Phạm Kim Khánh



tải về 0.58 Mb.
trang14/14
Chuyển đổi dữ liệu17.08.2016
Kích0.58 Mb.
#21458
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   14

Thiền Minh Sát.


Đến đây, pháp hành mà chúng ta thảo luận là gom tâm an trụ vào một điểm duy nhất và không biết gì ngoài điểm ấy. Có một pháp định tâm khác, gọi là thiền Minh Sát, không hạn chế đối tượng của niệm bằng cách chỉ chú tâm vào một đối tượng duy nhất, bất di dịch mà hướng tâm vào những trạng thái luôn luôn biến đổi của tâm và thân, ghi nhận bất luận hiện tượng nào xảy diễn đến mình. Công phu hành thiền của hành giả là giữ chú niệm của mình bám sát vào bất luận gì mình tri giác nhưng buông bỏ tất cả, không bám níu gì hết. Trong khi tu tập theo dõi ghi nhận như vậy, tâm định của hành giả càng lúc càng kiên cố, cho đến một lúc nọ trở thành nhất điểm tâm, vững chắc trên mỗi điểm của luồng trôi chảy luôn luôn biến đổi của sự vật. Mặc dầu đối tượng di động, đổi thay như thế nào tâm nhất điểm của hành giả luôn luôn an trụ vững vàng vào đó. Tâm định vừa vững chắc vừa di động nầy được phát triển bằng cách thực hành Tứ Niệm Xứ: Thân quán niệm xứ, thọ quán niệm xứ, tâm quán niệm xứ và pháp quán niệm xứ (niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp), "con đường duy nhất để chúng sanh tự thanh lọc, để diệt trừ đau khổ, để thành đạt trí tuệ và để chứng ngộ Niết Bàn." [12]

Khác biệt giữa Thiền Vắng Lặng và Thiền Minh Sát. Thiền Vắng Lặng là pháp môn nhằm đè nén năm triền cái và định tâm trong một đối tượng nhất định. Tâm phỉ lạc đưa đến chứng đắc các tầng Thiền (Jhàna) Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Thiền Minh Sát đưa đến một loại trí tuệ nhận thức rõ ràng ba đặc tướng của các pháp hữu vi là vô thường, khổ, và vô ngã.

Trong thiền Vắng Lặng, hành giả chọn và xử dụng một trong các căn môn như nhãn môn hay nhĩ môn chẳng hạn. Còn các môn khác thì không dùng. Trong thiền Minh Sát hành giả không nhất thiết chọn một môn nào làm đề mục mà dùng cả sáu môn cùng với sáu đối tượng của nó.

Trong thiền Vắng Lặng, khi hành giả đã chọn đề mục thì gom tâm vào đề mục ấy cho đến lúc tâm có đủ năng lực đè nén năm triền cái. Năm chi thiền dần dần hiện rõ, tâm an trụ vững chắc trong đề mục, và cuối cùng chứng đắc các tầng Thiền (Jhàna). Năm triền cái đối nghịch với thiền Vắng Lặng vì là chướng ngại, cản trở tâm an trụ, nhưng không đối nghịch với thiền Minh Sát. Niệm về năm triền cái, tức lấy sự hay biết năm chướng ngại tinh thần nầy làm đề mục thiền là một phần của Niệm Pháp.

Đối tượng của thiền Minh Sát là thực thể pháp trong thời hiện tại, những gì thật sự xảy diễn trong khoảnh khắc hiện tại. Đối tượng của thiền Minh Sát là Tứ Niệm Xứ. Các đối tượng chế định do hành giả tự tạo như ấn chứng, cảm giác, hay hình ảnh v.v... không thể làm đề mục cho thiền Minh Sát, chỉ làm đối tượng cho thiền Vắng Lặng.

Dầu thiền Vắng Lặng và thiền Minh Sát có sự khác biệt nhau song thiền Vắng Lặng có thể làm nền tảng cho thiền Minh Sát, như trường hợp Đức Phật. Ngài tiến cao đến mức cùng tột của thiền Vắng Lặng là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng rồi xả thiền, quán chiếu thân và tâm, dùng chi thiền phỉ, lạc v.v...làm đối tượng và thấy rõ vô thường, khổ, vô ngã. Đó là "thiền Minh Sát dùng thiền Vắng Lặng làm nền tảng". Ta cũng có thể trực tiếp hành thiền Minh Sát mà không qua thiền Vắng Lặng như chỉ quán niệm theo bốn oai nghi, đi, đứng, nằm, ngồi.

Để giải đáp một câu hỏi về sự khác biệt giữa thiền Vắng Lặng và thiền Minh Sát, Ngài Acharn Chah dạy:

"Thật dễ hiểu. Thiền Vắng Lặng và thiền Minh Sát cùng đi chung với nhau. Trước tiên, do nhờ pháp hành gom tâm an trụ vào đề mục, tâm trở nên an tĩnh, vắng lặng. Tâm chỉ vắng lặng trong khi ta ngồi thiền. Đó là thiền Vắng Lặng. Căn bản tâm định nầy sẽ khởi duyên, tạo điều kiện cho trí tuệ, tuệ Minh Sát phát sanh. Đến mức độ nầy tâm luôn luôn vẫn an tĩnh, dầu ta ngồi nhắm mắt hành thiền nơi vắng vẻ hay đi bách bộ giữa phố phường nhộn nhịp. Nó là vậy. 

"Ngày nào còn là trẻ con, giờ đây lớn khôn. Ta đã là người đứng tuổi. Em bé thuở nào và người đứng tuổi hiện nay có phải là một không? Có thể nói là một. Hoặc, theo một lối nhìn khác, có thể nói là hai người khác biệt. Cùng thế ấy, ta có thể tách rời thiền Vắng Lặng và thiền Minh Sát.

"Chớ tin Sư bằng lời. Hãy thực hành đi rồi sẽ thấy. Không cần phải làm gì đặc biệt. Nếu chăm chú quán sát, nhìn xem trạng thái vắng lặng và trí tuệ phát sanh thế nào, quý vị sẽ tự bản thân thấu đạt chân lý. Trong những năm sau nầy, người ta quá chú trọng đến danh từ. Họ gọi pháp hành của họ là Minh Sát và coi rẻ thiền Vắng Lặng. Hoặc họ gọi thiền của họ là Vắng Lặng và hãnh diện nói rằng muốn thành công hành thiền Minh Sát phải trải qua giai đoạn hành thiền Vắng Lặng. Tất cả những lời qua tiếng lại ấy là điên cuồng. Chớ nên bận tâm suy tư. Chỉ giản dị thực hành. Tự mình sẽ thấy."

* * *

Đặc Tánh Của Con Đường


Đến đây chúng ta đã tuần tự thảo luận về mỗi chi của Bát Chánh Đạo. Tám chi nầy liên quan với nhau rất mật thiết và không thể phát triển riêng rẻ từng chi một một cách khả quan. Trong khi hiểu biết chân chánh ta cũng suy tư chân chánh. Khi suy tưởng chân chánh tức nhiên lời nói, việc làm, và lối làm ăn sinh sống cũng chân chánh. Thân, khẩu trong sạch giúp chú niệm dễ dàng. Khi quán niệm chân chánh, hiểu biết và tư tưởng càng phát triển tốt đẹp hơn. Và cứ thế hành giả dần dần tiến bước trên con đường.

Bát Chánh Đạo không phải là tám con đường chánh, cũng không phải là con đường chia làm tám giai đoạn nối tiếp nhau từ xa đưa đến gần mục tiêu, mà giống như một sợi giây thừng do tám tao nhợ se lại. Người muốn nương nhờ dây thừng để leo lên cao, mỗi lần chỉ nắm chặt lấy một số tao nhợ. Khi bỏ tay kia lên lại nắm vào một số tao nhợ khác, cao hơn. Hiểu theo nghĩa cùng tột, mỗi chi của Bát Chánh Đạo là một tâm sở. Một loại tâm vương tại thế chỉ bao gồm một số nhiều hay ít các tâm sở nầy. Chí đến khi chứng ngộ Thánh Quả thì toàn thể tám tâm sở đồng phát sanh cùng một lúc trong loại tâm siêu thế.

Đứng về phương diện thực hành, tức xem như một phương pháp tu tập, Bát Chánh Đạo có thể phân làm ba là:

1. Ba chi Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng đề cập đến những lời không nên nói, những việc không nên làm, và những nghề không nên hành. Đó là giới luật, nêu lên những sai lầm nên tránh. Nên hiểu biết rằng đây chỉ là khía cạnh tiêu cực, những gì không nên làm. Tuy nhiên, giới luật trong Phật Giáo cũng bao hàm phần tích cực. Thí dụ như không nên nói dối, nói đâm thọc, nói thô lỗ, nói nhảm nhí, cũng hàm ý là nên nói lời chân thật, nói lời đem lại hòa hợp, lời thanh tao nhã nhặn, lời hữu ích v.v...

2. Ba chi Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định đề cập đến công phu thanh lọc tâm bằng pháp môn hành thiền: Thiền Vắng Lặng và thiền Minh Sát.

3. Hai chi Chánh Kiến và Chánh Tư Duy vừa là bảng chỉ đường, lúc sơ khởi đưa khách lữ hành vào đúng con đường chân chánh, vừa là đuốc tuệ soi sáng con đường theo từng bước một của hành giả, vừa là ánh Đạo Vàng, ánh Sáng Chân Lý Cùng Tột, sau khi hành giả viên mãn trải qua suốt Con Đường, là thành quả của công phu hoàn tất tốt đẹp cuộc hành trình. ánh sáng trí tuệ đến đâu thì đêm tối của Vô Minh lui dần khỏi đó. Mãi đến khi chỉ còn Chánh Kiến. Vô Minh hoàn toàn tan biến. Ta có thể sắp xếp như sau:



GIỚI:
Chánh Ngữ, 
Chánh Nghiệp
Chánh Mạng

ĐỊNH:
Chánh Tinh Tấn
Chánh Niệm
Chánh Định
TUỆ:

Chánh Kiến


Chánh Tư Duy

Giới, Định, Tuệ là Con Đường Giải Thoát. 

Khi kể tám chi của Bát Chánh Đạo thì Chánh Kiến và Chánh Tư Duy đứng đầu. Đến lúc xem như một pháp tu tập thì ba phần của Bát Chánh Đạo được kể theo thứ tự Giới, Định, Tuệ. Tuệ, vốn bao gồm Chánh Kiến và Chánh Tư Duy, lại được kể sau cùng. 

Như vậy, nhìn vào toàn diện, có phải đây là một lối trình bày thiếu nhất trí hay không? Không phải thiếu nhất trí mà hợp lý. Chánh Kiến ở mức sơ khởi là hiểu đúng con đường. Như người kia lạc nẻo, bỡ ngỡ trước nhiều ngã đường vì không biết chọn ngã nào, thì may thay, chợt thấy tấm bảng chỉ đường bên cạnh con đường mòn. Bảng chỉ đường là Chánh Kiến. ở giai đoạn đầu tiên Chánh Kiến là ánh sáng rọi vào chánh đạo, là sự hiểu biết chân chánh dẫn dắt hành giả sơ cơ vào đúng con đường, và người có Chánh Kiến là người đã nhận ra con đường. Chánh Kiến, sự hiểu biết chân chánh, hay khả năng phân biệt chánh tà, phải dẫn đầu, phải hướng đạo toàn thể các chi khác của con đường, vì Chánh Kiến giúp hành giả hiểu biết về con đường, về khởi điểm, về hướng đi, và về mức đến cuối cùng của con đường. Muốn thực hành Giáo Pháp mà không có Chánh Kiến cũng giống như người kia leo lên xe, mở máy cho xe chạy, mà không biết phải đi về ngã nào vì chưa xem bản đồ, cũng không hỏi han ai trước. 

Người ấy sẽ gặp nguy cơ là không đi về hướng mà mình muốn đi, hoặc đi ngược chiều. Chánh Kiến cho hành giả một ý niệm về con đường. Chánh Tư Duy đặt hành giả vào con đường và chỉ hướng đi cho hành giả. Nhưng vai trò của Chánh Kiến và Chánh Tư Duy không chấm dứt tại đó. Khi hành giả vững bước trải qua suốt con đường từ Giới, Định, đến Tuệ, thì giai đoạn Tuệ cuối cùng nầy là Chánh Kiến và Chánh Tư Duy cao siêu, có hiệu năng đưa hành giả vượt thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi: Giải Thoát. 

Phương pháp tu tập được trình bày theo thứ tự ba giai đoạn Giới, Định, Tuệ có thuận lý không? 

Để giải đáp thắc mắc nầy chúng ta hãy tìm hiểu mục tiêu cứu cánh của toàn thể Giáo Pháp nói chung, và Bát Chánh Đạo nói riêng, là gì. Đức Phật dạy rằng nước trong đại dương tuy mênh mông, nhưng chỉ có một vị là vị mặn. Cùng thế ấy, giáo lý mà Như Lai truyền dạy tuy rộng rãi, nhưng chỉ có một vị là vị giải thoát. Vậy, mục tiêu của Giáo Pháp cũng như của Bát Chánh Đạo là giải thoát, vượt ra khỏi mọi hình thức khổ đau của kiếp sinh tồn.

Tại sao đau khổ? Vì ái dục. Và ái dục vì vô minh.

Vậy, muốn chấm dứt đau khổ phải phá tan vô minh. Vô minh là tối tăm, không thấy, không biết thực tướng của sự vật. Trí tuệ là tri kiến, là ánh sáng, là thấy và hiểu biết sự vật, thấu triệt sự vật như thật sự sự vật là như vậy, là thấu đạt thực tướng của vạn pháp. Do đó, phương pháp tu tập của Phật Giáo nhằm phát triển trí tuệ, đối trị và phá tan vô minh.

Đây là công trình dài dẳng và cần phải kiên trì cố gắng, liên tục tinh tấn. Khi ánh sáng trí tuệ được phát triển đến đâu thì đêm tối của vô minh bị đẩy lui đến đó, và dầu chỉ một tia nhỏ bé lu mờ của trí tuệ, cũng cần phải được phát triển do tâm an trụ, vắng lặng, không phóng dật, không xao lãng.

Muốn thành đạt trí tuệ phải có tâm định. Và muốn định tâm, giới đức phải trang nghiêm. Một người hung dữ, thường gây nhiều tội ác, làm tổn thương, sát hại sanh linh, người trộm cắp, người dâm loàn, người gian dối, người có tánh ưa đâm thọc, thô lỗ, nhảm nhí, người có tật rượu chè hút xách say sưa tức nhiên không thể làm cho tâm mình an tĩnh. Tâm chao động không thể an trụ. Tâm không an trụ sẽ không định. Trí tuệ không thể phát sanh nếu tâm không định.

Bước đầu của phương pháp tu tập là Giới. Nhờ có giới đức làm nền tảng, hành giả trau giồi tâm trí, tiến đến Định và dùng tâm định soi sáng sự vật, phát triển trí tuệ. Trí tuệ phá tan vô minh. Không vô minh tức không ái dục, và không ái dục tức không đau khổ. Vì lẽ ấy, Giới, Định, Tuệ là phương cách cởi mở trói buộc, tận diệt mọi ô nhiễm, mọi hoặc lậu, để thoát ra khỏi khổ đau phiền lụy. Giới, Định, Tuệ là con đường giải thoát, 

Pháp nầy có công hiệu không, có ai kinh nghiệm thực hành chưa, và có phải dành riêng cho một hạng người tốt số nào không?

Trong lịch sử được ghi nhận, Đức Phật là người đầu tiên khám phá và thực hành Bát Chánh Đạo. Ngài sanh ra là một người và không bao giờ tự xưng là Thần Linh hay hiện thân của Thần Linh. Một ngày tươi đẹp kia, tại Bodh-Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), Ngài tận diệt mọi ô nhiễm, chứng ngộ thực tướng của vạn pháp và thành đạt Đạo Quả Phật.

Sau ngày Thành Đạo, trọn 45 năm trường Ngài đi từ làng nầy đến làng khác, từ tỉnh nọ đến tỉnh kia, trên những con đường lớn và các nẻo nhỏ, cùng khắp miền Bắc xứ Ấn Độ để mang lại cho nhân loại bức thông điệp hòa bình và phúc lợi và để truyền dạy giáo lý cao siêu. Các môn đệ Ngài đã đến với Ngài từ mọi từng lớp xã hội, giàu sang quyền quý cũng như nghèo nàn khốn khổ, học rộng hiểu nhiều cũng như tối tăm dốt nát, đạo đức thánh thiện cũng như tội lỗi hư hèn, cả nam lẫn nữ, từ lão đến ấu, tất cả đều được Ngài thâu nhận như nhau và nhiều vị nhờ tinh tấn chuyên cần tu tập, đã thành đạt nhiều Đạo Quả cao thượng. 

Bát Chánh Đạo là con đường cũ xa xưa mà bao nhiêu vị Phật đã trải qua trong quá khứ. Trên con đường ấy bao nhiêu vị Độc Giác Phật và bao nhiêu vị A-La-Hán đã trải qua. Đức Phật chỉ khám phá chớ không tạo nên con đường.

Bằng Cách Nào Bát Chánh Đạo Là Con Đường Giải Thoát?

Bằng cách nào chúng sanh bị trói buộc vào những kiếp sống đau khổ trong vòng luân hồi?

Nguồn gốc của mọi đau khổ là ái dục. ái dục nằm trong vô minh, và phát sanh do vô minh tạo điều kiện. Bị ái dục và vô minh bao phủ che lấp, chúng ta nhìn sự vật xuyên qua lớp mây mờ ấy và không thấy đúng sự thật. Vì không thấy đúng thực tướng của sự vật, chúng ta lầm lạc tự đồng hóa mình với sắc, thọ, tưởng, hành, thức, xem ngũ uẩn là "ta", là "của ta". Với sự lầm lạc ấy chúng ta hành động, tạo nghiệp. Nghiệp quá khứ (hành) đưa đến quả hiện tại là thức, danh-sắc, lục căn, xúc, thọ. Trong hiện tại, do nơi thọ, ái phát sanh. Do ái, thủ, rồi hữu phát sanh, đưa đến sanh rồi lão, tử trong tương lai. Và như thế, vòng lẩn quẩn liên tục diễn tiến, mãi mãi từ vô lượng kiếp. (Xem sách Đức Phật và Phật Pháp, tác giả Nàrada Mahà Thera, chương 25, Thập Nhị Nhân Duyên)

Chúng ta tạo nghiệp bằng thân, khẩu, ý. Trong ba đường ấy ý dẫn đầu, tâm là chủ. Có ý nghĩ trước mới có hành động bằng thân, hay bằng khẩu. ý nghĩ phát sanh do lục căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) tiếp xúc với lục trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) và chịu ảnh hưởng của những khuynh hướng tâm tánh (anusaya) ngủ ngầm trong luồng nghiệp. Khuynh hướng tâm tánh nầy nằm trên nền tảng vô minh.

Như vậy, trong tiến trình đưa đến hành động chúng ta thấy có ba tầng lớp:

a. Sâu thẩm dưới đáy là lớp tâm tánh ngủ ngầm trong luồng nghiệp mà ta đã mang theo từ vô lượng tiền kiếp. Khuynh hướng tâm tánh nầy nằm trên nền tảng vô minh và gây ảnh hưởng đến tư tưởng.

b. Tầng lớp kế đó là tư tưởng (ý), những ý nghĩ, phát sanh do lục căn tiếp xúc với lục trần, và chịu ảnh hưởng của tâm tánh ngủ ngầm trong luồng nghiệp.

c. Tầng lớp cuối cùng, biểu hiện ra ngoài bằng việc làm (thân) hay lời nói (khẩu).

Lấy cây quẹt làm hình ảnh cụ thể. Trên đầu cây quẹt có chất diêm, chứa đựng tiềm năng phát hỏa. Nếu để cây quẹt nằm yên, thì không có gì xảy ra. Nhưng chất diêm có thể phực cháy bất luận lúc nào khi có người cầm cây quẹt, quẹt trên hộp diêm. Cũng giống như vậy, tiềm tàng sâu ẩn bên trong tâm tánh chúng ta có những năng lực ngủ ngầm như vô minh, ái dục, tham, sân v.v... Những năng lực nầy ngủ ngầm, bất động, nhưng có thể khởi phát trổi dậy bất cứ lúc nào hội đủ cơ duyên. Đó là tầng lớp dưới đáy sâu.

Khi lục căn tiếp xúc với lục trần tức có lục thức. Thí dụ như mắt tiếp xúc với hình thể, hay tai tiếp xúc với âm thanh v.v... tức có sự thấy, sự nghe v.v... và từ đó phát sanh những ý nghĩ. Bản chất của những tư tưởng nầy như thế nào tùy nơi khuynh hướng tâm tánh vốn sẵn ngủ ngầm trong luồng nghiệp mà ta đã mang theo từ trong quá khứ. Như cùng trong một cảnh ngộ, người bẩm tánh nóng nảy thì giận dữ, còn người tâm tánh từ ái nhu hòa thì có những tư tưởng dịu hiền. Cùng đứng trước một pho tượng Phật, người Phật tử thuần thành thì có những tư tưởng tôn kính, người thường, không phải Phật tử, thì dửng dưng, bình thản, còn người đã sẵn có ác cảm với Phật Giáo thì sanh tâm bất mãn. Dầu sao, ngày nào chưa chứng đắc Đạo Quả A-La-Hán thì khuynh hướng tâm tánh ngủ ngầm trong luồng nghiệp vẫn còn nằm trong vô minh, và sẻ gieo ảnh hưởng đến ý nghĩ, việc làm và lời nói. Đó là tầng lớp thứ nhì, có thể ví với ý tưởng muốn quẹt cây quẹt trên hộp diêm.

Cuối cùng, do sự thúc đẩy của những tư tưởng vừa phát sanh -- như những ý nghĩ thấm nhuần từ, bi, hỷ, xả hay những tư tưởng tham lam, sân hận, ganh tỵ v.v... -- ta có những hành động thanh cao, hiền dức hay hung ác, bạo tàn. Hành động nầy cũng như ngọn lửa phực lên vì có người cầm quẹt, quẹt vào hộp diêm. Người ấy sẽ dùng lửa để thắp đèn, nấu bếp hay thiêu đốt một vật gì. Đây là tầng lớp hiển hiện ra ngoài, lớp thứ nhất, ví như băng tuyết trên mặt biển, chỉ để lộ trên mặt nước một phần nhỏ mà mọi người đều thấy. Phần lớn thì chìm đắm trong nước, ta không thấy. 

Giới có khả năng kiểm soát việc làm và lời nói, tầng lớp trên hết. Chánh Ngữ kiểm soát khẩu nghiệp. Chánh Nghiệp và Chánh Mạng kiểm soát thân nghiệp.

Định thanh lọc tư tưởng, tầng lớp thứ nhì. Chánh Niệm theo dõi và phát giác các pháp -- thiện và bất thiện -- chưa, hoặc đã phát sanh, hay biết, nhận diện, bạn hay thù đã đến hoặc chưa đến. Chánh Tinh Tấn ngăn chận và diệt trừ bất thiện pháp, đồng thời phát triển và củng cố các thiện pháp, tức ngăn chặn quân thù chưa đến, tiêu diệt quân thù đã đến, đồng thời đón mừng, và cố giữ bạn lành. Chánh Định củng cố Chánh Niệm để phát huy trí tuệ.

Tuệ diệt trừ những ô nhiễm tiềm tàng ngủ ngầm trong luồng nghiệp, tầng lớp cuối cùng dưới đáy sâu. ánh sáng của Chánh Kiến và Chánh Tư Duy lấn dần bóng tối của vô minh cho đến ngày tuyệt đối chỉ còn hào quang rực rỡ của trí tuệ.

Với trí tuệ siêu phàm hành giả đã chứng ngộ thực tướng của vạn pháp là vô thường, khổ, vô ngã. Nhận thức chắc thật rằng không có cái gì có thể là "ta" và "của ta", tự nhiên hành giả không còn thương hay ghét, không "ái", và do đó không "thủ", không "hữu", chấm dứt tiến trình sanh tử, thoát ra khỏi vòng luân hồi, thành tựu trạng thái Vô Sanh Bất Diệt, Tịch Tịnh Trường Cửu, Niết Bàn.

Đứng về phương diện Thanh Tịnh Đạo, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng đưa đến Giới Tịnh. Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định đưa đến Tâm Tịnh, giai đoạn thứ nhì. Cuối cùng Chánh Kiến và Chánh Tư Duy giúp thanh lọc Tri Kiến, gồm Kiến Tịnh, Đoạn Nghi Tịnh, Đạo Phi Đạo Tri Kiến Tịnh, và Kiến Tịnh. Như vậy, Bát Chánh Đạo thanh lọc chúng sanh trên suốt bảy giai đoạn của Con Đường Trong Sạch (Visuddhi Magga, Thanh Tịnh Đạo). Bát Chánh Đạo là Con Đường dẫn chúng sanh từ bờ mê sang bến giác, từ phàm đến Thánh, là Con Đường Giải Thoát, Con Đường đưa đến hoàn toàn Tự Do. Đó là con đường lên từng bậc, tuy dài dẳng nhưng châu toàn.

Trong kinh Mahà Parinibbàna (Đại Niết Bàn), để trả lời một câu hỏi của Đạo Sĩ Subhadda, Đức Thế Tôn có lời dạy:

"Trong bất luận giáo đoàn nào, nếu không có Bát Chánh Đạo thì cũng không có hạng nhất đẳng sa-môn (Tu Đà Huờn), cũng không có nhị đẳng sa-môn (Tư Đà Hàm), tam đẳng sa-môn (A-Na-Hàm), hay tứ đẳng sa-môn (A-La-Hán). Trong giáo đoàn nào có Bát Chánh Đạo, nầy Subhadda, thì cũng có hạng nhất đẳng, nhị đẳng, tam đẳng và tứ đẳng sa-môn. Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất."

Vì là Con Đường Duy Nhất (ekayana), Bát Chánh Đạo cũng là Con Đường Cũ Xa Xưa mà tất cả chư Phật và chư vị A-La-Hán quá khứ đều phải trải qua.

Bát Chánh Đạo là con đường. Đức Phật là người đã khám phá con đường, đã vạch ra và rọi sáng con đường cho chúng sanh. Chư Tăng, những vị hội viên của Giáo Hội Tăng Già là những người đi trước, bước theo dấu chân của Đức Bổn Sư, và dẫn dắt chúng ta noi theo con đường. Nhưng phần chúng ta là phải kiên trì nỗ lực, tiến bước trên con đường. Trong toàn thể Bát Chánh Đạo không có lời nào dạy ta van vái nguyện cầu để được giải thoát.

Hãy lắng nghe lời dạy của Đức Kassapa (Ca Diếp):

"Những bộ chân cường tráng dũng mãnh tiến bước trên con đường gay go cam khổ, giữa đám giông to bão lớn, và trải qua bao nguy hiểm gian lao, để lần hồi trèo lên đỉnh núi. Người yếu sức nghiêng ngã bên nầy bên kia theo chiều gió, vẫn còn quanh quẩn dưới chân đồi và vì quá mệt mỏi, dừng bước lại nhiều lần để nghỉ.

"Con Đường Tám Chi (Bát Chánh Đạo) dẫn đến nơi an vui hạnh phúc cũng dường thế ấy. Người mạnh, kẻ yếu, người cao thượng kẻ thấp hèn, chúng ta cùng nỗ lực lần hồi tiến bước trên con đường ấy. Có những bẩm tánh cương quyết, không ngại bão bùng giông gió. Cũng có những tâm hồn ươn yếu, mỏi mệt, dừng bước nghỉ chân bên đàng.

"Tất cả chúng ta đều có đủ tiềm năng vượt qua cơn giông tố để rồi một ngày kia, bước chân lên tận đỉnh núi cao, nơi tuyết phủ trắng trong rực rỡ chói lọi, trong ánh sáng mặt trời."


 

Chú thích:

[11] Xem trang trước

[12] Xin xem lại đoạn Tứ Niệm Xứ trong phần Chánh Niệm.

HẾT

tải về 0.58 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương