TỔ biên tập dự thảo nghị ĐỊnh quy đỊnh chi tiết một số ĐIỀu của luậT ĐẤu giá TÀi sảN



tải về 33.46 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.01.2018
Kích33.46 Kb.
#35954

BỘ TƯ PHÁP

TỔ BIÊN TẬP DỰ THẢO

NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA

LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Hà Nội, ngày tháng 2 năm 2017







BÁO CÁO

KINH NGHIỆM ĐẤU GIÁ TRỰC TUYẾN CỦA NƯỚC NGOÀI

Ngày 17/11/2016 Luật đấu giá tài sản được Quốc hội Khóa XIV kỳ họp thứ 2 thông qua với 8 chương, 81 điều có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản. Triển khai Luật đấu giá tài sản, ngày 18/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 65/QĐ-TTg ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu giá tài sản trong đó có nội dung hướng dẫn Điều 40 Luật đấu giá tài sản về đấu giá tài sản trực tuyến.

Tại Việt Nam, đấu giá tài sản trực tuyến qua mạng là mô hình còn khá mới mẻ chưa được nghiên cứu đầy đủ, đặc biệt là đấu giá tài sản bắt buộc phải bán thông qua đấu giá theo quy định pháp luật như tài sản nhà nước, tài sản thi hành án, tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu... Để thực hiện nhiệm vụ triển khai Luật đấu giá tài sản, xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật mang tính khả thi, phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam thì việc học hỏi kinh nghiệm nước ngoài là rất cần thiết. Thường trực Tổ biên tập Dự thảo Nghị định đã nghiên cứu, tham khảo, khảo sát một số mô hình đấu giá trực tuyến trên thế giới, trong đó, có một số nước Châu Á như Hàn quốc. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Thường trực Tổ biên tập xin báo cáo như sau:

1. Khái niệm và ưu điểm của đấu giá trực tuyến

Đấu giá trực tuyến là hình thức đấu giá cho phép người tham gia đấu giá các sản phẩm hoặc các dịch vụ thông qua Internet. Theo đó, người có tài sản đấu giá là cá nhân, tổ chức, sẽ ký hợp đồng thuê dịch vụ đấu giá trực tuyến với các công ty có hệ thống phần mềm đấu giá trực tuyến. Toàn bộ trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản như ký hợp đồng dịch vụ đấu giá, niêm yết, thông báo, trưng bày hàng hóa, nộp tiền đặt trước, tiền bảo lãnh, trả giá, ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, thanh toán tiền mua tài sản đều được tiến hành qua mạng.



Đấu giá trực tuyến mang lại nhiều tiện lợi như nhanh chóng tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, hạn chế việc thông đồng dìm giá, sai lệch kết quả đấu giá. Đấu giá trực tuyến không ràng buộc về mặt địa lý, những người bán hàng và những người đấu giá có thể tham gia đấu giá từ bất kì nơi nào có truy cập Internet. Đấu giá trực tuyến cho phép có nhiều người bán hàng bán nhiều loại tài sản đồng thời và cho phép hàng nghìn người cùng tham gia trả giá một lúc, qua đó giúp giảm chi phí. Đấu giá trực tuyến không ràng buộc thời gian, việc trả giá có thể thực hiện bất kì lúc nào. Các tài sản được trưng bày trong nhiều ngày theo yêu cầu của người bán để người mua có thời gian tìm kiếm, lựa chọn, quyết định và trả giá. Giá trị của tài sản sẽ được nâng lên theo số lượng người tham gia đấu giá. Số lượng người tham gia đấu giá càng đông thì càng tăng cơ hội tài sản bán được giá cao. Bên cạnh đó, đấu giá trực tuyến tạo thành mạng lưới kinh doanh rộng lớn. Số lượng người tham gia đấu giá đông sẽ khuyến khích có thêm nhiều người bán, ngược lại số lượng người bán tăng sẽ kéo theo số lượng người tham gia đấu giá càng đông. Càng có nhiều hoạt động thì hệ thống càng lớn mạnh và mô hình kinh doanh càng trở nên có giá trị cho những người tham gia. Do vậy, các mạng đấu giá trực tuyến ngày càng thu hút được nhiều người tham gia mua và bán đấu giá, có phạm vi hoạt động rộng lớn, thậm chí xuyên quốc gia và đạt doanh thu ngày càng cao.

2. Phân loại mô hình tổ chức đấu giá trực tuyến

Có thể nói, đấu giá tài sản trực tuyến đã rất phát triển ở nhiều nước trên thế giới như châu Âu (Anh, Pháp..), Châu Mỹ (Mỹ, Ca-na-đa..) và một số nước Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản... Qua nghiên cứu cho thấy, trên thế giới hiện nay, cơ bản có 3 mô hình tổ chức đấu giá trực tuyến như sau:

a) Mô hình công ty cung cấp dịch vụ đấu giá trực tuyến (công ty IT, công ty giải pháp công nghệ phần mềm, công ty môi giới thương mại)

Đây là mô hình khá phổ biến trên thế giới, các công ty chuyên cung cấp dịch vụ đấu giá trực tuyến thường là công ty công nghệ phần mềm, công ty môi giới thương mại trực tuyến...có website đấu giá trực tuyến. Người bán đấu giá tài sản sẽ thuê dịch vụ đấu giá trực tuyến của các công ty này. Đây là mô hình được ưa chuộng vì tổ chức đấu giá tài sản sẽ không phải trả chi phí cao để duy trì trang web đấu giá trực tuyến. Đa số các công ty này không trực tiếp bán hàng của chính mình mà hoạt động giống như là một nơi họp chợ cho các thành viên hoặc các doanh nghiệp sử dụng để đấu giá các sản phẩm và dịch vụ theo hai phương thức trả giá lên và đặt giá xuống. Người có tài sản đấu giá là cá nhân, tổ chức, sẽ ký hợp đồng thuê dịch vụ đấu giá trực tuyến với các công ty này. Toàn bộ trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản như ký hợp đồng dịch vụ đấu giá, niêm yết, thông báo, trưng bày hàng, nộp tiền đặt trước, trả giá, ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, thanh toán tiền mua tài sản đều được tiến hành qua mạng. Nguồn thu của của các trang web đấu giá trực tuyến đến từ nhiều bên như phí đăng tải đấu giá thu của người bán dù sản phẩm có bán được hay không, phí khi sản phẩm được giao dịch thành công, cộng thêm một số loại phí phụ khác. Những trang web đấu giá trực tuyến có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới theo mô hình này phải kể đến đó là eBay, Amazon...

Ebay, Amazon đều là những trang đấu giá trực tuyến, họ hướng sự tập trung vào người bán hàng. Tại đây, người bán sẽ mở một gian hàng trên Ebay, Amazon và tự định giá cho sản phẩm mình muốn bán, niêm yết danh mục hàng hóa mình cần bán, thời hạn tiến hành đấu giá, người mua sẽ tự trả giá cho sản phẩm đó. Người bán và người mua được định dạng bằng tên tài khoản của họ hoặc địa chỉ email. Người bán có thể nêu cụ thể giá tối thiểu để bắt đầu đấu giá, mức giá này không để lộ cho người tham gia đấu giá biết, mặc dù người tham gia đấu giá vẫn được liên tục thông báo về giá đã trả. Giao dịch giữa người bán và người mua được diễn ra mà không có sự tham gia của eBay, Amazon. Tất cả những người sử dụng eBay, Amazon đều xem xét các mặt hàng được niêm yết một cách hoàn toàn tự động. Khi thời gian đấu giá kết thúc, ai trả giá cao nhất sẽ mua được tài sản của người bán. Người bán phải đảm bảo chất lượng tài sản cho người mua chứ không phải eBay, Amazone. Người bán sẽ phải trả phí cho eBay, Amazon.



b) Mô hình công ty đấu giá đồng thời vận hành đấu giá trực tuyến

Đây là mô hình các công ty có chức năng đấu giá tài sản đồng thời có hệ thống trang web đấu giá trực tuyến để đấu giá các loại tài sản mà công ty được phép giao dịch. Theo mô hình này, các công ty đấu giá tài sản phải đầu tư một trang web trực tuyến cho riêng mình và phải thường xuyên chi trả kinh phí để duy trì trang web đó. Toàn bộ trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản như ký hợp đồng dịch vụ đấu giá, niêm yết, thông báo, trưng bày hàng, nộp tiền đặt trước, trả giá, ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, thanh toán tiền mua tài sản đều được tiến hành qua mạng và được đảm bảo an toàn. Người muốn tham gia đấu giá qua mạng sẽ mở một tài khoản cá nhân tại trang điện tử bán đấu giá. Đối với từng loại tài sản, người tham gia đấu giá sẽ nộp khác khoản tiền đặt cọc khác nhau qua mạng tùy theo giá trị tài sản đó. Trong một khoảng thời gian nhất định do công ty đấu giá tài sản ấn định trên trang web, người tham gia đấu giá sẽ liên tục nhận được thông tin về tài sản, số người tham gia trả giá tài sản mà mình đã lựa chọn. Người trả giá cao nhất sẽ mua được tài sản và sẽ ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.

Trên thế giới, mô hình này được áp dụng để bán đấu giá nhiều loại tài sản khác nhau từ tài sản tổ chức cá nhân (phương tiện đi lại, tài sản có giá trị văn hóa...) đến tài sản nhà nước...

c) Mô hình đấu giá trực tuyến Onbid của công ty KAMCO, Hàn Quốc

Mô hình đấu giá trực tuyến Onbid của công ty KAMCO, Hàn Quốc rất đặc thù. Công ty KAMCO (Korea Public Asset Management Agency) là công ty quản lý tài sản công trực thuộc Bộ Tài chính và Chiến lược Hàn Quốc (Ministry of Strategy and Finance). Đây là tổ chức cung cấp hệ thống đấu giá trực tuyến (Onbid) tại Hàn Quốc đã được triển khai từ năm 2002 theo quy định của pháp luật. Mô hình này không phổ biến trên thế giới nhưng rất hiệu quả đối với điều kiện của Hàn Quốc.

Việc xây dựng hệ thống Onbid của KAMCO bắt nguồn từ nhu cầu xử lý nợ xấu lớn của các doanh nghiệp sau khi Hàn Quốc trải qua cơn khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1998. Vào thời điểm đó, cơ quan quản lý của nhà nước không đủ năng lực để xử lý lượng tài sản lớn về nợ xấu. Chính vì vậy, Bộ Tài chính và Chiến lược Hàn Quốc cùng KAMCO đã triển khai xây dựng hệ thống Onbid để nâng cao hiệu quả việc xử lý các tài sản công. Ngoài nợ xấu, KAMCO là đơn vị được Chính phủ Hàn Quốc ủy quyền thực hiện bán đấu giá tài sản công để thu hồi tiền về nộp cho ngân sách nhà nước. Hiện nay, ngoài tài sản đảm bảo nợ xấu, hệ thống Onbid của KAMCO còn bán đấu giá nhiều loại tài sản công khác như tài sản công của các Bộ ngành, Trung ương, cơ quan hành chính địa phương, các tổ chức tài chính, tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm và một số tài sản khác theo chỉ đạo của Chính phủ. Toàn bộ trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản từ ký hợp đồng dịch vụ đấu giá, niêm yết, thông báo, trưng bày hàng, nộp tiền đặt trước...đến hợp đồng mua bán tài sản đấu giá điện tử đều được tiến hành qua mạng. KAMCO không chịu trách nhiệm pháp lý về chất lượng tài sản về hợp đồng với người trúng đấu giá mà chỉ chịu trách nhiệm về hệ thống đấu giá trực tuyến của KAMCO. Những người muốn tham gia đấu giá tại hệ thống Onbid phải là Hội viên của trang web này. Hội viên của Onbid bao gồm cơ quan có tài sản bán đấu giá và hội viên mua tài sản đấu giá trực tuyến. Hội viên có thể là cá nhân, tổ chức, việc đăng ký hội viên có giá trị trong 1 năm.



Nhờ hệ thống đấu giá trực tuyến Onbid của KAMCO, Chính phủ Hàn Quốc đã xử lý hiệu quả việc đấu giá tài sản công, tài sản bảo đảm nợ xấu và một số loại tài sản công khác góp phần tăng thu ngân sách, đẩy mạnh việc phát triển kinh tế tại Hàn Quốc trong nhiều năm qua./.

THƯỜNG TRỰC TỔ BIÊN TẬP




tải về 33.46 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương