QUẢng ninh 50 NĂm xây dựng và phát triểN” I. ĐIỀu kiện tự nhiêN, XÃ HỘI; khái quát lịch sử HÌnh thành và phát triểN



tải về 0.61 Mb.
trang1/5
Chuyển đổi dữ liệu08.06.2018
Kích0.61 Mb.
#39736
  1   2   3   4   5


TÀI LIỆU

PHỤC VỤ CUỘC THI VIẾT TÌM HIỂU

QUẢNG NINH 50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN”




I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, XÃ HỘI; KHÁI QUÁT LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

1. Điều kiện tự nhiên

1.1. Vị trí địa lý

Quảng Ninh là một tỉnh ở địa đầu phía đông bắc Việt Nam, có dáng một hình chữ nhật lệch nằm chếch theo hướng đông bắc – tây nam. Phía tây tựa lưng vào núi rừng trùng điệp. Phía đông nghiêng xuống nửa phần đầu vịnh Bắc bộ với bờ biển khúc khuỷu nhiều cửa sông.

Quảng Ninh có toạ độ địa lý khoảng 106o26 đến 108o31 kinh độ đông và từ 20o40 đến 21o40 vĩ độ bắc. Bề ngang từ đông sang tây, nơi rộng nhất là 195 km. Bề dọc từ bắc xuống nam khoảng 102 km. Điểm cực bắc là dãy núi cao thuộc thôn Mỏ Toòng, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu. Điểm cực nam ở đảo Hạ Mai thuộc xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn. Điểm cực tây là sông Vàng Chua ở xã Bình Dương và xã Nguyễn Huệ, huyện Đông Triều. Điểm cực đông trên đất liền là mũi Gót ở đông bắc xã Trà Cổ, thành phố Móng Cái.

Phía Bắc tỉnh Quảng Ninh giáp Trung Quốc với đường biên giới trên bộ dài 118,825 km; phía Đông giáp Biển Đông, phía Nam giáp Thành phố Hải Phòng, Phía Tây giáp các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh theo số liệu kiểm kê năm 2005 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 609.897,94ha.



1.2. Địa hình

Quảng Ninh là tỉnh miền núi – duyên hải. Hơn 80% đất đai là đồi núi. Hơn hai nghìn hòn đảo nổi trên mặt biển cũng đều là các quả núi.

Vùng núi chia làm hai miền: Vùng núi miền Đông từ Tiên Yên qua Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà đến Móng Cái. Đây là vùng nối tiếp của vùng núi Thập Vạn Đại Sơn từ Trung Quốc, hướng chủ đạo là đông bắc – tây nam. Có hai dãy núi chính: dãy Quảng Nam Châu (1.507 m) và Cao Xiêm (1.330 m) chiếm phần lớn diện tích tự nhiên các huyện Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà, dãy Ngàn Chi (1.166 m) ở phía bắc huyện Tiên Yên. Vùng núi miền tây từ Tiên Yên qua Ba Chẽ, Hoành Bồ, phía bắc thành phố Uông Bí và thấp dần xuống ở phía bắc huyện Đông Triều. Vùng núi này là những dãy nối tiếp hơi uốn cong nên thường được gọi là cánh cung núi Đông Triều với đỉnh Yên Tử (1.068 m) trên đất Uông Bí và đỉnh Am Váp (1.094 m) trên đất Hoành Bồ.

Vùng trung du và đồng bằng ven biển gồm những dải đồi thấp bị phong hoá và xâm thực tạo nên những cánh đồng từ các chân núi thấp dần xuống các triền sông và bờ biển. Đó là vùng Đông Triều, Uông Bí, bắc Quảng Yên, nam Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và một phần Móng Cái. Ở các cửa sông, các vùng bồi lắng phù sa tạo nên những cánh đồng và bãi triều thấp. Đó là vùng nam Uông Bí, nam Quảng Yên (đảo Hà Nam), đông Quảng Yên , Đồng Rui (Tiên Yên), nam Đầm Hà, đông nam Hải Hà, nam Móng Cái. Tuy có diện tích hẹp và bị chia cắt nhưng vùng trung du và đồng bằng ven biển thuận tiện cho nông nghiệp và giao thông nên đang là những vùng dân cư trù phú của Quảng Ninh.

Vùng biển và hải đảo của Quảng Ninh là một vùng địa hình độc đáo. Hơn hai nghìn hòn đảo chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước (2078/ 2779), đảo trải dài theo đường ven biển hơn 250 km chia thành nhiều lớp. Có những đảo rất lớn như đảo Cái Bầu, Bản Sen, lại có đảo chỉ như một hòn non bộ. Có hai huyện hoàn toàn là đảo là huyện Vân Đồn và huyện Cô Tô. Trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long có hàng ngàn đảo đá vôi nguyên là vùng địa hình karst bị nước bào mòn tạo nên muôn nghìn hình dáng bên ngoài và trong lòng là những hang động kỳ thú.

Vùng ven biển và hải đảo Quảng Ninh ngoài những bãi bồi phù sa còn những bãi cát trắng táp lên từ sóng biển. Có nơi thành mỏ cát trắng làm nguyên liệu cho công nghệ thuỷ tinh (Vân Hải), có nơi thành bãi tắm tuyệt vời (như Trà Cổ, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng…)

Địa hình đáy biển Quảng Ninh, không bằng phẳng, độ sâu trung bình là 20 m. Có những lạch sâu là di tích các dòng chảy cổ và có những dải đá ngầm làm nơi sinh trưởng các rạn san hô rất đa dạng. Các dòng chảy hiện nay nối với các lạch sâu đáy biển còn tạo nên hàng loạt luồng lạch và hải cảng trên dải bờ biển khúc khuỷu kín gió nhờ những hành lang đảo che chắn, tạo nên một tiềm năng cảng biển và giao thông đường thuỷ rất lớn.

1.3. Khí hậu

Khí hậu Quảng Ninh tiêu biểu cho khí hậu các tỉnh miền Bắc Việt Nam vừa có nét riêng của một tỉnh miền núi ven biển. Các quần đảo ở huyện Cô Tô và Vân Đồn có đặc trưng của khí hậu đại dương.

Quảng Ninh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới có một mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều; một mùa đông lạnh, ít mưa và tính nhiệt đới nóng ẩm là bao trùm nhất.

Do nằm trong vành đai nhiệt đới nên hàng năm có hai lần mặt trời qua thiên đỉnh, tiềm năng về bức xạ  và nhiệt độ rất phong phú.

Ảnh hưởng bởi hoàn lưu gió mùa Đông Nam nên khí hậu bị phân hoá thành hai mùa: mùa hạ nóng ẩm với mùa mưa, mùa đông lạnh với mùa khô.

Về nhiệt độ: được xác định có mùa đông lạnh, nhiệt độ không khí trung bình ổn định dưới 20oC. Mùa nóng có nhiệt độ trung bình ổn định trên 25oC.

Về mưa: theo quy ước chung, thời kỳ có lượng mưa ổn định trên 100 mm là mùa mưa; còn mùa khô là mùa có lượng mưa tháng ổn định dưới 100 mm.

Theo số liệu quan trắc, mùa lạnh ở Quảng Ninh bắt đầu từ hạ tuần tháng 11 và kết thúc vào cuối tháng 3 năm sau, mùa nóng bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào đầu tháng 10. Mùa ít mưa bắt đầu từ tháng 11 cho đến tháng 4 năm sau, mùa mưa nhiều bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào đầu tháng 10.

Giữa hai mùa lạnh và mùa nóng, hai mùa khô và mùa mưa  là hai thời kỳ chuyển tiếp khí hậu, mỗi thời kỳ khoảng một tháng (tháng 4 và tháng 10).

Sự chênh lệch về nhiệt độ trung bình của tháng tiêu biểu cho mùa đông (tháng 1) thấp hơn nhiệt độ trung bình của tháng tiêu biểu cho mùa hạ (tháng 7) là 120C và thấp hơn nhiệt độ trung bình của tháng 1 theo tiêu chuẩn nhiệt độ cùng vĩ tuyến là 5,10C.



1.4. Sông ngòi, thủy văn

Quảng Ninh có đến 30 sông, suối dài trên 10 km nhưng phần nhiều đều nhỏ. Diện tích lưu vực thông thường không quá 300 km2, trong đó có 4 con sông lớn là hạ lưu sông Thái Bình, sông Ka Long, sông Tiên Yên và sông Ba Chẽ.

Đại bộ phận sông có dạng xoè hình cánh quạt, trừ sông Cầm, sông Ba Chẽ, sông Tiên Yên, sông Phố Cũ có dạng lông chim.

Nước ngập mặn xâm nhập vào vùng cửa sông khá xa. Lớp thực vật che phủ chiếm tỷ lệ thấp ở các lưu vực nên thường hay bị xói lở, bào mòn và rửa trôi làm tăng lượng phù sa và đất đá trôi xuống khi có lũ lớn do vậy nhiều nơi sông suối bị bồi lấp rất nhanh, nhất là ở những vùng có các hoạt động khai khoáng như ở các đoạn suối Vàng Danh, sông Mông Dương.

Ngoài 4 sông lớn trên, Quảng Ninh còn có 11 sông nhỏ, chiều dài các sông từ 15 – 35 km; diện tích lưu vực thường nhỏ hơn 300 km2, được phân bố dọc theo bờ biển, gồm sông Tràng Vinh, sông Hà Cối, sông Đầm Hà, sông Đồng Cái Xương, sông Hà Thanh, sông Đồng Mỏ, sông Mông Dương, sông Diễn Vọng, sông Man, sông Trới, sông Míp.

Tất cả các sông suối ở Quảng Ninh đều ngắn, nhỏ, độ dốc lớn. Lưu lượng và lưu tốc rất khác biệt giữa các mùa. Mùa đông, các sông cạn nước, có chỗ trơ ghềnh đá nhưng mùa hạ lại ào ào thác lũ, nước dâng cao rất nhanh. Lưu lượng mùa khô 1,45m3/s, mùa mưa lên tới 1500 m3/s, chênh nhau 1.000 lần.

Biển Quảng Ninh giáp vịnh Bắc Bộ, một vịnh lớn nhưng kín lại có nhiều lớp đảo che chắn nên sóng gió không lớn như vùng biển Trung Bộ. Chế độ thuỷ triều ở đây là nhật triều điển hình, biên độ tới 3-4 m. Nét riêng biệt ở đây là hiện tượng sinh “con nước” và thuỷ triều lên cao nhất vào các buổi chiều các tháng mùa hạ, buổi sáng các tháng mùa đông. Trong vịnh Bắc Bộ có dòng hải lưu chảy theo phương bắc nam kéo theo nước lạnh lại có gió mùa đông bắc nên đây là vùng biển lạnh nhất nước ta. Nhiệt độ có khi xuống tới 130C.

2. Điều kiện xã hội

2.1. Dân số

Theo kết quả điều tra sơ bộ của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dân số Quảng Ninh hiện nay có 1.144.381 người, trong đó nữ có 558.793 người, phân bổ trên địa bàn 14 đơn vị hành chính. Gồm 04 thành phố: Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái; thị xã Quảng Yên và các huyện: Vân Đồn, Cô Tô, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Hoành Bồ, Đông Triều.

Mật độ dân số của Quảng Ninh hiện là 188 người/km2 (năm 1999 là 196 người/ km2), nhưng phân bố không đều. Vùng đô thị và các huyện miền tây rất đông dân, thành phố Hạ Long 739 người/km2, thị xã Quảng Yên 415 người/km2, huyện Ðông Triều 390 người/km2. Trong khi đó, huyện Ba Chẽ 30 người/km2, Cô Tô 110 người/km2, Vân Ðồn 74 người/km2.

Con người và xã hội Quảng Ninh là nơi hội tụ, giao thoa, sự thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng, có truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân Vùng Mỏ với "di sản" tinh thần vô giá "kỷ luật và đồng tâm". Đây là điều kiện thuận lợi xây dựng khối đoàn kết, tạo sức mạnh tổng hợp để vượt qua mọi khó khăn, thách thức; góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Quảng Ninh có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời - một trong những cái nôi của người Việt cổ với ba nền văn hoá tiền sử kế tiếp nhau, cách ngày nay từ 18.000 đến 3.500 năm là: Văn hóa Soi Nhụ, văn hóa Cái Bèo và văn hóa Hạ Long. Là vùng đất có nhiều di tích gắn với lịch sử dựng nước, giữ nước vẻ vang với những chiến công hiển hách (cuộc chiến trên sông Bạch Đằng các năm 938, 981, 1287, 1288...), phong trào công nhân cách mạng những năm 1930, chiến thắng trận đầu khi Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam (5/8/1964), chiến tranh biên giới năm 1979.

Do lịch sử, văn hóa và địa lý, tỉnh Quảng Ninh có nhiều dân tộc đến sinh sống lâu đời (22 dân tộc). Đặc biệt sau khi thực dân Pháp phát hiện mỏ than và phát triển ngành công nghiệp khai khoáng đầu tiên của Việt Nam nên Quảng Ninh trở thành cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam; là nơi thu hút nguồn lao động của Miền Bắc, đặc biệt là vùng đồng bằng Sông Hồng, tạo nên sự giao thoa và hội tụ văn hóa, hình thành cộng đồng dân cư, xã hội Quảng Ninh thống nhất trong đa dạng; trong đó giai cấp công nhân là hạt nhân với tinh thần “kỷ luật và đồng tâm”. Chính truyền thống lịch sử văn hóa đó đã tạo nên Đất mỏ Anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và ngày nay đang là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước.

Hiện nay, đội ngũ giai cấp công nhân với khoảng 340 ngàn lao động (trong đó có khoảng 200 ngàn lao động ngành than, đóng tàu, xi măng...)1; Đảng bộ tỉnh với gần 80 ngàn đảng viên (trong đó Đảng ủy Than có gần 19 ngàn đảng viên) là lực lượng nòng cốt tạo nên sức mạnh nguồn lực con người, xã hội to lớn xây dựng phát triển Quảng Ninh.

Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Quảng Ninh có truyền thống đoàn kết, thống nhất cao - truyền thống Vùng mỏ Anh hùng, cùng với con người, xã hội, lịch sử văn hóa đã tạo cho Quảng Ninh là nơi hội tụ, giao thoa, sự thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng.



2.2. Dân tộc

Quảng Ninh có 22 thành phần dân tộc, song chỉ có 6 dân tộc có hàng nghìn người trở lên, cư trú thành những cộng đồng và có ngôn ngữ, có bản sắc dân tộc rõ nét. Ðó là các dân tộc Việt (Kinh), Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chỉ, Hoa.

Trong các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, người Việt (Kinh) chiếm 89,23% tổng số dân. Họ có gốc bản địa và nguồn gốc từ các tỉnh, đông nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ. Họ sống đông đảo nhất ở các đô thị, các khu công nghiệp và vùng đồng bằng ven sông, ven biển. Do có số người chuyển cư đến từ rất nhiều đời, nhiều đợt nên Quảng Ninh thực sự là nơi “góp người”. Sau người Việt (Kinh) là các dân tộc thiểu số có nguồn gốc từ lâu đời. Người Dao (4, 45%) có hai nhánh chính là Thanh Y, Thanh Phán, thường cư trú ở vùng núi cao. Họ còn giữ được bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ, y phục, lễ hội và phong tục, một bộ phận vẫn giữ tập quán du canh du cư làm cho kinh tế văn hoá chậm phát triển. Người Hoa (0, 43%), người Sán Dìu (1,80%), Sán chỉ (1,11%) ở vùng núi thấp và chủ yếu sống bằng nông nghiệp với nghề trồng cấy lúa nước.



2.3. Tôn giáo

Quảng Ninh là một vùng đất có nền văn hoá lâu đời. Văn hoá Hạ Long đã được ghi vào lịch sử như một mốc tiến hoá của người Việt. Cũng như các địa phương khác, cư dân sống ở Quảng Ninh cũng có những tôn giáo, tín ngưỡng để tôn thờ.

Ðạo Phật đến với vùng đất này rất sớm. Trước khi vua Trần Thái Tông (1225-1258) đến với đạo Phật ở núi Yên Tử thì đã có nhiều các bậc chân tu nối tiếp tu hành ở đó. Vua Trần Nhân Tông (1279-1293) chọn Yên Tử là nơi xuất gia tu hành và lập nên dòng Thiền trúc Lâm ở Việt Nam. Thế kỷ 14, khu Yên Tử và Quỳnh Lâm (Ðông Triều) là trung tâm của Phật giáo Việt Nam, đào tạo tăng ni cho cả nước. Nhiều thế kỷ sau đó, Ðạo Phật vẫn tiếp tục duy trì với hàng trăm ngôi chùa ở Quảng Ninh, trong đó có những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Lôi Âm, chùa Long Tiên (Hạ Long), Linh Khánh (Trà Cổ), Hồ Thiên (Ðông Triều), Linh Quang (Quan Lạn)… Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên và cả con người, hiện trên đất Quảng Ninh còn lại khoảng trên dưới 30 ngôi chùa nằm rải rác ở 8 huyện, thị, thành phố. Chưa có con số thống kê chính xác số lượng các tăng ni trên địa bàn của tỉnh nhưng những người tôn thờ đạo Phật lúc nào cũng đông (có thể càng ngày càng đông), bằng chứng là cứ đến ngày rằm, ngày mồng một (âm lịch) hàng tháng, các “con nhang, đệ tử” khắp nơi đến các ngôi chùa gần xa, dâng hương lễ Phật, cầu lành.

Những người tôn thờ các tôn giáo khác cũng có nhưng không đông như tín đồ Ðạo Phật. Hiện có 27 nhà thờ Ky Tô giáo của 9 xứ thuộc 41 họ đạo nằm ở 8 huyện, thị xã, thành phố. Số giáo dân khoảng hơn một vạn người. Tín đồ đạo Cao Ðài hiện có khoảng vài chục người. Tín ngưỡng phổ biến nhất đối với cư dân sống ở Quảng Ninh là thờ cúng tổ tiên, thờ các vị tướng lĩnh nhà Trần có công với dân với nước, các vị Thành Hoàng, các vị thần (sơn thần, thuỷ thần), thờ các mẫu (Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải)…



3. Khái quát lịch sử hình thành và phát triển

- Năm 2879 TCN- 258 TCN: Thời Hùng Vương (2.622 năm), Quảng Ninh thuộc tỉnh Hải Ninh, nước Văn Lang.

- Năm 257TCN-208TCN: Thời nhà Thục (50 năm), thuộc bộ Ninh Hải, nước Nam Việt.

- Năm 207TCN- 111TCN: Thời thuộc Triệu (97 năm), thuộc bộ Ninh Hải, nước Nam Việt.

- Dưới thời Bắc thuộc, Quảng Ninh có lúc là quận, có lúc là huyện, với các tên gọi khác nhau. Thời kỳ Nhà Triệu cai trị, vùng Quảng Ninh thuộc bộ Ninh Hải. Thời kỳ nhà Ngô-Tấn cai trị, vùng Quảng Ninh thuộc quận Giao Chỉ. Giai đoạn nhà Lương cai trị, vùng Quảng Ninh thuộc châu Hoàng, quận Ninh Hải. Từ năm 603 (nhà Tuỳ cai trị) cho đến năm 939,vùng đất Quảng Ninh chủ yếu thuộc châu Lục

- Thời nhà Ngô, Đinh và Tiền Lê (939-1009), vùng Quảng Ninh thuộc trấn Triều Dương (cũng gọi là lộ).

- Thời nhà Lý (1010-1025), Đời Lý Thái Tổ năm Thuận Thiên 14, 1023 đổi trấn Triều Dương thành châu Vĩnh An.

- Thời nhà Trần (1225-1400), đời Trần Thái Tông, năm Nhâm Dần 1242, Thiên Ứng Chính bình thứ 11, đổi châu Vĩnh An thành lộ Hải Đông. Đời vua Trần Nhân Tông, năm Ất Dậu 1285, Thiên Bảo năm thứ 7, đổi lộ Hải Đông thành lộ An Bang. Đời Trần Anh Tông, năm Đinh Sửu, 1397, Quang Thái năm thứ 10, đổi lộ An Bang thành lộ phủ Tân An

- Thời nhà Hồ (1400-1407), Đời vua Hồ Hán Thương, năm Đinh Hợi 1407, Khai Đại năm thứ 4, đổi lộ phủ Tân An thành Châu Tĩnh An

- Thời nhà Lê, đời Lê Thái Tổ, năm Mậu Thân, 1428, Thuận Thiên năm thứ nhất, cả nước chia thành 5 đạo, vùng Quảng Ninh thuộc Đông Đạo. Đời Lê Thánh Tông, năm Bính Tuất 1466, Quang Thuận năm thứ 7, vùng Quảng Ninh là đạo thừa tuyên An Bang (Về đại thể thời kỳ này, vùng An Bang có 1 phủ (Hải Đông), 3 huyện (An Hưng, Hoành Bồ, Chi Phong) và 4 châu (Vạn Ninh, Vĩnh An, Vân Đồn, Tân An))

- Đời Lê Anh Tông, năm Đinh Tỵ- 1557, Thiên Hựu năm thứ nhất, vì tránh tên thật của vua (tên thật của vua là Lê Duy Bang), trấn An Bang đổi thành trấn An Quảng (gồm 1 phủ: Hải Đông, 3 huyện: Chi Phong, An Hưng, Hoành Bồ, 3 châu: Vạn Ninh, Vĩnh An, Vân Đồn)

- Đời vua Lê Dụ Tông, năm Kỷ Sửu- 1709, Vĩnh Thịnh năm thứ 5, chúa Trịnh Cương được phong tước An Đô Vương, nên các địa danh phải tránh chữ An và đọc thành Yên, trấn An Quảng đổi tên thành Yên Quảng (gồm 1 phủ: Hải Đông, 6 huyện: Chi Phong, Yên Hưng, Hoành Bồ, Thuỷ Đường, Kim Thành, An Dương và 3 châu: Vạn Ninh, Vĩnh An, Vân Đồn).

- Thời kỳ nhà Nguyễn (1802-1945):

+ Đời Nguyễn Thánh Tổ, năm Nhâm Ngọ- 1822, Minh Mạng năm thứ 3, đổi trấn Yên Quảng thành trấn Quảng Yên; năm Tân Mão 1831, Minh Mạng năm thứ 12, đổi trấn Quảng Yên thành tỉnh Quảng Yên

+ Năm 1884, sau khi thực dân Pháp thiết lập chế độ cai trị trên đất nước ta, tỉnh Quảng Yên có hai phủ là phủ Sơn Định, gồm 3 huyện: Hoành Bồ, Yên Hưng, Nghiêu Phong (sau là Cát Hải) và phủ Hải Ninh, gồm hai châu: Tiên Yên và Vạn Ninh (sau tách thành châu Móng Cái và châu Hà Cối).

+ Ngày 20/8/1891, Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định tách phủ Hải Ninh ra khỏi tỉnh Quảng Yên lập khu quân sự Móng Cái. Ngày 24/8/1891, Phủ Toàn quyền Pháp ra Nghị định tách huyện Lục Ngạn và Yên Bác từ tỉnh Lục Nam, hợp với một phần huyện Hoành Bồ (tỉnh Quảng Yên) và huyện Đông Triều, huyện Chí Linh (Hải Dương) lập khu quân sự Phả Lại. Cả hai khu quân sự Móng Cái và Phả Lại đều nằm trong Đạo quan binh thứ nhất.

+ Ngày 10/12/1906, Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định tách phủ Móng Cái gồm 3 châu: Móng Cái, Hà Cối, Tiên Yên của tỉnh Quảng Yên, thành lập tỉnh mới lấy tên là tỉnh Hải Ninh. Ngày 14/12/1912, Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định xoá bỏ tỉnh Hải Ninh, lập Đạo quân Binh thứ nhất.

- Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, nước Việt Nam dân Chủ cộng hoà ra đời. Thời điểm này, Quảng Ninh gồm 2 tỉnh Quảng Yên và Hải Ninh. Do tính chất đặc biệt của Khu mỏ, để thuận lợi cho công tác chỉ đạo của Trung ương, ngày 19-7-1946, Bộ Nội vụ ra quyết định tạm lập tại tỉnh Quảng Yên Khu đặc biệt Hòn Gai chịu sự điều khiển, kiểm soát trực tiếp của Uỷ ban Hành chính Bắc Bộ.

- Sau ngày toàn quốc kháng chiến, tháng 3-1947, Bộ Nội vụ ra Nghị quyết sáp nhập Khu đặc biệt Hòn Gai vào tỉnh Quảng Yên thành liên tỉnh Quảng Hồng. Ngày 16-12-1948, Uỷ ban Kháng chiến hành chính Liên khu I ra Quyết định số 420PC/1 “tách khu Hòn Gai ra khỏi địa giới tỉnh Quảng Hồng và đặt thành một đơn vị kháng chiến, hành chính đặc biệt gọi là Khu đặc biệt Hòn Gai. Tỉnh Quảng Hồng nay lấy tên cũ là tỉnh Quảng Yên. Khu đặc biệt Hòn Gai đặt dưới sự kiểm soát của UBKC-HC Liên khu I… Khu đặc biệt Hòn Gai (gọi tắt là Đặc khu Hòn Gai) gồm: thị xã Hòn Gai, thị xã Cẩm Phả và huyện Cẩm Phả.

- Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được giải phóng, ngày 22-2-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 221-SL Thành lập khu Hồng - Quảng đặt dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ Trung ương. Khu Hồng Quảng gồm Đặc khu Hồng Gai và tỉnh Quảng Yên. Theo Sắc lệnh của Chủ tịch nước, các huyện Kinh Môn, Nam Sách, Chí Linh được trả về tỉnh Hải Dương (Liên khu 3). Huyện Sơn Động trả về tỉnh Bắc Giang (Liên khu Việt Bắc).



Ngày 30/10/1963, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khoá II, kỳ họp thứ 7 phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và Khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là Quảng Ninh.

Về sự kiện này, Bác Hồ đã gợi ý gọi là Quảng Ninh, do ghép chữ Quảng (của Hồng Quảng) và chữ Ninh (của Hải Ninh) mà thành. Bác bảo “Quảng Ninh còn có nghĩa là một vùng đất lớn an bình”.

II. TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI

1. Lợi thế so sánh

Quảng Ninh có 09 cái nhất của Quảng Ninh so với các địa phương khác trong cả nước:

- Tỉnh duy nhất của Việt Nam hội tụ đầy đủ các điều kiện tự nhiên cho phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội mang tính đặc trưng của Việt Nam như: rừng – tài nguyên – biển – du lịch – biên giới, thương mại…

- Có điều kiện thông thương với Trung Quốc tốt nhất Việt Nam qua hệ thống các cửa khẩu trên đất liền và trên biển.

- Trung tâm số một Việt Nam về tài nguyên than đá, công nghiệp điện, xi măng, vật liệu xây dựng.

- Có điều kiện tốt nhất cho phát triển du lịch: Biển và văn hóa tâm linh (Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Yên Tử, Cửa Ông, Vân Đồn…)

- Tỉnh có chiều dài đường biển lớn nhất 250km với hơn 2000 hòn đảo, chiếm 2/3 số đảo của cả nước, trong đó trên 1000 đảo đã có tên.

- Tỉnh duy nhất có 4 thành phố trực thuộc tỉnh (Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí, Cẩm Phả) và 01 thị xã (Quảng Yên).

- Tỉnh tập trung đông nhất công nhân mỏ có thu nhập cao là thị trường đầy tiềm năng cho các nhà cung cấp, phân phối hàng hóa.

- Tỉnh duy nhất được Chính phủ phê duyệt xây dựng khu kinh tế Vân Đồn theo định hướng trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, trung tâm thương mại và tài chính quốc tế bào gồm các khu tài chính ngân hàng quốc tế, khu phi thuế quan, thương mại; một trong những đầu mối giao thông quốc tế, dịch vụ hàng không, hàng hải.

- Là tỉnh hoàn thành sớm nhất đề án cải cách hành chính của Chính phủ, hiện đang triển khai thực hiện Chính phủ điện tử để đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính.

2. Vị trí địa chiến lược

Quảng Ninh có vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế, quân sự và đối ngoại; với điều kiện tự nhiên phong phú đa dạng. Quảng Ninh nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt - Trung; Hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN - Trung Quốc, Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore… Tỉnh có diện tích đất trên 6.100 km2 (diện tích biển tương đương đất liền với 2.077 hòn đảo đá, đất). Có đường biên giới trên bộ (118,825 km) và trên biển (trên 191 km) với Trung Quốc, có dải bờ biển dài 250 km. Là tỉnh duy nhất cả nước có 4 thành phố trực thuộc. có 3/28 KKT cửa khẩu (Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh) và 01/15 KKT ven biển (Vân Đồn); có 4 cảng khẩu trên biển (Cẩm Phả, Cái Lân, Hòn Gai, Vạn Gia); là tỉnh duy nhất có 4 thành phố trực thuộc, tỷ lệ đô thị hóa cao 55%; tiếp giáp với vùng duyên hải Nam Trung Quốc - nơi đang được đầu tư phát triển để trở thành các "cực tăng trưởng" chính trong khu vực quanh Vịnh Bắc Bộ với các cảng biển, các trung tâm kinh tế lớn Đông Hưng, Phòng Thành, Khâm Châu, Bắc Hải (Quảng Tây), Trạm Giang (Quảng Đông) và Tam Á (Hải Nam).



Với vị trí địa chiến lược nêu trên, hiện Quảng Ninh có 02 khu kinh tế là Vân Đồn và Móng Cái.

Khu kinh tế Vân Đồn, tổng diện tích khoảng 2.171 km2, diện tích đất tự nhiên 551 km2, có vị trí đắc địa, nằm trong Vịnh Bái Tử Long, với nhiều loài động, thực vật quý hiếm (hơn 80 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam). Nằm trên tuyến hàng hải quốc tế sôi động, từng là thương cảng đầu tiên của Việt Nam (thời Nhà Lý - thế kỷ XII) và 2 lần Bác Hồ đến thăm (1959, 1962).

Khu kinh tế Móng Cái, tổng diện tích khoảng 1.211 km2 (đất liền 661 km2); là vùng đất đặc biệt, có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng (đất đai, rừng, núi, sông hồ, biển, đảo, bãi biển Trà Cổ dài nhất Việt Nam - 17 km). Là KKT cửa khẩu trên bộ duy nhất ở Việt Nam có cảng biển, bên cạnh Trung Quốc (thị trường rộng lớn, dễ tính). Là KKT cửa khẩu thành công nhất cả nước (năm 2011, kim ngạch XNK đạt khoảng 6 tỷ USD, chiếm gần 7% cả nước, số người qua lại nhiều nhất trong các cửa khẩu Việt Nam với trên 3,3 triệu lượt/năm); đã thí điểm thành công chính sách mở cửa biên giới năm 1990...

3. Tiềm năng phát triển du lịch

Quảng Ninh có hơn 600 danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử; hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên: Rừng, núi, nước non, biển đảo, sông hồ.... đặc biệt có Vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới và vừa được vinh danh là Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới; là cơ hội để phát triển dịch vụ du lịch và tiến đến phát triển công nghiệp văn hóa - giải trí. Quần thể Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long là nguồn tài nguyên du lịch nổi bật, độc đáo vào bậc nhất cả nước và thế giới, với hơn 2.077 hòn đảo (chiếm 2/3 số đảo của cả nước)2.

Khu quần thể di tích Nhà Trần, Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, Quần thể di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng, Di tích và danh thắng núi Bài Thơ, Thương cảng Vân Đồn, Đền Cửa Ông... Cùng với tiềm năng du lịch sinh thái rừng, biển hết sức phong phú, với dải bờ biển dài, nhiều bãi biển tự nhiên độc đáo3; hệ thống rừng ngập mặn đặc sắc, phong phú và nhiều hồ nước ngọt lồng ghép với chuỗi đồi, núi nhấp nhô là những sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Hiện nay, Quảng Ninh đã bước đầu hình thành 4 trung tâm du lịch trọng điểm là: Trung tâm du lịch văn hóa tâm linh và di tích lịch sử (Khu Yên Tử - Bạch Đằng - Lăng mộ các vua Trần); Trung tâm du lịch Di sản thiên thiên - Kỳ quan thế giới (Vịnh Hạ Long - Bái Tử Long); Trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao (Vân Đồn) và Trung tâm du lịch thương mại biên giới (Móng Cái)... Hàng năm, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều lễ hội truyền thống, tiêu biểu như: Lễ hội Yên Tử, Lễ hội Bạch Đằng, Lễ hội Thập Cửu Tiên Công, Lễ hội Đền Cửa Ông, Lễ hội Chùa Long Tiên, Lễ hội Đình Trà Cổ, Lễ hội Quan Lạn; Lễ hội Carnaval Hạ Long… Từ huyện Đông Triều đến thành phố cửa khẩu Móng Cái đều có danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu. Những năm qua, khách du lịch đến Quảng Ninh tăng cao (năm 2011, đạt hơn 6 triệu lượt khách, gấp 3,5 lần năm 2001, trong đó số lượt khách quốc tế đạt 2,5 triệu lượt, chiếm 38% khách quốc tế đến Việt Nam).

Những tiềm năng, lợi thế nổi trội đã giúp Quảng Ninh hội tụ đủ các nhân tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà để có thể phát triển toàn diện các lĩnh vực, đẩy nhanh tiến trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế sâu rộng.


Каталог: Lists -> VanBanPhapQuy -> Attachments -> 34914
Attachments -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam kho bạc nhà NƯỚC Độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng hđnd-ubnd
Attachments -> TỈnh bắc ninh số: 144/QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> TỈnh bắc ninh số: 1714/QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> TỈnh bắc ninh số: 1541/QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> Ủy ban nhân dân tỉnh quảng ngãI
Attachments -> TỈnh bắc ninh số: 1577/QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> TỈnh bắc ninh số: 1588/QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
34914 -> Btc cuộc thi sáng tác các tp văn họC, nghệ thuật báo chí VÀ TÌm hiểu về quê HƯƠng quảng ninh

tải về 0.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương