Sự đa dạng sáng tạo của chúng ta


Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 Trí tuệ và bản lĩnh văn hóa của những người cộng sản Việt Nam



tải về 0.93 Mb.
trang4/14
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích0.93 Mb.
#29147
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 Trí tuệ và bản lĩnh văn hóa của những người cộng sản Việt Nam

Ngày 1/9/2003. Cập nhật lúc 14h 56'

PGS, TS Tô Huy Rứa
Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Con đường cách mạng vô sản do đồng chí Nguyễn Ái Quốc tìm ra cho dân tộc Việt Nam là con đường chứa đựng chiều sâu văn hóa, đồng thời cũng báo hiệu một cuộc cách mạng trong nền văn hóa nước nhà. 60 năm về trước, trong đêm dài của chế độ thực dân phong kiến, những người cộng sản Việt Nam đã phát ra những tia sáng đầu tiên chiếu rọi đường đi cho văn hóa dân tộc: bản Đề cương về văn hóa, mà nội dung cơ bản là xác định con đường xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam.


60 năm đã trôi qua, lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc đã trải qua bao biến thiên, nhưng những tư tưởng của bản Đề cương vẫn đầy sức sống. Chế độ thống trị của thực dân Pháp với chính sách ngu dân, với sự bóc lột hà khắc đã đẩy dân tộc ta vào cảnh khốn cùng. Trong tình hình đó, những người cộng sản Việt Nam vẫn vững tin ở sức sống của dân tộc, ở nền văn hóa của dân tộc, và vẫn đặt kỳ vọng vào sự hồi sinh và phát triển của văn hóa dân tộc. Phải chăng trong tư duy của những người cộng sản Việt Nam, các khái niệm cách mạng, dân tộc và văn hoá có mối quan hệ khăng khít không tách rời nhau. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc có động lực và sức mạnh phi thường không chỉ ở những yếu tố vật chất, mà đối với chúng ta chủ yếu là ở những giá trị tinh thần, giá trị văn hóa. Mặt khác, khi hòa mình trong sự nghiệp cách mạng vì sự sinh tồn của quốc gia dân tộc, các giá trị văn hóa mới trở thành văn hóa yêu nước - văn hóa tiến bộ đích thực của con người trong cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Dân tộc được giải phóng thì văn hóa mới được tự do. Những người cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo quần chúng nhân dân thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng văn hóa khỏi xiềng xích thực dân bằng cuộc cách mạng mang tầm vóc và xu thế của thời đại mới. Tư tưởng đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện một cách cô đọng trong khẩu hiệu "Kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến", và ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đã trịnh trọng tuyên bố: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nghiên cứu bản Đề cương về văn hóa năm 1943 của Đảng, những người làm công tác lý luận hôm nay không khỏi ngạc nhiên: tại sao 60 năm về trước, khi khái niệm văn hóa chưa được tư duy xã hội quan tâm, và nhận thức về văn hóa còn rất phiến diện, mà những người cộng sản Việt Nam đã có thể chỉ ra những lĩnh vực chủ yếu của văn hóa - đó là tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Ngày nay, trên thế giới đã xuất hiện hàng trăm định nghĩa về văn hóa. Tính phức tạp đa bình diện của phạm trù đã làm không ít nhà nghiên cứu mất phương hướng trong tiếp cận và xử lý các vấn đề văn hóa. Trong bối cảnh hỗn tạp ấy của các quan niệm đầy tính học thuật, ngành văn hóa học của Việt Nam vẫn có một tấm gương phương pháp luận quý giá, xem xét văn hóa trong ba lĩnh vực căn cốt là tư tưởng, học thuật và nghệ thuật mà bản Đề cương năm 1943 xác định. Hơn thế nữa, bản Đề cương còn chỉ ra ba nguyên tắc, ba phương châm của cuộc vận động xây dựng nền văn hóa mới: dân tộc, khoa học, đại chúng. Rõ ràng với quan điểm đó, Đảng đã nắm bắt được quy luật hoạt động của văn hóa và những nhân tố cơ bản tác động sâu sắc đến đời sống tinh thần của xã hội.
Với phương châm và nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng, bản Đề cương không chỉ nhằm trực diện đấu tranh chống chính sách phản dân tộc, chính sách ngu dân mà thực dân Pháp đang áp đặt lên đời sống nhân dân lúc đó, mà còn đưa ra một quan niệm mới về văn hóa, đồng thời chỉ ra phương hướng để xây dựng một nền văn hóa mới trên đất nước ta: văn hóa phải cắm rễ sâu vào đời sống dân tộc, hút nhựa sống từ các giá trị và phẩm chất truyền thống của dân tộc, phải được xây dựng trên một cơ sở khoa học: khoa học trong tư duy, trong lối sống và trong nếp sống, văn hóa phải giúp con người xóa dần những miền tối trong nhận thức, phải hướng về quần chúng nhân dân, phản ánh tâm tư nguyện vọng của quần chúng và nâng cao đời sống tinh thần của quần chúng.
Từ sau Cách mạng Tháng Tám, nghĩa là khi cuộc cách mạng chính trị đã thành công, tư tưởng của bản Đề cương mới thật sự được triển khai trong đời sống. Một diễm phúc lớn cho dân tộc và cho cách mạng Việt Nam là người lãnh đạo tối cao của Đảng lại là một nhà văn hóa kiệt xuất, Chủ tịch Hồ Chủ Minh. Bằng những phẩm chất và trí tuệ tuyệt vời, Bác đã trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới theo tư tưởng, phương châm và nguyên tắc của bản Đề cương về văn hóa. Nhiều chủ trương chính sách về văn hóa thấm nhuần sâu sắc các quan điểm dân tộc, khoa học và đại chúng đã lôi cuốn sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, trong đó giới trí thức văn nghệ sĩ là nòng cốt. Phong trào phát huy chủ nghĩa yêu nước truyền thống cùng với các phong trào xóa mù chữ, phát triển sự nghiệp giáo dục quốc dân, xây dựng đời sống mới, sửa đổi lề lối làm việc... do Trung ương Đảng và Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo, đã thúc đẩy nhanh chóng tiến trình xây dựng nền văn hóa mới ở nước ta. Ba cuộc cách mạng về khoa học - kỹ thuật, về quan hệ sản xuất và về tư tưởng - văn hóa đã vận động trong mối quan hệ hữu cơ để cùng thúc đẩy công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc - hậu phương vững chắc của tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ.
Một câu hỏi không thể không đặt ra: Tại sao trong khói lửa của chiến tranh ác liệt, có khi đất nước lâm vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc, mà sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới vẫn cứ diễn ra một cách tốt đẹp vẫn liên tục phát triển và thu được nhiều thành tựu? Câu trả lời chỉ có thể là: những tư tưởng về văn hóa của Đảng đã gieo đúng vào miếng đất mầu mỡ là dân tộc Việt Nam - một dân tộc có truyền thống văn hiến lâu đời, một dân tộc rất biết quý trọng các giá trị tinh thần, chăm lo cho các giá trị tinh thần, và biết phát huy sức mạnh của các giá trị đó trước những thử thách cam go của lịch sử. Thắng lợi của các cuộc chiến chống ngoại xâm trước đây và thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã chứng thực điều đó. Sau đại thắng mùa xuân 1975 của Việt Nam, một câu hỏi lớn đã được đặt ra với những nhà tư tưởng của Lầu năm góc: Vì sao Mỹ là nước giàu nhất thế giới, mạnh nhất thế giới lại thua Việt Nam là nước nghèo và lạc hậu? Một trong những người Mỹ đầu tiên tìm ra câu trả lời là Mác Na-ma-ra, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời Mỹ mở rộng chiến tranh ở Việt Nam. Trong hồi ký về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Mác Na-ma-ra đi tới kết luận: Quân đội Mỹ thua Việt Nam vì quân đội Mỹ vấp phải một dân tộc cố kết với nhau bằng truyền thống văn hóa lâu đời của mình. Đó là câu trả lời đúng. Nhiều bạn bè quốc tế khẳng định Việt Nam đã trở thành lương tri và khí phách của loài người tiến bộ trong thời đại ngày nay. Thắng lợi của quân dân ta trong hai cuộc kháng chiến cũng là thắng lợi của nền văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa có bề dày hàng nghìn năm và được Đảng và Bác Hồ phát huy ở một tầm cao mới với ba phương châm dân tộc, khoa học và đại chúng.
Với thắng lợi rực rỡ của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và của cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của chúng ta do Đảng Cộng sản trực tiếp lãnh đạo, đã kết thúc. Đó cũng là thời điểm một nền văn hóa mới, nền văn hóa của chủ nghĩa yêu nước, nền văn hóa của sự nghiệp kháng chiến chống ngoại xâm giành độc lập, tự do cho dân tộc được khởi xướng từ Đề cương về văn hóa năm 1943 đã đạt tới đỉnh cao, "xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn hóa văn nghệ chống đế quốc trong thời đại ngày nay" như đánh giá của Đại hội lần thứ IV Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1976.
Từ sau 1975, cách mạng Việt Nam bước sang một thời kỳ lịch sử mới. Vẫn là hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nhưng lịch sử đã đặt ra một trách nhiệm cực kỳ trọng đại: tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi một sự biến đổi sâu sắc về vật chất và tinh thần trong đời sống nhân dân. Để làm chủ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phát huy tối đa nguồn nội lực: về trí tuệ, về tâm hồn, về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Thêm vào đó, xu thế hội nhập kinh tế thế giới cùng với cơ chế kinh tế thị trường thường xuyên đặt ra những thời cơ và những thách thức khá nghiệt ngã. Tình hình đó đòi hỏi văn hóa Việt Nam phải phát triển ở một tầm cao mới. Cần có một chiến lược mới về văn hóa để văn hóa Việt Nam tiến đến trình độ như đại văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn từng mong ước: "Ngoài thì không lạc hậu với những trào lưu tư tưởng thế giới, trong thì không mất đi huyết thống vốn có, học tập hiện đại, khôi phục truyền thống".
Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII của Đảng đã xác định: "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Tư tưởng đó của Đảng là kết tinh trí tuệ và khát vọng của mọi tầng lớp nhân dân, của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ của dân tộc. Tư tưởng đó cũng là sự kế thừa và phát triển tư tưởng của bản Đề cương về văn hóa năm 1943 ở một trình độ cao hơn, đáp ứng những đòi hỏi khách quan của thực tiễn cuộc sống mới.
Công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh rất cần cả nội lực và ngoại lực, sức mạnh của quốc gia dân tộc và sức mạnh của nhân tố quốc tế. Đảng ta hoàn toàn đúng đắn khi xác định nội lực là nhân tố quyết định hàng đầu, trong đó nguồn nhân lực có ý nghĩa cơ bản. Nói đến nguồn nhân lực tức là nói đến người lao động với những giá trị văn hóa tinh thần, phẩm chất và năng lực, lý tưởng và nhân cách, tác phong và thái độ, lối sống và sở thích... Trong điều kiện năng suất lao động của chúng ta chưa cao, không thể chủ yếu dựa vào khuyến khích vật chất để tạo động lực lao động, mà rất cần khơi dậy những động lực tiềm tàng trong văn hóa của mỗi con người. Văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải góp phần làm hình thành lòng say mê nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, ý chí lao động hết mình vì sự hưng thịnh của quốc gia dân tộc. Nền văn hóa ấy là nền văn hóa được soi đường vận động từ 60 năm trước với bản Đề cương nổi tiếng.
Toàn Đảng và toàn dân ta đang phấn đấu thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những lực lượng đế quốc và thù địch hiện nay đang có ưu thế lớn về sức mạnh kinh tế và quân sự. Chúng đã từng phô trương thanh thế ở nhiều nơi trên thế giới trong hơn một thập kỷ qua và tiếp tục trắng trợn đe dọa độc lập chủ quyền của nhiều quốc gia dân tộc. Trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay, chúng ta phải phát huy có hiệu quả sức mạnh vô địch từ những giá trị văn hóa tốt đẹp của con người và dân tộc Việt Nam. Ưu thế và vũ khí chủ yếu của chúng ta chính là văn hóa, tinh thần và tư tưởng của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Kỷ niệm trọng thể 60 năm bản Đề cương về văn hóa của Đảng, ôn lại chặng đường xây dựng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, những người Việt Nam hôm nay, đặc biệt những người làm công tác lý luận, càng có thêm cơ sở để tự hào về trí tuệ và bản lĩnh văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với trí tuệ và bản lĩnh đó, văn hóa Việt Nam đã được giải phóng khỏi tình trạng nô lệ do chế độ thực dân và phong kiến tạo nên. Trí tuệ và bản lĩnh đó đã làm cho văn hóa Việt Nam không bị hủy diệt bởi các cuộc chiến tranh tàn phá, hơn thế nữa, còn trở thành điểm sáng về lương tri của dân tộc và của thời đại. Chúng ta tin tưởng và hy vọng rằng, ở thời kỳ lịch sử mới, với kết quả của gần 20 năm đổi mới tư duy, trí tuệ và bản lĩnh văn hóa của Đảng nhất định sẽ đưa văn hóa Việt Nam vươn tới đỉnh cao mới: một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Sự gia tăng vai trò của văn hoá trong điều kiện toàn cầu hoá

Ngày 21/9/2003. Cập nhật lúc 8h 28'

Toàn cầu hóa đang là một trong số những vấn đề được thảo luận nhiều trong đời sống chính trị của các quốc gia cũng như quốc tế. Thời điểm xuất hiện của hiện tượng này, bản chất và ảnh hưởng của nó đối với đời sống các quốc gia, dân tộc, cá nhân v.v..., cho đến nay vẫn là các chủ đề thời sự của nhiều cuộc hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Tác động của toàn cầu hoá mang tính nhiều mặt. Bài viết này tập trung vào xem xét mối liên hệ giữa toàn cầu hoá với văn hoá: bước đầu tìm hiểu một số nguyên nhân làm gia tăng vai trò của văn hoá trong điều kiện toàn cầu hoá.

Hiện nay, không một ai hoài nghi về tầm quan trọng cũng như sự gia tăng ảnh hưởng của văn hoá đối với các mặt của đời sống cá nhân cũng như cộng đồng. Các nguyên nhân cơ bản của sự gia tăng đó là:

Nguyên nhân thứ nhất: Trong tiến trình lịch sử, các mối liên kết cộng đồng trên cơ sở của văn hoá thường tỏ ra bền vững và chịu được thử thách của thời gian hơn so với những mô thức liên kết khác, chẳng hạn như thị trường hay nhà nước.

Xét về mặt lịch sử, quốc gia dân tộc đã ra đời muộn hơn nhiều so với các nền văn hoá - văn minh. Thời điểm ký kết Hoà ước Westphalia (năm 1648) được quan niệm là điểm mốc đánh dấu sự ra đời của quốc gia dân tộc. Theo tinh thần của Hoà ước, chủ quyền của quốc gia trở nên tối cao nhờ tách ra khỏi tôn giáo và được hậu thuẫn bằng vũ lực. Quốc gia có quyền lực tuyệt đối trong việc xử lý các vấn đề đối nội và có quyền lực tuyệt đối về lãnh thổ cũng như về quản lý cộng đồng nằm trong lãnh thổ.

Nhưng trong điều kiện toàn cầu hoá, tính tuyệt đối, tối cao, tính không chuyển nhượng và chia cắt của chủ quyền quốc gia đang gặp phải nhiều vấn đề, cụ thể là: trước áp lực của sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, sinh thái, an ninh, và các vấn đề chung khác nữa do toàn cầu hoá mang lại, ranh giới giữa các quốc gia đang bị mờ dần. Một khi các "dải phân cách" mang tính lịch sử và nhân tạo chia cắt cộng đồng văn hoá thành từng mảng nhỏ đang giảm dần hiệu lực trong điều kiện toàn cầu hoá, thì tất yếu sẽ diễn ra cái xu hướng trả lại “nền móng" ban đầu mà trên cơ sở đó các quốc gia - dân tộc đã xuất hiện. Nền móng ấy, theo nhận định của nhiều nhà văn hoá học và sử học đương đại, chính là văn hoá - văn minh.

Nhà sử học người Anh Arnold Toynbee - người có ảnh hưởng lớn đối với giới nghiên cứu lịch sử và xã hội học đương thời, ngay từ những năm 70 Thế kỷ XX, đã cho rằng: Chỉ có các nền văn hoá - văn minh mới đủ tư cách giữ vai trò là những thực thể trọn vẹn của lịch sử, và do đó, mới có đủ tư cách trở thành những đối tượng nghiên cứu độc lập; còn quốc gia dân tộc thì không phải như vậy. Khó có thể hiểu nổi lịch sử của một quốc gia, một dân tộc, một khi đã tách ra khỏi cái nền văn hoá mà chúng đang tham dự với tư cách là thành tố. Còn nhà chính trị quốc tế hàng đầu của Hoa Kỳ, Sammuel Huntington đã đi đến kết luận: sau khi hệ thống đối đầu lưỡng cực của chiến tranh lạnh chấm dứt, sẽ nổi lên sự đối đầu giữa các nền văn hoá - văn minh. Và cũng với ý nghĩa đó, người ta đề cập đến cuộc đối thoại giữa các nền văn hoá - văn minh trong thời đại toàn cầu hoá.

Nguyên nhân thứ hai là nhu cầu tự khẳng định và bảo tồn kết cấu của quốc gia dân tộc (Chính phủ - Luật pháp - Xã hội công dân) trước áp lực của toàn cầu hoá.

Đối với các quốc gia dân tộc, khả năng bị hoà tan vào cấu trúc kinh tế và chính trị ở cấp độ khu vực và toàn cầu là rất lớn. Sự hình thành EU, AU, các hiệp ước đa phương hay khu vực như WTO, ASEAN, APEC... , trên thực tế đang đặt ra những thách thức như vậy. Đứng trước tình hình đó phản ứng của các quốc gia có khác nhau.

Các cường quốc nhân dịp này bành trướng ảnh hưởng về kinh tế và chính trị để trở thành các trung tâm quyền lực ở cấp độ châu lục hay khu vực (và cũng có thể là toàn cầu, chẳng hạn như Mỹ). Bởi vậy, chính phủ của các nước lớn thường ủng hộ xu hướng cắt giảm chủ quyền, gỡ bỏ một số chức năng điều tiết của nhà nước. Tuy nhiên, các xã hội công dân của những nước này lại phản ứng theo chiều ngược lại. Việc tạo ra các thể chế liên chính phủ để điều tiết các hoạt động xuyên biên giới đã làm giảm tính trực tiếp của nền dân chủ, thậm chí đã phá vỡ các nguyên tắc căn bản của nền dân chủ đại nghị. Cụ thể là, các thể chế liên chính phủ không phải do dân chúng của các nước thành viên đứng ra bầu chọn một cách trực tiếp. Do đó, nguy cơ sử dụng quyền lực cộng đồng vào những mục tiêu không phù hợp với ý chí của các xã hội công dân là rất lớn. Nhân dân ở các nước này cho rằng, các thể chế quốc tế là một tầng cai trị mới, một “siêu nhà nước", đứng trên nhà nước dân tộc của họ. Cũng bởi sự gián tiếp ấy, nên họ không thể điều phối được “siêu nhà nước" nếu chỉ dựa vào các nguyên tắc dân chủ truyền thống. Trên thực tế ở các xã hội công dân phương Tây đang phổ biến cái quan niệm cho rằng: trong điều kiện toàn cầu hoá, các thế lực chính trị và tài phiệt (mà chủ yếu là các công ty đa và xuyên quốc gia) mới là những kẻ thao túng thật sự.

Đứng trước tình hình đó, trong lòng xã hội công dân của các nước tư bản phát triển đang trỗi dậy phong trào chống toàn cầu hoá. Phong trào này hiện đang liên kết các xã hội công dân với nhau nhằm đối trọng lại quá trình liên kết của các chính phủ. Nếu các chính phủ tạo ra các thế chế “siêu nhà nước" thì đối lại, các xã hội công dân hình thành nên “siêu xã hội" để kiểm soát lại - theo đúng tinh thần của các nguyên tắc dân chủ. Trong cuộc đấu tranh đó, xã hội công dân đã viện đến mọi vũ khí khả dĩ: từ vấn đề môi sinh cho đến nhân quyền và công bằng xã hội, đến phát triển bền vững..., nhằm vạch trần bản chất độc tài và tư lợi của các thể chế “siêu nhà nước". Và trong cuộc đấu tranh ấy, bản sắc văn hoá dân tộc luôn là lợi khí hàng đầu của các xã hội công dân.

Với lý do văn hoá bản địa đang bị xâm thực bởi những nền văn hoá khác do toàn cầu hoá đem lại, đặc biệt là văn hoá và lối sống Mỹ - cái hiện đang lan tràn trên các kênh truyền hình, trên Internet và các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua Fast Foods, MacDonalds, hoặc các ấn phẩm của Hollywood...vv - các xã hội công dân của những nước phát triển đang kêu gọi và gây sức ép với chính phủ của mình, buộc chính phủ phải đưa ra những chính sách bảo hộ về văn hoá dân tộc, mà thực chất là bảo vệ môi trường dân chủ truyền thống của xã hội công dân. Sự kiện các đảng cánh hữu và cực hữu đột nhiên thắng thế trong những năm gần đây ở một số nước phát triển là minh chứng cho xu hướng này.

Nếu nhu cầu bảo tồn bản sắc văn hoá ở các nước phát triển bắt nguồn từ xã hội công dân vì lý do duy trì các nguyên tắc truyền thống về dân chủ và công bằng xã hội, thì tại các nước đang hoặc chậm phát triển, nhu cầu này lại bắt nguồn trực tiếp từ bản thân các chính phủ. Vì là những nước ở vị thế yếu, nên sự hội nhập vào đời sống quốc tế tiềm ẩn khá nhiều hiểm hoạ, mà một trong số đó là sự suy giảm tính tự quyết trong các thương lượng quốc tế cũng như trong xử lý các vấn đề nội bộ. Đứng nước tình hình đó, các chính phủ viện đến bản sắc văn hoá dân tộc, đến các ý thức hệ truyền thống và cả tôn giáo nữa... nhằm chống lại sự áp đặt từ phía các nước lớn, khi các nước này nhân danh các giá trị và chuẩn mực toàn cầu mà đưa ra những quyết định bất lợi cho các nước đang hoặc kém phát triển.

Nguyên nhân thứ ba là nhu cầu phản tư của các cá thể trước tính bất định và xu thế nhất dạng hoá, phát sinh từ toàn cầu hoá. Về điểm này, nhà tương lai học người Mỹ, john Naisbitt cho rằng, với sự hỗ trợ của cuộc cách mạng công nghệ và thông tin, các cá thể sẽ có được quyền lực mà trước đây họ chưa bao giờ có; cơ hội của tự do cá nhân là không thể dự đoán hết được. Nền kinh tế càng trở nên toàn cầu bao nhiêu, thì các phần tử nhỏ nhất trong đó lại trở nên càng mạnh lên bấy nhiêu. Nội dung ấy cấu thành nghịch lý toàn cầu.

Sự mạnh lên của các cá thể một cách tất yếu, đòi hỏi phải khẳng định tính cá biệt của nhân cách, sao cho cá thể không bị hoà tan vào những hệ chuẩn mang tính toàn cầu đang lấp đầy không gian sống. Chỉ như vậy sự độc đáo của nhân cách mới được bảo tồn, và do đó, cá thể mới tìm thấy ý nghĩa của sự tồn tại. "Khi nền kinh tế thế giới ngày càng thống nhất và xã hội loài người ngày càng trở nên giống nhau, nhu cầu của một cá nhân giữ lại ý nghĩa của mình trong một biển người đồng dạng ngày càng gia tăng”. Để làm được điều này, trước hết, các cá thể dựa vào nền văn hoá đặc thù của cộng đồng truyền thống, và sau đó tiếp tục cá biệt hoá nó vào trong nhân cách của mình, tức là làm cho cái phổ biến tán sắc qua lăng kính của cái cá biệt, đơn nhất và đặc thù. Thế nên, hiện nay và sau này, cùng với sự đẩy mạnh toàn cầu hoá, văn hoá cũng sẽ không ngừng gia tăng sức mạnh, với tư cách là lực lượng đại diện cho tính đa dạng đối trọng lại quá trình nhất dạng hoá.

Nguyên nhân thứ tư. Trong điều kiện toàn cầu hoá, tiếng nói của văn hoá đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ đối với kinh tế. Có thể thấy rõ xu thế này trên hai phương diện: tăng trưởng kinh tế và kinh tế tri thức.

Đối với tăng trưởng kinh tế, môi trường đầu tư có vai trò hết sức quan trọng trong tình hình hiện nay, trong đó văn hoá chiếm một tỷ phần đáng kể trong thành phần của môi trường đầu tư. Bằng cách này, văn hoá dự phần vào cái mà các nhà kinh tế học hiện nay gọi là vốn xã hội (social capital)

Vào những thập niên 70 - 80 của thế kỷ XX, đã có nhiều công trình nghiên cứu về các yếu tố tăng trưởng ở một nước hay một khu vực. Những thành tựu phát triển của kinh tế vào thời điểm đó đã cho phép khẳng định vai trò động lực của vốn và công nghệ. Kinh nghiệm của các NIC cũng cho thấy như vậy. Công nghệ giúp hình thành vốn, vốn sẽ làm tăng thu nhập đầu người và dẫn đến việc mở rộng quy mô thị trường, và đến lượt mình, điều này sẽ thúc dẩy quá trình đổi mới công nghệ.

Tuy nhiên vào thời điểm diễn ra các nghiên cứu như vậy, thế giới vẫn nằm trong tình trạng chiến tranh lạnh. Chiến tranh lạnh, về cơ bản, đã chia cắt thế giới thành hai khu vực, tương ứng là hai ý thức hệ và hai hệ thống kinh tế đối đầu với nhau về nguyên tắc. Do có sự phân cắt về mặt địa - chính trị và địa - kinh tế, nên các dòng vốn và công nghệ chuyển dịch từ nơi này sang nơi khác thường là dưới áp lực của ý chí chính trị. Bới vậy, đặc quyền đế có được vốn và công nghệ đã mang tính chất quyết định đối với tăng trưởng kinh tế. Nhiều học giả phương Tây thậm chí còn cho rằng, sẽ không thể xuất hiện bất cứ “con rồng" nào nữa ở châu Á, nếu như vì lý do chính trị, khu vục này không còn những ưu đãi về thị trường, về vốn và công nghệ.

Nhưng kể từ khi chiến tranh lạnh chấm dứt, toàn cầu hoá đã đặt sự chuyển dịch của các dòng vốn và công nghệ vào tay thị trường lự do. Giờ đây, chính là sự hấp dẫn của môi trường đầu tư sẽ quyết định vốn và công nghệ phải chảy vào đâu. Nói cách khác, sự tự do hoá vốn và công nghệ đã làm thay đổi quan điểm về tăng trưởng. Trong điều kiện toàn cầu hoá, cơ hội tăng trưởng không còn nằm ở bản thân vốn và công nghệ, mà nằm ở khả năng thu hút và tiêu hoá chúng. Đến lượt mình, việc hấp thụ công nghệ và vốn đến đâu, điều đó lại phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá của một quốc gia, được xét đến tại một thời điểm xác định, tức là phụ thuộc vào vốn xã hội.

Đó cũng chính là con đường dẫn các nhà kinh tế học hiện đại đến với các tác nhân tăng trưởng phi kinh tế, trong đó văn hoá là một lực lượng quan trọng có tính bao trùm. Các công trình nghiên cứu của hai nhà kinh tế học Temple và Johnson ( 1998 ) đã khẳng định tác động của văn hoá đối với trường hợp các nước đang phát triển hiện nay. Họ phát hiện ra rằng tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người và năng suất tổng hợp có mối liên hệ hiển nhiên với vốn xã hội khởi điểm (initial social capital) của một nước. Vì thế họ bác bỏ mô hình của Solow, theo đó, sự hấp thụ công nghệ của các nước là như nhau, và chuyển sang ủng hộ mô hình, trong đó các yếu tố xã hội đã tồn tại từ trước có vai trò định hình quan trọng đối với sự tiếp thu công nghệ và tốc độ phát triển.

Nhiều công trình nghiên cứu về phát triển kinh tế trong những năm gần đây cũng đã từ bỏ cái quan niệm thuần tuý kinh tế về quá trình phát triển, để hướng đến các tác nhân phi kinh tế mà trong đó văn hoá là một thành tố quan trọng.

Không chỉ phát huy tác dụng dưới dạng vốn xã hội, văn hoá hiện đang trở thành động lực chủ đạo của nền kinh tế tương lai- kinh tế tri thức. Trong nền kinh tế này, các nhân tố như: tri thức, thông tin, tiềm năng con người... - những cái vẫn được xem là nội dung của văn hoá - đang trở thành những yếu tố đầu vào hết sức quan trọng và có tính quyết định đối với quá trình sản xuất.

Những dự báo về sự nổi lên của nền kinh tế tri thức trong thế kỷ XXI đã mở ra viễn cảnh về tầm quan trọng tiếp tục gia tăng của văn hoá trong tương lai. Viễn cảnh ấy đang là cơ sở để nhiều quốc gia hiện nay tăng cường đầu tư vào giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, củng cố ý thức cộng đồng, thúc đẩy dân chủ và đa dạng hoá văn hoá, khi quan niệm rằng: những bước đi như vậy là sự chuẩn bị tích cực cho một nền kinh tế chủ yếu dựa vào tri thức.

Văn hoá là một đối tượng phức tạp. Có thể hình dung văn hoá như một tổng thể các giá trị tinh thần, vật chất, đặc trưng cho một xã hội hay một nhóm xã hội. Văn hóa hàm chứa trong bản thân không chỉ nghệ thuật, văn học, mà còn cả phương thức sống, các quyền cơ bản của con người, hệ thống các giá trị, truyền thống và tín ngưỡng. Cũng có thể định nghĩa văn hoá như những quy tắc thường xuyên trong ứng xử bên trong và bên ngoài của các thành viên trong một xã hội (trừ những nguyên tắc thường xuyên mang tính di truyền); hoặc quan niệm về văn hoá như yếu tố dược điều tiết và lặp lại nhiều lần bởi lịch sử,...Và còn có thể tiếp tục dẫn ra rất nhiều định nghĩa khác nhau về văn hoá.

Song bất chấp những lý giải đa dạng về văn hoá, bất chấp những nét đặc thù mà mỗi cá nhân, mỗi dân tộc khoác lên bản thân, ở bất cứ dâu, văn hoá luôn hiện diện với tư cách là thuộc tính chỉ có riêng và vốn có của riêng con người. "Khái niệm văn hoá phản ánh, cách này hay cách khác, chính là đặc trưng loài toàn nhân loại của các hoạt động, với tư cách là phương thức tồn tại của con người nói chung".

Cùng với sự phát triển của nhân loại, khuynh hướng hiển lộ đặc trưng loài của xã hội loài người là một tất yếu. Bởi vậy, sự gia tăng vai trò của văn hóa nghệ thuật với thời gian lịch sử, là một tính quy luật.

Dưới sự chiếu sáng của tính quy luật ấy, toàn cầu hoá chỉ là một nấc thang lịch sử trong quá trình khai nở các tiềm năng văn hoá.



Phan Thái Việt (theo TC Thông tin KHXH)

Каталог: tailieucuaan
tailieucuaan -> Wikipedia luôn có mặt mỗi khi bạn cần giờ đây Wikipedia cần bạn giúp
tailieucuaan -> THỦ TƯỚng chính phủ Số: 1001
tailieucuaan -> Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002 và Nghị định số 60/2003/NĐ-cp ngày 06/6/2003 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước
tailieucuaan -> Nghị định số 148/2007/NĐ-cp ngày 25/9/2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện
tailieucuaan -> Câu: Quá trình nhận thức của Đảng về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân 1930-1954
tailieucuaan -> CHÍnh sách ngoại thưƠng của việt nam
tailieucuaan -> Vấn đề 1 : Nguồn gốc và quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh
tailieucuaan -> Third United Nations Conference on the Law of the Sea
tailieucuaan -> Đề Ở một ngành có 3 hãng a b c, chúng cạnh tranh tự do với nhau. Lượng sản phẩm sx ra của các hãng lần lượt là 100,150,200 sản phẩm, với giá trị các biệt tương ứng là : 3, 2

tải về 0.93 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương