River of fire, river of water


- ĐỜI SỐNG KHÔNG THỂ LẬP LẠI



tải về 1.1 Mb.
trang15/16
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích1.1 Mb.
#35570
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16

34 - ĐỜI SỐNG KHÔNG THỂ LẬP LẠI


Theo truyền thống người ta tìm kiếm đời sống Phật giáo vì hai lý do căn bản. Thứ nhất là cảm thức mạnh mẽ về sự mong manh vô thường của đời sống – nếu tất cả đều đi qua thì đâu là ý nghĩa đời người ? Thứ hai là tỉnh giác sâu xa như là một chúng sanh nghiệp báo – nếu người ta bị giới hạn, bất toàn, và hữu hạn, làm sao có thể hoàn thành bình an và thỏa nguyện thật sự ? Hai cái có thể khác nhau nhưng liên hệ với nhau, vì xác nhận vô thường cũng đồng với việc chấp nhận tính hữu hạn của con người. Như thế, bất kể theo đuổi câu hỏi nào, thì sự trả lời chung quy là : yêu quý đời sống không thể lập lại này bằng cách sống trọn vẹn và biết ơn mỗi khoảnh khắc của hiện hữu hữu hạn của chúng ta. Đây là điểm khởi hành tiến vào đời sống không giới hạn của trí huệ và lòng bi.

Những câu chuyện về một cách sống như vậy có đầy trong truyền thống Chân tông, nhưng chúng ta chỉ xem một trường hợp kiểu mẫu. Một người Phật giáo Chân tông thuần thành, Bà K. Takeuchi, một người nội trợ chịu đựng bệnh ung thư và ra đi năm 1965 ở tuổi bốn mươi sáu. Cá nhân tôi không biết bà nhưng được làm quen qua những bài thơ gởi cho tôi nhờ một người bạn chung.

Bà Takeuchi trải qua những lần mổ khối u não. Sau lần mổ cuối, bà làm bài thơ sau trên giường bệnh viện :

Lắng nghe sự kêu gọi của Bổn Nguyện,


Đời sống ban cho tôi đến hôm nay như thế,
Vì sự cảm kích và biết ơn của tôi thì nông cạn
Về đời sống chân thật và thực sự đang giữ gìn tôi.

Trì hỗn chỉ một ngày chứa đựng vô vàn ý nghĩa – bà được ban cho cơ hội để nếm vị kêu gọi của Ánh Sáng và Đời Sống Vô Lượng. Nhưng căn bệnh của bà và những lần mổ nối tiếp phải gây ra tổn thất. Đã như thế, bất cứ lúc nào nghĩ đến gia đình, dấu hiệu không bình phục và gánh nặng tài chính đè nặng.

Bà nhận thức không ai có thể chịu lỗi cho tình trạng của bà. Bà phải chịu đựng những hậu quả của cuộc đời nghiệp báo của bà. Nhưng dĩ nhiên bà không một mình, bị bỏ mặc cho số phận của bà. Bà viết :

Sức của riêng tôi thì yếu


Để mang vác gánh nặng của số phận 
nghiệp báo của mình,
Nhưng sức mạnh và thần lực thấm vào tôi
Trong việc niệm Nam mô A Di Đà Phật.

Hiến đời mình cho sự thực hành lắng nghe sâu xa bên trong, Bà Takeuchi thức giác với đại bi nhắm vào một con người bị nghiệp trói buộc như bà và làm việc không ngừng để giải phóng bà khỏi khổ.

Nhưng bây giờ trong những giây phút cuối cùng, đau đớn hành hạ và đối diện cái chết đang đến, mọi sự tan biến như tuyết mùa xuân. Trong đáy thẳm của tuyệt vọng, bà lại kinh nghiệm một sự thư thái của hiện sinh, vì bà ý thức được bà được ban phước biết bao nhiêu :

Tôi không biết nghiệp xấu,


Tôi không biết sự biết ơn,
Nhưng trên cái tôi này
Rơi rắc tất cả lòng bi của vô số vũ trụ.

Khi ý thức về sự biết ơn tan biến, tất cả lòng bi của vô số vũ trụ rơi rắc trên bà hơn nữa. Nó cho bà làm mới lại sức mạnh và bình an trong những giờ phút cuối cùng. Trong Phật giáo nói đến vô số vũ trụ, nhưng chỉ có một đức Phật ở một cõi. Phật Thích Ca xuất hiện trong thế giới sanh tử của chúng ta, những đức Phật ở những cõi khác, và Phật A Di Đà ngự trị ở cõi Tịnh Độ Tây phương.

Những nhà thiên văn nói với chúng ta có hàng tỷ vũ trụ giống như vũ trụ của chúng ta hiện hữu. Khi những tư tưởng gia Phật giáo không có sự rõ ràng của khoa học, họ thường nói đến vô số vũ trụ. Lòng bi vô biên thấm nhuần mỗi vũ trụ này, tràn đầy khắp cả. Ở trung tâm của cơn lũ lòng bi này là Bà Takeuchi nằm trên giường bệnh, nhận sự ban phước của vô số chư Phật. Không cần phải biết nghiệp xấu, không cần cảm thấy biết ơn, chỉ niệm Phật bày tỏ sự cám ơn cuộc đời bà giờ đây đang đến lúc kết cuộc, sự sanh trong Tịnh Độ.

Với Bà Takeuchi mỗi ngày nằm như vậy được duy trì bởi năng lực của Bổn Nguyện đến từ trung tâm sâu xa của đời sống. Năng lực này cho phép bà sống trọn vẹn đời bà với chân giá trị và niềm vui an tĩnh.

Ngày hôm nay,
Được phú cho đời sống chân thật và thật sự,
Sẽ không bao giờ được lặp lại trong vĩnh cửu –
Quý giá biết bao chỉ ngày hôm nay !

Tôi nhớ có lần đọc về dịp may nhỏ vô cùng được sinh vào đời sống làm người. Một nhà khoa học tính toán rằng có thể so sánh với việc thả một xúc xắc sáu mặt năm triệu lần liên tiếp. Không phải năm trăm lần, không phải năm ngàn lần, mà năm triệu lần liên tiếp ! Là một người thông minh, biết suy nghĩ, làm sao chúng ta không hỏi, Đâu là ý nghĩa của cuộc đời làm người này ? Tôi đến từ đâu ? Tôi đi về đâu ? Truyền thống Phật giáo nói đến con rùa mù và thanh gỗ nổi.

Đức Phật nói với một nhóm đệ tử về một thanh gỗ có một cái lỗ nổi trên mặt biển. Nó trôi theo gió, bập bềnh trên sóng. Một con rùa mù sống trong đại dương mỗi một trăm năm trồi lên mặt nước một lần. Đức Phật hỏi những đệ tử :

Cơ may nào cho con rùa mù này chui cổ vào cái lỗ của thanh gỗ ? ... Các tỳ kheo, sớm hay muộn, một con rùa mù cũng chui đầu được vào lỗ thanh gỗ ; nhưng sanh làm người còn khó khăn hơn thế.

Dù Bà Takeuchi chịu đựng bệnh hoạn, bà đã chứng nghiệm ý nghĩa trọn vẹn của sự được sanh ra làm người. Thức tỉnh với Phật Pháp, thân bà thấm nhuần Ánh Sáng và Đời Sống. Như thế bà trở thành giải thoát vĩnh viễn khỏi vòng cuộc sống không mục đích. Một trong những bài thơ cuối cùng diễn tả sự biết ơn của bà đối với quà tặng vô giá của đời sống không thể lập lại này :

Trong đời sống này


Không cùng là so sánh chính tôi
Với những người ở trên và những người ở dưới.
Một nửa thân thể tôi bại liệt,
Tôi vẫn còn có bàn tay phải, đôi tai và chân phải.
Dù với khối u trong não,
Vẫn còn đây vị, sắc, thanh, tiếng nói, lời và hương.
Nhưng chúng sẽ sớm không còn nữa ;
Khi thân thể tôi không còn nữa ;
Nhưng niệm Phật, A Di Đà, lòng bi chân thật, Tịnh Độ
Sẽ luôn luôn còn lại.
Tôi may mắn biết chừng nào, hạnh phúc biết chừng nào,
Bây giờ và mãi mãi về sau.

Dù bà Takeuchi chấm dứt đời-sống-phải-chết trên trái đất, bà tiếp tục sống hôm nay, ảnh hưởng đến người nào nhớ lời bà. Điều bà đã thành tựu trong cuộc đời ngắn ngủi của bà trên trái đất là một cảm hứng cho tất cả những ai nghe câu chuyện bà. Những hậu quả như sóng gợn mãi của cuộc đời bà tiếp tục loang rộng trong chúng ta, những người thấy bà là một hiện thân của niệm Phật.

Cuộc đời Bà Takeuchi được Saichi tổng kết theo cách trực tiếp và khúc chiết điển hình của ông :

Biết ơn biết bao nhiêu !


Khi những người khác chết,
Tôi không chết ;
Không chết, tôi đang đi
Đến Tịnh Độ A Di Đà.

Dễ nói về đời sống là quý giá và không thể lập lại, nhưng trừ phi chúng ta thực sự biết lý do, còn không thì những lời nói có thể trống rỗng, vô nghĩa. Chỉ do được thức tỉnh bởi công việc không thời gian của lòng bi chân thật mà chúng ta cảm kích và biết ơn trọn vẹn mỗi khoảnh khắc sống tràn đầy giá trị vô cùng. Một sự tôn sùng pha lẫn sợ hãi đối với đời sống phải trở thành nền tảng của một đạo đức mới để đương đầu một cách có hiệu quả với những vấn nạn nhiều mặt, phức tạp trong thế giới ngày nay.


---o0o---

35 - BÀ TÔI


Tôi đã rất may mắn trong đời mình. Nhờ chuỗi nghiệp tốt khác nhau tụ đến, tôi đã có thể học với những học giả Phật giáo xuất sắc và gặp nhiều vị thầy và cư sĩ Chân tông, họ chia xẻ với tôi món quà niệm Phật. Thêm rất nhiều vào thế giới hiểu biết của tôi là đủ loại bạn hữu từ nhiều tôn giáo và khuynh hướng triết học khác nhau – thông thái, có suy nghĩ, hoài nghi, thẳng thừng, hài hước – từ họ tôi đã học được nhiều. Nhưng tác động lớn nhất trên đời sống tâm linh của tôi là bà tôi, bà chết năm tám mươi sáu tuổi vào 1964.

Một nguời đàn bà giản dị và chân thật, “nam mô A Di Đà Phật” tràn trề nơi miệng bà, như những vị Phật nhỏ chen nhau ra khỏi thân thể nhỏ nhắn của bà, cái thân thể không thể chứa nổi niềm vui bà cảm thấy khi được ôm trùm trong Ánh Sáng Vô Lượng và Đời Sống Vô Lượng. Cuộc đời bà không phải là dễ dàng, nhưng bà sống nó với sự hớn hở và mãnh liệt tâm linh.

Ông tôi là thế hệ thứ mười hai làm trụ trì của một ngôi chùa Chân tông ở Fukuoka. Một người mạnh mẽ với một tính khí nóng nảy và một giọng nói âm vang, ông có biệt danh là kaminari, “sấm sét và chớp sáng”. Bà tôi là người vợ thứ ba của ông, một sự kiện bà khám phá sau khi họ lấy nhau. Hai bà vợ đầu, không thể chịu nổi những yêu cầu của ông, đã bỏ đi.

Người thân thuộc đầu tiên bà tôi gặp khi đi thăm xã giao một vòng là người dì. Câu nói mở đầu của bà này không phải là một chào hỏi bà con mà là một thách thức : “Cô đã xếp đặt chuyện hậu sự chưa ?” Đây là một câu hỏi thông thường đặt ra cho tín đồ Chân tông. Nó hỏi xem người ta đã giải quyết thành công chưa vấn đề chết. Câu trả lời phát hiện mức độ một người đã thể nhập Phật Pháp và do đó, cảm nghiệm ý nghĩa của đời sống này. Cái tương đương của Thiền là công án : “Cái gì là khuôn mặt xưa nay của anh trước khi anh sanh ra ?”

Bà tôi thụt lại trước sự chào hỏi hoàn toàn bất ngờ. Bà choáng váng, không thể nói một lời. Nhưng sau này bà quyết định tìm một sự trả lời. Nó không dễ dàng cho một người vợ trẻ, lo toan một gia đình, nấu ba bữa ăn một ngày, phục vụ những yêu cầu của ông tôi, đáp ứng những nhu cầu xã hội của một ngôi đền và cuối cùng nuôi nấng năm đứa con. Để có thời giờ cho Phật Pháp, bà phải lẻn khỏi nhà lúc sáng sớm trước khi mặt trời mọc và ông tôi thức dậy. Rồi bà đến một ngôi chùa Chân tông nổi tiếng là Manpukuji, nơi đó những buổi lễ hàng ngày bắt đầu lúc sáu giờ sáng. Bà tham dự vào tụng tán, thuyết pháp và hỏi đáp. Khi thời khóa chấm dứt, bà tôi chạy về nhà và sửa soạn cho gia đình thức dậy. Dĩ nhiên điều này trước thời có điện, khí đốt.

Mẹ tôi nhớ trước khi đi học, bà và em trai bà có tham dự những buổi lễ sáng sớm, được bà tôi mặc áo ấm trong những sáng mùa đông lạnh lẽo ngồi trong cái chùa băng giá. Khi lễ chấm dứt, họ phóng vội về nhà trước khi ông tôi dậy ăn sáng. Họ luôn luôn sợ hãi điều gì sẽ xảy ra nếu ông tôi bắt gặp. Bà tôi sống theo lời khuyên của một trong những vị thầy được quý trọng nhất của bà, Daiei Kaneko : “Hãy nhận những đồ tặng với lòng con ; hãy nhận Phật Pháp với thân thể con.” Bà tôi dấn thân vào sự lắng nghe sâu xa với cả thân và tâm, đi bộ mỗi ngày đến chùa để tham dự những buổi lễ vào sáng sớm và không bao giờ chấp nhận điều gì mà không hỏi thường xuyên và triệt để.

Để giải quyết được vấn đề cái chết vào tuổi trung niên, bà tôi sống niệm Phật. Mỗi cử động của bà biểu lộ niềm vui và cảm kích sâu thẳm. Khi bà ngồi xuống, bà nói, “nam mô A Di Đà Phật.” Khi bà đứng dậy, “nam mô A Di Đà Phật.” Khi bà uống từng hớp trà, “nam mô A Di Đà Phật,” khi uống xong, “nam mô A Di Đà Phật.” Khi tiếp khách, trước bất kỳ thủ tục nào, “nam mô A Di Đà Phật.” Khi từ giã, “nam mô A Di Đà Phật.” Bà sống theo sự thúc dục của Thiện Đạo, người có một ảnh hưởng quyết định vào sự thành lập trường phái Tịnh Độ mới của Pháp Nhiên vào năm 1175 :

Hãy lập lại niệm Phật với sùng mộ nhất tâm, dù đi, đứng, ngồi, nằm, không kể thời gian, không bao giờ ngừng chỉ chốc lát. Đây thực sự là thực hành tối hậu chắc chắn đưa đến giải thoát, vì nó tương ưng với Bổn Nguyện của Phật A Di Đà.

Nhưng bà không phải là tín đồ sùng đạo theo lối sao chép. Tôi nhớ có lần thăm bà một mùa đông ở Fukyoka, khi bà tôi rất đảo lộn và giận dữ với một người khách. Bà và tôi ngồi quanh lò than, hơ tay cho ấm, thì có ai đó đi vào cửa. Bà tôi đứng dậy đi ra cửa. Dầu tôi không thấy hai người, tôi nghe bà tôi cãi cọ với một người lớn tuổi hơn, cả hai đều la to với nhau. Chốc lát tôi nghe cánh cửa đóng sầm, và bà trở vào, thở hổn hển. Bà rất, rất đảo lộn.

Khi tôi hỏi điều gì đã xảy ra, bà nhìn tôi, nói, “Gã vô lại đó đi đến những người bà con già nua, lãng trí, lừa đảo tiền của họ, không suy nghĩ gì cả. Con vật ấy làm bà quá giận !” Tức thời sau câu nói là “nam mô A Di Đà Phật, nam mô A Di Đà Phật.” Gọi ai là con vật là điều tệ nhất người ta có thể nói về người khác trong tiếng Nhật. Nó ám chỉ đến một người dưới mức độ người, một người của các cõi thấp trong bánh xe luân hồi. Khác với tiếng Anh, tiếng Nhật không có sự xúc phạm và nhất là không có sự tục tĩu ; bởi thế, gọi người khác là một con vật là sự làm nhục nặng nề nhất.

Tánh khí nóng nảy của bà tôi hầu như nổ bùng nhưng tức thời được tháo ngòi bằng niệm Phật. Lòng bi vô biên cho phép bà biểu lộ những phiền não nghiệp báo nhưng tức thời dập tắt cơn giận phun trào. Nếu một sự chuyển hóa thình lình không xảy ra, tình thế có thể đưa đến những hậu quả rất xấu. Sau sự việc này, bà lập tức hành động cụ thể, thông báo cho chính quyền về kẻ bất lương lão luyện và vận động những nạn nhân khác để bắt giữ kẻ đó.

Bà tôi chết một cái chết tự nhiên ở tuổi tám mươi sáu, thân thể bà yếu và những giác quan suy thoái, nhưng tâm thức vẫn sắc bén, sáng tỏ cho đến lúc chót. Tôi yêu cầu cô tôi viết lại những ý nghĩ bà biểu lộ vào những giây phút cuối. Khoảng một tuần trước khi chết, cô tôi cố gắng an ủi bà, nói rằng, “Bà ơi, khi bà rời bỏ thế giới này, con sẽ bị bỏ lại một mình, nhưng bà may mắn hơn con, vì bà sắp về Tịnh Độ nơi bà sẽ gặp ông con, chị của bà, mọi bạn bè cũ !” Nằm trên giường bà tôi trả lời, “Không, không ! Không có chỗ như vậy gọi là Tịnh Độ ... nam mô A Di Đà Phật, nam mô A Di Đà Phật.”

Với bà tôi không có sự ngăn cách giữa thế giới sanh tử tạm thời này với đời sống không thời gian là Tịnh Độ. “Không, không” của bà phủ nhận Tịnh Độ như một đối tượng của tư tưởng nhị nguyên, nhưng sự niệm Phật của xác nhận Tịnh Độ ở đây và bây giờ, cái tại đây và bây giờ “vừa trong vừa ngoài thời gian”. Saichi hoàn toàn đồng ý với bà tôi :

Hỡi Saichi, ở đâu là Tịnh Độ ?


Cực lạc quốc độ của tôi là ở ngay đây.
Đâu là đường phân chia
Giữa thế giới này và Cực Lạc ?
Con mắt là đường phân chia.

Được Ánh Sáng Vô Lượng và Đời Sống Vô Lượng chạm đến và ban phước, bà tôi đã sống một cuộc đời trọn vẹn và giàu có. Khi là một người ràng buộc bởi nghiệp, bà thưởng thức đời sống của tự do không bờ bến. Bà có thể hát cùng với Saichi :

Dù thân thể ô nhiễm của tôi vẫn không biến đổi,
Do công việc không mệt mỏi của lòng bi A Di Đà
Tự lực của tôi chuyển thành Tha Lực,
Tôi vui chơi trong Tịnh Độ của A Di Đà.

---o0o---


36 - TỊNH ĐỘ


Đối nghịch với thế giới mê lầm của chúng ta, thế giới của giác ngộ hiện hữu. Thế giới của mê lầm được những chúng sanh ràng buộc bởi nghiệp là chúng ta tạo ra, vướng mắc trong phác họa và tính toán được mất tạo thành sự theo đuổi hàng ngày của chúng ta. Thế giới của giác ngộ là cõi giới của trí huệ và lòng bi của những người hoàn toàn đã thức tỉnh, thoát khỏi mọi thúc đẩy quy ngã. Đây là Tịnh Độ, nơi Phật Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ trụ trì. Nó không thể thấy đối với những người không phù hợp với đời sống tôn giáo.

Tịnh Độ thách đố cái hiểu biết theo quy ước của chúng ta, bởi vì nó không phải là một đối tượng của cái biết nhị nguyên. Nó không hiện hữu, như Hawaii, thiên đường của Thái Bình Dương, ở giữa một đại dương. Nhưng nó có thể được cảm nhận trọn vẹn khi sự tìm kiếm về tôn giáo của chúng ta tiến bộ và chín muồi, thoát khỏi ngôn ngữ lan man và những ý niệm tạo hình về thực tại.

Để làm rõ điều ấy có nghĩa là gì, chúng ta trở lại với sự hiểu biết của Thân Loan về Phật và Tịnh Độ. Ngài viết :

Phật là Như Lai của Ánh Sáng Không Thể Nghĩ Bàn và Tịnh Độ là cõi của Ánh Sáng Vô Lượng.

Ở đây Thân Loan không nói đến một hiện thể có tính đối tượng gọi là Phật A Di Đà hay một nơi chốn địa lý gọi là Tịnh Độ, cái nào cũng đều phát ra những tia sáng. Hơn nữa, ngài nói rằng bất cứ nơi đâu sự phát sáng của Ánh Sáng xảy ra, bất cứ nơi đâu sự nhạy cảm và ý thức tôn giáo khởi lên, ở đó thực tại của A Di Đà và Tịnh Độ trở nên hiện rõ.

Chúng ta thường nghĩ mắt chúng ta làm cho sự thấy có thể được. Điều đó đúng, nhưng trong bóng tối chúng ta không thể thấy gì, dù chúng ta có sự thấy. Chính nhờ ánh sáng mà chúng ta có thể thấy sự vật. Theo cùng cách ấy, chính nhờ sự soi sáng của Ánh Sáng Vô Lượng mà chúng ta có thể thấy thực tại chân thật của chúng ta – một chúng sanh ngu dốt của nghiệp xấu. Một tỉnh giác như vậy được sanh ra không phải bởi vì chúng ta thông tuệ mà bởi vì trí huệ trong “hình dạng” Ánh Sáng chạm đến chúng ta.

Như thế khi người ta được soi sáng và chạm đến, một tương quan thân mật với Ánh Sáng xảy ra, và A Di Đà và Tịnh Độ được cảm nhận như sự biểu lộ cụ thể của một thực tại siêu việt. Thực tại này được gọi là pháp thân như là chân như, nó là vô tướng và vô danh. Từ thực tại vô tướng và vô danh này xuất hiện pháp thân như là lòng bi trong hình thức A Di Đà và Tịnh Độ. Như thế chúng ta có thể gặp gỡ thực tại siêu việt giữa cuộc đời sanh tử của chúng ta. Trước khi tiến xa hơn, chúng ta hãy ghi nhận ngắn gọn sự tiến hóa của ý niệm Tịnh Độ được hiểu theo những thời kỳ khác nhau của lịch sử.

Từ ngữ Tịnh Độ là một chuyển dịch từ tiếng Trung Hoa, nó không hiện hữu trong văn học Phật giáo Sanskrit. Từ ngữ tương đương gần nhất trong tiếng Sanskrit là câu “sự tịnh hóa của cõi Phật”. Nhiều đề cập đến vô số Tịnh Độ được tìm thấy trong văn học Phật giáo Trung Hoa từ thế kỷ thứ nhất Công Nguyên. Nhiều đức Phật khác nhau trong Đại thừa ngự trị những tịnh độ, nhưng chính Tịnh Độ của A Di Đà mới được xem là quan trọng và đầy đủ ý nghĩa ở Đông Á.

Khi ý tưởng về Tịnh Độ phát triển, trước hết nó được xem như là môi trường lý tưởng đem lại kỷ luật tôn giáo và tiến bộ tâm linh. Thoát khỏi tạp âm của những cám dỗ thế gian, người ta có thể tiến bộ không ngừng trên con đường giác ngộ để đạt đến Phật quả. Dù có những khác nhau trong quan niệm về Tịnh Độ sau đó, nó vẫn trở thành mục tiêu tối hậu của nguyện vọng cao nhất về tôn giáo.

Một trong những công trình có ảnh hưởng nhất về Tịnh Độ trong Phật giáo Nhật Bản là Những Điều Thiết Yếu của Vãng Sanh của nhà sư Thiên Thai Genshin, sống ở hậu bán thế kỷ thứ mười. Ngài thành lập một xã hội tôn giáo riêng biệt, gồm những thành viên từ những giai cấp cao để xúc tiến tham thiền và quán tưởng Tịnh Độ. Mục tiêu tối hậu của họ là được A Di Đà tiếp nhận vào lúc chết, đạt được sự sanh ra trên hoa sen ở Tịnh Độ và có ba mươi hai tướng tốt của bậc đại nhân. Tịnh Độ giàu có những hình ảnh tượng trưng cho trạng thái thức tỉnh hay giác ngộ : chim hót, nhạc trời, hoa đẹp, ánh sáng rực rỡ, mùi hương, suối nạm ngọc, cây có chuông treo, những nhạc cụ cõi trời trình diễn. Trong cõi này người ta được bảo đảm sống đời sống vĩnh cửu, hợp nhất với những con người và bạn bè yêu mến, nghe lời giáo huấn của Phật A Di Đà và cúng dường Phật.

Trong thời kỳ này, một nghi lễ nơi giường người chết được cử hành để bảo đảm cho sự sanh vào Tịnh Độ được phổ biến. Một bức tranh vẽ đức A Di Đà, nhìn xuống từ những đỉnh núi, được đặt trên đầu giường. Người sắp chết cầm một xâu chuỗi nối với bức ảnh tượng, để sự sanh vào Tịnh Độ được bảo đảm. Gia đình, bạn hữu và những người tín thành bao quanh, người ấy nhận được một sự gởi gắm ra khỏi thế giới sanh tử này và một sự chào đón ấm áp của A Di Đà trong Tịnh Độ.

Cái nhìn này về A Di Đà và Tịnh Độ chịu một biến đổi lớn trong thế kỷ mười hai, đặc biệt trong tư tưởng của Pháp Nhiên và Thân Loan. Chẳng hạn, sự chuyển biến dần dần đã được phản ánh trong các nghệ thuật theo thị giác. Trái với tư thế ngồi và sự tiếp nhận của A Di Đà với người chết vào Tịnh Độ, những bức tranh sau này vẽ A Di Đà đứng trên một đám mây, phóng xuống thế giới để cứu thoát tất cả chúng sanh.

Cái nhìn về sau lên đến đỉnh điểm trong sự giải thích lại một cách căn bản của Thân Loan về “Sanh trong Tịnh Độ” theo hai cách. Thứ nhất, ngài xem “sanh ra” như một đồng nghĩa với giải thoát đạt được ở đây và bây giờ, khi đang ở trong trói buộc của nghiệp. Khi người ta hoàn toàn giao phó mình cho A Di Đà, sự sanh ra đạt được “một cách tức thời ; tức thời nghĩa là không có khoảng cách nào, không có trải qua ngày giờ nào”, theo Thân Loan. Bởi vì Tịnh Độ siêu việt thời gian và không gian, nó không chỉ xuất hiện trong tương lai mà ngay trong hiện tại này.

Thứ hai, sanh ra trong Tịnh Độ nghĩa là đồng thời chứng đắc Phật Tánh. Vào lúc chết người ta thoát khỏi mọi nợ nần nghiệp báo. Đây là sự sanh ra trong Tịnh Độ, nó đồng thời với giải thoát tối hậu : đạt được Phật quả. Khác với quan điểm truyền thống cho rằng đòi hỏi một thời kỳ dài tu hành ở Tịnh Độ trước khi đạt được Phật quả, Thân Loan xác nhận sự giác ngộ vào khoảnh khắc chết nhờ công việc của đại bi.

Hơn nữa, bởi vì giác ngộ hoàn hảo được đạt đến ở Tịnh Độ, người ta lập tức trở lại sanh tử để cứu độ tất cả chúng sanh. Tự giác ngộ phụ thuộc vào sự giác ngộ của những người khác. Như thế, Tịnh Độ không phải là chỗ đến rốt chót ; nó là một trạm dừng chân trên hành trình trở lại sanh tử. Mô hình căn bản là bồ tát Đại thừa nỗ lực cho giác ngộ (đi lên) để dấn thân vào hoạt động cứu độ (đi xuống). Thân Loan gọi sự đi lên này là oso-eko, đi đến Tịnh Độ bằng thần lực được phú bẩm bằng đại bi, và ngài gọi đi xuống là genso-eko, trở lại từ Tịnh Độ bởi thần lực y hệt của đại bi.

Tịnh Độ như là một trạm nghỉ nhắc tôi nhớ lại một câu chuyện được Martin Buber kể. Vào một trong những ngày lễ Hanukkah, Rabbi Nahum thấy các đệ tử của mình chơi cờ. Họ bối rối nhưng Rabbi hỏi họ có biết luật chơi hay không. Khi không có ai trả lời, ông bảo phải giải thích trò chơi như sau. Thứ nhất là người ta không đi hai nước một lần. Thứ hai là người ta chỉ có thể tiến lên mà không lùi lại. Và thứ ba là khi người ta đã đạt đến hàng cuối cùng, người ta có thể di chuyển đi đâu tùy thích.

Điểm chánh của câu chuyện này là sự tận tụy nhất tâm là thiết yếu cho đời sống tôn giáo trước khi người ta đạt đến tự do để làm bất cứ điều gì lòng mình muốn. Những di chuyển thứ nhất và thứ hai là sự đi lên ; di chuyển thứ ba là sự đi xuống. Khi người ta đã đến mục đích, “hàng cuối cùng”, người ấy có quyền di chuyển tự do không có ngăn cấm hay giới hạn. Đã chứng ngộ tầm mức (lượng) trọn vẹn nhất của trí huệ và lòng bi nhờ “sanh trong Tịnh Độ”, người ta giờ đây được tự do để làm việc cho sự giải thoát của tất cả chúng sanh.

Mục tiêu tối hậu của một người Phật giáo Chân tông không phải là cứu độ cho cá nhân mình mà là sự giải thoát cho tất cả chúng sanh khỏi sanh tử. Kiểu mẫu là cuộc đời của đức Phật lịch sử. Theo lời của Thân Loan :

Những ai đạt đến Tịnh Độ an lạc
Trở lại thế giới ngũ trược này,
Và giống như Phật Thích Ca
Đem lại lợi lạc không cùng cho tất cả chúng sanh.

---o0o---




tải về 1.1 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương