PHÁt triển mạng lưỚi cụm liên kết ngành ở việt nam ts. Võ Trí Thành & các cộng sự Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương



tải về 248.72 Kb.
trang2/2
Chuyển đổi dữ liệu28.04.2018
Kích248.72 Kb.
#37541
1   2

Nguyên nhân của sự “tích cực” thái quá trong mở rộng quá mức các KCN, CCN của các chính quyền địa phương cần được đánh giá chuyên sâu. Tuy nhiên, một nguyên nhân chủ yếu có thể xuất phát từ các động cơ kinh tế - chính trị của các chính quyền địa phương có liên quan tới chủ nghĩa thành tích, tư duy nhiệm kỳ. Việc mở rộng các KCN, CCN được đánh giá cao khi các địa phương báo cáo thành tích về thực hiện đường lối công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH - HĐH) và chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương. Việc mở rộng thái quá này có thể che khuất các hành vi trục lợi từ việc đầu tư CCN, giải phóng mặt bằng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp (nhất là với việc bồi hoàn đất giá rẻ, chi phí di dời thấp, sau khi xây dựng hạ tầng KCN, CCN, có thể tạo ra siêu lợi nhuận nhờ giá trị đất tăng cao).3 Những điều này dẫn đến hậu quả là lãng phí nguồn lực, có thể gây bất ổn đời sống người dân, an sinh xã hội và an ninh trật tự tại các địa phương có vi phạm, mâu thuẫn phát sinh từ đất đai.


- Thứ hai, các CLKN hiện hữu chủ yếu được hình thành và phát triển một cách tự nhiên song tính bền vững, năng động vẫn còn thấp, mối liên hệ còn lỏng lẻo, ít có tác động liên kết đối với các doanh nghiệp trong cụm và bên ngoài cụm.

Như đã nêu, hầu hết các CLKN ở Việt Nam xuất hiện một cách tự nhiên, đang ở thời kỳ phôi thai và tập trung vào phạm vi hẹp mà không mở rộng sang lĩnh vực ngành CNHT và liên quan, và sự hợp tác chủ động giữa các doanh nghiệp còn hạn chế.

Sự thiếu bền vững của các CLKN thể hiện ở các phương diện khác nhau. Báo cáo Cạnh tranh Việt Nam 2010 cho rằng, sự thành công của CCN điện tử và da giày của Việt Nam vốn dựa trên những nền tảng không vững chắc là mối đe dọa đến tính bền vững trong dài hạn. Một trong những yếu tố đó là tính không bền vững của lợi thế cạnh tranh dựa vào giá nhân công thấp. Điều này cũng có thể xảy ra với các sản phẩm khác mặc dù Việt Nam đang tăng trưởng mạnh về xuất khẩu. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước chủ yếu khai thác các nhân tố sản xuất dồi dào có sẵn trong nước là lao động giản đơn giá rẻ. Đặc biệt, mối liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và trường học, viện nghiên cứu cũng như các hiệp hội còn rất yếu.

Tính thiếu bền vững còn được thể hiện thông qua cách tiếp cận phân tích các hạn chế phát triển của các CLKN theo mô hình viên kim cương của Michael Porter. Theo đánh giá của Mekong Economics (2011), các hạn chế của các CLKN điện tử Việt Nam được thể hiện trên các phương diện sau: (1) Các điều kiện về cầu: mức cầu trong nước thấp (để đạt hiệu quả kinh tế nhờ quy mô), Việt Nam chưa thực sự tham gia sâu để đáp ứng cầu của khu vực và thế giới; (2) Cạnh tranh và chiến lược ngành: thiếu các doanh nghiệp trong nước có sức cạnh tranh cao, tăng trưởng năng suất thấp, các mức thuế chưa đủ khuyến khích và không hợp lý; (3) Các điều kiện về nhân tố sản xuất (thiếu nguồn cung lao động lành nghề, chất lượng giáo dục công nghệ cao còn thấp, chất lượng kém của kết cấu hạ tầng ngoài KCN, thiếu kỹ năng quản lý hiệu quả và trình độ đổi mới công nghệ...); (4) Công nghiệp hỗ trợ và các ngành hàng liên quan: thiếu vắng các nguồn cung trong nước có chất lượng và giá rẻ, thiếu hụt thông tin giữa các nhà cung cấp và các nhà lắp ráp (xem phần sau).



- Thứ ba, Việt Nam vẫn chưa có các chiến lược, chính sách hữu hiệu hình thành và phát triển các CLKN để qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững cho nền kinh tế.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do nhận thức về vai trò của CLKN vẫn còn chưa đầy đủ. Một hậu quả là, mục tiêu xây dựng các CLKN đích thực với các nhóm doanh nghiệp liên kết chặt chẽ nhau, mang tính địa phương đã không thực hiện được, thay vào đó chỉ tạo ra các KCN nhỏ bé, hoạt động rời rạc với tỷ lệ lấp đầy rất thấp. Trên thực tế, vẫn có rất nhiều trường hợp trong một CCN không có một mối liên kết hoạt động nào giữa các doanh nghiệp nội tại cụm; đặc biệt, các mối liên kết giữa các hiệp hội, các trường đào tạo, viện nghiên cứu trong CCN rất là hiếm.



3.3. Đánh giá chung về các mối liên kết trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm liên kết ngành và công nghiệp hỗ trợ

Nhìn chung, sự phát triển của các KCN, CCN, CLKN và CNHT trong giai đoạn đổi mới kinh tế đã đạt được những thành tựu ban đầu, nhưng vẫn còn ở trình độ thấp, với sự gắn kết chưa chặt chẽ giữa chúng và phần còn lại của nền kinh tế. Điều này được thể hiện trên các phương diện sau:



- Một là, mối liên kết yếu kém giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong các ngành và quốc tế.

Yếu kém có thể thấy rõ là đến nay mối liên kết ngành giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIE), giữa doanh nghiệp thuộc ngành thượng nguồn và hạ nguồn là rất hạn chế, đặc biệt, hầu như không có sự chuyển giao công nghệ giữa các MNC/FIE đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Nghiên cứu ngành của Ohno (2005) cho thấy, trong thời gian dài, tồn tại tình trạng lưỡng khu vực giữa các khu vực kinh tế trong hầu hết các ngành. Nói cách khác, hầu như không có sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong khu vực thay thế nhập khẩu (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp liên doanh, một phần doanh nghiệp tư nhân) và khu vực hướng tới xuất khẩu (các FIE, một số doanh nghiệp liên doanh).



- Thứ hai, sự liên kết giữa các FIE và các doanh nghiệp trong nước, giữa các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các KCN, CCN còn yếu kém.

Kết quả khảo sát ở hầu hết các địa phương cho thấy, trong các KCN, CCN ở Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp hoạt động độc lập chứ không có sự liên kết hợp tác chặt chẽ với nhau, đặc biệt là giữa các FIE và doanh nghiệp nội địa. Các liên kết tương đối chặt chẽ (nếu có) chỉ tồn tại giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (trường hợp các doanh nghiệp cung ứng cho VMEP, Canon, Honda) hoặc ở các làng nghề truyền thống (Làng dệt may La Phù - Hà Nội, Làng dệt Duy Xuyên -Quảng Nam). Các liên kết và hoạt động ở các khu vực này hoàn toàn mang tính tự phát, chưa có một tổ chức trung gian nào trong nước đứng ra giám sát, hỗ trợ.

Lưu ý là một số doanh nghiệp của một số nước hoạt động trong cùng KCN/tỉnh thành liên kết với nhau để có chính sách trả tiền công, tiền lương thống nhất hoặc tạo sức mạnh tập thể để kiến nghị với Nhà nước. Các doanh nghiệp Nhật Bản là điển hình (Hộp 1).


Hộp 1: Mối liên kết của Canon với các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam

Hãng Canon thường được nhắc đến như một điển hình thành công trong việc xây dựng chuỗi cung cấp nội địa, có đến hơn 90% các nhà cung cấp đầu vào (nguyên liệu, phụ kiện, linh kiện...); tuy vậy, hầu hết trong số họ về thực chất là các công ty Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam và Trung Quốc. Đáng lưu ý là mối liên kết giữa doanh nghiệp Nhật Bản cũng được hình thành một cách “tự nhiên” (chẳng hạn, tại KCN Nomura), trên cơ sở quan hệ sản xuất (các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của họ đã phát triển, có cùng tiêu chuẩn sản xuất, kỹ thuật, quản lý...) và quan hệ đồng hương (có cùng văn hóa kinh doanh, ngôn ngữ, tư duy kinh doanh, qua đó, giúp họ ra quyết định nhanh chóng đối với các hoạt động hợp tác kinh doanh, ứng phó với các chính sách của chính quyền Việt Nam và thực hiện các nội quy trong các KCN). Một tác động tiêu cực của tình trạng liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp Nhật Bản khiến các doanh nghiệp trong nước khó có đủ năng lực tham gia liên kết; đặc biệt, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đồng thuận trong tạo lập mặt bằng mức lương có lợi cho họ, thấp hơn mức lương các doanh nghiệp FIE khác (trường hợp KCN Nomura). Mức lương tại các KCN không thực sự hấp dẫn, với đòi hỏi khắt khe về chất lượng lao động là cản trở cho việc tạo việc làm cho lao động địa phương (trường hợp Hải Phòng, Quảng Ninh). Quan trọng hơn, việc thiếu hụt các nhà cung cấp trong nước đã hạn chế các mối liên hệ hợp tác trong các cụm ngành và đã kìm hãm việc hội nhập sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty trong nước.



Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát tại Canon của Nhóm đề án.

Sự hợp tác nhằm phối hợp hoạt động nâng cao sức cạnh tranh lành mạnh vẫn còn hạn chế, khiến khả cạnh tranh bị suy giảm. Điều này xảy ra với ngành công nghiệp chế biến gỗ, chế biến cà phê... Trong các lĩnh vực này, mặc dù giá quốc tế tăng, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam lâm vào tình trạng phá sản vì cạnh tranh không lành mạnh.

- Thứ ba, việc phát triển các KCN không được định hướng và liên quan chặt chẽ với sự phát triển của CLKN. Như đã phân tích, trong quá trình phát triển tự nhiên, từ một số KCN đã bắt đầu tự manh nha hình thành các CLKN. Trên thực tế, rất ít bằng chứng cho thấy các CLKN được hình thành nhờ Nhà nước can thiệp theo một quy trình xác định. Tương tự, hầu như không có các chính sách hay chương trình để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như các dịch vụ liên quan nhằm hình thành mối liên kết cụm ngành trong và xung quanh các KCN. Mối liên kết ít khi vượt ra khỏi ranh giới của các KCN. Cho tới nay, các KCN mới chỉ được khai thác như là giải pháp về địa điểm tập trung doanh nghiệp và hạ tầng hơn là “bệ phóng” để hình thành các cụm ngành.

- Thứ tư, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp sản xuất với các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu, các hiệp hội ngành hàng còn rời rạc, lỏng lẻo.

Theo thông tin từ các địa phương đã khảo sát thì hiện nay giữa các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và các cơ sở đào tạo, cơ quan nghiên cứu khoa học đã có những mối quan hệ hợp tác với nhau nhất định song chưa bài bản, còn mang tính chất vụ việc. Vai trò của các hiệp hội ngành hàng… vẫn còn tương đối mờ nhạt.

Một thể chế cốt lõi khác cũng có vai trò quan trọng trong tạo các mối liên kết doanh nghiệp - Nhà nước - khối nghiên cứu, giáo dục như hệ thống ươm tạo doanh nghiệp, ươm tạo công nghệ vẫn còn yếu kém do các vườn ươm công nghệ cũng mới bắt đầu đi vào hoạt động chỉ từ 4 - 5 năm.

Tuy nhiên, gần đây đã có sự liên kết ban đầu trong đào tạo, hỗ trợ kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các tổ chức/hiệp hội quốc tế (nhất là của Nhật Bản như JETRO, JICA…). Đặc biệt Việt Nam đang triển khai một số dự án đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong nước như Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, giai đoạn 1, 2, 3 (2003 - 09). JICA có dự án hỗ trợ, chuyển giao chuyên gia Nhật Bản vào hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước. Một số địa phương cũng đã liên kết với các tổ chức quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong liên kết, nâng cao năng lực. Chẳng hạn, Hải Phòng và Kitakyushu, với sự hỗ trợ của JICA đã triển khai Dự án Nâng cao năng lực quản lý nhà máy của các doanh nghiệp sản xuất tại Hải Phòng.

Tóm lại, tuy có chuyển biến tích cực ban đầu, song sự hợp tác rời rạc, thiếu kế hoạch mang tính đồng bộ tổng thể đã làm giảm hiệu quả và giảm sức cạnh tranh của cả doanh nghiệp lẫn các cơ sở đào tạo và nghiên cứu.

- Thứ năm, sự hỗ trợ cho các hoạt động liên quan đến liên kết, tích tụ công nghiệp, phân đoạn sản xuất, chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất… rất ít được cơ quan quản lý, cơ quan Nhà nước hỗ trợ, các hiệp hội kinh doanh, ngành hàng quan tâm.

Các vấn đề liên kết, tích tụ công nghiệp mới dừng lại ở các loạt hội thảo, lớp đào tạo mang tính báo cáo, chưa có các chương trình cụ thể, lâu dài, bền vững tác động thật sự đến doanh nghiệp.



- Thứ sáu, chính sách phát triển các KCN, CCN chưa được lồng ghép hài hòa trong chính sách phát triển của các địa phương cũng như chính sách phát triển ngành, trong đó có CNHT.

Trong thực tế, chiến lược phát triển của các địa phương đang được xây dựng hoặc là quá tách biệt, không có sự gắn kết hoặc chỉ sao chép của nhau mà không chú trọng đến việc hình thành sự liên kết và bổ trợ cho nhau giữa các địa phương thông qua việc hình thành các cụm ngành.



Một số nguyên nhân của các mối liên kết yếu kém

Một nguyên nhân cơ bản đầu tiên của việc mối liên kết yếu kém là nhận thức về vai trò của CLKN và CNHT còn chưa đầy đủ, với không ít ngộ nhận. Đến nay, khái niệm “CLKN” vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam, và trong nhiều trường hợp “khái niệm CLKN” vẫn bị hiểu sai và đánh đồng với các KCN, CCN (đơn thuần mang ý nghĩa tập trung về mặt địa lý của một số doanh nghiệp trong một KCN chứ không nhất thiết phải có liên kết và mối liên hệ giữa các doanh nghiệp đó và các định chế liên quan). Vẫn còn thiếu nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng lớn lao giữa các mối liên kết của các doanh nghiệp trong CLKN cũng như lợi ích cốt lõi về cạnh tranh mà các mối liên kết tạo ra. Điều này đã không được thể hiện trong các mục tiêu của xây dựng cụm công nghiệp trong các văn bản pháp quy của Chính phủ. Thậm chí một số địa phương đã có quy hoạch xây dựng các CCN với các cụm ngành hàng có liên quan song trong mục tiêu, tư tưởng chủ đạo để xây dựng các cụm này lại không nêu rõ tầm quan trọng của cụm liên kết (ví dụ, trường hợp Quảng Ninh). Một tín hiệu tích cực là Nghị định 105 đã bắt đầu quy định về hỗ trợ để thu hút một số ngành CNHT vào các CCN, tuy nhiên, chưa rõ các cơ chế/khuyến khích cụ thể và liệu các khuyến khích có đủ mạnh và tạo ra mối liên kết hay không.

Các vấn đề chính sách phát triển CLKN chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo, tổng thể và thảo luận rộng rãi. Mặc dù đã có một số ý kiến riêng lẻ và những nỗ lực nghiên cứu về các khía cạnh khác nhau về CLKN, KCN, CCN, các ngành CNHT, mối liên kết giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu, các hiệp hội ngành hàng - kinh doanh... nhưng vẫn thiếu một cách tiếp cận chính sách đồng bộ và toàn diện về CLKN.

Trong thời gian dài, nhận thức chưa đầy đủ, quá khác biệt giữa các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo về vai trò của CNHT là một nguyên nhân chủ yếu khiến khung pháp lý, chính sách hỗ trợ CNHT chậm được ban hành và các nỗ lực hỗ trợ công nghiệp phụ trợ phát triển chậm được hiện thực hóa. Một ví dụ về sự nhận thức không đầy đủ vai trò của CNHT có thể thấy trong tên gọi của ngành đã được thể chế hóa. Trước đây, CNHT được nhìn nhận chỉ mang tính “phụ trợ” (thể hiện vai trò phụ trợ cho các ngành công nghiệp) trong khi đây được coi là các ngành cơ bản (là ‘chân núi’ (nền tảng) theo tiếng Nhật), rất quan trọng để tạo ra giá trị gia tăng cao, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và ổn định kinh tế vĩ mô. Đến nay, trong khung pháp lý hỗ trợ CNHT hiện vẫn tồn tại song hành khái niệm CNHT và công nghiệp phụ trợ. Nhận thức yếu kém là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khung pháp lý, các chiến lược, quy hoạch thúc đẩy, phát triển ngành này chỉ mới được ban hành trong vài ba năm gần đây sau ¼ thế kỷ đổi mới kinh tế.

Một hệ quả của nhận thức yếu kém là hệ thống CNHT rất kém phát triển. Điều này được thể hiện ở tỷ lệ nội địa hóa trong một sản phẩm (thành phẩm) còn rất thấp, số doanh nghiệp tham gia liên kết/thầu phụ còn rất ít. Ngoài ngành sản xuất bao bì cung cấp các loại bao bì bằng giấy, gỗ, nhựa… có phẩm cấp kém cho đóng gói sản phẩm, hầu hết các ngành khác, tỷ lệ nội địa hóa đều ở mức độ thấp. Đặc biệt, ngành CNHT cho ô tô con sau gần hai thập niên vẫn còn kém phát triển, với tỷ lệ nội địa hoá chỉ đạt khoảng 5 - 10% (chỉ cung cấp được vài sản phẩm đơn giản, giá trị thấp, như bộ dây điện, ghế ngồi, một số chi tiết bằng nhựa hoặc kim loại). Trong ngành điện - điện tử, tỷ lệ nội địa hóa được chừng 20 - 40%. Ngành dệt may, da giày dù là hàng xuất khẩu chủ lực nhưng vẫn phải nhập khẩu tới 70 - 80% các nguyên vật liệu đầu vào (vải, vải giả da, kim, chỉ cao cấp, nút áo, khuy bấm, dây khóa kéo kim loại, vật liệu dựng độn…).

Ngoài ra, sự yếu kém của ngành CNHT xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, thể hiện trên các phương diện dưới đây:



Thứ nhất, trong thời gian dài, các chính sách công nghiệp, chính sách phát triển CNHT còn mang tính can thiệp quá mức, trong khi không tính đến đầy đủ các điều kiện chủ quan và khách quan để CNHT phát triển thành công. Việt Nam có chính sách công nghiệp khá tham vọng, nhưng lại thiếu trọng tâm và chưa xác định được các ưu tiên cụ thể. Bảy mươi tư (74) chiến lược và quy hoạch tổng thể về phát triển các ngành đã được xây dựng và ban hành cho giai đoạn tới năm 2020. Tất cả các chiến lược và quy hoạch tổng thể cho các ngành này đều có tham vọng biến ngành đó thành ngành mũi nhọn đi đầu của nền kinh tế. Việt Nam cũng đã quá “tham” khi liệt kê tất cả các hạng mục sản phẩm hỗ trợ. Chẳng hạn, trong lĩnh vực sản xuất ô tô, Việt Nam đưa ra cả sản xuất động cơ vào công nghiệp phụ trợ, một điều khó khả thi, do sự phân công sản xuất trên toàn cầu.4

Tính kinh tế nhờ quy mô là một yếu tố rất quan trọng bảo đảm thành công của CNHT. Tuy nhiên, yếu tố này hầu như không được tính đến trong các chiến lược phát triển công nghiệp ô tô, điện tử. Kinh nghiệm Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia cho thấy rõ điều này. Sự thành công tương đối của công nghiệp xe máy và thất bại của công nghiệp sản xuất ô tô con ở Việt Nam cho thấy rất rõ là yếu tố cầu vừa đủ rất là quan trọng để đảm bảo lợi thế kinh tế (khoảng 250.000/năm). Khía cạnh mức chi phí giảm dần trong một đơn vị sản phẩm đối với các ngành CNHT vốn bản chất là thâm dụng vốn không được nhận thức thấu đáo. Chính vì vậy, Việt Nam vẫn chưa có được cơ chế chính sách đủ hấp dẫn để thu hút FDI vào một số ngành CNHT/công đoạn để đảm bảo quy mô kinh tế/mức cầu cần thiết.



Đến nay, các biện pháp chính sách thường tập trung vào việc can thiệp quá mức thông qua bảo hộ một ngành nào đó trước sức ép cạnh tranh. Công nghiệp ô tô là một ví dụ cho sự can thiệp và bảo hộ. Yêu cầu về nội địa hóa và các ưu đãi tài chính đối với ngành này để nhằm khuyến khích đặt hàng hoặc thầu phụ với các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, những biện pháp can thiệp và hỗ trợ trực tiếp và mang tính thụ động này đã tạo cơ hội cho các hành vi gian lận về chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (CO) hay nhập khẩu hầu hết các bộ phận và linh kiện từ nước ngoài và chỉ thực hiện công đoạn lắp ráp đơn giản cuối cùng tại Việt Nam để hưởng những ưu đãi về chính sách. Công nghiệp đóng tàu là một ví dụ khác, những hỗ trợ và bảo hộ nhằm xây dựng ngành này trở thành ngành công nghiệp số một, cuối cùng đã bị sử dụng sai mục đích và tạo khe hở cho thất thoát, lãng phí và cả tham nhũng.

Thứ hai, việc chuyển giao công nghệ vẫn còn rất hạn chế. Một nhân tố quan trọng giúp tăng tính liên kết giữa các doanh nghiệp là các doanh nghiệp lớn, nhất là các công ty đa quốc gia (MNC) phải chuyển giao công nghệ, bí quyết (know-how) cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Tuy nhiên, Việt Nam đến nay vẫn chưa có chế tài hữu hiệu để chuyển giao công nghệ. Mặc dù các công ty xuyên quốc gia (TNCs) trong lĩnh vực ô tô đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam khoảng gần 2 thập kỷ nhưng cho tới thời điểm này, họ vẫn chưa có ý định chuyển giao hay đầu tư toàn bộ công nghệ sản xuất tại Việt Nam nên các bộ phận quan trọng khác của ô tô như động cơ, hộp số... đều nhập khẩu từ các chi nhánh của công ty mẹ hay từ các công ty đóng ở những quốc gia khác. Thêm vào đó, khả năng bắt chước, biến cải công nghệ của các doanh nghiệp trong nước yếu kém là một nguyên nhân khiến mặt bằng công nghệ của các doanh nghiệp trong nước còn rất yếu kém, chậm được cải thiện.

Thứ ba, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam năng lực vẫn còn rất hạn chế, không đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản (yêu cầu rất cao về chất lượng, giá thành và giao hàng đúng lúc và các chuẩn mực công nghiệp, an toàn lao động khác) hoặc các doanh nghiệp Hoa Kỳ, châu Âu (ví dụ, rất hiếm doanh nghiệp Việt Nam đáp các yêu cầu của General Electric về kỹ thuật, tài chính, môi trường, lao động...). Sự thiếu hụt thông tin về các nhà cung ứng đầu vào, phụ kiện Việt Nam và các công ty lớn nước ngoài cũng khiến việc tìm kiếm, liên kết giữa các doanh nghiệp hết sức khó khăn.

Thứ tư, sự yếu kém của CNHT, CLKN và mối liên kết yếu kém giữa chúng còn do hệ thống giáo dục, đào tạo ở Việt Nam còn nhiều yếu kém với chất lượng, không phù hợp với yêu cầu phát triển của CNHT và CLKN. Bên cạnh đó, những yếu kém của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa và hệ thống dịch vụ phát triển kinh doanh cũng khiến các mối liên kết khó có thể được tăng cường.

Cuối cùng, các nhân tố xã hội - lịch sử cũng ảnh hưởng tới mức độ liên kết. Lòng tin cậy lẫn nhau, tinh thần hợp tác, phối kết hợp trong các hoạt động kinh tế - xã hội (còn gọi là vốn xã hội) của người dân và doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hòa bình vẫn còn rất thấp, khiến việc xây dựng các mối liên kết khó khăn, đôi khi là không thể, gây nên và làm tăng những chi phí giao dịch không cần thiết. Nguyên nhân của những bất cập này xuất phát từ các yếu tố văn hóa, giáo dục và lịch sử Việt Nam và cần có những nghiên cứu chuyên sâu.

4. Định hướng và giải pháp phát triển CLKN và gắn kết chúng với KCN, CCN và CNHT ở Việt Nam trong thập niên tới

4.1. Bối cảnh và xu hướng kinh tế

Trong thập niên tới, sự phát triển của CLKN, CNHT, KCN - CCN sẽ gặp không ít thuận lợi và một số khó khăn nhất định, đòi hỏi phải được tính đến trong hoạch định chính sách.



Thứ nhất, khó khăn chủ yếu là trong ngắn hạn. Trong một vài năm tới, tác động của khủng hoảng toàn cầu, kể cả khủng hoảng nợ công ở các nước EU, tình hình suy giảm tăng trưởng ở một số nước Đông Á, trong đó có Việt Nam cũng như lạm phát (toàn cầu và trong nước) dự báo vẫn còn tương đối cao. Điều này có tác động không nhỏ tới dư địa tài khóa - ngân sách, sự quan tâm và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy việc xây dựng, phát triển mạng lưới CLKN và liên kết với công nghiệp hỗ trợ, nhất là khi mức nợ công đã tương đối cao và nhận thức về tầm quan trọng của CLKN và các mạng kết nối khác đối với doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh còn chưa đầy đủ, phiến diện. Những khó khăn này có thể ảnh hưởng bất lợi tới sự khởi xướng các chương trình, sáng kiến và các nỗ lực chính sách khác về phát triển CLKN.

Thứ hai, trong dài hạn, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo là khá khả quan. Ví dụ, International Business Monitoring dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP trung bình là 6,8% trong giai đoạn 2012 - 2019 (BMI, 2009). Những sức ép cạnh tranh lành mạnh của việc Việt Nam gia nhập WTO và các cam kết đa phương khác, đặc biệt là những nỗ lực tái cơ cấu kinh tế (như ngân hàng, đầu tư công…) và đổi mới quản lý Nhà nước của bộ máy Chính phủ (nhất là trong thực thi chính sách) được bắt đầu trong năm 2011 sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam nâng cao một cách bền vững tăng trưởng kinh tế, nhất là năng lực cạnh tranh; giúp Chính phủ Việt Nam có đủ nguồn lực để thúc đẩy các điều kiện cần thiết nhằm thúc đẩy hệ thống CLKN hữu hiệu.

Thứ ba, bối cảnh dịch chuyển các luồng vốn FDI cũng được dự đoán là tạo thuận lợi cho Việt Nam. Khu vực Đông Á có khả năng rất lớn là trở thành khu vực năng động nhất và là một đầu tàu kinh tế của thế giới. Đặc biệt, chiến lược đa dạng hóa thị trường đầu tư (nhất là Trung Quốc +), nỗ lực đa cực hóa mạnh mẽ hơn các đầu tàu kinh tế ở Đông, Đông Nam Á, cùng với việc thực hiện các hiệp ước thương mại đa phương (ví dụ, Trung Quốc - ASEAN FTA) và thương mại tự do song phương cũng tạo thuận lợi cho các luồng vốn đổ vào Việt Nam nhiều hơn. Hơn nữa, với xu thế gia tăng chi phí lao động ở Trung Quốc, thiên tai (động đất, lũ lụt), bất ổn chính trị ở một số nước Đông Á, Đông Nam Á cũng đã và đang giúp tăng cường xu hướng này.

Thứ tư, một số nỗ lực cấp cao trong phát triển CNHT, CLKN có khả năng lớn được hiện thực hóa. Theo chủ trương của Chính phủ Việt Nam, trong việc phối hợp phát triển chiến lược Việt Nam - Nhật Bản có đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ xây dựng 2 KCN chuyên sâu về phát triển công nghiệp phụ trợ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Hải Phòng.5 Kết quả khảo sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ muốn đầu tư vào Việt Nam do đồng yên của Nhật Bản lên giá và thị trường, sản xuất của họ gặp khó khăn; đầu tư tại Thái Lan lại bị thiệt hại nặng trong đợt lũ lịch sử.6 Với nỗ lực rất lớn của hai Chính phủ và nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, đây là thời cơ vô cùng thuận lợi để Việt Nam thu hút một làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản trong ngành công nghiệp phụ trợ, không chỉ riêng từ Nhật Bản, mà cả từ Trung Quốc. Gần đây, UNIDO và Chính phủ Italia cũng đang có những nỗ lực để phát triển các CLKN vốn thế mạnh ‘truyền thống’ của nước này vào Việt Nam.

Tóm lại, trong dài hạn, Việt Nam có nhiều điều kiện quan trọng để hỗ trợ phát triển các CLKN với CNHT và các hình thức tập trung công nghiệp khác. Vấn đề quan trọng ở đây là Chính phủ có được nhận thức đầy đủ để qua đó có được chiến lược, khung pháp lý chính sách hữu hiệu để đạt được mục tiêu kể trên.

4.2. Quan điểm phát triển hệ thống CLKN và gắn kết với KCN, CCN, CNHT

Trước khi đưa ra một số giải pháp chính sách, cần lưu ý là chính sách phát triển CLKN cũng như chính sách CLKN rất khó để hoạch định có hiệu quả, vì nó không chỉ là một loạt các chương trình hành động, mà là một quá trình liên quan đến nhiều đối tượng. Những đối tượng này phải nhất trí về các quan điểm chủ đạo về mức độ ưu tiên và các chương trình hành động, trách nhiệm của từng cơ quan/tổ chức, cách thức hợp tác chặt chẽ và tính kịp thời.



Một là, cần nhận thức đầy đủ rằng các bất cập, thiếu hiệu quả của KCN, CCN, CLKN và CNHT hiện nay chủ yếu có liên quan tới chủ nghĩa thành tích, chủ nghĩa địa phương, tư duy nhiệm kỳ và các đặc lợi có liên quan tới quy hoạch, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng các cơ sở này, do vậy, cần phải giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề này, kể cả các cơ chế khuyến khích có liên quan.

Hai là, mục tiêu tối thượng của xây dựng các CLKN và gắn kết chúng với sự phát triển của KCN, CCN và CNHT là tạo nên mối liên kết bền vững giữa các chủ thể tham gia để tăng năng suất, thúc đẩy đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế; chính vì vậy, phải kiên định để đạt các mục tiêu này. Tuy nhiên, cần quán triệt quan điểm rằng CLKN là công cụ chứ không phải mục tiêu và cần quan tâm đúng mức tới các rủi ro chính sách có thể phát sinh từ tập trung quá mức cần thiết trong quá trình hình thành và phát triển các CLKN (ví dụ, bị sa vào hiệu ứng khóa chặt), kể cả đầu tư theo phong trào.

Ba là, việc thúc đẩy hình thành phát triển các CLKN và tạo mối liên kết bên trong và với các khu tập trung khác cần được thực hiện bởi chính quyền Trung ương lẫn địa phương, được tổ chức bởi một nhà quản lý CLKN hoặc tổ chức phi lợi nhuận (thông qua đấu thầu cạnh tranh) (tiếp cận từ dưới lên) hoặc sáng kiến của Chính phủ (tiếp cận từ trên xuống) chủ yếu được tài trợ thông qua một chương trình quốc gia hay vùng về phát triển CLKN. Cần có sự phân định rõ ràng giữa vai trò Trung ương và chính quyền địa phương.

Bốn là, các chính sách, biện pháp chủ yếu chỉ hỗ trợ phát triển các CLKN hiện hữu để đạt trình độ cao hơn hoặc kích thích sự hình thành của các CLKN mới, các cụm xuất hiện vào giai đoạn giữa hoặc sau khi đã thể hiện được những tiềm năng phát triển nhất định. Trong giai đoạn phôi thai và tăng trưởng thì các chính phủ chỉ hỗ trợ để tăng cường tiếp cận thị trường hoặc giảm chi phí sản xuất (như bằng cách đầu tư vào những hàng hóa công ở địa phương, đặc biệt chính sách nhằm thu hút đầu tư hay khuyến khích những “công ty tiên phong”). Tuy vậy, đối với các cụm ngành đã ‘trưởng thành’, đầu tư nhà nước được tăng cường vào R&D và đổi mới.

Năm là, coi phát triển CNHT là khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, dựa trên: (i) cơ sở chọn lọc, các tiềm năng, lợi thế so sánh của Việt Nam, (ii) phát huy tối đa năng lực đầu tư của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các đối tác chiến lược - các công ty, tập đoàn đa quốc gia ; và (iii) theo hướng tập trung theo một số ngành công nghiệp để phát huy tối đa hiệu quả cạnh tranh.

Sáu là, cần lồng ghép các chính sách, chương trình phát triển CLKN với các chính sách, chương trình liên quan khác; coi phát triển CLKN là công cụ chính sách rất quan trọng để phát triển kinh tế vùng và gắn quy hoạch phát triển CLKN với nâng cấp sức cạnh tranh của vùng. Chính vì vậy, việc quy hoạch phát triển các CLKN cần tính đến yếu tố chuyên môn hóa, yếu tố đặc thù của từng địa phương và gắn sự phát triển của cụm ngành với việc nâng cao sức cạnh tranh tổng hợp của vùng.

4.3. Các định hướng phát triển chủ yếu

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, CCN hiện tại và CLKN trong tương lai, cần xây dựng bộ tiêu chí mới đánh giá thành tích của chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, theo đó, thay thế các tiêu chí tăng trưởng GDP, CNH - HĐH bằng các tiêu chí phát triển bền vững như mức độ chuyển giao công nghệ, sử dụng các công nghệ ít tiêu hao năng lượng, thân thiện với môi trường, kết quả an sinh xã hội... ở địa phương. Xây dựng và thực thi các quy định về thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, giám sát chặt chẽ để hạn chế tham nhũng và các hành vi trục lợi bất chính khác. Những tiêu chí, quy định này giúp tạo các khuyến khích tích cực đối với đầu tư, phát triển các KCN, CCN ở địa phương.

Nhằm đảm bảo thúc đẩy phát triển các CLKN và gắn kết chúng với phát triển KCN, CCN, CNHT, vấn đề mấu chốt trước mắt là xây dựng được khung khổ pháp lý, chính sách và chiến lược hình thành và phát triển hệ thống các CLKN ở Việt Nam. Trong khuôn khổ tham luận, phần này không đưa ra các giải pháp chi tiết để hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển KCN, KCX, KKT, CCN và CNHT mà chỉ đề xuất khung pháp lý và chính sách chủ yếu cho CLKN và các giải pháp có liên quan tới các khu tập trung kinh tế nói trên.

Để có cơ sở cho việc hoàn thiện các khung pháp lý và chính sách, cần rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của KCN, CCN, CLKN, CNHT và mức độ tích tụ công nghiệp, tham gia chuỗi giá trị, sản xuất toàn cầu; trong đó, cần đánh giá mối liên kết giữa các chủ thể tham gia vào CLKN (doanh nghiệp, địa phương, các viện nghiên cứu, các hiệp hội kinh doanh và ngành hàng, các tổ chức (đồng) tài trợ...) cũng như giữa các cụm ngành với KCN, CCN và CNHT. Đây cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng Chiến lược Phát triển mạng lưới CLKN Việt Nam trong thời gian tới (đến năm 2020). Dưới đây đề xuất các khuyến nghị xây dựng cơ sở pháp lý và chính sách chủ yếu đối với hình thành và phát triển mạng lưới CLKN ở Việt Nam.



4.3.1. Xây dựng cơ quan quản lý chính sách CLKN7

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cơ quan quản lý chính sách CLKN có thể thuộc một bộ, hoặc liên bộ với sự tham gia của nhiều thành phần (quan hệ đối tác công tư - PPP) hoặc là tư nhân hoàn toàn. Phương án cuối cùng hiếm khi thành công ở một nước đang phát triển như Việt Nam do vậy đây là phương án rất khó khả thi.



- Phương án 1: Đặt cơ quan này tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI):

Nếu đặt tại MPI sẽ có những thuận lợi trong quản lý, điều hành do đây là cơ quan quản lý nhà nước quản lý về các khu tập trung như KCN, KKT, KCX. Bộ này có điều kiện thuận lợi hơn cho việc phát triển, chuyển đổi (làm bệ phóng) một số khu tập trung kinh tế này sang các CLKN hay kết nối với chúng do đây là cơ quan quản lý nhà nước về phát triển doanh nghiệp và quyết định đầu tư trực tiếp. Các thuận lợi khác của MPI là các quyền lực, chức năng tổng hợp cũng như sự trung tính của bộ này (MPI không là Bộ chủ quản của bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào hiện nay) cũng có thể tương ứng tạo hiệu lực quản lý, điều phối liên ngành cao và bảo đảm tính khách quan hơn trong phát triển sự hỗ trợ và kết nối các doanh nghiệp trong toàn nền kinh tế. Hiện ít có bằng chứng về hiệu quả của việc đặt trụ sở tại MPI và điều này cần nghiên cứu chuyên sâu.



- Phương án 2: Đặt cơ quan quản lý chính sách CLKN tại Bộ Công thương:

Bộ Công thương cũng có những lợi thế nhất định trong ban hành các chính sách phát triển CLKN, nhất là các chuẩn mực về kỹ thuật, kinh tế và thương mại của các doanh nghiệp phi tài chính. Hiện Bộ đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với CCN và chức năng chủ sở hữu của hàng trăm doanh nghiệp có sở hữu nhà nước và cũng là cơ quan chịu trách nhiệm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, kinh nghiệm nhiều nước đang phát triển và chuyển đổi cho thấy sự thiếu hiệu quả của việc đặt sự quản lý dưới sự trực thuộc của MOIT nói riêng và các bộ, ngành khác (như Bộ Kinh tế).



- Phương án 3: thành lập một Uỷ ban liên ngành chịu trách nhiệm quản lý các CLKN theo hình thực Liên kết hợp tác công - tư:

Ủy ban này bao gồm các thành viên (ít nhất là thứ trưởng) từ các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, các thành viên từ các tổ chức phi chính phủ (ít nhất phó chủ tịch) như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và các đại diện (ít nhất là phó (tổng) giám đốc) các doanh nghiệp Nhà nước lớn, có vốn đầu tư nước ngoài và tư nhân cũng như một số viện nghiên cứu và trường đại học (Hình 2). Mô hình này với đại diện đầy đủ các loại hình tổ chức sẽ phù hợp với điều kiện thể chế và trình độ phát triển của Việt Nam và có khả năng hoạt động có hiệu quả cao nhất như kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra.



Hình 2. Cơ cấu quản lý chính sách cụm liên kết ngành



a. Phân định chức năng quản lý của Nhà nước của các cấp chính quyền

- Đối với cơ quan quản lý cụm ngành cấp Trung ương

Cơ quan cấp Trung ương có chức năng và chịu các trách nhiệm sau:

+ Xây dựng khuôn khổ pháp lý và hoạch định chính sách phát triển CLKN và tăng cường nhận thức về chúng;

+ Xác định một vài cụm ngành bằng phương pháp dự án/chương trình thí điểm;

+ Hướng dẫn xây dựng chương trình xây dựng cụm ngành;

+ Cấp vốn tài trợ hoặc đồng tài trợ toàn bộ hoặc một phần cho các sáng kiến cụm ngành;

+ Điều phối việc gắn kết các can thiệp chính sách khác nhau;

+ Đảm bảo điều phối theo chiều dọc giữa các cấp chính quyền Trung ương và địa phương thông qua vai trò tư vấn và thảo luận thường xuyên giữa các cấp và cả quốc tế;

+ Kiểm tra và đánh giá hiệu quả hoạt động của các cụm ngành.

- Đối với chính quyền tỉnh

+ Hoạch định chính sách cụm ngành đối với từng nhóm doanh nghiệp cụ thể, kể cả các nhà đầu tư lớn tiên phong;

+ Đồng cấp/tài trợ vốn cho các sáng kiến cụm ngành;

+ Thực hiện các chương trình hành động nhằm hỗ trợ phát triển cụm ngành; cụ thể, tăng cường độ tin cậy giữa các doanh nghiệp và khuyến khích họ điều chỉnh hành vi hướng tới hợp tác với các thành viên ở địa phương;

+ Điều chỉnh chính sách cùng với quá trình tiến triển năng động trong quan hệ tương tác của cụm ngành;

+ Tạo điều kiện phát triển CLKN thông qua xây dựng lực lượng lao động chuyên cụm ngành; tạo điều kiện phổ biến thông tin và bí quyết chuyên môn;

+ Thúc đẩy mạng liên kết giữa các doanh nghiệp (tạo dựng và tăng cường lòng tin giữa các doanh nghiệp; thúc đẩy quá trình xây dựng các dự án mang tính tập thể; đẩy mạnh chuỗi cung ứng ở địa phương về dịch vụ tài chính và phi tài chính; tạo điều kiện liên kết hợp tác với bên ngoài của cụm ngành; tăng cường đổi mới ở cấp độ cụm ngành);

+ Nâng cao vị thế của địa phương trong chuỗi giá trị (thu hút các nhà lãnh đạo trong chuỗi tham gia vào cụm ngành; không ngừng nâng cấp chất lượng của các nhà cung cấp ở địa phương; tạo điều kiện liên kết hợp tác trong chuỗi giá trị; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt chuẩn quốc tế).



b. Giải pháp đối với hình thành và phát triển các CLKN

Một là, nâng cao nhận thức của các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà hoạch định chính sách, nghiên cứu và doanh nghiệp về tầm quan trọng (vai trò, ý nghĩa lâu dài và liên vùng) của CLKN trong nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế thông qua các hội thảo và các khóa đào tạo trong nước và quốc tế cũng như trên một số phương tiện thông tin đại chúng.

Hai là, xây dựng hệ thống các khuyến khích tài chính thành lập, thúc đẩy phát triển CLKN. Cần xây dựng hệ thống các khuyến khích về tài chính, các mô hình tài trợ, đồng tài trợ cho các hoạt động hình thành mạng lưới liên kết doanh nghiệp cho các đối tượng liên quan, kể cả các công ty lớn tiên phong.

Đối với các KCN, CCN chưa lấp đầy hoặc đang bỏ trống, để hình thành các doanh nghiệp có tiềm năng liên kết, cần có cơ chế khuyến khích lớn hơn đối với các chủ đầu tư thành lập, cũng như doanh nghiệp tham gia cụm ngành, tránh thất bại do áp lực lấp đầy để hoàn đắp chi phí đầu tư ban đầu. Một hướng khuyến khích là các doanh nghiệp sẽ nhận được mức ưu đãi lớn hơn sau khi đã thu hút được các doanh nghiệp có liên quan và các tổ chức tạo ra liên kết tiềm năng vào trong cụm ngành/KCN/CCN.



Ba là, xây dựng các hệ thống các tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật và công nghệ đánh giá hoạt động và hiệu quả hoạt động của các CLKN, phác họa mối quan hệ cụm ngành. Đây là tiêu chí quan trọng để can thiệp chính sách đối với sự hình thành và phát triển của các CLKN, thúc đẩy mối liên kết bên trong và bên ngoài cụm.

Bốn là, đối với các CLKN đang manh nha hình thành, cần tạo các điều kiện cung ứng các dịch vụ chung tạo ra và thúc đẩy các mối liên kết kinh doanh thông qua:

- Nâng cao năng lực, quy mô và kỹ năng cho các nhà cung cấp (chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa) bằng cách:

+ Hỗ trợ dịch vụ phát triển kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa;

+ Cung ứng dịch vụ môi giới và diễn đàn giữa các nhà cung cấp và người mua;

+ Thu thập thông tin chung về thị trường;

+ Điều phối mua sắm hàng hóa;

+ Thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật;

+ Hình thành mạng lưới xuất khẩu.

- Tăng cường mối liên kết với bên ngoài (FDI và xuất khẩu) thông qua:

+ Xây dựng thương hiệu và tiếp thị về cụm ngành và các vùng;

+ Hỗ trợ đối với các nhà đầu tư vào trong cụm ngành;

+ Thông tin thị trường về mục đích hướng ra quốc tế;

+ Tìm kiếm đối tác;

+ Hỗ trợ chuỗi giá trị;

+ Xây dựng mạng lưới xuất khẩu.

Năm là, tạo dựng nguồn nhân lực lành nghề ở các ngành chiến lược bằng cách:

- Thu thập và phổ biến thông tin về thị trường lao động;

- Đào tạo đại học và đào tạo nghề theo chuyên ngành;

- Hỗ trợ liên kết hợp tác giữa các nhóm doanh nghiệp và tổ chức giáo dục;

- Tạo cơ hội giáo dục nhằm thu hút sinh viên có tiềm năng vào vùng.

Sáu là, nghiên cứu các cơ chế khuyến khích các liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp và với các viện nghiên cứu, trường đại học. Các liên kết này được xây dựng bởi các cơ chế hợp đồng chính thức và không chính thức. Để tránh các rủi ro có thể xảy đến cho doanh nghiệp tham gia liên kết, cần phải chuẩn bị trước các quy định, chế tài liên quan đến việc đảm bảo thực hiện các hợp đồng này, nhất là các hợp đồng không chính thức. Điều này lại rất cần vai trò trung gian khách quan và chủ động của Chính phủ trung ương và địa phương cũng như các cơ quan hỗ trợ khác.

c. Một số giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ

Trước hết, cần rà soát, điều chỉnh các ngành CNHT, các CCN, KCN để nâng cao hiệu quả hoạt động và tác động lên nền kinh tế, đồng thời, thu hút thêm các nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Cần dự báo đánh giá mức cầu trong dài hạn 5 - 10 năm tới của một số ngành hàng về khả năng bảo đảm lợi thế kinh tế nhờ quy mô hay không, qua đó, có thể xác định mức độ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các MNC đầu tư vào CNHT và cuối cùng có thể điều chỉnh chính sách ưu đãi tài chính đối với một số ngành nói chung và CNHT nói riêng.

Nghiên cứu tạo khuyến khích hấp dẫn hơn cho đầu tư vào CNHT đối với các doanh nghiệp FIE, nhất là MNC trong những ngành CNHT mà mức ưu đãi hấp dẫn hơn so với các nước khác trong khu vực (các doanh nghiệp này có năng lực vốn lớn để đầu tư CNHT và có mạng lưới sản xuất toàn cầu cũng như biết rõ đặt nhà máy CNHT ở đâu, lúc nào thì hiệu quả).

Đổi mới chính sách thu hút FDI theo hướng tăng chế tài chuyển giao công nghệ từ các FIE cho các doanh nghiệp trong nước, đáp ứng các yêu cầu về năng lượng, môi trường của các dự án đầu tư.

Cần có sự hỗ trợ thích hợp từ ngân sách nhà nước để thực hiện xúc tiến các chương trình chuyển giao công nghệ phù hợp, hiện đại vào Việt Nam theo từng nhóm ngành, công nghệ và giai đoạn phát triển; cần phải có chính sách về hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động: chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, sản xuất thử nghiệm sản phẩm CNHT, đầu tư các phòng thí nghiệm sản phẩm CNHT, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến của thế giới để sản xuất sản phẩm CNHT tại Việt Nam.

e. Các giải pháp khác

Một là, cần hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các mối liên kết trong nước và quốc tế thông qua:

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp, nhất là các nhà cung ứng CNHT thông qua thiết lập một cơ sở dữ liệu về CNHT, thông tin về các tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, sản xuất của từng nhóm nước để giúp giảm tình trạng thiếu thông tin và mở rộng giao dịch giữa nhà lắp ráp nước ngoài và nhà cung cấp trong nước; đồng thời, dần tạo dựng một cơ sở dữ liệu tốt giúp giảm chi phí giao dịch và thời gian.

- Xây dựng các chương trình kết nối các doanh nghiệp FIE và các doanh nghiệp trong nước thông qua việc tiếp tục nâng cao hiệu quả các chương trình kết nối như triển lãm, hội chợ ngược, tổ chức các đoàn doanh nghiệp, hội chợ… ; qua đó, tạo được mạng lưới, hợp tác và liên kết kinh doanh, nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành nghề, tập trung hỗ trợ chuyển giao công nghệ để cải thiện công nghệ lạc hậu.

Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cần xây dựng và nâng cao hiệu quả, mức độ lan tỏa của các chương trình đào tạo phối hợp giữa công ty có vốn đầu tư nước ngoài với các nhà cung cấp. Các chương trình này nhằm mục tiêu chuyển giao kỹ thuật cho các công ty trong nước và cũng là cơ hội để hai bên hiểu biết, học hỏi lẫn nhau; cần thành lập một hệ thống khuyến khích và chứng nhận lao động kỹ thuật cao.

Trong giáo dục, đào tạo nghề ở các trường phổ thông, các trường cao đẳng công nghiệp và các trường đại học, cần được tăng cường theo hướng kết nối với nhu cầu, các tiêu chuẩn thực tế của các doanh nghiệp, nhất là các FIE.

Cuối cùng, cần tăng cường và nâng cao hiệu quả các chương trình đào tạo về kỹ năng đàm phán, quản trị kinh doanh, cải tiến công nghệ, dịch vụ sau bán hàng, tiếp cận tài chính, quản lý chất lượng… để từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất và nâng cao kỹ năng cho nhân lực của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Chú thích:

VD: Quyết định 132/2000/QĐ - TTg về một số chính sách, khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; Nghị định 189/2007/N-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm “quản lý các cụm, điểm công nghiệp ở cấp huyện” của Bộ Công thương; Quyết định số 25/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 27/2008/QĐ-TTg về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tương ứng đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên và các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 và các quy định pháp luật có liên quan khác (như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp…).



2 Lan Hương (2011): “Nhiều địa phương "cầm đèn" chạy trước... Quốc hội”, Báo điện tử Tri thức Việt Nam (URL: http://trithucvn.com/tin-thoi-su/kinh-doanh/22065-nhieu-dia-phuong-qcam-denq-chay-truoc-quoc-hoi).

3 Kỳ Quan - Lê Như Giang (2010): “Khi dự án KCN là ‘chùm khế ngọt’”, Báo Lao động (URL: http://cafef.vn/20111013083057849CA33/khi-du-an-kcn-la-chum-khe-ngot.chn.

4 Lời phát biểu của Đại sứ Nhật Bản Sakaba trong Sài Gòn tiếp thị của Huỳnh Phan “Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Thời cơ đang trôi qua”, ngày 09.5.2011.

5 “Bà Rịa - Vũng Tàu: Chuẩn bị đón dòng vốn đầu tư mới từ Nhật Bản”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online (URL: http://www.baomoi.com/Ba-RiaVung-Tau-Chuan-bi-don-dong-von-dau-tu-moi-tu-Nhat/45/7326456.epi).


6 Đa phần các doanh nghiệp quan tâm đến Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là rất nhỏ của Nhật với số lao động chỉ dưới 50 lao động nhưng họ sử dụng máy móc, kỹ thuật và công nghệ sản xuất cao để tạo ra các sản phẩm, linh kiện, chi tiết máy móc tuy nhỏ nhưng có giá trị gia tăng công nghiệp cao.

7 Phần này tham khảo một số đề xuất của Coniglio, Nicola D, Francesco Prota và Gianfranco Viesti (2011).

Tài liệu tham khảo:

Tiếng Việt

1. Kenichi Ohno, Nguyễn Văn Thường. 2005. "Hoàn thiện chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam". Diễn đàn phát triển Việt Nam. NXB Lý luận chính trị. Hà Nội.

2. Kỷ yếu hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp FDI tại Hà Nội” Tháng 7.2010.

3. Lê Xuân Sang (trưởng nhóm Đề án). 2008. Xây dựng khung thể chế hình thành và phát triển hệ thống ươm tạo doanh nghiệp ở Việt Nam. Dự án của Liên minh châu Âu. Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hà Nội.

4. Lưu Minh Đức. 2011. “Phát triển khu cụm công nghiệp liên kết cao tại Hà Nội”, Bài trình bày tại Hội thảo “Phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo mạng liên kết sản xuất và hình thành chuỗi giá trị”. Đà Nẵng. 2011.

5. Nguyễn Đình Trung. 2011. “Xây dựng cơ sở hạ tầng cho các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội: Thực trạng và giải pháp”, Bài trình bày tại Hội thảo “Phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo mạng liên kết sản xuất và hình thành chuỗi giá trị”. Đà Nẵng. 2011.

6. Nguyễn Quang Hồng. 2009. “Phát triển Công nghiệp phụ trợ: giải pháp quan trọng đối với Doanh nghiệp Việt Nam trong việc hấp thụ công nghệ từ FDI”. Tạp chí Quản lý Kinh tế số 27 (7+8/2009).

7. Nguyễn Thành Công. 2011. “Định hướng quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng bền vững, gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo mạng liên kết sản xuất và hình thành chuỗi giá trị trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020”. Bài trình bày tại Hội thảo “Phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo mạng liên kết sản xuất và hình thành chuỗi giá trị”. Đà Nẵng. 2011.

8. Phan Thế Công, Hồ Thị Mai Sương. 2011. “Giải pháp thúc đẩy phát triển khu công nghiệp gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo ra mạng liên kết sản xuất và hình thành chuỗi giá trị”. Bài trình bày tại Hội thảo “Phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo mạng liên kết sản xuất và hình thành chuỗi giá trị”. Đà Nẵng.

9. Porter M., Ketels C., Nguyễn Đình Cung, Nguyễn Thị Tuệ Anh. 2010. Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Việt Nam 2010. Hà Nội.

10. Tài liệu hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ kinh nghiệm của Nhật bản và một số nước châu Á” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản và Trung tâm hợp tác nguồn nhân lực VJCC (Nhật Bản) ngày 28.7.2010.

11. Trần Kim Hào. 2011. “Một số vấn đề về xây dựng đề án phát triển cụm ngành công nghiệp ở Việt Nam”. Bài trình bày tại Hội thảo “Phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo mạng liên kết sản xuất và hình thành chuỗi giá trị”. Đà Nẵng.

12. Trương Thị Chí Bình. 2011. “Phát triển cụm liên kết ngành (Industrial Cluster) ở Việt Nam”. Bài trình bày tại Hội thảo “Phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo mạng liên kết sản xuất và hình thành chuỗi giá trị”. Đà Nẵng.

13. VDF. 2006. Báo cáo của VDF “Công nghiệp phụ trợ Việt Nam dưới góc nhìn của các nhà sản xuất Nhật Bản”.

14. Vũ Thành Hưởng. 2011. “Giải pháp lâu dài cho các vấn đề xã hội tại các địa phương có khu công nghiệp ở Việt Nam”. Bài trình bày tại Hội thảo “Phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo mạng liên kết sản xuất và hình thành chuỗi giá trị”. Đà Nẵng.

Tiếng Anh

1. Coniglio, Nicola D, Francesco Prota and Gianfranco Viesti (2011), Promoting industrial clusters in Vietnam: A proposal, PROJECT TEVIE08003 SME Cluster Development, University of Bari “Aldo Moro” and CERPEM, September 30, 2011. Bari. Italy

2. Ketels C., Lindqvist G., Sölvell O. 2006. "Cluster initiatives in developing and transition economies". Center for Strategy and Competitiveness. Stockholm.

3. OECD.2007. "Competitive Regional Clusters. National Policy Approaches". Paris.

4. OECD. 2009. "Regions Matter. Economic Recovery. Innovation and Sustainable Growth". Paris.

5. Survey on comparison of backgrounds, policy measures and outcomes for development of supporting industries in ASEAN. (Malaysia and Thailan in comparison with Vietnam).





Каталог: Portals
Portals -> Phan Chau Trinh High School one period test no 2 Name: English : 11- time : 45 minutes Class: 11/ Code: 211 Chọn từ hoặc cụm từ thích hợp A, B, C, d để điền vào chỗ trống trong đoạn văn sau
Portals -> PHẦn I: thông tin cơ BẢn về ĐẠi hàn dân quốc và quan hệ việt nam-hàn quốc I- các vấN ĐỀ chung
Portals -> Năng suất lao động trong nông nghiệp: Vấn đề và giải pháp Giới thiệu
Portals -> LẤy ngưỜi học làm trung tâM
Portals -> BÀi tậP Ôn lưu huỳnh hợp chất lưu huỳnh khí sunfurơ so
Portals -> TỜ trình về việc ban hành mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất
Portals -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Portals -> GIẤY Ủy quyền tham dự Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2016

tải về 248.72 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương