River of fire, river of water


- ÁNH SÁNG KHÔNG BỊ NGĂN NGẠI



tải về 1.1 Mb.
trang7/16
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích1.1 Mb.
#35570
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   16

10 - ÁNH SÁNG KHÔNG BỊ NGĂN NGẠI


Cùng làm việc với Danh Hiệu để nuôi dưỡng tâm đạo là Ánh Sáng Không Bị Ngăn Ngại. Thân Loan nhận xét rằng đời sống tôn giáo thật sự được nuôi dưỡng bởi Danh Hiệu như là cha bi mẫn của chúng ta và Ánh Sáng như là mẹ bi mẫn của chúng ta. Chúng ta đã làm sáng tỏ ý nghĩa của Danh Hiệu nhưng đâu là chức năng của Ánh Sáng ? Nó liên hệ với sự thực hành lắng nghe sâu xa của chúng ta như thế nào ?

Trong Phật giáo, Ánh Sáng soi sáng cái ngã bị nghiệp ràng buộc và đem lại sự chuyển hóa cho nó. Nó là “hình tướng” mà trí huệ mang lấy để giải thoát chúng ta khỏi mê lầm. Như tình thương là trừu tượng cho đến khi nào nó thể hiện trong tương quan với một “hình tướng” cụ thể của một người riêng biệt – mẹ, cha, con, người yêu, bạn... – cũng thế trí huệ là trừu tượng cho đến khi nó chạm đến chúng ta trong “hình tướng” Ánh Sáng để soi rọi cho cuộc đời chúng ta. Theo lời của Thân Loan :

Như Lai này là ánh sáng. Ánh sáng không gì khác hơn là trí huệ ; trí huệ là hình tướng của ánh sáng. Hơn nữa, trí huệ là vô hình tướng ; bởi vì Như Lai này là Phật của ánh sáng không thể quan niệm. Như Lai này lấp đầy vô số thế giới trong mười phương, bởi thế được gọi là “Phật Vô Lượng Quang”. Bồ tát Thế Thân đã đặt tên “Như Lai của ánh sáng không bị ngăn ngại lấp đầy mười phương”.

Ở Đông Á, danh từ Như Lai được dùng như một đồng nghĩa của Phật và có nghĩa “Bậc đến từ cõi giới như vậy (thực tại như nó là)”. Bởi vì không có gì có thể ngăn ngại công việc của Như Lai, Như Lai cũng được ám chỉ như là Ánh Sáng Không Bị Ngăn Ngại. Ánh sáng của mặt trời và mặt trăng soi chiếu thế giới, nhưng nó không thấu qua vật và hắt bóng. Ngược lại, Ánh Sáng Không Bị Ngăn Ngại thấu qua cả thể chất cứng đặc nhất trong thế gian, tức là vỏ cái ngã của chúng sanh nặng nghiệp mà không bao giờ hắt bóng. Không có gì có thể ngăn ngại sự sáng tỏ của nó.

Ánh sáng xua tan bóng tối của vô minh ;
Như thế A Di Đà được gọi là “Phật của 
Ánh Sáng Trí Huệ”.
Tất cả chư Phật và thánh của ba thừa
Cùng dâng lên lời tán thán của các ngài.

Alfred Bloom, tác giả của Phúc Âm của Ân Sủng Thuần Khiết của Thân Loan, diễn tả tư tưởng tôn giáo của Thân Loan như là thần học về ánh sáng. Đây là một diễn tả rất thông minh, bởi vì những bản văn Tịnh Độ chứa đầy những ám chỉ đến Ánh Sáng. Tiểu Kinh, chẳng hạn, nói : “Ánh sáng của đức Phật này là vô lượng. Nó chiếu không ngại trong các cõi Phật trong mười phương. Bởi thế, ngài được gọi là A Di Đà.” Và Quán Kinh cho chúng ta một hình ảnh tỉ mỉ, rõ ràng :

Phật A Di Đà có tám mươi bốn ngàn đặc tính hình thể, mỗi đặc tính có tám mươi bốn ngàn tướng phụ tuyệt hảo. Mỗi tướng phụ phát ra tám mươi bốn ngàn tia sáng ; mỗi tia sáng chiếu khắp vũ trụ mười phương cõi nước, ôm trùm và không bỏ sót người nào chánh niệm về Phật.

Thân Loan cũng nói về Phật như là Mười Hai Ánh Sáng, miêu tả những chiều kích khác nhau của công việc của trí huệ. Những ánh sáng đó gồm chư Phật như là Ánh Sáng Chói Bừng, Ánh Sáng Vô Nhiễm, Ánh Sáng Trí Huệ, Ánh Sáng Không Đoạn Đứt, Ánh Sáng Không Thể Quan Niệm, Ánh Sáng Không Thể Diễn tả, Ánh Sáng Uy Nghiêm, Ánh Sáng Hoan Hỷ, Ánh Sáng Vượt Mặt Trời và Mặt Trăng.

Nội dung của ánh sáng trên một người được Saichi diễn tả bằng ngôn ngữ khúc chiết, thường ngày :

84.000 mê lầm, phiền não,


84.000 ánh sáng,
84.000 niềm vui tràn ngập.

Saichi đầy mê lầm, phiền não – tám mươi bốn ngàn, nghĩa là vô số – mỗi cái được soi sáng và chuyển hóa bởi một số lượng ánh sáng tương đương. Chứng thực điều này là biết được niềm vui không cùng của cuộc sống.

Hình tượng của ánh sáng và ý nghĩa của nó được Eikichi Ikeyama, là một giáo sư tiếng Đức ở Đại học Otami và ảnh hưởng cả một thế hệ trí thức Chân tông, nói lên bằng ngôn ngữ đương thời :

Cái Tôi Thanh Tịnh, nó là không-phải-tôi,


Ở trong tôi, phát hiện cho tôi,
Cái tôi nhiễm ô này.

Cái Tôi Thanh Tịnh là một phương diện của Ánh Sáng Không Bị ngăn Ngại vượt khỏi ý thức bình thường, nó soi sáng mặt che dấu của cái ngã. Nhưng sớm hay muộn cái bóng này, cái tôi nhiễm ô, cũng bị phát hiện do công việc của Ánh Sáng. Nó là một phần thiết yếu của mình. Cả hai, cái tôi thanh tịnh và cái tôi nhiễm ô đều cần thiết cho một người để đạt được toàn thể tánh. Khi cả hai được đưa đến tỉnh giác trọn vẹn, chúng ta có một con người thức tỉnh, đích thực.

Một khi chúng ta hiểu chức năng này của Ánh Sáng Không Bị Ngăn Ngại, chúng ta cũng đồng cảm một thành ngữ khá bất thường trong các tác phẩm của Thân Loan : “lắng nghe sâu xa Ánh Sáng.” Câu này có ý nghĩa, khi chúng ta nhận biết rằng Danh Hiệu và Ánh Sáng là đồng nghĩa bởi cả hai là những biểu lộ của sự vận hành của đại bi. Như thế, lắng nghe sâu xa Danh Hiệu dẫn đến sự việc được soi sáng bởi Ánh Sáng ; và được soi sáng như thế tức là thức tỉnh với Danh Hiệu như một thực tại nền tảng. Một câu nói nổi tiếng của Chân tông tóm tắt sự liên kết mật thiết giữa hai cái : “Danh Hiệu là sự biểu lộ thành tiếng nói của Ánh Sáng, và Ánh Sáng là sự biểu lộ không tiếng nói của Danh Hiệu.”

Ánh Sáng Vô Ngại không chỉ xuyên qua cái tự ngã là chất cứng đặc nhất trong thế gian, mà còn chuyển hóa nó thành cái hoàn toàn nghịch lại, làm cho nó mềm dịu, nhu nhuyễn, dễ uốn nắn. Sự chuyển hóa xảy ra do sự ấm áp nuôi dưỡng và bi mẫn của Ánh Sáng Vô Ngại. Điều đó cũng tự nhiên như nước đá tan thành nước. Thân Loan tuyên bố :

Đã chứng thực sự tin cậy chân thật hùng vĩ và vô biên
Do công việc của Ánh Sáng Vô Ngại,
Tảng băng của phiền não mù quáng tan ra hoàn toàn
Để tức thời trở thành nước của giác ngộ.

Dù cho Danh Hiệu (cha bi mẫn) và Ánh Sáng (mẹ bi mẫn) là cần thiết cho sự thức tỉnh tôn giáo, cả hai vẫn là những nguyên nhân ở ngoài. Chỉ khi nào chúng cùng làm việc với nhân duyên bên trong, đức tin hay sự tin cậy chân thật, thì một đời sống mới được sanh ra. Thân Loan tóm kết mối tương quan của ba cái :

Thực sự chúng ta biết rằng không có Danh Hiệu đức hạnh, người cha bi mẫn của chúng ta, chúng ta sẽ không có nguyên nhân trực tiếp cho sự sanh ra. Không có Ánh Sáng, người mẹ bi mẫn của chúng ta, chúng ta sẽ tách lìa ngoài nguyên nhân gián tiếp của sự sanh ra. Dù cả hai nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp cùng có mặt, nếu nghiệp thức của tín tâm không có, người ta sẽ không đạt đến xứ sở của ánh sáng. Nghiệp thức của tín tâm chân thật và thực sự là nguyên nhân bên trong. Danh Hiệu và Ánh Sáng – cha và mẹ của chúng ta – là nguyên nhân bên ngoài. Khi những nguyên nhân bên trong và bên ngoài hợp nhất, người ta chứng thực thân chân thật trong xứ sở ước nguyện.

Bây giờ chúng ta đi đến sự minh giải về tin cậy chân thật, hay cái mà Thân Loan gọi là “nghiệp thức của tín tâm”.


---o0o---

11 - ĐỨC TIN NHƯ SỰ TIN CẬY CHÂN THẬT


Kinh nghiệm trung tâm của Phật giáo Chân tông được gọi là tín tâm (shinjin), thường được dịch là đức tin, nhưng bởi vì đức tin có vô vàn hàm ý, cần thiết phải phân biệt những cách dùng khác nhau của từ ngữ này. Trong Phật giáo, chúng ta thấy có ba từ ngữ Sanskrit thường được dịch là “đức tin”. Sraddha (tin cậy), prasada (trong sáng và bình thản) và addhimukti (hiểu). Tín tâm chứa đựng một số những yếu tố này, và cái hiểu căn bản của Thân Loan có thể dịch đúng sang Anh ngữ là “tin cậy chân thật”, “giao phó chân thật”.

Tổng quát, đức tin Phật giáo thường đến ở lúc bắt đầu con đường tôn giáo, chỉ ra sự tin cậy, giao phó theo những lời dạy của đức Phật. Cũng thế, trong Phật giáo Đại thừa nó tạo thành giai đoạn đầu tiên của cuộc tìm đạo, trước ba giai đoạn tiếp theo ; như vậy là tin rồi đến hiểu, thực hành và chứng đắc. Trong thiền, danh từ đức tin thường được dùng để chỉ sự biểu lộ hoàn toàn của tự tánh tuyệt đối.

Đức tin cũng là chung trong những tôn giáo thế giới, từ bhakti xuất thần trong Ấn Độ giáo đến ân sủng kỳ diệu trong Tin Lành. Đức tin gồm nhiều sự việc khác nhau đối với những người khác nhau : hành vi của ý chí, quyết tâm bằng lý trí, cách thức hiểu biết, sùng mộ nồng nhiệt, món quà từ Thượng Đế. Trong khi những kinh nghiệm hiện thực có thể biến thái khác nhau, chúng chia xẻ một cơ cấu chung, đặt nền tảng trên mối tương quan giữa con người và thiêng liêng, tương đối và tuyệt đối, phàm tục và thánh thiện.

Tín tâm cũng chứa một số sắc thái của đức tin, nhưng cái chánh là thức tỉnh với thực tại-như-nó-là, vượt khỏi bất cứ hình thức ý niệm hóa nào của nhị nguyên chủ thể-khách thể. Khi Paul Tillich nói đến “Thượng Đế vượt khỏi Thượng Đế của thần học”, một lối nói tương tự của Phật giáo có thể là “Phật vượt khỏi Phật của nhị nguyên”. Một đức Phật như thế không biến mất trong chiều kích siêu việt mà xuất hiện ở đây và bây giờ giữa cuộc đời thường nhật. Hoạt động này, được một số người diễn tả như là tính siêu việt, tựu thành trong sự xuất hiện của Danh Hiệu, nam mô A Di Đà Phật, trong thế giới chúng ta.

Tín tâm như là tin cậy, giao phó chân thật chuyển động trong hai hướng mà cuối cùng trở thành một. Một mặt, một người giao phó hoàn toàn cái ngã cho Bổn Nguyện Nguyên Sơ, công việc của đại bi. Và mặt khác, người ta giao phó hoàn toàn cái ngã cho thực tại của tự ngã nghiệp báo hữu hạn của mình. Cái sau được cái trước làm cho có thể. Như thế, chúng tạo thành một sự thức tỉnh đơn nhất. Đây là tín tâm hay đức tin như là sự tin cậy chân thật.

Trong đời sống hàng ngày tin cậy là nền tảng của bất kỳ loại tương giao có ý nghĩa nào. Điều này đúng dù là tin cậy giữa những cá nhân, những quốc gia, những nhóm chủng tộc, xã hội hay tôn giáo. Không có sự tin cậy này chúng ta không thể làm việc cùng nhau và xã hội không thể vận hành. Với sự tin cậy lẫn nhau này, chúng ta giữ lời hứa, hẹn gặp, tuân thủ những luật lệ và giữ gìn pháp luật. Những việc ấy tùy thuộc vào quyết định của chúng ta, nhưng cũng tùy vào những khiếm khuyết của con người.

Tất cả chúng ta đều biết những lời hứa không thành, những tình bạn bị phản bội và những thỏa thuận bị bãi bỏ. Những thất thường của cái ngã tự phục vụ mình xé rách mạng lưới tương giao của con người, làm vỡ tan sự thống nhất của đời sống, làm trào vọt giận dữ, ghét hận, bạo lực và chiến tranh. Phá vỡ sự tin cậy thường do sự kiêu căng của quyền lực. Một ví dụ cổ điển là sự xâm phạm hơn bốn trăm bản hiệp ước mà chính phủ Mỹ đã ký với những nước bản địa ở châu Mỹ. Không có một bản nào được tôn trọng.

Khi tôi đang chờ đợi việc dạy học đầu tiên, nhiều hứa hẹn đến với tôi chỉ để bị phá bỏ sau đó. Tôi cảm thấy chán nản và tức giận, bởi vì sự tin cậy của tôi vào người ta bị xâm phạm. Tôi than thở sự việc này với một trong những vị thầy Phật giáo của tôi biết rõ hoàn cảnh của tôi. Tôi nói với ngài, “Con không bao giờ tin vào người khác nữa !” Và ngài trả lời, “Dĩ nhiên là không. Làm sao anh có thể tin những người khác khi anh còn chưa tin chính anh.” Điều đó không chỉ làm tôi câm miệng mà còn đặt cho tôi vấn đề sự trung thành của tôi đối với niềm tin vào những người khác được đến đâu.

Nếu người ta còn không tin cậy vào chính mình, nếu cái ta còn quá không đáng tin, làm sao cái gọi là niềm tin của một người như vậy có thể có ý nghĩa nào ? Niềm tin trong nghĩa thông thường, căn cứ vào một tự ngã không vững bền, không chỉ không đáng tin mà cũng còn dễ vứt đi, do hoàn cảnh. Nhưng tín tâm được phát khởi từ cái gì chân thật, thực sự và thành thật, khiến chúng ta buông đi chấp ngã và làm cho cái ngã tin cậy vào thực tại duy trì tất cả và thường trụ ở khắp tất cả. Thực tại này được gọi bằng những tên khác nhau : Bổn Nguyện, Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ, Phật A Di Đà hay đơn giản đời sống chân thật và thực sự.

Niềm tin phát sanh từ tự ngã không thể sản sanh ra tính tâm linh chân thật, bởi vì nó thường trực tìm cách nâng cấp đời sống của nó bằng giàu có, uy tín, quyền lực, danh tiếng... thậm chí còn dùng tôn giáo cho lợi ích của nó. Khi mối quan tâm chủ yếu là sự thực dụng của tôn giáo, người ta dễ thờ cúng, mê tín, pháp thuật, bùa phép – mọi cái để làm phồng lớn tự ngã. Điều này cũng đưa đến cái gọi là trào lưu chính thống và cuồng tín tôn giáo, chúng lạm dụng lòng tin cho những mục tiêu tự bành trướng mình.

Tôi dịch tín tâm không chỉ là tin cậy mà là tin cậy chân thật để nhấn mạnh nguồn gốc của nó là chân thật, thực sự và thành thật – công việc của đại bi. Tín tâm như một quà tặng đến từ thực tại vốn chân thật, thực sự và thành thật, và như thế nó không cắm rễ vào tự ngã mong manh, không bao giờ bị tan vỡ hay tiêu tán. Cái khả năng được hiến tặng này cho phép chúng ta tự nhiên tin cậy, giao phó chính mình cho thực tại như nó vốn là. Khi những hậu quả của cuộc đời nghiệp báo đã được tiêu xài hết, cuối cùng sự tin cậy chân thật kết thúc trong giác ngộ tối thượng.

Chúng ta sẽ khám phá đầy đủ hơn công việc của Bổn Nguyện, nhưng bây giờ đã đủ để nói rằng tin cậy chân thật có một xác quyết không đòi hỏi chứng nhận hay xác định. Một câu nói như “tôi tin” hay “tôi có đức tin” là dư thừa. Khi mặt trời chiếu sáng ban ngày, có ai tuyên bố, “Tôi tin là mặt trời chiếu sáng ?” Hay khi mưa đổ xuống khắp nơi, cần gì để chứng minh cho nó, nói rằng, “Tôi có đức tin rằng trời đang mưa ?”

Thân Loan thường dùng thành ngữ “đại dương của tin cậy chân thật”. Khi người ta đi vào đại dương bao la của lòng bi của A Di Đà, không còn gì xác định tự ngã nữa. Người ta sống tự nhiên, tự phát trong đại dương không bờ không đáy, được hộ trì bởi tính làm nổi của nước mặn. Không có sự sợ hãi phải chìm, và mọi nghiệp xấu cuối cùng sẽ được chuyển hóa trong nước của đại dương.

Đấy là lý do tại sao trong khi mục tiêu trên Con Đường của những vị Thông Tuệ là giác ngộ, thì mục tiêu tối hậu của đời sống Phật giáo Chân tông là tin cậy, giao phó chân thật. Tin cậy chân thật ắt hẳn dẫn đến giác ngộ tối thượng. Như thế sự thách thức lớn nhất đối với chúng ta là tín tâm hay tin cậy chân thật. Theo lời của Thân Loan :

Đối với con người ngu dốt bao giờ cũng chìm đắm trong sanh tử với vô số chuyển sanh, sự đạt được quả giác ngộ tối thượng, vô song không là khó. Cái khó đích thực là tin cậy chân thực.

Khó khăn của sự tin cậy chân thật là do tự nhốt giam mình, do sự khẩn thiết đầy quyền năng của cái tự ngã muốn chống chọi và che chở chính mình. Nó càng đương đầu với những khó khăn của đời sống, nó càng rút mình vào trong vỏ bọc. Cái mà chúng ta thấu hiểu là tin cậy chân thật không nương dựa vào “tôi” là gì và “tôi” tin gì ; hơn nữa cái ngã tự mở ra với công việc của đại bi chân thật. Để làm rõ hơn, đây là những lời của Saichi :

Lòng tôi là lòng ngài ;
Lòng ngài là lòng tôi.
Chính lòng ngài trở thành tôi ;
Không phải tôi trở thành A Di Đà,
Mà A Di Đà trở thành tôi –
Nam mô A Di Đà Phật.

Con người tin cậy chân thật trở thành đáng tin cậy trong nghĩa thông thường nhất. Lý do là nền tảng của niềm tin không phải là tâm thức thất thường của con người mà là thực tại thường trụ của Ánh Sáng Vô Lượng và Đời Sống Vô Lượng. Một người như thế thì không đặc biệt là tốt hay đức hạnh. Đáng tin cậy chỉ đơn giản là cách sống tự nhiên nhất như một người chân thật, thật sự.


---o0o---

12 - THỨC TỈNH


Thức tỉnh là mục tiêu tối hậu của con đường Phật giáo, bất kể trường phái hay truyền thống nào người ta đang theo. Từ một thế giới chật hẹp, quy ngã người ta thức tỉnh với một thế giới mênh mông, vô hạn. Trong ngữ vựng Tịnh Độ, người ta chứng thực những giới hạn của tự lực và thức tỉnh với vũ trụ bao la của Tha Lực. Trong ngôn ngữ của Heidegger, tư tưởng tính toán tự nhường chỗ cho tư tưởng thiền định, một “tư tưởng mở ra với những nội dung của nó, mở ra với cái được ban cho”.

Hình thức cao nhất của thức tỉnh là Phật quả, nó có một mục tiêu duy nhất, rõ ràng : sự giải thoát của tất cả chúng sanh ngụp lặn trong đại dương sanh tử. Điều này được tóm tắt trong định nghĩa cổ điển Đông Á về một đức Phật :

Tự thức tỉnh,
Thức tỉnh những người khác ;
Tiến trình vô tận
Của hoạt động thức tỉnh.
(Tự giác,
Giác tha ;
Giác hạnh viên mãn.)

Thức tỉnh là sự phát triển năng động mãnh liệt và thường trực tương ứng với những thực tại của đời sống – sự khai mở từ tự ngã đến cái ta bi mẫn, từ cái ngã nhốt kín đến cái ta rộng mở bao la, từ cái ngã ngu muội đến cái ta giác ngộ.

Vài năm trước đây một sinh viên của tôi, Kate, tham dự vào Hội Thảo Sinh Viên Nhật-Mỹ hàng năm. Bắt đầu từ 1934, đó là một nhóm họp có uy tín tám mươi sinh viên hạng nhất từ hai quốc gia. Nó là một cuộc du khảo bốn tuần mùa hè ở Mỹ và ở Nhật tuần tự mỗi năm. Kate tham dự khi cuộc hội thảo xảy ra ở Nhật. Một loạt những thảo luận bàn tròn được tổ chức ở các thành phố khác nhau, bắt đầu ở Tokyo và chấm dứt ở Nagasaki vào tháng Tám.

Do chương trình làm việc đòi hỏi và khí hậu nóng ẩm, Kate mệt mỏi và bồn chồn. Khi nhóm đến Nagasaki Peace Plaza, để truy niệm những nạn nhân bom nguyên tử năm 1945, họ đến một vòi phun nước lớn rải nước mát vào cái nóng của mùa hè. Vừa thấy vòi phun, Kate liền muốn nhảy vào, làm mát thân thể cô và làm nhẹ mệt mỏi. Nhưng khi thấy tấm biển, cô đọc, “Vòi phun này để truy niệm cho những trẻ em ở Nagasaki đã chết khi kêu la thiếu nước”, những tư tưởng như trên hoàn toàn biến mất. Thay vào đó, những ý nghĩ của cô hướng về những trẻ em bị chết vì thiêu cháy, sự khủng khiếp không nói được của chiến tranh, sự vô nhân tính của con người, tất cả thấm sâu vào lòng.

Ngay lúc đó Kate kinh nghiệm một sự thức tỉnh căn bản, một chuyển hóa của thức, nó hoàn toàn biến đổi cuộc đời cô. Những tư tưởng của cô không trụ vào bản thân cô và những nhu cầu của cô nữa – giờ đây chúng được hướng đến những khốn khó của những người khác. Và sự việc đó không phải là một xúc động đa cảm thoáng qua. Trở về trường, cô tập trung vào việc nâng cấp những học sinh thu nhập kém và những bà mẹ sống bằng tiền an sinh xã hội. Cuối cùng cô tốt nghiệp trường luật như một người biện hộ hiệu quả cho người nghèo, người không có đặc ân và người bị tước quyền.

Nhiều người kinh nghiệm loại thức tỉnh này, nhưng thường thì nó chỉ chạm vào một mặt của đời sống và hiếm khi nó bao hàm được toàn bộ con người. Hơn nữa, chỉ một kinh nghiệm khó có thể tạo ra một sự chuyển hóa đích thực nào. Sự thức tỉnh phải được lặp lại và làm cho sâu hơn chừng nào chúng ta còn sống và còn thở. Như một nhà văn nói, “Không giống như bạn có một nghi lễ chết rườm rà, một kinh nghiệm chết-tái sanh, và rồi bạn Có Nó !” Bạch Ẩn, người đã làm sống lại Thiền Lâm Tế trong thế kỷ mười tám ở Nhật, nói về thức tỉnh (satori, ngộ) với hai giai đoạn : thức tỉnh ban đầu qua việc dùng những công án-câu đố, và loạt những thức tỉnh từ sau đó để làm sâu thêm cái khai mở đầu tiên, cái sau thậm chí còn quan trọng hơn trên đường đạo.

Thức tỉnh của Phật giáo khác biệt theo hai cách với những hình thức bình thường của tâm thức được nâng cao. Thứ nhất là bao hàm thân thể, để cho sự trắc nghiệm cuối cùng của một chuyển hóa thật sự là một thân tâm đã trở nên mềm dẻo, dễ uốn nắn và dịu dàng. Sự nhấn mạnh đến thân thể giúp chúng ta tránh những trò chơi của tâm thức và tránh đi những chiến thuật lan man quỷ biện. Thứ hai là sự tan vỡ những ý niệm quy ước của cái tôi, của tôi, mở ra với tính cách không đáy và vô cùng của chính đời sống. Đây hiển nhiên là những mục tiêu của những truyền thống Phật giáo khác nhau.

Thức tỉnh trong Duy Thức Phật giáo xảy ra với sự chuyển y (paravritti) ở căn cứ của toàn bộ hệ thống tâm thức, nằm sâu dưới ý thức bình thường của chúng ta và bao hàm toàn thể thế giới hiện tượng. Trong Hoa Nghiêm Phật giáo kinh nghiệm giác ngộ được tượng trưng bởi một tràng hoa khổng lồ, Ganda-vyuha (Trang Nghiêm bằng Hoa), đặt trên toàn thể vũ trụ, có nghĩa một sự thức tỉnh có tính cách vũ trụ. Trong Tịnh Độ Phật giáo sự trói buộc nghiệp quả từ thời vô thủy được chuyển hóa thành chính nội dung giác ngộ tối thượng, tự hiến mình cho sự cứu độ tất cả chúng sanh, bao gồm thậm chí chỉ một ngọn cỏ.


---o0o---



tải về 1.1 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương