River of fire, river of water



tải về 0.82 Mb.
trang14/30
Chuyển đổi dữ liệu12.09.2016
Kích0.82 Mb.
#32052
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   30

16 CHỨNG ĐẮC KHÔNG CÓ THẦY


Đức Phật lịch sử ban đầu học với nhiều vị thầy và những đạo sĩ yoga trong thời ngài, nhưng cuối cùng ngài từ bỏ họ và tự đi con đường của mình. Thiền định dưới cội Bồ Đề, ngài khám phá con đường của mình, Trung Đạo, tránh hai cực đoan lạc thú và khổ hạnh hành xác. Sự chứng đắc của ngài như thế được gọi là “chứng đắc không có thầy”. Đây là mô thức của đời sống tôn giáo Phật tử : người thực sự thức tỉnh quy y Phật Pháp và không nương dựa vào một vị thầy, một chúng sanh khác bị ràng buộc bởi nghiệp. Sự kiện này là cốt yếu đối với nhiều con đường khác nhau của Phật Pháp, gồm cả con đường Tịnh Độ.

Dĩ nhiên điều này không có nghĩa rằng chúng ta không nên nhận sự hướng dẫn từ những vị thầy chín chắn, kinh nghiệm. Kiểu mẫu của một người tìm chân lý chân thật, chàng trai trẻ Sadhana (Thiện Tài) trong kinh Gandavyuha (Hoa Nghiêm), đã hành hương đến năm mươi ba vị thầy khác nhau trong cách tu hành, cả tại gia lẫn xuất gia. Nhưng điều này có nghĩa rằng trong chứng đắc giải thoát tối hậu, sự tự lập, hiện thân của pháp, là cốt yếu. Điều này là hiển nhiên, chẳng hạn, trong bài thuyết pháp cuối cùng của Phật, ngài khuyến khích các đệ tử, “Hãy là ngọn đèn cho các ông. Hãy nương vào chính mình, chớ nương vào sự giúp đỡ từ bên ngoài. Hãy kiên quyết gắn mình với chân lý như một ngọn đèn và tìm kiếm sự cứu thoát trong chỉ chân lý mà thôi, không chờ đợi sự trợ giúp từ ai khác ngoài chính các ông.” Từ ngữ then chốt ở đây là “chân lý” hay pháp. Sự nương cậy ở đây không phải trên cái ngã mong manh mà trên pháp biểu lộ trọn vẹn. Điều này đưa đến sự thức tỉnh của một cá thể tự lập, đó là mục tiêu của con đường Phật giáo.

Trí huệ và lòng bi luôn luôn làm việc cùng nhau như hai cánh của một con chim hay hai bánh xe của một xe do ngựa kéo, nhưng chức năng của chúng khác nhau. Trong Phật giáo Chân tông lòng bi của Phật gói gọn trong Bổn Nguyện nhắm đến từng người một. Hoạt động của lòng bi này cung cấp trí huệ cho một người, và sự cung cấp này làm cho người ta tự lập và độc lập. Có lẽ điều này có thể minh họa bằng một thí dụ cụ thể. Triết học giáo dục của một trường huấn luyện thể chất nào ở Kyoto cũng là nhắm làm cho mỗi học trò mạnh mẽ và tự lực.

Nếu một đứa bé học đi mặc dù đôi chân yếu, kém phát triển, ông thầy đi bên cạnh mà không có sự trợ giúp nào. Nếu em té, ông thầy cũng té. Thay vì đỡ đứa bé đứng dậy, ông thầy chiến đấu với tất cả sức lực để đứng dậy. Đứa bé bắt chước ông thầy, và sau nhiều lần thử, nó đứng dậy bằng năng lực của chính nó. Điều này được lập lại cho đến khi đứa bé bắt đầu tự đi một mình.

Một cô giáo lo cho một trẻ em dị dạng không thể tự ăn vì sinh ra không có hai tay. Khi buổi ăn trưa, nó chạy đến và ngồi bên cạnh thầy, chờ đợi được ăn. Cô muốn nó trở nên độc lập, không nương nhờ những người khác, nhưng cô không biết làm thế nào. Một hôm từ trường về nhà cô thấy một con chó liếm thức ăn trong bát. Hôm sau, khi đứa bé chạy đến bên cạnh để ăn trưa, cô nói, “Hôm nay em tự ăn lấy một mình !” Cô giáo chỉ bày bằng cách liếm đồ ăn từ dĩa trước mặt cô. Đứa bé ngần ngại nhưng rồi bắt chước cô giáo. Nó cúi xuống và liếm phần ăn. Vui sướng vì có thể tự mình ăn, nó chạy về nhà nói với mẹ.

Hôm sau mẹ đứa bé đến trường, giận dữ. Bà rất khó chịu khi con mình bị đối xử như một con chó. Bà trách cô giáo. Nhưng khi biết rằng đó chính là vì lợi ích cho con bà, thế rồi bà trở về nhà và ăn bằng cách liếm thức ăn như cô giáo bảo đứa bé làm. Sau đó không lâu đứa bé thích thú nhiều trong việc học, chơi với bạn trên sân trường, và kết bạn bè lần đầu tiên trong đời. Những chuyện này nhắc chúng ta rằng lòng bi chân thật không chỉ là vấn đề của tấm lòng ; nó phải tìm cách xác định sự độc lập của mỗi con người.

Simone Weil, một trong số ít những nhà văn Tây phương quen với giáo lý Tịnh Độ trong đời bà, viết về lòng bi trong cuốn sách của bà Chờ Đợi Thượng Đế. Bà nói từ quan điểm một người lao động, đã dùng thời gian để làm việc trong một xưởng sản xuất ô tô ở Pháp.

Những người bất hạnh không cần gì trong thế giới này ngoài người có thể chú ý đến họ. Khả năng chú ý đến một người khốn khổ là điều rất hiếm hoi và khó khăn. Nó hầu như là một phép lạ ; nó là một phép lạ. Gần như tất cả những người nghĩ rằng họ có khả năng này lại không có nó. Sự ấm áp của trái tim, sự hấp tấp, và thương xót là không đủ.

Chú ý ở đây nghĩa là chăm sóc những nhu cầu của người khác không phải từ một vị trí cao cấp, đặc ân mà từ quan điểm xem người khác như một con người. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi trí huệ sáng tỏ bởi vì người ta phải tìm những cách thức để khiến người khác có thể phát triển một cảm thức về ngã tính toàn vẹn. Khả năng làm như vậy là lòng bi chân thật, nó là trí huệ trong hành động.

Một lối suy nghĩ như vậy, xác nhận chủ quyền của từng con người, nằm trong nền tảng của tuyên bố của Thân Loan trong Tannisho VI : “Về phần tôi, Thân Loan, tôi không có một đệ tử nào. Nếu tôi có thể khiến cho những người khác niệm Phật nhờ những lời khuyên của tôi, họ sẽ là những đệ tử của tôi. Nhưng tự phụ kiêu căng biết bao nhiêu nếu tự cho mình là những đệ tử khi mình chỉ là những người sống niệm Phật qua công việc độc nhất của lòng bi A Di Đà.”

Nói theo lịch sử, Thân Loan có một nhóm đông theo ngài trong những năm ngài ở quận Kanto, theo ngài trên đường đi đày xa khỏi kinh đô, nhưng ngài không muốn người ta nương dựa vào ngài như là thầy. Công việc độc nhất của A Di Đà, hiện thân trong đời sống của một chúng sanh nghiệp báo, bảo đảm cho sự độc lập và tự lực. Cắm rễ sâu vào lòng bi vô biên, một tự ngã như vậy không phải là một bản ngã thiển cận, mà là một nhân cách đã thực hiện sự tự trị tương quan và tương hệ với tất cả hiện hữu.


---o0o---


17 KHIÊM TỐN


Từ ngữ Sanskrit để chỉ một người bạn tốt, kalyanamitra (thiện tri thức), hàm ý cái gì còn hơn một người bạn ; nó gợi ý ai đó (hay cái gì đó) trở thành một người hướng dẫn, một vị thầy, và một cảm hứng cho một người trên con đường giác ngộ. Thậm chí những hoàn cảnh khó khăn có thể phụng sự cho mục tiêu này. Bệnh tật có thể là một người bạn như vậy, vì nó dạy chúng ta sự khiêm tốn và biết ơn. Sự tỉnh giác trọn vẹn về tính hữu hạn, mong manh và phải chết tự nhiên khiến chúng ta khiêm tốn. Nhưng không thể trở nên khiêm tốn tự phần mình, bởi vì nếu chúng ta nghĩ chúng ta đạt đến được, thì vào ngay lúc đó chúng ta đã kiêu ngạo và tự phụ.

Ở Đông Á sự thực hành khiêm tốn bao gồm trong cư xử xã hội, đặc biệt trong lễ lạy. Cúi đầu là tự mình khiêm tốn, cái ngược lại với bản ngã. Lễ bái đặc biệt quan trọng khi đi vào một trung tâm tu hành tâm linh, đó hoặc là một ngôi chùa, một thiền đường, hay một lớp học võ. Ý nghĩa của lễ bái được Shunryu Suzuki, vị thiền sư tiền phong ở Hoa Kỳ diễn giảng :

Lễ bái là một thực hành rất nghiêm ngặt. Bạn cần được chuẩn bị để lễ bái, dù vào phút cuối của đời bạn. Dù không thể thoát khỏi những tham muốn ích kỷ của mình, chúng ta phải làm nó. Bản tánh chân thật của chúng ta muốn chúng ta làm điều đó... Đôi khi người đệ tử lễ lạy vị đạo sư, đôi khi vị đạo sư lễ lạy đệ tử. Một đạo sư không thể lễ lạy đệ tử thì không thể lễ lạy Phật. Đôi khi đạo sư và đệ tử cùng lễ lạy Phật. Đôi khi chúng ta có thể lễ lạy những con mèo và con chó.

Một gương mặt tiêu biểu cho phong cách này là Bồ tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa, bộ kinh Phật giáo phổ thông nhất trong toàn cõi Đông Á. Vị Bồ tát này thường chắp tay lễ bái bất kỳ ai mình gặp, vì ngài nhận thấy tiềm năng giác ngộ nơi tất cả chúng sanh. Lễ lạy với tất cả mọi người không phân biệt ai là sự thực hành tôn giáo của ngài.

Trong niệm Phật, nam mô lễ lạy A Di đà Phật, nhưng không chỉ A Di Đà, vì người ta lễ lạy tất cả mọi sự vật, lớn hay nhỏ. Và sự biểu lộ khiêm tốn và biết ơn này bắt đầu ở nhà, như myokonin Ichitaro có lần nói : “Nam mô nghĩa là đầu của người ta lễ lạy dưới tất cả mọi người. Đầu của bạn cũng lạy dưới vợ con bạn, là những người dưới quyền của bạn cho đến lúc này.” Như lắng nghe sâu xa chuyển hóa bản ngã thành một tự ngã rỗng rang, lễ lạy trở thành một biểu lộ tự nhiên của đời sống chân thật và thực sự chảy suốt qua một con người.

Sự biểu lộ tạ ân theo lối Nhật trước bữa ăn là “itadakimasu”, được nói lên với đầu cúi, hai tay chắp lại. Dù cho ngày nay nó có thể chỉ là một hình thức, ý định căn bản là biểu lộ cảm kích và biết ơn đối với một bữa ăn, nói với thức ăn đặt trước ở mình, “Cám ơn ngươi đã cho cuộc sống của ngươi, để cho cuộc đời ta có thể kéo dài.” Chúng ta cám ơn cuộc đời của rau đậu, cây trái, của thịt và cá và những vật sống khác. Chúng cho đi cuộc đời chúng để cho chúng ta có thể kéo dài cuộc đời làm người của chúng ta. Cecilia Kapua Lindo tóm tắt tình cảm này trong “Biết Ơn với Mọi Chúng Sanh” :

Từ bao lâu
Tôi quá đỗi lầm đường do huyền thoại
Nó tán dương con người độc lập, tự thành.
Từ khi nghe được tiếng nói của bậc Giác Ngộ
Mọi dáng vẻ vênh vang
Bị xì hơi, như một trái banh trống rỗng.
Và tôi ý thức được sự hiện hữu của tôi tùy thuộc
Vào nhiều cuộc đời đã chết cho tôi
Mỗi khi tôi ngồi xuống để dùng một bữa ăn.

Đây là một sự nhận thức rằng con người không thể sống mà không xâm hại những hình thức sống khác. Trong nhận thức đó có sự buồn rầu của một chúng sanh bị nghiệp quả giới hạn không thể nào làm cách gì khác hơn để tồn tại. Có một vũ trụ khác biệt giữa việc tin rằng con người có quyền dùng những hình thức đời sống khác với sự miễn tội vô can và phải làm như vậy với một cảm thức xấu hổ, tiếc nuối và hối hận sâu xa. Bây giờ điều ít nhất một người có thể làm, là biết ơn và không phí phạm những quà tặng của thiên nhiên. Khi chúng ta thấy rằng con người không chiếm một chỗ đặc ân, đặc biệt trong mạng lưới của đời sống, bấy giờ khiêm tốn và biết ơn sẽ tự nhiên và tự phát. Nhưng đến được một sự thấu hiểu như vậy là khó khăn vô cùng.

Bản chất hữu hạn của hiện hữu con người là một sự kiện của đời sống. Về thân xác, trí thức và tình cảm, chúng ta bị giới hạn, hạn chế. Chúng ta không thể bay trong bầu trời như chim, lặn xuống nước như cá. Dầu có thông minh sắc bén thế nào, một người cũng không thăm dò thấu đến những cảm nhận bên trong của một người khác, thậm chí những người thương yêu nhất. Không ai có thể thực sự biết cái gì về cuộc sống sau cái chết dù có suy tư tính toán thế nào. Chúng ta thấy khó khăn kiểm soát được ghen ghét, tức giận, tự nghi, bất an và sợ hãi, dù chúng ta có hiểu rằng chúng làm hại chúng ta. Chúng ta mong mỏi luôn luôn thương yêu, nhưng thực ra chúng ta thất thường và không thể tin cậy được. Chúng ta càng mong mỏi sống một cuộc đời gương mẫu, về đạo đức và tôn giáo, chúng ta càng thấy rõ những giới hạn nghiệp báo của chúng ta.

Khi Khổng tử được kính trọng như một vị thầy kiểu mẫu, ông không chỉ dạy mà còn sống một đời đạo đức, chính ông là người đầu tiên biết ra những giới hạn của mình. Sự khiêm tốn của ông đến từ sự chấp nhận này : “Người quân tử thấy hổ thẹn khi lời nói vượt quá hành vi của mình... Người quân tử có ba điều, nhưng ta không thể đạt đến đó. Người trí thì không có lưỡng lự ; người nhân thì không có lo âu ; người dũng thì không có sợ hãi (Luận ngữ 14 : 30-31). Tóm lại, ông chấp nhận sự thiếu thốn trí, nhân, dũng của mình, một dấu hiệu của sự vĩ đại của ông như một bậc thầy của nhân loại.

Khi chúng ta nhận thấy rằng chúng ta đều được nâng đỡ bởi những sức mạnh hữu hình và cả vô hình của thế giới chúng ta, chúng ta phải khiêm tốn và biết ơn. Thực sự biết điều này là kinh nghiệm sự buồn rầu và hối tiếc về chính thân phận làm người của mình. Nhưng sâu xa hơn những cảm nhận của chúng ta là tấm lòng đại bi giữ chúng ta tồn tại trong nó. Bổn Nguyện cuối cùng chuyển hóa con người quy ngã và kiêu mạn một cách vô vọng thành con người biểu lộ khiêm tốn và biết ơn.


---o0o---




tải về 0.82 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   30




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương