QUỐc hội khóa XII kỳ HỌp thứ 03 BẢn tổng hợp thảo luận tại hội trưỜNG



tải về 442.92 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích442.92 Kb.
#37998
  1   2   3   4

QUỐC HỘI KHÓA XII - KỲ HỌP THỨ 03

BẢN TỔNG HỢP THẢO LUẬN TẠI HỘI TRƯỜNG

(Ghi theo băng ghi âm)

Buổi sáng ngày 19/05/2008

Nội dung:

Thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chủ trì
Nguyễn Phú Trọng  - Chủ tịch Quốc hội

Kính thưa Quốc hội

Theo chương trình, trong buổi sáng hôm nay Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và một số tỉnh. Chúng ta đã biết ngày 13 tháng 5 vừa rồi, Chính phủ đã có 2 Tờ trình báo cáo trước Quốc hội đó là Tờ trình số 59 và Tờ trình 60. Tờ trình số 59 nói về việc điều chỉnh địa giới hành chính của một xã, nhưng liên quan đến địa giới hành chính của tỉnh Hà Tây và tỉnh Phú Thọ và địa giới của một ấp thuộc địa giới hành chính của tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước. Tờ trình số 60 nói về vấn đề mở rộng địa giới hành chính của thành phố Hà Nội. Chiều 13 chúng ta nghe báo cáo tại Hội trường, sáng ngày 14 các vị đại biểu đã thảo luận một bước ở các tổ. Phải nói là thảo luận rất sôi nổi, anh em văn phòng đã tập hợp tổng hợp ý kiến để gửi các vị đại biểu Quốc hội. Có 221 đại biểu đã phát biểu cho ý kiến.

Về Tờ trình số 59, các vị đại biểu Quốc hội cũng tham gia không nhiều, nhưng đại thể các ý kiến phát biểu hầu như tán thành Tờ trình của Chính phủ.

Về Tờ trình số 60 nói về việc điều chỉnh địa giới hành chính của thủ đô Hà Nội thì được các vị đại biểu Quốc hội rất quan tâm và cho nhiều ý kiến.

Đại thể thì các ý kiến tán thành về chủ trương mở rộng địa giới hành chính của thủ đô Hà Nội, nhưng về phạm vi, quy mô, cách làm, lộ trình thì cũng còn có ý kiến khác nhau, kể cả về chủ trương còn có ý kiến phân tích thêm, khác nhau ở đây cũng có nhiều mức độ. Có loại ý kiến tán thành, loại ý kiến không tán thành, loại ý kiến còn băn khoăn, loại ý kiến muốn đề nghị giải trình thêm để có cơ sở Quốc hội quyết. Các vị đại biểu Quốc hội đã có trong tay bản báo cáo tổng hợp, tôi xin không nhắc lại. Xin các vị đại biểu hôm nay thảo luận tập trung vào 4 vấn đề sau:

Thứ nhất, sự cần thiết về chủ trương mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội.

Thứ hai, phạm vi qui mô mở rộng như thế nào? Mở rộng đến đâu là phải.

Thứ ba, các điều kiện hay nói nhiệm vụ phải làm để thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội, bao gồm cả việc xây dựng qui hoạch, việc sắp xếp yêu cầu bộ máy, bố trí cán bộ, chuẩn bị tài chính, kinh phí, làm tốt công tác tư tưởng tuyên truyền để tạo sự nhất trí cao, giải quyết những tồn tại cũng như những vấn đề mới phát sinh có thể xảy ra sau khi chúng ta mở rộng địa giới.

Thứ tư, cách thức tiến hành bao gồm cả thời điểm Quốc hội thông qua Nghị quyết và thời điểm Nghị quyết có hiệu lực.

Trên 4 loại vấn đề như vậy, xin các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận. Chúng ta rất quan tâm đến vấn đề này, nhân dân rất quan tâm đến vấn đề này. Hôm nay có thể sẽ rất nhiều vị đại biểu cũng muốn phát biểu ý kiến. Thời gian có trong phạm vi buổi sáng, cũng như thông lệ xin mỗi vị đại biểu phát biểu tối đa không quá 7 phút, chúng ta trao đi đổi lại rất tốt và nhất là kiến nghị những giải pháp. Xin các vị đại biểu cho bắt đầu.

Chúng tôi kết hợp như mọi hôm vừa mời các vị đại biểu đăng ký trước vừa mời xen kẽ các vị đại biểu các vùng, miền.

Xin mời đại biểu Trần Tiến Cảnh - Hà Nam phát biểu.
Trần Tiến Cảnh  - Hà Nam 

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin tham luận về vấn đề mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội. Vấn đề mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội, tôi nhất trí với chủ trương mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội, nhằm từng bước xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm đầu não chính trị, hành chính quan trọng, trung tâm lớn về văn hóa , khoa học, giáo dục, kinh tế và, trung tâm kinh tế của cả nước. Tôi cho rằng trong quá trình xây dựng và phát triển của đất nước, việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội cũng là việc bình thường.

Tuy vậy, trong Tờ trình số 60 ngày 29/4/2008 cần bổ sung để thuyết phục hơn. Tôi xin nêu 3 dẫn chứng.

Tại trang 10 Tờ trình 60 nói sát nhập huyện Mê Linh vào thành phố Hà Nội nhằm khắc phục độ lõm về địa giới của tỉnh Vĩnh Phúc đối với đường địa giới của thành phố Hà Nội mới. Chẳng lẽ lý do này chỉ để làm đẹp về địa giới, nếu thế ta có thể mở rộng Hà Nội sang các huyện khác cũng được hay sao.

Thứ hai, đối với 4 xã, Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung trong Tờ trình cũng lý giải sát nhập vào thành phố Hà Nội nhằm khắc phục việc tranh chấp địa giới hành chính giữa tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hà Tây đang tồn tại hiện nay tại khu vực này. Có cử tri ở Hà Nam chúng tôi cũng nói rằng ở tỉnh Hà Nam cũng có khu vực ở xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, tình Hà Nam tranh chấp với xã Hồng Quang, huyện Ứng Hà, Hà Tây, vậy thì cũng nhập về Hà Nội tới đây để khỏi xảy ra tranh chấp ở vùng này, nơi này là nơi thờ Đức Thánh Cả.

Thứ ba, tại trang 11 Tờ trình 60 cũng lý giải vùng rau xanh ở Hà Tây lâu nay chủ yếu phục vụ Hà Nội, nay chính quyền Hà Nội trực tiếp quản lý sẽ tạo ra độ an toàn và chất lượng cao hơn cho người dân thủ đô Hà Nội.

Tôi cho rằng Tờ trình nêu 3 vấn đề tôi trình bày ở trên là không thuyết phục. Do vậy, tôi muốn khẳng định Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật ngày 12/5/2008 có những nội dung tương đối đầy đủ.

Ý thứ hai, nếu Quốc hội đồng ý với việc mở rộng theo Tờ trình 60 của Chính phủ. Trong Tờ trình có nói bộ máy chuyên môn và bộ máy chính quyền của thành phố Hà Nội đi vào hoạt động đầu quý III năm 2008. Tôi cho rằng đây là vấn đề khó có thể thực hiện được, để bố trí công sở, bố trí bộ máy, để di chuyển đến một nơi làm việc mới và để giảm đi một đơn vị hành chính cấp tỉnh, do thời gian quá gấp gáp như vậy trong khi triển khai kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội lại đang đến gần.

Vấn đề thứ ba, các phương án mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, Chính phủ đã chuẩn bị 5 phương án. Khi nghiên cứu về tài liệu "quá trình nghiên cứu lựa chọn phương án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội", các tiêu chí cần thiết khi lựa chọn các phương án mở rộng, tôi thấy có tiêu chí "ổn định nhanh, không quá xáo trộn cơ cấu hành chính tại các địa phương xung quanh", thế thì làm sao phạm vi mở rộng ra một số huyện như là Từ Sơn của Bắc Ninh hoặc là Văn Giang, Văn Lâm của tỉnh Hưng Yên thì không thể mở rộng sang các tỉnh được vì tiêu chí này, do vậy ta dễ dàng chấp nhận việc mở rộng toàn bộ diện tích tỉnh Hà Tây nếu ta để tiêu chí này. Nhân đây tôi cũng xin được báo cáo với Quốc hội rằng: Khi thảo luận công trình thủy điện Sơn La là công trình quan trọng quốc gia, về cao trình của con đập, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội 2 phương án để lựa chọn. Do vậy, theo tôi để có cơ sở Quốc hội quyết định nên mở rộng đến mức độ nào cần có ít nhất 2 phương án để Quốc hội quyết định và tiến tới chọn một phương án để tạo sự đồng thuận cao. Tôi ví như là một bài toán giải được với các điều kiện, nhưng lời giải trong Tờ trình 60 là chưa đầy đủ, chưa thuyết phục. Do vậy, tôi đề nghị trước mắt Chính phủ nên chỉ đạo thực hiện tốt quy hoạch vùng vừa được phê duyệt, đến một thời gian nhất định, có thể là Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XII sẽ tiến hành quyết định điều chỉnh địa giới thủ đô Hà Nội, thực tế đi nhanh chưa chắc đã đến đích sớm. Tôi xin chân thành cảm ơn Quốc hội. Xin hết ý kiến.



Triệu Thị Bình  - Yên Bái 

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Tôi xin tham gia một số ý kiến về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội như sau:

Trước hết, về chủ trương mở rộng địa giới hành chính Hà Nội nhằm từng bước xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành Trung tâm đầu não chính trị hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Tôi hoàn toàn đồng tình. Tuy nhiên, là một đại biểu Quốc hội trong ngành văn hoá, tôi xin đề nghị khi mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội cần hết sức quan tâm một số khía cạnh sau đây:

Thứ nhất, cần phải giữ gìn bảo tồn phát huy những giá trị văn hoá của xứ Đoài Hà Tây và huyện Mê Linh của Vĩnh Phúc. Có lẽ cả nước ta ai cũng biết, từng nghe về những địa danh văn hoá lịch sử như Ba Vì, Núi Tản, thành cổ Sơn Tây, Hương Sơn, Sông Đà, Sông Tích v.v... Những sản vật ngàn năm "đất lề quê thói" như lụa Vạn Phúc, đá Sài Sơn và vùng đất Mê Linh đã gắn liền với sự tích cuộc đời của Hai Bà Trưng. Tất cả những giá trị quý báu đó phải được gìn giữ không để quá trình đô thị hoá làm phai mờ.

Thứ hai, về mặt giáo dục hiện nay tại Hà Nội trừ một số xã thuộc huyện Sóc Sơn và huyện Gia Lâm, còn tất cả các quận, huyện của Thủ đô đều đã xác lập được mặt bằng về giáo dục tương đối khá và ở tầm cao so với các tỉnh, thành phố khác. Do vậy, sự nghiệp giáo dục có các điều thuận lợi nay đưa các huyện của Hà Tây về Hà Nội trong đó có nhiều huyện, nhiều xã còn hết sức khó khăn, các cơ sở giáo dục còn nhiều bất cập. Tôi đề nghị Chính phủ cần có những chính sách nhanh chóng tạo ra sự đồng đều về điều kiện giáo dục văn hoá cho những khu vực mới được sát nhập.

Thứ ba, vấn đề dân cư dân tộc, Hà Nội mở rộng sẽ như nhiều địa phương khác là có đồng bào các dân tộc Thủ đô, đây là nét đẹp mới cho cộng đồng dân cư Thủ đô, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm như giữ gìn bản sắc văn hoá, phong tục tập quán các dân tộc thiểu số, chính sách để nâng cao dân trí, cải thiện đời sống cho đồng bào các vùng xa đô thị để giảm bớt sự chênh lệch giữa các địa bàn của Thủ đô Hà Nội.

Ý kiến cuối cùng theo tôi cần có các giải pháp cơ cấu lại dân cư trên địa bàn Hà Nội sau khi được mở rộng. Việc tổ chức đời sống dân cư cho phù hợp với đo thị loại I như thế nào cũng cần có những tác động kinh tế, xã hội của việc mở rộng địa giới hành chính đối với Thủ đô Hà Nội cũng cần được quan tâm giải quyết. Tôi xin có một số ý kiến tham gia như vậy, xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.
Nguyễn Thị Hồng Hà  - TP Hà Nội 

Kính thưa Đoàn Chủ tọa,

Kính thưa Quốc hội,

Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị đã xác định Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não chính trị hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Trong 10 năm tới, gắn với chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thành phố phải phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa xã hội toàn diện bền vững. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, những năm qua được sự quan tâm của các bộ, ngành, Trung ương và sự ủng hộ của các địa phương trong cả nước, phát huy truyền thống Thủ đô anh hùng, Đảng bộ chính quyền và nhân dân Thủ đô đã có nhiều cố gắng và đạt được những thành tựu quan trọng. Kinh tế liên tục tăng trưởng với nhịp độ cao, GDP chiếm gần 10% cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, dịch vụ nông nghiệp, công nghiệp. Sự nghiệp văn hóa xã hội phát triển mạnh, phát huy vai trò trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, thể dục thể thao của cả nước. An ninh chính trị trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững và ngày càng được củng cố. Công tác đối ngoại được mở rộng, đặc biệt quá trình đô thị hóa được đẩy mạnh, bộ mặt đô thị biến đổi hàng ngày. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng và phát triển, Thủ đô Hà Nội còn bộc lộ nhiều khó khăn tồn tại và bất cập trong quy hoạch xây dựng phát triển và quản lý đô thị. Cụ thể là hạ tầng đô thị vừa thiếu, vừa yếu, nhất là giao thông, diện tích đường giao thông mới chiếm tỷ lệ 7,2% diện tích đất tự nhiên. Tốc độ tăng xe ô tô, mô tô khoảng 12% đến 15% trong một năm, nhất là trong những năm gần đây tăng đột biến, vượt quá mức lưu thông nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để giảm tải. Giao thông tĩnh ngày càng bị thiếu, diện tích bãi đỗ xe chỉ đạt 1,2% diện tích, ùn tắc giao thông đang là vấn nạn bức xúc, gay gắt tác động tích cực đến sự phát triển không chỉ đời sống kinh tế xã hội mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội và hình ảnh Thủ đô của đất nước.

Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, vấn đề cơ cấu đô thị đã bộc lộ bất hợp lý. Nhiều khu, cụm công nghiệp đã sản xuất từ thời bao cấp vẫn còn tồn tại, đan xen trong nội thành rất cần được di dời, sắp xếp lại. Hiện có khoảng 96.633 doanh nghiệp đóng trên địa bàn và giải quyết việc làm cho gần 1 triệu lao động. Các khu công nghiệp, đô thị mới của các tỉnh giáp ranh với Hà Nội cũng phát triển rất nhanh nhưng thiếu quy hoạch, liên kết chung dẫn đến các cửa ngõ ra vào thủ đô ngày càng bị khép chặt và gây ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.

Ở Hà Nội hiện có 188 trường đại học, cao đẳng, trung cấp dạy nghề với gần 56 vạn học sinh, sinh viên chưa tính đến học sinh phổ thông. Hầu hết các trường đại học và cơ sở giáo dục đào tạo với những hạ tầng yếu kém và diện tích chật hẹp không đáp ứng yêu cầu của giáo dục đào tạo, vai trò trung tâm giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn.

Về y tế, trên địa bàn Hà Nội có 67 bệnh viện với 10900 giường bệnh. Hàng ngày số bệnh nhân đến khám chữa bệnh phải lưu trú bình quân khoảng 30000 trường hợp, chưa kể số người nhà bệnh nhân đi theo thăm nuôi và mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu sức ép khám chữa bệnh ngày càng lớn do số bệnh nhân tuyến dưới của các tỉnh xung quanh chuyển đến.

Các khu đô thị cũ từ thời bao cấp đã 40-50 năm với hạ tầng yếu kém, mật độ dân cư dày đặc đang đòi hỏi phải tái thiết, mở rộng và kéo dãn ra bên ngoài. Tính đến năm 2006, mật độ dân số của Hà Nội là 3618 người/1 km2, thuộc loại cao nhất và gấp 13,5 lần trung bình cả nước. Thủ đô Hà Nội đang phải chịu sức ép lớn về hạ tầng kỹ thuật đô thị và xã hội. Dân nhập cư tự do ở Hà Nội hiện nay khoảng hơn 50 vạn người, gấp 10 lần so với tăng tự nhiên, chưa kể số lao động nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đang sống ở Hà Nội.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy mô dân số của Thủ đô dự kiến đến năm 2010 mới là 3,3 triệu người, nhưng đến tháng 12 năm 2007 thì dân số Thủ đô đã là 3.457.424 người. Đất nước thống nhất đã trên 30 năm nhưng các trụ sở, cơ quan Trung ương và thành phố phần lớn được xây dựng từ thời Pháp để lại tuy nay đã được cải tạo và xây mới một phần, nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu của trung tâm chính trị hành chính quốc gia. Nhu cầu phải quy hoạch, xây dựng và từng bước di dời các cơ quan hành chính của Trung ương và Hà Nội ra ngoài nội thành là rất cần thiết và phải làm sớm, trong khi đó, quỹ đất hiện nay của thành phố không đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển, nhằm khắc phục những bất cập và triển khai thực hiện những định hướng theo quy hoạch vùng Thủ đô Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt.

Đây là những tồn tại bất cập lớn do điều kiện khách quan và cả những chủ quan yếu kém trong cơ chế quản lý kéo dài, đồng thời do những yêu cầu bức thiết trong thời kỳ phát triển đặt ra sự cần thiết phải mở rộng không gian thành phố, hiện đại hóa đô thị Hà Nội. Để nâng cao vai trò, vị trí Thủ đô nhằm khai thác phát huy tối đa những tiềm năng, đồng thời tạo điều kiện giải quyết những hạn chế bất cập, nhứng mâu thuẫn mới phát sinh đang cản trở làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội là cần thiết và là yêu cầu khách quan đòi hỏi tất yếu quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là chủ trương đúng đắn có tầm nhìn xa, là sự quan tâm lớn của Trung ương Đảng và Chính phủ không chỉ để xây dựng và phát triển Thủ đô, còn là chiến lược phát triển đất nước ta trong chặng đường đầu.

Qua tìm hiểu tôi thấy đa số các tầng lớp nhân dân đồng tình với chủ trương này, có chăng còn băn khoăn cách tiếp cận là bước đi và chưa được thông tin đầy đủ. Thành ủy Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thành phố cũng đã bàn bạc, thống nhất về chủ trương này của Trung ương và đã có Nghị quyết, Tờ trình trình với Quốc hội, Chính phủ xem xét. Việc mở rộng địa giới hành chính sẽ tạo tiền để và cơ sở thuận lợi để xây dựng phát triển Thủ đô ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đó là có điều kiện để tiến hành quy hoạch xây dựng và phát triển Thủ đô hiện đại, bền vững, có điều kiện để quy hoạch xây dựng mới các cơ quan chính trị hành chính quốc gia đúng tầm là trung tâm chính trị hành chính quốc gia. Các trung tâm giáo dục đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, các trung tâm y tế, bệnh viện hiện đại, các trung tâm tài chính, các cơ quan ngoại giao, giao dịch, thương mại để trưng mua, trưng dụng, du lịch sinh thái, các khu đô thị và đặc biệt là mạng lưới giao thông kết nối với các mạng lưới giao thông của các đô thị xung quanh. Giảm áp lực về dân số, môi trường đối với khu vực nội thành cũ và trung tâm thành phố, tạo không gian cảnh quan bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống kiến trúc cũ của Hà Nội ngàn năm văn hiến. Có môi trường trong lành, cảnh quan đẹp đẽ để phát triển đồng thời với việc phát triển các dự án có quy mô quốc gia, quốc tế mà vẫn giữ được diện tích đất nông nghiệp và vành đai xanh cho môi trường sinh thái.
Ngô Văn Minh  - Quảng Nam 

Kính thưa Quốc hội,

Liên quan đến việc mở rộng Thủ đô Hà Nội, trước hết tôi nhất trí cao với đa số ý kiến được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật cũng như chia sẻ một số thông tin trong Tờ trình, nhất là Báo cáo bổ sung của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trình bày về quá trình nghiên cứu, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Đồng thời xin được tham gia thêm mấy nội dung sau để cơ quan trình Đề án có thể tham khảo, làm rõ thêm một số vấn đề trước khi Quốc hội quyết định một việc hết sức hệ trọng đến quốc gia, dân tộc, một công việc mang tầm lịch sử, có ý nghĩa hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm của đất nước.

Thứ nhất, theo tôi cần phải làm rõ ưu điểm cũng như những hạn chế của nội hình thủ đô đa chức năng hay là thủ đô đơn chức năng mà trong Báo cáo của Chính phủ nói chưa rõ. Tại sao Hà Nội lại phải là loại thủ đô đa chức năng mà không phải là thủ đô đơn chức năng hoặc ngược lại. Nước Việt Nam ta có cần phải xây dựng một thủ đô hoàng tráng như vậy không? Thủ đô, chúng tôi rất nhất trí phải xứng tầm là trái tim của cả nước, là trung tâm đầu não về chính trị, hành chính quốc gia và mong ước của nhân dân Việt Nam. Nhưng có cần phải có quy mô dân số đông từ 10-12 triệu người như vậy không? Diện tích tự nhiên rộng lớn như thế không, có cần phải có nhiều trường đại học, có nhiều bệnh viện, nhiều nhà máy, công ty, xí nghiệp như đề án của Chính phủ đã trình không?

Báo cáo Quốc hội GDP của Mỹ là nước đứng đầu thế giới, Việt Nam đứng thứ 122 GDP tính theo bình quân đầu người, diện tích của Oasingtơn chỉ có 158 km vuông, bằng một quận, trong khi dân số của cả nước Mỹ đứng thứ 3 thế giới với hơn 300 triệu người. Nếu Hà Nội mở rộng như đề án có 3.344 km vuông, dân số trên 6 triệu người sẽ là thành phố rộng thứ 11 thế giới, là thủ đô đứng 2 thế giới về diện tích, chỉ sau Tokyo, lớn hơn cả Paris, Matxcơva, London, Kualalampua, Manila, Giacata, Xeun, Băngkok, Bắc Kinh, gấp 3 lần Deli- Ấn Độ, nước đông dân thứ hai thế giới, gấp 4 lần Bắc Kinh nước đông dân nhất thế giới, hơn 1.3 tỷ người.

Có nên xây dựng thủ đô xứng tầm, đáp ứng yêu cầu như trong báo cáo, đủ sức cạnh tranh trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương hay không? Tôi không hiểu được từ "xây dựng thủ đô chúng ta phải đủ sức cạnh tranh với các nước ở khu vực Châu Á- Thái Binh Dương" là cạnh tranh cái gì? cạnh tranh như thế nào? Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói nguyên văn là đô thị cực lớn, động lực phát triển công nghiệp là một mô hình công nghiệp đã cũ nhiều sai lầm mà phương Tây đang phải từ bỏ. Tôi đề nghị Quốc hội chúng ta trước khi quyết định cũng xem xét ý kiến này.

Theo tôi trong 9 tiêu chí cơ bản của đề án mở rộng thủ đô Hà Nội có nhiều điểm chưa thật hợp lý, về quy mô dân số như tôi nói ở trên. Về tiêu chí thứ tư, phù hợp với điều kiện địa lý, lịch sử văn hóa truyền thống, vấn đề này theo tôi chưa hợp lý ở chỗ khi Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, ông chỉ nói rằng dời về thành Đại La, thế rồng phụng hổ ngồi, Nam, Bắc Đông, Tây, đế vương muôn đời chỉ nói ở khu vực này. Như vậy địa lý, lịch sử văn hóa có đúng không theo duy trí trong Tờ trình, quỹ đất không đủ lớn làm giảm áp lực cho Hà Nội và khu vực nội thành thì bây giờ chúng ta thiếu đất thì thiếu bao nhiêu, xây dựng cái gì trên đó thì cũng chưa rõ, hiện nay Hà Nội có 920 km2 thì còn bao nhiêu đất chưa sử dụng hết thì chúng ta cũng cần phải làm rõ vấn đề này.

Những vấn đề khác tôi không nói, tức là rau xanh, rau tươi hay độ lõm thì chúng tôi không nói cái đó. Chúng tôi xin đề nghị 2 tiêu chí mà đại biểu Cảnh ở Hà Nam đã nói, tôi xin làm rõ thêm ổn định nhân là không gây xáo trộn, thời cơ vận hội đã tới. Từ tiêu chí thứ 8 và thứ 9 này tôi thấy cần phải bàn thêm. Một việc hệ trọng như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng nói thủ đô cả nước là của cả dân tộc và của cả lịch sử, không nên và không được phép đưa thủ đô làm nơi thí điểm, thí nghiệm cho bất cứ một cái gì. Một dự án được chuẩn bị nghiên cứu như Báo cáo của Chính phủ là từ 5, 6 năm nay, nhưng khi trình ra Quốc hội còn quá sơ sài, thông tin đến với nhân dân còn quá khiêm tốn, đại biểu Quốc hội chỉ mới có tài liệu trong những ngày đầu về họp và được cho là nhân dân Hà Nội, Hà Tây, Mê Linh, 4 xã của Hòa Bình đồng tình, nhất trí 100%. Tôi cho là chúng ta hơi quá lạc quan, tôi nghĩ có một vài khó khăn.

Trước hết dân các xã vùng sâu, vùng xa đến các cơ quan công quyền của thành phố khi sáp nhập, người ta đi 30, 40 cây còn khó khăn hơn nhiều, như thế là một khó khăn, chứ cũng chưa phải thuận lợi, áp lực đó không được giảm bớt mà thậm chí còn tăng lên, ít nhất 7, 8 năm, 10 năm nữa, nếu theo đề án dời Trung tâm hành chính ra Hòa Lạc, giá đất, các loại phí, các loại thuế sẽ tăng lên, dân sẽ khó khăn hơn chưa nói đến chuyện dân của các xã xa xôi có quyền mua đất ngay tại thủ đô này về ở, bởi vì họ đã trở thành dân thủ đô, đội ngũ cán bộ, tổ chức bộ máy như các đồng chí nói ngay 147 xong thì tôi nói thật với đại biểu Quốc hội và các đồng chí là tôi cũng chưa tin lắm về việc này, ngay mấy Bộ của Chính phủ khi Quốc hội họp kỳ họp thứ nhất thông qua tháng 7, Chính phủ hứa là từ 3 - 4 tháng khoảng tháng 11-12 hoàn thành, thậm chí đến bây giờ vẫn chưa xong. Khi hợp nhất là số đại biểu Hội đồng nhân dân của hai tỉnh nhập lại thì rõ ràng giảm đi rõ rệt, nên việc đại diện cho ý chí nguyện vọng của cử tri trở nên khó khăn hơn, theo tôi đó là khó khăn chứ không phải là thuận lợi, không thể nói là không xáo trộn. Chúng ta lại không công khai dự án để nhiều người biết, chúng ta nói vấn đề này nhạy cảm làm đất đai lên giá .v.v.. nhưng chính ra chúng ta phải công khai mới đúng, nhưng lộ diện ra những người đầu cơ đất vì mục đích trục lợi, không phải vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Nếu vì mục đích đấy thì anh cứ đầu tư vào đi, khi chuẩn bị vào Thủ đô thì anh mới mua đất đầu tư. Tôi xin đề nghị Quốc hội chúng ta nên thảo luận thống nhất chủ trương về việc mở rộng Hà Nội để Chính phủ tiếp tục nghiên cứu mở rộng đến đâu là hợp lý, trên cơ sở đó xây dựng những gì, ở chỗ nào, bao giờ làm phải có lộ trình cụ thể trên một định hướng quy hoạch cụ thể.

Tất cả những vấn đề đó cần phải công khai lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà khoa học, văn hóa lịch sử, các nhà nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực để khi Quốc hội biểu quyết phải chính xác, phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước nhân dân. Khắc phục việc Quốc hội đã quyết định nhưng không chính xác lúc đó trách nhiệm sẽ thuộc về Quốc hội, lỗi tại Quốc hội như có đại biểu Quốc hội đã phát biểu ngay trong kỳ họp này. Còn những vấn đề khác tôi xin gửi văn bản. Xin hết


Mã Điền Cư  - Quảng Ngãi 

Thưa Quốc hội.

Tôi xin tham gia thảo luận về việc điều chỉnh địa giới Thủ đô Hà Nội.

Thứ nhất, về việc cần thiết mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Trước khi khẳng định quan điểm của mình sự cần thiết về việc mở rộng địa giới hành chính, cho phép tôi được đề cập khái quát về thực trạng của Hà Nội hiện nay. Chúng ta có thể khẳng định rằng sự lãnh đạo của Đảng bộ và sự điều hành quản lý của chính quyền Hà Nội qua các thời kỳ với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với Hà Nội, bởi vì thủ đô của đất nước. Trong những năm qua Hà Nội đã được đầu tư quá nhiều trọng điểm thêm mục đích đầu vào về kinh tế, cho nên tốc độ tăng trưởng GDP ngày càng cao. Bộ mặt của thủ đô thay đổi hàng ngày. Chất lượng đời sống của nhân dân nhìn chung từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên bên cạnh đó Hà Nội hiện nay tôi nhận thấy rằng còn phải đối mặt với nhiều vấn đề bức xúc đó là cơ sở hạ tầng xuống cấp, kiến trúc không gian đô thị vẫn còn nhiều khu phố lạc hậu và lộn xộn. Hà Nội vẫn còn nhiều nơi ô nhiễm môi trường, gia tăng đột biến về dân số, bùng phát các khu công nghiệp. Điều đáng nói hơn là qua 20 năm đổi mới đất nước đến nay đa số nông dân vùng ngoại thành còn khó khăn, đói nghèo và lạc hậu.

Theo tôi thành phố Hà Nội là thủ đô của đất nước, chúng ta không thể để cho Hà Nội tiếp tục phát triển theo xu hướng và mô hình như hiện nay, đây là trách nhiệm của Trung ương, của cả nước cùng với Đảng bộ, nhân dân Hà Nội xây dựng thủ đô trong tương lai ngang tầm với khu vực Châu Á, Thái Bình Dương như Tờ trình của Chính phủ đã đề cập. Do đó tôi nhất trí với sự cần thiết về việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội. Tuy nhiên chúng ta cần cân nhắc, thận trọng kỹ lưỡng việc mở rộng địa giới thủ đô với qui mô về diện tích và dân số ở mức độ nào cho phù hợp. Vấn đề này theo tôi còn phụ thuộc vào quan điểm của chúng ta chọn lựa mô hình và hướng tới mục tiêu phát triển thủ đô Hà Nội như thế nào trong tương lai.

Phần thứ hai, tôi nói về quan điểm xây dựng thủ đô Hà Nội mở rộng hướng tới mục tiêu và mô hình như thế nào ?

Theo đề án của Chính phủ định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội mở rộng đến năm 2030 dân số sẽ đạt khoảng 10 triệu người và năm 2050 là 15 triệu người. Ranh giới Hà Nội mới theo phương án 1 gồm Hà Nội hiện tại mở rộng thêm tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc, 4 xã thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Hoà Bình. Trước mắt theo phương án 1 được Trung ương và Chính phủ lựa chọn mở rộng địa giới hành chính, với quy mô diện tích và dân số so với Hà Nội hiện tại gấp 3,6 lần về diện tích và gấp khoảng 2 lần về dân số. Phương án Hà Nội mở rộng tôi nhận thấy tỷ trọng lao động nông nghiệp chiếm quá cao, Hà Nội hiện tại tỷ trọng lao động nông nghiệp còn chiếm tới 23%, còn phần mở rộng theo phương án này thì tỷ trọng lao động nông nghiệp hơn 80%. Với thực trạng này theo tôi Hà Nội mở rộng hướng tới mục tiêu xây dựng một Thủ dô như Tờ trình của Chính phủ quả thực đây là một thách thức vô cùng to lớn. Theo quan điểm của tôi không phải quy hoạch, xây dựng Thủ đô có quy mô về diện tích và dân số cực lớn thì mới ngang tầm với Thủ đô của các nước Châu Á Thái Bình Dương. Trong khi đó trình độ dân trí, hàm lượng tri thức, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô còn quá là thấp kém. Chọn lựa mô hình và hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô với quy mô về diện tích và dân số trên đây, theo tôi là không phù hợp với xu thế của thời đại. Theo tôi hiểu đây là mô hình các nước đã đi, nhưng người ta cho rằng sự lựa chọn đó là sai lầm.

Tôi cũng có dịp đi công tác ở nước ngoài, trong đó có một số nước phát triển, một số nước tiên tiến và cũng có nghiên cứu về sự hình thành và phát triển một số quốc gia trên thế giới, tôi nhận thấy một số Thủ đô của các nước như Béc- lin của Cộng hoà liên bang Đức, Thủ đô của Đan Mạch hay Helsinki của Phần Lan, Stockholm của Thuỵ Điển hay một số nước khác hơn 100 năm qua họ không mở rộng cho đến ngày nay vẫn như vậy. Hay một ví dụ khác, những thủ đô của các nước văn minh như thủ đô của Canada, của Hoa Kỳ, của Úc, những thủ đô của các nước này không phải là thành phố lớn và trung tâm kinh tế.

Như phân tích trên, theo quan điểm của tôi Thủ đô Hà Nội hướng tới mục tiêu phải xây dựng, đó là: Hà Nội là thủ đô của đất nước do đó Hà Nội là trung tâm chính trị hành chính của quốc gia. Hà Nội phải là trung tâm lớn của đất nước về nghiên cứu khoa học, kỹ thuật tiên tiến. Hà Nội phải là trung tâm đào tạo nhân tài của đất nước. Hà Nội phải có một số trường đại học ngang tầm với trường đại học nổi tiếng của khu vực và thế giới. Theo đó, Hà Nội là thủ đô thương mại, du lịch, dịch vụ cao cấp, giao dịch quốc tế và thành phố lịch sử văn hoá. Tuy nhiên Hà Nội cần dành đất đai để xây dựng một số khu công nghiệp công nghệ cao, quy hoạch khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Thành phố Hà Nội là thủ đô của đất nước, tôi hy vọng trong tương lai Hà Nội thực sự làm giàu bằng kinh tế tri thức, nhân dân Hà Nội sẽ có hàm lượng văn hoá và chất lượng cuộc sống cao.

Với mô hình và mục tiêu định hướng trên, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cân nhắc chọn lựa phương án mở rộng địa giới hành chính Hà Nội đó là, Hà Nội sáp nhập với Thành phố Hà Đông, hai huyện Đan Phượng, Hoài Đức - Hà Tây, huyện Mê Linh - Vĩnh Phúc, huyện Từ Sơn - Bắc Ninh, huyện Văn Giang, Văn Lâm - Hưng Yên là phù hợp, vừa phải, đủ điều kiện về không gian để quy hoạch xây dựng một thủ đô văn minh, hiện đại như mục tiêu, định hướng nêu trên. Vì vậy tôi đề nghị Trung ương cần có cơ chế, chính sách ưu đãi cho 7 tỉnh lân cận Hà Nội, trong đó có Hà Tây khai thác tiềm năng vốn có của địa phương mình cùng với Hà Nội tương hỗ lẫn nhau phát triển mạnh mẽ vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của đất nước. Nên tập trung quy hoạch phát triển mạnh các khu công nghiệp và các trường đại học cao đẳng tại các địa phương này. Như vậy trong tương lai luồng di dân cơ học từ các địa phương về Hà Nội sẽ giảm thiểu tối đa. Tôi xin hết.


Каталог: content -> tintuc -> Lists -> News -> Attachments
Attachments -> TÒA Án nhân dân tối cao
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> PHÒng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng csgt đƯỜng bộ Độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 442.92 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương