PHẬt giáo vấN ĐÁp the Buddhist Catechism


PHẦN II GIÁO PHÁP HAY DHARMA



tải về 0.55 Mb.
trang3/5
Chuyển đổi dữ liệu16.10.2017
Kích0.55 Mb.
#33752
1   2   3   4   5
PHẦN II

GIÁO PHÁP HAY DHARMA 

 106. Hỏi: Danh từ “Phật” (Buddha) có nghĩa là gì?

Đáp: Bậc Giác Ngộ hay đấng có trí tuệ hoàn toàn.

107.Hỏi: Phải chăng bạn cho rằng có nhiều vị Phật đã ra đời trước Đức Phật (Thích Ca) này?

   Đáp: Vâng, chúng tôi tin rằng dưới sự vận hành của luật nhân quả vĩnh cửu, cứ khoảng cách một thời gian, một Đức Phật sẽ xuất hiện, khi nhân loại đắm chìm trong khổ đau vì vô minh và cần đến sự giác ngộ, thì hạnh nguyện của Đức Phật là phải ra đời để giáo hóa chúng sanh (xem lại câu hỏi số 11)

108. Hỏi: Bằng cách nào để (một chúng sanh) trở thành một đức Phật.

 Đáp: Một người, khi nghe và gặp một trong cácĐức Phậtrađờiởthếgian, liềnphát nguyện sống theo Ngài như vậy, đến một kiếp trong tương lai, khi hành giả thấy nhân duyên thích hợp, họ cũng sẽ thành Phật để hướng dẫn nhân loại thoát vòng sanh tử luân hồi.

109. Hỏi: Hành giả đã hành động như thế nào?

Đáp: Trải qua nhiều kiếp sống, hành giả nỗ lực diệt trừ lòng tham dục, tu tập để đạt đến trí tuệ, và phát triển những năng lực cao hơn. Nhờ vậy, hành giả dần dần trở nên thánh thiện, siêu việt hơn trong cá tính, và sâu dầy hơn trong đạo đức cho đến khi, trải qua vô lượng kiếp luân hồi, cuối cùng hành giả đạt đến quả vị Toàn Thiện, Giác Ngộ, Toàn Giác, đấng Tôn Sư lý tưởng của nhân loại.

110. Hỏi: Trong khi trải qua những kiếp tái sinh, sự phát triển dần dần này đang diễn tiến, chúng ta gọi tên hành giả là gì?

 Đáp: Bodhisat hay Bodhisattva (Bồ Tát). Như vậy, thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhartha Gautama) là một vị Bồ Tát cho đến khi Ngài thành Phật dưới cây Bồ Đề (Bodhi) thiêng liêng ở Gaya.

111. Hỏi: Chúng ta có tài liệu nào nói về những kiếp tái sinh của Ngài làm Bồ Tát hay không?

 Đáp: Trong tập Bổn Sanh Kinh (Jàtakat-thakathà), cuốn sách ghi chép những truyện tiền thân của Bồ Tát, có khoảng vài trăm mẩu chuyện về loại đó.

112. Hỏi: Những mẫu chuyện này dạy bài học gì?

Đáp: Một con người, trải qua vô lượng kiếp luân hồi, có thể mang hạnh nguyện rộng lớn và từ bi, giúp hành giả diệt trừ những ý tưởng xấu và phát triển các việc lành.

113. Hỏi: Chúng ta có thể ấn định số lượng những kiếp tái sinh mà một vị Bồ Tát cần phải trải qua trước khi Bồ Tát trở thành Phật được không?

Đáp: Dĩ nhiên là không. Điều đó tùy thuộc đức hạnh của vị Bồ Tát, trình độ tu chứng mà Ngài đạt tới khi Bồ Tát phát nguyện trở thành Phật, và những điều khác.

114. Hỏi: Chúng ta có cách để phân loại các vị Bồ Tát được không? Nếu được hãy giải thích.

Đáp: Bồ Tát - vị Phật tương lai - được phân làm 3 hạng.

115. Hỏi: Hãy kể tiếp ba hạng Bồ Tát này là gì?

Đáp: Pannàdhika hay Udghatitajna – “Bậc chứng quả chậm nhất”, Sadhàdhika hay Vipachitajna – “Bậc chứng quả chậm” và Viryàdhika hay Gneyya - “Bậc chứng quả nhanh chóng”. Bậc Bồ TátPannàdhika tu hạnh trí tuệ, bậc Bồ Tát Saddhàdhika tu hạnh Tín, và Bồ Tát Viryàdhika tu hạnh Tinh tấn. Hạng Bồ Tát thứ nhất đượchướngdẫnbởi Trí tuệ,vàkhôngvộivàng; hạng thứ hai hoàn toàn đặt ở Đức Tin, nên không chú tâm đến sự hướng dẫn của Trí Tuệ; và hạng thứ ba không bao giờ trì hoãn trong việc làm điều thiện. bất chấp mọi hậu quả xảy đến cho chính mình. Bồ Tát thực hành khi nhận thấy đó là việc lành nhất và cần phải làm.

116. Hỏi: Khi vị Bồ Tát của chúng ta đã thành Phật, Ngài thấy điều gì là nguyên nhân khổ đau của nhân loại? Hãy nói cho tôi biết trong một danh từ.

Đáp: Vô Minh (Avidyà).

117. Hỏi: Bạn có thể cho tôi biết phương thuốc chữa trị không?

Đáp: Đoạn diệt Vô minh để có Trí tuệ (Pràjna).

118. Hỏi: Tại sao Vô Minh gây nên đau khổ?

Đáp: Bởi vì nó khiến chúng ta tham đắm những điều không đáng đắm say, đau buồn khi chúng ta không nên sầu khổ; nhận cho là chân thực cái điều không phải thực mà chỉ là giả dối; và hướng cuộc sống của chúng ta chạy đuổi theo những đối tượng vô giá trị, xao lãng đến điều thực ra là quý giá nhất.

119. Hỏi: Và điều quý giá nhất là gì?

Đáp: Thấu triệt tất cả sự mầu nhiệm của sự sống và định mạng của con người, để chúng ta ý thức được rằng cuộc sống này và những tương quan với nó không hơn giá trị chân thực của chúng; và do

đó, chúng ta có thể sống theo con đường đạo để bảo đảm hạnh phúc lớn lao nhất, và sự ít khổ đau nhất cho đồng loại và chính chúng ta.

120. Hỏi: Ánh sáng gì có thể phá tan Vô Minh và diệt trừ được mọi phiền não của chúng ta?

Đáp: Sự hiểu biết về “Tứ Diệu Đế” như Đức Phật đã dạy.

121. Hỏi: Tứ Diệu Đế là gì?

Đáp: 1) Những khổ đau của sự sống tiếp diễn tạo nên vòng sanh tử luân hồi, từ đời này qua đời khác.

2) Nguyên nhân sanh ra sự khổ là do lòng dục vọng ích kỷ, luôn luôn muốn tái diễn nhằm thỏa mãn bản thân mà không bao giờ có thể chấm dứt.

3) Sự diệt trừ lòng ái dục đó, hay tự mình lánh xa nó.

4) Con đường dẫn đến sự chấm dứt dục vọng.

122. Hỏi: Hãy kể cho tôi biết những điều gì gây nên sự khổ.

Đáp: Sanh, lão, bệnh, tử; phải sống xa những vật chúng ta yêu thích; gần gủi những người ta oán ghét; mong cầu điều mình muốn mà không được.

123. Hỏi: Những sự khổ này khác biệt nhau nơi từng mỗi cá nhân phải không?

  Đáp: Vâng, nhưng mọi người sẽ chịu sự khổ tùy theo mức độ (dục vọng).

124. Hỏi: Làm thế nào chúng ta giải thoát được những khổ đau tạo nên do lòng ái dục không biết thỏa mãn, và lòng tham mù quáng?

Đáp: Bằng cách chế ngự và đoạn diệt hoàn toàn sự đắm say cuồng nhiệt cuộc sống và những lạc thú của nó, đã gây nên khổ đau.

125. Hỏi: Làm sao chúng ta có thể đạt tới sự chinh phục như thế?

Đáp: Bằng cách thực hành theo Bát Chánh Đạo mà Đức Phật đã chứng ngộ và chỉ bày (cho chúng ta).

126. Hỏi: Ý bạn muốn nói gì về danh từ đó? Bát Chánh Đạo có nghĩa thế nào? (từ ngữ Pali xin xem câu hỏi 78).

 Đáp: Tám phần của con đường này gọi là angas. Chúng gồm có: 1. Chánh kiến (như là luật Nhân Quả hay Karma); 2. Chánh tư duy; 3. Chánh ngữ; 4. Chánh nghiệp; 5. Chánh mạng; 6. Chánh tinh tấn; 7. Chánh niệm; 8. Chánh định. Người nào ghi nhớ và thực hành theo Bát Chánh Đạo này sẽ không còn khổ đau và cuối cùng đạt tới sự giải thoát.

127. Hỏi: Bạn có thể cho một từ ngữ chính xác hơn chữ “salvation” (sự cứu rỗi) hay không?

Đáp: Vâng, “emancipation” (sự giải thoát).

128. Hỏi: Vậy giải thoát khỏi điều gì?

Đáp: Giải thoát khỏi sự khổ đau của cuộc sống thế gian và vòng sanh tử luân hồi, mà tất cả đều do vô minh, lòng tham và dục vọng bất chính.

129. Hỏi: Và khi sự cứu rỗi hay giải thoát này được thành tựu thì chúng ta sẽ đạt tới cảnh giới gì?

Đáp: Niết Bàn (Nirvana).

130. Hỏi: Niết Bàn là gì?

Đáp: Trạng thái của sự chấm dứt hoàn toàn mọi sự đổi thay (vô thường), trạng thái của sự an tịnh tuyệt đối, của sự không còn dục vọng lừa dối, và khổ đau; cũng như sự diệt trừ hoàn toàn mọi thứ tạo thành cơ thể con người. Trước khi chứng đắc Niết Bàn, con người triền miên bị tái sanh; nhưng khi đạt tới Niết Bàn, con người không còn luân hồi sanh tử nữa.

131. Hỏi: Ở đâu chúng ta có thể tìm thấy sự thảo luận uyên bác về danh từ Niết Bàn và một bản kê nhiều từ ngữ khác mà các nhà cựu học giả Pali đã cố gắng giải thích nó?

 Đáp: Trong cuốn Tự Điển ngôn ngữ Pali danh tiếng của học giả quá cố, ông R.C.Childers, có một bản giải thích đầy đủ  [9]

132. Hỏi: Nhưng một vài ngưòi tưởng tượng Niết Bàn như một cảnh giới ở cõi Trời hay Thiên đưòng. Phật giáo có dạy như thế không?

Đáp: Không. Khi đệ tử Ku-ta-đan-ta (Kuta-danta) thỉnh vấn Đức Phật “Niết Bàn ở đâu”, Ngài trả lời rằng “ở nơi nào giới luật được hành trì”.

133. Hỏi: Nguyên nhân gì đã khiến chúng ta bị luân hồi?

Đáp: Do lòng tham dục ích kỷ không bao giờ thỏa mãn (tiếng Phạn: Trshnà; Pali: Tanhà) những sự vật thuộc hoàn cảnh của đời sống cá nhân trong thế giới vật chất. Lòng ái dục không biết nhàm chán về cái thân này (bhàva: hữu) là động cơ, và tự nó có nănglực sáng tạo mạnh đến nỗi có thể lôi kéo con người sanh trở lại vào cuộc sống thế gian.

134.Hỏi: Phải chăng sự luân hồi của chúng ta là do kết quả của lòng ái dục không biết thỏamãn của chúng ta?

Đáp: Vâng; và do bởi việc làm thiện hoặc ác của cá nhân chúng ta.

 135. Hỏi: Hành động thiện hoặc ác của chúng ta quyết định trạng thái, hoàn cảnh hay hình thức mà trong đó chúng ta sẽ đầu thai vào phải không?

Đáp: Đúng vậy. Luật (nhân quả) dạy rằng nếu chúng ta làm điều thiện, chúng ta sẽ hưởng quả lành và hạnh phúc ở kiếp sau; nếu làm việc ác, đời sau chúng ta sẽ chịu (quả báo) khốn cùng và khổ đau.

136. Hỏi: Yếu điểm của Phật giáo là lý thuyết cho rằng mọi quả báo đều là kết quả của nguyên nhân hiện tại, phải vậy không?

Đáp: Phải, do nguyên nhân gần hoặc xa.

137. Hỏi: Luật nhân quả này chúng ta gọi là gì?

Đáp: Áp dụng cho mọi cá nhân, gọi là nghiệp (Karma) hay hành động. Nó có nghĩa là chính mọi hành động hay việc làm của chúng ta sẽ mang lại cho chúng ta bất cứ điều hạnh phúc hay đau khổ mà chúng ta phải chịu.

138. Hỏi: Một người làm ác có thể thoát khỏi nghiệp báo của họ được không?

Đáp: Kinh Pháp Cú (Dhammapada) dạy: “Không chỗ nào ở thế gian này, hoặc trên trời, dưới biển, hay trốn vào động núi, tránh được quả ác nghiệp”.

139. Hỏi: Một người làm việc thiện có thể thoát được quả báo không?

Đáp: Do kết quả của những hành động lành, một người có thể được hưởng những phước đức (y, chánh báo) về đất nước, thân thể, hoàn cảnh xung quanh và sự giáo dục trong đời sau của hành giả nhằm tránh khỏi những kết quả của Nghiệp (Karma) xấu và giúp cho sự phát triển (tu hành) cao hơn của họ.

140. Hỏi: Những điều đó được gọi là gì?

Đáp: Sự tái sanh thuận lợi (Gati Sampatti), hình tướng đẹp đẽ (Upàdhi Sampatti), thời cơ tiện lợi (Kali Sampatti) và phương pháp thành công (Payoga Sampatti).

141. Hỏi: Điều đó có thích hay không thích hợp với ý nghĩa thông thường và những diễn giải của khoa học hiện đại?

Đáp: Hoàn toàn thích hợp: Không có gì phải nghi ngờ về điều ấy.

142. Hỏi: Phải chăng mọi người đều có thể trở thành Phật?

Đáp: Theo lệ thường, không phải mọi người đều trở thành Phật; vì cứ khoảng cách một thời gian lâu dài mới có một vị Phật ra đời, và hình như khi hoàn cảnh của nhân loại khẩn thiết mong cầu có một bậc thầy như thế thị hiện để chỉ bày cho chúng sanh con đường Đạo dẫn đến Niết Bàn. Nhưng mọi người đều có khả năng chứng đắc Niết Bàn bằng cách diệt trừ Vô Minh và đạt tới trí tuệ.

143. Hỏi: Phật giáo dạy rằng con người có thể tái sanh vào thế giới của chúng ta, phải vậy không?

   Đáp: Theo luật chung, đúng là như vậy, cho đến khi hành giả gây nhân được sanh vào cảnh giới cao hơn; song những thế giới con người có thể sanh vào là vô số. Thế giới mà một người sẽ luân hồi ở kiếp sau, cũng như bản chất của sự đầu thai được quyết định bởi sự ưu thế của hành động thiện ác của cá nhân đó. Nói cách khác, nó sẽ được điều khiển bởi dẫn lực của hành giả như khoa học đã diễn tả; hoặc do bởi Nghiệp lực (Karma) của người đó theo lối nói của người Phật tử chúng ta.

144. Hỏi: Phải chăng có những thế giới hạnh phúc và những thế gìới khác khổ đau hơn thế giới của chúng ta?

Đáp: Phật giáo dạy rằng có nhiều thế giới hệ (Sakwalas) gồm đủ loại, cao hoặc thấp hơn, và chúng sanh ở mỗi thế giới đều thích ứng với sự phát triển (tu tập) trong thế giới đó.

145. Hỏi: Đức Phật có tóm lược toàn bộ giáo lý của Ngài trong một bài kệ (gatha) nào không?

Đáp: Có.

146. Hỏi: Hãy đọc bài kệ (tiếng Pali) đó.

Đáp: Sabba pàpassa Akaranam,

Kusalassa upasampada


Sachitta pariyodapanam-

Etam Buddhànusasanam.

“Chớ làm những điều ác,

Gắng làm các việc lành,

Giữ tâm ý trong sạch:

Ấy, lời chư Phật dạy”.

147. Hỏi: Trong ba câu đầu của bài kệ trên có những đặc điểm gì không?

Đáp: Có: Câu thứ nhứt bao hàm toàn bộ tinhthầncủaLuật Tạng(Vinaya Pitaka);câu hai,Kinh (Sutta) và câu ba, Luận Tạng (Abhidhamma). Bài kệ chỉ gồm 8 từ ngữ Pali, tuy nhiên như giọt sương phản chiếu (ánh sáng) của những vì sao, chúng rạng ngời với tinh thần của toàn bộ giáo pháp của Đức Phật.

148. Hỏi: Những giáo lý trên chứng tỏ Phật giáo là một tôn giáo tích cực hay tiêu cực?

Đáp: “Tránh điều ác” có thể xem như tiêu cực, nhưng “nên làm việc lành”, và “giữ tâm ý trong sạch” là những đức tánh tích cực. Đức Phật dạy rằng chúng ta không những chỉ tránh điều ác mà còn nên làm việc lành.

149. Hỏi: Những ai và điều gì –“Ba Phép Quy Y”- The Three Guides  [10]mà người Phật tử được khuyên nên theo.

Đáp: Chúng được trình bày trong “Ba phép Quy y” (Tisarana): “Tôi quy y Phật; Tôi quy y Pháp; Tôi quy y Tăng”. Ba câu này, thực sự là Phật Pháp (Buddha Dharma). 

150. Hỏi: Người Phật tử đọc phép Tam Quy này có ý nghĩa gì?

Đáp: Hành giả muốn nói rằng họ tôn kính, xem đức Phật như một bậc thầy, một Thiện Hữu và một vị Gưong Mẫu toàn giác; Pháp hay Giáo Lý chứa đựng những nguyên tắc căn bản, bất biến của sự Công Bằng và Chân Lý, cũng như con đường dẫn đến sự thể hiện cái tâm an lạc hoàn toàn trên thế gian; và Tăng Già như những bậc Thầy và người gương mẫu cho Giáo Pháp cao siêu mà Đức Phật đã dạy.

151. Hỏi: Phải chăng trong đoàn thể “Tăng Già” có các vị ít tu học và thiếu đạo đức?

Đáp: Vâng, nhưng Đức Phật dạy rằng chỉ những đệ tử tinh tấn thọ trì giới luật, chế ngự được tâm của họ, cố gắng đạt tới hay đã thành tựu một trong tám quả thánh và toàn thiện, mới lập thành “Tăng Già” của Ngài. Tưởng nên ghi nhận Tăng Già được nhắc đến trong “phép Tam Quy” (Tisarana) là chỉ cho bậc cao cả đã chứng đắc một trong 8 quả vị toàn giác. Chỉ khoác chiếc y vàng, ngay cả sự thọ giới, cũng không làm một vị tăng trở nên thanh tịnh hay đạo đức, hoặc họ đáng được tôn kính. 

152. Hỏi: Vậy thì, người Phật tử chân chính có nên nhận các tỳ kheo (Bhikkhu) không có giới đức làm thầy hướng dẫn cho mình không?

Đáp: Chắc chắn là không.

153. Hỏi: Năm điều tuân theo hoặc răn cấm, gọi là ngũ giới (Pancha Sila) mà người Phật tử tại gia nói chung bắt buộc phải thọ trì là những gì?

Đáp: Chúng gồm những giới điều sau đây mà Phật tử thường đọc thuộc lòng tại các chùa (Vihàras):

Tôi nguyện giữ giới không sát sanh.

Tôi nguyện giữ giới không trộm cắp.

Tôi nguyện giữ giới không tà hạnh  [11].

Tôi nguyện giữ giới không nói dối.

Tôi nguyện giữ giới không uống rượu.

154. Hỏi: Người sáng suốt khi đọc những giới luật này có ý tưởng gì?

 Đáp: Họ thấy rằng người nào cẩn trọng giữ gìn chúng sẽ thoát mọi nguyên nhân khổ đau của kiếp người. Nếu nghiên cứu lịch sử, chúng ta thấy rằng mọi sự đau khổ tất cả đều phát xuất từ hành động phạm giới này hay giới kia của những giới cấm trên.

155. Hỏi: Những giới nào mà trí tuệ thấy xa (hậu quả) của Đức Phật, được chỉ dạy rõ ràng nhất?

Đáp: Giới thứ nhất, thứ ba và năm: Vì hành động sát sanh, tà hạnh và uống rượu; đã gây nên ít nhất 95 phần trăm nỗi khổ đau cho con người.

156. Hỏi: Người thọ trì các giới này được những lợi ích gì?

Đáp: Họ thu nhận phước đức được nhiều hoặc ít tùy theo phương cách và thời gian của sự giữ giới, và số giới điều họ giữ được; nghĩa là, nếu chỉ giữ một giới, còn phạm 4 giới khác họ chỉ nhận được phước đức của sự thọ trì giới đó; và giới ấy giữ được càng lâu thì phước đức thu nhận sẽ càng lớn. Nếu ai thọ trì được tất cả 5 giới thì đời sau họ sẽ hưởng một đời sống cao sang và hạnh phúc hơn. 

157. Hỏi: Những giới khác được xem như cần thiết cho người cư sĩ phát tâm thọ trì là gì? 

Đáp: Bát giới (Atthanga Sila) gồm 5 giới đã kể trên (dâm dục thay cho tà hạnh ở giới thứ ba) và cộng thêm 3 giới sau:

Tôi nguyện giữ giới không ăn phi thời (quá ngọ).

Tôi nguyện giữ giới không múa hát, dự nghe âm nhạc, xem các thú vui, cũng như không đeo tràng hoa, thoa phấn, xức dầu thơm, dùng thẩm mỹ phẩm, xoa kem, và đồ trang sức.

Tôi nguyện giữ giới không nằm, ngồi giường cao và rộng.

Ghế và giường (đi văng) nói ở đây là chỉ cho các thứ mà người thế tục dùng để tìm thú vui và thụ hưởng khoái lạc. Người sống độc thân (xuất gia ) nên tránh những điều này. 

158. Hỏi: Người Phật tử có quan niệm như thế nào về phước đức chân chính?

Đáp: Không có phước đức nhiều, nếu chỉ hành động bề ngoài; mọi phước đức đều do việc làm thiện phát xuất từ nội tâm.

159. Hỏi: Hãy cho một ví dụ.

Đáp: Một người giàu có thể dùng nhiều lakh (1 lakh bằng 100.000 Rupees, tiền Ấn Độ) để xây tháp hoặc chùa (vihàras), tô đúc tượng Phật, tổ chức các ngày lễ và đám rước, cúng dường trai những quán trọ dọc đường cho khách bộ hành; nhưng tương đối ít có phước đức nếu họ hành động cốt phô trương để được mọi người tán dương hoặc vì bất cứ mục tiêu ích kỷ nào khác. Nhưng nếu họ làm rất ít các việc lành mà với hảo tâm như là lòng thương đồng bào của họ, người đó thu được nhiều phước đức. Một hành động dù làm với ý nghĩ không tốt, nhưng có lợi ích cho người khác, không phải cho chính mình, đều được xem là thiện. Một người tỏ ra có hành động lành khi làm dù mong được phần công đức, nhưng với tình thương chân thực của họ, chớ không giả dối. Cùng nguyên tắc ấy cũng áp dụng đối với các hành động xấu.

160. Hỏi: Song việc làm nào được xem là nhiều phước đức nhất trong tất cả mọi hành động?

Đáp: Kinh Pháp cú (Dhammapada) dạy rằng, công đức truyền bá chánh pháp (Dharma) là tối thắng hơn bất cứ thiện nghiệp nào khác. 

161. Hỏi: Những kinh điển nào chứa đựng trí tuệ thù thắng nhất của giáo lý Đức Phật?

Đáp: Ba bộ kinh gọi là Tri-pi-ta-ca (Tripitakas) hay “Tam Tạng Kinh” (Three Baskets).

162. Hỏi: Ba Tạng Kinh Điển (Pitakas) có tên gọi là gì?

Đáp: Luật Tạng (Vinaya Pitaka), Kinh Tạng (Sutta Pitaka), và Luận Tạng (Abhidhamma Pitaka).

163. Hỏi: Chúng gồm có những gì?

Đáp: Luật Tạng bao gồm những lời dạy đạo đức và giới luật của đoàn thể Tăng Già (Sangha); Kinh Tạng chứa đựng những bài kinh thuyết giảng đạo đức học cho mọi người; và Luận Tạng giải thích về giáo pháp Tâm Lý Học của Đức Phật bao gồm 24 pháp vi diệu trình bày về mọi sự hoạt động của Vạn Vật. 

164. Hỏi: Người Phật tử có tin rằng những kinh tạng này do đấng Thượng Đế truyền đạt và khám phá ra không?

Đáp: Không; nhưng họ tôn kính kinh tạng bao hàm những phần giáo pháp cao siêu nhất mà người nào thấu triệt các kinh điển này sẽ thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi (Samsara).

165. Hỏi: Trong toàn bộ Tam Tạng Kinh có tất cả bao nhiêu chữ?

Đáp: Tiến sĩ Rhys Davids ước tính chúng có vào khoảng 1.752.800 chữ.

166. Hỏi: Ba Tạng Kinh được ghi chép lần đầu tiên vào năm nào?

  Đáp: Khoảng năm 88-76 trước Tây Lịch dưới triều vua Tích Lan Vattagamani hoặc 330 năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn (Paranirvana).

167. Hỏi: Chúng ta có lý để tin rằng tất cả những bài thuyết pháp của Đức Phật đều đã được truyền lại cho chúng ta (đến ngày nay) hay không?

  Đáp: Chắc chắn là không, và sẽ là điều kỳ lạ nếu chúng còn giữ được đầy đủ như vậy. Trải qua 45 năm sống với quần chúng, Đức Phật đã thuyết giảng hàng trăm bài kinh. Trong số những bài pháp này, vào giai đoạn chiến tranh và ngược đãi, nhiều bản kinh đã bị mất, lưu lạc đến những quốc gia xa xôi, và nhiều bản đã bị cắt xén. Sử liệu ghi chép rằng những kẻ thù của Phật Giáo (Buddha Dharma) đã thiêu hủy vô sốkinh điển chất cao đến ngọn dừa.

168. Hỏi: Phải chăng người Phật tử xem Đức Phật mà với đạo đức của Ngài có thể cứu rỗi cho chúng ta thoát khỏi kết quả của những tội lỗi cá nhân?

 Đáp: Hoàn toàn không. Con người phải tự giải thoát cho chính mình. Trừ khi họ làm vậy, còn không họ sẽ tiếp tục luân hồi tử sinh - nạn nhân của sự vô minh và kẻ nô lệ cho những ái dục không bao giờ thỏa mãn được.

169. Hỏi: Đức Phật đối với chúng ta và các chúng sanh khác, là nhân vật như thế nào?

Đáp: Là vị Toàn Giác, bậc Cố Vấn toàn trí, đấng đã chứng ngộ và chỉ bày con đường giải thoát; cũng như đã dạy rõ nguyên nhân và phương pháp chữa trịduy nhất nỗikhổ đaucủa con người. Vạch ra con đường, chỉ dạy chúng ta làm cách nào để thoát khỏi những hiểm nguy, Đức Phật đã trở thành bậc thầy hướng dẫn cho chúng ta. Đối với chúng ta, Ngài như người hướng dẫn một kẻ mù vượt qua chiếc cầu hẹp trên dòng sông nước sâu, chảy xiết, và cứu giúp cho cuộc đời của y.

170. Hỏi: Nếu chúng ta cố gắng trình bày toàn bộ tinh thần của giáo lý Đức Phật bằng một danh từ, vậy chúng ta nên chọn từ ngữ nào?

Đáp: Công bình.

171. Hỏi: Tại sao?

Đáp: Vì Phật giáo dạy rằng mọi người phải nhận chịu dưới sự điều động chính xác của Nghiệp lực (Karma), phần thưởng hay hình phạt mà họ xứng đáng được hưởng, không thêm không bớt. Không có một hành động thiện hoặc ác, dù cho tầm thường và phạm tội kín đáo đi chăng nữa, mà có thể thoát khỏi cán cân quả báo tương xứng công bình của Nghiệp lực.

172. Hỏi: Nghiệp lực là gì (Karma)? [12]

 Đáp: Luật nhân quả chi phối các khía cạnh tinh thần, vật chất và những lãnh vực khác. Phật giáo dạy rằng không có gì huyền nhiệm trong sinh hoạt của kiếp người: Con người phải chịu và gặt hái kết quả mà họ đã gieo.

173. Hỏi: Những từ ngữ nào dùng thích hợp nhất để diễn tả tinh hoa của Phật giáo?

 Đáp: Sự tự mình tu tập và lòng thương bao la.

174. Hỏi: Học thuyết nào đã giúp Phật giáo trở thành cao siêu và chiếm địa vị ưu thế đối với các tôn giáo trên thế giới?

 Đáp: Giáo lý Từ Bi (Metta hay Maitreya). Sự trọng yếu của giáo lý nầy, hơn nữa, được đề cao qua việc dùng danh hiệu “Từ Thị” (Maitri) để chỉ cho Đức Phật Tương Lai (Di Lặc).

175. Hỏi: Tất cả những giáo lý mà bạn giải thích này, phải chăng Đức Phật đã suy tưởng đến lúc Ngài (tọa thiền) ở cội Bồ Đề?

 Đáp: Vâng, những điều này và nhiều nữa có thể đọc thấy trong các kinh điển Phật giáo. Toàn bộ hệ thống Phật giáo đã hiện ra trong tâm thức của Đức Phật vào lúc Ngài chứng Đạo Giác Ngộ.

176. Hỏi: Đức Phật đã ngồi thiền định gần cội Bồ Đề trong thời gian bao lâu?

Đáp: Bốn mươi chín ngày.

177. Hỏi: Chúng ta gọi tên bài pháp đầu tiên Đức Phật thuyết giảng cho năm người bạn cũ của Ngài trước kia là gì?

Đáp: Kinh Chuyển Pháp Luân (Dham-macakkappavattana Sutta) – bài kinh giảng giải về những Nguyên tắc của Chân Lý (Doctrine)  [13]

178. Hỏi: Trong bài pháp này Đức Phật đã thuyết dạy những giáo lý gì?

Đáp: “Tứ Diệu Đế” và “Bát Chánh Đạo”. Đức Phật một mặt lên án lối tu ép xác của các đạo sĩ khổ hạnh; và mặt khác sự thụ hưởng những thú vui khoái lạc; Ngài chỉ dạy và khuyên nên theo Bát Chánh Đạo tức là Trung Đạo.

179. Hỏi: Đức Phật có chủ trương thờ thần linh không?

Đáp: Ngài không chủ trương mà còn chống đối điều đó. Đức Phật đã lên án việc thờ cúng thần linh, ma quỹ, cây cối v.v… Hành động thờ cúng ngoại giới là một sự ràng buộc mà con người cần phải hủy bỏ nếu họ muốn tiến bộ cao hơn.

180. Hỏi: Vậy Phật tử có kính lạy trước tượng Phật,xá lợi của Ngài và những chùa tháp thờ Đức Phật hay không?

Đáp: Có, nhưng không phải với ý niệm của người sùng bái thần tượng.

181. Hỏi: Sự khác nhau ở chỗ nào?

Đáp: Tín đồ Phật giáo của chúng tôi nhận thấy người sùng bái thần tượng không những chỉ xem các hình tượng của họ như biểu hiện rõ ràng của đấng Thượng Đế hay các thần linh vô hình mà khi lễ bái, họ còn tin rằng trong bản chất của thần tượng đó hàm chứa phần nào có thần tính khắp nơi.

182. Hỏi: Người Phật tử nghĩ như thế nào?

Đáp: Người Phật tử kính thờ tượng Phật và các pháp bảo khác như những hình ảnh tưởng niệm của một đấng cao siêu, trí tuệ và từ bi nhất trong thế giới của kiếp (Kalpa) này. Các dân tộc cũng như mọingườibảo trì, tàng trữ, và quý trọng các xá lợi, kỷ niệm vật của những nhân vật nam nữ được xem như là vĩ đại. Đức Phật, đối với chúng ta, tỏ ra đáng tôn sùng và kính mến hơn bất cứ vĩ nhân nào khác bởi tất cả những ai đã từng nhận thức được sự khổ đau.

183. Hỏi: Đức Phật có giải thích cho chúng ta về vấn đề sùng bái thần tượng này hay không?

Đáp: Có. Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn (Mahaparinirvana Sutta), Đức Phật dạy rằng sự giải thoát chỉ có thể đạt tới nhờ thực hành đời sống Thánh thiện theo Bát Chánh Đạo, chứ không phải do sự sùng bái ngoại giới (amisa-puja), hay thờ kính Ngài và người khác, hoặc bất cứ hình tượng nào.

184. Hỏi: Đức Phật đánh giá thế nào về hình thức ham chuộng nghi lễ?

Đáp: Ngay từ lúc đầu, Đức Phật đã chỉ trích sự ham chuộng nghi lễ và các hành động hướng ngoại khác mà chúng chỉ làm tăng trưởng đức tin mù quáng và sự bám chặt vào những hình thức mê tín của chúng ta.

185. Hỏi: Còn đối với sự hay tranh biện?

Đáp: Trong nhiều bài pháp, Đức Phật đã lên án thói quen tai hại nhất này. Ngài khuyên nên sám hối đối với các Tỳ kheo (Bhikkhus) nào đã lãng phí thì giờ cùng làm suy yếu khả năng giác ngộ của mình bằng sự hay tranh cãi về các lý thuyết và những vấn đề siêu hình.

186. Hỏi: Sự tin vào bùa chú, những giờ tốt và ma quỹ, đồng bóng có phải là một khía cạnh của Phật giáo không?

Đáp: Các điều đó hoàn toàn phản lại với giáo lý căn bản của Phật giáo. Chúng là di tích còn sót lại của bái vật, đa thần giáo và các tôn giáo ngoại lai khác. Trong kinh Phạm Võng (Brahmajalasutta) Đức Phật đã tuyệt đối diễn tả các điều trên và mê tín dị đoan khác như đa thần giáo tầm thường và lừa dối (spurious)[14]. 

187. Hỏi: Giữa Phật giáo và “tôn giáo” khác có những mâu thuẫn gì đáng chú ý?

Đáp: Đối với các tôn giáo khác, đây là những điều tương phản: Phật giáo dạy điều thiện cao quý nhất mà không cần đến đấng Thượng Đế sángtạo; mộtphương thức sốngdựa vào giáo điều ích kỷ, mê tín ở thực thể linh hồn vĩnh cửu, siêu hình vượt ra ngoài thân xác; một hạnh phúc không có thiên đàng khách quan; một pháp môn giải thoát mà không cần đức Chúa Trời cứu rỗi; hay sự chuộc tội bởi chính mình như Chúa Giê-Su (the Redeemer); cũng không cần có những lễ bái cầu nguyện; sám hối, tu sĩ, cùng sự can thiệp của thánh nhân; và một cứu cánh Niết Bàn (Nirvana) có thể đạt tới ngay trong đời hiện tại và ở thế giới này bằng cách hướng đến một đời sống thanh tịnh, vị tha của trí tuệ, và từ bi đối với mọi chúng sanh.

188. Hỏi: Hãy định rõ về hai loại chính của “thiền định” phương pháp nhờ đó con người diệt trừ dục vọng và đạt tới giác ngộ.

Đáp: Chỉ (Samatha), và quán (Vidarsana): 1) Sự đoạn diệt ái dục bằng cách hướng đến đời sống thánh thiện và tinh tấn không ngừng để chế ngự các giác quan; 2) Sự đạt được trí tuệ phi thường nhờ quán tưởng: mọi pháp môn bao gồm 20 phương diện mà tôi không cần kể rõ chúng hết ra đây.

189. Hỏi: Tứ đạo quả hay trình độ tu chứng mà một hành giả có thể đạt tới là những gì?

Đáp: 1) Sơ quả Tu Đà Hoàn (Sotàpatti) - sự bắt đầu hay nhập vào quả vị của người đã giác ngộ về “Tứ Diệu Đế”; 2) Nhị quả Tư Đà Hàm (Sakardàgàmi)- quả vị của người đã diệt hết tham sân si và chỉ còn một lần (Nhứt Lai) sanh lại cõi này (thì đắc quả Thánh); 3) Tam quả A Na Hàm (Anàgami) - quả vị dành cho những hành giả đã chế ngự được bản ngã mình, và họ không còn sanh trở lại (Bất Lai) thế giới này; và 4) Tứ quả A La Hán (Arhat) - quả vị Thánh của bậc A La Hán, là vị không những chỉ thoát khỏi sự luân hồi mà còn đạt tới trí tuệ hoàn toàn, với tình thương bao la những kẻ còn mê lầm và khổ đau, cũng như có lòng từ bi đối với tất cả chúng sanh.

190. Hỏi: Phải chăng Phật giáo bao hàm không có điều gì khác hơn là chân lý và nó phù hợp với khoa học?

Đáp: Như mọi tôn giáo khác đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, Phật giáo ngày nay chắc chắn bao gồm những điều pha trộn sự thật và không thật; cũng như vàng tìm thấy lẫn lộn với chất bẩn dơ. Óc tưởng tượng đầy thi vị, lòng nhiệt thành, sự mê tín còn sót lại của các tín đồ Phật giáo qua nhiều thời đại và tại những quốc gia khác nhau, khiến cho các lời dạy cao siêu về giáo thuyết đạo đức của Đức Phật đã bị pha lẫn ít nhiều những điều ngày nay có thể không còn lợi ích nữa.

191. Hỏi: Khi biết những suy đồi đó, khát vọng thành tâm nhất của người Phật tử chân chính như thế nào?

Đáp: Người Phật tử thuần thành sẵn sàng và nónglòng muốnthấy sự sai lầm đó cần được thanh lọc khỏi giáo lý chân chính và nếu có thể, họ sẽ giúp (để làm việc ấy). Ba kỳ đại Hội Nghị của Tăng Già (Sangha) đã được tổ chức nhằm mục đích để thanh lọc khẩn cấp những điều thêm vào sai lầm khỏi Giáo Lý chân chính (của Đức Phật).

192. Hỏi: Khi nào?

Đáp: Lần đầu tiên tại hang Thất Diệp (Sattapanni) ngay sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn; lần thứ hai tại Va-lu-ca-ra-ma (Valukarama) ở Tỳ Xá Li (Vaisali); và lần thứ ba tại Chùa A-xô-ca-ra-ma (Asokarama Vihara) ở Hoa Thị Thành (Pataliputra), 235 năm sau khi Đức Phật diệt độ.

193. Hỏi: Trong bài kinh nào Đức Phật đã cảnh cáo chúng ta về sự suy đồi sẽ xảy ra cho giáo pháp chân chính của Ngài?

Đáp: Kinh Tạp A Hàm (Samyutta Nikãya).

194. Hỏi: Trong Phật giáo có bất cứ giáo điều nào bắt buộc chúng ta tin theo không?

Đáp: Kkông; chúng ta không bị ép buộc phải tin vào bất cứ giáo lý nào dù nó được ghi chép trong kinh điển, do tổ tiên chúng ta truyền lại hoặc được giảng dạy bởi các bậc thánh hiền.

195. Hỏi: Đức Phật có thuyết giảng giáo lý cao siêu đó không?

Đáp: Có. Đức Phật dạy rằng chúng ta chớ vộitin một điều gì dùđó làđiềuđược thiên hạ nói đến; chớ vội tin vào những tập quán vì chúng được truyền lại từ ngàn xưa; chớ vội tin lời đồn đãi, đừng tin vào kinh sách do các Thánh Hiền viết ra; không nên chấp nhận điều gì vì nghĩ rằng đó là điều do Thần Linh (Deva) đã truyền cho chúng ta (tỷ như xem sự linh cảm tinh thần đó là đúng); đừng nên tin một luận đề nào mà chúng ta suy ra từ sự phỏng định tình cờ; cũng đừng vội tin vào điều gì lấy sự giống nhau làm tiêu chuẩn (Analogical); và chớ vội tin vào oai quyền nơi các giáo sư hay giáo sĩ của chúng ta.

196. Hỏi: Vậy lúc nào chúng ta mới nên tin?

Đáp: chúng ta chỉ tin tưởng khi giáo lý hay những lời dạy đó được kiểm chứng bằng lý trí và sự hiểu biết của mình. Vì thế, Đức Phật khuyên tiếp rằng ”Như Lai dạy các con không nên tin chỉ vì các con đã nghe, nhưng khi các con đã tin tưởng qua sự nhận thức của mình, thì nên tinh tấn thực hành theo” (Xem kinh Kalama trong Tăng Nhất A Hàm và kinh Bát Đại Niết Bàn).

197. Hỏi: Đức Phật bảo nên xem Ngài như thế nào?

Đáp: Đức Phật dạy rằng Ngài và các Đức Phật khác chỉ là những “vị thuyết giảng” chân lý, chỉ bày ra con đường: còn tự chúng ta phải nỗ lực tu tập.

198. Hỏi: Đức Phật dạy điều này ở đâu?

Đáp: Trong kinh Pháp Cú (Dhamma-pada), chương 20.

199. Hỏi: Phật giáo có khuyến khích hành động đạo đức giả hay không?

Đáp: Kinh Pháp Cú dạy: “Như chiếc hoa tươi đẹp chỉ phô trương màu sắc mà chẳng có hương thơm; những người chỉ biết nói điều lành mà không làm điều lành chẳng đem lại lợi ích gì”.

200. Hỏi: Đức Phật có dạy chúng ta nên lấy oán báo oán không?

Đáp: Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy: “Kẻ ác làm hại ta, ta sẽ đáp trả y bằng lòng từ bi không oán hận; người đó càng thù hận ta, ta càng có tâm từ với họ”. Đây là con đường mà bậc A La Hán (Arhat)[15] đã theo. Dùng oán để trả oán là điều Phật giáo hoàn toàn ngăn cấm.

201. Hỏi: Phật giáo có khuyến khích những hành động tàn ác không?

Đáp: Đúng là không. Trong năm giới cấm và nhiều bài kinh khác, Đức Phật dạy chúng ta nên có lòng thương đối với mọi người, cố gắng mang lại hạnh phúc cho họ, nên có tâm từ bi với tất cả, đừng bao giờ sát hại, sanh tâm tùy hỷ, hay khuyến khích sự sát hại.

202. Hỏi: Điều ấy được ghi chép trong bài kinh nào?

Đáp: Kinh Đam-mi-ca (Dhammika) dạy: “Hãy khuyên vị gia chủ chớ có sát hại, hoặc gây nên sự sát hại bất cứ mạng sống nào, hay khuyến khích người khác làm như thế. Hãy bảo y giữ gìn không giết hại bất cứ chúng sanh nào” [16].

203. Hỏi: Phật giáo có tán đồng việc uống rượu không?

Đáp: Trong kinh Dhammika, Đức Phật dạy chúng ta không nên uống, gây ra sự uống rượu cho kẻ khác, hoặc khuyến khích hành động của người uống rượu[17] 

204. Hỏi: Đức Phật cho chúng ta biết sự uống rượu sẽ dẫn đến kết quả gì?

Đáp: Những điều xấu ác tội lỗi, điên loạn và vô minh – là nguyên nhân chính của luân hồi sanh tử.

205. Hỏi: Phật giáo dạy thế nào về hôn nhân?

Đáp: Tuyệt đối không dâm dục là điều kiện cho sự phát triển tâm linh (tu tập) toàn diện, được Đức Phật tán dương nhiều nhất; nhưng lập gia đình với một vợ và chung thủy với cô ta, là thực hành đức tánh không tà hạnh. Đức Phật chỉ trích chế độ đa thê như hành động vô minh và tăng trưởng lòng tham dục.

206. Hỏi: Trong bài kinh nào?

Đáp: Tăng Nhất A Hàm (Anguttara Nikãya), Chương IV, 55.

207. Hỏi: Phật giáo dạy thế nào về bổn phận của cha mẹ đối với con cái?

Đáp: Cha mẹ nên khuyên con cái chớ làm điều ác; nên làm các việc lành; dạy dỗ cho chúng về các môn nghệ thuật và khoa học; giúp chúng dựng vợ gả chồng và chia cho chúng tài sản của mình.

208. Hỏi: Bổn phận của con cái như thế nào?

Đáp: Con cái cần giúp đỡ khi cha mẹ già yếu và túng thiếu; làm tròn bổn phận gia đình đối vớichamẹ; bảovệtài sảncủa cha mẹ; hãytỏ ra xứng đáng là những kẻ thừa kế của cha mẹ, và khi cha mẹ qua đời, con cái nên kính thờ tưởng nhớ.

209. Hỏi: Đệ tử đối với Thầy như thế nào?

Đáp: Nên kính trọng, chăm sóc, vâng lời thầy; cung cấp nhu cầu cho thầy và nhận nghe lời chỉ giáo của thầy.

210. Hỏi: Chồng đối với vợ như thế nào?

Đáp: Nên thương yêu đối xử tử tế, kính trọng và chung thủy với vợ; giúp vợ được tôn vinh bởi người khác, biếu tặng vợ đồ trang sức và y phục. 

211. Hỏi: Bổn phận vợ đối với chồng như thế nào?

Đáp: Bày tỏ lòng thương chồng, sắp đặt nhà cửa ngăn nắp, niềm nỡ với khách khứa (bạn chồng), không tà hạnh, nên cần kiệm, khéo léo và siêng năng trong mọi việc.

212. Hỏi: Những điều răn này (Đức Phật) dạy ở đâu?

Đáp: Trong Kinh Thi Ca La Việt (Sigalovada).

213. Hỏi: Sự phú quý có giúp con người đạt đến hạnh phúc tương lai hay không?

Đáp: Kinh Pháp cú dạy: “Đường này dẫn tới sự giàu sang, bố thí; đường kia đưa đến cảnh giới Niết Bàn” (thiền quán).

214. Hỏi: Phải chăng điều đó ngụ ý không người giàu nào có thể (tu tập) đạt tới Niết Bàn?

Đáp: Vấn đề ấy tùy thuộc vào điều mà hành giả ưa thích nhất. Nếu họ biết dùng của cải dư thừa cho việc phúc lợi của nhân loại – giúp đỡ người khốn cùng, kẻ bị áp chế và ngu dốt – thì sự phú quý giúp y thành tựu vô lượng công đức.

215. Hỏi: Nếu ngược lại thì sao?

Đáp: Nhưng nếu một kẻ giàu tham đắm và tích trữ vô số tiền bạc để tạo tài sản riêng cho mình, điều ấy làm người đó mất đạo đức, xúi giục anh ta tạo tội lỗi; rồi họ sẽ gặp tai họa trong đời này, và ác quả cũng đến với y ở kiếp sau.

216. Hỏi: Kinh Pháp Cú dạy thế nào về vô minh?

Đáp: Vô minh là vết nhơ cấu bẩn nhất trong các vết nhơ mà con người đã tự bôi vào mình.

217. Hỏi: Kinh Pháp Cú dạy thế nào về hành động bất thiện đối với kẻ khác?

Đáp: Đó là thấy tội lỗi người thì dễ, thấy lỗi mình mới khó; lỗi người, ta cố phanh phui tìm như tìm thóc lẫn trong gạo; còn lỗi mình, ta cố che giấu như kẻ cờ gian bạc lận thu dấu con bài. 

218. Hỏi: Đức Phật khuyên chúng ta thế nào về bổn phận của con người đối với kẻ nghèo?

Đáp: Ngài dạy rằng tiền lợi tức của một người nên chia làm bốn phần, trong đó nên dành một phần cho các mục tiêu từ thiện.

219. Hỏi: Năm nghề nghiệp gì Đức Phật cho là thấp kém và hèn hạ?

Đáp: Những nghề như bán rượu, thịt thú vật, bán thuốc độc, khí giới giết người, và buôn bán kẻ nô lệ.

220. Hỏi: Hạng người nào (Đức Phật dạy) không thể tiến bộ trong sự tu tập.

Đáp: Những kẻ giết cha, giết mẹ, giết A La Hán và các Tỳ Kheo phá hòa hiệp Tăng (Sangha); những kẻ làm thân Phật chảy máu; tuyệt đối chấp thuyết Hư Vô, không tin có đời sau, và những người quá tham đắm dục lạc 

221. Hỏi: Phật giáo có chỉ bày rõ những cảnh giới hay tình trạng thống khổ mà trong đó một người tạo ác nghiệp sẽ bị đọa vào, sau khi họ từ giã cõi đời này hay không?

Đáp: Có. Những cảnh giới đó là: Đẳng hoạt địa ngục (Sanjiva); Hắc Thằng địa ngục (Kàlasutra); Chúng Hiệp Địa Ngục (Sanghàta); Khiếu Hoán Địa Ngục (Rauvara); Đại Khiếu Điạ Ngục (Maha Raurava); Viêm Nhiệt Địa Ngục (Tàpa); Đại Nhiệt Địa Ngục (Pratãpa); và Vô Gián Địa Ngục (Avichi). 

222. Hỏi: Phải chăng nỗi thống khổ sẽ vĩnh viễn tồn tại?

Đáp: Chắc không phải vậy. Thời gian tùy thuộc nghiệp báo của mỗi người.

223. Hỏi: Phật giáo có thuyết giảng rằng những người không tin Đức Phật sẽ bị đọa đày vì sự bất tín đó của họ hay không?

Đáp: Không; nhờ thiện nghiệp họ có thể thọ hưởng phước báo trong một thời gian hạn định trước khi bị tái sinh do lòng ái dục (tanhà) vô tận của họ. Muốn thoát khỏi luân hồi, hành giả phải thực hành theo Bát Chánh Đạo.

224. Hỏi: Địa vị tinh thần của nữ giới trong Phật giáo như thế nào?

Đáp: Theo Phật giáo, họ chiếm một địa vị hoàn toàn bình đẳng với nam giới. Trong kinh Chun-la-vê-đan-la (Chullavedalla), Đức Phật dạy rằng: “Phụ nữ có thể chứng đắc quả vị Thánh cao nhất được dành cho nam giới - A La Hán”.

225. Hỏi: Nhà phê bình hiện đại đã bày tỏ thế nào về ảnh hưởng của Phật giáo đối với phụ nữ?

Đáp: Ông Lepel Griffin bảo rằng: “Phật giáo đã mang lại hạnh phúc và sự giải phóng cho nữ giới hơn bất cứ tôn giáo nào khác”.

226. Hỏi: Đức Phật đã dạy như thế nào về giai cấp?

 Đáp: Đức Phật dạy rằng không phải do sự sanh trưởng, con người trở thành hạng cùng đinh thấp nhất Pariah (Harijan) hay giai cấp cao quý nhất Bà la môn (Brahmana), mà là bởi hành động. “Do hành động”, Ngài dạy “người này là cùng đinh; do hành động, người kia là Bà la môn” (xem Kinh Vasala).

227. Hỏi: Hãy kể cho tôi một câu chuyện để chứng minh điều này.

Đáp: Ngài A Nan(Ananda) đi ngang gần giếng, khát nước và yêu cầu Bát-Cát-Đế (Prakritti), một cô gái thuộc giai cấp hạ tiện Ma Đăng Già (Matanga) hay cùng đinh Pa-ri-a (Pariah), cho Ngài xin nước uống. Nàng thưa rằng cô ta thuộc giai cấp thấp hèn và Ngài sẽ bị ô uế nếu nhận nước uống nơi tay của cô. Nhưng Ngài A Nan đáp rằng’: “Tôi không xin giai cấp mà chỉ xin nước uống”; và cô gái cùng đinh Matanga tâm cảm thấy vui mừng cúng dường nước uống cho Ngài A Nan. Đức Phật đã tán thán hành động này của cô.

228. Hỏi: Đức Phật đã dạy như thế nào trong “Kinh Vasala” về đệ tử Xô-ba-ca (Sopaka) thuộc giai cấp hạ tiện Pa-ri-a (Pariah)?

Đáp: Ngài dạy rằng do công đức của y, Sopaka đã đạt tới danh vọng cao quý nhất; nhiều vị thuộc giai cấp (quý tộc) Sát-đế-lợi (Kshattryas) và Bà La Mônđãđếnphụcvụ cho ông ta; và sau khi

qua đời, Sopàka đã được sinh lên cõi trời Phạm Thiên (Brahma), trong khi những vị Bà la môn đã bị đọa vào địa ngục do hành động xấu ác của họ.

229. Hỏi: Phải chăng Phật giáo dạy rằng có một linh hồn bất tử?

Đáp: “Linh hồn” (Soul) được Phật giáo xem như danh từ dùng để diễn tả một ý niệm sai lầm của hạng người thiếu hiểu biết. Nếu mọi vật thay đổi, trong đó có cả con người; và như thế, cơ thể vật chất của nó cũng phải thay đổi. Mà vật gì đã thay đổi thì không thể thường còn: cho nên không thể có một sự sống bất tử trong một cơ thể (con người) đổi thay được [18]

230. Hỏi: Vậy điều có thể bị phản đối trong từ ngữ “Linh hồn” này là gì?

Đáp: Ý kiến cho rằng linh hồn của con người có thể là một thực thể biệt lập ngoài các thực thể khác, và sự hiện hữu của toàn thể vũ trụ. Ý niệm về sự tách biệt này là điều vô lý, không được chấp nhận bởi luận lý học cũng như khoa học tán thành.

231. Hỏi: Vậy thì không có cái “Ngã” (ta) biệt lập cũng như chúng ta không thể bảo rằng vật này hay vật kia là “của tôi”, phải thế không?

 Đáp: Đúng như vậy.

232. Hỏi: Nếu quan niệm có một “linh hồn” biệt lập nơi con người bị phủ nhận, vậy cái gì trong con người khiến y nghĩ rằng có một bản ngã (personality) thường còn?

Đáp: Lòng ái dục (tanhã)không dược thoả mãn về cuộc sống. Con người đã tạo nghiệp, do đó y được trả ân hay báo oán trong tương lai; và vì ái dục, y sẽ chịu luân hồi do ảnh hưởng của nghiệp báo.

233. Hỏi: Vậy cái gì sẽ đi đầu thai?

Đáp: Những uẩn (Skandhas) mới hay bản ngã (personality) [19] được tạo nên do tiến trình tư tưởng cuối cùng của một người sắp lâm chung. 

Đáp: Năm.

235. Hỏi: Hãy kể năm uẩn đó.

Đáp: Sắc (Rùpa), Thọ (Vedana), Tưởng (Sannà), Hành (Samkhàrà) và Thức (Vinnàna). 

236. Hỏi: Hãy giải thích sơ lược về năm uẩn..

Đáp: Sắc: những vật hữu hình; Thọ: cảm giác vui buồn; Tưởng: kiến thức về khái niệm; Hành: những trạng thái tâm lý; và Thức: năng lực trí tuệ hay ý thức. Năm uẩn đã tạo thành chúng ta, giúp chúng ta ý thức về cuộc sống; và qua năm uẩn, chúng ta tiếp xúc với thế giới xung quanh chúng ta. 

237. Hỏi: Vì nguyên nhân nào chúng ta thấy có sự sai khác trong việc kết hợp của năm uẩn, khiến cho người này khác biệt với người kia?

 Đáp: Do nghiệp quả thuần thục của mỗi cá nhân trong nhiều kiếp trước của họ.

238. Hỏi: Sức mạnh và năng lực nào đã hoạt động dưới sự hướng dẫn của Nghiệp để tạo thành một con người mới.

Đáp: Ái dục (tanhà) – lòng ham muốn sự sống  [20].

239. Hỏi: Giáo lý luân hồi đã được xây dựng trên điều gì?

Đáp: Trên nhận thức của sự hoàn toàn công bằng, thế quân bình và điều chuẩn vốn nằm trong hệ thống phổ biến của Thiên Nhiên. Phật tử không tin rằng một đời sống - dù có thọ đến 100 hay 500 năm - là đủ dài lâu cho sự trả ân hay báo oán, gây nên bởi những hành động của con người. Vòng đại luân hồi sanh tử sẽ ít nhiều vận chuyển nhanh chóng theo sự ưu thế của nghiệp thiện hay bất thiện được tạo ra trong nhiều kiếp sống của mỗi cá nhân. 

240. Hỏi: Phải chăng Ái Dục (Tanha) đã dẫn đến sự cấu tạo nên những uẩn (skandhas) mới – cá nhân mới này cùng một người giống như người trong kiếp trước?

Đáp: Hiểu theo một nghĩa, đó là con người mới, nhưng nghĩa khác, nó lại là không phải. Cổ ngữ Pali viết: “Nacha so nacha anno”, nghĩa là không phải giống vậy, nhưng cũng không phải khác. Trong đời này, năm uẩn (chúng ta) luôn thay đổi (changing) [21], và trong khi ông A hoặc ông B 40 tuổi được xem như người không khác thiếu niên A hay B lúc 18 tuổi, nhưng vì, do việc thường xuyên làm tiêu hao và bổ dưỡng cơ thể của y, cũng như sự thay đổi về tâm lý và tánh tình, ông ta trở thành một nhân vật khác.Tuy nhiên một người đến lúc tuổi già, sẽ gặt hái thích đáng phần thưởng khổ đau do kết quả của những ý tưởng và hành động (xấu) của y, đã gây ra vào lúc thiếu thời trong cuộc đời của họ. Cùng thế ấy, một người mới tái sinh cũng giống như con người trước kia, nhưng với sự thay đổi, hình dáng hoặc sự kết hợp mới của những uẩn, cũng sẽ nhận chịu chính xác quả báo tạo nên bởi thân nghiệp và ý nghiệp của y trong kiếp trước. 

241. Hỏi: Người già có thể nhớ lại những việc xảy ra vào thời niên thiếu mặc dầu cơ thể và tinh thần của ông ta đã thay đổi. Nhưng tại sao chúng ta không thể nhớ được những việc trong kiếp quá khứ do chúng ta mang từ đời trước đến đời này?

Đáp: Bởi vì trí nhớ bao gồm trong các uẩn; và những uẩn đã thay đổi với sự tái sinh mới, một trí nhớ mới, cùng sự ghi lại cuộc sống đặc biệt đó đều phát triển (đổi mới). Tuy nhiên, sự giữ lại hay phản ảnh tất cả hành động trong những kiếp sống quá khứ ở thế gian này, vẫn còn tồn tại; vì thế nên khi thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) thành Phật, Ngài đã thấy nhớ lại đầy đủ những kiếp trước của Ngài. Nếu mọi việc xảy ra (trong đời trước) không để lại một dấu tích gì, thì việc nhớ lại đã không thể có, nghĩa là Đức Phật đã không có gì để thấy. Và bất cứ ai đạt tới tầng thiền (Dhyana) thứ tư đều có thể thấy lại dấu vết những việc trong các đời trước của mình.

242. Hỏi: Mục đích cuối cùng nhằm đến (trong sự tu tập) của con người qua những lần đổi thay (thân xác) này là gì?

Đáp: Niết Bàn (Nirvana).

243. Hỏi: Phật giáo có dạy chúng ta nên làm điều lành với ý tưởng mong đạt tới cảnh giới Niết Bàn không?

  Đáp: Không; vì đó là điều hoàn toàn ích kỷ giống như (chúng ta) hy vọngđược phần thưởng về tiền bạc, ngôi vua, hay bất cứ thú vui dục lạc nào khác. Niết Bàn không thể đạt tới bằng cách đó, và kẻ đầu cơ thiếu sáng suốt sẽ thấy trước đưa đến sự thất vọng.

244. Hỏi: Xin giải thích rõ hơn nữa.

Đáp: Niết Bàn đồng nghĩa với đức tính lợi tha, sự diệt trừ hoàn toàn tánh vị kỷ để đạt tới chân lý. Người mê mờ mong tìm hạnh phúc Niết Bàn mà không hiểu biết gì hết về bản chất của nó. Tận diệt được lòng ích kỷ là Niết Bàn. Làm việc lành với ý niệm mong được kết quả, hay thực hành nếp sống thánh thiện với chủ đích đạt tới hạnh phúc nơi thiên đàng không phải là Đời sống Cao quý mà Đức Phật khuyến khích. Không mong chờ phần thưởng được sống một Cuộc Đời Cao Thượng, đó chính là cuộc sống siêu việt nhất. Cảnh giới Niết Bàn có thể đạt tới trong khi con người đang sống ở thế gian này.

245. Hỏi: Hãy kể 10 đại phiền não (chướng ngại) cho sự tu hành, gọi là Thập Sử (Sanyojanas).

Đáp: Thân kiến (Sakkàya-ditthi); Nghi (Vicikicchà); Giới Cấm Thủ Kiến (Silabbata-paràmãsa); Tham Dục (Kàma); Sân Nhuế (Patigha); Tham Sắc Giới (Rũparàga); Tham Vô Sắc Giới (Arùparàga); Mạn (Màma); Kiến Thủ Kiến (Uddhacca) và Vô Minh (Avijjà).

246. Hỏi: Để thành bậc A La Hán (Arhat), bao nhiêu điều trong Thập Sử này cần phải diệt trừ?

Đáp: Tất cả.

247. Hỏi: Ngũ cái hay Nivàranas (năm thứ phiền não che lấp tâm tính) gồm những gì?

Đáp: Tham Dục, Sân Nhuế (giận hờn), Thụy Miên (biếng nhác, mê ngủ), Trạo Hối (xao động nơi tâm) và Nghi Ngờ (chánh pháp).

248. Hỏi: Tại sao chúng ta thấy có sự phân loại chi tiết về những cảm giác, sự thúc đẩy, hoạt động của tâm, những phiền não và trợ duyên cho sự tiến tu được nói đến quá nhiều trong giáo lý Đức Phật? Điều ấy có làm rối rắm cho người mới bắt đầu (học Phật) hay không?

Đáp: Nó giúp chúng ta thành tựu sự hiểu biết chính mình, bằng cách luyện tập tâm của chúng ta quan sát tỉ mỉ mọi vấn đề. Nhờ tu theo phương pháp tự phản (xét mình) này, cuối cùng chúng ta đạt tới sự giác ngộ và thấy rõ chân lý đúng như thật. Đây là đường lối mà các bậc minh sư giúp đỡ để phát triển tâm linh cho đệ tử của mình.

249. Hỏi: Đức Phật có bao nhiêu đệ tử nổi danh về các đức tính siêu việt của họ?

Đáp: Ngài có 80 đệ tử xuất chúng như vậy, gọi là 80 vị Đại Thanh Văn (Asiti-Maha-Savakas). 

250. Hỏi: Trí tuệ của Đức Phật bao gồm những khả năng gì? 

Đáp: Đức Phật giác ngộ bản chất của những điều Khả Tri (có thể biết) và Bất Khả Tri (không thể biết), Có thể có và Không thể có; nguồn gốc của (nghiệp) Thiện và Bất thiện. Ngài có thể thấy rõ những ý tưởng của tất cả mọi người; thấu triệt các định luật Thiên Nhiên, sự giả dối của những giác quan và phương pháp chế ngự các dục vọng; Ngài cũng có thể nhận biết sự sanh ra và luân hồi của mỗi cá nhân và những sinh vật khác.

251. Hỏi: Nguyên lý căn bản mà trên đó toàn bộ giáo pháp của Đức Phật được xây dựng, chúng ta gọi là gì?

Đáp: Đó là Lý Thập Nhị Nhân duyên (Patica Samuppàdà) [22].

252. Hỏi: Giáo pháp này có dễ dàng hiểu biết không?

Đáp: Đó là giáo lý khó hiểu nhất; thật vậy, ý nghĩa rốt ráo và thâm huyền của nó vượt ngoài trí năng(con người) đến nỗi khó có thể thấu triệt hoàn toàn.

253. Hỏi: Nhà đại luận sư Phật Minh (Buddha Ghosha) bày tỏ thế nào về giáo pháp của Đức Phật?

Đáp: Ngài cảm thấy bơ vơ giữa đại dương của nền tư tưởng (cao siêu) này như người đang trôi giạt trên biển cả. 

254. Hỏi: Nhưng tại sao Đức Phật lại dạy trong kinh Bát Niết Bàn (Parinibbana Sutta) rằng Ngài “không làm điều ấy, như vị thầy nắm chặt bàn tay giấu một vật gì”. Nếu toàn bộ giáo lý của Đức Phật được khai mở cho tri kiến của mọi người, tại sao nhà luận sư tài đức và thông bác như Ngài Phật Minh lại bảo rằng rất khó thấu hiểu Phật giáo?

Đáp: Đức Phật rõ ràng muốn nói rằng Ngài đã chỉ dạy hết mọi điều, nhưng nền tảng thật sự của Phật Pháp chắc chắn là chỉ Đức Phật là đấng có đầy đủ khả năng trí tuệ mới có thể thấu triệt. Cho nên Phật Giáo với những người thường chưa giác ngộ, họ không thể hiểu biết được.

255. Hỏi: Giáo lý Đức Phật tán đồng ý kiến này như thế nào?

Đáp: Đức Phật đã quan sát tâm niệm mỗi người để thuyết pháp cho thích hợp với căn cơ của từng cá nhân và sự phát triển tinh thần của người nghe pháp.
 



tải về 0.55 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương