Phương án đặt tên đường tại thành phố Hội An



tải về 76.86 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích76.86 Kb.
#25741
Phương án đặt tên đường tại thành phố Hội An

+ Tổng số: 25 tên đường, trong đó:

- Danh nhân ngoài tỉnh Quảng Nam: Có 17 tên, chiếm tỷ lệ 68%.

- Danh nhân Quảng Nam: Có 08 tên, chiếm tỷ lệ 32 %.


* Đường số 01:

Đường khu dân cư phường Cẩm Phô, có điểm đầu là ngã ba Hùng Vương - Trần Hưng Đạo; điểm cuối là đường Nguyễn Phúc Tần; chiều dài 450m; mặt đường rộng 17.5m; đường bê tông nhựa, lề bê tông.

- Hạ tầng kỹ thuật: Hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng.

- Đề nghị đặt tên đường: Cao Hồng Lãnh

* Cao Hồng Lãnh (Phan Thêm) (1906 - 2008), tên thật là Phan Hải Thâm, bí danh Cao Hồng Lãnh, sinh năm 1906 tại làng Minh Hương, nay là phường Minh Hương, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Tháng 10 năm 1927, ông tham gia thành lập Chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Hội An và trực tiếp làm Bí thư. Năm 1928 ông sang Quảng Châu (Trung Quốc) để dự lớp huấn luyện chính trị. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (năm 1930), ông được cử về nước hoạt động, với bí danh Cao Hồng Lãnh.

Từ năm 1934 - 1941, ông tham gia hoạt động cách mạng tại nước ngoài. Năm 1941, ông tháp tùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Pắc Bó (Cao Bằng). Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ông được cử vào Nam Bộ làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, rồi Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Nam... Năm 1957, ông làm Vụ trưởng Vụ Lãnh sự, rồi Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng. Ông được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương cao quý khác.


* Đường số 02:

Đường khu dân cư phường Cẩm Phô, có điểm đầu là Quảng trường Sông Hoài; điểm cuối là đường 18 tháng 8; chiều dài 480m; mặt đường rộng 17.5m; đường bê tông nhựa, lề bê tông.

- Hạ tầng kỹ thuật: Hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng.

- Đề nghị đặt tên đường: Đào Duy Từ

* Đào Duy Từ (1572 - 1634): Danh tướng thời Chúa Nguyễn, sinh năm 1572 tại làng Hoa Trai, nay thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Ông là người thông kinh sử, giỏi thiên văn và thuật số, nhưng do xuất thân con nhà hát xướng nên ông không được đi thi. Ông vào Nam, được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trọng dụng phong là Nội tán, trông coi việc quân cơ, giúp Chúa Nguyễn phát triển về chính trị, kinh tế, quân sự ở Đàng. Năm 1630 và 1631, ông là người thiết kế và được giao chỉ huy đắp lũy Trường Dục và Nhật Lệ (còn gọi là lũy Thầy) ở Quảng Bình, đây là hai công trình quân sự được các nhà nghiên cứu kiến trúc quân sự đánh giá cao. Về nghệ thuật, khi vào Đàng Trong, Đào Duy Từ rất quan tâm phát triển nghệ thuật Tuồng. Ông được tôn vinh là tổ của nghệ thuật Tuồng ở miền Nam. Ông mất năm 1634.
* Đường số 03:

Đường khu dân cư phường Cẩm Phô, có điểm đầu là đầu cầu phía Nam kênh sông Hoài; điểm cuối là cửa kênh (giáp sông Thu Bồn); chiều dài 460m; mặt đường rộng 11.5m; đường bê tông nhựa, lề bê tông.

- Hạ tầng kỹ thuật: Hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng.

- Đề nghị đặt tên đường: Thoại Ngọc Hầu.

* Thoại Ngọc Hầu (1761 - 1829): Danh tướng triều Nguyễn, tên thật là Nguyễn Văn Thoại, quê ở làng An Hải, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Ông là bậc khai quốc công thần của triều Nguyễn. Năm 1802, khi nhà Nguyễn được thành lập, ông được giao nhiều trọng trách, như: Trấn thủ Bắc Thành, Lạng Sơn, Định Tường; Thống quản bảo hộ Cao Miên. Ông còn có nhiều công lao trong việc ổn định và phát triển vùng đất Nam Bộ, quan tâm đến việc phát triển kinh tế nông nghiệp, chăm lo đời sống của nông dân; cho đào kênh Long Xuyên (kênh Thoại Hầu) và kênh Vĩnh Tế. Đây là những công trình thủy lợi lớn, tạo thuận lợi cho giao thông vận tải đường sông, đồng thời cung cấp nước tưới cho một vùng rộng lớn ở Hà Tiên, Rạch Giá.
* Đường số 04:

Đường khu dân cư phường Cẩm Phô, có điểm đầu là kênh Chùa Cầu; điểm cuối là ngã ba Hùng Vương- Trần Hưng Đạo; chiều dài 300m; mặt đường rộng 11.5m; đường bê tông nhựa, lề bê tông.

- Hạ tầng kỹ thuật: Hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng.

- Đề nghị đặt tên đường: Công Nữ Ngọc Hoa

Công Nữ Ngọc Hoa là con gái của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Năm 1619, Bà được gả cho một thương nhân Nhật Bản là Araki Sotaro, tên Việt là Nguyễn Thái Lang, hiệu là Hiển Hùng - người đứng đầu các doanh nhân sang làm ăn buôn bán nhiều năm tại Hội An và cũng là nhà hàng hải kiệt xuất thuộc dòng dõi samurai. Năm 1620, bà theo chồng về Nhật, lấy tên là Wakaku. Thời gian sinh sống ở Nhật trong 26 năm, bà được người Nhật ở Nagasaki quí mến. Bà qua đời tại đây năm 1645, mộ được chôn cạnh mộ chồng ở ngôi chùa Daionji tại Nagasaki. Hiện nay Viện Bảo tàng Nghệ thuật Nagasaki còn lưu trữ chiếc gương soi của bà.

Bà Công Nữ Ngọc Hoa là người Việt  Nam đầu tiên ở Nhật Bản, được coi là người đầu tiên kết nối sự bang giao hữu nghị Việt - Nhật. Hằng năm, từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 10, trong lễ hội Okunchi ở Nagasaki có một màn đám rước do hai em bé đóng vai vợ chồng Công Nữ Ngọc Hoa đứng trên mũi một chiếc thuyền buôn (Okunchi là một lễ lớn, là niềm tự hào của Nagasaki).  


* Đường số 05:

Đường khu dân cư phường Tân An, có điểm đầu đường Tôn Đức Thắng; điểm cuối là đường Hải Thượng Lãn Ông. Đường đi qua chùa Chúc Thánh, một ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Hội An; chiều dài 500m; mặt đường rộng 13.5m; đường bê tông nhựa, lề bê tông.

- Hạ tầng kỹ thuật: Hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng.

- Đề nghị đặt tên đường: Thích Quảng Đức

* Thích Quảng Đức, tên thật là Lâm Văn Tuất (1897 - 1963); quê ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ông xuất gia đi tu từ năm lên 7 tuổi, khi trưởng thành ông được cử giữ chức Kiểm Tăng tại Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa. Năm 1948, ông vào Nam, hành đạo ở các tỉnh Sài Gòn, Gia Định, Định Tường, Tây Ninh, Bà Rịa, Hà Tiên. Năm 1953, ông được cử làm Phó Trị sự và Trưởng ban Nghi lễ Giáo hội Tăng già Nam Việt, trụ trì chùa Phước Hòa, trụ sở đầu tiên của Hội Phật học Nam Việt. Năm 1963, để phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ và sự áp bức của chế độ Ngô Đình Diệm, ông đã tự thiêu ngay trên đường phố Sài Gòn, tạo nên phong trào chống chính quyền Diệm trên khắp miền Nam và thế giới. Hành động tự thiêu của Hoà thượng Thích Quảng Đức được coi là một bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng chính trị ở miền Nam, dẫn tới việc sụp đổ của chế độ tay sai Ngô Đình Diệm. Ông là một trong những biểu tượng yêu nước, yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và tay sai ở miền Nam.
* Đường số 06:

Đường khu dân cư phường Cẩm Châu, có điểm đầu là đường Lê Đình Thám; điểm cuối là đường Hải Thượng Lãn Ông; chiều dài 150m; mặt đường rộng 12m; đường bê tông nhựa, lề bê tông.

- Hạ tầng kỹ thuật: Hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng.

- Đề nghị đặt tên đường: Đặng Văn Ngữ

* Đặng Văn Ngữ (1910 - 1967): Giáo sư, bác sĩ, Anh hùng Lao động; quê ở làng An Cựu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1930, đỗ tú tài; năm 1937, tốt nghiệp bác sĩ Trường Y Hà Nội. Từ năm 1943 - 1948, du học nghiên cứu ở nhiều Viện và trường đại học tại Nhật Bản. Tháng 9/1949, ông liên lạc với tổ chức kháng chiến và tìm đường về nước, làm giảng viên môn vi trùng tại Đại học Y dược Việt Bắc, xây dựng ngành kháng sinh Việt Nam phục vụ quân đội. Từ 1954 - 1964, ông làm giáo sư Trường đại học Y Hà Nội kiêm Viện trưởng Viện sốt rét. Năm 1966, ông vào chiến trường miền Nam để nghiên cứu, sản xuất thuốc sốt rét phục vụ cán bộ, chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông hy sinh tại chiến trường miền Nam năm 1967. Với thành tích đóng góp cho nghiên cứu khoa học, ông được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh về Y học năm 1996.
* Đường số 07:

Đường khu dân cư phường Cẩm Châu, có điểm đầu là đường Đặng Văn Ngữ; điểm cuối là đường Phan Đình Phùng; chiều dài 120m; mặt đường rộng 12.0m; đường bê tông nhựa, lề bê tông.

- Hạ tầng kỹ thuật: Hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng.

- Đề nghị đặt tên đường: Tôn Thất Tùng

* Tôn Thất Tùng (1912 - 1982): Giáo sư, bác sĩ y khoa, Anh hùng lao động; quê gốc ở Thừa Thiên - Huế, sinh tại Thanh Hóa. Năm 1931, ông học trường Bưởi, sau đó học trường Y (Hà Nội). Tốt nghiệp bác sĩ, ông là người Việt duy nhất được làm việc tại khoa Ngoại trường Đại học Y và ở Viện Paster. Năm 1939, ông được trường Đại học Paris tặng giải thưởng về luận án mổ gan và thực hiện ca mổ gan thành công tại Pháp. Tháng 8/1945, ông tham gia cướp chính quyền tại bệnh viện Phủ Doãn, sau đó vào Bắc Bộ phủ chữa bệnh cho cán bộ cao cấp và Bác Hồ. Năm 1948, ông về Thanh Hóa xây dựng trường Đại học Y kháng chiến, làm Thứ trưởng Bộ Y tế; cùng với giáo sư Đặng Văn Ngữ sản xuất thành công kháng sinh. Tháng 3/1954, ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau năm 1954, ông về Hà Nội làm Giám đốc bệnh viện Phủ Doãn kiêm Thứ trưởng Bộ Y tế đến năm 1962. Ông là người có nhiều đóng góp cho ngành y học Việt Nam; nổi tiếng thế giới về giải phẫu gan, được giới Y học quốc tế đánh giá cao; ông còn là nhà sư phạm, đã đào tạo ra nhiều thế hệ y bác sĩ. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Y học năm 1996.
* Đường số 08:

Đường khu dân cư phường Cẩm Châu và Sơn Phong, có điểm đầu là cầu Cẩm Nam (bờ Bắc sông Hội An); điểm cuối là bến đò ông Thỏa; chiều dài 1600m; mặt đường rộng 7.0m; đường bê tông nhựa.

- Hạ tầng kỹ thuật: Điện chiếu sáng.

- Đề nghị đặt tên đường: Huyền Trân Công Chúa

* Huyền Trân Công Chúa (1287 - 1340): Công chúa triều Trần. Bà là con gái của vua Trần Nhân Tông và em gái vua Trần Anh Tông. Năm 1306, Huyền Trân được gả cho vua Chiêm Thành là Chế Mân để vua Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý (vùng đất từ nam Quảng Trị đến bắc Quảng Nam ngày nay) làm sính lễ. Năm 1307, Chế Mân chết, bà trở về Đại Việt và xuất gia tu hành ở chùa Nộn Sơn (nay thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).
* Đường số 09:

Đường khu dân cư phường Cẩm Châu và Tân An, có điểm đầu là đường Phan Đình Phùng; điểm cuối là đường Hai Bà Trưng; chiều dài 250m; mặt đường rộng 12m; đường bê tông nhựa, lề bê tông.

- Hạ tầng kỹ thuật: Hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng.

- Đề nghị đặt tên đường: Lê Đình Thám

* Lê Đình Thám (1897 - 1969): Bác sĩ, nhà hoạt động vì hoà bình; quê ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, ông tham gia kháng chiến chống Pháp tại Quảng Nam, được giao nhiều trọng trách: Giám đốc Sở Thương binh khu V; Chủ tịch Hội Liên Việt khu V; Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung Bộ từ năm 1947 - 1949... Năm 1950, ông ra Việt Bắc làm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam. Sau năm 1954, ông về Hà Nội vừa tiếp tục làm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam kiêm Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới, Phó Hội trưởng Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam.
* Đường số 10:

Đường khu dân cư phường Cẩm Châu, có điểm đầu là đường Cửa Đại; điểm cuối là đường Đỗ Đăng Tuyển; chiều dài 215m; mặt đường rộng 10.5m; đường bê tông nhựa, lề bê tông.

- Hạ tầng kỹ thuật: Điện chiếu sáng.

- Đề nghị đặt tên đường: Trần Bình Trọng

* Trần Bình Trọng (1259 - 1285): Danh tướng đời Trần; quê ở làng Bảo Thái, nay thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông lần thứ hai (năm 1285), ông lãnh nhiệm vụ ở lại phủ Thiên Trường (Nam Định) ngăn chặn quân Thoát Hoan nhưng chẳng may bị giặc bắt. Khi giặc dụ dỗ đầu hàng, ông đã khảng khái: "Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc".
* Đường số 11:

Đường khu dân cư phường Cẩm An, có điểm đầu là ngã ba giáp với đường Lạc Long Quân (phía Điện Bàn vào Hội An); điểm cuối giáp nhà ông Lê Thanh Sang (Tổ 2, Khối Tân Thành, Cẩm An) ; chiều dài 2000m; rộng 10.5m; đường bê tông nhựa.

- Hạ tầng kỹ thuật: Điện chiếu sáng.

- Đề nghị đặt tên đường: Nguyễn Phan Vinh.

* Nguyễn Phan Vinh (1933 - 1968): Liệt sĩ, được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1970; quê ở xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông chỉ huy tàu 235 vượt đường Hồ Chí Minh trên biển với nhiệm vụ chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Năm 1968, tàu 235 do ông chỉ huy vào đến Vũng Rô (Phú Yên) thì địch phát hiện bao vây. Ông đã cùng đồng đội chiến đấu đến cùng và anh dũng hy sinh trên vùng biển Hòn Hèo (Phú Yên). Ngày nay, tại quần đảo Trường Sa có một hòn đảo mang tên Phan Vinh.
* Đường số 12:

Đường khu dân cư phường Thanh Hà, có điểm đầu là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh; điểm cuối là Kênh tiêu úng khối 8; chiều dài 380m; mặt đường rộng 13.5m; đường bê tông nhựa.

- Hạ tầng kỹ thuật: Điện chiếu sáng.

- Đề nghị đặt tên đường: Nguyễn Phong Sắc.

* Nguyễn Phong Sắc (1902 - 1931): Lãnh tụ của Đảng; tên thật là Nguyễn Văn Sắc, quê ở làng Bạch Mai, nay thuộc thành phố Hà Nội. Ông tham gia cách mạng từ năm 1927 trong tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội và là một trong những Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, phụ trách khu vực Trung Kỳ; là người lãnh đạo cao trào cách mạng những năm 1930 - 1931 tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đầu tháng 5 năm 1931, Nguyễn Phong Sắc bị bắt tại Hà Nội và bị thực dân Pháp kết án tử hình.
* Đường số 13:

Đường khu dân cư phường Thanh Hà, có điểm đầu là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh; điểm cuối là Kênh tiêu úng khối 8; chiều dài 380m; mặt đường rộng 10.5m; đường bê tông nhựa.

- Hạ tầng kỹ thuật: Điện chiếu sáng.

- Đề nghị đặt tên đường: Bế Văn Đàn.

* Bế Văn Đàn (1931 - 1953): Liệt sĩ, được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1955; quê ở xã Quang Vinh, huyện Phục Hoà, tỉnh Cao Bằng. Tháng 12 năm 1953, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ chặn địch ở Mường Pồn. Tại đây, ông đã lấy thân mình làm giá súng cho đồng đội tiêu diệt địch, bảo vệ trận địa và đã anh dũng hy sinh. Tấm gương chiến đấu dũng cảm của Bế Văn Đàn đã cổ vũ cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ hăng hái thi đua giết giặc lập công, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
* Đường số 14:

Đường khu dân cư phường Thanh Hà, có điểm đầu là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh; điểm cuối là Kênh tiêu úng khối 8; chiều dài 320m; mặt đường rộng 10.5m; đường bê tông nhựa.

- Hạ tầng kỹ thuật: Điện chiếu sáng.

- Đề nghị đặt tên đường: Phan Đình Giót.

* Phan Đình Giót (1920 - 1954): Liệt sĩ, được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1955; quê ở làng Tam Quang, nay thuộc huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Trong trận đánh tiêu diệt cứ điểm Him Lam - mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử (ngày 13/3/1954), ông đã anh dũng hy sinh khi lấy thân mình lấp lỗ châu mai đồn địch, góp phần quan trọng tạo nên thắng lợi của trận đánh then chốt và quyết định trong lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ.
* Đường số 15:

Đường khu dân cư phường Thanh Hà, có điểm đầu là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh; điểm cuối là Kênh tiêu úng khối 8; chiều dài 320m; mặt đường rộng 10.5m; đường bê tông nhựa.

- Hạ tầng kỹ thuật: Điện chiếu sáng.

- Đề nghị đặt tên đường: Tô Vĩnh Diện.

* Tô Vĩnh Diện: Liệt sĩ, được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1955; quê ở xã Nông Trường, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông làm khẩu đội trưởng đơn vị pháo phòng không thuộc đại đội 827, tiểu đoàn 394, trung đoàn 367. Trên đường kéo pháo ra, do đêm tối, dốc cao, dây kéo bị đứt, khẩu pháo lao quá nhanh, ông đã lấy thân mình chèn bánh xe, chặn khẩu pháo không rơi xuống vực và đã anh dũng hy sinh.
* Đường số 16:

Đường khu dân cư phường Thanh Hà, có điểm đầu là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh; điểm cuối là Kênh tiêu úng khối 8; chiều dài 320m; mặt đường rộng 13.5m; đường bê tông nhựa.

- Hạ tầng kỹ thuật: Điện chiếu sáng.

- Đề nghị đặt tên đường: Cù Chính Lan.

* Cù Chính Lan (1930 - 1951): Liệt sĩ, được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1955; quê ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Trong chiến dịch Hòa Bình, tháng 12 năm 1951, ông đã dũng cảm chiến đấu, tiêu diệt nhiều lực lượng địch. Đặc biệt, trong trận Giang Mỗ lần thứ 2 (ngày 13 tháng 12 năm 1951), khi địch lọt vào trận địa, ông đã dũng cảm nhảy lên xe tăng, ném lựu đạn tiêu diệt xe tăng địch. Tấm gương của Cù Chính Lan đã cổ vũ toàn quân thi đua diệt xe tăng và xe cơ giới địch. Ngày 29 tháng 12 năm 1951, Cù Chính Lan đã anh dũng hy sinh khi tham gia đánh đồn Cô Tô.
* Đường số 17:

Đường khu dân cư phường Thanh Hà, có điểm đầu là Nhà Văn hóa khối Trảng Sỏi; điểm cuối là điểm A đường quy hoạch chạy giữa Cù Chính Lan và Tô Vĩnh Diện; chiều dài 390m; mặt đường rộng 10.5m; đường bê tông nhựa.

- Hạ tầng kỹ thuật: Điện chiếu sáng.

- Đề nghị đặt tên đường: Bùi Chát.

* Bùi Chát (1925 - 1966): Liệt sĩ, được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1955, anh hùng đầu tiên của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; quê ở phường Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ông tham gia cách mạng từ năm 1945, trong lực lượng tự vệ của địa phương, sau đó được điều về bộ đội thị xã. Tháng 11/1951, ông về đại đội 68 Quảng Nam - Đà Nẵng, làm đội trưởng công binh chuyên đánh địch trên đèo Hải Vân trong các năm 1952 - 1954. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc. Năm 1966, ông trở về chiến đấu và hy sinh tại chiến trường miền Nam.
* Đường số 18:

Đường khu dân cư phường Thanh Hà, có điểm đầu là đường Hùng Vương; điểm cuối là đường Nguyễn Du; chiều dài 360m; rộng 6.5m; đường bê tông nhựa.

- Hạ tầng kỹ thuật: Điện chiếu sáng.

- Đề nghị đặt tên đường: Nguyễn Nghiễm.

* Nguyễn Nghiễm (1708 - 1776): Danh thần thời Lê, tước Xuân Quận Công; quê ở tại làng Tiên Điền, nay thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông đỗ Hoàng giáp năm 1724, làm quan đến chức Thượng thư bộ Hộ, rồi Tể tướng dưới thời Lê - Trịnh. Ông là người tổ chức hệ thống dịch trạm ở Bắc Hà, từ Kinh Bắc vào Nghệ An và lên tận Lạng Sơn. Nguyễn Nghiễm là vị quan chính trực, đồng thời là nhà sử học nổi tiếng uyên bác khi giữ chức Tổng tài quốc sử quán. Ông là thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du. Năm 1772, ông được triệu ra làm Tham tụng, chỉ huy một cánh quân Trịnh trong cuộc nam chinh này. Tháng 3 năm 1775, Nguyễn Nghiễm đưa quân vào Hội An, ông cho bảo vệ để quân lính khỏi tàn phá miếu Quan Thánh và các di tích ở Hội An. Lúc đến miếu Quan Thánh, ông cảm kích để lại hai bài thơ nổi tiếng, đến nay còn lưu giữ tại di tích lịch sử văn hóa này.
* Đường số 19:

Đường khu dân cư phường Thanh Hà, có điểm đầu là đường Duy Tân; điểm cuối là đường Phạm Phán; chiều dài 600m; rộng 5m; đường bê tông nhựa, lề bê tông.

- Hạ tầng kỹ thuật: Điện chiếu sáng.

- Đề nghị đặt tên đường: Nguyễn Khuyến.

* Nguyễn Khuyến (1835 - 1909): Nhà thơ nổi tiếng, tên thật là Nguyễn Văn Thắng, quê ở làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông được gọi là Tam nguyên Yên Đổ do cả ba lần thi Hương, thi Hội và thi Đình đều đỗ đầu. Sau khi đỗ đạt, ông được bổ làm Đốc học rồi thăng Án sát tỉnh Thanh Hoá. Năm 1877, được thăng Bố chính tỉnh Quảng Ngãi, rồi lên đến Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên. Thực dân Pháp xâm lược nước ta, trước cảnh triều đình yếu hèn, năm 1884, ông cáo quan về ở ẩn tại Yên Đổ và mất năm 1909. Nguyễn Khuyến là người có phẩm chất trong sạch, mặc dù ra làm quan nhưng vẫn nổi tiếng thanh liêm, chính trực. Nguyễn Khuyến là nhà thơ lớn của Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX với nhiều tác phẩm thơ văn nổi tiếng, cũng như nhiều tác phẩm nghệ thuật hát Ả đào truyền thống, văn tế và câu đối.
Đường số 20:

Đường khu dân cư phường Cẩm Nam, có điểm đầu là cầu Cẩm Nam; điểm cuối là khu đóng tàu (khối phố Thanh Nam Đông); chiều dài 1200m; rộng 10m; đường bê tông nhựa.

- Hạ tầng kỹ thuật: Hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng.

- Đề nghị đặt tên đường: Nguyễn Tri Phương.

* Nguyễn Tri Phương (1800 - 1873): Đại thần, danh tướng triều Nguyễn; quê ở làng Đường Long, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông làm quan dưới triều Nguyễn, lần lượt giữ các chức: Tổng đốc các tỉnh An Giang, Hà Tiên, Vĩnh Long, Định Tường. Ông là người liêm khiết, có công lớn trong việc khai khẩn đất hoang, lập đồn điền, lập trên 100 làng người Việt ở Nam bộ; ông nhiều lần đánh dẹp quân Chân Lạp, Xiêm La sang cướp phá vùng biên giới phia Nam. Năm 1850, ông được bổ làm Đông các đại học sĩ. Năm 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng xâm lược Đà Nẵng, ông được cử làm Quân thứ đại thần, chỉ huy quân dân chống Pháp ở Đà Nẵng. Năm 1860, ông làm Thống đốc quân vụ, xây dựng đồn Kỳ Hòa, trông coi việc quân sự ở miền Nam. Năm 1862, ông ra Bắc làm Tổng thống Hải An quân vụ, dẹp được giặc Cờ Đen, Cờ Vàng, chiêu dụ được Lưu Vĩnh Phúc.

Ngày 19/11/1873, thực dân Pháp tấn công thành Hà Nội, con rễ ông là phò mã Nguyễn Lâm hy sinh, ông tiếp tục chỉ huy kháng cự nhưng sau đó bị thương và bị bắt. Ông không chịu để Pháp cứu chữa và tuyệt thực cho đến khi chết.


* Đường số 21:

Đường khu dân cư phường Cẩm Nam, có điểm đầu giáp bờ kè thuộc khối phố Xuyên Trung; điểm cuối giáp đường Nguyễn Tri Phương; chiều dài 1300m; rộng 5.0m; đường bê tông.

- Hạ tầng kỹ thuật: Điện chiếu sáng.

- Đề nghị đặt tên đường: Lương Như Bích.

* Lương Như Bích: quê ở phường Cẩm Nam, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ông tham gia phong trào Nghĩa Hội, do Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị thực dân Pháp bắt và đưa đi đày ở Khánh Hoà. Ông mất trong nhà lao.
* Đường số 22:

Đường khu dân cư phường Cẩm Nam, có điểm đầu là đường Lương Như Bích; điểm cuối là đường Nguyễn Tri Phương; chiều dài 700m; rộng 5.0m; đường bê tông.

- Hạ tầng kỹ thuật: Điện chiếu sáng.

- Đề nghị đặt tên đường: Trần Trung Tri.

* Trần Trung Tri (1830 - 1887): Sỹ phu yêu nước; quê ở phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ông tham gia phong trào Nghĩa hội Quảng Nam và trở thành nhân vật quan trọng của phong trào ở địa bàn Hội An. Năm 1887, ông chỉ huy nghĩa quân tiến vào Hội An; sau đó ông bị bắt và bị thực dân Pháp và tay sai triều Nguyễn xử chém ngày 23/3/1887.
* Đường số 23:

Đường khu dân cư phường Cẩm Nam, có điểm đầu giáp nhà ông Cư; điểm cuối giáp đường Nguyễn Tri Phương (tại trường Tiểu học Trần Quốc Toản); chiều dài 1300m; rộng 5m; đường bê tông.

- Hạ tầng kỹ thuật: Điện chiếu sáng.

- Đề nghị đặt tên đường: Nguyễn Khoa.

* Nguyễn Khoa (1924 - 1958): Liệt sĩ, được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2010; quê ở phường Cẩm Nam, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Từ năm 1945- 1954, ông tham gia Mặt trận Việt Minh và làm Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc phường I (Cẩm Nam ngày nay). Sau năm 1954, ông được phân công ở lại Hội An hoạt động bí mật. Tháng 3 năm 1958, ông bị địch bắt, sau bị đưa về giam tại nhà lao Điện Bàn. Tháng 9 năm 1958, ông đã anh dũng hy sinh trong một chuyến vượt ngục, khi thu hút địch về phía mình để chỡ che cho đồng đội thoát trở về với cách mạng.
* Đường số 24:

Đường khu dân cư phường Cẩm Nam, có điểm đầu là Sân vận động phường; điểm cuối là đường phía Tây khu dân cư; chiều dài 400m; rộng 6.5m; đường bê tông, lề bê tông.

- Hạ tầng kỹ thuật: Điện chiếu sáng.

- Đề nghị đặt tên đường: Nguyễn Trung Trực.

* Nguyễn Trung Trực (1839 - 1868): Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở miền Nam; tên thật là Nguyễn Văn Lịch, xuất thân là nông dân nghèo, nguyên quán ở làng Vĩnh Hội, nay thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, sau này gia đình chuyển vào sinh sống ở vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ (Tân An, Long An). Ông chiêu mộ nghĩa sĩ và làm thủ lĩnh phong trào chống Pháp vào nửa cuối XIX ở Nam Bộ. Tháng 12 năm 1861, ông chỉ huy đốt cháy chiến hạm Espérance của Pháp trên sông Nhật Tảo, được triều đình phong chức Quản cơ. Tháng 6 năm 1868, ông đánh chiếm đồn Kiên Giang, được phong chức rồi thành Thủ úy ở Hà Tiên. Sau đó, thực dân Pháp tấn công ba tỉnh miền Tây, ông phải rút về Hòn Chồng (Kiên Giang). Sau khi Pháp phản công chiếm lại đồn Kiên Giang, ông rút ra đảo Phú Quốc lập căn cứ rồi bị bắt tại đây vào tháng 9 năm 1868.

Ngày 27 tháng 10 năm 1868, ông bị thực dân Pháp hành quyết ở chợ Rạch Giá, để lại câu nói đầy khí phách “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”.


* Đường số 25:

Đường khu dân cư phường Cẩm Nam, có điểm đầu là Sân vận động phường; điểm cuối là đường phía Tây khu dân cư; chiều dài 300m; rộng 6.5m; đường bê tông.

- Hạ tầng kỹ thuật: Điện chiếu sáng.

- Đề nghị đặt tên đường: Lê Trung Đình.



* Lê Trung Đình (1863 - 1885): Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Quảng Ngãi cuối thế kỷ XIX; nguyên quán tại làng Phú Nhơn, nay thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông đỗ Cử nhân năm 1884 nhưng không ra làm quan. Tháng 7/1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông cùng Nguyễn Tự Tần tập hợp lực lượng, phối hợp với Nghĩa hội Quảng Nam đồng loạt khởi nghĩa ở hai tỉnh Nam - Ngãi. Tại Quảng Ngãi, ông chỉ huy đánh chiếm, làm chủ tỉnh thành được hai ngày. Thực dân Pháp và tay sai tấn công phong trào nghĩa hội, ông bị bắt, địch tìm cách dụ dỗ, mua chuộc nhưng ông không chịu khuất phục, chúng hành hình ông vào ngày 23/7/1885 tại Quảng Ngãi, lúc ông 23 tuổi.
Каталог: Uploaded -> file -> hang
hang -> LỜi giới thiệU
hang -> Chỉ thị 20-ct/tw ngày 05 tháng 11 năm 2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới
hang -> TỈnh quảng nam số: 1750 /QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
hang -> TỈnh quảng nam số: 1893/QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
hang -> Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí số 48/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 của Quốc hội khoá 11
hang -> Căn cứ Luật đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005
hang -> Phụ lục 1 danh sách đÀo tạO ĐẠi học ngành quân sự CƠ SỞ NĂM 2013
hang -> TỈnh quảng nam số: 1748 /QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 76.86 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương