QUẢng ninh 50 NĂm xây dựng và phát triểN” I. ĐIỀu kiện tự nhiêN, XÃ HỘI; khái quát lịch sử HÌnh thành và phát triểN


IV. CHI BỘ CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN Ở QUẢNG NINH, CÁC KỲ ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH



tải về 0.61 Mb.
trang3/5
Chuyển đổi dữ liệu08.06.2018
Kích0.61 Mb.
#39736
1   2   3   4   5

IV. CHI BỘ CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN Ở QUẢNG NINH, CÁC KỲ ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH

1. Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Quảng Ninh

Khu mỏ Hồng Gai – Cẩm Phả - Đông Triều – Uông Bí là khu công nghiệp lớn, có đội ngũ công nhân đông đảo, sớm tập trung của vùng Đông Bắc nước ta. Đây là một trong những nơi được Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đặc biệt chú ý.

Cuối năm 1928 đến đầu năm 1929, Hội đã phái nhiều hội viên là những thanh niên trí thức, tiểu tư sản đến khu mỏ “vô sản hóa” nhằm: xâm nhập giai cấp công nhân để tự rèn luyện mình thành người vô sản, vừa phát động phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân chống ách áp bức bóc lột của bọn thực dân Pháp, bọn tư bản chủ mỏ.

Đồng chí Nguyễn Văn Lịch (tức Mẫn) là hội viên thanh niên đầu tiên (theo giới thiệu của đồng chí Hạ Bá Cang, từ Hải Phòng) tới Mạo Khê “vô sản hóa”. Đồng chí đã xin vào làm kho ở nhà máy cơ khí.

Tại đây đồng chí vừa làm việc vừa tuyên truyền giác ngộ công nhân, anh phân tích cuộc sống khổ cực của người thợ, vạch rõ nguyên nhân gây ra nỗi khổ ấy là: Bọn đế quốc phong kiến mà trực tiếp là bọn thực dân chủ mỏ cai thầu. Muốn thoát khỏi cuốc sống khổ cực ấy, mọi người phải đoàn kết lại làm cách mạng.

Để mọi người dễ hiểu và thu hút hội viên ngày một đông hơn, đồng chí Nguyễn Văn Lịch đề nghị giải thể “Long thương đoàn”, Hội tương tế đổi thành “Hội ái hữu”.

Tháng 3 năm 1929, đồng chí Nguyễn Văn Lịch cùng với một số đồng chí khác về “vô sản hóa” ở Mạo Khê thành lập một chi bộ thanh niên, nòng cốt là những thành viên tích cực của “Hội ái hữu” gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Lịch, Đinh Tiến Toán, Bùi Văn Mạo, Vũ Huy Sán (tức Thảo), đồng chí Khoáng và đồng chí Tước.

Vừa ra đời, chi bộ thanh niên ở Mạo Khê đã vận động công nhân quyên góp tiền ủng hộ cuộc đấu tranh cảu công nhân xưởng A-vi-a ở Hà Nội (nổ ra ngày 28-5-1929).

Chi bộ Thanh niên ở Mạo Khê vừa ra đời được 3 tháng thì Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội giải tán.

Ngày 17-6-1929, Đông Dương cộng sản Đảng được thành lập gây ảnh hưởng trực tiếp đến phong trào cách mạng Khu mỏ. Cuối tháng 7-1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đông Dương cộng sản Đảng trực tiếp phụ trách Hải Phòng đã cử đồng chí Đỗ Huy Liêm ra khu mỏ truyền đạt chủ trương của Đông Dương cộng sản là giải tán các tổ chức thanh niên, thành lập các chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng. Về đến Khu mỏ, đồng chí Đỗ Huy Liêm đã triệu tập Hội nghị cán bộ, hội viên thanh niên tại Cẩm Phả - Cửa Ông truyền đạt chủ trương đó.

Cuối năm 1929, Trần Văn Trí (tức Liên, tức Trí chuột) đã về Mạo Khê lập chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng, số Đảng viên gồm có: Trần Văn Trí, Ngô Đình Mẫn, Đinh Tiến Toán, Bùi Văn Mạo, Bùi Đức Giao, Trần Văn Tước, Nguyễn Huy Sán (tức Thảo) do Trần Văn Trí làm bí thư.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của phong trào công nhân cả nước, ngày 27/7/1929 Hội nghị đại biểu Công hội đỏ Bắc Kỳ đã diễn ra tại số nhà 15 phố Hàng Nón – Hà Nội. Hội nghị quyết định thành lập Công hội đỏ ở Bắc Kỳ, đồng chí Nguyễn Huy Sán ở Mạo Khê thay mặt cho đội ngũ công nhân khu mỏ về dự. Đồng chí được hội nghị bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Tổng công hội Bắc Kỳ.


Sau khi thành lập, tổng công hội đỏ Bắc Kỳ, nhiều cán bộ đã được cử về vô sản hóa ở mỏ than Mạo Khê.

Cuối tháng 9-1929, đồng chí Nguyễn Văn Cừ (tức Phùng Ngọc Tường) với tư cách là phái viên của Trung ương Đông Dương cộng sản đảng tới Mạo Khê trực tiếp lao động và gây dựng cơ sở cách mạng. Mặc dù lao động nặng nhọc, lại bị bệnh sốt rét hoành hành, nhưng đồng chí “vẫn tranh thủ những giờ nghỉ để gần gũi tâm tình với anh em công nhân, chùa Non Đông là nơi đồng chí và anh em công nhân thường bí mật gặp gỡ bàn bạc công việc hàng ngày ”.


Đồng chí Bùi Văn Mạo tranh thủ mọi thời gian mở lớp học văn hóa buổi tối ở phố Mạo Khê cho anh chị em công nhân, dạy những hội viên chưa biết chữ ngay trong khi làm việc trong lò.

Bằng nhiều hình thức hoạt động, gần gũi anh chị em công nhân để giác ngộ, vận động họ trên đường đấu tranh cách mạng, nhiều người đã gia nhập Hội, cuối năm 1929, số hội viên “Hội ái hữu”đã tăng lên hơn 100 người, trong đó có 15 hội viên là nữ.

Phong trào công nhân phát triển khá nhanh, chi bộ quyết định thành lập “Công hội đỏ” ở Mạo Khê mà thành viên là “những công nhân có tinh thần đấu tranh và giác ngộ cách mạng”, “Hội ái hữu”, chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng và công hội đỏ ở Mạo Khê là tổ chức hoạt động mạnh nhất trong những năm 1929-1930.

Thực hiện chủ trương của Tổng công hội đỏ Bắc Kỳ lãnh đạo công nhân cả nước đấu tranh trong dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng mười Nga vĩ đại, ngày 7 tháng 11 năm 1929, chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở Mạo Khê đã kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga với sự chuẩn bị kỹ lưỡng chu đáo và hình thức phong phú sinh động. Chi bộ đã phân công bố trí các tổ chức với nhiệm vụ: treo cờ đỏ, rải truyền đơn ở từng khu vực từ đêm hôm 6-11.

Khoảng 3 giờ sáng ngày 7-11 lúc anh em thợ lò Hạ Chiểu bắt đầu qua phố Mạo Khê đi làm, đồng chí Đinh Tiến Toán và đồng chí Khoáng đóng giả người phu cuốc lò rải truyền đơn ở cổng Nhà máy cơ khí, cửa lò và những nơi thợ hay ngồi nghỉ…

Chiều 7-11-1929 (lúc tan tầm), đồng chí Bùi Văn Mạo đã lái đầu tầu xe lửa số 4 có cắm cờ đỏ chạy từ nhà ga ra cảng Bến Cân, và chạy ngược lại, giữa lúc anh em thợ mỏ đang ra về.

Đợt đấu tranh mang hình thức mới, với nội dung mới, đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, tình cảm, ý chí, nguyện vọng và nâng cao tầm suy nghĩ của anh em thợ thuyền “làm cho anh em thợ ngoài tổ chức nửa kinh ngạc, nửa thì vui mừng, còn chủ mỏ, cai sếp, mật thám thì bàng hoàng kinh sợ”; “ai ai cũng thấy trong lòng rạo rực khác thường” “còn bọn chủ mỏ tay sai thì không dám hằn học dọa dẫm như mọi ngày”.

Đây là lần đầu tiên ở Mạo Khê, tổ chức kỷ niệm Cách mạng Tháng mười Nga: “Không những làm cho ảnh hưởng của Đông Dương cộng sản Đảng thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân lao động, mà còn là một dịp làm cho công nhân mỏ và quần chúng lao động hiểu hơn nữa về Cách mạng Tháng Mười”.

Sự ra đời của chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng, Công hội đỏ và cuộc đấu tranh kỷ niệm Cách mạng Tháng mười Nga (7-11-1929) ở Mạo Khê đánh dấu sự chuyển biến lớn về chất trong phong trào công nhân, khi có lý luận cách mạng là chủ nghĩa Mác-Lênin soi đường. Đội ngũ công nhân mỏ Mạo Khê từ đấu tranh tự phát đã chuyển thành tự giác, từ tự mình đấu tranh trở thành đấu tranh cho đội ngũ mình. Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng là cơ sở cho một tổ chức cách mạng lớn hơn ra đời, gánh vác nhiệm vụ lịch sử của dân tộc và giai cấp.

Sau ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng mười Nga (7-11-1929) của chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở Cẩm Phả - Cửa Ông, đồng chí Đặng Châu Tuệ và Vũ Thị Mai bị lộ phải rời Cẩm Phả - Cửa Ông đến Mạo Khê hoạt động.


Đồng chí Đặng Châu Tuệ vào làm công nhân đào than tại lò Pi-o (Non Đông ngày nay) sau đó chuyển sang làm thợ chống lò ở Vạn Lợi (tức Văn Lôi ngày nay). Đồng chí Vũ Thị Mai vào làm việc và vận động công nhân trong lò gây cảm tình, giúp đỡ, bắt rễ gợi khổ, khơi gợi căm thù, tuyên truyền đường lối cứu nước nhà của Đảng cho anh chị em.

Đồng chí Đặng Châu Tuệ và Vũ Thị Mai đã cùng với chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở Mạo Khê phát hành báo “Than” (do đồng chí Đặng Châu Tuệ và Vũ Thị Mai in ấn), góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở Mạo Khê phát triển nhanh từ tự phát sang tự giác.

Sự phát triển của phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta đòi hỏi phải có sự lãnh đạo thống nhất thì mới đảm bảo cho cách mạng thành công. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đại diện cho quốc tế cộng sản đã triệu tập Hội nghị đại biểu của 3 tổ chức cộng sản: Đông Dương cộng sản Đảng (ở Bắc Kỳ), An Nam cộng sản Đảng (ở Nam Kỳ), Đông Dương cộng sản liên đoàn (ở Trung Kỳ), thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.

Trước khi đi dự hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã cử đồng chí Nguyễn Văn Cừ trở lại mỏ Mạo Khê, chuẩn bị điều kiện thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng nước ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng.

Một ngày cuối tháng 2-1930, đã diễn ra Hội nghị thành lập chi bộ Đảng Cộng sản ở Mạo Khê, tại căn nhà nhỏ đơn sơ hẻo lánh, cạnh xóm thợ, phía nam của mỏ (nay thuộc xóm Dân Chủ - thị trấn Mạo Khê), đồng chí Phùng (tức Nguyễn Văn Cừ) phụ trách Khu mỏ, giới thiệu đồng chí Trọng (tức Nguyễn Đức Cảnh) thay mặt Đảng công nhận từng đồng chí vào Đảng. Có đồng chí đã khóc vì cảm động và sung sướng được trở thành đảng viên của Đảng. Chi bộ gồm có 5 đồng chí: Đặng Châu Tuệ, Vũ Thị Mai, Bùi Đức Giao, Nguyễn Huy Sán, Bùi Văn Mạo. Đồng chí Đặng Châu Tuệ được chỉ định làm bí thư chi bộ.

Trong Hội nghị này, chi bộ đã thảo luận và quyết định một số nhiệm vụ trước mắt là: đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng, gây cơ sở ở nơi yết hầu của địch, phát động phong trào đấu tranh để mở rộng ảnh hưởng của Đảng.

Mặc dù trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, hội nghị thành lập chi bộ Đảng ở Mạo Khê được tổ chức đúng thủ tục và nguyên tắc của Đảng. Đây là chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Khu mỏ Quảng Ninh. Nó mở ra một bước ngoặt quan trọng cho phong trào công nhân tại Khu mỏ.

2. Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh - từ Đại hội đến Đại hội

2.1. Các Đại hội trước thời kỳ đổi mới

* Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ nhất (nhiệm kỳ 1969 - 1971): Từ ngày 02 đến ngày 06 tháng 10 năm 1969, tại Hội trường Giao Tế - Bãi Cháy - Thị xã Hòn Gai, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ nhất được khai mạc.

Dự Đại hội có 274 đại biểu chính thức, 13 đại biểu dự khuyết, đến từ 44 Đảng bộ trực thuộc trong toàn tỉnh. Đại hội còn có 29 đại biểu dự thính.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 34 ủy viên, trong đó có 32 ủy viên chính thức và 02 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Đức Tâm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí Nguyễn Ngọc Đàm, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Hải được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ II (nhiệm kỳ 1971 - 1974): Từ ngày 26 đến ngày 31 tháng 12 năm 1971, tại Hội trường Giao Tế - Bãi Cháy - Thị xã Hòn Gai đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ II.

Dự Đại hội có 296 đại biểu, trong đó 271 đại biểu chính thức, 25 đại biểu dự khuyết thay mặt cho 27.870 đảng viên trong tỉnh, tiêu biểu cho sự tập trung trí tuệ và tinh thần đấu tranh anh dũng, lao động cần cù, sáng tạo của Đảng bộ.

Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa mới gồm 35 ủy viên, trong đó 33 ủy viên chính thức và 02 ủy viên dự khuyết. Ban Thường vụ gồm 9 đồng chí, đồng chí Nguyễn Đức Tâm tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Nguyễn Ngọc Đàm, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Hải được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ III (Nhiệm kỳ 1974 - 1976): Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ III diễn ra từ ngày 11 đến ngày 15-01-1974 tại Hội trường Giao Tế - Bãi Cháy - Thị xã Hòn Gai.

Dự Đại hội có 286 đại biểu, trong đó có 260 đại biểu chính thức, 26 đại biểu dự khuyết.

Đại hội bầu ủy viên Ban Chấp hành khóa III gồm 40 đồng chí, trong đó có 32 ủy viên chính thức và 8 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Đức Tâm tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Ngọc Đàm, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Hải được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.



* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV (1976): Từ ngày 27 đến ngày 30 tháng 4 năm 1976, tại Hội trường Giao Tế - Bãi Cháy - thị xã Hòn Gai, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV được khai mạc.

Dự Đại hội có 316 đồng chí (trong đó có 287 đại biểu chính thức và 29 đại biểu dự khuyết), thay mặt cho 27 nghìn đảng viên và 34 Đảng bộ trực thuộc tỉnh.

Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa IV gồm 39 đồng chí (trong đó 33 ủy viên chính thức và 6 ủy viên dự khuyết).

Đồng chí Nguyễn Đức Tâm tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí Nguyễn Ngọc Đàm, đồng chí Nguyễn Thi được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

* Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ V vòng I (1976-1977): Từ này 14 đến ngày 22 tháng 11 năm 1976, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V (vòng I) diễn ra tại thị xã Hòn Gai.

Đại hội bầu 25 đại biểu thay mặt Đảng bộ tỉnh đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, trong đó có 6 đồng chí được Trung ương Đảng cử về dự Đại hội và ứng cử đại biểu đi dự Đại hội lần thứ IV của Đảng đã trúng cử với số phiếu cao.



* Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ V vòng II (1977-1980): Ngày 20 tháng 4 năm 1977, Đại hội đại biểu toàn tỉnh lần thứ V (vòng (II) diễn ra tại Hội trường Giao tế - Bãi Cháy - thị xã Hòn Gai. Đây là Đại hội mở đầu giai đoạn cách mạng mới nhằm xây dựng Quảng Ninh thành tỉnh giàu mạnh theo tinh thần nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng. Dự Đại hội có 500 đại biểu các huyện, thị, Đảng bộ trực thuộc tỉnh.

Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa V gồm 39 đồng chí trong đó 37 đồng chí ủy viên chính thức và 2 đồng chí là ủy viện dự khuyết.

Sau Đại hội, ngày 26 tháng 4 năm 1977, Ban Chấp hành mới của Đảng bộ tỉnh khóa V đã họp phiên đầu tiên cử ra Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư, các Phó Bí thư...

Đồng chí Nguyễn Đức Tâm tiếp tục được bầu làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Ngọc Đàm, Nguyễn Thi được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ VI (1980 - 1982): Từ ngày 12 đến ngày 15-5-1980, tại Hội trường Giao Tế - Bãi Cháy - thị xã Hòn Gai, diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ VI.

Dự Đại hội có 313 đại biểu (trong đó có 301 đại biểu chính thức và 12 đại biểu dự khuyết).

Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa VI gồm 43 đồng chí (trong đó 41 đồng chí ủy viên chính thức và 2 đồng chí ủy viên dự khuyết).

Đồng chí Nguyễn Đức Tâm tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Hoành, Nguyễn Thi được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ VII vòng I (1982-1983): Từ ngày 8 đến ngày 15 tháng 1 năm 1982, Tại Hội trường Khách sạn Vườn Đào - Bãi Cháy - thị xã Hòn Gai, diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ VII (vòng I).

Tham dự Đại hội có 352 đại biểu, của 14 huyện, thị, đảng bộ trực thuộc, thay mặt cho gần 3 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Đại hội thống nhất bầu 22 đại biểu đại diện cho Đảng bộ tỉnh đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V.

* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ VII vòng II (1983 - 1986): Từ ngày 12 đến ngày 16-11-1983, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ VII (vòng II) diễn ra tại Khách sạn Vườn Đào - Bãi Cháy - thị xã Hòn Gai. Dự Đại hội có 373 đại biểu (trong đó có 346 đại biểu chính thức và 27 đại biểu dự khuyết).

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VII gồm 45 đồng chí (trong đó 43 đồng chí ủy viên chính thức và 02 đồng chí ủy viên dự khuyết). Đồng chí Lê Đại được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Hoành, đồng chí Nguyễn Văn Vấn được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

2.2. Các Đại hội thời kỳ đổi mới

* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ VIII (nhiệm kỳ 1986 - 1991): Từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 10 năm 1986, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ VIII diễn ra tại Nhà văn hóa hữu nghị Việt - Nhật và Hội trường Khách sạn Vườn Đào - Bãi Cháy, thị xã Hòn Gai.

Dự Đại hội có 489 đồng chí (trong đó có 450 đại biểu chính thức và 39 đại biểu dự khuyết), thay mặt cho gần 4 vạn đảng viên toàn Đảng bộ.

Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa VIII gồm 57 ủy viên (trong đó 45 ủy viên chính thức và 12 ủy viên dự khuyết); Đại hội bầu 27 đại biểu đại diện cho Đảng bộ tỉnh đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Đồng chí Lê Đại được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Nguyễn Bình Giang, Đỗ Quang Trung được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ IX vòng I (1991): Thực hiện Chỉ thị 59 và Chỉ thị 65 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về mở Đại hội các cấp và tổ chức góp ý kiến vào các Dự thảo Văn kiện Đại hội VII của Đảng, từ ngày 22 đến ngày 25-4-1991, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ IX (vòng I) diễn ra tại Hội trường Khách sạn Vườn Đào - Bãi Cháy - thị xã Hòn Gai.

Về dự Đại hội có 400 đại biểu thay mặt trên 4 vạn đảng viên toàn Đảng bộ. Đại hội bầu 25 đại biểu chính thức và 01 đại biểu dự khuyết thay mặt Đảng bộ tỉnh dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng.

* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ IX vòng II (1991-1996): Từ ngày 22 đến ngày 26 tháng 10 năm 1991, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần IX (vòng II) diễn ra tại Hội trường Khách sạn Vườn Đào - Bãi Cháy - thị xã Hòn Gai.

Dự Đại hội có 399 đại biểu của các Đảng bộ huyện, thị xã và các Đảng bộ trực thuộc tỉnh.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX gồm 45 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Bình Giang được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trần Ngọc Thụ, đồng chí Đỗ Quang Trung được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ X (nhiệm kỳ 1996- 2001): Từ ngày 7 đến ngày 10 tháng 5 năm 1996, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X diễn ra tại Hội trường Nhà khách Ủy ban nhân dân tỉnh. Tham dự Đại hội có 350 đại biểu thay mặt cho 4,2 vạn đảng viên đã về dự (trong đó 48 đồng chí là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX).

Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa X gồm 47 đồng chí và bầu 17 đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII.

Đồng chí Nguyễn Bình Giang tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trần Ngọc Thụ, đồng chí Hà Văn Hiền được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2001- 2005): Từ ngày 10 đến 12 tháng 1 năm 2001, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XI diễn ra tại Hội trường Nhà khách UBND tỉnh (thành phố Hạ Long). Tham dự Đại hội có 350 đại biểu (trong đó có 41 đại biểu đương nhiên), 309 đại biểu được bầu ra từ Đại hội các Đảng bộ trực thuộc, đại diện cho hơn 5 vạn đảng viện toàn Đảng bộ.

Đại hội bầu đoàn đại biểu gồm 16 chính thức và 02 dự khuyết đại diện cho toàn Đảng bộ đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX. Bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI gồm 46 đồng chí. Tại phiên họp thứ nhất Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm 13 đồng chí, Đồng chí Hà Văn Hiền được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Văn Quynh được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII (nhiệm kỳ 2005- 2010): Từ ngày 01 đến ngày 04 tháng 11 năm 2005, tại Trung tâm Tổ chức Hội nghị tỉnh đã diễn ta Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII. Sau phiên họp trù bị, chiều ngày 01 tháng 11 năm 2005, đúng 8h ngày 02 tháng 11 năm 2005, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã long trọng khai mạc. Dự Đại hội có 299 đại biểu chính thức, đại diện cho trên 6,1 vạn đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tinh khóa XII gồm 49 đồng chí; Bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X gồm 16 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết. Tại phiên họp thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII, đã bầu ra 13 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Văn Quynh tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Vũ Nguyên Nhiệm được bầu làm phó Bí thư Tỉnh ủy.

* Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2010-2015): Từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 9 năm 2010, tại Trung tâm Tổ chức hội nghị tỉnh đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIII. Dự đại hội có 350 đại biểu, thay mặt cho 7,1 vạn đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khoá XIII gồm 55 đồng chí; bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Tại phiên họp thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIII đã bầu 15 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Đồng chí Vũ Đức Đam tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ, các đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Nguyễn Văn Đọc, Nguyễn Đức Long được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ. Tháng 8 năm 2011, đồng chí Phạm Minh Chính được Trung ương điều động về làm Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Vũ Đức Đam chuyển công tác về Trung ương.

V. NHỮNG LẦN BÁC HỒ VỀ THĂM QUẢNG NINH

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới. Bác đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại cơm no, áo ấm cho nhân dân Việt Nam. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn quan tâm đến công nhân và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, Bác Hồ đã 09 lần về thăm Quảng Ninh.



Lần thứ nhất

Lần đầu Bác Hồ đặt chân đến đất Quảng Ninh và vịnh Hạ Long là ngày 24/3/1946, khi chiếc thuỷ phi cơ Ca-ta-li-na của Pháp đón Bác từ Gia Lâm bay đến vịnh Hạ Long, hạ cánh lúc 10 giờ sáng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Chiếc Ca-ta-li-na đáp nhẹ nhàng xuống mặt biển. Viên Đô đốc Cao uỷ cùng với Lơ-cơ-léc đã đứng đợi trên tuần dương hạm E-min Béc-tanh.

Cuộc đón tiếp diễn ra long trọng.

Những loạt súng chào nổ vang. Chủ khách bắt tay nhau. Đác-giăng-li-ơ giới thiệu những quan khách ra đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác giới thiệu những người đi theo. Chiếc chiến hạm mở máy ra khơi. Một tiệc rượu được tổ chức trên tàu. Viên đô đốc nâng cốc nói:

- Cuộc hội kiến này là một cuộc hội kiến đầu tiên để thắt chặt tình thân thiện giữa nước Pháp và nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Tôi xin chúc mừng sức khoẻ của Chủ tịch và chúc nước Việt Nam cường thịnh.

Đác-giang-li-ơ nhấn mạnh đây là cuộc hội kiến đầu tiên. Y cố tự ý cho mình là người thay mặt nước Pháp tại Đông Dương, chứ không phải là Lơ-cơ-léc, người đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội.

Đáp lời viên đô đốc, Bác nói thẳng thắn:

- Sở dĩ có cuộc hội kiến này cũng là vì có ngày 6/3/1946. Về phần chính phủ Việt Nam, chúng tôi đã thi hành đúng bản Hiệp định sơ bộ rồi. Còn về phần nước Pháp, chúng tôi mong ngài cũng nên thành thực để đi đến thể hiện tình thân thiện giữa nước Việt Nam và nước Pháp.

Đác-giăng-li-ơ mời chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt hạm đội. Chiếc chiến hạm chạy lần lượt tới trước những con tàu có nhiều khẩu pháo lớn ghếch nòng đứng sắp thành hàng dài trên mặt biển. Sau đó, nó bắt đầu thả neo. Chủ tịch Hồ Chí Minh buông quai mũ, đứng cùng Đác-giăng-li-ơ trên boong duyệt hạm đội Pháp. Thuỷ thủ Pháp hô vang chào mừng vị Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Trên máy bay trở về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với Xa-lăng:

- Nếu đô đốc muốn đem tàu bè ra để lung lạc tôi thì ông ta đã lầm to. Những tàu đó không thể nào đi ngược các dòng sông của chúng tôi.



Lần thứ hai

Cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ giành thắng lợi. Từ ngày 03 đến ngày 05 tháng 10/1957, Bác Hồ về thăm khu Hồng Quảng, thăm vịnh Hạ Long. Ngày 4/10/1957, nhân dân thị xã Hồng Gai họp mít tinh mừng đón Bác, nghe Bác nói chuyện.

Bác khen các tầng lớp nhân dân vùng mỏ đoàn kết chặt chẽ, rất cố gắng khắc phục khó khăn khôi phục đời sống, khôi phục và phát triển kinh tế. Bác răn dạy cán bộ, đảng viên những điều chí lí: “cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng ăn trên ngồi chốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải cần kiệm liêm chính. Muốn thế phải gần gũi nhân dân, khuyến khích nhân dân, lãnh đạo nhân dân”.

Về Quảng Ninh lần ấy, Bác đã đi thăm nhiều cảnh đẹp của vịnh Hạ Long. Chiếc ca-nô đưa Bác từ Bãi Cháy qua hang Đầu Gỗ, Bồ Nâu rồi đến Cửa Giữa. Ca-nô dừng lại ở vũng Nam Hoa, bên doi cát trắng mịn hình trăng lưỡi liềm. Bác bước xuống doi cát, dừng lại giây lát, ngắm đảo nói chung quanh. Sau đó, Bác cùng một số đồng chí trong đoàn tắm biển và tắm nắng ở doi cát.

Ngày thứ hai, Bác vào thăm hang Đầu Gỗ. Từ chân đảo đến cửa hang phải leo lên 90 bậc. Bác nhanh nhẹn đi qua 90 bậc đó. Đến cửa hang, Bác bảo những người cùng đi:

- Các chú phải là người vãn cảnh như Bác, thế mới vui! Cảnh đẹp một người không thể truyền đạt lại cho nhiều người. Tất cả các chú phải cùng Bác thưởng thức.

Ngày thứ ba, ca-nô đưa Bác đến các đảo: Ẵm Em, rồi đến Hòn Đũa, Vũng Đục... Đến đảo Rều, Bác xuống tắm ở bãi cát dưới chân đảo này. Bác nghỉ trên một tấm ván đặt ngang qua con suối cạn, dưới giàn cây gia mắt mèo.

Bác tiếp tục đến thăm lạch Ông Cụ. Ở đấy, có một hòn núi đá rất giống ông cụ ngồi trầm ngâm trên mặt nước. Bác ngồi bên hòn núi đá ngắm trời nước.

Ca-nô còn đưa Bác đi theo lạch Gà Chọi, qua núi Hang Gà, ghé vào bãi Ghềnh Rú. Ở đây có hang Trống. Hang có hai cửa đối diện nhau qua một vách đá dẹt và không cao. Từ cửa hang bên này, nhìn qua hang, thấy cửa hang bên kia. Âm thanh của biển dội vào trong hang nghe thùng thùng như tiếng trống. Ca-nô dừng lại trước cửa hang Trống một lúc để Bác ngắm cảnh. Rồi tiếp tục di sâu vào trung tâm vịnh. Gần đến vũng Tàu Đắm, một lạch hẹp nằm giữa hai triền núi đá, Bác bảo neo thuyền ở đấy để đi câu cá.

Từ chỗ Bác ngồi câu cá nhìn ra là vũng biển khá rộng. Phía bắc vũng này là Hòn Rồng, phía Tây là quần đảo Long Châu. Chính trên vùng biển này, vào ngày 24/3/1946, Bác đã hội đàm với Cao uỷ Pháp Đác-giăng-li-ơ để xúc tiến việc ký một hiệp định chính thức giữa ta và Pháp mà trong Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 hai bên đã thoả thuận (6).



Lần thứ ba

Từ ngày 29 đến ngày 31 tháng 3 năm 1959, Bác Hồ về thăm và làm việc với Khu Hồng Quảng.

Ngày 29-3-1959, buổi sáng, Bác thăm Sở Chỉ huy Trung đoàn 244 tại Bãi Cháy (có tài liệu nói Bác thăm trường huấn luyện Hải quân), sau đó Bác đi thăm vùng biển bằng thuyền.

Ngày 30-3-1959, buổi sáng Bác đi thăm ngư dân, Người cùng đánh cá với ngư dân và nghỉ trưa trên đảo Hòn Rều. Buổi chiều ngày 30-3-1959, Bác đi thăm công trường khai thác than mỏ Đèo Nai (Cẩm Phả). Tại buổi nói chuyện với cán bộ, công nhân mỏ Đèo Nai, Bác nói: “Than vùng mỏ vào loại tốt nhất của thế giới. Cảnh của Vùng mỏ vào loại kỳ quan của loài người. Các chú phải làm than cho tốt!”. Bác cũng ân cần nhắc nhở: “Chất lượng than khai thác còn kém, than cục chưa đảm bảo đúng tỷ lệ quy định; công tác bảo hộ lao động yếu”.

Bác nói: “Cán bộ có cố gắng, nhưng chưa đầy đủ và còn một số cán bộ quan liêu, mệnh lệnh, cần phải gần gũi giúp đỡ công nhân sản xuất. Công nhân và cán bộ đoàn kết thành một khối thì việc gì cũng làm được”.

Ngày 31-3-1959, Bác cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng đến quân cảng Bãi Cháy, lên tàu Hải quân, đi thăm trận địa pháo của đại đội pháo 34 trên đảo Hòn Rồng.



Lần thứ tư

Từ ngày 19 đến ngày 20 tháng 2 năm 1960. Lần này, Bác về thăm đồng bào các dân tộc tỉnh Hải Ninh.

Trong thời gian thăm và làm việc tại Hải Ninh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm Hợp tác xã nông nghiệp Soáy Nguồn, lâm trường Đoan Tĩnh, Trường Thanh niên Cờ Đỏ, Trường cấp I, II Móng Cái. Người qua cầu Hữu Nghị Bắc Luân, ngắm nhìn phố Đông Hưng và ghé thăm một trường học của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa bên bờ sông biên giới.

Trong buổi nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Hải Ninh tại Móng Cái sáng ngày 20-2-1960, Bác nói chuyện với đồng bào về hai nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân ta trong giai đoạn ấy là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Bác nhấn mạnh: Xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công thì đấu tranh thống nhất nước nhà nhất định thắng lợi.

Khen ngợi đồng bào, bộ đội và các cháu thiếu niên học sinh trong tỉnh có phong trào lao động xã hội chủ nghĩa khá.

Cuối cùng Bác nói: “Tỉnh Hải Ninh có dân tộc, đã có sẵn truyền thống đoàn kết, nay càng đoàn kết hơn nữa. Đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, đoàn kết Việt-Trung. Đoàn kết là sức mạnh, có sức mạnh đoàn kết thì việc gì cũng thành”.



Lần thứ năm

Trong hai ngày 08, và 09 tháng 5 năm 1961, Bác Hồ về thăm Móng Cái, Tiên Yên và đảo Cô Tô của tỉnh Hải Ninh.

Sáng ngày 8-5-1961, Bác thăm trung đoàn 248 tại Tiên Yên. Buổi chiều, Bác về Trà Cổ, Bác kéo lưới với ngư dân trên bãi biển.

Ngày 09 tháng 5 năm 1961. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thăm đảo Cô Tô, một hòn đảo xa đất liền. Bác đã đến nhiều xóm trên đảo, thăm các đơn vị bộ đội, các cơ sở sản xuất. Người ân cần thăm hỏi sức khoẻ của các cụ phụ lão, tìm hiểu về đời sống nhân dân và các đơn vị vũ trang bảo vệ đảo. Bác khen ngợi nhân dân trên đảo đoàn kết chặt chẽ, khắc phục khó khăn, thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, làm ăn vui vẻ, tiến bộ.

Người căn dặn đồng bào cần phải áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuát, cần đẩy mạnh nghề cá, giúp đỡ bộ đội bảo vệ hải đảo thân yêu của Tổ quốc. Người động viên anh em bộ đội, cán bộ, công an và nhân dân đảo Cô Tô khắc phục khó khăn, đoàn kết chặt chẽ, làm tốt hơn nữa công tác văn hoá, giáo dục và việc cải thiện đời sống. Người lưu ý Tỉnh uỷ Hải Ninh và các lực lượng vũ trang, cần nhận thức rõ vị trí đặc biệt hiểm yếu của đảo Cô Tô, cần cảnh giác với âm mưu phá hoại của bọn đế quốc và các loại phản động.

Bác nói Thủ đô Hà Nội tuy cách xa đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ.

Các chiến sĩ trên đảo nhớ mãi lời dạy của Bác: Nơi hiểm yếu không chỉ cần súng lớn mà còn cần phải có lòng “trung với Đảng, hiếu với dân”.

Sau này, nhân dân và bộ đội trên đảo Cô Tô đề đạt nguyện vọng với Bác cho phép được dựng tượng của Người để lưu giữ mãi hình ảnh Người đến đảo. Đây là bức tượng duy nhất được Người ưng thuận cho phép tạc dựng khi Người còn sống. Hàng ngày ngắm nhìn tượng Bác, đồng bào và chiến sĩ sống trên quần đảo Cô Tô hiểu rằng Bác nhắc nhở mọi người đây là mảnh đất của nước Việt Nam, là tiền đồn của Tổ quốc thân yêu. Tất cả phải cố gắng bảo vệ, gìn giữ và phải phấn đấu vươn lên, mọi mặt đều tiến bộ để xứng đáng với tình cảm của Bác Hồ đã giành cho dân đảo.



Lần thứ sáu

Trong hai ngày 21, 22 tháng 01 năm 1962, Bác Hồ cùng anh hùng vũ trụ Liên Xô Ghéc-man Ti-tốp về thăm khu Hồng Quảng, thăm vịnh Hạ Long.

Nhân dân thị xã Hồng Gai họp mít tinh lớn chào đón Bác và hoan nghênh Ghéc-man Ti-tốp. Bác phát động công nhân và mọi tầng lớp nhân dân phấn đấu trong lao động sản xuất, công tác và học tập giành “Danh hiệu Ti-tốp” vẻ vang. Bác dặn ai đạt “Danh hiệu Ti-tốp” trong phong trào thi đua này thì báo cho Bác biết, Bác sẽ có quà thưởng gửi về tặng.

Bác cùng anh hùng Liên Xô Ghéc-man Ti-tốp đi thăm vịnh Hạ Long. Bác Hồ và Ti-tốp lại đến vũng Nam Hoa, nơi có doi cát trắng mịnh hình trăng lưỡi liềm nơi Bác tắm biển trong lần đi thăm vịnh Hạ Long tháng 10/1957. Bác Hồ và anh hùng vũ trụ Liên Xô Ghéc-man Ti-tốp cũng lại dừng nghỉ và xuống tắm biển doi cát hình trăng lưỡi liềm ấy.

Du ngoạn trên vịnh Hạ Long lần đó, thấy một hòn đảo đá rất đẹp, Bác hỏi một đồng chí lãnh đạo địa phương ngồi cạnh:

- Đảo này đã có tên chưa?

- Thưa Bác, đảo chỉ mới đánh số trên hải đồ, còn tên riêng thì chưa ai đặt ạ!

- Theo Bác chú nên thưa với đồng bào ta đây, đặt tên cho đảo ấy là “Đảo Ti-tốp”.

Theo ý nguyện Bác, trong một phiên họp, Hội đồng nhân dân tỉnh đã nhất trí đặt tên cho hòn đảo số 47 trên hải đồ Hạ Long là “Đảo Ti- tốp”.

Phong trào thi đua giành “Danh hiệu Ti-tốp”, sau 9 tháng phấn đấu, hầu hết các ngành sản xuất, công tác... đều có những đơn vị, cá nhân đạt được. Ngày 3/11/1962, Bác đã quyết định tặng bằng khen cho các đơn vị và cá nhân lập nhiều thành tích trong đợt thi đua giành “Danh hiệu Ti- tốp” do Người phát động.



Lần thứ bảy (ngày 13-11-1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm căn cứ Hải quân tại đảo Vạn Hoa (Quảng Ninh). Người nói với các chiến sĩ: Là chiến sĩ Hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho đất nước”.

Lần thứ tám (ngày 23/11/1963): Bác về thăm đảo Tuần Châu.

Lần thứ chín

Ngày 02 tháng 02 năm 1965, (tức ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán Ất Tỵ), Bác Hồ đã về thăm, chúc tết đồng bào, cán bộ, các lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh. Trong buổi mít tinh đón Người tại thị xã Hòn Gai, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Chính phủ chúc tết đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trong tỉnh, chúc mừng và cảm ơn các chuyên gia nước ngoài đang tận tình giúp đỡ chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người khen ngợi việc hợp nhất hai tỉnh đã thành công tốt đẹp, cán bộ và đồng bào các dân tộc đoàn kết vui vẻ, hăng hái thi đua, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, quyết tâm xây dựng Quảng Ninh thành một tỉnh giàu đẹp. Người khen ngợi những thành tích mà quân và dân tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trên các lĩnh vực sản xuất, chiến đấu. Người căn dặn đội ngũ cán bộ, đoàn viên và đoàn viên công đoàn phải xung phong gương mẫu hơn nữa. Đẩy mạnh các phong trào thi đua hành động cách mạng; coi trọng công tác tư tưởng, công tác tổ chức quản lý; thường xuyên bồi dưỡng quyết tâm chiến đấu và nhiệt tình cách mạng cho đội ngũ cán bộ và công nhân...

Trong dịp này, Bác tặng ngành than “Cờ thưởng luân lưu thi đua khá nhất”; tặng 24 cán bộ, 30 công nhân (5 công nhân gái), 54 tổ sản xuất là hạng khá nhất của ngành than mỗi người và mỗi đơn vị một thiếp chúc mừng năm mới.

Trên đường từ thị xã Hồng Gai về thị xã Uông Bí, Người dừng chân tại khu rừng thông Yên Lập, thăm một gia đình nông dân người Hoa.

Tại thị xã Uông Bí, nói chuyện với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trong buổi đón tiếp Người, Bác khen ngợi thành tích của các chuyên gia Liên Xô và cán bộ công nhân Việt Nam đang xây dựng nhà máy nhiệt điện. Người căn dặn: “Hiện nay nhà máy điện Uông Bí và mỏ Vàng Danh đều là những xí nghiệp vào loại to và hiện đại nhất của nước ta. Than và điện rất cần cho công nghiệp và nông nghiệp, các cô, các chú hãy ra sức làm cho nhiều, nhanh, tốt, rẻ”.

Ngoài ra, ngày 15/11/1968, do tuổi cao, sức yếu không về thăm vùng Mỏ được, Bác Hồ đã cho mời Đoàn đại biểu công nhân, cán bộ ngành Than về báo công với Bác tại Phủ Chủ tịch. Bác căn dặn: Xây dựng ngành Than trở thành một ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu đẹp. Lời dạy ân cần ấy, tỉnh Quảng Ninh hôm nay đã và đang phát triển với nhịp độ cao “một ngày bằng hai mươi năm” và ngành Than phát triển vượt bậc, vững bước tiến lên trên con đường CNH, HĐH.



Каталог: Lists -> VanBanPhapQuy -> Attachments -> 34914
Attachments -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng hđnd-ubnd
Attachments -> TỈnh bắc ninh số: 144/QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> TỈnh bắc ninh số: 1714/QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> TỈnh bắc ninh số: 1541/QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> Ủy ban nhân dân tỉnh quảng ngãI
Attachments -> TỈnh bắc ninh số: 1577/QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> TỈnh bắc ninh số: 1588/QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
34914 -> Btc cuộc thi sáng tác các tp văn họC, nghệ thuật báo chí VÀ TÌm hiểu về quê HƯƠng quảng ninh

tải về 0.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương