Phạm Kim Khánh


Khổ-Khổ (dukkha-dukkhatà)



tải về 0.58 Mb.
trang2/14
Chuyển đổi dữ liệu17.08.2016
Kích0.58 Mb.
#21458
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14

Khổ-Khổ (dukkha-dukkhatà) 


Trong quyển "The Buddha's Ancient Path" Ngài Đại Đức Piyadassi Mahà Thera viết:

"Đối với người có quan kiến chân chánh, tức hiểu biết và không luyến ái, một sự kiện nổi bật rõ ràng minh bạch là trong toàn thể thế gian chỉ có một vấn đề: vấn đề đau khổ, bất toại nguyện (dukkha). Tất cả những vấn đề khác, đã được hay chưa được biết, đều trọn vẹn nằm trong vấn đề có tánh cách phổ cập nầy. Nếu vạn nhất có việc gì trở thành vấn đề, thì đương nhiên việc ấy phải dính liền với trạng thái bất toại nguyện, hay nếu muốn dùng một danh từ khác, trạng thái xung đột, bất ổn. Xung đột giữa ý muốn của ta và các diễn biến của đời sống. Và lẽ dĩ nhiên, mọi người đều cố gắng giải quyết vấn đề. Nói cách khác, nỗ lực của mọi người là chấm dứt trạng thái bất toại nguyện ấy, là kiểm soát, chế ngự cuộc xung đột đã làm cho ta ưu phiền, đau khổ. 

"Chúng ta nhìn vấn đề duy nhất ấy dưới nhiều khía cạnh khác nhau, vấn đề kinh tế, vấn đề xã hội, vấn đề chánh trị, vấn đề tâm lý, chí đến vấn đề tôn giáo. Phải chăng tất cả các vấn đề ấy đều phát nguyên từ dukkha, đau khổ, bất toại nguyện? Nếu không phải vậy, nếu các vấn đề ấy không phải là đau khổ, bất toại nguyện, tại sao ta cố gắng giải quyết? Giải quyết một vấn đề phải chăng là để làm giảm suy trạng thái bất toại nguyện? Tất cả các vấn đề đều tạo nên bất toại nguyện, và nỗ lực của ta nhằm chấm dứt tình trạng ấy."

Đối với V.F. Gunaratna, một vị cư sĩ Phật tử người Tích Lan, chỉ cần nhìn quanh ta với cặp mắt quan sát và tâm suy tư là ta sẽ thấy hiển nhiên nổi bật đặc tánh đau khổ của đời sống. Trong một bài thuyết trình về Tứ Diệu Đế ông nói:

"Có đời sống của người nào từ bé đến già mà phẳng lặng im lìm như mặt nước ao hồ, không bị chút lo âu, sợ sệt, buồn rầu, làm chao động? Có gia đình nào chưa từng khóc cái chết của một người thân? Tìm ở đâu ra một trái tim chưa từng bóp siết nhói đau và chưa bao giờ sầu muộn? Và chính trong giờ phút nầy -- ngay lúc tôi đang nói và quý vị đang nghe -- có bao nhiêu trăm, bao nhiêu ngàn, hơn nữa, bao nhiêu triệu người đang trằn trọc hay nằm vùi trên giường bệnh, ở nhà hay ở trong các bệnh viện, trong thế gian rộng lớn và dẩy đầy đau khổ nầy? Bao nhiêu triệu bệnh nhân khác, cũng trong giờ phút nầy, đang nằm trải mình trên bàn mổ, giữa hai trạng thái sống và chết? Bao nhiêu người khác nữa đã đến mức tận cùng của cuộc đời, cũng trong giờ phút nầy, đang cố bám lấy hơi thở mà hầu như không còn trở lại nữa, và cố hớp lấy từng hớp, hơi thở cuối cùng? Và bao nhiêu triệu cha mẹ, con cái, bạn bè, đang than khóc sự ra đi của thân bằng quyến thuộc? 

"Không thấy tức không biết, ngoại trừ người suy tư. Vậy thử nhìn qua thế gian chung quanh ta để nhận thấy đến mức độ nào đói rét và nạn thất nghiệp đã gây đau khổ cho nhân loại? Có phải chăng đó là dấu hiệu không thể lầm lẫn chỉ rõ tánh cách phổ cập của dukkha, đau khổ?"

Đó là sắc thái đau khổ hiển nhiên (dukkha-dukkhatà) của đời sống mà mỗi người đều có thể nhận thấy.

Vô-Thường-Khổ (viparanàma dukkhatà)


"Đau khổ vì đời sống là vô thường", là sắc thái thứ nhì của dukkha.

Khi mà tất cả mọi sự vật đều biến đổi, không có gì ổn định, không có gì vững bền, không có gì tồn tại giống hệt nhau trong hai khoảnh khắc kế tiếp, thì hậu quả dĩ nhiên là có trạng thái vô thường, bất ổn định, bất điều hòa, những khía cạnh khác nhau của dukkha.

Đau khổ là một cảm giác, danh từ Phật Giáo là thọ (vedanà). Theo, Vi Diệu Pháp (abhidhamma), sách tâm lý học Phật Giáo, có năm loại thọ.

a. Somanassa, thọ hỷ, là cảm giác thích thú về tinh thần, tức hạnh phúc, như cảm nghe hoan hỷ khi nhận được một tin lành, nghe một thời Pháp thích thú, xem một bức tranh đẹp v.v...

b. Domanassa, thọ khổ, là cảm giác đau khổ về tinh thần, như khi nhận một bạo tin, nghe những lời nói hung ác, thấy những cảnh tượng bạo tàn v.v...

c. Sukha, thọ lạc, là cảm giác thích thú về vật chất, như khi dùng một bửa ăn ngon, nằm giường êm, đi xe tốt v.v...

d. Dukkha, cảm giác đau đớn, thiếu tiện nghi, như uống thuốc đắng, đi ngoài trời nắng nóng v.v...

e. Upekkha, thọ xả, là cảm giác vô ký, không lạc không khổ.

Trong thực tế, khi tinh thần được hạnh phúc thì vật chất cũng được vui thích và trái lại, khi cơ thể vật chất được thoải mái thì tinh thần cũng được khoan khoái yên vui. Vậy, ta có thể gom hai cảm giác hoan hỷ thỏa thích -- tinh thần và vật chất -- làm một, gọi chung là sukha, lạc.

Cùng một thế ấy, ta gom hai cảm giác đau khổ khó chịu -- tinh thần và vật chất - làm một, gọi là dukkha.

Đến đây thọ hay cảm giác còn ba: sukkha, cảm giác vui thích, tinh thần và vật chất; dukkha, cảm giác đau khổ, tinh thần và vật chất; và upekkha, cảm giác vô ký.

Trong ba loại thọ nầy, upekkha, thọ vô ký, rất yếu ớt, hầu như không có. Ta có thể xem như không có thọ vô ký. Còn lại hai loại, thọ lạc và thọ khổ (sukha và dukkha), cảm giác vui thích và cảm giác đau khổ, tinh thần và vật chất. Nhưng trong trạng thái luôn luôn biến đổi của mọi sự vật bên trong và bên ngoài ta không thể có hạnh phúc vững bền, tức không có hạnh phúc thật sự. Trong khi hoàn cảnh biến đổi -- và tất cả đều phải biến đổi -- chính cái hương vị ngọt bùi của hạnh phúc, sukha, cũng trở thành vị đắng cay của đau khổ, dukkha. 

Vậy, rốt cùng chỉ còn lại cảm giác đau khổ, tinh thần và vật chất.

Thú vui được có tài sản sự nghiệp, thú vui được lợi lộc, thú vui được danh thơm tiếng tốt, được vinh quang phú quý, thú vui gia đình, thú vui với thân bằng quyến thuộc v.v... thật là dễ chịu, thích thú. Tuy nhiên, tất cả đều biến đổi, và cuối cùng cái chết phải đến sẽ chia rẽ tất cả. Đến chừng ấy nỗi sầu muộn cũng sẽ sâu đậm tương đương với thú vui trước kia. V.F. Gunaratna viết: 

"Có người nào dám bảo rằng điều may mắn sẽ không trở thành rủi ro và những điều kiện thuận lợi, thỏa đáng, sẽ tiếp tục còn thoả đáng? Đặc tánh vô thường luôn luôn tiềm tàng trong mọi sự vật. Chừng nào mà đặc tánh nầy còn tồn tại thì chừng ấy còn lo sợ, còn làm cho chúng ta đau khổ, vì chúng ta không muốn những điều kiện thỏa đáng ấy bị chấm dứt hay gián đoạn. Đó là sắc thái viparanàma của đau khổ. Từ thuở bình minh của lịch sử nhân loại, tình trạng bất an toàn của những gì tốt đẹp trong đời sống đã nói lên tình trạng đau khổ."

Vua chúa lo sợ cho tình trạng an toàn của ngôi vị mình. Người thường dân lo sợ cho tình trạng an toàn của mạng sống mình. Người cao sang quyền quý lo sợ cho địa vị mình. Người tư bản lo sợ cho sự an toàn của sự nghiệp mình. Người làm công lo sợ cho sự an toàn của công ăn việc làm của mình. Nếu mọi sự vật đều biến đổi thì không thể có thanh bình an lạc. Nếu không thể có thanh bình an lạc tức có xáo trộn, bất ổn, và lo sợ. Và đó là dukkha, đau khổ.

Chẳng những sự vật tạo thú vui phải biến đổi mà chính người thọ hưởng thú vui ấy cũng luôn luôn biến đổi. Như vậy, chúng ta đang mục kích cảnh tượng buồn cười, những chúng sanh luôn luôn biến đổi cố gắng rượt theo, bám lấy những vật cũng luôn luôn biến đổi: hình ảnh một cái bóng chạy đuổi theo và cố chụp cho được một cái bóng khác, trong lúc ấy mong rằng sẽ chiếm được một điều gì có thực chất. Về điểm nầy, Ngài Piyadassi Mahà thera giải thích: 

"Xuyên qua khả năng nhạy của giác quan (lục căn), con người bị ngoại cảnh, đối tượng của giác quan (lục trần) thu hút và thích thú trong ấy. Do đó có sự thọ hưởng, hay trạng thái hoan hỷ trong lục trần. Đó là sự kiện hiển nhiên, không thể phủ nhận, vì tất cả chúng ta đều thường xuyên chứng nghiệm. Tuy nhiên cả hai, sự thọ hưởng và đối tượng thích thú của nó, đều không thể tồn tại lâu dài. Cả hai đều phải biến đổi. Bây giờ, khi người kia không thể giữ lại, hay bị mất đi những lạc thú, theo lẽ thông thường thì người ấy buồn rầu, sầu muộn, thất vọng. Người ấy cũng không thích cái gì mình đã nhàm chán và luôn luôn đi tìm những thích thú mới, giống như những con bò thả ăn ngoài đồng, luôn luôn đi tìm bãi cỏ mới. Tuy nhiên, đặc tánh của những thích thú mới cũng là vô thường, phù du tạm bợ, chỉ tồn tại nhất thời rồi trôi qua. Như thế, những lạc thú của đời sống, dầu ta có thích thú nó cùng không, vẫn là bước đầu, mở đường vào trạng thái đau khổ."(The Buddha's Ancient Path)

Trong quyển "The Buddha and His Teachings", Ngài Đại Đức Nàrada viết: 

"Hạng người thường chỉ thấy lớp mặt bên ngoài, nhưng bậc Thánh Nhân thì có khả năng thấy thực tướng của sự vật. Đối với các Ngài, tất cả đời sống đều là khổ và các Ngài nhận thấy rằng không thể có hạnh phúc thật sự, hoàn toàn bền vững, trong một thế gian huyền ảo, tạm bợ, và vô thường. 

"Không thể có hạnh phúc trường tồn vĩnh cửu trong một thế gian luôn luôn biến đổi. Hạnh phúc vật chất chỉ là sự thỏa mãn một vài ước vọng. Nhưng khi ta vừa đạt được nó thì nó đã vội lìa bỏ ta. Dục vọng không khi nào được thỏa mãn trọn vẹn. Không bao giờ ta cho là đủ." 



tải về 0.58 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương