QUỐc hội khóa XII kỳ HỌp thứ 03 BẢn tổng hợp thảo luận tại hội trưỜNG



tải về 442.92 Kb.
trang2/4
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích442.92 Kb.
#37998
1   2   3   4
Ngô Văn Hùng  - Lào Cai 

Kính thưa Quốc hội,

Sau khi tiếp thu nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo của các cơ quan chức năng của Chính phủ về vấn đề mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, tôi nhận thấy rằng với lợi thế, địa lý chính trị và nhiều phương diện quan trọng khác, với truyền thống lịch sử phát triển lâu đời Thủ đô Hà Nội của chúng ta luôn giữ vững và phát huy vai trò trung tâm quan trọng, là trái tim của cả nước, tác động ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của đất nước ta. Đứng trước thực trạng hiện nay, với tốc độ phát triển nhanh chóng toàn diện của đất nước, Thủ đô Hà Nội đang phải chịu sự mất cân đối quá lớn trên nhiều phương diện, quá tải về sự gia tăng dân số, về nhu cầu phát triển kinh tế và hệ thống hạ tầng cơ sở, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, sự quá tải nhu cầu của sự nghiệp giáo dục đào tạo và đòi hỏi yêu cầu của việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản lịch sử của dân tộc tập trung trên địa bàn Hà Nội, sự ùn tắc giao thông, vấn đề chất lượng môi trường v.v... ngày càng gay gắt, cấp thiết đối với sự phát triển và mọi hoạt động của xã hội, của Thủ đô Hà Nội.

Với những vấn đề nêu trên, việc mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội là một tất yếu, khách quan. Trên cơ sở như vậy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ về việc mở rộng địa giới hành chính Thành phố Hà Nội theo phương án 1 là hợp nhất toàn bộ Thành phố Hà Nội hiện nay với toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và toàn bộ diện tích 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình trở thành đơn vị hành chính Thành phố Hà Nội mới. Với không gian và diện tích của Thành phố Hà Nội mới như phương án 1 là hợp lý, có tầm cỡ trong khu vực, có tính khả thi cao, có chiến lược phát triển của Thủ đô Hà Nội cả trước mắt cũng như lâu dài, không chỉ cho đến năm 2020, 2030, 2050 và cả tương lai lâu dài, chúng ta có đủ điều kiện để xây dựng Hà nội trở thành một thủ đô lớn mạnh đầy đủ các ưu thế, tiềm năng phát triển. Phát triển Hà Nội về hướng Tây trên tổng thể diện tích của địa giới hành chính mới có đủ điều kiện để chúng ta quy hoạch, kiểm tra, giám sát tổng thể các phân khu chức năng của Thủ đô Hà Nội để phát triển bền vững, đồng thời cũng tạo thuận lợi để xây dựng thế trận phòng thủ, bảo vệ thủ đô, bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của Hà Nội ngày càng vững chắc, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô bền vững. Địa giới hành chính mới của Thủ đô Hà Nội phù hợp với chức năng của một Thủ đô đa chức năng đã được Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh Thủ đô của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, tiếp nối vai trò Thủ đô Hà Nội là biểu trưng của quốc gia, trung tâm hành chính, chính trị quốc gia, một trung tâm lớn của quốc gia về văn hóa, khoa học, đào tạo, kinh tế, trung tâm du lịch và giao dịch quốc tế, một đô thị hiện đại, năng động và hiệu quả có tầm khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trái tim của đất nước ngoài những đòi hỏi tất yếu khách quan còn là thực hiện tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu là: "xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".

Tôi xin kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan chức năng của Chính phủ 2 ý kiến nhỏ như sau:

Một, điều chỉnh bổ sung Tờ trình của Chính phủ để đủ điều kiện, ý nghĩa chiến lược quan trọng của sự cần thiết phát triển mở rộng địa giới hành chính Hà Nội và phát triển tầm vóc của Thành phố Hà Nội - Thủ đô trái tim của cả nước, để mọi người nhân dân đúng với tâm nguyện của toàn dân tộc xây dựng thủ đô.

Hai, khi quy hoạch chi tiết cụ thể các phân khu chức năng và phát triển tổng thể của Thành phố Hà Nội, đề nghị các cơ quan chức năng của Chính phủ và chính quyền Thành phố Hà Nội mới bố trí lấy ý kiến tham khảo rộng rãi của nhân dân Hà Nội cũng như nhân dân cả nước, để tập hợp được trí tuệ, tạo sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, xây dựng thủ đô trái tim của cả nước đúng với tâm nguyện của nhân dân cả nước đối với Thủ đô Hà Nội.

Xin cám ơn Quốc hội.


Nguyễn Minh Thuyết  - Lạng Sơn 

Kính thưa Quốc hội.

Trong thời gian 7 phút chắc không nói được gì nhiều. Vì vậy, tôi không thể trình bày được tất cả lý lẽ của mình không đồng tình với Chính phủ về việc mở rộng Hà Nội trong thời điểm này. Vì lý lẽ này tôi đã trình bày trong cuộc họp tổ, nhiều đại biểu cũng đã nêu lên trong nhiều cuộc họp khác. Tôi chỉ có thể nói đây là việc hết sức quan trọng, một việc mang tầm vóc lịch sử. Vì vậy, Quốc hội cần hết sức cân nhắc. So với những việc quan trọng khác như các công trình quan trọng quốc gia, xây dựng thủy điện Sơn La, xây dựng khu khí điện đạm Bà Rịa- Vũng Tàu, Nhà máy lọc dầu Dung Quất số 1, chúng ta thấy rằng dự án này lớn hơn nhiều, nó mang tầm vóc lịch sử, Quốc hội phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về quyết định lần này của mình.

Cho nên, chúng tôi xin đề nghị Quốc hội hết sức cân nhắc, vì sao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là cơ quan thẩm tra của Quốc hội không đồng tình với Tờ trình, vì sao nhiều đại biểu Quốc hội Hà Nội, của Hà Tây không đồng tình với Tờ trình, vì sao phần lớn các đại biểu trong cuộc họp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không đồng tình với Tờ trình, những ý kiến này có phản ánh đúng nguyện vọng của cử tri hay không, chúng ta phải cân nhắc điều đó, chúng tôi đã làm những cuộc điều tra nhỏ, tiếp xúc với cử tri, thậm chí nhiều cử tri trong khu phố người ta trực tiếp tới nhà chúng tôi người ta biết là có bàn chuyện này, đến tận nhà và họ gửi gắm chúng tôi phát biểu với Quốc hội. Thậm chí, chúng tôi xin nói thật với Quốc hội là có những cử tri nói đây là vấn đề đất. Tôi cũng nói là tất nhiên mở rộng là đất rồi, nhưng họ nói không, ở đây có những nhóm quyền lợi. Tôi xin tìm hiểu kỹ xem có chuyện đó không, nhưng quả tình là nếu mình quyết định gấp quá dân người ta có thể suy nghĩ như thế mà mình không giải thích được.

Thứ hai là hiện nay có đồng chí đặt vấn đề kỳ này Quốc hội chỉ cần thông qua chủ trương mở rộng Hà Nội thôi, còn quy hoạch cụ thể thì giao Chính phủ. Tôi không đồng tình với cách đặt vấn đề như vậy. Vì tôi cho rằng kiểu vừa chạy vừa xếp hàng như thế thì nó dẫn đến hậu quả không tốt. Thực tế chúng ta đã từng làm một số việc vừa chạy, vừa xếp hàng và chúng ta đã thấy hậu quả rồi.

Tôi chỉ muốn nói một việc rất đơn giản, rất nhỏ ở ngay Hà Nội này. Vào thời kỳ mà cả nước thiếu điện, mà xe điện chạy lừ lừ giữa thành phố, ai cũng thấy khó chịu, lãnh đạo cũng thấy khó chịu, dân cũng thấy khó chịu, đến khi bóc toàn bộ đường ray đi thì dân hả hê, như thế là tốt, nhưng đến bây giờ chúng ta mới thấy là sai lầm, bởi vì nếu có hệ thống xe điện ấy thì có thể nói là giải quyết được nhiều vấn đề về giao thông. Tôi nghĩ là về vấn đề này chúng ta cần phải tính toán rất kỹ lưỡng. Chứ không thể đặt vấn đề là cứ thông qua chủ trương rồi sẽ quyết quy hoạch sau. Bởi vì hiện nay tôi thấy nhiều vấn đề lớn chưa giải quyết được.

Vấn đề lớn thứ nhất, mà đại biểu nào là đại diện cho dân cũng phải quan tâm là đời sống của nhân dân ở những vùng tương lai sẽ được thu hồi đất để đô thị hoá sẽ ra sao, giao thông Hà Nội sẽ ra sao. Chúng ta nghĩ chúng ta mở rộng Hà Nội là để giải quyết vấn đề giao thông, nhưng như một đại biểu phát biểu trước tôi đã nói là đến lúc đó thì người dân từ khắp tất cả các vùng xa xôi vài ba chục cây số cũng lại phải đi xe máy, xe đò về trung tâm Hà Nội này để làm việc với các cơ quan chính quyền Hà Nội vậy thì giao thông giải quyết được hay tắc nghẽn thêm. Theo tôi hiện nay có 2 bài toán lớn: bài toán thứ nhất là giải quyết công ăn việc làm cho nông dân sau khi bị thu hồi đất, bài toán thứ hai là giải quyết giao thông đô thị. Cả nước chúng ta còn đang phải loay hoay tính toán chưa giải đáp được thế mà bây giờ chúng ta lại phó mặc cho Chính phủ giải quyết cho Hà Nội này sau khi mở rộng, tôi nghĩ là cũng không giải quyết được đâu, những bài toán đó là bài toán rất lớn.

Tóm lại theo tôi cần làm rõ như thế này, mở rộng đến đâu, Hà Nội có cần phải mở rộng không? Tôi nghĩ cũng có thể mở rộng, nhưng mở rộng đến đâu? Chúng tôi xin nói là diện tích của Hà Nội hiện nay gấp 1,5 nước Singapor, mà Singapor chỉ diện tích như thế người ta đã xây dựng được một đất nước công nghiệp đàng hoàng không thua kém gì các nước Âu Mỹ. Bây giờ mình nhà chật do mình bầy biện kém, người ta nói "vụng múa thì lại chê đất lồi", bây giờ mình lại nói nó chật quá thì tại sao mình lại không sắp xếp lại để cho nó không chật.

Thứ hai, chúng tôi xin nói có nhất thiết các cơ quan mang danh Hà Nội cứ phải đóng ở Hà Nội không? Tôi nghĩ là không. Ở Pháp rất nhiều trường đại học mang tên Đại học Paris 11, Đại học Paris 13 đóng ở ngoại thành mà ngoại thành đó thuộc ở tỉnh khác, nó không thuộc Paris, nó vẫn mang tên Paris không có vấn đề gì cả. Lầu Năm góc các đồng chí cứ tưởng ở Oasingtơn, không phải nó ở Oasingtơn mà nó ở thành phố Alexandria thuộc Bang khác liền với Oasingtơn thôi. Cho nên tôi nghĩ cái cớ mà mính nói phải có những công trình như thế để mà đổi tên Hà Tây thành Hà Nội thì theo tôi không cần thiết. Cứ đầu tư phát triển vùng đất đó đi, sau này trong qúa trình phát triển tự nhiên tính toán chúng ta có thể sẽ tính bước nhập sau, không nhất thiết phải làm bây giờ.

Nhưng bây giờ có một vấn đề lớn đặt ra như thế này, dừng lại dự án này Quốc hội không quyết trong kỳ này thì có ảnh hưởng không? Các đồng chí bên Chính phủ nói rất ảnh hưởng, bởi vì Hà Tây gần như dừng lại rồi, nhiều việc không giải quyết rồi, đã thành lập một số ban trù bị, thành lập Sở này, Sở kia rồi, Hà Nội, Hà Tây đã liên kết thành lập rồi, bây giờ mà dừng lại thì không giải quyết được.

Chúng tôi xin nói đây là một việc làm sai, Quốc hội chưa hề bàn, tại sao lại đi chỉ đạo dừng các công việc đấy lại, tôi nghĩ rằng đây là một việc phải rút kinh nghiệm và theo tôi không phải vì cái sai ấy mà bây giờ Quốc hội cứ phải đâm lao theo lao quyết nhập Hà Tây với Hà Nội. Tôi cho là chúng ta không thể hứa trước tại Kỳ họp thứ 4 chúng ta sẽ thông qua dự án này, khi nào dự án này làm tốt, lúc đấy Quốc hội sẽ bàn bạc và sẽ có biểu quyết sau. Vì nếu bây giờ chúng ta nói là đến Kỳ họp thứ 4 hay Kỳ họp thứ 5 sẽ bàn, sẽ quyết thì lại gây một tâm lý chờ đợi cho nhân dân các địa phương. Theo tôi vấn đề này chúng tôi đề nghị Quốc hội hết sức cân nhắc, cân nhắc hết sức thận trọng, tôi xin cảm ơn.
Nguyễn Lân Dũng  - Đắc Lắk 

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa các vị lãnh đạo và các vị khách quý,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi đồng tình với chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, vì Hà Nội cần mở rộng hơn, cần hiện đại hơn, cần trong sạch hơn. Tuy nhiên tôi cũng rất hoan nghênh ý kiến băn khoăn xác đáng về quy mô và lộ trình trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Tôi xin bày tỏ một số băn khoăn, cũng là ý kiến của khá nhiều cử tri gửi gắm tôi phát biểu.

Một là, nếu Hà Nội được mở rộng đến 3344,7 km2 thì theo số liệu trên Internet Hà Nội sẽ là Thủ đô lớn thứ hai trên thế giới trong số tất cả các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, chỉ đứng sau vùng Thủ đô Tokyo Yokohama, một vùng có tới 33,2 triệu dân, những Thủ đô nổi tiếng đều nhỏ hơn rất nhiều, riêng Thủ đô Bắc Kinh nếu không kể 7 huyện ngoại thành cũng chỉ có 748 km2, nếu kể cả ngoại thành thì Bắc Kinh sẽ là Thủ đô lớn thứ hai trên thế giới và Hà Nội xếp thứ 3. Còn các thủ đô khác có thể kể đến như New Deli 1295 km2, Matxcova 2150 km2, Bangkok 1010 km2, London 1623 km2, Mexico city 2072 km2, Kualalambua 1606 km2, Manila 1399 km2, Seul 1049 km2, Madrid 945 km2, Roma 842 km2, Budapest 702 km2, Brussels 712 km2, Teheran 686 km2 v.v...

Hai là, mục tiêu của đề án chưa được làm rõ, mục tiêu này phải trả lời được nhiều câu hỏi chẳng hạn như để làm gì? đem lại lợi ích gì cho từng giai đoạn cụ thể nào? lợi ích cho những ai? trước mắt hay lâu dài? những ai tham gia và ai chụi trách nhiệm, tốn kém là bao nhiêu tiền? tiền này lấy ở đâu? Sau khi làm rõ được mục tiêu sẽ phải xem xét phương án nào tối ưu để đạt được mục tiêu này, không thể chấp nhận mục tiêu là có thêm quỹ đất để giải quyết quá tải về hạ tầng, các thủ đô khác ở các nước phát triển, cơ sở hạ tầng rất tốt cũng đâu có cần quá rộng, tiêu chí pháp luật về thành phố đặc biệt liệu có đáp ứng được hay không sau khi mở rộng tới 3,6 lần thành phố Hà Nội.

Ba là sau khi có mục tiêu chung rồi lại phải xét đến từng mục tiêu cụ thể, muốn như vậy phải lập các quy hoạch tổng thể trên bản đồ một phần vạn hay 1/5 nghìn, trên cơ sở đó mới tiến hành lấy ý kiến các chuyên gia, lấy ý kiến của đông đảo tầng lớp nhân dân, các đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như đại biểu Quốc hội, chúng tôi muốn làm tròn trách nhiệm trước cử tri của mình thì làm sao có thể biểu quyết vội vã trước khi hỏi ý kiến của đồng bào, của cử tri, ý kiến của Ủy ban chuyên môn tất nhiên phải đặc biệt quan trọng Trên công luận chưa bao giờ quyết một đề án lớn của Đảng, Chính phủ mà lại có nhiều ý kiến băn khoăn của các nhà khoa học, các nhà quy hoạch, các kiến trúc sư, các nhà văn hóa như đề án này. Tiêu biểu là các ý kiến của các vị trong đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam, kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, kiến trúc sư, tiến sỹ Nguyễn Đình Toán, Viện trưởng Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn của Bộ Xây dựng v.v..., nhà sử học Dương Trung Quốc coi đề án này quan trọng như chiếu dời đô của vua Lê. Vậy mà trong chiếu dời đô viết xong từ tháng giêng, nhưng để cho quần thần tham kiến nên mãi đến trọng thu mới tiến hành dời đô.

Bốn là đề án phải trải qua một lộ trình chặt chẽ, đầu tiên là giai đoạn nghiên cứu khả thi với sự tham gia của những cơ quan chuyên môn đủ mạnh và làm việc với sự chỉ đạo của một Ủy ban quốc gia do Chính phủ chỉ định. Bên cạnh đó phải có một Hội đồng phản biện để làm bộc lộ hết tất cả các vấn đề cần làm sáng tỏ cần tháo gỡ trước khi quyết định. Trong giai đoạn thẩm định cần tổ chức một Hội đồng cấp Nhà nước với sự tham gia của các chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước, sau khi trải qua các bước này hãy trình lên Chính phủ và Quốc hội.

Năm là tôi chưa thấy bất kỳ lý do gì buộc các đại biểu Quốc hội vội vã biểu quyết trong kỳ họp này, các luật không mấy quan trọng cũng còn phải thảo luận qua 2 kỳ họp nữa là chuyện quốc gia đại sự này, giữa lúc trình độ quản lý thủ đô chưa mở rộng và biết bao lúng túng bất cập như vậy thì khi mở to ra liệu năng lực quản lý có đảm đương được hay không? Lẽ nào đến tận năm 2050 mà thủ đô Hà Nội vẫn còn 4 triệu cư dân nông thôn, Sóc Sơn về Hà Nội bao lâu rồi mà sao vẫn còn nghèo đói như vậy, nay lại gộp to như vậy, liệu có đến lúc phải tách ra như việc làm trước đây đối với Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Hoàng Liên Sơn, Bắc Thái, Hà Bắc, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Nghĩa Bình, Thuận Hải, Gia Lai, Kon Tum, Sông Bé, Cửu Long, Hậu Giang hay không? Đa số tâm tư của đại biểu Quốc hội là muốn được làm sáng tỏ các vấn đề nói trên, được yên tâm bấm nút tham gia quyết định một sự kiện tày đình này, sau khi các vấn đề nói trên đã được làm sáng tỏ. Xin cảm ơn Quốc hội.
Hồ Nghĩa Dũng  - Đắk Nông 

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin được phát biểu thảo luận dưới góc độ là một đại biểu trong ngành giao thông vận tải và dưới góc độ của sự phát triển của giao thông vận tải đối với thủ đô. Tôi bày tỏ sự đồng tình và nhất trí với Đề án mở rộng Thủ đô Hà Nội theo phương án 1 mà Chính phủ đã trình bày. Dưới góc độ giao thông, chúng tôi thấy đây là phương án tốt và có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện được quy hoạch phát triển giao thông vận tải theo hướng hiện đại và tạo ra được những tiền đề cơ bản để giải quyết một cách bền vững những vấn đề về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông.

Để minh hoạ, tôi xin cung cấp một số số liệu về hiện trạng giao thông của đô thị Hà Nội so với các nước trong khu vực và so với tiêu chí của thế giới hiện nay. So với các nước trong khu vực và các tiêu chí mà tổ chức quốc tế thường nói về kết cấu hạ tầng giao thông, người ta thường nói tới tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đô thị khoảng từ 22-24%. Hiện nay ở BăngKốc khoảng 25%, ở Đài Bắc là 29%, ở Kualalampur là 23,8% và ở Bắc Kinh khoảng 29%. Trong khi đó Hà Nội của chúng ta tỷ lệ quỹ đất này dành cho giao thông mới ở khoảng 7%, như vậy chỉ bằng 20-30% so với các nước trong khu vực.

Về mật độ diện tích dành cho giao thông tính theo đầu người, tức là tính theo m2/người, theo thông lệ quốc tế khoảng từ 20-24, ở Hà Nội là 2,46, nghĩa là chỉ bằng 10% so với các nước. Số km đường giao thông trên 1.000 dân trong khu vực khoảng 0,95 - 1 thì ở Hà Nội là 0,31, bằng 30% so với các nước. Số km đường giao thông trên 1km2 diện tích theo thông lệ khoảng 4,5-5 ở Hà Nội là 1,04 tức là bằng khoảng 20% so với các nước.

Về tỷ lệ giao thông công cộng để đảm nhiệm, ở các nước trong khu vực khoảng trên dưới 50%, Hà Nội của chúng ta khoảng 70-80% giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại.

Rõ ràng nhìn về các tiêu chí như vậy và so sánh các nước trong khu vực thấy hạ tầng giao thông vận tải của Thủ đô Hà Nội là bất cập. Với hiện trạng giao thông như thế và kết hợp với tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, cộng với tỷ lệ nhập cư vào Hà Nội đang tăng cao với tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân trên 2 chỉ số hàng năm, với quỹ đất giao thông và địa giới hành chính hiện nay không thể nào thực hiện được quy hoạch giao thông, để đạt được mức trung bình của thế giới và rất khó để giải được bài toán giao thông đô thị một cách bền vững và lâu dài.

Cách làm vừa qua khi thực hiện về quy hoạch và phát triển giao thông đô thị, do hạn chế về địa giới hành chính và quỹ đất về giao thông, chúng ta đã chú trọng để mở rộng các đường nội đô và thực hiện cách làm như thế này gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, rất phức tạp và tiến độ thì kéo dài, thực hiện rất tốn kém, tạo ra những tuyến đường với chi phí rất cao, nhưng giải quyết vấn đề giao thông còn nhiều hạn chế, ví dụ như đường Kim Liên, Ô Chợ Dừa cũng được mệnh danh là tuyến đường đắt nhất thế giới, nhưng khi càng mở rộng thì giải quyết vấn đề giao thông không đảm bảo được, vì càng thu hút các dịch vụ và sự phát triển ở khu vực này và lại tập trung thêm lưu thông trong khu vực này. Hay những con đường như vành đai 2, vành đai 3 trong nội đô thì ngoài yếu kém về công tác quản lý đầu tư xây dựng, phải nói là việc giải phóng mặt bằng tạo ra quỹ đất để thực hiện các dự án này rất khó.

Theo quy hoạch hướng phát triển giao thông đô thị trong thời gian tới chúng ta không chú trọng quá mức để phát triển giao thông ở trong nội đô, chủ yếu các đường trong nội đô phải đi sâu vào hiện đại hoá nó lên, tập trung vào cải tạo, mở rộng các quốc lộ và các đường cao tốc song hành với các quốc lộ hướng tâm, xây dựng các hệ thống đường vành đai đô thị và các trục chính đô thị. Ví dụ như một trục đường Láng- Hoà Lạc sẽ trở thành một trục chính đô thị lớn nhất nước, có quy mô hiện đại theo đúng tiêu chuẩn của quốc tế và xây dựng các nút giao lập thể. Phải xây dựng các tuyến đường sắt quốc gia và đô thị là loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, đi ngầm hoặc trên cao. Quy hoạch phát triển giao thông Hà Nội này trong thời gian vừa qua đã tính tới những yếu tố gắn kết quy hoạch mở rộng vùng Thủ đô mà Chính phủ đã phê duyệt. Cho nên, nếu được điều chỉnh quy hoạch Hà Nội mở rộng sẽ có những yếu tố rất thuận lợi trong việc điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông đô thị Hà Nội. Việc thực hiện quy hoạch trên cần có quỹ đất hợp lý cho xây dựng. Trong đó quỹ đất dành cho giao thông vận tải và quỹ đất tạo vốn đầu tư trên cơ sở chính sách xã hội hóa các nguồn vốn, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng. Điều đó chỉ giải quyết được khi địa giới thủ đô hành chính được mở rộng. Ở đây, không phải chỉ có quỹ đất dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng mà có quỹ đất để tạo ra cơ chế về vốn để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào phát triển hạ tầng.

Ngoài ra, để giải quyết bài toán giao thông đô thị bên cạnh việc phát triển kết cấu hạ tầng, cần quy hoạch phân bố lại các hướng giãn các trung tâm hành chính, các cơ sở dịch vụ, trường học và bệnh viện. Điều đó cũng yêu cầu quỹ đất và không gian hành chính được mở rộng hơn. Chúng tôi rất mong muốn đề nghị Quốc hội có thể sớm thông qua trong kỳ họp này. Vì dưới góc độ giao thông vận tải nếu quy hoạch điều chỉnh địa giới được thông qua sớm thì đây là một tiền đề để ngành giao thông vận tải có thể xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng phát triển đô thị sớm, cũng như các đại biểu Quốc hội thường nói giao thông phải đi trước một bước, quy hoạch giao thông cũng phải đi trước một bước thì mới có thể thực hiện được quy hoạch phát triển, gắn với quy hoạch phát triển đô thị một cách bền vững. Xin cám ơn Quốc hội.


Nguyễn Khắc Nghiên  - Phú Thọ 

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin bày tỏ sự đồng tình cao với Tờ trình của Chính phủ. Tôi xin phát biểu về sự cần thiết khi mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô Hà nội, với nhiệm vụ quốc phòng bảo vệ Tổ quốc. Vì chúng ta biết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Chúng tôi hiểu điều chỉnh không gian Thủ đô Hà Nội là điều chỉnh không gian bảo vệ Thủ đô, vì mọi cuộc chiến tranh thì mục tiêu đều là đánh chiếm Thủ đô, bộ máy lãnh đạo tối cao và lật đổ thể chế chính trị. Thủ đô mở rộng sẽ tạo ra được thế mới, lực mới, có thế của núi, của sông và có sức mạnh của nền kinh tế, sức mạnh của lòng dân. Lịch sử cũng đã chứng minh từ Thế kỷ XI đến nay dân tộc ta cũng đã trải qua 8 cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, có 7 cuộc tiến công trên đường bộ và một cuộc tiến công bằng đường không, nhưng đều đánh vào Thăng Long Đông đô Hà Nội và trong 8 cuộc chiến tranh trên chỉ có hai cuộc chiến tranh chúng ta giữ được Thăng Long Đông đô Hà Nội đó là chống Tống lần thứ 2 và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chống Mỹ chúng ta đã biết cả miền Bắc là xã hội chủ nghĩa, thực tế cũng chưa có cuộc tiến công trên bộ ra miền Bắc của chúng ta. Còn lại 6 cuộc chiến tranh đều phải rút khỏi Thăng Long Hà Nôi.

Ở đây chúng tôi hiểu về địa thế rất quan trọng, tất nhiên Vua Lý Thái Tổ nói "là nơi dựng nghiệp đế vương muôn đời", nhưng trên thực tế về mặt địa lý cũng có những vấn đề chúng ta cần phải xem xét. Do vậy, trong đề án ngoài mục tiêu xây dựng Thủ đô hiện đại phải gắn với quy hoạch Thủ đô với quy hoạch vùng và quy hoạch giao thông, với quy hoạch quốc phòng và phòng thủ dân sự. Với nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội chúng ta thành lập mới, nhập chia điều chỉnh địa giới và thành phố trực thuộc Trung ương, thành lập hoặc giải thể đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, tôi thấy cần phải tỏ thái độ làm cơ sở để Chính phủ thực hiện. Nếu viết như trong Tờ trình của Ủy ban pháp luật của Quốc hội, đến một thời gian nhất định sẽ tiến hành việc xem xét quyết định điều chỉnh địa giới. Như vậy, đây là vấn đề thời gian tôi thấy việc tổ chức để kéo dài rất phức tạp nó sẽ nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện.

Về những căn cứ tôi thấy đây là đề án đã được chuẩn bị 6 năm, 20 cuộc hội thảo trong nước và quốc tế, tham khảo nước ngoài, chuyên gia nước ngoài, được Ban cán sự Đảng, Chính phủ trình ra Bộ Chính trị, Bộ Chính trị trình ra Trung ương. Chúng tôi cũng đọc trong Pháp lệnh Thủ đô thấy có 3 Điều 17, 18, 19 nói huy động nguồn lực như thế nào để xây dựng Thủ đô, tất nhiên khi mở rộng vấn đề này cần phải có điều chỉnh, bổ sung. Tôi cũng đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật của Quốc hội, các đồng chí nói điều chỉnh để phát triển không phải là chuyện bất bình thường. Chúng tôi đọc trong lịch sử thấy Thăng Long Đông Đô Hà Nội từ Thế kỷ XI đến nay qua nhiều lần điều chỉnh, dưới thời Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Trịnh, Tây Sơn, Thăng Long diện tích không lớn, chỉ có Hoàng Thành và Thăng Long ngoại thành. Tháng 11/1831, vua Minh Mạng cho thành lập các tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Nội, tỉnh Hà Nội lúc đó bao gồm Kinh thành Thăng Long và hầu hết các tỉnh Hà Đông cũ và Hà Nam. Ngày 19/7/1888, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập Thủ đô Hà Nội. Ngày 13/5/1902 tách Thành phố Hà Nội ra khỏi tỉnh Hà Nội và đổi tên tỉnh Hà Nội thành tỉnh Cầu Đơ. Năm 1904 đổi tên thành tỉnh Hà Đông. Năm 1978 Hà Nội mở rộng lên hướng Xuân Mai, Sơn Tây, Mê Linh. Năm 1991 chuyển về thị xã Sơn Tây và 6 huyện về Vĩnh Phú và Hà Tây, trong đó có Mê Linh. Như vậy về địa lý, lịch sử, văn hóa, tỉnh Hà Nội có trước cả tỉnh Hà Đông cũ và Hà Tây ngày nay, tôi thấy trên một số cơ sở như thế. Còn các khía cạnh khác như các đại biểu đã phát biểu, tôi thấy là yếu tố hết sức quan trọng để chúng ta tỏ rõ thái độ. Xin cảm ơn Quốc hội.
Bùi Văn Duôi  - Hoà Bình 

Kính thưa Quốc hội.

Về Tờ trình Số 60 và Báo cáo số 74 của Chính phủ tôi xin có mấy ý kiến như sau:

Thứ nhất, sau khi có chủ trương của Chính phủ thì Hội đồng nhân dân 4 xã của Huyện Lương Sơn, Hội đồng nhân dân Huyện Lương Sơn và Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình đã họp. Riêng Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình có 2 nghị quyết về vấn đề này.

Xin báo cáo với Quốc hội, đối với nghị quyết thứ nhất là hoàn toàn tán thành và ủng hộ việc 4 xã của Huyện Lương Sơn về thành phố Hà Nội. Nhưng trong quá trình thảo luận thì Hội đồng nhân dân tỉnh thấy do có thời kỳ năm 1976 đến năm 1991 nhập tỉnh Hòa Bình với tỉnh Hà Tây thành tỉnh Hà Sơn Bình còn 18 điểm khác chồng lớn giữa Hòa Bình và Hà Tây. Tỉnh Hòa Bình đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và cũng đã đề nghị Bộ Nội vụ khi thực hiện 364 điều chỉnh điểm này nhưng không được ghi nhận. Cho nên chúng tôi có đề nghị đồng ý, nhưng đồng thời cũng như Tờ trình của Chính phủ là khắc phục điểm lõm với Vĩnh Phúc và những điểm còn chồng lấn, nên theo đề nghị của tỉnh Hòa Bình là các điểm khác còn chen lấn với Hà Tây hay trong Hà Nội tương lai, xin đề nghị Chính phủ cũng điều chỉnh.

Tôi xin đưa một ví dụ: Tại chỗ xã Nam Phương Tiến của Hà Tây thì trong quá trình chung tỉnh Hà Sơn Bình dân cư xen kẽ và chen lấn nhau, bây giờ đã cắt đôi xã Liên Sơn của Tỉnh Hòa Bình ra. Các đồng chí nhìn trên bản đồ ở tài liệu đại biểu tham khảo ở đây có một điểm vẽ đúng cắt đôi huyện Liên Sơn ra, cũng không được đề cập để điều chỉnh. Nếu thế chúng tôi xin đề nghị một là phải chia xã Lương Sơn thành 2 xã, bởi vì giữa đó là xã Nam Phương Tiến của Hà Tây, hay ở những nơi như nhà máy bê tông Xuân Mai thì dân cư của Hà Tây, nhưng đất đai của Hòa Bình hoặc ngược lại nông trường Lương Mỹ thì đấy không phải các anh ở tỉnh Hà Tây muốn, nhưng rõ ràng là khi ở tỉnh Hà Sơn Bình và hiện nay là Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây, có cấp đất của Hoà Bình cho người Hà Tây ở nông trường Lương Mỹ. Nhưng điểm đó nếu đúng như theo Tờ trình của Chính phủ là chen lấn, tranh chấp thì điều chỉnh một thể luôn, nếu không khi Quốc hội biểu quyết thông qua thì sau này lại tiếp tục phải bàn đến địa giới giữa Hoà Bình và Hà Nội tương lai. Nếu như vậy thì huyện Lương Sơn 5 xã cắt ra, chỉ có cách đưa về huyện Kim Bôi là huyện lớn nhất tỉnh Hoà Bình, đã có 37 xã rồi thì sẽ thành một huyện 42 xã đối với miền núi thì không thể tưởng tượng được.

Ý thứ hai, xin báo cáo với các vị đại biểu Quốc hội, đối với Hoà Bình, sau khi có thông tin là Hoà Bình sẽ có 4 xã về Thủ đô Hà Nội, trên báo chí chúng ta có một số thông tin đưa, tôi cho với dụng ý như thế này thì một là phản tác dụng, hai là có cái gì đó như là hậm hực, thiếu thiện chí ủng hộ chủ trương của Chính phủ. Hay bàn luận nào là dân Mường, 4 xã của Hoà Bình ông dạy cháu, cha dạy con học tiếng Kinh để về Hà Nội. Hay là 60 ngày đêm nữa chỉ 1 đêm nữa sẽ thành người thủ đô thanh lịch v.v.... rồi là dân Hoà Bình là dân "cơm đồ nhà gác, nước vác luồng tui, ngày lui tháng tới, mong ngày mong đêm để trở thành dân của Hà Nội". Xin thưa Hà Nội không phải như thế, với chủ trương thì chúng tôi ủng hộ, nhân dân ủng hộ, nhưng đưa tin với những dụng ý như thế thì tôi không hiểu những người viết bài này nghĩ gì, nhà gác xấu à, nhà gác hiện nay là hàng trăm triệu. Đây là những thông tin gây phản tác dụng, chính thức huyện uỷ Lương Sơn đã có công văn phản đối những bài báo này.

Thứ hai là ngay trong Tờ trình của Chính phủ, đặc biệt là Báo cáo số 74 cũng nói là vùng đất này nghèo, thiếu. Xin thưa Quốc hội, đây là một vùng đất đẹp. Tôi có thể nói vui là như một cô gái đẹp, có của hồi môn kha khá nếu về thủ đô, đang có rất nhiều dự án đã và đang được đầu tư ở 4 xã này, cũng xin báo cáo với Quốc hội là như thế.

Ý cuối cùng, chúng tôi mong muốn là dù kỳ này Quốc hội thông qua hay chưa thông qua nhưng cũng phải điều chỉnh lại địa giới hành chính. Những dự án đang được triển khai ở Hà Tây, ở Hòa Bình (ở 4 xã này) phải tiếp tục được triển khai, làm thế nào đó để đời sống của nhân dân ổn định hơn, phát triển tốt hơn. Đấy là điều mong muốn của cử tri tỉnh Hòa Bình. Tôi xin được báo cáo trước Quốc hội. Xin cảm ơn Quốc hội. xin hết.
Nguyễn Ngọc Đào  - TP Hà Nội 

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin phép phát biểu 3 ý quan trọng bổ sung vào những gì tôi đã phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, 3 ý đó như sau:

Trước hết, tôi nói về lịch sử Hà Nội để chúng ta hiểu vị thế nó như thế nào? Hà Nội từ một làng nhỏ ven sông Tô Lịch được Lý Nam Đế xây thành Vạn Xuân, được Cao Biền nâng lên, hoạch định thành gọi là Đại La. Năm 1010 Lý Công Uẩn đặt tên là Thăng Long. Rồi qua các thời kỳ bị không coi là thủ đô, Hồ Quý Ly dời đô về Thanh Hóa gọi là Đông Đô, sau đó nhà Minh chiếm gọi là Kinh Đô, nhà Hậu Lê gọi là Đông Quan, thời nhà Mạc quay lại Thăng Long, thời nhà Nguyễn không còn là đô thị, không còn là thủ đô, Hà Nội được người Pháp sử dụng để chỉ về một thủ đô khi triều đình Huế dâng cho người Pháp. Toàn bộ lịch sử ấy nói lên một điều rất quan trọng là Hà Nội về mặt địa - chính trị, về mặt địa - văn hóa, tôi thêm một từ nữa đó là địa - nhân học, chưa nói là tâm linh thì như đã được định vị rồi. Định vị là một thánh địa, một địa linh, ở đó các triều đại từ phong kiến, đến các Chính phủ của chúng ta ngày nay đặt làm thủ đô. Tôi đề nghị nên hiểu Hà Nội là thủ đô, chứ không phải Hà Nội là một tỉnh Hà Nội, phải phân biệt khái niệm vùng thủ đô và Thủ đô Hà Nội, có như vậy chúng ta mới hiểu Thủ đô Hà Nội đứng ở vị thế như thế nào. Với ý này, tôi kết luận Hà Nội luôn phải nhận thức là thủ đô, loại hình thủ đô hiện đại có thể chấp nhận được, đó là Thủ đô mang tầm của trung tâm chính trị hành chính, nếu có thể kèm cho nó một nhiệm vụ kinh tế thì kinh tế ấy là nền kinh tế đặc thù, nó ở tầm cao hơn.

Thứ hai, Hà Nội phải đối mặt rất nhiều, những vấn đề chúng ta biết, mới hôm qua mưa nhỏ mà ô tô đi ngập hết cả bánh, Hà Nội không có đường vỉa hè cho dân đi, Hà Nội thiếu đất để xây dựng các trụ sở, Hà Nội ô nhiễm, Hà Nội ngập lụt, Hà Nội tụt hậu, những cái đó rất bức xúc, tôi tin rằng Quốc hội chúng ta cũng rất bức xúc, mỗi người chúng ta đều lo cho Hà Nội, rằng phải làm gì đây để Hà Nội xứng tầm. Tôi rất ủng hộ Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh Thủ đô. Tôi đọc rất kỹ Nghị quyết của Bộ Chính trị và Pháp lệnh Thủ đô, cũng không thấy nội dung phải mở rộng địa giới hành chính. Mục tiêu quan trọng của Nghị quyết 15 là xây dựng Hà Nội thành một thành phố đủ tầm, tầm ấy là tầm của Việt Nam, tầm của một nước đang phát triển, sánh vai với các quốc gia tại khu vực và trên thế giới, Pháp lệnh Thủ đô cũng nhấn mạnh điều này.

Như vậy, hai văn bản pháp lý và chính lý, tức là Nghị quyết 15 và Pháp lý tức là Pháp lệnh Thủ đô đều tập trung trăn trở của toàn bộ 84 triệu con người về vị thế Hà Nội tương lai như thế nào. Cho nên, tôi ủng hộ phương án mở rộng Hà Nội.

Tuy nhiên, nên đặt vấn đề mở rộng Hà Nội như thế nào? Người ta hay nói một câu rất hay là mở rộng Hà Nội nếu theo đề án của Chính phủ này thì hình như nó đồng nghĩa với khái niệm dịch đô nhiều hơn là khái niệm dịch cư. Dịch đô cũng là vấn đề hệ trọng, dời đô đã là hệ trọng rồi, dịch đô cũng hệ trọng, vì nó mang một tầm nhìn, một vai trò và ý nghĩa lịch sử rất lớn. Để dịch Hà Nội, để mở rộng Hà Nội như thế nào, tôi xin trích lại một câu cũng rất hay trong Chiếu dời đô để chúng ta hiểu cách làm như thế nào của Lý Công Uẩn. Trong Chiếu dời đô Người viết: Chỉ vì muốn đóng đô ở trung tâm mưu toan việc lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh Trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước mới lâu dài, phong tục được phồn thịnh, được thế rồng cuộn, hổ ngồi, đặt đúng ngôi nam, bắc, đông, tây xem khắp nước Việt ta chỉ nơi này là thánh địa, thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời. Trích Đại Việt sử ký quyển 2, trang 241, 242. Chúng ta thấy Hà Nội quan trọng lắm. Bởi vì mỗi khi nói đến Hà Nội và dịch chuyển nó thì phải hết sức quan trọng. Tôi đề nghị 3 phương án:

Một là Chính phủ thành lập ngay một Uỷ ban đặc trách trực thuộc Thủ tướng ban về vấn đề lớn này. Uỷ ban ấy quan trọng như thế nào thì Thủ tướng nhìn nhận mời các chuyên gia và mời ai để bàn về việc này.

Hai là trên cơ sở đó Chính phủ sẽ có một tờ trình hợp lý về ý và chặt chẽ về mặt khoa học, được ý Đảng, lòng dân. Chúng ta không lo muộn trình Quốc hội. Khi có một tờ trình đừng phản cảm như Tờ trình vừa rồi, đừng có 8 phút phim phản cảm như vừa rồi. Hãy có một tờ trình nghiêm túc rồi trình Quốc hội. Tôi cho rằng Kỳ 4, Kỳ họp thứ tư chúng ta sẽ quyết định điều này. Đấy là phương án thứ nhất.

Phương án thứ hai: lần này chúng ta thông qua một nghị quyết, nhưng tôi đề nghị chỉ một nội dung thôi, đó là nghị quyết Quốc hội nhất trí việc mở rộng Hà Nội và giao cho Chính phủ thực hiện ngay từ giờ đến Kỳ họp thứ tư để có một tờ trình nghiêm túc và chúng ta thông qua việc mở rộng Hà Nội.

Phương án thứ ba là lãnh đạo các tỉnh sẽ ngồi với Hà Nội. Có một cuộc họp hay một hội nghị mang tính tính tầm cỡ, Hội nghị lịch sử để quyết định cuối cùng Hà Nội sẽ là bao nhiêu? Phương án của tôi Hà Nội gấp 1,5 lần như hiện nay là hợp ý Đảng và lòng dân. Xin cám ơn Quốc hội.
Lê Hữu Đức  - Khánh Hoà 

Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm định của Uỷ ban Pháp luật về mở rộng Thủ đô Hà Nội, tôi xin có ý kiến như sau:

Trước hết, tôi cho rằng mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội là rất cần thiết cả về lý luận và thực tiễn, đã chứng minh điều đó là rất đúng. Trước sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ như hiện nay, Thành phố Hà Nội đã bộc lộ bất cập đòi hỏi phải kịp thời mở rộng.

Thứ nhất, chúng ta thấy sự chật chội không thể chấp nhận của một Thủ đô hiện đại, giao thông luôn bị quá tải, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra hàng ngày, nguy cơ tai nạn giao thông hầu như thường trực. Sự chật chội đó càng gay gắt khi diện tích Thủ đô hiện nay chỉ là 921 km2 với gần 3,5 triệu người đăng ký hộ khẩu và khoảng 2 triệu người thường xuyên lưu trú. Vì thế diện tích trung bình của người dân là rất chật hẹp, không có diện tích để mở mới hoặc mở rộng các đường giao thông, số giường bệnh tính theo 1000 dân là 1,8, dù đã có tới 60 bệnh viện, nhưng không đáp ứng được nhu cầu, cần phải có thêm khoảng 30 bệnh viện nữa theo như tính toán.

Với các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề cũng vậy, tuy có tới 100 trường, với số lượng sinh viên lên tới 56 vạn người, nhưng phần lớn tập trung tại các cơ sở cũ, diện tích thiếu công trình phục vụ, nhu cầu mở rộng các trường này theo báo cáo cần khoảng 350 héc ta đất nữa. Cho nên, theo tôi không thể để mãi một Hà Nội thủ đô bị bó hẹp như vậy và cần phải mở rộng.

Thứ hai, có ý kiến cho rằng mở rộng Thủ đô Hà Nội vào thời điểm này là vội vàng và thiếu cơ sở khoa học. Qua nghe Báo cáo của Chính phủ và theo dõi các thông tin, tôi thấy quá trình nghiên cứu gần 6 năm của Chính phủ với những kết quả khảo sát đánh giá, so sánh khá đầy đủ về các yếu tố, các lĩnh vực và những đối tượng mô hình tham khảo học tập được Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương đồng ý và Chính phủ làm theo đúng pháp luật, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội, Hà Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phúc nhất trí cao thì không thể coi là việc làm vội vàng.

Ý tưởng mở rộng Thủ đô Hà Nội nảy sinh trong quá trình xây dựng đề án quy hoạch vùng Thủ đô, gắn kết chặt chẽ với một hệ thống yêu cầu, tiêu chí của Chính phủ để ra để tính toán lựa chọn và từ đó các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu mới đưa ra 5 phương án để chọn một phương án khả thi. Với hơn 20 cuộc hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài và trong nước, đều đi đến thống nhất phải mở rộng, nên không thể nói đề án thiếu cơ sở khoa học. Tôi nhất trí với đề xuất của Chính phủ chọn phương án 1 để mở rộng Thủ đô Hà Nội, phương án này đáp ứng được những tiêu chí cơ bản của Thủ đô Hà Nội hiện đại sau khi mở rộng, đó là phù hợp với các định hướng phát triển vùng Hà Nội đã được phê duyệt. Phát triển Hà Nội về phía Tây đất đai rộng lại nhiều đồi gò không quá nhiều đất nông nghiệp, thuận tiện cho việc phát triển kinh tế, nhưng không ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực của đất nước, có không gian rộng, diện tích rộng để làn công tác quy hoạch xây dựng Thủ đô theo loại đa chức năng trong vòng 50 năm đến 100 năm như Tờ trình của Chính phủ. Tôi rất đồng tình khi Chính phủ chú trọng phát triển hạ tầng hiện đại và phát triển hạ tầng xã hội.

Về vấn đề quốc phòng, an ninh tôi hoàn toàn nhất trí với phát biểu của đại biểu Nguyễn Khắc Nghiên Tỉnh Phú Thọ. Thủ đô Hà Nội mở rộng theo phương án 1 có nhiều thuận lợi hơn cho xây dựng và củng cố quốc phòng an ninh Thủ đô. Về tổ chức lực lượng vũ trang sẽ tinh gọn hơn, tôi tin tưởng là như vậy, có điều kiện để củng cố xây dựng tiềm lực quốc phòng mạnh hơn rất nhiều, đặc biệt là có điều kiện để xây dựng thế trận quốc phòng an ninh, nhất là xây dựng khu vực phòng thủ bảo vệ Thủ đô Hà Nội.

Hà Nộ mở rộng sẽ tạo ra khu vực phòng thủ có thiết diện rộng, chiều sâu lớn đủ điều kiện để bố trí các lực lượng quân binh chủng, bảo vệ cả vòng trong, vòng ngoài mọi tầng lớp cả mặt đất và trên không. Mặt khác địa giới mở rộng về phía Tây sẽ ít bị chia cắt bởi sông Hồng, địa hình đa dạng gắn liền với địa hình dải đồi núi, có nhiều hang động các khu vực căn cứ cách mạng cũ là điều kiện thuận lợi để xây dựng các khu căn cứ chiến đấu, các khu vực sơ tán phòng tránh ngay từ thời bình và sẵn sàng chuyển sang thời chiến. Hạn chế những biến động lớn khi chiến tranh công nghệ cao xảy ra.

Tuy nhiên khi thảo luận ở tổ và tiếp xúc ngoài hành lang, có một số đại biểu còn băn khoăn về công tác quản lý điều hành về thay đổi cơ cấu kinh tế Hà Nội và một số tỉnh xung quanh Hà Nội, về công tác sắp xếp, bố trí cán bộ, về văn hoá, phong tục, tập quán của địa phương khi Thủ đô Hà Nội mở rộng. Vì thế tôi đề nghị Chính phủ sau khi đề án được Quốc hội thông qua, Chính phủ nên tổ chức rút kinh nghiệm việc sáp nhập một số tỉnh trước đây, để chỉ đạo việc mở rộng Thủ đô Hà Nội. Xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể, bước đi vững chắc có tính khả thi cao để thực hiện, đặc biệt là việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, chọn đúng người làm đúng việc, công bằng dân chủ.

Vấn đề quy hoạch, theo tôi nên mời các chuyên gia quy hoạch hàng đầu thế giới, kết hợp với các nhà khoa học, chuyên gia trong nước để xây dựng quy hoạch thủ đô, mở rộng hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới. Theo tôi việc này không nên kéo dài lâu, Chính phủ cố gắng phê duyệt quy hoạch vào đầu năm 2010 sẽ có ý nghĩa rất lớn để chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Xin cảm ơn Quốc hội.


Dương Trung Quốc  - Đồng Nai 

Kính thưa Quốc hội,

Có lẽ ngẫu nhiên hay ra sao mà cuộc thảo luận của chúng ta về việc mở rộng Hà Nội, tức là tương lai của Hà Nội lại diễn ra vào đúng ngày kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ. Chúng ta không thể không liên tưởng đến câu nói của Bác và cũng là mong ước của Bác là: xây dựng đất nước cũng là xây dựng thủ đô to đẹp hơn, đàng hoàng hơn.

Bản Đề án của Chính phủ có thể vẽ ra một viễn tưởng hơn 20 năm nữa vào năm 2030, hơn 40 năm nữa năm 2050 to đẹp hơn, nhưng cách làm tôi cảm thấy chưa đàng hoàng. Đàng hoàng hiểu theo nghĩa nó phải được xây dựng trên một quá trình chuẩn bị lâu dài, được cân nhắc với một vấn đề hệ trọng của đất nước, nó phải có cơ sở khoa học, đặc biệt trong thời đại chúng ta nó phải hợp lòng dân, điều mà cách đây 1.000 năm Lý Thái Tổ đã nhắc đến: hợp lòng trời, hợp lòng người. Nhưng tất cả những gì diễn ra trong quy trình thực hiện Chính phủ đã chứng minh có 6 năm làm việc cật lực nhưng nhân dân chưa hề biết đến. Tôi là người chép sử, tôi biết chắc rằng vấn đề mở rộng Hà Nội mới đặt ra gần đây, đúng là vấn đề xây dựng vùng Hà Nội điều mà rất nhiều người ủng hộ được đặt ra cách đây 6, 7 năm, những người đại diện cho một số tổ chức nghề nghiệp cũng khẳng định rằng chưa bao giờ được hỏi ý kiến về việc mở rộng Hà Nội, chỉ có bàn thảo về xây dựng Hà Nội mà thôi. Chúng tôi không đủ khả năng thẩm định tương lai của năm 2050, nhưng nếu chúng ta coi hiện tại là tương lai của quá khứ, chúng ta có thể nhìn lại rất nhiều bài học chúng ta chưa học hết. Các vị đã nhắc đến việc Lý Công Uẩn dời đô với áng hùng văn đầy cơ sở khoa học, đầy tinh thần dân chủ, chúng ta không nhắc đến kết thúc chiếu dời đô này là câu: "Vậy các khanh nghĩ thế nào?" Tức là để hỏi ý kiến quần thần. Chiếu dời đô được ban ra mùa xuân năm Canh Tuất 1010 đến mùa thu năm đó Lý Thái Tổ xa giá dời đô. Trong khi đó ngày 15/3 Chính phủ ban chiếu mở rộng thủ đô, ngày 1/7 Chính phủ sẵn sàng thay đổi, chúng ta dám làm nhanh hơn các cụ ngày xưa, chúng ta không dân chủ bằng các cụ ngày xưa, không thận trọng bằng các cụ ngày xưa, đó là sự thực.

Điều thứ hai, một trong những bằng chứng nhắc đến rất nhiều là Nghị quyết của Bộ Chính trị và Pháp lệnh của Thủ đô, nhưng nếu chúng ta đọc chính văn bản, chúng ta thấy tinh thần rất khoa học, có mục tiêu rõ ràng đến năm 2010 chúng ta đạt những chỉ tiêu ấy, đến nay còn 2 năm nữa mới đến năm 2010, năm 2010 là năm có ý nghĩa khi chúng ta kỷ niệm 1000 năm thủ đô mà chúng ta lại thay đổi bằng một giải pháp mở rộng. Trong khi những chỉ tiêu của Bộ Chính trị chúng ta đã thực hiện được đâu, mặc dù mở rộng là một giải pháp, mà giải pháp chúng tôi cũng rất ủng hộ nếu nó có cơ sở khoa học, nó có lộ trình đầy đủ và đặc biệt nó có một quy trình bảo đảm tính pháp lý và dân chủ của nó.

Điều thứ ba, chúng tôi cũng muốn nói rằng rất nhiều vị nhắc đến lịch sử, đọc sử nhưng chưa hiểu hết lịch sử, bảo vệ thủ đô chúng ta có 2 nguyên lý lớn nhất mà cả Trần Hưng Đạo và Hồ Chí Minh đều nói là thành bền vững nhất chính là lòng người. Xin thưa đại biểu ở Phú Thọ, chúng ta đánh thắng giặc Tống ở trên bờ sông Như Nguyệt hoặc sang tận bên đất Phú Thọ để chặn đứng chỉ có 2 lần chúng ta coi thủ đô là thành trì thì chúng ta thua. Còn 3 lần nhà Trần đến chúng ta bỏ về quê, nơi sức mạnh của nhân dân, chiến tranh nhân dân và khi Cách mạng tháng 8 thành công, Chính phủ Trung ương về Hà Nội thì Bác Hồ vẫn giao cho rất nhiều các đồng chí lãnh đạo quan trọng ở lại củng cố miền Bắc hoặc Thanh Hóa chuẩn bị tinh thần và ngay cả trong 60 ngày đêm đánh Điện Biên Phủ trên không lực lượng phòng không của chúng ta tỏa khắp cả nước, áo giáp Hà Tây bảo vệ chúng ta, Hải Phòng và nhiều nơi chứ đâu phải chỉ thành phố Hà Nội. Cho nên quan điểm về phòng thủ đất nước tôi nghĩ cũng nên nhìn nhận lại, mặc dù chúng tôi không phản đối việc mở rộng ra, tạo thuận lợi cho sự điều hành trong những tình huống khác nhau. Chính vì thế, chúng tôi nghĩ rằng điều đáng suy nghĩ là tại sao lại vội vã như vậy trước một vấn đề quan trọng như vậy. Trong những lời bình luận của người dân họ đưa ra một cách nhận thức không phải là không đúng rằng nếu chúng ta thực thi một việc quan trọng như thế này thì đây chẳng khác là cuộc du canh vĩ đại của Thế kỷ XXI mà thôi. Mà chúng tôi còn nói thêm rằng, không những chỉ du canh mà chúng ta lại không du cư. Bởi vì tất cả các vị đại biểu người Hà Nội đang sống ở Hà Nội ở đây liệu có sẵn sàng đi lên Hòa Bình, Sơn Tây ở không? Hay chúng ta chỉ có trang trại ở đấy thôi.

Tôi xin nói với đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, tất cả chúng ta đã điều hành đất nước hơn 50 năm nay, lại có 20 năm đổi mới, tất cả những hệ quả là chiến tranh giao thông chúng ta gây ra, chúng ta nhớ trước kia bước ra khỏi cửa ô Hà Nội là đất rộng mênh mông, lúc đó nếu chúng ta qui hoạch giao thông tỷ lệ, tỷ trọng đúng với tiêu chuẩn quốc tế thì chúng ta có ngay. Nhưng tại chúng ta làm như vậy, chúng ta xử lý như vậy, chúng ta chịu trách nhiệm về nó, chúng ta lại mở rộng để giải quyết, tôi cho đấy là một giải pháp không thực tế. Nếu chúng ta sáp nhập vùng đất nằm ngoài Hà Nội hiện nay thành Hà Nội thì xin nói chúng ta càng có giải tỏa hơn, vì giá đất ở đấy là giá đất của thủ đô rồi. Chính vì thế tôi xin nói đề nghị Quốc hội có thể chia sẻ với Chính phủ về những ý tưởng mở rộng, nhưng đề nghị làm đúng điều Chính phủ đã đặt ra là xây dựng đồ án thật tốt thì chúng ta sẽ mở rộng, xin cảm ơn.


Каталог: content -> tintuc -> Lists -> News -> Attachments
Attachments -> TÒA Án nhân dân tối cao
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> PHÒng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng csgt đƯỜng bộ Độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 442.92 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương