Số 97 Ngày 03. 05. 2009 cn 04 b phục sinh



tải về 499.43 Kb.
trang5/7
Chuyển đổi dữ liệu20.11.2017
Kích499.43 Kb.
#34473
1   2   3   4   5   6   7

tôi là mục tử nhân lành


(Gioan 10,11-18 – CN IV PS - B)
Lm PX Vũ Phan Long, ofm

1.- Ngữ cảnh

Bài Diễn từ về Cửa chuồng chiên và người Mục tử (Ga 10,1-21) vừa chấm dứt các Diễn từ dịp Lễ Lều vừa đưa vào Diễn từ dịp Lễ Cung hiến Đền Thờ.

Bản văn có thể được phân bố tổng quát như sau:

1) Các dụ ngôn (10,1-5);

2) Phản ứng của người Do-thái (10,6);

3) Các giải thích:

a) Cửa (10,7-10),

b) Người mục tử (10,11-18);

4) Phản ứng của người Do-thái (10,19-21).

Hôm nay, chúng ta đọc phần giải thích Diễn từ về Người mục tử (10,11-18).


2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành hai phần:

1) Người mục tử đích thật (10,11-13);

2) Người mục tử ưu việt (10,14-18).


3.- Vài điểm chú giải

- nhân lành (11): Hy-ngữ có hai từ để nói là “tốt”: (1) agathos mô tả đức tính luân lý của một cá nhân được coi là tốt; (2) kalos, cũng có thể dịch là “đẹp”, thêm vào yếu tố “tốt” một nét nói lên sự thu hút và đồng cảm. “Từ “nhân lành” hay “tốt” ở đây là tính từ kalos.

- hy sinh mạng sống (11): Dịch sát là “đặt/hạ mạng sống xuống” (cc. 11.15.17). Đây là công thức của Gioan (13,37; 15,13; 1 Ga 3,16). Theo ngữ cảnh, công thức này tương đương với các công thức của Tin Mừng Nhất Lãm, “hiến mạng sống” (Mt 20,28; Mc 10,45).

- chiên của tôi (14): Đức Giêsu có thể nói các con chiên là của Người vì Chúa Cha đã ban họ cho Người (x. 6,37.44.65; 17,6-7).

- một đoàn chiên và một mục tử (16): Ghi chú một chọn lựa thú vị của cha R.E. Brown trong bản dịch Anh ngữ: có thể dịch “một đoàn chiên” là “a flock of sheep”, nhưng cha Brown dịch là “one sheep herd” đi với “one shepherd” để giữ cho tương ứng với poimnê (sheep herd, flock) và poimên (shepherd).

- Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy (18): Chúng ta ghi nhận cách viết của tác giả nhằm nhấn mạnh: từ “quyền” được dùng hai lần và đặt ở đầu câu, tạm dịch là “quyền tôi có / để hy sinh mạng sống, và quyền tôi có / để lấy lại mạng sống”.
4.- Ý nghĩa của bản văn

Trong truyền thống Cựu Ước, hình ảnh mục tử và con chiên là một hình ảnh quá quen thuộc để nói về tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Ngài tuyển chọn, tức Israel. Người nói: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành” (cc. 11.14). Lời Thiên Chúa hứa đã nên hiện thực, nhưng vượt quá mọi chờ đợi. Đức Giêsu làm điều mà không mục tử nào làm, cho dù là mục tử tốt: “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (5 lần: cc. 11.15.17.18 [2x]). Giữa Người và đoàn chiên, có một sự hiểu biết hỗ tương chứng tỏ một dây liên kết rất thân tình giữa Đức Giêsu và đoàn chiên (c. 14) cũng như giữa Đức Giêsu cùng đoàn chiên với Chúa Cha (cc. 15.18).

Các lời Đức Giêsu nói về người mục tử tốt lành được triển khai tiệm tiến, đưa các độc giả đến chỗ có một cái nhìn rộng lớn về công trình của Đức Giêsu: mầu nhiệm Vượt Qua và sự hy sinh chính bản thân Người.
* Người mục tử đích thật (11-13)

Đức Giêsu là “Mục tử nhân lành”, cũng có nghĩa là “Mục tử xinh đẹp”. Điểm này gợi ý rằng Đức Giêsu không chỉ là người làm việc có hiệu năng (điều hành) nhưng Người còn có một nhân cách xinh đẹp toàn diện và duyên dáng hấp dẫn. Cộng với tài lãnh đạo đầy uy lực và hiệu năng của Người, điều làm nên tư cách Mục Tử nhân lành của Người chính là tình yêu và khả năng đồng cảm của Người.

Người có một cảm thức về trách nhiệm: “các chiên thuộc về Người” (x. c. 12). Chính vì thế, Người đáng tin cậy, và sẽ chu toàn nhiệm vụ hết sức mình. Vào thời Đức Giêsu, người ta có thể nói “nghề chăn chiên” là một “ơn gọi” chứ không chỉ là một kế sinh nhai. Một người mục tử như thế thì không có mối bận tâm nào khác ngoài các con chiên; buổi sáng, khi thức dậy, người ấy vui sướng tìm đường đến với đoàn chiên. Còn những ai làm mục tử chỉ vì chẳng đặng đừng, họ không coi trọng trách nhiệm đối với đoàn chiên, họ chỉ là “người làm thuê” (c. 12). Ngược lại với người làm thuê, người mục tử nhân lành coi các con chiên như chính mình nên cũng không chờ đợi được trả công. Người nào làm việc chỉ để được trả lương dựa trên công việc của mình thì chỉ nghĩ đến tiền bạc, và khi không có tiền bạc hay thứ tương tự bù lại, thì họ bỏ việc. Còn ở đâu có cảm thức về sự “thuộc-về”, ở đó cũng có tình yêu, và ở đâu có tình yêu, ở đó người ta ui sướng làm việc dù không được trả công.

Động lực căn bản hướng dẫn người mục tử nhân lành là tình yêu, và người nào yêu thì trước tiên muốn ban tặng, chứ không muốn đón nhận. Tình yêu chân thật có nghĩa là sẵn sàng thâm chí hy sinh cả mạng sống mình (x. Ga 15,13).



Sự dấn thân không biên giới của người mục tử nhân lành nhằm đưa lại sự sống: “tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (c. 10). Sự dấn thân này không có giới hạn: cách thức Người làm việc để có sự sống là Người ban tặng chính sự sống của Người: “Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (c. 11). Người mục tử đích thực không ngần ngại chấp nhận những phiêu lưu, rủi ro, chấp nhận hy sinh cả mạng sống, để cứu con chiên khỏi bất cứ mối nguy hiểm nào đang đe dọa chúng. Điều này có nghĩa là người mục tử nhân lành không tháo lui, cho dù khi mạng sống của mình bị đe dọa. Người mục tử nhân lành yêu thương con chiên hơn chính mình, và tình yêu này thúc bách Người làm mọi sự cho chúng ta.

* Người mục tử ưu việt (14-18)

Đến đây, đề tài được đào sâu hơn nữa: phân đoạn này mô tả vẻ đẹp nơi nhân cách, hoặc đúng hơn, của linh đạo của người mục tử nhân lành, bí mật thâm sâu của Người, để trả lời cho các câu hỏi: Hy sinh mạng sống nghĩa là gì? Sự sống này hệ tại điều gì? Nó đưa tới đâu? Sự hiến mình của người mục tử dựa trên nền tảng nào? Nói cách khác, phân đoạn này triển khai nội dung của mối tương quan của người mục tử nhân lành với đoàn chiên.



Một tương quan đầy say mê (cc. 14-15). Tương quan của người mục tử nhân lành với con chiên là một tương quan không lạnh lùng, thể lý, vô ngã. Trái lại nó mang dáng vẻ một tương quan thân ái nhất, riêng tư nhất: tình hiệp thông của Chúa Cha và Chúa Con (x. Ga 1,1-3 và 1,18): “Như Chúa Cha biết tôi…” (c. 15). Thái độ của Đức Giêsu mang dấu ấn là tương quan của Người với Chúa Cha. Chúa Cha và Chúa Con biết nhau sâu xa, sống một cuộc sống trong tin tưởng lẫn nhau, trân trọng nhau, yêu thương nhau thắm thiết. “Tôi biết chiên của tôi…” (c. 14): Nếu tương quan của Đức Giêsu với chúng ta là kiểu này, chúng ta có thể hiểu rằng tương quan của người mục tử là nồng nàn, say mê, bừng cháy. Và nếu đó là cách Người ở với chúng ta, thì chúng ta cũng phải quan hệ với Người như thế: “chiên của tôi biết tôi” (c. 14b). Tác giả nói đến “biết” thay vì tình yêu, bởi vì “tình yêu” hệ tại việc “biết” riêng. Đối với Đức Giêsu, vị Mục Tử nhân lành, chúng ta không phải là những con số; Người biết lịch sử đời ta, các vấn đề, các khiếm khuyết của chúng ta, nghĩa là tất cả các đặc điểm và phẩm chất của chúng ta. Bởi vì Người biết chúng ta, Người yêu thương chúng ta. Điều này có nghĩa là Người chấp nhận chúng ta trong hiện trạng, và đưa chúng ta vào hiệp thông trọn vẹn với Người. Nhưng cần phải thấy mặt bên kia: đối với chúng ta, “Giêsu” không được chỉ đơn giản là một cái tên; chúng ta phải càng ngày càng biết Người hơn, như “những con chiên tốt, đẹp”, và phát triển một tương quan với Người, một tương quan mang dấu ấn là một tình yêu sâu sắc và trung thực.

Tương quan với Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, là tương quan hiệp thông thâm sâu. Người mục tử nhân lành không giữ thế cách biệt với chúng ta; Người không muốn chúng ta cứ mãi bé nhỏ và thiếu chín chắn. Như thế, chúng ta cứ phải ngày càng nên chín chắn cho đến khi có thể đi vào hiệp thông riêng tư với Người.



Một tương quan dành chỗ cho mọi người (c. 16). Sự hiệp thông được thiết lập với Đức Giêsu bắt đầu dần dà nắm lấy mọi tương quan của chúng ta và có mục tiêu là một cuộc sống được kết hợp (với tất cả các dạng cũng như những nét phức tạp của nó) trong tình yêu của Đức Giêsu. Tình yêu giả thiết có “hiểu biết”, nhưng sau này, sẽ xuất hiện một sự hiệp nhất vượt trên các khác biệt, bởi vì tình yêu thì “kết hợp”.

Sự nhiệt thành và quan tâm của Đức Giêsu-mục tử không giới hạn vào dân Israel. Công việc Người đã nhận từ Chúa Cha là lo lắng chăm sóc toàn thể nhân loại, làm cho thành một đoàn chiên duy nhất, một cộng đoàn gồm những người tin vào Người. Nói cho cùng, đó chính là sứ mạng của Người. Không một ai bị loại khỏi sự quan tâm của Người, và như thế, sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa nơi Người là để cho mọi dân tộc. “Đoàn chiên duy nhất” này mang hai chiều kích lịch sử chính yếu: (1) chiều đứng liên kết quá khứ, hiện tại và tương lai (cộng đồng Israel, cộng đoàn Nhóm Mười Hai, cộng đoàn tất cả các tín hữu tương lai); và (2) chiều ngang, nối kết các nhóm tín hữu khác nhau trong Đức Kitô, nhưng cũng đi đến với tất cả những người không tin.

Qua Đức Giêsu, là Mục Tử duy nhất, và qua sự hiệp thông với Người, mọi dân tộc (và mọi cộng đoàn) được kêu gọi trở thành một cộng đoàn lớn duy nhất. Sự hiệp thông này là công trình của Người, chứ chúng ta, dù có tạo ra thứ liên minh nào, vẫn không đạt tới bằng sức của mình được. Chúng ta sẽ có khả năng sống thành cộng đoàn bao lâu chúng ta còn đưa mắt nhìn vào Đức Giêsu, vị Mục Tử duy nhất. Tính chất cao quý của mỗi mục tử nhân loại sẽ được đo lường theo khả năng người ấy tạo được sự hiệp nhất tại nơi người ấy hiện diện – một sự hiệp nhất không tập trung quanh người ấy nhưng quanh Đức Giêsu.

Sự trung thành là gốc rễ của tình yêu mê say và hiệp nhất của người mục tử nhân lành (cc. 17-18). Những lời dạy về người mục tử nhân lành kết thúc với một cái nhìn chiêm ngưỡng sâu sắc về “mầu nhiệm Vượt Qua”. Buổi chiều cuộc đời người mục tử nhân lành, vinh quang cũng như sự viên mãn của thời khắc này là lễ dâng cuộc đời Người trên thập giá, vào giờ của lòng trung thành. Tiêu chuẩn cuối cùng này của sự ưu việt của người mục tử được liên kết với tiêu chuẩn trước (sự hiệp nhất). Chúng ta ghi nhận là đến cuối c. 15, có lời “tôi hy sinh mạng sống” để đưa sang c. 16 nói về mục tiêu của người mục tử nhân lành là kiến tạo một đoàn chiên duy nhất; rồi mở đầu c. 18, lại có lời “tôi tự ý hy sinh mạng sống”. Đây là cấu trúc “đóng khung” để nói rằng chính là khi hy sinh mạng sống trên thập giá, mà Đức Giêsu kiến tạo được “sự hiệp nhất vĩ đại” này. Bởi vì Người chết chắc chắn “không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52).

Nhưng nếu chúng ta nhìn vào cc. 17-18, chúng ta lại ghi nhận rằng ghi chú về Thiên Chúa Cha “đóng khung” các câu 17 và 18: “Chúa Cha yêu mến tôi …” và “đó là mệnh lệnh của Cha mà tôi đã nhạn được”, trong đó nói ba lần đến việc “hy sinh mạng sống”. Tương quan của Đức Giêsu với Chúa Cha giải thích sự trung thành của Người và sự trung thành chính là nét làm cho Người là người mục tử ưu việt. Sự trung thành này được nâng đỡ bởi nền tảng là tình yêu của Chúa Cha, được sống cách tự do và được diễn tả ra trong sự vâng phục. Sự trung thành này nên hình nên dạng trong hành vi “hiến tặng [hy sinh]” và “đón nhận [lấy lại]”, trong sự “tự chủ” (tôi có “quyền”) và “trách nhiệm” (Người hành động cho, hành động nhân danh), và trong việc lắng nghe (= tuân giữ) mệnh lệnh và đáp trả (vâng phục: “tôi đã nhận được”).

Câu 18 có thể được coi như đỉnh cao của bản văn. Đức Giêsu nói: “Chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình”, rồi Người nói tiếp: “Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy”. Nói cho cùng, “quyền” của Đức Giêsu (được dùng 2 lần để nhấn mạnh) được Người thực thi trong hành vi trách nhiệm là “hiến mình”. Như tất cả mọi điều khác, hành vi này được nâng đỡ bởi tình yêu làm nền của Chúa Cha, nơi Người Đức Giêsu nhận được mọi sự (sự sống luôn luôn là một điều nhận được) và là Đấng Người được liên kết với bằng một tình yêu duy nhất (gốc rễ của đời sống Người là một tình yêu chín muồi: tình yêu này là một với tình yêu của Đấng mà Người yêu mến). Đây là ý thức sắc bén của Đức Giêsu trên thập giá, ý thức Người có vào thời điểm cao vời khi mà Người hiến tặng “sự sống dồi dào” cho mọi con chiên. Mọi sự đều dựa trên chỗ này.
+ Kết luận

Bản văn này, với giọng văn đơn giản nhưng chắc nịch, đã cho chúng ta khám phá ra Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, là Đấng mạc khải tình yêu tại nguồn, là Đấng đưa lại ơn cứu độ trọn vẹn, Đấng cung cấp ánh sáng và sự sống. Nơi bản thân Đức Giêsu, chủ đề cổ xưa về Thiên Chúa Mục Tử của Cựu Ước nay đã được trẻ-hóa cách tuyệt vời và được hoàn tất vượt quá mong ước mong.


5.- Gợi ý suy niệm

1. Nói tới “mục tử” là nói tới tương quan. Trong xã hội Israel cổ thời, tương quan giữa mục tử và đoàn chiên không chỉ là một vấn đề lợi ích kinh tế, dựa trên các sản phẩm các con chiên cung cấp để mục tử sử dụng mà nuôi sống mình và gia đình: len, sữa, thịt, tiền bạc, v.v. Nói cách khác, đây không chỉ là một tương quan sở hữu. Trong thế giới Kinh Thánh, giữa mục tử và đoàn chiên có một tương quan hầu như riêng tư. Ngày qua ngày, các mục tử và đoàn chiên sống với nhau tại các nơi hoang vắng, chỉ có nhau chứ không có gì chung quanh. Do đó, chẳng mấy chốc, người mục tử biết rõ từng con chiên, và mỗi con chiên nhận biết tiếng nói của mục tử, và dễ dàng phân biệt với tiếng của người khác.

2. Chính vì tương quan giữa mục tử và đoàn chiên là một trong những tương quan gần gũi nhất mà một người Israel có thể thấy trong cuộc sống hằng ngày, ta hiểu vì sao Thiên Chúa đã sử dụng biểu tượng này để mô tả tương quan của Người với Dân tuyển chọn và với toàn thể nhân loại. Chúng ta nghĩ đến Tv 23. Kiểu tương quan này trở thành mẫu mực cho các nhà lãnh đạo (vua chúa, tư tế, ngôn sứ): như Thiên Chúa, họ phải chu cấp sự an toàn và che chở cho Dân. Chúng ta cũng có thể nhớ tới những lời Thiên Chúa trách các nhà lãnh đạo qua miệng ngôn sứ Êdêkien (ch. 34).

3. Trách nhiệm lớn của một mục tử là đời sống của con chiên. Tiêu chuẩn giúp phân biệt một mục tử tốt với một mục tử xấu là ý thức về trách nhiệm. Người mục tử bên Paléttina hoàn toàn chịu trách nhiệm về đoàn chiên của mình: nếu có chuyện gì xảy ra với dù chỉ một con chiên mà thôi, người ấy phải chứng minh là không do lỗi mình. Ý thức về trách nhiệm này được minh họa bởi hai đoạn Kinh Thánh: Am 3,12; Xh 22,9-13. Nói tóm, người mục sống hoàn toàn cho con chiên, anh chiến đấu dũng cảm để bảo vệ chúng khỏi thú dữ và còn sẵn sàng hy sinh mạng sống (x. Đavít: 1 Sm 17,34-35).

4. Lòng nhiệt thành của người mục tử chính là tình yêu làm tuôn trào sự sống. Như Tv 23 cho thấy, người tín hữu thời Kinh Thánh thấy nơi hình ảnh người mục tử dung mạo đích thật của Thiên Chúa: Tình yêu của Người, sự quan tâm, tình yêut hy sinh cho nhân loại. Nếu họ vững vàng đối phó với các thử thách của cuộc đời, là vì họ bám vững vào Thiên Chúa. Trong tâm trí và trong tim họ, họ xác tín rằng như mục tử tốt lành, Thiên Chúa dám làm mọi sự vì họ; Thiên Chúa luôn trông chừng trên họ, luôn luôn chiến đấu bên cạnh họ (x. Is 31,4; Ed 34,16).

5. “Tôi biết chiên của tôi …, như Chúa Cha biết tôi”. Con người phải đau khổ vì không được ai hiểu biết sâu xa. Thế mà Đức Giêsu lại nói rằng Người biết con người bằng một sự hiểu biết tương đương với sự hiểu biết nhờ đó Chúa Cha biết Con. Đây lại là một sự hiểu biết trong tình yêu. Như thế, con người sẽ không còn cảm thấy cô đơn và sợ hãi vì Đấng biết họ trọn vẹn lại không kết án họ, nhưng yêu thương họ bằng một tình yêu trọn vẹn và cứu chuộc. Đã được yêu thương như thế, chúng ta có trách nhiệm đối với anh chị em chúng ta: chúng ta cũng phải yêu thương anh chị em mình đến mức sẵn sàng hy sinh mạng sống cho họ, theo gương Đức Giêsu.



Mục Lục


Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi




Ba bài đọc của Chúa Nhật hôm nay có chung cùng một chủ đề: Đức Giê-su Ki tô là Đấng cứu độ duy nhất của chúng ta.

Cv 4: 8-12
Khi bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng, thánh Phê-rô giải thích cho họ, những người đã kết án tử Đức Giê-su trước đây, rằng họ đã loại bỏ Đấng, chỉ ở nơi Ngài con người có thể được ơn cứu độ.

1Ga 3: 1-2
Trong thư thứ nhất của mình, thánh Gioan nhắc nhở rằng, được liên kết với Đức Giê-su, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa và được đảm bảo dự phần vào số phận vinh quang của Ngài.

Ga 10: 11-18
Tin Mừng hôm nay giới thiệu Đức Giê-su là Mục Tử nhân lành, chỉ mình Ngài mới có thể dẫn chúng ta vào ràn chiên của Thiên Chúa, vì Ngài hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên.

BÀI ĐỌC I (Cv 4: 8-12)

Việc thánh Phê-rô bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng là kết quả của biến cố mà chúng ta đã đọc câu chuyện vào Chúa Nhật vừa qua: sau khi chữa lành một người què trước cửa Đền Thờ, vị lãnh đạo của các Tông Đồ đã ngỏ lời với đám đông đầy kinh ngạc.


Những lời phát biểu của thánh nhân đã làm xao xuyến các vị lãnh đạo Giê-ru-sa-lem và chắc chắn làm bực tức nhóm Sa-đu-xê-ô.

Chúng ta biết rằng nhóm Sa-đu-xê-ô không tin vào sự phục sinh của thân xác; họ cho rằng quan niệm nầy xuất hiện rất muộn thời trong những tín ngưỡng của Ít-ra-en. Theo họ, sự tinh tuyền đạo lý đòi buộc người ta gắn bó với niềm tin tiền lưu đày; vì thế, họ cảm thấy chướng tai khi nghe nói về cuộc phục sinh của Đức Giê-su.

Thánh Phê-rô và thánh Gioan bị bắt cùng nhau ở Cửa Đền Thờ khi lên Đền Thờ cầu nguyện và chữa lành người què. Họ là hai người bạn đồng hành gắn bó cùng nhau trong thời gian đầu tiên của các Tông Đồ, và cũng là như vậy trong thời gian sau cùng của sứ mạng Đức Giê-su: chính hai người được sai đi chuẩn bị lễ Vượt Qua; chính hai người, sau khi trốn chạy vào lúc Đức Giê-su bị bắt, trấn tỉnh lại và đi theo Ngài xa xa cho đến dinh thượng tế Cai-pha; cũng chính hai người cùng nhau chạy đến ngôi mộ vào sáng sớm Phục Sinh, vân vân). Họ qua đêm trong tù. Sáng hôm sau, họ bị điêu ra trước Thượng Hội Đồng, tức tòa thượng thẩm của Ít-ra-en, để bị tra hỏi.

1. Nơi diễn ra phiên tòa.

Hai vị Tông Đồ bị điệu ra trước những quan tòa mà, trước đây vài tuần, đã kết án Đức Giê-su: Thượng Tế đương nhiệm Cai-pha chủ trì Thượng Hội Đồng; Cựu Thượng Tế Kha-nan, bố vợ của ông Cai-pha, những kỳ mục và những kinh sư.


Phiên tòa diễn ra cũng một nơi trước đây đã xử Đức Giê-su. Vào lúc Đức Giê-su bị bắt, trời đã tối nên các thành viên Thượng Hội Đồng tụ họp vội vàng trong dinh Thượng Tế Cai-pha. Dinh Thượng Tế Cai-pha có lẽ đã nhắc nhở thánh Phê-rô một kỷ niệm đau buồn. Nhưng thật là khác biệt biết bao giữa thái độ của người môn đệ sợ hãi của đêm bi thảm chối thầy mình, và vị Tông Đồ được ơn soi sáng của Biến Cố Phục Sinh và được đầy tràn Thần Khí của lễ Ngũ Tuần.

2. Chứng từ của thánh Phê-rô trước Thượng Hội Đồng.

Giờ của sự thật đã điểm. Thánh Phê-rô phục quyền Đức Giê-su mà họ đã kết án trước đây, buộc tội những kẻ giết Ngài và công bố sự phục sinh của Đấng chịu đóng đinh. Thánh nhân phát biểu bằng giọng nói dạn dĩ: "Vậy, xin tất cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng".


Thật ra, người ta tra hỏi các ngài là nhờ quyền năng nào hay nhân danh ai mà hai vị đã chữa lành người què nầy. Thánh Phê-rô quả quyết rằng chính nhờ danh Đức Giê-su Ki tô, người Na-da-rét. Thánh nhân chủ ý dùng thuật ngữ có một âm vang tiêu cực nầy như câu thành ngữ: "Từ Na-da-rét, làm sao có gì hay được?” (Ga 1: 46). "Chính nhờ danh Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người đứng trước mặt quý vị đây được lành mạnh". Và vị Tông Đồ còn cất cao giọng hơn nữa: "Chính Đấng ấy là viên đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường".

Thật tốt đẹp biết bao khi sứ điệp về sự Phục Sinh được công bố trước hội đồng nầy, hội đồng đã lăng nhục và bêu xấu Đức Giê-su; thật tốt đẹp biết mấy khi những người đại diện chính thức của dân Chúa chọn nghe trực tiếp lời loan báo ơn cứu độ từ nay đạt được nhờ Đấng mà họ đã giết chết. Khi trích dẫn Kinh Thánh (Tv 118), vị Tông Đồ chứng minh rằng chân lý thuộc về phía của mình bởi vì các ngôn sứ đã báo trước rằng chính họ, những người thợ xây nhà Ít-ra-en đã loại bỏ đá tảng góc tường nầy.

Hơn nữa, sự hiện diện của người què được chữa lành trước tòa án nầy không phải là lời chứng hùng hồn rằng Đức Giê-su là căn nguyên của ơn cứu độ sao? Chính sự hiện diện của người què được chữa lành nầy cũng đã cứu hai vị Tông Đồ: hai ông được thả ra, vì Thượng Hội Đồng sợ đám đông dân chúng "tôn vinh Thiên Chúa vì việc đã xảy ra" (4: 21).
Nhưng chẳng bao lâu sau, bị bắt một lần nữa, thánh Phê-rô và thánh Gioan, lần nầy, bị đánh đòn và cấm không được nói đến danh Đức Giê-su; nhưng các ngài không thể nín lặng được và sẽ không bao giờ nín lặng.

BÀI ĐỌC II (1Ga 3: 1-2)

Đoạn trích thư thứ nhất của thánh Gioan hôm nay tập trung vào một chủ đề duy nhất: ơn làm con cái Thiên Chúa. Người Ki tô hữu là con cái Thiên Chúa ngay từ bây giờ, nhờ tình yêu của Chúa Cha. Nhưng ơn nghĩa tử nầy sẽ thăng hoa viên mãn chỉ khi chúng ta nên giống hoàn toàn với Con của Ngài vào ngày Ngài trở lại trong vinh quang.



1. Ơn làm con cái Thiên Chúa:

Thiên Chúa là tình yêu, đó là chủ đề hàng đầu của thần học Gioan. Thánh Gioan ngây ngất trước điều kỳ diệu nầy: Chúa Cha yêu thương chúng ta và gọi chúng ta là con cái của Ngài. Đó không chỉ là tước hiệu mà Ngài ban tặng cho chúng ta, nhưng một thực tại thâm sâu: "Anh em hãy xem Thiên Chúa yêu chúng ta dường nào: Người yêu chúng ta đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Theo văn hóa Do thái, một danh xưng diễn tả sự thật thâm sâu của con người: như vậy, Chúa Cha yêu thương chúng ta đến mức Ngài liên kết chúng ta vào Người Con của Ngài khi gọi chúng ta là con cái của Ngài. Phẩm vị nầy làm cho chúng ta khác với thế gian. "Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người". Những từ ngữ nầy vang dội lại những lời của Đức Giê-su cho các môn đệ của Ngài, được tường thuật chính xác trong Tin Mừng Gioan: "Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em" (Ga 15: 18).

Toàn bộ bức thư nầy được cấu trúc theo lối phản đề; cuộc sống người Ki tô hữu đối lập với cuộc sống của những kẻ cứng tin hay những người lạc giáo. Ở đây, lối phản đề bao phủ một vùng rộng lớn: đó là thế gian, được hiểu theo nghĩa tiêu cực, thế giới của tội lỗi, bởi "vì thế gian đã không biết Thiên Chúa".

2. Sự biến đổi trong tương lai.

Đoạn trích nầy có thể được đặt nhan đề: "Từ phép rửa đến sự biến đổi". Thật ra, từ ngữ không nói lên điều nầy, nhưng chính chuyển động của tư tưởng.

Chúng ta đã được biến đổi rồi bởi cuộc sống làm con cái Thiên Chúa của chúng ta, nhưng đây chỉ là giai đoạn đầu tiên. Ơn làm con cái Chúa được hoàn thiện chỉ khi chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài; điều nầy sẽ chỉ xuất hiện vào thời chung cuộc. Bản văn có vẻ như muốn nói rằng được ngắm nhìn Con của Ngài trong vinh quang sẽ biến đổi chúng ta. Thật ra, đây không là ý tưởng mà thánh Gioan thật sự muốn diễn tả, vì sự biến đổi của chúng ta được ươm mầm rồi ở nơi phẩm tính con cái Thiên Chúa của chúng ta.

Lời khẳng định của vị Tông Đồ là một lời khẳng định của đức tin, nhưng cũng dựa trên kinh nghiệm: thánh Gioan đã là nhân chứng của biến cố Biến Hình. Thánh nhân dường như ám chỉ đến kinh nghiệm nầy trong Tựa Ngôn: "Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy trần ân sủng và sự thật" (Ga 1: 14).

Thánh Phao-lô cũng gợi lên sự biến đổi tương lai nầy trong thư gởi cho các tín hữu Phi-líp: "Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki tô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người" (Pl 3: 20-21).

TIN MỪNG (Ga 10: 11-18)

Trong cả ba năm Phụng Vụ, Chúa Nhật IV Phục Sinh là Chúa Nhật "Chúa Chiên Lành". Mỗi năm Phụng Vụ chúng ta đọc một đoạn trích bài diễn từ của Đức Giê-su về “Người Mục Tử nhân lành” của chương 10 Tin Mừng Gioan. Vào năm A, chúng ta đã đọc phần đầu (10: 1-10); vào năm B nầy, chúng ta đọc phần tiếp theo (10: 11-18).

Bài diễn từ nầy được Đức Giê-su công bố ở Giê-ru-sa-lem sau khi Ngài cho một anh mù được sáng mắt. Trong bài diễn từ nầy, Đức Giê-su tự nhận mình là người mục tử đích thật. Bài diễn từ nầy được ghi nhận trong cuộc xung đột giữa Đức Giê-su và các đối thủ của Ngài: họ là "quân trộm cướp", "những kẻ tiếm quyền mục tử". Những người Biệt Phái nầy đã trục xuất con chiên lẽ loi cô độc khỏi ràn chiên, tức là anh mù được sáng mắt. Đức Giê-su đã thu nhận anh, soi lòng mở trí cho anh vào ánh sáng đức tin…Như vậy chân dung của người mục tử nhân lành được nêu bật bởi sự đối lập nầy.

Mặt khác, các vị lãnh đạo Ít-ra-en đặt vấn đề về Đức Giê-su và uy quyền của Ngài khi đòi hỏi Ngài thực hiện những điềm thiêng dấu lạ. Đức Giê-su gián tiếp trả lời cho họ khi tự nhận cho mình tước vị Mê-si-a Mục Tử mà các ngôn sứ đã loan báo.



1. Hình ảnh người mục tử:

Hình ảnh người mục tử rất quen thuộc với một dân tộc không quên rằng cha ông của họ đã từng sống kiếp sống du mục và chăn nuôi. Kinh Thánh đã phác họa Đức Chúa là vị mục tử lý tưởng. Ẩn dụ cho phép diễn tả hai khía cạnh của mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân Ngài: uy quyền nhưng từ bi nhân hậu. Nhưng tước hiệu mục tử nầy được dành riêng đặc biệt hơn cho Đấng Mê-si-a tương lai. Nhất là ngôn sứ Ê-dê-ki-en – vào đầu thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên – vào thời điểm tai họa lớn lao (Kinh Thành Giê-ru-sa-lem bị đạo quân Ba-by-lon chiếm, Đền Thờ bị phá hủy, và dân chúng bị đưa đi lưu đày) đã tiên báo rằng rồi đến một ngày Thiên Chúa sẽ đòi lại đàn chiên của Ngài khỏi những mục tử chỉ biết lo cho mình mà không chăn dắt đàn chiên để giao lại cho Tân Đa-vít, không là vua, nhưng mục tử đích thật, tận tâm tận lực chăn dắt chúng (Ed ch. 34). Chính ở trong hàng dụ ngôn của vị ngôn sứ nầy mà dụ ngôn của Đức Giê-su được định vị.



2. "Tôi là Mục Tử nhân lành".

Trong phần thứ nhất của dụ ngôn (Ga 10: 1-10), Đức Giê-su đã phác họa những nét tiêu biểu của người mục tử nhân lành, nhưng chúng ta không thể ngộ nhận, chính là chân dung của Ngài.

Phần thứ hai (10: 11-18), mà chúng ta đọc hôm nay, đưa chúng ta vào trọng tâm của sứ điệp: Đức Giê-su công khai tuyên bố Ngài là Mục Tử Nhân Lành, nhân lành không chỉ vì Ngài chứa chan lòng nhân ái đối với đàn chiên của mình nhưng vì Ngài là mục tử đích thật, vị mục tử duy nhất mà dân chúng mong đợi. Khi Đức Giê-su công bố: "TÔI LÀ", Ngài cho lời quả quyết nầy một giá trị tuyệt đối, loại trừ tất cả người khác: "Tôi là Đường, Sự Thật và Sự Sống", “Tôi là ánh sáng thế gian", "Tôi là cây nho đích thật", vân vân. Và luôn luôn những "tôi là" nầy mở ra một mặc khải liên quan đến con người của Ngài, chưa nói đến “TÔI LÀ” đứng một mình quy chiếu đến Thần Tính của Ngài.

Khi tuyên bố mình là MỤC TỬ NHÂN LÀNH, Đức Giê-su thủ đắc cho riêng mình tước hiệu Mê-si-a. Và chính Ngài xác định vai trò Mê-si-a của Ngài:


- hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên;
- thiết lập những mối tương giao mật thiết giữa Thiên Chúa và con người;
- quy tụ tất cả những ai tin vào Ngài để chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.

3. “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”:

Đây là mặc khải cốt yếu gây xôn xao; mặc khải nầy mở ra và đóng lại toàn bộ đoạn văn nầy như kỷ thuật đóng khung.

Đức Giê-su loan báo cái chết của Ngài và ý nghĩa của cái chết nầy với một sự trang trọng hết mức. Cũng chính sự trang trọng nầy mà Ngài sẽ bày tỏ trong suốt cuộc Khổ Nạn của Ngài và thánh Gioan sẽ nhấn rất mạnh trong bài tường thuật của mình.

Đức Giê-su nghiêm túc đối mặt với cái chết nhưng cũng hoàn toàn độc lập đối với những kẻ gây ra cái chết của Ngài: các vị lãnh đạo Ít-ra-en hay viên Tổng Trấn Rô-ma: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình”. Nếu Ngài phải chịu như vậy, chính vì Ngài muốn như thế. Đó cũng là lời mà Ngài nói với thánh Phê-rô vào lúc bị bắt: “Anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần!” (Mt 26: 53).


Đức Giê-su dự kiến trước tất cả những giải thích sai lầm mà người ta có thể có về cái chết của Ngài: cái chết nầy sẽ không là hậu quả tất yếu của một sứ điệp gây xáo trộn, như cái chết của biết bao ngôn sứ, nhưng do ý muốn của chính Ngài. Đây là một sự tự nguyện hiến dâng với sự đồng thuận của Cha Ngài, trong một tình yêu nên một đối với đàn chiên trần thế. Đức Giê-su vén mở cho chúng ta một khía cạnh sâu xa của mầu nhiệm nầy: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình”. Vì thế, khi Chúa Cha bỏ mặc Con Ngài trong sự khốn cùng, chính lúc đó mà Ngài yêu Con Ngài nhất…

Nhưng Đức Giê-su cũng loan báo cuộc Phục Sinh của Ngài: “Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy”. Những lời nầy âm vang biết bao trong thời gian sắp đến. Đức Giê-su đã lên Giê-ru-sa-lem mừng lễ Lều, lễ diễn ra vào mùa thu. Vào mùa xuân sang năm, lễ Vượt Qua sẽ là lễ Vượt Qua của Ngài, từ Tử nạn đến sự Phục Sinh…



4. “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi”.

Sự kiện người mục tử và đàn chiên quen hơi bén tiếng với nhau chiếm một chỗ quan trọng trong phần thứ nhất của dụ ngôn, ở đó Đức Giê-su nhấn mạnh: “Người giữ cửa cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ…” (10: 3-5). Việc quen hơi bén tiếng nầy cấu thành niềm tin tưởng và tình yêu.


Trong phần thứ hai nầy, Đức Giê-su cho chúng ta nguyên mẫu của việc quen hơi bén tiếng nầy, chính sự hiểu biết nên một lòng một ý giữa Cha và Con. Đây là khuôn mẫu của những mối liên hệ mà Đức Giê-su muốn thiết lập giữa Ngài và con người. Thực hiện một mối tương giao sâu thẳm như thế là công trình của Ngài và giá máu của Ngài. Đây là ý nghĩa căn bản của dụ ngôn.

5. Chỉ có một đàn chiên và một mục tử.

Một niềm hy vọng lớn lao chạy xuyên suốt toàn bộ Kinh Thánh: giờ của Đấng Mê-si-a sẽ là giờ hiệp nhất dân Thiên Chúa. Các ngôn sứ đã ôm ấp giấc mơ nầy sau khi dân Do Thái bị phân chia thành hai vương quốc (thế kỷ thứ mười trước Công Nguyên). Những người lưu đày ở Ba-by-lon (thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên) đặt mọi niềm hy vọng của mình vào sự can thiệp của Đấng Mê-si-a, Đấng đến thực hiện công việc khó khăn, đó là quy tụ mọi con cái Ít-ra-en tản mác khắp nơi. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a hứa: “Đức Chúa sẽ quy tụ đoàn chiên của Ngài còn sót lại từ khắp mọi miền” (23: 3). Ngôn sứ Ê-dê-ki-en cũng hứa: “Sẽ chỉ có một mục tử duy nhất cho chúng hết thảy” (37: 24). Sự hiệp nhất sẽ là dấu chỉ của kỷ nguyên Mê-si-a và như bước khởi đầu của sự quy tụ cánh chung vĩ đại, vào thời sau hết, khi muôn dân muôn nước đều nghe tiếng gọi của Đức Chúa, vì Ít-ra-en là ánh sáng muôn dân.

Đối với Đức Giê-su đây là một cách thế mới để khẳng định mình là Đấng Mê-si-a khi công bố mình là Đấng kiến tạo sự hiệp nhất của đàn chiên. Nhưng Đức Giê-su không chỉ nghĩ đến những con chiên của nhà Ít-ra-en chưa nhận ra Ngài, Ngài còn nghĩ đến cuộc hoán cải của thế giới lương dân. Khía cạnh Giáo Hội được diễn tả rất rõ rồi trong phần thứ nhất của dụ ngôn với hình ảnh ràn chiên. Trong phần thứ hai nầy, hình ảnh rộng mở; không còn một ràn chiên được rào chắn chung quanh với cửa đóng then cài, nhưng toàn thể thế giới. Chính Giáo Hội có sứ mạng hiệp nhất đàn chiên trong cùng một ràn chiên và dưới cùng một vị mục tử, Đấng đã sinh ra trong hang lừa máng cỏ và đã hiến dâng mạng sống mình cho đàn chiên.

Lm. Ignatiô Hồ Thông


Mục Lục



tải về 499.43 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương