Phạm Kim Khánh



tải về 0.58 Mb.
trang8/14
Chuyển đổi dữ liệu17.08.2016
Kích0.58 Mb.
#21458
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   14

Chánh Tư Duy


Chi thứ nhì của Bát Chánh Đạo là Chánh Tư Duy, suy tư đúng đắn (sammà sankappa. Sammà là đúng, chân chánh. Sankappa là suy tư, ước nguyện, có ý định). Chánh Tư Duy (sammà sankappa) là suy tư chân chánh, trong ý nghĩa có những tư tưởng hướng đến hành động chân chánh, hay quyết định, lập tâm quyết đến hành động tạo thiện nghiệp.

Khi căn bản của sự hiểu biết đúng đắn và vững chắc, ta suy tư đúng đắn. Như vậy, Chánh Kiến dẫn đến Chánh Tư Duy. Tư tưởng chân chánh bắt nguồn từ sự hiểu biết chân chánh, và dẫn đến hành động chân chánh. 

Người hiểu biết chân chánh (Chánh Kiến) ắt suy tư chân chánh (Chánh Tư Duy). Đàng khác người suy tư chân chánh cũng hiểu biết chân chánh. Hai chi đầu tiên của Bát Chánh Đạo liên quan với nhau rất mật thiết và ảnh hưởng với nhau rất chặt chẽ. Tri kiến thâm diệu về bản chất thật sự của kiếp sinh tồn được hoàn mãn thành tựu nhờ suy tư sâu sắc, và quán trạch tận tường, suy tư cặn kẻ sẽ đưa đến giá trị tinh thần hướng đến hành động chân chánh tương xứng với tri kiến. Hai chi Chánh Kiến và Chánh Tư Duy hợp thành giai đoạn "Tuệ" của Con Đường Giải Thoát.

Chánh Tư Duy nằm khoảng giữa, nối liền một bên là Chánh Kiến và bên khác là bộ ba Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng. Do hiểu biết chân chánh phát sanh những tư tưởng chân chánh, tư tưởng chân chánh dẫn đến hành động chân chánh biểu hiện bằng lời nói chân chánh, tạo nghiệp chân chánh và nuôi mạng chân chánh. Điều nầy cho thấy rằng Chánh Tư Duy không phải là những suy tư riêng rẻ, độc lập, mà là suy tư bắt nguồn từ hiểu biết chân chánh và đưa đến hành động chân chánh.

Chúng ta tạo nghiệp bằng thân, khẩu, ý. Tuy nhiên, cho đặng đi đến hành động bằng thân phải có ý muốn hành động, trước khi nói ra lời phải có tư tưởng. Như vậy, chính cái tâm là nơi bắt nguồn tất cả hành động tạo nghiệp. Do đó Kinh Pháp Cú bắt đầu bằng hai câu, 

"Tâm dẫn đầu các pháp. Tâm là chủ. Tâm tạo tác tất cả. 


Nếu nói hay làm với tâm bất thiện, đau khổ sẽ theo liền với ta như bánh xe lăn theo dấu chân con bò." (câu 1)

"Tâm dẫn đầu các pháp. Tâm là chủ. Tâm tạo tác tất cả. 


Nếu nói hay làm với tâm trong sạch, hạnh phúc sẽ theo liền với ta như bóng không bao giờ rời hình." (câu 2)

Theo triết học Phật Giáo, một hành động biểu hiện bằng thân, khẩu, hay ý, chỉ tạo nghiệp khi nào hành động ấy được thực hiện với "ý muốn làm", hay nói cách khác, được thực hiện với tâm sở "tác ý" (cetanà). Một em bé cầm giàn thun nhắm bắn trái xoài trên cây. Rủi ro cục đá không trúng trái xoài mà bay thẳng, trúng ngay vào con chim đậu gần đó. Chim chết, nhưng em bé không tạo nghiệp sát sanh. Tại sao? Vì em không cố tình bắn chết con chim, trong tâm của em lúc ấy không có tâm sở "tác ý", em không cố ý sát hại một sinh vật. Một người khác, khoét vách, đào ngạch, định vào trộm của trong nhà kia. Chủ nhà hay được, người ấy bỏ chạy. Tuy không lấy trộm được gì nhưng người ấy đã tạo nghiệp trộm cắp vì lúc ấy anh cố tâm trộm cắp. Trong tâm anh lúc ấy có tâm sở "tác ý" lấy trộm của người.

Vi Diệu Pháp cũng dạy rằng trong một loại tâm, có một số nhiều hay ít các tâm sở đồng phát sanh, đồng hoại diệt, và cùng hướng về một đối tượng. Như vậy, khi Đức Phật dạy rằng "tâm dẫn đầu các pháp", một cách chính xác ta nên hiểu rằng "tâm dẫn đầu các tâm sở". Thí dụ như khi mắt (nhãn căn) nhìn một tượng Phật (nhãn trần), tức có sự thấy (nhãn thức). Nhãn thức chỉ là "sự thấy", không có sự phân biệt. Chính tâm sở "thọ" phân biệt hình dáng, màu sắc v.v... mà không hiểu biết đó là gì, và tâm sở "tưởng" nhận ra, hay biết đó là tượng Phật. Cùng lúc, trong số 50 tâm sở còn lại (ngoài thọ và tưởng), có một số tâm sở đồng phát sanh như: tín, niệm, xả, an khinh, tinh luyện, nhu thuận, tác ý, v.v... và trong số các tâm sở nầy chính cetana, tâm sở "tác ý", tạo nghiệp. Do đó Đức Phật dạy: "Như Lai tuyên bố, chính tác ý là nghiệp." Trong trường hợp câu Pháp Cú số (1) -- tâm dẫn đầu các pháp -- danh từ "pháp" có nghĩa là những tâm sở bất thiện, và trong câu (2), pháp là tâm sở thiện. Nếu không có tâm, ắt không có sự thấy tượng Phật (nhãn thức), tức nhiên các tâm sở khác như thọ, tưởng, tín, niệm, tác ý, v.v... không phát sanh. Do đó tâm là cái đến trước. Tâm dẫn đầu tất cả những tâm sở thiện và bất thiện. Và trong số ấy, tâm sở tác ý, hay ý muốn làm, là quan trọng hơn tất cả vì chính tác ý tạo nghiệp. Tâm dẫn đầu mọi hành động và tác dụng như thành phần chánh yếu trong khi tác hành cũng như trong khi quyết định tác động. Chính tâm điều khiển và tạo tác hành động -- biểu hiện dưới hình thức thân, khẩu, hay ý.

Trong cặp song yếu nầy Đức Phật nhấn mạnh vào vai trò rất quan trọng của tâm suy tư chân chánh (Chánh Tư Duy) trong kiếp sống con người. Và từ đó Đức Thế Tôn giải thích bằng cách nào hành động có thể trở nên thiện hay bất thiện, tùy theo các tâm sở đồng phát sanh đưa đến hành động. Cuối cùng Ngài nhắc đến hậu quả dĩ nhiên phải có của những hành động tương tợ.

Tâm có khả năng kiến tạo vô bờ bến, mà cũng có sức phá hoại không thể lường được. Tâm tạo thiên đàng mà cũng tâm, tạo địa ngục. Tâm có thể dẫn dắt ta đi rất xa trên con đường thiện, mà cũng có thể đưa ta xuống thật sâu trong vực thẩm của tội ác. Giống như lưỡi dao bén. Ta có thể dùng nó để tự cạo râu tóc hay tự khứa cổ mình. Chính ta phải quyết định dùng nó vào việc nào. Chánh Tư Duy là có tư tưởng đúng, là quyết định chân chánh, có tâm hướng thiện. Chánh Tư Duy gồm ba loại:

1) Tâm dứt bỏ. Đức Phật dùng danh từ nekkhama, có nghĩa là xuất gia, hàm xúc sự từ khước những dục vọng trần tục, và nghịch nghĩa với tham dục, tâm luyến ái, vị kỷ, bám níu vào tư sản.

2) Tâm không thù hận, avyàpada, tức từ ái, thiện ý, hảo tâm, nghịch nghĩa với sân hận, ác ý, oán ghét.

3) Tâm không hung bạo, avihimsa, tức ôn hòa, hiền lương, lòng bi mẫn, không hung ác, bạo tàn.

1. Tâm dứt bỏ

Nguồn gốc của đau khổ là ái dục, và luyến ái là một hình thức ái dục. Do đó loại tư tưởng chân chánh đầu tiên là khước từ, dứt bỏ, không luyến ái.

Do màn vô minh che lấp, chúng ta tự đồng hóa với ngũ uẩn, và lầm lạc chấp rằng thân nầy là "ta", thọ nầy là "ta" v.v... "ta" là thân nầy, "ta" là thọ nầy v.v... và từ vô lượng kiếp chúng ta gia công vun quén đấp bồi cái ảo kiến "ta" một cách kiên cố. Chúng ta thỏa thích thọ hưởng những gì thuận ứng với những đòi hỏi của cái được gọi là "ta", và bám chặt, ôm sát, níu chắc, những dục vọng. Chúng sanh mê muội trong đám mây vô minh, lấy cái "ta" làm trung tâm của mọi sự vật và cố đem vào càng nhiều càng tốt, bám lấy càng chặt càng hay. 

Nhưng khổ thay! dục vọng không bao giờ được thỏa mãn trọn vẹn, vì bản chất tham dục của con người là không bao giờ biết đủ. Khi một điều mong muốn được thành đạt, thì có một mong muốn mới phát sanh. Con người luôn luôn chạy theo những thích thú tạm bợ mới, cố rượt theo để bám lấy những ảo ảnh, để cố chụp cho được cái mà thật sự chỉ là những hình bóng ảo huyền, và như thế con người luôn luôn châm nhiên liệu để dưỡng nuôi và bảo trì ngọn lửa tham ái của kiếp sinh tồn. Chính sự tham muốn ích kỷ, sự luyến ái vô độ lượng, và sự bám níu đam mê dính chặt vào những sự vật trên thế gian đã lôi cuốn con người mãi mãi lặn hụp trong biển trầm luân. Vì thế, món thuốc đầu tiên để làm giảm suy căn nguyên luyến ái của chứng bệnh đau khổ là tâm dứt bỏ, khước từ, mà danh từ được Đức Phật dùng là nekkhama, xuất gia, hàm ý là từ khước những dục lạc trần tục để chọn lấy đời tu sĩ.

Dĩ nhiên, nhận thức rằng xa hoa vật chất là ảo huyền, và thú vui trần tục không tạo hạnh phúc thật sự, rồi tự nguyện lìa bỏ tất cả sự nghiệp trên đời để khoác lấy tấm y vàng làm người không nhà cửa, không gia đình, tự ý sang đời nghèo nàn, đơn giản, để cố gắng sống hoàn toàn trong sạch, là hình thức khước từ cao thượng nhất. Tuy nhiên, Đức Phật không bao giờ khuyên dạy tất cả mọi người đều nên ly gia cắt ái. Ngài chỉ dạy rằng dầu xuất gia hay tại gia cư sĩ, chúng ta nên thận trọng nhận thức mối nguy hại của nhục dục ngũ trần mà Ngài ví như cục xương khô, như ngọn đuốc mà ta cầm đi ngược chiều gió, như hầm than cháy đỏ, như vật vay mượn, như một giấc mơ v.v... và Ngài dạy:

"Nầy chư tỳ khưu, thú vui của nhục dục ngũ trần quả thật là tạm bợ, vô thường, là trống rỗng, giả tạo, là không thực ... "

Có những tư tuởng buông bỏ, từ khước những dục vọng trần tục, không vị kỷ luyến ái tài sản sự nghiệp, xa lánh cuộc đời phồn hoa đô hội và khoái lạc vật chất, không bám níu vào cái "ta", không đeo níu theo đời sống, là loại Chánh Tư Duy đầu tiên.

Đức Phật mô tả giáo lý của Ngài là con đường ngược chiều với thế gian.

"Chắc như vậy, con đường dẫn đến lợi lộc trần gian là một, và con đường dẫn đến Niết Bàn là con đường khác. Thông hiểu như vậy, thầy tỳ khưu đệ tử Phật không nên thỏa thích trong mùi danh bã lợi của thế gian mà phải trau giồi hạnh buông xả." (Kinh Pháp Cú, câu 75)

Con đường của thế gian là con đường tham ái, dục vọng. Con người thế gian đi dài, thuận chiều theo con đường ấy, nhằm mưu tìm hạnh phúc trong sự thỏa mãn nhục dục của mình. Giáo Huấn Buông Bỏ mà Đức Thế Tôn ban truyền kháng cưỡng, chống lại sức lôi cuốn như thác lũ của tham vọng, đi dần đến mức chấm dứt ái dục và tìm hạnh phúc, không phải trong sự thỏa mãn, mà trong sự dứt bỏ, khước từ ái dục.

Dầu là bậc xuất gia hay hàng tại gia cư sĩ, nguyên tắc chỉ đạo chánh yếu vẫn được ghi nhận là phải hoàn toàn tận diệt mọi hình thức tham ái mới có thể trọn vẹn thành tựu mục tiêu giải thoát. Biết rằng ái dục là nguyên nhân phát sanh đau khổ (tập đế), và biết rằng chấm dứt hay làm giảm suy đau khổ đến mức độ nào tùy thuộc ở sự chấm dứt hay mức độ làm giảm suy ái dục, người Phật tử thuần thành cố gắng phát triển tâm buông bỏ.

Nhưng chính tại điểm nầy ta gặp phải sức kháng cự mạnh mẽ từ bên trong. Từ lâu, tâm của chúng ta đã quen thâu thập, cố bám, nắm giữ, và tích trữ. Thói quen ấy đã trở thành bản tánh tự nhiên, không dễ gì dùng ý chí mà thay đổi. Dầu lý trí có ưng thuận buông bỏ nhưng tâm, chịu ảnh hưởng của ái dục, vẫn khư khư chấp thủ, không khứng chịu khước từ. Do đó vấn đề bây giờ là làm thế nào để gỡ cái tâm ra khỏi sự chi phối của ái dục. Đức Bổn Sư không dạy phải đè nén hay cưỡng bách, xua đuổi ái dục ra khỏi tâm, vì đó chỉ là giải pháp tạm thời. Công cụ mà Đức Thế Tôn trao truyền để diệt trừ ái dục là tri kiến, hiểu biết chân chánh bản chất của sự vật, Chánh Kiến và Chánh Tư Duy.

Dứt bỏ, từ khước, thật sự không phải là vấn đề tự ép buộc mình cố gắng buông bỏ những gì mà sâu kín trong lòng mình vẫn còn tưng tiu, ôm ấp, mà là vấn đề tự mình thay đổi quan kiến của mình, nhìn sự vật dưới ánh sáng trí tuệ. Khi chúng ta quán trạch tận tường và thấu triệt đầy đủ bản chất thật sự của ái dục và những đối tượng của nó thì chính nó sẽ tan biến mà không cần phải chiến đấu.

Một em bé đang say mê giữa đám đồ chơi của em. Nếu có ai đến xin, hoặc giựt của em một món, ắt là em khóc la và tranh đấu cố giành lại cho kỳ được. Nhưng khi em bé lớn dần. Đến một ngày nào, em sẽ không còn bám níu vào những món đồ chơi ấy nữa, mà để mặc tình ai lấy đi hay làm gì cũng được. 

Tại sao? -- Vì em đã trưởng thành.

Cũng dường thế ấy, ngày nào ta nhận thức rằng ái dục là nguồn gốc của đau khổ, và đau khổ luôn luôn dính liền với ái dục, bởi vì ái dục là khát khao và bám chặt vào một cái gì không ngừng biến chuyển, một cái gì không thật sự có, thì làm sao tránh khỏi sầu muộn, đau buồn, thất vọng. Đến chừng ấy ta sẽ không còn luyến ái và cố bám, cố giữ những gì mà lúc nào tưởng chừng như đó là nguồn hạnh phúc duy nhất trên đời.

Ta có thể tưởng tượng rằng từ bỏ ham muốn để vượt đến buông bỏ là một hình thức khổ hạnh, là từ hoàn cảnh sung sướng trở thành gian khổ, từ phong phú dồi dào trở nên nghèo nàn thiếu thốn, từ hạnh phúc thành sầu muộn. Nhưng trong thực tế đó là đi từ thỏa thích thô kịch đến hạnh phúc tinh vi tế nhị, êm dịu và thâm trầm, từ những thú vui đầy phiền lụy và cạm bẩy đến an lạc, thanh bình và thật sự châu toàn -- từ nô lệ đến tự do.

Biến chuyển nầy không xảy diễn một cách nhanh chóng hay đột ngột. Nhưng nếu ta chuyên cần tu niệm ắt một ngày nào nó sẽ đến ... như một ngày nào em bé trưởng thành.

2. Tư tưởng không thù hận

Tư tưởng không thù hận hàm ý là tâm từ. Tâm từ trong Phật Giáo không có bất luận giới hạn hay sự phân biệt nào mà cũng thâm diệu đậm đà như tình thương của bà từ mẫu đối với người con duy nhất của bà.

Có những lời dạy nên thương người láng giềng, người đồng đạo, người đồng chủng, người đồng hương, người đồng chí, người đồng loại v.v... Tất cả những tình thương ấy đều trong sạch, tốt đẹp, và cần thiết trong xã hội. Nhưng đó không phải là tâm từ trong Phật Giáo, vì có sự phân biệt và có giới hạn trong tình thương. Đó là những thứ tình thương giới hạn trong ý nghĩa có cái gì "đồng ..." Đây là "ta". Giữa đây và chúng sanh nào đó ... có một điểm gì chung, một điểm gì "đồng" với "ta" thì có tình thương. Đồng thời có sự phân biệt với những người khác, những người không có gì "đồng". Thương người láng giềng của "ta", người có chung một tôn giáo với "ta", cùng một chủng tộc với "ta", cùng xứ sở với "ta" v.v... Lấy cái "ta" làm trung tâm điểm, rồi từ đó tình thương phát tủa ra như ánh sáng một ngọn đèn trong căn phòng, giới hạn bên trong bốn vách. Đó là bản chất tự nhiên của con người. Tình thương vẫn là tình thương, với tất cả những gì tốt đẹp, dịu hiền, dễ mến của nó. Xã hội không thể tồn tại nếu không có những tình thương ấy. ở đây chỉ muốn nói rằng tâm từ trong Phật Giáo không phải như vậy. Tâm từ trong Phật Giáo bao trùm toàn thể chúng sanh, toàn thể càn khôn vũ trụ, vô lượng vô biên, không có sự phân biệt nào. Người có tâm từ phải vượt lên khỏi mọi hình thức chia rẽ, riêng tư, không bị giam hảm trong những tư tưởng hẹp hòi, không chịu ảnh hưởng của tinh thần đấu tranh giai cấp, quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, mà nhìn tất cả thế gian là quê hương của mình, và mỗi người, mỗi chúng sanh, là bạn đồng hành trong đại trùng dương mà ta gọi là đời sống của muôn loài vạn vật. Người có tâm từ hòa đồng với tất cả, tự mình chan hòa trong toàn thể, xem vạn vật và mình là một. 

Một loại tâm như vậy quả thật là cao thượng. Nhưng cũng rất khó thực hành. Đúng như vậy. Vì lẽ ấy chúng ta còn là phàm nhân. Chúng ta còn phân biệt đây là "ta", kia là cha, là mẹ, là vợ, là chồng, là con, là cháu "của ta". Cái nầy là tiền của, sự nghiệp, cái kia là danh vọng, quyền thế "của ta" v.v..., chư vị A La-Hán đã tận diệt ngã chấp. Tâm của các Ngài như vừng thái dương, bao trùm vạn vật mà không có sự phân biệt nào. Đức Phật là kết tinh, là hiện thân của tâm từ vô lượng vô biên ở mức độ cùng tột. Đó là những gương lành trong sạch để ta noi theo, là lý tưởng thanh cao tuyệt đỉnh để ta hướng tâm về. Suy tư nào, tư tưởng nào hướng về tâm từ vô lượng ấy là Chánh Tư Duy.

3. Tư tưởng không hung bạo

Hung bạo là gây tổn thương cho người khác mà không xót thương, không động lòng trắc ẩn trước tình trạng đau khổ của người khác. Nghịch nghĩa của hung bạo là bi mẫn, động lực làm cho ta rung động trước cảnh khổ của người khác, là cái gì thoa dịu lòng khổ đau của người, là thiện ý muốn giúp người lâm nạn thoát một cảnh khổ. Tâm không hung bạo là tâm bi.

Cũng như tâm từ, tâm bi phải vô lượng vô biên, không bị hạn định trong một gia đình, một xóm, một làng, một quốc gia, một tôn giáo, một giai cấp, hay một loại chúng sanh nào.

Đối tượng của tâm từ là toàn thể chúng sanh -- chúng sanh khổ và chúng sanh không khổ -- mà không có sự phân biệt. Đối tượng của tâm bi là những chúng sanh xấu số đang ở trong cảnh khổ, và tác dụng của tâm bi là gia công giúp người đang khổ thoát ra khỏi hoàn cảnh bất hạnh ấy. Người có tâm bi chuyên lo nâng đỡ kẻ thấp hèn, nghèo đói, cô thân, tuyệt vọng, chăm nom săn sóc người bệnh hoạn tật nguyền, khuyên nhủ dỗ dành người thất bại, dẫn dắt và cứu độ người tội lỗi và soi sáng người tối tăm, lầm đường lạc nẽo.

Thấy người hoạn nạn rồi âu sầu ủ dột, phiền muộn khóc than. Đó không phải là tâm bi, mà giống như "người thù mang lốt bạn" của tâm bi. Tâm bi trong Phật Giáo không phải là những giọt nước mắt nhỏ suông trước sự đau khổ của kẻ khác. Đặc tánh của tâm bi là ý muốn giúp người khác thoát khỏi một cảnh khổ, chớ không phải là phiền muộn âu sầu với họ. Thọ ưu (domanassa, cảm giác buồn khổ) thuộc về tâm sân (dosa hay patigha) một trong ba căn bất thiện.

Tâm bi giống như tình thâm của bà từ mẫu thương xót đứa con đang lâm bệnh. Bao nhiêu tâm trí, lời nói, và hành động đều tập trung lại để chuyên chú tìm phương thế làm cho con đỡ đau khổ. Lòng của người có tâm bi thật là mềm dịu, hơn cả những tai hoa mềm mại, không bao giờ hành động hay làm điều chi gây tổn hại cho người khác. Chính nhờ tâm bi mà con người có thể phục vụ một cách hoàn toàn vị tha. Người có tâm bi không sống cho mình mà sống cho kẻ khác, và luôn luôn tìm cơ hội giúp người, nhưng không bao giờ mong đợi được đền ơn đáp nghĩa. Có những suy tư hướng về tâm bi là Chánh Tư Duy.

Bản chất của chúng sanh là tham lam, sân hận và hung bạo, phát sanh do ái dục, vì khư khư cố chấp đây là "ta", cái nầy là "của ta". Chúng ta vui thích với những gì vừa ý, và ghét bỏ những gì phật lòng cái "ta". Vui thích thì đâm ra luyến ái, đeo níu, cố bám chắc, tức tham. Phật lòng thì bất mãn, xua đuổi, giận dữ, oán ghét, tức sân, lắm khi đưa đến hung bạo, tàn ác.

Khi Chánh Kiến và Chánh Tư Duy dần dần phát triển, hiểu biết và suy tư chân chánh hỗ trợ lẫn nhau đưa đến nhận thức ngày càng rõ rệt bản chất rỗng không của cái gọi là "ta". Chừng ấy tâm luyến ái, sân hận và hung bạo dần dần suy giảm, nhường chỗ cho tâm buông bỏ, khước từ, tâm từ và tâm bi.




tải về 0.58 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương