Sự đa dạng sáng tạo của chúng ta


Sự phát triển văn hoá Việt Nam trong thời kỳ đổi mới



tải về 0.93 Mb.
trang7/14
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích0.93 Mb.
#29147
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   14

Sự phát triển văn hoá Việt Nam trong thời kỳ đổi mới

Ngày 17/1/2005. Cập nhật lúc 17h 35'

(ĐCSVN)- Chúng ta đang sống trong một thời đại mà quá khứ và sự đa dạng của cuộc sống hiện tại đang hoà quyện vào nhau. Toàn bộ nền văn hoá của nhân loại và của từng quốc gia đang được làm sống lại, được phát triển để bổ sung cho hiện tại và dự báo cho tương lai. Trong cuộc sống đa dạng, phong phú, đầy sôi động đó, văn hoá không chỉ là hệ quả mà còn là nguyên nhân của sự phát triển kinh tế, không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực thúc đẩy - nền tảng tinh thần của xã hội. Mọi quốc gia, dân tộc muốn khẳng định vị thế của mình đều phải chú ý đến văn hoá. Thực tiễn xây dựng đất nước ta trong những năm qua, theo đường lối đổi mới của Đảng cho thấy: đồng thời với xây dựng phát triển kinh tế phải coi trọng phát triển văn hoá.

Để góp phần tìm hiểu về những yếu tố tác động đối với quá trình hình thành và phát triển bản sắc văn hoá Việt Nam, xin điểm qua sự phát triển của lĩnh vực văn hoá ở nước ta từ khi đổi mới đến nay.



1. Từ những quan điểm về văn hoá của Đảng trong thời kỳ mới.

75 năm qua với quan điểm, đường lối đúng đắn của mình, Đảng ta đã tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ của đất nước tham gia vào công cuộc chấn hưng văn hoá dân tộc. Chúng ta đã xây dựng được một nền văn nghệ thấm nhuần thế giới quan Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và tiếp thu tinh hoa văn hoá dân tộc và nhân loại, phản ánh trung thực các giai đoạn hào hùng vừa qua của đất nước.

Có thể nói Đại hội VI (1986) của Đảng như một luồng gió mới làm tăng thêm sinh khí cho đời sống văn hoá văn nghệ của nước ta. Đại hội đã khẳng định: “Không có hình thức tư tưởng nào có thể thay thế được văn học nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người. Đảng yêu cầu văn nghệ sĩ thường xuyên có ý thức trách nhiệm cao quý tạo nên những giá trị tinh thần bồi dưỡng tâm hồn và tình cảm, xây dựng nhân cách và bản lĩnh của thế hệ công dân, xây dựng môi trường đạo đức trong xã hội”. Với nhận thức và quan niệm như vậy, hoạt động văn hoá- văn nghệ không thể bị lẫn lộn, càng không thể đồng nhất với bất cứ hoạt động xã hội hoặc hình thái tư tưởng nào. Sau Đại hội VI, Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị (khoá VI) tháng 11/1987 về “Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo quản lý văn hoá - nghệ thuật và văn hoá tư tưởng lên một bước mới” đã tập trung trình bày một cách hệ thống các quan điểm đổi mới của Đảng về văn hoá-văn nghệ, phương hướng đổi mới sự lãnh đạo và quản lý hoạt động văn hoá-văn nghệ. Nghị quyết cũng là câu trả lời đối với những ai còn hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trên mặt trận văn hoá tư tưởng.

Đại hội VII của Đảng tiếp tục phát triển những luận điểm cơ bản của Đại hội VI và Nghị quyết 05 về văn hoá-văn nghệ. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội VII ghi rõ: “Văn học nghệ thuật là một bộ phận quan trọng trong nền văn hoá gắn bó với đời sống nhân dân và sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Khuyến khích tự do sáng tạo văn học nghệ thuật vì sự hoàn thiện con người, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm cao đẹp, đề cao tinh thần tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, phấn đấu làm cho dân giàu nước mạnh. Báo cáo Chính trị cũng nhấn mạnh: “quan tâm thích đáng, đào tạo nhân tài, chăm sóc các nhà văn hoá, các văn nghệ sĩ, các nhà báo có nhiều cống hiến…đổi mới phương thức hoạt động của các đơn vị văn hoá nghệ thuật”.

Đại hội VIII của Đảng tiếp tục khẳng định những quan điểm và đường lối nhất quán của Đảng ta, coi văn hoá-văn nghệ là một mặt trận quan trọng trong sự nghiệp cách mạng, xem văn hoá là một “động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là mục tiêu của CNXH”; khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Việt Nam đối với việc xây dựng nền văn hoá mới ở nước ta hiện nay là nền “văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” và còn đưa ra hệ thống các quan điểm mới để hoạch định chiến lược phát triển văn hoá dân tộc thời hiện đại.

Đại hội IX của Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội” và chỉ rõ những định hướng cơ bản cho sự phát triển của văn hoá-văn nghệ nước ta trong những năm đầu thế kỷ XXI. Xuất phát từ vai trò to lớn của văn hoá-văn nghệ trong việc bồi đắp thế giới tinh thần của con người hướng tới Chân- Thiện- Mỹ, Đảng ta chỉ rõ việc sáng tạo và quản lý văn hoá-văn nghệ phải nhằm phấn đấu có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn dân chủ, có tác dụng giáo dục xây dựng con người. Đây là một yêu cầu mới của Đảng đối với toàn bộ quá trình sáng tạo, tiếp nhận và quản lý văn hoá-văn nghệ. Đây cũng là tiêu chí mới của việc xem xét đánh giá tác phẩm, những công trình nghiên cứu văn hoá, tác phẩm nghệ thuật thấm nhuần sâu sắc những quan điểm trên đều được khuyến khích sáng tạo, đều có quyền được lưu hành và đặt dưới sự phán xét của công luận. Để có những tác phẩm nghệ thuật như thế, văn hoá-văn nghệ tất yếu phải cổ vũ cái đúng cái tốt cái đẹp trong quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội, với thiên nhiên.

75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam một đội ngũ văn nghệ sĩ kiểu mới xuất hiện trong lịch sử dân tộc. Người nghệ sĩ - chiến sĩ cách mạng, phấn đấu sáng tạo vì tổ quốc, vì CNXH. Đội ngũ văn nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ được tôi luyện qua các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ tổ quốc, đã tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Họ có tri thức, có vốn sống, giàu lòng yêu nước, được rèn luyện thử thách nên trước những biến động của thời cuộc và những khó khăn của đời sống vẫn giữ gìn được phẩm chất, kiên định quan điểm sáng tác phục vụ nhân dân làm tốt sứ mệnh nghệ sĩ, chiến sĩ. Đội ngũ những văn nghệ sĩ thuộc dân tộc ít người phát triển cả về số lượng và chất lượng đã có những đóng góp quan trọng vào hầu hết những lĩnh vực văn hoá-văn nghệ. Sự nghiệp xây dựng đất nước đang đòi hỏi văn nghệ sĩ hôm nay phải kế tục một cách xứng đáng các thế hệ đi trước làm cho văn hoá-văn nghệ tiếp tục phát triển theo kịp những đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc đổi mới, theo kịp đòi hỏi của công chúng có trình độ học vấn và năng lực thẩm mỹ càng cao.

Hiện nay toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ, các thế lực áp đặt cường quyền đang có tham vọng mở rộng ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trên lĩnh vực tư tưởng văn hoá. Việc các thế lực thù địch sử dụng văn hoá-văn nghệ là một trong những công cụ thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình” đang có nhiều tác động tới chủ thể sáng tạo và chủ thể thưởng thức, tới nghệ sĩ và công chúng, tới công tác lãnh đạo và quản lý. Trong bối cảnh này việc xác định cho văn nghệ sĩ vốn là những người giàu nhạy cảm và tinh tế một thế giới quan và nhân sinh quan khoa học để linh hoạt kịp thời nắm bắt sự vận động và phát triển của thực tiễn là một đòi hỏi cấp bách. Chỉ trên cơ sở một thế giới quan và nhân sinh quan khoa học - cách mạng người nghệ sĩ mới sống, hành động, sáng tạo một cách đúng đắn, lành mạnh vì lợi ích của tổ quốc, của nhân dân. Đảng yêu cầu: “Văn nghệ sĩ nêu cao trách nhiệm trước nhân dân, trước Tổ quốc và CNXH, phấn đấu có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao”. Trách nhiệm đó được thể hiện trên nhiều phương diện nhưng trước hết là trong lĩnh vực nghệ thuật; đó là sáng tạo nên những tác phẩm thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ có tác dụng giáo dục xây dựng con người mới thuộc các loại hình, thể loại nghệ thuật khác nhau.

Đất nước ta cũng đang chuyển mình từng ngày trên con đường công nghiệp hoá hiện đại hoá. Hiện thực mới đang đặt ra yêu cầu cho hoạt động văn hoá-văn nghệ phải nhận thức khám phá và phản ánh một cách chân thực, sinh động và sâu sắc sự nghiệp đổi mới của đất nước ta, thể hiện khát vọng của nhân dân ta, hướng tới Chân - Thiện - Mỹ, tìm ra những nhân tố tích cực, cái đẹp, cái nhân bản trong cuộc sống. Chính ở đây các quan điểm đổi mới của Đảng về văn hoá-văn nghệ đã tạo ra những tiền đề lý luận và những nguyên tắc cơ bản cho hoạt động văn hoá-văn nghệ ở nước ta trong thời kỳ đổi mới.

2. Đến những thành tựu đáng ghi nhận trong hoạt động văn hoá.

Dưới ánh sáng những quan điểm về văn hoá - văn nghệ của Đảng trong thời kỳ đổi mới hoạt động văn hoá đặc biệt là văn hoá dân tộc ở nước ta trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả to lớn.

Nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của các tầng lớp nhân dân ngày một lớn, phong phú, đa dạng nhiều về nội dung cũng như hình thức, chúng ta đã mở rộng và tổ chức được nhiều hoạt động văn hoá bổ ích. Theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” các CLB, các nhà văn hoá, trung tâm văn hoá và nhiều sinh hoạt văn hoá khác đã phát triển, hoạt động khác sôi nổi và thường xuyên ở nhiều thành phố, thị xã, thị trấn và một số vùng dân cư tập trung. Các cuộc liên hoan, ca nhạc, ca hát, diễn kịch… theo từng vùng, từng ngành. Các cuộc thi tuyển chọn người đẹp, người tài, người thanh lịch, thời trang… đã liên tục được tổ chức ở khắp nơi và được hàng triệu lượt người tham gia, quan tâm. Nhiều nơi ở các địa phương đã khôi phục các sinh hoạt văn hoá truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc như lễ hội mừng xuân, được mùa, lễ hội tưởng nhớ các danh nhân, các anh hùng dân tộc, các vị tổ nghề nghiệp, các truyền thống tốt đẹp của các địa phương…Một số địa phương đã khéo kết hợp các hình thức văn hoá làng xã, văn hoá tôn giáo với các yêu cầu xây dựng nếp sống văn hoá mới, xây dựng quan hệ tốt đẹp trong làng, xã, dòng họ, và trong từng con người hướng tới cái Thiện, tôn vinh cái Đẹp. Loại trừ cái ác cái xấu, thấp hèn. Điều đáng ghi nhận là trong thời gian một vài năm gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều các hoạt động văn hoá trở về cội nguồn dân tộc, tìm hiểu và truyền bá các truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, của ông cha ta. Nhà nước ta đã đầu tư không ít tiền của để giữ gìn, tôn tạo các di tích lịch sử, di tích văn hoá, xây dựng và trùng tu một số công trình văn hoá tiêu biểu như: cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn, tượng đài Lý Thái Tổ… và đặc biệt mở rộng diện phủ sóng phát thanh và truyền hình trên khắp đất nước. Số lượng sách báo xuất bản ngày một tăng, nội dung và hình thức ngày một phong phú, hấp dẫn hơn. Với sự phát triển về số lượng và chất lượng các phương tiện ấn loát, truyền thông, chúng ta đã làm tăng đáng kể số lượng sản phẩm văn hoá, đẩy mạnh việc đưa sản phẩm văn hoá đến với nhân dân.

Cánh cửa giao lưu văn hoá giữa nước ta và các nước trên thế giới ngày một mở rộng và phát triển. Nhờ vậy nhân dân ta đã mở rộng tầm nhìn văn hoá thông tin qua việc tiếp nhận các giá trị văn hoá thế giới. Bạn bè ta trên thế giới thông qua giao lưu văn hoá đã hiểu biết hơn về văn hoá Việt Nam, đất nước, con người, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên trong đời sống văn hoá thời mở cửa cũng có những điều đáng lo ngại: đã xuất hiện khuynh hướng làm giàu bằng bất cứ giá nào kể cả lừa đảo, gây tội ác, vi phạm pháp luật, chà đạp lương tâm và nhân phẩm. Lối sống truỵ lạc chạy theo những thị hiếu thấp hèn, văn hoá không lành mạnh những hủ tục mê tín dị đoan đang phục hồi và phát triển trong thế hệ trẻ, có một bộ phận phai nhạt lý tưởng chạy theo lối sống thực dụng. Những năm vừa qua, âm nhạc đã góp phần vào đời sống tinh thần của nhân dân ta, không ít những bài hát, bài nhạc hay viết về quê hương, đất nước, tình yêu, tuổi trẻ bằng những giai điệu và lời ca đẹp. Các nghệ sĩ tạo hình nước ta thời gian qua đã sớm thích nghi với điều kiện xã hội mới nên đã tạo ra được nhiều tác phẩm mỹ thuật, điêu khắc thu hút hàng triệu lượt người xem qua hàng mấy trăm cuộc triển lãm lớn nhỏ. Hội hoạ Việt Nam đang được sự chú ý của các nhà sưu tập tranh quốc tế. Các cuộc thi triển lãm tranh quốc tế, Việt Nam tham gia cũng đã thu hút được dự luận công chúng của các nước quan tâm.

Nhiếp ảnh nghệ thuật đang trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được của nhân dân ta. Nhiều cuộc triển lãm nhiếp ảnh của từng tác giả và nhóm tác giả đã thu hút sự chú ý của công luận. Nhiều giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế đã tặng cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Việc mở mang quy hoạch các đô thị, xây dựng các công trình văn hoá, các khu du lịch… đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp sáng tạo của các nhà kiến trúc sư. Nhiều tác phẩm kiến trúc đẹp đã tô điểm thêm vẻ đẹp các thành phố, thị trấn và cả một số vùng ven đô, nông thôn. Ngành kiến trúc Việt Nam cũng đã nhận được một số giải quốc tế về các đề án của các nhà kiến trúc trẻ tài năng.

Trong quá trình đóng góp những sáng tạo của mình cho sự nghiệp đổi mới xã hội thì văn học, nghệ thuật, điện ảnh cũng đã tự đổi mới chính mình về nội dung và hình thức biểu hiện. Sự sáng tạo văn học, nghệ thuật, điện ảnh trở nên phong phú hơn về nội dung, mở rộng và đi sâu hơn vào các đề tài, chủ đề và đã có sự tìm tòi đa dạng hơn về hình thức, thể loại và phong cách.

Có thể khẳng định rằng các thành tựu về văn hoá trong thời kỳ đổi mới có những bước tiến mới chính là nhờ vào sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta. Đảng ta đã xác định văn hoá là một động lực phát triển đồng thời là mục tiêu trong xây dựng xã hội mới. Quan điểm này của Đảng không chấp nhận coi văn hoá như là “cái đuôi’ đi sau kinh tế trong đầu tư phát triển. Văn hoá phải nằm trong sự quan tâm thường xuyên của các cấp lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước chứ không thể khoán trắng cho ngành văn hoá lo và phó mặc cho xã hội tự lo. Quan tâm tới văn hoá là phải chăm lo xây dựng và phát triển một lĩnh vực rộng lớn trong đời sống tinh thần của nhân dân. Các cấp lãnh đạo, quản lý cần xoá bỏ quan niệm hoạt động văn hoá chỉ là công cụ tuyên truyền mà hoạt động văn hoá chính là hoạt động chăm sóc phần hồn của con người, một hoạt động không kém phần quan trọng như việc chăm lo cơm ăn, áo mặc, nhà ở cho từng người dân. Có như vậy mới tạo ra được một nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của đời sống tinh thần nhân dân ngày càng phát triển phong phú đa dạng theo hướng vươn tới những giá trị Chân -Thiện - Mỹ. Sáng tạo ra những giá trị văn hoá mới góp phần vào sự nghiệp đổi mới đất nước theo hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

Ngày 22/2/2005. Cập nhật lúc 9h 34'

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề văn hoá luôn có một vị trí quan trọng. Những quan điểm của Người về văn hoá là kim chỉ nam để Đảng ta hoạch định đường lối, sách lược phát triển văn hoá qua các giai đoạn cách mạng.

Những quan điểm và hoạt động văn hoá của Người không những làm phong phú thêm kho tàng văn hoá của dân tộc, mà còn góp phần vào sự tiến bộ và phát triển nền văn minh của nhân loại. Công lao to lớn này đã được UNESCO khẳng định trong Nghị quyết về tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người: ''Sự đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Mnh trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, nghệ thuật là kết tinh truyền thống hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của các dân tộc, tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau. Người là vị anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là nhà văn hoá kiệt xuất''.

Với tầm vóc của một danh nhân văn hoá thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta một di sản tư tưởng vô cùng quý báu về nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hoá. Việc tìm hiểu những quan điểm của Người về văn hoá và vấn đề giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc giúp chúng ta có cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn để thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong công cuộc đổi mới đất nước.

Mang trong mình truyền thống văn hoá phương Đông lại được tiếp thu những tinh hoa của nhiều nền văn minh trên thế giới, Hồ Chí Minh đã đúc kết quan điểm của mình về văn hoá qua nhận định: ''Ý nghĩa của văn hoá: vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn''.

Quan điểm trên của Hồ Chủ tịch đã khái quát được nội dung rộng nhất của phạm trù văn hoá. Theo đó, văn hoá không chỉ bao hàm các hoạt động tinh thần của con người mà còn cả những hoạt động vật chất, trong đó chứa đựng, phản ánh tác động của tư duy đến kết quả của hoạt động. Đồng thời, nó cũng chỉ ra nguồn gốc, động lực sâu xa của văn hoá - đó là nhu cầu sinh tồn của con người với tư cách chủ thể hoạt động của đời sống xã hội - một hoạt động khác hẳn với hoạt động mang tính bản năng, bầy đàn của các loài động vật khác. Theo ý nghĩa này, chất văn hoá được hàm chứa, thể hiện trong mọi hoạt động, kể cả hoạt động tinh thần lẫn hoạt động vật chất, cùng với các giá trị mà con người sáng tạo ra trong hoạt động của mình.

Đây chính là nội dung căn bản, cốt lõi trong quan điểm của chủ nghĩa Mác -Lênin về văn hoá mà Hồ Chí Minh đã lĩnh hội được trong quá trình hoạt động cách mạng phong phú của mình.

Từ quan điểm của Hồ Chí Minh coi ''Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn'' như đã nói trên, chúng ta thấy, văn hoá được trải rộng trên cả hai lĩnh vực: văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần tương ứng với hai hình thức hoạt động cơ bản của con người là sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần. Văn hoá vật chất biểu hiện lĩnh vực hoạt động sản xuất vật chất và toàn bộ kết quả của hoạt động này, như công cụ lao động, nhà ở và những vật dụng cần thiết cho đời sống hàng ngày như ăn, mặc, đi lại, thông tin, giao lưu, v.v. Văn hoá tinh thần được phản ánh trong hoạt động ý thức, hoạt động sản xuất tinh thần cùng với toàn bộ kết quả của nó, như hoạt động nhận thức, đạo đức, pháp luật, nghệ thuật, giáo dục đào tạo, tôn giáo tín ngưỡng, v.v.. Việc phân định hai lĩnh vực văn hoá trên đây chỉ là tương đối, vì mỗi kết quả của những lĩnh vực hoạt động này đều hàm chứa trong nó cả hai giá trị - giá trị vật chất và giá trị tinh thần.

Nhìn từ góc độ triết học, phạm trù văn hoá trong quan điểm của Hồ Chí Minh bao hàm cả khía cạnh ý thức xã hội với các hình thái và cấp độ tâm lý, hệ tư tưởng của nó như khoa học, chính trị, pháp quyền, đạo đức, nghệ thuật, tôn giáo và khía cạnh tồn tại xã hội, biểu hiện qua những dấu ấn hoạt động có ý thức của con người đối với tự nhiên trong quá trình sinh tồn và phục vụ cho nhu cầu sinh tồn đó của con người.

Mỗi một hình thái kinh tế - xã hội có một nền văn hoá tinh thần đặc trưng như một giá trị lịch sử. Cùng với sự thay đổi của hình thái kinh tế - xã hội, nền văn hoá tương ứng của xã hội đó cũng có sự chuyển hoá. Đây không phải là sự đứt đoạn trong quá trình phát triển của văn hoá và cũng không phải là nền văn hoá mới đang được hình thành sẽ khước từ mọi di sản, truyền thống của nền văn hoá cũ. Trong quá trình chuyển hoá, nền văn hoá mới luôn kế thừa những thành tựu của nền văn hoá trước đó; đồng thời, bổ sung những yếu tố mới phù hợp với những quan hệ và đặc điểm của hình thái kinh tế - xã hội mới. Đối với tiến trình này, quan điểm về văn hoá của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh luôn đề cao tính đa dạng văn hoá của các dân tộc, nhấn mạnh nguyên tắc kế thừa và phát triển; đồng thời, chống lại mọi khuynh hướng độc tôn của bất kỳ nền văn hoá nào. Xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, sự phát triển của văn hoá gắn liền với sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội, Hồ Chí Minh đã nhìn thấy ở văn hoá ngoài tính chất toàn nhân loại, còn có tính đặc thù là phản ánh ý thức hệ tư tưởng của giai cấp cầm quyền trong xã hội.

Vận dụng nguyên lý trên đây của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, nhằm hình thành và phát triển những yếu tố hiện đại của văn hoá dân tộc phù hợp với những đặc điểm mới của đất nước và thời đại, Hồ Chí Minh đã chủ trương thực hiện 5 điểm cơ bản: ''1. Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường.

2. Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng.

3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội.

4. Xây dựng chính trị: dân quyền.

5. Xây dựng kinh tế''. Đây là những nhiệm vụ quan trọng, đồng thời là những tiêu chí căn bản để xây dựng một nền văn hoá mới mà Người đã tiên liệu từ khi còn phải sống trong gông xiềng của nhà tù Tưởng Giới Thạch.

Mặc dù hiểu và khái quát văn hoá như một phạm trù rộng, bao hàm cả lĩnh vực hoạt động vật chất và tinh thần của xã hội, nhưng trong các bài viết của mình, Hồ Chí Minh thường đề cập đến văn hoá với nghĩa hẹp - phản ánh những hoạt động tinh thần cùng các giá trị mà hoạt động ấy tạo ra. Ngay với nghĩa hẹp này thì văn hoá cũng có vai trò quan trọng và không thể thiếu được đối với cuộc sống của con người. Nó đứng ngang hàng với các lĩnh vực hoạt động khác của xã hội loài người, như chính trị, kinh tế, xã hội. Theo Người, văn hoá nói chung, chủ nghĩa Mác - Lênin nói riêng đóng vai trò quan trọng, tạo bước nhảy vọt triệt để trong tư duy, hành động của con người và các dân tộc bị áp bức. Từ góc độ này, Hồ Chí Minh khẳng định rằng, chính ánh sáng văn hoá của chủ nghĩa Mác – Lênin là một động lực quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Đến lượt mình, Hồ Chí Minh đã đem ánh sáng văn hoá mới của chủ nghĩa Máe - Lênin soi đường cho dân tộc ta và các dân tộc bị áp bức khác trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng con người - con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Ngay từ khi mới bắt đầu hoạt động ở Pháp và còn chưa được tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã kịch liệt lên án chính sách ngu dân, vạch trần tâm địa xấu xa, bỉ ổi của chủ nghĩa thực dân đối với các dân tộc thuộc địa. Người viết: ''Chúng tôi thiết tưởng rằng, những người Pháp thông minh và chân thực biết tỏ tính ưu việt tự nhiên của mình ở bất cứ nơi nào mình sống, thì không cần phải sống giữa những người bản xứ vĩnh viễn bị khóa mồm bịt miệng và bị xỏ mũi, mới có thể giữ được tính ưu việt đó. Để thay thế văn hoá nô dịch của chủ nghĩa thực dân bằng một nền văn hoá mới cách mạng, ngay sau khi vừa giành được độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hồ Chí Minh đã đề nghị mở ngay chiến dịch chống nạn dốt. Người cho rằng, văn hoá là tinh hoa của dân tộc, văn hoá phải góp phần khẳng định vị thế của dân tộc. Vì thế, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những mục tiêu cơ bản mà cách mạng Việt Nam cần phải đạt được trong lĩnh vực văn hoá. Đó là: ''Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hoá đế quốc. Đồng thời, phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hoá tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hoá Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng''.

Chủ trương trên đây thể hiện quan điểm rõ ràng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giá trị văn hoá dân tộc. Người cho rằng, càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin bao nhiêu càng phải coi trọng những truyền thống văn hoá tốt đẹp của cha ông bấy nhiêu và đòi hỏi chúng ta phải biết giữ gìn vốn văn hoá quý báu của dân tộc, khôi phục những yếu tố tích cực trong kho tàng văn hoá dân tộc, loại bỏ những yếu tố tiêu cực trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Đây là quan điểm bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc có chọn lọc của Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh rất quan tâm đến những di sản văn hoá dân tộc. Đối với Người, những làn điệu dân ca, những áng thơ cổ là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Tư tưởng bảo tồn vốn quý văn hoá dân tộc được Hồ Chí Minh thể hiện qua nhiều bài nói, bài viết của mình, đặc biệt là trong sắc lệnh về bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam ký ngày 23 - 11 - 1945; trong đó, quy định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của Đông phương bác cổ học viện.

Tư tưởng về bảo tồn văn hoá dân tộc của Hồ Chí Minh không phủ nhận sự tác động, ảnh hưởng lẫn nhau của văn hoá các dân tộc mà ngược lại, khẳng định sự giao hoà giữa các nền văn hoá của các dân tộc khác nhau, coi đó như một động lực thúc đẩy sự phát triển văn hoá của mỗi dân tộc, làm cho nó hoàn thiện hơn, phong phú hơn. Người cho rằng, ''... văn hoá Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hoá Đông phương và Tây phương chung đúc lại... Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hoá Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hoá xưa và văn hoá nay, trau dồi cho văn hoá Việt Nam thật có tinh thần thuần tuý Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”. Với hơn 30 năm bôn ba ở các nước khắp năm châu, hơn ai hết, Hồ Chí Minh am hiểu sâu sắc các trào lưu nghệ thuật trên thế giới, nhận dạng chính xác và đánh giá đúng từng nền văn hoá của nhân loại. Vì vậy, Người kêu gọi phải học cái hay trong từng nền văn hoá của các dân tộc trên thế giới. Ở đâu cũng vậy, với phong cách ung dung của một nhà văn hoá lớn, Hồ Chí Minh có thể đàm luận hết sức chi tiết, cụ thể về các danh nhân tiêu biểu của từng nền văn hoá của các dân tộc khác nhau trên thế giới. Người khâm phục nền văn hoá phát triển của các dân tộc khác, không kể đó là những dân tộc mà chế độ chính trị của họ đang là kẻ thù xâm lược của nhân dân Việt Nam. Một nhà báo đã nhận xét rằng, Cụ Hồ Chí Minh là một con người yêu mến văn hoá Pháp trong khi chống thực đân Pháp, một con người biết coi trọng những truyền thống cách mạng Mỹ, khi Mỹ phá hoại đất nước cụ.

Quan điểm văn hoá của Hồ Chí Minh chống lại mọi biểu hiện kỳ thị, độc tôn văn hoá; chủ trương kế thừa truyền thốn tốt đẹp của văn hoá dân tộc phải đi đôi với việc học tập và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại. Những tư tưởng lớn của Người về văn hoá là kim chỉ nam cho chúng ta trong việc xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trên cơ sở đó, hội nhập và giao lưu với các nền văn hoá khác trên thế giới, cùng nhau phát triển.

Xu hướng phát triển chung của văn hóa nhân loại trong tương lai là kết hợp hài hòa nền văn minh khoa học, công nghiệp phương Tây với tinh hoa văn hoá nhân bản phương Đông. Cả hai ưu thế này đã được đúc kết trong nhân cách vĩ đại và tư tưởng sâu rộng về văn hoá của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đúng như cảm nhận của nhà thơ Xô viết, Ôxíp Mandenxtam, khi tiếp xúc với Người cuối năm 1923: ''Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một nền văn hoá, không phải văn hoá châu Âu, mà có lẽ là văn hoá của tương lai''.

(Theo Nguyễn Ngọc Quyến - Trường Cao đẳng nghệ thuật,


Tạp chí Triết học số 11/2004)

Каталог: tailieucuaan
tailieucuaan -> Wikipedia luôn có mặt mỗi khi bạn cần giờ đây Wikipedia cần bạn giúp
tailieucuaan -> THỦ TƯỚng chính phủ Số: 1001
tailieucuaan -> Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002 và Nghị định số 60/2003/NĐ-cp ngày 06/6/2003 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước
tailieucuaan -> Nghị định số 148/2007/NĐ-cp ngày 25/9/2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện
tailieucuaan -> Câu: Quá trình nhận thức của Đảng về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân 1930-1954
tailieucuaan -> CHÍnh sách ngoại thưƠng của việt nam
tailieucuaan -> Vấn đề 1 : Nguồn gốc và quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh
tailieucuaan -> Third United Nations Conference on the Law of the Sea
tailieucuaan -> Đề Ở một ngành có 3 hãng a b c, chúng cạnh tranh tự do với nhau. Lượng sản phẩm sx ra của các hãng lần lượt là 100,150,200 sản phẩm, với giá trị các biệt tương ứng là : 3, 2

tải về 0.93 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương