QUỐc hội khóa XI kỳ HỌp thứ 10 BẢn tổng hợp thảo luận tại hội trưỜNG



tải về 347.45 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu13.05.2018
Kích347.45 Kb.
#38184
1   2   3
Trần Văn Nam - Tỉnh Bình Dương

Kính thưa Quốc hội,

Dự án Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác là một dự án luật mới, khá phức tạp, liên quan đến quyền nhân thân của cá nhân, đến tình cảm đạo đức của các đối tượng được điều chỉnh, cũng như của những người thân của họ. Tính phức tạp và nhạy cảm của nó bị chi phối bởi cá nhân người tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể người mà còn ở những người thân của họ, kể cả khi người cho lúc còn sống đã để lại ý nguyện của mình. Một số vấn đề lớn quy định trong dự thảo luật đã rất đầy đủ và khá cụ thể. Nhưng theo tôi vẫn có một vài vấn đề cần phải phân tích thêm. Cụ thể là:

Thứ nhất, tặng kỉ niệm chương vì sức khoẻ nhân dân cho người hiến mô, bộ phận cơ thể. Điểm đ, Khoản 2, Điều 17 quy định quyền lợi của người đã hiến mô, bộ phận cơ thể, trong đó quy định: Được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng kỷ niệm chương vì sức khoẻ nhân dân. Việc người hiến mô, bộ phận cơ thể đã được hưởng các quyền lợi về vật chất, tinh thần là hoàn toàn thoả đáng vì giúp họ phục hồi sức khoẻ, cũng như tôn vinh hành động cao đẹp của họ. Tuy nhiên, nếu trong mọi trường hợp đều tặng kỷ niệm chương cho người hiến mô, bộ phận cơ thể thì chưa phù hợp. Bởi lẽ mục đích chung của việc hiến mô, bộ phận cơ thể đều vì người khác nhưng động cơ dẫn đến hành động này có khi hoàn toàn khác nhau.

Một người khi còn sống tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể của mình cho bất kỳ người nào không quen biết sẽ khác với người hiến mô, bộ phận cơ thể mình cho người thân cho gia đình mình, ví dụ như cha, mẹ, vợ, chồng, anh chị em. Tính tự nguyện đều thể hiện cả trong hai trường hợp này nhưng động cơ lại khác nhau. Do vậy, theo tôi không nên quy định trong mọi trường hợp đều được tặng kỷ niệm chương như trong dự thảo luật. Nên chăng luật cần quy định theo hướng ngoài việc chăm sóc sức khoẻ người hiến mô, bộ phận cơ thể được Bộ Y tế xem xét tặng kỷ niệm chương vì sức khoẻ nhân dân. Điều này sẽ làm tăng thêm ý nghĩa trong việc trao kỷ niệm chương.

Thứ hai, thành lập ngân hàng mô là một nội dung rất quan trọng liên quan đến cả quá trình tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển mô, bộ phận cơ thể người, hiệu quả của việc cấy, ghép phụ thuộc rất nhiều vào ngân hàng mô. Nhưng trong cả dự án luật chỉ có một điều luật Điều 35, Chương V, quy định về ngân hàng mô.

Trước hết, tôi đồng tình với Ban soạn thảo là cho phép cá nhân thành lập ngân hàng mô. Điều này sẽ giúp các hoạt động thuộc lĩnh vực này có thêm điều kiện phát triển, những người cần cấy, ghép có thêm điều kiện và khả năng thực hiện cao hơn những người hiến mô, bộ phận cơ thể dễ dàng thực hiện ý nguyện của mình.

Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới ở Việt Nam, ngay cả các cơ sở y tế của Nhà nước khi thực hiện cũng không phải là dễ dàng, trong đó các vấn đề về tiêu chuẩn, điều kiện thành lập, vận hành hoạt động mối quan hệ của nó đối với các cơ sở y tế v.v... là một trong những vấn đề cần xem xét và quy định cụ thể. Hoạt động của nó không nhằm mục đích thu lợi nhuận nhưng không thể không có sự quản lý chặt chẽ vì nó liên quan đến rất nhiều vấn đề về nhân thân của một con người. Vì vậy, việc kiểm tra giám sát hoạt động của nó như thế nào là vấn đề cần phải quy định. Với một loạt vấn đề quan trọng như vậy nhưng chỉ với một điều luật quy định, tôi cho rằng chưa đủ, cần có những quy định chi tiết hơn. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung vào dự án luật.

Thứ ba, bổ sung nội dung điều luật, Điều 25 dự án luật quy định về cấp thẻ và tôn vinh người hiến xác, bộ phận cơ thể người sau khi chết "Người đã hiến xác bộ phận cơ thể người sau khi chết được Bộ Y tế truy tặng kỷ niệm chương về sức khỏe nhân dân" Theo tôi điều luật này chưa đầy đủ theo tiêu đề của luật, điều luật này phải bao gồm hai vấn đề là cấp thẻ và tôn vinh người hiến xác, bộ phận cơ thể người sau khi chết. Tuy nhiên nội dung của Điều 25 hoàn toàn chỉ đề cập đến những vấn đề thứ hai của điều luật, tức là tôn vinh người hiến xác, bộ phận cơ thể người sau khi chết thông qua việc tặng kỷ niệm chương. Như vậy, nội dung cấp thẻ cho người hiến xác, bộ phận cơ thể người sau khi chết chưa được quy định, việc cấp thẻ ở đây là một nội dung của điều luật, cần phải được quy định cụ thể, cấp thẻ theo nội dung điều luật này được hiểu là cấp thẻ đăng ký, hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết hay là cấp thẻ bảo hiểm y tế hàng năm cho người này khi người này còn sống. Đề nghị Ban soạn thảo giải thích thêm và nếu điều luật này có thiếu như đã phân tích ở trên thì bổ sung điều luật này cho đầy đủ vào trong Dự thảo.

Thứ tư, Khoản 7 Điều 10, quy định nghiêm cấm việc quảng cáo, môi giới việc cho, nhận bộ phận cơ thể người, tôi không rõ quy định này có cấm các hành vi kêu gọi việc hiến, tặng, cho bộ phận cơ thể người vì mục đích nhân đạo. Ví dụ trong thời gian vừa qua khi phát hiện vị huấn luyện viên trưởng đội bóng đá Việt Nam, ông Alfred Riedl bị bệnh phải thay thận nhưng chưa tìm được quả thận thay thế, đã đăng thông tin này trên báo và nhiều người biết về việc này đã tự nguyện hiến thận cho ông Rield. Báo đăng thông tin như vậy là đã tự nguyện, báo đăng thông tin như vậy có bị cấm theo điều luật này không.

Thỉnh thoảng, chúng ta thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng nêu một nghệ sỹ, một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong xã hội bị bệnh, cần có người tự nguyện hiến, tặng bộ phận cơ thể sẽ cứu sống người đó, những thông tin tương tự như vậy có bị cấm hay không?

Thứ năm, Điều 12 dự án luật quy định về thủ tục thay đổi, hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống, nhưng không quy định về thời điểm có hiệu lực của đơn thay đổi, hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống.

Mặt khác, tại Khoản 3, Điều 20 quy định việc thay đổi hoặc hủy bỏ đơn đăng ký hiến xác, mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết đã có hiệu lực kể từ khi nhận đơn thay đổi hoặc hủy bỏ đơn đăng ký hiến xác, nhưng không quy định bằng chứng của việc nộp đơn thay đổi, hoặc hủy bỏ đơn đăng ký ban đầu. Do đó tôi đề nghị bổ sung quy định về thời điểm có hiệu lực của đơn thay đổi, hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sống tại Điều 12, bổ sung quy định về việc cơ sở nhận đơn đăng ký thay đổi hoặc hủy bỏ đơn đăng ký hiến xác, mô, bộ phận cơ thể người sống Điều 12 và người sau khi chết Điều 20, phải trao biên nhận đơn nhằm bảo đảm rằng người đã có đơn đăng ký thay đổi hoặc hủy bỏ đơn đăng ký ban đầu có bằng chứng chứng minh họ đã thay đổi hoặc hủy bỏ đơn đăng ký ban đầu.

Thứ sáu, Điều 20 quy định thủ tục thay đổi, hủy bỏ đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết hoặc hiến xác, các Khoản 1, 2, 3 đều quy định cả 2 loại đơn là đơn thay đổi và đơn huỷ bỏ việc đăng ký. Nhưng tại Khoản 4 lại quy định Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành mẫu đơn huỷ bỏ đăng ký mà không có quy định về ban hành mẫu đơn thay đổi việc đăng ký. Do đó đề nghị bổ sung thêm quy địng Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành mẫu đơn thay đổi việc đăng ký vào Khoản 4, Điều 20.

Thứ bảy, Khoản 5, Điều 9 ghi: "tôn vinh người tự nguyện hiến bộ phận cơ thể người và hiến xác". Tôi đề nghị thêm cụm từ "người tự nguyện" sau từ "và" ở trong Khoản 5 và Khoản 5 này sẽ trở thành là: "tôn vinh người tự nguyện hiến bộ phận cơ thể người và người tự nguyện hiến xác". Như vậy sẽ rõ ý hơn là ý chúng ta muốn tôn vinh cả hai dạng, những người tự nguyện hiến bộ phận cơ thể người và những người tự nguyện hiến xác. Còn nếu viết như trong dự thảo ở Khoản 5 này thì dễ hiểu rằng chỉ có một người. Một số ý kiến đóng góp của tôi. Xin hết cảm ơn Quốc hội.
Bùi Thị Trung Hà - Tỉnh Hà Nam

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản nhất trí với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tôi thấy hầu hết các ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu đã được nghiên cứu. Nhiều ý kiến đã được tiếp thu, việc giải trình cũng rất thuyết phục. Hầu hết các điều đều được sửa đổi, bổ sung, 34/40 điều. Trong đó có tới 6 điều hoàn toàn mới và chỉ có 6 điều là không có sửa đổi, bổ sung nào. Để góp phần hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, tôi xin đóng góp một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về tên gọi và phạm vi điều chỉnh. Tôi tán thành với tên của luật đã được tiếp thu là: Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Tôi thấy việc bổ sung các quy định cụ thể về hiến xác vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo là cần thiết. Vì vậy, tên của luật bao gồm cả hiến, lấy xác là rất phù hợp. Tất nhiên, có những ý kiến cho rằng tên gọi như vậy là quá dài. Tôi nghĩ vấn đề ở đây không phải là dài hay ngắn mà ở chỗ nó có thể hiện được nội dung và phù hợp với phạm vi điều chỉnh của nó hay không. Thực ra ở kỳ họp năm ngoái Quốc hội đã thông qua một dự án luật mà tên gọi của nó cũng rất dài và được cử tri rất hoan nghênh, đó là "Luật Phòng, chống hội chứng suy giảm khả năng miễn dịch ở cơ thể người".

Vấn đề thứ hai, về đối tượng áp dụng ở Điều 2. Tôi tán thành với đối tượng áp dụng được quy định tại điều này, bao gồm cả người nước ngoài không sinh sống tại Việt Nam tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể người cho người Việt Nam. Nhưng tôi thấy trong các điều, khoản cụ thể lại không đề cập đến đối tượng này. Tôi đề nghị cần bổ sung vào dự thảo các quy định cụ thể về đối tượng này và những chính sách thiết thực, cho dù những chính sách chỉ động viên về mặt tinh thần. Để khuyến khích người nước ngoài tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác cho người Việt Nam, mặt khác cũng cần phải quy định rõ ràng, cụ thể với các điều kiện nhận hoặc không nhận mô, bộ phận cơ thể người và xác do người nước ngoài hiến.

Vấn đề thứ ba, vấn đề lợi nhuận hay không lợi nhuận trong việc hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định ở Khoản 3, Điều 4. Tôi đánh giá rất cao tính nhân đạo trong việc hiến, lấy ghép mô bộ phận cơ thể của người và hiến, lấy xác, nhưng tôi còn nhiều băn khoăn với nguyên tắc không nhằm mục đích thu lợi nhuận quy định ở Khoản 3, Điều 4 này. Bởi vì theo như tôi nghĩ ở đây cần phải phân biệt mục đích, lợi nhuận và mục đích thương mại. Chúng ta lên án và cấm hành vi nhằm mục đích thương mại, tức là việc làm ăn, mua bán với mục đích sinh lời hoặc làm giàu nhờ mô, bộ phận cơ thể người, xác người. Nhưng chúng ta cũng không thể lên án và cũng không thể cấm việc một người nào đó vì hoàn cảnh túng quẫn không có tiền nhưng cần tiền để làm một việc nghĩa. Ví dụ để cứu sống cho những người thân của mình: bố, mẹ, anh chị, em chẳng hạn đang lâm vào một tình trạng phải có tiền mới giải quyết được. Chúng ta ai mà chẳng đau lòng và kính phục quý, trọng hành động của Phăngtin, một nhân vật nữ trong tiểu thuyết nổi tiếng. "Những người khốn khổ" của Víchto Huygô khi chị bán răng, bán tóc đề góp tiền nuôi đứa con gái bé bỏng của mình. Vì vậy, tôi đề nghị thay nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận quy định tại Khoản 3 Điều 4 thành nguyên tắc không vì mục đích thương mại.

Vấn đề thứ tư, về quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác quy định tại Điều 5. Tôi tán thành với quy định tại Điều 5 của Dự thảo là "người đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực, hành vi dân sự đầy đủ, có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác". Tuy nhiên, ở đây, tôi cũng có cùng băn khoăn như đại biểu Dã Thanh đã phát biểu trước tôi. Đề nghị Quốc hội cần cân nhắc xem có nên cho một số trường hợp chưa đủ 18 tuổi được quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người hay không? Đó là những trường hợp người chưa đủ 18 tuổi, nhưng có đủ điều kiện để hiến và cần hiến bộ phận của mình để cứu giúp những người thân như anh, chị, em ruột chẳng hạn. Tất nhiên, nếu quy định cho phép một số trường hợp cụ thể người chưa đủ 18 tuổi hiến mô, bộ phận cơ thể thì phải quy định với điều kiện là phải có sự đồng ý bằng văn bản của gia đình người đó, hoặc có ý kiến đồng ý của người giám hộ.

Vấn đề thứ năm, quy định hướng dẫn thi hành Luật này. Theo tôi, quy định tại điều 40 trong Dự thảo, Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này với Dự án này thì theo tôi là không phù hợp. Tôi đề nghị bỏ Điều này, bởi vì tôi nghĩ rằng, việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, hiến và lấy xác liên quan trực tiếp đến con người và đây cũng chính là quyền của con người. Vì vây, mọi vấn đề về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người phải được quy định trực tiếp, cụ thể trong dự thảo. Vì vậy tôi bỏ Điều 40, đồng thời bổ sung các quy định cụ thể vào các Điều 11, 13, 14, 15, 16, 17, 20, 23, 25 trong dự thảo mà hiện nay đang giao cho Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế quy định. Có như vậy thì luật mới đi vào cuộc sống và thực hiện ngay được.

Trên đây là một số ý kiến của tôi, xin cám ơn Quốc hội.
Vũ Thị Huệ - Tỉnh Hưng Yên

Kính thưa Quốc hội.

Dự án lấy, hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban soạn thảo giải trình, tiếp thu khá đầy đủ. Tôi xin tham gia một số chính kiến và những vấn đề còn ý kiến khác nhau và vấn đề tôi quan tâm như sau:

Một là về phạm vi điều chỉnh, tôi nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật là đưa nội dung hiến, lấy xác vào dự thảo luật. Vì hiến, lấy xác không chỉ nhằm mục đích phục vụ giảng dạy học tập, nghiên cứu khoa học trong y tế mà còn lấy mô, bộ phận cơ thể người chết để ghép cho người bệnh.

Hai là về tên gọi, tôi lấy tên là "Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác". Vì tên của luật bao gồm các nội dung trong phạm vi điều chỉnh của luật.

Ba, về vấn đề chết não. Về tiêu chuẩn xác định chết não, tôi nhất trí với dự thảo quy định cụ thể, chặt chẽ về tiêu chuẩn xác định chết não. Vì đây là vấn đề liên quan đến tính mạng con người. Việc quy định cụ thể, rõ ràng để xác định chết não là để tránh sự lạm dụng và khiếu kiện. Về thẩm quyền xác định chết não, Đề nghị quy định người đứng đầu cơ sở y tế là người công bố, kết luận chết não. Vì đây là người phê duyệt danh sách, chuyên gia xác định chết não nên phải chịu trách nhiệm trên cơ sở kết luận của nhóm chuyên gia và họ sẽ là người chịu trách nhiệm chính để giải quyết khi có khiếu nại của công dân.

Về độ tuổi được hiến. Nên quy định đối với người đủ 18 tuổi trở lên vì quyền nhân thân là một quyền dân sự gắn với cá nhân của con người, không thể chuyển giao sang người khác.

Về ngân hàng mô, tôi nhất trí là nên cho phép tư nhân thành lập ngân hàng mô, nhằm thể hiện tinh thần xã hội hoá công tác y tế và khuyến khích hoạt động của cá nhân, tổ chức. Hơn nữa để tăng nguồn mô để ghép cho người nhận.

Sáu là vấn đề lấy, ghép bộ phận cơ thể không tái sinh, theo tôi đây là vấn đề rất thận trọng và nên phải quy định các thủ thục thật chặt chẽ, nhất là quy định về việc tư vấn trước khi lấy và ghép. Tôi ví dụ như ghép hoặc lấy thận, lấy ghép giác mạc, thì trước khi lấy, ghép thận hoặc lấy, ghép giác mạc phải tư vấn và giải thích cho người được hiến và người nhận được ghép hiểu rõ là sau khi lấy một quả thận thì người đó chỉ còn một quả thận làm việc, có thể giải thích cho bệnh nhân là quả thận đó có thể bình thường suốt đời, và có thể quả thận đó bị hỏng trong bất kỳ thời gian nào. Chính vì vậy nên việc lấy, ghép bộ phận cơ thể không có khả năng tái sinh ở người sống thì phải rất thận trọng, cân nhắc và rất hạn chế lấy đối với mô của người sống, theo tôi phải hạn chế lấy và phải mở rộng ghép, lấy mô bộ phận cơ thể không tái sinh này ở người chết, nhất là người chết do tai nạn giao thông.

Từ lý do trên, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem có thể thiết kế một điều nào đó có tính chất, có thể thêm một điều là tuyên truyền cho người dân hiểu rõ việc lấy mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết là việc làm nhân đạo, cao đẹp, đồng thời phải có quyền lợi cho người hiến, lấy mô bộ phận cơ thể người sau khi hiến, thì gia đình của họ sẽ được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người có chỉ định ghép tức là bộ phận của cơ thể không tái sinh này, theo quan điểm của tôi đối với người sống ta rất hạn chế, thận trọng, ta làm thế nào thiết kế một điều mà mở rộng ra là lấy ở những người chết bộ phận không tái sinh này, lấy bộ phận ở những người chết thì kèm theo tuyên truyền, khuyến khích, mình cũng phải có ưu tiên cho họ là sau khi họ hiến những bộ phận cơ thể người chết, sau đó họ cũng phải được quyền lợi của họ, người nhà của họ có chỉ định ghép thì phải ưu tiên cho họ được ghép. Cụ thể Điều 17, tôi bổ sung vào Điểm c, Khoản 2: "Được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi bản thân hoặc gia đình họ có người có chỉ định ghép của cơ sở y tế"

Điều 11, Ban soạn thảo có thể nghiên cứu bổ sung, chỉ nên giao cho Bộ Y tế, hoặc là cơ quan y tế về kỹ thuật chuyên môn, còn thủ tục hồ sơ nên giao cho một tổ chức khác, đại diện cho pháp luật.

Điều 9, Khoản 3 phải quy định thế nào cho thật chặt chẽ, tránh xảy ra buôn bán mô, tạng của người Việt Nam ra nước ngoài. Tôi xin hết.


(Quốc hội nghỉ giải lao)
Trần Đông A - Thành phố Hồ Chí Minh

Thưa Quốc hội,

Xem đài truyền hình Việt Nam trong tháng 9 vừa qua nhiều người trong chúng ta đã thấy được vẻ mặt hạnh phúc của một bà mẹ có con được ghép gan bằng chính mảnh gan của mình, và khi kể vì sự lớn nhanh và tăng trọng của cháu bé trong vòng 9 tháng sau ghép, bà mẹ đã phát biểu: "Đúng là như có phép màu đã cho bà trở lại với đứa con hoàn toàn khoẻ mạnh, lanh lợi, mà trước đó thì èo uột, chờ chết".

Theo chúng tôi, đây có lẽ là một minh hoạ hết sức sinh động, rất Việt Nam của một trong ba thành quả vĩ đại nhất của loài người, của y học trong thế kỷ XX. Đó là phát minh ra kháng sinh, tìm ra được cấu trúc của DNA để đi đến vẽ bản đồ gen và khoa học ghép tạng. Chính vì vậy khoa học ghép tạng đã có đến 4 giải thưởng Nobel y học trong những năm sau cùng của thế kỷ XX. Là ông MartDaOaw-người Úc về lĩnh vực miễn dịch, ông ĐôtXê là chứng minh con người ta còn một điểm khác nhau nữa chính là công thức phải thử HNA, ông Muaray-người Mỹ là người đã được giải thưởng khoa học ghép thận, Nôbel về ghép thận vào năm 1990 và ông Đômantômat-người Mỹ đã được giải thưởng khoa học về ghép tuỷ. Về khoa học ghép tuỷ, tôi xin nhấn mạnh "khoa học" tức là nó bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau của vấn đề ghép tuỷ hay ghép thận vào năm 1990. Riêng ông Thommas TaxRơn-người sáng tạo và hoàn chỉnh khoa học ghép gan mà chúng ta đang theo vừa được Tổng thống Mỹ Bush trao giải thưởng khoa học cao cấp nhất của nước Mỹ vào năm 2005. Điều đó nói lên sự quan trọng của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, hiến và lấy xác.

Luật sẽ chẳng những cho phép nhân dân Việt Nam sau bao đau thương và mất mát, được tiếp cận và hưởng những thành quả vĩ đại của y học hiện đại, mà còn giúp cho y học Việt Nam phát triển vững chắc, vì bản thân khoa học ghép mô, tạng đã là tổng hoà và phối hợp của các tiến bộ của nhiều ngành trong y học, từ miễn dịch học, siêu vi học, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, dinh dưỡng đến kỹ thuật mổ tinh vi, sử dụng các trang thiết bị hiện đại và đồng thời cũng đòi hỏi những người làm công tác ghép tạng phải rèn rũa bản thân mình, kể cả trí não và sức khoẻ thể chất, để có thể thích hợp với những ca mổ vừa khó, vừa tinh vi, vừa kéo dài nhiều khi đến cả nửa ngày trời như chúng ta vừa tiến hành.

Vì thế tiếp cận và phát triển khoa học ghép tạng là góp phần nâng cao trình độ y học của nhiều lĩnh vực, lẫn sự phối hợp hài hoà giữa những lĩnh vực này, góp phần nâng cao việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân ta, như chủ trương của Đảng, Nhà nước được đề ra trong Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Thế nhưng như các nhà chuyên môn vẫn nói, đây là một luật chuyên ngành sâu, như Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng xác định và nằm ở ngã tư đường giữa y học chuyên sâu, y học cộng đồng, khoa học xã hội và luật pháp, kinh nghiệm của thế giới cho thấy luật phải thể hiện sự hài hoà giữa các lĩnh vực này thì mới đi vào được cuộc sống, mới đạt được nguyện vòng của nhân dân và của những người làm công tác ghép tạng.

Là một đại biểu Quốc hội, người làm công tác ghép tạng, lại cùng tham gia với Ủy ban Soạn thảo của Bộ y tế, lại cùng thẩm tra với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, lại tham gia những buổi lấy ý kiến rộng rãi của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh. Tôi xin phép thay mặt các đồng nghiệp đang làm công tác ghép tạng và nhân dân, những người đang mắc những bệnh hiểm nghèo mà đang chờ Luật để được cứu sống, được sống tiếp, cám ơn cơ quan Soạn thảo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu quốc hội và tất cả các đại biểu Quốc hội chúng ta đã đem ra thảo luận và sẽ thông qua Dự thảo Luật này và xin thưa cách làm của chúng ta thể hiện một cách rộng rãi như tôi vừa kể đã được các chuyên gia nước ngoài coi là rất khoa học và rất phù hợp với trình độ dân trí của ta. Đó cũng là cách của Luật được biết đến, ngay cả khi chưa được ban hành và Luật đã được hoàn chỉnh rất nhiều kể từ khi bắt đầu soạn thảo cho đến nay.

Xin phép được đi vào cụ thể một số điều còn có ý kiến khác nhau, với tư cách đại biểu Quốc hội và cũng là người làm công tác ghép tạng, chúng tôi thấy có trở ngại cần phải xin ý kiến của quý vị đại biểu:

Thứ nhất là điều chỉnh của Luật, tôi nhất trí với Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Luật bao gồm cả nội dung hiến và lấy xác, vì hiến, lấy xác không chỉ nhằm mục đích phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học trong y tế mà còn lấy mô ở người đã chết để ghép cho người bệnh, đặc biệt ghép giác mạc. Chúng ta đều biết ghép giác mạc là một loại ghép dễ thành công nhất và ra đời từ năm 1906, đã 100 năm. Vì đặc tính miễn dịch của giác mạc, giác mạc, van tim và não là 3 cơ quan có một vòng rào sinh học che chở làm cho các tế bào và các phân tử của hệ thống miễn dịch không có xâm nhập được. Vì vậy, ít phải sử dụng đến thuốc thải ghép, lại có thể bảo quản được trong 1 tuần lễ trước khi ghép và chỉ được lấy khi người thực ra đã chết rồi chứ không phải là chết não, mà chết rồi trong vòng từ 8 đến 12 giờ. Nhu cầu bệnh cần ghép giác mạc của chúng ta rất cao, chúng ta cũng nhớ trước kỳ họp Quốc hội, Đài truyền hình Việt Nam đưa tin một bà mẹ người Mỹ đã đem giác mạc của con mình không may bị chết cho một bệnh nhân Việt Nam đang cần ghép giác mạc và bệnh nhân của chúng ta đã sống, bà rất vui lòng.

Với số thương vong do tai nạn giao thông của ta mỗi ngày mỗi nhiều, dù đã có rất nhiều biện pháp trong khi chờ đợi để các biện pháp chống tai nạn giao thông của chúng ta hữu hiệu, các anh em làm công tác ghép tạng đã góp ý với tôi với tư cách đại biểu Quốc hội là: Quốc hội vì chưa thông qua luật, để những người này chết mỗi ngày nhiều như thế, đây là ý kiến của anh em thì cũng vi phạm vào vấn đề lãng phí các cơ quan, trong khi Quốc hội đang góp phần chống lãng phí trên phạm vi cả nước.

Một điều, khoản khác ở Điều 27 thủ tục, thẩm quyền chết não, ở Khoản 2 danh sách chuyên gia xác định chết não là chuyên gia thuộc 3 lĩnh vực: hồi sức cấp cứu, thần kinh hoặc phẫu thuật thần kinh và giám định pháp y. Yêu cầu các chuyên gia này phải đầy đủ thì mới được xác định là chết não. Sau khi tham khảo các trường đại học Y Dược 2 thành phố lớn, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời tham khảo cả vấn đề của tổ chức giám định các tỉnh, thành phố. Chúng tôi, các anh em làm công tác ghép tạng cho rằng nếu quy định như vậy: các giám định pháp y của chúng ta về lý là người trung gian giữa những người làm y học chuyên sâu và pháp luật, nhưng thực tế chưa được huấn luyện về lĩnh vực này lại rất mỏng. Chờ cho có mặt ông pháp y thì bệnh nhân chết não thực tế chỉ là một giai đoạn trung gian trong khi chờ chết thật và có thể chết thật trong vòng mấy giờ đã chết thật rồi, hoặc nếu chưa chết thì không còn ở thời điểm tối ưu để có thể lấy được cơ quan đó ghép cho người khác và có thể cứu sống người ta.

Vì vậy, chúng tôi xin kiến nghị Quốc hội nên cân nhắc về quy định này. Sau hết, chúng tôi xin nhắc một vài điều nho nhỏ là Điều 14, đề là thông số kỹ thuật y tế thì nó không phù hợp, phải đề là thông số sinh học. Điều 29 quy định Bộ trưởng y tế sẽ quy định cụ thể để một trong những kỹ thuật y tế, để chứng minh trong thực tế là đã chết não thì có kể ra, tôi nhất trí với những điều đã kể ra trong Khoản 1 Điều 29, nhưng do trình độ, trang bị của chúng ta có khác nhau giữa các tỉnh và thành phố tuỳ theo trình trạng phát triển kinh tế. Tôi kiến nghị là Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể các kỹ thuật xác định chết não tuỳ theo trình độ, trang bị của mỗi tỉnh, thành phố theo những kỹ thuật đã được kể trong Điều 1 thì phù hợp hơn.

Sau hết, xin thay mặt cho những người đang làm công tác ghép tạng, chúng tôi rất mong Luật sớm được thông qua với những điều sửa như quý vị đại biểu đã cung cấp để có thể sớm đi vào cuộc sống, giúp cho rất nhiều đồng bào chúng ta đang mắc bệnh trầm trọng, đang chờ chết có thể được cứu sống. Xin chân thành cám ơn Quốc hội.



Каталог: content -> tintuc -> Lists -> News -> Attachments
Attachments -> TÒA Án nhân dân tối cao
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> PHÒng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng csgt đƯỜng bộ Độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 347.45 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương