PHẬt giáo và khoa học phúc Lâm Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay


(III) - PHẬT GIÁO VÀ CUỘC CÁCH MẠNG KHOA HỌC



tải về 0.74 Mb.
trang5/5
Chuyển đổi dữ liệu01.01.2018
Kích0.74 Mb.
#35304
1   2   3   4   5

(III) - PHẬT GIÁO VÀ CUỘC CÁCH MẠNG KHOA HỌC


Cuộc cách mạng khoa-học phát khởi ở Tây phương từ thế kỷ thứ 16, phát triển mạnh trong thế kỷ thứ 17, mở đầu bằng những tư tưởng và công trình khảo cứu của Nicolaus Copernicus (1473-1543), Giordano Bruno (1548-1600), Galileo Galilei (1564-1642), Johannes Kepler (1571-1630) v.v... Người ta gọi đó là 1 cuộc cách mạng khoa học, bởi vì nhờ đó mà Tây phương thoát ra khỏi cảnh tăm tối đã kéo dài gần 1000 năm, từ năm 476 tới năm 1473. Thời gian này thường được gọi là thời Trung Cổ và cũng còn được gọi là thời kỳ tăm tối hay thời kỳ hắc ám (Dark Ages). Chính trong khoảng thời gian này, Tây phương đã bị thống trị bởi một ý thức hệ tôn giáo độc tôn. Những giáo điều, tín lý của Công Giáo, tôn giáo của Tây phương, cộng với quyền hành của các lãnh tụ tôn giáo ở địa vị nắm quyền, hay liên kết với những chính quyền đương thời, đã ngăn chặn sự phát triển khoa học và tự do tư tưởng của con người. Mọi khám phá khoa học, mọi tư tưởng trái ngược với Thánh Kinh đều bị lên án là “lạc đạo" (heretics), phải diệt trừ. Do đó, cũng chính trong khoảng thời gian này, Tây phương phải chịu đựng 8 cuộc Thập Ác Chinh (Crusades) và hàng trăm ngàn các vụ xử án dị giáo (Inquisitions), với kết quả là nhiều triệu người gồm già, trẻ, lớn, bé, trai, gái đã bỏ mạng vì, hoặc bị tàn sát, có khi tập thể; hoặc bị tra tấn bởi những dụng cụ tra tấn kinh khủng nhất trong lịch sử nhân loại (Hơn 40 dụng cụ tra tấn dã man này hiện được trưng bầy trong 1 bảo tàng viện nhỏ tên là Medieval Dungeon trên đường Jefferson, khu Fisherman Warf, tại San Francisco); hoặc bị treo cổ, hoặc bị đốt sống v.v..., tất cả chỉ vì họ không chấp nhận hay có những tư tưởng ngược với Thánh Kinh. Thánh chiến và tòa án xử dị giáo là những sản phẩm đặc thù của Công Giáo ở Âu Châu, vì người ta không thể tìm thấy những thứ này trong lịch sử của bất cứ tôn giáo nào ở Đông phương, nhất là Phật Giáo. Đó là những vết tỳ ố không sao tẩy xóa được trong lịch sử loài người, dù Giáo hội Công giáo đã làm hết sức để quảng cáo cái bộ mặt giả nhân giả nghĩa ngụy trang dưới những chiêu bài như nhân quyền, từ thiện v.v.. với hi vọng làm cho thế giới ngày nay quên đi cái lịch sử tàn bạo của Giáo hội, đẫm máu và nước mắt của hàng triệu người vô tội.


Cuộc cách mạng khoa học đã gây nên hai ảnh hưởng to lớn: Trong giới khoa học, đó là khởi điểm của các tiến bộ khoa học hiện đại, vì từ đó các khoa học gia đã thoát ra khỏi sự thống trị tư tưởng của tôn giáo; trong xã hội đại chúng, đó là khởi điểm của sự đạp đổ nền độc tài tôn giáo và những giáo điều lỗi thời, vì những khám phá khoa học mới đã có tác dụng mở mang dân trí, chấm dứt 1000 năm tăm tối, giải phóng con người khỏi sự chuyên chế độc tài của giới giáo sĩ, điển hình là cuộc cách mạng năm 1789 tại Pháp mà kết quả là tước bỏ quyền hành của giới lãnh đạo Công giáo trong quần chúng, hay nói theo John E. Remsburg trong cuốn False Claims: “tước khỏi những bàn tay đẫm máu của Giáo hội Công Giáo những thanh gươm để giết người, và những bó củi để thiêu sống người.”. Để có một nhận định khách quan và trung thực về vấn đề trên, có lẽ chúng ta nên duyệt sơ sự diễn tiến của cuộc cách mạng khoa học, một cuộc cách mạng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Tây phương, được viết trong các sách giáo khoa mà bất cứ sinh viên đại học nào học về khoa học cũng phải biết.
Trong thời Trung Cổ, tuy cũng có những tiến bộ về khoa học và toán học, nhưng về nhân chủng học và vũ trụ học, tất cả đều dựa trên Cựu Ước trong Thánh Kinh, một cuốn sách viết bởi nhiều môn phái trong nhiều thế kỷ. Ngoài ra, Tân Ước cũng được viết bởi nhiều người trong nhiều thế kỷ sau khi Giê-su bị đóng đinh trên cái giá gỗ hình chữ thập. Tuy ngày nay, nhiều học giả nghiên cứu Thánh Kinh, và ngay cả những tín đồ Công giáo tiến bộ, có đầu óc suy luận và kiến thức về khoa học, đều công nhận là cuốn Thánh Kinh chứa đầy những huyền thoại góp nhặt từ các huyền thoại dân gian, đầy những sai lầm và mâu thuẫn, những tư tưởng dã man của thời bán khai với những cảnh giết chóc, tàn sát tập thể, loạn luân v.v... và hoàn toàn trái nghịch với những khám phá mới nhất đã được kiểm chứng của khoa học, nhưng vào thời Trung Cổ, cuốn Thánh Kinh đã được giới lãnh đạo Công giáo coi như chính là những lời của Thần của họ, do đó không thể sai lầm. Theo sự đoan quyết của các nhà thần học Công giáo, dựa trên Thánh Kinh, thì thế giới mà chúng ta đang sống là thế giới duy nhất do một vị thần mà họ gọi là Thượng Đế tạo ra, và trái đất là trung tâm của thế giới này. Mặt trời và các hành tinh khác đều do các thiên thần xoay vần xung quanh trái đất. Trên trái đất là 1 vòm trời cứng để giữ nước ở phía trên, có những cánh cửa mở để nước rơi xuống thành mưa theo hứng của Thượng Đế. Những sao trên trời là những ngọn đèn mà tối tối Thượng Đế sai các thiên thần mang ra treo. Vì đó là những lời của Thượng Đế trong Thánh Kinh nên bất cứ quan niệm nào không phù hợp với Thánh kinh đều bị coi là "tà thuyết" và, theo Thánh Philastre, đương nhiên "sai lầm đối với tín ngưỡng Công giáo" (Any other view, St. Philastrius declared "false to the Catholic faith" ("Science and Theology" by Andrew Dickson White).
Nhưng vào đầu thế kỷ 16, Nicolaus Copernicus, một nhà vũ trụ học người Ba Lan, đã đưa ra một khám phá mới: đó là, không phải là mặt trời và các hành tinh quay xung quanh trái đất, mà chính là trái đất và các hành tinh quay xung quanh mặt trời. Copernicus không dám phổ biến khám phá này như là một sự thực khoa học. Nhưng cuối cùng ông cũng xuất bản một cuốn sách: "Chuyển động quay của các thiên thể" (Revolutions of the Heavenly Bodies) trong đó có ghi những khám phá của ông. Để tránh cho Copernius những hậu quả khó có thể lường trước được, trong phần đề Tựa cuốn sách, bạn của Copernicus là Osiander đã khéo léo trình bày công trình khảo cứu của Copernicus như là một giả thuyết (hypothesis) hay là một nghịch lý (paradox). Nhưng, khi cuốn sách vừa được xuất bản thì Copernicus qua đời, vào năm 1543. Do đó Tòa Thánh cũng làm ngơ và cho phép các nhà thần học thỉnh thoảng được bàn tới "giả thuyết" của Copernicus. Sự chống đối trong giới khoa học tuy có nhưng chỉ ngấm ngầm, không ai dám lên tiếng coi thuyết của Copernicus là một chân lý, vì sợ bị kết án là lạc đạo, tra tấn và mang ra xử tại tòa án xử dị giáo.
Tuy nhiên, có một triết gia thuộc loại "uy vũ bất năng khuất", đó là Giordano Bruno, một linh mục dòng Dominique người Ý. Bruno không những đồng ý với Copernicus mà còn táo bạo hơn, đưa ra quan niệm là ngoài thế giới chúng ta đang sống có thể còn có nhiều thế giới tương tự khác nữa. Điều này trái với lời của Thượng Đế trong Thánh Kinh: Trái đất là trung tâm của thế giới duy nhất mà chúng ta đang sống. Do đó, Bruno bị bắt giam trong 6 năm. Sau cùng, vì từ chối không chịu chấp nhận những điều trái với niềm tin bắt nguồn từ những kết quả nghiên cứu khoa học vững chắc mà ông cho là đúng dù rằng nếu chấp nhận là sai ông sẽ được tự do, ông bị đưa ra tòa án xử dị giáo, kết án, dứt phép thông công và bị tuyên án tử hình bằng cách thiêu sống. Ông bị các Linh Mục, những người có lòng thương yêu kẻ thù (theo như lời dạy của Giê-su trong Thánh Kinh. TCN), dẫn từ nhà tù ra nơi hành hình. Ông bị cột vào một cọc xung quanh có chất củi. Rồi các Linh Mục, đệ tử của Chúa Ki-Tô, châm lửa và thiêu sống vị Thánh tử đạo vĩ đại nhất, hoàn hảo nhất này. (He believed in a plurality of worlds, in the rotation of this, in the heliocentric theory. For these crimes, and for these alone, he was imprisoned for six years. He was offered his liberty, if he would recant. Bruno refused to stain his soul by denying what he believed to be true. He was tried, condemned, excommunicated and sentenced to be burned. He was taken from his cell by the priests, by those who loved their enemies, led to the place of execution.He was chained to a stake and about his body the wood was piled. Then priests, followers of Christ, lighted the fagots and flames consumed the greatest, the most perfect martyr, that ever suffered death. ("Ingersoll The Magnificient" By Joseph Lewis)).
Năm 1616, kính thiên văn đầu tiên của Galilei đã làm cho vòm trời trong Thánh Kinh rớt ra từng mảng. Công cuộc khảo cứu của Galileo Galilei dựa trên sự quan sát thiên văn qua hàng loạt những kính thiên văn ngày càng tân kỳ hơn, đã thực chứng quan niệm của Bruno và đồng thời khẳng định thuyết của Copernicus như là một chân lý khoa học. Chúng ta đã biết, năm 1633, dưới triều Giáo Hoàng Urban VIII, tòa án xử dị giáo đã buộc Galilei phải sửa đổi khám phá khoa học của ông cho phù hợp với Thánh Kinh, nghĩa là mặt trời quay xung quanh trái đất, và dù vậy ông ta vẫn bị biệt giam tại nhà cho đến khi chết vào năm 1642. Chuyện được kể như sau:
"Năm 1633, khi Galileo, dựa trên những dữ kiện khoa học không thể phủ nhận, đoan quyết trong một cuốn sách khảo cứu thiên văn của ông rằng: không phải là mặt trời quay xung quanh trái đất mà chính là trái đất quay xung quanh mặt trời, thì ông bị kéo ra trước tòa án dị giáo của giáo hoàng Urban VIII, vốn là bạn của Galileo. Khi đó ông đã già, gần chết. Giáo hoàng phán: "Trước khi chết, ngươì hãy sửa lại điều trên vì nó ngược lại với thánh kinh. Bất cứ điều nào ngược với thánh kinh đều đương nhiên sai lầm, vì thánh kinh là lời của Thượng Đế.
Galileo là một khoa học gia vĩ đại, dù đã 80 tuổi, sắp chết, nhưng vẫn còn đầy đủ óc khôi hài tuyệt vời. Ông nói: "Không thành vấn đề, tôi sẽ sửa lại lời tôi viết, tôi sẽ viết lại trong sách của tôi đúng như lời Thượng Đế đã viết trong thánh kinh - nghĩa là mặt trời quay xung quanh trái đất. Nhưng có một điều tôi cần trình ngài rõ: cả trái đất lẫn mặt trời đều không đọc sách của tôi. Và sự thực thì, trái đất sẽ tiếp tục quay xung quanh mặt trời. Nếu ngài nhất định muốn biết tại sao thì tôi có đầy đủ bằng chứng. Tôi đã dùng cả đời tôi để nghiên cứu vấn đề này, và những người có đầu óc khoa học đều tuyệt đối đồng ý với sự khám phá của tôi. Trước sau gì rồi ngài cũng phải đồng ý vì không ai có thể chống lại sự thực lâu dài”.
(Galileo was a great scientist who, even at the age of eighty, when he was dying, had such a beautiful sense of humor. He said: There is no problem. I will change it; I will write in my book exactly what God has written in the bible - that the sun goes around the earth. But one thing I must make clear to you: neither the sun reads my book nor the earth reads my book. As far as reality is concerned, the earth will continue going around the sun. And why should you insist? Because I have every proof; I have devoted my whole life to the search, and all those who have a scientific mind are in absolute agreement with me. Sooner or later you will have to agree because one cannot remain against truth for long. "Priests and Politicians", Second revised edition, Cologne, West Germany, p.27)
Tuy vậy Galileo vẫn bị buộc phải sửa đổi sự thực khoa học ông đã viết trong sách, bị kết án là "lạc đạo" và bị biệt giam tại nhà cho đến khi ông chết, năm 1642. Nhưng lời tiên đoán của ông đã thành sự thực, tuy hơi chậm. 359 năm sau, ngày 29 tháng 10 năm 1992, giáo hoàng John Paul II, tuyên bố vụ án Galileo là một sai lầm và phục hồi danh dự cho Galileo, sau khi một ủy ban gồm những bộ óc thượng thặng của toà thánh nghiên cứu trong 13 năm về vấn đề Galileo. Trong dòng thời gian vô tận, 359 năm cũng chẳng phải là lâu. Và, 13 năm dùng để nghiên cứu một vấn đề mà đối với toàn thế giới đã rõ như ban ngày từ mấy trăm năm nay phải chăng phản ánh thực chất của những bộ óc thượng thặng đang ngự trị trong Tòa Thánh Vatican?
Ngoài ra, cùng thời với Galilei còn có nhà thiên văn và toán học người Đức là Johannes Kepler. Không những Kepler đồng ý với Copernicus và Galilei mà ông còn đưa ra 3 định luật về cơ học các thiên thể (celestial mechanics) để mô tả một cách vô cùng chính xác sự chuyển động của các hành tinh, trong đó có trái đất, xung quanh mặt trời. Đó là:
1. Quỹ đạo của các hành tinh quay xung quanh mặt trời là hình ellip (bầu dục) thay vì hình tròn.
2. Các hành tinh quét những khoảng không gian bằng nhau trong những khoảng thời gian bằng nhau. (Nghĩa là tùy theo vị trí của hành tinh trên quỹ đạo ellip, vận tốc chuyển động của hành tinh khác nhau).
3. Bình phương chu kỳ quay T (thời gian quay được một vòng quỹ đạo) thì tỷ lệ thuận với lập phương khoảng cách trung bình R giữa hành tinh và mặt trời. (T^2 tỷ lệ thuận với R^3).
Kepler cũng bị Tòa Thánh chỉ trích, hành hung và bắt bớ giam cầm trong nhiều năm, nhưng các khoa học gia khác như Descartes, Fermat, Newton v.v... đều ủng hộ ông cùng góp phần phát minh ra những khám phá mới. Rút cục, giáo hội Công giáo chỉ còn biết đưa ra sắc lệnh lên án các kết quả khảo cứu của Copernicus và Galilei là sai lầm, thí dụ như: "Điểm thứ nhất, nói rằng mặt trời là trung tâm và không quay xung quanh trái đất, là điên rồ, vô nghĩa, sai lầm về thần học, và là tà thuyết vì trái ngược hẳn với Thánh Kinh; và điểm thứ hai, nói rằng trái đất không phải là trung tâm mà lại quay xung quanh mặt trời , là vô nghĩa, sai lầm về triết lý, và ít nhất từ quan điểm thần học, đối nghịch với chân tín ngưỡng" (The first proposition, that the sun is the centre and does not revolve about the earth, is foolish, absurd, false in theology, and heretical, because expressely contrary to the Holy Scriptures; and the second proposition, that the earth is not the centre but revolves about the sun, is absurd, false in philosophy, and from a theological point of view at least, opposed to the true faith. ("The Scientific Revolution" Edited by Vern L. Bullough.) Và cấm các giáo sĩ và con chiên đọc sách của Copernicus và Galilei.
Lệnh cấm này kéo dài suốt 278 năm cho tới năm 1821 mới được Giáo Hoàng Pius VII thu hồi. Nhưng cấm thì cứ cấm, giới trí thức cùng người dân đọc thì vẫn cứ đọc. Dần dần quyền hành tôn giáo ở Âu Châu không còn địa vị độc tôn và giữ quyền sinh sát như trước nữa, vì cuộc cách mạng khoa học và các phát triển khoa học về sau trong mọi ngành, nhất là về nhân chủng học và di truyền học, và phương pháp định tuổi của vật chất bằng phóng xạ đồng vị của Carbon và của vài nguyên tố khác đã làm sụp đổ tận gốc rễ thuyết sáng tạo trong Thánh Kinh, căn bản tín ngưỡng của Công giáo. Đó là ảnh hưởng trực tiếp to lớn của cuộc cách mạng khoa học trên xã hội Tây phương. Ngày nay, những người còn tin ở thuyết sáng tạo là do lòng tin lập thành trong tôn giáo chứ không phải lòng tin qua suy lý khoa học.
Nhiều trí thức khoa học hiện đại đã đặt vấn đề: trong một bối cảnh lịch sử cách mạng khoa học như trên, thái độ của Phật Giáo sẽ ra sao? Cũng có vài trí thức Tây phương cho rằng có thể thái độ của Phật Giáo cũng tương tự như của Thiên Chúa Giáo (Some Western writers on religion seem to have assumed that this was so ("Buddhism and the Scientific Revolution" By K. N. Jayatilleke)), nhưng những người hiểu biết chút ít về Phật Giáo thì lại bác bỏ hoàn toàn luận cứ này. Thật vậy, giáo lý căn bản của Phật giáo là chứng nghiệm bản thân, cho nên rất phù hợp với tinh thần khoa học. Hơn nữa, Phật Giáo không có Thánh Kinh, không có bí tích bắt buộc phật tử phải tin, không có thần quyền, không có giáo điều khô cứng, cho nên chúng ta có thể đoan chắc rằng Phật giáo sẽ rất hòa hợp với những sáng tạo trong khoa học đừng nói đến chuyện đối kháng hay tìm cách ngăn chặn, diệt trừ.
Về phương diện thuyết lý, quan niệm về vũ trụ của Bruno rất phù hợp với quan niệm của Phật Giáo cách đây đã hơn 2500 năm về trước, rằng ngoài thế giới chúng ta đang sống còn có hằng hà sa số thế giới khác. Nếu Bruno sống trong một xứ Phật Giáo thì Bruno sẽ được tôn vinh thay vì đưa lên giàn hỏa để thiêu sống. Quan niệm tương đối trong các Kinh Phật không có gì trái nghịch với quan niệm của Copernicus và Galilei về các chuyển động của trái đất và các hành tinh xung quanh mặt trời. Thật vậy, theo Phật Giáo thì mọi sự vật trên thế gian đều chỉ là tương đối. Điều này có nghĩa là hình sắc, tính chất của mọi sự vật luôn luôn biến đổi tùy theo cảnh giới trong đó sự vật thể hiện. Nói một cách giản dị thì tương đối có nghĩa là "thấy vậy mà không phải vậy", bởi lẽ tùy theo quan điểm và vị thế quan sát của mỗi người, danh từ khoa học gọi là "hệ thống qui chiếu", hình sắc và tính chất của một vật có thể khác nhau. Cho nên, một Thiền Sư hay một phật-tử có thể hiểu rất rõ rằng trong Thái Dương Hệ thì trái đất quay xung quanh mặt trời, nhưng hàng ngày thì vẫn thấy mặt trời "mọc" ở phương Đông và "lặn" ở phương Tây. Hai điều này không có gì là trái ngược nhau, vì một thuộc Chân Đế và một thuộc Tục Đế.
Cuộc cách mạng khoa học đã mở đầu cho một kỷ nguyên mới cho nền khoa học tân tiến hiện đại, và cho tới ngày nay khoa học đã đạt được nhiều thành quả ngoạn mục trong mọi ngành. Song song với sự phát triển của khoa học, càng ngày các khoa học gia càng nhận ra sự tương đồng giữa những quan niệm xa xưa của Phật Giáo và những khám phá mới của Khoa học, và trong nhiều vấn đề tư tưởng Phật Giáo đã đi trước khoa học khá xa. Không những vậy, trong nhiều trường hợp, các khoa học gia đã phải mượn những tư tưởng trong Phật Giáo để giải thích những hiện tượng khoa học. Lẽ dĩ nhiên, trong một bài báo ngắn ngủi tôi không thể nào kể ra hết những sự tương đồng, dù chỉ ở ngoài mặt, giữa khoa học và Phật Giáo. Sau đây tôi chỉ xin nêu ra vài thí dụ quen thuộc.
Sự phát minh ra kính hiển vi rồi kính hiển vi điện tử đã giúp con người nhìn thấy những vật nhỏ li ti như các vi khuẩn mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Nhưng ngày xưa, Đức Phật đã dạy các đệ tử mỗi khi uống nước hãy niệm chú để phổ độ cho các chúng sinh nhỏ nhoi ở trong nước và ngài còn khẳng định trong mỗi giọt nước có tới 84000 vi vật. Chúng ta nên hiểu con số trên, tuy có nhiều ý nghĩa, nhưng trong trường hợp này tượng trưng cho một con số lớn chứ không phải là một con số chính xác. Điều Đức Phật dạy như trên ngày nay chúng ta có thể kiểm chứng bằng kính hiển vi. Đọc Kinh Phật càng ngày tôi càng thấy nhiều điều kỳ lạ. Ở một thời chưa có những dụng cụ khoa học tinh vi, nền khoa học Tây phương còn phôi thai, mà Đức Phật đã biết những điều mà hơn 2000 năm sau khoa học tiến bộ Tây phương mới kiểm chứng được, tôi nghĩ không có cách giải thích nào khác ngoài sự tin tưởng rằng Đức Phật đã biết rõ cơ cấu huyền bí của vũ trụ. Thí dụ sau đây sẽ chứng tỏ luận cứ trên không phải là hoang đường.
Chúng ta đã biết, về thời gian thì Phật giáo có quan niệm "vô thỉ, vô chung", không có bắt đầu và cũng không có tận cùng. Và khi được hỏi là vũ trụ hữu hạn hay vô hạn, hay vừa hữu hạn vừa vô hạn, hay vừa không hữu hạn vừa không vô hạn, thì Đức Phật giữ yên lặng, không trả lời. Có người diễn giảng là: sự hiểu biết về những vấn đề này không ích lợi gì cho sự tu tập trong Phật giáo nên Đức Phật không trả lời để cho hành giả khỏi vướng mắc vào những sự viển vông mà lo vấn đề tu tập, thực tế hơn. Cũng có người giảng giải là Đức Phật giữ yên lặng để hiển dương tính vô chấp trong Phật Giáo. Nhưng nếu chúng ta tìm hiểu ít nhiều về những tiến bộ của khoa học hiện đại thì có thể chúng ta sẽ thấy rằng Đức Phật không trả lời vì Người đã nắm vững cơ cấu huyền bí của vũ trụ, và thái độ của Người cách đây hơn 2500 năm hoàn toàn phù hợp với những khám phá hiện đại nhất của khoa học.
Thật vậy, các khoa học gia, tuy chưa đạt tới kết luận chung cùng về nguồn gốc loài người và nguồn gốc vũ trụ, nhưng tất cả đều đồng ý là thuyết sáng tạo có rất nhiều mâu thuẫn, vô lý, và phản khoa học. Thí dụ như ánh sáng là những sóng điện từ và màu sắc của ánh sáng tùy thuộc tần số dao động của ánh sáng. Ta có thể phân một loại ánh sáng, thí dụ như ánh sáng trắng, ra làm nhiều ánh sáng màu sắc khác nhau qua một chiếc lăng kính chẳng hạn, nhưng ánh sáng không phải là một "vật" mà ta có thể chia làm 2 phần, sáng và tối, như Thượng Đế đã làm trong ngày thứ nhất của thuyết sáng tạo. Tối là vì không có ánh sáng chứ tối không phải là một phần của ánh sáng. Thí dụ thứ hai là khoa di truyền học ngày nay đã chứng tỏ rằng các giống người khác nhau là do những đột biến di truyền trong những khoảng thời gian rất dài, không thể quan sát được trong một vài đời người. Trong hiện tại, không có một cặp vợ chồng người Việt Nam nào có thể sinh ra một đứa con Phi Châu đen ngòm tuy thuyết Tiến Hóa không bác bỏ điều rất có thể trong vài trăm ngàn năm sau, giống người Việt Nam sẽ dần dần đổi khác. Thuyết Tiến Hóa cũng đã bác bỏ huyền thoại Adam và Eve là tổ tông loài người v.v.. Charles Darwin đã đưa ra thuyết tiến hóa nhưng cho tới nay vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục tất cả mọi người. Chúng ta đã biết, Phật giáo không chấp nhận thuyết sáng tạo và khoa học cũng vậy và còn đang trên đường tìm ra chân lý. Hi vọng trong tương lai khoa học sẽ đưa ra một thuyết phù hợp với quan niệm nghiệp chuyển vô thỉ vô chung của Phật giáo.
Sau đây tôi xin trình bày hết sức sơ lược quan niệm về thời gian và vũ trụ của khoa học hiện đại. Chúng ta sẽ thấy những quan niệm này cũng là những quan niệm xa xưa của Phật giáo. Vấn đề khá phức tạp nhưng phần lớn những điều tôi viết sau đây đều có thể chứng minh bằng toán học.
Thuyết tương đối suy rộng (general theory of relativity) của Albert Einstein đã vô cùng thành công trong việc áp dụng vào việc tìm hiểu vũ trụ. Trong những thập niên 1960 và 1970, các khoa học gia đã làm nhiều thí nghiệm để kiểm chứng những sự tiên đoán dựa vào thuyết này, và trong mọi trường hợp, thuyết tương đối suy rộng đã được công nhận là đúng. Thuyết tương đối, tuy rất thành công trong việc tiên đoán các hiện tượng ở cấp thô đại, nhưng lại gặp nhiều khó khăn chưa giải quyết được khi áp dụng thuyết này vào những trường hợp ở cấp cực vi, tiềm nguyên tử (subatomic), cấp vật chất thuộc lãnh vực khảo sát của cơ học nguyên lượng (quantum mechanics). Tuy nhiên, thuyết tương đối của Einstein đã cho chúng ta một hình ảnh chính xác về vũ trụ: "vũ trụ có thể có 3 cấu hình, hoặc mở, hoặc đóng, hoặc phẳng dẹt." (Einstein's theory tell us that there are three possible configurations that the universe might have. It is either open, or closed, or flat. ("The Edges of Science" By Richard Morris)). Nhưng dù theo cấu hình nào thì vũ trụ cũng phát khởi từ một sự bùng nổ lớn (big bang). Thuyết "big bang" ngày nay đã được mọi người chấp nhận kể cả Công giáo như tôi sẽ trình bày trong một đoạn sau.
Thuyết "big bang" bắt nguồn từ sự khám phá ra hiện tượng "vũ trụ nở rộng" (expansion of the universe) của Edwin Hubble vào năm 1929. Hubble quan sát được rằng, các thiên hà (galaxy) cứ di chuyển mỗi ngày một xa trái đất hơn, và thiên hà nào càng ở xa trái đất thì di chuyển càng nhanh, và khoảng cách giữa các thiên hà cũng càng ngày càng xa dần. Điều này chứng tỏ vũ trụ không cố định mà càng ngày càng nở rộng. Tính ngược thời gian thì tại một thời điểm nào đó, cách đây khoảng 15 tỉ năm, vũ trụ chỉ là một dị điểm (singularity) vô cùng nóng và vô cùng đặc theo nghĩa dị điểm này có 1 chất lượng vô tận (infinite mass). Dị điểm này bùng nổ và biến đổi dần dần thành vũ trụ hiện nay. Sự bùng nổ lớn này (big bang) được coi như là nguồn gốc của vũ trụ, và vũ trụ có cấu hình nào, đóng, hay mở, hay phẳng dẹt, là do số lượng vật chất có trong vũ trụ. Không đi vào chi tiết, vũ trụ đóng là một vũ trụ hữu hạn trong đó không gian tự khép lại trên chính nó nhưng không có biên giới. Khuôn mẫu này khá trừu tượng nhưng có thể mô tả được bằng toán học và người ta có thể tìm hiểu tính chất của nó một cách khá chi tiết. Lượng vật chất trong vũ trụ đóng này sẽ làm cho vũ trụ ngưng nở rộng trong tương lai và vũ trụ lại co lại dần dần thành 1 dị điểm như lúc đầu, danh từ khoa học gọi là sự "tới hạn lớn" (big crunch). Vũ trụ mở thì vô hạn (infinite), luôn luôn nở rộng vì lượng vật chất trong đó không đủ để làm ngưng sự nở rộng này. Trọng trường có thể làm cho sự nở rộng càng ngày càng chậm nhưng không bao giờ ngưng. Vũ trụ phẳng dẹt là vũ trụ trong đó lượng vật chất đã tới hạn, nghĩa là vừa đủ để làm cho sự nở rộng hầu như ngưng lại mà không phải là ngưng.
Như trên đã nói, thuyết "big bang" đã được hầu như mọi người đều chấp nhận kể cả Công Giáo La Mã. Thật vậy, Stephen Hawking, một vật lý gia nổi tiếng nhất hiện nay về những thuyết vũ trụ của ông đã kể như sau:
"Năm 1981, khi dự một cuộc hội thảo về vũ trụ học do các cha dòng Tên tổ chức ở Vatican, tôi lại quan tâm tới vấn đề nguồn gốc và số phận của vũ trụ. Giáo hội Gia Tô đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng đối với Galileo khi đặt luật lệ tôn giáo trên 1 vấn đề khoa học, rằng mặt trời quay xung quanh trái đất. Nay, nhiều thế kỷ sau, giáo hội quyết định mời một số chuyên gia để cố vấn cho họ về vũ trụ học. Cuối cuộc hội thảo, các tham dự viên được hội kiến với Giáo hoàng. Ông ấy bảo chúng tôi rằng có thể nghiên cứu về sự tiến hóa của vũ trụ sau sự nổ bùng lớn, nhưng không nên tìm hiểu về chính sự bùng nổ lớn vì đó là lúc sáng tạo và đó là sáng tạo của Thượng Đế. Tôi rất mừng vì ông ta không biết đến đề tài mà tôi mới trình bày trong cuộc hội thảo - có thể là miền không-thời gian hữu định nhưng không có biên giới, nghĩa là không có bắt đầu, không có lúc Sáng Tạo."
(In 1981 my interest in questions about the origin and fate of the universe was reawakened when I attended a conference on cosmology organized vy the Jesuits in the Vatican. The Catholic Church had made a bad mistake with Galileo when it tried to lay down the law on a question of science, declaring that the sun went around the earth. Now, centuries later, it had decided to invite a number of experts to advise it on cosmology. At the end of the conference the participants were granted an audience with the pope. He told us that it was all right to study the evolution of the universe after the big bang, but we should not inquire into the big bang itself because that was the moment of Creation and therefore the work of God. I was glad then that he did not know the subject of the talk I had just given at the conference - the possibility that space-time was finite but had no boundary, which means that it had no beginning, no moment of Creation. ("A Brief History of Time" By Stephen Hawking, p. 116)).
Theo Stephen Hawking thì "điều kiện biên của vũ trụ là không có biên giới". Vũ trụ có tính cách hoàn toàn tự có sẵn và không bị ảnh hưởng của bất cứ gì ở ngoài nó. Vũ trụ chẳng sanh chẳng diệt. Nó là như vậy. ("The boundary condition of the universe is that it has no boundary." The universe would be completely self-contained and not affected by anything outside itself. It would neither be created nor destroyed. It would just be. (Ibid., p. 136)).
Một câu hỏi liên quan đến quan niệm về thời gian là: Trước sự bùng nổ lớn thì thời gian ra sao? Theo khoa học thì khi vũ trụ là một dị điểm thì tất cả những định luật vật lý, kể cả quan niệm về thời gian đều không áp dụng được. Vì khi đó thời gian không còn tính chất của thời gian nữa, ít nhất là theo nghĩa chúng ta thường hiểu về thời gian. Cho nên, không thể nói là vũ trụ bắt đầu từ đâu, sanh ra từ đâu. Thuyết này đã được kiểm chứng bằng toán học và hoàn toàn phù hợp với những sự kiện trong khuôn mẫu nở rộng của vũ trụ (inflationary paradigm). Theo Hawking, nếu vũ trụ chẳng sanh thì tất nhiên nó cũng chẳng diệt, vì thời gian cũng trở thành vô biên (no boundary in time). Nếu thuyết của Hawking đúng thì vũ trụ có cấu hình đóng như đã mô tả ở trên, nghĩa là tới một thời điểm nào đó thì vũ trụ ngưng dãn thêm và bắt đầu co dần trở lại thành 1 dị điểm. Vậy sau đó thì sao? Câu hỏi này không thích hợp vì không có gì có thể gọi là "sau đó". "Sau đó" nằm trong phạm trù của quan niệm về một dòng thời gian, nhưng thời gian lại mất thời gian tính khi vũ trụ là một dị điểm, cho nên những thắc mắc về "trước big bang" và "sau big crunch" là những thắc mắc vô nghĩa.
Chúng ta thấy rằng, những thuyết mới nhất về vũ trụ trong khoa học hiện đại rất phù hợp với quan niệm "vô thỉ vô chung", "vô thường" của Phật Giáo, và thái độ giữ yên lặng của đức Phật trước những câu hỏi về siêu hình đã phản ánh sự kiện nắm vững cơ cấu huyền bí của vũ trụ của Người. Cho nên, chúng ta có thể nói, đối với cuộc cách mạng khoa học, Phật giáo không có gì phải chống đối, vì thật ra cuộc cách mạng khoa học đã nằm trong các tư tưởng Phật giáo rồi. Kinh điển Phật giáo là một rừng tư tưởng vĩ đại, rất phù hợp với tính chất thực tế của khoa học, tự hợp (self-consistent), tự giải (self-explained), hoàn toàn không có chút nào huyền hoặc, viển vông. Tâm Kinh viết rằng: "Không tướng của mọi Pháp chẳng sanh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng tăng chẳng giảm" chẳng phải đã nói lên tính chất không phụ thuộc vào thời gian, không gian, mà còn đi xa hơn, không phụ thuộc vào cả tính chất vật lý nữa? Các Thiền sư thường nói: thực chứng được Tính Không của mọi Pháp là thực chứng được Phật Tánh. Nay chúng ta đã hiểu tại sao một số luận gia đã so sánh Phật Tánh, Chân Như với Vũ Trụ vì ngoài đặc tính chẳng sanh chẳng diệt, chẳng tăng chẳng giảm (lượng vật chất trong vũ trụ luôn luôn như vậy bất kể vũ trụ co hay dãn), ngày nay, một số khoa học gia còn quan niệm phải nhìn vũ trụ một cách toàn ký (holographic view of the universe). Cách nhìn toàn ký vũ trụ là nội dung của Kinh Hoa Nghiêm, hiển nhiên không thuộc phạm vi đề tài của bài viết này, nhưng tôi sẽ trình bày cách nhìn này trong một bài khác.
---o0o---

(IV) - NHỮNG ĐẶC TÍNH KHOA HỌC TRONG PHẬT GIÁO


Cách đây 18 năm, Fritjof Capra xuất bản cuốn Đạo của Vật Lý (The Tao of Physics). Cuốn này tức thời nổi tiếng, cả hai giới khoa học và bình dân đều tán thưởng cuốn sách này. Phản ứng trên thật ra cũng dễ hiểu, vì có thể nói đây là lần đầu tiên một vật-lý-gia đã viết một cách bình dân dễ hiểu để đưa ra và so sánh khá nhiều những sự giống nhau giữa những quan niệm mới của khoa vật- lý-học các hạt nhỏ và triết lý tôn giáo Đông Phương, đặc biệt nhất là Đạo Phật. Sau đó Gary Zukav xuất bản cuốn Điệu Vũ Của Các Thầy Vật-Lý (The Dancing of Wu-Li Masters), và Michael Talbot, cuốn Huyền Nhiệm học và Vật-Lý Mới (Mysticism and the New Physics). Hai cuốn này viết theo đường hướng giống như của Capra nhưng không có gì đặc biệt hơn, và cũng không nổi tiếng bằng cuốn The Tao of Physics.


Có một điểm chung trong cả ba cuốn sách nêu trên: muốn giải thích một số hiện tượng trong ngành Vật- Lý các hạt nhỏ ở mức năng lượng cao (high energy particle physics), các khoa học gia phải nhờ vào những quan niệm xa xưa của các tôn giáo Đông Phương, nhất là Đạo Phật. Nói cách khác, triết lý Phật-Giáo đã giúp các khoa học gia giải quyết được một số khó khăn trong ngành vật- lý mới. Trong khi đó, gần đây, một số phật-tử, có lẽ có mặc cảm trước những hào quang tiến bộ của khoa học vật chất, lại theo con đường ngược lại, tìm cách dùng khoa học để "chứng minh" một số quan niệm trong Phật Giáo, cho rằng như vậy là để làm tăng uy tín của Phật Giáo. Tôi cho rằng đấy là một hành động ngược chiều.
Trong bài này tôi sẽ cố gắng trình bày để các độc giả thấy rõ phần nào một sự thực: những căn bản, phương pháp khảo cứu khoa học, những tiêu chuẩn khảo cứu trong khoa học thực nghiệm v.v... đều có thể tìm thấy trong những kinh điển Phật Giáo, chưa kể tới một số thành quả trong khoa học tân tiến ngày nay chẳng qua cũng chỉ là khám phá lại những điều mà đức Phật và các đệ tử truyền thừa đã khám phá ra từ hơn 2000 năm về trước. Nhưng trước hết, có lẽ chúng ta cũng nên duyệt qua vài nhận định về Phật Giáo và Khoa-Học của một số người có tên tuổi trong cộng đồng quốc tế.
1. Albert Einstein, nhà khoa-học nổi tiếng nhất thế kỷ 20 về thuyết tương đối trong vật-lý, đã phát biểu như sau:
"Nếu có một tôn giáo nào thích nghi được với những nhu cầu khoa học tân tiến thì đó là Phật Giáo." (If there is any religion that would cope with modern scientific needs it would be Buddhism).
2. Sir Edwin Arnold, người nổi tiếng về cuốn thơ Ánh Sáng Á Châu (The Light of Asia), khẳng định rằng:
"Tôi thường nói, và tôi sẽ còn nói hoài, là giữa Phật- Giáo và Khoa- học tân tiến có một mối giàng buộc trí thức gần gũi." (I have often said, and I shall say again and again, that between Buđhism and modern Science there exists a close intellectual bond.)
3. Bertrand Russell, nhà triết-học và toán-học nổi tiếng hoàn cầu, trong cuốn Lịch sử triết học Tây Phương (History of Western Philosophy) đã viết:
"... Phật-Giáo là một tổ hợp của triết lý suy cứu và triết lý khoa học. Phật Giáo ủng hộ phương pháp khoa học và theo phương pháp này để tới một cứu cánh có thể gọi là thuần lý. Phật Giáo còn đi xa hơn khoa học vì khoa học bị giới hạn bởi những dụng cụ vật lý." (... Buddhism is a combination of both speculative and scientific philosophy. It advocates the Scientific method and pursues that to a finality that may be called rationalistic...It takes up where science cannnot lead because of the limitations of the latter's physical instruments.)
4. Tiến sĩ Radhakrishnan:
"Nếu Phật Giáo hấp dẫn đối với trí óc tân tiến đó là vì Phật Giáo có tinh thần khoa học, thực nghiệm, chứ không phải là dựa trên bất cứ giáo điều nào" (If Buddhism appealed to the modern mind it was because it was scientific, empirical and not based on any dogma.)
5. Tiến sĩ Graham Howe, nhà Phân Tâm Học nổi tiếng của Anh Quốc đã nói như sau:
"Đọc một chút về Phật Giáo ta cũng có thể nhận thức được rằng, từ 2500 năm trước, Phật Giáo đã biết về những vấn đề mới về tâm lý nhiều hơn là chúng ta thường biết tới. Họ nghiên cứu những vấn đề này từ lâu và cũng đã tìm ra phương thức giải quyết chúng. Ngày nay chúng ta chỉ khám phá lại trí tuệ thông thái cổ xưa của Đông phương." (To read a little Buddhism is to realize that the Buddhists knew, 2,000 years ago, far more about modern problems of psychology than they have been given credit for. They studied these problems long ago and found the answers also. We are now rediscovering the ancient wisdom of the East.)
Chúng ta hãy tìm hiểu tại sao những nhân vật nổi danh trên, và nhiều nhân vật khác nữa mà tôi không thể kể hết ra đây, lại đưa ra những nhận định như vậy.
A) Chúng ta biết rằng đối tượng khảo sát của khoa vật-lý-học là vật chất. Khi khảo sát vật chất, các khoa học gia thường dùng năm giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân để biết về những đối tượng của giác quan như hình tướng, âm thanh, mùi, vị, cảm giác qua sự tiếp xúc, và những thứ còn lưu lại trong ý thức. Ngoài ra những khảo sát khoa học thường được đặt trong những khái niệm về thời gian, phương hướng, vận tốc di chuyển, thứ tự, và số lượng, cộng với những dụng cụ đo lường do con người phát minh để đáp ứng những nhu cầu khảo sát. Nếu chúng ta biết về Duy-Thức Học trong Phật Giáo thì chúng ta thấy rằng các khoa học gia chỉ dùng có 16 phần trăm của số 100 Pháp được phân loại thành 8 Tâm Pháp, 51 Tâm-Sở-Hữu Pháp, 11 Sắc Pháp, 24 Tâm-Bất-Tương- Ưng Hành Pháp, và 6 Vô-Vi Pháp (Xin đọc Đại-Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận), nghĩa là các khoa-học-gia chỉ xử dụng tới 11 Sắc Pháp trong đó có 5 căn là nhãn căn, nhĩ căn, tỉ căn, thiệt căn, và thân căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân thể); và 6 trần là sắc trần, thinh trần, hương trần, vị trần, xúc trần, và Pháp trần (hình tướng, âm thanh, mùi, vị, cảm giác do tiếp xúc, và bóng dáng của 5 trần trên còn lưu lại trong ý thức khi các căn không còn tiếp xúc trực tiếp với trần nữa), cộng với 5 tâm pháp trong số 21 tâm-bất-tương-ưng hành pháp là thời gian, phương hướng, vận tốc di chuyển, số lượng, và thứ tự (thời, phương, thế tốc, số, và thứ đệ). Ở đây tôi không có ý định đi sâu vào thiên luận 100 Pháp đại thừa mà chỉ muốn nói lên điểm cốt yếu như sau: khi mà khoa học không thể tiến hơn được nữa vì những giới hạn tự tại của 5 căn 6 trần và của những dụng cụ đo lường thì Phật Giáo vẫn tiếp tục đi xa hơn, bởi lẽ Phật Pháp, ngoài sự khảo sát những đối tượng vật chất còn chú trọng nhiều đến những vấn đề tâm linh, cho nên đã vượt qua, đi ra ngoài những giới hạn vật lý của khoa-học. Do đó chúng ta có thể nói Phật Giáo là một Siêu-Khoa-Học (Super-science) được thành lập trên căn bản trí tuệ Bát Nhã (trí tuệ nhận thức được thực tướng của vạn Pháp). Trong Phật Giáo, Duy-Thức Học cho chúng ta một hệ thống triết lý, phân tâm học rất đầy đủ và tiến bộ hơn bất cứ hệ thống nào trong khoa học hiện đại.
B) Nếu chúng ta đã quen với cách viết một bản phúc trình khoa học thì chúng ta thấy rằng, ngay ở phần đầu của bản phúc trình chúng ta phải liệt kê những điểm sau đây: tên người phụ trách chính và các phụ tá nếu có, thời gian và nơi làm thí nghiệm, đối tượng của thí nghiệm, những vật liệu và dụng cụ máy móc dùng để làm thí nghiệm, trước khi viết phần chính của bản phúc trình. Điều này hầu như là một mẫu mực chung trong giới khoa học.
Nay ta thử đi vào cấu trúc của các kinh điển Phật Giáo.
Tất cả kinh Phật đều được bắt đầu bằng một phần thông tự mà ngay đầu tiên là 6 điều tin chứng hay 6 điều thành tựu (lục-chủng-chứng-tín hay lục-chủng-thành- tựu): Tín, Văn, Thời, Chủ, Xứ, Chúng. Muốn hiểu rõ hơn chúng ta hãy lấy một thí dụ: Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Kinh Lăng Nghiêm bắt đầu bằng: "Tôi nghe như vậy, một thời nọ, Phật ở tại tịnh xá Kỳ Hoàn, thành Thất La Phiệt, cùng 1250 đại Tỳ Khưu ..." "Như vậy" biểu thị một khẳng định đáng tin (Tín), "Tôi nghe" biểu thị nguồn gốc của sự hiểu biết (Văn), "Một thời nọ" chỉ định thời gian tính (Thời), "Phật" chỉ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vị hóa chủ của đại chúng và là người thuyết Kinh (Chủ), "Tại ..." chỉ nơi thuyết Kinh (Xứ), "Cùng với...." chỉ những người nghe Phật thuyết Kinh (Chúng). Như vậy, phần thông tự chứng tỏ tính chất xác thực của Kinh, và 6 điểm kể trên đã dự phần bố trí hệ thống của toàn Kinh và biện chứng để dẫn khởi lòng tin tưởng của người học Phật, cho nên được gọi là 6 điểm thành tựu. Cái tinh thần chính xác, rõ ràng, minh bạch của Kinh Phật cũng là cái tinh thần mà các khoa học gia ngày nay đòi hỏi phải hội đủ trong bất cứ một công cuộc thí nghiệm nào.
C) Đi thêm vào chi tiết, nếu chúng ta đọc cuốn huấn thị cho khoa học (Instruction Book of Science) chúng ta thấy phương pháp khảo cứu khoa-học được đặt trên một số tiêu chuẩn như sau:
1. Đối tượng của thí nghiệm (The objects of the experiment).
2. Vật liệu, dụng cụ cần thiết để làm thí nghiệm (The materials, instruments and tools necessary for the experiment).
3. Lý thuyết về thí nghiệm (The theory of the experiment).
4. Phương pháp và tiến trình thí nghiệm (Methods and steps to work out the experiment).
5. Kết quả thí nghiệm (Results of the experiment).
6. Những điều cần để ý và coi chừng khi làm thí nghiệm (Requisites for attention and precautions in working out the experiment).
7. Kết luận để kiểm chứng giá trị của lý thuyết và những kết quả thực dụng của nó (Conclusion to verify the validity of the theory and its practical results).
Đọc Kinh Lăng Nghiêm, chúng ta thấy trong Kinh có những phần sau đây:
1. Nguyên nhân Phật thuyết Kinh (Phần Thông Tự).
2. Đối tượng của tu chơn-tâm (7 thường trụ xứ của Tâm).
3. Lý thuyết tu chơn-tâm (Chỉ rõ Tính Thấy, Tóm thu 4 Khoa và 7 Đại về Như-Lai Tạng để phát khởi chỗ chơn- ngộ).
4. Phương pháp và các trình độ tu chứng (25 phương pháp viên thông và 7 Thánh vị).
5. Lợi ích của sự tu tập, đối với cá nhân và chúng sinh (Tuyên nói Tâm Chú, khai thị những lợi ích).
6. Những điều cần để ý và coi chừng khi tu tập (Khai thị chỗ hư vọng của 7 loài để khuyến khích tu hành chánh Pháp và phân biệt các Ấm ma).
7. Kết luận (Phần lưu thông, công đức trì Kinh, được Phúc, tiêu tội, trừ ma).
Chúng ta có thể thấy ngay những điểm giống nhau về phần cấu trúc của cuốn huấn thị về khoa học và của cuốn Kinh Phật.
Làm bảng so sánh trên, tôi không có ý định chứng tỏ Khoa Học và Phật Giáo giống nhau cả về hình thức lẫn nội dung, mà chỉ muốn tỏ rõ một điều: Kinh Phật được xếp đặt một cách rất khoa học. Điều này thật ra cũng dễ hiểu, vì những phương pháp tu tập trong Phật Giáo và những phương pháp khảo cứu khoa học đều đặt trên những căn bản giống nhau:
1. Không để cho tình cảm chi phối.
2. Hoàn toàn khách quan.
3. Phân tách mọi vấn đề một cách có hệ thống.
4. Kết quả dựa trên thực nghiệm.
Ngoài ra Jeremy W. Hayward, một vật-lý-gia nổi tiếng về những thuyết trình của ông về Phật Giáo và tương quan của Phật Giáo với những truyền thống Tây Phương và khoa học, trong cuốn Shifting Worlds, Changing Minds: Where the Sciences and Buddhism Meet cũng đưa ra 4 tiêu chuẩn mà một hệ thống tín ngưỡng cần hội đủ để cho con người có thể chấp nhận với một tinh thần khoa học. Tôi không có ý định bàn luận về những tiêu chuẩn này nên không đi vào chi tiết, mà chỉ liệt kê sau đây 4 tiêu chuẩn của Hayward:
1. Ý thức được sự tương đối của các hệ thống tín ngưỡng và sự tương quan giữa "vũ trụ" và "tâm".
2. Có thể vạch rõ chi tiết về sự hiện hành của "tâm" và "thực tại", nghĩa là có thể đưa ra một lý thuyết duyên khởi về sự biểu hiện của những đối đãi nhị nguyên trong phạm trù nhất nguyên.
3. Có một kỹ thuật, phương pháp để thực chứng chân lý "Không hai" này.
4. Nhưng cùng lúc không nằm ngoài vòng đối đãi nhị nguyên.
Và, Hayward chứng tỏ rằng Phật Giáo đã hội đủ 4 tiêu chuẩn trên.
Chúng ta đã thấy, khoa-học và Phật-Giáo có nhiều điểm giống nhau. Nhưng thực ra thì đó chỉ là giống nhau phần nào về phương diện hình thức, còn căn bản thì vẫn khác nhau, vì đối tượng của khoa học khác với đối tượng của Phật Giáo. Kiến thức khoa học là về thế giới bên ngoài, đặc biệt là thế giới vật chất, cho nên bị buộc trong không gian và thời gian. Trong khoa học, cho tới bây giờ, chân lý chưa đạt được, vì khoa học luôn luôn thay đổi để phù hợp với những hiểu biết mới của con người. Khoa học chỉ có thể cung cấp cho con người những dữ kiện tương đối. Trái lại, trong Phật Giáo, chân lý đã được thể hiện và có tính cách tuyệt đối, bởi vì Phật Giáo chú trọng đến cái "biết" bên trong do thực chứng. Phật Giáo đi thẳng tới chân lý tuyệt đối chứ không cần qua ngả các phát minh tương đối. Do đó, nhiều khoa-học-gia đã đồng ý rằng: Phật Giáo bắt đầu nơi khoa học tận cùng (Buddhism begins where science ends.) Khoa học có thể cung cấp cho chúng ta những tiện nghi thoải mái vật chất và trí thức, nhưng không phải là chân lý, vì bản chất tương đối tự tại của khoa học. Chỉ khi nào con người tiếp xúc được với tuyệt đối và sống trong chân lý, khi đó con người mới có thể có được chân hạnh phúc, một thứ hạnh phúc vượt ra ngoài mọi đối đãi nhị nguyên. Và đây chính là cứu cánh chung cùng của Phật Giáo.
---o0o---

(V) - PHẬT GIÁO VÀ VŨ TRỤ HỌC


Trong thời đại khoa học, khi mà những tiến bộ khoa học đã làm lui đi phần nào quan niệm thần thánh và những mớ huyền thoại, mê tín dị đoan của con người, thì càng ngày Phật Giáo càng chứng tỏ là một tôn giáo, từ cấu trúc, tư tưởng trong các Kinh điển cho tới phương pháp hành trì, rất là tương hợp với khoa học. Ngày nay, Phật giáo đã đi vào thế giới Tây phương một cách nhẹ nhàng, cởi mở và hòa đồng. Cho nên thế giới Tây phương càng ngày càng hâm mộ Phật Giáo về những sắc thái tiến bộ của Phật giáo, và những khoa học gia thượng thặng ngày nay cũng đã nhận ra rằng tư tưởng Phật Giáo đã giúp họ rất nhiều trong việc giải thích những hiện tượng khoa học và đã dẫn họ đến những tư tưởng mới và khám phá mới trong khoa học. Muốn hiểu được hiện tượng kỳ lạ trên, chúng ta cần duyệt sơ lại lịch sử khoa học Tây phương cũng như tìm hiểu những sắc thái đặc biệt của Phật giáo đối với khoa học.


Theo quan niệm của một số khá đông, nhất là ở Tây phương, thì có vẻ như khoa-học và tôn giáo khó có thể tương hợp. Thật vậy, tôn giáo Tây phương đặt căn bản trên niềm tin ở 1 đấng siêu nhiên vạn năng, tác giả của mọi vật trên thế gian và có toàn quyền quyết định số phận con người trong đời sau, dù rằng cho tới nay không có cách nào con người có thể kiểm chứng được sự hiện hữu của một đấng toàn năng, hoặc những ai đã được thưởng hay bị phạt, và thưởng phạt như thế nào. Trái lại, khoa học đặt căn bản trên thực nghiệm, trực tiếp liên hệ tới những vấn đề xã hội ngay trong đời này, và không chấp nhận những sự việc có tính cách mơ hồ, viển vông, không phù hợp với đầu óc ngày càng tiến bộ của con người. <
Trong mấy thế kỷ gần đây, khoa-học phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ ở Tây phương, do đó Tây phương rất tự hào về nền văn minh thường được biết là "nền văn minh Thiên Chúa Giáo Tây Phương" (Western Christian Civilization), vì tôn giáo chính ở Tây phương là Thiên Chúa Giáo, và vì những phát triển, tiến bộ ngoạn mục nhất của khoa học và nhiều bộ môn khác cũng ở Tây phương. Nhưng ít người để ý đến sự nhập nhằng kết hợp tôn giáo và khoa học làm một nền văn minh chung. Ít người để ý đến sự kiện là khoa học tiến bộ và phát triển ở Tây phương không phải vì niềm tin trong tôn giáo của các khoa học gia Tây phương, mà chính là vì các khoa học gia đã phủ nhận niềm tin này, hay ít ra cũng là lãnh đạm với niềm tin này. Thật vậy, lịch sử khoa học cho thấy tôn giáo Tây phương, thường tự cho là văn minh tiến bộ, là khai phóng, đã luôn luôn làm đủ mọi cách, trong phạm vi quyền lực thế gian, để ngăn chặn những khả năng tự tại quý báu nhất của con người, thí dụ như óc sáng tạo, tự do suy tư v.v..., những thành tố tất yếu của sự phát triển khoa-học nói riêng, kiến thức con người nói chung. Trong khi đó, Phật Giáo, thường bị xuyên tạc là một tôn giáo yếm thế, chậm tiến, lại có rất nhiều điểm tương đồng với khoa học, luôn luôn hòa hợp, cổ võ, và hỗ trợ những tiến bộ của khoa học, và ngày càng giữ một vị thế thoải mái trong thời đại khoa học. Điều này không có gì là lạ, vì căn bản tu tập trong Phật giáo cũng dựa trên thực nghiệm giống như khoa học, và nếu ta để tâm tìm hiểu thì ta sẽ thấy trong nhiều bộ môn, Phật Giáo đã tiến trước khoa học khá xa về tư tưởng và phương pháp hành trì chứng nghiệm trực tiếp.
Hẳn nhiên trong một bài viết ngắn ngủi tôi không có cách nào trình bày toàn vẹn tinh thần khoa học trong Phật Giáo cũng như không thể đi vào tất cả các bộ môn mà tư tưởng Phật Giáo có thể coi như là tiền phong cho những khám phá khoa học sau này. Cho nên sau đây tôi chỉ đưa ra vài sự kiện so sánh giữa những khám phá của Phật Giáo hơn 2500 năm trước và những khám phá mới đây của khoa học chính xác, và tôi sẽ tự hạn trong đề tài "Vũ Trụ Luận" trong Phật Giáo. Tôi sẽ chứng tỏ để bạn đọc thấy nhiều khi Phật Giáo còn chính xác hơn và đầy đủ hơn khoa học, và rằng một số tư tưởng Phật Giáo và phương pháp trình bày các tư tưởng này đã đi trước khoa học nhiều thế kỷ.
Quan niệm của Phật Giáo về vũ trụ như sau: thế giới chúng ta đang sống không phải là duy nhất và cũng không phải là trung tâm vũ trụ. Ngoài thế giới chúng ta đang sống còn có rất nhiều thế giới khác, và Phật giáo phân loại các thế giới thành 3 loại: Tiểu Thiên Thế Giới, Trung Thiên Thế Giới, và Đại Thiên Thế Giới. Danh từ thế giới trong Phật - giáo chỉ một thiên thể (thí dụ như trái đất) hoặc một tập hợp các thiên thể được coi như thuộc một nhóm (thí dụ như thái-duơng-hệ mà trái đất là một hành tinh trong đó). Vậy, một ngàn thế giới họp thành một Tiểu Thiên Thế Giới, một ngàn Tiểu Thiên Thế Giới họp thành một Trung Thiên Thế Giới, và một ngàn Trung Thiên Thế Giới họp thành một Đại Thiên Thế Giới. Vậy, lấy đơn vị là một hệ thống tương tự như hệ thống Thái Dương Hệ và gọi là thế giới thì Tiểu Thiên Thế Giới gồm có khoảng một ngàn thế giới, Trung Thiên Thế Giới gồm khoảng một triệu thế giới, Đại Thiên Thế Giới gồm khoảng một tỷ thế giới v.v... Đó là quan niệm về vũ trụ của Phật Giáo từ hơn 2500 năm về trước. Nhưng sau đó 22 thế kỷ, vào thế kỷ thế 17, Tây phương vẫn còn chưa thoát khỏi quan niệm tối tăm về trời tròn đất vuông, trái đất được coi là trung tâm vũ trụ, và rằng mặt trời quay xung quanh trái đất như đã viết trong Thánh Kinh. Những khám phá mới, xác thực về vũ trụ của các khoa học gia như Copernicus (các hành tinh quay xung quanh mặt trời) và Galileo (trái đất quay xung quanh mặt trời), vì không phù hợp với thánh kinh, nên đều bị quyền lực tôn giáo đương thời lên án.
Trở lại quan niệm về vũ trụ của Phật Giáo, chúng ta thấy rằng quan niệm này hầu như tương hợp hoàn toàn với những kiến thức ngày nay của những nhà thiên văn (astronomers) hay những nhà vật-lý-học về thiên thể (astrophysicists), và đã đi trước khoa-học nhiều thế kỷ. Một Tiểu Thiên Thế Giới có thể so sánh với quan niệm hiện đại về một thiên hà (galaxy) gồm có cả triệu ngôi sao và những hành tinh có thể có sinh vật trên đó. Thí dụ như giải ngân hà (Milky Way) hay M31, hay chòm sao (constellation) Andromeda. Một Trung Thiên Thế Giới có thể so sánh với một chùm thiên hà (galactic cluster) thí dụ như chùm Coma Berenices, và một Đại Thiên Thế Giới có thể so sánh với cái mà Hannes Alfven gọi là siêu thiên hà (metagalaxy) ở trong Đại Vũng (Big Dipper) của Tiểu Ursa (Minor Ursa) trong đó có ít ra là cả triệu thiên hà. Cho tới nay, vì những giới hạn tự tại của những dụng cụ quan sát cho nên các khoa học gia chưa thể đi xa hơn trong việc khảo sát vũ trụ. Nhưng không phải vì những giới hạn kỹ thuật này mà vũ trụ cũng bị giới hạn theo, và nay chúng ta đã hiểu tại sao Đức Phật lại "bỏ ngỏ" quan niệm về vũ trụ hữu hạn hay vô hạn. Điều này chứng tỏ Đức Phật đã thấy rõ khả năng vô tận của con người, và rằng Phật Pháp không phải là những giáo điều cứng nhắc không bao giờ thay đổi. Và đây cũng chính là tinh thần khoa học hiện đại, không có gì có thể coi như là vĩnh cửu, bất biến.
Nói đến quan niệm về vũ trụ của Phật Giáo thì chúng ta không thể bỏ qua Kinh Hoa-Nghiêm, phẩm Thế Giới Thành Tựu. Trong phẩm này, Bồ Tát Phổ Hiền tuyên thuyết về 10 đặc tính của các thế giới: nhân duyên khởi, chỗ trụ nương, hình trạng, thể tánh, trang nghiêm tánh, thanh tịnh tánh, Phật xuất hiện, kiếp trụ, kiếp chuyển biến sai biệt, và môn vô sai biệt. Để cho vấn đề tương hợp với khoa học được rõ ràng, sau đây tôi xin luận về hai điểm: hình trạng và kiếp trụ các thế giới. Chúng ta hãy xét đoạn kinh văn sau đây:
Lúc đó Phổ Hiền Bồ Tát lại bảo đại chúng rằng: "Chư Phật tử! Thế giới hải có nhiều hình tướng sai khác, hoặc tròn...hoặc hình như nước xoáy....hoặc hình như hoa ... có vi trần số hình sai khác như vậy."
Rồi trong phẩm tiếp theo, phẩm Hoa Tạng Thế Giới, Phổ Hiền Bồ Tát lại tuyên thuyết: "Chư Phật tử! Tất cả thế giới chủng đó hình trạng đều khác nhau: hoặc hình núi Tu Di, hoặc hình sông, hoặc hình xoay chuyển, hoặc hình nước xoáy, hoặc hình trục xe... hoặc hình hoa sen... có vi trần số hình trạng như vậy." ("Kinh Hoa- Nghiêm", Thích Trí Tịnh, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản).
So sánh với những hình trạng của các chòm sao, giải thiên hà, ngân hà khám phá bởi khoa học ngày nay chúng ta thấy Phật giáo đã mô tả hình trạng của chúng một cách vô cùng chính xác. Thí dụ như các hình như bánh xe, nước xoáy chúng ta có thể quan sát được trong các chòm sao như Cetus, Pegasus và Hercules, hình sông là giải ngân hà (Milky Way) và nhiều thiên hà khác, hình dạng như hoa là những khối tinh vân trong khoảng không gian liên-thiên-hà (intergalactic clouds of gas) có chứa hàng tỷ ngôi sao v.v... Thật tôi không thể tưởng tượng được ở một thời chưa hề có kính thiên văn, dù thô sơ nhất, mà Đức Phật và các Đại Bồ Tát đã có những hiểu biết chính xác về vũ trụ như trên. Nếu không phải vì đã giác ngộ hoàn toàn, nắm vững cơ cấu huyền bí của vũ trụ, thì làm sao có thể biết được những điều như trên. Và chúng ta cũng nên nhớ là những điều đức Phật và các Bồ Tát chọn để tuyên thuyết cho người đời chẳng qua cũng chỉ là một nắm lá trong tay so với số lá cây trong rừng.
Tiếp theo, về kiếp trụ của các thế giới, Kinh văn viết rằng:
"Lúc đó Phổ Hiền Bồ-Tát lại bảo đại chúng rằng: "Chư Phật tử! Nên biết thế giới hải có thế giới hải vi trần số kiếp trụ, hoặc có a-tăng-kỳ kiếp trụ, hoặc có vô-lượng kiếp trụ, hoặc có vô biên kiếp trụ, hoặc có vô đẳng kiếp trụ, hoặc có bất-khả-sổ kiếp trụ, hoặc có bất khả xưng kiếp trụ, hoặc có bất khả tư kiếp trụ, hoặc có bất khả lượng kiếp trụ, hoặc có bất khả thuyết kiếp trụ,... có vi trần số kiếp trụ như vậy."
Rồi trong bài kệ để tuyên lại nghĩa này Bồ Tát Phổ Hiền có giải thích bằng một câu: "Hoặc chỉ một kiếp hoặc vô số, Bởi những tâm nguyện đều chẳng đồng." Chỉ một câu "bởi những tâm nguyện đều chẳng đồng" cũng đã giải quyết vấn đề "thiên sai vạn biệt" trong vũ trụ. Thật là đầy đủ, thật là rốt ráo, thật là chính xác. Nếu chúng ta đi sâu vào một chút trong đoạn kinh văn trên, chúng ta sẽ thấy Phật Giáo đã đi trước khoa học như thế nào.
Phật giáo phân biệt: Tiểu Kiếp có 16 triệu 8 trăm ngàn năm, Trung Kiếp có 336 triệu năm, và Đại Kiếp có 1 tỷ 344 triệu năm. Theo khoa học hiện nay thì một ngôi sao (coi như là một thế giới) mà chất lượng (mass) càng nặng thì đời sống của ngôi sao càng ngắn. Do đó có những ngôi sao chỉ "sống" được từ 1 tới vài tỷ năm và người ta đã tính được rằng một ngôi sao có chất lượng nhẹ hơn những ngôi sao trên khoảng 90 phần trăm thì ngôi sao này có thể sống tới hàng ngàn tỷ năm. Điều này rất phù hợp với câu kệ trên của Phổ Hiền Bồ Tát, có thế giới chỉ tồn tại một kiếp, có thế giới tồn tại vô số kiếp v.v....
Thứ đến, những danh từ như a-tăng-kỳ, vô lượng, vô biên,... bất khả thuyết có vẻ như mơ hồ và không rõ ràng như những con số trong thời đại khoa học. Thật ra không phải vậy, vì trong phẩm A-Tăng-Kỳ, Kinh Hoa Nghiêm ta đọc được như sau, tôi xin đánh số cho nó rõ ràng hơn:
Phật nói: Này thiện nam tử!
1. Một trăm Lạc Xoa làm một Câu Chi.
2. Câu Chi lần Câu Chi làm một A-Giu-Đa
3. A-giu-Đa lần A-Giu-Đa làm một Na-Do-Tha
4. Na-Do-Tha lần Na-Do-Tha làm một Tần-Bà-La và tiếp tục như vậy tất cả là 123 lần, trong đó số 104 là A- Tăng-Kỳ, số 106 là Vô Lượng, số 108 là Vô Biên, số 110 là Vô Đẳng, số 112 là Bất-Khả-Sổ, số 114 là Bất-Khả- Xưng, số 116 là Bất-Khả-Tư, số 118 là Bất-Khả- Lượng, và số 120 là Bất-Khả-Thuyết.
Chúng ta biết rằng khoa học ngày nay dùng ký hiệu lũy thừa để viết những con số lớn. Thí dụ như 1 triệu là con số 1 với 6 con số 0 đằng sau, 1 000 000, theo ký hiệu điện toán được viết như sau: (10^6) hay 106 và đọc là 10 lũy thừa 6; 1 tỷ gồm có 9 số 0 và được viết là 109 (billion), lớn hơn nữa là 1012 (1 ngàn tỷ hay trillion), 1015 (1 triệu tỷ hay zillion) và khoa học chưa có những danh từ riêng để chỉ những con số lớn hơn. Tiếng Việt thì chỉ tới số tỷ là cao nhất.
Theo Kinh Phật thì 1 Lạc Xoa là 100 ngàn, nghĩa là 105. Như vậy 1 Câu Chi là 10 triệu, nghĩa là 107; 1 A- Giu-Đa là 100 ngàn tỷ, nghĩa là 1014; 1 Na-Do-Tha là 10 tỷ tỷ tỷ, nghĩa là 1028. Tiếp tục tính ra ta sẽ thấy 1 A- Tăng-Kỳ là khoảng, nếu chỉ lấy 9 số lẻ, 10(8 x 10^31), nghĩa là con số 1 tiếp theo bởi hơn 7000 tỷ tỷ tỷ con số 0 ở đằng sau, một con số vô cùng lớn nhưng vẫn có một tên riêng. Chúng ta có thể suy ra:
Vô Lượng ~= 10^(3 x 10^32), Vô Biên ~= 10^(1.13 x 10^33),...và Bất-Khả-Thuyết ~= 10^(4.6 x 10^36) nghĩa là con số 1 tiếp theo bởi khoảng hơn 4 tỷ tỷ tỷ tỷ con số 0 đứng đằng sau.
Những con số khoa học hiện đại dùng tới có lẽ chỉ vào khoảng 10^40 nghĩa là chỉ có 40 con số 0 đứng sau. Chúng ta thấy ngay rằng, ngay cả về phương diện toán số, Phật giáo đã đi trước khoa học khá xa về sự biểu thị chính xác những con số và đã có quan niệm về những con số vô cùng lớn, lớn ngoài mức tưởng tượng của các khoa học gia hiện đại.
Trên đây tôi đã trình bày sơ lược, sơ lược vì còn rất nhiều chi tiết tôi chưa nói tới, những sự tương đồng giữa Phật Giáo và khoa học hiện đại trong một số quan niệm về vũ trụ, và chứng tỏ rằng những tư tưởng Phật Giáo đã đi trước khoa học nhiều thế kỷ, và rằng Phật giáo cũng vô cùng chính xác trong một số nhận định. Nhưng Phật Giáo không phải chỉ có những tương đồng với khoa học trong bộ môn thiên văn như vừa trình bày ở trên, hay với môn Vật lý các hạt nhỏ (particle physics) như đã trình bày trong cuốn The Tao of Physics của Fritjoff Capra, mà còn nhiều tương đồng khác trong các bộ môn như sinh học (bioscience), vật lý hạt nhân (nuclear physics), triết lý khoa học (philosophy of science), tâm lý học (psychology), phân tâm học hay tâm lý trị liệu (psychotherapy), di truyền học (genetics) v.v..., và nếu khảo sát kỹ thì trong bộ môn nào, tư tưởng Phật Giáo cũng đi trước khoa học khá xa. Cũng vì vậy mà những bộ óc khai phóng, tiến bộ nhất của nhân loại hiện nay càng ngày càng phải tìm về những chất liệu trong Phật Giáo với hi vọng giải quyết những bí tắc trong việc mở mang kiến thức loài người. Ngoài ra, cái tinh thần từ bi hỉ xả và bản chất khoan dung của Phật giáo cũng lần lần đi vào đầu óc của những con người tiến bộ trong thời đại khoa học.
Để kết luận, tôi xin mượn lời của luận gia Gerald Du Pré như sau:
"Trong thế kỷ này, đã có nhiều công cuộc hòa hợp tôn giáo trên thế giới, với mục đích đáng tán thưởng là tìm ra những điểm chung giữa các tôn giáo, và cổ súy tinh thần khoan dung giữa các tôn giáo. Tuy nhiên, điều này không làm cho tôn giáo sống lại, vì những thứ mà hầu hết những tôn giáo cùng có là lòng tin, giáo điều, thánh kinh và các thần tính, tất cả những thứ này làm cho các tôn giáo đó không tương hợp với khoa học. Phật giáo (cùng với Lão giáo) là một biệt lệ, vì Phật giáo không phải là một tín giáo, không có giáo điều cứng nhắc, không có thần quyền và không chấp nhận hiệu lực cứu rỗi của bất cứ ai khác.
Tôi không tin rằng chúng ta nên tìm cách hợp nhất Phật giáo với các tôn giáo khác. Điều này chỉ dẫn đến sự lẫn lộn. Chúng ta hãy cố gắng tranh đấu để hợp nhất Phật giáo và khoa học, để tạo nên một tôn giáo khoa học cho thế giới hiện đại. Khoa học Phật giáo sẽ làm tan biến sự hoang mang, bối rối bằng cách làm sáng tỏ và hợp nhất lý thuyết và phương pháp hành trì Phật Giáo để làm một căn bản giác ngộ vững chắc, hữu hiệu cho người Tây phương."
(During this century, a great deal of work has been done for uniting the religions of the world, with the praiseworthy object of discovering what they have in common, and for promoting tolerance among them. However, this has not lead to a revival of religion, because what most religions have in common is faith, dogma, divine scriptures and deities, all of which make them incompatible with science. Buddhism (along with Taoism) is the great exception to this, for it is not a faith, has no dogma or divine authority of its own and does not accept the validity of anyone else's.
I don't believe that we should be trying to unite Buddhism with other religions. This only leads to confusion. Instead, we should be striving to unite Buddhism and science, so as to produce a religion of science for our modern world. Scientific Buddhism will dispel confusion by clarifying and unifying Buddhist practice and theory and making it an effective stepping-stone to enlightenment for Westerners." ("Scientific Buddhism" by Gerald Du Pré, in "Buddhism and Science", Edited by Buddhadasa P. Kirthisinghe, New Delhi, India, 1984).
---o0o---

(VI) - PHẬT GIÁO VÀ KHUÔN MẪU TOÀN KÝ TRONG KHOA HỌC


Quan niệm nhìn vũ trụ một cách toàn ký (The holographic view of the universe) là một quan niệm mới trong khoa học hiện đại, bắt nguồn từ sự khám phá ra kỹ thuật chụp hình toàn ký vài thập niên trước đây. Kỹ thuật chụp hình toàn ký này đã giúp cho một số khoa học gia giải quyết được một số khúc mắc trong những công cuộc khảo cứu của họ về ký ức của con người cũng như trong ngành vật lý các hạt nhỏ (particle physics). Các khoa học gia này, từ những kết quả khảo cứu mới nhất, đã đưa ra những bằng chứng và đề nghị rằng thế giới của chúng ta ngày nay và mọi thứ trong đó chẳng qua chỉ là những hình ảnh không thực, là những dự phóng của một thực thể vượt ra ngoài thực thể của con người và vượt ra ngoài không gian và thời gian.


Hai khoa học gia được biết đến nhiều nhất trong quan niệm mới này là nhà vật-lý học David Bohm, rất nổi tiếng trong ngành vật lý nguyên lượng (quantum mechanics), thuộc đại học Luân Đôn, Anh quốc, và Karl Pribam, một nhà thần-kinh sinh-lý-học (neurophysiologist) thuộc đại học Stanford, California. Điều đặc biệt là Bohm và Pribam, tuy khảo cứu về hai ngành hoàn toàn khác biệt, cùng phải dựa vào quan niệm toàn ký để giải thích những kết quả khảo cứu của mình. Bohm khảo sát về sự tương tác của các hạt nhỏ trong ngành vật lý tiềm nguyên tử (subatomic physics), và Pribam khảo sát về ký ức của con người trong ngành thần-kinh sinh-lý học. Không đi vào chi tiết, hai khoa học gia trên đều nhận thấy rằng các lý thuyết cũ trong khoa học không đủ để giải thích mọi vấn đề trong các ngành khảo cứu của họ, và khuôn mẫu toàn ký (holographic paradigm) đã giúp họ giải thích một cách hợp lý các kết quả khoa học của họ.
Nghiên cứu kỹ vấn đề, chúng ta có thể nói ngay rằng khuôn mẫu toàn ký chẳng qua chỉ là sự thuyết giải khoa học của một phần nhỏ những quan niệm đặc thù trong Phật Giáo đã có từ nhiều thế kỷ trước như tương duyên, tương tức, tương nhập, tương liên, một là tất cả v.v... Nhưng trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu đại cương thế nào là khuôn mẫu toàn ký.
Toàn ký (holography) là một kỹ thuật tạo hình ảnh bằng một loại ánh sáng đặc biệt thường được biết tới tên quen thuộc là ánh sáng LASER và hiện tượng giao thoa (interference) quen thuộc của các sóng. LASER là những chữ đầu của "Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation", có nghĩa là "ánh sáng khuếch đại do phát xạ kích thích của bức xạ", hay gọn hơn: "ánh sáng khuếch đại do bức xạ kích thích".
Một phim ảnh toàn ký được tạo ra khi một tia sáng LASER đơn sắc được tách ra làm hai tia riêng biệt. Tia thứ nhất được chiếu trên vật muốn chụp hình, thí dụ một bức tượng Phật, dội lại và hợp với tia thứ hai tạo thành một mô thức giao thoa và được ghi trên một tấm phim ảnh.
Dùng mắt thường mà nhìn thì hình giao thoa trên tấm phim không có gì là giống bức tượng Phật cả, mà chỉ là một số mô hình gồm những vòng đồng tâm tương tự như những vòng sóng lăn tăn trên mặt nước khi ta ném một nắm sỏi xuống nước. Nhưng khi ta chiếu qua tấm phim này bằng một tia LASER khác, hoặc đôi khi chỉ cần một ngọn đèn thật sáng, một cái hình nổi của bức tượng Phật sẽ hiện ra. Hình này trông y như thật, ta có thể đi vòng xung quanh hình tượng Phật này và thấy đó là một bức tượng thật, bất kể nhìn dưới góc cạnh nào. Nhưng nếu ta muốn nắm bắt hình tượng Phật này thì ta sẽ không thành công bởi vì khi ta đưa tay vào chỗ hình tượng Phật này thì sẽ không thấy gì, vì thật ra đó chỉ là một ảo ảnh. Ngày xưa Phật đã chẳng nói, Phật thì vô hình vô tướng, làm sao mà nắm bắt được, và Tâm Kinh đã chẳng dạy là "Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc chính là không, không chính là sắc" hay sao?
Nhưng điểm kỳ diệu của kỹ thuật toàn ký là, nếu ta cắt tấm phim ảnh ra làm hai, rồi chiếu lên mỗi nửa tấm phim này bằng một tia LASER, ta sẽ thấy mỗi nửa tấm phim sẽ lại tạo ra hình ảnh của toàn phần tượng Phật. Cứ tiếp tục chia cắt như vậy, mỗi mảnh nhỏ của tấm phim vẫn tạo ra nguyên hình của toàn thể bức tượng tuy càng ngày càng mờ nếu mảnh phim càng ngày càng nhỏ hơn. Nói tóm lại, kỹ thuật toàn ký đã khám phá lại một phần của một quan niệm rất quen thuộc trong Phật Giáo: một là tất cả. Để cho sự so sánh được rõ ràng hơn, có lẽ chúng ta nên đi thêm vào vài chi tiết trong công cuộc khảo cứu của Pribam và Bohm.
Pribam khám phá ra rằng, ký ức của con người được phân bố đều trong bộ óc và mỗi phần của bộ óc chứa trọn vẹn những thông tin mà bộ óc ghi nhận. Nếu ta cắt bỏ một phần các vùng ký ức, có khi là một phần khá lớn, ở trong óc một người thì ký ức của người đó không bao giờ mất đi một phần, và nếu người đó nhớ một cái gì đó thì bao giờ cũng nhớ trọn vẹn chứ không bao giờ chỉ nhớ một phần, thí dụ như chỉ nhớ 1 phần những người trong gia đình, hay một phần của một khuôn mặt quen thuộc, hay một phần của một câu chuyện mà người đó đã được kể cho nghe.
Khảo sát về sự tương tác giữa các hạt nhỏ trong ngành vật lý tiềm nguyên tử, Bohm đưa ra nhận định như sau: Thuyết tương đối, quan trọng hơn nữa, cơ học nguyên lượng (quantum mechanics) đề nghị rằng, người ta không thể phân tích thế giới thành những phần riêng biệt và độc lập. Hơn nữa, mỗi phần có vẻ như bằng cách nào đó liên hệ tới mọi phần khác: chứa đựng lẫn nhau hoặc bao hàm nhau.
Chúng ta thấy rằng kỹ thuật toàn ký đã tạo ra một căn bản giải thích những kết quả khảo cứu của Pribam và Bohm. Và Pribam đã đặt một câu hỏi: Nếu các hình ảnh của thực tại ghi trong óc của chúng ta không phải là một hình ảnh như chúng ta thường thấy mà là một toàn ký đồ (hologram), vậy thì toàn ký đồ là cái gì?
Vấn đề khúc mắc là ở chỗ nếu ta chụp hình toàn ký một cảnh, thí dụ một đám người ngồi quanh một cái bàn, và khi rửa phim ra ta thấy không phải là một đám người mà lại là những hình giao thoa, vậy thì thực tại là cái gì? Là những hình ảnh thông thường chúng ta thấy ở ngoài đời ghi nhận bởi quan sát viên/nhiếp ảnh viên hay là những hình mờ ảo giao thoa ghi bởi máy chụp hình/óc con ngườỉ? Pribam ý thức được rằng cái mẫu về "óc toàn ký" với những các kết luận hợp lý của nó đã dẫn đến một vấn nạn về thế giới của thực tại khách quan; thế giới của sông, núi, cây cỏ có thể là không hiện hữu, ít ra là không hiện hữu như chúng ta thường tưởng là hiện hữu. Phải chăng quan niệm về ảo tưởng (maya) của những huyền nhiệm gia cách đây nhiều thế kỷ là đúng, và những cảnh xum la vạn tượng chẳng qua chỉ là vùng rộng lớn các tần số (vast frequency domain) biến đổi thành những sự vật SAU KHI nhập vào các giác quan của con người. Nhưng lãnh vực khảo cứu của Pribam chỉ về ký ức con ngưòi, và khi biết được những kết quả khảo cứu của Bohm, không những Pribam tìm ra được giải đáp cho những thắc mắc trên mà còn biết được rằng, theo Bohm, toàn thể vũ trụ chỉ là một toàn ký đồ (hologram).
Nói một cách vắn tắt thì quan niệm về vũ trụ của Bohm như sau: thực tại mà chúng ta thấy hàng ngày thực ra chỉ là một loại ảo tưởng, giống như một hình ảnh toàn ký. Đằng sau cái thực tại này là một sự xếp đặt sâu sắc hơn của sự hiện hữu mà ta có thể coi như là bản chất rộng lớn của một thực tại từ đó sinh ra mọi sự vật tạo thành thế giới vật chất của chúng ta, giống như một mảnh phim toàn ký tạo ra một toàn-ký-đồ. Bohm gọi cái thực tại sâu sắc này là cấp ẩn (implicate order) hay sự xếp đặt ẩn và những thứ chúng ta thấy thường ngày thuộc cấp hiện (explicate order) hay sự xếp đặt hiện của mọi vật. Nói một cách tóm tắt dễ hiểu thì mọi vật đều sinh ra từ một căn bản chung, và căn bản chung này khi nhập vào giác quan của con người thì sinh ra mọi sai biệt mà chúng ta thường thấy ở ngoài đời.
Nhưng có ai ngờ rằng, những quan niệm về vũ trụ dựa trên khuôn mẫu toàn ký trên đã là những quan niệm đặc thù của Phật Giáo từ bao thế kỷ trước đây. Thật vậy, quan niệm về Chân Không Diệu Hữu, hay quan niệm về Chân Đế và Tục Đế của Bồ Tát Long Thọ trong Đại Trí Độ Luận, và quan niệm về Tâm Chân Như và Tâm Sai Biệt của Bồ Tát Mã Minh trong Đại Thừa Khởi Tín Luận không khác gì quan niệm toàn ký của Bohm ở trên, nếu không muốn nói là còn sâu sắc hơn và đầy đủ hơn. Và, nếu chúng ta quen thuộc với kinh điển Phật Giáo, nhất là kinh Hoa Nghiêm, thì chúng ta sẽ thấy rằng khuôn mẫu toàn ký và những quan niệm của Pribam và Bohm thực sự đã chậm mất 25 thế kỷ. Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng ta hãy đọc phớt qua chút ít về Kinh Hoa Nghiêm.
Trước hết, chúng ta hãy đọc vài lời tựa của Hòa Thượng Thích Đức Niệm ở đầu mỗi cuốn trong bộ kinh Hoa Nghiêm do Thích Trí Tịnh dịch:
"Kinh Hoa Nghiêm là bộ Kinh Đại Thừa, là vua trong các Kinh, với nội dung siêu việt tuyệt luân hùng vĩ, tráng lệ nguy nga, thể hiện Pháp thân, tư tưởng và tâm nguyện của Phật.
... Tư tưởng Hoa Nghiêm trình bày vạn pháp do tâm sanh. Tâm là thực thể của vạn pháp. Tâm vọng thì vạn pháp hoạt hiện sai biệt, hình hình sắc sắc, trùng trùng duyên khởi, cái này có cái kia có và ngược lại, như lưới đế châu. Tâm chơn thì pháp giới tánh với tâm là một, vạn vật đồng nhất thể....Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật chỉ cho chúng sanh thấu rõ cội nguồn của xum la vạn tượng do mê thức vọng tưởng nghiệp duyên hình thành, các pháp hiện hành trong vũ trụ là huyễn hóa, như hoa trong gương, như trăng dưới nước. Tất cả vạn pháp trong pháp giới đều từ tâm sanh. Tâm trùm khắp cả pháp giới. Tất cả vạn hữu vũ trụ có thể nằm gọn trong hạt cải. Hạt cải có thể thâu nhiếp tất cả vũ trụ vạn pháp. Thể tánh của tâm nhiếp thâu tất cả. Tất cả là một, một là tất cả."
Vài lời trên đã tóm tắt phần nào những tinh túy của Kinh Hoa Nghiêm. Thật vậy, chúng ta hãy đọc đoạn sau đây trong Phẩm Nhập Pháp Giới, lời của nữ nhân Thích Ca Cù Ba giảng một pháp môn giải thoát cho Thiện Tài đồng tử:
"Này Thiện Nam Tử!.. Ta quán thân của Bồ Tát, nơi mỗi lỗ chân lông, mỗi niệm thấy vô lượng vô biên thế giới rộng lớn, những sự an trụ, trang nghiêm, hình trạng, những núi, đất, mây, danh hiệu, Phật xuất thế, những đạo tràng, chúng hội, diễn thuyết những khế kinh, những sự quán đảnh, các thừa, những phương tiện, những thanh tịnh.
Lại mỗi niệm nơi mỗi lỗ chân lông của Bồ Tát thường thấy vô biên phật hải, những sự ngồi đạo tràng, những thần biến, thuyết pháp, thuyết kinh hằng không gián đoạn.
Lại nơi mỗi lỗ chân lông của Bồ Tát thấy vô biên chúng sanh hải: những trụ xứ, hình mạo, tác nghiệp, căn tánh...."
Với lời tựa của Hòa Thượng Thích Đức Niệm và lời trích dẫn trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy rằng quan niệm toàn ký của các khoa học gia đã dựa vào các tư tưởng của Phật Giáo rất nhiều. Nhưng xét cho kỹ thì quan niệm toàn ký trong khoa học chỉ có tác dụng giải thích một số khúc mắc trong khoa học một cách đại cương trong khi quan niệm về tương thông, tương túc, hay dung thông vô ngại bao trùm mọi pháp giới. Nếu chúng ta đọc đoạn cuối của Kinh Hoa Nghiêm, khi Thiện Tài đồng tử vào trong lâu các Tỳ Lô Giá Na và rồi sau đó gặp Phổ Hiền Bồ Tát thì chúng ta sẽ thấy quan niệm về một vi trần chứa đủ thiên sai vạn biệt trong vũ trụ đã được trình bày với đầy đủ chi tiết và kèm vào đó những công hạnh của Bồ Tát. Và đây chính là điểm vi diệu của Kinh Phật vì ngoài việc dùng để giải thích những sự việc ngoài đời như khoa học, điểm chính yếu là cái dụng của Kinh Phật như sẽ được tóm tắt sau đây.
Chúng ta biết rằng kinh căn bản trong Hoa Nghiêm Tông là Kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm bao gồm toàn bộ giáo lý Phật Giáo một cách hòa hợp, đa dạng; đó là một kinh được coi là cao nhất trong mọi kinh Phật ở Á Châu. Kinh trình bày một môn siêu hình học vô cùng tiến bộ và là một tập hợp phát triển tư tưởng một cách kỹ lưỡng, tinh tế để dẫn con người tới toàn giác.
Nhưng muốn nhận định đúng giá trị của Kinh Hoa Nghiêm chúng ta phải xét đến cái mặt dụng của Kinh này. Vì chúng ta đã biết, trong Phật Giáo, Kinh Phật thật là vô ích nếu chúng ta chỉ để ý tới phần lý thuyết mà không áp dụng chúng vào đời sống thường ngày. Các thiền sư thường ví những người tìm hiểu kinh mà không thực hành như là những người "đọc thực đơn mà không ăn" hay là "đếm tiền của thiên hạ trong ngân hàng".
Nói một cách ngắn gọn, Kinh Hoa Nghiêm cho chúng ta một tập hợp những phương thức tu tập - một lối nhìn sự vật trên mọi góc cạnh, từ đó khám phá ra sự hòa hợp và bổ túc lẫn nhau tiềm ẩn sau những khác biệt và mâu thuẫn biểu kiến của mọi sự vật ở trên đời. Giá trị của sự tu tập này là sự phát triển một quan điểm tròn đầy, lành mạnh, giúp ta khám phá ra sự thống nhất của mọi Pháp nhưng không phủ nhận sự khác biệt của các Pháp. Từ quan điểm này, con người vượt qua được những ngăn ngại tâm linh do sự chấp vào các sai biệt của vạn vật mà sinh ra. Từ đó, với sự phát triển bồ đề tâm, cái quan điểm viên dung này vận hành bất tuyệt trên cách hành xử của các bồ tát trong công cuộc tự giác, giác tha. Một khi hội nhập được vào ý tưởng dung thông vô ngại của Kinh Hoa Nghiêm, với căn bản là bồ đề tâm, hành giả sẽ không còn bị ngăn ngại bởi bất cứ cái gì về cách hành xử trong Bồ Tát Đạo.
Bài trên đây chỉ có mục đích chứng tỏ rằng các tư tưởng trong Phật Giáo đã đi trước và sâu sắc hơn các quan niệm của khoa học hiện đại nhiều, hiển nhiên tôi không thể đi vào chi tiết của khoa học cũng như Kinh điển Phật Giáo trong một bài viết ngắn. Bạn đọc nào muốn hiểu thêm về bồ đề tâm hay những quan niệm như tương duyên, tương tức, dung thông vô ngại trong Phật Giáo xin hãy chăm đi lễ Chùa và thụ huấn quý Thày. Tôi bảo đảm là các bạn sẽ không cảm thấy lãng phí thì giờ trong việc tìm hiểu kinh Phật vì Kinh Phật là một kho tàng vô giá và vô tận để phát triển trí tuệ con người.
Đôi Lời Kết Luận Về Con Người Và Vũ Trụ
Trong tinh thần khoa học, không ai bắt buộc ai phải tin vào thuyết Big Bang về nguồn gốc vũ trụ hay thuyết Tiến Hóa về nguồn gốc con người. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận là, những kiến thức về vũ trụ và con người ngày nay đã giúp con người ra khỏi vòng mê tín vào những niềm tin tôn giáo cổ xưa về nguồn gốc vũ trụ và con người.
Ngày nay chúng ta biết rằng trái đất không phải là trung tâm của Thái Dương Hệ, cũng không phải là trung tâm của giải Ngân Hà, và tất nhiên không phải trung tâm của vũ trụ. Trái đất mà chúng ta sống trên đó không có gì đặc biệt, đó chỉ là một hành tinh quay xung quanh một ngôi sao không có gì đặc biệt trong một thiên hà không có gì đặc biệt trong số hàng trăm triệu thiên hà trong vũ trụ, mỗi thiên hà có cả trăm tỷ ngôi sao. Chúng ta cho nó là đặc biệt vì chúng ta sống trên đó, nhưng trong thực tế, trái đất chỉ là một hạt bụi vũ trụ [Trái đất: đường kính 12728 km, so với vũ trụ rộng 14 tỷ năm ánh sáng].
Chúng ta đều biết, trái đất nằm trong Thái Dương Hệ gồm có Mặt Trời và 9 hành tinh. Trái đất là một trong 9 hành tinh của Mặt Trời. Thái Dương Hệ nằm trong giải Ngân Hà trong đó có khoảng 200 tỷ ngôi sao mà Mặt Trời là một trong những ngôi sao đó. Chúng ta không thấy mặt trời lấp lánh như sao vì mặt trời tương đối ở gần chúng ta so với các ngôi sao khác. Nếu mặt trời lùi ra xa một khoảng cách gấp 250000 lần khoảng cách hiện nay thì ban đêm chúng ta sẽ thấy mặt trời lấp lánh như những ngôi sao khác. Lẽ dĩ nhiên khi đó thì không có một sinh vật nào có thể sống trên trái đất và không làm gì có “chúng ta” để mà nhìn “sao mặt trời” trên trời. Trong một vũ trụ rộng khoảng 14 tỷ năm ánh sáng và chứa hàng tỷ thiên hà, mỗi thiên hà chứa hàng trăm tỷ ngôi sao và hành tinh, thì trái đất mà những người Ki Tô Giáo tin rằng Thiên Chúa của họ đã đặc biệt “sáng tạo” ra để phục vụ riêng con người chẳng qua chỉ là một hạt bụi trong vũ trụ và không có gì đặc biệt hơn hàng tỷ các hạt bụi khác trong vũ trụ.
Sự sống của chúng ta trên trái đất cũng không có gì là đặc biệt. Chúng ta, hiện nay có trên 6 tỷ người, sống chung với cả tỷ tỷ [trillions] các loại sâu bọ, chưa kể hàng triệu các loại sinh vật khác. Mọi sinh vật trên trái đất đều nằm trong luật Vô Thường: Sinh, Trụ, Hoại, Diệt, không có một loài sinh vật nào được miễn trừ, không có một quyền năng nào, kể cả quyền năng của một Thiên Chúa trong niềm tin của các tín đồ Ki Tô, có thể thay đổi. Con người chúng ta chỉ là một dạng sinh vật ở cấp tương đối cao, vì chúng ta nằm trong một quá trình tiến hóa đặc biệt, cho nên phát triển để có lý trí, có đầu óc suy tư, từ đó con người đã tiến hóa từ thời đồ đá, đồ đồng, đồ sắt cho đến thời đại nguyên tử ngày nay. Đi vào thế giới của DNA, 99% DNA của chúng ta giống y hệt DNA của các con vượn (chimpanzees) và các con khỉ đột (gorilla) dù chúng ta có muốn chấp nhận hay không. 1% khác biệt đã tạo nên nền văn minh của chúng ta trong đó có nghệ thuật, văn chương v.v... Như vậy chúng ta có 99% khỉ, và chỉ có 1% là người, vì vậy chúng ta thường hay làm những trò gọi là “trò con khỉ”.
Thuyết Tiến Hóa của Darwin và những phát triển sau đó ngày nay đã dứt khoát chứng tỏ rằng: con người sinh ra không phải là do Thiên Chúa của Ki Tô Giáo (God) “sáng tạo” ra mà tiến hóa từ những dạng sống thấp hơn, và như vậy đã dứt khoát bác bỏ thuyết Sáng Tạo trong Kinh Thánh của Ki Tô Giáo, bác bỏ vai trò sáng tạo của Thiên Chúa của Ki Tô Giáo, biến những chuyện như “tội tổ tông”, “chuộc tội”, “cứu rỗi” v.v.. trong Ki Tô Giáo thành những chuyện hoang đường không thể chấp nhận trong thế giới ngày nay [Xin đọc thêm những bài Huyền Thoại Cứu Rỗi của Linh mục James Kavanaugh, Giê-su Là Đấng Cứu Thế: Một Vai Trò Cần Phải Dẹp Bỏ của Giám mục John Shelby Spong, và Những Lời Châu Ngọc Về Ki Tô Giáo của Robert G. Ingersoll trên trang nhà Giao Điểm trước đây. TCN], tuy tất cả những tác dụng thay đổi đầu óc con người trên không phải là mục đích của thuyết Tiến Hóa..
Những người Ki-Tô tin rằng Thiên Chúa của họ đã đặc biệt “sáng tạo” ra loài người nhưng họ quên rằng tai con chó thính hơn tai người, mũi con chó thính hơn mũi người, mắt con dơi sáng hơn mắt người trong đêm tối v.v.., và một loại vi-rút (virus) rất nhỏ nhoi cũng có thể giết cả triệu người như bệnh dịch hạch phát ra ở Âu Châu trước đây. Khoan kể đến chuyện Thiên Chúa “toàn năng” của Ki-Tô Giáo, cũng như chúng ta, đều hoàn toàn bất lực trước những thiên tai như bão lốc, Tsunamis, cuồng phong, núi lửa, lụt lội v.v... và riêng đối với loài người thì hoàn toàn bất lực trước những quái thai, bào thai khuyết tật v.v... sinh ra đời. Những thiên tai này không chừa một ai, kể cả những người tin vào quyền năng của chính Thiên Chúa của họ. Do đó, luận điệu Thần Học về một Đấng Tối Cao, sáng tạo ra muôn loài, đặc biệt sáng tạo ra loài người, và nhất là thương yêu chúng ta không còn đứng vững trong thời đại ngày nay. Chúng ta đã đi từ thời bán khai, đến thời Trung Cổ, và bỏ lại đàng sau những gì thuộc các thời đại đó, không còn có giá trị gì hay thích hợp với chúng ta ngày nay.
Với thời gian, từ khi mới thành lập, nền thần học Ki-tô Giáo, đã đưa ra nhiều luận cứ để “chứng minh” là có Thiên Chúa của họ, thực ra chỉ là một vị Thần trong niềm tin của người Do Thái [Thần Jehovah, Con của ông ta, Jesus, đều là người Do Thái], nhưng tất cả những luận cứ thần học này, thí dụ như Luận Cứ Về Bản Thể (Ontological Argument) của St. Anselm và René Descartes, Luận Cứ Vũ Trụ hay Nguyên Nhân Đầu Tiên (Cosmological Argument) của Thomas Aquinas, Luận Cứ Cứu Cánh (Teleological Argument) hay Thiết Kế (Design Argument) của William Paley, Luận Cứ Đạo Đức (Moral Argument) v.v.., ) đều đã bị dứt khoát bác bỏ bởi sự tiến bộ trí thức của nhân loại và bởi những bằng chứng bất khả phủ bác của khoa học về nguồn gốc vũ trụ và nguồn gốc con người.
Hiển nhiên là Ki Tô Giáo không đội trời chung với Charles Darwin vì Ki Tô Giáo muốn con người phải tin vào những điều viển vông, hoang đường, phản khoa học, phi lý trí, không thể kiểm chứng được, nếu không muốn nói là làm ô nhiễm đầu óc con người trong thời đại này. Cũng vì vậy, ngay từ khi thuyết Tiến Hóa ra đời, Ki Tô Giáo đã tích cực ra công chống đối thuyết Tiến Hóa, chống đối vì cần tiếp tục nhốt tín đồ trong những ngục tù tư tưởng, trói chặt tín đồ bằng những xiềng xích trí tuệ, và nuôi dưỡng sự mê tín trong đám tín đồ thấp kém, từ đó mới có thể duy trì được quyền lực tinh thần tự tạo của giới chăn chiên trên đám tín đồ, và tiếp tục hưởng thụ vật chất trên sự nghèo khổ của đa số tín đồ nghèo khó. Điều lạ là sự chống đối đó vẫn còn tiếp tục cho tới ngày nay từ một vài ốc đảo Tin Lành ở Mỹ, miền đất mà Darwin chưa bao giờ đặt chân đến, với sự phụ họa của một số tân tòng Tin Lành Việt Nam qua những luận cứ rất ấu trĩ và hoang đường.
Những người Ki-Tô tin vào thuyết sáng tạo của họ, tin rằng Thiên Chúa của họ đã đặc biệt sáng tạo ra con người theo hình ảnh của Thiên Chúa của họ, thường không đủ đầu óc để thấy rằng, chính cái niềm tin đó đã biến Thiên Chúa của họ thành một ác quỷ theo như nhận định của James A. Haught trong cuốn Holy Horrors. Suy nghĩ thêm một chút, chúng ta thấy về con người, chúng ta có thể phần nào an tâm hơn trước những bất toàn về đủ mọi mặt trên thế giới nếu chấp nhận thuyết Tiến Hóa, vì đó là một định luật thiên nhiên. Nếu chúng ta tin rằng con người là sản phẩm sáng tạo của Thiên Chúa của Ki Tô Giáo theo hình ảnh của Thiên Chúa thì đó chính là một sản phẩm tệ hại nhất cần phải lên án. Tại sao? Vì những súc vật, ác thú có cắn giết nhau cũng chỉ vì miếng ăn hoặc tranh giành con cái con đực và thuờng chỉ trong một phạm vi rất nhỏ. Trái lại, loài người do Thiên Chúa sáng tạo ra đã phát sinh ra Ki Tô Giáo với những núi tội ác làm chết hại nhiều triệu người qua những cuộc Thập Ác Chinh, Tòa Án xử Dị Giáo, Săn Lùng Phù Thủy, chiến tranh tôn giáo v.v… Hình ảnh của Thiên Chúa cũng hiện ra trên Hitler với 6 triệu mạng người Do Thái, trên những người phát minh ra những vũ khí nguyên tử, các loại bom đạn có thể giết hàng loạt người một lúc. Vậy so với thú vật, chúng ta có hơn gì không, hay là căn bản chúng ta ác và tàn bạo hơn các thú vật rất nhiều? Những người Ki Tô có bao giờ nghĩ đến vấn đề này không? Mỗi khi tôi thấy người ta vinh danh những “khoa học gia” phát minh ra những vũ khí độc hại có thể phá tan các công sự và giết được nhiều người, trong số này hình như có một người Việt Nam nào đó, tôi thấy những người Ki Tô thực sự đang mạ lỵ Thiên Chúa của họ nếu họ tin rằng Thiên Chúa đã sáng tạo ra loài người.
Những khám phá khoa học bắt nguồn từ Thuyết Tiến Hóa về vũ trụ và con người rất phù hợp với những tư tưởng đặc thù của Phật Giáo, rằng tất cả mọi sự vật trên thế gian đều liên hệ tới nhau, và tất cả đều nằm trong luật vô thường. Mặt khác, Khoa Sinh Học ngày nay cũng đã chứng minh là các loài khỉ cũng như các giống người đều cùng có nguồn gốc xa xưa từ những tổ tiên trong đó đã có sẵn mầm mống tính người, chứ không phải là khỉ tiến hóa thành người. Hơn nữa, chúng ta đã biết, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã nhận định trong cuốn. “Sự Vô Tận Trong Lòng Bàn Tay” (L'Infini Dans La Paume de la Main”), dựa trên những kết quả khoa học cận đại chính xác nhất: "Tiến hóa từ những cát bụi của những ngôi sao, chúng ta chia sẻ cùng một lịch sử vũ trụ với những con sư tử trong những vùng hoang mạc và những bông hoa tỏa mùi thơm". Phải chăng Đức Phật đã quán chiếu thấy rõ những chân lý này cho nên Phật Giáo đã là tôn giáo duy nhất trên thế gian chủ trương hòa bình, không sát sinh, không những con người hòa bình với con người, mà còn hòa bình với mọi chúng sinh, với cả cây cỏ. Bất hạnh thay, về phương diện tâm linh, đa số trong nhân loại vẫn còn đi sau Phật Giáo khá xa, cho nên trên thế giới ngày nay, luôn luôn vẫn còn những cảnh chém giết tàn sát lẫn nhau, hủy diệt môi sinh v.v.., tất cả chỉ để phục vụ cho niềm hoang tưởng là mọi thứ đều thường hằng, và để thỏa mãn những ham muốn vật chất mà bản chất là vô thường và thường gây tác tại cho chính bản thân và cho xã hội.

---o0o---


(VII) - PHẬT GIÁO & THUYẾT TƯƠNG ĐỐI


Có thể nói đầu óc tôi thiên về khoa học kỹ thuật và suy lý. Nếu không, tôi không thể theo đuổi ngành Vật Lý Học để rồi dùng những kiến thức trong Vật Lý Học làm nghề “kiếm cơm” trong hơn 30 năm, ở Việt Nam và ở Mỹ. Tuy nhiên, xin quý độc giả hiểu rằng, kiến thức về Vật Lý Học của tôi chỉ thu hẹp trong một lãnh vực nhỏ nhoi nào đó, vì không ai ở trên cõi đời này có thể cho rằng mình đã biết hết về Vật Lý Học.

Đối với tôi, khoa học Vật Lý thật là đẹp, đẹp ở chỗ người ta có thể cô đọng một hiện tượng vật lý rất phức tạp trong một phương trình hoặc trong một mẫu toán học ngắn gọn, và qua phương trình hay mẫu toán học này người ta có thể diễn tả sự biến đổi hay “cuộc sống” của vật chất, hoặc “thấy những gì không thể thấy được.

Duyệt qua những tiến bộ của khoa học vật lý trong vài thế kỷ nay, tôi thấy có nhiều khám phá kỳ diệu, nhưng cùng lúc đi vào con đường tri hành hợp nhất trong Phật Giáo, tôi thấy Phật Pháp còn kỳ diệu hơn nữa. Kỳ diệu hơn ở chỗ Phật Pháp dẫn dắt con người đến chỗ hội nhập chân lý chung cùng, và dù chưa hội nhập được, trên con đường đi đến hội nhập, con người cũng có thể có một cuộc sống đạo đức, thoải mái, tâm bình an. Chân lý nhà Phật được coi là chung cùng vì không thể đi quá hơn và không thể thay đổi. Trái lại, những chân lý của khoa học, nếu có, hiện còn ở ngoài tầm tay của các khoa học gia, vì bản chất của khoa học là tương đối, gần đúng và giới hạn, có tính cách nay vững mai đổ, tùy theo nhịp tiến bộ kiến thức của nhân loại.

Nếu ngày nay khoa học đã đưa ra một số quan niệm có vẻ như tương đồng với một số quan niệm trong Phật Giáo, hoặc khám phá ra một số hiện tượng và có thể diễn tả những hiện tượng này bằng những phương trình, công thức toán học, thì ngày xưa Đức Phật và các đệ tử của Người đã hội nhập một cách toàn diện những quan niệm hoặc hiện tượng này bằng trực giác quán chiếu.  Để cho vấn đề được rõ ràng, tôi xin trích dẫn vài lời của David Bohm và Fritjof Capra, hai vật lý gia chuyên khảo sát về bộ môn vật lý các hạt tiềm nguyên tử (Subatomic particles), nghĩa là nhỏ hơn nguyên tử, và ở cấp năng lượng cao (có vận tốc rất cao).

David Bohm:  Thuyết Tương Đối [tôi sẽ nói rõ hơn trong một đoạn sau], quan trọng hơn nữa, cơ học nguyên lượng [quantum mechanics = một ngành của vật lý có đối tượng khảo sát là sự di chuyển của những lượng nhất định [quanta] của vật chất trong thế giới vi mô, thí dụ như điện tử hoặc các hạt nhỏ căn bản khác. Cũng cần phải nói thêm là các hạt nhỏ này khi thì thể hiện dưới dạng vật chất riêng biệt (tương tự như những hạt cát thu nhỏ), khi thì thể hiện dưới dạng sóng truyền liên tục (tương tự như ánh sáng), do đó người ta bảo những hạt nhỏ có cùng lúc hai tính chất, hạt và sóng, danh từ khoa học gọi là “hạt- sóng song tính”] đề nghị rằng người ta không thể phân tích thế giới thành những phần riêng biệt và độc lập.  Hơn nữa mỗi phần có vẻ như bằng cách nào đó liên hệ tới mọi phần khác: chứa đựng lẫn nhau hoặc bao hàm nhau.

Fritjof Capra (tác giả cuốn The Tao of Physics): Thuyết nguyên lượng bắt buộc chúng ta phải quan niệm vũ trụ như là một mạng liên hệ phức tạp giữa các phần của một tổng thể chứ không phải là một tập hợp các vật thể riêng biệt. Mọi hạt nhỏ đều bao gồm các hạt khác một cách tự hợp, và theo nghĩa này, có thể nói chúng chứa đựng lẫn nhau. Trong thuyết này, điểm cần nhấn mạnh là sự tương tác (interaction) hay tương thông (interpenetration) của mọi hạt nhỏ.

Nếu chúng ta quen thuộc với kinh điển Phật Giáo, nhất là Kinh Hoa Nghiêm, thì chúng ta sẽ thấy rằng những quan niệm của Bohm và Capra đã chậm mất hơn 25 thế kỷ. Hơn nữa, Bohm và Capra chỉ thấy được tính tương thông trong thế giới các hạt vật chất nhỏ nhoi, một phạm vi vô cùng nhỏ của vật lý và vũ trụ, chứ chưa thấy được tính tương thông trong bốn Pháp Giới như trong Phật giáo: tương thông trong thế giới các “nguyên lý” (Lý Vô Ngại Pháp Giới), thế giới các “vật” (Sự Vô Ngại Pháp Giới), và tương thông giữa các “nguyên lý và vật” (Lý Sự Vô Ngại Pháp Giới) và “giữa các vật” (Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới).

Trên đây tôi không có ý định so sánh một số quan niệm trong bộ môn vật lý hiện đại (modern physics) với một số quan niệm trong Phật Giáo mà một số tác giả Tây phương như Fritjof Capra, Gary Zukav, Michael Talbot v.v... đã cho là có sự tương đồng trong những tác phẩm Đạo Của Vật Lý (The Tao of Physics), Điệu Vũ Của Các Thầy Vật-Lý (The Dancing of Wu-Li Masters), và Huyền Nhiệm học và Vật-Lý Hiện Đại (Mysticism and the New Physics) của họ. Tôi cũng không có ý định dùng khoa học để “chứng minh lời Kinh xưa” như một vị “Thích Tử” đã viết trước đây.  Tôi nghĩ rằng Kinh Phật chỉ có thể chứng nghiệm vào bản thân chứ không thể chứng minh cho người khác được. Chứng minh là tự buộc mình vào trong “trò chơi” của một số quy luật. Người ta có thể mượn khoa học để làm sáng tỏ trên một phương diện nào đó một số quan niệm trong Phật Giáo, nhưng cách hiểu thuần trí thức này nếu không dùng được thì quả là vô ích, vì trong Phật Giáo, hiểu có nghĩa là hội nhập giáo lý Phật Giáo trong đời sống hàng ngày.  Vì sự hiểu biết của tôi về Phật Giáo cũng như về Khoa Học đều rất giới hạn, nên tôi xin tự hạn trong chủ đề “Tính Chất Tương Đối Của Mọi Sự Vật Trong Phật Giáo và Trong Khoa Học.”

Trong khoa học vật lý, nói đến thuyết Tương Đối người ta nghĩ ngay đến Albert Einstein, vật lý gia nổi tiếng nhất thế kỷ 20 và cũng là cha đẻ của thuyết Tương Đối.  Thực ra, thuyết Tương Đối của Einstein có hai:  Thuyết Tương Đối Hẹp (Special Theory of Relativity) trong đó các chuyển động tương đối là chuyển động đều (Vận tốc không thay đổi), và Thuyết Tương Đối Suy Rộng (General Theory of Relativity) trong đó bao gồm các chuyển động không đều và ảnh hưởng của trọng trường (gravity = sức vạn vật hấp dẫn). Thuyết Tương Đối Suy Rộng khá phức tạp cho nên tôi xin được miễn bàn tới, tuy nhiên chúng ta cần hiểu rằng thuyết này đã cho tiên đoán chính xác về nguồn gốc vũ trụ và cho phép các khoa học gia tính ngược trở lại thời điểm của Big Bang.

Thuyết Tương Đối Hẹp mô tả sự thể hiện khác nhau của các thực thể vật chất tùy theo quan điểm của quan sát viên (đúng ra là tùy theo trạng thái di chuyển tương đối giữa các quan sát viên) nhưng đồng thời thuyết này cũng định nghĩa sự bất biến (không thay đổi) hay tính tuyệt đối của các thực thể vật chất. Thí dụ: một cái thước chúng ta cầm trên tay dài 100cm nhưng đối với một người đang di chuyển với một tốc độ khá nhanh nào đó qua mặt chúng ta thì cái thước đó có thể thấy ngắn hơn, độ 90cm chẳng hạn. Một thí dụ khác là nếu chúng ta thấy chiếc đồng hồ đeo trên tay chúng ta chạy được một khoảng thời gian nào đó thì đối với người đang di chuyển trên, khoảng thời gian đó có vẻ như lâu hơn là khỏang thời gian mà chúng ta thấy. Vậy, cả không gian (cái thước) và thời gian (đồng hồ) đều thay đổi tùy theo sự di chuyển tương đối của mỗi người, danh từ khoa học gọi là tùy theo “hệ thống qui chiếu” trong đó người ta thực hiện thí nghiệm đo lường.

Dùng toán học, chúng ta có thể tính ra được sự dài ngắn khác nhau của cái thước và sự sai biệt thời gian của cái đồng hồ tùy theo tính trên hệ thống qui chiếu của mỗi người. Nhưng nếu mỗi người mang kết quả tính to án của mình ra, đặt sự tính to án đó vào khuôn khổ hệ thống qui chiếu của người kia, thì hai kết quả lại hoàn toàn phù hợp với nhau, nghĩa là trong sự thay đổi (tương đối) có sự không thay đổi (tuyệt đối). Đây chính là một điểm sâu sắc trong thuyết tương đối hẹp của Einstein. Nhưng đây cũng là một quan niệm quen thuộc trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, và quan niệm về cái “một tuyệt đối” trong Phật Giáo hiển nhiên là rộng rãi, không bị giới hạn như cái tuyệt đối tương đối của khoa học.

Sau đây tôi xin nêu vài kết quả dễ hiểu nhất trong thuyết Tương Đối, tất cả những kết quả này đều có thể chứng minh bằng toán học, và đặt song song với một số quan niệm trong Phật Giáo để quý độc giả quán chiếu.

Đối với một quan sát viên đứng yên thì: Kích thước của một vật đang di chuyển sẽ càng thu nhỏ hay ngắn lại nếu vận tốc di chuyển của vật đó càng tăng, và vật đó sẽ biến mất khi vận tốc đạt tới vận tốc của ánh sáng trong chân không. Trong Phật Giáo, quan niệm mang núi Tu Di đặt trên đầu một sợi lông mà núi không hề thu nhỏ lại cũng như đầu sợi lông không hề nở rộng ra không phải là một quan niệm hoang đường nếu chúng ta ý thức được rõ tính tương đối của không gian.

Một chiếc đồng hồ đang di chuyển sẽ chạy chậm dần nếu vận tốc di chuyển nhanh dần, và sẽ hoàn toàn ngưng lại không chạy nữa, nhưng không phải là hỏng máy, khi vận tốc di chuyển của nó đạt tới vận tốc của ánh sáng trong chân không. Trong Phật Giáo có quan niệm sống trong hiện tại, bây giờ và ở đây.  Sự ngưng đọng thời gian trong Phật Giáo hiển nhiên liên hệ tới sự ngưng đọng tương đối của thời gian, nhất là khi tâm thức của hành giả đi vào Đại Định.

Hai hiện tượng xảy ra tại hai thời điểm khác nhau trong một hệ thống qui chiếu có thể xảy ra cùng lúc trong một hệ thống qui chiếu khác. Trong Phật Giáo, nếu chúng ta đến Chùa Giác Ngộ nghe Thầy Nhật Từ thuyết Pháp thì Tam Thế chư Phật cũng đang thuyết Pháp ở nhiều nơi khác: cung trời Đâu Suất, Núi Linh Thứu, Hội Long Hoa v.v… 

Mấy điều song song trên là để cho chúng ta quán chiếu, không phải để thực nghiệm, vì trong đời sống hàng ngày, muốn thấy các hiện tượng trên, vận tốc di chuyển của chúng ta phải cao tới mức sấp sỉ vận tốc của ánh sáng trong chân không, nghĩa là khoảng 300 ngàn cây số trong một giây đồng hồ (300000km/sec hay 18600 miles/sec). Nhưng chúng ta đừng quên rằng, ý nghĩ và tâm thức của con người nhiều khi còn nhanh hơn là vận tốc truyền của ánh sáng nữa.

Trong Phật Giáo cũng có thuyết Tương Đối nhưng tổng quát hơn: mọi sự vật trên thế gian chỉ là tương đối. Điều này có nghĩa là, hình sắc và tính chất của mọi sự vật luôn luôn biến đổi tùy theo cảnh giới trong đó sự vật thể hiện. Nói một cách giản dị, thì tương đối có nghĩa là “thấy vậy mà không phải vậy” bởi lẽ tùy theo quan điểm và vị thế quan sát của mỗi người (hệ thống qui chiếu riêng), hình sắc và tính chất của một vật có thể khác nhau. Ngoài ra, tính tương đối trong Phật Giáo còn thấy rõ trong luật “vô thường”. Tính tương đối trong Phật Giáo không có gì là lạ, vì “Vạn pháp duy tâm tạo” mà tâm của mỗi người mỗi khác, mỗi người có một nghiệp riêng và sống trong một cảnh giới riêng. Để cho dễ hiểu, tôi xin lấy vài thí dụ.

Đối với đa số người Việt Nam thì một thiếu nữ đẹp không thể là một người mập thù lù như con trâu nước. Nhưng đối với một vài dân tộc ở Phi Châu thì người phụ nữ nào càng mập càng đẹp và càng dễ lấy chồng.

Đối với một số người thì tiếng hát của Thái Thanh trước đây là “tiếng hát vượt thời gian”. Nhưng đối với riêng tôi thì tiếng hát Thái Thanh nhiều khi có pha chất giấm và so với kỹ thuật và giọng ca thế kỷ của Maria Callas hoặc Joan Sutherland v.v… trước đây thì thật là… bất khả thuyết. Nhưng đối với một người thích nghe Vọng Cổ thì có lẽ tiếng hát của Thanh Sang là tuyệt vời hơn cả, cả Thái Thanh, Maria Callas hay Joan Sutherland đều là đồ bỏ.

Bây giờ, giả thử bạn đang ngồi yên tham thiền trước bàn thờ Phật trong một gian phòng. Có chắc là bạn đang ngồi yên hay không? Đối với một con ruồi đang bay vo ve xung quanh bạn thì bạn thật sự đang điên đảo đảo điên. Mà dù không có ruồi trong phòng thì cũng không có gì gọi là ngồi yên cả. Thật vậy, bạn đang di chuyển trong không gian với một vận tốc nhanh gấp 1000 lần vận tốc bạn thường lái xe trên xa lộ, vào khoảng 66600 miles/1 giờ [đây là vận tốc của trái đất trên quỹ đạo xung quanh mặt trời trong Thái Dương Hệ]. Đồng thời trái đất cũng còn đang quay xung quanh trục Nam Bắc với vận tốc quay khoảng 1040 miles/1 giờ. Như vậy, cái gọi là ngồi yên của bạn chỉ là tương đối, vì thực tế là bạn đang điên đảo đảo điên trong không gian.

Vì nằm trong Vật Lý học, nếu thuyết Tương Đối trong khoa học chỉ có những áp dụng giới hạn trong thế giới vật chất, thì thuyết Tương Đối trong Phật Giáo có tác dụng mở rộng tâm thức của con người đến vô hạn. Cũng như mọi quan niệm khác trong Phật Giáo, quan niệm tương đối không phải để tranh luận mà để quán chiếu và hội nhập.  Có thể nói, thấy được tính tương đối của mọi sự vật là thấy được tính hòa hợp của mọi sự vật, cùng lúc cũng thấy được tính vô thường và vô ngã của vạn pháp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, 99% những hành động và ý nghĩ của chúng ta là để phục vụ cho “cái Ta”. Chính là vì chỉ để phục vụ cho “cái Ta” mà nhiều khi chúng ta gặp phải những điều phiền toái. Với kinh nghiệm bản thân, sau đây tôi xin đề nghị một lối sống cho “cái Ta” (có vẻ trái với giáo lý Đại Thừa).

Sống cho “cái Ta” là sống cho chính mình, không sống vì người khác. Nhưng thế nào là sống cho chính mình. Đơn giản thôi. Nếu bạn có thể mặc một bộ quần áo đắt tiền, rất hợp thời trang, hoặc lái một chiếc xe đắt tiền, đeo những trang sức quý giá v.v.., thuần túy vì bạn có khả năng kiếm tiền lương thiện, và thích như vậy [khoan nói đến chuyện có để ra phần nào để làm việc từ thiện] chứ không phải để cho người khác nhìn vào thì có thể nói bạn đã sống cho chính mình. Nếu bạn có thể tới Chùa lễ Phật, nghe thuyết Pháp, làm công quả… thuần túy vì đạo tâm đưa đẩy chứ không phải để cho người khác nhìn vào hay để lấy điểm với vị trụ trì thì bạn cũng đang sống cho chính mình. Nói tóm lại, nếu bạn làm bất cứ việc gì mà không phải để cho người khác nhìn vào thì thực sự bạn đã đang sống cho chính mình. Nếu bạn thực sự sống cho chính mình thì đời sống của bạn sẽ vô cùng thoải mái. Nếu bạn sống để cho người khác nhìn vào thì bạn sẽ thất vọng vì bản chất tương đối của mọi sự vật. Bạn sẽ thấy rằng trong cái lối cho chính mình như trên, “cái Ta” của bạn thực sự không còn lại bao nhiêu, và đây chính là một phương pháp tu tập trong Phật Giáo. 

Tôi còn nhớ, khi còn dạy ở Đại Học Wisconsin, Madison, có một đồng nghiệp người Mỹ muốn tôi theo Ki- Tô Giáo nhưng biết tôi là một Phật Tử. Một hôm, anh ta hỏi tôi: “Theo Phật Giáo thì được cái gì?” Tôi biết là người Ki-Tô thường được hứa hẹn nhiều thứ lắm, trong đời này cũng như đời sau. Tôi bèn trả lời: “Chẳng được cái gì cả, trái lại tôi mất đi nhiều lắm. Tôi chỉ được những cái còn lại” [Nothing! On the contrary I lost a lot. What’s left is what I gain]. Tôi không nghĩ rằng anh ta hiểu, và tôi cũng không giải thích gì thêm.

Trên đây tôi đã viết một cách hết sức sơ lược về quan niệm tương đối trong khoa học và trong Phật Giáo. Tôi hiểu rằng, ngày nay, sống trong những xã hội được coi là văn minh tiến bộ, con người thường bị hào quang của những tiến bô khoa học và tiện nghi vật chất làm cho lóa mắt. Không ai có thể phủ nhận là đời sống của con người ngày nay được thoải mái và tiện nghi hơn trước, dù chỉ trong phần nào của thế giới, là nhờ ở những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và những phó sản tiện nghi của nó. Nhưng đây chỉ là khía cạnh vật chất của cuộc đời. Giữa vật chất và tinh thần cần phải có một hòa hợp, nếu không con người sẽ ở trong tình trạng mất cân bằng. Thật vậy, thay vì dùng khoa học để hỗ trợ, phát triển, hoàn bị đời sống tinh thần, nếu người ta lại bị vướng mắc vào những tiện nghi vật chất, rồi phải tìm hết cách, kể cả những thủ đoạn vô đạo đức, để được “hơn người” thì những tiện nghi vật chất này đương nhiên trở thành sự thoái hóa hoặc sa đọa của đời sống tinh thần. Điều này chúng ta có thể nhìn thấy rõ trong những xã hội được gọi là văn minh tiến bộ về kỹ thuật. Cũng vì vậy cho nên chúng ta không lấy làm lạ khi một số khoa học gia có lương tâm con người đã lên án khoa học kỹ thuật là một bộ môn “vô tâm, thấp kém, thiếu sót, vô thường, nguyên nhân của nhiều ác nghiệp.” 



Những tiến bộ kỹ thuật đưa tới sự chính xác của bom Smart hoặc hỏa tiễn Tomahawk dùng trong cuộc chiến ở Trung Đông trước đây, và vài vũ khí khác mới phát minh được dùng trong cuộc chiến ở Iraq ngày nay, thực ra không phải là niềm hãnh diện của nhân loại. Mong sao trong tương lai thế giới sẽ đầu tư vào việc nâng cao đời sống tinh thần của con người thay vì vào những vũ khí hủy diệt con người. Tôi tin rằng Phật Giáo, với bản chất hòa bình và tôn trọng con người, sẽ có những đóng góp đáng kể trong nhiệm vụ này. Tôi cũng mong mọi Phật tử chúng ta sẽ nhìn khoa học với một cặp mắt khôn ngoan, nhận đúng vị thế của khoa học trong đời sống con người, và tìm ra một lối sống hòa hợp đưa tới sự cân bằng giữa vật chất và tinh thần. Có thể vì vậy mà thế giới loài người sẽ tốt đẹp hơn chăng?

(Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay)
---o0o---
Hết
Каталог: kinh -> Ebooks -> Thuyet-Phap -> Phat-Giao-Va-Khoa-Hoc
Phat-Giao-Va-Khoa-Hoc -> Minh Giác Nguyễn Học Tài Chùa Liên Hoa, California, usa ấn hành 1997 o0o MỤc lụC
Thuyet-Phap -> Thiền sư khưƠng tăng hội nguyễn Lang o0o Nguồn
Thuyet-Phap -> VIỆt nam phật giáo sử luận nguyễn Lang Nhà Xuất Bản Văn Học Hà Nội 1979 o0o Nguồn
Thuyet-Phap -> ÐẬu nành nguồn dinh dưỠng tuyệt hảo biên Soạn: Tâm Diệu
Phat-Giao-Va-Khoa-Hoc -> Tiểu Luận Về Khoa Học Và Triết Học Nguyễn Tường Bách Nhà Xuất Bản Trẻ tp. Hcm 2004
Phat-Giao-Va-Khoa-Hoc -> Dao Phat Sieu Khoa Hoc Minh Giac Nguyen Ngoc Tai
Phat-Giao-Va-Khoa-Hoc -> PHẬt giáo và khoa học phúc Lâm Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay
Phat-Giao-Va-Khoa-Hoc -> CHÁnh niệm và ĐẠO ĐỨc giao thoa giữa khoa học và tâm linh ở Mỹ

tải về 0.74 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương