QUẢng ninh 50 NĂm xây dựng và phát triểN” I. ĐIỀu kiện tự nhiêN, XÃ HỘI; khái quát lịch sử HÌnh thành và phát triểN



tải về 0.61 Mb.
trang2/5
Chuyển đổi dữ liệu08.06.2018
Kích0.61 Mb.
#39736
1   2   3   4   5

4. Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên than đá của Quảng Ninh lớn nhất nước ta, kéo dài từ Phả Lại (Hải Dương) phía Tây, đến Vạn Hoa (Quảng Ninh) phía Đông với diện tích phân bố khoáng sản 1.300 km2. Trầm tích chứa than dày từ 1.800 đến 2.000 mét với 29 vỉa than công nghiệp uốn lượn theo dạng hình sin. Đã có 5 vùng than lớn khai thác từ hơn 100 năm nay với hai phương pháp lộ thiên và hầm lò. Đó là các vùng Mạo Khê, Cẩm Phả, Kế Bào, Bảo Đài và Hòn Gai.

Theo tính toán của Cục Địa Chất năm 1994, trữ lượng than tự nhiên của Quảng Ninh khoảng 12 tỷ tấn. Trong đó tổng trữ lượng đã thăm dò, tìm kiếm và khai thác là 3 tỷ 633 triệu tấn. Hầu hết các mỏ than Quảng Ninh thuộc loại than ăng-tơ-ra-xít, ít tro và năng suất tỏa nhiệt cao. Phân tích sự cấu thành trung bình của than Quảng Ninh sẽ thấy các thành phần như sau :

Các chất dễ bay hơi : 7 đến 9 %

Tro : 4 đến 19 %

Các-bon cố định : 80 đến 90 %

Lưu huỳnh : dưới 0,5 %

Năng suất tỏa nhiệt : 7.350 đến 8.200 ca-lo.

Than Quảng Ninh từ lâu đã nổi tiếng trên thị trường thế giới . Pôn Muy-ni-ê (Paul Munier) một ký giá phương Tây đã viết bài “Tham quan miền đất đen” trên tập san Đông Dương, số 50, ngày 16-6-1941, đã nhận xét về than Quảng Ninh như sau : “Than ở vùng mỏ kỳ lạ này là một thứ than đặc biệt tốt. Đó là một thứ than gầy rất thuần khiết và rất rắn, có từ 80 – 90 % than cố định. Than này còn thuần khiết hơn cả loại than tốt nhất của nước Anh”. Chính vì vậy, ngay dưới chế độ thực dân Pháp, than Quảng Ninh đã được “tất cả các thị trường nổi tiếng đều mở cửa đón chào(4) và đã có 40 nước nhập khẩu than Quảng Ninh lúc đó.

Bên cạnh bể than nổi tiếng, có giá trị kinh tế lớn, về kim loại có antimon đầy triển vọng, phân bố chủ yếu trong đới đứt gãy sâu Yên Tử-Tấn Mài. Đến nay đã phát hiện được 40 mạch quặng antimon, mạch lớn nhất có chiều dài từ 200-300 m, dày 0,7-0,8 m, rộng 20-70 m. Thành phần chủ yếu của mạch quặng là thạch anh, antimon, pi-rit và sulfua. Trong quặng antimon còn phát hiện dấu hiệu của vàng. Inmetit-titan cũng là khoáng vật được chú ý ở Quảng Ninh. Chúng phân bố chủ yếu trong các bãi cát ven biển từ Đầm Hà đến Móng Cái, trong đó ti-tan tập trung ở ba khu vực chính là Hà Cối, Bình Ngọc, Trà Cổ và quanh đảo Vĩnh Thực.

Các hợp kim ti-tan, ô-xít ti-tan được sử dụng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp : sơn thủy tinh, thuộc da, kính, cao su, thép, chế tạo máy bay, tàu thủy, ô tô … Tài nguyên kim loại Quảng Ninh còn có các mỏ sắt ở Kế Bào, Việt Hưng, Đồng Đăng ; mỏ vàng ở Tiên Yên, Pình-Hồ, Cái Bầu ; mỏ thủy ngân ở Đồng Mỏ-Tiên Yên ; mỏ chì, kẽm, đồng rải rác trong một số địa phương.

Quảng Ninh cũng là nơi rất giàu tài nguyên để sản xuất các loại vật liệu chịu lửa. Nguyên liệu chịu lửa chia làm hai nhóm : nhóm sản xuất alumin và nhóm sản xuất silic và manhetit. Nhóm sản xuất alumin tập trung ở khu vực miền Đông của tỉnh với ba trường quặng lớn, trong đó có mỏ cao lanh Tấn Mài pyrophilit ở Hải Hà là lớn nhất.

Nguyên liệu gốm sứ thủy tinh ở Quảng Ninh cũng là một tài nguyên không nhỏ, đã được khai thác từ lâu và đem lại hiệu quả kinh tế. Nguyên liệu gốm sứ phân bố ở hai đầu cực phía Đông và phía Tây của tỉnh với các mỏ Kim Tinh, Vĩnh Thực (Móng Cái) và Việt Dân, Yên Thọ (Đông Triều) với trữ lượng dự báo mỗi mỏ có từ 4 triệu đến 26 triệu tấn. Nguyên liệu thủy tinh với hai mỏ cát trắng Vân Hải (Vân Đồn) và Vĩnh Thực (Móng Cái). Mỏ cát Vân Hải là lớn nhất, phân bố trên diện tích 28 km2, nằm lộ trên mặt đảo bốn tầng cát công nghiệp : cát trắng, cát trắng sữa, cát trắng tạp và cát đen. Thành phần khoáng chất chủ yếu có thạch anh, limonit, manhetic và có vàng sa khoáng. Trữ lượng tài nguyên dự báo là 13.900 ngàn tấn.

Một loại tài nguyên dồi dào, trữ lượng lớn nhưng chưa được khai thác bao nhiêu ở Quảng Ninh, là vật liệu xây dựng với hàng trăm mỏ đá vôi và mỏ sét, phân bố hầu khắp trên địa bàn toàn tỉnh với trữ lượng hàng tỷ tấn.

Tài nguyên động, thực vật: Theo cuốn “Quảng Ninh đất và người”, Nhà xuất bản Lao động- xã hội, Hà Nội, năm 1995, từ xa xưa, Quảng Ninh đã nổi tiếng là nơi có động thực vật phong phú, trong đó có nhiều loại quý hiếm mà sử sách đã ghi chép. Về thực vật, trong quyển Dư địa chí viết cách đây hơn 600 năm, Nguyễn Trãi đã khẳng định ở vùng biển Quảng Ninh có loại cây quý hiếm là trầm ngư. “Trầm ngư là tên gỗ, mọc ở biển nước mặn, các loài cá lấy đuôi quẫy vào, người địa phương dùng nấu nước uống có thể trừ khí lam chướng”. Trong Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn nói rằng ở Quảng Ninh có các loại gỗ quý như gỗ lim, gỗ sến, gỗ nghiến. Gỗ nghiến, thớ gỗ có hình chim sẻ. Các loại gỗ này tuyệt nhiên không mọt. Cung thất, đền chùa, ghe thuyền, đồ đạc đều dùng thứ gỗ này. Về động vật, sách Đại Thanh nhất thống chí viết trong biển Vân Đồn “Có hạt châu, năm nào đêm trung thu có trăng sáng thì năm ấy có hạt châu”. Đại Việt sử ký toàn thư chép trong vùng núi Tam Trĩ (Ba Chẽ) có voi trắng. Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn thì cho rằng ở huyện Nghiêu Phong (Hoành Bồ) và Vạn Ninh (Móng Cái) có ngọc trai, đồi mồi, mật ong, cua bể.

Trên vùng sinh thái ngập mặn, bãi triều, cửa sông thực vật Quảng Ninh gồm có các loại : sú, giá, cóc vàng, ô rô, tra, dứa dại, cốc kèn. Ở những bãi cát ven bờ, phi lao mọc thành rừng, ngày đêm ngân lên khúc nhạc du dương tâm tình với biển cả. Trên vùng gò đồi có độ cao 200 m, có nhiều loại gỗ có giá trị kinh tế như lim xanh, lim xẹt, sồi phẳng, dẻ quấng, dẻ cau, dẻ gai Ấn Độ, hà nu, trâm, chẹo, ngát, de rừng, quế, thông nhựa, thông mã vĩ. Vùng đồi từ 200 đến 500 m có táu mật, cà ổi Ấn Độ, sến đất, sau sau, trong đó có những loại gỗ được liệt vào hạng “tứ thiết”. Vùng núi cao từ 500 đến 1.000 m có loại thực vật đặc chủng là thông nàng bên cạnh giổi bà, giổi nhung, táu mật. Vùng núi đá vôi có vàng anh, thị đen, kim giao, sồi lá tròn, trường kẹn, táu mật, sến đất nhô lên chon von giữa thảm thực vật thân bám rậm rạp như dương xỉ, phong lan, huyết dụ. Bên cạnh thảm thực vật tự nhiên, Quảng Ninh còn có những cánh rừng nhân tạo trồng thông nhựa, bạch đàn, thông mã vĩ, sa mộc, đặc biệt có những cánh rừng trồng cây đặc sản như hồi, quế, trẩu tập trung ở các huyện Bình Liêu, Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà và thị xã Móng Cái.

Động vật ở Quảng Ninh, nhất là động vật rừng và biển cũng là tài nguyên có tiềm năng dồi dào, nhiều giống loài có tương lai phát triển.

Động vật rừng, ở mỗi sinh cảnh khác nhau tồn tại các họ, loài động vật khác nhau. Ở những sinh cảnh rừng tự nhiên phần nào còn giữ được tính chất nguyên sinh như rừng Ba Mùn, Yên Tử, Quảng Nam Châu có các loài nai, hoẵng, khỉ, lợn rừng, sóc, chồn. Các loài hổ, báo, gấu, chó sói tuy vẫn còn nhưng lượng cá thể rất ít. Các loài bò sát có trăn đất, trăn hoa, rùa vàng, các loài chim có gà lôi, trĩ, niệc, đại bàng đất, yểng, vàng anh. Ở những sinh cảnh rừng núi đá các loại động vật thường gặp là khỉ, vượn, sơn dương, sóc, voọc, tắc kè, trăn, rắn; các loài chim có cao cát, hồng hoàng, niệc hung,v.v.. Sinh cảnh bụi cây trảng cỏ thích hợp với các loại hoẵng, lợn rừng, cầy, cáo, chuột, gà gô, gà rừng, bìm bịp, đa đa, chèo bẻo. Sinh cảnh rừng tre nứa có các loài dũi, chuột, sóc, lợn rừng, cầy hương, mèo rừng, khỉ vàng. Ở ven rừng tiếp giáp với đồng ruộng, nương rẫy có các loài chuột, nhím, hon, thỏ rừng, lợn rừng.



Tài nguyên biển, Quảng Ninh là một trong rất ít những địa phương ở nước ta có tài nguyên biển cực kỳ đa dạng và phong phú. Tài nguyên biển Quảng Ninh có thể chia ra làm 3 loại: động vật và thực vật trên cạn dưới nước, tài nguyên du lịch, kinh tế cảng biển, trong đó có loại tài nguyên càng khai thác, càng phát triển, nguồn lợi càng lớn, không bao giờ cạn kiệt.

Biển Quảng Ninh có điều kiện tự nhiên thích hợp với hầu hết các giống loài hải sản sinh sản và phát triển. Với nhiệt độ không thay đổi nhiều giữa các mùa, mùa lạnh trung bình từ 16 đến 170, mùa nóng lúc cao từ 28 đến 300, lúc thấp là 240, đã tạo nên khí hậu biển quanh năm ôn hòa. Nồng độ muối biển Quảng Ninh so với các vùng biển khác khá cao, từ 23 đến 34,5 %. Biên độ thủy triều lớn nhưng biển có đảo che chắn nên hầu như không có sóng, quanh năm yên tĩnh. Sự hình thành rừng đảo đá phân bố dầy đặc trên diện tích 1.500 km2 của vịnh Hạ Long, khiến cho biển Quảng Ninh như cái ao chuôm khổng lồ, thích hợp với nhiều loài động vật biển sinh sống. Ở các vùng biển khác, cá đáy, cá lớn, cá dữ sống xa bờ, ở chỗ biển sâu, thuận tiện cho chúng ẩn nấp và kiếm mồi.

Ở biển Quảng Ninh có đảo đá đổ bóng râm xuống vịnh, chân đảo nhiều hang hốc nên các loại cá này sống gần bờ, quanh quẩn trong rừng đảo. Quảng Ninh có 40.834 ha bãi triều cửa sông và 48.212 ha bãi triều các vùng cồn rong chân đảo, nơi sinh sống náo nhiệt của các loài phù du, rong tảo, là môi trường cư trú sống động của nhiều giống loài tiết túc, nhuyễn thể. Với thiên nhiên tráng lệ, các giống loài hải đặc sản dồi dào, một nhà văn đã ví biển Quảng Ninh như một vườn hoa nước mặn quả thật không ngoa. Ông viết : “Biển Quảng Ninh là một vườn hoa nước mặn trên đó bừng nở biết bao quả trái đặc sản đem thêm vô vàn thơm thảo vào cuộc sống ngày càng lớn lên” (5)

Ước tính trên toàn vùng biển Quảng Ninh có hơn 1.000 loài cá, trong đó có 730 loài đã được định tên. Biển Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các loài cá ngon mà biển nước ta có như chim, thu, nhụ, đé, vược, ngừ, dò, đối, tráp, đục, chai, chuồn … Động vật bò sát có đồi mồi, vích; những năm gần đây có cá sấu nuôi ở một vài địa phương ven biển.

Bên cạnh các loài động vật có xương sống, biển Quảng Ninh còn là thế giới sôi động của các loài động vật không có xương sống mà điển hình là các ngành tiết túc, nhuyễn thể và giun tơ. Trong ngành tiết túc họ tôm với nhiều loài như tôm he, tôm sú, tôm rảo, tôm hùm, bề bề. Với hàng trăm loài sống ở những vùng sinh thái khác nhau, động vật nhuyễn thể Quảng Ninh là nét đặc trưng hiếm thấy ở những vùng biển khác, phong phú về giống loài, đa dạng về hình thức và giá trị sử dụng cũng không giống nhau. Loại nhuyễn thể đặc sản có giá trị từ hàng nghìn năm nay là ngọc trai (Pteridae), hải sâm, bào ngư. Họ ốc có ốc tai tượng, ốc hương, ốc nhảy, ốc đá, ốc đìa… với 16 họ, 37 loài. Họ sò có sò huyết, sò lông, sò gạo, họ nhà giun có xá sùng, bông thùa... có nhiều trong vùng biển Quảng Ninh.

Theo những tài liệu điều tra gần đây, san hô biển Quảng Ninh có 165 loài, 52 giống; riêng vịnh Hạ Long có 136 loài san hô cứng với 44 giống, 12 họ tập trung chủ yếu quanh các đảo Ba Mùn, Vạn Bội, Vạn Hà. Biển Quảng Ninh có 177 loài tảo thuộc 44 giống và 3 ngành chính là tảo silic, tảo giáp và tảo lam. Số thực vật phù du vào tháng Một và tháng Chín hàng năm trong một mét khối (m3) nước biển là 54 x 104 tế bào.



III. MỘT SỐ SỰ KIỆN LỊCH SỬ

1. Ngày 12/11/1936

Cuộc Tổng bãi công của hơn 3 vạn Thợ Mỏ Tháng 11/1936 giành thắng lợi vẻ vang đã trở thành một trong những Sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất của phong trào cách mạng Việt Nam nói chung, của giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng trong thời kỳ đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ do Đảng ta lãnh đạo (1936 - 1939). Tầm vóc, ý nghĩa và ảnh hưởng của thắng lợi từ Cuộc Tổng bãi công này là rất to lớn và sâu sắc, đặc biệt là trong công tác giáo dục truyền thống, nhất là với thế hệ trẻ Vùng Mỏ. Tuy nhiên để Ngày 12/11/1936 trở thành “Ngày Miền Mỏ bất khuất” suốt nhiều chục năm, xin giới thiệu đến các đồng chí và các bạn một “Sự kiện” đã diễn ra cách đây hơn 50 năm nói về ngày 12/11. Đó là, ngày 06/11/1961 Ban Thường vụ Khu ủy Hồng Quảng đã ra Nghị quyết số 31-NQ/KU “V/v Tổ chức kỷ niệm Ngày 12/11, ngày đấu tranh của GCCN Vùng mỏ”. Nghị quyết ghi rõ “Cách đây 25 năm, ngày 12/11/1936, giai cấp công nhân Khu Mỏ đã nhất tề quật khởi, anh dũng đấu tranh chống chế độ bóc lột hà khắc của bọn chủ mỏ. Cuộc đấu tranh này đã nổ ra từ Cẩm Phả, Hồng Gai đến Mông Dương, Uông Bí, Mạo Khê v.v... đã gây ảnh hưởng rộng lớn đối với trong và ngoài nước và giành được thắng lợi to lớn. Bọn chủ mỏ đã phải nhượng bộ. Đây là một trong những cuộc đấu tranh vĩ đại nhất của giai cấp công nhân khu Mỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng, nó đã ghi thêm một trang sử oanh liệt trong lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam. Vì vậy Ban Thường vụ Khu ủy đã quyết định: Từ năm 1961 trở đi, toàn khu Mỏ sẽ lấy ngày 12/11 hàng năm để tổ chức kỷ niệm cuộc đấu tranh anh dũng năm 1936, coi ngày đó là Ngày Hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân Khu Mỏ.



Năm 1982, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Quyết định lấy 12/11 là Ngày truyền thống ngành Than. Khẩu hiệu “Kỷ luật và đồng tâm” từ năm 1936 đã trở thành tài sản vô giá, theo bước chân thợ mỏ đến ngày hôm nay và mãi mãi về sau.

2. Ngày 25/4/1955

Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đã đập tan những nỗ lực cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trên chiến trường Đông Dương. Ngày 20-7-1954, Hiệp định quốc tế về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết tại Giơ-ne-vơ (Thuỵ Sĩ). Pháp và các nước tham dự hội nghị Giơ-ne-vơ phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Quán triệt sâu sắc chủ trương tranh thủ hoà bình của Trung ương Đảng, đánh bại âm mưu khiêu khích của đế quốc Mỹ và thực dân Pháp, trong tháng 8 và tháng 9-1954, các Đảng bộ tỉnh Quảng Yên, đặc khu Hòn Gai, tỉnh Hải Ninh tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân về Hiệp định Giơ-ne-vơ; tình hình và nhiệm vụ mới của Đảng ta; các chính sách của Đảng đối với vùng giải phóng, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đối với nguỵ quân, nguỵ quyền và chính sách tự do tín ngưỡng.

Thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ về việc chuyển quân và rút quân, tỉnh Hải Ninh là một trong những nơi địch rút sớm nhất miền Bắc, ngày 8-8-1954, quân Pháp rút khỏi Tiên Yên, tỉnh Hải Ninh sạch bóng quân xâm lược. Phần lớn địa bàn tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai nằm trong khu vực tập kết 300 ngày. Trong khi các lực lượng của ta nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định, thì quân Pháp ra sức càn quét cướp phá tài sản, bắt thanh niên đi lính và cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam; tháo dỡ máy móc; khuyến khích các đảng phái phản động nổi lên chống phá cách mạng; tăng cường cài cắm gián điệp vào các nhà máy, xí nghiệp, các địa phương với âm mưu chống phá ta về lâu dài.

Tỉnh Quảng Yên, khu Hồng Quảng, tỉnh Hải Ninh là một trong những địa bàn trọng điểm trong kế hoạch cưỡng ép di cư của Mỹ và tay sai. Ở đặc khu Hòn Gai, chúng dựng lên “Tổng uỷ di cư” có trụ sở ở Hòn Gai do tên Voòng A Sáng cầm đầu. Dưới Tổng uỷ di cư, chúng lập ra các “Ban di cư xã hội”, ngoài ra còn có các tổ chức phản động, sự hỗ trợ của hàng nghìn lính Âu Phi, bảo an binh.

Đối với mỗi địa bàn, chúng tập trung cưỡng ép di cư vào một đối tượng nhất định. Ở địa bàn Hải Ninh, do chính quyền cơ sở, nhất là cấp xã còn yếu, thậm chí nhiều xã chưa thành lập được chính quyền cách mạng, hoạt động cưỡng ép đồng bào di cư của địch diễn ra trắng trợn, điên cuồng. Địch tập trung ráo riết cưỡng ép đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng người Hoa. Ở địa bàn khu Mỏ, chúng tập trung cưỡng ép công nhân có trình độ kỹ thuật cao và tầng lớp cai ký, giám thị. Ở địa bàn Quảng Yên, chúng tập trung vào đồng bào Thiên Chúa giáo, những người trước đây là nguỵ quân, nguỵ quyền.

Cuộc đấu tranh chống địch cưỡng ép đồng bào di cư vào miền Nam đã diễn ra liên tục từ cuối năm 1954 cho đến ngày ta tiếp quản vùng mỏ. Ở Hải Ninh, ta đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động kết hợp với mạnh tay trấn áp bọn phản động đầu sỏ ngoan cố; thành lập 3 đoàn cán bộ tổ chức cứu đói ở các huyện Ba Chẽ, Đình Lập, Bình Liêu. Ở Đặc khu Hòn Gai, nơi đọ sức gay gắt giữa ta và địch trong vấn đề di cư, ta đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vạch rõ âm mưu thủ đoạn của địch, tổ chức các Đại hội chống Mỹ ở Hoành Bồ, Cái Rồng. Nhân dân đã lập ra các Uỷ ban chống địch cưỡng ép di cư. Nhân dân xã Đoàn Kết, huyện Cẩm Phả và khu Lán Đạo, thị xã Hòn Gai còn ký giấy cam kết không di cư.

Ở Yên Trì (Quảng Yên), trước khi ta thực hiện công tác chống cưỡng ép di cư, có 64 gia đình định ra đi, sau khi được cán bộ giải thích, đã có 46 gia đình ở lại. Ở Lán Đạo (thị xã Hòn Gai), nơi tập trung đồng bào theo đạo Thiên Chúa, trong số 47 gia đình định di cư đã có 35 gia đình tự nguyện ở lại, 137 gia đình đã làm đơn gửi Chính phủ và Ủy ban Quốc tế giám sát đình chiến ở Việt Nam phản đối thủ đoạn lừa bịp cưỡng ép giáo dân di cư của bọn phản động. Khi được cán bộ ta đến giải thích và vận động, nhiều gia đình ở Hà Gián (huyện Cẩm Phả) đang tập trung ở thị xã Cẩm Phả để di cư vào Nam đã tỉnh ngộ và trở về quê quán. Đến tháng 3-1955, toàn Đặc khu Hòn Gai chỉ có 216 gia đình với 2.145 người di cư trong tổng số hơn 70 nghìn dân của Đặc khu. Âm mưu cưỡng ép di cư của đế quốc Mỹ và tay sai về cơ bản bị thất bại.

Công tác đấu tranh giữ máy móc, không cho đối phương di chuyển trái phép được chỉ đạo chặt chẽ. Cuối năm 1954, thực hiện sự chỉ đạo Đặc khu uỷ Hòn Gai Các đội bảo vệ máy đã được thành lập trong công nhân mỏ. Ngày 18-12-1954, công nhân Cẩm Phả đã ngăn chặn được bọn chủ mỏ định chuyển 12 hòm máy và 1 cần cẩu Xông-đơ (Sondeur) xuống tàu. Chiều 9-3-1955, chủ mỏ dùng lính và bọn cai xếp người Pháp định chuyển 8 động cơ của Nhà máy điện Hòn Gai xuống Cẩm Phả để chuyển vào Nam. Công nhân đã vây quanh nhà tên chủ, buộc chúng phải ngừng chuyển máy. Ngày 24-4-1955, công nhân Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả đã kiểm soát các hòm máy chủ định chuyển vào Nam, buộc chúng phải để lại ba máy.

Để chuẩn bị cho công tác tiếp quản Khu mỏ, xuất phát từ nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của địa phương, căn cứ vào các đặc điểm địa lý kinh tế, hành chính, dân cư, truyền thống lịch sử, ngày 22-2-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 221/SL thành lập khu Hồng Quảng trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Yên và đặc khu Hòn Gai (các huyện Chí Linh, Kinh Môn, Nam Sách và Sơn Động sáp nhập trở lại tỉnh Hải Dương và Bắc Giang). Để chuẩn bị cho công tác tiếp quản Khu mỏ, Khu uỷ Hồng Quảng quyết định thành lập 2 Đảng uỷ ở 2 thị xã Hòn Gai, Cẩm Phả, các Ban Cán sự ở Quảng Yên, Cửa Ông, Cát Bà. Khu cũng thành lập một đoàn cán bộ tiếp quản vào tiếp thu cơ sở sản xuất Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (SFCT).

Ngày 11-4-1955, các hiệp định về việc chuyển giao khu chu vi Hải Phòng được ký kết giữa ta và Pháp. Ngày 18-4-1955, đội tiếp quản hành chính của ta tiến vào Cửa Ông, Cẩm Phả nhận bàn giao của Pháp. Ngày 22-4-1955, một lực lượng chính trị quân sự của ta chính thức tiếp quản Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Yên. Ngày 24-4-1955, lực lượng quân sự của ta tập kết bên Bãi Cháy, chuẩn bị tiếp quản Hòn Gai. 12 giờ trưa ngày 24-4, tên lính Pháp cuối cùng rời Khu mỏ. 13 giờ cùng ngày, lực lượng quân sự và chính trị của ta vào tiếp quản Hòn Gai trong không khí tưng bừng náo nhiệt của ngày vui giải phóng. Sáng ngày 25-4-1955, ta đã tổ chức cuộc mít tinh lớn ở thị xã Hòn Gai, ra mắt Uỷ ban quân chính Hồng Quảng, đọc nhật lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi quân dân Hồng Quảng.

Sau hơn 72 năm đấu tranh bền bỉ và anh dũng, kể từ ngày thực dân Pháp xâm lược Khu mỏ (12-3-1883), trải qua 9 năm cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với khí thế Bạch Đằng Giang lịch sử, với truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, giai cấp công nhân mỏ và dân dân lao động khu Hồng Quảng, tỉnh Hải Ninh đã viết lên những trang sử hào hùng, giành được hoàn toàn quyền làm chủ mảnh đất vùng Đông Bắc thân yêu của Tổ quốc, vĩnh viễn thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, chung tay xây dựng cuộc sống mới.



3. Ngày 05/8/1964

Để cứu vãn cho sự sụp đổ của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc bằng không quân và hải quân nhằm ngăn chặn chi viện của hậu phương lớn miền Bắc XHCN cho chiến trường miền Nam. Đêm 31/7/1964, tàu khu trục Ma-đốc thuộc biên đội xung kích 77, hạm đội 7 của Mỹ ngang nhiên xâm phạm vùng biển nước ta. Chấp hành nghiêm mệnh lệnh chiến đấu với quyết tâm trừng trị tàu địch xâm phạm vùng biển của ta, ngày 2/8/1964, 3 tàu phóng lôi là 333, 336, 339 – Phân đội 3, Đoàn 135 do Nguyễn Xuân Bột – Phân đội trưởng kiêm thuyền trưởng tàu 333 chỉ huy với ý chí quyết chiến, quyết thắng quyết đánh giặc Mỹ xâm lược, cán bộ chiến sỹ phân đội 3, các tàu phóng lôi đã chiến đấu anh dũng, mưu trí đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc ra khỏi vùng biển miền Bắc nước ta.

Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ đã cho máy bay và tàu chiến ném bom, bắn phá Miền Bắc, trong đó có Quảng Ninh. 13 giời 35 phút, nhiều tốp máy bay phản lực hiện đại của Mỹ từ hạm đội 7 ồ ạt bay vào ném bom, bắn phá cảng hải quân của ta ở Bãi Cháy và một số nơi của thị xã Hồng Gai. Với tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu cao, ngay từ phút đầu, các đơn vị hải quân, pháo cao xạ đã dũng cảm đánh trả máy bay địch. Các chiến sĩ bộ binh, công an vũ trang, dân quân tự vệ đã hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội pháo cao xạ, tạo thành lưới lửa phòng không dày đặc, nhiều tầm. Trong trận thử lửa đầu tiên, quân và dân Quảng Ninh đã bắn trúng 3 máy bay Mỹ, trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống phi công Mỹ đầu tiên - Trung uý E.Alvarez, lái máy bay A4D bị Trung đội súng 14,5 ly bắn rơi lúc 14 giờ 43 phút ngày 5-8-1964 và bị bắt sống tại vụng Hòn Mối - Vịnh Hạ Long.

Ngày 05/8/1964 trở thành ngày đánh thắng trận đầu của Quân chủng Phòng không- Không quân Việt Nam, trong đó quân và dân Quảng Ninh đã góp phần xứng đáng viết lên truyền thống hào hùng đó.

4. Ngày 30/10/1963

Khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh cùng nằm trên một dải đất vùng Đông Bắc Tổ quốc, trước năm 1906 cùng chung một đơn vị hành chính với tên gọi là tỉnh Quảng Yên. Sau khi thực dân Pháp xâm lược và thống trị nước ta, ngày 10/12/1906, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Hải Ninh tách từ tỉnh Quảng Yên ra. Để phù hợp với tình hình đặc điểm của từng giai đoạn, lịch sử tỉnh Quảng Yên khi tách ra thành hai đơn vị hành chính: Tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai (năm 1946), nhập lại thành Liên tỉnh Quảng Hồng (tháng 3-1947), rồi lại tách ra thành Đặc khu Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên (tháng 12-1948). Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, tháng 2-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập khu Hồng Quảng trên cơ sở sáp nhập Đặc khu Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên. Ngày 8-8-1954, tỉnh Hải Ninh hoàn toàn giải phóng. Ngày 25-4-1955, Khu Hồng Quảng hoàn toàn giải phóng. Đảng bộ khu Hồng Quảng và Đảng bộ tỉnh Hải Ninh đã lãnh đạo nhân dân bắt tay vào thực hiện hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Xét thấy việc hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh thành một đơn vị hành chính có nhiều điểm thuận lợi về kinh tế, quốc phòng, đầu tháng 7-1963, Ban Thường vụ Khu uỷ Hồng Quảng và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Ninh tổ chức Hội nghị liên tịch bàn và nhất trí đề nghị Trung ương hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh thành một đơn vị hành chính. Ngày 4-10-1963, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Công văn gửi Ban Tổ chức Trung ương, Đảng đoàn Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Khu uỷ Hồng Quảng và Tỉnh uỷ Hải Ninh về việc “Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thống nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một Tỉnh” để nghiên cứu kế hoạch thi hành.

Ngày 7-10-1963, Ban Thường vụ Khu uỷ Hồng Quảng và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Ninh họp Hội nghị liên tịch và ra Nghị quyết về việc hợp nhất. Theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh, ngày 30-10-1963, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá II, Quốc hội đã ra nghị quyết, quyết nghị phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh.

Tiếp đó ngày 18-11-1963, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 85-NQ/TW, quyết nghị hợp nhất hai Đảng bộ Hồng Quảng và Hải Ninh thành một Đảng bộ là Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh. Ngày 12/12/1963, hai Ban Thường vụ đã họp hội nghị liên tịch bàn về công tác tổ chức thực hiện việc hợp nhất hai Đảng bộ thành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh. Cùng với việc hợp nhất hai Đảng bộ, các cơ quan Nhà nước của hai tỉnh cũng lần lượt được hợp nhất thành một. Từ ngày 01-01-1964, tỉnh Quảng Ninh đi vào hoạt động chính thức. Đánh dấu mốc rất quan trọng để giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh bước vào thời kỳ cách mạng mới.

5. Ngày 17/12/1994

Ngày 21 tháng 12 năm 1991 Chính phủ nước ta cho phép xây dựng hồ sơ về cảnh quan vịnh Hạ Long để trình Hội đồng Di sản Thế giới xét duyệt di sản thiên nhiên thế giới. Năm 1993, hồ sơ khoa học về vịnh Hạ Long được hoàn tất và chuyển đến UNESCO để xem xét. Trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ, UNESCO lần lượt cử các đoàn chuyên gia đến Quảng Ninh khảo sát, hướng dẫn, nghiên cứu, thẩm định hồ sơ tại chỗ. Hồ sơ vịnh Hạ Long được chấp nhận đưa vào xem xét tại hội nghị lần thứ 18 của Hội đồng Di sản Thế giới.

Ngày 17 tháng 12 năm 1994, trong kỳ họp thứ 18 tại khách sạn Méridien thành phố Phu Kẹt (Thái Lan) Hội đồng Di sản thế giới (World Heritage Committee) trong kỳ họp lần thứ 18, đã biểu quyết với sự nhất trí rất cao, công nhận vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới, bởi "Giá trị ngoại hạng và giá trị toàn cầu của một Di sản văn hoá và thiên nhiên, cần thiết được bảo vệ vì lợi ích của toàn thế giới".

Ngày 29/11/2000, Hội đồng Di sản thế giới trong kỳ họp lần thứ 24 tại thành phố Cairns (Australia) đã công nhận vịnh Hạ Long là Di sản thế giới lần thứ hai về giá trị địa chất, địa mạo.


Каталог: Lists -> VanBanPhapQuy -> Attachments -> 34914
Attachments -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng hđnd-ubnd
Attachments -> TỈnh bắc ninh số: 144/QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> TỈnh bắc ninh số: 1714/QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> TỈnh bắc ninh số: 1541/QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> Ủy ban nhân dân tỉnh quảng ngãI
Attachments -> TỈnh bắc ninh số: 1577/QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> TỈnh bắc ninh số: 1588/QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
34914 -> Btc cuộc thi sáng tác các tp văn họC, nghệ thuật báo chí VÀ TÌm hiểu về quê HƯƠng quảng ninh

tải về 0.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương