Phạm Kim Khánh



tải về 0.58 Mb.
trang11/14
Chuyển đổi dữ liệu17.08.2016
Kích0.58 Mb.
#21458
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   14

Chánh Mạng


Chánh Mạng là hành nghề chân chánh để nuôi mạng. Kinh sách thường đề cập đến năm nghề không nên làm là: Buôn bán khí giới, chăn nuôi hay bán thú để làm thịt, buôn bán người để làm nô lệ, buôn bán độc dược, buôn bán rượu và các chất say. Tinh thần của năm điều kiêng cữ nầy là không nên nuôi mạng sống của mình bằng cách hành những nghề có thể trực tiếp hay gián tiếp làm cho ta tạo nghiệp bất thiện. Trong một bài thuyết trình về Tứ Diệu Đế V.F. Gunaratna viết: 

"Cuộc chiến đấu để sống và những nhu cầu khẩn thiết được tạo nên để bảo tồn đời sống cá nhân và nuôi sống gia đình bắt buộc con người phải xem công cuộc làm ăn sinh sống là một vấn đề quan trọng và do đó, có một thúc giục cấp bách đẩy con người đi dài theo kiếp sống để thành tựu điều nầy.

"Xét rằng những gì công bằng và lịch sự đều bị vứt bỏ, biến tan theo chiều gió, và xét rằng những hậu quả tai hại xảy đến cho kẻ khác sẽ bị lãng quên, không ai nghĩ tới hay nhắc đến, con người có thể bị quyến rũ đi vào con đường bất chánh. Đó là điều mà chúng ta phải thận trọng giữ mình, đừng để bị rơi vào những quyến rũ tương tợ. Bằng mọi giá chúng ta phải giữ cho Chánh Mạng của mình được trong sạch. Yếu tố Chánh Mạng dẫn đến giới đức trong sạch, người hành nghề theo đúng Chánh Mạng mới có thể nghiêm trì giới luật, bằng cách tránh xa sự buôn bán khí giới, bán thú để làm thịt, bán người làm nô lệ, bán rượu, bán độc dược.

"Thông thường ta nghĩ rằng phải tránh, không nên hành chỉ có bao nhiêu nghề đó để giữ cho Chánh Mạng được trong sạch. Không phải chỉ có vậy. Trong bộ Majjhima Nikàya, Trung A-Hàm, có đoạn ghi rằng hành những nghề có "sự lường gạt, nịnh bợ, mờ ám, chia rẽ, cố ăn", đều được xem là không Chánh Mạng. Một cách tổng quát, như có ghi trong Digha Nikàya, Trường A Hàm, Chánh Mạng được xem là tránh xa những lối sống bất chánh, và sống đời chân chánh."

Các vị tỳ khưu sống không nhà cửa, không gia đình, và tất cả tài sản chỉ bao gồm có bộ y và bình bát. Các Ngài không phải buôn bán hay làm lụng để sinh sống như người tại gia cư sĩ, nhưng cũng có giới Chánh Mạng. Đối với hàng tu sĩ, Ngài Ledi Sayadaw phân làm bốn loại Chánh Mạng là:

1. Tránh xa, không nuôi mạng bằng những phẩm hạnh sai lạc như phạm một trong ba thân bất thiện nghiệp và bốn khẩu bất thiện nghiệp. 

2. Tránh xa sự nuôi mạng bằng những phương pháp bất chánh như nịnh bợ, đưa thơ từ qua lại v.v... 

3. Tránh xa sự nuôi mạng bằng cách gạt gẩm người khác, như dụ dỗ người theo mình tu học để được thần thông, hay khoe khoang mình đã đắc Thánh Quả, hay nói cho người ta bực mình phải cho ra một vật gì để mình đi cho rồi, hoặc nữa, bỏ ra một món quà nhỏ để câu lấy một món quý giá hơn. 

4. Tránh xa sự nuôi mạng bằng những kiến thức trần tục, như coi tướng số, bói quẻ v.v... 

Tóm lại, Chánh Mạng tạo tình trạng điều hòa trong đời sống xã hội và đem lại trạng thái an lành hạnh phúc cho từng cá nhân. Nếu người sống tà mạng hằng ngày gạt gẫm, giết chóc, hoặc say sưa, trộm cắp, và do đó, gây xáo trộn cho toàn thể cộng đồng, thì người có Chánh Mạng đem lại tình trạng an toàn, hòa hợp, cho tất cả mọi người.

*

Ba chi Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng hợp thành phân hạng "Giới", hay phần luân lý trong Bát Chánh Đạo. Giới là những quy tắc đạo đức có tác dụng như những tấm bảng màu đỏ dựng bên lề đường để cảnh báo hiểm họa sa đọa, những gì không nên làm, những điều nên tránh (varitta). Đàng khác, Giới cũng là nếp sống kỷ cương được xem như những tảng đá vững chắc cẩn trên con đường đưa đến an tĩnh hoàn toàn, hạnh phúc tuyệt đối, những gì nên làm (caritta).



Giới được ban hành nhằm tạo thân và khẩu nghiệp trong sạch, nhưng chính phẩm hạnh tuyệt hảo tự nó chỉ là phương tiện. Mục tiêu tối hậu của Giới -- hiểu theo Bát Chánh Đạo -- là thoát ra khỏi mọi hình thức khổ đau của đời sống, và vượt đến hạnh phúc trường cửu, Niết Bàn.
 

Chú thích:

[10] Ràhula là con của Đức Phật khi còn là Thái Tử Siddhatta, xuất gia lúc bảy tuổi.
 

Chánh Tinh Tấn


Chánh Tinh Tấn là nỗ lực chân chánh. Không mục tiêu tốt đẹp nào có thể thành tựu được một cách mỹ mãn nếu không có sự cố gắng. Thoát ra khỏi những đau khổ của vòng luân hồi mà từ vô lượng kiếp chúng ta mãi thênh thang lê bước là một công trình vô cùng quan trọng, thì sự cố gắng cũng phải ở một mức độ tương đương, nghĩa là phải tột bực kiên trì và tận lực dũng mãnh cố gắng.

Phật Giáo không chủ trương rằng chỉ van vái nguyện cầu suông mà có thể giải thoát. Kinh Pháp Cú dạy: 

"Làm điều ác, do ta. Quả thật vậy, ô nhiễm do ta. Cũng do ta, không làm điều ác. Quả thật vậy, được thanh lọc do ta. 
Trong sạch hay ô nhiễm đều tùy nơi ta. Không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch," (câu 165)

Đức Phật chỉ có thể vạch ra cho chúng ta con đường. Phần chúng ta là phải noi theo con đường ấy để tự thanh lọc. Đi hay không, và đi đúng con đường hay không, là do ta. Không ai có thể ăn cho người khác no. Chí đến Đức Thế Tôn cũng không thể đi để chúng ta đến.

"Chính tự các con phải kiên trì cố gắng. Các đấng Như Lai chỉ là những vị thầy." (Kinh Pháp Cú, câu 276)

Tinh tấn là yếu tố vô cùng quan trọng trong giáo lý nhà Phật. Trong ba mươi bảy bodhipakkhiya sangaho, Phẩm Trợ Đạo, tức ba mươi bảy phẩm hạnh khả dĩ đưa chúng sanh từ bờ mê đến bến giác, hay ba mươi bảy yếu tố hỗ trợ hành giả đi trên Con Đường đưa đến giác ngộ, Tinh Tấn được nhắc đến tới chín lần, nhiều hơn các hạnh khác. 

Đời sống của Đức Phật là một gương tinh tấn cao cả đến mức cùng tột. Lời nhắn nhủ tối hậu của Ngài trước giờ phút Đại Niết Bàn là, "Appamàdena sampàdetha", "Hãy kiên trì cố gắng". Cùng một thế ấy, lời dạy cuối cùng của Ngài Sàriputta (Xá Lợi Phất), vị Đại Đệ Tử của Đức Phật, là: "Hãy kiên trì cố gắng, đây là lời khuyên dạy của ta." 

Chánh Tinh Tấn có bốn phần, hai liên quan đến bất thiện pháp và hai liên quan đến thiện pháp. Bốn tác dụng của sự nỗ lực chân chánh là ngăn ngừa và dứt bỏ bất thiện pháp, phát triển và củng cố thiện pháp. Trong bộ Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A-Hàm, quyển II, trang 15, bài kinh số 13 và 14, có ghi như sau:

1. Cái gì là tinh tấn ngăn ngừa?

"Nơi đây (trong trường hợp nầy) vị tỳ khưu đặt hết ý chí mình vào công phu ngăn ngừa, không để phát sanh bất thiện pháp, những tư tưởng bất thiện chưa phát sanh. Vị nầy cố gắng phát triển năng lực và dũng mãnh củng cố tâm của mình (để ngăn ngừa).

"Nơi đây, khi vị tỳ khưu thấy một hình thể, nghe một âm thanh, hưởi một mùi, nếm một vị, xúc chạm một vật, hay biết một ý tưởng, vị nầy không bị những đối tượng ấy -- xem như một toàn thể hay từng chi tiết -- làm xúc động. Vị tỳ khưu chăm chú kiểm soát, cẩn mật gìn giữ và điều phục lục căn, không để cho những cảm xúc như ưa thích hay ghét bỏ, những tư tưởng tội lỗi và bất thiện, xâm nhập vào như người không thu thúc lục căn (bị nó xâm nhập). Đó là tinh tấn ngăn ngừa."

2. Cái gì là tinh tấn dứt bỏ?

"Nơi đây, vị tỳ khưu đặt hết ý chí vào công phu dứt bỏ các pháp bất thiện, những tư tưởng bất thiện đã phát sanh. Vị nầy cố gắng phát triển năng lực và dũng mãnh củng cố tâm mình (để dứt bỏ). 

"Nơi đây, vị tỳ khưu không chấp nhận, không dưỡng nuôi, những dục vọng đã phát sanh, mà dứt bỏ, tránh xa và xua đuổi, làm cho nó chấm dứt và tan biến. Cùng thế ấy, dứt bỏ những tư tưởng sân hận và hung bạo đã phát sanh. Đó là tinh tấn dứt bỏ." 

3. Cái gì là tinh tấn phát triển?

"Nơi đây, vị tỳ khưu đặt hết ý chí mình vào công phu tạo nên (làm cho phát sanh) và phát triển thiện pháp, những tư tưởng thiện chưa phát sanh. Vị nầy cố gắng phát triển năng lực và dũng mãnh củng cố tâm của mình (để phát triển).

"Nơi đây, vị tỳ khưu phát triển những yếu tố của sự giác ngộ (Thất Giác Chi) căn cứ trên sự ẩn dật, trên sự dứt khoát từ bỏ, trên sự chấm dứt cuối cùng, đưa đến giải thoát. Những yếu tố ấy là niệm, trạch pháp, tấn, phỉ, an, định, xả. Đó là tinh tấn phát triển."

4. Cái gì là tinh tấn củng cố?

"Nơi đây,vị tỳ khưu củng cố một đề mục (hay công án) hành thiền thuận lợi ... Đó là tinh tấn củng cố.

"Đây là bốn tinh tấn: Ngăn ngừa, dứt bỏ, phát triển và củng cố. Đó là bốn tinh tấn mà Đức Thế Tôn đã ban truyền. Nơi đây vị tỳ khưu, nhờ kiên trì tinh tấn, thành tựu chấm dứt đau khổ."

Trong bài kinh nầy, "pháp bất thiện" là những tư tưởng phát khởi từ ba căn bất thiện là tham, sân, si. Trên phương diện thực hành trong đời sống hằng ngày, bất thiện pháp là mười nghiệp bất thiện đã được đề cập đến trong phần Chánh Kiến. [11]

"Thiện pháp" ở đây không những chỉ là thập thiện nghiệp mà còn là những yếu tố của sự Giác Ngộ (Thất Giác Chi), những yếu tố của Tuệ Minh Sát, đưa chúng sanh đến chỗ giải thoát toàn vẹn ra khỏi mọi khổ đau của biển trầm luân. Theo Ngài Ledi Sayadaw, "thiện nghiệp" là bảy giai đoạn của Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi Magga, con đường trong sạch dẫn đến Niết Bàn): Giới Tịnh, Tâm Tịnh, Kiến Tịnh, Đoạn Nghi Tịnh, Đạo Phi Đạo Tri Kiến Tịnh, Đạo Tri Kiến Tịnh và Tri Kiến Tịnh.

Trong guồng máy phức tạp của con người có cái tâm vô cùng quan trọng. Tâm chứa đựng một kho tàng những đức tánh tốt đẹp và một hầm những tật xấu. Chánh Tinh Tấn là nỗ lực loại bỏ dần những tật xấu, và phát triển những đức tánh tốt đẹp. Cũng như trên một đám đất hoang, muốn thành công gieo trồng giống tốt thì trước tiên phải tiêu diệt cỏ dại, và canh chừng không cho nó mọc lên trở lại. Rồi trên thủa đất sạch tốt ấy ta mới gieo giống, thận trọng vun bón và theo dõi sức trưởng thành của cây. Đó là Chánh Tinh Tấn.



tải về 0.58 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương