SỞ giáo dục và ĐÀo tạO – HỘi tâm lý giáo dục tỉnh phú YÊN


PHẦN THỨ NHẤT GIÁO DỤC PHÚ YÊN TRƯỚC NĂM 1945



tải về 1.38 Mb.
trang3/16
Chuyển đổi dữ liệu12.07.2016
Kích1.38 Mb.
#1669
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16

PHẦN THỨ NHẤT

GIÁO DỤC PHÚ YÊN TRƯỚC NĂM 1945




CHƯƠNG I

GIÁO DỤC PHÚ YÊN TỪ THẾ KỶ XVII ĐẾN NỬA CUỐI THẾ KỶ XIX



I. KHÁI QUÁT GIÁO DỤC VIỆT NAM TRƯỚC KHI PHÁP XÂM LƯỢC

Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học và một nền giáo dục lâu đời. Nền giáo dục dân tộc đã đào tạo biết bao thế hệ người Việt Nam cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Trong hơn một ngàn năm Bắc thuộc, giáo dục nước ta đã được sử dụng như một lợi khí để chống lại âm mưu đồng hóa các dân tộc Việt Nam của phong kiến phương Bắc. Trong thời kỳ này, nhà trường lúc đầu chỉ dành cho con em người Hán. Sau đó, dần dần cũng có một số người Việt thuộc tầng lớp trên được vào học. Giáo dục lúc đầu chỉ đào tạo một số quan lại làm tay sai cho chúng chứ không mở mang học vấn cho toàn dân.

Năm 938, với trận thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng đã chấm dứt thời kỳ thống trị của phong kiến phương Bắc một nghìn năm, khôi phục lại nền độc lập cho đất nước, mở đầu thời kỳ xây dựng và bảo vệ quốc gia thống nhất, độc lập và tự chủ. Triều đại nhà Ngô khai sáng và tiếp nối là các triều đại Đinh, Tiền Lê, tất cả đều chăm lo củng cố chính quyền, ổn định việc ngoại giao hơn nữa thời gian trị vì còn ngắn ngủi nên chưa lo được nhiều trong việc tổ chức giáo dục. Từ triều đại nhà Lý (1009-1225), vua Lý Thánh Tông (1054-1072), năm 1070 cho xây dựng Văn miếu thờ Đức Khổng Tử và môn đồ (thất thập nhị hiền) để tỏ lòng tôn sùng nho giáo. Năm 1076, Quốc Tử giám một kiểu trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam được thành lập ở Kinh đô Thăng Long (Hà Nội), Văn miếu - Quốc Tử giám là một minh chứng tiêu biểu cho nền văn hiến Việt Nam.

Bước sang đời Trần, Nho giáo vẫn tiếp tục phát triển, song chưa chiếm được địa vị độc tôn- đạo giáo và phật giáo nhất là phật giáo còn có ảnh hưởng rất lớn đối với nhà nước. Năm 1246, vua Trần Thái Tông định lệ thi Tiến sĩ, cứ 7 năm một khóa thi. Trong khóa thi tiến sĩ đầu tiên năm 1427, quy định vị thứ trúng tuyển với tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Theo “Đại Việt Lịch triều đăng khoa lục”, đời Trần và đời Hồ đã tổ chức 16 kỳ thi đại khoa, lấy đỗ 497 Thái học sinh và Tiến sĩ.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, chấm dứt ách đô hộ của nhà Minh. Lịch sử dân tộc bước sang thời kỳ mới. Chế độ phong kiến tập quyền được xây dựng và củng cố vững mạnh. Nước Đại Việt bước vào thời kỳ hưng thịnh. Văn hóa dân tộc phát triển nhanh và đạt nhiều thành tựu rực rỡ, giáo dục biến chuyển nhanh, việc thi cử vào nền nếp.

Về tình hình giáo dục xứ Đàng trong (trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh), các chúa Nguyễn ở phương Nam do phải lo toan mở mang bờ cõi, tổ chức di dân khai khẩn đất đai, tổ chức chính quyền cai trị, tuyển mộ binh lính, dự trữ lương thực, đào hào đắp lũy để đối đầu với họ Trịnh, nên việc giáo dục ở xứ Đàng trong chưa được phát triển.

Cuối thế kỷ XVIII, vua Quang Trung đã đưa ra nhiều chính sách tiến bộ trong đó có chính sách giáo dục. Xuất thân từ nông thôn, Nguyễn Huệ - vua Quang Trung không chịu nhiều ảnh hưởng đạo lý của nho học, tự nhận “sinh ra ở chốn hẻo lánh, học ở sự nghe trông” nên đã đứng về phía nhân dân mà sửa đổi việc học, cho lập “sùng chính thư viện” có nhiệm vụ:



    * Coi sóc việc học trong nước, tiến cử nhân tài, tuyên truyền đạo học để rèn đúc nhân tâm. Chủ trưởng dạy người từ gốc, chú trọng những điều thiết thực. Đây là nét khác nhau và tiến bộ so với lối học từ chương khoa cử.

    * Lấy chữ Nôm làm Quốc tự, dùng trong hành chính và giáo dục.

    * Dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm, tự vua Quang Trung đọc kỹ các bản dịch và góp ý phê bình thẳng thắn, biểu thị một tinh thần dân tộc mạnh mẽ trong giáo dục.

    * Ngay khi mới lên ngôi, vua Quang Trung đã ban “chiếu lập học” (xây dựng việc học). Nội dung có đoạn:

    “Chiếu này ban xuống, dân các xã nên lập nhà học của xã mình. Chọn những nho sĩ có học, có đức hạnh trong xã, đặt làm chức giảng dạy để dạy dỗ học trò trong xã. Còn như Từ Vũ (Miếu Văn Thánh) của các phủ, sai dân địa phương trông nom. Đợi đến khi chọn được sẽ sai quan huấn đạo của phủ đến đặt làm trường giảng tập của phủ. Hạn trong năm nay mở khoa thi Hương, lấy tú tài hạng ưu vào trường Quốc học, hạng thứ thì đưa về học Phủ. Những người đỗ Hương cống của triều đại cũ chưa được bổ nhiệm thì phải đến đợi tại Triều để bổ sung vào các chức Huấn đạo, Tri huyện. Các nho sinh và sinh đồ cũ, tất cả đều được đợi đến kỳ thi để vào thi. Loại ưu thì được vào tuyển, loại kém thì trả về trường học của xã. Các “sinh đồ ba quan (dốt nát) tất cả phải trả về hạng thường dân để cùng gánh vác phu phen tạp dịch với dân. Từ nay về sau các xã có đặt chức giảng dạy thì phải nộp danh sách cho quan huyện để chuyển di lên quan ở triều đình cấp bằng, khiến cho họ biết sự khích lệ của trẫm”13.


Nội dung tờ chiếu về giáo dục của triều Tây Sơn cho ta thấy ý nghĩa cải cách lớn lao trong quan điểm, đối tượng, nội dung và phương pháp giáo dục là rất tiến bộ trong lịch sử giáo dục Vệt Nam.

Thế kỷ XIX bắt đầu với triều đại nhà Nguyễn (Gia Long- 1802) lật đổ triều đại Tây Sơn, lên ngôi vua đóng đô ở Phú Xuân (Huế). Áp dụng kinh nghiệm nhà Lê, các vua nhà Nguyễn đã nhận thức vai trò quan trọng của Nho giáo trong công việc xây dựng và củng cố chế độ phong kiến tập quyền chuyên chế, tổ chức và phát triển giáo dục trên nền tảng nho học.

Hệ thống trường học ở các tỉnh được thành lập. Trường phủ có Giáo thụ, trường huyện có Huấn đạo, trường tỉnh hay đạo có Đốc học làm nhiệm vụ quản lý việc học của dân trong hạt và việc giảng dạy ở các trường. Đến năm 1807, khóa thi Hương đầu tiên được tổ chức lấy đỗ 61 hương cống. Từ năm 1825, dưới triều vua Minh Mệnh người đỗ hương cống được gọi là Cử nhân, người đỗ sinh đồ là Tú tài. Triều Nguyễn không lấy đỗ Trạng nguyên.

Từ 1829 lấy người thi Hội đỗ đầu là Tiến sĩ, dưới là Phó bảng (khóa thi Hội cuối cùng năm 1919 đỗ 7 tiến sĩ và 16 phó bảng). Dưới thời Nguyễn coi trọng phát triển giáo dục nho học nên đã có nhiều công trình học thuật về sử địa, hội điển, hiến chương… có chất lượng tốt và nhiều tác phẩm văn học chữ Nôm có giá trị.



    * Về phương pháp học tập của nền giáo dục phong kiến là kinh viện, giáo điều, hầu như tin tưởng tuyệt đối vào những lời dạy trong tứ thư, ngũ kinh. Hình thức làm bài phải tuân theo những qui tắc chặt chẽ, gò bó, máy móc theo luật bằng trắc, niêm luật đối câu, đối chữ. Trong các kỳ thi phải gò theo các qui tắc nghiêm ngặt, nhất là không được “phạm húy”.

    * Về hệ thống nhà trường, dưới thời phong kiến nước ta bao gồm cả trường công và trường tư. Trường công được tổ chức ở Kinh đô, tỉnh và phủ, huyện. Quốc Tử giám lập ở Kinh đô, là trường công cao nhất. Trường tư được tổ chức khắp nơi.

    * Về chế độ thi cử, tùy từng thời kỳ lịch sử được thể hiện khác nhau, nhưng nhìn chung có thể khái quát nền giáo dục phong kiến có 2 chế độ thi thông dụng: Thi Hương (ở tỉnh và liên tỉnh) và thi Hội – thi Đình (ở Kinh đô)


Nền giáo dục phong kiến nước ta đã tồn tại gần một ngàn năm lịch sử, có những đóng góp không nhỏ đối với việc phát triển nền văn hóa dân tộc.

Ở những giai đoạn nhất định của lịch sử, giáo dục nho học đã góp phần cũng cố và phát triển nhà nước phong kiến Việt Nam. Nhà nước phong kiến coi trọng giáo dục, bồi dưỡng tuyển chọn hiền tài, trọng dụng nho sĩ, coi trọng luân lí, lễ nghĩa đã góp phần cơ bản vào xây dựng nền đạo đức xã hội, phát triển truyền thống hiếu học của dân tộc.

Nền giáo dục cũ dẫu có nhiều hạn chế về mục tiêu, nội dung phương pháp dẫn đến những hạn chế về tác dụng xã hội. Song với tinh thần dân tộc, ý thức tự cường tự chủ của các triều đại phong kiến Việt Nam đã học tập và rút ra từ Nho học những yếu tố tích cực phù hợp với yêu cầu dựng nước, giữ nước cùng với truyền thống văn hóa dân tộc mà vun bồi cho nền văn hiến Việt Nam.

II. GIÁO DỤC PHÚ YÊN TRƯỚC NĂM 1885


2.1. Hình thức tổ chức

Về tổ chức giáo dục, trường Tỉnh có quan Đốc học phụ trách, trường Phủ có Giáo thụ, trường Huyện có Huấn đạo. Học sinh tuổi nhỏ được học “khai tâm” từ các thầy đồ để tập nghe, tập đọc, tập viết chữ từ những bài học vỡ lòng (tam tự kinh, nhất thiên tự, tam thiên tự, ấu học quỳnh lâm, minh đạo gia huấn, minh tâm bửu giám). Các trường phủ, trường huyện, trường tỉnh được học các bộ sách kinh điển Nho giáo: Tứ thư, Ngũ kinh, Bắc sử (trong chương trình cải cách 1908 học thêm chữ Quốc ngữ, Nam sử và có cả tiếng Pháp (tình nguyện) để đủ tiêu chuẩn năng lực được tuyển dự thi Hương. Sinh đồ Phú Yên dự thi Hương ở trường thi Gia Định, hoặc Thừa Thiên, sau tập trung về trường thi Bình Định (ngày xưa nhà giàu mới có điều kiện mời thầy giỏi phương xa đến như ở Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và nhiều nhất là thầy xứ Nghệ làm gia sư).

Năm 1813, triều đình Huế cho mở 2 trường thi hương tại Quảng Đức và Bình Định, sĩ tử Phú Yên ứng thí tại trường thi Bình Định và được hưởng quyền lợi cấp lương đi đường.

Do việc học ở Phú Yên ngày càng phát triển, năm Minh Mạng thứ 3 (tháng 7-1823), trấn Phú Yên được triều đình cho đặt chức Đốc học (Ông Phạm Vũ Phác là Đốc học đầu tiên)14. Tại phủ đặt 1 Chánh thất phẩm Giáo thụ. Mỗi huyện có 1 Chánh bát phẩm Huấn đạo để chuyên lo việc học trong địa phương. Đối với tổng, xã, chọn 2- 3 người có học lực khá, tuổi từ 50 trở lên làm đơn trình huyện, phủ và trấn xét cấp văn bằng để dạy bậc sơ học.

Năm 1823, vua Minh Mạng cho dựng nhà học ở phủ và huyện. Theo quy định của Bộ Công, nhà học ở phủ - huyện gồm 1 tòa 3 gian 2 chái. Nhà học ở phủ dài 4 trượng 4 thước, ngang 3 trượng 1 thước. Nhà học ở huyện dài 3 trượng 9 thước 2 tấc, ngang 2 trượng, 6 thước, 4 tấc. Với quy mô nhà học như trên, số lượng học trò được học ở trường không nhiều. Do vậy, các ông đồ, nho sĩ thường mở trường dạy tư, trình độ học trò phụ thuộc vào kiến thức và cách dạy của từng thầy.

Tự Đức thứ 1(1848), sĩ tử Phú Yên tăng lên gấp đôi, triều đình đặt lại chức Đốc học.  Tự Đức thứ 2 (1849) giảm 1 Giáo thụ phủ Tuy An. Tự Đức thứ 5 (1852) cho đặt trường Bình Định, lấy sĩ tử ở Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên vốn thi chung trường Thừa Thiên và sĩ tử ở tỉnh Khánh Hoà vốn thi chung trường Gia Định nay thi tại trường Bình Định.

Chức học quan hàng đầu chăm lo việc giáo dục của tỉnh Phú Yên từ đời Minh Mạng đến đời Tự Đức cũng có nhiều lần thay đổi.

Hai năm sau đốc học Phạm Vũ Phác thăng lên thiêm sự bộ Lễ. Ông Bùi Tuấn Tuyển, tri phủ Đoan Hùng, được cử làm đốc học Phú Yên. Năm 1828, đốc học Phú Yên là Lê Nguyên Trung. Giáo thụ Thái Bình là Bùi Xuân Bảng được cử làm đốc học Phú Yên thay Lê Nguyên Trung (thăng lên Viên ngoại thị lang – trung bộ Hộ). Năm 1831, giáo thụ Nam sách là Phạm Gia Lâm giữ chức đốc học Phú Yên15.

Từ năm 1832, vì số lượng học sinh Phú Yên ít nên triều đình Huế đã bỏ chức đốc học, đặt giáo thụ giảng dạy tại trường tỉnh. Đến năm 1846, do phát triển sĩ số khá cao tại huyện Tuy Hòa theo lời tấu trình của tỉnh thần, triều đình Huế chuẩn y, đặt chức huấn đạo huyện Tuy Hòa. Năm 1847, triều đình Huế đã có chỉ dụ cho bộ Lại và bộ Lễ: “việc dạy học là chính sự trọng đại của triều đình, cho nên các tỉnh đều đặt chức đốc học… duy có các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận ở tả kỳ và các tỉnh duyên biên ở Bắc Kỳ chưa đặt chức ấy… nay văn phong ngày một chấn khởi, nên mở rộng việc tác thành nhân tài, hạt nào nên đặt hay chưa nên đặt đều chiếu theo sĩ số nhiều hay ít để thỏa nghị tâu lên …”. Kết quả năm ấy, giáo dục Phú Yên phục hồi chức đốc học. Tám năm sau, năm 1853, tỉnh Phú Yên lại đổi thành đạo Phú Yên chức đốc học phải đặt lại chức giáo thụ. Năm 1875 đời vua Tự Đức thứ 28 lại thăng lên thành tỉnh Phú Yên, và chức đốc học được tái lập.

2.2. Giáo dục dân gian từ trong quần chúng lao động

“Ví dầu cầu dán (ván) đóng đinh,

Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi,

Khó đi mẹ dắt con đi,

Con đi trường học, mẹ đi trường đời!”

Lời ru thiết tha, dìu dặt đưa con vào giấc ngủ phải chăng đã nói lên tự đáy lòng người mẹ Việt Nam mong muốn và quyết tâm nuôi dạy con mình nên người mà tự nhiên còn khái quát được cả một nguyên tắc, phương châm của một nền giáo dục bình dân với sự kết hợp giữa trường học và trường đời, giữa hoạt động giáo dục trong thực tiễn đời sống với hoạt động dạy và học trong nhà trường.

Qua quá trình lao động, trao đổi kinh nghiệm sống với nhau, nhân dân lao động đã sáng tạo ra tri thức. Các thế hệ người nối tiếp truyền đạt tri thức cho nhau. Sự giáo dục dân dã của quần chúng lao động có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách và sự tiến bộ của xã hội buổi đầu.

Trong thời kỳ phong kiến, các tỉnh dẫu có trường học lập ở phủ, ở huyện nhưng 99% nhân dân lao động vẫn bị mù chữ. Một nền giáo dục dân gian thể hiện từ gia đình, từ cuộc sống cộng đồng và quá trình lao động của bản thân. Thầy giáo là ông bà, cha mẹ, anh chị em, những người trong thôn xóm. Phương châm giáo dục của người bình dân xuất phát từ tình thương và trách nhiệm. Cha mẹ không chỉ có lòng thương, sự quán xuyến mà họ tìm ra các sáng kiến, các biện pháp giáo dục, giáo dưỡng thiết thực nhất để con cháu nên người.

Văn học dân gian, chuyện cổ tích, ca dao tục ngữ là kho sách giáo khoa đồ sộ, phong phú và toàn diện. Câu chuyện kể của bà, lời hát ru của mẹ, mang sâu sắc nội dung giáo dục đạo đức, tình cảm cho trẻ, truyền đạt một cách nhẹ nhàng, sinh động những kinh nghiệm sống, cách xử thế, kiến thức về quê hương, đất nước, con người.

2.3. Hệ thống trường học ở Phú Yên

Trường tỉnh ở Phú Yên đầu tiên được thành lập từ thời vua Gia Long, trường tọa lạc tại làng Ngân Sơn (nay thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An).

Năm 1846 (Thiệu Trị năm thứ 6), trường phủ Tuy An được thiết lập tại làng Hội Phú (nay thuộc xã An Ninh, huyện Tuy An).

Cùng năm, trường phủ Tuy Hòa thành lập tại làng Đông Phước (nay thuộc xã Hòa An, huyện Phú Hòa).

Năm 1847 (Thiệu Trị năm thứ 7), trường tỉnh được dời về làng Long Uyên, sau đó chuyển ra làng An Thổ cũng đều thuộc địa phận huyện Tuy An ngày nay.

2.4. Những nhà khoa bảng ở Phú Yên

Dưới thời chúa Nguyễn, Phú Yên là vùng đất mới chưa ổn định, việc giáo dục khoa cử ở đây cũng chưa được đi vào nề nếp, người đi học chưa nhiều, người dự khóa thi rất ít.

Việc đặt ra chế độ khoa cử ở Đàng Trong đã đánh dấu bước tiến về Nho học cũng như sự trưởng thành đội ngũ quan lại của thời chúa Nguyễn. Việc thi cử này tuy mới chỉ dừng ở mức khảo thí quan lại đang làm việc chứ chưa đào tạo tuyển dụng được nhiều quan lại mới. Các quan lại đứng đầu phủ Phú Yên, huyện Đồng Xuân và huyện Tuy Hòa là những người trúng cách trong số 62 người đậu các kỳ thi Chính đồ. Đông đảo thuộc lại của ba ty ở dinh Trấn Biên, thuộc lại của các cấp trong phủ Phú Yên là những người trúng cách trong số 146 người đậu các kỳ thi Hoa văn.

Phú Yên là phủ mới lập, ở xa Chính dinh nên người đi học khó khăn và đi thi thì không nhiều, nên sách Đại Nam nhất thống chí chép là “ít người chuyên theo việc học”.16

Thời chúa Nguyễn, người Phú Yên ra thi ở Chính dinh và đỗ đạt cao là Bạch Doãn Triều, quê ở huyện Đồng Xuân. Ông là người đỗ đầu kỳ thi Hương năm Mậu Tý (1768), sách Đại Nam thực lục chép rõ là “người đương thời cho là xứng đáng”17. Sau khi thi đỗ, Bạch Doãn Triều được bổ ngay làm Tri huyện Đồng Xuân, phủ Phú Yên.

Dưới triều Tây Sơn, tuy quá ngắn ngủi tình hình xã hội không được ổn định song việc học hành thi cử cũng đã được quan tâm. Năm 1789 khoa thi đầu tiên được mở gọi là khoa Minh kinh. Hạng ưu khoa thi này là Phan Văn Biên, người huyện Tuy Hòa phủ Phú Yên. Sau kỳ thi đó ông được bổ làm huấn đạo ở Phú Yên.

Dưới thời nhà Nguyễn học trò Phú Yên được tạo điều kiện học tập, thi cử, nhưng không có người nào vào Điện thí. Từ khoa Đinh Mão, Gia Long thứ 6 (1807) đến khoa Ất Dậu, Hàm Nghi thứ 1 (1885) có 34 khoa thi Hương, Phú Yên có 15 người đậu cử nhân, đó là:


    - Lê Đức Ngạn: người xã Cự Lộ, huyện Đồng Xuân, đậu Cử nhân tại trường thi Gia Định, khoa Tân Tỵ, Minh Mạng năm thứ 2 (1821).

    - Nguyễn Văn Thạnh, người xã Định An, huyện Đồng Xuân, đậu Cử nhân tại trường Thừa Thiên, khoa Tân Mão, năm Minh Mạng thứ 12(1831).

    - Nguyễn Duy Hiển: người xã Ngân Sơn, huyện Đồng Xuân, đậu Cử nhân tại trường thi Thừa Thiên, khoa Giáp Ngọ, năm Minh Mạng thứ 15 (1834).

    - Đào Tấn Tú: người xã Phú Lộc, huyện Tuy Hòa, đậu Cử nhân tại trường thi Thừa Thiên, khoa Tân Sửu, năm Thiệu Trị thứ nhất (1841).

    - Phạm Mẫn: người xã Tân Thạnh, huyện Đồng Xuân, đậu Cử nhân tại trường thi Thừa Thiên, khoa Đinh Mùi, năm Thiệu Trị thứ 7 (1847).

    - Nguyễn Hữu Thành: người huyện Tuy An, đậu Cử nhân tại trường thi Gia Định, đứng từ 9/17 tân khoa, khoa Kỷ Dậu, năm Tự Đức thứ hai (1849). Nguyễn Hữu Thành được bổ nhiệm làm Bố chánh Quảng Bình, bị can án, nhưng sau được bảo lưu và làm việc ở viện hàn lâm điển tịch.

    - Mạnh Thế Tuyển: người xã Yên Thành, huyện Đồng Xuân, đậu cử nhân tại trường thi Thừa Thiên, khoa Canh Tuất, năm Tự Đức thứ 3 (1850).

    - Đoàn Văn Diệu: người xã Cửu An, huyện Đồng Xuân, đậu cử nhân tại trường Bình Định, khoa Ất Mão, năm Tự Đức thứ 8 (1855).

    - Lê Quan Quang: người xã Thạch Khê, huyện Đồng Xuân, đậu cử nhân tại trường thi Bình Định, đồng khoa với Đoàn Văn Diệu khoa Ất Mão, năm Tự Đức thứ 8 (1855).



- Nguyễn Đăng Dinh, người xã Phương Đài, huyện Đồng Xuân, đậu Cử nhân trường Bình Định, khoa Canh Ngọ, năm Tự Đức thứ 23 (1870).

- Trần Khải Địch, người xã Diêm Trường, huyện Đồng Xuân, đâu Cử nhân trường Bình Định, khoa Quý Dậu, năm Tự Đức thứ 26 (1873).

- Trần Kỳ Phong, người xã Xuân Đài, huyện Đồng Xuân, đậu Cử nhân khoa Bính Tý trường Bình Định, năm Tự Đức thứ 29 (1876).


    - Nguyễn Phong, người xã Mỹ Phú, huyện Đồng Xuân, đậu Cử nhân trường Bình Định, Ân khoa Giáp Thân, năm Kiến Phúc thứ 1 (1884).

    - Đặng Châu, người xã Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, đậu Cử nhân trường Bình Định, khoa Ât Dậu, năm Hàm Nghi thứ 1 (1885)18.



Sách “Đại Nam nhất thống chí” đã nhận xét về đời sống của người dân Phú Yên thời xưa: “nghề nghiệp sinh nhai có đủ 4 hạng: sĩ, nông, công, thương. nhưng ít người chuyên việc học, duy có làm ruộng là khá đắc lực… những sản phẩm của các nghề thợ thì thô vụng, dân tục chất phát, thuần hậu”19. Trong cuốn “Non nước Phú Yên”, một tác phẩm có nhiều giá trị về biên khảo địa phương chí Phú Yên của Nguyễn Đình Tư đã nêu cảm nghĩ của tác giả về thiên nhiên, đời sống kinh tế - văn hóa của Phú Yên buổi đầu như sau: “Đèo cao, núi rậm, biển rộng bao la, đường đi ra khỏi tỉnh thật muôn vàn khó khăn nên người dân Phú Yên từ lâu đã nuôi sẵn tinh thần an phận thủ thường, sống theo nề nếp thanh đạm không có sẵn hoài bão to tát miễn sao được yên ổn làm ăn là đủ. Vì vậy, ngày xưa người dân Phú Yên ít ai nghĩ đến việc xuất tỉnh làm ăn hay học hành. Do đó, mà nhân tài không có cơ hội phát triển, văn hóa bị đình trệ”.

Trong Hồi ký “Một cuộc đời” của Trần Sĩ, một nhà giáo lão thành đã kiên trì liên tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển giáo dục Phú Yên qua các thời kỳ lịch sử, viết về đất nước - con người Phú Yên ngày xưa: “Trong thời kỳ Hán học, các bậc nho sĩ Phú Yên, mặc dù ở trong hoàn cảnh, không thuận lợi: xa kinh đô, xa trường thi, thiếu phương tiện giao thông song các cụ cũng vượt được mọi trở ngại ra đi tìm đường học đạo để cầu tiến, nuôi chí lớn, vì giang sơn xã tắc. Nhiều cụ đã từng vận động dân chúng hưởng ứng các phong trào kháng Pháp như: “Cần vương, văn thân, duy tân, phong trào giảm sưu xin thuế và đã giữ tròn tiết tháo của các bậc chân nho như các cụ Nguyễn Hào Sự, Võ Thiệp và nổi bật nhất là cuộc khởi nghĩa chống Pháp của cụ Tú Phương. Tuy cuộc khởi nghĩa không thành công nhưng đã ghi một trong những trang lịch sử bi hùng của dân tộc. Vậy sao có thể nói người dân Phú Yên mang sẵn tinh thần an phận thủ thường được!”.




Каталог: vanban -> vb thongbao
vanban -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
vanban -> Sè: 90/2003/Q§-ub
vanban -> Bch đOÀn tỉnh thanh hóa số: 381 bc/TĐtn-btg đOÀn tncs hồ chí minh
vanban -> Nghị ĐỊnh của chính phủ SỐ 35/2008/NĐ-cp ngàY 25 tháng 03 NĂM 2008
vanban -> BỘ NÔng nghiệP & phát triển nông thôn cục trồng trọt giới Thiệu
vanban -> 10tcn tiêu chuẩn ngành 10tcn 1011 : 2006 giống cà RỐt-quy phạm khảo nghiệm tính khác biệT, TÍnh đỒng nhấT
vanban -> TIÊu chuẩn ngành 10tcn 683 : 2006 giống dưa chuột-quy phạm khảo nghiệM
vanban -> QuyếT ĐỊnh của bộ trưỞng bộ NÔng nghiệp và phát triển nông thôn số 41/2004/QĐ-bnn ngàY 30 tháng 8 NĂM 2004
vb thongbao -> Ubnd tỉnh phú YÊn sở giáo dục và ĐÀo tạO
vb thongbao -> Ubnd tỉnh phú YÊn sở giáo dục và ĐÀo tạO

tải về 1.38 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương