PHẬt giáo nguyên thủy theravāda nền tảng phật giáO


BIỂU TƯỢNG VÒNG LUÂN HỒI VÀ VÒNG TAM LUÂN



tải về 1.48 Mb.
trang3/25
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích1.48 Mb.
#22102
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   25

BIỂU TƯỢNG VÒNG LUÂN HỒI VÀ VÒNG TAM LUÂN


 

1- Phiền não luân khiến tạo nghiệp luân

Chúng sinh còn vô minh, lục ái, tứ thủ làm nhân duyên khiến tạo nên nghiệp bất thiện, nghiệp thiện do thân, khẩu, ý.



Phiền não làm nhân duyên tạo nghiệp bất thiện

Số chúng sinh do vô minh, không biết rõ nghiệp bất thiện (nghiệp ác) cho quả khổ trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp trong vị lai. Và cũng có số chúng sinh, dù nghe hiểu biết nghiệp bất thiện cho quả khổ như vậy, nhưng vì vô minh, tham ái có nhiều năng lực quá, nên xui khiến tạo mọi nghiệp bất thiện bằng thân hành ác như: sát sanh, trộm cắp, tà dâm; khẩu nói ác như: nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích; ý nghĩ ác như: tham lam, thù hận, tà kiến.



Phiền não làm nhân duyên tạo nghiệp thiện

Số chúng sinh do vô minh, không biết rõ chân lý Tứ Thánh Đế, không biết khổ của ngũ uẩn; do đó, muốn hưởng sự an lạc tạm thời, nên tạo mọi thiện nghiệp:

Dục giới thiện nghiệp cho quả an lạc trong cõi dục giới.

Sắc giới thiện nghiệp cho quả an lạc trong cõi sắc giới.

Vô sắc giới thiện nghiệp cho quả an lạc trong cõi vô sắc giới.

Sự an lạc trong cõi tam giới này không phải là chân lý, mà chúng chỉ có tính cách tạm thời tuỳ theo năng lực quả của thiện nghiệp ấy.

Như vậy, gọi là phiền não luân khiến tạo nghiệp luân.

2- Nghiệp luân cho quả luân

Chúng sinh còn phiền não đã tạo nghiệp bất thiện, nghiệp thiện, khi có cơ hội nghiệp nào cho quả, thì chúng sinh ấy thọ quả của nghiệp ấy.

Nếu nghiệp bất thiện (nghiệp ác) cho quả, thì phải chịu quả khổ trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai.

* Quả khổ (xấu) trong kiếp hiện tại

Mắt được nhìn thấy những hình ảnh xấu.

Tai được nghe những âm thanh dở.

Mũi được ngửi những mùi hôi hám.

Lưỡi được nếm những vị dở.

Thân được tiếp xúc những vật thô cứng.

Tâm được biết điều khổ não.

* Quả khổ (xấu) trong kiếp vị lai

Nếu nghiệp bất thiện cho quả tái sinh 1 trong 4 cõi ác giới: địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh tùy theo năng lực quả của nghiệp bất thiện ấy, thì chúng sinh ấy phải chịu khổ cho đến khi mãn quả của nghiệp bất thiện ấy.

Nếu nghiệp thiện cho quả, thì được an hưởng quả báu an lạc trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai như sau:

* Quả báu trong kiếp hiện tại

Mắt được nhìn thấy những hình ảnh đẹp.

Tai được nghe những âm thanh hay.

Mũi được ngửi những mùi thơm tho.

Lưỡi được nếm những vị ngon lành.

Thân được tiếp xúc êm ấm.

Tâm được biết những điều tốt.

* Quả báu trong kiếp vị lai

Nếu dục giới thiện nghiệp cho quả tái sinh làm người, là hạng người như thế nào, hoàn toàn tùy theo nghiệp cho quả… hoặc tái sinh làm chư thiên trong 6 cõi trời dục giới, thì vị chư thiên ấy hưởng sự an lạc, sự sống lâu ở cõi trời dục giới ấy cho đến hết tuổi thọ.

Nếu sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sinh làm phạm thiên có ngũ uẩn trong 16 cõi trời sắc giới, tùy theo bậc thiền sở đắc của mình, thì vị phạm thiên ấy hưởng sự an lạc vi tế hơn ở cõi dục giới, sự sống lâu theo tuổi thọ của cõi trời sắc giới ấy.

Nếu vô sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sinh làm phạm thiên có tứ uẩn (không có sắc uẩn) trong 4 cõi trời vô sắc giới, tùy theo bậc thiền sở đắc của mình, thì vị phạm thiên ấy hưởng sự an lạc vi tế hơn ở cõi trời sắc giới, sự sống lâu theo tuổi thọ của cõi trời vô sắc giới ấy.



3- Quả luân sanh phiền não luân

Quả luân là sự hiện hữu của mỗi chúng sinh trong tam giới: Chúng sinh có ngũ uẩn trong cõi dục giới và cõi sắc giới; hoặc chúng sinh có tứ uẩn (không có sắc uẩn) trong cõi vô sắc giới; hoặc chúng sinh có nhất uẩn là sắc uẩn (không có 4 danh uẩn), trong cõi sắc giới Vô Tưởng Thiên. Tất cả chúng sinh này đều chưa diệt đoạn tuyệt được phiền não, vô minh, tham ái…, cho nên khi có nhân duyên thì phiền não phát sinh, khiến tạo nên nghiệp thiện hoặc nghiệp bất thiện; rồi trở lại vòng Tam Luân chuyển biến không ngừng từ kiếp này sang kiếp khác, từ vô thủy đến vô chung, trong vòng khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Ba luân này chuyển biến theo định luật nhân - quả:

Phiền não luân là nhân - nghiệp luân là quả, nghiệp luân là nhân - quả luân là quả, quả luân là nhân - phiền não luân là quả và tiếp tục như vậy thành vòng Tam Luân.

Đức Thế Tôn đã diệt đoạn tuyệt được tất cả 1.500 loại phiền não rồi, nhổ tận gốc rễ của vô minh tham ái bằng 4 Thánh Đạo Tuệ rồi, vòng Tam Luân tan rã, tách rời không còn luân chuyển được nữa, do phá hủy được phiền não luân.

Do đó, Đức Thế Tôn có Ân đức Araham với ý nghĩa phá huỷ vòng luân hồi sanh tử trong ba giới bốn loài.



4- Araham có ý nghĩa không bao giờ hành điều ác ở nơi kín đáo như thế nào?

Nơi kín đáo là nơi không một ai thấy, không một ai nghe, không một ai biết, cũng không có một ai nghi ngờ. Đối với người còn có tâm bất thiện, nơi kín đáo là nơi dễ hành ác do thân, khẩu, ý, vì không sợ ai chê trách. Nhưng đối với Đức Thế Tôn là Bậc đã diệt đoạn tuyệt tất cả mọi phiền não, tâm bất thiện không còn nữa, nên thân, khẩu, ý của Ngài lúc nào cũng hoàn toàn trong sạch thanh tịnh. Cho nên, dầu ở nơi kín đáo, không một ai thấy, không một ai nghe, không một ai biết, không một ai nghi ngờ, thì Đức Thế Tôn cũng không bao giờ hành ác do thân, khẩu, ý nữa.

Do đó, Đức Thế Tôn có Ân đức Araham với ý nghĩa không bao giờ hành điều ác ở nơi kín đáo.

5- Araham có ý nghĩa bậc xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường như thế nào?

Đức Thế Tôn là Bậc Tối Thượng độc nhất vô nhị, trong muôn ngàn thế giới chúng sinh. Thật vậy, trong toàn thể chúng sinh không có một người nào, một Samôn, Bàlamôn, chư thiên, phạm thiên… nào cao thượng hơn Đức Thế Tôn về giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Chỉ Đức Thế Tôn mới có giới đức trong sạch hoàn toàn thanh tịnh, có định đức hoàn toàn thanh tịnh; có tuệ đức hoàn toàn thanh tịnh, có tuệ giải thoát đức hoàn toàn thanh tịnh, có tuệ giải thoát tri kiến đức hoàn toàn thanh tịnh. Chỉ có Đức Thế Tôn mới có đầy đủ 5 pháp: giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến hoàn toàn thanh tịnh mà thôi. Vì vậy, Đức Thế Tôn là Bậc Tối Thượng nhất trong toàn thể chúng sinh, là Bậc xứng đáng cho chúng sinh lễ bái cúng dường. Chúng sinh lễ bái cúng dường rồi, sẽ được quả báu cao quý, được sự tiến hoá, sự lợi ích, sự an lạc lâu dài. Như Đức Phật dạy:

Này chư Tỳ khưu, Bậc cao thượng độc nhất, khi xuất hiện trên thế gian, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài cho phần đông chúng sinh, để tế độ chúng sinh, nhân loại, chư thiên, phạm thiên. Bậc Tối Thượng độc nhất ấy là ai?

Bậc cao thượng độc nhất ấy chính là Như Lai, Đức Arahán, Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

Này chư Tỳ khưu, Như Lai là Bậc Tối Thượng độc nhất, khi xuất hiện trên thế gian, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài cho phần đông chúng sinh, nhân loại, chư thiên, phạm thiên” [9]

Do đó, Đức Thế Tôn có Ân đức Araham với ý nghĩa bậc xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của tất cả chúng sinh.

Ân đức “Arahamcó ý nghĩa vô cùng sâu sắc, vi tế, rộng lớn, vô lượng vô biên. Qua 5 ý nghĩa tóm tắt trên chỉ để hiểu biết rõ một phần ý nghĩa về Ân đức Araham. Đặc biệt đáng ghi nhớ ý nghĩa “Bậc xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của tất cả chúng sinh”.

Niệm Ân đức Araham

Người Phật tử thường niệm tưởng đến Ân đức Phật, “Ân đức Araham” này, sẽ phát sinh đức tin trong sạch nơi Đức Thế Tôn, có trí tuệ sáng suốt, phát sinh hỷ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Đức Thế Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai hoạ, phước thiện được tăng trưởng.

Hành giả tiến hành đề mục niệm Ân đức Phật, niệm Ân đức Arahaṃ như sau:

Câu Ân đức Arahaṃ: Itipi so Bhagavā Araham..., Itipi so Bhagavā Araham..., Itipi so Bhagavā Araham... làm đối tượng thiền định.

Hoặc danh từ Ân đức Arahaṃ: Araham ArahamAraham…” làm đối tượng thiền định.

Đề mục thiền định niệm Ân đức Phật này có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, vi tế, rộng lớn vô lượng vô biên, vì vậy, định tâm không thể an định vào một điểm nào nhất định được, nên chỉ có khả năng dẫn đến chứng đạt cận định (upacārasamādhi) mà thôi, không thể chứng đạt đến an định (appanāsamādhi), do đó không thể chứng đắc được bậc thiền hữu sắc nào. Như vậy, tâm cận định này vẫn còn trong dục giới đại thiện tâm.

Do năng lực dục giới thiện nghiệp tiến hành niệm Ân đức Phật này sẽ cho quả như sau:

Kiếp hiện tại: Hành giả là người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo: Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo; có trí tuệ sáng suốt, phước thiện tăng trưởng, tránh được mọi tai họa, thân tâm thường an lạc.

Kiếp vị lai: Hành giả sau khi chết, nếu thiện nghiệp này cho quả tái sinh làm người sẽ là người có đầy đủ tam nhân (vô tham, vô sân, vô si) cao quý, được nhiều người quý mến, kính trọng; nếu tái sinh làm chư thiên trong cõi trời nào, trong 6 cõi trời dục giới, sẽ là một chư thiên có nhiều oai lực, có hào quang sáng ngời, hưởng sự an lạc cao quý đến hết tuổi thọ trong cõi trời ấy.

Dục giới thiện nghiệp này có thể cho quả tốt lành suốt nhiều kiếp, đặc biệt còn làm duyên lành dễ dàng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn trong thời vị lai nào đó.



2- Ân đức Phật thứ nhì: Sammāsambuddho

Itipi so Bhagavā Sammāsambuddho.
(
Cách đọc: Í-tí-pí-xô phá-gá-voa Xăm-ma-xăm-bút-thô)

Nghĩa:



So Bhagavā: Đức Thế Tôn.

Itipi: Bởi Ngài là Bậc tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái, mọi ác pháp không còn dư sót, đầu tiên trong toàn cõi thế giới chúng sinh; đặc biệt diệt được mọi tiền khiên tật, trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, độc nhất vô nhị.

Sammāsambuddho: Do đó Đức Thế Tôn có Ân đức Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

Chân lý Tứ Thánh Đế

Khổ Thánh Đế: Đó là ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp trong tam giới là pháp nên biết. Chính Đức Phật tự mình đã biết rõ xong rồi.

Nhân sanh Khổ Thánh Đế (Tập Thánh Đế): Đó là tham ái là pháp nên diệt. Chính Đức Phật tự mình đã diệt tất cả xong rồi.

Diệt khổ Thánh Đế (Diệt Thánh Đế): Đó là Niết Bàn là pháp nên chứng ngộ. Chính Đức Phật tự mình đã chứng ngộ Niết Bàn xong rồi.

Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế (Đạo Thánh Đế): Đó là Bát Thánh Đạo hợp đủ 8 chánh: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định là pháp nên tiến hành để chứng ngộ Niết Bàn, diệt Khổ Thánh Đế. Chính Đức Phật tự mình đã tiến hành xong rồi. Đức Phật đã tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn, không có vị Thầy nào chỉ giáo.

Đức Thế Tôn tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, bằng trí tuệ quán xét pháp “Thập Nhị Duyên Sanh”.

Như: “Avijjā paccayā saṅkhārā”….

Do vô minh làm duyên, nên hành sanh”...

Đức Thế Tôn đã chứng ngộ Khổ Thánh Đế Nhân sanh Khổ Thánh Đế.

Và trí tuệ quán xét “Thập Nhị Nhân Diệt”.

Như: “Avijjāyatveva asesavirāganirodhā saṅkhāranirodho”….

“Do diệt tận vô minh, tham ái không còn dư sót, nên diệt hành”….

Đức Thế Tôn đã chứng ngộ Diệt Khổ Thánh Đế Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế.

Điều này Đức Phật đã khẳng định với nhóm 5 Tỳ khưu trong bài kinh Chuyển Pháp Luân [10] :



- Này chư Tỳ khưu, khi nào trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thật tánh của Tứ Thánh Đế theo Tam Tuệ Luân (trí tuệ học, trí tuệ hành, trí tuệ thành), thành 12 loại trí tuệ hoàn toàn trong sáng, thanh tịnh đã phát sinh đến với Như Lai.

Này chư Tỳ khưu, khi ấy Như Lai khẳng định, truyền dạy rằng: “Như Lai đã chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác vô thượng trong toàn thế giới chúng sinh, nhân loại, vua chúa, Samôn, Bàlamôn, chư thiên, ma vương, phạm thiên cả thảy”.

Như vậy, Đức Thế Tôn đã tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán đầu tiên trên toàn thế giới chúng sinh, nên có Ân đức Sammāsambuddho: Đức Phật Chánh Đẳng Giác.



Ñeyyadhamma

Đức Phật Chánh Đẳng Giác đặc biệt có đủ 5 pháp Ñeyyadhamma:



Saṅkhāra: Tất cả pháp hành cấu tạo.

Vikāra: Sắc pháp, danh pháp biến đổi.

Lakkhaṇa: Trạng thái sinh trụ diệt của sắc pháp, danh pháp.

Paññattidhamma: Chế định pháp: Chế định ngôn ngữ, để thuyết giảng chánh pháp.

Nibbāna: Niết Bàn, pháp diệt Khổ Thánh Đế.

Vì Đức Phật Chánh Đẳng Giác hoặc Đức Phật Toàn Giác có đầy đủ 5 pháp ấy, nên Ngài có khả năng chế định ra ngôn ngữ, để thuyết pháp tế độ chúng sinh [11] .

Do đó, Đức Thế Tôn có Ân đức Sammāsambuddho: Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

Niệm Ân đức Sammāsambuddho

Người Phật tử thường niệm tưởng đến Ân đức Phật, “Ân đức Sammāsambuddho” này, sẽ phát sinh đức tin trong sạch nơi Đức Thế Tôn, có trí tuệ sáng suốt, phát sinh hỷ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Đức Thế Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai họa, phước thiện được tăng trưởng.

Hành giả tiến hành đề mục niệm Ân đức Phật, niệm Ân đức Sammāsambuddho như sau:

Câu Ân đức Sammāsambuddho: Itipi so Bhagavā Sammāsambuddho..., Itipi so Bhagavā Sammāsambuddho..., Itipi so Bhagavā Sammāsambuddho...” làm đối tượng thiền định.

Hoặc danh từ Ân đức Sammāsambuddho Sammāsambuddho..., Sammā-sambuddho..., Sammāsambuddho...” làm đối tượng thiền định...

Đề mục thiền định niệm Ân đức Phật này có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, vi tế, rộng lớn vô lượng vô biên, vì vậy, định tâm không thể an định vào một điểm nào nhất định được, nên chỉ có khả năng dẫn đến chứng đạt cận định (upacārasamādhi) mà thôi, không thể chứng đạt đến an định (appanāsamādhi), do đó không thể chứng đắc được bậc thiền hữu sắc nào. Như vậy, tâm cận định này vẫn còn trong dục giới đại thiện tâm.

Do năng lực dục giới thiện nghiệp tiến hành niệm Ân đức Phật này sẽ cho quả như sau:

Kiếp hiện tại: Hành giả là người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo: Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo; có trí tuệ sáng suốt, phước thiện tăng trưởng, tránh được mọi tai họa, thân tâm thường an lạc.

Kiếp vị lai: Hành giả sau khi chết, nếu thiện nghiệp này cho quả tái sinh làm người sẽ là người có đầy đủ tam nhân (vô tham, vô sân, vô si) cao quý, được nhiều người quý mến, kính trọng…

(Phần còn lại giống như Ân đức Araham).

Ân đức Phật thứ ba: Vijjācaranasampanno

Itipi so Bhagavā vijjācaranasampanno.
(Cách đọc: í-tí-pí-xô phá-gá-voa vít-cha-chá-rá-ná-xăm-păn-nô)

Nghĩa:


So Bhagavā: Đức Thế Tôn.

Itipi: Bởi Ngài là Bậc có đầy đủ Tam Minh, Bát Minh và 15 Đức Hạnh cao thượng

Vijjācaranasampanno: Do đó Đức Thế Tôn có Ân đức Minh Hạnh Túc.

Tam Minh

Túc mạng minh là trí tuệ thấy rõ, biết rõ, nhớ rõ trở lại tiền kiếp từ một kiếp, hằng trăm kiếp, hằng ngàn kiếp, hằng vạn kiếp, hằng triệu kiếp, hằng triệu triệu kiếp. Đức Phật Chánh Đẳng Giác có khả năng ghi nhớ lại vô số kiếp không có giới hạn (còn Đức Phật Độc Giác, bậc Thánh Thanh Văn Giác có giới hạn).

Túc mạng minh là trí tuệ biết rõ tiền kiếp thuộc loại chúng sinh nào, tên gì, thuộc dòng dõi nào, tạo thiện nghiệp, bất thiện nghiệp, ba-la-mật, thọ lạc, thọ khổ, tuổi thọ… đều ghi nhớ rõ ràng mọi chi tiết.



Thiên nhãn minh là trí tuệ thấy rõ, biết rõ kiếp quá khứ, kiếp vị lai của tất cả chúng sinh như mắt của chư thiên, phạm thiên.

Thiên nhãn minh có hai loại:

a) Tử sanh minh là trí tuệ biết rõ sự tử, sự tái sinh của tất cả chúng sinh.

Đức Thế Tôn có tử sanh minh này nên biết rõ chúng sinh sau khi chết, rồi do nghiệp nào cho quả tái sinh trong cảnh giới nào.

b) Vị lai kiến minh là trí tuệ thấy rõ những kiếp vị lai của chúng sinh.

Chư Phật dùng vị lai kiến minh này để thọ ký chúng sinh trong những kiếp vị lai xa xăm, còn thời gian bao nhiêu đại kiếp trái đất nữa, sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, Đức Phật Độc Giác, bậc Thánh Thanh Văn Giác…



Lậu tận minh là trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới, đó là 4 Thánh Đạo Tuệ, diệt đoạn tuyệt được 4 pháp phiền não trầm luân không còn dư sót; đồng thời Đức Thế Tôn tận diệt được tất cả mọi tiền khiên tật (vāsanā) đã tích luỹ từ vô lượng kiếp trong quá khứ.

Bát Minh

Túc mạng minh.

Thiên nhãn minh.

Lậu tận minh.

Thiền tuệ minh là trí tuệ thiền tuệ tam giới thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh pháp sắc pháp, và trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới chứng đắc 4 Thánh Đạo Tuệ, 4 Thánh Quả Tuệ và Niết Bàn.

Hoá tâm minh là trí tuệ có khả năng hoá thân khác theo mong muốn của mình, do năng lực của thiền định. Như trường hợp Đức Phật thuyết tạng Vi Diệu Pháp vào hạ thứ bảy tại cung Tam Thập Tam Thiên suốt ba tháng. Mỗi ngày đến giờ đi khất thực, Đức Phật hoá thân khác như Đức Phật tiếp tục thuyết pháp, còn chính Đức Phật thật đi khất thực ở bắc Câu Lưu Châu. Khi độ ngọ xong trở lại cung trời thay thế Đức Phật hoá thân, chỉ có một số ít chư thiên, phạm thiên bậc cao có nhiều oai lực mới biết được.

Thần thông minh là trí tuệ có khả năng biến hoá nhiều phép thần thông khác nhau, do năng lực thiền định, như một người hoá thành nhiều người, tàng hình không ai thấy, hiện hình nơi khác, đi xuyên qua núi, đi trên hư không…

Thiên nhĩ minh là trí tuệ có khả năng nghe được nhiều thứ tiếng người, tiếng súc sinh, tiếng chư thiên gần xa, do năng lực thiền định, như tai của chư thiên.

Tha tâm minh là trí tuệ có khả năng biết đến tâm của người khác, chúng sinh khác đang nghĩ gì, tâm thiện hoặc tâm bất thiện...

Đó là Tam Minh, Bát Minh.



15 Đức Hạnh cao thượng

Giới đức: Hoàn toàn trong sạch và thanh tịnh.

Thu thúc lục căn thanh tịnh: Thu thúc khi thấy bằng mắt, nghe bằng tai, ngửi bằng mũi, nếm bằng lưỡi, tiếp xúc bằng thân, suy nghĩ bằng ý hoàn toàn thanh tịnh.

Biết tri túc trong vật thực: Nhận vật thực vừa đủ, khi thọ thực đàng hoàng, còn 4 - 5 miếng cơm đủ no, biết ngừng lại để dành uống nước, không dùng no quá.

Tinh tấn tỉnh thức: Ngày, đêm tinh tấn hành phận sự, nghĩa là suốt ngày không ngủ, ban đêm có 3 canh; canh đầu: ngồi hành đạo, đi kinh hành; canh giữa (22 giờ khuya): nằm nghỉ ngủ trong tư thế nằm nghiêng bên phải, có trí nhớ, trí tuệ trước khi ngủ, sẽ thức dậy lúc cuối canh giữa, canh chót (2 giờ sáng): hành đạo, đi kinh hành… Gọi là tinh tấn luôn luôn tỉnh thức.

Đức tin: Có đức tin không lay chuyển.

Trí nhớ: Thường có trí nhớ.

Hổ thẹn: Tự mình biết hổ thẹn, không làm mọi tội ác.

Ghê sợ: Biết ghê sợ, không làm mọi tội ác.

Đa văn túc trí: Học nhiều hiểu rộng tất cả các pháp.

Tinh tấn: Có tâm tinh tấn không ngừng nghỉ.

Trí tuệ: Có trí tuệ hiểu biết rõ tất cả các pháp.

Đệ nhất thiền: Có đệ nhất thiền hữu sắc và vô sắc.

Đệ nhị thiền: Có đệ nhị thiền hữu sắc và vô sắc.

Đệ tam thiền: Có đệ tam thiền hữu sắc và vô sắc.

Đệ tứ thiền: Có đệ tứ thiền hữu sắc và vô sắc.

Đó là 15 Đức Hạnh cao thượng.

Đức Thế Tôn có trọn đủ Tam Minh, Bát Minh và 15 Đức Hạnh cao thượng hợp với trí đại bi, để tế độ chúng sinh có hữu duyên nên tế độ, cứu vớt chúng sinh ấy giải thoát khỏi mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Do đó, Đức Thế Tôn có Ân đức Vijjācaranasampanno: Đức Minh Hạnh Túc.



Niệm Ân đức Vijjācaranasampanno

Người Phật tử thường niệm tưởng đến Ân đức Phật, “Ân đức Vijjācaranasampanno” này, sẽ phát sinh đức tin trong sạch nơi Đức Thế Tôn, có trí tuệ sáng suốt, phát sinh hỷ lạc, tăng trưởng lòng tôn kính nơi Đức Thế Tôn, có lòng dũng cảm, tránh khỏi mọi điều tai hoạ, phước thiện được tăng trưởng.

Hành giả tiến hành đề mục niệm Ân đức Phật, niệm Ân đức Vijjācaranasampanno như sau:

Câu Ân đức Vijjācaranasampanno: Itipi so Bhagavā Vijjācaranasampanno..., Itipi so Bhagavā Vijjācarana-sampanno..., Itipi so Bhagavā Vijjācaranasampanno...” làm đối tượng thiền định.

Hoặc danh từ Ân đức Vijjācaranasampanno: Vijjācaranasampanno..., Vijjā-caranasampanno..., Vijjācaranasampanno...” làm đối tượng thiền định…

(Phần còn lại giống như Ân đức Araham).

Ân đức Phật thứ tư: Sugato

Itipi so Bhagavā Sugato.

(Cách đọc: Í-tí-pí-xô phá-gá-voa Xú-gá-tô)

Nghĩa:

So Bhagavā: Đức Thế Tôn.

Itipi: Bởi Ngài là Bậc thuyết pháp chân lý đem lại lợi ích thật sự cho chúng sinh.

Sugato: Do đó Đức Thế Tôn có Ân đức Thiện Ngôn.

Sugato có 4 ý nghĩa

- Ngự theo Thánh Đạo.
- Ngự đến Niết Bàn an lạc tuyệt đối.
- Ngự đến mục đích cao thượng, bất thoái chí.
- Thuyết pháp chân lý đem lại sự lợi ích cho chúng sinh
.

Giải thích:

Sugato có ý nghĩa ngự theo Thánh Đạo như thế nào?

Đức Thế Tôn ngự (hành) theo Thánh Đạo hợp đủ 8 chánh là:



Chánh kiến: Trí tuệ chân chính, đó là trí tuệ thiền tuệ chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế.

Chánh tư duy: Tư duy chân chính, đó là tư duy thoát khỏi ngũ trần, tư duy không thù oán, tư duy không hại chúng sinh.

Chánh ngữ: Lời nói chân chính, đó là không nói dối, không nói lời đâm thọc chia rẽ, không nói lời thô tục, không nói lời vô ích.

Chánh nghiệp: Hành nghiệp chân chính, đó là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.

Chánh mạng: Nuôi mạng chân chính, đó là không sống theo tà mạng do thân, khẩu hành ác.

Chánh tinh tấn: Tinh tấn chân chính là:

Tinh tấn diệt ác pháp đã sinh.

Tinh tấn ngăn không cho ác pháp phát sinh.

Tinh tấn làm cho thiện pháp phát sinh.

Tinh tấn làm cho tăng trưởng thiện pháp đã sinh.

Chánh niệm: Niệm chân chính, đó là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp.

Chánh định: Định chân chính, đó là định tâm trong đệ nhất thiền, đệ nhị thiền, đệ tam thiền, đệ tứ thiền, đệ ngũ thiền Siêu tam giới có Niết Bàn làm đối tượng.

Thánh Đạo hợp đủ 8 chánh này đồng sinh trong Thánh Đạo Tâm - Thánh Quả Tâm, có Niết Bàn làm đối tượng.

Do đó, Đức Thế Tôn có Ân đức Sugato với ý nghĩa ngự theo Thánh Đạo.

Sugato có ý nghĩa ngự đến Niết Bàn an lạc tuyệt đối như thế nào?

Đức Thế Tôn là Bậc đầu tiên chứng ngộ Niết Bàn bằng trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới đó là: 4 Thánh Đạo Tuệ - 4 Thánh Quả Tuệ, nên Ngài có Ân đức Sugato với ý nghĩa ngự đến Niết Bàn an lạc tuyệt đối.

Về sau, Đức Thế Tôn thuyết pháp tế độ các hàng đệ tử cũng chứng ngộ Niết Bàn bằng Thánh Đạo Tuệ -Thánh Quả Tuệ, nhưng những bậc Thánh Thanh Văn này không có Ân đức Sugato như Đức Thế Tôn, vì không phải bậc đầu tiên chứng ngộ Niết Bàn.

Do đó, chỉ có Đức Thế Tôn mới có Ân đức Sugato với ý nghĩa ngự đến Niết Bàn an lạc tuyệt đối.



Sugato có ý nghĩa ngự đến mục đích cao thượng, bất thoái chí như thế nào?

Đức Bồ Tát Đạo sĩ Sumedha, tiền thân của Đức Thế Tôn, đã phát nguyện sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, được Đức Phật Dīpankara thọ ký còn 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp nữa, vị Đạo sĩ sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, có danh hiệu Gotama. Từ đó, Đức Bồ Tát trở thành Đức Bồ Tát cố định tiếp tục bồi bổ pháp hạnh ba-la-mật: 10 bậc thường, 10 bậc trung và 10 bậc thượng gồm đủ 30 pháp hạnh ba-la-mật, suốt 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp bất thoái chí. Đến kiếp chót, Đức Bồ Tát Siddhattha từ bỏ ngai vàng, đi xuất gia đã trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

Do đó, Đức Thế Tôn có Ân đức Sugato với ý nghĩa ngự đến mục đích cao thượng bất thoái chí.

Sugato có ý nghĩa thuyết pháp chân lý đem lại sự lợi ích cho chúng sinh như thế nào?

Đức Thế Tôn tuỳ thời thuyết pháp chân lý chắc chắn đem lại sự lợi ích cho chúng sinh, nếu không đem lại lợi ích, thì Đức Thế Tôn không thuyết pháp.

Đức Thế Tôn biết rõ 6 trường hợp, trường hợp nào nên thuyết giảng và trường hợp nào không nên thuyết giảng như sau:

Đức Thế Tôn biết rõ pháp nào không chân thật, không đem lại sự lợi ích, người nghe không hài lòng, không hoan hỷ. Ngài không thuyết giảng pháp ấy.

Đức Thế Tôn biết rõ pháp nào không chân thật, không đem lại sự lợi ích, dù người nghe hài lòng, hoan hỷ. Ngài không thuyết giảng pháp ấy.

Đức Thế Tôn biết rõ pháp nào chân thật, nhưng không đem lại sự lợi ích, dù người nghe hài lòng, hoan hỷ. Ngài không thuyết giảng pháp ấy.

Đức Thế Tôn biết rõ pháp nào chân thật, không đem lại sự lợi ích, người nghe không hài lòng, không hoan hỷ. Ngài không thuyết giảng pháp ấy.

Đức Thế Tôn biết rõ pháp nào chân thật, đem lại sự lợi ích, người nghe không hài lòng, không hoan hỷ. Ngài biết tùy nơi, đúng lúc sẽ thuyết giảng pháp ấy.

Đức Thế Tôn biết rõ pháp nào chân thật, đem lại sự lợi ích, người nghe hài lòng, hoan hỷ. Ngài biết tùy nơi, đúng lúc sẽ thuyết giảng pháp ấy.

Do đó, Đức Thế Tôn có Ân đức Sugato với ý nghĩa thuyết pháp chân lý đem lại sự lợi ích cho chúng sinh.

Ân đức Sugato có 4 ý nghĩa tóm tắt này, đặc biệt đáng ghi nhớ ý nghĩa đức Sugato thuyết pháp chân lý đem lại lợi ích cho chúng sinh.



tải về 1.48 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   25




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương