PHẦn I: VÀi nét về VĂn nghị luận các loại văn nghị luậN


V. Một số bài văn mẫu về nghị luận xã hội



tải về 0.58 Mb.
trang3/7
Chuyển đổi dữ liệu09.06.2018
Kích0.58 Mb.
#39762
1   2   3   4   5   6   7

V. Một số bài văn mẫu về nghị luận xã hội (GV trích đọc một số bài văn nghị luận xã hội hay để HS tham khảo cách viết)

Bài học sinh viết về đề: Tục ngữ Pháp có câu: "Tiền bạc là người đầy tớ trung thành và là người chủ xấu"(sách Hướng dẫn ôn tập và làm bài nghị luận xã hội- Tr 239)



VI. Các bài tập tự giải .

Đề 1

Trong truyện ngắn Đời thừa, nhà văn Nam Cao có viết:



"Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình."

(Ngữ văn 11 nâng cao, tập 1, NXB Giáo dục, 2007)

Suy nghĩ của anh, chị về ý kiến trên.

Đề 2

Người xưa nói "Không có cái hại nào lớn bằng không chịu sửa mình" Tại sao? Anh, chị nghĩ là chúng ta nên tự sửa mình như thế nào?



Đề 3

Suy nghĩ của anh(chị) về thực trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay?



Đề 4

Vấn đề sống thử trong một bộ phận thanh niên ngày nay?



Đề 5

Em hãy bày tỏ suy nghĩ của mình về hành động một học sinh đã quên mình cứu sống được ba em nhỏ bị đuối nước.



Đề 6

Người đi săn và con vượn

Có một người rất tài săn bắn. Nếu con thú rừng nào không may gặp bác ta thì hôm ấy coi như ngày tận số.

Một hôm, người đi săn xách nỏ vào rừng. Bác thấy một con vượn lông xám đang ngồi ôm con trên tảng đá. Bác nhẹ nhàng rút mũi tên bắn trúng tim con vượn mẹ.

Vượn mẹ giật mình, hết nhìn mũi tên lại nhìn về phía người đi săn bằng đôi mắt căm giận, tay không rời con. Máu ở vết thương từ từ rỉ ra loang khắp mũi tên.

Người đi săn đứng im chờ kết quả...

Bỗng vượn mẹ nhẹ nhàng đặt con nằm xuống, vơ vội nắm bùi nhùi gối lên đầu con, rồi nó hái cái lá to, vắt sữa vào và đặt lên miệng con. Sau đó, vượn mẹ nghiến răng giật phắt mũi tên ra, rú lên một tiếng ghê rợn rồi từ từ gục xuống.

Người đi săn đứng lặng. Hai giọt nước mắt từ từ lăn trên má. Bác mắm môi bẻ gãy cung nỏ và lẳng lặng quay gót ra về.

Từ đấy, bác không bao giờ đi săn nữa.

(Lep- tôn- xtôi)

Câu chuyện trên gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì?



PHẦN III: MỘT SỐ CHỦ ĐỀ VÀ BÀI VIẾT THAM KHẢO


  1. CHỦ ĐỀ

CHỦ ĐỀ 1 : THÀNH CÔNG VÀ THẤT BẠI

I. Lý thuyết

♦ Thành công

- Thành công : đạt được kết quả, mục đích như dự định. Gần nghĩa với thành đạt – đạt kết quả tốt đẹp, đạt mục đích về sự nghiệp. Trái nghĩa với thành công là thất bại (Từ điển Tiếng Việt)

- Khát vọng, mong ước thành công là khát vọng chính đáng, đáng được trân trọng của con người. Chỉ có điều không nên bất chấp mọi thủ đoạn xấu xa để đạt được thành công. Thành công chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người đạt được nó một cách chân chính, bằng những nỗ lực lao động, cố gắng, trí tuệ… của bản thân.

- Thành công là đích đến tốt đẹp nhưng đường đi đến thành công đôi khi không đơn giản, thậm chí, trái lại còn có nhiều chông gai, thử thách. Vì thế, thành công cũng là một thách thức về bản lĩnh, ý chí, sức mạnh thể chất, tinh thần của con người.

- Thành công là sự hội tụ của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Vì thể để thành công, con người không chỉ cần phát huy sức mạnh nội tại mà còn phải biết tận dụng các nguồn lực bên ngoài.

- Thành công cần được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau. Có khi mục đích đề ra không đạt được nhưng lại thành công ở phương diện khác.

Thất bại

- Đối lập với thành công là thất bại. Thất bại là không đạt được kết quả như dự định, mong muốn.

- Thất bại là một phần của đời sống. Không ai là không từng thất bại, dù nhỏ hay lớn. Do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan mà con người không lường trước được nên thất bại là điều khó tránh khỏi.

- Con người phải biết chấp nhận thất bại và phải dũng cảm nhìn thẳng vào thất bại để rút ra bài học cho bản thân. Điều quan trọng không phải là thất bại bao lần mà là đối diện với nó, rút ra từ nó những kinh nghiệm xương máu cho bản thân để không lặp lại.

- Thất bại đôi khi là mẹ của thành công.

II. Thực hành, luyện tập

1. Hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 chữ) trình bày ý kiến của anh (chị) về nhận định sau :

Thành công là tích số của: làm việc, may mắn và tài năng”

(Trích : Những vòng tay âu yếm, NXB Trẻ, Tp.HCM, 2003)
[1] Mở bài

- Dẫn dắt : chủ đề thành công

- Nêu câu nói

[2] Thân bài

● Giải thích

+ Thành công : kết quả tốt đẹp, thành tích, thành tựu mà con người đạt được sau những nỗ lực, cố gắng.

+ Tích số : phép nhân của các số, ở đây được hiểu là sự phối kết, nhân lên của các yếu tố tạo nên thành công.

+ Làm việc : hành động suy nghĩ, thể chất tiến hành một công việc nào đó.

+ May mắn : yếu tố thuận lợi do khách quan đem lại, nhờ đó mà con người có được thành công.

+ Tài năng : khả năng đặc biệt, sự khéo léo hơn người, trí sáng tạo vượt trội.

+ Ý cả câu : khẳng định thành công không tự nhiên mà có, nó là sự phối kết, nhân lên của nhiều yếu tố mà ở đây là làm việc, may mắn và tài năng.

● Phân tích :

- Vì sao “thành công lại là tích số của làm việc, may mắn và tài năng” ? Vì :

+ Muốn có thành công, điều đầu tiên là con người phải biết làm việc (trí óc, chân tay), không thể lười biếng. Làm việc chính là sự hiện thực hóa những suy nghĩ, những ý tưởng, những hoài bão, dự định tốt đẹp mà con người muốn đạt được. Làm việc là hành động thực tiễn để biến những mục tiêu sống của mỗi người thành hiện thực. VD : Ngô Bảo Châu làm việc cật lực 15 năm để giải bài toán về Bổ đề; thành công của nghệ sĩ Phùng khi anh mai phục nhiều ngày trời mới chụp được bức ảnh trời cho.

+ Muốn có thành công, con người cũng cần có yếu tố may mắn, bởi may mắn sẽ giúp ta dễ dàng hoàn thành mục tiêu hoặc hoàn thành một cách thuận lợi, tốt đẹp những ý tưởng đặt ra. May mắn có khi chỉ là thứ “gia vị” cho bữa ăn nhưng cũng có khi nó là “cơm”, là “thịt” hay các “món chính” trên “mâm cỗ”. VD : Cũng vẫn là Ngô Bảo Châu may mắn khi gặp được Giáo sư Gérard Laumon.

+ Song muốn có thành công, con người còn phải cần có tài năng nữa vì làm việc một cách thiếu suy nghĩ, thiếu các năng lực thực hiện thì thành công cũng khó mà đạt được, như lãnh tụ Lênin đã có lần nói : “Nhiệt tình + ngu dốt = phá hoại”. Và may mắn thì không phải lúc nào cũng đến và đến với mọi người. VD : Ngô Bảo Châu thể hiện tài năng toán học từ nhỏ.

+ Từ những phân tích trên có thể khẳng định : thành công của con người thường đòi hỏi nhiều yếu tố hợp lại. Mỗi yếu tố, bằng sức mạnh riêng của nó, sẽ góp phần tạo nên thành công.

- Vì sao trong câu nói trên thứ tự của các yếu tố tạo nên thành công lại là “làm việc, may mắn và tài năng” ? Vì : người viết muốn nhấn mạnh yếu tố chủ quan; yếu tố khách quan chỉ là thứ yếu. Thêm nữa, có làm việc thì may mắn mới đến. May mắn chỉ đến với ai chịu khó làm việc. Còn tài năng chỉ là tiền đề, như Ê-đi-sơn đã nói : “Trong thành công của tôi, chỉ có một % là thiên tài, còn 99% là mồ hôi và nước mắt”.

● Bình luận :

+ Câu trên là rất đúng đắn, dễ tìm được sự đồng tình của nhiều người.

+ Tuy nhiên, để thành công con người còn phải có nhiều yếu tố khác nữa : sức khỏe, ý chí, nghị lực, phương pháp làm việc, thậm chí kể cả những thất bại trước đó…

+ Thành công thường đi liền với thất bại. Đôi khi “thất bại là mẹ của thành công”. Nên con người cần biết rút kinh ngiệm sau những thất bại để có được những thành công.

+ Sự sắp xếp thứ tự trên… còn tùy thuộc vào quan niệm, nhận thức, góc độ tiếp cận vấn đề của mỗi người, mỗi lĩnh vực công việc. Chẳng hạn : lĩnh vực văn học nghệ thuật, muốn có thành công trước hết người nghệ sĩ phải có năng khiếu : “Riêng tôi giời bắt làm thi sĩ” (Nguyễn Bính); “Có lột da tôi tôi cũng chịu, đến hai câu thơ cũng không làm nổi”1 – (Lênin). Thậm chí, như nhà văn Thạch Lam có lần phát biểu: “Người ta sinh ra là nghệ sĩ hay không chứ không thể học tập mà thành được” (Theo dòng).

[3] Kết bài

- Bài học nhận thức

- Hành động của bản thân



2. Hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 chữ) trình bày ý kiến của anh (chị) về hai câu thơ sau :

Ai chiến thắng mà không hề chiến bại

Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần

(Tố Hữu)

[1] Mở bài

- Dẫn dắt : chủ đề chiến thắng và thất bại trong cuộc sống

- Nêu câu thơ

[2] Thân bài :

Giải thích :

+ Thắng, khôn, bại, dại : thắng là vượt qua một đối thủ, một cản trở… nào đó trong cuộc sống để khẳng định được sức mạnh, bản lĩnh, khả năng của bản thân. Khôn : sự hiểu biết, khéo léo, tài tình trong hành động, cách ứng xử (khôn ngoan, khôn khéo). Bại, dại : ngược với thắng và khôn.

+ Ai chiến thắng mà không hề chiến bại : Chiến thắng và thất bại thường tồn tại cạnh nhau như một thực tế khách quan. Không ai là không từng có lần thất bại trong cuộc sống. Những người thành công thường là những người đã từng trải qua những thất bại trong cuộc đời.

+ Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần : cũng như thắng và bại, khôn và dại thường tồn tại khách quan bên nhau trong cuộc sống. Con người trở nên khôn hơn sau khi trải qua những lần dại dột.

+ Hai câu thơ có ý nghĩa như một bài học về thành công, thắng lợi của con người trong cuộc đời, đồng thời là lời động viên, khích lệ con người sau những thất bại trong cuộc sống.



Phân tích

- Vì sao Ai chiến thắng mà không hề chiến bại ?

+ Vì thất bại sẽ giúp con người nhận ra lỗi lầm, khiếm khuyết, tránh được những sai sót, từ đó có thể thắng lợi.

+ Vì thất bại cũng là một động lực để con người sửa chữa, tạo nên chiến thắng bù đắp cho những thất bại đã qua.

- Vì sao Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần ?

+ Không ai sinh ra đã khôn ngay mà phải trải qua những va vấp mới đúc rút kinh nghiệm cho bản thân để trở nên khôn ngoan hơn.

+ Không ai có thể biết hết mọi việc, lường trước mọi chuyện sẽ xảy ra, cho nên chỉ sau khi có những trải nghiệm mới thấu hiểu thực tế, từ đó mà khôn khéo hơn.

Bình luận

+ Câu nói thể hiện một quan điểm đúng.

+ Nhưng thắng lợi cần thiết nhưng không thể bằng mọi giá; khôn ngoan thì tốt nhưng khôn lỏi hay lọc lõi đến mức lạnh lùng, tàn nhẫn thì không được. Mặt khác, ngủ quên trong chiến thắng đã hàm chưa yếu tố thất bại; chủ quan với sự khôn ngoan của mình sẽ tiềm ẩn yếu tố dại dột tiếp theo.

[3] Kết bài

- Cho nên, vấn đề đặt ra là con người phải không ngừng tu dưỡng rèn luyện về bản lĩnh, ý chí, sự hiểu biết để có sự cần bằng trong cuộc sống, để ngày càng khôn ngoan hơn và bớt những dại dột có thể nảy sinh thất bại.

- Điều này càng trở nên cần thiết đối với thế hệ trẻ - những người đang chuẩn bị hành trang bước vào cuộc sống. Những hành động tu dưỡng bản thân chưa bao giờ là muộn và thừa đối với mỗi HS, SV.

Đề luyện tập ở nhà :

1. Hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 chữ) trình bày ý kiến của anh (chị) về nhận định sau : Mong muốn đạt được thành công là đáng quý nhưng dám chấp nhận thất bại còn đáng trân trọng hơn.

Gợi ý

● Phân tích

Vì sao “Mong muốn… thất bại ?”. Vì :

- Thành công là mục tiêu lý tưởng, những dự định tốt đẹp mà con người muốn đạt được. Có thành công, con người không chỉ nâng cao giá trị của bản thân mà còn đóng góp cho sự phát triển chung của cộng đồng, xã hội.

- Thành công chân chính nào cũng là kết quả của quá trình lao động (trí óc, thể chất) kiên trì, bền bỉ của con người. Thành công đòi hỏi mỗi người phải phát huy tối đa những phẩm chất và năng lực đã có để vượt qua những khó khăn, thách thức. Vì thế mong muốn thành công cũng có nghĩa là con người dám chấp nhận thử thách, chông gai, sẵn sàng huy động sức lực, trí lực của mình để góp phần tạo nên những giá trị tốt đẹp cho bản thân và xã hội. Người như thế liệu có đáng quý ?!

- Nhưng biết chấp nhận thất bại cũng đáng quý trọng không kém vì không phải ai cũng đủ bản lĩnh đứng dậy sau những lần vấp ngã. Biết chấp nhận thất bại có nghĩa là ta đã chứng tỏ ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn của bản thân, và điều quan trọng nhất là dám sửa sai để không đi lại vết xe đổ trước đó. Nói cách khác, dám chấp nhận thất bại đồng nghĩa với việc ta không lùi bước mà sẵn sàng rút kinh nghiệm để tạo nên những thành công. Chẳng thế mà cựu Tổng thống Hoa Kỳ A.Lincoln đã từng nói : “Điều tôi muốn biết trước tiên không phải là bạn đã thất bại ra sao mà là bạn đã chấp nhận nó như thế nào”. Còn Henry Ford (1863 -1947) - người sáng lập Công ty Ford Motor, từng là một trong ba người giàu nhất thế giới cũng đã đúc kết :“Thất bại đơn giản chỉ là cơ hội để bắt đầu lại mọi thứ một cách thông minh hơn”.



● Bàn luận

- Mong muốn đạt được thành công là đáng quý nhưng nó vẫn chỉ là mơ ước. Con người phải bằng những hành động thực tế của mình biến ước mơ đó thành hiện thực. Nhưng nói thì dễ, làm mới khó, con đường đi tới thành công không trải đầy hoa hồng mà trái lại lắm thử thách, chông gai. Bởi thế con người phải phát huy tối đa sức mạnh nội tại và tranh thủ ngoại lực kể cả may mắn để thành công.

- Thành công là đáng quý nhưng cũng không nên bằng mọi giá kể cả phải làm những điều xấu xa để đạt được thành công, giống như Erostrate – kẻ đã nổi lửa đốt ngôi đền tuyệt đẹp thờ nữ thần Artemis thời cổ đại ở Hy Lạp. Bởi như thế con người sẽ trở nên mù quáng, gây hại cho bản thân và cộng đồng.

- Chấp nhận thất bại là một phẩm chất nhân cách nhưng cũng không nên vì thế mà cho phép mình dễ dãi với những thất bại tức là để thất bại đến và đi một cách dễ dàng, nhanh chóng.

- Trong cuộc sống, con người khó tránh khỏi những vấp ngã nhưng cũng phải biết hạn chế tối đa những đổ vỡ, nhất là những thất bại lãng nhách. Đó là chưa kể có những thất bại rất khó khắc phục, sửa chữa, thậm chí không thể làm lại được. Như nhân vật Hồn Trương Ba trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt (Lưu Quang Vũ) đã nói : “Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ còn cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác”.

2. Hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 chữ) trình bày ý kiến của anh (chị) về nhận định sau : Thất bại không phải là sự lựa chọn tốt nhất cho thành công mà chính thành công của ngày hôm nay mới là tiền đề cần thiết cho thành công ngày mai.

Gợi ý

● Phân tích

Vì sao “Thất bại… ngày mai ?”. Vì :

- Thất bại có thể khiến người ta suy sụp, không thể đứng dậy, từ đó đánh mất luôn cả niềm tin vào chính mình và cuộc sống xung quanh. Lúc đó, con người trở nên bi quan, yếm thế, thiếu sinh khí, động lực làm việc, chỉ làm cầm chừng cho qua ngày hoặc không làm gì cả.

- Có những thất bại không thể sửa chữa được, như nhân vật Hồn Trương Ba trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt (Lưu Quang Vũ) đã nói : “Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ còn cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác”.

- Trong khi đó thành công của ngày hôm nay có thể là động lực tiếp thêm sức mạnh để con người vươn tới những thành công tiếp theo. Hoặc chính thành công này đã mở ra cơ hội, tiền đề cho thành công khác. VD : Lê Quang Liêm, S.Job

Bàn luận

Câu nói không hoàn toàn đúng vì trên thực tế :

+ Có những thất bại cần thiết hơn, quan trọng hơn là thành công. Chính thất bại khiến con người phải sửa sai, nhìn lại, “tỉnh giấc” sau khi đã “ngủ quên” quá lâu trong chiến thắng. Nhờ thất bại mà bài học xương máu được rút ra và từ đó có những thành công lớn hơn.

+ Không phải thành công nào cũng đưa đến những thành công kế tiếp vì mỗi thời điểm, mỗi không gian, mỗi mối quan hệ đều đưa đến những thay đổi không giống trước. Vì thế trong hôm nay và tại không gian này anh có thể thành công nhưng ngày mai hoặc ở nơi khác anh lại thất bại. Mặt khác, khi thành công con người dễ chìm đắm trong men say chiến thắng mà quên mất rằng cuộc sống không dừng lại, nó vẫn tiếp diễn với những dạng thức mới và những yêu cầu, đòi hỏi mới. Lãnh tụ Lênin có lần nói : “Ưu điểm kéo dài quá lâu thành khuyết điểm”. Ưu điểm của ngày hôm nay rất có thể trở thành rào cản của những tiến bộ ngày mai.

Bài học nhận thức

Cho nên, con người phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để có bản lĩnh dám chấp nhận và vượt qua thất bại đồng thời đủ tỉnh táo để không huyễn hoặc hay ảo tưởng hóa bản thân trong những chiến tích vừa qua. Một mặt, ta cần nhớ “Điều tôi muốn biết trước tiên không phải là bạn đã thất bại ra sao mà là bạn đã chấp nhận nó như thế nào” (A.Lincoln); mặt khác, ta cũng không nên quên “Thành công là một cuộc hành trình chứ không phải là điểm đến” (Mozart)

B3. Hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 chữ) trình bày ý kiến của anh (chị) về nhận định sau : Dám chấp nhận thất bại còn đáng trân trọng hơn đạt được thành công.

II. BÀI VĂN THAM KHẢO

Thành công là tích số của: làm việc, may mắn và tài năng”

1. Có ai trong cuộc đời không một lần nghĩ đến thành công ? Và thành công là gì mà bao nhiêu người luôn phải bận tâm theo đuổi ? Những câu hỏi ấy chắc sẽ còn khiến nhân loại phải tốn nhiều giấy mực vì chừng nào con người còn sống, còn mong muốn thành công thì chừng đó người ta sẽ còn bàn định về nó. Riêng tôi, trong phạm vi bài viết này, chỉ xin mượn ý của một câu danh ngôn nọ để trình bày những suy nghĩ riêng và hạn hẹp của mình về chủ đề thành công :

Thành công là tích số của: làm việc, may mắn và tài năng”

2. Theo Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), “thành công” là “đạt được kết quả, mục đích như dự định”. Thành công gần nghĩa với thành đạt – “đạt được kết quả tốt đẹp, đạt được mục đích về sự nghiệp”. Nói khác đi, thành công là những thành tích, thành tựu mà con người đạt được sau những nỗ lực, cố gắng. “Tích số” là phép nhân của các số, ở đây được hiểu là sự phối kết, nhân lên của các yếu tố “làm việc, may mắn và tài năng”. Nếu “làm việc” là hành động suy nghĩ hoặc thể chất tiến hành một công việc nào đó thì “may mắn” là những yếu tố thuận lợi do khách quan đem lại, nhờ đó mà con người có được thành công. Còn “tài năng” là khả năng đặc biệt, sự khéo léo hơn người, trí sáng tạo vượt trội của con người. Từ đây, ta hiểu tác giả của câu nói muốn khẳng định: thành công không tự nhiên mà có, nó là sự phối kết, nhân lên của nhiều yếu tố như làm việc, may mắn và tài năng.

Như ta đều biết, sự thành công của mỗi người trong cuộc sống có nhiều biểu hiện khác nhau, có thể nói là muôn hình nghìn trạng. Nhưng nếu xem xét vấn đề này trong cái nhìn phổ biến thì dường như không có thành công nào lại không đi qua những việc làm cụ thể. Bởi làm việc là sự cụ thể hóa những suy nghĩ, ý tưởng, hoài bão, dự định tốt đẹp mà con người muốn đạt được. Không làm việc, những mục tiêu sống, dù cao cả và tốt đẹp đến mấy, hay dễ dàng đến mấy cũng chỉ là những ý niệm đâu đó trong hư vô hay là những câu “lý thuyết suông” thiếu sinh khí. Chính vì làm việc, thậm chí là làm việc cật lực suốt 15 năm trời mà Ngô Bảo Châu – nhà khoa học Việt Nam đầu tiên đạt giải Field (tương đương giải Nobel trong Toán học), giải xong bài toán về Bổ đề cơ bản, để đem về vinh quang cho đất nước ngày hôm nay. Để trở thành một nghệ sĩ piano tài dành tầm cỡ thế giới, NSND Đặng Thái Sơn đã phải làm việc quên ăn, quên ngủ bên cây đàn, đến mức 10 đầu ngón tay bị tê dại. Còn Lê Quang Liêm – chàng trai vàng của cờ vua Việt đã phải lên cả một chương trình làm việc cho nhiều năm, hi sinh cả những cái Tết sum họp bên gia đình để có hệ số elo ở mức Siêu đại kiện tướng quốc tế… Còn biết bao nhiêu con người thành công khác đã, đang và vẫn miệt mài trên bàn làm việc, trên công trường, nông trường, trên mặt trận an ninh, quốc phòng, ngoại giao, văn hóa nghệ thuật… Không ai trong họ là không thấm thía câu nói : “Trên đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”.

Nhưng trong thành công của những con người đã và đang lao động sáng tạo hết mình ta thấy họ còn có yếu tố may mắn - những thuận lợi khách quan vừa ngẫu nhiên vừa tất yếu. May mắn của Ngô Bảo Châu là gặp được Giáo sư Gérard Laumon – người thầy không được giải Field Toán học nào nhưng lại có hai người học trò đạt được những giải thưởng cao nhất của Toán học thế giới. Chính ông đã khơi gợi, khích lệ, chỉ dẫn cho Ngô Bảo Châu trên hành trình toán học để đến với đỉnh vinh quang. Ở đây, may mắn vừa ngẫu nhiên lại vừa tất yếu. Ngẫu nhiên là bởi : đầu tiên Ngô Bảo Châu đăng ký học tiếng Hungary để xin học bổng đi nước này. Nhưng đúng năm đó, xảy ra tình hình bất ổn ở Đông Âu và Ngô Bảo Châu phải gác lại giấc mơ du học ở đây. Đúng khi ấy, có một vị tiến sĩ người Pháp sang hợp tác với Viện Cơ học, nơi bố anh là GS. Ngô Huy Cẩn công tác. Nghe GS.Cẩn kể về thành tích 2 năm liền đoạt HCV Olympic toán của con trai, vị tiến sĩ này lập tức xin cho Châu một suất học bổng đi Pháp. Và thế là có một Ngô Bảo Châu mang hai quốc tịch và làm rạng danh hai quốc gia Pháp – Việt như ngày nay. Nhưng may mắn này cũng là tất yếu vì đối với một người không ngừng làm toán và chưa bao giờ thôi cháy bỏng ngọn lửa vươn lên đỉnh Olympia trong Toán học như Ngô Bảo Châu thì trước sau những điều tốt đẹp sẽ đến với anh… Cho nên, may mắn thường chỉ đến với ai chịu khó làm việc.

Không thể phủ nhận giá trị của những may mắn nhưng may mắn không phải khi nào cũng đến và dành cho tất cả mọi người. Vì thế, để chắc chắn hơn về thành công, con người còn phải cần có tài năng. Bởi chính khả năng làm việc hiệu quả, chất lượng và ở trình độ cao là yếu tố cơ bản quyết định thành công của mỗi người. Như lãnh tụ Lênin đã có lần nói : “Nhiệt tình + ngu dốt = phá hoại”. Làm việc mà không dựa trên những các năng lực thực tế thì thành công khó mà đạt được, chứ đừng nói là đạt được một cách mĩ mãn. Trở lại với Ngô Bảo Châu, không ai phủ nhận lao động nghề nghiệp cũng như may mắn của anh nhưng chỉ chừng đó thôi thì chưa đủ. Xuất phát điểm của giải Field có lẽ trước hết bắt nguồn từ một tài năng toán học – cái khả năng thiên phú, di truyền từ nhỏ bất chấp cái hoàn cảnh sống nuôi dưỡng tài năng ấy rất khó khăn (Theo lời kể của PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền – mẹ Ngô Bảo Châu, hồi nhỏ anh thường phải uống sữa quá thời hạn)…

Rõ ràng, thành công có sự hợp thành của “làm việc, may mắn và tài năng”. Nhưng vì sao trong câu văn trên thứ tự của các yếu tố tạo nên thành công lại là như thế ? Đảo lại có được không ? Chắc là không, vì tác giả của nó, có lẽ sau bao đúc kết, chiêm nghiệm của bản thân, đã muốn nhấn mạnh, đặt lên trước hết yếu tố chủ quan trong việc kiến tạo thành công của con người. Yếu tố khách quan không thể thiếu nhưng chỉ là thứ yếu. Ở đây, làm việc chính là yếu tố chủ quan được thể hiện một cách rõ nét nhất. Văn hào Gớt đã từng nói “Lý thuyết chỉ là màu xám. Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”. Nhà triết học nổi tiếng Các Mác đã có lần phát biểu : “Hành động là thước đo của chân lý”. Không làm việc, mọi dự định, ý tưởng tốt đẹp chỉ giống như những cánh bướm ép khô trên trang giấy mà không bao giờ có cái sinh khí, cái sức sống đẹp tươi của những cánh bướm bay trên bầu trời đầy hoa thơm trái ngọt. Thêm nữa, may mắn nhiều khi cũng không tự đến. Chính những hành động việc làm của con người đã mang may mắn đến. Nghĩa là may mắn chỉ đến với ai chịu khó làm việc. Không chịu khó về vùng biển miền Trung và kiên trì mai phục, liệu nghệ sĩ Phùng (Chiếc thuyền ngoài xa) có được bức họa “trời cho” ấy không ? Còn tài năng thực ra chỉ là tiền đề. Đó là khả năng lao động có chất lượng cao nhưng mởi ở dạng tiềm ẩn, khác với năng lực là khả năng thực hiện hiệu quả những công việc nào đó trong thực tiễn. Chẳng phải ngẫu nhiên, nhà khoa học nổi tiếng E-đi-son đã từng nói : “Trong thành công của tôi, chỉ có 01 % là thiên tài, còn 99% là mồ hôi và nước mắt”.

Đến đây, có thể khẳng định, câu danh ngôn trên về thành công (với một cấu trúc và trật tự logic như thế) là rất đúng đắn, dễ tìm được sự “đồng ý, đồng tình” của nhiều người. Tuy nhiên, chẳng có áng văn nào, dù lớn đến đâu có thể sánh với sự phong phú của đời sống, chẳng có sự khái quát nào bao trọn được cuộc đời. Cho nên, cũng như nhiều câu nói khác, câu danh ngôn này mới chỉ giới hạn ở ba thành tố là : làm việc, may mắn, tài năng”, trong khi để thành công con người còn phải có nhiều yếu tố khác nữa như : sức khỏe, ý chí, nghị lực, phương pháp làm việc, thậm chí kể cả những thất bại trước đó… bởi “Thất bại là mẹ của thành công” (Tục ngữ), “Thất bại đơn giản chỉ là cơ hội để bắt đầu lại mọi thứ một cách thông minh hơn” (Henry Ford). Ngoài ra, sự sắp xếp thứ tự các yếu tố tạo nên thành công nêu trên còn tùy thuộc vào quan niệm, nhận thức, góc độ tiếp cận vấn đề của mỗi người, mỗi lĩnh vực công việc. Chẳng hạn như ở lĩnh vực văn học nghệ thuật, muốn có thành công trước hết người nghệ sĩ phải có năng khiếu, tức là khả năng thiên phú. Ta hiểu vì sao lãnh tụ V.lênin đã có lần trải lòng chân thật : “Có lột da tôi tôi cũng chịu, đến hai câu thơ cũng không làm nổi”2. Còn nhà thơ “chân quê” Nguyễn Bính, sau một đời làm thơ đã phải tự nhận : “Riêng tôi giời bắt làm thi sĩ”. Thậm chí, trong tiểu luận phê bình văn học “Theo dòng”, nhà văn Thạch Lam đã mạnh mẽ phát biểu : “Người ta sinh ra là nghệ sĩ hay không chứ không thể học tập mà thành được”. Vậy đấy, từ các góc độ tiếp cận khác nhau, sẽ còn có những quan niệm và hệ thống khác nhau về thành công.

Nhưng như đã nói, phạm vi bài viết chỉ cho phép người viết có những bàn luận nhỏ về thành công. Cái chính là từ câu danh ngôn này, ta rút ra được nhiều bài học về nhận thức và hành động sống, rằng : chẳng có thành công nào là không đòi hỏi con người phải phát huy tối đa các yếu tố chủ quan và tận dụng tốt nhất có thể những thuận lợi khách quan; rằng : ngay từ bây giờ, mỗi HS, SV hãy bắt đầu cho những thành công trong tương lai bằng chính những việc làm cụ thể và tích cực của mình. Vì “Future from to day” (Ngạn ngữ Anh).



tải về 0.58 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương