Professor buu cam



tải về 211.72 Kb.
trang3/3
Chuyển đổi dữ liệu01.10.2016
Kích211.72 Kb.
#32571
1   2   3

Xem cuốn “Tâm trạng Tương An Quận vương qua thi ca của ông” của ông, tôi thấy giáo sư Bửu Cầm đề tựa, phía cuối bài có ghi “Viết tại Hiên Tam-bất ở Tân-định”, hiên “Tam bất” chắc là nơi ở của giáo sư, nhưng “Tam bất” có nghĩa là gì ạ?

“Đúng vậy, Thầy gọi nơi đọc sách và trứ tác của Thầy ở Tân Định là “hiên Tam bất” và thường ghi bên dưới các bài tựa là “Viết tại Hiên Tam bất…” Như khi đề tựa cuốn Tâm trạng Tương An Quận vương qua thi ca của ông, Thầy ghi (tôi giữ đúng cách viết hoa và gạch nối của Thầy):

                                 Viết tại Hiên Tam-bất ở Tân-định,

                     Sài-thành, tiết Trung-thu năm Canh-tuất (1970)

“Thầy có hiệu là Tam bất cư sĩ 三不居士.“Tam bất” là nói rút gọn câu “Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất.” (Sự giàu sang không thể làm cho trở nên dâm dật, sự nghèo hèn không thể làm thay đổi tiết tháo, uy quyền vũ lực không thể khuất phục.) Qua đó, có thể thấy cách lập đức của Thầy”.

Dã phương trai, là nơi giáo sư ở hiện nay, dường như cái tên ấy cũng có ngụ ý cuộc sống ẩn dật, thanh tao?

Ông Nguyễn Khuê:

Năm 2000, Thầy lại dời chỗ ở đến cuối một con hẻm cụt cạnh chùa Hải Quang, gần chợ Phạm Văn Hai quận Tân Bình, cách căn nhà cũ ở đường Mai Ngọc Khuê không xa. Thầy đặt tên căn nhà mới này là Dã Phương Trai. Cuộc sống vãn niên của Thầy được thi vị hóa qua bài thơ Thầy gửi tặng tôi:

DÃ PHƯƠNG TRAI

Nhà tôi chỉ có sách và hoa,

Một chiếc đàn tranh, một ấm trà.

Khóm trúc, cành mai đùa gió sớm;

Hiên trăng, gác mộng đón hương xa.

Ong vờn giậu cúc tình chan chứa,

Bướm lượn thềm lan ý đậm đà.

Trước cửa chim trời cao giọng hót,

Ngoài song tiếng dế cũng ngâm nga.

Nếu ai từng đến thăm Thầy ở Dã Phương Trai, vừa bước vào cái sân nhỏ (còn nhỏ hơn cái sân ở căn nhà đường Mai Ngọc Khuê) thì thấy có đủ mai, lan, cúc, trúc. Trong nhà treo một bức hoành phi chạm ba chữ Hán 野芳齋 (Dã Phương Trai) thếp nhũ kim, một câu đối khảm xa-cừ, vài bức tranh Tàu, một cây đàn tranh; gần chỗ tiếp khách trưng bày mấy món đồ cổ, bên trong là vài tủ sách lớn. Với phong thái nhàn nhã tự tại, dường như Thầy không còn bận lòng về việc đời. Nhưng đó chỉ là bề ngoài thôi. Qua những lần đàm đạo với Thầy cũng như qua bài thơ làm ở tuổi 80, mà theo Thầy nói thì sau bài này Thầy gác bút, người ta thấy Thầy vẫn còn nhiều trăn trở:

MỪNG THỌ TÁM MƯƠI TUỔI

Con cháu đông vui họp một nhà,

Tám mươi tuổi thọ hãy mừng ta.

Thương người bốn biển, trời không phụ;

Mê sách ngàn pho, thánh chẳng xa.

Mong thấy thiên đường thay địa ngục,

Muốn nghe nhân nghĩa định sơn hà.

Hoàn thành ước nguyện, lòng thanh thản,

Thượng uyển phương quỳnh chớm nở hoa.

Có thể nói con người của Thầy là sự kết hợp hài hòa giữa khí tiết “tam bất” của một nhà nho quân tử và cốt cách phong lưu của một người thuộc dòng dõi hoàng tộc.
Phong cách nghiên cứu khoa học cẩn trọng, tỉ mỉ với mảng đề tài rộng

Kết quả của những tháng ngày làm chuyên viên ở Viện Khảo cổ là những bài viết khảo về văn hoá Trung Quốc rất có giá trị. Có lẽ ông là một trong những người khảo về đồ gốm Trung Quốc khá sớm trong giới nghiên cứu Việt Nam. Trong bài viết của mình, ông đã giới thiệu về đồ sứ đời Tống trên các phương diện sắc thái, trang sức, đặc biệt tác giả đề cập nhiều đến các lò làm sứ nổi tiếng đời Tống, qua đó nhận định đồ sứ đời Tống đã đánh dấu một thời kỳ cực thịnh của kỹ nghệ từ khí ở Trung Quốc.

Năm 1959, ông viết loạt bài nghiên cứu về Kinh Thi, tìm hiểu những vấn đề về tác giả, văn bản, nội dung, văn chương Kinh Thi. Tiếp đó, ông có bài viết về nguồn gốc văn học Trung Quốc, sau khi phân tích những tài liệu thật và giả về nguồn gốc văn học Trung Quốc đã kết luận rằng: những tác phẩm bằng văn xuôi tương truyền có trước đời Chu đều là ngụy tác, những thi ca tương truyền có trước đời Chu cũng đáng ngờ. Chỉ có bốc từ và kim văn là những chứng cứ vững chắc. Giáo sư còn nghiên cứu cả về các thi phái thời Đường, thơ mới của Trung Quốc thời cuối Thanh và sau này, tất cả những bài viết đều rất có giá trị tham khảo thời bấy giờ.

Khảo sát những công trình nghiên cứu khoa học của giáo sư, chúng tôi nhận thấy, tất cả những bài viết, bài nghiên cứu, công trình nghiên cứu đều được thực hiện công phu nghiêm túc, cẩn trọng tỉ mỉ, rõ ràng rành mạch, khảo chứng bằng nhiều cứ liệu xác đáng, cung cấp cho người đọc những kiến thức bổ ích, phong phú, tin cậy.

Những bài nghiên cứu của giáo sư, dù khảo biện những vấn đề liên quan đến Trung Quốc, cũng đều mang tính dân tộc cao. Nghiên cứu Trung Quốc, với giáo sư cũng là một phương tiện để đi vào nghiên cứu lịch sử văn hoá văn học Việt Nam. Nhiều bài viết của giáo sư rõ ràng xuất phát từ chủ ý này, như loạt bài nghiên cứu về văn hóa dân tộc trên các bình diện về văn hóa, văn học như Văn hoá Lý- Trần, quốc hiệu nước ta, Nguồn gốc chữ Nôm, về học chế ở Việt Nam qua các triều đại, quốc hiệu Đại Nam và Việt Nam… đặc biệt là các bài viết giới thiệu tác phẩm chữ Nôm dân tộc.

Nghiên cứu về Kinh Thi Trung Quốc, là để so sánh với một tác phẩm Văn hoá quang phong – một tác phẩm được đánh giá như Kinh Thi của Việt Nam; nghiên cứu Kinh Thi, Kinh Dịch là để khẳng định nguồn gốc thơ lục bát là của ta; giới thiệu Nam cầm khúc của Tuy Lý Vương là để so sánh với Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị Trung Quốc; nghiên cứu lịch sử Trung Quốc là để chứng minh và làm rõ những vấn đề thuộc về sử liệu ở nước ta...

Con đường mà giáo sư Bửu Cầm đã đi, đến nay những nhà nghiên cứu Hán Nôm lớp sau, đặc biệt là những học trò của giáo sư vẫn kế thừa tiếp tục. Tìm hiểu, nghiên cứu Trung Quốc, vừa là để hiểu lịch sử văn hoá của một đất nước có ảnh hưởng nhiều đến nước ta, cũng vừa là một kiểu giao lưu văn hoá, đồng thời cũng là một phương thức để hiểu hơn về lịch sử, văn hoá nước ta.

Xin cảm ơn ông Nguyễn Khuê, ông Nguyễn Tri Tài, cùng gia đình giáo sư Bửu Cầm đã dành thời gian trả lời phỏng vấn đồng thời đã cung cấp những tư liệu quý báu để người viết thực hiện bài viết này.


TIỂU SỬ CỦA GS. BỬU CẦM


Bửu Cầm, tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Cầm.

Sinh ngày 14-8-1920 tại Vỹ Dạ, Huế. Con đầu lòng của thi sĩ Ưng Oanh và nữ sĩ Trịnh Thị Tố. Dòng dõi của Tuy Lý vương Miên Trinh (cháu gọi Tuy Lý vương bằng cố).

Thuở nhỏ vì sức khoẻ kém, từ năm 10 tuổi đến năm 20 tuổi, đau ốm liên miên, nên học với gia đình và tự học nhiều hơn học tại trường. Năm 12 tuổi đã viết văn và làm thơ. Năm ngoài 20 tuổi chủ biên Tinh hoa văn tập và tập san Gió lên xuất bản tại Huế.

Vì những hoạt động văn hoá nên được mời giảng dạy môn Việt văn cấp ba tại trường Quốc học, Huế (1950)

Năm 1956, đổi vào Sài Gòn, phụ trách Phòng Sưu tầm và khảo cứu Viện Khảo cổ.

Năm 1958 được mời giảng dạy môn Hán Nôm và các môn Lịch sử Việt Nam, Ngữ học Việt Nam, Triết học Đông phương tại trường Đại học Văn khoa Sài Gòn.

Năm 1969 được phong Giáo sư diễn giảng.

Năm 1972 được thăng Giáo sư thực thụ Viện Đại học Sài Gòn. Đã bảo trợ cho nhiều nghiên cứu sinh soạn luận án tiến sĩ và cao học.

Trong thời gian này, được bộ Giáo dục cử đi dự Hội nghị quốc tế về Trung Quốc học (Hán học) ở nước ngoài. Đồng thời được cử tham gia Uỷ ban Hỗ tương thẩm định giá trị văn hoá Đông Tây của UNESCO và Phái đoàn giao dịch với Trung tâm nghiên cứu văn hoá Đông Nam Á tại Nhật Bản.
Tác phẩm

Đã xuất bản:

1. Bửu Cầm, Hồng đức bản đồ, Nxb Bộ quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962.

2. Bửu Cầm (chú thích) Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển đầu, Nxb Bộ quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1960.

3. Bửu Cầm (chú thích) Hoàng Việt giáp tý niên biểu, Nxb Bộ quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, 1963.

4. Bửu Cầm (chú thích), Bang giao trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn, 1968.

5. Bửu Cầm (hiệu đính), Khâm định Việt sử thông giám cương mục tiền biên, quyển 2, Nxb Bộ quốc gia giáo dục, 1965.

6. Bửu Cầm (hiệu đính), Nhu viễn trong Khâm định Đại Nam hội sự điển lệ, quyển 132- 133, Nxb Bộ văn hóa giáo dục, 1965.

7. Bửu Cầm (hiệu đính), Nhu viễn trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 134- 135- 136, Nxb Bộ văn hóa giáo dục, 1966.

8. Bửu Cầm, Tìm hiểu Kinh Dịch, tập 1, Nxb Nguyễn Đỗ, Tp HCM, 1957.

9. Bửu Cầm, Tống Nho: Triết học khảo luận, Nxb Đại học tùng thư nhân văn, Huế, 1954.

10. Bửu Cầm và Lê Ngọc Trụ, Thư mục về Nguyễn Du (1765- 1820), Nhân dịp lễ kỉ niệm Đệ nhị bách chu niên sinh nhật đại thi hào Nguyễn Du, Sài Gòn, 1965.

11. Bửu Cầm, Quốc hiệu nước ta từ An Nam đến Đại Nam, Tủ sách sử học, Nxb Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, 1969.

12. Bửu Cầm, Du lịch thái hư, 1948.

13. Bửu Cầm, Việt ngữ chính tả từ vựng, 1949.

14. Bửu Cầm, Hoài cổ ngâm chú thích, 1950.

Chưa xuất bản:

15. Bửu Cầm, Tìm hiểu Kinh Dịch, tập II- Nhân sinh quan, Việt Nam, Dao Lam của nền văn học mới.

16. Bửu Cầm, Đông Tây triết học khảo luận

17. Bửu Cầm, Đông tây văn hóa tỷ giảo.

18. Bửu Cầm, Trung Quốc triết học sử.

19. Bửu Cầm, Trung Quốc tân văn nghệ lược luận.

20. Bửu Cầm, Trung quốc văn học sử

21. Bửu Cầm, Tập thơ Hồn vũ trụ.





1 Tài liệu trích từ Lê Đình Cai, http://ttntt.free.fr/lienlacnhanvan/007lienlacvn3.html)



tải về 211.72 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương