PHẬt giáo yếu lưỢC


MỘT VÀI ĐẶC ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO



tải về 408.18 Kb.
trang3/4
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích408.18 Kb.
#37996
1   2   3   4

MỘT VÀI ĐẶC ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO


Nền tảng của Phật Giáo là Tứ Diệu Ðế - gồm có sự khổ (lý do tồn tại của Phật Giáo); nguồn gốc của sự khổ là do lòng Ái Dục; sự diệt trừ sự khổ, gọi là Niết Bàn, Nibbana (cứu cánh của Phật Giáo) (22) và con đường Trung Ðạo (dẫn đến chấm dứt sự khổ). 

Thế nào là chân lý cao siêu về sự khổ? 

Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sống gần người mình không ưa thích là khổ, sống xa người mình thương yêu là khổ, không được điều mình mong ước là khổ, và khổ vì thân tứ đại ngũ ấm”.

Chân lý cao siêu về nguồn gốc của sự khổ là gì? 

Ðó là ái dục, đã dẫn chúng ta đến sự luân hồi sanh tử triền miên, đi theo với lòng tham muốn, lúc sinh nơi này, khi sinh chỗ kia; đó là lòng tham đắm các thú vui nhục dục, tham đắm cuộc sống hiện hữu, và tham đắm vào sự hư vô”.

Chân lý cao siêu về sự diệt khổ là gì? 

Ðó là sự không còn sót lại, chấm dứt hoàn toàn lòng ái dục; sự từ bỏ , buông thả, lẩn trốn, và giải thoát khỏi ái dục”.

Chân lý cao siêu, về con đường dẫn đến sự diệt khổ là gì?

Ðó là Bát Chánh Ðạo, gồm có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định”

Dù chư Phật có ra đời hay không, bốn Thánh Ðế này vẫn tồn tại trong vũ trụ. Ðức Phật chỉ chứng ngộ những chân lý mà chúng ẩn tàng trong vực thẳm vô minh của thời gian. 

Nói một cách khoa học, có thể gọi Giáo Pháp (Dhamma) là luật nhân và quả. Luật này bao gồm toàn bộ giáo lý của đức Phật. 

Ba chân lý đầu tiên trình bày triết lý của Phật Giáo, chân lý thứ tư diễn đạt về đạo đức của Phật Giáo, mà nó được xây dựng trên nền triết lý đó. Tất cả Bốn Thánh Ðế đều tùy thuộc ở chính cái thân chúng ta. Ðức Phật dạy: “Trong cái xác thân dài một sải này, cùng với tri giác và tư tưởng, Như Lai tuyên bố về thế gian, nguồn gốc của thế gian, sự chấm dứt thế gian, và con đường dẫn đến sự chấm dứt thế gian”. Ở đây, danh từ “thế gian” nhằm chỉ cho sự khổ. 

Phật Giáo xây dựng trên nền tảng của sự khổ. Nhưng không pphải do đó mà bảo rằng Phật giáo là bi quan. Ðạo Phật không chủ trương hoàn toàn bi quan hay lạc quan; mà trái lại, Phật Giáo thuyết minh chân lý trung đạo, nằm giữa hai thái độ ấy. Người ta có thể bảo rằng đức Phật là bi quan nếu Ngài chỉ dạy về chân lý của sự khổ, mà không đưa ra những pháp môn để giúp con người chấm dứt được nỗi đau khổ đó. Ðức Phật chứng ngộ đặc tính phổ biến của sự khổ, và đã kê ra toa thuốc trị bá chứng cho bệnh khổ toàn diện của nhân loại. Theo đức Phật, hạnh phúc tối thắng là Niết Bàn, đó là sự chấm dứt hoàn toàn mọi nỗi khổ đau. 

Trong cuốn Bách Khoa Tự Ðiển (Encyclopaedia Britannnica), tác giả khi giải thích về chủ thuyết bi qian đã viết: “Chủ nghĩa bi quan trình bày một thái độ tuyệt vọng đối với cuộc sống, một ý niệm tổng quát và mơ hồ cho rằng đời sống con người tràn ngập nỗi khổ đau và tội lỗi. Giáo lý nguyên thỉ của đức Phật, thực ra cũng lạc quan như bất cứ chủ thuyết lạc quan nào của Tây Phương. Cho rằng Phật Giáo bi quan là nhằm chỉ đặc biệt áp dụng nó theo nguyên tắc của người Tây Phương mà theo đó hạnh phúc là điều không thể có ngoài tự ngã. Người Phật tử chân chính mong ước với lòng nhiệt thành, tìm đạt tới một nền hạnh phúc trường cửu”. 

Thông thường sự hưởng thụ các thú vui dục tình là nguồn hạnh phúc duy nhất và tột cùng nhất của người thế tục. Hẳn nhiên có điều hạnh phúc tạm bợ trong sự trước tiên thụ hưởng, rồi đam mê và hồi tưởng các thú vui vật chất thoáng qua đó; nhưng chúng chỉ là giả dối và nhất thời. Theo đức Phật, không đam mê ái dục là hạnh phúc cao quý nhất. 

Ðức Phật không khuyên các đệ tử của Ngài thường xuyên nghĩ đến sự khổ, và hướng đến một cuộc sống bất hạnh khổ đau. Ngài dạy họ nên luôn vui tươi và hạnh phúc, vì tâm Hỉ (Piti) hay “vui vẻ” là một trong những đức tính của sự Giác Ngộ. 

Chân hạnh phúc được tìm thấy ở trong tâm mình và không nên quan niệm hạnh phúc là ở nơi sự giàu sang, con cái, danh vọng và chiếm hữu. Nếu những tài sản đó được xử dụng sai lầm, tạo nên bằng sự cưỡng đoạt và bất chánh; tiêu xài phung phí, hay nhìn xem với sự tham đắm; chúng sẽ trở thành nguồn gốc của mọi khổ đau, phiền não cho sở hữu chủ. 

Thay vì cố gắng hợp lý hóa sự khổ, Phật Giáo xem sự khổ như điều dĩ nhiên, và tìm nguyên nhân để diệt trừ nó. Sự khổ đau tồn tại nơi nào có lòng tham. Nó chỉ có thể đoạn diệt bằng cách thực hành theo Bát Chánh Ðạo, và đạt đến hạnh phúc cao siêu của Niết Bàn. 

Bốn chân lý này có thể chứng thực bằng kinh nghiệm. Cho nên, giáo pháp của đức Phật không đặt nền tảng trên sự sợ hãi của điều gì không biết; nhưng nó được xây dựng trên căn bản của những sự kiện mà chúng ta có thể khảo sát và chứng minh bằng kinh nghiệm. Bởi vậy, Phật Giáo là thuần lý và thực nghiệm. 

Một hệ thống thuần lý và thực nghiệm như thế, không thể nào chứa đựng giáo lý bí truyền hay thần bí. Do đó, Phật Giáo không chấp nhận đức tin mù quáng. Ở đâu không có sự tin tưởng mù quáng, nơi đó không thể có sự cưỡng bức, ngược đãi hay cuồng tín. Khi đề cập đến giá trị của Phật Giáo, có thể nói rằng trải qua (hơn) 2,500 năm phát triển hòa bình, chưa một giọt máu nào đã chảy nhân danh đức Phật; không một vị vua hùng mạnh nào đã vung lưỡi gươm uy quyền của mình để truyền bá Phật Giáo; và cũng chưa có một sự cải giáo nào đã thực hiện bằng vũ lực, hay bằng phương pháp cưỡng bách nào khác. Tuy nhiên, đức Phật là nhà truyền giáo hòa bình đầu tiên và vĩ đại nhất trên thế gian. 

Aldous Huxley (23) đã viết: “Trong các tôn giáo lớn trên thế giới, duy nhất chỉ có Phật Giáo đã truyền đạo mà không có sự ngược đãi, kiểm duyệt hay điều tra”

Lord Russell (24) ghi nhận: “Trong các tôn giáo lớn của lịch sử, tôi thích Phật Giáo, đặc biệt ở hình thức nguyên thỉ, bởi vì nó có rất ít sự ngược đãi”

Dưới danh nghĩa của Phật Giáo, không có nơi thờ phượng nào đã bị nhuốm đỏ bởi máu vô tội của Hypatia (25) và cũng không có một triết gia nào như Bruno (26) đã bị thiêu sống. 

Phật Giáo chú trọng trí thức hơn tình cảm. Phật Giáo chú tâm đến nhân cách của hàng tín đồ hơn là sức mạnh về số lượng. 

Ngày kia, Siha (27), một tín đồ của Nigantha Nataputta (28) đến gần đức Phật và sung sướng nghe những lời giảng pháp của đức Thế Tôn. Ông liền bày tỏ ý muốn trở thành đệ tử của Ngài. Nhưng đức Phật đã khuyên ông ta như sau:  - “Này vị cư sĩ, thực ra, ông nên suy nghĩ kỹ lại. Một người xuất chúng như ông tốt hơn, ông nên suy nghĩ cẩn thận trước khi hành động việc gì”.

Trưởng giả Siha, khi nghe những lời dạy bất ngờ này của đức Phật, ông rất đỗi vui mừng, và thưa: “Bạch đức Thế Tôn, nếu con xin làm đệ tử của một giáo chủ khác, các tín đồ của vị ấy sẽ kiệu con đi khắp đường phố và tuyên bố rằng nhà triệu phú này đã từ bỏ đạo giáo trước kia của mình, để đi theo tôn giáo của họ. Nhưng bạch đức Thế Tôn, Ngài thì khuyên con nên về suy nghĩ lại. Nghe lời giáo huấn này, con lại càng tôn kính Ngài hơn. Lần thứ nhì, kính bạch đức Như Lai, con xin được quy y Phật, Pháp, và Tăng”. 

Phật Giáo thấm nhuần tinh thần tự do tìm hiểu và quãng đại khoan dung. Ðó là giáo pháp của tinh thần rộng mở và tâm hồn thiện cảm; một giáo lý chiếu sáng và sưởi ấm toàn thể vũ trụ bằng cả ánh đưốc trí tuệ và lòng từ bi; và chiếu rực hào quang của mình trên khắp tất cả chúng sanh đang tranh đấu lặn hụp trong biển luân hồi sanh tử. 

Ðức Phật rất khoan hồng, Ngài không bao giờ dùng uy quyền để ban hành những giới điều răn cấm cho hàng đệ tử của Ngài. Thay vì dùng thể sai khiến, đức Phật dạy: - “Con nên làm điều này, con không nên làm điều kia”. Ngài không truyền lịnh mà chỉ khuyên bảo. Lòng từ bi này của đức Phật đã bao trùm khắp mọi người nam nữ và tất cả chúng sanh. 

Ðức Phật là người đầu tiên đã cố gắng hủy bỏ chế độ mua bán người nô lệ, và mạnh mẽ phản đối hệ thống giai cấp suy đồi, mà nó đã bắt rễ sâu xa trong lòng xã hội Ấn Ðộ. Ðức Phật dạy không phải do sự sanh trưởng, con người trở nên kẻ hạ tiện hay cao quý, mà chính do hành động của họ. Theo Phật Giáo, đẳng cấp hay chủng tộc không phải là điều kiện tiên quyết để cho việc một người có thể trở thành Phật tử hay được thu nhận và Giáo Hội. Dân đánh cá, người hốt rác, gái giang hồ, cùng với các chiến sĩ và đạo sĩ Bà La Môn (Brahmins) đều được tự do chấp nhận vào Giáo Hội; bình đằng hưởng mọi đặc quyền, địa vị và phẩm trật.  

Chẳng hạn, Ngài Upali - Ưu Bà Ly (29) là thợ cạo, đã được tuyển chọn, trong số nhiều thánh tăng khác, làm vị trưởng lão, tụng đọc lại các luật giới (Vinaya) của Phật. Ngài Sunita (30), một công nhân quét đường rụt rè, người chứng đắc quả A La Hán, đã được đức Phật thu nhận vào Giáo Đoàn. Ông Angulimala (31), tên cướp hung bạo đã chịu hàng phục đi theo đức Phật. Ông Alavaka (32) tàn ác, đã quy y đức Thế Tôn và trở thành một bậc Thánh. Cô gái giang hồ Ambapali (33) được thu nhận vào Giáo Hội, và đã đắc quả A La Hán. Những trường hợp như thế, có thể tìm thấy rất nhiều trong Tam Tạng kinh điển; chứng tỏ rằng cánh cửa của Phật Giáo rộng mở cho tất cả mọi người, không phân biệt giai cấp, màu da hay chức vị. 

Ðức Phật cũng đã nâng cao địa vị của hàng nữ giới bị khinh miệt, và không chỉ giúp họ tiến lên đóng vai trò quan trọng trong xã hội, mà Ngài đã thành lập một Giáo Hội đầu tiên dành cho hàng phụ nữ xuất gia, với đầy đủ các giới luật. 

Ðức Phật không khinh rẻ nữ giới, mà chỉ ghi nhận bản chất yếu đuối của họ. Ngài công nhận thiện tâm nơi cả hai giới nam nữ, và đức Phật đặt họ vào đúng vị trí của mỗi giới trong giáo pháp của Ngài. Nam hay nữ không phải là chướng ngại cho việc chứng đắc Thánh quả.

    Từ ngữ Pali “Matugama” đôi khi được dùng để chỉ cho nữ giới, có nghĩa là người mẹ, hay xã hội của những bà mẹ. 

Làm mẹ, người phụ nữ đã chiếm một địa vị danh dự trong Phật Giáo. Cả đến người vợ cũng được xem như “người bạn tốt nhất”  của chồng. 

Thật là một sự phê bình vội vã và thiên vị, khi người ta than trách Phật Giáo không thân thiện với nữ giới. Mặc dù đầu tiên, vì những lý do thích đáng, đức Phật đã từ chối không chấp nhận cho phụ nữ vào Giáo Hội (xuất gia); nhưng về sau, Ngài đã tùy thuận theo lời thỉnh cầu của bà di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Ðề - Pajapati Gotami (34), và thành lập Giáo Hội Tỳ Kheo Ni (Bhikkhuni). Như các đức A La Hán Xá Lợi Phất (Sariputta) và Mục Kiền Liên (Moggallana) là hai đại đệ tử của Giáo Hội chư Tăng, đức Phật đã đề cử hai vị A La Hán Khema (35) và Uppalavanna (36) làm thủ chúng của Giáo Hội Tỳ Kheo Ni. Nhiều vị nữ đệ tử khác, cũng được đức Phật liệt vào hàng ưu tú và nhiệt thành của Ngài. 

Một hôm nọ, đức Phật đã khuyên vua nước Kiều Tát La - Kosala (37) người cảm thấy không vui khi nghe tin hoàng hậu vừa hạ sanh công chúa:  

Tâu Ðại Vương, một bé gái, có khi còn tốt hơn là sinh một cháu trai”.

Nhiều phụ nữ, vốn bị lãng quên, đã tỏ ra xuất chúng trong mọi phương diện, và đạt được sự giải thoát, nhờ thực hành theo giáo pháp và gia nhập Giáo Hội (Tỳ Kheo Ni). Trong Giáo Hội mới này, về sau, chứng tỏ đã mang lại nguồn hạnh phúc lớn lao cho nhiều phụ nữ, hoàng hậu, công chúa, tiểu thơ trong hàng quý tộc; các bà quả phụ, những bà mẹ cô đơn, các phụ nữ khốn cùng, cho đến hạng gái giang hồ đáng thương - tất cả, không phân biệt đẳng cấp hay chức vị, đều cùng nhau gặp gỡ, vui hưởng hoàn toàn nguồn hạnh phúc và an lạc; cũng như được hấp thụ không khí tự do, mà đã không tìm thấy nơi những người sống giam hãm ở các lầu son và điện ngọc. 

Chính đức Phật cũng ngăn cấm sự giết hại các thú vật, và khuyên những đệ tử nên trải lòng từ (Metta) đến mọi chúng sanh - ngay cả đối với những sinh vật bé nhỏ nhất (côn trùng) đang bò dưới chân. Không ai có quyền hay lý do gì để sát hại mạng sống của kẻ khác, bởi vì sự sống là quý báu đối với tất cả mọi người. 

Một người Phật tử chân chánh nên thực hành tâm từ đối với mọi chúng sanh, và tự mình đồng hóa với tất cả, không phân biệt giai cấp, chủng tộc hay giống phái (nam nữ).

Chính lòng từ này của Phật Giáo đã phá bỏ mọi hàng rào ngăn cách giữa người và người. Không có lý do gì khiến mình phải sống xa kẻ khác, chỉ vì họ không cùng tín ngưỡng hay khác quốc gia. Trên bia ký (Edict) đầy lòng khoan dung cao cả, đặt nền tảng ở các kinh Culla-Vyuha và Maha-Vyuha, vua A-Dục - Asoka (38) đã bảo: “Chỉ có sự hòa hợp là tốt đẹp nhất; như vậy, có nghĩa là mọi người nên vui lòng lắng tai nghe giáo lý của những kẻ khác giảng truyền”.

 Phật Giáo không giới hạn trong bất cứ một quốc gia hay dân tộc đặc biệt nào. Mà đạo Phật là của toàn thể (mọi người). Phật Giáo không phải là quốc gia chủ nghĩa, hay nói khác, là một hình thức của hệ thống giai cấp, được thiết lập trên một nền tảng rộng rãi hơn. Phật Giáo, nếu được phép gọi như vậy, là một siêu chủ nghĩa quốc gia.  

Ðối với người Phật tử, không có người thân kẻ sơ, không có người thù nghịch hay xa lạ, không có ai phản bội hay không thể tiếp xúc với họ; vì lòng từ bi bao la với sự thông cảm hiểu biết, đã được xây dựng trên tình huynh đệ giữa tất cả mọi chúng sanh. Người Phật tử chân chính là một công dân của thế giới. Họ xem toàn thế giới như quê hương, và tất cả là thân bằng quyến thuộc của họ. 

Cho nên, duy nhất có Phật Giáo mới gồm đủ các đức tánh khoan dung, không xâm lược, thuần lý, thực nghiệm, công hiệu và đại đồng. Phật Giáo là một ảnh hưởng cao quý nhất trong mọi ảnh hưởng thống hợp, và là một năng lực độc nhất có thể nâng cao thế giới (con người). 

Trên đây là một vài đặc điểm của Phật Giáo, và trong những giáo lý căn bản của Phật Giáo, chúng ta có thể nói là - thuyết Nghiệp Báo (Kamma) hay Luật Ðạo Lý Nhân Quả, Giáo Lý Luân Hồi, Vô Ngã (Anatta) và Niết Bàn (Nibbana).

NGHIỆP BÁO HAY LUẬT NHÂN QUẢ


 
Chúng ta đang sống trong một thế giới hoàn toàn mất quân bình. Chúng ta nhận thấy con người với những sự bất bình đẳng, vận mạng khác nhau; và đủ loại chúng sanh hiện hữu trong vũ trụ. Chúng ta thấy người này sinh vào cảnh giàu sang với trí tuệ thông minh đạo đức, và cơ thể khỏe mạnh; trong khi kẻ khác gặp cảnh nghèo hèn, khổ cực. Có người nhân đức và thánh thiện, nhưng trái lại họ thường gặp điều không may. Thế giới ác nghiệt diễn ra trái với tham vọng và ước muốn của họ. Họ chịu sự nghèo khổ, mặc dù lòng họ thành thực và hiếu thảo. Có kẻ xấu xa, khờ dại, nhưng lại luôn luôn gặp may. Họ được hưởng mọi điều ân huệ, mặc dù họ có những khuyết điểm và sống cuộc đời tội lỗi.

Chúng ta có thể hỏi tại sao người này sinh ra thấp hèn, kẻ khác lại giàu sang? Tại sao có người phải sớm xa lìa bàn tay của bà mẹ thân yêu, khi họ chỉ được vài tuổi; và người khác lại chết giữa tuổi hoa niên, hoặc vào tuổi 80 hay 100? Tại sao có người sinh ra bị ốm đau và tật nguyền, có người lại cường lực và khỏe mạnh? Tại sao có người đẹp đẽ, có kẻ xấu xa và gớm guốc, ai cũng chán ghét? Tại sao người này sinh trưởng trong sự giàu sang, và kẻ khác lại gặp cảnh nghèo túng, ngập tràn khổ đau? Tại sao có người sinh ra là triệu phú, kẻ khác lại bần cùng? Tại sao người này thông minh, người kia lại ngu dốt? Tại sao có người sinh ra với bẩm tính thánh thiện, và có kẻ tánh tình lại độc ác? Tại sao vài người đã trở thành nhà ngữ học, nghệ sĩ, toán học hay nhạc sĩ từ lúc còn nhỏ? Tại sao có người vừa sinh ra đã mù, điếc và tật nguyền? Tại sao có những trẻ em vừa mở mắt chào đời đã được hưởng mọi phước lành và có em lại bị xem như một tội khổ? 

Ðây là những vấn đề làm bận tâm trí của những người hiểu biết. Làm sao chúng ta giải thích được mọi sự khác biệt ở thế gian và những bất công trong nhân loại? 

Phải chăng đó là do kết quả của sự may rủi hay ngẫu nhiên mù quáng?  

Trong thế gian này, không có việc gì xảy ra do bởi sự tình cờ hay ngẫu nhiên mù quáng. Nếu bảo rằng mọi điều xảy đến đều do sự ngẫu nhiên thì cũng chẳng khác gì nói cuốn sách này tự nhiên nó sinh ra. Nói một cách chính xác, không có điều chi xảy ra cho người nào mà không do người đó gây ra nguyên nhân này hay nguyên nhân khác. 

Có thể nào bảo đó là ý muốn của một đấng Tạo Hóa vô trách nhiệm? 

Ông Huxley nói: “Nếu chúng ta tin rằng có một nhân vật nào cố tâm tạo nên cái vũ trụ kỳ diệu này, thì theo ý tôi, rõ ràng nhân vật ấy không có từ thiện và công bình; mà theo nghĩa phổ thông của danh từ, nhân vật ấy lại còn xấu ác và bất công”. 

Theo ông Einstein (39): “Nếu nhân vật (Thượng Ðế) ấy là toàn năng, thì mọi điều xảy ra, bao gồm các hành động, tư tưởng, cảm giác, và ước muốn của con người, thảy đều do Ngài tạo tác; vậy làm sao ta có thể nghĩ rằng con người phải chịu trách nhiệm về những hành động và tư tưởng của mình trứơc một đấng Toàn Năng? 

“Khi đưa ra những hình phạt và phần thưởng, thì chính nhân vật ấy, trong một phạm vi nào đó, cũng đã tự xét xử lấy mình. Làm sao sự kiện này phù hợp được vời lòng từ thiện và đức tánh chánh trực mà ta đã quy gán cho Ngài? 

“Theo những nguyên tắc thần học, con người được sinh ra một cách độc đoán mà không có sự ước muốn của nó; và khi ra đời, con người hoặc được hưởng phước báu hay chịu sự trừng phạt vĩnh viễn. Từ đó, con người dù thiện hay ác, hạnh phúc hay đau khổ, cao sang hay thấp hèn, từ bước đầu trong tiến trình sinh ra cho đến lúc thở hơi cuối cùng, không ai chú ý đến những ham muốn, ước nguyện, tham vọng, sự đấu tranh hay những lời cầu nguyện chân thành của một cá nhân. Ðó là thuyết định mạng của thần học” (Spencer Lewis). 

Theo Charles Bradlaugh: - “Sự hiện hữu của tội lỗi là một trở ngại khủng khiếp đối với người tin vào Thượng Ðế. Khổ đau, khốn cùng, tội ác, nghèo đói đã chống đối sự biện hộ cho lòng bác ái vĩnh cửu; và thách đố một câu giải đáp vững chắc về lời tuyên bố của đấng Thượng Ðế được xem như toàn thiện, toàn trí và toàn năng”. 

Theo lời của ông Schopenhauer: - “Ai tự cho rằng mình sinh ra từ hư không, cũng phải nghĩ rằng mình sẽ trở thành hư không; và như thế, trước khi ra đời, họ đã có một quá khứ và tương lai đó, mình không bao giờ ngừng sống, thật là một ý nghĩ quái dị.

“Nếu sanh là khởi điểm tuyệt đối, thì chết hẳn phải là sự chấm dứt tuyệt đối; và bảo rằng con người sinh ra từ hư vô, tất yếu dẫn đến kết luận rằng sau khi chết tuyệt đối không còn gì nữa”. 

Khi thảo luận đến vấn đề nỗi khổ đau của nhân loại và Thượng Ðế, giáo sư J.B.S.Haldane viết: - “Hoặc đau khổ là điều cần thiết cho sự hoàn thiện tâm tánh con người, hoặc Thượng Ðế không phải Toàn Năng. Có người đau khổ ít nhưng tâm tánh rất tốt, nhờ diễm phúc của dòng họ và được sinh vào nhà gia giáo. Sự kiện này bác bỏ lý thuyết thứ nhất. Còn về điểm thứ hai bị đánh đổ vì lẽ nếu nhìn vũ trụ toàn diện, ta sẽ thấy có vài khiếm khuyết cần bổ túc bởi sự quyết định của thần linh. Và đấng sáng tạo có thể tạo nên mọi việc theo ý muốn”. 

Lord Russell bày tỏ: “Người ta bảo rằng thế giới được sáng tạo bởi Thượng Ðế, là đấng toàn thiện và toàn năng. Ngài dựng nên thế giới mà Ngài đã thấy trước trong đó chứa đầy khổ đau và phiền não. Cho nên, Ngài chịu trách nhiệm về tất cả mọi điều ấy. Thật là vô ích để biện minh rằng sự đau khổ trong thế gian là do tội lỗi. Nếu Thượng Ðế biết trước những tội ác mà con người sẽ vi phạm, hẳn nhiên Ngài phải chịu trách nhiệm về mọi kết quả của những tội lỗi ấy, khi Ngài quyết định tạo ra con người”. 

Trong bài thơ cổ nhan đề “Tuyệt vọng” (Despair) của thi hào Lord Tennyson, ông đã can đảm tấn công Thượng Ðế, là nhân vật đã nói, và được ghi trong tập Isaiah (XIV,7): “Ta tạo hòa bình và tội lỗi”.

“Thế nào! Phải chăng tôi nên gọi đó là tình thương vô hạn đã phục vụ quá tốt đẹp cho chúng ta?

 Hay đúng hơn là sự dã man vô tận đã tạo nên địa ngục trường cửu, 

Ðã tạo ra chúng ta, đã biết chúng ta, đã phán xét chúng ta, và làm mọi việc theo ý muốn của riêng mình. 

Hơn nữa là bà mẹ vô tri, tàn ác không bao giờ thấu nghe lời than thở của chúng ta”. 

Chắc chắn “lý thuyết của chủ trương rằng tất cả nhân loại đều tội lỗi và phạm tội truyền kiếp của Adam là một sự thách đố đối với công lý, lòng bác ái, tình thương và tánh công bình vạn năng”. 

Những tác giả thời xưa đã nhứt quyết bảo rằng Thượng Ðế đã tạo ra con người theo hình ảnh của mình. Một vài tư tưởng gia hiện đại, trái lại, nói rằng chính con người tạo Thượng Ðế theo hình ảnh của mình. Với sự phát triển của nền văn minh, quan niệm về Thượng Ðế cũng được ngày càng cải thiện. 

Dù sao, ta không thể quan niệm có một nhân vật như thế hiện hữu hoặc ở trong hay ngoài vũ trụ. 

Sự khác biệt này phải chăng do truyền thống và giới thân cận? Ta phải thừa nhận rằng hiện tượng lý hóa do các nhà khoa học phát minh đã giải thích được một phần vấn đề, nhưng các hiện tượng lý hóa đó không thể giải đáp căn bản sự khác biệt tế nhị và bất đồng rộng lớn giữa những cá nhân. Tại sao hai em bé sinh đôi có thân hình giống nhau, thường tánh chất của mỗi em lại khác, trí tuệ và tánh nết lại hoàn toàn khác biệt?

Riêng thuyết truyền thống không thể giải thích được những sự sai khác sâu rộng này. Ðúng ra, nó giải đáp những điểm giống nhau nhiều hơn là chứng minh những chỗ bất đồng. Hạt thai chủng lý hóa cực nhỏ bằng khoảng 1/30.000.000 inch thừa hưởng của cha mẹ, chỉ giải thích được một phần thể chất căn bản của con người. Ðối với sự khác biệt về tinh thần, trí tuệ và đạo đức, phức tạp và tế nhị hơn, chúng ta cần đến nhiều sự giải rõ khác. Thuyết truyền thống không thể giải thích đầy đủ được tại sao một đứa con tàn ác lại sinh ra trong gia đình lương thiện; và một thánh nhân hay một người đạo đức sinh trưởng trong gia đình xấu xa, cũng như trường hợp của những thần đồng, các bậc thiên tài và những vị đại giáo chủ. 

Theo Phật Giáo, sự sai khác này không những chỉ do truyền thống, giới thân cận, “bản tính và sự giáo dưỡng”, nhưng cũng chính do nghiệp báo của chúng ta, hay nói cách khác, do kết quả của những hành động chúng ta gây ra trong quá khứ và hiện tại. Chính chúng ta phải chịu trách nhiệm về những hành động, sự hạnh phúc và đau khổ của chúng ta. Chính ta tạo nên địa ngục cho ta. Chính ta xây dựng thiên đường cho chúng ta. Chúng ta là những kiến trúc sư xây dựng vận mạng của chúng ta. Nói tóm, chính chúng ta tạo nên nghiệp báo của chúng ta. 

Một hôm nọ, có chàng thanh niên tên Subha đến gần đức Phật, và hỏi tại sao và do nguyên nhân nào mà trong thế gian có những cảnh huống bất đồng cao và thấp. 

Subbha bạch rằng: “Tại sao con thấy trong nhân loại có người yểu, có người thọ, người mạnh khỏe và người bệnh hoạn, người đẹp đẽ và người xấu xí; người có thế lực và người không có uy quyền; có người nghèo khổ, kẻ phú quý; có người sinh trong gia đình thấp hèn, và có kẻ thuộc hạng cao sang; có người dốt nát, và có kẻ thông minh”. 

Ðức Phật vắn tắt trả lời như sau: “Tất cả chúng sanh  đều mang theo cái nghiệp (Kamma) của chính mình, như một di sản, một căn nguyên như người chí thân, như chổ  nương tựa. Chính cái nghiệp đã phân chia ra tình trạng cao và thấp của mọi chúng sanh”. 

Rồi đức Phật giải thích nguyên nhân của những sự khác biệt đó đúng theo luật nhân quả. 

Như vậy, theo quan điểm của Phật Giáo, sự chênh lệch về tinh thần, trí tuệ, đạo đức và bẩm tính của chúng ta, phần lớn do các hành động và khuynh hướng của chúng ta, trong quá khứ và hiện tại. 

Nghiệp theo nghĩa đen là hành động; nhưng, theo nghĩa rốt ráo của nó, là tác ý, thiện và bất thiện. Nghiệp gồm có hai loại tốt và xấu. Tốt đem lại tốt. Xấu đem lại xấu. Cái gì giống nhau thu hút nhau. Ðó là định luật Nghiệp Báo.  

Như người Tây Phương gọi “Nghiệp” là “ảnh hưởng của hành động.”

Chúng ta gặt những gì chúng ta đã gieo. Chúng ta đã gieo nhân tức chúng ta phải hái quả, lúc này, nơi này; hay lúc khác, nơi khác. Nói một cách, hiện tại chúng ta phải nhận lấy kết quả của hành động chúng ta đã gây ra trong quá khứ; tương lai chúng ta sẽ gánh chịu kết quả của hành động chúng ta tạo nên trong hiện tại. Trong một nghĩa khác, hiện tại của chúng ta không hoàn toàn là kết quả của chúng ta trong quá khứ; và trong tương lai của chúng ta, không tuyệt đối là kết quả của chúng ta trong hiện tại. Chẳng hạn, một tội phạm hôm nay có thể trở thành một thánh nhân ngày mai. 

Phật Giáo chủ trương mọi sự khác biệt (trong đời sống) là tùy thuộc nơi Nghiệp (Kamma), nhưng Phật Giáo không quả quyết rằng tất cả đều do ở Nghiệp.  

Nếu mọi việc đều do nơi Nghiệp thì một người sẽ phải luôn luôn xấu vì Nghiệp của họ là xấu. Và bệnh nhân khỏi cần đi khám bác sĩ để chữa bệnh, vì nếu Nghiệp của họ đã vậy, thì họ sẽ được chữa lành. 

Theo Phật Giáo, có năm định luật hay tiến trình (Niyamas) chi phối thế giới vật chất và tinh thần: - 

1. Kamma Niyama, định luật nhân quả như hành động tốt hoặc xấu sẽ dẫn đến kết quả thiện hay ác.

2. Utu Niyama, định luật về vật lý (không hữu cơ) như hiện tượng thời tiết mưa gió. 

3. Bija Niyama, định luật về thai chủng hay hạt giống (định luật vật hữu cơ) như cây lúa do hạt lúa; vị ngọt do đường mía hay mật ong tạo nên v.v... Thuyết khoa học về tế bào, bẩm sinh gene và sự giống nhau về thể chất của hai trẻ sinh đôi đều do luật này chi phối. 

4. Citta Niyama, định luật về ý thức hay tâm lý, như sự diễn tiến của tâm, năng lực của tâm v.v... 

5. Dhamma Niyama, định luật của vạn pháp, như các hiện tượng thiên nhiên xảy ra vào lúc đản sinh của một vị Bồ Tát trong kiếp sau cùng, luật hấp dẫn lực v.v... 

Năm quy luật hay tiến trình kể trên tự nó là những định luật mà theo đó ta có thể giải thích mọi hiện tượng tinh thần (tâm lý) cũng như vật chất (vật lý). 

Cho nên, Nghiệp Báo chỉ là một trong năm định luật mà nó chi phối toàn vũ trụ. Tự nó là một định luật, và nó không do người nào tạo ra. Những định luật thông thường của thiên nhiên, như trọng lực không cần phải có ai tạo nên. Nó có hiệu lực trong một lãnh vực riêng biệt, không chịu ảnh hưởng của một tha lực độc lập nào từ bên ngoài. 

Chẳng hạn, không ai khiến lửa nóng thì cháy. Không ai bắt mực nước phải ngang bằng như vậy. Cũng không nhà khoa học nào quyết định nước là gồm có hai Hýt Rô với một Ốc Xy hay làm cho nước giá lạnh được. Những điều này là do đặc tính tự nhiên của chúng. Nghiệp không phải là vận số, cũng không phải định mạng khống chế chúng ta do một quyền lực xa lạ huyền bí nào, buộc chúng ta phải ngoan ngoãn phục tùng. Chính hành động của ta đã tạo nên kết quả cho ta; và do đó, con người có khả năng thay đổi phần nào nghiệp lực của mình. Chuyển đổi đến mức độ nào, điều ấy tùy thuộc nơi ta. 

Chúng ta cũng không thể dùng các từ ngữ như sự ban thưởng và trừng phạt để giải thích về vấn đề của Nghiệp, vì Phật Giáo không công nhận một đấng Toàn Năng có quyền điều khiển con người và ban ân hay giáng họa cho họ. Người Phật tử, trái lại, tin tưởng rằng sự đau khổ hay hạnh phúc mà con người phải gánh chịu là hậu quả tất nhiên của những hành động thiện và ác do chính họ gây ra. Tưởng nên biết rằng Nghiệp gồm có cả hai nguyên tắc vừa liên tục và báo ứng.

Nghiệp tự nhiên có khả năng tạo ra quả báo. Nhân sanh quả. Quả giải thích nhân. Hột tạo nên trái, nhìn trái ta biết hột ra sao, vì cả hai (hột và trái) đều có sự tương quan. Cũng như có sự liên hệ giữa Nghiệp và quả báo; “trong nhân đã có sẵn mầm giống của quả”.

Người Phật tử nhận thức hoàn toàn giáo lý Nghiệp Báo, không cầu xin kẻ khác để được cứu rỗi, nhưng tự tin tưởng chính ta có thể giúp ta giải thoát, bởi vì lý Nghiệp Báo dạy rõ mỗi cá nhân chịu trách nhiệm (hành động của mình). 

Thuyết Nghiệp Báo đã mang lại cho con người niềm an ủi, nguồn hy vọng, tánh tự tin và đạo đức can đảm. Niềm tin nơi Nghiệp Báo “làm tăng giá trị của sự tinh tấn, và kích thích lòng nhiệt thành”, khiến con người luôn luôn có lòng tốt, khoan dung và giúp đỡ (kẻ khác). Cũng do niềm tin ở Nghiệp Báo đã nhắc nhở con người tránh điều ác, làm việc lành để gặp quả tốt; mà không chút sợ hãi sẽ bị trừng phạt hay cám dỗ bởi bất cứ sự ban thưởng nào. 

Thuyết Nghiệp Báo có thể giải thích vấn đề khổ đau, sự bí ẩn của cái được gọi là số mạng hay tiền định của các tôn giáo; và trên hết, giải thích sự bất đồng trong nhân loại.  

Nghiệp Báo và luân hồi được xem như là định luật tất nhiên.



tải về 408.18 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương