QuyếT ĐỊnh phê duyệt Điều lệ Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Trẻ mồ côi



tải về 83.76 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích83.76 Kb.
#12901

ỦY BAN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM


TỈNH BÌNH PHƯỚC Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 1934/QĐ-UBND Bình Phước, ngày 28 tháng 9 năm 2012




QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Điều lệ Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Trẻ mồ côi

và Bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Phước



CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Căn cứ Thông tư số 11/2010/TT-BNV ngày 26/11/2010 của Bộ Nội vụ Quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Căn cứ Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù;

Căn cứ Quyết định số 922/QĐ-UBND ngày 09/5/2008 của UBND tỉnh về việc hợp nhất nguyên trạng Hội Từ thiện bảo trợ tàn tật-Trẻ mồ côi và Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Phước;

Căn cứ Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc đổi tên Hội Bảo trợ Người tàn tật, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Phước thành Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Phước;

Xét đề nghị của Ban Thường trực Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Phước tại Tờ trình số 81/TTr-HBT ngày 20/8/2012 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1287/TTr-SNV ngày 14/9/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Điều lệ Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Phước đã được Đại hội Hội Bảo trợ Người tàn tật, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Phước, khoá II, nhiệm kỳ 2011-2016 thông qua ngày 19/12/2011.

Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 2097/QĐ-UBND ngày 06/10/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Điều lệ Hội Bảo trợ Người tàn tật, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Phước.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

CHỦ TỊCH

Trương Tấn Thiệu


HỘI BẢO TRỢ NGƯỜI KHUYẾT TẬT, TRẺ MỒ CÔI VÀ BỆNH NHÂN NGHÈO TỈNH BÌNH PHƯỚC




CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc




ĐIỀU LỆ

Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo

tỉnh Bình Phước khóa II, nhiệm kỳ 2011-2016

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1934/QĐ-UBND

ngày 28/9/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước)




Chương I

TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH

Điều 1. Tên Hội

1. Tên tiếng Việt: Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Phước.

2. Tên tiếng Anh: The Association for the support of Binh Phuoc Handicapped, Orphans and Poor Patients.

3. Tên tiếng Anh viết tắt: ASBIPHOPP.



Điều 2. Tôn chỉ, mục đích của Hội

1. Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Phước (sau đây gọi tắt là Hội) là tổ chức xã hội từ thiện có tính chất đặc thù. Hội vận động sự tự nguyện chia sẻ, bảo trợ cho người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh nhằm giúp họ góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống tạo điều kiện phát huy khả năng tham gia vào các hoạt động xã hội.

2. Mục đích hoạt động của Hội là huy động mọi tiềm năng của xã hội, của các nhà hảo tâm nhằm tổ chức các hoạt động trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, tạo điều kiện để người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo có cơ hội học tập, lao động và tiếp cận với việc làm, được chữa bệnh khi ốm đau; ổn định cuộc sống và hoà nhập cộng đồng, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

3. Hội hoạt động theo quy định của Hiến pháp, pháp luật của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và theo nội dung Điều lệ này.



Điều 3. Địa vị pháp lý và trụ sở chính của Hội

1. Hội là thành viên trong hệ thống của Hội Bảo trợ người khuyết tật, Trẻ mồ côi Việt Nam và là thành viên của UBMTTQVN tỉnh Bình Phước. Biểu tượng của Hội tuân thủ theo biểu tượng của Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Trẻ mồ côi Việt Nam.

2. Hội chịu sự quản lý nhà nước của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về lĩnh vực Hội hoạt động.

3. Hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và có tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.

4. Hội hoạt động trong phạm vi địa bàn tỉnh Bình Phước.

5. Trụ sở của đặt tại: Số 50 đường Nguyễn Chí Thanh, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.



Chương II

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI

Điều 4. Chức năng của Hội

1. Tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao trách nhiệm xã hội; phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc "thương người như thể thương thân”, đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ nhau trong tình nghĩa đồng bào.

2. Hội hoạt động vì quyền và lợi ích hợp pháp của Người khuyết tật, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo. Hội tích cực vận động mọi tiềm năng của xã hội, của các nhà hảo tâm trong nước và quốc tế nhằm giúp đỡ để người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo có cơ hội vượt khó, thoát nghèo hòa nhập cộng đồng góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

3. Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo. Hội phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước động viên người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo nỗ lực vươn lên thực hiện tốt nghĩa vụ công dân.



Điều 5. Nhiệm vụ của Hội

1. Tuyên truyền, vận động các tầng xã hội phát huy truyền thống của dân tộc “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, đùm bọc, yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ những người không may bị khuyết tật có cơ hội phục hồi chức năng, có phương tiện di chuyển, có điều kiện học nghề và có việc làm phù hợp; các cháu mồ côi được học hành và trưởng thành; người nghèo mắc bệnh hiểm nghèo có điều kiện được khám chữa bệnh.

2. Phối hợp với các cơ quan chức năng của nhà nước động viên giúp đỡ để người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo có cơ sở thực hiện tốt nghĩa vụ công dân.

3. Tiếp nhận sự đóng góp của các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế xã hội, lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động, các cá nhân và tổ chức trong và ngoài tỉnh tham gia đóng góp tinh thần, vật chất để góp phần cùng nhà nước thực hiện tốt chính sách đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo trên địa bàn tỉnh.

4. Phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, các cơ sở dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật và trẻ mồ côi. Vận động xây dựng các cơ sở phục hồi chức năng cho người khuyết tật, khám chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo, giúp đỡ người bị bệnh hiểm nghèo có cơ hội chữa bệnh, tạo điều kiện để người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, đặc biệt là người đang gặp khó khăn có cơ hội được cải thiện cuộc sống và hoà nhập vối cộng đồng.

5. Đề xuất, kiến nghị với chính quyền ban hành, bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo.

6. Tập hợp, đoàn kết và động viên người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần “tự lực cánh sinh” và khả năng của mình tham gia vào lao động sản xuất, hoạt động xã hội, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước.

7. Phối hợp với các ngành chức năng tham mưu đề xuất với chính quyền tổ chức tốt việc nuôi dưỡng người khuyết tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Vận động sự đóng góp nhân đạo của toàn xã hội để góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật, trẻ mồ côi ở các Trung tâm Bảo trợ xã hội.

8. Phối hợp với các địa phương trong và ngoài tỉnh trong việc tổ chức các hoạt động nhân đạo, từ thịên đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo. Tranh thủ nguồn tài trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cho người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, tổ chức các hoạt động nhân đạo phù hợp với pháp luật Việt Nam và được sự đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh.

9. Hàng năm, Hội phải báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của Hội về UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) và Sở Lao động Thương binh và Xã hội chậm nhất vào ngày 01 tháng 12 hàng năm.

10. Trước khi tổ chức đại hội nhiệm kỳ 30 ngày, Ban Lãnh đạo Hội phải có văn bản báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) và khi thay đổi Chủ tịch, Phó Chủ tịch, thay đổi trụ sở Hội phải báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ)

11. Việc lập các pháp nhân thuộc Hội phải theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ).

12. Lập và lưu giữ tại trụ sở Hội danh sách các Hội thành viên, văn phòng đại diện và các đơn vị trực thuộc Hội (nếu có), sổ sách, chứng từ về tài sản, tài chính của Hội và biên bản các cuộc họp Ban Lãnh đạo.

13. Chấp hành sự kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc tuân thủ pháp luật.

14. Xây dựng và ban hành quy tắc đạo đức trong hoạt động của Hội.

Điều 6. Quyền hạn của Hội

1. Được tổ chức, hoạt động theo Điều lệ Hội đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

2. Được tuyên truyền mục đích của Hội và vận động các cá nhân, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp... trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, đặc biệt là những người đang gặp khó khăn có điều kiện cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.

3. Được đề xuất và kiến nghị với Đảng, Chính quyền địa phương ban hành, bổ sung, sửa đổi và thực hiện cơ chế, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo ngày một tốt hơn.

4. Được mở rộng hợp tác với các địa phương bạn, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân đạo, từ thiện, tranh thủ nguồn tài trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân cho người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo. Tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân vì lợi ích của người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo khi được sự chấp thuận của UBND tỉnh.

5. Được đại diện cho hội viên trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Hội.

6. Tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của Hội, hòa giải tranh chấp trong nội bộ Hội.

7. Phổ biến kiến thức và cung cấp thông tin cần thiết cho hội viên theo quy định của pháp luật.

8. Được tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội về lĩnh vực mà Hội hoạt động theo đề nghị của cơ quan nhà nước;

9. Được tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối về các vấn đề liên quan tới sự phát triển Hội và lĩnh vực Hội hoạt động.

10. Được gây quỹ hội trên cơ sở hội phí của các hội viên và các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật để tự trang trải về kinh phí hoạt động.

11. Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh theo quy định của pháp luật. Được nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ của nhà nước giao.



Chương III

HỘI VIÊN

Điều 7. Điều kiện trở thành hội viên

1. Hội viên chính thức: Là công dân Việt Nam có lòng nhân ái, muốn góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, hoạt động vì lợi ích của người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện xin vào Hội, được Ban Chấp hành Hội xem xét kết nạp là hội viên chính thức.

2. Hội viên danh dự: Là công dân, tổ chức Việt Nam không có điều kiện hoặc không có đủ tiêu chuẩn trở thành hội viên chính thức của Hội, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện xin vào Hội, được Hội công nhận là hội viên danh dự.

3. Hội viên danh dự được hưởng quyền và nghĩa vụ như hội viên chính thức của Hội, trừ quyền biểu quyết các vấn đề của Hội và không được bầu cử, ứng cử vào Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra Hội.



Điều 8. Quyền của hội viên

1. Được tham gia sinh hoạt tại tổ chức Hội mà mình tham gia.

2. Được ứng cử, đề cử vào cơ quan lãnh đạo của Hội, được thảo luận và biểu quyết các công việc của Hội.

3. Được hỗ trợ, giúp đỡ theo khả năng của Hội, được bảo vệ khi các quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại.

4. Được đề xuất, góp ý kiến và đề nghị Hội kiến nghị với các cơ quan hữu quan về các vấn đề mà mình quan tâm.

5. Được thiết lập và tổ chức thực hiện các chương trình nhân đạo phù hợp với chương trình nhân đạo của Hội và Điều lệ Hội.



Điều 9. Nghĩa vụ của hội viên

1. Tham gia sinh hoạt tại tổ chức của Hội ở địa phương, đơn vị mình công tác và sinh sống.

2. Chấp hành Điều lệ Hội, Nghị quyết đại hội và các quyết định khác của Hội.

3. Tham gia các hoạt động và hoàn thành tốt nhiệm vụ được Hội phân công.

4. Đoàn kết, hợp tác với các hội viên khác để cùng phấn đấu thực hiện mục đích của Hội. Tham gia đóng góp vào việc tuyên truyền, vận động và phát triển Hội.

Điều 10. Cộng tác viên và tình nguyện viên

1. Cộng tác viên là những người không phải là hội viên của Hội, thường xuyên tham gia ủng hộ hoạt động Hội và vận động ủng hộ quỹ Hội.

2. Tình nguyện viên là những người không phải là hội viên của Hội, tự nguyện tham gia các hoạt động của Hội về chăm sóc giúp đỡ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo.

3. Cộng tác viên và tình nguyện viên được Hội tạo điều kiện tham gia các hoạt động trợ giúp do Hội tổ chức và được Hội xem xét đề nghị cấp có thẩm quyền tuyên dương, khen thưởng.



Chương IV

NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Điều 11. Nguyên tắc hoạt động của Hội

1. Tự nguyện, tự quản, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

2. Đoàn kết, tương trợ và hợp tác bình đẳng.

3. Dân chủ bàn bạc và quyết định tập thể.

4. Từ thiện, nhân đạo vì cộng đồng.

5. Công khai, minh bạch.

6. Không vì mục đích lợi nhuận.

Điều 12. Tổ chức Hội

1. Đại hội đại biểu hoặc đại hội toàn thể hội viên.

2. Ban Chấp hành Hội.

3. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội.

4. Ban Kiểm tra.

5. Văn phòng Hội.

6. Các ban chuyên môn trực thuộc Hội (nếu có).

Điều 13. Đại hội của Hội

1. Đại hội toàn thể hội viên hoặc đại hội đại biểu (có quyền lực cao nhất) được tổ chức 05 năm 01 lần do Ban Chấp hành đương nhiệm triệu tập. Đại hội bầu ra cơ quan lãnh đạo là Ban Chấp hành Hội. Trường hợp cần thiết được 2/3 hội viên đề nghị có thể tổ chức đại hội giữa nhiệm kỳ.

2. Nhiệm vụ của đại hội

a) Thảo luận và thông qua báo cáo của Hội;

b) Quyết định phương hướng, nhiệm vụ, chương trình hoạt động của Hội và các tổ chức thành viên của Hội (nếu có);

c) Thông qua báo cáo tài chính Hội và Điều lệ Hội;

d) Thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của Hội;

đ) Bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra Hội nhiệm kỳ mới;

e) Thảo luận và thông qua Nghị quyết của đại hội.

3. Nguyên tắc bầu cử và biểu quyết

a) Việc bầu cử theo phương pháp biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín;

b) Đại hội biểu quyết theo nguyên tắc đa số đại biểu có mặt.

4. Điều kiện tiến hành đại hội phải có ít nhất 2/3 số đại biểu được triệu tập có mặt.

Điều 14. Cơ quan lãnh đạo của Hội

1. Ban Chấp hành Hội: Là cơ quan lãnh đạo Hội giữa hai kỳ đại hội. Ban Chấp hành do đại hội đại biểu hoặc đại hội toàn thể hội viên bầu ra và Ban Chấp hành Hội họp 06 tháng 01 lần, họp bất thường khi cần thiết (số lượng Ủy viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới của Hội do đại hội quyết định).



* Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành

a) Tổ chức thực hiện Nghị quyết của đại hội;

b) Quyết định chương trình, kế hoạch công tác, kế hoạch thu chi tài chính hàng năm;

c) Quyết định các vấn đề tổ chức Hội; Quyết định bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành Hội (số lượng bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành không quá 1/3 số Ủy viên do đại hội bầu ra);

d) Bầu ra Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội;

đ) Giám sát công việc của Ban Thường vụ, Ban Thường trực và các bộ phận trực thuộc Hội (nếu có);

e) Triệu tập đại hội hoặc hội nghị;

h) Xem xét quyết định tư cách hội viên;

2. Ban Thường vụ do Ban Chấp hành bầu ra gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và một số Ủy viên. Ban Thường vụ thay mặt Ban Chấp hành tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn mọi mặt công tác Hội thường xuyên giữa hai kỳ đại hội và chuẩn bị báo cáo kiểm điểm công tác trong các kỳ họp của Ban Chấp hành Hội, quyết định triệu tập các cuộc họp của Ban Chấp hành. Ban Thường vụ họp thường kỳ 03 tháng 01 lần, họp bất thường khi cần thiết.

Ban Thường vụ Hội hoạt động theo quy chế đã được Ban Chấp hành Hội thông qua.

3. Ban Thường trực gồm: Chủ tịch và các Phó Chủ tịch thường trực Hội. Ban Thường trực Hội chỉ đạo, điều hành hoạt động thường xuyên theo Nghị quyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và theo hướng dẫn của các cơ quan cấp trên có thẩm quyền.

Điều 15. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội

1. Chủ tịch Hội là người đại diện pháp nhân cao nhất của Hội trong các quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài tỉnh, chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành Hội và trước pháp luật về chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Hội.

* Chủ tich Hội có nhiệm vụ:

a) Đại diện pháp nhân Hội trong các hoạt động đối nội và đối ngoại.

b) Chỉ đạo thực hiện công việc giữa 2 kỳ họp của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.

c) Chủ trì các kỳ họp toàn thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội.

2. Các Phó Chủ tịch Hội là người giúp Chủ tịch Hội thực hiện theo Quy chế của Ban Chấp hành Hội; các Phó Chủ tịch Hội thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Hội, một Phó Chủ tịch thay mặt Chủ tịch điều hành công việc của Hội khi Chủ tịch đi vắng và uỷ quyền.

Điều 16. Văn phòng Hội

1. Là nơi làm việc của Ban Thường vụ, Ban Thường trực Hội và các cán bộ nhân viên chuyên trách giúp Ban Thường vụ, Ban Thường trực thực hiện các nhiệm vụ, giải quyết các công việc hành chính sự vụ hàng ngày của Hội.

2. Nhiệm vụ của Văn phòng Hội

- Đại diện và điều hành công việc thường xuyên của Hội theo yêu cầu của Ban Chấp hành và Chủ tịch Hội.

- Quản lý hồ sơ, tài liệu của Hội.

- Xây dựng các quy chế hoạt động của Văn phòng, quản lý tài chính, tài sản của Hội trình Ban Chấp hành phê duyệt.

- Định kỳ báo cáo với Chủ tịch, Ban Chấp hành về các hoạt động của Hội.

- Soạn thảo các báo cáo hàng năm, báo cáo nhiệm kỳ của Ban Chấp hành.

- Quản lý danh sách, hồ sơ và các tài liệu về các tổ chức trực thuộc Hội (nếu có) và hội viên.

- Chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành và pháp luật về các hoạt động của văn phòng Hội.



Điều 17. Các Ban chuyên môn của Hội

Các ban chuyên môn được thành lập theo Nghị quyết của Ban Thường vụ Hội và quy định của pháp luật; Ban có trưởng ban và các Phó Trưởng ban. Trưởng ban có trách nhiệm phân công nhiệm vụ trong từng thành viên.



Điều 18. Ban Kiểm tra của Hội

1. Ban Kiểm tra do Đại hội bầu ra và chịu sự lãnh đạo của Ban Chấp hành. Làm việc theo chế độ tập thể, họp 06 tháng 01 lần, khi cần thiết có thế họp bất thường.

Nhiệm kỳ của Ban Kiểm tra cùng với nhiệm kỳ của Ban Chấp hành cùng cấp.

2. Nhiệm vụ của Ban Kiểm tra

a) Giám sát việc thi hành Điều lệ của Hội cấp trên, quy chế của Hội cùng cấp và cấp dưới. Giám sát việc thi hành Nghị quyết đại hội và Nghị quyết của Ban Chấp hành;

b) Kiểm tra việc thu, chi tài chính, sử dụng tài sản của Hội và tài sản của các tổ chức trong và ngoài huyện tài trợ;

c) Xem xét và kiến nghị giải quyết, khiếu nại, tố cáo của hội viên, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của hội viên;

d) Kiểm tra việc thi hành kỷ luật của các tổ chức trực thuộc;

đ) Thực hiện sự ủy nhiệm của Ban Thường vụ và Ban Chấp hành trong việc kiểm tra các uỷ viên Ban Chấp hành cùng cấp;

e) Kiểm tra Ủy viên Ban Chấp hành cùng cấp có sai phạm có đơn thư tố cáo chỉ khi được sự ủy nhiệm của Ban Thường vụ Hội cấp đó;

f) Để giải quyết những tố cáo đối với hội viên, xử lý kịp thời sai phạm (nếu có).

Chương V

TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN CỦA HỘI

Điều 19. Tài chính của Hội

1. Các nguồn thu của Hội

a) Thu từ các tổ chức trực thuộc Hội (nếu có);

b) Từ ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của pháp luật (nếu có);

c) Hội phí do hội viên đóng;

d) Đóng góp, ủng hộ của hội viên, các thành viên;

đ) Thu từ hoạt động vận động quyên góp, gây quỹ hợp pháp của Hội theo quy định của pháp luật;

e) Tiền và hiện vật ủng hộ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài huyện theo quy định của pháp luật (nếu có).

2. Các khoản chi của Hội

a) Chủ yếu chi cho các hoạt động trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo; trợ giúp khó khăn đột xuất khám chữa bệnh, học nghề, tạo việc làm, học văn hoá, phục hồi chức năng cho người khuyết tật;

b) Chi cho công tác tuyên truyền;

c) Chi cho các hoạt động của Hội;

d) Chi khen thưởng cho những hội viên có nhiều đóng góp trong công tác Hội.

Điều 20. Tài sản của Hội

1. Trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho hoạt động của Hội; tài sản thuộc các chương trình nhân đạo do các tổ chức, cá nhân tài trợ;

2. Tài chính, tài sản của cấp Hội nào do Hội cấp đó tự quản, phải đảm bảo công khai, được quản lý sử dụng đúng mục đích. Do Ban Chấp hành Hội quyết định nhưng phải phù hợp với quy định của nhà nước và chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan tài chính.

Chương VI
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT


Điều 21. Khen thưởng

Tổ chức Hội, cán bộ, hội viên cộng tác viên, tình nguyện viên, Hội viên danh dự, tập thể, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp cho Hội được Hội xem xét đề nghị các cấp khen thưởng. Chế độ khen thưởng được thực hiện theo quy định của pháp luật.



Điều 22. Kỷ luật

Tổ chức Hội, cán bộ và các hội viên vi phạm Điều lệ, Nghị quyết của Hội hoặc làm tổn hại đến uy tín, danh dự, tài sản, tài chính của Hội thì tùy theo mức độ sai phạm có thể bị phê bình, cảnh cáo, không công nhận là hội viên hoặc bị truy cứu trách nhiệm theo pháp luật.



Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ

Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Phải được Đại hội nhất trí thông qua và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt mới có hiệu lực thi hành.



Điều 24. Hiệu lực thi hành

1. Những vấn đề liên quan đến hoạt động của Hội chưa được quy định trong Điều lệ này thì được căn cứ vào những quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Thông tư số 11/2010/TT-BNV ngày 26/11/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ và các văn bản pháp luật khác hướng dẫn thi hành.

2. Bản Điều lệ này đã được Đại hội khoá II, nhiệm kỳ 2011-2016 Hội Bảo trợ Người tàn tật, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Phước thông qua ngày 19/12/2011 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

3. Bản Điều lệ này không còn hiệu lực khi Hội ngừng hoạt động hoặc giải thể.



4. Chủ tịch Hội có trách nhiệm tổ chức triển khai nội dung bản Điều lệ này đến tất cả hội viên của Hội./.




Каталог: vbpq binhphuoc.nsf -> 4b438b320dbf1cda4725719a0012432c
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> V/v thành lập Ban chỉ đạo xây dựng bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2014
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh bình phưỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh bình phưỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Số: 1019/QĐ-ubnd bình Phước, ngày 21 tháng 5 năm 2012
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh bình phưỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh bình phưỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc Phương án bỒi thưỜng, hỖ trỢ và tái đỊnh cư TỔng thể
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh bình phưỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Soá 1040 ngaøy 16/6/2006 cuûa ubnd tænh veà vieäc
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh bình phưỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
4b438b320dbf1cda4725719a0012432c -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh bình phưỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 83.76 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương