Sự đa dạng sáng tạo của chúng ta


Về vai trò giáo dục của trường học



tải về 0.93 Mb.
trang6/14
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích0.93 Mb.
#29147
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14

Về vai trò giáo dục của trường học.

Tiếp theo gia đình, nhà trường giữ một vai trò quyết định trong việc giáo dục và đào tạo những con người gắn bó với lợi ích của xã hội, những con người có đủ trí tuệ, tài năng và đạo đức để xây dựng nền tảng văn hóa của xã hội.

Việc giáo dục văn hóa không chỉ giao riêng cho các thầy cô giáo dạy môn giáo dục công dân mà nhà trường phải có ý thức giáo dục văn hóa qua mọi môn học nhất là trong giảng văn, giảng sử.

Làm thế nào để tăng cường hơn nữa việc học sinh thâm nhập vào cuộc sống, tổ chức hợp lý và chu đáo những cuộc đi thăm các bảo tàng, các di tích lịch sử nhằm nâng cao thêm niềm tự hào với đất nước và trách nhiệm của người công dân. Làm thế nào để phát động được một phong trào sống đẹp trong học sinh và thanh niên, cùng nhau trau dồi tâm hồn và trí tuệ, sống chân thành trong quan hệ thầy trò và bè bạn, trong sáng trong quan hệ nam nữ. Cần tạo điều kiện để hướng dẫn học sinh biết đánh giá con người không ở sự khoe khoang về đời sống vật chất của gia đình, về địa vị của bố mẹ, mà trước hết ở nếp sống có văn hoá và đạo đức của một con người.

Điều có ý nghĩa quyết định trong việc giáo dục cho học sinh là sự gương mẫu về văn hóa và đạo đức của thầy cô giáo. Phải có những giải pháp vật chất và tinh thần thích hợp để tạo cho thầy giáo điều kiện sống tương đối đầy đủ, để phát huy được những phẩm chất đạo đức và văn hoá, tranh thủ được sự tin cậy của xã hội và lòng kính trọng mến yêu của đông đảo học sinh.

Chúng tôi nghĩ rằng những giải pháp trên đây chỉ là những gợi ý mong được các cơ quan Nhà nước và giới văn hóa quan tâm, để xây dựng những biện pháp cụ thể hơn và phong phú hơn.

Xin cám ơn giáo sư!

Theo Tạp chí Tư tưởng – Văn hoá, tháng 10/2004



Tiếp biến văn hoá - một yếu tố để phát triển văn hoá

Ngày 10/8/2004. Cập nhật lúc 8h 36'

(LTS): Tiếp biến văn hóa là quy luật tất yếu khách quan, được hình thành trong suốt quá trình vận động và phát triển của mỗi nền văn hóa dân tộc. Việt Nam không nằm ngoài quy luật ấy và đã thành công trong sự nghiệp gìn giữ, phát triển nền văn hóa dân tộc; tiếp nhận và cải biến nhiều giá trị văn hóa bên ngoài, trở thành một nước có nền văn hóa tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tiếp biến văn hóa là phương thức truyền bá và tiếp nhận văn hóa. Nó bao gồm việc biến đổi về văn hóa giữa hai bên tiếp xúc với nhau trong một thời gian tương đối dài. Từ quá khứ tới hiện tại, những mối liên hệ giao lưu văn hóa luôn diễn ra trên nhiều bình diện, thông qua nhiều lĩnh vực hoạt động (kinh tế, chính trị, ngoại giao, thậm chí cả chiến tranh. . .). Phương hướng, tính chất, quy mô của tiếp biến văn hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan; trong đó quan trọng là ''vốn'' văn hóa của hai bên tương tác. Trong quá trình tiếp biến, hai bên (hoặc các bên) bổ sung và làm giàu cho nhau về văn hóa. Những thế mạnh của nền văn hóa này có thể giúp nền văn hóa khác rút ngắn được chặng đường phát triển. Xét đến cùng, tiếp biến văn hóa làm cho các nền văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng. Song, dù sao vẫn cần phải nhấn mạnh rằng sự phát triển văn hóa của mỗi dân tộc đều có tính riêng biệt, nên không thể chỉ xem xét văn hóa bằng những con số, hoặc qua những nền văn hóa mà nó có liên hệ.

Ngày nay thế giới đã bước vào nền kinh tế tri thức. Sự phát triển kỳ diệu của khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin làm cho nhịp độ giao lưu, truyền bá văn hóa ngày càng ào ạt, với tốc độ chóng mặt. Các ''đế quốc văn hóa'' nắm trong tay phương tiện kỹ thuật khổng lồ đã và đang tạo ra ''bão táp văn hóa'' trên phạm vi toàn cầu; lấn lướt các nền văn hóa của các quốc gia - dân tộc nhỏ bé hoặc ''đang phát triển''. Thực tế cho thấy, các dân tộc nhỏ bé và lạc hậu (không loại trừ cả những dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu văn hóa rực rỡ trong quá khứ) đang đứng trước nguy cơ ''hủy diệt văn hóa'', thay vào đó là những ''giá trị văn hóa'' xa lạ với truyền thống - bản sắc văn hóa dân tộc. Ngay từ nửa cuối thế kỷ XX, nhiều nhà văn hóa, nhà khoa học và chính khách đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ suy kiệt bản sắc văn hóa của các dân tộc, tạo ra một thứ văn hóa ''đồng dạng'', ''vô hồn''... Nói cách khác, bản chất ích thực của văn hóa đã và đang bị đe dọa nghiêm trọng do ''cái ác'' hoành hành dữ dội, bất chấp các ranh giới địa lý và luật pháp, chà đạp lên lương tri và lẽ phải.

Tiếp biến văn hóa là quy luật tất yếu khác quan. Nó diễn ra trong suốt quá trình hình thành, vận động và phát triển của mỗi nền văn hóa dân tộc. Bởi vậy, nó cũng là nhiệm vụ của lịch sử mà mọi quốc gia - dân tộc không thể chối từ. Làm tốt nhiệm vụ đó thì sẽ bảo vệ và phát triển được truyền thống - bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời hòa nhập với xu thế tiến bộ của thế giới. Ngược lại, nếu thiếu một chiến lược đúng đắn, thiếu chủ động trong việc thực hiện toàn bộ lộ trình, cũng như từng bước trên lộ trình, xây dựng và phát triển văn hóa thì rất có thể sẽ lâm vào ''bi kịch văn hóa'', đánh mất chính mình, trở thành ''bản sao” thành ''cái bóng'' của người khác. Vì thế, dân tộc, trước hết là bộ phận lãnh đạo, điều hành đất nườc có vai trò quyết định đối với quá trình tiếp biến văn hóa.

Lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cũng là lịch sử nhân dân ta xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc với những thành tựu rất đáng tự hào. Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn là hai giá trị cơ bản nhất, giữ vai trò định hưởng mọi suy nghĩ và hành động của cả dân tộc cũng như của từng con người Việt Nam. Đó là sự hội tụ của nhiều giá trị văn hóa đặc sắc từ những con người, những miền đất trong cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam Đồng thời, nó lại được thể hiện trên khắp các lĩnh vực hoạt động xã hội.Văn hóa Việt Nam là kết quả sáng tạo của nhân dân Việt Nam trong quá trình lao động sản xuất, cải tạo tự nhiên và quá trình đấu tranh kiên cường, anh dũng chống ngoại xâm bảo vệ và giải phóng tổ quốc. Đó cũng là kết quả của quá trình tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhiều dân tộc trong khu vực và trên thế giới. Hàng nghìn năm trước, từ vị trí trung tâm, “đầu cầu'' của Đông Nam Á, Việt Nam đã trở thành giao điểm của các luồng giao thông, các luồng di dân và các luồng văn hóa.

Trên cơ sở những ''hằng số văn hóa'' (mang nét điển hình của “vành đai văn hóa Đông Nam Á''), cùng với sự tiếp biến văn hóa từ nhiều luồng khác nhau, đã tạo ra bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo và hết sức phong phú. Cho nên, nhiều vị học giả đã khẳng định rằng nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa ''đa dạng trong thống nhất'' (hay thống nhất trong đa dạng). Đó cũng là đặc điểm phổ quát về văn hóa của hầu hết các dân tộc trên thế giới.

Qua diễn trình lịch sử, dân tộc ta đã tiếp xúc, giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực và thế giới mà tiêu điểm là với Ấn Độ và Trung Hoa thời cổ - trung đại; với văn hóa phương Tây thời cận - hiện đại; với văn hóa Liên Xô và các nước XHCN thời hiện đại; đồng thời còn thường xuyên giao lưu với các nước trong ''vành đai Đông Nam Á''. Ngày nay, thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế chúng ta có nhiều cơ hội hơn để giao lưu, tiếp biến văn hóa; để dân tộc ta soi mình vào nhân loại, từ đó bảo vệ và phát triển truyền thống - bản sắc văn hóa của mình. Nhìn lại quá khứ, chúng ta có thể tự hào là tổ tiên chúng ta đã rất thành công trong sự nghiệp giữ gìn và phát triển nền văn hóa dân tộc đã tiếp nhận và cải biến nhiều giá trị văn hóa của bên ngoài, dù chúng được truyền bá vào nước ta bằng phương thức tự nhiên hay cưỡng bức. Các thế lực phong kiến, thực dân, đế quốc đã từng xâm lược và đô hộ Việt Nam với nhiều chính sách tàn bạo hòng phá bỏ nền gốc văn hóa dân tộc, áp đặt văn hóa của họ. Nhưng dù trong hoàn cảnh mất nước, nhân dân ta vẫn tìm ra con đường bảo tồn văn hóa dân tộc, chống lại mọi âm mưu và thủ đoạn đồng hóa văn hóa.

Thực tế cho thấy, hàng chục thế kỷ nay, mọi giá trị văn hóa từ bên ngoài khi du nhập vào Việt Nam đều được cải biến (hoặc nhiều hoặc ít) cho phù hợp với điều kiện sống của Việt Nam; tâm hồn, cốt cách con người Việt Nam; và truyền thống - bản sắc văn hóa Việt Nam.

Từ khi thực hiện đường lối Đổi mới, Đảng và Nhà nước chủ trương mở cửa, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế. . . nhờ đó đất nước đã vượt qua được nhiều khó khăn, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh từng bước được củng cố và phát triển. Trên lĩnh vực văn hóa, chúng ta tập trung xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các chủ trương, giải pháp lớn đã được đề ra khá đầy đủ và toàn diện. Đời sống tinh thần của nhân dân đã được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng hiện tại vẫn còn có nhiều hạn chế và thiếu sót. Do đó, tình hình văn hóa - xã hội còn nhiều vấn đế bức xúc cần phải được tháo gỡ. Thực trạng văn hóa đã chứng tỏ tác hại to lớn, không chỉ trước mắt mà trong cả tương lai lâu dài của sự suy thoái văn hóa nếu không có, hoặc lơi là trong biện pháp giải quyết. Và cũng nên lưu ý, ngay cả những giá trị văn hóa tốt đẹp bên ngoài nếu được tiếp nhận với động cơ không lành mạnh cũng có thể dẫn tới phản tác dụng.

Do vậy chúng ta không thể “thả nổi'' trong tiếp xúc, giao lưu văn hóa. Cần chủ động hơn nữa trong chỉ đạo chiến lược cũng như các khâu, các bước tiến hành cụ thể, có phân công trách nhiệm rõ ràng đối với từng cấp, từng ngành và các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước. Quản lý văn hóa trong thời đại tin học, trong không gian mở cửa là vô cùng khó khăn, phức tạp. Nếu chúng ta nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm từ các cơ quan chức năng đến mỗi công dân thì chúng ta đã có những tiền đề cơ bản và quan trọng nhất để lập lại kỷ cương trong lĩnh vực văn hóa. Đương nhiên là phải có sự kết hợp đồng bộ giữa giáo dục với các biện pháp hành chính, phát huy trách nhiệm của hệ thống chính trị ở cơ sở... Chỉ có như vậy mới thực hiện được mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như mong muốn của Đảng và nhân dân ta.

(Theo Văn Lâm, Tạp chí Văn nghệ Quân đội)



Kế thừa và phát huy truyền thống văn hoá chính trị Việt Nam

Ngày 11/11/2004. Cập nhật lúc 15h 26'

Văn hoá gắn liền với phương thức tồn tại và phát triển của con người và xã hội. Do vậy, các nhân tố văn hoá cần phải được tìm kiếm trong toàn bộ đời sống xã hội, ở tất cả các mặt và trên mọi phạm vi của nó.

Chính dưới sự nhìn nhận mới mẻ này mà chính trị, một cấu thành cơ bản của đời sống đang thu hút mối quan tâm rộng lớn của văn hoá học nhằm hình thành hệ thống tri thức đặc trưng là văn hoá chính trị. Bởi không ở đâu khác mà ở trong chính trị thì đời sống, thân phận, diện mạo của cá nhân và cộng đồng mới đươc quyết định một cách sâu sắc và trực tiếp.

Trong môi trường lịch sử, chính trị là một trong những phương thức cơ bản, thông qua đó con người và xã hội tiến hành thực hiện và biểu đạt các giá trị văn hoá của mình. Trong mỗi nền văn hoá xác định, hoạt động chính trị là một phương thức sáng tạo, chuyên chở, lưu giữ, tiếp biến và phát triển các hệ giá trị văn hóa. Đó là tài sản của mỗi dân tộc mà bất cứ một chiến lược phát triển hiện đại nào cũng buộc phải đối diện, kế thừa và ứng xử. Đặc biệt trong nền văn hóa chính trị của chúng ta, một nền văn hóa chính trị gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước lâu dài đã tạo lập nên được nhiều truyền thống quí báu, đến hôm nay vẫn đang tiếp tục phát huy tác dụng to lớn trong những hình thức và biểu hiện mới.

1- Những giá trị tiêu biểu của truyền thống văn hóa chính trị Việt Nam.

1.1. Nền văn hóa chính trị đề cao tinh thần yêu nước độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia.

Khắc phục thiên tai và chống giặc ngoại xâm là hai thao tác lịch sử thường trực và chính là hằng số vật chất quan trọng làm nên tính cố kết cộng đồng trong đời sống của con người Việt Nam. Dựng nước và giữ nước là nơi kết tinh trí tuệ, nhân cách và sức mạnh sáng tạo. Bởi vậy, đối với người Việt Nam, quốc gia và ranh giới quốc gia là rất đỗi thiêng liêng. Tình cảm và tư tưởng yêu nước là tình cảm và tư tưởng lớn nhất của nhân dân, của dân tộc Việt Nam. Theo GS. Trần Văn Giàu: “Chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên qua lịch sử Việt Nam biểu lộ rõ ràng, đầy đủ, tập trung hơn bất cứ chỗ nào khác. Yêu nước thành một triết lý xã hội và nhân sinh của người Việt Nam và, nếu dùng từ “đạo” với nguyên nghĩa của nó là “đường”, là hướng đi thì chủ nghĩa yêu nước đích thực là đạo của Việt Nam.



1.2. Nền văn hoá chính trị thân dân

Trong văn hóa chính trị Việt Nam truyền thống, tư tưởng thân dân, dựa vào dân được xem là điều kiện sống còn của Nhà nước. Tình cảm và tư tưởng về dân tộc gắn liền với dân chúng được nêu lên như những nguyên tắc chính trị: Lý Công Uẩn trong Chiếu dời đô viết: “Muốn mưu việc lớn, tính kế muôn đời cho con cháu thì trên phải vâng mệnh trời, dưới theo ý dân”. Quan niệm về độc lập và tự chủ của đất nước chỉ thực sự có giá trị khi nó liên hệ khăng khít với nhân thức về nhân dân, xem nhân dân là lực lượng quyết định trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc.



1.3. Nền văn hoá chính trị giàu tinh thần khoan dung

Cùng với quá trình phát triển của lịch sử, Việt Nam dần dần xây dựng được một truyền thống đưa vào “cái bất biến'' Việt Nam để “ứng vạn biến'' và tiếp biến với các nền văn minh lớn Trung Hoa, Ấn Độ phương Tây. Một nhà Việt Nam học người Pháp đã viết: “Tính độc đáo của quá trình Việt Nam chính là ở chỗ sự hấp thụ những ảnh hưởng bên ngoài được tiến hành thông qua một quá trình tích lũy một cách nhuần nhuyễn trong khi những nét dân tộc chủ yêú vẫn không hề bị giản lược, những nét khiến cho đất nước đến nay vẫn giữ được bản sắc của mình mặc dù có nhữug cố gắng ngoại lai nhằm nô dịch hóa hay chia cắt”.



1.4 . Nền văn hóa chính trị đề cao và tôn trọng hiền tài trong việc trị nước.

Nền văn hóa chính trị quốc gia Đại Việt trong chiều dài lịch sử của mình có thể tự hào là đã sản sinh ra một đội ngũ những ngườl tri thức yêu nước mang hào khí tổ tiên làm nên sự nghiệp lớn. Danh thần đời Lê Thánh Tông là Thân Nhân Trung đã để lại một chân lý nổi tiếng trên Văn bia Quốc Tử Giám: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước tàn''. Quan điểm “chiêu hiền đãi sỹ'' trong lịch sử thực chất là chính sách dùng người hiền tài với cả một hệ thống quan niệm và ứng xử kiên trì, tế nhị. Bao gồm phát hiện nhân tài, chân thành tha thiết cầu người hiền tài, tiến hiền, treo bảng cầu hiền, tin tưởng vào hiền tài với tầm nhìn xa trông rộng... và từ truyền thống đó, dân tộc đã hun đúc ra những người con ưu tú, với hiểu biết phong phú và sâu sắc, kết hợp với tinh thần dấn thân hành động, biết hy sinh bản ngã trong niềm vui chung của cộng đồng rộng lớn, được lịch sử ngưỡng mộ và tôn vinh…

Ngoài những giá trị rất đẹp nêu trên, văn hoá chính trị Việt Nam truyền thống cũng để lại những hệ quả tiêu cực. Ví dụ, mặt trái của tính tự trị và tính cộng đồng làng xã dẫn đến hàng loạt các căn bệnh tâm lý - xã hội ảnh hưởng đến quá trình phát triển đất nước hiện nay như: bệnh làm ăn kiểu sản xuất nhỏ, bệnh gia đình chủ nghĩa, bệnh xuề xoà đại khái, bệnh ''phép vua thua lệ làng'', tác phong làm việe chậm chạp...

Nhiệm vụ của các chủ thể chính trị hiện đại, mà trên hết là các chủ thể lãnh đạo vừa phải biết kế thừa các giá trị tốt đẹp mặt khác phải tìm cách hạn chế và khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực từ truyền thống để góp phần tạo nên một môi trường văn hóa chính trị Việt Nam tiên tiến, hiện đại, thúc đẩy quá trình phát triển đất nước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.



2- Một số vấn đề phương pháp luận về việc kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa chính trị Việt Nam trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. 1. Hiện đại và truyền thống là hai phương diện cấu thành, thể hiện sự tồn tại, lưu truyền, biến đổi và phát triển của văn hóa. Hiện đại luôn đặt ra những vấn đề mà con người cần phải giải quyết bằng hành động. Đó là cuộc sống hiện thực thực tại.

Nhưng hiện tại lớn lên luôn mang dấu ấn của quá khứ với tư cách là cội nguồn của phát triển. Sự tiến bộ của mỗi dân tộc không nằm trong sự lặp lại hoặc chối bỏ các truyền thống của mình. Như vậy, bảo tồn yếu tố truyền thống là một tất yếu khách quan trong các quá trình phát triển của đời sống xã hội.

2.2. Trên quan niệm khái quát nhất cần đi đến việc nhất trí rằng phải chống lại cả hai khuynh hướng : phục hồi truyền thống một chiều trong một môi trường văn hóa khép kín hoặc là mở cửa đón nhận cái hiện đại không cân nhắc, không chọn lọc, nhất nhất tin rằng đó là phương án văn hóa chính trị duy nhất để chỉ dẫn đất nước tiến lên theo kịp thế giới hiện đại.

Nhiệm vụ của văn hóa chính trị hiện đại ở Việt Nam là văn hóa chính trị được xây dựng trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó Đảng Cộng sản là hạt nhân lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối các lĩnh vực đời sống xã hội, phải biết kế thừa và phát huy một cách hợp lý những cái hay cái đẹp trong truyền thống, đồng thời tiếp thu những cái hay cái đẹp của văn hóa chính trị hiện đại (kể cả của nước ngoài).

2.3. Để vận dụng và phát huy các giá trị chính trị truyền thống, điều trước tiên là phải thẩm định lại các giá trị đó. Xuất phát từ các yêu cầu của xã hội hiện đại, cần phải xem xét những giá trị truyền thống để tiếp tục phát huy những mặt còn giá trị, vượt bỏ một số nội dung không còn giá trị và tiếp thu một số giá trị mới. Theo nghĩa đó, sự hiện diện của giá trị truyền thống như là những giá trị thực sự đối với hiện tại, không phải là một tặng vật cho không, mà luôn đòi hỏi một sự chủ động nhất định trong việc thẩm định chúng.

Có những giá trị truyền thống được xem là những hằng số văn hóa, thể hiện nổi bật và nhất quán trong lịch sử như chủ nghĩa yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc. Vì vậy, trong thời gian tới, các giá trị này cần tiếp tục phát huy tác dụng to lớn hơn nữa trong những hình thức biểu hiện mới. Yêu nước ngày nay phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội, gắn liền với thân phận của người dân, tìm cách giải quyết đời sống mưu sinh của con nggười và xây dựng đất nước có thể theo kịp với trình độ phát triển của thế giới. Yêu nước không nên và không thể dừng lại trong phạm vi một gia tộc, một xóm làng, một vùng quê mà phải yêu cả giang sơn gấm vóc, biết sống xứng đáng với truyền thống của cha ông đã mở mang và tôn tạo nó. Và lúc đó, sức mạnh và tài sản quốc gia lớn nhất không gì khác là đoàn kết dân tộc bắt rễ sâu trong truyền thống.

Cùng với sự vận động và phát triển của các cộng đồng dân tộc trong lịch sử, bên cạnh những giá trị truyền thống được kế thừa, lưu truyền trong lịch sử, đã xuất hiện những giá trị mới, những giá trị mang tính phổ biến và ổn định. Trong quá trình giao lưu quốc tế sẽ dần dần manh nha hình thành một số giá trị mới trên cơ sở hội nhập, tiếp thu và biến đổi các giá trị văn hóa của các dân tộc trên thế giới. Các giá trị này là sản phẩm lâu dài của sự phát triển nhân loại, không đi ngược với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, mà phù hợp và cần thiết cho sự nghiệp phát triển đất nước. Đó là các giá trị: tôn trọng cá nhân, tinh thần dân chủ hiện đại... Các giá trị mới này dần dần sẽ được biểu hiện thích nghi với môi trường trong nước, tích hợp với các giá trị truyền thống dân tộc truyền từ đời này qua đời khác, tạo nên dòng chảy không ngừng trong lịch sử, trở thành giá trị truyền thống của dân tộc.

Như vậy, các giá trị truyền thống dưới sự tác động của các yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá không phải là những thực thế nhất thành bất biến, mà chúng luôn luôn vận động theo những xu hướng khác nhau. Để đảm bảo cho sự vận động của chúng đi theo quỹ đạo nhất định, phát huy vai trò tích cực trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước thì không thể không có sự ''hướng dẫn một cách có ý thức'' của các chủ thể lãnh đạo và quản lý xã hội.

2.4. Văn hóa chính trị Việt Nam truyền thống là một phức hợp quan trọng trong nền văn hiến nước nhà. Nó là tinh hoa của cả cộng đồng dân tộc được vun đắp qua hàng nghìn năm đấu tranh xây dựng, có tác dụng to lớn trong quá trình lịch sử và có ý nghĩa trong việc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Cho nên, cần phải tập trung giáo dục và xây dựng cho mọi người, đặc biệt là các thế hệ kế tục sự hiểu biết, lòng tự hào, tự tôn để kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Theo Lâm Quốc Tuấn, Tạp chí Tư tưởng – Văn hoá, tháng 10/2004

Về thực trạng lý luận phê bình văn học hiện nay.

Ngày 1/7/2003. Cập nhật lúc 10h 19'

Nguyên Hòa



Lý luận, phê bình văn học, như tên gọi của nó, mới chỉ ra đời và phát triển ỏ Việt Nam trong khoảng một thế kỷ nay, đó là từ khi văn hóa - văn minh Việt Nam tiếp xúc và tiếp nhận những thành tựu của văn hóa - văn minh phương Tây. Sự tiếp nhận các lý thuyết và thao tác sử dụng các nguyên tắc của lý luận, phê bình vào đời sống văn học Việt Nam sau hơn một thế kỷ đã xác lập, đặt nền móng cho một truyền thống lý luận - phê bình tuy còn mới mẻ song cũng đã thu được không ít thành tựu. Tuy vậy, vào một hai thập kỷ cuối cùng thế kỷ 20 và những năm đầu của thế kỷ 21, trước xu hướng vận động để tìm tòi, khám phá đưa văn chương phát triển lên một bước mới, thì lý luận - phê bình dường như vẫn chưa theo kịp vớ1 sự vận động của thực tiễn văn chương, vì thế ý kiến cho rằng, lý luận, phê bình như đang lâm vào một cuộc "khủng hoảng" không phải. là không có cơ sở. Điều này có thể tìm hiểu một phần qua tình hình đăng tải các bài viết, triển khai các cuộc trao đổi, thảo luận trên báo chí thời gian qua.
Điều dễ nhận thấy về lý luận - phê bình lâu nay là sự thiếu tổ chức bài vở theo một kế hoạch chặt chẽ, tức là ở những mức độ khác nhau lý luận - phê bình thường đăng tải theo lối "ăn đong", chạy theo các sự kiện văn học, và xen lẫn quá nhiều những bài điểm sách, trong đó những lời khen tặng thường được sử dụng với một mật độ dày đặc. Liệu có phải là dễ dãi khi người ta có thể cho đăng những bài viết ca ngợi một số "thành tựu giả khoa học" hay những tiểu luận hết sức mơ hồ về lý luận văn học? Lại nữa, lâu nay có một hiện tượng trong sinh hoạt lý luận - phê bình là sự xuất hiện của những bài viết khái quát về tiểu thuyết, về lý luận - phê bình, về thơ mà đọc những bài viết đó không thể không nhận ra rằng hầu như người viết không theo dõi văn chương Việt Nam đương đại, không theo dõi tình hình lý luận - phê bình, và chủ yếu tập hợp ý kiến đã đăng trên báo chí. ở phạm vi rộng hơn, có thể do không nắm chắc vấn đề, cũng có thể do chạy theo xu hướng "giật gân" cho nên đã có nhưng bài lý luận - phê bình hoặc là mạt sát quan điểm của người khác một cách tự biện, hoặc cũ kỹ về lý luận, hoặc đề cao quá mức một số tác giả, tác phẩm. Trên một số tạp chí Văn nghệ của các địa phương, lý luận, phê bình còn đáng quan tâm hơn ở công đoạn chọn lọc bài vở, bởi vì một vài nơi đã cho đăng những ý kiến mà thiển nghĩ cần phải cân nhắc trước khi đăng tải.
Xem xét nghiêm khắc và trên tinh thần thiện chí, phải chăng có thể nhận xét rằng, nhiều cây bút lý luận - phê bình đã và đang để mình rơi vào tình trạng "mũ ni che tai", thụ động trước diễn biến phức tạp của sinh hoạt văn học? Những bài viết mang tính khoa học, khách quan, nghiêm túc, có tinh thần phê phán, được dư luận ủng hộ... ngày càng thưa vắng. Bên cạnh đó, việc tổ chức các cuộc trao đổi ý kiến có liên quan tới lý luận - phê bình trong nhiều trường hợp có lẽ đã nằm ngoài khả năng của người tổ chức và đưa lại cảm giác dường như trước khi đăng một bài viết có tính chất phê phán người ta không dự liệu trước được tình huống bài viết ấy sẽ mở đầu cho một cuộc tranh luận để có thể chủ động tiến hành một cách dân chủ, có kết luận cụ thể. Do không lường trước được các tình huống có thể xảy ra nên khó lòng kiểm soát các cuộc tranh luận, và vì thế các cuộc tranh luận thường rơi vào tình trạng "bỏ dở", làm người đọc hoang mang vì không được giúp đỡ để nhận biết đúng - sai, hay - dở... Đó là chưa nói theo dõi một số cuộc trao đổi ý kiến còn có dự cảm chúng được tiến hành do nể nang, do xu hướng thiên vị, thiếu khách quan, hay nhằm mục đích "hạ bệ" (?).
Sự xuất hiện của những bài viết thiếu ý nghĩa tích cực, không giúp vào sự phát triển của lý luận - phê bình trước hết là trách nhiệm của người viết song việc xuất hiện của những bài viết dạng này còn phụ thuộc vào biên tập viên, vào cơ quan ngôn luận. Nhận xét dưới đây có thể không làm vừa lòng một số đồng nghiệp nhưng vẫn phải thành thật nhận xét rằng, năng lực của biên tập viên lý luận - phê bình ở không ít tòa soạn hiện nay đã ở mức cần phải được báo động. Không kể tới năng lực thẩm định vấn đề được đặt ra, ngay cả việc biên tập chính tả - ngữ pháp, biên tập nội dung và kiến thức văn hóa văn học - lịch sử... cũng đã có không ít sai sót. Đối với lý luận, phê bình, biên tập viên không chỉ là người biên tập câu chữ thuần túy, với yêu cầu cao hơn, họ cần có khả năng nắm bắt các luận điểm, phân tích các vấn đề văn học được đặt ra và phải thường xuyên theo dõi tình hình văn học... Nói cách khác, họ cần có Bản lĩnh, có chính kiến, có tay nghề, không tự cho phép thẩm định tác phẩm lý luận - phê bình bằng sở thích cá nhân hay bằng kinh nghiệm cảm tính. Mặt khác, thiết nghĩ tất thảy những phẩm chất nghề nghiệp trên đây cần phải được đặt trên nền tảng một học vấn, một "phông" văn hóa vừa rộng, vừa sâu. Nhấn mạnh các yêu cầu kể trên không có nghĩa là tuyệt đối hóa nghề nghiệp một cách siêu hình, mà đây thật sự là yêu cầu khách quan đối với công việc biên tập lý luận, phê bình.
Trong điều kiện hệ thống thông tin đại chúng ngày càng phát triển và ít nhiều bị chi phối bởi những quy luật của kinh tế thị trường, các vụ việc, các xì-căng-đan có liên quan tới giới văn học - nghệ thuật là một trong những đề tài hấp dẫn, giúp vào việc tăng số lượng phát hành của mọi ấn phẩm báo chí. Trong phạm vi hẹp, có thể nói các bài lý luận - phê bình "có vấn đề" nếu được khai thác sẽ có sức thu hút rất lớn. Do vậy, vấn đề then chốt để lý luận - phê bình đến với công chúng là sự tỉnh táo, cố gắng không bị cuốn theo xu hướng "thương mại hóa". Muốn vậy, cần nhận thức đúng đắn về vai trò của lý luận - phê bình trong đời sống tinh thần của xã hội, chú trọng nhiệm vụ định hướng dư luận, phát hiện cái đẹp cái hay của văn chương, đồng thời mạnh dạn phê phán, thẳng thắn đấu tranh với các tác phẩm, các quan điểm, các xu hướng văn chương ngược chiều bản chất con người, ngược chiều với bản chất xã hội, qua đó góp phần định hướng nhu cầu thẩm mỹ lành mạnh cho công chúng. Những yêu cầu này, bất luận trong trường hợp nào cũng phụ thuộc vào một nguyên tắc tuy không mới nhưng vẫn phải nhắc lại rằng đó là quan niệm đúng đắn về lý luận - phê bình văn học, là ý thức trách nhiệm trước xã hội, trước bạn đọc.

Каталог: tailieucuaan
tailieucuaan -> Wikipedia luôn có mặt mỗi khi bạn cần giờ đây Wikipedia cần bạn giúp
tailieucuaan -> THỦ TƯỚng chính phủ Số: 1001
tailieucuaan -> Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002 và Nghị định số 60/2003/NĐ-cp ngày 06/6/2003 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước
tailieucuaan -> Nghị định số 148/2007/NĐ-cp ngày 25/9/2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện
tailieucuaan -> Câu: Quá trình nhận thức của Đảng về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân 1930-1954
tailieucuaan -> CHÍnh sách ngoại thưƠng của việt nam
tailieucuaan -> Vấn đề 1 : Nguồn gốc và quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh
tailieucuaan -> Third United Nations Conference on the Law of the Sea
tailieucuaan -> Đề Ở một ngành có 3 hãng a b c, chúng cạnh tranh tự do với nhau. Lượng sản phẩm sx ra của các hãng lần lượt là 100,150,200 sản phẩm, với giá trị các biệt tương ứng là : 3, 2

tải về 0.93 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương