PHƯƠng pháp dạy họC Âm nhạC Ở trưỜng phổ thông biên tập: Trần Đại Phúc Chuyên viên Sở gd&Đt tt huế


IV. Phương pháp dạy hát ở Tiểu học và THCS



tải về 1.07 Mb.
trang5/5
Chuyển đổi dữ liệu26.04.2018
Kích1.07 Mb.
#37287
1   2   3   4   5

IV. Phương pháp dạy hát ở Tiểu học và THCS

1. Mục tiêu và quy trình dạy hát ở Tiểu học và THCS


a) Mục tiêu: Học sinh học hát là tiếp xúc với âm nhạc có lời ca, mỗi bài hát là một cảm xúc riêng, có nội dung cụ thể về sự vật, hiện tượng, được diễn tả bằng âm nhạc và ngôn ngữ văn học. Mỗi bài hát dạy trong một tiết (Tiểu học là 35 phút, THCS là 45 phút), sau đó được ôn tập trong một vài tiết tiếp theo. Dạy hát nhằm đạt được các mục tiêu sau:

- Mục tiêu về kiến thức: Dạy hát nhằm phát triển năng lực nhận thức của học sinh, học mỗi bài hát giúp các em biết thêm về một vấn đề, về tác giả hoặc đặc điểm riêng của bài hát. Sự phong phú về mặt nội dung trong các bài hát giúp học sinh thêm hiểu biết về cuộc sống, các hình tượng âm nhạc cũng giúp nâng cao khả năng nhận thức và hiểu biết của các em. Bên cạnh đó, dạy hát còn phát triển năng lực ngôn ngữ, lời ca của bài hát làm vốn ngôn ngữ của học sinh trở nên phong phú và sinh động hơn.

- Mục tiêu về kỹ năng (đây là mục tiêu trọng tâm): Dạy hát nhằm phát triển năng lực âm nhạc của học sinh, giúp các em hát đúng giai điệu và lời ca, biết cách hát tự nhiên, biết lấy hơi, hát rõ lời và thể hiện được sắc thái, tình cảm của bài hát. Dạy hát còn giúp học sinh biết trình bày bài hát theo hình thức đơn ca, song ca, tốp ca, đồng ca, biết hát kết hợp các hoạt động như: gõ đệm, vận động theo nhạc, nhảy múa, biểu diễn hoặc trò chơi…

- Mục tiêu về tình cảm và thái độ: Dạy hát nhằm giáo dục học sinh những tình cảm tốt đẹp, giúp các em thêm yêu thích âm nhạc, có khả năng tham gia ca hát ở trong và ngoài trường học.

            Những mục tiêu trên chỉ đạt được khi học sinh trải qua quá trình học tập lâu dài và đúng hướng, nếu chỉ học 1-2 bài hát thì không thể đạt được những điều đó. Vì vậy khi dạy một bài hát cụ thể, giáo viên phải lựa chọn cách diễn đạt mục tiêu ngắn gọn và rõ ràng hơn trong kế hoạch bài học.

b) Quy trình dạy hát: Một số quy trình dạy hát đã được giới thiệu trong các tài liệu khác nhau, có quy trình rút gọn (3-4 bước), có quy trình chi tiết (8-9 bước). Hiện nay, giáo viên thường dạy hát theo quy trình có 7 bước:

Quy trình dạy hát ở Tiểu học

Quy trình dạy hát ở THCS

- Giới thiệu bài hát

- Đọc lời ca

- Nghe hát mẫu          

- Khởi động giọng

- Tập hát từng câu

- Hát cả bài

- Củng cố, kiểm tra


- Giới thiệu bài hát

- Tìm hiểu về bài hát

- Nghe hát mẫu          

- Khởi động giọng

- Tập hát từng câu

- Hát cả bài

- Củng cố, kiểm tra


 

Thực tế, cách dạy Âm nhạc cần hết sức linh hoạt và mềm dẻo, nên thứ tự các bước trong quy trình dạy hát không phải là bất di bất dịch, đây chỉ là những hoạt động cần thực hiện khi dạy hát. Các bước 1, 2, 3, 4 không nhất thiết phải thực hiện theo trình tự, có thể đưa bước nào lên trước cũng được. Tuy nhiên nên tiến hành tìm hiểu bài hát trước khi nghe hát mẫu.

- Bước 1 (giới thiệu bài hát) do giáo viên thực hiện, bước 2 (tìm hiểu về bài hát) nên để học sinh hoạt động, nhằm phát huy tính tích cực của các em. Bước 3 lại đến hoạt động của giáo viên (hát mẫu) là sự đan xen hợp lí, logic.

- Khi tìm hiểu về bài hát, giáo viên cần giải thích ý nghĩa một số từ khó, ý nghĩa một số câu hát, giúp học sinh hiểu nội dung khi nghe hát mẫu.

- Khi tìm hiểu bài, đôi khi giáo viên có thể hướng dẫn học sinh đọc lời ca theo tiết tấu, nghe hát mẫu sẽ giúp các em củng cố tiết tấu vừa luyện tập.

- Giáo viên giới thiệu chỗ khó hoặc đặc điểm riêng của bài hát, học sinh sẽ cảm nhận được điều này khi nghe hát mẫu.


2. Những vấn đề cần chuẩn bị và lưu ý khi dạy hát


Để thực hiện một tiết dạy hát hay, hấp dẫn và sinh động, ngoài quy trình và kỹ thuật dạy hát, giáo viên nên quan tâm đến các vấn đề sau:

Chuẩn bị đầy đủ về

phương tiện dạy học

(Nhạc cụ của giáo viên và học sinh, tivi, máy nghe, tranh ảnh, giáo án điện tử, …)



Sử dụng đa dạng và phù hợp các phương pháp dạy học

(Thuyết trình, giới thiệu, phát vấn, trực quan, làm mẫu, luyện tập, …)



Dạy và học bằng đa giác quan

(Học sinh được học bằng cả thị giác, thính giác, xúc giác, cảm nhận, …)



Đa dạng về kiểm tra, đánh giá

(Giáo viên sử dụng các bài tập thực hành, vấn đáp, trắc nghiệm, bài tập sáng tạo, để học sinh tự đánh giá, …)



 

Dạy hát ở Tiểu học

và THCS

Đa dạng về trạng thái học tập

(Học sinh có thể ngồi yên, đứng tại chỗ, lên bảng, đứng quanh giáo viên, …)



Đa dạng về hoạt động kết hợp

(Học sinh vỗ tay, gõ đệm, đánh nhịp, vận động, nhảy múa, trò chơi, biểu diễn, … khi trình bày bài hát)



Đa dạng về kỹ thuật

hát tập thể

(Học sinh tập hát hòa giọng, hát đối đáp, hát nối tiếp, hát có lĩnh xướng, hát bè, hát đuổi, hát liền tiếng, hát ngắt tiếng, cách lấy hơi, thể hiện sắc thái, …)



Đa dạng về hình thức học tập

(Học sinh luyện tập và trình bày bài hát theo hình thức cá nhân, cặp đôi, nhóm nhỏ, nhóm lớn, tổ, dãy, học sinh nam, học sinh nữ, cả lớp)


3. Phương pháp dạy bài hát dân ca ở Tiểu học và THCS


Dạy bài dân ca ở Tiểu học và THCS cũng tương tự như việc dạy bài hát thiếu nhi hoặc bài hát nhạc nước ngoài. Tuy nhiên, đi sâu vào kỹ thuật thì có một số điểm cần lưu ý:

Quy trình

Những điểm cần lưu ý

Giới thiệu bài hát

Giáo viên nên dùng bản đồ để giới thiệu vị trí địa lí, dùng tranh ảnh để giới thiệu về sinh hoạt văn hoá, sinh hoạt cộng đồng, về phong cảnh các vùng miền. Cần giới thiệu về xuất xứ và nét đặc trưng của bài dân ca (thang âm, các từ đệm, trang phục, động tác múa…) sao cho phù hợp với sự tiếp thu của học sinh, cũng có thể giới thiệu sơ lược về nhạc cụ dân tộc của vùng miền dân ca đó.

Tìm hiểu bài hát

Giáo viên chia các câu hát trong bài dân ca phải hết sức linh hoạt, có thể có câu hát dài, có câu hát ngắn vì bài dân ca Việt Nam thường được xây dựng từ thơ lục bát, lời ca đệm thêm bằng những hư từ nên cấu trúc không cân đối.

Giáo viên cần giải thích cho học sinh hiểu về những từ khó trong bài dân ca, ví dụ: Xoè hoa là múa hoa, Lí cây xanh là khúc hát ngắn về cây xanh, Bắc kim thang là lời bài đồng dao (bản thân từ này không có nghĩa gì), dĩa bánh bò (trong bài Lí dĩa bánh bò) nghĩa là đĩa bánh bò, chẻ tre đan xịa (trong bài Hò ba lí) nghĩa là chẻ tre để đan cái nong, nia, Cò lả diễn tả cánh cò bay chập chờn (con cò cũng là hình tượng người nông dân Việt Nam), bài Cò lả hình thành từ câu ca dao:

Con cò bay lả bay la

Bay từ cửa tổ bay ra cánh đồng

Trời sinh, mẹ đẻ tay không

Cho nên bay khắp tây đông kiếm mồi

Trước là nuôi cái thân tôi

Sau nuôi bọn trẻ nên đời cò con.



Nghe hát mẫu

Nếu có điều kiện, giáo viên nên cho học sinh nghe và xem băng đĩa hình, để các em biết về trang phục và động tác múa hát đặc trưng của từng vùng miền.

Khởi động giọng

Giáo viên nên dùng thang âm của bài dân ca cho học sinh khởi động giọng, qua đó các em biết sơ lược về âm hưởng của bài dân ca, không nên dùng gam trưởng hoặc thứ để khởi động giọng.

Tập hát từng câu

Giáo viên cần hát tăng cường hát mẫu để giúp học sinh hát đúng những chỗ khó, tiếng luyến láy, ngân nghỉ, cũng như thể hiện được sắc thái của bài dân ca.

Hát cả bài

Nếu có điều kiện, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh vừa hát bài dân ca vừa kết hợp với các trò chơi dân gian như: tập tầm vông, nhảy dây, ô ăn quan, chơi chong chóng, tò he, sáo diều…

Củng cố kiểm tra

Ngoài các nhạc cụ quen dùng, nếu có điều kiện, giáo viên nên khai thác hoặc hướng dẫn học sinh sử dụng các nhạc cụ dân tộc để đệm hát cho bài dân ca. Ví dụ dùng các nhạc cụ như cồng, chiêng, đàn t’rưng, tre lắc để đệm cho những bài dân ca Tây Nguyên…

4. Một số lưu ý khi dạy hát cho học sinh lớp 1


- Học sinh lớp 1 chưa học về nốt nhạc nên giáo viên không cần giới thiệu về bản nhạc, chỉ giới thiệu lời ca của bài hát.

- Kỹ năng tập đọc tiếng Việt của học sinh lớp 1 còn yếu (đặc biệt là trong học kì I), giáo viên cần hướng dẫn kỹ bước đọc lời ca, cần đọc mẫu từng câu nhiều lần để các em nhắc lại vững lời ca.

- Khi hướng dẫn học sinh gõ đệm cần lưu ý: chỉ sử dụng 1 cách gõ đệm trong mỗi lần trình bày bài hát.

- Trong bước tập hát từng câu, giáo viên cần kết hợp giữa hát mẫu và sử dụng nhạc cụ để hướng dẫn học sinh hát đúng giai điệu, lời ca của bài hát.

- Thường xuyên uốn nắn cho học sinh về cách hát, tư thế hát để bảo vệ sức khoẻ và giọng hát của các em.

- Trong tiết học hát, giáo viên cần tổ chức cho học sinh học tập đa dạng về trạng thái (ngồi hát, đứng hát, vận động), đa dạng về hình thức (cá nhân, cặp, nhóm, tổ, dãy, cả lớp), đa dạng về hoạt động (nghe, nhìn, gõ đệm, đánh nhịp, cảm nhận, trả lời, đánh giá…).



5. Phương pháp dạy ôn tập bài hát ở Tiểu học và THCS


Học bài hát mới trong một tiết vẫn còn nhiều học sinh chưa hát đúng giai điệu, chưa thuộc lời ca, chưa cảm nhận sâu về vẻ đẹp của bài hát, ôn tập bài hát nhằm khắc phục những hạn chế đó.

Mục tiêu tóm tắt của hoạt động ôn tập bài hát nhằm giúp học sinh hát thuộc lời ca, hát đúng hơn, hát hay hơn và yêu thích bài hát hơn. Mục tiêu cụ thể là giúp học sinh củng cố lại kiến thức đã học, luyện tập các kỹ năng trình bày bài hát, giúp học sinh có cảm thụ âm nhạc tốt hơn, tạo các em thêm tự tin, có điều kiện trình bày bài hát đã học, phát huy tính tích cực của học sinh, phát triển tư duy sáng tạo của các em.

Việc ôn tập bài hát là không cần thực hiện theo một trình tự nào, tuỳ vào đặc điểm riêng của từng bài hát mà giáo viên chọn các hoạt động thích hợp. Với thời gian có hạn, mỗi lần ôn tập, giáo viên chỉ nên chọn một vài hoạt động trong số nhiều hoạt động sau:

- Giáo viên đệm đàn cho học sinh hát lại bài, hướng dẫn các em sửa chỗ sai và thể hiện sắc thái.

- Giáo viên đặt câu hỏi để học sinh nhắc lại tên bài hát, tác giả, nội dung (nên kết hợp tranh minh họa).

- Học sinh nghe bài hát qua băng đĩa để nhớ lại giai điệu, lời ca.

- Củng cố giai điệu, tiết tấu: giáo viên đàn một nét nhạc để học sinh nhận biết đó là câu hát nào rồi trình bày lại câu hát đó. Tương tự, giáo viên gõ tiết tấu của một câu hát, học sinh nhận biết đó là tiết tấu của câu hát nào rồi hát câu đó.

- Củng cố lời ca: học sinh bổ sung lời ca vào chỗ trống.

- Hát kết hợp gõ đệm.

- Hát kết hợp vận động theo nhạc.

- Hát kết hợp đánh nhịp.

- Hát kết hợp trò chơi.

- Thi đua giữa các tổ, nhóm.

- Trình bày bài hát bằng các hình thức: đơn ca, cặp, nhóm, tổ, dãy, học sinh nam, học sinh nữ…

- Luyện tập các cách hát tập thể: hát hoà giọng, hát có lĩnh xướng, hát đối đáp, hát nối tiếp, hát bè, hát đuổi.

- Biểu diễn: học sinh hát trước lớp kết hợp gõ đệm hoặc vận động theo nhạc.

- Học sinh tập sáng tác lời hát mới. (đối với bài dân ca hoặc ca khúc nước ngoài)

- Học sinh tập vẽ tranh minh họa cho bài hát.

- Kiểm tra.

Tuỳ thuộc vào nội dung, tính chất của bài hát, thời lượng dạy học, năng lực của học sinh, điều kiện dạy học cụ thể mà giáo viên chọn một vài hoạt động ôn tập cho thích hợp. Các hoạt động ôn tập không nên tách rời mà cần liên kết với nhau sao cho phù hợp, hiệu quả. Ví dụ: kết hợp giữa gõ đệm với luyện tập các cách hát tập thể (hát có lĩnh xướng, hát đối đáp, hát nối tiếp), kết hợp vận động theo nhạc với trình bày bài hát bằng các hình thức khác nhau (đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca, tổ, dãy, học sinh nam, học sinh nữ), thi đua giữa các nhóm tổ thể hiện sắc thái bài hát, biểu diễn bài hát kết hợp gõ đệm hoặc vận động theo nhạc… Tuy nhiên những hoạt động đặc trưng nhất mà giáo viên thường dùng khi ôn tập bài hát là hướng dẫn học sinh ôn tập và sửa sai, hát kết hợp gõ đệm, hát kết hợp vận động theo nhạc, tập hát đối đáp, nối tiếp.

Việc ôn tập bài hát đóng vai trò quan trọng để học sinh yêu thích bài hát. Nhiều học sinh thường nói “Thưa cô, em không biết hát ạ”, “Thưa cô, em thấy bài hát này không hay” hoặc “Thưa cô, em không thuộc bài hát này” khi giáo viên yêu cầu các em hát. Một trong những nguyên nhân là do cách tổ chức ôn tập bài hát chưa kĩ và hiệu quả. Chỉ số ít bài hát hấp dẫn được học sinh ngay từ khi các em mới tiếp xúc, còn lại phải qua quá trình ôn tập lâu dài mới làm các em yêu thích bài hát. Dạy Âm nhạc trong trường Trung học ở Mỹ, để biểu diễn một bài hát chỉ trong 3-4 phút, học sinh thường phải luyện tập bài đó trong 3 tháng (bao gồm cả tập hát các bè, kết hợp nhảy múa hoặc trình diễn). Có thể tập luyện kĩ như vậy mới thật sự làm các em cảm nhận được những vẻ đẹp của bài hát.

V. Phương pháp dạy Âm nhạc thường thức:

1. Mục tiêu:


Cung cấp cho học sinh những kiến thức âm nhạc phổ biến và cần thiết, giáo dục các em có ý thức tìm hiểu và trân trọng nền âm nhạc truyền thống và hiện đại của Việt Nam, cùng các phân môn khác góp phần xây dựng cho học sinh có một trình độ văn hoá âm nhạc nhất định mang tính phổ thông, góp phần giáo dục toàn diện.

2. Phương pháp dạy nội dung giới thiệu các hình thức biểu diễn:


- Sơ lược về nhạc hát và nhạc đàn.

- Hát bè.

- Sơ lược về một vài thể loại nhạc đàn.

Về mục tiêu, dạng bài này giới thiệu để học sinh nắm được một vài hình thức biểu diễn âm nhạc, giúp các em nhận biết được vai trò và đặc điểm của từng hình thức.

Thời lượng giới thiệu các hình thức biểu diễn khoảng 15-20 phút. Học sinh cần hiểu vai trò, đặc điểm của từng hình thức biểu diễn, rồi được nghe, so sánh, cảm nhận qua tác phẩm cụ thể. Gợi ý về quy trình và cách dạy:

Bước 1: Giới thiệu kiến thức (tên, đặc điểm, tính chất) giúp học sinh nắm được khái quát về vấn đề, giáo viên nên kết hợp sử dụng phương pháp thuyết trình, đàm thoại, trực quan…

Bước 2: Minh họa kiến thức trên bản nhạc giúp học sinh được quan sát bản nhạc hoặc tranh ảnh trực quan giới thiệu về kiến thức. Giáo viên có thể yêu cầu các em tìm trong sách giáo khoa những bản nhạc, bài hát có sử dụng kiến thức.

Bước 3: Minh họa kiến thức bằng âm thanh, giúp học sinh được nghe hoặc xem băng đĩa nhạc, băng đĩa hình về các hình thức biểu diễn. Đôi khi, giáo viên có thể tự trình bày bản nhạc hoặc chỉ định một vài em cùng trình bày.

Bước 4: Củng cố, học sinh trả lời một vài câu hỏi để nhắc lại và khắc sâu về kiến thức vừa học.

Bên cạnh dạng bài giới thiệu các hình thức biểu diễn là những bài học về một số vấn đề của đời sống âm nhạc, giới thiệu với học sinh những kiến thức như:

- Sơ lược về dân ca Việt Nam, dân ca dân tộc ít người, những bài hát mang âm hưởng dân ca.

- Một số thể loại bài hát.

- Đôi nét về ca khúc thiếu nhi.

- Giới thiệu về những bài hát thiếu nhi phổ thơ; những nhạc sĩ Việt Nam có tác phẩm cho thiếu nhi.



3. Phương pháp dạy giới thiệu tác giả, tác phẩm

Học sinh THCS được học tập, tìm hiểu về những nhạc sĩ Việt Nam được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật, được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật và một số nhạc sĩ nổi tiếng trong lịch sử âm nhạc thế giới như Mozart, Beethoven, Chopin, TChaikovsky.

Dạng bài này, sách giáo khoa thường trình bày theo hai phần, phần thứ nhất giới thiệu về tác giả, phần thứ hai giới thiệu một tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ. Các nhạc sĩ Việt Nam được giới thiệu trong sách giáo khoa Âm nhạc lớp 6, 7, 8, 9 hiện hành là:

- Nhạc sĩ Văn Cao và bài hát Làng tôi.

- Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và bài hát Lên đàng.

- Nhạc sĩ Phong Nhã và bài hát Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng.

- Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và bài hát Lúa thu.

- Nhạc sĩ Hoàng Việt và bài hát Nhạc rừng.

- Nhạc sĩ Đỗ Nhuận và bài hát Hành quân xa.

- Nhạc sĩ Huy Du và bài hát Đường chúng ta đi.

- Nhạc sĩ Trần Hoàn và bài hát Một mùa xuân nho nhỏ.

- Nhạc sĩ Hoàng Vân và bài hát Hò kéo pháo.

- Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và bài hát Bóng cây kơ-nia.

- Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn và bài hát Biết ơn Võ Thị Sáu.

- Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và bài hát Mẹ yêu con.

            Ngoài ra, có bài đọc thêm về hai nhạc sĩ được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật là Hoàng Hiệp và Nguyễn Văn Thương.

Với thời lượng khoảng 25 phút, việc giới thiệu tác giả, tác phẩm nhằm cung cấp cho học sinh biết sơ lược về tiểu sử và sự nghiệp âm nhạc của những nhạc sĩ được giới thiệu, biết những đóng góp nổi bật của nhạc sĩ cho nền âm nhạc Việt Nam hoặc thế giới.

Một nhạc sĩ nổi tiếng thường sáng tác được nhiều tác phẩm nổi bật, nhưng sách giáo khoa chỉ chọn và giới thiệu một tác phẩm trong số đó. Vì vậy tác phẩm này cần được giới thiệu kĩ lưỡng và trọn vẹn, tuy nhiên học sinh cần được nghe trích đoạn 2-3 tác phẩm khác sẽ rất tốt cho sự hiểu biết của các em.



a) Giới thiệu về tác giả

Giới thiệu về tác giả là nội dung trọng tâm, chiếm khoảng 2/3 thời lượng khi dạy giới thiệu về tác giả và tác phẩm. Mục tiêu của phần này giúp học sinh nắm được một số thông tin về tác giả như: thân thế, sự nghiệp âm nhạc, tác phẩm nổi bật, phong cách hoặc bút pháp sáng tác, ghi nhận sự đóng góp của nhạc sĩ…

Có nhiều cách dạy giới thiệu về tác giả. Cách thứ nhất, giáo viên yêu cầu học sinh đọc sách giáo khoa để trả lời một số câu hỏi về tác giả, qua đó nắm được những thông tin cần thiết như: sơ lược tiểu sử, tác phẩm nổi bật, đặc điểm âm nhạc và nghe một vài sáng tác tiêu biểu của nhạc sĩ. Ví dụ, giới thiệu về nhạc sĩ Beethoven, giáo viên yêu cầu học sinh đọc sách rồi đặt một số câu hỏi:

- Beethoven là ai?

- Những sáng tác nổi bật của Beethoven?

- Đặc điểm âm nhạc trong những sáng tác của Beethoven?

Giáo viên kết luận: Beethoven là nhạc sĩ thiên tài người nước Đức, ông sinh năm 1770 và mất năm 1827. Ông sáng tác hàng trăm tác phẩm, trong đó nổi bật nhất là 9 bản giao hưởng và 32 xô-nát viết cho piano. Hàng trăm năm nay, âm nhạc của Beethoven đã được phổ biến trên khắp thế giới, tác phẩm của ông được xếp vào hàng kinh điển, mẫu mực, chúng luôn được sử dụng trong các cuộc thi âm nhạc, dùng để biểu diễn, để nghiên cứu và học tập tại các nhạc viện. Đặc điểm chung trong tác phẩm âm nhạc của Beethoven là sự bùng nổ, mới lạ, giàu tính chiến đấu. Tuy vậy, bên cạnh những sáng tác mang tính mạnh mẽ, bùng nổ, ông sáng tác cả những số tác phẩm rất sâu sắc và trữ tình, để phản ánh nỗi bất hạnh và sự trăn trở trong cuộc đời mình.

Sau đó giáo viên cho học sinh nghe trích đoạn những tác phẩm minh họa cho đặc điểm âm nhạc bùng nổ, mới lạ, giàu tính chiến đấu như: giao hưởng số 5- Định mệnh; giao hưởng số 9- Bài ca hoà bình. Nghe những tác phẩm minh họa cho đặc điểm âm nhạc trữ tình như: Thư gửi Elise; Sonata ánh trăng

Cách thứ hai, các nhóm học sinh nghiên cứu sách giáo khoa và trình bày những thông tin về tác giả. Cách thứ ba, giáo viên giới thiệu về chân dung nhạc sĩ, cung cấp cho các em biết những điều cần thiết, có thể bổ sung những thông tin ngoài sách giáo khoa, rồi đưa ra một bảng dữ liệu để học sinh khẳng định hiểu biết của mình về nhạc sĩ đó. Ví dụ giáo viên yêu cầu học sinh đánh dấu vào ô Đúng hoặc Sai cho phù hợp với thông tin về nhạc sĩ Tchaikovsky:

Thông tin về nhạc sĩ Tchaikovsky

Đúng

Sai

Tchaikovsky sinh năm 1840, mất năm 1893

 

 

Tchaikovsky là người nước Nga

 

 

Tchaikovsky bắt đầu sáng tác âm nhạc từ năm 7 tuổi

 

 

Tchaikovsky học giỏi cả ngoại ngữ và toán

 

 

Tchaikovsky là tác giả của bài hát Cô gái miền đồng cỏ

 

 

Tchaikovsky là tác giả của 41 bản giao hưởng

 

 

 

Điểm chung của những cách giới thiệu trên, sau khi học sinh nắm được một số thông tin về tác giả, giáo viên cần cho các em nghe một số tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ đó, bởi vì điều quan trọng nhất đối với nhạc sĩ sáng tác là giá trị của những tác phẩm. Việc cho các em nghe những tác phẩm nổi bật của họ là điều cần thiết nhất, giá trị hơn mọi lời giới thiệu hoặc phân tích. Để học sinh hiểu và đánh giá đúng vai trò của tác giả, việc lựa chọn tác phẩm cho các em nghe cần được tính toán cho phù hợp và hiệu quả. Ví dụ khi giới thiệu về Mozart, giáo viên không cần thiết phải cho học sinh nghe nhiều tác phẩm, các em chỉ nghe khoảng 2-3 sáng tác nổi bật (ví dụ đoạn trích trong các bản Hành khúc Thổ-nhĩ-kì, Waltz Favorit, Giao hưởng số 40) với thời lượng 5-7 phút là thích hợp.

Giáo viên sưu tầm và kể một vài mẩu chuyện về cuộc đời của nhạc sĩ cũng là một cách dạy học được nhiều giáo viên áp dụng. Tuy nhiên, cũng không nên lạm dụng vì thời gian thường không đủ để giáo viên kể cho học sinh nghe những câu chuyện dài.

Một ví dụ khác về cách dạy bài giới thiệu về tác giả, nhạc sĩ Trần Hoàn:

- Giáo viên giới thiệu một vài bức ảnh về nhạc sĩ Trần Hoàn: chân dung nhạc sĩ, quê ông ở Quảng Trị, ảnh ông chụp cùng một số ca sĩ, nghệ sĩ…

- Giáo viên chỉ định học sinh đọc phần giới thiệu về nhạc sĩ Trần Hoàn trong sách giáo khoa.

- Giáo viên dùng phương pháp phát vấn:

Giáo viên: Hãy giới thiệu sơ lược về tiểu sử nhạc sĩ Trần Hoàn?

Học sinh: Tên thật của ông là Nguyễn Tăng Hích, ông sinh năm 1928 ở Quảng Trị, mất năm 2003 ở Hà Nội.

Giáo viên: Như vậy ông mất khi bao nhiêu tuổi?

Học sinh: Khi ông 75 tuổi.

Giáo viên: Ông từng được Nhà nước giao cho trọng trách gì?

Học sinh: Ông từng là Bộ trưởng Bộ Văn hoá- Thông tin.

Giáo viên: Kể tên một số sáng tác âm nhạc của ông?

Học sinh: Sơn nữ ca, Lời người ra đi, Lời ru trên nương

Giáo viên: Những sáng tác thành công nhất của ông là viết về đề tài nào?

Học sinh: Đề tài Bác Hồ, với các ca khúc như Giữa Mạc-tư-khoa nghe câu hò ví dặm, Thăm bến Nhà Rồng, Lời Bác dặn trước lúc đi xa

Giáo viên: Nhà nước đã ghi nhận những đóng góp của ông cho nền âm nhạc Việt Nam như thế nào?

Học sinh: Ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật.

- Giáo viên minh họa về tác phẩm của nhạc sĩ Trần Hoàn:

+ Giáo viên đàn và hát một đoạn của bài Sơn nữ ca.

+ Theo các em, Sơn nữ ca nghĩa là gì?

+ Nội dung bài hát này nói về điều gì?

            Giáo viên tiếp tục minh họa một vài ca khúc khác của nhạc sĩ Trần Hoàn…



b) Giới thiệu tác phẩm

            Đây chỉ là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ vì thế thời lượng dạy học sẽ ngắn gọn hơn so với phần giới thiệu tác giả. Cách giới thiệu về tác phẩm có thể thực hiện tương tự như với dạng bài nghe nhạc, gồm 4 bước: giới thiệu bản nhạc; nghe nhạc lần thứ nhất; trao đổi về bản nhạc; nghe nhạc lần thứ hai.



4. Phương pháp dạy nghe nhạc

Nghe nhạc là một kỹ năng quan trọng để phát triển năng lực âm nhạc của học sinh, vì thế hoạt động này được thực hiện khi dạy học tất cả các phân môn, từ Học hát, Tập đọc nhạc, Âm nhạc thường thức đến Nhạc lí. Trong phân môn Âm nhạc thường thức, nghe nhạc là dạng bài độc lập ở lớp 1, 2, 3 và là một phần của dạng bài giới thiệu tác giả, tác phẩm ở những lớp tiếp theo.

Nghe nhạc là nghe một bài hát hoặc tác phẩm âm nhạc không lời. Hoạt động này nhằm bổ sung cho học sinh hiểu biết về các tác phẩm âm nhạc và năng lực cảm thụ, giúp các em hình thành kỹ năng nghe, đó là sự tập trung và chăm chú, không ồn ào, biết nhận xét hoặc đánh giá về tác phẩm. Nghe nhạc còn nhằm giáo dục cho học sinh thị hiếu âm nhạc lành mạnh, phát huy trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của các em.

Giáo viên có thể cho học sinh nghe nhạc theo các bước sau:



Bước 1: Giới thiệu bản nhạc

- Giáo viên giới thiệu khái quát về tên bản nhạc, tác giả.

- Giáo viên quy định thời gian nghe khoảng bao lâu.

Bước 2: Nghe nhạc lần thứ nhất

- Giáo viên tự trình bày hoặc mở băng, đĩa nhạc.

- Học sinh nghe nhạc có thể kết hợp các hoạt động như gõ nhịp, vận động nhẹ nhàng, vẽ tranh...

Bước 3: Trao đổi về bản nhạc

- Học sinh nói cảm nhận của mình như: bản nhạc sổi nổi hay tha thiết, nhanh hay chậm, vui hay buồn, đã từng nghe, từng đàn hoặc hát…

- Giáo viên đặt câu hỏi và yêu cầu, ví dụ:

+ Em yêu thích nét nhạc nào trong bản nhạc, hình ảnh nào trong bài hát?

+ Giọng hát trong băng, đĩa nhạc là giọng nam hay nữ (nếu là bài hát)?

+ Hình thức trình bày là đơn ca, song ca hay tốp ca (nếu là bài hát)?

+ Diễn tả lại một nét nhạc nào đó (huýt sáo hoặc đọc bằng nguyên âm)?

- Giáo viên kết luận về nội dung, tính chất của bản nhạc. Giáo dục thái độ tập trung khi nghe nhạc hoặc khuyến khích học sinh thường xuyên tìm hiểu và nghe những bản nhạc hay.



Bước 4: Nghe nhạc lần thứ hai

- Giáo viên tự trình bày hoặc mở băng, đĩa nhạc

- Học sinh lần thứ hai để cảm nhận sâu sắc hơn về bản nhạc, các em có thể kết hợp các hoạt động như gõ nhịp, vận động nhẹ nhàng, vẽ tranh diễn tả cảm nhận về bản nhạc, hát hòa theo…

            Lỗi cần tránh khi dạy nghe nhạc là giáo viên cho học sinh nghe bài hát rồi dạy các em bài hát đó. Giáo viên hướng dẫn các em tập hát từng câu, yêu cầu học sinh hát đúng giai điệu kết hợp gõ đệm hoặc vận động. Điều này là sai trọng tâm và không đúng mục tiêu, mục tiêu nghe nhạc chỉ để các em hiểu biết về bài hát chứ không phải hát đúng giai điệu bài hát đó.



5. Phương pháp dạy giới thiệu nhạc cụ

Môn Âm nhạc ở Tiểu học và THCS không dạy học sinh cách sử dụng nhạc cụ mà chỉ giới thiệu một số loại nhạc cụ của Việt Nam và thế giới, để các em có hiểu biết sơ lược về những phương tiện biểu diễn âm nhạc.

- Lớp 2 giới thiệu một vài nhạc cụ gõ dân tộc: thanh phách, mõ, song loan, sênh tiền.

- Lớp 3 giới thiệu một vài nhạc cụ dân tộc: bầu, nguyệt, tranh (thập lục).

- Lớp 4 giới thiệu một vài nhạc cụ dân tộc: nhị, tam, tứ, tì bà.

- Lớp 5 giới thiệu một vài nhạc cụ nước ngoài: clarinette, flute, saxophone, trompette.

- Lớp 6 giới thiệu về một số nhạc cụ dân tộc phổ biến: sáo, bầu, tranh, nhị, nguyệt, trống.

- Lớp 7 giới thiệu về một vài nhạc cụ phương Tây: accordéon, guitare, piano, violon.

- Lớp 8 giới thiệu về một vài nhạc cụ dân tộc: cồng, chiêng, t’rưng, đàn đá.

Thời lượng dạy nội dung này khoảng 15-20 phút. Mục tiêu để học sinh biết về hình dáng, cấu tạo sơ lược, vai trò của nhạc cụ và được nghe âm sắc của nó. Giáo viên nên tiến hành theo các bước:



Bước 1: Giới thiệu tên, hình dáng, đặc điểm của từng nhạc cụ.

- Sẽ rất tốt nếu giáo viên có nhạc cụ thật để giới thiệu với học sinh (với những loại phổ biến, dễ tìm kiếm). Nếu không có nhạc cụ thật, giáo viên nên sử dụng tranh ảnh để giới thiệu tên, hình dáng, cấu tạo sơ lược hoặc đặc điểm của từng nhạc cụ.

- Giáo viên mô tả tư thế trình diễn nhạc cụ.

- Giáo viên giới thiệu vai trò của nhạc cụ, ví dụ hay biểu diễn ở dàn nhạc nào, thường đảm nhận vai trò độc tấu hay hoà tấu…



Bước 2: Nghe âm sắc

- Giáo viên dùng ngôn ngữ để mô tả về âm sắc của nhạc cụ.

- Giáo viên cho học sinh nghe âm sắc của nhạc cụ (nghe qua nhạc cụ thật, qua âm sắc đàn phím điện tử hoặc qua băng đĩa nhạc).

Giáo viên có thể kết hợp với nội dung trong các câu chuyện, bài thơ hoặc bài hát để nói về âm sắc các nhạc cụ. Ví dụ tiếng đàn được mô tả trong câu chuyện Thạch Sanh:

Đàn kêu tích tịch tình tang

Ai mang công chúa dưới hang lên trần.

Tiếng đàn trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:

Trong như tiếng hạc bay qua

Đục như nước suối mới sa nửa vời.

Tiếng khoan như gió thoảng ngoài

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.

            Bài hát Cộc cách tùng cheng (Phan Trần Bảng) đã mô tả âm sắc của sênh, thanh la, mõ, trống:



Sênh kêu nghe tiếng vui nhất cách cách cách cách cách cách.

Thanh la kêu tiếng rất vang cheng cheng cheng cheng cheng cheng.

Mõ kêu nghe sao đĩnh đạc cộc cộc cộc cộc cộc cộc.

Trống kêu rộn rã tưng bừng tùng tùng tùng tùng tùng tùng.

Bài Một mùa xuân nhỏ nhỏ (Trần Hoàn) để nhắc đến sênh tiền:



Nước non ngàn dặm tình, nước non ngàn dặm mình, đất Huế nhịp phách tiền.

Bước 3: Củng cố

Có thể chọn một trong các cách sau.

- Giáo viên yêu cầu học sinh giới thiệu từng nhạc cụ theo tranh ảnh.

- Tổ chức trò chơi, ví dụ học sinh nghe âm sắc rồi đoán tên nhạc cụ hoặc giáo viên mở băng đĩa âm sắc nhạc cụ nào, học sinh thể hiện tư thế trình diễn nhạc cụ đó.

- Nghe hoặc xem dàn nhạc biểu diễn có sự tham gia của nhạc cụ.

            Ngoài cách dạy trên, giáo viên có thể dạy kết hợp giữa bước 1 với bước 2. Theo cách này, giáo viên sẽ giới thiệu riêng từng loại nhạc nhạc cụ: tên, hình dáng, đặc điểm, tư thế biểu diễn rồi cho học sinh nghe âm sắc. Giới thiệu xong nhạc cụ này mới chuyển sang nhạc cụ khác.

            Để phát huy tính tích cực, năng lực tự học và khả năng làm việc theo nhóm, giáo viên có thể chia lớp thành một vài nhóm, giao cho mỗi nhóm giới thiệu một loại nhạc cụ. Tuy nhiên, cần hướng dẫn và tổ chức thật chặt chẽ mới đảm bảo về thời gian và hiệu quả. Ví dụ cách tổ chức cho học sinh lớp 8 giới thiệu về các nhạc cụ là cồng, chiêng, đàn t’rưng và đàn đá.

            Nhóm 1 giới thiệu về cồng, chiêng, nếu có nhạc cụ thật thì rất tốt, nếu không thì học sinh phải chuẩn bị tranh ảnh. Trong khoảng 4-5 phút các em cần giới thiệu được về chất liệu của cồng, chiêng, kích thước, cách sử dụng, vai trò, sau đó cho mọi người nghe âm thanh của cồng, chiêng.

            Tương tự như vậy, nhóm 2 sẽ giới thiệu về đàn t’rưng và nhóm 3 giới thiệu về đàn đá. Giáo viên đánh giá về kết quả công việc của từng nhóm rồi bổ sung thông tin cần thiết cho bài học thêm sinh động.

            Ví dụ cách giới thiệu nhạc cụ dân tộc (đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tranh) ở lớp 3.



Thời

gian


Nội dung, hoạt động của giáo viên và học sinh

2’

Giáo viên cho học sinh xem đoạn video hòa tấu nhạc cụ dân tộc, rồi hỏi các em về tên bản nhạc, tên các loại nhạc cụ tham gia trình diễn.

1’

Giáo viên giới thiệu nội dung bài học: tìm hiểu về đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tranh. Sau đó giới thiệu vắn tắt về 3 cây đàn đã chuẩn bị trước.

1’

GV giao cho mỗi tổ giới thiệu về 1 trong 3 nhạc cụ. Sau đó giao nhạc cụ cho từng tổ, kèm theo bảng phụ để học sinh giới thiệu về: hình dáng, cấu tạo sơ lược, âm sắc và tư thế biểu diễn.

2’

Trước khi các tổ thực hiện nhiệm vụ, giáo viên cho học sinh xem video có phần trình diễn của từng nhạc cụ, để các em biết về âm sắc và tư thế biểu diễn.

2’

Học sinh làm việc theo nhóm, viết vào bảng phụ những thông tin đã biết.

2’

Lần lượt từng nhóm lên trước lớp giới thiệu về một loại nhạc cụ, giáo viên bổ sung thêm thông tin hoặc nhận xét.

2’

Giáo viên tổ chức trò chơi, học sinh nghe âm sắc rồi đoán tên nhạc cụ.

2’

Học sinh xem lại đoạn video hòa tấu nhạc cụ dân tộc lần nữa.


6. Phương pháp dạy kể chuyện âm nhạc

Kể chuyện âm nhạc là nội dung chỉ có ở Tiểu học, học sinh Tiểu học rất thích nghe kể chuyện và tham gia các trò chơi. Học Âm nhạc ở Tiểu học, mỗi năm các em được nghe 1-2 câu chuyện, đó là những câu chuyện âm nhạc của Việt Nam và các nước.

Kể chuyện âm nhạc nhằm bổ sung cho học sinh sự hiểu biết và cảm xúc âm nhạc, giúp các em nhận thức được vai trò của âm nhạc trong cuộc sống. Học sinh nghe và có thể kể lại nội dung tóm tắt của câu chuyện. Kể chuyện còn phát triển tư duy, trí tưởng tượng, bồi dưỡng tình cảm, đạo đức cho học sinh, dạy các em cách chăm chú lắng nghe mà không ngắt lời người khác.

Thời lượng thực hiện nội dung kể chuyện âm nhạc khoảng 15 phút. Phương pháp kể chuyện âm nhạc cũng giống như kể chuyện ở môn Tiếng Việt, chỉ khác ở chỗ học sinh được nghe nhạc, nhằm minh họa cho câu chuyện và phát triển thẩm mĩ âm nhạc.

Giáo viên có thể tiến hành kể chuyện theo các bước sau:

Bước 1: Giới thiệu về câu chuyện

Giáo viên giới thiệu tên, xuất xứ hoặc khái quát về câu chuyện, có thể đưa ra các bức tranh trước khi bắt đầu câu chuyện, nhằm kích thích trí tưởng tượng của học sinh. Ví dụ với câu chuyện Cá heo với âm nhạc, giáo viên hỏi: Hãy xem các bức tranh này, theo em, nội dung câu chuyện nói về điều gì?



Tranh 1

Đàn cá heo gặp nguy hiểm



 
Câu hỏi: Đàn cá đang có biểu hiện gì?

 Tranh 2

Tàu phá băng đến cứu



  Câu hỏi: Con tàu có liên hệ gì với đàn cá?

Tranh 3

Đàn cá bơi theo con tàu



  Câu hỏi: Vì sao đàn cá đi theo con tàu?

Nếu không có tranh, giáo viên cũng có thể đặt một vài câu hỏi trước khi kể chuyện, như: Theo các em, câu chuyện này nói về điều gì? Em nghĩ điều gì sẽ xảy ra trong câu chuyện? Trong truyện có nhân vật nào? Em nghĩ nhân vật đó như thế nào, sẽ làm gì?...



Bước 2: Giáo viên kể chuyện

            Đây là bước quan trọng nhất khi dạy nội dung này, những điều giáo viên cần lưu ý là:

- Nắm vững nội dung câu chuyện.

- Ngôn ngữ rõ ràng, dễ hiểu, có cảm xúc.

- Biết thêm bớt tình tiết để câu chuyện trở nên sinh động, tự nhiên và hấp dẫn hơn.

- Biết sử dụng ánh mắt và cử chỉ để diễn đạt câu chuyện.

Để hấp dẫn học sinh và giúp các em có thể kể lại câu chuyện đã nghe, giáo viên nên chuẩn bị một vài bức tranh minh họa cho nội dung từng đoạn của câu chuyện. Giáo viên treo tranh lên bảng theo thứ tự, rồi dựa vào đó để kể chuyện. Học sinh theo dõi để ghi nhớ nội dung câu chuyện. Một số lưu ý về vẽ tranh minh hoạ: một câu chuyện dùng khoảng 4-5 bức là thích hợp; mỗi bức cần thể hiện được nội dung của từng đoạn; nên vẽ trên cùng khổ giấy, cùng chiều giấy, cùng màu sắc và cách vẽ.

Nếu không có tranh, giáo viên có thể kể chuyện rồi phát huy trí tưởng tượng của học sinh bằng cách yêu cầu các em vẽ một bức tranh minh họa (đơn giản) cho nội dung từng đoạn trong chuyện.

Khi đang kể chuyện, giáo viên có thể tạm dừng lại và đặt một vài câu hỏi, như: Theo các em, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Chuyện gì đang xảy ra trong bức tranh này? Tại sao nhân vật đó lại hành động như vậy? Nếu có điều kiện, có thể tổ chức cho các nhóm đoán xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Bước 3: Củng cố

Cách thứ nhất, giáo viên đặt một vài câu hỏi, học sinh trả lời để khắc sâu nội dung câu chuyện. Ví dụ:

- Câu chuyện có thật hay tưởng tượng?

- Câu chuyện xảy ra ở đâu?

- Câu chuyện có những ai? Tại sao nhân vật lại hành động như vậy?

- Điều gì xảy ra ở phần đầu câu chuyện? Điều gì xảy ra tiếp theo? Điều gì xảy ra ở cuối câu chuyện?

- Em yêu thích nhân vật nào, không thích nhân vật nào?

- Tên câu chuyện là gì?

- Vai trò của âm nhạc trong câu chuyện?

- Cảm nhận của em về câu chuyện?

Cách thứ hai, giáo viên đưa ra các chi tiết, yêu cầu học sinh sắp xếp chúng theo trình tự câu chuyện. Ví dụ: Hãy sắp xếp các chi tiết sau theo trình tự câu chuyện Khúc nhạc dưới trăng.

- Beethoven chơi đàn trong tâm trạng xúc động.

- Beethoven sáng tác bản Sonata Ánh trăng.

- Beethoven nghe tiếng nhạc.

- Beethoven mời cha con người thợ giầy đi xem.

- Beethoven nhận ra cô gái bị mù.

- Beethoven gõ cửa và được mời vào nhà.

- Cha con người thợ giầy nhận ra Beethoven.

- Beethoven đi dạo trong đêm.

- Câu chuyện của cha con người thợ.

            Đáp án đúng sẽ là:

- Beethoven chơi đàn trong tâm trạng xúc động (6)

- Beethoven sáng tác bản Sô-nát Ánh trăng (9)

- Beethoven nghe tiếng nhạc (2)

- Beethoven mời cha con người thợ giầy đi xem (8)

- Beethoven nhận ra cô gái bị mù (5)

- Beethoven gõ cửa và được mời vào nhà (4)

- Cha con người thợ giầy nhận ra Beethoven (7)

- Beethoven đi dạo trong đêm (1)

- Câu chuyện của cha con người thợ (3)



Bước 4: Học sinh tập kể chuyện

            Học sinh có thể đứng tại chỗ hoặc lên trước lớp, dựa vào tranh minh hoạ, kể từng đoạn (phần đầu, phần giữa, phần cuối) hoặc toàn bộ câu chuyện, các em cũng có thể dựa vào những chi tiết đã sắp xếp theo thứ tự để tập kể chuyện.

            Ngoài ra, tổ chức cho học sinh đóng kịch cũng là một cách dạy học sáng tạo. Giáo viên hoặc một em làm người dẫn truyện, còn phần đối thoại sẽ do các em khác thực hiện.

Bước 5: Giáo dục thái độ

- Dạy học sinh chăm chú lắng nghe mà không làm việc riêng, không ngắt lời người khác.

- Giáo viên nêu vai trò của âm nhạc trong câu chuyện.

- Liên hệ với thực tế để động viên học sinh cố gắng học âm nhạc.



Bước 6: Nghe nhạc

- Giáo viên giới thiệu một bản nhạc minh họa cho câu chuyện.

- Cho học sinh nghe đoạn trích.

Lưu ý giáo viên về sự khác nhau giữa kể chuyện ở lớp 1, 2, 3 và lớp 4, 5.

           Nguyên nhân tạo nên sự khác biệt bởi vì ở lớp 1, 2, 3 chưa có sách giáo khoa nên học sinh chưa biết gì về câu chuyện sẽ nghe, trong khi ở lớp 4, 5 đã có sách và hầu như các em đều đã đọc và biết trước về câu chuyện đó. Vì vậy với lớp 1, 2, 3, giáo viên hoàn toàn có thể đọc diễn cảm câu chuyện trong sách giáo khoa cho học sinh nghe, nhưng ở lớp 4, 5, giáo viên cần nắm vững câu chuyện và kể lại sao cho sáng tạo, không nhất thiết phải truyền đạt đúng từng từ, mà giáo viên phải trở thành tác giả của câu chuyện, như thế mới tạo được sự hấp dẫn, thu hút được hứng thú của học sinh.

Với học sinh lớp 1, 2, 3, giáo viên có thể giới thiệu một vài bức tranh rồi đặt câu hỏi gợi trí tưởng tượng của các em trước khi kể. Hoạt động này tạo cho học sinh cảm giác thân thiện và tò mò. Khi kể hết một đoạn, giáo viên có thể vận dụng một số biện pháp để kích thích trí tưởng tượng và khả năng phán đoán của học sinh. Biện pháp thứ nhất là đặt câu hỏi: theo các em, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Biện pháp thứ hai, giáo viên tổ chức cho các nhóm học sinh thảo luận điều gì sẽ xảy ra. Biện pháp thứ ba, giáo viên đưa ra một số kiểu kết thúc câu chuyện, học sinh sẽ lựa chọn một kiểu kết thúc phù hợp.

            Nếu giáo viên thấy kỹ năng kể chuyện của mình chưa tốt, có thể chỉ định học sinh đọc từng đoạn trong câu chuyện hoặc mời các em xung phong kể câu chuyện đó.

Trên đây là các phương pháp, kỹ thuật gợi ý trong giảng dạy Âm nhạc Tiểu học và THCS được biên tập từ các tài liệu hướng dẫn giảng dạy, các Hội thảo tập huấn về phương pháp dạy học Âm nhạc phổ thông. Việc vận dụng cần linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của đơn vị, khả năng của học sinh để áp dụng hiệu quả, bảo đảm mục tiêu của chương trình giáo dục Âm nhạc phổ thông.



----------------------------------------


Каталог: imgs -> Thu muc he thong -> Nam 2016 -> Thang 01
Thang 01 -> TRƯỜng mầm non vinh phú khối mẫu giáo nhỡ
Nam 2016 -> Ma trậN ĐỀ kiểm tra 1 tiết bài số 4 NĂm họC 2015-2016 Môn : hoá HỌc lớP 11 ban cơ BẢn thời gian: 45 phút Phạm VI kiểm tra
Nam 2016 -> GIÁo dục chủ ĐỀ tháng 4 “ Hòa bình và hữu nghị ” VÀ Ý nghĩa các ngày lễ Ôn chưƠng trình 5 RÈn luyện nhi đỒNG
Thang 01 -> TUẦN 19 (Từ ngày11/01/2016 đến 15/01/2016) Tiết 19 Học hát: Bài Bầu trời xanh
Thang 01 -> KẾ hoạch sử DỤng thiết bị dạy học môn tiếng Anh LỚP 9- học kỳ 2 – NĂm họC 2015-2016
Nam 2016 -> Ubnd thị XÃ HƯƠng trà phòng giáo dục và ĐÀo tạO
Thang 01 -> Lớp 1 Tiết 20 Ôn tập bài hát: Bầu trời xanh
Thang 01 -> Thứ hai ngày 11 tháng 1 năm 2016 ĐẠO ĐỨc bài 9: LỄ phép vâng lời thầy giáO, CÔ giáO (t2) A. Mục tiêu

tải về 1.07 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương