PHẬt giáo và khoa học phúc Lâm Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay


(II) - NGUỒN GỐC VŨ TRỤ: THUYẾT “BIG BANG”



tải về 0.74 Mb.
trang3/5
Chuyển đổi dữ liệu01.01.2018
Kích0.74 Mb.
#35304
1   2   3   4   5

(II) - NGUỒN GỐC VŨ TRỤ: THUYẾT “BIG BANG”


Nếu trong dân gian có rất nhiều huyền thoại dân gian và tôn giáo về sự sáng tạo ra vũ trụ (creation myth), kể cả huyền thoại sáng tạo của Do Thái – Ki Tô, mà ngày nay đã trở thành lỗi thời, thì trong khoa học chỉ có một thuyết giải thích nguồn gốc của vũ trụ (the origin of the universe) hay sự sinh ra của vũ trụ (the birth of the universe). Đó là thuyết "Big Bang". Thực ra, đằng sau thuyết Big Bang là cả một rừng toán học phức tạp, những thành quả khoa học qua nhiều thời đại, kỹ thuật đo lường với những dụng cụ tối tân nhất của khoa học kỹ thuật ngày nay v.v.., sản phẩm của những đầu óc có thể nói là sáng nhất trong giới khoa học. Tuy nhiên, muốn hiểu Big Bang không phải là khó, chúng ta chỉ cần dùng cặp mắt trần nhìn lên những khoảng tối giữa các vị sao trên trời là có thể "thấy rõ" vũ trụ đã sinh ra từ một Big Bang. Mặt khác, chúng ta cũng có thể "thấy" Big Bang ngay trong chiếc TV mà chúng ta thường coi hàng ngày. Tôi sẽ trở lại về những cái "thấy" này trong một đoạn sau. Trong phần trình bày sau đây, tôi sẽ cố gắng viết về thuyết này một cách giản dị để cống hiến quý độc giả "câu chuyện Big Bang". Tuy nhiên, vì đây là một đề tài khoa học và khả năng của tôi chỉ có hạn, cho nên, nếu có độc giả nào đọc bài này mà phát dị ứng với khoa học thì đó là tại vì tôi chưa đủ khả năng để diễn giải rõ ràng một vấn đề, chứ không phải vì độc giả đó chưa đủ trí tuệ để hiểu. Một mặt khác, khoa học cần nhiều đến suy nghĩ và tưởng tượng. Cho nên, trong bài viết này tôi đòi hỏi độc giả đôi chút óc tưởng tượng và suy tư của con người.


Thật là kỳ lạ, cách đây hơn 2500 năm, Đức Phật đã đưa ra thuyết Vô Thường: Vạn Pháp, nghĩa là vũ trụ và mọi sự vật trong đó, thay đổi từng sát na, không có gì có thể gọi là Hằng Hữu, Hằng Sống, Hằng Tồn trong vũ trụ. Mọi sự vật, nếu đã do duyên sinh thì cũng do duyên mà diệt, đủ duyên thì sinh thành, hết duyên thì diệt, và thường đều phải trải qua bốn thời kỳ: thành, trụ, hoại, diệt. Ngày nay, trước những khám phá mới nhất của khoa học, từ thuyết tiến hóa của Darwin cho tới thuyết Big Bang về sự thành hình của vũ trụ, tất cả đều chứng tỏ thuyết duyên khởi là đúng.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật cũng nói rõ: "Ngoài thế giới nhỏ nhoi của chúng ta còn có hằng hà sa số thế giới khác", và đã mô tả hình dạng của các thế giới này rất chính xác, thí dụ như có hình xoáy nước, hình bánh xe, hình nở như hoa v.v.. Ngày nay, khoa Vũ Trụ Học đã chụp được hình nhiều Thiên Hà trong vũ trụ có hình dạng giống như đã được mô tả trong Kinh Hoa Nghiêm, như sẽ được trình bày với ít nhiều chi tiết trong Phần II của cuốn sách này.
22 thế kỷ sau, vào thế kỷ 17, khoa học gia Giordano Bruno cũng đưa ra quan niệm là ngoài thế giới của chúng ta còn có nhiều thế giới khác. Ông bị giam 6 năm tù rồi đưa ra tòa án xử dị giáo. Tội của ông? Nhận định của ông trái với những lời "mặc khải" không thể nào sai lầm của Thần Ki-Tô trong Thánh Kinh của Ki-Tô Giáo: thế giới của chúng ta gồm có trái đất, mặt trời, mặt trăng và các vị sao mà mắt trần của chúng ta nhìn thấy hàng ngày là thế giới duy nhất mà Thần Ki-Tô tạo ra và trái đất là trung tâm của thế giới này. Vì là một Linh Mục dòng Đa Minh, tòa sẽ trả tự do cho ông nếu ông rút lại nhận định trái ngược với Thánh Kinh của Ki-Tô Giáo và tuyên bố là mình sai lầm. Nhưng có vẻ như ông là đệ tử của cụ Khổng nên có tư cách của người quân tử: "uy vũ bất năng khuất" nên ông không chịu "sửa sai". Kết quả là ông bị tòa án xử dị giáo xử có tội, tuyệt thông ông (nghĩa là khai trừ ông ra khỏi giáo hội, không cho ông hưởng các "bí tích" và lên Thiên đường hiệp thông cùng Chúa) và mang ông đi thiêu sống. (Xin đọc các bài “Phật Giáo và Vũ Trụ Học” và “Phật Giáo và Cuộc Cách Mạng Khoa Học” trong Phần II.) Từ những sự kiện trên, chúng ta thấy rằng, trí tuệ của Đức Phật đã vượt xa trí tuệ của Thiên Chúa của Ki-Tô Giáo, ít ra là về nguồn gốc và cấu trúc của vũ trụ. Bởi vậy, một trong 10 danh hiệu người đời gọi Đức Phật là "Thiên, Nhân Sư", nghĩa là bậc Thầy của những bậc sống trên Trời như Thần Ki-Tô và của con người sống trên trái đất.
Ngày nay, các khoa học gia đều công nhận chúng ta đang sống trong một vũ trụ sống động, thay đổi liên tục. Vũ trụ, cũng như mọi vật trong đó, từ nhỏ như một vi khuẩn cho tới lớn như một ngôi sao v.v... đều có một đời sống, nghĩa là, được sinh ra và sẽ chết đi. Vấn đề sinh tử không còn xa lạ gì với con người, nhưng vấn đề các ngôi sao, và rất có thể cả vũ trụ, cũng sinh tử thì thực ra các khoa học gia mới chỉ biết tới cách đây khoảng chưa đầy 80 năm. Khoa học ngày nay đã thấy lại, sau cái thấy của Đức Phật gần 25 thế kỷ, về sự cấu tạo và tính cách vô thường của vũ trụ.
Cho tới đầu thập niên 1920, các nhà vũ trụ học (vũ trụ học là môn học khảo sát về nguồn gốc, sự tiến hóa và sự cấu tạo của vũ trụ) đều cho rằng vũ trụ chỉ là giải Ngân Hà mà Thái Dương Hệ (hệ thống mặt trời và các hành tinh trong đó có trái đất) của chúng ta nằm trong đó, và vũ trụ này có vẻ như vô cùng tận, thường hằng, nghĩa là không thay đổi và có tính cách vĩnh cửu (eternal). Vào đầu thập niên 1920, các chuyên gia khảo cứu vũ trụ, qua những kính thiên văn tân kỳ, khám phá ra rằng giải Ngân Hà (Milky Way), trong đó có thể có tới cả trăm tỷ ngôi sao, mỗi ngôi tương tự như mặt trời trong Thái Dương Hệ, thật ra chỉ là một ốc đảo, một Thiên Hà (galaxy), trong vũ trụ.
Ngoài giải Ngân Hà ra còn cả triệu, cả tỷ Thiên Hà khác rải rác trong vũ trụ. Mỗi Thiên Hà đều chứa ít ra là cả tỷ ngôi sao, tương tự như giải Ngân Hà. Trong vũ trụ, giải Ngân Hà có dạng của một cái đĩa, rộng khoảng 100000 (một trăm ngàn) năm ánh sáng, và Thái Dương Hệ của chúng ta ở cách tâm của giải Ngân Hà khoảng 30000 (ba mươi ngàn) năm ánh sáng. Trong vũ trụ học, vì phải kể đến những khoảng cách vô cùng lớn nên người ta thường dùng đơn vị đo chiều dài là 1 năm ánh sáng, hoặc đơn vị parsec bằng hơn ba năm ánh sáng một chút (3.2616). Chúng ta đều biết, ánh sáng truyền trong không gian với vận tốc khoảng 300000 cây số trong một giây đồng hồ. Chúng ta cũng biết một phút có 60 giây, một giờ có 60 phút, một ngày có 24 giờ, và một năm có khoảng 365 ngày. Do đó, chúng ta có thể tính ra khoảng cách của một năm ánh sáng. Khoảng cách này vào khoảng 9460800000000 (9 ngàn 4 trăm 60 tỷ 8 trăm triệu) cây số, hoặc gần 6000000000000 (6 ngàn tỷ) Miles.
Làm sao mà các khoa học gia có thể đo được những khoảng cách vô cùng lớn như vậy? Lẽ dĩ nhiên không phải đo bằng thước mà bằng một phương pháp gián tiếp qua những dụng cụ khoa học, và đây chính là sự kỳ diệu của những phát minh khoa học song hành với sự phát triển trí tuệ của con người.
Năm 1923, khi quan sát khối tinh vân (nebula) Andromeda, một khối trông như một đám bụi sáng mờ mà chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt trần, qua một kính thiên văn vĩ đại tân kỳ có đường kính khoảng hai thước rưỡi, Edwin Hubble nhận ra rằng đó không phải là một khối tinh vân mà chính là một thiên hà tương tự như giải ngân hà. Quan sát kỹ, Hubble nhận thấy trong thiên hà này có những ngôi sao mà độ sáng của nó thay đổi một cách đều đặn, nghĩa là hiện tượng ngôi sao mới đầu sáng, rồi mờ đi, rồi lại sáng trở lại, và cứ tiếp tục thay đổi đều đặn như vậy. Các ngôi sao thay đổi độ sáng này có tên khoa học là Cepheid (Cepheid variables). Thời gian của một chu trình thay đổi này tùy thuộc ở độ sáng trung bình của ngôi sao. Chu trình thay đổi này có thể kéo dài trong khoảng từ 1 tới 50 ngày, tùy theo ngôi sao, nhưng rất đều đặn, thí dụ 15 ngày chẳng hạn, đối với một ngôi sao nào đó. Thời gian của chu trình này cho chúng ta biết chính xác độ sáng của ngôi sao đó. Và độ sáng biểu kiến (apparent brightness), nghĩa là thấy vậy mà không phải thực là vậy, của các ngôi sao ghi giữ lại trên các kính thiên văn sẽ cho chúng ta biết khoảng cách từ ngôi sao đến trái đất, vì theo một định luật đã được kiểm chứng trong khoa học, độ sáng biểu kiến chẳng qua chỉ là độ sáng thật chia cho bình phương của khoảng cách. Thí dụ, nếu chúng ta đo thấy độ sáng biểu kiến của ngôi sao A chỉ sáng bằng một phần tư độ sáng biểu kiến của ngôi sao B thì chúng ta có thể kết luận là ngôi sao A ở xa chúng ta gấp đôi ngôi sao B, vì bình phương của một nửa là một phần tư.
Qua kỹ thuật đo khoảng cách này, các khoa học gia biết rằng thiên hà Andromeda cách xa chúng ta khoảng hai triệu năm ánh sáng (700 ngàn parsec) và là thiên hà hàng xóm gần chúng ta nhất. Với những kính thiên văn ngày càng tân kỳ có khả năng ghi lại những ánh sáng rất yếu, từ rất xa, các khoa học gia đã biết được có những thiên hà cách xa chúng ta cả chục triệu năm ánh sáng, cả trăm triệu năm ánh sáng, rồi đến cả chục tỷ năm ánh sáng.
Các khoa học gia thường có thói xấu là "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm ngày chủ nhật" và cứ lập đi lập lại một thí nghiệm để chắc rằng những dữ kiện khoa học phù hợp nhau, từ đó mới đưa ra những xác định khoa học. Tới năm 1929, Edwin Hubble nhận ra một hiện tượng kỳ lạ: có vẻ như các thiên hà càng ngày càng di chuyển ra xa chúng ta. Hiện tượng trên chính là căn bản thuyết lý của Big Bang. Để hiểu rõ vấn đề, có lẽ chúng ta cần đi thêm vào chút ít chi tiết.
Sở dĩ Edwin Hubble khám phá ra hiện tượng trên là vì, khi quan sát những quang phổ (spectrum) ánh sáng từ các thiên hà, ông thấy vị trí của toàn bộ quang phổ này thay đổi với thời gian. Chúng ta biết rằng, dùng một lăng kính (prism) chúng ta có thể phân ánh sáng trắng của mặt trời ra làm bảy màu khác nhau, tương tự như những màu ta nhìn thấy trên một cầu vồng sau một cơn mưa, đó là quang phổ của ánh sáng mặt trời. Tương tự, ánh sáng từ các thiên hà, khi đi qua một quang phổ kế (spectroscope), nghĩa là một tổ hợp của kính hiển vi (microscope) và lăng kính (prism), cũng cho chúng ta những quang phổ tương ứng. Quan sát kỹ những quang phổ này, chúng ta thấy ngoài những màu chính còn có những vạch sáng và tối xen kẽ. Không đi vào chi tiết, chúng ta có thể nói rằng, vị trí của những vạch này cho chúng ta biết những nguyên tố đã phát ra ánh sáng tạo thành quang phổ đó, vì với mỗi nguyên tố, vị trí của những vạch này cố định. Nhưng khi quan sát những quang phổ này, Hubble thấy chúng chuyển sang phía đỏ (redshift), điều này chứng tỏ các thiên hà tương ứng với những quang phổ chuyển sang phía đỏ trên đang di chuyển càng ngày càng xa chúng ta. Đây là kết quả của một hiện tượng trong khoa học gọi là Hiệu Ứng Doppler (Doppler Effect). Trước khi đi vào chi tiết của hiệu ứng này, chúng ta cần biết qua về cấu trúc của ánh sáng.
Về phương diện sinh lý, cặp mắt của con người quả thật vô cùng hạn hẹp. Chúng ta nhận biết được vật chất là vì có ánh sáng. Nhưng ánh sáng mà chúng ta nhìn thấy được chỉ là một phần rất nhỏ của các loại "ánh sáng" gọi chung là sóng điện từ (electromagnetic waves). Những sóng này vừa dao động (rung) vừa truyền trong không gian với một tốc độ rất nhanh, như chúng ta đã biết, khoảng 300000 cây số trong một giây đồng hồ. Số rung trong một giây đồng hồ được gọi là tần số rung của sóng. Các sóng này có thể rung tương đối chậm, có tần số khoảng một triệu lần (chu kỳ) trong một giây, đó là các sóng phát thanh ngắn (radio short waves), hoặc rung rất nhanh, khoảng một triệu tỷ tỷ chu kỳ trong một giây, đó là những tia quang tuyến X, tia Gamma. Khoảng cách sóng truyền đi trong không gian sau mỗi chu kỳ (một lần rung) gọi là độ dài sóng (wavelength). Độ dài sóng của các tia X, tia Gamma chỉ vào khoảng một-phần-triệu-tỷ mét, nghĩa là vô cùng nhỏ, ta có thể tạm coi là 0. Các sóng phát thanh ngắn có độ dài sóng vào khoảng 100 mét. Vậy nếu ta biểu diễn độ dài sóng của các loại ánh sáng trên một trục ngang, từ 0 tới 100 mét, nghĩa là trên một đoạn dài 100 mét, thì phạm vi ánh sáng mà chúng ta có thể nhìn thấy được bằng đôi mắt trần chỉ chưa tới một phần ngàn của một ly mét, hay là một phần triệu của một mét, trong khoảng từ 0,4 phần triệu của một mét (tương ứng với ánh sáng tím) tới 0,6 phần triệu của một mét (tương ứng với ánh sáng màu đỏ), một chấm nhỏ mà mắt con người không thể nào nhìn thấy được. Vâng, chỉ như vậy thôi, và các con số trên không lạ gì với các học sinh trung học.
Trở lại hiệu ứng Doppler, chúng ta chắc ai cũng có kinh nghiệm nghe tiếng còi của xe cứu thương hay xe cảnh sát thay đổi khi xe tiến lại gần, qua ta và rồi di chuyển ra xa. Tiếng còi nghe cao dần khi xe tiến lại gần ta và rồi trở thành trầm dần khi rời xa ta. Hiện tượng này chính là hiệu ứng Doppler, sóng âm thanh co lại hoặc dãn ra tùy theo âm thanh đó tiến lại gần ta hay rời xa ta. Vì sóng âm thanh di chuyển trong không gian với một vận tốc cố định nên âm thanh cao rung nhanh hơn và tương ứng với độ dài sóng ngắn hơn, và âm thanh trầm rung chậm hơn và tương ứng với độ dài sóng dài hơn. Sóng ánh sáng cũng vậy, truyền trong không gian với một vận tốc cố định. Cho nên khi quang phổ của ánh sáng, phát ra từ các thiên hà, chuyển sang phía đỏ, nghĩa là phía những sóng ánh sáng có độ dài sóng dài hơn, thì chúng ta có thể kết luận là các thiên hà đang di chuyển càng ngày càng xa chúng ta. Điều này có nghĩa là vũ trụ không phải là thường hằng, luôn luôn như vậy, không thay đổi, mà là đang nở rộng ra. Ngoài ra, Hubble cũng còn khám phá ra một định luật mang tên ông (Hubble's law): rằng vận tốc di chuyển ra xa của các thiên hà thì tỷ lệ với khoảng cách giữa thiên hà và trái đất. Thí dụ, một thiên hà A ở xa trái đất gấp đôi thiên hà B thì vận tốc di chuyển của thiên hà A sẽ nhanh gấp đôi vận tốc di chuyển của thiên hà B.
Vậy, nếu ngày nay chúng ta có bằng chứng khoa học rằng vũ trụ đang nở rộng thì đi ngược thời gian chúng ta có thể tưởng tượng rằng vũ trụ trước đây nhỏ hơn bây giờ, trong đó các thiên hà gần nhau hơn. Tiếp tục đi ngược thời gian, chúng ta có thể thấy rằng, một thời nào đó, các thiên hà phải rất gần nhau, chồng chất lên nhau, không còn khoảng không gian nào giữa các thiên hà hay vật chất trong vũ trụ. Luận cứ này đưa tới quan niệm về Big Bang: vũ trụ thành hình do một sự nổ bùng lớn của một dị điểm vô cùng đặc, vô cùng nóng (vì tất cả vật chất trong vũ trụ được ép lại thành một điểm). Nóng bao nhiêu độ và đặc như thế nào, các khoa học gia đã tính ra được nhiệt độ và tỉ trọng của dị điểm này, tôi sẽ đưa ra vài con số trong một đoạn sau.
Quan niệm về một Big Bang không hẳn là khó hiểu, vì chúng ta có những hình ảnh tương tự, thí dụ như một chiếc pháo bông nổ trên trời, một quả bom nổ văng ra những mảnh bom có thể rất xa và khắp mọi hướng v.v... Chỉ có một điều khác biệt, pháo bông hay bom nổ xảy ra trong một khoảng không gian đã có sẵn, còn Big Bang là sự nổ bùng của một dị điểm cùng lúc tạo ra không gian và thời gian. Những khái niệm thông thường về thời gian và không gian mà chúng ta thường hiểu không áp dụng được trước khi Big Bang bùng nổ. Cho nên, câu hỏi: "vào thời điểm nào và dị điểm nằm ở đâu để mà bùng nổ?" hoàn toàn không có nghĩa, ít ra là đối với những khoa học gia.
Thật ra, sự nở rộng của vũ trụ đã được tiên đoán trong thuyết Tương Đối của nhà Vật Lý Học Albert Einstein. Những phương trình toán học trong thuyết Tương Đối suy rộng (General Theory of Relativity) của Einstein đã tiên đoán hiện tượng này. Nhưng vào thời điểm cuối thập niên 1910, quan niệm của các khoa học gia Tây Phương về một vũ trụ thường hằng, luôn luôn như vậy không thay đổi từ vô thỉ đến vô chung, một quan niệm mà thực chất là bác bỏ thuyết sáng tạo của Ki Tô Giáo, đã ăn sâu vào đầu óc của mọi người, kể cả Einstein. Cho nên, trong những phương trình toán học của thuyết Tương Đối, thay vì trình bày sự tiên đoán trên, Einstein đã cho vào các phương trình toán học của ông một hằng số vũ trụ (cosmic constant) để triệt tiêu sự nở rộng của vũ trụ. Về sau, Einstein công nhận đó là một sai lầm lớn nhất (biggest blunder) trong suốt cuộc đời phục vụ cho khoa học của ông. Tuy vậy, Einstein vẫn được cả thế giới tôn vinh là một khoa học gia vĩ đại nhất của thế kỷ 20.
Muốn hiểu tại sao thế giới lại tôn vinh Einstein như trên, có lẽ chúng ta cũng nên biết qua thuyết Tương Đối của Einstein và chỗ đứng của thuyết này trong thuyết Big Bang. Năm 1905, Einstein đưa ra thuyết tương đối hẹp (Special theory of Relativity) để giải thích bản chất của không gian và thời gian. Thuyết này, ngoài sự chứng minh tính chất tương đối của không gian và thới gian, còn cho chúng ta biết vận tốc của ánh sáng, thường được viết bằng ký hiệu c, là một vận tốc giới hạn, nghĩa là không có gì có thể di chuyển nhanh hơn ánh sáng, do đó vận tốc của ánh sáng là một hằng số tuyệt đối (absolute constant). Einstein cũng cho chúng ta biết sự tương quan giữa năng lượng (energy) và vật chất (matter) qua phương trình E = mc2, E là năng lượng tương ứng với khối lượng m của vật chất, và c là vận tốc của ánh sáng. Một điểm đặc biệt khác của thuyết tương đối hẹp của Einstein là thuyết này đã tổ hợp không gian và thời gian thành một miền chung có tên khoa học là miền liên tục khônggian - thờigian (spacetime continuum), được mô tả bởi một tập hợp các phương trình. Miền liên tục không gian - thờigian này thành ra có 4 chiều, 3 chiều cho không gian và một chiều cho thời gian. Đầu óc của chúng ta đã quen với một không gian 3 chiều trong đó 3 trục ngang, dọc, và thẳng đứng thẳng góc với nhau, nên chúng ta khó có thể quan niệm một trục thứ tư, trục thời gian, thẳng góc với cả 3 trục trên. Nhưng những phương trình toán học trong thuyết tương đối hẹp của Einstein lại cho chúng ta "thấy" rõ rằng miền liên tục khônggian - thờigian đúng là như vậy, vì trong những phương trình này, chiều thứ tư, chiều thời gian, bằng cách nào đó lại dính đến những khoảng cách âm (negative distances), biểu thị bằng một dấu trừ trước thông số thời gian, ký hiệu là t, trong các phương trình. Không đi vào chi thiết phức tạp của các phương trình toán học, chúng ta có thể dùng một hình ảnh giản dị hơn để có một khái niệm về miền liên tục 4 chiều.
Chúng ta hãy tưởng tượng miền liên tục khônggian - thờigian này giống như một tờ cao su rộng, được căng thẳng như mặt trống chẳng hạn. Trên mặt tấm cao su này chúng ta hãy vẽ một trục biểu thị sự chuyển động trong không gian, và một trục thẳng góc với trục trên biểu thị sự chuyển động trong thời gian. Nói một cách toán học thì 3 chiều trong không gian đều tương đương như nhau, nên chúng ta có thể tưởng tượng một trục có thể tượng trưng cho cả 3. Bây giờ chúng ta hãy lăn một viên bi trên tấm cao su đó, chúng ta có hình ảnh của một vật chuyển động trong miền liên tục khônggian - thờigian.
Nhưng đây là sự chuyển động của một vật trong một mẫu khônggian - thờigian phẳng lì (flat spacetime), nghĩa là trong không gian và thời gian thuần túy. Thực tế là, trong vũ trụ không phải chỉ có không gian không, mà còn có hằng hà sa số các thiên hà như chúng ta đã biết. Do đó, Einstein đã để ra 10 năm để nghiên cứu, tìm cách đưa tác dụng của trọng trường, nghĩa là ảnh hưởng của vật chất, vào trong thuyết tương đối của ông. Ông đã thành công năm 1915 với kết quả là thuyết tương đối rộng (General theory of relativity), một thuyết có thể giải thích, mô tả sự tương quan giữa không gian, thời gian, và vật chất, nghĩa là vũ trụ.
Muốn hiểu ảnh hưởng của vật chất trong việc giải thích vũ trụ, chúng ta hãy lấy lại mẫu khônggian - thờigian phẳng lì trên, và trên tấm cao su căng thẳng chúng ta hãy đặt một khối nặng trên đó. Hiển nhiên là tấm cao su sẽ bị trũng xuống nơi chúng ta đặt khối nặng trên. Lăn một viên bi trên tấm cao su theo một đường thẳng qua gần khối nặng trên, viên bi không di chuyển theo đường thẳng mà lại quẹo vào gần chỗ trũng trên tấm cao su rồi tiếp tục di chuyển trên quỹ đạo đã bị uốn cong này. Điều này chứng tỏ khônggian - thờigian bị uốn cong và biến dạng bởi những vật nặng, thí dụ như mặt trời, trong đó, và quỹ đạo của bất cứ cái gì, kể cả ánh sáng, di chuyển qua và gần vật nặng đó cũng bị uốn cong trong cái vùng biến dạng của khônggian - thờigian. Hiện tượng này đã được kiểm chứng và đo được một cách khá chính xác. Ngay từ năm 1919, các nhà vũ trụ học đã có thể đo được mức độ uốn cong của ánh sáng khi đi qua gần mặt trời. Thuyết tương đối của Einstein đã tiên đoán rất đúng mức độ uốn cong này.
Sau sự khám phá của Hubble là vũ trụ đang nở rộng, các khoa học gia đã dùng lại những phương trình toán học của Einstein, bỏ đi cái hằng số vũ trụ mà Einstein cho vào để triệt tiêu sự nở rộng của vũ trụ. Kết quả là các phương trình này mô tả rất chính xác vũ trụ của chúng ta.
Thật ra thì người đầu tiên dùng những phương trình toán học trong thuyết tương đối của Einstein để đưa ra một thuyết về nguồn gốc của vũ trụ mà ngày nay chúng ta gọi là Big Bang là một linh mục người Bỉ tên là George Lemaitre. Nhưng Lemaitre chỉ dùng những phương trình này để tính ngược tới một thời điểm mà vũ trụ được thu gọn trong một trái cầu lớn hơn mặt trời khoảng 30 lần mà ông ta gọi là "nguyên tử đầu tiên" (primeval atom), còn được biết dưới danh từ "trứng vũ trụ" (cosmic egg). Theo Lemaitre thì, vì những lý do không rõ, trái trứng vũ trụ này nổ bùng tạo thành vũ trụ của chúng ta ngày nay. Nhưng các phương trình của Einstein lại cho phép chúng ta đi ngược thời gian xa hơn nữa, tới một thời điểm mà tất cả vũ trụ được thu gọn trong một điểm mà danh từ khoa học gọi là "dị điểm" (singularity), một thời điểm vào khoảng 0.0001 (một phần mười ngàn) của một giây đồng hồ (10-4 sec.) sau khi dị điểm bùng nổ, khi đó nhiệt độ của dị điểm là khoảng 1000000000000 (một ngàn tỷ) độ tuyệt đối (1012 oK), nhiệt độ tuyệt đối K cao hơn nhiệt độ bách phân C là 273.16 độ, do đó 0 độ K tương đương với -273.16 độ bách phân C, và tỷ trọng của dị điểm là 100000000000000 (một trăm ngàn tỷ) gram (1014 g) cho một phân khối. Để có môt ý niệm về các con số trên, nhiệt độ ngoài biên của mặt trời chỉ vào khoảng 6000 độ, và tỷ trọng của nước chỉ là 1 gram cho một phân khối. Một điểm quan trọng trong thuyết Big Bang mà chúng ta cần hiểu là: không phải dị điểm nổ bùng và nở rộng trong một không gian hay vũ trụ có sẵn, thí dụ như pháo bông nổ trên trời, mà là thời gian và không gian được gói ghém trong dị điểm, nghĩa là thời gian và không gian của vũ trụ ngày nay được sinh ra cùng với sự nổ bùng của dị điểm.
Sự kiện vũ trụ đang nở rộng đã là một sự kiện khoa học, không ai có thể phủ nhận. Nhưng sự kiện này có phải là "tiếng nói cuối cùng" của các khoa học gia về thuyết Big Bang hay không? Không hẳn, vì thuyết Big Bang lại đưa đến nhiều vấn đề khác cần phải kiểm chứng để cho thuyết này được công nhận.
Cũng vì vậy mà trong thập niên 1940, George Gamow đã từ thuyết Big Bang tiến thêm một bước và tiên đoán sự hiện hữu của một bức xạ nền (background radiation) trong vũ trụ. Gamow áp dụng môn vật lý nguyên lượng (quantum physics) vào việc khảo sát những sự tương tác hạt nhân (nuclear interactions) phải xảy ra trong quả cầu lửa khi Big Bang vừa mới nổ chưa được một giây đồng hồ. Khi đó, quả cầu lửa, do dị điểm nổ tung ra, gồm các hạt nhân của nguyên tử hydrogen, còn gọi là dương tử (proton), trung hòa tử (neutron), điện tử (electron), và các hạt khác. Gamow tính ra rằng vào khoảng 25% các hạt proton được biến cải thành hạt alpha, nhân của nguyên tử Helium, gồm 2 proton và 2 neutron, phù hợp với sự cấu tạo của các ngôi sao được thành lập khi vũ trụ mới thành hình, được ghi nhận trên các quang phổ ánh sáng của các ngôi sao này. Kết quả là quả cầu lửa vô cùng nóng này chứa đầy ánh sáng (bức xạ) có độ dài sóng ngắn dưới dạng tia X và tia Gamma. Gamow và nhóm nghiên cứu của ông kết luận là những bức xạ ban khai này của Big Bang, dù đã nguội đi rất nhiều qua mười mấy tỷ năm, nhưng vì không thể thất thoát đi đâu được, nên vẫn còn tồn tại đầy trong vũ trụ hiện nay, tạo thành một bức xạ nền, nghĩa là bức xạ có khắp mọi nơi trong vũ trụ. Đây chính là dấu tích của Big Bang để lại, nếu thực sự vũ trụ này sinh ra từ một Big Bang.
Muốn dễ hiểu chúng ta hãy tưởng tượng một quả bong bóng chứa đầy không khí. Khi quả bong bóng nở phồng ra thì không khí trong đó cũng loãng ra vì phải chiếm một thể tích lớn hơn. Tương tự, khi vũ trụ càng ngày càng nở rộng ra thì mật độ (density) của các bức xạ trên cũng phải càng ngày càng giảm đi. Nói cách khác, các bức xạ có độ dài sóng ngắn như tia X, tia Gamma cùng dãn ra với vũ trụ, do đó chuyển dần thành những bức xạ có độ dài sóng dài hơn. Sự khác biệt quan trọng nhất giữa những bức xạ có độ dài sóng ngắn và độ dài sóng dài là năng lượng kết hợp với bức xạ có độ dài sóng ngắn thì cao hơn là năng lượng kết hợp với bức xạ có độ dài sóng dài. Chúng ta đã biết, tia X có sức xuyên thấu cao, có thể làm nguy hại đến các tế bào trong cơ thể, trong khi ánh sáng thường trong bóng mát không có ảnh hưởng gì tới cơ thể. Khi vũ trụ nở rộng thì vì sự chuyển sang phía độ dài sóng dài của các bức xạ nền trong vũ trụ, và nếu chúng ta biết nhiệt độ ban khai của Big Bang và tuổi của vũ trụ thì chúng ta có thể tính ra nhiệt độ của bức xạ nền trong vũ trụ.
Năm 1948, hai sinh viên trong nhóm nghiên cứu của Gamow là Ralph Alpher và Robert Herman đã tính ra được nhiệt độ tương ứng với bức xạ nền này vào khoảng 500K, nghĩa là -268 độ Celsius hay nhiệt độ bách phân (dưới nhiệt độ 00 của nước đá 268 độ). Lẽ dĩ nhiên, kết quả này tùy thuộc nhiệt độ ban đầu của Big Bang và tuổi của vũ trụ, vì chúng ta có thể tính ra nhiệt độ của bức xạ nền hiện nay bằng cách lấy nhiệt độ ban khai của Big Bang chia cho căn số bậc hai của tuổi vũ trụ, tính bằng giây đồng hồ.
Sự tiên đoán lý thuyết của Gamow và nhóm nghiên cứu của ông về một bức xạ nền, dấu tích của Big Bang để lại, không được giới khoa học để ý đến nhiều, tuy cũng có vài nhóm nghiên cứu khác tính ra nhiệt độ của bức xạ nền là vào khoảng vài độ tuyệt đối. Một phần vì chưa có kỹ thuật đo nhiệt độ thấp (khoảng -2700 C) nên không thể kiểm chứng tiên đoán của Gamow, một phần vì thuyết Big Bang chưa có tính cách hoàn toàn thuyết phục. Mãi tới năm 1965, Arno Penzias và Robert Wilson ở trung tâm khảo cứu của hãng Bell (Bell Research Laboratories), thiết kế một cái ăng-ten lớn hình loa để dùng trong sự liên lạc viễn thông với các vệ tinh, ngẫu nhiên dò ra được một loại âm thanh vi sóng vô tuyến thuần nhất trong chín phương trời, mười phương Phật (microwave radio noise coming uniformly from all over the sky). Âm thanh này chính là bức xạ nền đã tiên đoán bởi Gamow trước đó hơn 20 năm. Thực nghiệm đã kiểm chứng lý thuyết, và điều này đã thuyết phục hầu hết các nhà vũ trụ học về quan niệm vũ trụ sinh ra từ một Big Bang. Penzias và Wilson được trao tặng giải Nobel vào năm 1978 về những khám phá tình cờ này. 20 năm tiếp theo sự khám phá của Penzias và Wilson, nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới đã đổ xô vào việc kiểm chứng sự hiện hữu của bức xạ nền, dấu tích của Big Bang để lại, và ngày nay, nhiệt độ của bức xạ nền được mọi người công nhận là 2.70K.
Tới đây, có lẽ chúng ta cho rằng câu chuyện Big Bang đã dứt khoát, không còn ai có thể nghi ngờ gì nữa về nguồn gốc của vũ trụ, trừ những người mê mẩn với thuyết sáng tạo (creationist). Không hẳn vậy, vì tới thập niên 1980, các nhà vũ trụ học không cảm thấy hoàn toàn hài lòng về những kết quả liên hệ tới một bức xạ nền trong vũ trụ. Sự hiện hữu của một bức xạ nền đã được kiểm chứng dứt khoát, nhưng vấn đề là nó nhuyễn quá (too smooth), nó đồng đều khắp mọi phương trong vũ trụ. Bất kể đo từ hướng nào nó cũng như nhau, thuần nhất (uniform). Điều này làm cho các nhà vũ trụ học bối rối. Vì, nếu trong vũ trụ nở rộng này chỉ có toàn là bức xạ thì sự thuần nhất của bức xạ nền không thành vấn đề. Nhưng chúng ta đã biết, trong vũ trụ có cả tỷ thiên hà, và mỗi thiên hà có đến cả tỷ ngôi sao, nghĩa là trong vũ trụ có những lượng vật chất rất lớn. Theo các nhà vũ trụ học thì sự hiện hữu của những khối lượng vật chất lớn, vô cùng lớn, trong vũ trụ sẽ tạo ra những vân (ripples) trong bức xạ nền, nghĩa là bức xạ nền không thể nào quá nhuyễn mà phải không đồng đều, dù sự sai biệt này vô cùng nhỏ. Điều này sẽ gây nên những vân trong bức xạ nền, nghĩa là bức xạ nền không thể quá nhuyễn như những kết quả đo lường đã chứng tỏ. Đây chính là mắt xích cuối cùng trong việc xác định thuyết Big Bang, không kiếm được cái mắt xích này, thuyết Big Bang không có căn bản vững chắc. Các khoa học gia đã hầu như thất vọng vì kỹ thuật trong đầu thập niên 1990 không thể kiểm chứng được sự hiện hữu của các vân trong bức xạ nền. Nhưng vào tháng 4 năm 1992, vệ tinh COBE (COsmic Background Explorer) của cơ quan thám hiểm không gian Hoa Kỳ (NASA) đã dò ra được những vân trong bức xạ nền với những sai biệt đúng như sự tiên đoán của các khoa học gia. Thuyết Big Bang không còn là một thuyết nữa mà trở thành một sự kiện khoa học (scientific fact) và cả thế giới đều công nhận sự kiện này về nguồn gốc của vũ trụ.
Muốn hiểu tường tận thuyết Big Bang qua những bằng chứng toán học và vật lý thì có vẻ khó, nhưng muốn "thấy" Big Bang thì không phải là chuyện khó khăn. Chúng ta chỉ cần mở TV, vặn vào một đài số không có trong chương trình TV, chúng ta sẽ nghe thấy tiếng xào xạo và thấy ánh sáng nhấp nháy trên màn huỳnh quang. 1% của loại tiếng ồn và ánh sáng nhấp nháy này là từ bức xạ nền, dấu tích của Big Bang để lại trong khắp vũ trụ từ hơn 15 tỷ năm nay.
Một mặt khác, những đêm trời quang, mưa tạnh, chúng ta chỉ cần nhìn lên những khoảng tối giữa các vị sao trên trời là có thể thấy ngay Big Bang trên đó. Không đi vào chi tiết, chúng ta đã biết, cho tới thập niên 1920, quan niệm về vũ trụ là một vũ trụ thường hằng, vô cùng tận, luôn luôn như vậy với hàng tỷ tỷ ngôi sao khắp mọi nơi. Theo quan niệm này thì ban đêm trời phải sáng vì nhìn theo bất cứ hướng nào trong vũ trụ ta cũng thấy một vị sao. Cho nên câu hỏi "tại sao ban đêm trời lại tối" mà Olbers đưa ra như một nghịch lý (Olbers' paradox) trong thế kỷ 19, đã là mối thắc mắc của các khoa học gia và triết gia trong nhiều thế kỷ. Lẽ dĩ nhiên, đối với những người thường như chúng ta thì khi được hỏi: "Anh nhỉ, tại sao ban đêm trời lại tối?", câu trả lời rất có thể là: "À, trời tối để anh có thể nhìn thấy ánh mắt em lấp lánh như sao trên trời." Nhưng các khoa học gia có vẻ như không thỏa mãn với câu trả lời đầy vẻ thơ mộng trên, cho nên vẫn tìm cách giải thích câu hỏi “Tại sao ban đêm trời lại tối?”
Mãi khi thuyết Big Bang ra đời, các khoa học gia mới giải thích được nghịch lý này: Vì vũ trụ luôn luôn nở rộng làm cho ánh sáng từ các ngôi sao chuyển sang phía đỏ, vì vũ trụ mới sinh ra từ một Big Bang cách đây khoảng 15 tỷ năm nên chưa đủ thời gian để cho ánh sáng từ các thiên hà xa hơn nữa, nếu có, truyền tới mặt đất, và vì các ngôi sao không phải là cứ sống mãi mãi, trước sau gì cũng phải chết đi như vạn pháp trong vũ trụ.
Trên đây là tóm tắt câu chuyện “Big Bang”, nguồn gốc của vũ trụ mà ngày nay không còn ai có thể phủ nhận trừ những người có đầu óc tương đương với đầu óc của những người thuộc thời Trung Cổ ở Âu Châu, cần được chăn dắt, bảo sao nghe vậy.
Thật vậy, ngày 30 tháng 4, 2001, báo Chicago tribune loan tin “Những nhà thiên văn của đại học Chicago đã phổ biến những kết quả đo lường chi tiết về những vân trong bức xạ nền (background radiation) còn lại từ khi vũ trụ sinh ra từ một Big Bang.” (University of Chicago astronomers on Sunday released finely detailed measurements of radiation from the birth of the universe, capturing an unprecedented snapshot of acoustic waves rippling from the cataclysm of Big Bang). Những kết quả này đã kiểm chứng bằng chứng là vũ trụ đã sinh ra từ một Big Bang (Evidence of cosmic explosive growth).
Và ngày 12 tháng 2, 2003, báo chí cũng như các đài TV Mỹ đã loan tin là cơ quan thám hiểm không gian Hoa Kỳ (NASA) đã đưa ra những hình ảnh chụp bởi vệ tinh Microwave Anisotropy Probe (MAP), được phóng lên không gian vào tháng 6, 2001, lên xa trái đất 1 triệu 6 trăm ngàn cây số (1.6 MKm), về một vũ trụ ở thời điểm vài ngàn năm sau Big Bang, 200 triệu năm sau, và 13,7 tỷ năm sau. Những hình ảnh này đưa đến sự định tuổi chính xác nhất của vũ trụ là 13,7 tỷ năm và thời gian này chiếm nửa đời sống của vũ trụ, nghĩa là vũ trụ này chỉ còn tồn tại khoảng 14 tỷ năm nũa thôi. (Universe: Data reveal birth, life, eventual end [The remarkable portraits capturing the afterglow of the Big Bang – called the cosmic microwave background – were released by NASA on Tuesday. They provide the most accurate dating of the universe’s birth – 13.7 billion years ago – and suggest that it is now going through a midlife crisis])
---o0o---

(III) - NGUỒN GỐC CON NGƯỜI:THUYẾT TIẾN HÓA


Trước hết, có lẽ tôi cần phải thú nhận là không có cách nào tôi có thể trình bày đầy đủ về thuyết Tiến Hóa. Lý do chính là: Tiến Hóa là một quy luật thiên nhiên trong vũ trụ, và trong gần 150 năm nay đã được kiểm chứng, phát triển, từ đó giải thích được nhiều điều trong vũ trụ, thiên nhiên. Ngày nay, thuyết Tiến Hóa bao trùm rất nhiều bộ môn khoa học. Do đó, không ai có thể tự cho là mình biết hết về thuyết Tiến Hóa. Một khó khăn khác tôi vấp phải khi viết về thuyết Tiến Hóa là những danh từ chuyên môn mà tôi không đủ khả năng để dịch ra tiếng Việt hoặc không biết là đã được dịch ra tiếng Việt. Vì những lý do trên, trong bài khảo luận này, tôi chỉ tự hạn trong chủ đề “Nguồn Gốc Con Người: Thuyết Tiến Hóa”, để bổ túc cho phần trước: “Nguồn Gốc Vũ Trụ: Thuyết Big Bang”. Nhưng ngay khi thu hẹp bài viết trên chủ đề “Nguồn Gốc Con Người: Thuyết Tiến Hóa”, vì là một bài viết cho quảng đại quần chúng đọc, cho nên tôi sẽ cố gắng viết thật đơn giản và tránh đi vào chi tiết cũng như dùng những danh từ chuyên môn trong thuyết Tiến Hóa. Phần tài liệu cuối sách có thể giúp quý độc giả đi sâu vào những chi tiết, nếu muốn.


Với sự hiểu biết hiện nay về nguồn gốc con người trên trái đất thì Thuyết Tiến Hóa ngày nay là một sự kiện vững chắc đã được xác nhận bởi khoa học, bởi rất nhiều bộ môn khoa học, và lý trí. Thuyết Tiến Hóa mà chúng ta hiểu ngày nay là sự tổng hợp của hàng núi những bằng chứng trong nhiều bộ môn khoa học như Sinh Học, Sinh Hóa Học, Cổ Sinh Vật Học, Nhân Chủng Học, Di Truyền Học, Khảo Cổ Học, Vật Lý Học, Vũ Trụ Học v.v.., có những bộ môn mà trong thời của Darwin chưa khám phá ra. Xin đừng nhầm lẫn, cho rằng Thuyết Tiến Hóa là của riêng Charles Darwin. Tư tưởng Tiến Hóa đã có trong nhân loại từ lâu. Nhưng không ai có thể phủ nhận là Charles Darwin đã lập thuyết Tiến Hóa một cách khoa học và từ đó, thuyết Tiến Hóa đã được kiểm chứng và phát triển như ngày nay.
Tuy nhiên, những thắc mắc muôn đời như: con người từ đâu mà ra, sau khi chết sẽ đi về đâu v..v.. vẫn là những mối thắc mắc của con người, ngay trong thời đại này. Và vì vậy, con người, trải qua nhiều thế hệ đã đưa ra những giải đáp khác nhau, tùy theo mỗi nền văn hóa. Những giải đáp thuộc lãnh vực siêu hình dần dần mất đi tính cách thuyết phục, vì không còn hợp với trình độ hiểu biết của con người ngày nay. Tri thức con người phát triển và tiến bộ, từ đó khoa học cũng phát triển theo và con người không còn tin vào những thuyết lý không thể kiểm chứng. Con người phải nhờ đến khoa học để tìm hiểu về vũ trụ, nhân sinh. Khoa học không phản đối niềm tin của bất cứ ai, mà chỉ tìm cách giải thích những thắc mắc trong thế giới vật lý của chúng ta, và khoa học sẵn sàng loại bỏ những giải thích nào không còn hợp thời, không còn đúng với những khám phá mới trong khoa học.
Cho tới ngày nay, tuyệt đại đa số trong giới khoa học đã chấp nhận thuyết Big Bang nói về nguồn gốc của vũ trụ, và thuyết Tiến Hóa nói về nguồn gốc của con người. Chấp nhận cho đến khi khám phá ra những bằng chứng mới chứng tỏ toàn bộ thuyết Big Bang và toàn bộ Thuyết Tiến Hóa không còn đúng. Các khoa học gia công nhận là trong thuyết Big Bang cũng như trong Thuyết Tiến Hóa còn có một số những chi tiết chưa giải đáp được. Nhưng xét về toàn bộ thì những thuyết này có tính cách thuyết phục nhất và các khoa học gia hi vọng trong tương lai, gần hay xa còn là một ẩn số, họ sẽ tìm ra những manh mối để giải thích dứt khoát chúng. Những khám phá mới trong nhiều bộ môn khoa học đã chứng minh được rằng: Không còn nghi ngờ gì nữa, loài người chúng ta đã tiến hóa từ các dạng sống thấp hơn, tất cả đều có chung một nguồn gốc xa, rất xa, và do đó liên hệ đến mọi sinh vật trên trái đất, và tất nhiên liên hệ tới cả vũ trụ này.
---o0o---

1. ĐẠI CƯƠNG THUYẾT TIẾN HÓA

Khi nói đến thuyết Tiến Hóa, người ta thường nghĩ đến Charles Darwin. Thật ra thì Darwin không phải là người đầu, mà cũng không phải là người cuối, làm cho thuyết Tiến Hóa trở thành một sự kiện khoa học như hầu hết các khoa học gia và giới trí thức đã công nhận ngày nay. Vì thế cho nên tôi nghĩ có lẽ tôi cũng nên nhắc qua đến những tác giả đã có những tư tưởng về tiến hóa trước Darwin, sau đó sẽ viết về thuyết Tiến Hóa trong việc giải thích nguồn gốc con người, và sau cùng nói qua về giá trị và chỗ đứng của thuyết Tiến Hóa ngày nay trong nhân loại, đặc biệt là trong những giới hiểu biết. Làm công việc này, tôi vấp phải một sự bất ngờ rất thú vị. Đó là, nhiều tư tưởng trong Phật Giáo đã đi trước và rất phù hợp với thuyết Tiến Hóa.


Thật ra, nhiều tư tưởng về tiến hóa đã có trước Darwin. Ngay từ trước thời đại thông thường ngày nay (B.C.E = Before Common Era), ở Đông phương chúng ta có thể thấy tư tưởng tiến hóa trong Áo Nghĩa Thư (800 B.C.E) của Ấn Độ, trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử và sau được phát triển bởi Trang Tử, và trong Kinh Dịch. Ở Tây phương, chúng ta có thể kể Thales, Anaximander (học trò của Thales), Xenophanes, Anaxagoras, Empedocles, Aristotle, Lucretius. Trong thời đại thông thường ngày nay (C.E = Common Era) có Plotinus (205-270 C.E.), Avicenna (980-1037), Leonardo da Vinci (1452-1519), Carolus Linnaeus (1707-1778), Georges Louis Leclearc, Comte de Buffon (1707-1788), Erasmus Darwin (1731-1802), Jean Baptiste de Lamark (1774-1829), đó là chỉ kể những tên chính. Nhưng đặc biệt nhất là nhiều tư tưởng trong Phật Giáo, nhất là thuyết Duyên Sinh hay Duyên Khởi, đã đi trước và rất phù hợp với thuyết Tiến Hóa,. Ngay cả những phương pháp tu tập trong Phật Giáo cũng là những quá trình tiến hóa. Nhưng hiển nhiên không có cách nào tôi có thể đi vào chi tiết của những chủ đề này trong một bài viết, và ngay trong cả một cuốn sách.
Sau Darwin thì những đóng góp trong mọi lãnh vực khoa học để kiện toàn thuyết Tiến Hóa thì quá nhiều, không kể sao cho hết. Vài người được biết đến nhiều nhất là Teilhard de Chardin, Linh mục dòng Tên; Ernst Mayr, Giáo sư danh dự đại học Harvard; Stephen Jay Gould, Giáo sư các môn Cổ Sinh Vật Học và Lịch Sử Khoa Học, đại học Harvard; Richard Leaky, nhà Cổ Sinh Vật Học, Giám đốc Chương trình nghiên cứu những sự sống hoang dại ở Kenya, và hàng trăm khoa học gia khác trong đủ mọi bộ môn. Thuyết Tiến Hóa đã được kiểm chứng qua hàng núi những bằng chứng trong hầu hết các bộ môn khoa học. Nhưng căn bản thuyết Tiến Hóa của Darwin về loài người là Tiến Hóa Sinh Học.
Như chúng ta đã biết, nhiều tư tưởng Tiến Hóa đã có từ trước thời Darwin nhung phải tới năm 1859 Darwin mới đưa ra nền tảng khoa học của thuyết Tiến Hóa được trình bày trong cuốn Về Nguồn Gốc Các Chủng Loại Do Chọn Lọc Tự Nhiên (On the Origin of Species By Means of Natural Selection) và sau đó cuốn Nguồn Gốc Con Người (The Descent of Man) năm 1871. Nền tảng khoa học của thuyết Tiến Hóa đã trở thành một cột trụ mà hầu hết các công cuộc khảo cứu trong nhiều bộ môn khoa học đã xoay quanh nó, và càng ngày càng làm cho nền tảng này thêm vững chắc, đúng như nhận định vô cùng chính xác của Linh mục dòng Tên Teilhard de Chardin trong cuốn “The Phenomenon of Man”: Thuyết Tiến Hóa là một điều kiện tổng quát mà mọi thuyết, mọi giả thuyết, mọi hệ thống [kể cả hệ thống Ki-tô Giáo] phải cúi đầu trước nó và phải phù hợp với nó nếu chúng muốn được nghĩ tới và coi là đúng. [Gần đây, có một “lý luận” mà Ki-tô Giáo đưa ra là thuyết Tiến Hóa nằm trong kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa. Ki-tô Giáo đã nổi tiếng là chống không được thì nhận vơ làm của mình, cũng như nền Thần Học Ki-tô Giáo Theo Cung Cách Á Châu đã đang cố sức lấy những cái hay của các tôn giáo Đông Phương, xào xáo biến đổi và nhận vơ làm của mình].
Then chốt thuyết Tiến Hóa của nhà lập thuyết Charles Darwin là ở phần cuối tên cuốn sách: Về Nguồn Gốc Các Chủng Loại Do Chọn Lọc Tự Nhiên (On the Origin of Species By Means of Natural Selection): “Chọn Lọc Tự Nhiên”. Có lẽ tôi cần phải giải thích chút ít về ý nghĩa của “Chọn Lọc Tự Nhiên”. “Chọn Lọc Tự Nhiên” đặt căn bản trên bốn đề xuất:
1. Các sinh vật sinh sản con cái, chỉ có một số có thể sống còn và tiếp tục truyền giống.
2. Những sinh vật sống còn có khuynh hướng thích ứng hơn với những hoàn cảnh xung quanh.
3. Những đặc tính của cha mẹ có tính di truyền và thể hiện trong con cái.
4. Do dó, từ thế hệ này qua hàng trăm ngàn thế hệ khác, dòng giõi những sinh vật có khả năng thích ứng hơn sẽ tồn tại và truyền xuống các đời sau những sắc thái để thích ứng với hoàn cảnh xung quanh.
Khi các chủng loại truyền giống, bao giờ cũng có những đột biến di truyền (genetic mutation), tuy rất nhỏ, từ thế hệ này sang thế hệ khác, biến thiên trên kích thước, sức mạnh, hình dạng, sự thông minh, sự chịu đựng v.v... Sự tiến hóa bao giờ cũng đi theo chiều từ thấp tới cao, từ những dạng sống thấp của các sinh vật lên những dạng sống cao hơn dần, cho tới loài người. Do đó, các sinh vật tồn tại hoặc tuyệt chủng là do khả năng tự thích nghi với môi trường xung quanh, và mọi sinh vật, trong đó có con người, đều liên hệ với nhau vì cùng tiến hóa từ những mầm sống xa xưa. Thuyết này là kết luận khoa học của sự quan sát lâu dài của Darwin về sự biến thiên của một số sinh vật. Và trong 150 năm nay, kể từ khi cuốn sách trên ra đời, dựa vào ý kiến trong thuyết Tiến Hóa trên, nhiều tiến bộ rất ngoạn mục đã đạt được trong nhiều bộ môn khoa học, những bộ môn mà chính Darwin cũng không hề biết đến vì chúng chưa được khám phá ra, những tiến bộ đã làm cho thuyết Tiến Hóa chính xác về chi tiết hơn và vững vàng hơn. Ngày nay, các chuyên gia về sinh học và trong nhiều ngành khoa học khác đã chấp nhận Tiến Hóa là một sự kiện (fact), tuy vẫn còn tranh luận về một số chi tiết về vấn đề tiến hóa như thế nào (how), nghĩa là về cơ chế tiến hóa hay sự vận hành của tiến hóa (mechanism of evolution).
Tuy nhiên, đọc cuốn Nguồn Gốc Các Chủng Loại, chúng ta thấy Darwin chưa nói đến Nguồn Gốc Con Người, tác giả chỉ đưa ra một nhận định: “Rồi ánh sáng sẽ soi sáng nguồn gốc và lịch sử của con người” (Light will be thrown on the origin of man and his history). Nhưng đọc cuốn Nguồn Gốc Các Chủng Loại thì ai cũng có thể thấy rằng thuyết Tiến Hóa của Darwin áp dụng cho mọi chủng loại có thể dễ dàng áp dụng cho loài người. Và đây chính là điều mà từ đó Darwin đã gặp mọi sự chống đối từ phía những người tin vào con người là do một Thượng đế nào đó sáng tạo ra.
Trong cuốn Nguồn Gốc Con Người (The Descent of Man), Charles Darwin viết:
Kết luận chính đạt tới trong tác phẩm này, rằng con người có nguồn gốc từ một dạng sống nào đó thấp hơn, sẽ làm cho nhiều người rất khó chịu, tôi rất tiếc phải nghĩ như vậy. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa là chúng ta đã là hậu duệ của những kẻ mọi rợ.2
Nếu chúng ta dùng hình ảnh của một cái cây, cây của sự sống (tree of life), còn được biết dưới tên “cây tiến hóa” (tree of evolution) để biểu thị tất cả sự sống trên thế gian có cùng một nguồn gốc, thì nhân loại chỉ là một nhánh nhỏ trên cái cây đó trong số vô vàn nhánh khác nhau trên cái cây đó. Điều này đã được Giáo sư Trịnh Xuân Thuận diễn giải đại cương trong cuốn “Sự Vô Tận Trong Lòng Bàn Tay” (L'Infini Dans La Paume de la Main”) như sau:
"Tiến hóa từ những cát bụi của những ngôi sao, chúng ta chia sẻ cùng một lịch sử vũ trụ với những con sư tử trong những vùng hoang mạc và những bông hoa tỏa mùi thơm".
(Poussières d'étoiles, nous partageons la même histoire cosmique avec les lions des savanes et les fleurs de lavande).
Mầm của sự sống đã có từ khi vũ trụ này hình thành khoảng 15 tỷ năm trước từ một Big Bang, và rồi Thái Dương Hệ thành hình cách đây khoảng 5 tỷ năm trong đó có trái đất mà chúng ta đang sống trên đó. Nhưng mãi gần đây, khoảng 5 triệu năm trước, cái cây của sự sống trên trái đất mới tách ra một nhánh đặc biệt, nhánh của loài người. Sự kiện khám phá bởi khoa học này đã kiểm chứng ý tưởng tổng quát về Tiến Hóa của Charles Darwin trong cuốn Nguồn Gốc Các Chủng Loại và nhất là cuốn Nguồn Gốc Con Người. Loài người có cùng chung một cơ chế vận hành căn bản về di truyền với tất cả các chủng loại khác, định hình bởi những lực tiến hóa. Đây là một sự kiện đã được kiểm chứng. Tất cả những lý thuyết khác về nguồn gốc con người, nhất là từ những tín điều tôn giáo mà còn một số người vẫn còn tin cho đến ngày nay, đều chỉ là huyền thoại.
Sự kiện trên bắt nguồn từ sự khám phá ra “bộ gen” (genome), còn được biết là “mật mã di truyền” (genetic code) trong cơ thể con người. Điểm kỳ diệu trong tư tưởng của Darwin là khi hoàn thành những tác phẩm để đời trên, Darwin không hề có một ý niệm gì về “gen” hay DNA (Deoxyribose Nucleic Acid), một hóa chất mà cho tới năm 1953 các khoa học gia mới biết là giữ vai trò quyết định trong cơ chế di truyền. Từ đó, các nhà Di Truyền Học đã so sánh DNA trong các dân số khác nhau trên thế giới, cộng với những kết quả đã tìm thấy của các nhà khảo cứu Cổ Sinh Vật Nhân Chủng Học (paleoanthropologists) về các di vật của người đã hóa thạch (fossils) cùng vài bộ môn khoa học khác như sinh học, sinh hóa học v.v.., ngày nay các khoa học gia đã có thể biết được khá chính xác về nguồn gốc con người, nguồn gốc các sắc dân trên thế giới.
Những hiểu biết ngày nay về “bộ gen” (genome) đã cho phép chúng ta giải thích được nguồn gốc của con người, lịch sử loài người và bản chất con người. Những khám phá khoa học này lẽ dĩ nhiên không phải là được tất cả mọi người chấp nhận. Edward O. Wilson đã đưa ra một nhận định rất ý nhị: “Có vẻ như là đầu óc con người (Ki Tô) đã tiến hóa để tin vào các thần chứ không tiến hóa để tin vào sinh học” (It seems that the human (Christian) mind evolved to believe in gods. It did not evolve to believe in biology). Sinh học, cũng như mọi bộ môn khoa học khác, không thích hợp để cho những tín đồ Thần giáo tin.
Có lẽ chúng ta cũng nên biết chút ít về “bộ gen” trong cơ thể con người. “Gen” là những đơn vị di truyền trong mọi sinh vật. “Bộ gen” (genome) của con người là một tập hợp đầy đủ những “gen” của con người, được gói ghém thành 23 cặp riêng biệt sắc tố (chromosome). Trong số 23 cặp này, 22 cặp được đánh số theo kích thước, số 1 lớn nhất, số 22 nhỏ nhất. Cặp thứ 23 còn được gọi là “sắc tố định giới tính” (sex chromosome): trong nữ giới gồm có hai sắc tố X lớn, kích thước trong khoảng giữa số 7 và 8, và trong nam giới gồm một sắc tố X và một sắc tố nhỏ, Y. Ngày nay, các khoa học gia đã biết rõ, trong quá trình truyền giống, nếu sắc tố X của người cha hợp với sắc tố X của người mẹ thì đứa con sinh ra sẽ là con gái (X,X). Nếu sắc tố Y của người cha hợp với sắc tố X của người mẹ thì đứa con sinh ra sẽ là con trai (X,Y). Khám phá này đương nhiên đã bác bỏ huyền thoại Giê-su sinh ra từ một trinh nữ, bởi phép của Đức Chúa Thánh Thần (ngôi ba thiên chúa) alias Thánh Linh (Holy Spirit) alias Thánh Ma (Holy Ghost) [Theo Kinh Tin Kính của Ki Tô Giáo]. Bởi vì, bằng phép lạ nào đi chăng nữa, nếu không có tinh khí của đàn ông trong đó có sắc tố Y, thì Giê-su chỉ có thể là con gái. Đây là một sự kiện khoa học, sự kiện này chỉ bác bỏ một huyền thoại cổ xưa chứ không bác bỏ niềm tin vào huyền thoại này của bất cứ ai. Khoa học chỉ có mục đích gần sát với Phật Giáo: “Như Thực Tri Kiến”, và khoa học không bắt buộc ai phải tin vào những khám phá của khoa học.
Trong cơ thể con người có khoảng một triệu triệu (trillion) tế bào, hầu hết kích thước nhỏ hơn 1/10 của một milimét (1/10 mm). Trong mỗi tế bào có một nhân. Trong nhân có hai “bộ gen” (genome) đầy đủ. Một bộ do người cha, và một bộ do người mẹ truyền xuống. Mỗi “bộ gen” gồm có khoảng 60000 – 80000 “gen” xây dựng trên cùng 23 sắc tố. Trên thực tế, thường có sự khác nhau vi tế giữa những “gen” của cha và của mẹ, nguyên nhân của, thí dụ như, màu mắt khác nhau. Mỗi sắc tố là một cặp phân tử dài DNA.
Trong nhiều thập niên, con người đã dựa nhiều vào những di vật hóa thạch để lại bởi tổ tiên loài người đã được tìm thấy để tìm hiểu nguồn gốc loài người. Nhưng những di vật này không đầy đủ và có những quãng cách trong quá trình Tiến Hóa nên một số nhà bảo thủ Ki Tô Giáo đã dựa vào sự thiếu sót này để tấn công, bác bỏ thuyết Tiến Hóa, và lấp vào những khoảng cách đó bằng sự sáng tạo rất ngu đần của Thượng đế của họ. Tiến thêm một bước trong công việc đi tìm về nguồn gốc của con người, khoa học gia John Joe McFadden trong cuốn “Quantum Evolution”, đề nghị, trang 72: “Để đi sâu vào lịch sử của sự sống, chúng ta cần đào sâu vào DNA thay vì vào các hòn đá (những sinh vật hóa thạch)” [To go deeper into the history of life we need to dig into DNA, rather than rocks]. DNA (DeoxyriboNucleic Acid) là hóa chất trong nhân của mỗi tế bào trong cơ thể của chúng ta và có tác dụng truyền đi những huấn thị truyền giống để tạo thành sinh vật từ buổi sơ khai đến ngày nay. Và quả vậy, trong vòng 20 năm gần đây, các khoa học gia đã tìm thấy những dấu tích cổ xưa của loài người trong DNA của những người hiện sống ngày nay.
Mật mã di truyền của loài người, hay “bộ gen” (genome), thì hoàn toàn y như nhau tới 99.9% trên khắp thế giới [The human genetic code, or genome, is 99.9% identical throughout the world].
Sự sai biệt còn lại, vào khoảng 0.1% , trong DNA là nguồn gốc của sự khác biệt cá nhân – thí dụ màu mắt hay dễ bị nhiễm bệnh, và có những DNA vô dụng, không có một tác dụng gì. Bởi vậy, Phillip Kitcher, Giáo sư Đại học Columbia, đã viết: “Rất nhiều DNA trong những tế bào không cần đến – chỉ là đồ vô dụng. Nếu đó là sự “thiết kế thông minh” [của Thượng đế] thì Thượng đế cần phải trở lại trường học” (A lot of the DNA in there is not needed – it’s junk. If it’s “intelligently designed”, then God needs to go back to school).
Trong quá trình tiến hóa, một sự đột biến vô hại (a harmless mutation) có thể xảy ra trong một trong những DNA vô dụng này, rồi truyền xuống cho tất cả các hậu duệ. Nhiều thế hệ sau, thấy cùng một sự đột biến, gọi là dấu tích (marker), trong DNA của hai người thì chúng ta biết rằng hai người đó có cùng một tổ tiên. So sánh những dấu tích này trong rất nhiều dân tộc khác nhau, các khoa học gia có thể tìm ra dấu vết của những liên hệ tổ tiên. Trong hầu hết “bộ gen”, những sự thay đổi vi tế này thường không rõ rệt khi “bộ gen” của cha hợp với “bộ gen” của mẹ để sinh con. Nhưng có hai nơi trong các “bộ gen” thường xuyên duy trì những sự thay đổi vi tế này. Một gọi là “mitochondrial DNA” (mtDNA) được truyền xuống đứa con nguyên vẹn từ người mẹ, và hầu hết các sắc tố Y, sắc tố quyết định sinh con trai, được người cha truyền xuống nguyên vẹn cho đứa con trai. So sánh mtDNA và sắc tố Y của người dân trong nhiều dân tộc khác nhau, các nhà di truyền học đã có thể biết được đại khái khi nào thì loài người bắt đầu tách ra thành một nhánh riêng trên cái cây của sự sống hay cây tiến hóa.
Tìm hiểu về nguồn gốc con người, không chỉ là các nhà di truyền học, mà các khoa học gia đã phối hợp kết quả nghiên cứu trong ít nhất là 7 ngành khoa học có liên hệ với nhau và hỗ trợ nhau: Cổ Sinh Vật và Nhân Chủng Học (Paleoanthropology), Khảo Cổ (Archaeology), Di Truyền Dân Số Học (Population genetics), Lịch Sử Ngôn Ngữ Học (Historical linguistics), ngành khảo cứu về các Động Vật Linh Trưởng (Primatology), Nhân Chủng Xã Hội (Social Anthropology), và Tiến Hóa Tâm Lý (Evolutionary Psychology). Từ những kết quả nghiên cứu này, điều rõ ràng là, cũng như mọi vấn đề khác trong sinh học, quá khứ và hiện tại của giống người chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng của Tiến Hóa. [Like everything else in biology, the human past and present are incomprehensible except in the light of evolution. Wade, p. 6]
Sự kiện là, ngày nay khoa học đã giải thích được những sắc thái của các sinh vật, không những chỉ dựa trên ý tưởng căn bản về sự chọn lọc tự nhiên (natural selection) của Darwin, mà còn dựa trên những quá trình sinh học mà chính Darwin cũng không biết tới vì chưa được khám phá ra và phát triển, thí dụ như sự chuyển giao các gen (gene transfer), ngành khảo cứu về các sinh vật sống chung với nhau (symbiosis), sự xếp đặt lại các nhiễm sắc tố (chromosomal rearrangements), và hoạt động của các gen điều hòa (action of regularor genes) v.v.. Kết quả là, sự phân tích hiện đại về các gen đã cung cấp những bằng chứng minh xác lý thuyết của Darwin là mọi chủng loại sinh vật đều được tiến hóa từ cùng những chủng loại tổ tiên (ancestral species).
Những kết quả nghiên cứu về “bộ gen “ của các loài khỉ như khỉ không đuôi có dạng giống người (ape), khỉ đột (gorilla), đười ươi (orangutan), vượn (chimpanzee), và “bộ gen” của người cho thấy giữa người và vượn, 99% của “bộ gen” y hệt nhau (identical). Và từ những kết quả này, đi ngược thời gian, các khoa học gia đã biết được là khoảng 5 triệu năm trước, nhánh loài người đã tách ra khỏi nhánh những con khỉ không đuôi trên cái cây tiến hóa. Sau khi tách ra thành một nhánh riêng, loài người nguyên thủy tiến hóa dần dần thành động vật đi hai chân và phát triển thành da đen [bắt đầu ở Phi Châu], mất đi lông trên người, và bộ óc lớn dần cho đến kích thước ngày nay. Rồi cách đây khoảng 50000 năm, ngôn ngữ bắt đầu phát triển, giúp cho loài người sống thành những bộ lạc, cộng đồng v.v.., và bắt đầu di dân ra ngoài Phi Châu. Đó là đại khái về nguồn gốc con người.
Ngoài ra, những công cuộc khảo cứu mới nhất về những con bọ (fruit flies), chương trình khảo cứu “evo devo” [evolutionary development biology] trong sinh học về quá trình phát triển tạo ra cơ thể sinh vật và thay đổi chúng qua thời gian [đại học Wisconsin-Madison] đã chứng tỏ rõ ràng là loài người có cùng họ hàng không chỉ với những loại khỉ mà còn với những con bọ, con sâu trong quá khứ xa nữa (Analysis of the genes that build our bodies show our clear skinship not just to the apes but all the way back to bugs, worms and beyond); rồi chương trình điện toán Avida về các sinh vật tượng trưng bằng số (digital organisms) ở đại học Michigan, Avida không phải là sự tái tạo tiến hóa trên máy điện toán mà chính là hiện tượng tiến hóa (Avida is not a simulation of evolution; it is an instance of it); và nhiều khám phá mới trong mọi ngành khoa học đã càng ngày càng cho thấy Tiến Hóa không còn là một lý thuyết mà là một sự kiện. Kết luận: Không còn nghi ngờ gì nữa, thuyết Tiến Hóa ngày nay đã không còn là một thuyết, mà đã trở thành một sự kiện.
---o0o---

2. VÀI NHẬN ĐỊNH NGÀY NAY VỀ THUYẾT TIẾN HÓA

Thuyết Tiến Hóa đã trở thành một sự kiện, tuy nhiên, một số ốc đảo cuồng tín trong Ki Tô Giáo vẫn còn tiếp tục chống đối thuyết Tiến Hóa, định thay thế thuyết Tiến Hóa bằng những sản phẩm Thần Học hạ đẳng bắt nguồn từ niềm tin vào sự “sáng tạo” của Thiên Chúa của Ki Tô Giáo như “Khoa học Sáng tạo” (Creation Science) hay “Thiết Kế Thông Minh” (Intelligent design), nhưng tất cả đều đã thất bại. Ki Tô Giáo ngày nay đang cố gắng đưa ra những ngụy thuyết để hòa hợp với thuyết Tiến Hóa. Một trong những ngụy thuyết này là cho rằng thuyết Tiến Hóa nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa, cố tình quên rằng Thánh Kinh đã viết rõ, sau khi sáng tạo ra vạn vật Thiên Chúa đã tự khen là những sản phẩm sáng tạo của mình đều rất tốt đẹp (very good) cho nên không cần phải thay đổi gì nữa, vì là sản phẩm sáng tạo của một bậc toàn trí toàn năng.. Một trong những ngụy thuyết này là của Giáo hoàng John Paul II. Chúng ta biết rằng Giáo hoàng John Paul II đã chính thức công nhận trước thế giới thuyết Big Bang về nguồn gốc vũ trụ và thuyết Tiến Hóa về nguồn gốc con người. Nhưng để vớt vát mặt mũi cho Thiên Chúa của Ngài, ngày 22 tháng 10, 1996, trong một thông điệp cho Hàn Lâm Viện Khoa Học của Giáo hoàng (Pontifical Academy of Sciences), Ngài lý luận: “Giữa những con khỉ tổ tiên và con người hiện đại, có một khoảng bất liên tục về bản thể, một khoảng trong đó Thiên Chúa đã chích vào giòng giống các động vật một linh hồn của người” (Matt Ridley, p. 24: Between ancestral apes and modern human beings, there was an “ontological discontinuity” – a point at which God injected a human soul into an animal lineage). Ngài hi vọng như vậy có thể hòa hợp thuyết sáng tạo với thuyết Tiến Hóa. Nhưng các khoa học gia lại cho rằng cái bước nhảy vọt bản thể ấy là lúc mà có thể là 2 sắc tố của loài khỉ hợp nhất với nhau và những “gen” cho linh hồn nằm ngay khoảng giữa sắc tố số 2 (Matt Ridley, Ibid.,: Perhaps the ontological leap came at the moment when two ape chromosomes were fused, and the genes for the soul lie near the middle of Chromosome 2).


Trước hàng núi những bằng chứng khoa học về thuyết Tiến Hóa, một số nhân vật có uy tín trong lãnh vực tôn giáo như Giáo Hoàng, Giám Mục, Linh Mục, Mục sư, học giả v.v.. cũng phải cúi đầu trước thuyết Tiến Hóa, khoan kể đến giới khoa học gia đã chấp nhận thuyết Tiến Hóa từ trên trăm năm nay rồi. Sau đây chúng ta hãy đưa ra nhận định của một số nhân vật tôn giáo cũng như khoa học về Thuyết Tiến Hóa nói chung, trước những hiểu biết của chúng ta về Thuyết Tiến Hóa, và trước những bằng chứng trong khoa học:
1. Giáo Hoàng John Paul II phát biểu năm 1996:
Thân xác con người có thể không phải là sự sáng tạo tức thời của Thượng đế, mà là kết quả của một quá trình tiến hóa dần dần... Những kiến thức mới nhất dẫn đến việc phải chấp nhận Thuyết Tiến Hóa hơn chỉ là một giả thuyết. 3
2. Linh mục dòng Tên Teilhard de Chardin trong The Phenomenon of Man:
Tiến Hóa là một thuyết, một hệ thống, hay một giả thuyết? Nó còn nhiều hơn nữa: nó là một điều kiện tổng quát mà mọi thuyết, mọi giả thuyết, mọi hệ thống phải cúi đầu trước nó và phải phù hợp với nó nếu chúng muốn được nghĩ tới và coi là đúng.. Tiến Hóa là một ánh sáng soi sáng mọi sự kiện, một đường cong mà mọi đường thẳng phải theo nó...4
3. Mục sư Ernie Bringas trong cuốn: Going By The Book: Past and Present Tragedies of Biblical Authority:
Thuyết Tiến Hóa là một trong những cấu trúc tuyệt vời và thành công nhất của tư tưởng con người. Mọi ngành khoa học đều tiếp tục ủng hộ và kiểm chứng quan niệm về sự tiến hóa. Thuyết Tiến Hóa, giống như Thuyết Tương Đối, không còn là một "thuyết" theo nghĩa thông thường nữa, mà là một nguyên lý khoa học đặt căn bản trên rất nhiều bằng chứng không còn phải bàn cãi nữa.5
4. Giám mục John Shelby Spong trong cuốn Why Christianity Must Change or Die:
Thuyết Tiến Hóa làm cho Adam và Eve trở nên may nhất là những nhân vật theo truyền thuyết. Thuyết Tiến Hóa không dễ gì cho tổ chức tôn giáo chấp nhận, và ngày nay vẫn còn những tiếng nói cất lên từ những miền hẻo lánh của thế giới để chống đối thuyết này. Những tiếng nói này sẽ không bao giờ thành công. Nhân loại rõ ràng là tiến hóa theo một quá trình trải dài từ 4 tỷ rưỡi đến 5 tỷ năm. Không làm gì có hai cha mẹ đầu tiên (nghĩa là Adam và Eve. TCN), và do đó cái hành động bất tuân lúc đầu của hai bậc cha mẹ đầu tiên không thể nào có ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại. Do đó cái huyền thoại về tội tổ tông đã bị một đòn khai tử, và cái câu chuyện vững chắc về sự cứu rỗi do những người bảo vệ Ki-tô giáo dựng lên qua nhiều thời đại đã bắt đầu chao đảo. 6
5. Ernst Mayr, Giáo sư danh dự đại học Harvard, trong cuốn What Evolution Is?:
Tiến Hóa không chỉ đơn thuần là một ý tưởng, một lý thuyết, hay một quan niệm, mà là tên của một quá trình trong thiên nhiên. Sự xảy ra của quá trình này có thể chứng minh bằng tài liệu của hàng núi bằng chứng mà không ai có thể phủ bác được. Ngày nay, xét đến số lượng to lớn những bằng chứng đã được khám phá ra trong 140 năm nay để chứng minh sự hiện hữu của tiến hóa, thật là lạc dẫn khi ta coi Tiến Hóa như là một thuyết. Tiến Hóa không còn là một thuyết, nó đơn giản là một sự kiện.7
6. James Birx trong Interpreting Evolution:
Tiến Hóa là một sự kiện vững chắc đã được cả khoa học và lý trí xác nhận; nhân loại chúng ta thì nối kết với sự sống, lịch sử của trái đất, thiên hà này (giải ngân hà mà thái dương hệ, trong đó có trái đất, nằm trong đó), và cả vũ trụ.
Có một nền thần học hiện đại nào mà chấp nhận cả hai quan điểm về vũ trụ và thuyết Tiến Hóa trong một cách nhìn khoáng đạt và không có huyền thoại về thế giới? Cuối cùng thì tín lý mù quáng của đức tin tôn giáo với những câu chuyện đã lỗi thời và những giá trị cận thị thực sự không còn mấy giá trị nữa; đó chỉ là sự mơ ước từ đó đặt niềm tin vào sự bất diệt của con người và vào một vũ trụ tâm linh. 8
7. Stephen Jay Gould, trong phần Dẫn Nhập của cuốn “Tiến Hóa: Sự Chiến thắng Của Một Ý Tưởng” (Evolution: The Triumph of an Idea), tác giả là Carl Zimmer, một cuốn sách đi kèm với chương trình dài 8 tiếng đồng hồ của đài truyền hình PBS về thuyết Tiến Hóa (a companion to the PBS 8-hour television series on Evolution):
Khoa học, như các chuyên gia chúng tôi thường vạch rõ, không thể thiết lập sự thật tuyệt đối; do đó, những kết luận của chúng tôi luôn luôn là có tính cách không dứt khoát. Nhưng sự hoài nghi lành mạnh này không cần phải đưa nó đến độ hư vô, và chúng tôi có thể chắc chắn nói rằng, một số sự kiện đã được kiểm chứng với đủ mức tin cậy cho nên chúng tôi có thể coi những sự kiện này là đúng sự thật trong bất cứ nền văn hóa địa phương nào trên thế giới.(tính phổ quát (universality) của các sự kiện khoa học. TCN)
Có lẽ tôi không thể tuyệt đối chắc chắn là quả đất thì tròn thay vì phẳng, nhưng dạng hình cầu của hành tinh của chúng ta đã được kiểm chứng đủ để cho tôi không cho phép “cái xã hội của những người tin trái đất phẳng” được hưởng đồng đều thời gian để dạy thuyết của họ, hay hưởng bất cứ khoảng thời gian nào, trong lớp dạy về khoa học của tôi.
Tiến Hóa, quan niệm căn bản của mọi khoa học về sinh học, đã được kiểm chứng rất kỹ, và do đó có thể coi như là đúng với sự thật. 9
---o0o---

3. TÓM LƯỢC TỔNG KẾT VỀ CON NGƯỜI VÀ VŨ TRỤ

Ngày nay, thuyết Big Bang về Nguồn Gốc Vũ Trụ và Thuyết Tiến Hóa về Nguồn Gốc Con Người hầu như đã được toàn thể thế giới chấp nhận, nhất là trong giới khoa học và giới trí thức hiểu biết. Sau đây tôi xin trình bày một bảng tóm lược tổng kết về những hiểu biết mới nhất về vũ trụ và con người. Tất cả những con số chỉ là ước tính, không phải là những con số chính xác.


13.7 Tỷ Năm Trước:
Vài giây sau Big Bang, dương tử (proton) và trung hòa tử (neutron) cùng hiện hữu trong nhân của các nguyên tử đơn giản như hi-dro-gen. 30000 năm sau, các điện tử (electrons) bắt đầu quay xung quanh nhân, tập hợp với proton và neutron thành những nguyên tử (atoms).
13.5 Tỷ Năm Trước:
Những đám mây khí trở thành vô cùng đặc, tạo thành các sao, họp với nhau thành các thiên hà.
5 Tỷ Năm Trước:
Mặt Trời hình thành trong Giải Ngân Hà (Milky Way), tạo ra trái đất và các hành tinh, họp thành Thái Dương Hệ.
4 Tỷ Năm trước:
Cá nguyên tử hi-dro-gen và o-xy-gen nối kết với nhau thành phân tử nước. Nước giúp cho sự tạo ra những phân tử khác.
---o0o---

Каталог: kinh -> Ebooks -> Thuyet-Phap -> Phat-Giao-Va-Khoa-Hoc
Phat-Giao-Va-Khoa-Hoc -> Minh Giác Nguyễn Học Tài Chùa Liên Hoa, California, usa ấn hành 1997 o0o MỤc lụC
Thuyet-Phap -> Thiền sư khưƠng tăng hội nguyễn Lang o0o Nguồn
Thuyet-Phap -> VIỆt nam phật giáo sử luận nguyễn Lang Nhà Xuất Bản Văn Học Hà Nội 1979 o0o Nguồn
Thuyet-Phap -> ÐẬu nành nguồn dinh dưỠng tuyệt hảo biên Soạn: Tâm Diệu
Phat-Giao-Va-Khoa-Hoc -> Tiểu Luận Về Khoa Học Và Triết Học Nguyễn Tường Bách Nhà Xuất Bản Trẻ tp. Hcm 2004
Phat-Giao-Va-Khoa-Hoc -> Dao Phat Sieu Khoa Hoc Minh Giac Nguyen Ngoc Tai
Phat-Giao-Va-Khoa-Hoc -> PHẬt giáo và khoa học phúc Lâm Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay
Phat-Giao-Va-Khoa-Hoc -> CHÁnh niệm và ĐẠO ĐỨc giao thoa giữa khoa học và tâm linh ở Mỹ

tải về 0.74 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương