Sự đa dạng sáng tạo của chúng ta


Vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế



tải về 0.93 Mb.
trang5/14
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích0.93 Mb.
#29147
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14

Vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế

Ngày 29/7/2004. Cập nhật lúc 17h 11'

Theo nghĩa rộng, văn hoá là những phương thức và kết quả hoạt động của con người đạt được trong lịch sử, đó là toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra. Từ cách tiếp cận này, có thể khẳng định rằng, kinh tế - với tư cách là một hoạt động của con người - gắn bó chặt chẽ với văn hoá; văn hoá không đứng ngoài kinh tế, mà à một trong những nhân tố quan trọng của sự phát triển kinh tế.

Mặc dù, kinh tế là yếu tố quyết định, song văn hoá cũng có tính độc lập tương đối của nó. Một khi văn hoá trở thành tri thức, sự hiểu biết, phương pháp và cách thức hoạt động của các chủ thể kinh tế thì nó đóng vai trò là một yếu tố nội sinh của kinh tế, là nền tảng, động lực và tham gia điều tiết sự phát triển kinh tế. Không có hoạt động kinh tế nào lại không hướng tới mục tiêu phát triển con người, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của con người, tức là không có ý nghĩa về văn hoá. Chính sự phát triển của một xã hội văn minh, trong đó trình độ văn hoá của con người được nâng cao, sẽ tác động tích cực trở lại đối với các hoạt động kinh tế và do vậy, thúc đẩy xã hội phát triển lên trình độ cao hơn.



Văn hóa - yếu tố nội sinh của sự phát triển kinh tế

Văn hóa được kết tinh và hiện diện trong mọi yếu tố của hoạt động kinh tế, như: tổ chức, quản lý kinh tế; xây dựng kế hoạch và hình thành chiến lược kinh doanh; xây dựng các giá trị, quan điểm định hướng cho hoạt động kinh tế; phân phối lợi nhuận, hiệu quả sử dụng vốn… Hoạt động kinh tế trước hết cần phải có tri thức. Các tri thức này có thể biểu hiện dưới hình thái vật chất hoặc hình thái ý thức, gắn liền với tư liệu sản xuất và người lao động. Cơ chế quản lý kinh tế có phù hợp với thực tế khách quan, có đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế hay không là phụ thuộc vào tri thức và năng lực của người điều hành hệ thống quản lý được biểu hiện ở sự hiểu biết về chuyên môn kinh tế, về con người.

Nếu văn hoá là hiểu biết, là tri thức thì ở đây, nó đã được kết tinh trong hoạt động kinh tế của con người. Chiến lược và kế hoạch kinh doanh phản ánh đúng những quy luật hoạt động kinh doanh, tôn trọng cái chân, cái thiện thì tính khả thi càng cao. Cái chân, cái thiện trong các hoạt động kinh tế chính là những biểu hiện của văn hoá. Biết kinh doanh đúng lúc, đúng nơi, đúng mặt hàng theo nhu cầu thị trường, kinh doanh đúng pháp luật, phù hợp với đạo lý con người và lương tâm nghề nghiệp là những phẩm chất, năng lực của người kinh doanh có văn hoá.... Ở đây, văn hoá biểu hiện như là trí lực, trình độ và hiệu quả hoạt động kinh tế của con người. Trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện nay, các yếu tố văn hóa này trở thành tiền đề cơ bản và trực tiếp của quá trình phát triển kinh tế. Văn hoá còn là một trong những yếu tố cấu thành môi trường hoạt động kinh tế, nó được đặt ngang hàng với môi trường tự nhiên, môi trường chính trị, môi trường tổ chức và kỹ thuật...

Văn hoá - nền tảng của sự phát triển kinh tế

Hoạt động kinh tế bao giờ cũng diễn ra trên nền tảng văn hoá - xã hội nhất định. Nền tảng này tác động thường xuyên và liên tục đến đời sống kinh tế. Đó là tri thức và kiến thức, các quy tắc văn hoá - đạo đức, thói quen và tập quán, tôn giáo và tín ngưỡng... Chúng tạo nên nền tảng văn hoá phong phú và đa dạng cho các hoạt động kinh tế. Với các yếu tố đó, văn hoá làm cho hoạt động kinh tế gắn bó với môi trường xã hội, mang khía cạnh xã hội. Chẳng hạn, ''tinh thần đồng đội'' là một đặc trưng văn hoá trong các xí nghiệp của Nhật Bản. Ngược lại, tính cá nhân chủ nghĩa lại là một đặc trưng văn hoá trong các xí nghiệp của Mỹ. Các nhân tố văn hoá đó được bảo lưu, kế thừa và phát triển trở thành di sản, tiền đề cho sự phát triển kinh tế ở các giai đoạn kế tiếp. Những giá trị tinh thần được kết tinh thành giá trị văn hoá truyền thống cũng để lại dấu ấn trong mọi hoạt động kinh tế của xã hội hiện đại.

Văn hóa còn là cơ sở định hướng cho sự phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế. Nhờ phát triển kinh tế thị trường và khoa học - công nghệ, các nước công nghiệp đã đạt tới sự giàu có chưa từng thấy trong lịch sử. Tuy nhiên, chính ở đỉnh cao của quá trình tăng trưởng, các quốc gia này đã phải đối mặt với những vấn đề nan giải như khoảng cách chênh lệch giàu nghèo và bất công xã hội ngày càng gia tăng, lối sống thực dụng trở thành hiện tượng phổ biến, tệ nạn xã hội tràn lan, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng... Tình hình đó đòi hỏi phải thực hiện chiến lược phát triển bền vững. ''Phát triển bền vững'' - như định nghĩa của Uỷ ban môi trường và phát triển thế giới, là sự phát triển nhằm đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm hại đến các thế hệ tương lai khi tìm cách thoả mãn các nhu cầu của họ. Theo đó, nhận thức mới về phát triển không dừng lại ở các chỉ tiêu kinh tế, mặc dù đó là chỉ tiêu cơ bản, mà còn tính đến một loạt các chỉ tiêu khác, như trình độ học vấn chung của xã hội, môi trường xã hội lành mạnh và môi trường tự nhiên trong sạch... Nói cách khác, quan niệm mới về sự phát triển vừa coi trọng kinh tế, vừa nhấn mạnh văn hoá. Việc nhiều nước đang phát triển, sau khi giành được độc lập, đã chủ động khôi phục lại các giá trị, các bản sắc dân tộc trong truyền thống của mình là một bằng chứng nữa cho sự xác nhận và khẳng định vai trò của văn hoá đối với sự phát triển của xã hội. Xu hướng chung của nhân loại hiện nay là không chấp nhận chạy theo tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, càng không đánh đổi bằng sự hy sinh văn hóa, hy sinh con người. Các nước trong khu vực Đông Nam Á, như: Malaisia, Inđônêsia… cũng chủ trương vừa phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế cao, vừa chú trọng bảo tồn, chấn hưng văn hóa dân tộc, làm cơ sở cho việc thực hiện các mục tiêu nhân đạo trong tiến trình phát triển. Khi phát động thập kỷ quốc tế phát triển văn hoá, UNESCO đã cảnh báo rằng, nước nào tự đặt cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách khỏi môi trường văn hoá thì nhất định sẽ xảy ra những mất cân đối nghiêm trọng, cả về kinh tế lẫn văn hoá và tiềm năng sáng tạo của nước ấy sẽ bị suy giảm rất nhiều.

Văn hóa - động lực của sự phát triển kinh tế

Văn hoá là một nguồn lực “phi vật thể” của phát triển kinh tế. Trong những thế kỷ trước, để phát triển kinh tế, người ta đã nhấn mạnh đến việc khai thác các yếu tố lao động và đất đai. Đến thời kỳ cách mạng công nghiệp, lao động, vốn, kỹ thuật và phương pháp quản lý được xem là những yếu tố chủ chốt của tăng trưởng kinh tế. Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, người ta vẫn chỉ nhấn mạnh yếu tố kinh tế và kỹ thuật của sự tăng trưởng. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, nguồn gốc của sự giàu có không phải chỉ là lao động, vốn, kỹ thuật, tài nguyên thiên nhiên mà chủ yếu là tiềm năng sáng tạo của nguồn lực con người. Tiềm năng này nằm trong văn hoá, nghĩa là trong tri thức và sự hiểu biết của con người về kinh tế, trong tổ chức bộ máy và nghệ thuật quản lý, trong thông tin khoa học và kỹ thuật được áp dụng trong kinh tế… Văn hóa là tài sản vô hình tham gia, thẩm thấu vào quá trình phát triển kinh tế thông qua sự chuyển hóa các năng lượng tinh thần của con người vào hoạt động kinh tế, kinh doanh.

Văn hóa có khả năng tiếp thu và cải biến các yếu tố ngoại sinh thành những yếu tố nội sinh của sự phát triển kinh tế. Bởi vì mọi yếu tố nội sinh như vốn, kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm quản lý từ nước ngoài… chỉ có thể biến thành nguồn lực cho sự phát triển bên trong khi chúng được tiếp thu và vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi nước, trong đó trọng tâm là con người và truyền thống văn hóa dân tộc.

Văn hoá là động lực của kinh tế còn theo nghĩa nó tạo điều kiện cho tái sản xuất sức lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh. Như những nhu cầu vật chất khác, văn hoá là một phần của đời sống, một món ăn tinh thần không thể thiếu của con người. Đưa các yếu tố văn hoá vào quá trình sản xuất kinh doanh, từ việc thiết kế nơi làm việc, bố trí các thiết bị và dụng cụ làm việc đến các hình thức hoạt động văn hoá trước và sau giờ làm việc cũng như trong thời gian nghỉ ngơi.... sẽ nhanh chóng xoá đi những căng thẳng và mệt mỏi về tâm lý trong quá trình lao động, giúp cho người lao động nhanh chóng phục hồi sức lực hơn.

Văn hoá còn thể hiện với tư cách là nhân tố kinh tế trong quá trình giao lưu và hội nhập. Ngày nay, với điều kiện kinh tế thị trường ngày càng rộng mở, trong nhiều trường hợp, sự giao lưu văn hoá lại đi trước và thúc đẩy sự giao lưu kinh tế, đồng thời nó tác động mạnh tới quá trình sản xuất. Xu hướng chung của người tiêu dùng hiện nay là ngoài việc coi trọng giá trị sử dụng, còn rất quan tâm đến mặt thẩm mỹ của hàng hóa. Điều này đã tác động đến các nhà sản xuất, kích thích họ sáng tạo để tìm ra những kiểu dáng, mẫu mã mới của sản phẩm có sức hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Rõ ràng, sự tác động của thị hiếu, của nhu cầu thẩm mỹ - những yếu tố của văn hóa - đến quá trình sản xuất đã khiến cho bản thân quá trình này cũng như những sản phẩm của nó trở nên đa dạng, tinh tế hơn và có thể thoả mãn nhu cầu của những khách hàng khó tính nhất.

Mặt khác, hàng hoá nhập ngoại - nếu hơn hẳn về chất lượng, hình thức, giá cả... so với sản phẩm nội địa cùng loại sẽ làm biến đổi một cách tế nhị và dần dần

những thói quen, thị hiếu và sở thích của người tiêu dùng bản địa. Và, những thay đổi thẩm mỹ này đã tạo nên triển vọng mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường cho các nhà sản xuất kinh doanh của các nước xuất khẩu. Đặc biệt, các sản phẩm văn hoá nhập ngoại, như phim ảnh và băng đĩa ca nhạc..., có tác dụng mạnh mẽ đối với người tiêu dùng. Các hiện tượng như ''sốt” hàng ngoại, ăn mặc theo các thần tượng âm nhạc... là những minh chứng cho thấy, có những trường hợp, văn hoá lại là yếu tố đi trước, mở đường cho kinh tế tiêu dùng, kích thích sự phát triển của sản xuất và thị trường.

Như vậy, khác với quan niệm truyền thống, văn hoá không phải là yếu tố thụ động trong quan hệ với kinh tế, trái lại, nó có thể và phải trở thành nguồn dinh dưỡng phong phú và đa năng cho kinh tế.



Văn hoá - hệ điều tiết của sự phát triển kinh tế

Văn hoá phát huy mặt tích cực, hạn chế.. mặt tiêu cực của nhân tố khách quan và chủ quan, các điều kiện bên trong và bên ngoài bảo đảm cho sự phát triển kinh tế được hài hòa và cân đối, lâu bền.

Văn hoá là một yếu tố quan trọng tham gia điều chỉnh quan hệ giữa người với người trong các hoạt động kinh tế. Nó góp phần ngăn chặn, phê phán và lên án những hành vi phản văn hoá, các thói hư tật, xấu cũng như mọi vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc trong hoạt động kinh tế. Và, do vậy, văn hoá góp phần định hướng và tạo dựng những giá trị nhân bản trong hoạt động kinh tếcủa con người. Cạnh tranh là liều thuốc điều tiết kinh tế, nhưng nếu cạnh tranh trong một xã hội thiếu văn hoá thì sẽ xảy ra hiện tượng cạnh tranh bất chấp tất cả, chỉ chạy theo lợi nhuận. Nếu không có sự tác động tích cực của yếu tố văn hoá, các hoạt động kinh tế có thể trở nên không lành mạnh, thậm chí phi nhân tính. Chẳng hạn, cạnh tranh theo kiểu ''cá lớn nuốt cá bé'', quan hệ kinh tế mang tính lừa đảo, chụp giật hoặc vì lợi nhuận siêu ngạch mà con người có thể bất chấp tất cả, kể cả việc phạm tội. Hoạt động kinh tế sẽ phát triển lệch /lạc nếu nó chỉ hướng đến lợi nhuận đơn thuần. Khi đó, nó không thể đáp ứng, thoả mãn các nhu cầu thiết yếu, chính đáng của con người và do vậy, không thể tạo nên sự phát triển toàn diện của con người. Về mặt xã hội, con người sẽ mất nhân cách, đạo đức xã hội xuống cấp, tội ác gia tăng.

Việc đưa các yếu tố văn hoá và vào kinh tế làm cho hoạt động kinh tế kết hợp được cái lợi với cái đẹp, giá trị vật chất với giá trị tinh thần; đồng thời, nó giúp cho mỗi người và cộng đồng dân tộc có sự phát triển hài hòa, lành mạnh. Trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, văn hóa được coi là một nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của kinh tế. Vai trò to lớn của nó được thể hiện ở khả năng định hướng cho việc khai thác những nhân tố tích cực và hạn chế các nhân tố tiêu cực của mối quan hệ hàng hoá - tiền tệ, cho việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội phù hợp với từng giai đoạn, cũng như thực hiện công bằng xã hội trên cơ sở công bằng trong lĩnh vực kinh tế, tạo cơ hội cho mọi người đều bình đẳng như nhau trong học tập, đào tạo, việc làm... Ở đây, văn hoá được nhìn nhận như một yếu tố định hướng tư tưởng, đạo đức của con người trong quá trình phát triển kinh tế thị trường. . .

Thông qua sự kết hợp hài hoà giữa tri thức, kinh nghiệm và sự khôn ngoan, văn hoá góp phần định hướng và làm nền cho việc lựa chọn và xác định những quyết sách phát triển kinh tế đúng đắn, phù hợp.

Về mặt kinh tế đối ngoại, văn hóa đóng vai trò định hướng và điều tiết các hoạt động hợp tác, liên kết, liên doanh nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế trong nước mà không bị lệ thuộc một chiều vào bên ngoài. Văn hóa còn là điều kiện đủ để hình thành các khu vực kinh tế, vì khu vực hóa thường diễn ra giữa các nước có nền văn hóa tương đồng, tức là tính thống nhất trong khu vực văn hóa đòi hỏi những nét cơ bản về tầm nhìn đánh giá lợi ích kinh tế và ít nhất không bị cản trở ở các vấn đề dân tộc và tôn giáo.

Đối với các doanh nhân và các thành viên trong doanh nghiệp, nếu có một trình độ am hiểu sâu sắc về các quan hệ xã hội, có một nghệ thuật ứng xử theo chiều sâu - tức là biết sử dụng công cụ văn hóa – thì sẽ nâng cao được chất lượng của các quan hệ trong hoạt động kinh tế và do vậy, nâng cao được hiệu quả hoạt động kinh tế của doanh nghiệp. Đây là một trong những điều kiện bảo đảm cho không khí tâm lý thoải mái và tin tưởng lẫn nhau trong tập thể lao động; đồng thời, là một yếu tố bảo đảm cho các quan hệ kinh doanh được dễ dàng.

Giải pháp văn hoá cho phát triển kinh tế

Văn hoá được coi là nền tảng và động lực của sự phát triển kinh tế, vì thế, một chính sách phát triển kinh tế đúng đắn phải là chính sách làm cho các yếu tố cấu thành văn hoá thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực của hoạt động kinh tế. Nó phải hiện diện trong tư duy của nhà chiến lược, trong tính toán của nhà hoạch định chính sách, trong tổ chức, quản lý sản xuất và kinh doanh, trong giao lưu và hợp tác quốc tế. Khi các chủ thể kinh tế (nhà nước, tập thể hoặc cá nhân) luôn chủ động và có ý thức vận dụng văn hoá vào quá trình tăng trưởng kinh tế thì quá trình ấy có tính bền vững nội tại của nó. Vì vậy, chúng ta cần quán triệt sâu sắc quan điểm coi đầu tư cho sự nghiệp văn hoá là đầu tư để tạo động lực phát triển kinh tế. Và sự đầu tư này bao hàm cả ý nghĩa đầu tư cơ bản cho con người - nguồn vốn quý nhất của xã hội. Bởi lẽ, chú trọng văn hoá thực chất là chú trọng đến yếu tố con người. Sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách văn hóa – xã hội phải được thể hiện cụ thể trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội, trong đó văn hóa là một bộ phận quan trọng. Để văn hóa trở thành cơ sở, nền tảng vững chắc của sự phát triển kinh tế, cần phải thiết lập được mặt bằng giá trị, nâng cao trình độ sáng tạo của con người, khẳng định và phát huy một cách mạnh mẽ các giá trị dân tộc, nhân văn độc đáo và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Đặc biệt, vấn đề giáo dục văn hóa cho những người làm kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vì, ngoài những luật lệ, chính sách, môi trường đầu tư thuận lợi, sự phát triển kinh tế còn phụ thuộc rất nhiều vào chính nhận thức và trình độ văn hoá của lực lượng này. Nếu hội đủ những phẩm chất, năng lực cần thiết, họ sẽ có nhiều cơ hội đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế có văn hoá, hạn chế rất nhiều sự phát triển kinh tế không văn hoá. Phải coi trọng giáo dục, đào tạo kiến thức văn hoá cho các nhà kinh doanh để giúp họ nâng cao nhận thức và hiệu quả hoạt động. Trong đó, nâng cao văn hoá của đội ngũ lãnh đạo, quản lý kinh tế là nhân tố then chất và trực tiếp quyết định tốc độ, chất lượng phát triển kinh tế.

(Theo TS. Dương Thị Liễu, ĐH KTQD
Tạp chí Triết học, số 6, tháng 6/2004)

Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội

Ngày 8/11/2004. Cập nhật lúc 14h 37'

Nghị quyết Trung ương 5 Khoá VIII của Đảng ta xác định: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội”. Giáo sư Vũ Khiêu đã có cuộc trò chuyện với phóng viên báo chí về vấn đề này.

PV: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng ta xác định ''Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội''. Đề nghị Giáo sư giải thích nội dung ý nghĩa của quan điểm quan trọng này?

GS VK : Vừa qua, Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương (khoá IX) đã kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIIl) về ''xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tlến, đậm đà bản sắc dân tộc''.

Hội nghị một lần nữa khẳng định vị trí và vai trò to lớn của việc xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị đã nhấn mạnh ''quan điểm chỉ đạo cơ bản của Đảng ta đối với việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, dậm đà bản sắc dân tộc là coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội”.

Chúng ta đặt văn hóa là mục tiêu, bởi vì mọi tâm huyết và công sức mà Đảng và nhân dân ta đang bỏ ra sẽ trở thành vô nghĩa, nếu như mục tiêu cuối cùng của chúng ta không phải là xây dựng một xã hội Việt Nam và những con người Việt Nam phát triển toàn diện trong một cuộc sống đầy đủ về vật chất và cao đẹp về tinh thần.

Chúng ta coi văn hóa là động lực để đạt được mục tiêu nói trên. Chỉ tập trung sức vào xây dựng kinh tế thì chưa đủ mà còn phải phát triển văn hóa về mọi mặt để thúc đẩy sự tiến bộ của toàn xã hội. Văn hóa phải cùng với kinh tế tạo nên một nền tảng vững chắc cho xã hội Việt Nam.

Nền tảng vật chất là kinh tế, nền tảng tinh thần là văn hóa. Xã hội ta tiến lên bằng cả kinh tế và văn hóa giống như một con người phải bước đi bằng cả hai chân của mình. Lâu đài hạnh phúc và văn minh của dân tộc Việt Nam chỉ có thể vững vàng khi được xây dựng trên cả hai nền tảng và sẽ không thể tránh được sự suy tàn và sụp đổ nếu như nó không dựa trên sự phát triển của cả kinh tế và văn hóa.

Với ý nghĩa trên, Đảng ta coi ''Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội''. Đây là một nhận định rất sáng suốt và sâu sắc. Nó một lần nữa nhấn mạnh vai trò đặc biệt của văn hóa trong thời đại ngày nay, nhất là trên đất nước ta, một đất nước đang đứng trước và phải vượt qua muôn ngàn khó khăn và thử thách.

PV : Việc đánh giá vai trò của văn hóa trong xã hội ta ngày nay có gì khác so với sự đánh giá của ông cha ta qua các thời kỳ lịch sử?

GS VK : Chúng ta ngày nay tiếp thu truyền thống lâu đời của dân tộc là tôn trọng đời sống tinh thần, xây dựng quan hệ đầy tình nghĩa trong gia đmh và ngoài xã hội, lấy độc lập tự do làm quý, coi văn hóa là sức mạnh vô tận để chiến thắng cả thiên tai và địch họa.
Sức mạnh của văn hiến Việt Nam ở chỗ, nhân dân ta từ đời này qua đời khác đã luôn luôn vươn tới đỉnh cao của văn hóa: ở lòng yêu nước thương dân, ở trí thông minh và lòng dũng cảm.
Truyền thống tôn trọng văn hóa đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ chí Minh nắm vững và nâng 1ên một trình độ rất cao trong Cách mạng tháng Tám và các thời kỳ tiếp theo.
Hồ Chí Minh sớm quan niệm rằng: văn hóa không chỉ dừng lại ở thượng tầng kiến trúc bên trên mà còn thâm nhập vào cả cơ sở hạ tầng. Người nói: ''văn hóa nằm trong cả kinh tế và chính trị'' (phát biểu của Hồ Chủ tịch tại Đại hội văn hóa lần thứ nhất được ghi lại trên báo Cứu quốc số 24 tháng 11 năm 1946).

Ngày nay, trong hoàn cảnh của đất nước và trước những diễn biến phong phú của văn hóa trên toàn thế giới, Đảng ta đã đặt vấn đề văn hóa ở một tầm cao hơn nữa. Quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là điều quan trọng bậc nhất mà mọi ngành, mọi cấp phải quán triệt trong mọi suy nghĩ, chủ trương và hành động của mình.

Thực hiện Nghị quyết 05, các ngành các cấp đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Nghị quyết đã khắc phục được thái độ xem nhẹ văn hóa, coi vị trí của văn hóa là không quan trọng, là thứ yếu so với kinh tế.

Tuy nhiên, không phải mọi người đều nhận thức được đầy đủ vì sao văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vì sao điều này có ý nghĩa quyết định đối với tiền đồ của dân tộc, đối với cả xã hội và ở trong mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Thực tế đang chứng minh rằng, ngày nay những ai không thấy được điều quan trọng này thì nhất định sẽ thất bại trong công tác và tự mình hạn chế sự tiến bộ và phá hoại hạnh phúc của chính bản thân và của gia đình mình.



PV: Xin Giáo sư cho một vài thí dụ và phân tích, so sánh giữa các chế độ xã hội quan niệm về vai trò của văn hoá ?

GS VK : Chúng ta có thể nhìn vào các địa phương trong toàn quốc để thấy rõ hơn những gì đã đạt được và những gì coi như chưa đạt. Phong trào ''toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa'' đã góp phần không nhỏ vào việc làm sáng sủa bộ mặt văn hóa của các địa phương trong toàn quốc.

Nhiều trường lớp đã được sửa chữa khang trang hoặc xây dựng mới. Những hội khuyến học được tổ chức khắp nơi. Trên các lĩnh vực khác của văn hóa như y tế, thể thao cũng đã từng bước được cải tiến. Để thỏa mãn nhu cầu giải trí, nhu cầu rất chính đáng của nhân dân, nhiều nơi đã tổ chức những khu vui chơi rộng lớn có đủ mọi hình thức văn hóa lành mạnh.

Tuy nhiên, không phải tất cả các đồng chí lãnh đạo địa phương đã nhận thức được sâu sắc ý nghĩa của văn hóa với tính cách là nền tảng tinh thần của xã hội. Những cơ sở vật chất kể trên của văn hóa chưa đủ đề biến văn hóa thành nền tảng tinh thần của xã hội, đặc biệt chưa tạo được nền tảng vững chắc cho mấy lĩnh vực quan trọng mà Đảng đã đặc biệt quan tâm và thường xuyên nhắc nhở: Đó là tư tưởng, đạo đức và lối sống.

Về mặt tư tưởng, chúng ta ngày nay vẫn chưa khôi phục lại được khí thế của ông cha trong những thế kỷ chống giặc cứu nước. Xây dựng một xã hội và những con người có trình độ văn hóa cao, trước hết là xây dựng những con người lấy tiền đồ và danh dự của dân tộc làm lẽ sống cao quý nhất của mình. Văn hóa cũng chưa làm cho tất cả mọi người dồn mọi khí lực của khối óc và bàn tay vào thực hiện lý tưởng ấy, coi như hạnh phúc chân chính nhất, vững bền nhất và cao đẹp nhất. Văn hóa cũng chưa làm cho mọi người thấy được lý tưởng ấy là một sự thôi thúc mãnh liệt cho việc học tập suốt đời và thường xuyên tu dưỡng của mọi tầng lớp xã hội và của từng cá nhân. Đặc biệt là, văn hóa cũng chưa xóa bỏ được những mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội. Mâu thuẫn này có mức độ sâu sắc khác nhau qua các thời kỳ lịch sử.

Ngày nay, đường lối đổi mới của Đảng ta qua 18 năm thực hiện đã tạo điều kiện cho mọi người phát triển trí tuệ, tài năng vào việc xây dựng một đất nước phát triển và phồn vinh, đem lại lợi ích cho cả xã hội và cho từng cá nhân. Đường lối đổi mới của Đảng là sự kết hợp tiến bộ chung của cả nước với hạnh phúc của từng con người, giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần... Đường lối đổi mới của Đảng đã khắc phục cả hai phía lệch lạc:

Lệch lạc của chế độ phong kiến là chỉ nhấn mạnh mặt xã hội và coi nhẹ việc chăm lo đời sống của cá nhân, nhu cầu tự do và phát triển của con người.

Lệch lạc của chủ nghĩa tư bản: Giai cấp tư sản qua cuộc cách mạng của mình đã xóa bỏ sự trói buộc và nô dịch của chế độ phong kiến và giải phóng cho cá nhân dưới chiêu bài “tự do – bình đẳng - bác ái''. Từ khi nắm chính quyền, giai cấp tư sản tạo ra ngày càng sâu sắc sự đối lập giữa lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội và đưa chủ nghĩa cá nhân phát triển theo hướng ích kỷ và tàn bạo. Trong xã hội tư bản, kinh tế thị trường đã đặt nền tảng vật chất cho xã hội, nhưng về mặt văn hóa nó lại thường xuyên phá hoại đời sống tinh thần, chà đạp lên quan hệ đạo đức giữa người với người, hủy hoại lối sống lành mạnh của cá nhân gia đình và xã hội.

PV: Theo Giáo sư thì cần phải có những biện pháp gì để thực sự xây dựng nền tảng văn hóa cho xã hội, ngăn chặn được sự thiếu văn hóa đang phá hoại tiến bộ và hạnh phúc của nhiều con người?

GS VK: Ngăn chặn trước sự suy thoái về tư tưởng đạo đức và lối sống đồng thời xây dựng được nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội là văn hóa thì trước hết củng cố và phát huy những quan hệ chân chính và hài hòa giữa cá nhân và xã hội.

Để thực hiện được điều này, cần có sự tiến hành đồng bộ trong toàn Đảng, toàn dân để phát huy được tính tích cực của từng con người trên mọi lĩnh vực của đời sống.

Trước hết nói về gia đình. Gần đây, trước sự suy thoái về văn hóa và đạo đức và sự hư hỏng trong nhiều tầng lớp thanh niên, mọi người ngày càng nhận rõ thêm vai trò của gia đình trong việc xây dựng một nền văn hóa mới cho cả xã hội. Bởi vì mọi phẩm chất, tinh thần: tư tưởng, đạo đức và lối sống trong xã hội lại bắt đầu từ cuộc sống gia đình. Nho giáo đã có lý khi coi gia đình là chỗ dựa đầu tiên của xã hội: ''thân yêu cha mẹ mình và từ đó mà cư xử có nhân với người đời'' (Mạnh Tử).

Nho giáo đòi hỏi: ''trước hết phải ăn ở hợp lý ở trong nhà rồi mới có thể dạy người trong nước''. Chính vì thế mà Nho giáo kết luận rằng, gốc của thiên hạ là ở nước, gốc của nước là ở nhà bởi vậy muốn trị nước, trước hết phải yên nhà''.

Đây là những điều hợp lý của Nho giáo mà chứng ta có thể tiếp thu. Ngày nay, nếu như ta muốn văn hóa là nền tảng của xã hội thì trước hết nó phải là nền tảng của gia đình. Nếu lẽ sống và hạnh phúc của con người ngoài xã hội là mối quan hệ gắn bó yêu thương giữa người và người, trong cộng đồng xã hội thì chính từ gia đình, lẽ sống và hạnh phúc cũng đã nảy sinh.

Ngày nay, trước sự suy thoái về đạo đức, Đảng ta đã tiến hành nhiều biện pháp xã hội để ngăn chặn. Chúng tôi nghĩ có lẽ giải pháp quan trọng nhất là xây dựng tình cảm xã hội cho mọi người và từ đó nâng cao vai trò của dư luận xã hội không chỉ trên báo chí và văn học nghệ thuật mà còn trong các đợt tự phê bình, phê bình ở cơ quan đoàn thể và trong cả đời sống hàng ngày của nhân dân.



Каталог: tailieucuaan
tailieucuaan -> Wikipedia luôn có mặt mỗi khi bạn cần giờ đây Wikipedia cần bạn giúp
tailieucuaan -> THỦ TƯỚng chính phủ Số: 1001
tailieucuaan -> Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002 và Nghị định số 60/2003/NĐ-cp ngày 06/6/2003 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước
tailieucuaan -> Nghị định số 148/2007/NĐ-cp ngày 25/9/2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện
tailieucuaan -> Câu: Quá trình nhận thức của Đảng về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân 1930-1954
tailieucuaan -> CHÍnh sách ngoại thưƠng của việt nam
tailieucuaan -> Vấn đề 1 : Nguồn gốc và quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh
tailieucuaan -> Third United Nations Conference on the Law of the Sea
tailieucuaan -> Đề Ở một ngành có 3 hãng a b c, chúng cạnh tranh tự do với nhau. Lượng sản phẩm sx ra của các hãng lần lượt là 100,150,200 sản phẩm, với giá trị các biệt tương ứng là : 3, 2

tải về 0.93 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương