PHẦn I: VÀi nét về VĂn nghị luận các loại văn nghị luậN



tải về 0.58 Mb.
trang6/7
Chuyển đổi dữ liệu09.06.2018
Kích0.58 Mb.
#39762
1   2   3   4   5   6   7

III. TƯ LIỆU BỔ SUNG

“Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là cuộc sống đáng quý” (Anh-xtanh)

“Con người trở nên vĩ đại theo mức độ họ làm cho đồng loại hạnh phúc” (Găng-đi)

“Đời người được đo bằng tư tưởng và hành động chứ đâu phải được tính bằng thời gian” (Mô-ri-sơn).

“Đã làm con chim, chiếc lá

Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không trả

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

(Tố Hữu - Một khúc ca)

“Xin tạm biệt đời yêu quý nhất

Còn mấy vần thơ, một nắm tro

Thơ gửi bạn đường, tro bón đất

Sống là cho mà chết cũng là cho”.

(Tố Hữu – Bài thơ vĩnh biệt cuộc đời)

6. “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người.” (Pavel Corsaghin, - nhân vật chính trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga – N.Ostrovsky)

7. Hai biển hồ

“Người ta bảo ở bên Pa-le-xtin có hai biển hồ. Biển hồ thứ nhất gọi là biển Chết. Đúng như tên gọi, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước trong hồ không có một loài cá nào có thể sống nổi. Ai ai cũng đều không muốn sống gần đó. Biển hồ thứ hai là Ga-li-lê. Đây là biển hồ thu hút nhiều khách du lịch nhất. Nước trong biển hồ lúc nào cũng trong xanh mát rượi, người có thể uống được mà cá cũng sống được. Nhà cửa được xây cất rất nhiều ở đây. Vườn cây xung quanh tốt tươi nhờ nguồn nước này.

Nhưng điều kì lạ là cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn nước từ sông Gioóc-đăng. Nước sông Gioóc-đăng chảy vào biển Chết. Biển Chết đón nhận và giữ riêng cho mình mà không chia sẻ nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát. Biển hồ Ga-li-lê cũng đón nhận nguồn nước từ sông Gioóc-đăng rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú, con người.

Một định lý trong cuộc sống mà ai cũng đồng tình : một ánh lửa sẻ chia là một ánh lửa lan tỏa, một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi. Đôi môi có hé mở mới thu nhận được nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới tràn ngập vui sướng. Thật bất hạnh cho ai cả cuộc đời chỉ biết giữ riêng cho mình, “sự sống” trong họ rồi cũng sẽ chết dần chết mòn như nước trong lòng biển Chết” (Theo Quà tặng cuộc sống)



8. Cống hiến và hưởng thụ

Sống ở trên đời, ai mà chẳng muốn hưởng thụ ? Hưởng thụ, đó là ăn ngon, mặc đẹp, là cuộc sống đủ đầy, là nhà lầu xe hơi, là gia thất đề huề, là bạc vàng châu báu... Mỗi một con người sống trên cõi đời này, ai cũng có quyền được mưu cầu hạnh phúc, ai cũng có quyền được hưởng thụ. Nhưng những thứ ấy chẳng bao giờ tự dưng mà có. Muốn có những thứ ấy, con người phải một đời chịu khó, quanh năm chiu chắt, suốt tháng tảo tần, phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt (có khi phải đổ máu) mới giành được! Muốn có những thứ ấy, con người phải lao động. Phải lao động cật lực. Phải lao động hết mình. Phải lao động với một ý thức tổ chức kỷ luật cao, với một tay nghề giỏi giang và thành thạo, phải làm ra thật nhiều của cải vật chất, của cải tinh thần với những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, có giá trị sử dụng tốt nhất và giá thành hạ nhất. Lao động trước hết là để giải quyết vấn đề lớn nhất, vấn đề thường xuyên nhất, lâu dài nhất của đời sống. Đó là vấn đề ăn cho con người. Tục ngữ có câu “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Có làm thì có hưởng. Không làm thì không được hưởng. Nhưng thật buồn khi trên đời này còn có một số người lười nhác chỉ muốn ăn mà không muốn làm, chỉ muốn hưởng thụ mà không muốn cống hiến. Thậm chí có những người tuổi còn trẻ nhưng không chịu học hành, không chịu tu dưỡng rèn luyện, không chịu làm việc gì, chỉ lang thang lông bông đua đòi ăn chơi, chỉ tìm mọi cách để lừa lọc, ăn chặn, ăn cắp (thậm chí là ăn cướp) của người khác. Lại có những người lợi dụng chức quyền, lợi dụng danh nghĩa “người đầy tớ trung thành của nhân dân” để tham ô, tham nhũng, để đục khoét hàng tỉ đồng (thậm chí hàng chục tỉ đồng) công quỹ. Những con người ấy thực chất cũng chỉ là những kẻ ăn chặn, ăn cắp, ăn cướp mà thôi.

Các cụ ta xưa đã có câu “Của ông bà để trên gác, của chú bác để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ”. “Của phù vân” là của do cơ may (hoặc một nguyên nhân không do sức lao động của mình làm ra) mà kiếm được. Cái của ấy chỉ là thứ để ở ngoài ngõ, có thể mất bất cứ lúc nào. Huống chi là của do ăn chặn, ăn cắp, ăn cướp mà có... Những thứ ấy sẽ bị pháp luật Nhà nước và dư luận xã hội buộc phải trả về cho chính chủ của nó. Nếu vì lý do nào đó mà pháp luật chưa hoặc không xử lý, thì những kẻ sử dụng bất chính những thứ đó sẽ một đời ăn không ngon, ngủ không yên và chết không nhắm mắt được. Chỉ có những gì do mồ hôi nước mắt (và cả máu) của mình làm ra thì mới đáng quý. Những của cải vật chất và của cải tinh thần do mình làm ra không thể mất, không bao giờ mất được. Nó còn mãi mãi, trường tồn mãi mãi với phẩm giá của những con người lao động chân chính - những CON NGƯỜI viết hoa của chúng ta.

(Tạp bút : PHẠM MINH GIANG, Báo Hậu Giang)

9. Cho và nhận

Thế giới chúng ta đang sống thật muôn màu muôn vẻ và luôn chuyển biến xoay vần – trong đó, chúng ta ví như một hạt bụi, luôn trăn trở, băn khoăn về số phận của mình. Chúng ta có thể cho đi nhiều, làm việc nhiều, mơ ước nhiều, gom góp nhiều để có được cuộc sống ấm êm. Nhưng rồi, khi tất cả lắng xuống, có bao giờ bạn tự hỏi “ta cần gì từ cuộc sống?”… Sẽ có nhiều ý kiến đưa ra. Chúng ta có thể cần cha, cần mẹ, cần bạn bè, cần vật chất, cần tình yêu thương… tuy nhiên, chúng ta thực sự cần gì từ cuộc sống này? Câu trả lời rất đơn giản, đơn giản đến mức bạn sẽ bàng hoàng khi nhận ra nó. Đó là: cuộc sống của bất cứ ai đều chỉ cần “cho” và “nhận”.

Chúng ta thường nhìn nhận vấn đề bằng hai cách. Đối với cách nhìn bằng trực cảm, ta sẽ thấy cuộc sống có hai giai đoạn: thu nhận và cống hiến. Hai giai đoạn này chuyển biến giao thoa lẫn nhau. Như là, khi tiếp nhận đến một lúc nào đó sẽ thể hiện sự cống hiến; khi cống hiến đến lúc nào đó sẽ thể hiện sự tiếp nhận trở lại. Đối với cách nhìn bằng biện chứng, chúng ta lại thấy hai cung cách “cho” và “nhận” này diễn ra song song với nhau. Nhưng cái này có thể nổi trội hơn cái kia, điều đó tuỳ thuộc vào bản thân mỗi người có dám đối diện và nhìn nhận hay không. Quả thật, từ những giây phút chào đời đầu tiên, chúng ta đã cần sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình, người thân, cần một nền giáo dục sơ sinh để rồi những gì chúng ta cho đi là niềm tin yêu, hy vọng lớn lao từ mọi người xung quanh. Lớn thêm nữa, bạn bắt đầu cần thêm trang phục, cần giáo dục học đường, giáo dục giới tính, nói cách khác, bạn cần tri thức. Bạn vẫn cần tình yêu, nó bao gồm tình cảm gia đình, tình cảm cộng đồng, tình bạn, tình yêu đôi lứa.

Bạn sẽ cho đi những gì? Bạn biết lo toan nhà cửa, biết tham gia hoạt động xã hội, biết thể hiện tình cảm của mình với mọi người. Tính chất đó nếu được giáo dục tốt sẽ có thể được phát huy theo chiều hướng tích cực. Con người đó có đủ khả năng tư lực, tự cường, tự chủ. Họ luôn mong muốn được cống hiến cho đến tận giây phút cuối đời và coi đó là lý tưởng, lẽ sống của mình. Và quan trọng hơn, họ cảm thấy nhận được nhiều hơn những gì họ mong đợi. Dân gian thường bảo: “Con tằm đến thác vẫn còn nhả tơ”. Thử nghĩ xem, “cho” và “nhận” có phải là điều cần thiết nhất trong cuộc sống hay không, khi một người suốt đời chỉ muốn thu nhận thật nhiều, thật nhiều để vun đắp cho riêng mình. Có thể người ấy sẽ được như ý muốn đấy, nhưng dần dần, sự ích kỷ không chịu cống hiến sẽ đẩy họ đến chỗ cô đơn và nhàm chán. Vì sao? Quá đơn giản, không gieo nhân không thể gặt quả, không “cho đi” sẽ không thể “thu nhận”. Đến một lúc nào đó, nhận ra, họ sẽ xiết bao sợ hãi và chới với trong khoảng trống mà mình đã tự chọn.

“Cho” và “nhận” trong cuộc sống này bao hàm rất nhiều. Chúng ta nhận về chúng ta những phần vật chất, tinh thần mà chúng ta cần, hoặc chính chúng ta sẽ cho người khác điều ấy không biết chừng! Ví dụ như, những đoàn cứu trợ, tình nguyện đến vùng sâu vùng xa. Họ cho đi gạo, tiền, quần áo, sách vở, đồng nghĩa với cho đi tình thương, nụ cười, lòng nhân ái. Họ nhận lại những đoá hoa, những cái bắt tay, ôm hôn nồng nàn cũng là nhận sự cảm kích, lòng tin yêu, sự ủng hộ, và chúc phúc cho tương lai họ từ bà con đồng bào. Kinh Phật có dẫn: đức Ca-diếp trong một lần đi hành khất đã dừng chân tại một túp lền rách của bà lão ăn xin. Bà bệnh nặng sắp chết. Không có gì để bố thí trong khi đức Ca-diếp nhất định không đi chỗ khác, bà đành đổ phần nước cháo đã thiu cho ngài. Lập tức bà được siêu sinh về cõi cực lạc. Đức Ca-diếp, ông nhận bát nước cháo, và cho đi sự từ tâm và sự hồi hướng phước đức đối với bà lão nghèo. Ý nghĩa thay!

Như vậy, sự “cho” và “nhận” trong cuộc sống này luôn là sự tồn tại tất yếu của con người.Do đó, khi chúng ta tháo gỡ được vấn đề này có nghĩa là chúng ta đã có ý thức tự nhìn lại mình và đã có thể tự trang bị cho mình tư thế sẵn sàng cho một cuộc sống đầy màu sắc “thu nhận” và “cống hiến”. Suy cho cùng, “cho” và “nhận” là những yếu tố quan trọng và đặc biệt cần thiết để xây dựng cuộc sống tốt đẹp, đặt nền tảng cho tất cả mọi nhu cầu và quyết định sự thành bại cho tài năng, danh tiếng, gia tộc và nhân bản.



(Cao Thái Thanh – Bạch Mai thi đàn)

B.MỘT SỐ BÀI LÀM THAM KHẢO
Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tôi sẽ ngả về sau bạn” Danh ngôn Nam Phi

BÀI LÀM 1

Bạn sẽ làm gì khi mà khó khăn dường như lấp kín hết cuộc đời bạn, khi mà thần may mắn không còn mỉm cười với bạn nữa, khi mà xung quanh bạn toàn những tai tiếng và nỗi nhục nhã ê chề bủa vây…? Dũng cảm đối mặt với những thử thách đó hay đầu hàng, phó mặc cho số phận đã an bài? Nếu là tôi, chắc chắn tôi sẽ tiếp tục đương đầu với những khó khăn đó, vì tôi luôn tin vào câu danh ngôn nổi tiếng Nam Phi “Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả về sau bạn”.

Ánh mặt trời rực rỡ, chói chang là vẻ đẹp của thiên nhiên, tạo hoá. Một khi chúng ta hướng về phía mặt trời nghĩa là chúng ta đã hướng về những điều tốt đẹp, đặt niềm tin vào ánh sáng mặt trời là chúng ta đã đẩy lùi lại phía sau những gì xấu xa, u ám, những bóng tối của khó khăn, vất vả.

Thật vậy, khó khăn là một phần của cuộc sống. Cuộc sống của chúng ta không phải lúc nào cũng tươi đẹp, êm đềm như nắng ấm ban mai. Mà nó giống như những cơn gió, có khi mạnh mẽ dữ tợn, có khi chỉ nhẹ nhàng lướt qua. Vì vậy để vượt qua những cơn bão lớn ấy, đòi hỏi ớ chúng ta một bản lĩnh sống, một phong cách sống có lí tưởng, biết tìm cho mình động lực, niềm tin để đứng dậy sau những lần ngã gục. Bởi chẳng có ai sẽ đi hết cuộc đời mà không một lần bị vấp ngã cả. Điều quan trọng là sau những lần vấp ngã ấy, chúng ta sẽ đi như thế nào. Đó là lúc chúng ta cần hướng tới mặt trời. Mặt trời ấy có thể là sự phấn đấu, nỗ lực trong học tập của mỗi sĩ tử từng bị thất bại trong kì thi vào Cao đẳng – Đại học đang ngày đêm ôn luyện chờ đợi một cơ hội mới. Mặt trời ấy có thể là niềm tin, hi vọng về những vụ mùa bội thu, những sản phẩm đạt chất lượng cao hơn của những người nông dân, công nhân một đời lam lũ. Mặt trời ấy chính là động lực giúp những em bé tàn tật gạt bỏ đi nỗi đau mất mát của mình để tìm đến những khả năng kì diệu đang ẩn giấu bên trong những cơ thế yếu ót… Đấy chính là ánh sáng rực rỡ của mặt trời đang đẩy dần những bóng tối u ám ra phía sau đề giúp mọi người tự tin hơn vào một cuộc sống tươi đẹp đang chờ ở phía trước.

Hê-len Ki-lơ (1880 – 1968) – người phụ nữ vĩ đại đã dành trọn đời mình cho những người không may mắn bị tàn tật. Tuổi thơ của bà phải sống trong bóng tối đầy vất vả, khó khăn. Chưa đầy hai tuổi, do bị mắc chứng viêm màng não nên bà bị câm, điếc, mù hoàn toàn. Dù thế Hê-len vẫn không nản lòng, bà bắt đầu đi học và tập nói những câu đơn giản, trong sự khó khăn của mù và điếc. Thế nhưng, bằng nghị lực phi thường bà đã tốt nghiệp thủ khoa trường đại học nữ Ret-clip và đã không ngừng đi thuyết trình khắp các bang của nước Mĩ, đi vòng quanh thế giới để giúp đỡ những người bị câm, điếc. Nhờ sự giúp đỡ của bà mà nhiều người tàn tật trên thế giới có cơ hội được sống, được lao động và học tập nhiều hơn. Chính sức mạnh của niềm tin vào cuộc sống, mục tiêu cho bản thân đã thôi thúc bà làm nên những kì tích hiếm có ở một người tàn tật. Bà đã “hướng về phía mặt trời”, “để bóng tối ngả về phía sau” như thế đấy! “Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả về sau bạn”.

Câu danh ngôn bao hàm một triết lí, một quan niệm nhân sinh tích cực, một lời khuyên đúng đắn: Hãy sống lạc quan, luôn tin tưởng ở một tương lai tốt đẹp sẽ đến. Nhưng đáng tiếc thay trong cuộc sống xà hội ngày nay vẫn có nhiều người thiếu niềm tin, không dám bước tới để “hướng về phía mặt trời”. Họ là những con người dễ bị nhấn chìm trong bóng đêm của sự thất vọng, sợ hãi, trì trệ. Họ là những người dễ nản lòng trước khó khăn, thử thách. Ở những con người như thế, bóng tối sẽ luôn bủa vây. Họ không biết cách hướng về ánh sáng diệu kì của mặt trời cũng như bình tĩnh tìm cho mình những giải pháp hợp lí để giải quyết vấn đề. Thật đáng thất vọng thay, số đông những người như thế lại thuộc về giới trẻ của chúng ta. Có những cô, cậu quý tử được sinh ra trong một gia đình khá giả, quen được chiều chuộng, suốt ngày chơi bời, phá phách. Hễ bị bố mẹ mắng mỏ, nạt nộ là lại đùng đùng khăn gói bỏ nhà ra đi. Hay nhiều học sinh sau khi biết mình thi trượt đại học lại có cảm giác như mất hết tất cả, bi thất bại thảm hai, vôi tìm đến cái chết để kết thúc cuộc đời một cách ngu xuẩn. Có nhiều người vì bị đuổi việc, thất nghiệp, nợ nàn, phá sản… dẫn đến hoang mang, mất lí trí không làm chủ được bản thân dẫn đến sa đoạ, vướng vào nhiều tệ nạn xã hội, tự huỷ hoại bản thân lúc nào không hay… Đó đều là những con người không có niềm tin, ý chí vào cuộc sống. Chưa nói ở đâu xa, ngay chính bản thân tôi đây đã có lúc tôi muốn từ bỏ mọi thứ. Đó là khi cuộc sống dường như quay ngoắt với tôi. Là khi tôi dường như đã rơi xuống vực thẳm đen tối, chật hẹp và tù đọng. Quanh tôi lúc đó, nỗi thất vọng lẫn tuyệt vọng đã chiếm hết tâm trí khiến tôi như người mất hết sức sóng. Căn bệnh ung thư đã cướp đi của tôi một thiên thần. Đó chính là em trai tôi và cũng là người bạn thân thiết nhất của tôi. Tiếp đó là những thất bại trong các kì thi, học tập… Với tôi, mọi thử hoàn toàn sụp đổ. Mãi cho tới khi tôi phát hiện ra sức sống kì diệu của những bông hoa hướng dương. Chúng là hình ảnh rõ ràng nhất cách hướng về phía mặt trời. Dù cho rễ cây bám sâu vào lòng đất, dù cho con người trồng chúng ở vị trí tối tăm nào, thì chúng vẫn luôn sống thẳng, vuơn mình tới nơi có ánh sáng mặt trời để hấp thụ tinh hoa của sự sóng. Có lẽ đó chính là lí do tại sao những bông hoa hướng dương luôn tươi tắn, khoẻ khoắn, sống mãnh liệt và lâu dài đến thế.

Biết hi vọng và tin tưởng vào những điều tốt đẹp là phương thuốc nhiệm màu giúp chúng ta mạnh mẽ hơn, tự tin hơn trong cuộc sống. Có niềm tin chúng ta sẽ tìm thấy sự chia sẻ, nâng đỡ và tình yêu thương giữa cuộc sống đời thường đầy khó khăn, thử thách này. Vậy nên tôi, bạn và tất cả mọi người hãy rèn luyện cho mình ý chí, niềm tin để luôn tin rằng ở mỗi người sẽ có một mặt trời chân lí luôn toả sáng, giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống. Tom Cruise đã từng nói: “Khi cuộc đời nhấn chìm bạn nơi dòng xoáy hung dữ, bạn chỉ có hai con đường: Buông xuôi để rồi chìm xuống dưới đáy, hoặc sẽ hít một hơi dài và dũng cảm bơi tiếp”. Vậy bạn sẽ chọn con đường nào? Chắc hẳn là con đường thứ hai chứ! Vâng, hãy chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những thử thách tiếp theo trong cuộc sống. Và hãy luôn tin rằng, nếu bạn “hướng về phía mặt trời” thì “bóng tối sẽ ngả về sau bạn”. ,  


BÀI LÀM 2

“Cuộc sống là bài học dài của nhân loại” (Barrie). Và bạn đã học được gì từ cuộc sống? Cách đứng dậy và đi tiếp sau những vấp ngã hay niềm tin vào những điều kì diệu? Chìa khoá để mở cánh của cuộc sống là chỉ cần bạn nghĩ tích cực và lạc quan đi thì mọi việc khó khăn sẽ trở nên rất giản đơn. Bởi thế danh ngôn Nam Phi đã từng dạy: “Hãy hướng về phía mặt trời bóng tối sẽ ngả về sau bạn”.

Con đường mà chúng ta bước đi trong cuộc sống không phẳng lì mà luôn có những trở ngại. Trở ngại ấy có thể là những thất bại, khó khăn, là một hoàn cảnh éo le hay một căn bệnh hiểm nghèo… Những lúc gặp “bóng tối” như vậy bạn cần phải có niềm tin và ý chí để “hướng về phía mặt trời”. Mặt trời trong câu danh ngôn là hình ảnh ẩn dụ cho những điều tốt đẹp như lí tưởng, ước mơ, mục đích… “Hướng về phía mặt trời” sẽ giúp con người có động lực và sức mạnh. Gặp thử thách dù khó khăn đến đâu nếu không mất hi vọng tức là bạn đã thành công một phần. Dù nhỏ nhưng thành công ấy chắc chắn cũng sẽ góp phần “đẩy lùi bóng tối”. Cũng như hình ảnh của cây hoa hướng dương vậy, đài hoa luôn hướng về phía mặt trời để che cho “mầm sinh trưởng” của cây phát triển. Con người chúng ta “hướng về phía mặt trời” bằng cái nhìn hướng về tương lai. Khi bạn nghĩ về tương lai tươi sáng với cơ sở của niềm tin thì quá khứ là bóng tối sẽ không còn bủa vây lấy bạn nữa. “Hướng về phía mặt trời” trước hết cho ta sự bình yên trong tâm hồn, một sự thanh thản vì đã rũ bỏ được bóng tối; sau đó là cái nhìn lạc quan hơn với cuộc sống.

Có thể khi đọc câu danh ngôn này bạn đang u buồn và bạn cho rằng: “Nói thì dễ nhưng làm thì khó”? Trong thực tế đã có rất nhiều tấm gương biết “hướng về phía mặt trời”. Người khác làm được tại sao bạn lại không? Tôi đã nhìn thấy nụ cười rất tươi của một chị khuyết tật đôi chân, chị đáng lẽ ra có thể thực hiện được ước mơ trở thành người mẫu nếu không có vụ tai nạn giao thông ấy. Chị nói có lúc chị tưởng như mất hết niềm tin, mọi thứ xung quanh trở nên tối sầm khi chị biết mình không thể đi được như người bình thường, khi ước mơ từ hồi bé không bao giờ trở thành hiện thực… Nhưng chị hiểu ra rằng nếu cứ sống mãi như thế chị sẽ là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Và chị đã học, đã cố gắng để trở thành kế toán trong một công ty doanh nghiệp, chị là tấm gương giúp tôi hiểu cuộc sống không bao giờ được nói hai từ “gục ngã”. Để “hướng về phía mặt trời” không chỉ cần sự nỗ lực vươn lên không ngừng mà còn cần một niềm tin. Chắc hẳn trong mỗi chúng ta ai cũng biết tới câu chuyện Chiếc lá cuối cùng của nhà văn O. Hen – ri. Lần đầu tiên khi đọc câu chuyện tôi đã khóc vì tấm lòng nhân ái của cụ Bơ-men. Lần thứ hai tôi nhận ra sự cảm thông san sẻ cho nhau của những người nghèo khổ. Và lần thứ ba, tôi học được cách phải sống nghị lực, sống luôn hướng về phía mặt trời – Giôn-xi đã thoát khỏi căn bệnh của mình bằng niềm tin vào chiếc lá cuối cùng – chiếc lá vẫn còn nguyên vẹn sau đêm mưa gió. Niềm tin đã giúp cô nhận ra mình vẫn còn ước mơ vẽ vịnh Na-pơ-lơ và “muốn chết là một tội”.



Niềm tin là một liều thuốc quý giá để “chữa” mọi căn bệnh tâm hồn. “Bóng tối” có thể có nhiều người muốn rũ bỏ nhưng có thứ “bóng tối” lại giúp chúng ta hoàn thiện mình hơn. Đó là “bóng tối” của thất bại. Bạn thất bại trong cuộc thi đấu điền kinh chỉ vì thua người về nhất 1/1000 giây? Thất bại vì bao nhiêu lần đi xin việc đều bị từ chối? Bạn sẽ không thất bại nữa nếu bạn rút ra kinh nghiệm. Đừng ủ rũ trách mình và tràn ngập trong tâm trạng của kẻ thua cuộc. Lúc đó bạn hãy hướng về phía mặt trời! Có rất nhiều nhân tố kéo ta ra khỏi bóng tối. Cuộc sống luôn cần chúng ta phải lạc quan, tin tưởng ở tương lai. Thế nhưng lại có những người không hiểu điều ấy và kết cục mà họ để lại không chỉ là thất bại, là nỗi đau mà thậm chí còn là cả cái chết bi thương… Một bạn gái đã cầm dao lam của vào tay mình tự tử chỉ vì không thi đỗ đại học, một bạn trai 16 tuổi đã tìm đến cái chết vì bế tắc trong cuộc sống… Không biết các bạn ấy đã nghĩ gì khi không thể thoát ra khỏi bóng tối của chính mình?

Vậy làm thế nào để biết “hướng về phía mặt trời? Đơn giản là chúng ta hãy rèn luyện ý chí, niềm tin và kiến thức, cần nhất là thái độ sống của bạn: phải luôn nhìn mọi thứ theo hướng mới mẻ và tích cực, cũng như một bài toán khó không nên chỉ giải theo một cách, mà bạn phải linh động nghĩ ra một hướng nào đó đơn giản hơn. Một người bạn đã có lần nói với tôi: “Đừng bao giờ nghi về những điều rắc rối cậu đang gặp phải, chỉ cần quan tâm đến kết quả của nó để cậu cố gắng”. Tôi coi đó cũng là một cách hữu hiệu nhất để mình có thể hướng về phía mặt trời và luôn mỉm cười. Còn bạn thì sao? Đối mặt với bóng tối bạn có đủ dũng cảm để vượt qua chứ?



Trình bày suy nghĩ của mình về câu nói của Nguyễn Bá Học

"Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông."
Trong cuộc sống của chúng ta, có biết bao khó khăn mà ta cần phải vượt qua. Những khó khăn đó như một định luật tự nhiên để ta có thể phát triển và thăng tiến. Nhưng để có thể vượt qua được những khó khăn đó đòi hỏi chúng ta phải có sự kiên trì, bền bỉ. Và Nguyễn Bá Học đã có câu châm ngôn: "Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông." Vậy bây giờ chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu câu nói này của ông!

Đường đi ở đây có nghĩa là con đường mà chúng ta phải đi, phải vượt qua để tiến về phía trước. Trên đường đi của chúng ta chắc chắn sẽ phải có nhiều những con sông, những ngọn núi làm cho chúng ta khó có thể vượt qua. Nhưng con đường đó dù có bao nhiêu sông, bao nhiêu núi, nếu chúng ta không; ngại ngùng, lo âu, sợ hãi hay chán nản, chùn bước, buông xuôi thì ta vẫn có thể vượt qua được nó một cách dễ dàng. Nhìn chung, qua câu nói này, Nguyễn Bá Học muốn ngụ ý cho chúng ta rằng con đường đi cho dù khó mấy thì ta cũng vẫn có thể vượt qua, điều quan trọng là tâm ý của ta có kiên định để vượt qua những khó khăn mà con đường đó mang tới cho ta hay không? Nói sâu hơn thì con đường mà Nguyễn Bá Học muốn nói tới đó là đường đời, chúng ta phải dùng chính sức của mình để vượt qua nó, nếu chỉ biết dựa dẫm, nhờ vả mà không nỗ lực thì sẽ không tài nào vượt qua được.

Khó khăn như là một câu thách đố đòi hỏi chúng ta phải biết vượt qua chính mình bằng cách chỉnh đốn lại nội tâm và làm chủ bản thân. Chỉ có lòng kiên định và ý chí kiên trì bền bỉ mới có thể giúp ta vượt qua được những trở ngại của cuộc sống. Đó là một nền tảng mà bất cứ người nào cũng cần nên có. Chẳng hạn như chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta, suốt một đời lo cho nước, cho dân, đi nhiều noi và làm đủ mọi việc. Con đường Người phải đi thật gian lao, vất vả nhưng với ý chí, quyết tâm, nghị lực phi thường. Người đã mang đến cho dân tộc ta ánh sáng của độc lập tự do, một cuộc đời ấm no, hạnh phúc.

Bên cạnh đó cũng còn rất nhiều người không biết dùng sức mình để vượt qua khó khăn, họ chỉ biết dựa dẫm vào người khác. Những người đó là những người không biết vượt qua nhiệm vụ mà cuộc sống đã thử thách chúng ta, thật đáng bị xã hội phê phán. Không nói đâu xa, chỉ cần nói trong học sinh chúng ta. Khi làm bài kiểm tra, những bạn biết tự dùng sức mình để làm bài vẫn hơn những bạn không học mà quay cóp hay mở tập. Dù có thể điểm số khi phát ra của những bạn đó không cao bằng những bạn quay cóp nhưng những bạn đó có thể tự hào vì mình đã không làm những chuyện làm cho lương tâm mình ray rứt. Vì vậy, cho dù khó khăn có thế nào đi nữa thi chúng ta đừng nên nản lòng, hãy vững tâm bước tiếp, có như vậy ta mới có được những bài học sáng suốt để có thể vượt qua những khó khăn của cuộc sống.

Chúng ta không thể biết con đường này, hay nói cách khác là đường đời sẽ dẫn ta đến đâu nếu ta chưa thực sự đi qua nó. Có rất nhiều khả năng mà ta Không thể kiểm soát được. Điều duy nhất có thể làm là ta phải biết làm chủ mình, đưa ra quyết định thật đúng đắn và quyết tâm kiên trì theo đuổi đến cùng. Như vậy không sớm thì muộn ta cũng có thể vượt qua được nó. Cũng như chủ tịch Hổ Chí Minh đã dạy: " Không có việc gì khó - Chi sợ lòng không bền - Đào núi và lấp biển - Quyết chí ắt làm nên." Chỉ cần có ý chí là chúng ta có thể vượt qua được mọi trở ngại cho dù trở ngại đó có lớn đến mức nào. Khó khăn càng lớn khi ước vọng càng cao, khó khăn càng không thể vượt qua khi khả năng làm chủ bản thân càng thiếu. Vậy tại sao chúng ta không thử quyết tâm, kiên trì theo đuổi một điều gì đó đến cùng để rồi ta có thể nhận được một thành quả lớn như ta đã mơ ước ?

Cuộc sống luôn là một bức tranh muôn màu muôn vẻ, còn biết bao nhiêu điều đang chờ đợi ta phía trước. Vì thế hãy dám nghĩ, dám quyết định và lựa chọn con đường đi cho chính bản thân mình, đừng nên chần chừ và do dự. Kiến thức, niềm tin, lòng nhiệt huyết và sự quyết tâm kiên trì vượt khó sẽ là những người bạn đồng hành không thể thiếu của mỗi người chúng ta trên con đường đời ấy.



tải về 0.58 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương