Số 40 1-5-2008 Bán nguyệt san thông tin và nghị luận


Tinh giản chương trình để bớt “ngồi nhầm lớp”



tải về 393.36 Kb.
trang3/6
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích393.36 Kb.
#10724
1   2   3   4   5   6

Tinh giản chương trình để bớt “ngồi nhầm lớp”

Trên đây là một số vấn đề tồn tại do ta chưa quán triệt một số nguyên tắc đã có, và phần nào bị dao động trước những đòi hỏi cấp bách của thị trường; nhưng như đã nói ở trên, cũng có những tồn tại do ta chưa cụ thể hoá được một cách thiết thực những yêu cầu có tính chất nguyên lý thành những đòi hỏi thực tiễn của công việc dạy học để thực hiện.

Ta biết rằng mục tiêu của giáo dục được viết trong Hiến pháp hay trong Luật Giáo dục thì chỉ mới đề cập đến những nguyên lý chung, những yêu cầu cơ bản đối với sản phẩm của nền giáo dục, còn thể hiện những nguyên lý chung đó thành ra chương trình, nội dung dạy và học như thế nào thì còn là một khối công việc khổng lồ, đòi hỏi nhiều công sức và tâm huyết.

Nhận thức được điều đó, trong nhiều năm qua, ngành giáo dục nước ta đã tập hợp được một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học và giáo dục nghiên cứu soạn thảo xong một bộ chương trình giáo dục phổ thông và đang soạn các bộ sách giáo khoa, và các trường đại học và cao đẳng cũng đã và đang soạn các bộ chương trình khung và các sách giáo khoa cho các bộ môn trong chương trình học của mình.

Khối sản phẩm đó là kết quả của một công trình tập thể rất to lớn và công phu, tôi không có thẩm quyền và cũng không đủ khả năng để đưa ra các đánh giá thích đáng. Nhưng tôi có vài nhận xét nhỏ, và hy vọng từ vài nhận xét nhỏ đó có thể gợi lên một số vấn đề để suy nghĩ. Thí dụ đối với bộ chương trình và sách giáo khoa ở cấp học phổ thông, tính cập nhật và hiện đại hóa của nội dung các chương trình và sách giáo khoa đã được soạn thảo là không thể phủ nhận. (xem tiếp trang 30)
Chế độ độc quyền đã thui chột nền giáo dục Việt Nam
Vi Đức Hồi
Đó là tiếng nói chung của những người dân thấp cổ, bé họng. Họ là những người lao động lương thiện không có chút địa vị trong xã hội, cũng chẳng có kinh tế trong tay khá giả gì (tuy nhiên từ ngữ của mỗi người có khác nhau, nhưng chung quy lại là như vậy). Tôi bắt đầu để tâm suy nghĩ và giật mình nghĩ đến nền giáo dục nước nhà mà ngay tại bây giờ báo chí trong và ngoài nước đang lên tiếng báo động. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến học sinh bỏ học mà các nhà chức trách không phải không biết đến mà có lẽ đã cố tình né tránh không nói đến.

Nhìn vào thực tế từ mười năm trở lại đây, đội ngũ cán bộ công chức được tuyển dụng vào các cơ quan của đảng, nhà nước việt nam ở các cấp, tuyệt đại đa số chỉ gồm hai thành phần chính: Một là con em của những người có chức, có quyền trong xã hội; hai là những con em là gia đình có kinh tế khá giả. Thử lần mò đi tìm nguyên nhân để lý giải việc này thì thấy đối tượng bỏ học chỉ là những con em của nông dân lao động thuần tuý. Họ buộc phải cho con nghỉ học bởi không chỉ vì lý do khó khăn kinh tế, không chỉ vì sức học yếu không theo kịp chương trình, không chỉ vì trường lớp xa, đi lại khó khăn, nguy hiểm mà còn có những lý do sau đây:

Có quá nhiều chính sách đặc quyền ưu tiên: Nếu như trong chế độ tư bản, các ông chủ có chính sách ưu tiên đối với công nhân để họ tận tâm, tận lực làm việc và gắn bó với nhà máy, xí nghiệp của mình, đó là các hình thức ưu tiên bố trí chỗ ở, tạm ứng lương để mua sắm phương tiện đi lại, tiện nghi sinh hoạt... cho công nhân mình; ưu tiên các thế hệ trong gia đình nối tiếp nhau làm việc cho nhà máy... thì ở việt nam ngày nay hàng loạt các chính sách ưu tiên cho con em mình (cha truyền, con nối) ra đời để lũ lượt kéo nhau vào chiếm đóng tại các cơ quan đảng, nhà nước ở mọi cấp.

Thử thống kê các ngành điển hình như công an, quân đội, ngân hàng, bưu chính viễn thông, tư pháp... mỗi ngành tự ra quy định riêng ưu tiên cho con em mình nối nghiệp cha ông. Việc ưu tiên này được áp dụng từ khâu xét tuyển đầu vào tại các trường chuyên nghiệp của ngành, cho đến việc tuyển dụng vào các cơ quan, đơn vị trong ngành. Theo đó khi con em trong ngành thi đầu vào tại các trường mà bố mẹ đang công tác sẽ có chính sách riêng như: Có số điểm ưu tiên để cộng thêm vào số điểm dự thi hoặc có chính sách ưu tiên xét tuyển; khi ra trường, được ưu tiên bố trí việc làm trong ngành.

Trong công tác tuyển dụng, có đến một trăm linh một kiểu tuyển dụng khác nhau. Ở Việt Nam hiện nay có thể khái quát thành hai cách tuyển dụng công chức, đó là tuyển dụng theo chiều ngang và tuyển dụng theo chiều dọc. Tuyển dụng theo chiều ngang là: Lĩnh vực tổ chức biên chế, công tác quản lý, tuyển dụng, điều động, đề bạt cất nhắc, sa thải... đều do cấp uỷ, chính quyền địa phương quyết định, vì đội ngũ này hưởng lương từ nguồn ngân sách địa phương chi trả. Đây là sân chơi giành riêng cho đội ngũ cán bộ có chức sắc ở các cấp địa phương thả sức thao túng, có thể bố trí, gán ghép cho con em mình vào những vị trí được coi là “béo bở”. Trong thực tế hiện nay nếu bố mẹ có chức quyền từ trưởng, phó phòng cấp huyện trở lên thì vấn đề xin việc cho con cái sẽ là việc “nhỏ như con thỏ”, (trừ trường hợp con cái quá dốt hoặc quá hư hỏng). Sau đây là một vài thủ đoạn tuyển dụng công chức. Thứ nhất là thi tuyển công chức: Về mặt hình thức đây là thi tuyển công khai. Trước khi thi, ”hội đồng chấm thi” đã có một “danh sách” để nghiên cứu, ở đó là những con em “được ưu tiên”. Phương thức thi gồm hai phần, thi viết và thi vấn đáp. Phần viết thì những người có trong danh sách “được ưu tiên” sẽ được giám thị làm ngơ khi giở sách, phần thi vấn đáp chính là phần quan trọng nhất để “hội đồng chấm thi” thả sức nâng điểm cho các đối tượng cần nâng, đánh tụt điểm cho những đối tượng cần đánh tụt. Phần này không ai có thể thưa kiện được nếu như ai đó thấy bất hợp lý. Hai là tuyển thẳng vào cơ quan làm tạp vụ, bảo vệ, văn thư... khi đã thế được chân, mới bắt đầu đi học các lớp tại chức (vừa học vừa làm). Cách này là ngon ăn nhất, vừa đi học vừa có lương, có nhiều trường hợp vào biên chế mới đi học. Thứ ba là: Mặc cả con cái thế chân bố mẹ, khi bố mẹ ngấp nghé đến tuổi nghỉ hưu,mặc cả với tổ chức đưa con vào thay chân, được như vậy bố mẹ có thể nghỉ sớm một vài năm cũng vui, nếu không được thì tìm mọi cách chây ì ở lại mặc dù tuổi nghỉ hưu đã đến vv. vv...
Tuyển dụng theo chiều dọc: Có nghĩa là toàn bộ quỹ lương, tổ chức biên chế do các bộ, ban hay ngành trung ương quản lý. Đó là các ngành như toà án, viện kiểm sát, thi hành án, kho bạc, bảo hiểm xã hội, các kênh ngân hàng... các ngành này ở trung ương (TW) có toàn quyền tuyển dụng và điều động đến bất cứ đơn vị nào trong ngành trên phạm vi toàn quốc. Thực thi quyền hạn này, hiện nay ở cấp tỉnh, huyện trên toàn quốc đâu đâu cũng nhan nhản những cán bộ là con em của các quan chức TW được tăng cường đến. Phần lớn những người này khi được biên chế, hoặc có cơ hội thì tìm cách quay về TW (Hà Nội).

Bây giờ nói đến thành phần thứ hai: Những con em tuy không có chức sắc nhưng lắm tiền. Câu nói ”có tiền mua tiên cũng được” giờ đây hoặc ít nhất trong lĩnh vực này đã không hoàn toàn đúng, vì không phải có tiền là có thể đưa con em mình vào chiếm lĩnh được những vị trí theo mong muốn, chỉ khi có cơ hội nhất định đó là nhu cầu của cơ quan đơn vị đang có, trong khi các con em những người có quyền lực không có nhu cầu vào ngành đó hoặc đã an phận, thì cơ hội này được chuyển giao tới những người có tiền. Tiền để chạy việc không có định mức, mà tùy từng trường hợp, tùy từng việc cụ thể. Tôi có người em họ có thằng con học trung cấp điện ra, xin mãi không được việc, vừa rồi có người đến mặc cả nộp 80 triệu đồng sẽ thu nạp đi làm, nhưng ở tận Tây Bắc, cách nhà trên 600km. Gia đình chắp tay ”lạy cụ”.

Vậy là con đường đi tới công sở của đảng nhà nước ở các cấp đã không còn chỗ thế chân cho những con em là người dân lao động. Cứ theo đà này trong vài năm tới toàn bộ cái gọi là “hệ thống chuyên chính vô sản” sẽ hoàn toàn chỉ là con em của tập đoàn cộng sản đang nắm trong tay quyền lực thao túng đất nước, mặc thây năng lực ra sao, miễn là không bị “chập mạch”, không có tiền án, tiền sự, không nghiện ma tuý là được. Hiện cả nước có trên 3 triệu đảng viên, trong đó có khoảng 1 triệu có quyền, có chức. Nếu duy trì số lượng công chức khoảng trên dưới 2 triệu người như hiện nay thì số con cái của 1 triệu đảng viên cộng sản đang nắm quyền lực có lẽ cũng vừa đủ chỗ xếp.

Là cha, là mẹ, ai cũng muốn cho con mình được học hành đến nơi, đến chốn, ai cũng muốn con mình tiến bộ ”con hơn cha là nhà có phúc” và sẵn sàng ”hy sinh đời bố để củng cố đời con”. Song dưới chế độ độc quyền này, con em của những người dân lao động đã không còn cơ hội để tiến thân, vì xét trên mọi phương diện, họ đều là người yếu thế không đủ sức để lọt vào vòng trong sau những lần vòng loại. Vì vậy họ là người đã “biết mình, biết ta” nên đã tự bằng lòng chỉ cần con cái mình học đến “cấp” biết đọc, biết viết là được, mặc cho thiên hạ bon chen. Vậy là giờ đây khoảnh trời riêng, sân chơi riêng giành cho con cái của các quan chức đã được định vị. (xem tiếp trang 31)



Giải bài toán chất lượng giáo dục đại học VN: Không khó!
Trần Thị Hồng Sương
Rất nhiều người thấy cải cách giáo dục quá mênh mông và bế tắc, nhưng nói “không khó” là một khẳng định chứ không kịch tính hoá để thu hút chú ý ! Cũng không có chử “nếu“ để đặt Paris vào lọ, như câu châm ngôn “Avec des si on mettrait Paris dans une bouteille !”.

Ngày 5.1.2008, tại Tp HCM, trước mười bảy bộ và 343 trường đại học và cao đẳng cả nước, ông Bành Tiến Long, thứ trưởng bộ Giáo dục nêu bảy nguyên nhân làm hạn chế đến chất lượng giáo dục ĐHVN: tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chưa rõ ràng, thiếu đội ngũ chuyên gia hoạt động đánh giá và kiểm định chất lượng, chưa chú trọng nghiên cứu khoa học, thiếu nhà khoa học đầu đàn, hợp tác quốc tế còn hạn chế v.v.

Giáo sư Trần Thượng Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ nêu thêm hai nguyên nhân: "qui tụ ở sự bất cập về năng lực quản lý của hệ thống và sự chậm tiếp thu những ý kiến phản biện xã hội".

Giáo sư Hà Dương Tường kết luận: “Giải bài toán chất lượng giáo dục đại học Việt Nam (VN) vẫn tít mù xa lắc !”.

Tôi không phải là người làm trong lãnh vực giáo dục, nhưng là người đã được tận hưởng nền giáo dục VNCH lúc đang trên đường đua so kè với thế giới. Chất lượng Pháp Mỹ làm điểm đến ! Lúc tôi học năm thứ hai trường Dược thì trường Dược được công nhận đến hết năm thứ hai tức có thể nhập học các đại học nước ngoài để tiếp tục học năm thứ ba. Để nâng lên ngang bằng các thầy cho thi quá khó và gần 2/3 sinh viên bi rớt phải học lại năm thứ hai, và tôi cũng trong số thi rớt đó !

Đại học y khoa được công nhận hết năm thứ tư ! Nếu muốn lấy bằng của Pháp Mỹ thì phải sang Pháp Mỹ học năm thứ năm sau khi thi kiểm tra ngoại ngữ !

Sau 1975 tôi sớm thấy ra khiếm khuyết của nền giáo dục và áp lực chánh trị kiểu “ngăn cấm và ban ơn” như ban bằng khen và huân chương mà GS Hoàng Xuân Sính nói. Khi làm việc ở Sở y tế Cần Thơ (khoảng năm 1985) tôi từ chối đi học cao học chỉ để... có bằng lên lương. Tôi không nói gì để gây lấn cấn với các đồng sự CS nòi, nhưng tôi nghĩ tuy nhà nước CSVN không công nhận, song bằng Dược sĩ quốc gia của Đại học Dược khoa Sàigòn VNCH, học năm năm đã là tương đương Thạc sĩ. Các cử nhân của đại học khoa học chỉ học ba năm ! Tôi xin đi học thêm ngoại ngữ nhưng bị hỏi vặn là: học để vượt biên hả ? Tôi đã nói vượt biên thì qua đó học dễ hơn, học làm chi bây giờ! Tôi học tiếng Anh vì thấy sách khoa học Pháp tôi thường dùng, lạc hậu hơn sách Mỹ ít nhất... ba năm !

Trước 1975 tôi đã theo dõi sát vì chuẩn bị học tiếp lấy bằng Tiến sĩ đệ tam cấp mới mở ra của Trường Đại học Dược khoa Sàigòn, trong đó trường sẽ tìm giúp một giáo sư hướng dẫn đề tài là giáo sư nước ngoài và có thể phải có chuyến đi ra nước ngoài ngắn hạn làm đề tài ở phòng nghiên cứu nước ngoài nơi ông thầy hướng dẫn làm việc !

Sau 1975 tôi đã giúp các con mình tự chỉnh đốn bổ sung kiến thức bằng cách “Du học tại nhà” qua internet và tự xác định đẳng cấp quốc tế qua các trường kiểm tra kiến thức quốc tế thi lấy bằng tương đương quốc tế !

Tôi hết sức thán phục chương trình “No child left behind” đảm bảo kiến thức ngang bằng, phương tiện ngang bằng trong đó có chất lượng giáo viên cho tất cả cấp Trung Học Mỹ không có độ chênh trình độ giữa các trường Trung học ở Mỹ hay chênh lệch trình độ do yếu tố vùng miền như ở VN . Thành phố Hà Nội-Sài Gòn học sinh đỗ trên 90%, còn miền núi cả trường chỉ có một hai em đỗ bằng Trung học làm thầy cô phải khóc. Có cả việc học lớp 5 vùng nông thôn chưa đọc được chữ ! Cộng đồng sắc tộc thiểu số không giúp các học sinh thành hiếu học, đúng như bà Hillary Clinton nói về yếu tố cộng đồng tham gia làm nền tốt xấu cho giáo dục !

Tôi đọc quyển sách It takes a Village của bà Hillary Clinton để học hỏi thêm cách làm Mẹ vì đó là kinh nghiệm bà nuôi dạy con gái Chelsea Clinton. Bà viết quyển này từ Toà Bạch Ốc, nơi bà đang tự học để xứng hợp với vai trò đệ nhất phu nhân. Ở bà có cả hai yếu tố hoàn hảo đáng ngưỡng mộ là đẹp không thua diễn viên điện ảnh và óc thông minh quyết đoán chính xác của một nghị sĩ tài năng ! Bà cũng nói đến vai trò gia đình, chuyện ngoại tổ bà là cặp vợ chồng trẻ con “tuổi teen” đã khiến Mẹ bà 13 tuổi phải đi phụ việc kiếm sống không được chăm lo... Ông cựu Thủ tướng Anh John Major cũng gọi cha mẹ không lo hay không có thể lo cho con là: “Cha mẹ của tội ác tương lai!”.

Tôi tâm đắc hai nguyên nhân Giáo sư Trần Thượng Tuấn nêu ra, còn các nguyên nhân ông Bành Tiến Long nêu có thể tóm gọn một câu: “sản phẩm của hệ thống XHCN nay là “thầy bà” trong toàn ngành giáo dục không xứng hợp !”

Từ kiến thức xã hội về giáo dục đó tôi thấy ba điều khó rất khác nhau, nói ra cũng sẽ bị nhà nước cho là bất đồng chánh kiến, không nói thì thành thiếu trách nhiệm với thế hệ hậu sinh !

Đọc quyển sách của bà Hillary Clinton sẽ thấy môi trường chánh trị xã hội độc tài dối trá bạo hành của VN khiến thiếu một cộng đồng (village) lành mạnh. Ở VN có thêm áp lực chánh trị lên học đường làm hỏng giáo dục thế hệ trẻ bởi chủ thuyết CS Maoist. Phải khẳng định đây là một sai lầm trầm trọng... Giới trẻ học hành bậc trung trung sẽ chịu ảnh hưởng xấu thành kẻ cơ hội, đứa IQ cao ưu tú biết nhiều thì phải lo kháng cự, góp ý phản biện như Tiến Trung thì bị ...vùi dập, bẻ chân chặt tay nhốt rọ quân trường để học giá trị của ... bạo lực ! Với CS bạo lực là quyền lực chứ không phải tri thức là quyền lực. Hầu hết người đi học nước ngoài đều không theo CS, làm nên rào cản hàng đầu !

Khó khăn thứ hai là VN không đi theo quốc tế nổi bằng cách chi tiền du học bằng ngân sách hay học bổng. Dứt khoát phải đi theo cách của VNCH từng làm. Và cái khó là người CS không bao giờ chịu công nhận mình dở hơn VNCH ! Chương trình cải cách điền địa, đinh điền trên nền tảng kinh tế quốc dân là nông nghiệp mà người CS Bắc Việt bảo thủ nhất cũng cho là VNCH đã thực hiện thành công và đẹp như ước mơ. Xin hãy công nhận thêm thành công thứ hai là về giáo dục. Hai điều nền tảng này khiến VNCH xứng đáng và có thành công đáng học hỏi. Mãn Châu đã học người Hán bại trận, sao CSVN không học VNCH cũng bại trận vì không nỡ lòng giết nhau giữa người Việt Nam ?

Yêu cầu hàng đầu là sinh viên biết Anh ngữ cỡ TOEFL (Test of English as a Foreign Language). TOEFL phải 500 điểm trở lên để đọc hiểu giáo trình nước ngoài ! Không cần thi vào đại học mà chỉ thi ngoại ngữ bởi thầy trò sẽ có một giai đoạn ngắn cùng học theo giáo trình nước ngoài trước khi dịch giáo trình ra tiếng Việt. Thầy cô nào, giáo sư nào không có ngoại ngữ thì sang... làm hành chánh ! Các đoàn viên thành viên TNCSHCM nhà nước CSVN muốn cho học lại... không thể làm nổi điều này !

Giáo dục đỉnh cao đầu đàn dành cho người IQ cao chứ không phải công thần với CS. Đây cũng là điều CS thà làm chảy máu chất xám, thiệt hại cho đất nước chứ không công nhận.

Khó là vậy và chỉ là cái khó chủ quan như vậy ! Phần khách quan lại có nhiều điều thuận lợi:


1. Đã có giáo trình nước ngoài chuẩn hoá và xuất bản giá rẻ cho sinh viên khối các nước Asean.

2. Hệ thống dữ liệu học tập trên mạng đầy đủ sách vở nước ngoài không thiếu .Việt kiều (VK) sẵn lòng hỗ trợ .

3. IQ của người VN không thấp.

4. VK có thể hỗ trợ đoàn tham quan học tập ngắn hạn ở nước ngoài hay giúp học bổng.

Tôi xin lỗi nếu nói ra rằng VN rất chuộng khoa bảng và chức “giáo sư” là điểm đến cuối cùng. Nhưng ở nước Mỹ và nhiều nước người ta chỉ tôn vinh các nhà Tỷ phú kinh doanh và các nhà nghiên cứu. Tôi cho rằng các Thầy cô Châu Á có đầu óc khá bảo thủ, rất ít sáng tạo, làm sao truyền cảm hứng sáng tạo cho sinh viên trên đại học ? Các nước CS còn coi sáng tạo là vượt khung là làm loạn thì làm gì giáo dục thành công ?

Chức danh tiến sĩ phải có một công trình nghiên cứu mang tính sáng tạo và chưa ai trên thế giới làm. Thụy Điển còn đặt nặng tiêu chí phải đi làm cho nước ngoài ba năm để đảm bảo khả năng hội nhập. Bằng Tiến sĩ ở VN thì đúng như Giáo sư Hoàng Xuân Sính nói giống như một thứ huân chương ! Ngoại ngữ không đủ giỏi để tự chỉnh đốn kiến thức, công trình nghiên cứu để lấy bằng thì sao chép nhân bản ...!


VNCH đã làm gì cho giáo dục ?

Trong khả năng vẫn còn hạn chế dưới thời VNCH tính ra cũng mới đạt chừng 25% học sinh học tốt nghiệp Trung học để vào đại học. Rào cản ở ngay trường Trung Học chứ không ở cổng trường đại học như hiện nay. Bằng Tú Tài 1 và Tú tài 2 rất khó đậu. Tỷ lệ đậu Tú Tài toàn phần cũng ít ở tỉnh lẻ và nhiều ở Tỉnh lớn ! Ai rớt tú tài 1 chuyển học nghề sơ cấp với bằng Trung học đệ nhất cấp. Ai rớt tú tài 2 chuyển học trung cấp với bằng Tú Tài 1. Ai đậu tú tài 2 tức Tú Tài toàn phần đều có chỗ học đại học và nhiều đại học chỉ ghi danh không thi như Đại học văn khoa, Đại học luật khoa... Y Dược, Bách khoa, Sư phạm, Kiến trúc... thi tuyển rất gắt !

Giáo trình Đại học do các Thầy dựa theo nước ngoài tự soạn thảo tất nhiên cũng có họp bàn thống nhất. Có thầy chưa kịp chuyển ngữ hay không làm được việc chuyên ngữ tiếng Việt thì dạy tiếng Pháp tiếng Anh. Sinh viên phải tự lo học thêm ngoại ngữ để hiểu . Thầy sống ở nước ngoài chưa rành tiếng Việt giống như VK hiện nay khi đi dạy cũng không khó vì sẽ có nhóm sinh viên phụ tá dịch bài từ tiếng Pháp ra tiếng Việt. Sau năm 1970 nhiều thầy từ Mỹ về thì có chuẩn bị hơn và có cho dịch bài trước !

Thời 1960-1970 có sinh viên học trường Jean Jacques Rousseau và Marie Curie giỏi tiếng Pháp hơn tiếng Việt cùng sinh viên học trường Việt dịch bài. Chỉ trong vòng năm năm là có đủ giáo trình tiếng Việt. Trường y còn cho dịch sách tương đương như một luận án tốt nghiệp nên Trường y có nhiều sách tiếng Việt nhất để sinh viên lớp sau được dễ dàng học ! Giáo trình sẽ thay đổi và phấn đấu để đưa kiến thức theo chuẩn quốc tế đã trường được công nhận tương đương.

VNCH đã giúp thầy trò đại học nâng cấp trường Đại học, không tốn nhiều tiền ngân sách. Trên đại học khó hơn là phải liên kết với nước ngoài để học nhờ thầy học nhờ phòng thí nghiệm. Nhưng nay dễ hơn vì các giáo sư nước ngoài thường sẵn lòng hướng dẫn cho sinh viên qua mạng !
Cộng Sản và tri thức

Cộng sản vì sao đối đầu với trí thức, coi thường tri thức ? Vì tri thức cho biết CS sai lầm, còn người trí thức thì chê không theo CS.

Cuộc sống vẫn có khả năng tự điều chỉnh như vết thương tự lành nếu cơ thể đủ khoẻ mạnh. Người TQ chết trong chiến tranh như rạ, dân số vẫn tăng. VN cũng vậy. Chỉ có chất lượng dân số kém, tư duy hung hăng bạo lực, nhân cách tan rã... Người bình thường sẽ thành công hơn nếu có nền giáo dục tốt. Còn một người IQ cao là người không bao giờ đầu hàng số mệnh nhà nước muốn ban cho hay uốn nắn chỉ để làm “chó giữ nhà”. Trí thức càng nhiều phản động càng nhiều ! Câu hô hào triệt hạ trí thức của cuộc đại cách mạng Văn Hoá Trung Quốc thật đúng, vì trí thức luôn muốn ngăn cái sai của CS.

Trên báo chí VN thường đăng tin thần đèn Cẩm Luỹ hay nhà khoa học Hai Lúa, đó là những nông dân IQ cao nhưng rơi vào vùng đất khô cằn nên chỉ làm được... chuyện “tào lao” dễ bị người có học... qua mặt cái vù ! Bà Bình là một trường hợp cụ thể để đừng mong người chưa học hết đại học làm được gì đúng cho đại học! Làm kinh tế kiểu theo vết xe của nhà thơ Tố Hữu là Ông Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng, mua máy in tiền thay vì lo nắm công nghệ, lo học hành đàng hoàng thì sẽ có lúc tiền VN không còn giá trị như “tiền Cụ Hồ” thời Việt Minh !


Trần Thị Hồng Sương

(17.4.2008)


Tổ quốc trước cơn

liệt-khùng nhân cách
(Gửi các bạn thanh niên và Công an cũng muốn giữ gìn bờ cõi)

Hà Sĩ Phu
1. Nguồn gốc bệnh liệt kháng nhân cách.

Sống trên đời, con người vừa phải nương tựa nhau vừa cạnh tranh với nhau, đấu tranh với nhau không ngừng. NHÂN CÁCH, tức tư cách làm người, cần cả hai mặt ấy. Mọi xã hội lành mạnh, bình thường, cân bằng đều cần cả hai mặt song song đối lập ấy.

Nhưng sau những năm dài đấu tranh với nhau quá ác liệt, xã hội ta lại chuyển sang một thái cực khác, liệt đấu tranh, thờ ơ với đấu tranh, thù địch với đấu tranh, chỉ còn đấu tranh thoi thóp.

Có thể giải thích bằng tâm lý mệt mỏi sau chiến tranh, điều này đúng một phần thôi, chiến tranh đã qua mấy chục năm rồi, sao còn quy kết cho chiến tranh mãi được, và phần đông dân số hiện nay có bị ảnh hưởng chiến tranh đâu? Cũng chừng ấy năm chiến tranh nhưng nếu dẫn đến kết cục khác thì chắc tâm trạng dân chúng không thể mệt mỏi thờ ơ như thế.

Xin nói dài dòng một chút để hiểu tại sao sức mạnh tinh thần của con người Việt nam, nhân cách con người Việt nam lại biến dạng như vậy.

Máu chảy trong cơ thể con người vốn có máu tham sân si, sự tranh giành để được phần hơn vốn là một tiếng gọi ma quái mơ hồ từ nơi hoang dã, bên cạnh tiếng gọi tha thiết vươn tới cõi Người hoàn thiện. (Đạo đức và lý tưởng không diệt được nó, chỉ làm nó thích nghi. Chỉ có luật pháp, mà phải là luật pháp dân chủ và văn minh, mới thuần hoá được).

Để chiếm được phần hơn về mặt này mặt nọ, con người thường tìm cách lấn át người khác, ở mức độ thô thiển thì dùng “biện pháp quân sự” trực tiếp, ở mức độ cao hơn thì sử dụng những ưu thế về quan hệ của QUYỀN và TIỀN. Nhưng đằng sau những sức mạnh vật chất ấy, và làm điểm tựa cho những sức mạnh vật chất ấy, bao giờ cũng còn nguồn sức mạnh tinh thần gắn chặt với chính con người, đó là sức mạnh của TƯ DUY và NHÂN CÁCH. Chiếm đoạt được vũ lực, chiếm đoạt được Quyền và Tiền cũng không bằng chiếm đoạt chính con người, muốn chiếm đoạt con người phải làm sao chiếm lĩnh được Tư duy (theo nghĩa rộng, bao gồm tất cả nhận thức và lòng tin) và Nhân cách của họ. Đảng Cộng sản đã làm được tất cả những việc khó khăn ghê gớm này và đã thành công trong bấy nhiêu năm.

Lý thuyết Cộng sản muốn nhào nặn lại thế giới, nhưng rồi chẳng làm gì nổi thế giới, cuối cùng về cố thủ thành một “cẩm nang vàng” để trị dân trong nước, trong đó dân chúng, là kẻ bị trị, bị mất dần sức mạnh tinh thần và phụ thuộc hoàn toàn vào Đảng cầm quyền : những Ngụy biện thì phá huỷ dần sức mạnh của TƯ DUY, còn sự quản lý chặt chẽ và bạo lực Chuyên chính thì phá huỷ dần sức mạnh của NHÂN CÁCH (ngay những đảng viên cũng chẳng còn nhân cách riêng). Con người đã mất hai sức mạnh tinh thần ấy thì như kẻ mất hồn, chỉ còn cách ngoan ngoãn nghe Đảng vỗ về và phục tùng vô điều kiện. Dân chỉ được “quyền” yêu Đảng, yêu bao nhiêu cũng được, nhưng không được quyền phản kháng.

Con tàu Cộng sản được khởi hành bằng năng lượng khổng lồ của “chủ nghĩa yêu nước” nhưng được lái dần sang quỹ đạo của “chủ nghĩa yêu Đảng” một cách ngọt ngào như ru (tuy cũng có vài trận chiếm đoạt long trời lở đất). Đây mới thực là “vạn thế sư biểu” của nghề diễn biến hoà bình (chứ Hoa Kỳ thì chỉ là anh diễn biến hoà bình vụng dại). Tình hình Bắc Triều Tiên đang còn là một ví dụ rất điển hình, ở đó chẳng còn là chủ nghĩa yêu Đảng nữa mà đã rút gọn thành chủ nghĩa yêu cha con Kim Nhật Thành!.

2. Vừa liệt lại vừa khùng.

Cũng theo dòng mô tả sự liệt kháng này, nhà văn Nguyên Ngọc, đạo diễn Song Chi, nhà thơ Bùi Minh quốc, nhà văn Dương Thu Hương, nhà văn Trà Đóa và rất nhiều nhà văn nhà báo khác đã viết về tình trạng một xã hội mỏi mệt, thờ ơ, vô cảm, liệt kháng. Những bài ấy rất chí lý, nhưng xin bổ sung thêm:

Bức tranh vô cảm ấy chỉ đúng trước những số phận nghèo đói, bất công, oan ức, trước những tệ nạn ngày càng phát triển, trước những nguy cơ lớn của xã hội chưa tìm được lối ra, trước tình trạng người Việt bị hành hạ và khinh rẻ ở khắp nơi trên thế giới, trước việc lãnh thổ tổ quốc bị hao mòn…Nhưng chuyện ấy coi như “chuyện nhỏ”, hãy mở Tivi (và đừng vội tắt đi) để xem các chương trình vui chơi có thưởng đủ kiểu (mà thưởng tới năm chục triệu đồng chứ không ít đâu) ồn ã suốt ngày đêm, những cuộc thi khiêu vũ bốc lửa kiểu Nam Mỹ, những thị trường chứng khoán, những buổi quảng cáo cho người đẹp này, chàng trai hấp dẫn nọ, những buổi dạy cách làm đẹp rất tân kỳ, những cuộc thi nhau làm tỷ phú, những cụ già hưu trí cũng vui chơi có thưởng như trẻ con (có cả nhà tu hành nữa)… rồi đến những tiệm Karaoke sex trá hình, những vũ trường thuốc lắc…thì thấy dân mình không hề “mệt mỏi, thờ ơ, vô cảm”, mà đang háo hức, sôi động đến mức điên loạn, dơ dáng đến buồn nôn.

Vậy đây chỉ là xã hội bị liệt từng phần, liệt có chọn lọc, liệt có “định hướng” (xã hội chủ nghĩa?) hẳn hoi. Con người bị ru ngủ, nhưng chỉ ngủ từng phần, nhiều phần khác lại được đánh thức dậy, lồng lên.

Sự liệt thường được hiểu là dịu đi, xỉu đi... nhưng sự liệt này lại kèm theo một hội chứng hung hăng đầy rẫy bạo lực : chưa bao giờ người Việt lại xài vũ lực với nhau hăng như bây giờ. Hành hạ, tra tấn, chém giết nhau như cơm bữa. Những cuộc “đấu tranh không khoan nhượng, một mất một còn” này , những cuộc “phê bình bằng vũ khí” này lại không phải đấu tranh giai cấp như Mác-Lê mô tả, mà toàn là trận chiến trong gia đình, trong nhà mẫu giáo, giữa bạn bè, thày trò, giữa công an với dân…, trong hàng ngũ cách mạng với nhau cả. Cô giữ trẻ cấm trẻ khóc bằng cách bịt miệng cho đến…chết, công an bịt miệng bị cáo giữa toà án nghiêm trang, trò nện thày ngay trên bục giảng, cô giáo bắt học trò liếm ghế của mình, bà là mẹ liệt sĩ mà bị cháu đánh gãy xương nên cũng thành “liệt”…sĩ luôn, nhà trường giao học sinh cho công an dùng vũ lực dạy giúp, công an tống súng lục vào miệng học sinh để hỏi cung, công an tạt tai khách đi đường hoặc đánh cho lên bờ xuống ruộng chỉ vì quên không đội mũ hoặc đi ngược chiều…

Xã hội như con bệnh vừa liệt lại vừa khùng. Liệt chỗ này nhưng khùng chỗ khác. Báo chí lại cho nguyên nhân là vì ta coi nhẹ việc giáo dục đạo đức và lối sống? Nhầm ! Cả một chiến dịch học và làm theo gương đạo đức Hồ chí Minh kéo dài nhiều năm, rộng khắp các trường học, công sở, thường xuyên tổ chức thi để tuyên truyền và sơ kết-tổng kết…mà bảo là coi nhẹ sao được?

Khốn nỗi một trăm bài học trong trường, trên giấy không bằng một bài học, một kết luận mà con người tự rút ra từ thực tiễn xã hội. Thực tiễn xã hội đang dạy người ta cả bài học chán chường và bài học bạo lực. Chán chường và khùng là hai mặt tương sinh của cùng một tình trạng bế tắc, bế tắc trong xã hội và trong tâm lý.

Nhiều năm trước đây, Đảng ta giỏi tuyên truyền nên ít phải dùng bạo lực. Nhưng Nguỵ biện chỉ làm nhiễu Tư duy được một thời gian. Thuật Nguỵ biện vẫn còn cần đến sự mê hoặc, khiến đối phương tưởng là đúng mà phải nghe theo, hoặc cũng biết là sai nhưng còn có thể núp dưới cái cớ “tưởng là đúng” chứ chưa phải đối diện trực tiếp với Nhân cách. Nhưng rồi thông tin phát triển, dân khôn ra, hiểu ra, Nguỵ biện mất tác dụng, trận địa Tư duy phải chuyển sang trận địa Nhân cách : “ Ừ thì điều này ai cũng biết là xấu, là sai rồi, nhưng không tranh luận nữa, nhân danh quyền lực tôi bắt anh phải theo, anh có theo không thì bảo”. Nếu anh ngoan ngoãn làm theo tức là đã chấp nhận từ bỏ sức mạnh Nhân cách. Anh mất Nhân cách rồi tôi sẽ có biện pháp tiếp theo. Cách leo thang của sự độc quyền ở mọi nơi đều như thế. Chiến dịch “diệt chim sẻ” của Mao Trạch Đông là một ví dụ điển hình.




tải về 393.36 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương