PHẬt giáo vấN ĐÁp the Buddhist Catechism



tải về 0.55 Mb.
trang1/5
Chuyển đổi dữ liệu16.10.2017
Kích0.55 Mb.
#33752
  1   2   3   4   5
 PHẬT GIÁO VẤN ĐÁP
The Buddhist Catechism
H.S. Olcott - HT. Thích Trí Chơn dịch

Nguồn http://www.thuvienhoasen.org

Chuyển sang ebook 17-5-2009

Người thực hiện : Nam Thiên – namthien@gmail.com

Link Audio Tại Website http://www.phatphaponline.org
Mục Lục

LỜI GIỚI THIỆU

Phật Pháp được trường tồn và phát triển không ngừng, phần lớn đều do sự hy sinh hoằng pháp của các bậc chân tu thạc học từ thế hệ này tiếp nối thế hệ khác. Mạng mạch của đạo pháp hưng thạnh hay suy vi đều tùy thuộc vào sự nghiệp hoằng pháp. Chúng ta hãy nhìn sâu vào đời sống của Đức Phật, Ngài đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, đó là bằng chứng hùng hồn và chắc thật nhất.

Đặc biệt, trong bối cảnh của người Việt tỵ nạn ly hương, theo đó, hướng đi của đạo pháp cho một tương lai sáng sủa, thì việc hoằng pháp phải được đặt lên hàng đầu, trên một căn bản vững chắc và rộng rãi về lâu về dài. Nhưng sự hoằng pháp ở hải ngoại này không phải đơn thuần như khi còn ở quê nhà “một dân tộc Việt, một ngôn ngữ Việt” là đủ. Sức sống của đạo pháp ở hải ngoại không thể nào chỉ bằng vào những ngôi chùa tạm bợ, những người thờ ơ đối với trách nhiệm hoằng pháp. Để khỏi mất gốc, mất nguồn về niềm tin truyền thống dân tộc, điều quan trọng trong sự nghiệp hoằng pháp hiện nay là phải làm sao đáp ứng nhu cầu thông hiểu Phật pháp của tuổi trẻ Việt Nam không thành thạo tiếng Việt nói riêng; nói chung là cho cả những người muốn nghiên cứu giáo lý đức Phật bằng Anh ngữ. Từ nhận định đó, kinh sách Phật giáo song ngữ Việt-Anh là điều cấp thiết trước mắt cho việc duy trì và phát triển Phật giáo cùng văn hóa đạo đức dân tộc ở hải ngoại hiện tại và tương lai. 

Phật Học Viện Quốc Tế ngay từ buổi đầu mới thành lập đã đặt vấn đề hoằng pháp và đào tạo Tăng tài lên hàng đầu. Viện đã kiên nhẫn khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm tái bản những kinh sách Phật giáo giá trị và đồng thời cũng đã trù liệu cụ thể kế hoạch thực hiện những kinh sách Phật giáo song ngữ Việt-Anh để đáp ứng nhu cầu thanh thiếu niên học Phật. Tuy chưa mãn nguyện, nhưng điều này quý vị cũng đã thấy rải rác trong các thư mục sách báo của Phật Học Viện. Sự trở ngại khó khăn trong công cuộc hoằng pháp của Phật Học Viện, ngoài vấn đề tài chánh và nhân sự ra, kinh sách song ngữ là một trong những vấn đề khó thực hiện nhất. Điều này có lúc tưởng chừng như bế tắc. Thì hôm nay, Viện chúng tôi hân hạnh trao tác phẩm “Phật Giáo Vấn Đáp” (The Buddhist Catechism) của học giả H.S. Olcott là dịch phẩm song ngữ giá trị đầu tiên này đến quý vị.

Tác phẩm “The Buddist Catechism” là một tác phẩm giá trị đã được dịch ra nhiều thứ tiếng các nước trên thế giới, nhưng được dịch ra tiếng Việt thì đây chỉ mới là lần đầu tiên do Thượng Tọa Tiến Sĩ Thích Trí Chơn thực hiện. 

Giá trị của tác phẩmkhông những chỉ về nhân cách của tác giả, mà bởi nội dung của nó rất là quảng bác và hàm súc; có khả năng kết thúc được những thắc mắc căn bản về Phật giáo, và dẫn đạo cho những ai muốn tiến bước trên đường quang lộ tìm chân lý. Tôi tin tưởng rằng, sau khi đọc chính bản Anh ngữ hoặc dịch bản Việt ngữ, độc giả sẽ vơi nhẹ đi những băn khoăn thắc mắc đã chất chứa từ lâu trong óc não trên đường tìm đến đạo Phật. 

Dịch giả, Thượng Tọa Thích Trí Chơn vốn ấu niên xuất gia, đã du học ở Ấn Độ mười hai năm, đỗ bằng tiến sĩ Triết học Phật giáo, với kiến thức thông bác Phật điển; với sự kiên tâm âm thầm nghiên cứu, dịch thuật công phu, với lời văn trong sáng gọn đủ, hy vọng độc giả sẽ cảm thấy tinh thần phấn khởi, tâm thức khai thông khi đọc dịch phẩm giá trị này. 

Nơi đây, tôi xin chân thành tán thán công đức của dịch giả và thành tâm khấn nguyện cùng mọi người chân chánh phát Bồ đề tâm noi theo gương đức Phật, hướng khả năng mình cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, ngõ hầu mình và người được an lành lợi lạc trên bước đường tiến đến giác ngộ giải thoát.

Hoa Kỳ, Vu Lan Đinh Mão 1987 

THÍCH ĐỨC NIỆM


 

LỜI NGƯỜI DỊCH 

Nhằm đáp ứng nhu cầu của số đông độc giả Phật tử Việt Nam tại hải ngoại đang cần có tài liệu trau giồi Phật Pháp bằng tiếng Anh để dùng nói chuyện, hay có thể trình bày tóm lược về giáo lý đạo Phật với người ngoại quốc cũng như giúp các học sinh, sinh viên Phật tử đang theo học ở các trường trung, đại học tại Hoa Kỳ thông hiểu một số danh từ Phật học Anh ngữ chuyên môn để có thể soạn viết những bài luận văn, thuyết trình ngắn (papers) hoặc diễn đạt, trao đổi ý tưởng về Phật giáo với các bạn bè ngoại quốc và giáo sư Mỹ trong lớp, chúng tôi đã không ngại tài trí thô thiển cố gắng soạn dịch cuốn “Phật Giáo Vấn Đáp” (The Buddhist Catechism) sau đây để cống hiến chư Phật tử gần xa.

Tác phẩm do Phật tử người Hoa Kỳ, đại tá kiêm học giả H.S.Olcott (1832-1907) biên soạn, tham cứu từ 15,000 trang kinh điển Phật giáo, gồm có tất cả 383 câu hỏi và trả lời tóm lược về mọi yếu điểm của Phật giáo từ cuộc đời Đức Phật, giáo lý, sinh hoạt chư Tăng, đến lịch sử truyền bá cùng sự tương quan giữa Phật giáo và khoa học v.v… Mặc dù nơi bản chính Anh văn ghi 383 câu hỏi nhưng thật sự chỉ có 381 câu, vì thiếu hai (2) câu số 104 và 105. Và, để quý độc giả tiện đối chiếu với nguyên tác, nơi bản dịch, chúng tôi vẫn ghi đủ số 383 câu hỏi như nguyên bản tiếng Anh. Cuốn “The Buddhist Catechism” xuất bản lần đầu tiên năm 1881 tại Adyar (Ấn độ) và bản tiếng Anh được tái bản lần thứ 33 ( năm 1897); thứ 36 (1903); thứ 40 (1905); thứ 42 (1908); và lần thứ 44 (1915).

Từ đó (1915) đến nay, tác phẩm này đã được các nhà xuất bản, hội đoàn Phật giáo tại Hoa Kỳ và những quốc gia khác cho in lại nhiều lần nhằm mục đích truyền bá giáo lý của đức Phật đến người Tây Phương khắp nơi trên thế giới. Cuốn sách cũng đã được dịch ra ít nhất 20 ngôn ngữ của các nước Á và Âu Châu như Ấn Độ, Tích Lan, Pháp, Đức, Nga, Ý Đại Lợi và Tây Ban Nha v.v… Hơn nữa, tác phẩm trên không những khoảng 90 năm trước đây (1897) mà ngay cả hiện nay, nó vẫn còn được dùng làm tài liệu căn bản để dạy Phật Pháp bằng Anh văn cho đa số học sinh, sinh viên và chư Tăng tại hàng trăm trường trung, đại học Phật giáo cũng như các chùa, Phật học viện ở Tích Lan, Ấn Độ, Mã Lai, Tân Gia Ba, và nhiều quốc gia Á Châu khác.

Vì nhận thấy lợi ích thiết thực như thế, nên lần đầu tiên, chúng tôi cố gắng dịch tập sách này ra tiếng Việt, mong đóng góp phần nhỏ vào kho tàng văn hóa Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại; cũng như để giúp cho các Phật tử, nhất là giới trẻ thanh, thiếu niên Việt Nam tại Hoa Kỳ, cùng các quốc gia Úc và Âu Châu có thêm tài liệu Phật Giáo bằng song ngữ Anh-Việt để tiện bề nghiên cứu. Chúng tôi dịch xong cuốn sách từ mùa hè năm 1986, nhưng vì thiếu nhân duyên nên đến nay, nó mới được in ra để gởi đến quý vị.

Chúng tôi cũng xin thưa, ngạn ngữ Pháp có câu: ”Dịch là phản bội” (Traduire c’est trahir), nhất là dịch sách Phật giáo, chứa đựng triết lý thâm sâu lại đầy dẫy những thuật ngữ tiếng Pali và Sanskrit (Phạn) khó hiểu; cho nên, mặc dù đã hết sức tra cứu trong hoàn cảnh thiếu thốn tự điển về danh từ Phật học bằng tiếng Việt-Pali-Sanskrit như hiện nay tại hải ngoại, chúng tôi chắc chắn sẽ không tránh khỏi có những lỗi lầm, sơ sót.

Chúng tôi mong dịch làm sao vừa sát nghĩa câu văn của nguyên bản, vừa lột hết ý của tác giả được chừng nào hay chừng ấy, để quý độc giả khi đọc không thấy đó là bản dịch. Có những trường hợp, vì muốn được rõ nghĩa, nên chúng tôi đã phải thêm vào sau câu văn dịch vài chữ đặt trong hai dấu ngoặc. Hầu hết các danh từ Phật giáo về triết lý, nhân hoặc địa danh tiếng Pali và Sanskrit (Phạn), chúng tôi đều dịch ra Việt ngữ, và có ghi kèm sau cả những tiếng Pali, Sanskrit đó để giúp quý độc giả tiện bề tra cứu.

Riêng bản Phụ Lục (Appendix) phần sau cuốn sách này, chúng tôi chỉ dịch “Mười bốn (14) điều Tin Tưởng Căn Bản của Phật Giáo” ở trên mà thôi; còn đoạn dưới liệt kê danh tánh của quý Chư Tăng, Phật tử đại diện những phái đoàn các nuớc đến tham dự đại hội Phật giáo tổ chức tại Adyar, Madras (Ấn độ) vào tháng 01 năm 1891, (trang 92, 93, và 94), chúng tôi đã không dịch vì nhận thấy không mấy cần thiết.

Tiện đây, chúng tôi xin chân thành cám ơn Thượng Tọa Thích Đức Niệm, Giám Đốc Phật Học Viện Quốc Tế đã hết lòng khích lệ, góp nhiều ý kiến bổ ích, và nhất là giúp đỡ chúng tôi phương tiện để ấn hành dịch phẩm này.

Sau cùng, chúng tôi kính mong quý chư tôn, thiền đúc; pháp hữu ân nhân cùng các bậc cao minh thức giả sẽ vui lòng bổ chính cho những sai lầm, thiếu sót, nếu có; để nhờ đó, sau này cuốn sách sẽ được hoàn chỉnh, đầy đủ hơn trong kỳ tái bản. 

Hoa Kỳ, mùa Vu Lan 2531 (1987)

THÍCH TRÍ CHƠN
 
 

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA TÁC GIẢ


HENRY STEEL OLCOTT 

H.S. Olcott sinh ngày 02-08-1832 tại quận Orange, tiểu bang New Jersey ( Hoa Kỳ). Là một học giả Phật giáo uyên thâm và ký giả tài ba, ông từng phục vụ với chức Đại tá trong quân lực Hoa Kỳ. Năm 1875, ông gặp bà H.P. Blavatsky (1831-1891) một Phật tử người Nga tại nông trại anh em ông Eddy ở Chittenden (New York).Đây là cuộc hội ngộ lịch sử vì từ đó, dưới sự hướng dẫn của bà Blavatsky, đại tá Olcott đã hiểu biết Phật giáo. Cũng trong năm 1875, cả hai người hợp tác thành lập Hội Thông Thiên Học (Theosophical Society) tại New York.

Nhằm mục đích chấn hưng chánh pháp đang suy đồi tại Tích Lan gây nên bởi chính sách ngược đãi Phật giáo của các chính quyền thực dân Thiên Chúa Giáo Bồ Đào Nha (1505-1658), Hòa Lan (1658-1796)vàAnh Quốc (1796-1947)trong suốt  gần 4 thế kỷ; ngày 17-05-1880 bà Blavatsky cùng đại tá Olcott đến Galle, một hải cảng miền Tây nam Tích Lan, với sự tiếp đón nồng nhiệt của hàng ngàn dân chúng địa phương. Tuần sau, sáng ngày 25-05-1880, cả hai đã phát nguyện đi theo con đường giác ngộ của Đức Phật, và xin thọ trì tam quy ngũ giới với Thượng Tọa Bulatgama tại chùa Wijayananda. Buổi lễ đã gây xúc động cho hàng ngàn chư Tăng và Phật tử hiện diện, vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử, lễ quy y cho người Phật tử Âu Mỹ (da trắng)được tổ chức tại Tích Lan. 

Vào lúc ấy, Olcott trình bày ý kiến cho cấp lãnh đạo Phật giáo Tích Lan biết rằng muốn chấn hưng, phát huy chánh pháp tại xứ này để chống lại những hoạt động đàn áp, kỳ thị của chính quyền và các tổ chức Thiên Chúa giáo, việc trước tiên cần làm là nên mở các trường Phật giáo dùng Anh Văn làm chuyển ngữ, để dạy dỗ cho các trẻ em Tích Lan. Với sự ủng hộ đắc lực của giáo hội Tăng già và nhiều cư sĩ Phật tử lãnh đạo, ngày 17-06-1880, ông đứng ra thành lập đầu tiên hội Phật giáo Thông Thiên Học (The Buddhist Theosophical Society) và sau này hội đã phát triển xây dựng được 7 chi nhánh khắp nơi trong nước. Mục đích chính của hội nhằm kết hợp các công nhân Phật tử không phân biệt giai cấp hay chức vị, thành một khối thống nhất để góp phần tích cực trong việc thiết lập các trường học Phật giáo và giúp đỡ hàng dân chúng Phật tử nghèo địa phương. 

Khi Olcott mới đến Tích Lan, khắp toàn quốc không có một trường học Phật giáo nào dạy tiếng Anh nhận được sự tài trợ của chính phủ. Trong khi đó, các đoàn truyền giáo Thiên Chúa gồm cả Giáo hội La Mã, với sự giúp đỡ của chính quyền, họ xây dựng được tất cả 800 trường học. Để ngăn chận không cho Phật giáo thiết lập cơ sở giáo dục, giới hữu trách bấy giờ đã ban hành nhiều luật lệ khắt khe như muốn mở trường phải có giấy phép của vị thống đốc (Governor) chính quyền Anh cấp và “không trường nào hội đủ điều kiện nhận sự giúp đỡ của chính phủ, trừ phi trường đó mỗi ngày vào giờ đầu có giảng dạy Kinh Thánh” (No school was eligible for grants of aid from the government unless it devoted the first hour of the day to the teaching of the Bible). 

Vào những năm 1880 và 1882, Olcott cùng với thanh niên David Hewanitarne (sau này là cố Đại Đức Angarika Dharmapala: 1864-1933) làm thông dịch, đã dùng xe bò hoặc đi bộ từ làng này qua làng kia khắp thôn quê để thuyết giảng kêu gọi mọi người quay về theo giáo lý của đức Phật; và cổ động quần chúng đóng góp gây quỹ kiến thiết các trường học Phật giáo. Do nỗ lực này của ông, hội Phật giáo Thông Thiên Học nói trên, năm 1897 đã thành lập được 25 trường nam, 11 trường nữ và 10 trường nam lẫn nữ. Đến năm 1903, Hội xây dựng được 174 trường với khoảng 30,000 học sinh, và năm 1940 khắp toàn quốc số các trường tăng lên tới 429 trong đó có 12 trường Trung Học. Hiện nay các trường này đều do chính phủ kiểm soát và tài trợ. 

Không những chỉ có ở Tích Lan mà đại tá Olcott còn vận động hô hào thành lập các trường học Phật giáo tại nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Thái Lan, Miến Điện và Ấn Độ. Ngoài ra, để giúp Giáo hội Phật giáo Tích Lan có nơi diễn đàn nói lên tiếng nói của mình trong cộng đồng Phật tử, nhất là đối với dư luận quần chúng khi bị chính quyền Thiên Chúa đàn áp, Olcott đã khuyến khích hội Phật giáo Thông Thiên Học vào tháng 12 năm 1880 cho ra tờ “Sarasavi Sandarasa” mà về sau nó biến thành tạp chí tiếng Anh “The Buddhists” (Phật tử) do Hội “Thanh niên Phật giáo” (Young Men’s Buddhist Association) xuất bản hàng tháng và hiện nay vẫn còn tiếp tục. 

Giữa lúc mọi người Châu Âu sống hoàn toàn cách biệt với dân bản xứ, đạo hữu Olcott đứng trong hàng ngũ của đại đa số chư Tăng và quần chúng Phật tử Tích Lan bị đàn áp, ông sang Anh quốc đại diện cho họ, nhiều lần tranh đấu để giành lại quyền lợi cho Phật giáo tại xứ này. Kết quả là năm 1885, lần đầu tiên ngày lễ Phật Đản Rằm tháng 04 – Vesak ( khoảng tháng 05 dương lịch) được chính quyền thực dân Anh công nhận như ngày lễ công cộng (public day) mà trước kia điều này chỉ đặc ân dành cho các ngày lễ của Thiên Chúa Giáo. 

Năm 1889, cùng với Thượng Tọa H. Sumangala (Tích Lan), đại tá Olcott phỏng theo 6 màu hào quang của đức Phật (xanh, vàng, đỏ, trắng, da cam và màu tổng hợp của 5 màu vừa kể) đã phát họa mẫu cờ Phật giáo mà ý nghĩa theo lời ông phát biểu “Nó có thể được tất cả các nước Phật giáo chấp nhận như một biểu tượng quốc tế cho tín ngưỡng của họ, giống như cây thánh giá đối với những tín đồ đạo Thiên Chúa” (The flag which could be adopted by all Buddhist nations as the Universal symbol of their faith, thus serving the same purpose as the cross does for all Christians). Lá cờ này đã được treo lần đầu tiên ở các chùa Tích Lan, vào dịp lễ Phật đản năm đó (1889) và 61 năm sau, nó được chính thức công nhận làm cờ Phật giáo thế giới tại đại hội Phật giáo Quốc Tế tổ chức họp ở Colombo (thủ đô Tích Lan) năm 1950. Hiện nay lá cờ được gần 80 quốc gia sử dụng trong các ngày lễ Phật giáo trên toàn thế giới.

Đại tá Olcott cũng góp phần vào công cuộc phát triển chấn hưng Phật giáo tại nhiều nước Âu và Á châu khác. Năm 1885, đại tá đầu tiên sang thăm, thuyết giảng nhiều nơi công cộng tại Miến Điện (Burma); và trước khi rời xứ này, ông đã thành lập ở Ngưỡng Quang (Rangoon) 3 chi nhánh của Hội Thông Thiên Học cho 3 đoàn thể Phật giáo, Ấn Độ giáo và người Châu Âu. Ông cũng đã 2 lần sang viếng thăm Nhật Bản. Lần đầu năm 1888, ông đi khắp nơi thuyết trình ít nhất 70 bài giảng tại các chùa, trung tâm, hội đoàn Phật giáo Nhật trong vòng 3 tháng với tổng số khoảng 187,000 người đến dự thính. Lần thứ 2, ông thực hiện được một công tác quan trọng là đã mang lại sự hòa hợp, đoàn kết giữa các tông phái Phật giáo của Đại Thừa (Bắc tông) Nhật Bản, Đại Hàn (Korea), Trung Hoa, Tây tạng v.v…với Tiểu Thừa (Nam tông) Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan và Lào quốc (Laos)v.v... bằng cách dẫn chứng, nêu lên những giáo lý căn bản tương đồng giữa các tông phái Phật giáo nói trên. 

Năm 1886, ông thành lập tại thị trấn Adyar, tiểu bang Tamil Nadu (miền Nam Ấn) một thư viện lớn, nơi hiện lưu giữ nhiều kinh sách giá trị về Phật giáo và các tôn giáo khác trong đó có khoảng 17,584 tác phẩm chép bằng tay trên lá bối. Ngày nay, đa số học giả Ấn Độ và Tây Phương thường đến đây để sưu tập những tài liệu rất hiếm về các tôn giáo lớn trên thế giới. Đại tá Olcott mất tại Adyar (Ấn độ) ngày 17-02-1907, để lại các tác phẩm:

1. The Buddhist Catechism (Phật Giáo Vấn Đáp), xuất bản đầu tiên năm 1881;


2. Old Diary Leaves (Những trang nhật ký cũ) gồm 6 tập (1928-1935). 

THÍCH TRÍ CHƠN


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. “Buddhism in Ceylon”, Its Past and Present by H. R. Perera, Kandy, Sri Lanka, 1960.

2. ”The Buddhist Revival in the 19th Century” by Olcott Gunasekera in DIAMOND JUBILEE 2462-2522 (All Ceylon Buddhist Congress), Colombo, Sri Lanka.

3. “The Betrayal Of Buddhism”: An abridged Version of the Report of the Buddhist Committee of Inquiry 2499/1956, Colombo, Sri Lanka.

4. “Anagara Dharmapala – His Life and Personality” by Andrew Scott in THE MAHA BODHI, Vol.75, Nos.10-11 (1967), Calcutta, India.

5. “Colonel H. Steel Olcott – An American loved by Asians” by Dr. Buddhadassa P. Kirthisinghe in THE MAHA BODHI, Vaisakha Number, Vol. 83, Nos. 4-5 (1975), Calcutta, India.

6. “The Medieval History of Buddhism in Sri Lanka” by N.A. Jayawickrama in BUDDHA MARGA, Vesak Annual, Colombo, Sri Lanka, 1980.
 

LỜI ĐỀ TẶNG

Để tỏ lòng kính mến, tôi xin tặng cuốn “Phật Giáo Vấn Đáp” (The Buddhist Catechism), đã được tu chỉnh này, đến bậc đạo sư và là bạn của tôi trong nhiều năm qua, Trưởng Lão Hikkaduwe Sumangala, trụ trì ngôi chùa trên đồi Adam (Sripada), cùng lãnh đạo Phật giáo khu vực miền Tây (Tích Lan). 

H. S. Olcott


Adyar, 1903
 

GIẤY CHỨNG NHẬN
LẦN XUẤT BẢN ĐẦU TIÊN

Đại Học Vidyodaya,


Colombo, ngày 07-07-1881

Tôi chứng nhận rằng, tôi đã duyệt xét kỹ lưỡng bản dịch tiếng Tích Lan (Sinhalese) cuốn sách Phật Giáo Vấn Đáp do Đại tá H.S Olcott biên soạn, và nó phù hợp với kinh điển của giáo lý Phật giáo Nam Tông. Tôi xin giới thiệu tác phẩm đến những giáo sư tại các trường Phật giáo, và với tất cả độc giả nào muốn phổ biến giáo lý đến hạng người mới bắt đầu, những đặc điểm căn bản về tôn giáo của chúng ta.

H.SUMANGALA

Viện Trưởng Đại Học Vidyodaya, Pirivena.


 

Đại Học Vidyodaya,


Ngày 07-04-1897

Tôi đã duyệt xét ấn bản tiếng Anh lần thứ 33 của cuốn sách Phật Giáo Vấn Đáp, với sự giúp đỡ của các nhà phiên dịch, và xác nhận sự giới thiệu cho việc dùng nó tại các trường Phật giáo.


H. SUMANGALA
ĐỀ TỰA
LẦN XUẤT BẢN THỨ BA MƯƠI BA

Trong việc sửa soạn lại bản chính, tôi đã thêm nhiều câu hỏi và trả lời vào nguyên bản của cuốn Phật Giáo Vấn Đáp trong mỗi lần tái bản bằng Anh Văn, để tùy ý các dịch giả dịch cuốn sách ra bất cứ tiếng bản xứ khác nào mà nó có thể dịch được. Mục đích khiêm tốn này là nhằm trình bày sự tóm tắt ngắn gọn, nhưng bao quát về lịch sử, đạo đức và triết học Phật giáo để những người mới bắt đầu có thể thấu hiểu và lãnh hội được giáo pháp cao siêu mà Đức Phật đã dạy, cũng như giúp họ dễ dàng hơn trong sự học hỏi chi tiết giáo lý đó. Trong bản in lần này, một số lớn câu hỏi và trả lời mới được thêm vào, trong khi đó nội dung được phân chia thành nhóm theo 5 tiết mục: 1) Cuộc đời của đức Phật; 2) Giáo lý; 3) Tăng già; 4) Tóm lược lịch sử Phật giáo, các đại hội kiết tập, và sự truyền bá của nó; 5) Sự hòa hợp giữa Phật giáo và khoa học. 

Điều này, tôi tin tưởng rằng sẽ làm tăng thêm lớn lao giá trị của tập sách nhỏ, và khiến nó thích hợp hơn để dùng tại các trường Phật giáo, trong đó ở Tích Lan, hơn 100 trường đã được dân chúng Tích Lan mở ra, dưới sự giám sát tổng quát của Hội Thông Thiên Học. Sửa soạn lần tái bản này, tôi đã nhận sự giúp đỡ quý báu của vài người bạn đồng nghiệp Tích Lan thâm niên và đủ tư cách nhất. 

Bản chính đã được duyệt xét lại cùng với tôi từng chữ bởi vị Tỳ kheo (bhikkhu) kiêm học giả H, Sumangala và vị Phó Viện Trưởng trường Đại Học Pali ở Tích Lan, ông Heyantuduve Anunayaka Terunanse; và Thượng Tọa (Sumangala) cũng đã hoan hỷ xem lại kỹ luỡng sự hiệu chính này và cho tôi nhiều ý kiến vô giá. Cho nên, nó có giá trị của sự trình bày đứng đắn về Phật giáo thuộc “Nam Tông” thu nhận cốt yếu từ những tài liệu trực tiếp. Cuốn Phật Giáo Vấn Đáp này đã được xuất bản đến 20 thứ tiếng, chính bởi những người Phật tử và cho các Phật tử. 

H. S. Olcott
Adyar, ngày 17-05-1897
 

ĐỀ TỰA
LẦN XUẤT BẢN THỨ BA MƯƠI SÁU

Sự phổ biến của tập sách nhỏ này dường như không sút giảm, lần xuất bản này tiếp theo lần tái bản khác đã được đòi hỏi. Trong lúc ấn bản hiện nay đang in, thì bản in tiếng Đức lần thứ hai, dịch lại bởi nhà học giả Dr. Erich Bischoff được phát hành tại Leipzig do nhà xuất bản Griebens Co., và bản dịch Pháp ngữ lần thứ ba bởi người bạn và đồng nghiệp của tôi, thiếu tá D.A. Courmes, đã có sẵn sàng tại Ba Lê (Paris). Bản dịch mới tiếng Tích Lan cũng đang sửa soạn tại Colombo. Thật là điều rất hài lòng đối với một Phật tử công khai như tôi để đọc, thấy điều quá chân thành của một học giả như ông G. R. S. Mead, tác giả cuốn “Fragments of a Faith Forgotten”, “Pistis Sophia”, và nhiều tác phẩm khác về nguồn gốc Thiên Chúa, chú ý đến giá trị của sựbiên soạn (cuốn Phật Giáo Vấn Đáp). Ông ta đã viết trong tạp chí Thông Thiên Học: “Tác phẩm đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng khác nhau, và có thể nói mà không có gì quá đáng mâu thuẩn, là công cụ tích cực nhất trong việc truyền bá Phật giáo cho thời gian nhiều ngày trong biên niên sử của nền giáo pháp mơ màng dài lâu đó. Ít nhất, các Phật tử Tích Lan có thể đền trả món nợ của lòng tri ân mà họ đã mang ơn Đại Tá Olcott cùng những thành viên khác của Hội Thông Thiên Học đã phục vụ cho người Tích Lan, và vươn lên để làm rạng rỡ cho chính nguồn gốc và đạo giáo của họ”.

Như thế, công tác tiếp tục, và nhờ ở cơ quan khiêm tốn này, những lời dạy của Phật Pháp đang được truyền bá trên khắp thế giới.

H.S. Olcott


Adyar, ngày 07-02-1903
 
ĐỀ TỰA
LẦN XUẤT BẢN THỨ BỐN MƯƠI

Tính cách đại chúng của tập sách nhỏ này được chứng tỏ qua sự không ngừng đòi hỏi những lần tái bản bằng Anh văn và các ngôn ngữ khác. Nhìn vào nội dung của lần xuất bản hiện nay, tôi thấy rất ít có sự thay đổi hoặc bổ túc thêm vào,vì tác phẩm chứng tỏ sự trình bày một ý kiến rất chính xác về nội dung của nền Phật giáo Nam Tông; và như mục đích của tôi là không bao giờ viết một bài tiểu luận dài cho vấn đề, tôi kiềm chế sự cám dỗ đi ra ngoài đề trong việc bàn rộng đến những chi tiết, mặc dù thích thú đối với sinh viên của môn học tôn giáo tỷ giảo, nhưng vô ích trong việc sắp đặt hợp lý cho sự hướng dẫn sơ đẳng.

Bản dịch mới tiếng Tích Lan (lần xuất bản thứ 38) đang sửa soạn do người bạn đáng kính của tôi, ông D. B. Jayatilaka. Viện trưởng trường Đại học Phật giáo Ananda tại Colombo, đã in được một phần, nhưng không thể hoàn tất cho đến khi ông ta đượcgiảm bớt một vài sự thúc bách về thời giờ của ông. Bản dịch tiếng Tamil (ấn bản lần thứ 41) đã được thực hiện bởi các nhà lãnh đạo của cộng đồng Panchama tại Madras (Ấn Độ) và sẽ được phát hành một ngày gần đây. Bản dịch tiếng Tây Ban Nha (lần xuất bản thứ 39), đang nằm trong tay bạn của tôi, ông Senor Xifre, và bản dịch tiếng Pháp (in đến lần thứ 37) hiện có nơi Thiếu Tá Courmes.

Tôi sợ chúng tôi sẽ phải chờ đợi lâu về sự giúp đỡ của các nhà sư Phật giáo, phần lớn từ những vị trí thức của Tích Lan, ít nhất tôi đã không có thể, trong thời gian 20 năm mật thiết trao đổi để kích động sự nhiệt tâm của họ. Tôi thấy dường như luôn luôn không thích hợp cho một người Hoa kỳ, không uyên bác bao nhiêu, đáng được cho dân chúng Tích Lan mong chờ, trong việc giúp những người nầy dạy Phật Pháp cho các con em của họ; và tôi nghĩ rằng tôi đã nói trong lần xuất bản trước đây, tôi chỉ bằng lòng viết cuốn Phật Giáo Vấn Đáp, sau khi tôi nhận thấy rằng không có một Tỳ kheo nào chịu làm điều đó. Mặc dù chưa hoàn hảo, ít ra tôi có thể bảo rằng cuốn sách chứa đựng đựng tinh hoa của khoảng 15,000 trang kinh điển Phật giáo mà tôi đã đọc liên hệ đến tác phẩm của tôi.

H.S. Olcott
Adyar, ngày 07-01-1905
 
 
 

ĐỀ TỰA LẦN XUẤT BẢN THỨ BỐN MƯƠI HAI

Tác giả tập sách Phật Giáo Vấn Đáp này đã từ giã cõi đời, nhưng trước khi từ trần, ông ta đã sắp xếp với Thượng tọa Sumangala, thực hiện một vài sự sữa chữa nhỏ trong cuốn sách. Những điều nầy được bổ túc vào ấn bản hiện nay do ýmuốn của Thượng Tọa (Sumangala) đã bày tỏ với tôi tại Colombo, tháng 11 năm 1907. 

Tôi đã không sửa đổi sự đánh số thứ tự của những câu hỏi, vì nó có thể gây nên sự nhầm lẫn trong lớp học về sự thay đổi các con số, nếu vài học sinh này có những ấn bản cũ hơn, và vài người khác lại dùng bản in mới.

 ANNIE BESANT


Adyar, ngày 17-02-1908

 



tải về 0.55 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương