PHẦn I: VÀi nét về VĂn nghị luận các loại văn nghị luậN



tải về 0.58 Mb.
trang5/7
Chuyển đổi dữ liệu09.06.2018
Kích0.58 Mb.
#39762
1   2   3   4   5   6   7

III. TƯ LIỆU BỔ SUNG

1. “Tài năng là một thứ hiếm hoi. Cần thận trọng nâng đỡ nó một cách hệ thống”. (V.I. Lênin)

2. “Đất nước có nhiều người tài, đất nước càng hưng thịnh” (Mặc Tử)

3. “Tài trí là vũ khí tinh thần của con người” (Phương ngôn Nga)

4. “Không có đạo đức cách mạng thì tài cũng vô dụng” (Hồ Chí Minh)

5. “Hãy bảo vệ thật kỹ lưỡng kho báu trong bạn, lòng tốt. Hãy biết cách cho mà không do dự, biết cách mất mà không hối tiếc, biết cách đạt được mà không ác ý (George Sand).



6. “Bạn có thể tìm thấy sự thông thái nào vĩ đại hơn lòng tốt” (Jean Jacques Rousseau)

7. “Nếu điều phải cho đi được cho tự nguyện, lòng tốt nhân lên gấp đôi” (Publilius Syrus)

8. “Lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy” (Mark Twain)

9. “Lòng tốt kiên định có thể làm được nhiều điều. Như mặt trời làm băng tan chảy, lòng tốt khiến sự hiểu nhầm, sự nghi ngờ và thù địch bốc hơi” (Albert Schweitzer).

10. Alfred Nobel

Giải Nobel lập nên theo nguyện vọng cuối cùng của Alfred Nobel, một nhà hóa học, nhà công nghiệp học và người phát minh ra thuốc nổ của Thụy Điển. Alfred Nobel đã thấy tổn thương vì phát minh thuốc nổ của ông được sử dụng cho mục đích dã man và ông muốn giải thưởng của ông phục vụ cho nhân loại. Trong bản di chúc, Alfred đã dành 94% trị giá tài sản (khoảng 2000000 bảng Anh) và lấy lãi hàng năm để lập nên 5 giải Nobel (vật lý, hóa học, y học, văn học, hòa bình) cho "những ai… đã đưa đến những lợi ích nhất cho con người."

11. Mẹ Teresa – tấm gương về lòng nhân ái

Ngày 26/09/1928 có một người thiếu nữ 18 tuổi người Albania đến Ireland để gia nhập dòng Đức Trinh nữ Maria. Bà nộp đơn xin đi truyền giáo ở Bengal (Ấn Độ). Đó là một việc làm mạo hiểm đòi hỏi phải có lòng dũng cảm và đức tin vững vàng, vì lúc đó khi đã đi truyền giáo thì không mấy người trở về quê hương. Đến tháng 01/1929, sau chuyến hành trình dài năm tuần, người nữ tu trẻ đặt chân đến Calcutta, Ấn Độ. Tại thành phố này và tại nhiều địa điểm khác ở Ấn Độ, người nữ tu này đã dành hết tuổi trẻ của mình để giảng dạy, học tập và cứu rỗi những thân phận bất hạnh, cùng khổ. Đó chính là Agnes Gonxha Bojaxhiu, hay như mọi người thường gọi đơn giản – mẹ Teresa. Trong hơn 40 năm, bà chăm sóc người nghèo, bệnh tật, trẻ mồ côi, người hấp hối. Bà thực hiện bất cứ việc gì bà nghĩ là có thể xoa dịu “cơn khát” hòa bình, tình yêu và tiếng cười trên thế giới. Năm 1970, Mẹ Teresa trở nên một nhân vật toàn cầu nổi tiếng với các hoạt động nhân đạo cứu giúp người nghèo và những người sống trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Bà được trao giải Nobel Hòa bình năm 1979 như một sự vinh danh cho các hoạt động nhân đạo của bà. “Nếu tôi được trở thành một vị thánh, chắc chắn tôi sẽ là vị thánh của “bóng tối”. Tôi sẽ tiếp tục ở xa thiên đàng để thắp sáng cho những con người đang sống trong bóng tối trên trái đất này.”

12. Người phụ nữ 'hồi sinh' bé Thiện Nhân

Bốn năm trước, người ta tìm thấy một bé trai người lấm máu, bị kiến và con vật nào đó nhấm mất một chân phải và bộ phận sinh dục bị bỏ rơi trên một ngọn đồi heo hút thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. 72 giờ sau được phát hiện, bé được đưa vào bệnh viện và may mắn trở thành con nuôi trong gia đình chị Trần Mai Anh (ở Hà Nội). Ngày hôm nay, em đã có thể bước đi bằng chiếc chân giả. Một điều kỳ diệu hơn, bộ phận sinh dục của em đã được tái tạo thành công như một phép nhiệm màu của cuộc sống.

Chiều thứ bảy, sau những bận rộn lo toan cho cuộc sống thường ngày, chị Mai Anh chia sẻ về chuyến đi Italia phẫu thuật cho Thiện Nhân, đôi mắt lấp lánh niềm vui. Số phận đã cho chị gặp bé Thiện Nhân 4 năm trước ở Quảng Nam, khi có một đứa bé bị bỏ rơi trong vườn hoang, bị súc vật ăn mất một chân và bộ phận sinh dục. "Lúc đó tôi đón Nhân về với tình yêu của một người mẹ, chỉ muốn giúp đỡ và chăm sóc bé. Không ai nghĩ và tin được có thể tái tạo bộ phận sinh dục đã mất cho một đứa trẻ. Tuy nhiên, đi đến bất cứ đâu, có cơ hội nào là tôi lại chia sẻ, tìm kiếm hy vọng”, chị nhớ lại những ngày tháng vất vả khi đưa con từ bệnh viện này tới bệnh viện khác, ở Việt Nam, Thái Lan cũng như Singapore… “4 năm cho một giấc mơ, nhưng giờ đó không phải là giấc mơ hão huyền. Thiện Nhân đã có thể trở thành người đàn ông bình thường như bao người”, chị nói, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của người phụ nữ nhỏ bé đầy lòng trắc ẩn. Chị Mai Anh nhớ lại, khi Thiện Nhân tới Mỹ trong một chuyến đi phẫu thuật vào cuối năm 2008, các giáo sư sau hàng loạt xét nghiệm và hội chẩn đã thông báo chỉ có thể hy vọng tạo bộ phận sinh dục cho Nhân khi em 14-15 tuổi. Và cơ duyên đến với Nhân khi ông Roberto De Castro, bác sĩ phẫu thuật của Bệnh viện Bologna (Italia) đã công bố một công trình y khoa vĩ đại "phẫu thuật và tái tạo thành công nhiều trường hợp bị mất bộ phận sinh dục". Hy vọng đã được mở ra khi vị bác sĩ biết được số phận của Thiện Nhân và nhận lời cho ca phẫu thuật này. Để có thể trả được chi phí khổng lồ cho ca phẫu thuật này, bé Nhân đã nhận được sự hảo tâm của hàng trăm tấm lòng nhân ái. “Đúng là góp gió thành bão, tôi và Thiện Nhân phải biết ơn tấm lòng của các bà, các mẹ... đã luôn đồng hành cùng bé trong suốt nhiều năm qua”, chị Mai Anh nói. Rồi chị trăn trở với những suy nghĩ làm cách nào để những em bé bất hạnh giống Thiện Nhân có cơ hội được thay đổi cuộc đời. "Tôi ước mơ sẽ làm một điều gì đó, để Nhân sau này có thể giúp đỡ các em bé có hoàn cảnh bất hạnh như mình, như một món nợ của cuộc đời", chị nói.


CHỦ ĐỀ 3 : CỐNG HIẾN VÀ HƯỞNG THỤ
I. DẠNG ĐỀ VÀ BÀI LUYỆN

A. Đề ôn :

Đừng tìm mọi cách để hưởng thụ mà hãy tìm mọi cách để cống hiến.

Gợi ý :

[1] Mở bài

- Dẫn dắt : cống hiến và hưởng thụ

- Dẫn câu nói.

[2] Thân bài

● Giải thích :

- Hưởng thụ : thừa hưởng, thu nhận, sử dụng những thành quả vật chất và tinh thần mà bản thân hoặc gia đình, xã hội, nhân loại đem lại. Tìm mọi cách để hưởng thụ là cố gắng tìm các cách có thể để thừa hưởng những điều kiện sống mà cuộc đời có khả năng đem lại.

- Cống hiến : nỗ lực lao động, đem sức lực và trí tuệ của bản thân tạo ra của cải vật chất và các giá trị tinh thần phục vụ cộng đồng, góp phần làm cho đời sống ngày càng tốt đẹp hơn. Tìm mọi cách để cống hiến là hành động nỗ lực không ngừng để góp sức mình vào sự phát triển liên tục của xã hội.

- Ý cả câu : đừng chỉ nghĩ đến việc tìm mọi cách để thụ hưởng thành quả lao động của người khác mà nên tìm mọi cách đóng góp sức mình cho sự phát triển chung xã hội. Ý của câu nói nghiêng về thái độ phê phán cách sống chỉ nghĩ đến thụ hưởng đồng thời đề cao lối sống có nhiều sự cống hiến.

● Phân tích :

Vì sao “đừng tìm mọi cách để hưởng thụ mà hãy tìm mọi cách để cống hiến”?. Vì :

- Hưởng thụ và cống hiến là hai mặt quyền lợi và trách nhiệm ràng buộc lẫn nhau mà mỗi người khi sống trong cộng động cần phải có. Gia nhập đời sống xã hội và nhân loại, mỗi người vừa có quyền, có cơ hội được thừa hưởng, tiêu dùng những thành quả mà các thế hệ đi trước tạo ra nhưng cũng phải có nghĩa vụ đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của xã hội.

- Nếu chỉ tìm mọi cách để hưởng thụ, con người sẽ nghĩ đến hưởng lạc, lạc thú mà quên nghĩa vụ đóng góp, dựng xây của mình đối với cộng đồng. Nếu cứ như vậy, dần dần anh sẽ trở thành kẻ lười lao động, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, từ đó hình thành thói ỷ lại, dựa dẫm, vô trách nhiệm với gia đình, xã hội. Tìm mọi cách để hưởng thụ là biểu hiện của lối sống gấp, sống như thể ngày mai sẽ chết, bất chấp những gì diễn ra xung quanh.

- Trong khi đó, tìm mọi cách để cống hiến là hành động nỗ lực không ngừng để góp sức mình vào sự phát triển liên tục của xã hội. Cống hiến càng tốt, càng nhiều thì xã hội càng nhanh tiến bộ, văn minh và bản thân mỗi người càng có cơ hội nhiều hơn để hưởng thụ và nâng cao chất lượng của sự thụ hưởng.

- Tìm mọi cách để cống hiến là lý tưởng đẹp đẽ, hành động cao cả đáng được ngợi ca, góp phần nâng cao giá trị của mỗi cá nhân trong đời sống. Tìm mọi cách để cống hiến là một trong những cách để mỗi chúng ta sống có ích hơn, có ý nghĩa hơn và để được xã hội tôn vinh. Đặc biệt, những cống hiến vĩ đại cho loài người sẽ mãi mãi được lịch sử ghi nhận và bảo lưu.

● Bình luận

- Hưởng thụ là nhu cầu, quyền sống của mọi người. Con người có cống hiến và cũng có quyền được hưởng thụ với nhiều cách thức khác nhau, ở nhiều dạng thức không giống nhau, tùy theo nhu cầu, sở thích, khả năng, điều kiện của bản thân. Không biết hưởng thụ cũng là một biểu hiện kém văn minh trong xã hội hiện nay. Biết hưởng thụ là một trong những cách để giảm stress, giảm những áp lực trong cuộc sống. Hưởng thụ sẽ giúp cho chúng ta tái sản xuất sức lao động, từ đó có thể cống hiến được nhiều hơn và tốt hơn cho cộng đồng.

- Tuy nhiên, không nên lạm dụng cái quyền sống đó để cho phép mình lãng quên hoặc tiết giảm những nghĩa vụ, trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Mỗi người cần phải cân đối hài hòa giữa cống hiến và hưởng thụ. Thậm chí, trong những hoàn cảnh nào đó của đời sống, cần biết hi sinh hoặc chấp nhận những thiệt thòi về bản thân để toàn tâm, toàn trí cho việc cống hiến.

- Trong thực tế, mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ ở mỗi người có nhiều biểu hiện khác nhau : có người chỉ muốn hưởng thụ mà không muốn cống hiến hay khá hơn một chút là thích cống hiến ít nhưng hưởng thụ phải thật nhiều; có người yêu cầu hưởng thụ phải cân bằng với cống hiến nên trước khi cống hiến thường đặt ra điều kiện thụ hưởng, nếu không sẽ không làm; có người nghĩ đến cống hiến nhiều hơn hưởng thụ, trước khi hưởng thụ. Loại thứ nhất là biểu hiện của tư tưởng cá nhân chủ nghĩa cực đoan, lười biếng, làm trì trệ xã hội, rất đáng phê phán. Loại thứ hai dễ được chấp nhận hơn song thiên về lối sống vật chất, ảnh hưởng từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, “tiền trao cháo múc”, vì thế cũng không được đề cao. Kiểu suy nghĩ và hành động thứ ba là biểu hiện của lối sống đẹp, có lý tưởng, hoài bão cao cả, rất đáng khuyến khích, nhất là ở tuổi trẻ.

- Dù vậy, trong quá trình xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, các nhà quản lý, điều hành đất nước cũng cần phải xây dựng cơ chế, chính sách để đảm bảo công bằng xã hội và khuyến khích con người nhiệt tình cống hiến.



Bài học nhận thức

- Cần phải xác định rõ tư tưởng : hãy nghĩ đến cống hiến nhiều hơn là hưởng thụ. Có tích cực cống hiến thì mới có điều kiện để nâng cao chất lượng hưởng thụ và giá trị bản thân.

- Thanh niên, HS cần học tập, tu dưỡng thật tốt, tích cực chuẩn bị cho việc cống hiến sau này. “Đừng hỏi Tổ quốc… hôm nay”.



B. Đề luyện :

Phải chăng “Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là cuộc sống đáng quý” ?

Giải thích

- Cuộc sống là tổng thể nói chung những hoạt động trong đời sống của một con người hay một xã hội.

- Cuộc sống vì người khác là cuộc sống mà ở đó con người dành nhiều sự quan tâm, tình cảm, những chăm lo về vật chất, tinh thần cho người khác. Thậm chí họ chấp nhận cả những thiệt thòi, thua kém để người khác có được niềm vui, hạnh phúc, thành công.

- Cuộc sống đáng quý là cuộc sống tốt đẹp, được đánh giá cao, được ngưỡng mộ, tôn vinh bởi những giá trị, lợi ích mà nó đem lại.

- Ý cả câu : Đề cao và khẳng định giá trị của cách sống, lối sống “vì mọi người”, biết quan tâm, chăm lo, chia sẻ với người khác.

● Phân tích

- Thông thường, người ta sống vì điều gì ?

+ Vì những niềm vui, hạnh phúc, quyền lợi mà người ta có được (vì bản thân mình).

+ Vì những trách nhiệm, nghĩa vụ mà mỗi người phải thực hiện trong cuộc đời (vì người thân, vì cộng đồng, dân tộc).

- Vì sao con người cần sống vì người khác ?

+ Vì thế giới này được tạo nên bằng sự gắn kết của các cá nhân trong các quan hệ và bằng những ràng buộc. Người ta sinh ra đã có sợi dây gắn kết và ràng buộc với những người thân trong gia đình. Tham gia vào các tổ chức, con người lại có thêm các quan hệ chi phối qua lại khác nữa. Và dù ý thức hay không ý thức, dù muốn hay không muốn, một khi đã là thành viên của xã hội, anh không thể tách rời các mối liên kết cộng đồng.

+ Ở thời đại nào cũng thế, mỗi cá nhân đều không thể đơn độc tồn tại. Một người thường chỉ có thể có được cuộc sống tốt nhất khi có sự giúp đỡ, ủng hộ, chia sẻ từ các cá nhân khác. Hơn thế nữa, giữa một thế giới đầy biến động, phức tạp và khó lường như ngày nay, với những hiểm họa từ thiên nhiên và từ chính đời sống xã hội, việc một ai đó sống đơn độc còn đồng nghĩa với tự diệt.

+ “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”.



- Cuộc sống vì người khác biểu hiện như thế nào ?

+ Sự quan tâm, chăm lo đến cuộc sống của người khác, cả vật chất lẫn tinh thần.

+ Thái độ sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ, động viên, chia sẻ.

+ Sự vị tha, độ lượng, bao dung mỗi khi người đó mắc lỗi.

+ Chấp nhận những thiệt thòi, thua thiệt của bản thân vì quyền lợi, niềm vui, hạnh phúc của người khác.



- Vì sao cuộc sống vì người khác như thế là cuộc sống đáng quý ?

+ Vì khi sống vì người khác ta sẽ trở nên vị tha hơn, nhân ái, độ lượng hơn… qua đó tự hoàn thiện bản thân để trở thành người tốt.

+ Vì khi sống vì người khác tức là ta đã giúp họ trở nên hạnh phúc hơn, cuộc sống của họ tốt đẹp hơn. Khi ấy ta cũng thấy hạnh phúc (“Người hạnh phúc nhất là người đem lại nhiều hạnh phúc cho người khác” - Mác) và thấy rằng cuộc sống của ta thật có ý nghĩa.

+ Vì khi sống vì người khác tức là ta đã góp phần tạo nên một môi trường sống tốt đẹp, tràn đầy tinh thần nhân văn, nhân ái. Cuộc sống chung sẽ trở nên tươi đẹp và đáng quý trọng hơn.

+ Vì cuộc sống vì người khác là một cuộc sống cao cả, cao thượng, nhiều khi đòi hỏi con người phải chịu thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần, hi sinh những lợi ích của bản thân để đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác. Điều này không phải ai cũng có thể làm được.



● Bình luận

- Câu nói rất chí lý vì :

+ Nó hướng con người tới lẽ sống cao đẹp, có ý nghĩa nhân văn;

+ Nó giáo dục con người ta sống có trách nhiệm, có lương tâm, rời xa lối sống ích kỷ, thói vô cảm;

+ Nó cổ vũ, đề cao tư tưởng mình vì mọi người, mọi người vì mình, tạo nên sợi dây gắn kết bền chặt giữa con người với con người trong xã hội.

+ Nó phù hợp với truyền thống đạo lý của người Việt Nam xưa cũng như nay : máu chảy ruột mềm, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách, bầu ơi thương lấy bí cùng, nhiều điều phủ lấy giá gương…

- Tuy nhiên :

+ Sống vì người khác phải xuất phát từ trái tim chân thành, tấm lòng tự nguyện, nhu cầu thực sự chứ không nên theo kiểu giúp đỡ - trả ơn hay tỏ ra ban phát, bố thí.

+ Vì người khác không có nghĩa là đáp ứng những đòi hỏi vô lý của người khác. Những việc làm vì người khác phải chính đáng, đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng.

+ Cần điều chỉnh để tạo nên sự cân bằng giữa việc vì mình và vì người khác. Nếu chỉ vì mình, con người sẽ trở nên ích kỉ, nhỏ nhen, tầm thường. Nhưng nếu chỉ vì người khác, cuộc sống sẽ trở nên lệch lạc, mất thăng bằng. Bởi thế, cần quan tâm đến người khác nhưng cũng không nên quên bản thân. Đó là chưa kể sống có trách nhiệm với bản thân, chăm lo cho bản thân ngày một tốt đẹp cũng là một cách “sống vì người khác”.



Bài học nhận thức

II. BÀI VĂN THAM KHẢO

Khi trở thành một phần của lịch sử, mỗi con người không chỉ sống cuộc sống của riêng mình mà còn sống đời sống của cộng đồng, cùng tồn tại và phát triển với môi trường tự nhiên, xã hội xung quanh. Trong sự tồn tại ấy, có biết bao vấn đề mà con người phải nhận thức và giải quyết để có thể duy trì và nâng cao chất lượng sự sống. Cống hiến và hưởng thụ là hai trong số những phương diện như thế. Nhận thức về vấn đề này, có ý kiến cho rằng : Đừng tìm mọi cách để hưởng thụ mà hãy tìm mọi cách để cống hiến.

Sinh ra trên đời, mỗi người đã được thừa hưởng những thành quả vật chất và tinh thần mà các thế hệ đi trước đã tạo dựng và để lại. Một cách tự nhiên và bằng kết quả lao động của mình, con người được phép thu nhận, sử dụng cho bản thân những sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể, từ cái ăn, cái mặc, phương tiện đi lại đến tri thức khoa học, các hoạt động nghệ thuật, giải trí… Có được những cái đó là nhờ sự cống hiến của biết bao người trong cộng đồng : người nông dân làm ra hạt gạo, người thợ làm ra vải vóc, người kĩ sư thiết kế ra xe cộ, người thầy giáo truyền thụ kiến thức, người nghệ sĩ sáng tạo ra các sản phẩm văn nghệ… Đến lượt mình, mỗi người lại phải cống hiến sức lực và trí tuệ của bản thân để tạo ra nguồn của cải phục vụ cộng đồng, góp phần làm cho đời sống ngày càng tốt đẹp hơn. Nếu hưởng thụ là thu nhận, thừa hưởng những tiện nghi của đời sống thì cống hiến là đóng góp, dâng hiến những khả năng của bản thân cho cộng đồng. Cống hiến và hưởng thụ, nói chung, là như thế. Nhưng với riêng mỗi người, mối quan hệ giữa chúng lại không hề giản đơn. Nhận thức vấn đề này thế nào để có thể sống tốt và sống đẹp là điều mà rất nhiều người, nhất là tuổi trẻ quan tâm. Ý kiến trên đây có thể coi là một định hướng : đừng chỉ nghĩ đến việc tìm mọi cách để thụ hưởng thành quả lao động của người khác mà nên tìm mọi cách để sống có ích, đóng góp sức mình vào sự tiến bộ chung của cộng đồng, nhân loại.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà ai đó đã đưa ra tư tưởng, nhận thức về vấn đề cống hiến và hưởng thụ như trên. Bởi như chúng ta đều biết, hưởng thụ và cống hiến là hai mặt quyền lợi và trách nhiệm ràng buộc lẫn nhau mà mỗi người khi sống trong cộng động cần phải có. Là một thành viên của cộng đồng nhỏ - gia đình, cộng đồng lớn - xã hội và nhân loại, mỗi người vừa có quyền, có điều kiện thừa hưởng, tiêu dùng những thành quả mà các thế hệ đi trước đã tạo ra nhưng trở lại phải có nghĩa vụ đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của các cộng đồng ấy. Đấy là hai mặt biện chứng của cặp khái niệm “cho” và “nhận” mang tính triết học, phản ánh một quy luật tất yếu của đời sống mà nhà thơ Tố Hữu khi sinh thời đã có lần viết trong thơ :

Đã làm con chim, chiếc lá

Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không trả

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

(Một khúc ca)

Không chỉ có vậy, cống hiến và hưởng thụ còn là vấn đề đạo đức, đạo lý làm người: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”... “Ăn quả” và “Uống nước” là hưởng thụ. “Nhớ kẻ trồng cây”, “nhớ nguồn” là thái độ biết ơn, nhưng không hẳn là biết ơn thuần túy bằng tấm lòng, tình cảm, bằng lời hay ý đẹp mà phải bằng hành động thực tiễn – những hành động lao động có ích để làm cho cái “cây” ấy mãi mãi tươi xanh, “nguồn” “nước” kia đời đời không vơi cạn.

Mặt khác, ý kiến trên cũng nhấn mạnh : nếu chỉ tìm mọi cách để hưởng thụ, con người sẽ chỉ nghĩ đến việc hưởng lạc, đến lạc thú mà quên nghĩa vụ đóng góp, dựng xây của mình đối với cộng đồng. Nếu cứ như vậy, dần dần anh sẽ trở thành kẻ lười lao động, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, từ đó hình thành thói ỷ lại, dựa dẫm, vô trách nhiệm với gia đình, xã hội. Tìm mọi cách để hưởng thụ là biểu hiện của lối sống gấp, sống như thể ngày mai sẽ chết, bất chấp những gì diễn ra xung quanh. Sống như thế có khác gì nước ở biển Chết trong câu chuyện “Hai biển hồ” (Trích Quà tặng cuộc sống). Trong khi đó, tìm mọi cách để cống hiến là hành động nỗ lực không ngừng để góp sức mình vào sự phát triển liên tục của xã hội. Cống hiến càng tốt, càng nhiều thì xã hội càng nhanh tiến bộ, văn minh và bản thân mỗi người càng có cơ hội nhiều hơn để hưởng thụ và nâng cao chất lượng của sự thụ hưởng. Tìm mọi cách để cống hiến là lý tưởng đẹp đẽ, hành động cao cả đáng được ngợi ca, góp phần nâng cao giá trị của mỗi cá nhân trong đời sống. Đó cũng là một trong những cách để mỗi chúng ta sống có ích hơn, có ý nghĩa hơn và để được xã hội tôn vinh. Cho nên, “một định lý trong cuộc sống mà ai cũng đồng tình : một ánh lửa sẻ chia là một ánh lửa lan tỏa, một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi. Đôi môi có hé mở mới thu nhận được nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới tràn ngập vui sướng. Thật bất hạnh cho ai cả cuộc đời chỉ biết giữ riêng cho mình, “sự sống” trong họ rồi cũng sẽ chết dần chết mòn như nước trong lòng biển Chết” (Theo Quà tặng cuộc sống). Đó là chưa kể, những hành động trao đi cao cả, những cống hiến vĩ đại cho loài người sẽ mãi mãi được lịch sử ghi nhận và ngợi ca, như nguyên Tổng thống Ấn Độ - Găng-đi đã từng nói : “Con người trở nên vĩ đại theo mức độ họ làm cho đồng loại hạnh phúc”.

Câu nói “Đừng tìm mọi cách để hưởng thụ mà hãy tìm mọi cách để cống hiến” thực ra không nhằm phê phán việc hưởng thụ. Bởi ai cũng thấy hưởng thụ là một nhu cầu chính đáng, một hoạt động có ích cho cuộc sống của mỗi người. Hưởng thụ chính là một trong những cách tốt nhất để giảm stress, giảm những áp lực trong cuộc sống mà mỗi người thường xuyên phải đối mặt. Chẳng phải thế mà sau bao những bộn bề, vất vả của cuộc sống mưu sinh, con người thường có nhu cầu đến các điểm vui chơi, những nơi có thắng cảnh, di tích văn hóa, những bờ biển đẹp… để thụ hưởng, tiêu dùng các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần mà cuộc sống đã dành cho. Hưởng thụ, do đó, sẽ không chỉ giúp chúng ta thỏa mãn nhu cầu chính đáng của mình mà còn giúp ta tái sản xuất sức lao động, có thêm động lực, tinh thần để cống hiến được nhiều hơn và tốt hơn cho cộng đồng. Trong xã hội hiện đại ngày nay, không biết hưởng thụ, thậm chí còn bị coi là lạc hậu, là “ngố”, là kém văn minh. Vì thế, biết hưởng thụ cũng là biết sống, yêu sống, trước hết là sống cho mình, rồi đến là sống cho mọi người (mình vì mọi người). Tựu trung lại, con người có cống hiến và cũng có quyền được hưởng thụ với nhiều cách thức khác nhau, ở nhiều dạng thức không giống nhau, tùy theo nhu cầu, sở thích, khả năng, điều kiện của bản thân.

Tuy nhiên, ta không nên lạm dụng cái quyền được hưởng thụ để cho phép mình lãng quên hoặc tiết giảm những nghĩa vụ, trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Mỗi người cần phải cân mực hài hòa giữa cống hiến và hưởng thụ. Thậm chí, trong những hoàn cảnh nào đó của đời sống, cần biết hi sinh hoặc chấp nhận những thiệt thòi về bản thân để toàn tâm, toàn trí cho việc cống hiến. Bởi trong thực tế, việc đòi hỏi sự cân bằng tuyệt đối giữa hưởng thụ và cống hiến là chuyện không tưởng. Sự đãi ngộ dành cho những cống hiến của con người còn phải tùy thuộc vào điều kiện chung, mức sống chung của cộng đồng, xã hội. Vả lại, có những công việc, những cống hiến không thể lấy vật chất ra để đo, đếm. Vì thế, nhận thức về tương quan giữa hưởng thụ và cống hiến cần hài hòa và linh hoạt, có như thế ta mới dễ sống, dễ thăng tiến trong công việc của mình.

Tất nhiên, lý thuyết là như vậy, thực tiễn đôi khi lại là những câu chuyện khác, phong phú và phức tạp bội phần. Trong thực tế, mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ có ba biểu hiện cơ bản, từ đó hình thành ba lối sống : có người chỉ muốn hưởng thụ mà không muốn cống hiến hoặc khá hơn một chút là cống hiến ít nhưng đòi hỏi hưởng thụ phải thật nhiều; có người yêu cầu hưởng thụ phải cân bằng với cống hiến nên trước khi cống hiến thường đặt ra điều kiện thụ hưởng, nếu không sẽ không làm; có người nghĩ đến cống hiến nhiều hơn hưởng thụ, trước khi hưởng thụ. Loại thứ nhất là biểu hiện của tư tưởng cá nhân chủ nghĩa cực đoan, lười biếng, làm trì trệ xã hội, rất đáng phê phán. Loại thứ hai dễ được chấp nhận hơn song thiên về lối sống vật chất, chịu ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường, “tiền trao cháo múc”, vì thế cũng không được đề cao. Kiểu suy nghĩ và hành động thứ ba là biểu hiện của lối sống đẹp, có lý tưởng, hoài bão cao cả, rất đáng khuyến khích, nhất là ở tuổi trẻ, như lời của một bài hát : “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Vâng, hãy lấy cống hiến làm lẽ sống để hăng hái, xung phong đi vào những nơi khó khăn nhất, những phần việc gian nan nhất để có thể phát huy được nhiều nhất sức trẻ của mình đóng góp cho xã hội. Như Paven Cooc-sa-ghin trong “Thép đã tôi thế đấy” (N.Ôt-xtơ-rốp-xki), như “Gạo đem vào giã bao đau đớn. Gạo giã xong rồi trắng tựa bông. Sống ở trên đời người cũng vậy. Gian nan rèn luyện mới thành công” (Hồ Chí Minh), trong quá trình cống hiến không mệt mỏi đó, các bạn trẻ sẽ trưởng thành về mọi mặt, cả tư tưởng, tâm hồn, vốn sống, kiến thức, kĩ năng… Xã hội sẽ không quên chúng ta và tiền đồ sẽ mở rộng trước mắt mỗi người.

Nhà khoa học Mô-ri-son có lần nói : “Đời người được đo bằng tư tưởng và hành động chứ đâu phải được tính bằng thời gian”. Mỗi chúng ta cần phải xác định rõ tư tưởng : hãy nghĩ đến cống hiến nhiều hơn là hưởng thụ. Có tích cực cống hiến thì mỗi chúng ta mới có hạnh phúc, có điều kiện để nâng cao chất lượng hưởng thụ và giá trị bản thân. Vận dụng vào thực tiễn đời sống, thanh niên, HS cần học tập, tu dưỡng thật tốt để tích cực chuẩn bị cho việc cống hiến sau này. Hãy phấn đấu trở thành những người cống hiến nhiều nhất cho Tổ quốc, cho nhân dân. Khi đó sự hưởng thụ chính đáng sẽ đến với chúng ta và đất nước sẽ không bao giờ quên những gì mà chúng ta đã đóng góp.




tải về 0.58 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương