Số 127 Ngày 22. 11. 2009 Chúa Nhật XXXIV thường Niên – Năm b lễ ĐỨc giêsu kitô vua vũ trụ



tải về 0.88 Mb.
trang3/4
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích0.88 Mb.
#38066
1   2   3   4
"Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi." (Thánh vịnh 119, câu 105).

Mục lục:


Vua Của Yêu Thương Và Phục Vụ

R. Veritas

Trg 2

Chúa Kitô Vua

Mark Link, SJ

Trg 4

Vua Sự Thật

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Trg 7

Làm Vua Là Làm Chúng

ĐGM Vũ Duy Thống

Trg 9

Chết Để Cho Dân Được Sống

PM. Cao Huy Hoàng

Trg 13

Vua Chúa Trần Gian

Lm Anphong Trần Đức Phương

Trg 16

Làm Chứng Cho Sự Thật

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Trg 18

Có Phải Ông Tự Ý Nói?

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Trg 20

Vua Vũ Trụ - Thống Trị Bằng Tình Yêu

JKN

Trg 22

Chúa Kitô Là Vua

Matthêu Vũ

Trg 25

Vua Trên Mọi Vua

Cao Trí Dũng

Trg 27

Lối Vào Vương Quốc Tình Yêu

Mặc Trầm Cung

Trg 28



VUA CỦA YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ


Tổng hợp từ R. Veritas
Truyện cổ nước Nga thuật lại rằng: Vào thời Trung cổ, Hoàng tử Alexis cũng như bao vua chúa khác sống trong cung điện nguy nga tráng lệ, trong khi dân chúng chung quanh phải sống trong những khu xóm nghèo nàn tồi tệ. Thế nhưng Alexis rất hiểu nổi cơ cực của thần dân và cảm thương họ. Ông bỏ ra mỗi ngày một số giờ để thăm họ. Nhưng dù cố gắng đến đâu, Alexis vẫn không thu phục được lòng yêu mến của thần dân. Vì thế, sau mỗi lần thăm họ trở về, ông thấy lòng mình buồn rười rượi.
Ngày kia, có một người lạ mặt đi vào khu xóm, ăn mặc đơn sơ, anh tự xưng là bác sĩ, anh săn sóc những người già cả, bệnh tật. Đặc biệt, bác sĩ không lấy tiền thù lao, và còn phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân. Bác sĩ ấy trở thành người của xóm nghèo, được mọi người yêu mến kính phục. Bác sĩ trẻ ấy chính là Hoàng tử Alexis, người thừa kế ngai vàng để làm vua nước Nga, và cũng là người đã bỏ cung điện giàu sang đến sống với thần dân nghèo khổ và trở nên bạn bè của họ, để yêu thương săn sóc và phục vụ họ.

***


Bạn thân mến! Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến chữ “vua”. Đó là lời tra hỏi của Philatô dành cho Chúa Giêsu:“Ông là vua sao ?” (Ga.18:36). Để trả lời, Chúa Giêsu đã không phủ nhận, Ngài chỉ nói: Chính quan nói rằng tôi là vua (Ga.18:36). Ngài cũng nói với Philatô về nhiệm vụ và mục đích của Ngài nơi trần gian này là: Tôi đã sinh ra và đã đến trong thế gian là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi".(Ga.18:37).
Chúa Giêsu là vua vũ trụ. Ngài đã được Chúa Cha ban cho mọi quyền năng trên trời dưới đất (Mt.28:18). Nhưng Ngài đã sống như một người tôi tớ phục vụ. Ngài biết mình là Con Thiên Chúa. Thế nhưng cả cuộc đời Ngài là một sự phục vụ không ngừng nghỉ. Vua của các dân thì lấy quyền mà thống trị họ, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân... Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ hầu bàn, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ gì? Thế mà Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người hầu bàn (Lc. 22:25-27). Chúa Giêsu tự nhận mình là người phục vụ như một kẻ hầu bàn, chỉ mong cho thực khách được ngon miệng. Kiểu làm vua của Chúa Giêsu là phục vụ, chứ không phải là được người ta phục vụ. Ngài làm vua bằng cách cúi xuống để làm cử chỉ hầu hạ của người nô lệ: Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau(Ga.13:14).
Với Chúa Giêsu, cử chỉ yêu thương phục vụ là một việc làm bình thường gắn liền với quyền bính và cai trị. Quyền bính đích thực đồng nghĩa với phục vụ, và phục vụ cho đến hy sinh mạng sống của mình. Cử chỉ phục vụ cao cả nhất, khiêm hạ nhất của Chúa Giêsu là cái chết của Ngài trên thập giá.
Cần chiêm ngưỡng vị vua bị đóng đinh trên thập giá để hiểu được cách làm vua của Ngài. Một vị vua lạ lùng! Không ngai vàng, chỉ có thập giá. Không vương miện, chỉ có vòng gai. Không cẩm bào, chỉ có trần trụi nhơ nhuốc. Không quan quân đứng hầu, chỉ có người qua kẻ lại nhiếc móc, chế nhiễu, lăng mạ. Một vị vua không có chút quyền lực, cũng chẳng áp bức ai. Một vị vua của vâng phục và yêu thương tha thứ tất cả. Thập Giá vừa đưa Chúa Giêsu xuống vực thẳm của trần gian, vừa nâng Người lên cao chót vót ở trên trời. Chúa Giêsu trở thành vua vũ trụ nhờ đi vào con đường thập giá, con đường tử bỏ mình để khiêm tốn phục vụ, con đường hẹp nhưng lại là con đường dẫn đến vinh quang.
Chúa Giêsu đã dùng thập giá làm ngai vàng, dùng mão gai làm triều thiên. Nhờ cạnh sườn của Ngài bị đâm thủng mà suối nguồn tình yêu luôn tuôn chảy cho nhân loại đang khao khát tình yêu. Yêu là trao ban và trao ban đến cùng. Tình yêu là món qùa cao qúy mà Thiên Chúa đã trao tặng con người. Chúa Giêsu đã lấy tình yêu và phục vụ làm quyền bính cai trị. Ngài đã trở nên gương mẫu đích thực cho các nhà lãnh đạo, cho các người cầm quyền. Ai biết yêu thương và phục vụ như Ngài thì mới được tham dự vào vương quyền của Ngài, vì Phục vụ là cai trị vậy.

***


Lạy Chúa Giêsu! Ngài là vua của chúng con, là vua của trời đất vũ trụ, là vua của muôn vua và là Chúa của mọi tâm hồn… Xin cho chúng con được làm dân của Chúa, được thuộc về Nước Chúa, nước của Sự Thật và Sự Sống, nước của công chính và tình yêu muôn đời. Xin Chúa đến và ngự trị trong cung lòng tâm hồn của mỗi người chúng con. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas

LỄ CHÚA KITÔ VUA

Mark Link, SJ
“Chúng ta sẽ bị xét xử về việc chúng ta đã phục vụ Chúa Kitô như thế nào nơi kẻ bé mọn nhất hiện đang sống giữa chúng ta.”
Trong cuốn sách của mình nhan đề: The Christian Vision (Thị kiến của người Kitô hữu) John Powell có kể lại một truyền thuyết xưa kia của Ái Nhĩ Lan. Truyền thuyết này nói về thời còn các vị vua đang cai trị Ái Nhĩ Lan.
Ngày xưa, có một vị vua đương cai trị không có con nối dõi ngai báu. Vì thế, ngài truyền sứ giả ghi lên các tấm biển nơi mỗi thành phố và làng mạc trong vương quốc, để mời gọi những người đàn ông ưu tú đến cho Ðức vua phỏng vấn.
Ðức vua làm thế với hy vọng có thể chọn được một người kế vị trước khi Ngài chết. Hai đặc tính tiêu chuẩn đặc biệt được ngài nhấn mạnh là kẻ ấy phải có lòng mến Chúa yêu người sâu sắc. Anh thanh niên là vai chính trong câu chuyện truyền thuyết này nhận thấy mình có một trong các điều kiện đòi hỏi, vì thực sự anh ta rất mến Chúa yêu người. Anh ta cảm thấy từ thâm sâu nội tâm có tiếng thúc giục anh đi dự cuộc phỏng vấn. Nhưng anh lại quá nghèo đến mức chẳng có quần áo tươm tất để mặc đi dự phỏng vấn và cũng chẳng có tìên mua thực phẩm cho cuộc hành trình xa xôi đến cung điện đức vua. Vì thế anh thanh niên này đã cầu nguyện xin ơn soi sáng cho vấn đề. Cuối cùng anh quyết định đi ăn xin quần áo và lương thực cần thiết. Khi mọi sự đã sẵn sàng anh bắt đầu lên đường.
Sau một tháng du hành, ngày nọ anh thanh niên này đã nhìn thấy cung điện đức vua. Anh ta ngồi xuống trên ngọn đồi phía xa. Ngay lúc đó anh trông thấy một ông lão ăn mày nghèo khổ ngồi bên vệ đường. Ông cụ chìa tay ra xin anh giúp đỡ. Giọng nói ông ta thật yếu ớt:
- Tôi đói và lạnh quá, cậu có thể cho tôi cái gì mặc cho đỡ lạnh và ăn cho đỡ đói không?
Anh thanh niên nhìn ông già lòng tràn đầy xúc động. Và liền cởi bộ đồ ấm áp mặc ngoài của mình đổi lấy tấm áo cũ tơi tả của ông già ăn xin, đồng thời cũng cho lão ta phần lớn lương thực dự trữ mang theo trong túi xách dành cho chuyến trở lại về nhà. Thế rồi, lòng hơi ngài ngại anh thanh niên bước tới cung điện trong bộ đồ rách nát và lương thực mang theo không đủ cho chuyến trở về. Khi anh ta đến lâu đài, đám lính gác chận anh ta lại tại cổng và dẫn anh đến khu vực dành cho du khách. Sau một thời gian chờ đợi lâu, anh ta được dẫn tới diện kiến đức vua.
Ðến trước bệ rồng anh thanh niên liền gập sâu người xuống cúi chào. Khi ngước thẳng lên nhìn anh ta không thể nào tin nổi mắt mình và thốt lên:
- Té ra ngài chính là ông lão ăn xin bên vệ đường!

Ðức vua đáp:



- Ðúng thế.

Anh thanh niên liền hỏi:



- Tại sao ngài lại làm điều ấy đối với kẻ tiện dân này?

Ðức vua trả lời:



- Bởi vì Trẫm muốn thử xem ngươi có thật lòng mến Chúa yêu người không?

***

Dù đây là một câu chuyện giả tưởng, nhưng chủ điểm của nó rất là vững chắc. Đây cũng chính là chủ điểm mà các bài đọc hôm nay, đặc biệt là bài Phúc âm nêu ra. Chủ điểm ấy là:
Vào ngày cuối đời, tất cả chúng ta sẽ bị xét xử về việc chúng ta đã phục vụ Chúa Kitô Vua như thế nào nơi kẻ hèn mọn nhất trong anh chị em chúng ta. Hãy nhớ lại những lời Chúa Giêsu nói trong bài Phúc âm : "Ðoạn đức vua sẽ nói “Xưa Ta đói các ngươi cho Ta ăn, Ta khát các ngươi cho Ta uống, Ta là khách lạ các ngươi đã đón tiếp Ta vào nhà, Ta đau ốm bệnh hoạn các ngươi đã chăm sóc Ta". Bây giờ đám người công chính sẽ thưa với Ngài: "Lạy Chúa có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống đâu? Ðức vua sẽ đáp lại: "Ta nói cho các ngươi hay, bất cứ khi nào các ngươi làm điều này cho một trong những anh em bé mọn nhất trong các ngươi tức là các ngươi đã làm cho chính Ta đó".
Ðể cụ thể hơn chủ điểm trong các lời Chúa Giêsu nói đó, một giáo sư ở Chicago đã hỏi các sinh viên của mình: "Lần mới đây nhất mà các bạn giúp đỡ kẻ túng thiếu là lúc nào?". Sau đây là các câu trả lời của ba sinh viên:
- Vào bữa thứ sáu tôi đang ở trên chiếc xe buýt đường Roosevelt thì có một ngươì đàn ông mang lên xe một vài chiếc hộp cồng kềnh. Tôi liền nhường cho ông ta chỗ ngồi. Ông ta từ chối nhưng lại yêu cầu tôi giữ giùm ông ta vài chiếc hộp. Tôi đồng ý và ông tỏ ra rất biết ơn".
- "Hai tuần trước đây, tôi đang ngồi trên một chiếc xe buýt cạnh một bà dở hơi. Bà ta muốn kíêm người nói chuyện vì thế tôi đã cư xử tử tế với bà và lắng nghe bà nói"
- "Tôi chẳng thể nào nhớ được tôi đã có giúp đỡ ai đó vào một lúc nào không. Tôi thực sự cảm thấy xấu hổ về điều này, hẳn là đã lâu quá rồi nên tôi không thể nhớ được, có lẽ có một điều gì trục trặc nơi con người tôi, có lẽ tôi đã làm ngơ nhắm mắt trước những kẻ thiếu thốn".
Chúng ta có thể tự vấn mình về chính câu hỏi vị giáo sư đặt ra cho các sinh viên: "Lần mới đây nhất mà chúng ta giúp kẻ khốn khó là vào lúc nào?" Chúng ta sẽ trả lời ra sao? Liệu chúng ta có sẽ trả lời giống hai sinh viên trên hay là giống anh sinh viên thứ ba là kẻ không thể nhớ nổi mình đã giúp đỡ kẻ khốn khó cách đây bao lâu? Chẳng hạn vấn đề giúp đỡ những kẻ khác trong gia đình chúng ta. Lần mới đây nhất mà chúng ta tự nguyện giúp đỡ họ một điều gì đó, vào lúc nào? Rồi đến láng giềng, và dân chúng trong giáo xứ này, lần mới đây nhất mà chúng ta bước tới gíup đỡ cho họ khi họ cần, là vào lúc nào? Tại sao chúng ta không mở rộng lòng mình hơn cho những kẻ đau khổ, cô đơn, túng thiếu, bất chấp họ là ai và sống ở đâu? Kể từ hôm nay, chúng ta nên làm điều gì để thay đổi ngay lập tức sự thiếu sót ấy.
Các bài đọc hôm nay nhằm kết thúc năm phụng vụ của Giáo Hội. Trong số tất cả bài đọc của năm phụng vụ này ít bài nào chứa đựng một sứ điệp quan trọng hơn sứ điệp hôm nay. Sứ điệp này sở dĩ quan trọng đến thế là vì nó liên quan đến những gì chúng ta sẽ bị xét xử vào lúc cuối cuộc đời của chúng ta. Chúng ta sẽ bị xét xử về cách thức chúng ta đã phục vụ Ðức Kitô nơi kẻ hèn mọn trong chúng ta như thế nào.
Tôi xin kết thúc bằng vài hàng trích dẫn từ bài thơ của Brewer Matlocks như sau:
Có cha xứ một dòng khổ tu nọ

thường leo cao trên nóc giáo đường

Chầu gần Chúa hơn để mang lời Chúa

Xuống đám dân trong xứ của ngài.

Ngày nọ bỗng ngài được nghe tiếng Chúa
Khi ngài kêu từ nóc giáo đường:

Chúa ở đâu Chúa hỡi, Chúa ở đâu?

Và Chúa đã đáp lời:

Xuống đi Ta ở giữa đám dân Ta đó

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
Mark Link, SJ

VUA SỰ THẬT

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Chúa Giêsu thật là ngược đời. Khi làm phép lạ cho bánh hoá ra nhiều, dân chúng hân hoan phấn khởi, muốn tôn Ngài làm vua thì Ngài không muốn. Ngài phản đối bằng cách trốn đi. Cũng như hôm vinh quang vào thành Giêrusalem, dân chúng hân hoan, cởi áo lót đường, cầm cành lá phất phơ đón chào. Hôm ấy mà Chúa xưng vương thì quá thuận lợi. Thế mà Chúa phản đối bằng cách cỡi con lừa bé nhỏ, yếu ớt. Còn hôm nay, phận tội đồ đứng trước mặt quan án, bị dân chúng khinh khi chối bỏ, thân tàn ma dại, chẳng còn hình tượng con người nữa, thì Ngài lại hiên ngang xưng mình là vua. Chẳng phải vô tình, nhưng là cố ý. Hôm nay, đối diện với cái chết, đối diện với quyền lực và đối diện với sự hận thù, Chúa Giêsu muốn xưng vương trong hoàn cảnh này để làm chứng cho sự thật.


Sự thật mà Đức Giêsu làm chứng đó là có một vương quốc khác, vượt xa mọi vương quốc trần gian. Khi tự nguyện chấp nhận cái chết, Đức Giêsu muốn cho ta hiểu: Ngoài cuộc đời này còn có một cuộc đời khác. Ngoài thế giới này còn có một thế giới khác. Đó là vương quốc của Chúa. Đó là Nước Trời. Vương quốc ấy là vương quốc sự sống vì sẽ không còn bóng dáng cái chết. Khi còn ngày rộng tháng dài, Đức Giêsu không xưng vương. Nay cận kề cái chết Ngài mới xưng vương để dạy cho ta biết vương quốc của Ngài “không thuộc thế gian này”. Sự sống trần gian này chẳng đáng giá gì so với sự sống trong Nước Chúa. Vì thế muốn vào được vương quốc của Chúa, phải biết từ bỏ tất cả, kể cả mạng sống nữa.
Sự thật mà Đức Giêsu làm chứng đó là quyền năng của Chúa là trên hết. Khi một mình yếu đuối nhưng vẫn hiên ngang đối diện với Philatô tượng trưng cho quyền lực của đế quốc La mã bao trùm thiên hạ, Đức Giêsu muốn cho ta hiểu rằng Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi quyền năng như Ngài đã trả lời Philatô: “Ông có quyền không bởi tự mình mà có, nhưng từ thành công ban cho”. Thánh nữ Xêxilia cũng nói: “Quyền uy ở đời giống như quả bong bóng. Nó không triển nở ở tự nó. Nó không tự mình tròn trịa được. Phải nhờ đến không khí. Nhưng chỉ một mũi kim cũng làm nó xẹp xuống”. Quyền uy trần gian mau tàn. Chỉ có quyền năng của Thiên Chúa mới bền vững. Chính vì thế Đức Giêsu không xưng vương khi tràn đầy uy tín, khi được dân chúng ngưỡng mộ. Vì nếu Ngài xưng vương khi được dân chúng tung hô vạn tuế, khi làm những việc kỳ lạ lớn lao, khi tràn đầy uy tín, thì vương quyền ấy chẳng hơn gì vương quyền của vua chúa trần gian khác. Nhưng hôm nay, khi mất hết mọi uy tín, không còn ai tung hô ủng hộ, Đức Giêsu xưng vương để cho ta thấy Ngài siêu thoát mọi quyền lực và vinh quang theo thói thế gian. Ngài chỉ trông cậy vào quyền năng của Thiên Chúa. Vì thế những ai muốn vào vương quyền của Ngài phải biết coi thường mọi vinh quang quyền thế ở trần gian.
Sự thật mà Đức Giêsu làm chứng đó là tình thương chiến thắng thù hận. Khi một mình đối diện với những ghen ghét thù hận của đám đông, Đức Giêsu muốn dạy ta biết Thiên Chúa là tình yêu. Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa trên trần gian. Vì yêu thương mà Ngài đã xuống trần gian. Ngài đã yêu thương cho đến chết vì yêu. Đó là tình yêu lớn lao nhất như lời Ngài nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu”. Dù những thù hận vây bọc, nhưng Đức Giêsu vẫn yêu thương. Hôm nay đơn thân độc mã trong vòng vây của hận thù, Đức Giêsu vẫn xưng vương để cho ta thấy: tình yêu thương đã chiến thắng. Hận thù đem lại chết chóc, chỉ có tình yêu thương mới cứu được thế giới.
Đức Giêsu đã chiến thắng. Ngài là Đấng đầu tiên từ trong kẻ chết sống lại. Với chiến thắng, Đức Giêsu mở cửa vương quốc của Ngài. Đó là vương quốc của Sự Thật. Chỉ những ai thuộc về sự thật mới được vào. Và những ai thuộc về sự thật phải biết chiến thắng sự giả trá. Sự giả trá đó là sự chết, đó là những vinh hoa phú quý trần gian và đó là lòng thù hận ghen ghét. Hiểu biết sự thật, đập tan sự dối trá, ta mới tiến vào Nước Sự Sống theo bước Đức Giêsu Kitô. Với chiến thắng Ngài thật sự là Đường dẫn đến Sự Thật và Sự Sống muôn đời.
Lạy Đức Giêsu là Vua của chúng con, xin cho chúng con được làm dân của Chúa, được thuộc về Nước Chúa, nước đầy tràn Sự Thật và Sự Sống, nước công chính và tình yêu muôn đời.

GỢI Ý CHIA SẺ



  1. Chúa Giêsu cho biết gì về vương quốc của Chúa?

  2. Chúa Giêsu cho biết gì về quyền năng của Chúa?

  3. Chúa Giêsu cho biết gì về cuộc chiến giữa tình thương và thù hận?

  4. Muốn sống trong vương quốc của Chúa, ta phải làm gì?

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

LÀM VUA LÀ LÀM CHỨNG

ĐGM. Vũ Duy Thống

(Trích trong ‘VỚI CẢ TÂM TÌNH’)

Không còn nữa hình ảnh của những vì vua oai phong lẫm liệt như trong chế độ quân chủ ngày nào, nhưng thay vào đó là một lớp những nhà vua mới lên ngôi thần tượng, không ngai vàng mà nhiều khi cũng đầy uy lực: vua dầu hoả, vua xe hơi, vua trò chơi, vua bóng đá. Mỗi thời có những kiểu đăng quang riêng, và mỗi lĩnh vực cũng có những nhà vua riêng của mình.
Thuật ngữ “Vua” xem ra đã có nhiều biến thể. Phổ cập hơn nhưng cũng mong manh hơn, thời sự hơn và cũng đời thường hơn. Trong bối cảnh đó, lễ Chúa Kitô Vua lại trở về, vừa khép lại năm Phụng Vụ cũ vừa mở sang năm Phụng Vụ mới. Phải chăng đây cũng chỉ là một lễ đăng quang tương tự như các nhà vua trần thế? Hay là một lễ của niềm tin yêu hy vọng vào Chúa Kitô – Đấng làm Vua bằng cách làm chứng, hiến thân đến cùng trong tình yêu để mở ra triều đại cứu độ?
1) Chúa Kitô không làm Vua như những vua trần thế.

Có lẽ khi tự ý cho treo tấm bảng “Giêsu Nagiarét Vua dân Do Thái” lên đầu Thập giá, Philatô đã không nghĩ đến điều gì khác ngoài lợi thế chính trị cho ông, bất kể phải chơi khăm những người Do thái, nhưng có một điều ông không bao giờ nghĩ tới, mà điều đó lại thật quan trọng trong lợi thế đức tin của người Công giáo, đó là tấm bảng kia trong ý định của Thiên Chúa lại là một tuyên xưng không thể xoá nhoà.


Chúa Kitô không chỉ làm Vua một thời, mà là Vua vĩnh cửu. Dù trong đời sống công khai, có lần Người đã nặng lời quở trách Phêrô khi ông này chỉ muốn thấy nơi Người hình ảnh của một Đấng Messia dễ dãi đồng nghĩa với vị vua phàm trần, và Người cũng đã từng trốn chạy khỏi đám đông cuồng nhiệt khi họ muốn bắt Người làm vua sau phép lạ hoá bánh nhiều. Nhưng, trước mặt Philatô, Người đã công khai tuyên bố mình là Vua, để rồi trên Thập giá, chính lúc tưởng rằng chết đi, Người cho thấy mình còn sống mãi, và chính khi tưởng rằng bị huỷ diệt, Người cho thấy mình vẫn muôn thuở tồn tại. Thời gian là đại lượng dành cho những vị vua trần thế, còn Người vượt trên thời gian để mãi mãi là vị Vua vĩnh cửu.
Chúa Kitô không chỉ làm Vua dân Do thái mà là Vua phổ quát. Với cái chết của Người trên Thập giá trong tư cách Đấng Cứu Thế, một dân mới đã được khai sinh không phải giới hạn trong một vùng lãnh thổ địa lý mà đã mang lấy tầm vóc của cả thế giới vũ hoàn. Trong máu của Người, giao ước mới phổ quát đã hình thành vượt trên giao ước cũ vốn giới hạn nơi dân Do thái. Và trong công cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, những gì cũ phải qua đi để nhường chỗ cho một triều đại mới vượt trên tất cả.
Người là Vua phổ quát vì Nước Người chẳng thuộc trật tự trần thế. Người là Vua vũ trụ bởi chính Người là Thủ Lãnh sẽ quy tụ mọi sự về một mối: “Khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta”.
Và nếu theo nhãn giới của bài đọc thứ nhất và thứ hai với hình ảnh của “Đấng đến giữa mây trời” thì vương quyền của Chúa Kitô đã khác xa một trời một vực so với các vương quyền trần thế khác. Vương quyền trần thế dẫu có lan tràn khắp mặt đất cũng vẫn có thể đo lường được, còn vương quyền của Chúa Kitô vì vượt trên tất cả nên cũng vô phương dò thấu. Người là Vua muôn Vua.
Không phải vô tình mà phiên toà lễ Vượt Qua đã đặt Chúa Giêsu đối diện với Philatô, mà chính trong tư thế đối diện cộng với những đối chất qua lại đã làm nổi bật lên cái nghịch lý mầu nhiệm của Giờ Tử Nạn. Vào chính lúc quyền bính thế gian xem ra thắng thế còn quyền bính trời cao dường như hạ bệ, thì Chúa Giêsu đã tuyên bố mình là Vua. Lời tuyên bố như thế lẽ ra đẩy Philatô vào thế đối thủ, nhưng – Chúa Giêsu đã nhanh chóng khẳng định Nước Người chẳng thuộc trật tự chính trị thế gian, nên Tổng trấn Rôma dầu quyền uy là thế vẫn chỉ là chiếc bóng mờ nhạt đứng đó trong vai trò của một đối chứng hơn là một đối thủ để làm nổi bật lên dung mạo của Chúa Giêsu – Vua muôn Vua. Hơn nữa, bởi Philatô là một người ngoại nên tầm vóc của lời tuyên bố kia đã vượt xa giới hạn đạo giáo để trở thành phổ quát cho cả muôn người. Và hệ luỵ là quyền bính Philatô bởi thuộc về thế gian nên cũng qua đi với thế gian, còn vương quyền Chúa Kitô vẫn tồn tại mãi bởi thuộc về trật tự tâm linh để không gì có thể đặt giới hạn cho Người. Người là Vua vĩnh cửu.
2) Chúa Kitô làm Vua bằng cách làm chứng.

Dẫu vào Giờ Tử Nạn, Chúa Giêsu mới tuyên bố mình là Vua để khởi đầu cho một triều đại mới trong “sự thật và sự sống, thánh thiện và ân sủng, công chính, yêu thương và an bình” (Kinh Tiền Tụng), nhưng thực ra đó chỉ là đỉnh cao của một đời lựa chọn và là điểm đến của một quá trình thực thi sứ mệnh làm chứng cho sự thật: “Tôi sinh ra và đến thế gian là để làm chứng cho sự thật”. Nếu sự thật là chính Thiên Chúa, là thực tại thần linh, là “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một mình” như một kiểu nói của thánh Gioan hoặc là ơn cứu độ, thì trót cuộc đời của Chúa Giêsu là một công cuộc liên lỉ minh chứng.


Qua Nhập Thể, Người đã mang lấy bộ mặt đớn hèn của cả nhân loại. Qua Tử Nạn, Người đã nhận vào mình thân phận loài người tội lỗi. Qua Thập giá, Người đã sẵn sàng chấp nhận cái chết để cứu độ toàn thế giới. Và đỉnh cao Phục Sinh tôn vinh chỉ có được khi Người đã trải qua nẻo đường Thương Khó đến cùng trong số phận của “Người Tôi Tớ đau khổ”.
Rõ ràng là nơi Đức Kitô, làm Vua có nghĩa là làm chứng và làm chứng không chỉ bằng lời mà bằng chính cuộc đời của Người, trải dài từ Nhập Thể qua Tử Nạn cho đến Phục Sinh. Nói cách khác, làm chứng cho sự thật cũng là sống và chết cho sự thật ấy, và làm chứng cho hiện thân của Thiên Chúa ở giữa thế gian cũng chính là sống và chết để cho hiện thân tình thương được triển nở cách hiện thực sống động và viên thành.
Thảo nào vương quốc và vương quyền của Chúa Kitô thật khác lạ. Chẳng cần đến lực lượng để mà thiết lập, chẳng cần đến vũ lực để mà cai trị, cũng chẳng cần đến quân sự để mà bảo tồn. Như vậy, điều mà mọi vị vua trần thế mong ước là trải dài vương quốc trong không gian và thời gian, thì chỉ duy Chúa Kitô mới thực hiện được, không phải bằng vũ trang mà là bằng một tình thương không mệt mỏi hiến thân làm chứng cho sự thật. Và đó là phương thế duy nhất để thiết lập một Vương quốc phổ quát và vĩnh cửu.
Trong ý hướng ấy, bài đọc thứ hai là một tiến trình mạch lạc không thể đảo ngược: chỉ khi nào sống trọn vai trò chứng nhân trung thành, Đức Kitô mới nên Trưởng Tử kẻ chết và làm Vua muôn vua.
3) Ai thuộc về sự thật thì nghe Đức Kitô.

Đức Kitô, Người làm Vua như thế đó. Nên mục đích của Thánh lễ hôm nay đối với mọi kẻ tin là: “tôn vương” Chúa Kitô trong cuộc sống của mình.


Thực ra thì cử hành lễ Chúa Kitô Vua vào Chúa Nhật cuối năm Phụng Vụ cũng nói lên niềm tin vào vương quyền Chúa Kitô như tinh thần của Thông điệp Quas Primas mà Đức Piô XI đã ban hành ngày 11 tháng 12 năm 1925, nhưng niềm tin vốn là một sự sống, nên chỉ khi thể hiện niềm tin bằng cuộc sống, tín hữu mới có thể an lòng là thần dân trong Vương quốc của Đức Kitô.
Không thể nhận mình là dân của Vua Kitô trong khi cuộc sống cá nhân và gia đình lại nghiêng theo lối sống thế tục làm vẩn đục vũ trụ quan Kitô giáo, dần dà xa rời Giáo Hội và có nguy cơ chối bỏ vương quyền Chúa Kitô mà không hay biết.
Cũng không thể nhận mình ở trong Vương Quốc của Đức Kitô mà hằng ngày một cách nào đó mình vẫn dửng dưng với sự hiện diện của Người trong cuộc sống con người như coi thường nhân phẩm, khinh rẻ người nghèo… càng không thể nhận mình sống trong Vương Quốc Đức Kitô khi mà cuộc sống chung riêng vẫn gây ra những oán thù, ghen ghét, gian tham, bất công, gương xấu, tội lỗi…
Càng không thể nhận mình thuộc về vương quyền của Đức Kitô khi mình chưa thực sự hiến thân một cách nào đó để thể hiện tinh thần chứng nhân. Đức Kitô đã lấy cái chết để làm chứng, Kitô hữu cũng phải đi vào lối sống hy sinh mới có thể trở thành chứng nhân cho đức tin được. Đừng quên, chứng nhân có nghĩa là tử đạo và sống đạo một cách anh hùng cũng chính là chứng nhân.
Nhưng ai thuộc về sự thật thì nghe Đức Kitô và ai thuộc về Đức Kitô thì hãy để Người sống và lớn lên trong cuộc đời mình và chấp nhận để Người biến đổi toàn diện. Đồng thời, chính mình cũng cần nỗ lực “làm chứng” sao cho niềm tin luôn luôn vươn lên, mà cũng không quên nhiệt tình tông đồ là làm cho những người lân cận nhận biết và tin yêu Chúa Kitô nữa. Như thế là tin vào vương quyền Chúa Kitô, là “tôn vương” Chúa Kitô trong cuộc sống của mình và cũng là cùng với mọi người tích cực hoạt động cho công cuộc truyền giáo nhằm “quy tụ mọi sự trong Chúa Kitô”.
Ở Bãi Sau Vũng Tàu, có một tượng Chúa Kitô Vua thật lớn dựng trên triền núi quay mặt ra biển, đôi tay giang rộng như ôm lấy cả trùng dương. Ngư dân quanh đó kể lại rằng những khi ra khơi, họ vẫn căn cứ vào đó để mà định hướng đi về, và nhiều lần sóng gió họ cũng hướng về đó để mà cầu nguyện xin ơn bình an.
Giữa trùng dương cuộc sống, Kitô hữu biết rằng Chúa Kitô vẫn luôn hiện diện như một chuẩn đích để định hướng tin yêu hy vọng. Xin Người cũng làm Vua quy tụ mọi sự trong Vương Quốc vĩnh cửu của Người.
Lạy Chúa Kitô, cùng với Giáo Hội, hôm nay chúng con lặp lại niềm tin của mình vào Vương Quyền của Chúa. Xin chúc lành cho những ước nguyện chúng con dâng lên, để khi quyết tâm xa lìa tội lỗi và sống thánh thiện, chúng con được trở nên chứng nhân cho Chúa giữa lòng xã hội. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

ĐGM. Vũ Duy Thống



VỊ VUA CHẤP NHẬN CHẾT,

ĐỂ CON DÂN ĐƯỢC SỐNG

Pm. Cao Huy Hoàng
Nói đến Vua, người ta nghĩ ngay đến quyền lực, đến sự thống trị. Có những những người được tôn lên làm vua theo kiểu cha truyền con nối “Con vua lại được làm vua”. Cũng có người do công trạng, được dân tín nhiệm. Lại cũng có người tự xưng mình là vua. Nhưng trong lịch sử, cũng không thiếu những kẻ cướp ngôi vua dành quyền cai trị đất nước bằng cách bất chính hoặc bằng muôn hình vạn trạng quỷ kế trên trường chính trị. Có thể có những điểm khác biệt về cách làm vua, cách cai trị dân nước… nhưng có một điểm chung là không có triều đại nào, chế độ nào muôn năm cả.
Thử nhìn lại lịch sử thế giới, có thể thấy, ở nước nào cũng thế, hết triều đại này đến triều đại khác, hết chế độ nầy, đến chế độ khác, không có triều đại nào, không có chế độ nào bền vững- vì triều đại nào, chế độ nào, cũng đầy dẫy những bất toàn ngay ở giai đoạn đầu và thối nát ở giai đoạn cuối. Ai cũng muốn cho triều đại, cho chế độ của mình “muôn năm”, nhưng đó chỉ là một ảo vọng! Hai từ muôn năm bỗng đồng nghĩa với vài chục năm trong khi cơn khát khao, nỗi thèm thuồng quyền lực vẫn còn cháy rực trong lòng. Vì thế, triều đại nào, chế độ nào cũng muốn củng cố quyền lực của mình bằng đủ mọi cách có thể, kể cả những cách vô luân thường, vô đạo lý, vô kỷ luật… không sợ mất lòng dân, chỉ sợ mất quyền cai trị, không sợ dân chết, chỉ sợ mình chết. Và khi đã đến lúc ngọn đèn sắp tắt, thì không ngại gì mà nó không phực lên để chứng tỏ cái sinh khí cuối cùng trong thân thể rệu rã của nó.
Khác với những vị vua ở trần thế, hôm nay, chúng ta Suy Tôn Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, “Người là vua trên hết các Vua, Người là Chúa trên hết các Chúa”, vì người thống trị cả vũ hoàn không phải chỉ dựa vào quyền lực toàn năng của Thiên Chúa Tạo Thành, nhưng còn nhờ Lòng Thương Xót vô cùng của Thiên Chúa Cứu Chuộc.
Ngài vâng lời Thiên Chúa Cha để đến trần gian cho trần gian được yêu thương, được cứu rỗi, được giải thoát khỏi sự chết muôn đời, được đoàn tụ trong vương quốc của Ngài đến muôn đời. Ngài được suy tôn là Vua, Ngài làm Vua, không giống cách làm vua của những vua chúa, hay những nhà cầm quyền thế gian, nhưng cách làm Vua của Ngài là “vâng lời cho đến chết như Thánh Phaolô xác quyết: “Chúa Kitô vì chúng ta đã vâng lời cho đến chết, và chết trên Thập Giá. Vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên muôn danh hiệu” (Phil 2, 8-9).
Câu chuyện Tin Mừng thánh Gioan hôm nay kể việc Chúa Giêsu có trát của Philato đòi. Chắc chắn có quân lính áp giải, có dùi cui, có súng ống gậy gộc, nhưng không thấy thánh Gioan nói đến việc Chúa Giêsu bị bịt miệng, nên Ngài đã đứng trước vành móng ngựa và khẳng khái xác nhận: “Vâng, quan nói đúng, Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian nầy là để làm chứng cho sự thật. Ai yêu chuộng sự thật thì nghe Tôi.” (Ga 18,37)

Vâng, đó là thân phận và trách nhiệm của Con Một Thiên Chúa đầy quyền năng và đầy lòng thương xót đến để khởi đầu một Triều Đại của Thiên Chúa giữa dân Ngài, triều đại của Chân Lý: Có Thiên Chúa uy quyền và đầy lòng xót thương. Con Thiên Chúa không đàn áp, bóc lộc dân Ngài, nhưng Ngài để dân đàn áp bóc lộc Ngài như cối chày giã nát những hạt thóc, rồi xay nghiền hạt gạo thành bột thành bánh thơm ngon. Ngài cũng không lừa đảo, cũng không quy hoạch chiếm đoạt đất đai tài sản, nhưng Ngài để dân Ngài chiếm đoạt Ngài làm gia sản muôn đời. Ngài nhường lầu vàng gác tía, biệt thự nguy nga có then cài cổng khóa cho dân Ngài, còn Ngài “không có nơi gối đầu qua đêm” (Lc 9,58). Ngài không bắt bớ bỏ tù dân Ngài, nhưng ngài chịu bắt bớ, chịu bỏ tù cho dân Ngài được tự do! Và cuối cùng, Ngài không muốn cho dân Ngài phải chết để Ngài được sống, nhưng Ngài đã chết cho dân Ngài được sống, và sống muôn đời. Ngài là vị vua yêu thương và phục vụ dân đến cùng. Ngài chết cho con dân của Ngài được sống.


Đã có biết bao thể chế cũng biết tận dụng đường lối yêu thương và phục vụ “chết cho dân được sống”, của Chúa Giêsu vào đường lối cai trị của mình, bằng khẩu hiệu “đầy tớ của nhân dân”, nhưng đó là khẩu hiệu mỵ dân, vì họ nói mà không làm. Họ không sống trong tinh thần sự thật. Họ còn giả vờ không biết sự thật, vì sự thật không đem lại lợi ích phàm tục nào cho họ. Câu hỏi “sự thật là chi?” (Ga 18,38) , chẳng khác nghĩa với câu “sự thật có ích gì?”, “Thiên Chúa có ích gì?”.
Thiết tưởng, các Kitô Hữu Công Giáo Việt Nam, đặc biệt là những người đang sống trong GH tại địa phương, họ là những người được Thiên Chúa yêu thương cách riêng, như dân riêng của Chúa giữa lòng Châu Á, được sống trong một đất nước gần như là luôn luôn phải tử đạo, từ khi hạt giống đức tin được gieo trồng cho đến nay. Họ đã đọc những trang sử oai hùng của Giáo Hội thời các vua chúa quan quyền bức bách đạo, và họ cũng đang nghe tận tai những khẩu hiệu gian dối, phĩnh lừa, họ chứng kiến tận mắt thời đại của những người vô thần cai trị đất nước. Họ có đủ chứng từ đối chiếu cách làm vua và cách cai trị của Vua thế gian và Vua Giêsu Kitô để xác nhận được Vua nào là Vua Muôn Đời, chế độ nào là muôn năm. Vì thế, không có một thế lực nào có thể lay chuyển niềm tin của họ, nếu không phải là một thế lực “sống, học tập và làm việc theo gương Đức Giêsu Kitô, Vua vĩ đại”.
Vâng, quan nói đúng, Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian nầy là để làm chứng cho sự thật. Ai yêu chuộng sự thật thì nghe Tôi.” (Ga 18, 37)
Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010 sẽ là một cơ hội ngàn vàng để Dân Chúa, một lần nữa, sẽ khẳng định Vua Đích Thực, Vua Muôn Đời của Dân Chúa tại Việt Nam là ai. Chắc chắn và mãi mãi là Vua Giêsu Kitô, Người đã đến “là để làm chứng cho sự thật”. “Sự Thật” vô cùng cao quí ấy là sự thật “có Thiên Chúa”.
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là tấm gương anh dũng soi chiếu cho dân Chúa trong đại hội và hậu đại hội về việc làm chứng cho sự thật. Vì nếu không tin nhận Thiên Chúa, không tin nhận Đức Giêsu là Vua Muôn Đời trong Nước Vinh Quang muôn đời của Ngài, thì đã chẳng có ai dám liều mình hy sinh mạng sống cách oan uổng. Hơn nữa, tình yêu Chúa Kitô thúc bách các Ngài cùng Chúa Kitô nói với những người không tin Thiên Chúa rằng “nước tôi không thuộc về thế gian này”.
Mừng lễ Chúa Kitô Vua, noi gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam Tôn Vinh Chúa Giêsu là Vua, mọi thành phần trong giáo hội sẽ làm chứng cho sự thật:
-dứt khoát nói không với cơn cám dỗ đàn áp bóc lộc lẫn nhau, nhưng bảo bọc che chở cho nhau trong tình huynh đệ, trong chân lý;
-dứt khoát nói không với chia rẽ, tỵ hiềm, bôi nhọ để yêu thương, chân thành, hiệp nhất;
-dứt khoát nói nói không với đồng lõa, thỏa hiệp với gian tà để quyết tâm sống ngay chính theo đường sự thật của Chúa Giêsu;
-dứt khoát nói không với tất cả những gì chống lại Thiên Chúa, chống lại công lý, sự thật, để quyết tâm sống đời sống của Thiên Chúa giữa một xã hội “không tin có Thiên Chúa” hay là chưa muốn tin một Đấng Thiêng Liêng hằng có đời đời.
Một vài nơi vẫn có lệ mời các cấp chính quyền tham dự lễ Đặt Viên Đá, lễ Giáng Sinh, lễ mở tay…. Ước gì họ được mời tham dự một thánh lễ Mừng Trọng Thể Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, để họ được biết cách làm vua, cách cai trị của một Vị Vua trên hết các Vua, một vị Vua Muôn Đời: “Vị vua chấp nhận chết để con dân được sống”.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ, Vua của lòng con, Chúa đã chấp nhận cái chết để con dân được sống. Chúng con suy tôn Chúa là Vua Muôn đời. Xin cho chúng con cũng biết chấp nhận hy sinh mỗi ngày để làm chứng cho Nước Thiên Chúa giữa trần gian, và nhất là trên quê hương thân yêu của chúng con. A men.

Pm. Cao Huy Hoàng

VUA CHÚA TRẦN GIAN

Lm Anphong Trần Đức Phương
 

 

Ngày nay còn rất ít quốc gia theo chế độ quân chủ, hoặc quân chủ lập hiến. Danh từ “Vua Chúa” thường được coi như những quyền lực bóc lột và thống trị và là những thể chế đã lạc hậu… Tuy nhiên, con người ngày nay lại tôn thờ nhiều thứ ‘Vua Chúa’ trần gian, sống theo danh vọng, tiền bạc và lạc thú, mà bỏ chính Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng con người và cứu chuộc con người bắng chính sự hy sinh chết trên Thập Giá. Hơn nữa, lại có những tư tưởng triết học, các phong trào tự cho là trí thức, và những người cộng sản đã tuyên tuyền chủ nghĩa vô thần, phủ nhận sự hiện diện của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã chết rồi!”, “Con người là Thiên Chúa của con người!” v.v… Như thế, họ đã “Giết chính Đấng đã ban sự sống và cứu chuộc cho mình (Sách Công Vụ 3:15).



 

Sau khi đã hạ bệ Thiên Chúa, con người mỗi ngày mỗi sống thác loạn, coi thường luân thường đạo lý, sống tự do luyến ái, tự do ly dị, phá thai, nam lấy nam, nữ lấy nữ mà được công nhận như vợ chồng! Lại được cả chính quyền ở một số nơi và cả một số  giáo phái công nhận và thực hành!

 

Đứng trước những trào lưu vô thần, vô luân và sống thác loạn đó, Giáo Hội đã thiết lập Lễ Chúa Kitô Là Vua Vũ Trụ để các tín hữu ý thức cuộc sống của mỗi người, và tự đặt câu hỏi với chính mình: Ai đang làm vua của tôi,  Thiên Chúa hay Tiền Bạc, hay Danh Vọng hay Lạc Thú?



 

Chúa Nhật XXXIV  là Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ, Giáo Hội dành để kính Chúa Giêsu Là Vua Vũ Trụ. Trong Bài Phúc Âm( Năm B: Gioan 18: 33-37) Chúa Giêsu đã trả lời Philatô: “Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng về Chân Lý. Ai sống theo Chân Lý thì nghe tiếng tôi!” Bài Đọc I (Daniel 7:13-14): Tiên Tri Daniel, trong một thị kiến, đã được soi sáng nói tiên tri về Đấng Thiên Sai: “Ngài được ban cho quyền năng, vinh dự và vương quốc. Quyền năng của Ngài vĩnh cửu, và vương quốc của Ngài tồn tại mãi mãi.” Bài Đọc II (Sách Khải Huyền 1:5-8) cũng nói đến Đấng Thiên Sai đã đến trần gian, đã dùng máu mình đổ ra để rửa sạch tội lỗi chúng ta và quy tụ chúng ta thành một vương quốc của Chân Lý và Tình yêu.

 

Như vậy, Chúa Giêsu làm Vua vụ trụ và loài người chúng ta. Ngài đã hy sinh cả cuộc đời trần gian để rao giảng Phúc Âm Tình Thương và con đường Chân Lý, con đường sống cho chúng ta, và quy tụ chúng ta thành một trong Nước Chúa. Nhưng Nước Chúa không phải là nước thế gian như Chúa Giêsu đã nói thẳng với Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này…” (Gioan 18:36). Nước Chúa là chính mỗi tâm hồn tín hữu chúng ta, những người luôn cố gắng sống theo con đường yêu thương Chúa đã chỉ dạy trong Phúc Âm. Nước Chúa không thống trị bằng bạo lực, nhưng bằng tình thương; vì Thiên Chúa là Tình Yêu, ai sống trong tình yêu  thì sống trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy.” (1 Gioan 4:16). Nước Chúa là nước thiêng liêng, vĩnh cửu, không bị hạn chế bởi thời gian và không gian.



 

Sống trong một xã hội đầy bôn chen, tranh chấp và thác loạn, chúng ta hãy dành nhiều thời giờ để cầu nguyện, để tĩnh tâm, dâng Thánh Lễ để chúng ta có thể giữ vững Đức Tin nơi Chúa là Cha yêu thương, là Đấng đã tạo dựng chúng ta, đã chết để cứu chuộc chúng ta. Đặc biệt trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta cùng hiệp lời cầu nguyện xin Chúa cho tâm trí chúng ta luôn sáng suốt và can đảm vượt thắng mọi quyến dũ của các phong trào vô thần, vô luân hiện nay, quyết tâm bảo vệ sự sống, bảo vệ tình yêu và những giá trị cao cả của gia đình. Xin Chúa luôn ngự trị trong tâm hồn mỗi người chúng ta, trong gia đình chúng ta, thế giới chúng ta. Xin Chúa  giúp chúng ta luôn biết sống yêu thương, sống công chính và chỉ tôn thờ Thiên Chúa mà thôi.

 

Một cách thực tế, mỗi gia đình chúng ta phải có một Bàn Thờ Thiên Chúa nơi trang trọng nhất trong nhà, nơi đó chúng ta cần có những giây phút cầu nguyện và tôn thờ Chúa chung với nhau để cùng nâng đỡ nhau sống tinh thần đạo đức yêu thương. Mọi gia đình cũng cần có cuốn Thánh Kinh, những sách vở và báo chí đạo để chúng ta và con cháu chúng ta học hỏi thêm về Lời Chúa và những hướng dẫn sống đạo cụ thể của Giáo Hội



 

Xin cũng đừng quên cầu nguyện cho các Chủ Chăn và các Linh Mục luôn được ơn Chúa Thánh Thần thánh hóa và hướng dẫn trong Năm Linh Mục này để các ngài được sáng suốt và can đảm dẫn dắt chúng ta đi theo con đường Sự Thật và Sự Sống của Chúa.


Lm Anphong Trần Đức Phương

LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Có 4 bà mẹ ngồi tán ngẫu với nhau. Các bà huyên thuyên nói về những đứa con của mình. Một bà khoe:
- Thằng Tí nhà tôi thế nào lớn lên cũng làm kỹ sư. Hễ nhà có món đồ nào mới mua về, thì nó cũng tìm cách tháo tung ra để coi máy móc bên trong chạy ra sao.
Bà thứ nhì nói:

- Thằng Tèo nhà tôi, đoán chắc sau này nó sẽ trở thành luật sư. Ai nói gì nó cũng cãi cho bằng được!


Bà thứ ba than:

- Thằng con tôi có lẽ cũng sẽ trở thành họa sĩ, vì tường nhà không có chỗ nào mà không có nốt vẽ của nó!


Bà cuối cũng góp chuyện, sau khi suy nghĩ:

- Thằng nhỏ nhà tôi số nó sẽ trở thành bác sĩ thôi. Chà! Hễ có việc gì kêu nó thì chả bao giờ nó tới ngay cho người ta nhờ!


Vâng, mong con thành đạt là ước mơ chung của cha mẹ. Người mẹ nào mà không mong cho con mình mau khôn mau lớn. Người cha nào mà không mong cho con mình mai sau công thành danh toại. Nhiều gia đình chấp nhận nghèo đói để có tiền cho con ăn học. Nhiều gia đình sẵn sàng bất chấp mọi phương tiện như: biếu xén, qùa cáp, chạy chọt cho con được một thứ hạng, một bằng cấp cho dù là ảo hay không thực lực với tài trí con mình. Xem ra con người ngày nay nhắm đầu tư vào trí hơn là đức. Câu khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” đã lỗi thời hay chỉ còn là một sáo ngữ không còn phù hợp với văn minh con người hôm nay.
Thiếu đầu tư vào giáo dục đức dục con người như đang vong thân, xa rời với xã hội và tự khép mình trong hoang đảo cô đơn và lạnh lùng. Phát triển trí tuệ nhưng nhân đức không được trau dồi cân xứng, người ta sẽ dễ dàng đối xử với nhau “có lý mà không có tình”. Mọi quan hệ giưã người với người đều phải hạch toán, lời mất, được thua. Con người hôm nay tính toán sòng phẳng với nhau hơn là sống tương thân tương ái, “tối lưả tắt đèn có nhau” mà chỉ là “đèn nhà ai – nhà ấy rạng” hay an phận thủ thường theo chủ nghiã “mackeno” cho xong.
Một xã hội đang chuyển mình như thế, liệu người kytô hữu chúng ta có dám lội ngược dòng để sống theo đòi hỏi của Tin mừng hay không? Tin mừng đòi hỏi chúng ta hãy yêu tha nhân như chính mình và sẵn lòng phục vụ tha nhân. Chính Đức Giê-su Ngài đã đến không phải để được phục vụ mà là để cúi mình phục vụ tha nhân. Chính Ngài đã chấp nhận tan biến đời mình để nên nguồn sống cho nhân trần.
Hôm nay, lễ suy tôn Chúa làm Vua, Giáo hội nhắc nhở chúng ta, là Kytô hữu tức là công dân của Nước Thiên Chúa chúng ta được mời gọi xây dựng nước Chúa ở trần gian bằng sự hiệp nhất yêu thương nơi những người con của Chúa có chung một Cha trên trời. Sự hiệp nhất đó phải được xây dựng từ nơi gia đình, nơi xứ đạo chúng ta. Phải xóa bỏ những tị hiềm, ghen ghét, những bất công, hận thù trong cuộc sống giữa người với người. Mỗi người kytô hữu khi lãnh nhận bí tích rửa tội còn được mời gọi làm chứng cho sự thật giữa thế gian. Điều đó còn mời gọi chúng ta phải cùng nhau loại trừ điều gian dối, chua ngoa và xây dựng một nền công lý và sự thật giữa thế gian còn quá nhiều bất công và gian dối. Sự hiệp nhất yêu thương còn mời gọi chúng ta sống tương thân, tương ái với nhau, sống nâng đỡ và chia sẻ vui buồn với nhau trong tình nghĩa anh em một nhà.
Vâng, cuộc đời hôm nay có lẽ sẽ vui hơn nếu người ta biết sống chân thành với nhau. Cuộc sống này sẽ bớt ưu sầu nếu người ta thôi nghi ngờ và kết án lẫn nhau. Cho dù cuộc đời có thay trắng đổi đen. Con người có lấy ân báo oán, nhưng người kytô hữu không vì thế mà đánh mất bản tính của mình là sống thánh giữa đời để kiến tạo một nền công lý và hòa bình trên mặt địa cầu này. Vì chúng ta vẫn mong chờ một ngày kia Nước Chúa sẽ trị đến và Ngài sẽ ngự đến trên mây trời để ban thưởng hạnh phúc trường tồn cho những ai thành tâm thiện chí sống và thực thi giáo huấn của Ngài.
Vì thế, dù rằng chúng ta đang sống trong một thế giới thiếu vắng tình người, một thế giới đầy bóng tối của đam mê lầm lạc. Chúng ta phải can đảm thắp lên giữa dòng đời này. Ánh sáng của con người ngay thẳng, không gian tham, xảo quyệt. Ánh sáng của bác ái yêu thương để nhạy cảm trước cảnh khốn cùng của tha nhân. Ánh sáng của bao dung để cảm thông nâng đỡ nhau hầu xoá bỏ hận thù, chiến tranh. Ánh sáng ấy cần tỏ hiện trong từng gia đình. Nơi mà các thành viên cần phải là ánh sáng để dẫn dắt nhau. Nơi gia đình không thể mất ánh sáng niềm tin, tình yêu và tha thứ. Cần có ánh sáng niềm tin để mọi người tin tưởng nhau. Gia đình cũng cần có ánh sáng tình yêu, để mọi người biết phục vụ lẫn nhau và xây dựng hạnh phúc cho nhau. Gia đình cũng cần sự tha thứ để cảm thông và nâng đỡ nhau, hầu giúp nhau sống đúng phẩm giá làm người và làm con Thiên Chúa.
Ước gì mỗi người tín hữu chúng ta biết xây dựng Nước Chúa ở trần gian bằng cuộc sống chứng nhân cho tình yêu, cho chân lý và công bình giữa thế giới hôm nay. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

CÓ PHẢI ÔNG TỰ Ý NÓI HAY CHỈ

LÀ NGHE NGƯỜI KHÁC NÓI?

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB
Chúa Giê-su là Vua!’

Câu nói này chẳng lạ lẫm gì đối với bạn và tôi. Là Ki-tô hữu chúng ta đã chẳng tuyên xưng ngàn vạn lần, và đặc biệt trong những ngày cuối năm phụng vụ, khi chúng ta nhận ra rằng mọi quyền bính đều có thể bị sụp đổ như cái vũ trụ bao la rộng lớn này… nhưng chỉ có một quyền bính duy nhất của Thiên Chúa là sẽ tồn tại đến muôn đời. Thế nhưng khi tuyên xưng như thế, tôi với bạn có lẽ thấy mình chẳng có liên quan gì nhiều lắm. Tôi không có quyền bính, chẳng có gì để phải sợ mất mát như Phi-la-tô ngày xưa. Cùng lắm là khi nghe người ta xưng tụng ngài, tôi cũng thấy mình phải tôn xưng để khỏi bị quyền bính ngài trừng phạt, hay để được hưởng một nguồn lợi nào đó. (Cũng giống như khi người ta huy động mình ra đứng đường, phất cờ đón rước một ông lớn nào đó ấy mà). Tôi chỉ nghe người khác nói, người khác tung hô và tôi hùa theo… hoàn toàn chỉ có thế, hoàn toàn bên ngoài!


Có phải ông tự ý nói?”
Đức Giê-su đã từng hỏi Phi-la-tô như thế, và ông lớn này ấp úng. Nếu ngài cũng đặt câu hỏi ấy với bạn và tôi thì chúng ta sẽ trả lời sao đây? – Con nghe Giáo hội nói với con như thế! Câu trả lời như thế có đủ chăng?
Tôi và bạn đã từng được nghe rất nhiều lần các cha tuyên bố trên tòa giảng: ‘Chúa Giê-su là Vua Tình Yêu’, và tôi thấy danh hiệu này thật cao đẹp! Nhưng nếu tôi cũng mở miệng tung hô ‘Chúa Giê-su là Vua Tình Yêu’ thì tôi lại thấy vang lên câu hỏi Đức Giê-su đặt ra cho Phi-la-tô Có phải tự con nói câu đó từ chính thâm sâu cõi lòng con, hay chỉ nghe qua người khác nói?’
Đã bao nhiêu lần tôi đã từng nghiệm thấy từ thẳm sâu cõi lòng mình rằng Đức Giê-su yêu tôi, yêu tha thiết, yêu hết mình? Phao-lô đã nghiệm thấy và tuyên xưng điều đó: “Tôi đặt niềm tin vào đức Ki-tô Giê-su, đấng yêu thương tôi và phó nộp mình cho tôi”. Để có thể tự tôi tung hô ‘Chúa Giê-su là Vua Tình Yêu’, tôi cũng cần phải có cùng một cảm nghiệm đó. Niềm tin Ki-tô hữu của tôi sẽ có giá trị gì nếu không đưa tôi tới cảm nghiệm cá nhân và thâm sâu này: Chúa yêu thương tôi và hiến mình cho tôi? Toàn bộ việc giữ đạo của tôi… nhất là việc cử hành bí tích Thánh Thể và Cáo giải chỉ có một mục đích duy nhất là để ‘chính tay mình chạm được vào tình yêu thẳm sâu đó’. Tôi biết rằng chỉ có người Ki-tô hữu mới có thể trở thành thần dân của Vua Giê-su: nhưng không như một quyền lợi để loại trừ kẻ khác, mà là như chiến sĩ sẵn sàng bảo vệ lẽ sống quí giá nhất của đời mình… đồng thời cũng muốn loan truyền lẽ sống tuyệt diệu đó cho mọi người. Điều này tôi không thể làm nếu chính tôi chưa từng nhận ra lòng nhân lành Chúa dành cho tôi. Tôi từng phạm nhiều tội lỗi ư? Đừng lo! tôi càng có thể cao giọng tuyên xưng:Đức Giê-su là Vua sau khi tôi nghiệm thấy lòng thương xót tha thứ của ngài, vì chính lúc đó tôi mới đích thực trở thành thần dân ngài hơn khi nào hết. Ngài đã chẳng chọn chính lúc gánh lấy tội trần gian và tự hiến để công bố: “Tôi là Vua!” Và ngài đã chẳng chấp nhận thành viên đầu tiên vào vương quốc của ngài là tên cướp cùng bị tử hình, rất xứng với điều ác anh đã phạm trong đời, nhưng may mắn lại có thể chân thành thốt lên: ”Lạy ngài, xin thương nhớ đến tôi!” Tóm lại tôi biết rất rõ: ai từng chính mình nghiệm thấy lòng thương xót của ngài, người đó đích thực là thành viên của vương quốc Giê-su, Vua Tình Yêu. Thế thì tôi có thể chân thành mở miệng tuyên xưng Ngài là Vua vì tôi đã có cảm nghiệm cá nhân đó chăng?. Tôi không chỉ tuyên xưng vì nghe người khác tung hô, nhưng tự ý tôi nói lên điều đó, và còn hơn thế nữa, tôi muốn hét lên với hết buồng phổi và sức lực của mình cho mọi người rằng: “Ngài là Vua, là Vua Tình Yêu”.
Lạy Chúa Giê-su, Vua Tình Yêu, chớ gì vào ngày sau hết, khi tới trước Thánh nhan, có lẽ là trong tất cả sự yếu hèn tội lỗi của mình, con vẫn có thể kêu lên tự thâm sâu cõi lòng mình: Ngài là Vua Tình Yêu. Và con sẽ được nghe Chúa phán: “Chính con tuyên xưng rằng ‘Ta là Vua Tình Yêu’… con đã làm chứng cho sự thật, đã đứng về phía sự thật duy nhất này… con hãy vào Vương Quốc thiên đàng với Ta nội ngày hôm nay”. Amen.

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

ĐỨC GIÊSU, VUA VŨ TRỤ,

CŨNG LÀ VUA MỌI TÂM HỒN,

NGÀI THỐNG TRỊ BẰNG TÌNH YÊU


tải về 0.88 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương