Số 40 1-5-2008 Bán nguyệt san thông tin và nghị luận



tải về 393.36 Kb.
trang2/6
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích393.36 Kb.
#10724
1   2   3   4   5   6

Tổ quốc có bao giờ

như thế này chăng
Suốt ngày - suốt đêm

Oang oang những mỹ từ

Như những bông hoa sặc sỡ sắc màu man dại

Phủ lên ngôi mộ cuộc đời

Những lầu cao, đè lên luỹ tre làng

Lởm chởm như những chiếc răng

Của con quỷ khổng lồ

Khạp vào lịch sử

Linh hồn dân tộc

Đình miếu chùa chiền

Sụp đổ

Cha ông thánh thần

Oan hồn phiêu diêu

Lương tâm, tình người

Quăng vào sọt rác

Thầy thuốc là mụ phù thuỷ

Mặc áo cà sa

Bóp bệnh nhân trồi mắt

Thầy học thành chú cuội

Lừa lũ trẻ ngu ngơ

Bỏ tiền mua bằng giả

Lăm le trèo lên ngai vàng

Lọng tán, bổng lộc tham nhũng, tham quan

Người nhà quê đổi bát mồ hôi

Lấy từng hạt thóc

Phải bán đi

Để nộp vào

Công trình vĩ đại

" Điện đường, trường trạm …”,

"Nhà nước và nhân dân cùng làm"

Ôi ! Đỗ Phủ đời đường

Hai ngàn năm câu thơ còn đó

" Trên lầu rượu thịt ôi !

" Ngoài đường xương chết rét "

Cái đáng sợ là khi con người không còn biết sợ

Biến thành lũ quỷ rừng xanh

Chúng ăn tàn cả núi rừng, sông biển

Xương máu cha anh

Tổ quốc - thế này ư !
Nghệ An – Xuân Mậu Tý

Ngộ Tĩnh

Dân chủ xã hội

Dân chủ khai phóng

Dân chủ đa nguyên
Phạm Việt Vinh

Rất mừng khi được đọc những bài viết nghiêm túc và sâu sắc như “Cuộc hẹn mới của dân chủ” của La Thành (Talawas 10.04.08). Đương nhiên, cùng với nhiều điều tâm đắc, bài viết cũng chứa đựng một vài điểm còn cần được thảo luận. Ở đây, chỉ xin nêu một ý kiến ngắn về nhận định “Tuyệt đại đa số người Việt Nam sẽ chưa được thuyết phục bởi mô hình dân chủ đa nguyên…Xuất phát từ thực tế này, tôi đề nghị đối lập dân chủ hãy nghiên cứu và thảo luận rông rãi để có thể đi đến đồng thuận về một mô hình khả nhận hơn…đó là mô hình dân chủ xã hội…Dân chủ xã hội (social democracy) hiện đang là một mô hình thành công thứ hai sau mô hình dân chủ khai phóng (liberal democracy) hay thực chất là mô hình dân chủ đa nguyên (pluralist democracy) mà nhiều tổ chức đối lập đã tuyên bố theo đuổi…Sau khi đã có được một nền dân chủ xã hội, việc chuyển dịch tiếp về dân chủ khai phóng chỉ còn là việc hiệu chỉnh những tham số kỹ thuật.“


Thực ra, “dân chủ đa nguyên” chỉ có thể được hiểu là một “mô hình xã hội” theo nghĩa rất rộng. Trong thực tiễn chính trị, “dân chủ đa nguyên” thường được hiểu là một nguyên lý giá trị (công nhận sự khác biệt tư tưởng và ý thức chính trị), nó không trực tiếp gắn liền với các chính sách kinh tế và xã hội. Trong một thể chế dân chủ, “dân chủ đa nguyên” cho phép nhiều ý tưởng khác nhau về mô hình chính trị, kinh tế, xã hội - trong đó có mô hình dân chủ khai phóng và mô hình dân chủ xã hội, cạnh tranh một cách tự do và công bằng. Tại Tây Âu và kể cả Hoa Kỳ, các đảng phái lớn nói chung đều vác trên vai một trong hai “cây thánh giá” này trong cuộc ganh đua giành quyền lãnh đạo quốc gia để thực thi (phần nào) “mô hình” mong muốn của mình. Về nguyên tắc thì các đảng “dân chủ xã hội” theo đuổi sự phát triển quốc gia (và cả khu vực) đi đôi với việc đề cao tính công bằng xã hội và ngăn chặn tối đa tác động tiêu cực của sự cạnh tranh, trong khi các đảng “dân chủ khai phóng” thường nằm trong xu hướng muốn tận dụng tối đa tính cạnh tranh trong các chính sách phát triển và xây dựng xã hội. Do vậy, đồng hành với các đảng “dân chủ xã hội” là các nghiệp đoàn, là chính sách an sinh xã hội, là đánh thuế cao đối với người giàu, và với các đảng “dân chủ khai phóng” là chính sách tư hữu hóa tối đa và giảm thuế cho giới chủ.

Về đại cục, mô hình “dân chủ xã hội” chủ trương một chính quyền “đủ mạnh”, còn mô hình “dân chủ khai phóng” cố gắng giảm thiểu tối đa vai trò của chính phủ. Ở Phương Tây hiện tại, hai ý tưởng về hai mô hình này đang tồn tại song song, ganh đua lẫn nhau, chuyển “ghế” lãnh đạo cho nhau tùy thuộc vào kết quả phát triển quốc gia và lá phiếu của cử tri. Thông thường, cuộc cọ xát này hay dẫn đến những chính sách đồng thuận mang tính dung hòa. Hiện thời, sự bùng phát kinh tế toàn cầu đang gia tăng sức ép cạnh tranh và làm tăng vai trò của tự do kinh tế, đồng thời, các “hiệu ứng phụ” của kinh tế toàn cầu cũng đòi hỏi vai trò “đủ mạnh” của nhà nước để giữ vững công bằng và ổn định xã hội. Sau “chiến thắng” của mô hình “dân chủ xã hội” vào cuối thiên niên kỷ 20 (với đỉnh cao là cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Hoa Kỳ Clinton, thủ tướng Đức Schroeder, thủ tướng Anh Blair… nhằm khai sinh ra “con đường thứ ba” còn khá mờ mịt), thì sự trỗi dậy đương thời của các đảng “bảo thủ” (thực chất là “dân chủ khai phóng”) làm cho người ta không có thể dễ kết luận “ai thắng ai” giữa hai trường phái.


Điều lý thú là mô hình xã hội thành công của Bắc và Tây Âu được mang tên chung là nền “kinh tế thị trường mang tính xã hội”. Người có công đầu dựng lên mô hình này lại là Ludwig Erhard, cựu thủ tướng Đức (từ 1963 đến 1964), lãnh tụ đảng Dân chủ thiên chúa giáo Đức, một đảng “bảo thủ” theo xu hướng “liberal democracy”. Vì vậy, các đảng “bảo thủ” và “dân chủ khai phóng” của Tây Âu chắc chắn sẽ không chấp nhận việc gắn mô hình thành công của họ với ý tưởng “dân chủ xã hội”. Thực tế, nhiều phân tích chín chắn đã đi đến kết luận: “Dân chủ xã hội” chính là một thành công mới, một mô hình mang tính “cải tiến” đối với mô hình “dân chủ khai phóng”. Vì vậy, mong muốn dựa trên thành công của “dân chủ xã hội” để tiến tới “dân chủ khai phóng” của La Thành có lẽ là không thực tế. Theo đuổi mô hình dân chủ xã hội, vì vậy, có thể là một sự tiếp thu thành tựu mới nhất của xã hội hiện đại, và giảm thiểu được nhiều nhất những khiếm khuyết của một nền kinh tế thị trường tự do. Không phải ngẫu nhiên mà xu hướng “dân chủ xã hội” gần như đã trở thành một hiện tượng lành mạnh chung của các nước mới (hoặc muốn) thoát khỏi chế độ độc tài cộng sản cũng như không cộng sản. (xem tiếp trang 30)

Boris Nikolayevich Yeltsin 1931 – 2007
Đào Như

Boris Yeltsin, vi Tổng thống đầu tiên (1991) của nước Nga vừa từ trần vào ngày 23 tháng Tư năm 2007, thọ 76 tuổi. Ông chết vì bịnh tim. Tang lễ được tổ chức tại “Thánh Đường Chúa Ki Tô Cứu Rỗi ”. Thánh đường này được tái xây dựng lại dưới thời ông làm Tổng Thống. Trong thời Xô Viết, thánh đường này bị đập phá để làm hồ bơi! Tang lễ ông sẽ cử hành vào ngày 24/4/2007 và ngày ấy được xem như ngày quốc tang của nước Nga. Ông sẽ được mai táng tại nghĩa trang Novodevinchye ở Moscow bên cạnh các diễn viên kịch ảnh, các văn nghệ sĩ thay vì đặt trong Hồng Trường như một số cựu lãnh tụ Xô Viết! Đến dự tang lễ của ông, có những nhân vật lãnh tụ của thời đại, các cựu tổng thống Mỹ: Bill Clinton và George H. Bush, Cựu Thủ tướng Anh, John Major, cụu tổng thống Ba Lan, Lech Walesa, cựu nguyên thủ nước Nga, Mikhail Gorbachov, và người kế nhiệm của ông, Vladimir Putin, đương kim tổng thống Nga, Cuộc đời chính trị của ông Yeltsin có những lúc cực thịnh khi ông đứng trên xe Tank tháng 8-1991 để dẹp tan vụ đảo chánh của cơ quan mật vụ Xô Viết KGB muốn lật đổ chống lại công cuộc đổi mới của Gorbachov, cũng có lúc cực suy, khi ông nghiện rượu nặng đưa đến tình trạng trầm cảm nặng nề, hành động sai trái, quyết định thiếu sáng suốt, cuối cùng vào đêm 31 tháng 12, năm 1999 ông phải trao quyền lại cho một trung tá mật vụ KGB,Vladimir Putin, có một thời là kẻ chống đối ông! Các nhà lãnh đạo trên thế giới cùng thời của ông, cũng như phần lớn người Nga hiện tại, đều đồng ý với những lời phát biểu sau đây của đương nhiệm Tổng thống Nga,Vladimir Putin: “Ông Yeltsin qua đời trong cương vị của tổng thống đầu tiên của nước Nga. Ông đã là một phần lịch sử của nước Nga, và của toàn thế giới! Ông đã khởi đầu một kỷ nguyên mới cho nước Nga…Một nước Nga dân chủ được ra đời, một nước Nga tự do mở cửa ra thề giới bên ngoài, một quốc gia mà quyền lực thật sự nắm trong tay nhân dân…”!

Cuộc đời chính trị của Boris Yeltsin gây ra nhiều tranh cải nhầt trong lịch sử nước Nga! Yeltsin là một nhà chính trị có nhiều mâu thuẩn trong xử thế, trong lãnh đạo chính trị nước Nga. Điển hình, là trong việc ông xử sự với Gorbachov, một con người mà suốt cả đời ông, ông gọi ông ta là một ân nhân, nhưng Gorbachov cũng lã một đối tượng ông không ngững đấu tranh, quyết liệt đánh đổ cho bằng được. Ấy thế mà khi nghe tin ông qua đời, Gorbachov vẫn nói về ông như sau: “ Chúng tôi gặp nhau nhiều lần trên đường đời. Trong lúc nắm giử các chức vụ quan trọng, chúng tôi phải giải quyết nhiều khó khăn liên quan đến cuộc đổi mới dân chủ của nước chúng tôi. Chúng tôi thành công trong một số trường hợp. Đây là điều quan trọng. Tuy nhiên chúng tôi cũng có các bất đồng quan điểm quan trọng mà các thế lực đối nghịch với perestroika đã khai thác để hưởng lợi. Chuyện này làm cho tình thế rối rắm hơn, và khiến chia rẽ trong lãnh vực chính trị và dọn đường cho những người muốn lật đổ chính quyền”. Câu nói trên của ông Gorbachov, Tổng Bí thư cuối cùng của Cộng Sản Xô Viết, là điều tiết lộ rõ ràng nhất, sâu kín nhất về sự liên hệ giữa hai con người làm nên lịch sử nước Nga ngày nay.

Theo Jim Heintz, (Associated Press Writer của Yahoo. News), Boris Yeltsin sanh vào ngày 1, tháng Hai, năm 1931 trong vùng Sverdlovsk thuộc vùng đồi núi Ural. Cha của ông bị nhà độc tài Josef Staline bỏ tù vì tội giàu có, sỡ hữu nhiều tài sản trước năm 1917! Thuở thiếu thời Yeltsin là cậu bé háo thắng, ba hoa, hay tranh biện và gây gổ, cả đến đấm đá nếu cần! Ngay ở bậc tiểu học cậu bé Yeltsin cũng bị đuổi ra khỏi trường vì dám phê bình giáo viên của mình ngay tại buổi họp mặt của học đường (School assembly). Trong năm đầu tiên hành nghệ kỹ sư xây dựng, ông ta nhận 17 biên bản khiển trách trong một năm! Boris Yeltsin gia nhập đảng cộng sản ở tuổi 30 (1961) tại thành phố ông đã sinh ra Sverdlovsk. Trong thời gian là đảng viên đảng Cộng Sản, Boris Yeltsin không ngừng tranh cải với những đảng viên cấp cao hơn. Cuối cùng đến năm 1976 Boris Yeltsin được đề cử làm Bí Thư của Vùng.


Gorbachov và thời cơ vàng của Yeltsin

* Năm 1985, sau khi lên nắm chính quyền Xô Viết tại điện Kremlin, Tổng Bí Thư Gorbachov, có ý định làm cuộc cách mạng tái cấu trúc lại, perestroika ,xã hội Xô Viết, ông ta liền đưa Yeltsin về Moscow và ủy thác Yeltsin làm Bí Thư thủ đô Moscow. Đây là thời cơ vàng cho Yeltsin!

* Năm 1986 Gorbachov tiến cử Yeltsin vào Bộ Chính Trị! Nhờ thế Yeltsin sớm trở thành khuôn mặt quen thuộc với chính giới và người dân Moscow! Đi lại làm việc hay đi công tác, thay vì đi xe Limousine ông ta lại đi xe Buses như một phó thường dân. Yeltsin cũng đứng sắp hàng chầu chực ở cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Những lúc này, ông thường lớn tiếng yêu cầu thủ trưởng các cửa hàng đừng cất giấu phần thực phẩm dành bán riêng cho những khách hàng đặc biệt ưu đải, mà hãy bán những phần thực phẩm đó cho những người đang sắp hàng chầu chực vì họ là những người đang thật sự cần dùng những phần thực phẩm đó!

Ai cũng thấy rõ sự khác biệt giữa Gorbachov, một con người trầm tỉnh, điềm đạm, mưu lược, với Yeltsin, một con người háo thắng, hay tranh biện, rao giảng! Vì thế, không ai ngạc nhiện về sự xung đột xảy ra rất sớm giữa hai người.

* Tháng 11 năm 1987- Trong một buổi họp của đảng cộng sản, Yeltsin đã lên tiếng phê bình Gorbachov quá chậm chạp, chần chừ, không dốc hết toàn lực canh tân, tái cấu trúc lại xã hội Xô Viết! Gorbachov tức giận, bãi nhiệm chức năng Bí thư Moscow của Yeltsin. (Moscow party chief) Nếu việc này xảy ra dưới thời Brezhnev hay trước đó, thì sự nghiệp chính trị của Yeltsin coi như kết liễu! Nhưng một năm sau, 1988, Yeltsin tự ý ra khỏi Bộ Chính Trị. Ông hô hào bầu cử quốc hội theo thể tự do!

* Năm 1989- Yeltsin đắc cử vào Quốc hội! Đó là một quốc hội đặc biệt còn dưới thời đại Xô Viết, lần đầu được bầu cử tự do, trong suốt quá khứ 70 năm chuyên chính!

* Năm 1990 - Yeltsin được Nghị Viện Liên Xô bình bầu như một vị tổng thống đầu tiên của Nga. Yeltsin tuyên bố ngay: “Một Nước Nga Mới” được thành lập với nền Kinh Tế Thị Trường và Đa đảng! Và sau đó, cùng năm ấy, Yeltsin tự ý rút ra khỏi đảng cộng sản.

* Tháng 2-1991-Trước những thúc đẩy của những biến chuyển liên tục quá nhanh như vậy, Gorbachov cho phép Nghị viện (quốc hội) có tự do tranh cử, đa đảng. Quyết định này của Gorbachov, lãnh tụ của đảng Cộng sản Liên Xô, đã tước đoạt quyền hạn của đảng cộng sản Liên Xô. Như vậy Điều 6 của Hiến pháp Liên Xô bị xóa!

* Tháng 6-1991- vẫn còn dưới chế độ Cộng sản (thuộc Liên Bang Xô Viết) lần đầu tiên được tự do đi bầu tổng thống, nhân dân Nga đã chọn Boris Yeltsin làm Tổng Thống của họ!

* Ngày 19 tháng 8-1991- những người cộng sản thuộc phe chuyên chính bảo thủ tổ chức cuộc đảo chánh với xe tank tràn ra đường phố Moscow nhằm chống lại sự cải tổ của Gorbachov đã đưa Yeltsin lên làm Tổng thống!(Communist hard-liners opposed to Gorbachov’s reforms vaults Yeltsin to political prominence). Nắm bắt được khát vọng và xu hướng thời cuộc là mọi người ai cũng muốn hy sinh Liên Xô để cứu lấy một nước Nga, Yeltsin trèo lên xe Tank thách thức phe đảo chánh! Ông đã thành công, dẹp tan cuộc đảo chánh sắt máu mà không tốn một viên đạn, không mất một giọt máu! Liền sau đó Yeltsin tuyên bố cấm đảng Cộng sản Liên Xô hoạt động trên đất Nga.

* Ngày 22 tháng 8- 1991- trở về từ trung tâm nghỉ hè ở Hắc hải, Gorbachov cứ tưởng rằng(?) đảng cộng sản Liên Xô vẫn còn hoạt đông! Gorbachov được loan báo là Yeltsin đã tước đoạt chức Tổng Bí Thư của ông, mặc dầu ai cũng biết chức Tổng Bí Thư của ông Gorbachov bấy lâu nay chỉ còn là hình thức!

* Ngày 23 tháng 8-1991- lá cờ 3 màu xanh trắng đỏ của nước Nga mới, tung bay bên cạnh lá cờ Liên Xô, trên đỉnh điện Kremlin!

* Ngày 25 tháng 12-1991- Gorbachov lên truyền hình tuyên bố từ chức Chủ Tịch Liên Xô. Liên Bang Xô Viết thực sự chấm dứt sau 70 năm chuyên chính, độc tài đảng trị.

* Năm 1992 - Yeltsin bắt đầu quá trình tư hữu hóa

* Tháng 10-1993- Một số đảng viên cộng sản ngoan cố tổ chức bạo động gây hấn trên đường phố và trong tòa nhà Quốc Hội. Hàng ngàn dân chúng xuống đường chiếm đóng văn phòng chính phủ thủ đô Moscow và đài truyền hình, đập phá các cửa hiệu và đụng độ với nhân viên công lực, cả chục người chết và bị thương. Sau đó họ chiếm tòa nhà quốc hội. Nước Nga bên bờ vực thẩm của nội chiến! Yeltsin, sáng hôm sau liền điều động bộ đội và xe tank bắn vào tòa nhà quốc hội làm hàng trăm người chết và bị thương. giải tán tức khắc đám biểu tình! Trong cuộc binh biến tháng 8-1991 Yeltsin đã leo lên xe Tank của quân đảo chánh và yêu cầu binh sĩ đừng bắn vào thường dân vô tội! Hôm nay, hai năm sau, Yeltsin làm trái nghịch lại! Hình ảnh và uy tín của ông xuống thắp. Nhưng việc làm của ông đã cứu nước Nga khỏi tình trạng nội chiến rất nhanh. Do đó các chính phủ trên toàn thế giới vẫn ủng hộ tổng thống và chính quyền Yeltsin!

* Tháng 12-1994- Yeltsin điều động quân đội và xe tank đến Chechnya. Ông ra lịnh thực hiện chiến dịch quân sư qui mô lớn, chống lại nước cộng hòa hồi giáo ly khai này.

* Năm 1995- Yeltsin hai lần nhập viện cấp cứu vì bịnh tim.

* July-1996- Mặc dầu tên tuổi của ông có phần xuống dốc, nhưng Yeltsin vẫn tái đắc cử Tổng thống Nga

* Nov-1996- Yeltsin lại nhập viện cấp cứu, để giải phẩu thông tim! (quintuple heart bypass surgery)

* Jan-1997- Yeltsin lại nhập viện vì sưng phổi (pneumonia). Lúc này rõ ràng sức khoẻ của ông mỗi ngày một tệ hại! Ông có tiền căn là nghiện rượu nặng, càng uốn rượu càng rơi vào tình trạng trầm cảm, càng trầm cảm càng uống rượu nhiều hơn. Ông rơi vào vòng tròn tệ hại ấy (cercle vicieux)

* May-1997- Yeltsin ký thỏa ước hòa hoản với phiến quân Chechnya. Ông đã ra lệnh thực hiện chiến dịch can thiệp quân sự vào Chechnya vào năm 1994, hy vọng nhầm đập tan loạn quân trong một thời gian ngắn. Nhưng cuộc chiến đã xảy ra không như ý muốn của ông làm cho hàng chục ngàn người chết và khu vực phía Bắc của nước Nga rơi vào tình trạng bất ổn! Sau này, phát biểu trong cuộc phỏng vấn ông Yeltsin cho rằng ông chịu trách nhiệm vế những sự mất mát về người trong cuộc chiến chống Chechnya. Nhưng ông cũng khẳn định không có lựa chọn nào khác và Nga phải hành động chống lại quân ly khai Chechnya. Ông ta nói:” Tôi không đổ lỗi cho Chechnya, về những đau khổ mất mát của những người mẹ, người cha tại đó…Tôi đã quyết định vì thế tôi chịu trách nhiệm”…

* Tháng 3-1998- Yeltsin cải tổ nội các. Tháng 8 năm ấy, khủng hoảng tài chánh, đồng Rúp mất 75% giá trị!


Vladimir Putin xuất hiện

* Tháng 8-1999- Nghị viện Nga họp, quyết định sẽ cách chức Yeltsin trước khi ông mãn nhiệm kỳ vào mùa Xuân năm 2000. Trong lúc chờ đợi, Yeltsin chỉ định Vladimir Putin làm Thủ tướng lâm thời.

* Tháng 9-1999- Yeltsin gửi quân đội trở lại Chechnya, lần này với lực lượng hùng hậu hơn với quyết tâm lớn hơn!

* Đêm 31 tháng 12-1999- Người dân Nga đang mong đợi bài diễn từ chúc mừng đầu năm của Tổng Thống. Yeltsin, một lần nữa làm ngẩn ngơ mọi người, thay vì đọc lời chúc từ đầu năm, Tổng Thống Yeltsin đọc lời từ nhiệm và ông chỉ định đương nhiệm Thủ tướng chính phủ, Vladimir Putin, nguyên Trung tá KGB, đã từng là đối thủ của ông trong vụ đảo chánh hụt hồi tháng 8- 1991, lên thay thế ông! Ông đã nồng nhiệt giới thiệu vời nhân dân Nga cũng như ông ca tụng không hết lời về khả năng làm việc và tinh thần trách nhiệm của Vladimir Putin! Ông nói: “ Nước Nga đang bước vào thiên niên kỷ mới với một nhà lãnh đạo chính trị mới, Vladimir Putin, một gương mặt mới, thông minh, và đầy quả cảm!”. Trong lời cuối, giã biệt quần chúng, Yeltsin nói: “Chúng tôi đã nắm chính quyền nhiều năm, bây giờ là đến lúc chúng tôi phải ra đi.”

Sau khi từ bỏ chính quyền, Yeltsin ít khi xuất hiện trươc công chúng. Ông thường sang Trung Quốc để bồi dưỡng sức khoẻ. Ông cũng thường gặp Putin mỗi tháng một lần tại tư thất ở ngoại ô Moscow. Trong một dịp phỏng vấn trên truyền hình, hai năm sau khi ông từ nhiệm, Yeltsin nói là bây giờ sức khỏe của ông tốt hơn, ông sụt mất đi nhiều cân, và ông không bao giờ hối tiếc về sự từ giã chính trường một cách bất ngờ như vậy. Ông tin chắc rằng người kế nhiệm ông, tổng thống Vladimir Putin đang tiếp tục chương trình đổi mới nước Nga mà ông đã đề xướng! Ông nói thêm: “Tôi tin chắc rằng không ai có thể đảo ngược lại chương trình đổi mới của chúng tôi! Thật vậy, nếu tôi nghĩ điều ấy có thể, thì tôi đã không từ nhiệm!”.

Những chiêm nghiệm về cuộc đổi mới của nước Nga

Nước Nga, cuối thế kỷ 20 được may mắn có:

1- Gorbachov: Tổng Bí Thư Xô Viết (1985) quyết tâm chỉnh đốn, tái cấu trúc lại nước Nga. Tháng 2-1991 Gorbachov cho tự do Tranh cử tại quốc hội (Nghị Viện), chấp nhận đa nguyên, xóa bỏ điều 6 của hiến pháp thời Xô Viết- Gorbachov vô tình (?) mở đường cho Yeltsin sau này!
2- Yeltsin: một người nhiệt tình yêu nước, được sự nâng đỡ của Gorbachov, (ít ra là từ lúc ban đầu, Yeltsin được Gorbachov điệu về Moscow từ vùng rừng núi Ural, 1985, và ủy thác cho lảm Bí Thư thủ đô Moscow, 1986 tiến cử vào Bộ Chính Trị), năm 1991, sau khi lên làm Tổng thống đầu tiên của nước Nga, ông cấm đảng cộng sản Xô Viết hoạt động trên đất Nga, Yeltsin dứt điểm Xô Viết, một nước Nga cộng sản. Yeltsin đã mở một kỷ nguyên mới cho nước Nga, một nước Nga dân chủ đã ra đời, một nước Nga tự do, mở cửa ra thế giới bên ngoài.
3- Vladimir Putin tiếp tục công cuộc đổi mới nước Nga của Gorbachov và nhất là của Yeltsin để lại. Đúng như lời Yeltsin giới thiệu: Putin đã đập tan cuộc nổi loạn của Chechnya, và ông dùng sức mạnh của năng lượng dầu hỏa của nước Nga phát triển kinh tế. Qua gần hai nhiệm kỳ làm tổng thống nước Nga, công ơn lớn nhất của Putin, nhân dân Nga đời đời ghi nhớ là ông đã vực dậy một nước Nga hùng cường và thịnh vượng! Ngày trước, Liên Xô chỉ là một cường quốc (xem tiếp trang 30)

Triết lý giáo dục bình đẳng, vì con người
Phan Đình Diệu
Với nguồn kinh phí hiện nay, nếu biết chắt chiu chi tiêu theo kiểu "con nhà nghèo" thì VN hoàn toàn có thể miễn học phí đối với các cấp học phổ cập và giảm dần tiến đến bỏ học phí ở các cấp trung học phổ thông và đại học để xây dựng một nền giáo dục bình đẳng, vì con người. Đồng thời, cần có sự điều chỉnh chương trình để hướng tới đào tạo những học sinh có năng lực đọc hiểu, khả năng tư duy toán học, khả năng hiểu biết và vận dụng kiến thức khoa học, và năng lực xử lý tình huống chứ không chỉ biết học thuộc lòng.
Triết lý giáo dục: bình đẳng, vì con người
Đổi mới giáo dục là một thành phần cực kỳ quan trọng trong toàn bộ công cuộc đổi mới của chúng ta, cho nên nếu nói đây là thời điểm thích hợp và cần thiết, thì thực ra nó đã là thích hợp và cấp thiết từ rất lâu rồi. Trong suốt tiến trình đổi mới, và đặc biệt trong mấy năm gần đây, thực tiễn phát triển đất nước ngày càng đòi hỏi nhiều chất lượng cao hơn của giáo dục, nên các vấn đề giáo dục ngày càng “nóng” hơn, và đã được xã hội quan tâm nhiều hơn.

Đã có nhiều tranh luận, nhiều ý kiến, phê phán có, đóng góp có, cả về những vấn đề lớn và chung về triết lý, về quan điểm, cả về những giải pháp và biện pháp cụ thể, nhưng hình như nói đã nhiều mà nghe thì chưa được bao nhiêu.

Cho nên nếu xem là thích hợp, thì tôi đồng ý có lẽ đây đã là thời điểm thích hợp để bình tĩnh ngồi lại để nghiền ngẫm và cân nhắc mọi ý kiến đóng góp, mọi đề xuất... để thực sự rút ra được những kết luận cần thiết cho những vấn đề của nền giáo dục của ta hiện nay, từ những vấn đề về quan điểm, mục tiêu của giáo dục cho đến những giải pháp, biện pháp giải quyết những bài toán trước mắt.

Những vấn đề chung về triết lý giáo dục, về quan điểm, mục tiêu của giáo dục, tùy theo một cách hiểu nào đó, có thể không liên quan trực tiếp đến những giải pháp cho những vấn đề trước mắt, nhưng nếu thiếu sự chỉ đạo của một triết lý chung có tính chất bao trùm như vậy thì việc đi tìm những giải pháp cho các vấn đề cụ thể sẽ dễ sa vào tính lẻ tẻ, chắp vá, thiếu nhất quán.

Cho nên, dầu có thể chưa sớm đạt được sự thống nhất hoàn toàn, tôi vẫn nghĩ rằng tiếp tục tranh luận để đi đến xác định được một nội dung đồng thuận về mục tiêu giáo dục là hết sức cần thiết. Riêng tôi, tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả Nguyên Ngọc khi anh phát biểu rằng cần phải thiết lập một nền giáo dục thích hợp với thời đại ngày nay (1), dựa trên một triết lý cơ bản về giáo dục, lấy mục tiêu là đào tạo nên những con người tự do, có năng lực tư duy độc lập, giàu khả năng và ý chí sáng tạo, dám và biết tự mình đi tìm lấy chân lý, và sống và làm việc theo chân lý mình đã chọn, chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy.

Sự thống nhất của xã hội sẽ là sự thống nhất của những con người tự do, đầy trách nhiệm với chính mình và với xã hội, đầy tự chủ và sáng tạo như vậy. Và, để tạo nên những con người tự do với các phẩm chất như thế, trách nhiệm của xã hội là phải kiến tạo một nền giáo dục thật sự bình đẳng và công bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự học tập của mọi công dân. Từ triết lý cơ bản đó mà tìm ra phương hướng giải quyết mọi vấn đề cụ thể khác, về tổ chức hệ thống giáo dục quốc dân, về qui định và hiện đại hóa các chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, về phân bổ ngân sách cho giáo dục, về quản lý và điều hành sự phát triển của nền giáo dục...


Hoàn toàn có thể miễn học phí trường công
Theo tôi nghĩ thì dựa vào các văn bản chính thức, nền giáo dục nước ta cũng không xa lạ gì lắm với các tiêu chí của một nền giáo dục theo chuẩn mực nói trên. Một số vấn đề tồn tại của nền giáo dục nước ta trong những năm qua có một phần là do ta chưa tôn trọng đầy đủ các qui định của các văn bản chính thức, và một phần là chưa cụ thể hoá được một cách thiết thực những yêu cầu có tính chất nguyên lý thành những đòi hỏi thực tiễn của công việc dạy học để thực hiện.

Thí dụ về hai vấn đề gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây là về chủ trương tăng học phí đối với các cấp học, và vấn đề cổ phần hoá các trường đại học và cao đẳng công lập.

Theo qui định của Hiến pháp, dưới chế độ ta, học tập là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi công dân, giáo dục phổ cập là cưỡng bách và là miễn phí, trình độ phổ cập được qui định theo từng giai đoạn, Hiến pháp 1946 qui định đó là “giáo dục sơ học”, Hiến pháp 1992 qui định là “bậc tiểu học”, đến Luật Giáo dục 2005 qui định “giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở là các cấp học phổ cập” (điều 11). Như vậy, lẽ ra không còn gì phải bàn cãi về việc không thu học phí đối với các cấp học từ trung học cơ sở trở xuống ở các trường công lập.

Còn đối với các cấp học từ trung học phổ thông trở lên thì tôi rất hoan nghênh ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài viết gần đây “Đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục và đào tạo của nước nhà" (2): cần nghiên cứu kỹ một chế độ học phí theo hướng không tăng mà giảm dần, tiến tới bỏ học phí ở cấp phổ thông, rồi tiến đến bỏ học phí ở cấp đại học. Trong nhiều năm qua, tuy còn nghèo nhưng nhà nước ta đã cố gắng nhiều trong việc tăng liên tục ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo, chiếm đến 20% tổng chi ngân sách nhà nước và chiếm 9,2% GDP của cả nước, tức vào khoảng 67 ngàn tỷ đồng trong năm 2007, và dự kiến tăng lên hơn 72 ngàn tỷ đồng năm 2008.

Với nguồn ngân sách đó, nếu biết chắt chiu tính toán không để hoang phí, với cách chi tiêu tần tiện quen thuộc của “con nhà nghèo” thì nếu được nghiên cứu kỹ, tôi nghĩ rằng ta hoàn toàn có thể thực hiện trong hệ thống công lập việc miễn phí đối với các cấp học phổ cập và “giảm dần tiến đến bỏ học phí ở các cấp phổ thông trung học và đại học”.

Về việc cổ phần hoá một số trường đại học và cao đẳng công lập cũng vậy, để đề ra một chủ trương như vậy ta phải căn cứ vào những điều mà Hiến pháp và pháp luật đã qui định và đang có hiệu lực.

Theo những qui định đó thì tính chất của nền giáo dục nước ta là nền giáo dục của một chế độ dân chủ cộng hoà rồi xã hội chủ nghĩa, nghĩa là một nền giáo dục vì công ích, có mục tiêu là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện... có nhân cách, phẩm chất và năng lực công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (3). Nhà nước có trách nhiệm tổ chức hệ thống các nhà trường (công lập) để thực hiện nhiệm vụ đó, đồng thời cũng qui định quyền của công dân được mở trường tư để cùng tham gia công việc giáo dục (Hiến pháp 1945 còn qui định rõ ở điều 15: “Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình nhà nước”).

Như vậy, nhà trường công lập là tổ chức giáo dục chủ chốt của nhà nước, do nhà nước lập ra để thực hiện nhiệm vụ giáo dục công ích của quốc gia, không thể chấp nhận việc cổ phần hoá, tức thương mại hoá, để các nhà đầu tư tư nhân có thể bằng việc góp cổ phần mà can thiệp vào việc thay đổi mục tiêu và nội dung hoạt động của nhà trường, như việc biến “giáo dục thành công việc kinh doanh và nhà trường thành doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận” như đã có một số người đề nghị. Nhà trường công lập có thể chấp nhận, thậm chí kêu gọi, sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức và cá nhân ủng hộ nhà trường, nhưng việc góp cổ phần để lập trường thì nên nhường hoàn toàn cho khối ngoài công lập!

Nhân đây tôi cũng muốn đề nghị thêm rằng nhà nước, mà cụ thể là Bộ GD-ĐT, cần sớm có các văn bản qui định vị trí, chức năng, và qui chế hoạt động cho các nhà trường ngoài công lập để các trường đó được hưởng các quyền lợi chính đáng, đồng thời có những nghĩa vụ đóng góp tích cực của mình vào sự nghiệp giáo dục chung.



tải về 393.36 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương