Seminar quốc tế LẦn thứ hai về giống cây trồng malaysia 14 -15 tháng 10 năm 2014



tải về 41.91 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích41.91 Kb.
#30932
SEMINAR QUỐC TẾ LẦN THỨ HAI VỀ GIỐNG CÂY TRỒNG

MALAYSIA 14 -15 tháng 10 năm 2014

BÙI CHÍ BỬU (IAS)


Seminar Quốc tế lần thứ Hai về giống cây trồng được tổ chức vào ngày 14-15 tháng 10 năm 2014 tại Khoa Nông Nghiệp, Đại Học PUTRA Malaysia, Serdang, Selangor, Malaysia (theo qui định 2 năm một lần). Đồng tổ chức Seminar này là Hội Di Truyền Mã Lai, Viện Công Nghệ Sinh Học Nông Nghiệp Mã Lai, Viện Nông Nghiệp Nhiệt Đới UPM, Khoa Cây Trồng và Công Nghệ Nông Nghiệp UiTM, với sự tài trợ của Nuclear Malaysia, SABRAO, MARDI, FRIM, MPOB, Tập đoàn Ca Cao Mã Lai, LGM (Malaysia Rubber Board).
Chủ đề của Seminar là: “CHIẾN LƯỢC CHỌN TẠO GIỐNG TIẾN BỘ TRONG CẢI TIẾN GIỐNG CÂY TRỒNG”.
Đây là sự kiện tiếp nối Seminar quốc tế lần thứ nhất đã được tổ chức vào ngày 1-7-2012 (thời gian 3 ngày). Seminar năm 2014 có tổng số 180 người tham dự, bao gồm 47 nhà khoa học ở ngoài nước, với 30 báo cáo viên được mời, còn lại là các nhà khoa học của Mã Lai. Thành viên ngoại quốc đến từ: Bangladesh, Trung Quốc, Czech, Indonesia, Kazakhstan, Nigeria, Pakistan, Taiwan, Thái Lan, Việt Nam. Có 35 báo cáo trên hội trường và hơn 60 poster. Các thành viên quốc tế được bố trí nghỉ tại Khách Sạn Nangi-Putrajaya, Selangor Darul Ehsan.

Khách mời danh dự Giáo Sư Tan Sri Zakri Abdul Hamid, Cố Vấn Khoa Học của Thủ Tướng Mã Lai, đã đến khai mạc Seminar.

Chủ trì Seminar: Giáo Sư Mohamad Osman – Chủ Tịch Hội Di Truyền Mã Lai và Dr Abd Rhaman Milan (Trưởng Ban Tổ Chức). Hội Di Truyền Mã Lai (GPM), trước đây có tên là Hội các nhà chọn giống cây trồng và vật nuôi, đến năm 1994, tổ chức này đã chính thức đổi tên thành Hội Di Truyền Mã Lai.

Về khoa học nông nghiệp, số công trình khoa học của các nhà nghiên cứu Mã Lai được đăng trên các tạp chí quốc tế: tăng gấp 3,1 lần trong giai đoạn 2007-2012 – theo GS Osman. Sự tiến bộ trong khoa học nông nghiệp Mã Lai đang tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới, nhờ có đầu tư đúng đắn về đào tạo nguồn lực và kinh phí dành riêng cho khoa học.

Trong nghi thức khai mạc, Hội Di Truyền đã vinh danh 3 nhà chọn giống để nhận giải thưởng. Đó là Ông Othman Omar về chọn tạo giống lúa, Ông Ranli Othman: về chọn tạo giống cao su và Bà Tan Swee Lian về chọn tạo giống khoai lang. Giải thưởng được xét tặng 2 năm, một lần.

Seminar được tổ chức tại Đại Học Putra Malaysia (>70 thành lập) với campus rộng trên 600 ha, đặc biệt có số lượng sinh viên ở nước ngoài rất đông (#7.000 SV) đến từ các nước Iran, Irak, Trung Đông, Bắc Phi và một số các nước khác ở Châu Phi (phần lớn là các nước Hồi Giáo). Ngôn ngữ giảng dạy: Anh Văn. Campus nằm gần Thủ đô hành chính Putrajaya.


HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA SEMINAR

Có 4 keynotes như sau:



  1. GS Mohd Nazir Barisan (Viện CNSH Nông nghiệp Mã Lai) về Công nghệ nền phục vụ cải tiến giống cây trồng,

  2. Dr Ahmad Kushairi Din (MPOB, Mã Lai) về Chiến lược chọn giống tiến bộ trong cây cọ dầu,

  3. Dr Sanjeet Kumar (AVRDC, Đài Loan) về Thuần hóa giống ớt và chọn tạo giống ớt phục vụ toàn cầu;

  4. Giáo sư Peerasak Srinives (ĐH Kasetsart, Thái Lan) về Sử dụng lai xa trong cải tiến giống cây cọc rào (jatropha).

Báo cáo tập trung trên hội trường lớn với 7 tiểu bang chuyên môn. Tất cả đều họp chung để thảo luận theo tính chất “seminar”.

Poster được các thành viên quốc tế chấm điểm và có 3 giải thưởng dành cho những nghiên cứu viên trẻ. Thành viên thuộc Đại Học Putra Malaysia đạt giải nhất.


GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC ĐẠI HỌC PUTRA MALAYSIA (UPM)
UPM được thành lập bởi Chính Phủ Mã Lai vào năm 1931, tại Serdang, Selangor. Campus của ĐH có diện tích 1.108 Ha. Số sinh viên hiện nay: 24.810, trong đó có 4.180 sinh viên nước ngoài (chủ yếu đến từ các quốc gia Hồi Giáo ở Trung Đông và Bắc Phi), bài giảng bằng tiếng ANH. Tổng sinh viên ĐH là 14.029 người, bao gồm 699 sinh viên quốc tế. Chi phí đào tạo trung bình 3.632 $US /SV quốc tế/năm; và 1.386 $US / SV trong nước/ năm. Tổng sinh viên Sau Đại Học là 10.781 sinh viên, bao gồm 3.412 sinh viên quốc tế. Chi phí đào tạo trung bình 7.174 $US /SV quốc tế / năm; và 2.082 $US / SV trong nước / năm.

UPM có 2470 cán bộ khoa học (academic staff), trong đó 1.527 người có trình độ Tiến Sĩ, 196 cán bộ khoa học quốc tế, 277 cán bộ khoa học của Mã Lai làm việc ngắn hạn ở nước ngoài.


NỘI DUNG KHOA HỌC
Công nghệ sinh học nông nghiệp của Mã Lai tập trung vào 3 lĩnh vực chính: CNSH thực vật, CNSH động vật và CNSH thực phẩm. Ba trụ cột được xác định là chính sách công nghệ sinh học quốc gia (NBP); những sáng kiến trong chọn tạo giống cây trồng; và tăng cường cơ hội và phương tiện cho ABI (Viện nghiên cứu CNSH nông nghiệp quốc gia).

Công nghệ nền trong chọn tạo giống mới được giới thiệu với 3 nội dung (1) nhiễm sắc thể nhân tạo “mini” của thực vật; (2) “genome editing” (một dạng của công nghệ di truyền, trong đó phân tử DNA được chèn đoạn, được thay thế, hoặc bị lấy ra từ một genome nào đó bằng thao tác công nghệ sử dụng nuclease nhân tạo hoặc kỹ thuật cắt xén ở mức độ phân tử - molecular scissors); (3) “gene stacking” (sự kiện chuyển gen thành công).

Mã Lai khởi động nhiều nội dung TILLING (target induced local lesions IN genome) trên các loài cây trồng chủ yếu, như một công cụ quan trọng để xác định chức năng gen trong chiến lược di truyền ngược (reverse genetics)

Mã Lai hoạch định sẽ tự túc lúa gạo vào năm 2020 (hiện nay họ tự sản xuất đáp ứng 60-70% nhu cầu). Họ đã hợp tác với chuyên gia Trung Quốc về lúa lai (Dr Chen Jun Xing).

Chiến lược bảo vệ giống cây trồng mới phải đáp ứng xu hướng chuyển đổi sang hình thức thị trường tập trung và hợp nhất (integrated and centric market model), với 4 nội dung cốt yếu (chị Norunnuha Nawawi báo cáo):


  1. Đầu tư vốn cho những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh

  2. Xây dựng thị trường có ưu thế (premium markets)

  3. Sắp xếp lại mục tiêu an toàn lương thực trên cơ sở phải gia tăng hiệu quả GNI

  4. Góp phần tích cực vào chuỗi giá trị vùng (ETP 2003 – economic transfomation program)

Việc làm này tương tự như nội dung tái cơ cấu lại nền nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Họ thảo luận về đạo luật giống cây trồng mới (PVP). Giai đoạn 2008-2013, Mã Lai cho phép công nhận 152 giống cây trồng mới từ các ĐH, Viện nghiên cứu của Chính Phủ và Tư nhân, Công ty quốc tế. Mã Lai đang thực hiện chiến lược “Tăng cường kiến thức thực hành trong chọn tạo giống cây trồng hiện đại”.

Cọ dầu là cây trồng chủ lực của Mã Lai, do vậy, nó có nhiều báo cáo nhất. Mục tiêu chọn giống tập trung vào nọi dung (i) tăng năng suất; (ii) tăng chất lượng dầu; (iii) thích ứng với sâu bệnh hại, khô hạn, mặn; (iv) giảm chiều cao cây, dễ thu hoạch. Trong những loài cây trồng cho dầu; cọ dầu (Elaeis guineensis) là cây có năng suất trung bình cao nhất (4,01 t /ha) so với đậu nành (0,40 t/ha); hướng dương (0,57 t/ha); hạt cải dầu (0,73 t/ha). Mã Lai áp dụng TILLING, đột biến gen, kỹ thuật RNAi như công nghệ nền để giải quyết các vấn đề chính của sản xuất. Genome cọ dầu có độ lớn 1,5 Gb, 16 nhiễm sắc thể. Năm 2013 họ đã công bố trên tạp chí Nature hai bài báo nổi tiếng về giải mã trình tự cọ dầu và gen SHELL (Nature 500: 335–339, 15 August 2013 và Nature 500: 340–344, 15 August 2013). Đây là niềm tự hào của các nhà khoa học Mã Lai.



Hình: E. guineensis có 16 cặp nhiễm sắc thể tương ứng với 16 linkage groups được xác định bằng genetic mapping.
Chủ tịch Hội Di truyền, GS Osman khẳng định: “phục hồi công tác chọn tạo giống truyền thống là nội dung khẩn cấp”. Mã Lai là nước có quá nhiều giống cây trồng cần phải cải tiến. Nguy cơ các nhà khoa học trẻ không thiết tha với nội dung chọn tạo giống trên đồng ruộng đang cảnh báo về một bức tranh màu xám của Mã Lai trong tương lai, vì thiếu nguồn nhân lực (new crop breeders).

Để công nhận được một giống cọ dầu mới, người ta mất 10 năm lai tạo và chọn lọc, 10 năm khảo nghiệm theo qui định, tổng cộng 20 năm. Do vậy rất ít nhà khoa học tham gia nội dung này.



Cây cao su (Hevea brasiliensis) được xếp ở vị trí thứ hai, với 1,05 triệu Ha, sản lượng 0,82 triệu tấn, năng suất 1,4 t/ha. Bộ giống cao su trong sản xuất hiện nay có nền tảng di truyền khá hẹp. Năng suất cao su đã tăng từ 400 kg / ha lên đến 3.000 kg / ha (giống mới) là bước phát triển vượt bậc cho các giống có tên RRIM. Bộ sưu tập ngân hàng gen cao su từ Nam Mỹ khá phong phú, được thực hiện từ hơn 30 năm qua và nội dung bảo tồn quỹ gen này khá công phu. Mã Lai đã thực thiện công việc lai và chọn dòng rất hệ thống, do đó, nhiều dòng triển vọng đang tiếp tục phát triển ra sản xuất.

Lúa (Oryza sativa) đã tăng từ 3-4 t/ha (giống Malinja, Mahsuri) lên đến 10 t/ha (giống lúa mới).

Báo cáo được mời từ Việt Nam, GS Bùi Chí Bửu đã trình bày nền tảng di truyền của tính trạng chống chịu nóng (nguồn giống N22), khai thác trên nhiễm sắc thể số 3 và công tác chọn tạo giống chịu nóng tại Nam Bộ, nhờ chỉ thị phân tử, tạo ra dòng OM8108, TLR392, TLR395, TLR397 nhận được nhiều câu hỏi trong và ngoài Seminar.

Giống lúa của MARDI (Malaysian Agri. Res. & Devl. Institute) MR84 và MR219 thành công nhất trong sản xuất. Hiện nay nông dân đang phát triển MR263, MR269; trong đó, đáng chú ý là MR 220CL1 kháng được thuốc cỏ, thuốc được áp dụng đề kiểm soát “lúa cỏ” (weedy rice), xảy ra rất nghiêm trọng ở Mã Lai. Nó xuất phát từ chương trình “Clear Field” (năm 2000) của BASF rất thành công.Viện Lúa ĐBSCL đã lai tạo và chọn lọc các dòng rất triển vọng thông qua hồi giao cải tiến. Dòng ấy đã được kiến nghị công nhận giống. Nó kế thừa từ một “mutant gene” do BASF tìm ra, nhưng Việt Nam nghi ngại đó là “transgene”, nên không cho ra sản xuất. Ở Malaysia giống lúa này đang được xem là giải pháp quản lý lúa cỏ rất hiệu quả.

Đối với Mã Lai, lúa cạn được quan tâm đặc biệt. Họ mời GS Totok, ĐH Jenderal Soedirman, Indonosia trình bày về chọn tạo giống lúa cạn có mùi thơm, từ nguồn giống Mentikwangi (loại hình javanica).



Cây có củ với xu hướng tập trung cho khoai lang (Ipomea batatas (L.) Lam.) và sắn (Manihot esculenta Crantz). Bệnh virus trên khoai lang được chú ý bằng giải pháp tạo giống kháng (công trình khoa học của Bà Tan Swee Lian), nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Bà Tan cho biết năng suất tính theo “lượng ethanol / ha” thì khoai lang cao hơn mía và sắn.

Cây trồng mới như cây “sunchoke” (Helianthus tuberosus) cũng được quan tâm. GS Sanun Jogloy thuộc ĐH Khon Kaen, Thái Lan được mời báo cáo. Đây là cây trồng có nguồn gốc từ Mỹ, được thử nghiệm ở nhiệt đới, có hoa giống hoa hướng dương và rễ củ giống như củ gừng. Điểm quý của nó là có chứa nhiều chất “inulin” làm giảm mở máu, hàm lượng cholesterol xấu, tăng cường hoạt động của vi khuẩn đường ruột có ích. Thái Lan đã cho phép công nhận giống Keatawan 1, Keatawan 2 và Keatawan 50-4.

Dr Ahmed Mahir Mokhtar Bakri, Giám Đốc R&D, SeroQuest Sdn Bhd, Mã Lai đã cảnh báo đến thảm họa cho ngành chọn giống (plant breeding disaster – review) nếu người ta không quan tâm đến đa dạng di truyền. Lịch sử cho thấy có 2 sự kiện chú ý: (1) bệnh héo rũ khoai tây (Phytophthora infestans) gây nạn đói ở Ireland (1845-1849) do quá lệ thuộc vào một giống chủ lực Irish Lumper với 1 triệu người chết đói và 1,5 triệu người phải di dân đi nơi khác; (ii) bệnh “southern corn leaf blight” (Bipolaris maydis) ở Bắc Mỹ (thập niên 1970) do đồng tế bào chất của giống bắp lai, gây thiệt hại 15% sản lượng bắp của vành đai bắp Hoa Kỳ lúc bấy giờ (Minnesota, Maine, Illinois bị thiệt hại hơn 1 tỷ USD). Ngoài ra, năm 2006-2010 thế giới xảy ra sự kiện “papaya dieback” do vi khuẩn Erwinia papaya gây ra (hình) vì chỉ sử dụng một giống ưu thế lai “Paiola” trên diện rộng. Bệnh đã phá hại vùng trồng đu đủ dọc theo bờ tây bán đảo Mã Lai, với thiệt hại ước khoảng 58 triệu USD (2006).

Giống ớt (Capsicum spp.): Dr S. Kumar thuộc AVRDC, Taiwan trình bày nội dung thuần hóa giống ớt trồng và nội dung chọn tạo giống mang tính chất toàn cầu. Có 3,8 triệu Ha ớt được trồng trên thế giới, trong đó Châu Á và Châu Phi chiếm 3,3 triệu Ha. Genome cây ớt có 12 nhiễm sắc thể (2n = 24), Capsicum có nguồn gốc ở Peru và Bolivia, là loài cây trồng được thuần hóa sớm nhất trên 10.000 năm. Có 25 loài hoang dại và 5 loài trồng trọt được thuần hóa (C. annuum, C. frutescens, C. chinense, C. baccatum, C. pubescens), chia làm 2 nhóm thương phẩm: ớt cay (punjent chilly) và ớt ngọt (non-punjent chilly). Mùi của ớt ngọt do “pyrazine 2-methoxy 3-isobutyle-pyrazine” qui định. Hai mẫu giống ớt cay nhất thế giới Bhut Jolokia và variants; Trinidad Moruga Scorpion và variants, đã được nghiên cứu khá hệ thống. Genome ớt được giải trình tự đầy đủ vào năm 2014. Ngân hàng gen của AVRDC đang bảo quản 8.235 mẫu giống ớt ex-situ. Giống ớt kháng bệnh anthracnose (Colletotrichum), bệnh virus, bệnh Phytophthora được tập trung chọn tạo và có nhiều thành công, với nguồn cho gen kháng từ PBS932 (C. chinense); PBC80 PBC81 (C. baccatum). Chúng đã được khai thác rộng rãi để kháng bệnh thán thư do Colletotrichum gây ra.

Bà Tamara Li thuộc Viện Sinh Học và CNSH Kazakhstan được mới báo cáo về cải tiến giống đậu nành (Glycine max) có hàm lượng protein cao kết hợp với chống chịu khô hạn. Có sự liên kết giữa hàm lượng protein cao với sự thể hiện của “glycinin and beta-glycinin subunits” trong thời kỳ hạt chín. Asparagine (Asn) là phân tử vận chuyển amide vì tỷ lệ N:C khá cao của nó (2N:4C khác với 2N:5C). Asn được tổng hợp từ glutamine, aspartate và ATP trong phản ứng xúc tác bởi enzyme “asparagine synthetase”.

Báo cáo của GS Jaroslav Dolezel (Czech Republic), Viện nghiên cứu Thực vật, được mọi ngưởi quan tâm đặc biệt vì tính hàn lâm của nó. Ông trình bày “phương pháp tiếp cận nhiễm sắc thể tập trung để giải trình tự và lập bản đồ di truyền”. Việc tham chiếu trình tự genome có thể bị cản trở bởi vì có những genome cây trồng kích thước quá lớn và có quá nhiều số lượng trình tự DNA. Phương pháp này sẽ khắc phục được các thách thức như vậy, nhằm mục đích đơn giản hóa “genome mapping”, giải trình tự DNA, phát triển chỉ thị phân tử và dòng hóa gen đích. Ông ứng dụng di truyền tế bào (cytogenetics) với thuật ngữ “chromosome centric”, lập bản đồ gen trên cơ sở di truyền tế bào với sự hỗ trợ của 13,2 triệu SNPs (số liệu lớn nhất hiện nay); thí dụ trong genome lúa mì, bản đồ vật lý với qui mô 900 Mb đã được công bố. Ngoài ra phương pháp này còn xác định được sự xâm nhập của nhiễm sắc thể lạ (alien introgression in silico).

Dr Abd. Rahman Milan, MARDI, Mã Lai, trình bày về chọn tạo giống ổi với nội dung tập trung vào tính kháng tuyến trùng sưng rễ và phẩm chất nước quả (ổi ruột hồng). Ổi (Psidium guajava) có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Mỹ và được thuần hóa ở Mã Lai. Chương trình lai tạo ổi ở Mã Lai bắt đầu với qui mô lớn từ năm 2004. MARDI phải du nhập nhiều nguồn vật liệu từ bên ngoài để tăng cường “gene pool” trong quá trình lai tạo giống ổi. Có 195 mẫu giống ổi (acc.) đã được bảo quản tại ngân hàng gen được thanh lọc tuyến trùng sưng rễ. Hai mẫu giống đã được xác định dùng làm vật liệu gốc ghép (rootstock). Với 14 bố mẹ trong chương trình lai, có 2.782 dòng con lai ưu việt được phân lập với nhiều mục tiêu chọn giống khác nhau, 21 dòng đã có hoa và trái để phân tích kiểu hình.

Về nấm ăn, chỉ có duy nhất một báo cáo về chọn tạo giống nấm của Bà Vikineswary, ĐH Mã Lai. Tuy nhiên, hoạt động R&D về nấm ăn của Mã Lai rất nổi tiếng ở Châu Á. Liên hệ theo e-mail viki@um.edu.my để gửi người đi đào tạo.

Cây sâm Mã Lai có tên là Tongkat Ali (Eurycoma longifolia) là nguồn dược liệu quí (tăng cường kích thích tố cho nam giới) được nhiều báo cáo. Tuy nhiên, nội dung cải tiến giống chưa rõ, ngay cả nguồn sưu tập trong ngân hàng gen vẫn còn đang tranh cãi. Mẫu giống của MARDI là MEL 05, MEL 10 có chiều cao thân tốt, MEL 08 có năng suất rễ tốt, MEL 03, 09, 15 và 18 có chiều dài rễ tốt.



GS Peerasak Srinives, ĐH Kasetsart, Thái Lan trình bày về kết quả lai tạo giống cây cọc rào (Jatropha curcas), khắc phục các yếu điểm của nó về năng suất hạt thấp, hàm lượng dầu thấp, hạt chín không đồng đều, hạt có nhiều độc chất. Ông sử dụng lai xa giữa các nguồn J. integerrima (hoa nhiều và trổ đều), J. multifida (hạt to), J. podagrica (hàm lượng dầu cao và cuống trái dài), J. cinerea (hàm lượng độc chất phorbol ester (PE) thấp – PE là chất gây khối u cho động vật có vú), Ricinus communis (thầu dầu có hạt chín đồng đều). Người ta phải kết hợp kỹ thuật cứu phôi trong khi lai xa để có được kết quả lai thành công. Dòng triển vọng cho hơn 40% hàm lượng dầu hạt, cây lùn, nhiều hạt trên bông, hạt chín đồng đều, thời gian sinh trưởng ngắn, võ hạt mỏng, kháng với nhện đỏ (mite). F1 từ tổ hợp lai J. curcas x R. communis đã thành công, cây 3 năm tuổi rồi nhưng vẫn chưa cho hạt để có thế hệ F2.
Đây là một seminar khá thành công, “sự chuyển biến từ chọn giống truyền thống sang các lĩnh vực hỗ trợ như sinh học phân tử, công nghệ di truyền, genomics và công nghệ sinh học, đã và đang trở nên cần thiết, mang đến kết quả hợp tác rộng hơn trong R&D” (Giáo Sư Tan Sri Zakri Abdul Hami – Cố Vấn Khoa Học của Thủ Tướng Mã Lai).

tải về 41.91 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương