Qcvn 81: 2014/bgtvt



tải về 5.17 Mb.
trang45/58
Chuyển đổi dữ liệu06.07.2016
Kích5.17 Mb.
#38
1   ...   41   42   43   44   45   46   47   48   ...   58

4.3 Bảng điện

4.3.1 Thiết kế bảng điện

1 Khung, mặt trước bảng điện và vỏ của bảng điện chính, bảng điện sự cố, bảng điện nhóm và tách riêng phải có kết cấu bằng kim loại hoặc vật liệu không cháy có tuổi thọ cao khác.

2 Các bảng điện phải được kết cấu đủ cứng có khả năng chịu được các ứng suất cơ học có khả năng xảy ra trong khi sử dụng hoặc do ngắn mạch.

3 Các bảng điện tối thiểu phải được bảo vệ chống nhỏ giọt. Bảo vệ này không yêu cầu nếu bảng điện được bố trí ở những nơi mà những nơi này không có tình trạng nhỏ giọt theo phương thẳng đứng, có thể chảy vào trong bảng điện (xem ở 4.3.6-2).

4 Các bảng điện được dự định lắp đặt ở những vị trí con người không được phép tiếp cận thì phải lắp đặt thêm cửa được mở bằng khóa riêng, tương tự như đối với tất cả các bảng điện trên tàu.

5 Cửa bảng điện được thiết kế sao cho khi mở cửa phải đảm bảo tiếp cận được tất cả các bộ phận cần được bảo dưỡng, và các phần mang điện nằm trên các cửa phải được bảo vệ chống lại tác động vô ý.

Các bảng điện và các cửa được sử dụng để gắn thiết bị điều khiển và dụng cụ đo lường phải được tiếp mát an toàn với tối thiểu một mối nối thích hợp.



6 Bảng điện máy phát của bảng điện chính phải được chiếu sáng bằng đèn được cấp nguồn từ máy phát ở phía trước của bộ ngắt mạch máy phát hoặc tối thiểu từ hai hệ thống khác nhau của thanh dẫn, khi mà các hệ thống thanh dẫn đã sẵn sàng sử dụng.

7 Chiếu sáng mặt trước của bảng điện phải không được gây trở ngại cho việc quan sát và tạo ra hiệu ứng gây mờ.

8 Việc thiết kế bảng điện phải đảm bảo sao cho tiếp cận được tất cả các phần cần được bảo dưỡng.

Phải bố trí phương tiện để cố định các cửa của bảng điện hoặc tủ phân phối khi chúng được mở ra.

Dụng cụ và thiết bị cần thiết cho việc quan sát và bảo dưỡng phải được lắp ở độ cao không quá 1,8 m.

9 Mỗi thiết bị chuyển mạch được thiết kế dùng cho điện áp 50 V trở lên, lắp đặt kèm thiết bị ngắt mạch và bảo vệ và không có vôn kế, thì phải bố trí kèm một đèn hiệu chỉ báo thanh dẫn đang có điện.

4.3.2 Thanh dẫn và dây dẫn không được bọc cách điện

1 Giới hạn gia tăng nhiệt độ đối với thanh dẫn của bảng điện và dây dẫn không được bọc cách điện khi chịu tải và dòng ngắn mạch định mức hoặc chịu dòng ngắn mạch 1 giây cho phép đối với thanh dẫn bằng đồng được xác định theo tiêu chuẩn Quốc gia hoặc tương đương.

2 Thiết bị bù thanh dẫn phải được thiết kế tối thiểu bằng 50% dòng định mức của máy phát lớn nhất nối vào bảng điện chính.

3 Khi thanh dẫn tiếp xúc hoặc nằm gần với các phần cách điện, thì ảnh hưởng nhiệt độ của chúng không gây ra sự gia tăng nhiệt độ vượt quá nhiệt độ cho phép đối với vật liệu cách điện có liên quan ở điều kiện vận hành và ngắn mạch.

4 Thanh dẫn và dây dẫn không được bọc cách điện nằm trong bảng điện phải có tính ổn định nhiệt và điện động phù hợp khi có dòng ngắn mạch xuất hiện tại các điểm có liên quan trong mạch. Tải điện động phát sinh trên thanh dẫn và dây dẫn không được bọc cách điện do ngắn mạch được xác định theo tiêu chuẩn Quốc gia hoặc tương đương.

5 Bộ phận cách điện và các bộ phận khác được thiết kế để nâng đỡ thanh dẫn và dây dẫn không được bọc cách điện phải có khả năng chịu tải do mạch ngắn.

6 Thanh dẫn phải được nối sao cho ngăn ngừa được sự ăn mòn do cách ghép nối.

4.3.3 Lựa chọn thiết bị ngắt mạch.

1 Thiết bị ngắt mạch phải tối thiểu phù hợp với các tiêu chuẩn Quốc gia và phải được lựa chọn để mà:

(1) Ở điều kiện làm việc bình thường thì điện áp, dòng điện và giới hạn gia tăng nhiệt độ định mức của chúng không được phép vượt quá giá trị cho phép;

(2) Chúng phải có khả năng chống chịu, mà không hư hỏng hoặc vượt quá giới hạn nhiệt độ cho phép, như quá dòng đã được quy định đối với chế độ quá độ;

(3) Đặc tính của chúng ở chế độ ngắn mạch phù hợp với hệ số công suất ngắn mạch thực tế, cũng như với các chế độ quá độ và siêu quá độ của dòng ngắn mạch.



2 Khả năng ngắt dòng định mức của các thiết bị ngắt mạch được thiết kế để cắt dòng ngắn mạch không được phép nhỏ hơn dòng ngắn mạch giả định tại điểm thiết bị được lắp đặt ở chế độ ngắn mạch.

3 Khả năng đóng mạch định mức của các bộ ngắt mạch và công tắc, mà có thể được kết hợp trong một mạch nối tắt, thì không được phép nhỏ hơn dòng đóng mạch đỉnh giả định tại điểm thiết bị được lắp đặt ở chế độ ngắn mạch.

4 Dòng ổn định điện động của các thiết bị không nhằm mục đích ngắt dòng ngắn mạch, thì không được nhỏ hơn dòng đỉnh giả định tại điểm thiết bị được lắp đặt.

5 Dòng ổn định nhiệt của thiết bị điện ở chế độ ngắn mạch phải phù hợp với dòng ngắn mạch giả định tại điểm thiết bị được lắp đặt có xét đến thời gian ngắn mạch cho đến khi có tác động rõ ràng của thiết bị bảo vệ.

6 Có thể chấp nhận việc sử dụng bộ ngắt mạch có công suất ngắt và/hoặc đóng không phù hợp liên quan đến dòng ngắn mạch đỉnh giả định tại điểm thiết bị được lắp đặt, miễn là việc bảo vệ phía bên máy phát điện với cầu chì và/hoặc bộ ngắt mạch có tối thiểu dải cần thiết cho dòng ngắn mạch và chúng không được dùng như các bộ ngắt mạch của máy phát điện.

Việc bố trí đặc tính bảo vệ theo cách đó, phải thỏa mãn:

(1) Trong khi ngắt dòng ngắn mạch đỉnh giả định, thì bộ ngắt mạch phía phụ tải phải không được phép hư hỏng đến mức trở lên không sử dụng được sau đó nữa;

(2) Trong khi thao tác bộ ngắt mạch đối với dòng ngắn mạch đỉnh giả định, thì việc bố trí các bộ phận còn lại phải không bị hư hỏng; trong trường hợp này, cho phép các bộ ngắt mạch phía phụ tải không phải điều chỉnh một cách trực tiếp cho hoạt động sau đó.



7 Ở mạch điện có dòng tải định mức vượt quá 320 A, thì bộ ngắt mạch phải trang bị bảo vệ quá dòng. Khi dòng điện vượt quá 200 A thì việc sử dụng bộ ngắt mạch phải được khuyến cáo.

8 Ở mạch máy phát kích từ hỗn hợp mà các máy phát được dự tính hoạt động song song, thì bộ phận ngắt mạch phải có đầu nối ra dây cân bằng được liên hệ cơ khí với đầu cực khác của bộ ngắt mạch để sao cho chúng có thể đóng trước khi các cực khác được nối với thanh dẫn và mở ra sau khi ngắt kết nối chúng.

4.3.4 Bố trí thiết bị ngắt mạch và khí cụ đo lường.

1 Các thiết bị, khí cụ đo lường và chỉ báo được dùng cho máy phát và các trang bị thiết yếu quan trọng khác phải lắp đặt trên bảng điện được kết hợp với các máy phát và trang bị tương ứng. Yêu cầu này có thể được bỏ qua khi máy phát có một bảng điều khiển điều khiển trung tâm với thiết bị chuyển mạch và khí cụ đo lường cho một vài máy phát.

2 Phải trang bị một ampemét và một vônmét cho từng máy phát một chiều ở cả bảng điện chính và sự cố.

3 Các khí cụ đo lường dưới đây phải được trang bị cho mỗi máy phát xoay chiều trên bảng điện chính và cho máy phát điện sự cố trên bảng điện sự cố:

(1) Ampemét kèm công tắc lựa chọn cho phép đo dòng điện từng pha;

(2) Vônmét kèm công tắc lựa chọn cho phép đo điện áp giữa các pha và giữa điện áp dây;

(3) Tần số kế (cho phép đối với các máy phát hoạt động song song sử dụng một tần số kế kép, chuyển đổi cho mỗi máy phát);

(4) Oátmét (đối với công suất trên 50 KVA);

(5) Các khí cụ khác theo yêu cầu.



4 Ở tàu có các trang bị điện công suất thấp, mà các máy phát điện không hoạt động song song, thì phải bố trí một bộ khí cụ theo quy định ở 4.3.4-2 và 4.3.4-3 có thể được lắp đặt ở bảng điện chính và sự cố, mà việc bố trí phải có thể thao tác đo lường được ở mỗi máy phát được lắp đặt.

5 Ampemét phải được lắp đặt trong các mạch của các phụ tải thiết yếu có dòng định mức lớn hơn hoặc bằng 20 A. Các ampemét có thể được lắp đặt trên bảng điện chính hoặc tại trạm điều khiển. Cho phép lắp đặt ampemét với công tắc chuyển mạch, nhưng không quá 6 phụ tải.

6 Đối với bảng điện chính, đường dây cấp nguồn từ nguồn điện bên ngoài thì phải được trang bị kèm:

(1) Thiết bị chuyển mạch và bảo vệ;

(2) Vônmét hay đèn báo;

(3) Thiết bị bảo vệ mất pha;

(4) Thiết bị bảo vệ sụt áp.

7 Việc bố trí chuyển mạch hoặc thiết bị riêng cho từng mạch của hệ thống cách điện để đo và chỉ báo điện trở cách điện được phải được lắp đặt trên bảng điện chính và sự cố.

Trong mọi trường hợp, dòng dò thân tàu do hoạt động của thiết bị đo không được vượt quá 30 mA.

Phải bố trí các báo động âm thanh và ánh sáng phù hợp khi điện trở cách điện giảm xuống quá mức cho phép ở tất cả các mạch điều khiển.

Ở tàu với buồng máy không có người trực ca, thì hệ thống báo động trên cũng phải được bố trí tại các vị trí ở vị trí mà từ vị trí điều khiển tàu phải nhận biết được.



8 Giới hạn vạch chia thang đo của thiết bị đo lường phải lớn hơn trị số định mức của tham số cần đo.

Giới hạn thang đo của thiết bị được dùng ở trên phải không được thấp hơn:

(1) Đối với vônmét - 120% điện áp định mức;

(2) Đối với ampemét đi kèm của máy phát không hoạt động song song - 130% dòng điện định mức;

(3) Đối với ampemét đi kèm của máy phát hoạt động song song - 130% dòng điện định mức cho thang đo dòng tải và 15% dòng điện định mức cho thang đo dòng điện ngược (sau này chỉ đề cập đến ở máy phát điện một chiều);

(4) Đối với oátmét đi kèm của máy phát không hoạt động song song - 130% công suất định mức;

(5) Đối với oátmét đi kèm của máy phát hoạt động song song - 130% cho thang đo công suất phụ tải và 15% cho thang đo công suất ngược;

(6) Đối với tần số kế ± 10% tần số định mức.

Giới hạn thang đo trên có thể được thay đổi để phù hợp theo quy định của Đăng kiểm.

9 Điện áp, dòng điện và công suất định mức của hệ thống chân vịt điện và các máy phát điện phải được đánh dấu rõ ràng trên thang đo của các khí cụ đo lường.

10 Các bộ ngắt mạch được lắp đặt và nối với các thanh dẫn theo cách sao cho không được có tiếp xúc động và các thiết bị bảo vệ hoặc điều khiển của bộ ngắt mạch phải có điện ở vị trí mở.

11 Khi bộ ngắt mạch kèm cầu chì được sử dụng trong các mạch của bảng điện, thì các cầu chì phải được đặt ở giữa thanh cái và bộ ngắt mạch. Vị trí cầu chì có kiểu đặt khác chỉ được phép khi có sự đồng ý của Đăng kiểm.

12 Cầu chì trong bảng điện được lắp đặt trên các máng ở sát đáy sàn phải được bố trí không thấp hơn 150 mm và không cao hơn 1.800 mm so với mặt sàn. Các phần mang điện lộ ra của bảng điện phải được đặt ở độ cao tối thiểu 150 mm so với mặt sàn.

Bộ điều khiển của thiết bị máy phát phải được bố trí không thấp hơn 800 mm so với mặt sàn. Bộ điều khiển của các thiết bị khác phải được bố trí tối thiểu là 300 mm so với mặt sàn.



13 Các cầu chì được lắp đặt trong bảng điện sao cho có thể dễ dàng tiếp cận và thay thế dây chảy cầu chì mà không gây nguy hiểm cho người thao tác.

14 Cầu chì ren xoắn phải được lắp đặt sao cho dây chì đầu vào được nối với đầu nối phía dưới.

15 Các cầu chì bảo vệ các cực và các pha của cùng một mạch phải được lắp đặt song song với nhau theo chiều ngang hoặc theo chiều dọc, tùy thuộc vào thiết kế của cầu chì.

Cầu chì trong mạch điện xoay chiều phải được định vị theo thứ tự pha, từ trái sang phải hoặc từ trên xuống dưới.

Cầu chì trong mạch điện một chiều, thì cầu chì ở cực dương cực sẽ nằm ở bên trái, ở phía trên, hoặc gần với tầm với.

16 Thiết bị thao tác bằng tay của bộ điều chỉnh điện áp lắp đặt trong bảng điện chính hoặc sự cố, phải được đặt gần khí cụ đo lường của máy phát tương ứng.

17 Ampemét của máy phát một chiều kích từ hỗn hợp dự tính hoạt động song song phải được bố trí trong mạch điện cực không nối với dây cân bằng.

18 Phải dùng các dây dẫn mềm dễ uốn để nối với thiết bị di động, bán di động.

19 Các bộ điều khiển của các thiết bị chuyển mạch, tủ điện, mạch đầu ra trên các bảng điện và các khí cụ đo lường thì các ký hiệu của chúng phải được đánh dấu.

Vị trí đóng ngắt mạch của các thiết bị được phải được chỉ báo.

Đối với việc cài đặt dòng điện định mức của cầu chì và bộ ngắt mạch, thì giá trị cài đặt cho các bộ ngắt mạch và các rơ le nhiệt cũng phải được chỉ ra.

20 Mỗi mạch đầu ra của bảng điện phải được bố trí các bộ ngắt mạch phù hợp để ngắt tất cả các cực và/hoặc pha. Các bộ ngắt mạch có thể được miễn giảm ở các hộp công tắc chiếu sáng thứ cấp được trang bị bộ ngắt mạch chung, và cũng trong mạch của các khí cụ, thiết bị khóa liên động và báo động, các bảng điện chiếu sáng cục bộ phải được bảo vệ bằng cầu chì.

4.3.5 Đèn tín hiệu.

Màu sắc được quy định ở Bảng 7/4.3.5 phải được sử dụng cho đèn tín hiệu. Việc áp dụng đối với các tín hiệu chỉ dẫn khác với quy định ở Bảng 4.3.5 (ví dụ như ký hiệu bằng chữ) thì phải tùy thuộc vào sự xem xét đặc biệt của Đăng kiểm trong từng trường hợp cụ thể.



Bảng 7/4.3.5 Màu sắc đèn tín hiệu

Màu sắc

Ý nghĩa

Kiểu tín hiệu

Trạng thái

Đỏ

Nguy hiểm

Nhấp nháy

Báo động trong trạng thái nguy hiểm khi một đáp ứng tức thời được đưa ra.

Liên tục

Báo động trong trạng thái nguy hiểm như là trạng thái nguy hiểm được phát hiện nhưng nhưng chưa được sửa chữa.

Vàng

Chú ý

Nhấp nháy

Các trạng thái bất thường khi một đáp ứng tức thời chưa được đưa ra

Liên tục

Trạng thái trung gian giữa bất thường và an toàn. Trạng thái bất thường đã được phát hiện nhưng chưa được sửa chữa.

Xanh lá cây

An toàn

Nhấp nháy

Máy móc dự phòng được đưa vào hoạt động.

Liên tục

Chạy và hoạt động ở trạng thái bình thường.

Xanh da trời

Thông tin

Liên tục

Máy móc và thiết bị đã sẵn sàng để khởi động. Lưới đang có điện.

Trắng

Thông tin chung

Liên tục

Ký hiệu liên quan đến hoạt động tự động. Tín hiệu phụ trợ khác.

4.3.6 Bố trí thiết bị chuyển mạch.

1 Thiết bị chuyển mạch phải được lắp đặt ở các vị trí đã loại trừ được sự tập trung của khí, hơi nước, bụi và hơi axít có thể tồn tại.

2 Nếu các thiết bị chuyển mạch có bảo vệ cấp IP10 và nhỏ hơn được lắp đặt trong các khu vực đặc biệt, các buồng hoặc các chõ lõm, thì các khu vực này phải được làm bằng các vật liệu không cháy hoặc phải có lớp bọc bên trong bằng các vật liệu như vậy.

3 Việc bố trí các đường ống và các két gần bảng điện chính phải phù hợp với các yêu cầu của Phần V “Hệ thống máy tàu”.

4 Bảng điện đèn hàng hải phải được lắp đặt trong trong buồng lái, ở vị trí mà người trực ca dễ dàng tiếp cận và quan sát.

5 Bảng điện chính và các tổ máy phát được khuyến cáo phải nằm trong cùng một không gian.

Buồng máy được bao bọc trong các vách biên chính, thì phải bố trí buồng điều khiển máy và ở đó bảng điện chính được lắp đặt, không được tách riêng bảng điện chính khỏi các tổ máy phát.

Bảng điện chính và sự cố có thể được phép lắp đặt trong buồng lái, nếu có sự đồng ý của Đăng kiểm.

6 Tàu trang bị cả hệ thống điện xoay chiều và một chiều phải có hệ thống phân phối từ các bảng điện được tách riêng hoặc từ một bảng điện gộp chung được bố trí phân chia các phần xoay chiều và một chiều tách biệt một cách rõ ràng. Sơ đồ đi dây của bảng điện phải có ở trên tàu.

4.3.7 Tiếp cận bảng điện.

1 Phải bố trí lối đi rộng tối thiểu 600 mm ở phía trước của bảng điện.

2 Phải bố trí lối đi rộng tối thiểu 600 mm ở phía sau, dọc theo chiều đặt đứng tự do của bảng điện.

Nếu được sự cho phép của Đăng kiểm, thì chiều rộng của những lối đi này có thể giảm xuống còn 500 mm ở một số vị trí.



3 Không gian phía sau của bảng điện đặt đứng tự do có các phần mang điện lộ ra phải được quây kín và bố trí cửa ra vào.

4 Lối đi quy định ở 4.3.7-1 và 4.3.7-2 được xác định từ các bộ phận nhô ra cao nhất của thiết bị bảng điện và kết cấu của phần lồi ra của thiết bị hoặc kết cấu thân tàu.

Chương 5

TRUYỀN ĐỘNG MÁY ĐIỆN VÀ THIẾT BỊ ĐIỆN

5.1 Quy định chung

5.1.1 Trạm điều khiển truyền động phải đáp ứng các yêu cầu liên quan của Chương 3, Phần

5.

5.1.2 Máy móc được truyền động bằng điện phải được bố trí kèm báo động ánh sáng để chỉ sự vận hành của bộ truyền động điện.



5.1.3 Thiết bị điều khiển tự động, từ xa và tại chỗ được thiết kế sao cho các bộ điều khiển tự động và từ xa phải bị ngắt ra khi chuyển sang điều khiển tại chỗ.

Bộ điều khiển tại chỗ phải độc lập với cả bộ điều khiển tự động và từ xa.



5.1.4 Việc khởi động máy móc, động cơ điện hoặc các thiết bị yêu cầu có thông gió bổ sung trong lúc làm việc bình thường, chỉ có thể thực hiện khi thông gió đã làm việc.

5.2 Cơ cấu đóng ngắt và điều khiển

5.2.1 Các cơ cấu đóng ngắt trong các mạch truyền động điện mà không bố trí bảo vệ ngắn mạch thì để chịu được dòng ngắn mạch có thể chảy qua điểm lắp đặt thiết bị trong thời gian được yêu cầu đối với việc kích hoạt bảo vệ.

5.2.2 Cơ cấu điều khiển phải được bố trí thích hợp để khởi động động cơ điện từ vị trí bảo vệ 0.

5.2.3 Động cơ điện có công suất định mức lớn hơn hoặc bằng 0,5 kW và cơ cấu điều khiển chúng sẽ phải bố trí thiết bị để cách ly nguồn cấp. Trong trường hợp này, vị trí cơ cấu điều khiển phải được gắn trên bảng điện chính hoặc bất kỳ bảng điện nào khác trong cùng không gian và phải được đảm bảo nhìn thấy chúng từ vị trí lắp đặt động cơ điện, sau đó, để phục vụ mục đích này cho phép sử dụng công tắc gắn trên bảng điện.

Nếu việc bố trí cơ cấu điều khiển theo yêu cầu trên không được đáp ứng, thì phải bố trí những thiết bị sau:

(1) Thiết bị khóa liên động đóng mạch trên bảng điện chính ở vị trí ngắt;

(2) Công tắc bổ sung nằm gần động cơ điện;

(3) Lắp đặt cầu chì cho mỗi cực hay mỗi pha, thì các cầu chì này phải tháo ra và thay thế dễ dàng bởi người vận hành.

5.3 Truyền động và điều khiển thiết bị lái

5.3.1 Ngoài các yêu cầu ở Chương 15 Phần 3 Mục II QCVN 21:2010/BGTVT và 2.10 Phần 3, thì thiết bị lái phải đáp ứng được các yêu cầu của Phần này.

5.3.2 Mỗi thiết bị lái điện hoặc điện-thủy lực phải được cấp nguồn trực tiếp từ đường cáp riêng nằm trong bảng điện chính, mỗi đường cáp này được đặt thành từng tuyến riêng (xem thêm ở 9.3.1-8).

Khi thanh dẫn trong bảng điện chính được phân đoạn, thì các đường cáp nguồn cho thiết bị lái phải được cấp điện từ các phần khác nhau.

Một trong những đường cáp này có thể được cấp điện bảng điện sự cố.

Khi bố trí thiết bị lái phụ, thì chúng phải được cấp nguồn từ nguồn điện sự cố.



5.3.3 Việc khởi động và dừng các động cơ máy lái, trừ động cơ bánh lái được truyền động trực tiếp, thì phải được thực hiện từ buồng máy lái và từ buồng lái.

5.3.4 Thiết bị khởi động phải đảm bảo tự động khởi động lại các động cơ điện ngay sau khi điện áp được khôi phục sau sự cố gián đoạn việc cấp điện.

Khi có sẵn một vài trạm điều khiển truyền động máy lái, thì công tắc chuyển đổi phải được bố trí để đảm bảo chỉ có một trạm điều khiển được lựa chọn bởi người vận hành.



5.3.5 Hướng quay của vô lăng lái hoặc hướng chuyển động của cần điều khiển phải phù hợp với hướng đặt của bánh lái ở trên.

Ở hệ thống điều khiển bằng nút ấn, thì các nút ấn phải được bố trí sao cho bật nút ấn quay sang phải làm cho bánh lái chuyển động sang phải, còn khi bấm nút ấn quay sang trái thì bánh lái chuyển động sang trái.



5.3.6 Phải có phương tiện trong buồng máy lái để ngắt một hệ thống điều khiển bất kỳ vận hành từ buồng lái ra khỏi thiết bị lái mà nó phục vụ.

5.4 Truyền động điện máy neo và tời chằng buộc

5.4.1 Ngoài các yêu cầu của Chương 16 Phần 3 Mục II QCVN 21:2010/BGTVT, thì các tời cô dây, tời neo và tời chằng buộc phải đáp ứng các yêu cầu Phần này.

5.4.2 Khi sử dụng các động cơ điện xoay chiều rôto lồng sóc, thì truyền động cho máy neo và tời chằng buộc phải đảm bảo sau khi hoạt động 30 phút với tải định mức, thì các động cơ điện có thể dừng dưới điện ở điện áp định mức tối thiểu 30 giây đối với máy neo và 15 giây đối với tời chằng buộc. Đối với các động cơ có cuộn dây stato quấn lại, thì yêu cầu này có thể áp dụng cho hoạt động của động cơ có cuộn dây sinh ra mô men khởi động cực đại.

Các động cơ điện một chiều và động cơ điện xoay chiều rôto dây quấn phải chịu được các điều kiện dừng dưới điện nêu trên, nhưng bằng 2 lần mô men định mức của chúng, trong trường hợp này, điện áp có thể thấp hơn giá trị định mức.

Sau khi bị dừng dưới điện, thì sự gia tăng nhiệt độ không được lớn hơn 130% giá trị cho phép của vật liệu cách điện được sử dụng.

5.4.3 Với neo, tời quấn dây đứng và tời chằng buộc, ở các cấp tốc độ chỉ dành cho hoạt động côdây, thì phải bố trí bảo vệ quá dòng phù hợp cho động cơ điện.

5.4.4 Nguồn cấp cho truyền động điện tời neo và tời quấn dây phải được lấy từ thanh dẫn bảng điện chính.

5.5 Truyền động điện cho các bơm

5.5.1 Động cơ điện lai các bơm vận chuyển dầu nhiên liệu, bôi trơn và thiết bị phân ly cũng như các bơm tuần hoàn nước làm mát hệ thống phải được bố trí công tắc ngắt mạch từ xa lắp đặt bên ngoài không gian lắp đặt các bơm và bên ngoài buồng máy, nhưng gần vùng lân cận của lối thoát hiểm từ các không gian này.

5.5.2 Công tắc ngắt mạch của các thiết bị truyền động điện quy định ở 5.5.1 được bố trí tại các vị trí dễ thấy được phủ thủy tinh và được bố trí chữ viết giải thích.

5.5.3 Động cơ điện lai các bơm chữa cháy sự cố phải được bố trí thiết bị khởi động từ xa nằm phía trên boong vách.

Thiết bị khởi động từ xa phải được bố trí kèm báo động ánh sáng để chỉ báo vị trí “BẬT” của thiết bị truyền động điện.



5.5.4 Bơm chữa cháy sự cố được điều khiển từ xa cũng phải có khả năng được điều khiển tại chỗ.

5.5.5 Động cơ điện lai các bơm vận chuyển dầu và xả nước thải phải được trang bị điều khiển ngắt từ xa bố trí nằm trong vùng lân cận của cụm van xả, với điều kiện là không có sẵn thông tin liên lạc bằng điện thoại giữa vị trí quan sát xả và vị trí kiểm soát xả.

5.5.6 Việc khởi động tại chỗ các bơm chữa cháy và bơm nước đáy tàu phải có thể thực hiện được ngay cả khi mạch điều khiển từ xa của chúng bị lỗi, bao gồm cả thiết bị bảo vệ.

5.6 Truyền động điện cho các quạt thông gió

5.6.1 Động cơ điện của quạt thông gió trong buồng máy phải được bố trí tối thiểu hai công tắc ngắt mạch, một trong số đó phải được đặt bên ngoài buồng máy và vách quây của chúng, nhưng trong vùng lân cận gần các lối thoát từ các không gian này.

Khuyến cáo rằng các công tắc ngắt mạch này phải được bố trí tương tự như các công tắc được đề cập ở 5.5.1.




tải về 5.17 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   41   42   43   44   45   46   47   48   ...   58




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương