chính sự đau khổ nhưng là sự sợ hãi nó. Nếu được vui nhận cách tin tưởng và bình an, đau khổ sẽ làm chúng ta trưởng thành. Nó làm cho chúng ta trưởng thành, rèn luyện, thanh tẩy… dạy chúng ta yêu thương cách quảng đại; làm cho tâm hồn chúng ta trở nên nghèo khó, khiêm tốn, hiền hoà và trắc ẩn đối với tha nhân. Trái lại, sợ hãi đau khổ khiến chúng ta cứng cỏi trong thái độ tự vệ, phòng thủ và thường dẫn chúng ta đến chỗ chọn lựa phi lý với những hậu quả khôn lường. “Con người đau khổ nhất là khi người ta họ sợ đau khổ”, Etty Hillesum nói. Loại hình đau khổ tồi tệ nhất không phải là đau khổ chúng ta trải nghiệm; đó chính là đau khổ tiêu biểu trói chặt sự tưởng tượng khiến chúng ta hành động với những thái độ lệch lạc. Không phải thực tại gây ra vấn đề nhưng là cách chúng ta tưởng tượng và mô tả nó.



Từ chối đau khổ có nghĩa là từ chối sống

Bằng việc quảng cáo và các phương tiện truyền thông, nền văn minh hiện đại không ngừng hát lên dạ khúc “tin mừng” của nó cho chúng ta nghe: hãy tránh xa đau khổ bằng mọi giá và chỉ tìm sự vui thoả. Nhưng nó lại quên nói rằng, không có cách nào chắc chắn để làm cho mình bất hạnh hơn khi làm như thế. Đau khổ cần được chữa lành bất cứ khi nào có thể, nhưng nó là một phần của cuộc sống và cố loại bỏ nó hoàn toàn có nghĩa là đàn áp cuộc sống, từ chối sống và rốt cuộc, khước từ vẻ đẹp cùng sự tốt lành mà cuộc sống có thể mang lại cho chúng ta. “Ai tìm cách cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình thì sẽ có được nó”,36Đức Giêsu dạy chúng ta và Tin Mừng của Ngài đáng tin hơn tin mừng của quảng cáo. Vui thoả là tốt và cũng là một phần của cuộc sống. Nếu không có một điều như thế, chúng ta không thể “trao ban vui thoả”, phương cách tốt nhất để người khác thấy chúng ta yêu mến họ. Nhưng vui thoả không phải để được “nhận” cách ích kỷ. Nó phải được tặng trao cũng như phải được đón nhận. Bằng cách chạy trốn một chút đau khổ (phương thức thông thường dễ chấp nhận), người ta thường gây cho mình những nỗi đau nghiêm trọng hơn nhiều. Chẳng hạn, tôi từng gặp những bậc cha mẹ tự dằn vặt mình năm này qua năm khác chỉ vì họ không thể chấp nhận ơn thiên triệu của đứa con. Khước từ nỗi đau phân ly khiến họ chọn cho mình một lối sống khác bắt nguồn từ những gì họ tưởng tượng, họ trải qua những tháng năm bất hạnh. Những ví dụ như thế cho thấy chấp nhận đau khổ và hy sinh (dĩ nhiên, khi chúng hợp pháp) thì không phải là tìm khoái lạc trong đau khổ, thái độ tự huỷ, nhưng hoàn toàn ngược lại. Bằng cách chấp nhận những đau khổ Thiên Chúa cho phép xảy ra mà cuộc sống “trao tặng” nhằm cho sự tiến bộ và thanh luyện mỗi người, chúng ta tránh được những đau khổ nặng nề hơn nhiều. Chúng ta cần phát triển chủ nghĩa hiện thực này và một lần thay cho tất cả, thôi mơ về một cuộc sống không có đau khổ và xung đột. Đó là cuộc sống trên trời chứ không phải dưới đất. Chúng ta phải mang lấy thập giá và can đảm theo Đức Kitô mỗi ngày; đắng cay của thập giá sớm muộn gì cũng trở nên ngọt ngào.

Những hậu quả về lâu về dài của thái độ nội tâm thì quan trọng hơn những gì người ta nghĩ về nó. Khi đối mặt với đau khổ thường nhật, “gánh nặng của ngày và sức nóng”, mệt nhọc, chúng ta không nên phí phạm thời gian để nguyền rủa trong lòng hay tự nhủ mình không thể chờ cho đến khi nó kết thúc hay mơ về một cuộc sống khác. Chúng ta phải chấp nhận cuộc sống như chúng là thế đó. Cuộc sống, thật tươi đẹp và tốt lành, đúng thế, kể cả những gánh nặng của khổ đau. Khi tạo dựng người nam và người nữ, Thiên Chúa ban phúc lộc vô hạn cho mọi đời sống con người và phúc lành đó không bao giờ bị lấy lại dù tội lỗi và mọi hậu quả của nó, “Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, Người không hề đổi ý”37- đặc biệt là quà tặng đầu tiên cũng như ơn gọi đầu tiên, quà tặng cuộc sống. Mỗi cuộc sống, ngay cả khi phải hứng chịu khổ đau, vẫn vô cùng giá trị và cao quý.

Thái độ này giúp chúng ta kiên định với thực tại và bảo trì năng lượng đáng ra đã bị lãng phí do phàn nàn, ước ao sự việc khác đi hoặc mộng mơ một thế giới ảo. Là Kitô hữu, chúng ta có thể đoan chắc hạnh phúc vĩnh cửu đang chờ đợi chúng ta, “Mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu”, “Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần đèn đuốc hay ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ…”.38Chúng ta không có lý do chính đáng nào để phàn nàn về những khó khăn trong cuộc sống. Hãy ghi lòng tạc dạ lời của thánh Phaolô, “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời”.39



Điều tồi tệ chẳng tồi tệ chút nào: Mặt tích cực của những khó khăn

Phải thừa nhận rằng, dù nặng nề đến mấy, khó khăn mang lại không chỉ những bất lợi mà cả những thuận lợi.

Thuận lợi đầu tiên là chúng ngăn cản chúng ta độc quyền sở hữu cuộc sống và thời giờ của mình. Chúng ngăn cản chúng ta đóng khung trong những chương trình, kế hoạch và khôn ngoan của mình. Chúng giải thoát chúng ta khỏi ngục tù của chính mình, khỏi đầu óc hẹp hòi và phán đoán nông cạn của mình. “Chúa phán, như trời cao hơn đất bao nhiêu thì đường lối Ta cao hơn đường lối ngươi, tư tưởng Ta cao hơn tư tưởng ngươi bấy nhiêu”.40Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là chúng ta để mọi thứ diễn ra đúng như chúng ta muốn, bởi đó là hồi kết của bất kỳ sự trưởng thành nào. Để có thể đi dần vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa vốn phong phú, kiều diễm, hiệu quả và nhân từ hơn vô cùng so với sự khôn ngoan của chúng ta41, thì sự khôn ngoan nhân loại của chúng ta cần đến một sự cải tổ toàn diện. Không phải huỷ diệt nó nhưng làm cho nó lớn lên bằng việc thanh luyện, giải phóng nó khỏi những giới hạn của mình. Bởi thiếu niềm tin và tình mến, sự khôn ngoan của chúng ta luôn được đánh dấu bởi một mức độ ích kỷ và tự kiêu nào đó. Cái nhìn thiển cận của chúng ta cần mở ra để đón nhận sự khôn ngoan của Thiên Chúa; chúng ta cần một sự canh tân tận thâm tâm. Tự bản chất, tội lỗi thì hẹp hòi; thánh thiện là sự mở ra của tinh thần, là sự cao cả của tâm hồn.

Từ làm chủ đến từ bỏ: Thanh luyện trí óc

Trong những cơn nguy khốn, không biết lý do tại sao chúng ta gặp thử thách thường là gánh nặng hơn chính cơn thử thách. Người ta hỏi, “Điều này có ý nghĩa gì?”, “Tại sao?” và họ không có câu trả lời. Trái lại, khi biết được lý do, người ta dễ chấp nhận đau khổ hơn. Như việc bác sĩ làm chúng ta đau - chúng ta không nổi cáu với ông vì biết ông làm thế để giúp chúng ta tốt hơn.

Chúng ta hãy suy gẫm về vai trò của lý trí và tâm trí trong đời sống thiêng liêng.

Như tất cả mọi khả năng Thiên Chúa ban tặng con người, trí thông minh thật vô cùng tốt lành và hữu ích. Con người khát khao chân lý, cần hiểu biết, đó là một phần của phẩm giá và sự vĩ đại của nó. Coi thường trí thông minh, coi thường những khả năng và vai trò của nó trong đời sống thiêng liêng và trần tục sẽ là điều bất chính.42Đức tin không thể làm gì nếu không có lý trí; và không gì cao đẹp hơn khả năng được trao ban cho con người để cộng tác vào công trình của Thiên Chúa cách tự do, hiểu biết cùng tất cả mọi khả năng khác. Những khoảnh khắc trong cuộc đời khi tâm trí chúng ta hiểu được điều Thiên Chúa đang làm, Người mời gọi chúng ta để làm gì, cách thức Người là cho chúng ta lớn lên… tất cả những điều đó sẽ giúp chúng ta cộng tác hoàn toàn với công trình ân sủng của Người.

Đó là điều Thiên Chúa muốn. Người không tạo chúng ta như những búp bê nhưng là những con người tự do, có trách nhiệm, được mời gọi ôm lấy tình yêu của Người bằng trí thông minh và gắn bó với nó bằng sự tự do của mình. Vì thế, muốn hiểu ý nghĩa của mọi sự trong cuộc đời mình là một điều tốt lành và chính đáng.

Thế nhưng, khát vọng hiểu biết mọi sự bao gồm cả những điều mơ hồ, đồng thời cần được thanh tẩy. Những động cơ đàng sau khát vọng hiểu biết của chúng ta có thể không phải luôn luôn là chính đáng. Khát khao hiểu được chân lý để đón nhận và khuôn rập đời mình theo nó thì hoàn toàn hợp lệ, nhưng ở đó, còn có một khát khao để hiểu biết là một khát khao quyền lực: đảm trách, nắm giữ và làm chủ hoàn cảnh.

Khát khao đó cũng có thể phát xuất từ một nguồn khát vọng khác vốn không mấy tinh tuyền: đó là sự bất an. Trong trường hợp này, hiểu biết có nghĩa là trấn an, tìm kiếm sự an toàn theo nghĩa là chúng ta có thể kiểm soát hoàn cảnh nếu chúng ta hiểu nó. Một sự an toàn như thế thì quá trần tục, mong manh, lừa dối - nó có thể bị hư hỏng từ ngày này qua ngày khác. Sự an toàn thực sự trong cuộc sống chỉ cốt tại niềm xác tín rằng, Thiên Chúa là Đấng trung thành, không bao giờ có thể bỏ rơi chúng ta, bởi sự trìu mến đầy tình cha của Người thì không thể đổi khác được.

Nhu cầu hiểu biết những gì đang xảy ra khi chúng ta trải qua một cơn thử thách nào đó đôi lúc, thuần tuý là một biểu hiện của việc không có khả năng phó mình cách tín thác cho Thiên Chúa để rồi, đi tìm một sự an toàn trần tục nào đó. Điều đó cần được thanh tẩy nơi chúng ta. Tự do nội tâm sung mãn sẽ đến từ việc giải thoát chính mình dần dần khỏi nhu cầu tìm kiếm an toàn trần tục bằng cách nhận ra chỉ Thiên Chúa mới là “đá tảng” của chúng ta như Thánh Kinh dạy.

Việc giải thoát trí thông minh khỏi ước muốn làm chủ và khỏi nhu cầu tìm kiếm sự an toàn thay vì phó mình cho Thiên Chúa đòi chúng ta vượt qua một số giai đoạn nào đó trong cuộc đời mình - chắc chắn đó sẽ là những thời kỳ đau thương nhất - ở đó chúng ta hoàn toàn không thể hiểu được lý do tại sao nó lại xảy ra. Rồi thì sao? Rồi chúng ta phải tìm kiếm ánh sáng bằng suy tư, cầu nguyện và xin lời khuyên của những người khôn ngoan; nhờ ánh sáng này cùng với sự kết hợp với những gì chúng ta học được, chúng ta sẽ tiến bộ. Dẫu thế, vẫn còn có những khoảng thời gian khi chúng ta phải từ bỏ tất cả mọi nỗ lực tự sức mình để giải mã những mầu nhiệm, điều không thể hiểu đó. Đó là lúc phải ngưng mọi hoạt động để phó mình cho Thiên Chúa bằng một niềm tin có thể nói là mù quáng. Ánh sáng sẽ đến sau. “Những gì Thầy làm, bây giờ anh không hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”, Chúa bảo Phêrô.43Ở thời điểm đó, cố hiểu bằng mọi giá sẽ gây thương tổn hơn là mưu ích cho chúng ta. Nó sẽ gia tăng nỗi đau của chúng ta thay vì xoa dịu nó, đồng thời gia tăng nghi ngờ, lo sợ, bất an và thắc mắc mà không đưa ra một câu trả lời nào. Rốt cuộc, chúng ta phải hành động trong đức tin. Điều duy nhất có thể mang lại bình an cho chúng ta là khiêm tốn và cầu nguyện cách tin tưởng - thái độ được ngôn sứ Jeremiah biểu lộ, “Biết thinh lặng đợi chờ ơn cứu độ của Thiên Chúa đó là một điều hay”.44

Hiểu biết thánh ý Thiên Chúa

Làm sao để thật sự cảm thấy an tâm, chúng ta muốn luôn đoan chắc mình đang làm theo ý Thiên Chúa. Khát khao hiểu biết thánh ý Thiên Chúa để thích ứng là một điều bình thường; và thường khi, nếu tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa với một con tim chân thật, chúng ta sẽ nhận được ánh sáng để hiểu thánh ý Người. Nhưng không luôn luôn như thế. Ngay cả khi chúng ta làm tất cả những gì chúng ta có thể làm để tìm ra thánh ý Chúa trong trong hoàn cảnh này trong hoàn cảnh khác bằng cầu nguyện, suy nghĩ và bàn hỏi thiêng liêng, chúng ta vẫn sẽ không luôn luôn nhận được câu trả lời rõ ràng, ít nữa không phải ngay lập tức.

Về điều này, có hai lý do: trước tiên, Thiên Chúa coi chúng ta là người trưởng thành và trong nhiều tình huống, Người muốn chúng ta tự quyết định. Lý do thứ hai là sự thanh luyện. Nếu luôn đoan chắc mình đang thi hành ý Chúa và bước đi trong chân lý, chúng ta sẽ nhanh chóng trở nên quá tự tin dẫn đến nguy cơ tự kiêu về đường thiêng liêng. Không luôn tuyệt đối chắc chắn mình đang thi hành ý Chúa là khiêm tốn và khốn khó, nhưng điều đó bảo vệ chúng ta. Nó gìn giữ trong chúng ta một thái độ không ngừng tìm kiếm thánh ý và ngăn ngừa chúng ta khỏi thứ an toàn giả tạo vốn miễn cho chúng ta phó mình cho Người.

Khi không chắc thánh ý Chúa, điều quan trọng là chúng ta cần nói với chính mình rằng: “Ngay cả khi những khía cạnh của thánh ý Thiên Chúa chạy trốn tôi, vẫn luôn có những khía cạnh khác mà tôi biết chắc và có thể đầu tư vào mà không gặp nguy hiểm nào, vì tôi biết sự đầu tư này luôn sinh lời”. Những điều chắc chắn này bao gồm việc chu toàn nhiệm vụ trong đấng bậc mình và thực hành những điểm cần thiết của mọi ơn gọi Kitô hữu. Ở đây có một khiếm khuyết cần nhận ra và tránh xa, thấy mình mù mờ về thánh ý Chúa trước một vấn đề quan trọng - một sự chọn lựa ơn gọi có tầm mức lớn hay một quyết định nghiêm túc nào khác - chúng ta dành quá nhiều thời gian tìm kiếm, nghi hoặc hay nản lòng đến nỗi phớt lờ những gì Chúa muốn cho chúng ta mỗi ngày như trung thành cầu nguyện, giữ vững niềm tin vào Người, yêu mến những người chung quanh ở đây và giờ này. Không có những câu trả lời cho tương lai, chúng ta nên chuẩn bị đón nhận chúng bằng cách sống cái hôm nay cách sung mãn.

Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng tôi tự ý hy sinh mạng sống mình”

Như đã nói trước đây, thật ích lợi cho chúng ta khi tập cho mình không chỉ đương đầu với những khó khăn nhưng theo một nghĩa nào đó, chọn lựa nó. Điều đó không có nghĩa là khiêu khích chúng! Nhưng có nghĩa là khi chúng nảy sinh, chúng ta toàn tâm chấp nhận chúng bằng một hành động tự do tích cực, ép mình di chuyển nhanh chóng từ thất vọng đến mặc nhận dựa trên niềm tin.

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu không thích công việc mình bị gián đoạn. Đôi lúc chị được yêu cầu làm những việc đòi hỏi độ tập trung cao như vẽ một cái gì đó hay viết bản thảo một vở kịch cho cộng đoàn. Thời biểu của cộng đoàn Carmel quá sít sao đến nỗi chị không có thời giờ sắp đặt cho riêng mình. Cuối cùng, khi tìm được một hai giờ dành cho công việc, chị đặt tâm trí để làm theo tinh thần sau: “Tôi chọn cách bị gián đoạn”. Nếu một chị tốt lành nào đó đến yêu cầu chị làm một việc vặt vảnh thì thay vì lạnh lùng bảo chị ấy đi, Têrêxa nỗ lực chấp nhận sự gián đoạn nhờ ơn Chúa. Và nếu không ai làm chị bị gián đoạn, chị xem đó là quà tặng hấp dẫn từ Thiên Chúa yêu mến của chị và rất biết ơn Người về điều đó. Dù bất cứ điều gì xảy ra, chị trải qua ngày sống bình an và không bao giờ bực tức. Trong mọi sự, chị có thể làm theo ý mình, vì ý muốn của chị là chấp nhận mọi sự.

Hãy xem xét lời Đức Giêsu, “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng tôi tự ý hy sinh mạng sống mình”.45Đây là một nghịch lý. Hẳn mạng sống Ngài đã bị lấy đi, Ngài bị xiềng xích, nguyền rủa, bị dẫn đến Calvariô và bị đóng đinh trên thập giá. Nhưng như phụng vụ nói, đây là “cái chết mà Ngài tự do chấp nhận”. Tự thâm tâm, Ngài chấp nhận những gì Chúa Cha muốn. Đức Giêsu vẫn vô cùng tự do trong cái chết của mình bởi Ngài đã biến nó thành một sự trao ban tình yêu. Qua việc ưng thuận cách tự do đầy yêu thương, sự sống bị lấy đi trở nên sự sống trao ban.

Theo lời chứng của Jacques Fesch, chúng ta có một mẫu gương sáng ngời về điều này. Bị bắt vì giết chết một cảnh sát trong khi theo đuổi một giấc mơ khá ngông cuồng (âm mưu cướp của để mua cho mình một chiếc thuyền hầu chèo qua đại dương), anh ta ở tù ba năm trước khi bị hành hình vào ngày 01 tháng 10 năm 1957 ở tuổi 27. Trong xà lim, anh khám phá Đức Kitô và lao vào một hành trình thiêng liêng tuyệt diệu. Vài ngày trước khi chết, anh ta viết, “Phúc thay người được Thiên Chúa ân thưởng phúc tử đạo! Dưới cái nhìn của Thiên Chúa, dòng máu đổ ra thật giá trị biết bao, cách riêng là máu được trao ban cách tự do. Tôi không được tự do, nhưng nếu hôm nay tôi được trả tự do vì xúc phạm Thiên Chúa, tôi sẽ từ chối và thích chết hơn. Tôi cộng tác với cuộc hành hình này bằng cách hết lòng chấp nhận nó, dâng nó cho Chúa và như thế, cái chết của tôi ít vô nghĩa hơn”.46

Tự do của con người luôn có được sức mạnh lạ lùng này để biến những gì bị lấy khỏi chúng ta - bởi cuộc sống, bởi những biến cố hay người khác - trở thành một điều gì đó được trao ban. Xét bên ngoài, không có sự khác biệt rõ ràng nào, thế nhưng bên trong, mọi sự được biến đổi: định mệnh trở thành tự do chọn lựa, gò bó hoá thành tình yêu, mất mát lại trổ sinh hoa trái. Đây chính là sự cao cả mà tự do con người tuyệt nhiên chưa từng nghe nói tới. Nó không ban sức mạnh để thay đổi mọi sự, nhưng nó làm cho chúng ta có khả năng mặc ý nghĩa cho mọi sự, cả những gì vô nghĩa và như thế tốt hơn nhiều. Không luôn là chủ nhân của dòng đời mình, nhưng chúng ta có thể luôn là những chủ nhân của ý nghĩa chúng ta mặc cho chúng. Tự do của chúng ta có thể biến đổi bất cứ biến cố nào trong cuộc sống thành một biểu hiện của tình yêu, từ bỏ, tín thác, hy vọng và trao ban. Những hành động quan trọng nhất cũng như hiệu quả nhất của tự do không phải là những hành động qua đó, chúng ta biến đổi thế giới bên ngoài nhưng là những hành động mà nhờ đó, chúng ta thay đổi thái độ nội tâm của mình trong ánh sáng đức tin, rằng, Thiên Chúa có thể rút điều lành ra từ mọi sự mà không có trường hợp nào ngoại lệ. Đây là nguồn mạch của những phong phú vô tận. Cuộc sống chúng ta không còn mang trong mình bất cứ điều gì tiêu cực, tầm thường hay dửng dưng nữa. Những điều tích cực trở thành lý do để tạ ơn và vui mừng; những điều tiêu cực là cơ hội để từ bỏ, tin tưởng và trao ban, mọi sự đều là hồng ân.



Vô vọng trong thử thách và Thử thách của vô vọng: Tự do tin, cậy, mến

Nhiều lúc trong cuộc sống, chúng ta thấy mình gặp phải những hoàn cảnh thử thách và khó khăn tác động đến bản thân hoặc ai đó mà chúng ta yêu mến. Chúng ta không thể làm gì. Tuy nhiên, dù cân nhắc và xét xem mọi khía cạnh của sự việc đến đâu, vẫn không có giải pháp. Cảm thức vô vọng và bất lực là một thử thách đau thương đặc biệt khi nó liên quan đến ai đó thiết thân với chúng ta, thấy người mình yêu thương gặp khó khăn mà không thể làm gì là một trong những điều đắng cay nhất. Nhiều bậc làm cha mẹ trải nghiệm điều đó. Khi con cái còn nhỏ, họ luôn có cách can thiệp, giúp đỡ. Khi chúng lớn lên, không còn để tai đến lời khuyên nữa… thật khủng khiếp khi thấy chúng nghiện ngập hoặc lao vào những cuộc tình huỷ hoại. Muốn giúp đỡ chúng thật nhiều, nhưng họ lại không thể. Những lúc như thế, ngay cả khi xem ra không còn cách nào can thiệp nữa, dẫu vậy, cứ tự nhủ, chúng ta vẫn có thể tiếp tục tin, cậy, mến. Chúng ta tin Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi con cái mình và lời cầu nguyện của chúng ta sẽ sinh hoa kết trái đúng thời đúng buổi. Chúng ta có thể cậy trông vào sự trung thành và sức mạnh của Thiên Chúa đối với mọi sự. Chúng ta có thể yêu bằng cách tiếp tục mang con người đó trong tâm hồn và lời cầu nguyện của chúng ta, tha thứ cho người đó và tha cả những lỗi lầm người đó phạm; đồng thời, biểu lộ yêu thương bằng mọi cách chúng ta có, bao gồm tin tưởng, quên mình và tha thứ. Càng không có các phương tiện, tình thương của chúng ta càng tinh tuyền và cao quý. Cả khi bên ngoài không làm được gì, nhưng chúng ta vẫn còn tự do nội tâm để tiếp tục yêu thương. Dù bi đát đến đâu, vẫn không hoàn cảnh nào có thể cướp mất điều đó khỏi chúng ta.

Đối với chúng ta, đây phải là một bảo chứng giải thoát đầy an ủi giữa cơn thử thách của sự bất lực. Cả khi chúng ta không thể làm gì, miễn là vẫn tin, cậy, mến thì một điều gì đó vẫn đang diễn ra sẽ sinh hoa kết trái không sớm thì muộn đúng thời đúng buổi của lòng nhân từ Thiên Chúa. Tình yêu, dù bị tước mất các phương tiện và xem ra bất lực vẫn luôn luôn sinh hoa kết trái. Nó không thể khác hơn bởi vì đó là một sự thông phần vào hữu thể và sự sống của Thiên Chúa. “Trông cậy như thế, chúng ta không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà người ban cho chúng ta”.47

4. CHẤP NHẬN NGƯỜI KHÁC



Bằng lòng với những đau khổ do người khác gây ra

Trước đây, chúng ta đã nói về việc chấp nhận khó khăn với ý muốn tốt lành thay vì gồng mình chống lại chúng. Ý tưởng này cũng có thể áp dụng cho những khó khăn dấy lên do lỗi lầm của một người khác. Vậy thì, chúng ta phản ứng thế nào trước những đau thương gây nên bởi những người chung quanh? Cách ứng xử cũng phải giống chính xác như vậy, chúng ta bằng lòng với chúng.

Một lần nữa, đó không phải là vấn đề trở nên hoàn toàn thụ động. Một đôi khi, chúng ta phải đối mặt với ai đó mà hành động của họ làm chúng ta đau khổ hầu giúp họ nhận ra điều đã làm và dàn xếp cho ổn thoả. Cũng thế, đôi lúc chúng ta có trách nhiệm phản ứng kiên quyết chống lại những hoàn cảnh bất chính để bảo vệ chính mình hay người khác trước những hành động tác hại. Thế nhưng, vẫn luôn luôn còn đó một số đau thương phát xuất từ những người xung quanh mà chúng ta không thể tránh cũng không thể sửa đổi. Và rồi, chúng ta được mời gọi chấp nhận nó với lòng cậy trông và tha thứ.

Chấp nhận loại đau khổ đó thì khó hơn chấp nhận những khó khăn vật chất. Một người đàn ông có thể dễ dàng chấp nhận bỏ lỡ một cuộc hẹn do xe hỏng hơn là do bởi vợ anh ta nướng một giờ trên điện thoại với một người bạn. Chúng ta thấy tự do của người khác đang khi họ hành động trong những sai lầm của họ và nhận ra rằng, họ có thể hành động khác đi nếu họ muốn.

Dù khó mấy đi nữa, chúng ta cũng cần học cách tha thứ cho người khác khi họ làm chúng ta đau khổ hay thất vọng và thậm chí học cả cách chấp nhận những rắc rối họ gây ra cho chúng ta như những ân sủng và phúc lành. Thái độ này không bộc phát cũng không tự nhiên mà có, nhưng đó là thái độ duy nhất, qua đó, chúng ta mới đạt được bình an và tự do nội tâm.

Thừa nhận những khác biệt tính khí

Khi người khác gây đau khổ cho chúng ta, chúng ta không nên tự động xét ý trái cho họ, dù đó là điều chúng ta có khuynh hướng làm. Nhiều vấn đề giữa cá nhân với nhau mà chúng ta vội phê phán là sai trái đạo đức, nhưng nhiều khi, đơn thuần chỉ là những khúc mắc và hiểu lầm trong giao tiếp. Cách biểu lộ chính mình và thổ lộ tâm lý không ai giống ai khiến cho việc nhận ra ý định thật sự của nhau trở nên khó khăn.

Người ta có những tính khí và cách nhìn nhận sự việc rất khác nhau, đôi lúc rất mâu thuẫn và đó là điều cần được nhận ra cũng như vui vẻ chấp nhận. Người thích sắp xếp mọi thứ đâu vào đó sẽ bực tức vì một chút vô trật tự nào đó. Người khác cảm thấy ngột ngạt khi mọi thứ quá ngăn nắp và nghiêm chỉnh. Những người yêu thích trật tự cảm thấy bị đe doạ bởi bất cứ ai đặt không đúng chỗ một vật dù bé nhỏ nhất; người có tính khí ngược lại cảm thấy bị tấn công bởi bất cứ ai khăng khăng đòi sự gọn gàng tuyệt đối. Chúng ta nhanh chóng gán những phán đoán luân lý cho một thái độ như thế và gọi những gì làm chúng ta hài lòng là “tốt” và cái làm chúng ta phật lòng là “xấu”. Các ví dụ thì có thừa. Chúng ta phải cẩn thận, đừng biến gia đình và cộng đoàn mình thành những vùng chiến tranh vĩnh viễn bị phân rẽ thành những người bảo vệ trật tự và những người bảo vệ tự do; người ủng hộ đúng giờ, người ủng hộ dễ dãi; người yêu chuộng hoà bình và lặng lẽ, người lại thích cởi mở; người dậy sớm, kẻ thức khuya; người lắm chuyện, kẻ lầm lì…và vân vân. Chúng ta cần chấp nhận người khác đúng như họ là họ. Hãy biết lối tiếp cận và các giá trị của họ không như của chúng ta. Hãy để tâm trí chúng ta mở ra và lòng chúng ta hoá nên mềm mại đối với họ.

Thật không dễ. Điều đó có nghĩa là nhìn sự khôn ngoan của riêng mình trong những điều kiện tương đối để trở nên nhỏ bé và khiêm tốn. Phải học từ bỏ tính tự phụ cho mình là đúng vốn thường ngăn cản chúng ta đi vào ý nghĩ của người khác; sự từ bỏ đó đôi lúc đòi hỏi chết đi với bản thân. Điều đó thật là khó.

Nhưng chúng ta đứng vững để đạt được mọi sự bằng cách đó. May mắn thay, cái nhìn của người khác mâu thuẫn với cái nhìn của chúng ta, vì như thế, chúng ta có cơ hội thoát khỏi đầu óc hẹp hòi của mình và mở lòng đón nhận các giá trị khác. Tôi đã sống trong cộng đoàn hai mươi lăm năm và có lẽ đã nhận thật nhiều từ những người tôi thấy khó tiếp xúc hơn là từ những người tôi thấy hợp ý. Những người tôi thấy khó tiếp xúc đã mở những chân trời hiểu biết của tôi ra trước những giá trị khác; nhưng nếu tôi chỉ gặp những người đồng tình với mình, có lẽ tôi đã không bao giờ thoáng thấy bất cứ một chân trời mới nào.

Một vài suy tư về sự tha thứ

Dĩ nhiên có những trường hợp là do lỗi lầm thực sự từ phía người khác khiến chúng ta phải đau khổ. Vậy thái độ đúng đắn không phải là việc thấu hiểu trong việc chấp nhận những khác biệt, nhưng sẽ là một điều gì đó đòi hỏi lắm nỗ lực và khó khăn hơn nhiều: tha thứ.

Nền văn minh hiện đại không đánh giá cao sự tha thứ. Thông thường, nó bào chữa cho sự phẫn uất và trả thù. Nhưng điều đó có làm giảm đi sự dữ trên thế gian không? Cách duy nhất để giảm nhẹ đau khổ chất lên vai nhân loại chính là sự tha thứ.

Khi công bố sự tha thứ và yêu thương kẻ thù, Giáo Hội ý thức về việc thêm vào di sản tinh thần của toàn thể nhân loại một mô thức tương quan mới giữa con người với con người; một mô thức khó khăn, chắc chắn rồi, nhưng là một mô thức tràn trề hy vọng. Theo mô thức này, Giáo Hội biết mình có thể cậy dựa vào sự trợ giúp của Chúa, Đấng không bao giờ bỏ rơi những ai tìm đến Người lúc khó khăn. “Đức Mến không phẫn uất” (1Cr 13, 5). Bằng những lời này trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô Tông Đồ gợi lại rằng, tha thứ là một trong những hình thức thực hành đức ái cao nhất.48

Đây không phải là nơi để khai triển chủ đề tha thứ vốn căn bản nhưng rất phức tạp. Tuy nhiên, cần lặp đi lặp lại rằng, nếu chúng ta không hiểu tầm quan trọng của tha thứ và thực hành tha thứ trong các tương quan giữa chúng ta với người khác, chúng ta sẽ không bao giờ đạt được tự do nội tâm nhưng sẽ luôn luôn là những tù nhân của nỗi đắng cay của mình.

Khi từ chối tha thứ cho người đã tác hại mình, chúng ta thêm một sai lầm khác vào sai lầm đầu tiên. Điều đó không giải quyết được gì. Chúng ta đang gia tăng sự dữ trên thế gian vốn đã khá đủ như nó đã quá đủ. Đừng tham gia vào việc lan truyền sự dữ. Thánh Phaolô dạy chúng ta, “Đừng để sự dữ thắng được mình, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ”.49

Đó là những điều cần ghi lòng tạc dạ nếu chúng ta muốn tháo bỏ những rào cản khiến tha thứ trở nên khó khăn, thậm chí không thể.

Tha thứ khác với sự dung túng sai lỗi

Đôi lúc chúng ta nghĩ, dù ý thức hay trong tiềm thức, tha thứ cho ai sai phạm đối với chúng ta có nghĩa là giả vờ coi người đó không làm gì sai - gọi ác là thiện hay dung túng một hành vi bất công.

Thế nhưng, tha thứ không có nghĩa như thế. Chân lý không thể bị coi thường. Tha thứ có nghĩa là nói rằng: “Người này đã làm hại tôi, nhưng tôi không muốn kết án họ; tôi không muốn đồng hoá người đó với lỗi lầm của anh ta, của chị ta; tôi không muốn nắm giữ công lý trong tay mình. Thiên Chúa là Đấng duy nhất ‘dò thấu lòng dạ’50 và ‘xét xử công bình’, tôi giao cho Người việc cân đo hành động của người này và đưa ra phán quyết. Đó là một nhiệm vụ khó khăn và tế nhị thuộc về Thiên Chúa, tôi không muốn mang gánh nặng đó vào mình. Ngoài ra, tôi không muốn vượt qua cuộc phán xét cuối cùng mà không khẩn cầu cho người làm tổn thương tôi. Tôi muốn nhìn người đó bằng đôi mắt hy vọng bởi tôi tin một điều gì đó có thể lớn lên và thay đổi người đó và tôi tiếp tục ước muốn sự tốt lành của người đó. Tôi cũng tin rằng, từ sự dữ người đó gây ra cho tôi, cả khi theo cái nhìn loài người, nó không thể chữa lành thì Thiên Chúa vẫn có thể rút ra sự lành…”. Cuối cùng, chúng ta có thể tha thứ cho người khác chỉ vì Đức Kitô đã chỗi dậy từ kẻ chết; sự Phục Sinh của Ngài là bảo chứng việc Thiên Chúa có thể chữa lành mọi sai lầm và mọi vết thương.

Xích xiềng của sự phẫn uất

Theo một nghĩa nào đó, khi tha thứ cho một ai, chúng ta làm điều lành cho người đó bằng việc huỷ một khoản nợ, chúng ta lại mưu ích rất nhiều cho chính mình. Chúng ta tái khám phá một sự tự do có nguy cơ bị đánh mất do phẫn uất và những cảm giác đau thương.

Tự do có thể bị giảm thiểu bởi những bám víu quá mạnh mẽ, bởi sự phụ thuộc vào một ai đó mà chúng ta quá yêu mến (yêu cách sai lầm), người không thể thiếu đối với chúng ta đến nỗi chúng ta phần nào đánh mất tính tự trị của mình. Nhưng từ chối tha thứ cũng buộc trói chúng ta với người chúng ta phẫn uất, nó cũng làm suy giảm hay huỷ hoại tự do của mình. Chúng ta phụ thuộc vào những người chúng ta ghét cũng như vào những người chúng ta yêu một cách không cùng tỷ lệ. Khi nung nấu lòng căm phẫn một ai, chúng ta không thể thôi nghĩ về người đó. Chúng ta nặng lòng với những cảm thức tiêu cực vốn ngốn hết phần lớn năng lượng của mình và vì thế, chúng ta “đầu tư” vào một tương quan vốn không để chúng ta sẵn sàng về mặt tâm lý và tinh thần cho những điều cần tập trung. Căm phẫn tấn công những năng lực sống cũng như gây ra nhiều tổn hại cho chúng ta. Khi ai đó làm chúng ta đau khổ, khuynh hướng của chúng ta là làm cho điều sai trái đó sống mãi trong ký ức như tờ “hóa đơn” chính mình tạo ra đã đến ngày phải thanh toán. Những tấm hóa đơn tích lũy đó, rốt cuộc, lại đầu độc cuộc sống chúng ta. Sẽ khôn ngoan hơn khi chúng ta huỷ đi từng món nợ như Tin Mừng mời gọi. Đối lại, chúng ta sẽ được tha thứ mọi sự và tâm hồn sẽ được giải thoát. Trái lại, việc nuôi dưỡng lòng căm phẫn đối với người khác sẽ khép kín chúng ta trước những điều tích cực mà họ có thể đóng góp cho chúng ta.

Anh em đong bằng đấu nào thì sẽ được đong lại bằng đấu ấy”

Một trong những đoạn văn hay nhất của Tin Mừng là Luca chương 6, câu 27-38. Đó là đoạn căn bản chỉ cho chúng ta thái độ phải có đối với kẻ khác.

Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em… Ai lấy cái gì của anh em thì đừng đòi lại. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ơn và quân độc ác. Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán thì anh em sẽ không bị xét đoán. Anh em đừng lên án thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đã dằn, đã lắc và đầy tràn đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.

Những lời này thật rất đòi hỏi, nhưng chúng ta cần hiểu đòi hỏi đó như một “quà tặng” kỳ diệu mà Thiên Chúa muốn trao ban cho chúng ta. Thiên Chúa đưa ra những lệnh truyền và những lời này vốn hàm chứa một lời hứa, Người có thể biến đổi tâm hồn chúng ta đến mức chúng có thể yêu thương bằng một tình yêu tinh tuyền, trao ban cách nhưng không và vô vị lợi như chính tình yêu của Người. Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta món quà tha thứ như chỉ mình Người mới có thể làm và như thế, biến chúng ta nên giống Người.

Chúng ta có thể nói, toàn bộ mầu nhiệm cứu chuộc của chúng ta trong Đức Kitô qua sự nhập thể, cái chết và phục sinh của Ngài bao gồm cuộc trao đổi kỳ diệu này. Trong tâm hồn Đức Kitô, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta một cách rất người để làm cho tâm hồn con người có thể yêu thương như Thiên Chúa. Thiên Chúa trở thành con người để con người có thể trở thành Thiên Chúa - có thể yêu thương như chỉ Thiên Chúa mới có thể yêu, một tình yêu tinh tuyền, mãnh liệt, trìu mến và nhẫn nại khôn cùng vốn chỉ Thiên Chúa mới có.51Đó là một nguồn suối kỳ diệu của niềm hy vọng và niềm an ủi lớn lao khi chúng ta biết rằng, nhờ ân sủng của Chúa đang hoạt động trong chúng ta (nếu chúng ta vẫn mở lòng ra đón nhận ân sủng bằng cách kiên vững trong đức tin, cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích), Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi và mở rộng cõi lòng chúng ta đến mức một ngày nào đó, làm cho chúng có thể yêu như Thiên Chúa yêu.

Cần lưu ý, đoạn Tin Mừng vừa trích kết thúc với một trong những quy luật căn bản của đời sống thiêng liêng - thực sự là của đời sống trần tục, “Anh em đong bằng đấu nào thì sẽ được đong lại bằng đấu ấy”. Xét theo mặt chữ, câu này đơn giản có nghĩa là, Thiên Chúa sẽ ban thưởng cách quảng đại cho những ai yêu thương và tha thứ cách quảng đại, Người sẽ trao phần thưởng nhỏ hơn cho những ai có thái độ hẹp hòi với người khác. Nhưng câu đó có một ý nghĩa sâu xa hơn. Thiên Chúa không trừng phạt bất kỳ ai, nhưng người ta trừng phạt chính mình. Tin Mừng diễn tả một “quy luật” thuộc về con người, những ai từ chối tha thứ, từ chối yêu thương, sớm muộn gì cũng sẽ trở thành nạn nhân của sự thiếu yêu thương đó. Sự dữ chúng ta làm cho người khác hoặc mong cho người khác, rốt cuộc, sẽ quay lại chống chúng ta. Những ai khắt khe với tha nhân sẽ phải chịu đựng nỗi khắt khe đó. Những xét đoán, nghi ngờ, khước từ hay căm phẫn giam hãm chúng ta trong một mạng lưới vốn sẽ bóp nghẹt chúng ta. Những khát vọng cái tuyệt đối, cái vô biên sâu xa nhất của chúng ta sẽ bị chặn lại và không được thoả mãn, bởi lẽ, việc thiếu lòng nhân từ với người khác đã khép kín chúng ta trong một thế giới của tính toán và tư lợi. Đây là một quy luật bất di bất dịch, “Anh sẽ không ra khỏi đó cho đến khi trả xong đồng xu cuối cùng”.52

Tha thứ giải thoát chúng ta khỏi lời nguyền đó. Việc huỷ bỏ những món nợ mà sự tha thứ mang lại làm cho mối tương quan với người khác, dựa trên nền tảng cho và nhận cách nhưng không vốn cần thiết cho tình yêu chân thật trở nên khả thi. Không ai trong chúng ta có thể sống mà không có tình yêu chân thật.

Khi tâm hồn cảm thấy tù túng, thông thường, chúng ta không cần phải tìm kiếm lý do nào khác ngoài lý do này: chúng ta đang khước từ yêu thương và tha thứ cách quảng đại. Quảng đại trong yêu thương và tha thứ làm chúng ta trở nên “con cái của Đấng Tối Cao”, giải thoát chúng ta để chúng ta khám phá đại dương tình yêu và sự sống vô biên của Thiên Chúa, nơi mà những khát vọng thâm sâu nhất của tâm hồn chúng ta sẽ được thoả mãn một ngày nào đó. Isaia dạy chúng ta, nếu ngươi yêu thương người thân cận của mình, “bấy giờ, ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương của ngươi sẽ mau lành… Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm, như mạch suối không cạn nước bao giờ”.53

Làm thế nào lỗi lầm của người khác có thể mưu ích cho chúng ta

“Không phải mọi sự xấu đều xấu”. Thái độ xấu của những người chung quanh gây đau khổ cho chúng ta mang lại một số lợi ích nào đó!

Trong tương quan với người khác, lẽ tự nhiên, chúng ta tìm kiếm điều mình thiếu thốn, đặc biệt những gì chúng ta thiếu trong tuổi thơ. Những bất toàn của người khác, những thất vọng họ gây ra cho chúng ta buộc chúng ta phải thiết lập với họ một mối tương quan vốn không bị giới hạn vào cuộc tìm kiếm vô thức thoả mãn những nhu cầu của mình, nhưng làm sao để nó hướng đến việc trở nên tinh tuyền và vô vị lợi như tình yêu Thiên Chúa, “Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.54

Những bất toàn đó cũng giúp chúng ta không tìm nơi những người khác hạnh phúc, sự sung mãn và thoả mãn, là những gì chúng ta chỉ có thể tìm thấy nơi Thiên Chúa. Vì thế, chúng mời gọi chúng ta “cắm rễ” trong Thiên Chúa. Từ những thất vọng trong tương quan với người mà chúng ta mong đợi nhiều (có lẽ quá nhiều) có thể dạy chúng ta chìm sâu hơn trong việc cầu nguyện, chìm sâu trong tương quan với Thiên Chúa và hướng về Người để tìm sự sung mãn, bình an và an toàn vốn chỉ tình yêu vô cùng của Người mới có thể bảo đảm được. Những thất vọng trong tương quan với người khác buộc chúng ta phải vượt qua thứ tình yêu “ngẫu tượng” để đi đến với một tình yêu thực sự, tự do và hạnh phúc. Cuộc tình lãng mạn sẽ luôn bị đe dọa bởi những nỗi thất vọng. Đức mến thì không bao giờ như thế vì “nó không khăng khăng theo ý mình”55hay tìm tư lợi riêng mình.



Chúng ta không mất mát gì khi bị người khác xúc phạm

Một trong những trở ngại lớn nhất cho việc tha thứ là cảm giác rằng cách cư xử của người khác đã tước khỏi chúng ta một điều gì đó thật quan trọng, thậm chí mang tính sống còn. Cảm giác bối rối này nuôi dưỡng lòng căm phẫn. Vấn đề ở đây có thể là vật chất, tình cảm, luân lý (không nhận được tình thương hay lòng kính trọng mà lẽ ra tôi phải có .v.v..), hay ngay cả tinh thần (thái độ của người đứng đầu cộng đoàn làm cho đời sống thiêng liêng của tôi không phát triển như nó phải…).

Để sống bình an, cả khi chính những người xung quanh làm chúng ta đau khổ, chúng ta vẫn phải có một cái nhìn mới mẻ và tận căn vào sự thất đoạt của mình. Nó không giống với thực tế. Những lỗi lầm của người khác không tước khỏi chúng ta điều gì. Chúng ta không có lý do chính đáng nào để căm phẫn họ hay hành động của họ.

Trên bình diện vật chất, dĩ nhiên, người khác có thể lấy đi nhiều thứ nơi chúng ta. Nhưng không phải là những gì thiết yếu, lợi ích đích thực và bền vững duy nhất: tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta và tình yêu chúng ta có thể dành cho Người qua sự trưởng thành nội tậm mà nó tạo ra. Không ai có thể ngăn cản chúng ta tin vào Thiên Chúa, hy vọng vào Người, yêu mến Người mọi nơi trong mọi hoàn cảnh.

Tin, cậy, mến làm cho con người trở nên người viên mãn. Mọi sự khác đều là thứ yếu và tương đối; cả khi chúng ta bị tước mất khỏi nó thì đó vẫn không phải là sự dữ tuyệt đối. Bên trong chúng ta vẫn còn một điều gì đó không thể huỷ hoại vốn được tình yêu và sự sung mãn của Thiên Chúa bảo đảm. “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì… Dù qua thung lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm”.56

Thay vì lãng phí thời gian và năng lượng để đổ lỗi cho những người khác về những gì không suôn sẻ hoặc khiển trách họ về những gì chúng ta nghĩ họ đang tước đoạt khỏi chúng ta, chúng ta nên cố gắng đạt cho được một sự tự trị thiêng liêng bằng cách đào sâu tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa, suối nguồn vô tận duy nhất của mọi sự lành và lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến vô vị lợi. Vì rằng, sự việc những người khác là tội nhân không thể ngăn cản chúng ta trở nên những vị thánh. Không ai có thể thực sự lấy khỏi chúng ta bất cứ điều gì. Vào cuối đời, khi diện đối diện với Thiên Chúa, thật là trẻ con khi chúng ta đổ lỗi cho người khác rằng, vì họ mà chúng ta không lớn lên được trên đường thiêng liêng.



Cạm bẫy của sự dửng dưng

Đôi lúc chúng ta đặc biệt lo lắng về những bất trắc chung quanh, trong cộng đoàn, gia đình, hay phạm vi giáo xứ của mình. Chúng ta bị cám dỗ nản lòng và bỏ cuộc. Đó là lúc chúng ta phải nói với chính mình: Dù bất cứ điều gì xảy ra, bất cứ lỗi lầm hay sai trái nào mà người này hay người kia phạm phải, thì điều đó vẫn không cướp khỏi chúng ta điều gì cả. Thậm chí cả khi chúng ta sống giữa những người sai phạm những tội luân lý từ sáng tới tối, điều đó vẫn không thể ngăn cản chúng ta yêu mến Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Nó cũng không tước khỏi chúng ta bất kỳ quà tặng thiêng liêng nào hay cản trở chúng ta tiến tới tình yêu sung mãn. Chung quanh chúng ta, thế giới có thể sụp đổ, nhưng nó không cướp khỏi chúng ta khả năng cầu nguyện, đặt mọi tin tưởng vào Thiên Chúa và yêu mến.

Điều này không có nghĩa là khép mình trong tháp ngà và dửng dưng trước những gì diễn ra chung quanh hoặc trở nên thụ động. Khi gặp các vấn đề, chúng ta nên tìm cách giải quyết và cố gắng xem Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta điều gì. Chúng ta có nên can thiệp không? Chúng ta có thể làm điều gì đó tích cực chăng? Nếu câu trả lời là có, thì sẽ là một tội khi không làm gì cả.

Nhưng nếu mọi sự diễn ra không mấy tốt đẹp chung quanh chúng ta, thì cần thiết hơn cả là duy trì tự do của mình để cậy trông nơi Thiên Chúa và cứ vui vẻ và nhiệt tâm phụng sự Người. Ma quỷ thường tìm cách làm nản lòng chúng ta và làm cho chúng ta không còn thấy hớn hở khi phụng sự Thiên Chúa. Một trong những phương tiện mà nó sử dụng cách riêng là khiến chúng ta lo lắng về mọi thứ vốn không tốt đẹp đang xảy ra chung quanh mình. Chẳng hạn, giả như chúng ta sống trong cộng đoàn. Để làm cho chúng ta mất năng lực và năng lượng thiêng liêng, ma quỷ sẽ dẫn chúng ta đến chỗ chú tâm đến một loạt chuyện tiêu cực - thái độ bất công của những người đảm trách, lỗi lầm của anh chị em, sự thiếu nhiệt tâm, sai trái của họ (đôi lúc thậm chí những sai lầm nghiêm trọng) .v.v.. Sức nặng của lo lắng, bất an, buồn bã và thất vọng sẽ làm suy yếu sinh lực thiêng liêng của chúng ta. Ích gì với những nỗ lực cầu nguyện và quảng đại của chúng ta đang khi bao vấn đề như thế này nảy sinh? Đó là một bước ngắn dẫn đến sự lãnh đạm. Chúng ta phải lột mặt nạ cám dỗ này và nói, “Dù điều gì xảy ra, tôi vẫn không mất mát gì. Tôi cần giữ lấy lòng nhiệt tâm, tiếp tục yêu mến Thiên Chúa và cầu nguyện hết lòng; yêu mến những người tôi cùng sống, cả khi tôi không biết sự việc rồi ra thế nào. Tôi sẽ không phí phạm thời giờ và sẽ không có gì sai lỗi để cố gắng yêu thương. Tình yêu sẽ không bao giờ vô hiệu. Thánh Gioan Thánh Giá nói, “Nơi đâu không có tình yêu, hãy gieo rắc tình yêu và bạn sẽ gặt hái tình yêu”.57

Nếu các vấn đề làm chúng ta buồn bã và mất nhuệ khí, chúng ta không giải quyết được gì, chỉ việc làm vấn đề rối thêm. Nếu tội lỗi của những người chung quanh làm chúng ta bực tức và thất vọng, chúng ta đang tiếp tay cho sự dữ lan tràn nhanh hơn đó. Điều dữ chỉ bị đánh bại bởi điều lành và chúng ta chỉ có thể đặt dấu chấm hết cho việc lan tràn tội lỗi bằng sự nhiệt thành, vui tươi và hy vọng; đồng thời làm mọi việc lành chúng ta có thể làm hôm nay mà không lo lắng về ngày mai.

Tổn hại thực sự không ở bên ngoài nhưng ở bên trong chúng ta

Lúc chiến đấu, phải lưu ý đến sự hoán cải, nhưng không phải là sự hoán cải của tha nhân mà là của chúng ta. Chỉ khi nào nghiêm túc xem xét sự hoán cải của mình, may ra chúng ta mới thấy tha nhân hoán cải. Quan điểm này thật thực tế và đầy phấn khích. Chúng ta thực sự ảnh hưởng rất ít trên người khác và những nỗ lực thay đổi họ cũng không có nhiều cơ may thành công vì hầu như lúc nào chúng ta cũng muốn họ thay đổi theo tiêu chuẩn và mục đích của mình hơn là của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu bận tâm trước hết đến việc hoán cải chính mình, chúng ta có nhiều hy vọng tạo nên một sự đổi thay. Tìm cách đổi mới tâm hồn mình thì tốt hơn tìm cách thay đổi thế giới hay Giáo Hội. Mọi người sẽ hưởng lợi.

Chúng ta hãy đặt chính mình trước câu hỏi này, “Trong mức độ nào, sự dữ của môi trường chung quanh có thể ảnh hưởng đến tôi?”. Bằng cách xin lỗi những người tôi sắp xúc phạm, tôi nói rằng sự dữ chung quanh tôi - tội lỗi của người khác, của những người ở trong Giáo Hội, của xã hội - không trở nên sự dữ cho tôi trừ phi tôi để nó thâm nhập vào tâm hồn mình.

Không phải chúng ta nên dửng dưng nhưng hoàn toàn ngược lại. Càng thánh thiện, chúng ta càng đau khổ vì tội lỗi và sự dữ trên thế gian. Nhưng sự dữ bên ngoài chỉ làm hại chúng ta theo mức độ chúng ta xử tệ với nó bởi lo lắng, sợ hãi, thất vọng, buồn bã, đầu hàng, lao mình áp dụng những giải pháp cấp thời vốn không giải quyết được gì, đoán xét, nung nấu cay đắng và căm phẫn, từ chối thứ tha .v.v.. Đức Giêsu nói trong Tin Mừng Marcô, “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra là cái làm cho con người ra ô uế”.58Thiệt hại không đến với chúng ta từ những hoàn cảnh bên ngoài, nhưng từ cách thức chúng ta phản ứng bên trong. “Điều làm tâm hồn chúng ta hư hoại không phải là những gì xảy ra bên ngoài nhưng là tiếng dội mà nó đánh thức bên trong chúng ta”.59Tổn hại mà người khác gây ra cho tôi không bao giờ nảy sinh từ họ, nó đến từ tôi. Tổn hại có chăng do chỉ mình tự giáng hoạ cho mình, các Giáo Phụ nói đã từ lâu.



Sự đồng loã của chúng ta gia tăng tổn hại

Khi quá chú tâm vào một chuyện sai lầm nào đó, chúng ta biến nó thành chủ đề đối thoại nổi cộm của mình và rốt cuộc, cung cấp thêm chất liệu cho sự dữ nhiều hơn là chính nó. Hối tiếc về sự dữ đôi lúc chỉ làm cho nó mạnh mẽ thêm. Gần đây, tôi nghe một linh mục nói, “Tôi sẽ không dành cuộc đời mình cho việc lăng mạ tội lỗi. Điều đó sẽ chỉ làm vinh danh nó. Tốt hơn, tôi khuyến khích làm điều lành hơn là kết án sự dữ”; và tôi nghĩ, ngài đúng. Đây không phải là thái độ đà điểu rúc đầu xuống cát mà là sự lạc quan của đức mến, “Đức mến không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”.60

Khi chúng ta ra sức thăng tiến bản thân cách vững chắc và hiệu quả bằng việc hiến trao chính mình hoàn toàn cho sự thiện bất chấp những khiếm khuyết của bản thân; như thế, chúng ta cũng giúp người khác cảm nghiệm sự hoán cải và tiến bộ qua việc khuyến khích họ tiến lên trong những khía cạnh tích cực của đời họ hơn là kết án những lỗi lầm của họ. Điều thiện thì chân chính hơn điều ác và nó có sức thắng điều ác.

Đôi lúc chúng ta cảm nghiệm một sự thoả mãn đầy dã tâm trong việc truy tìm và phơi bày một sai lầm nào đó. Một nỗi căm phẫn và cay đắng dấy lên từ sự trống rỗng thiêng liêng bên trong và chúng ta cảm thấy sự hụt hẫng do nó gây ra. Thông thường, người hay chỉ trích nhất là những người có đời sống thiêng liêng trống rỗng nhất. Người ta tự hỏi liệu có phải họ tự tạo ra kẻ thù cho mình để sống chung với chúng?



Sự dữ đến điền vào chỗ trống

Cả một biển sự dữ, thù ghét, bạo lực và dối trá vây hãm Đức Giêsu. Trái tim Ngài tan nát, bị đâm thâu và Ngài đau khổ hơn bất cứ ai đã từng đau khổ; thế nhưng, điều xấu dành cho Ngài không thể thẩm thấu vào Ngài bởi tâm hồn Ngài tràn ngập niềm tin vào Chúa Cha, Ngài phó mình và hiến dâng trong yêu thương. Chúng ta “phải dõi bước theo Ngài…, bị nguyền rủa, Ngài không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe”.61Cũng thế, Đức Maria dưới chân thập giá, Mẹ uống chén đắng nhưng tâm hồn Mẹ vẫn tinh tuyền. Tâm hồn Mẹ không lo sợ, không nổi loạn, không thù hiềm, chẳng thất vọng nhưng chỉ chấp nhận, thứ tha và cậy trông.

Nếu lầm lỗi của những người khác mắc phải thẩm thấu tâm hồn chúng ta, lý do là vì chúng tìm được chỗ ở đó. Nếu đau khổ làm chúng ta đắng cay, rầu rĩ thì đó là vì tâm hồn chúng ta thiếu vắng tin cậy mến. Nhưng nếu tâm hồn chúng ta tràn ngập niềm phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, tình yêu dành cho Người và tha nhân, thì sự dữ, đau khổ và tổn hại đâu còn chỗ. Thánh Maximilian Kolbe chết trong phòng hơi ngạt ở Auschwitz, nhưng tâm hồn ngài vẫn tinh tuyền và vô tì tích trong chốn địa ngục đó bởi ngài không cảm thấy thù hằn những kẻ hành hình và bằng lòng hiến dâng mạng sống vì tình yêu. Cha Maximilian Kolbe và các bạn đồng hành của ngài đã hát bài Magnificat khi sắp chết. Họ đã chinh phục sự ác bằng sự lành.

Không thể một sớm một chiều chúng ta đạt được khả năng giữ cho mình không để sự dữ chạm đến. Đó là hoa trái của ân sủng và của một tiến trình chinh phục bản thân dài lâu, nhờ đó chúng ta được lớn lên trong các nhân đức đối thần. Đó là một khía cạnh của sự trưởng thành thiêng liêng, là quà tặng đến từ Thiên Chúa hơn là từ những kết quả nỗ lực của mình. Nhưng quà tặng này sẽ được ban cách nhanh chóng hơn, vững chắc hơn khi chúng ta nỗ lực hơn để có nó, càng ước ao nó và càng ra sức thực hành những thái độ được mô tả ở đây: cắm rễ sâu trong Thiên Chúa ngang qua lòng tin và sự cầu nguyện, không lên án người khác và những bất ưng trong cuộc sống và thôi coi mình là nạn nhân; quyết tâm gánh lấy trách nhiệm và chấp nhận cuộc sống như chúng là vậy; sử dụng khả năng hiện tại của mình để tin yêu và hy vọng tràn trề trong từng phút giây.



Tự do vương giả của con cái Thiên Chúa

Trong bí tích Rửa Tội, dầu thơm tho ngạt ngào ghi dấu trên chúng ta như dấu chỉ của một tính cách mới: bằng sự thông hiệp với Đức Kitô, mỗi chúng ta là tư tế, ngôn sứ và vương đế. Chúng ta là vương đế vì chúng ta là con và là người thừa kế của Vua trời đất; ở đây còn có nghĩa chúng ta không phải tuỳ thuộc vào điều gì và mọi sự phải tuỳ thuộc vào chúng ta. Đây là những gì xảy đến với chúng ta khi chúng ta để ân sủng của bí tích Rửa Tội hoạt động trong chúng ta, khi chúng ta sống như con cái Thiên Chúa trong tin, cậy, mến. Vâng, chúng ta biết đau khổ và u sầu, nhưng mọi sự diễn ra cốt để chúng ta lớn lên trong tình yêu và trong địa vị con cái Thiên Chúa của mình. Những gì xảy ra và cách người khác ứng xử không còn chạm đến chúng ta cách tiêu cực nữa; chúng chỉ có thể làm tăng thêm những gì thật sự tốt lành cho chúng ta, những gì cần thiết nhất để yêu thương.

Thánh Phaolô diễn tả ý nghĩa của sự tự do vương giả đó là đặc quyền của người Kitô hữu sống trong vòng tay của Chúa Cha khi ngài nói, “Mọi sự thuộc về anh em”; và ngài thêm, “Và anh em thuộc về Đức Kitô, còn Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa”.62Điều này cũng được thánh Gioan Thánh Giá diễn tả tuyệt vời trong “Prayer of the Soul in Love”, “Lời cầu nguyện của linh hồn yêu mến”.

Tại sao bạn do dự? Tại sao bạn phải đợi chờ? Vì từ giờ phút này, bạn có thể yêu mến Thiên Chúa trong tâm hồn mình. Tâm hồn tôi là trời, tâm hồn tôi là đất, tâm hồn tôi là các dân tộc, tâm hồn tôi là những người công chính, tâm hồn tôi là các tội nhân, tâm hồn tôi là các thiên thần và là Mẹ Thiên Chúa, mọi thứ là của tâm hồn tôi, chính Thiên Chúa thuộc về tâm hồn tôi và cho tôi; bởi Đức Kitô thuộc về tâm hồn tôi và hoàn toàn cho tôi. Vậy thì hỡi linh hồn tôi, ngươi còn đòi gì nữa, ngươi tìm kiếm gì nữa? Tất cả đều thuộc về ngươi và dành cho ngươi.63




tải về 0.62 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương